Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Chuyến Tàu 16 Giờ 50

Chương 14

Tác giả: Agatha Christie

– Được thôi, nhưng cô đừng suy nghĩ lâu quá. Một dịp thuận lợi như thế này, bất cứ ai lo đến tương lai của mình đều không bỏ qua.

Harold lại nở một nụ cười rộng, để lộ ra hàm răng trắng bóng.

– Chào cô, chúc cô ngủ ngon, cô Lucy Eyelessbarrow và tôi tin rằng đêm nay cô sẽ tìm thấy hướng đi có lợi nhất.

Lúc đi trên thang gác, Lucy gặp Cedric.

Cedrric thì thầm:

– Lucy, tôi có một câu muốn hỏi cô.

– Thật ạ? – Lucy mỉa mai nói. – Hay ông muốn tôi lấy ông và trông nom căn nhà của ông ở Ibiza?

Cedric bác bỏ rất mạnh:

– Không khi nào tôi lại nghĩ đến những chuyện như thế!

– Xin lỗi, vậy là lần này tôi đã lầm.

– Tôi chỉ muốn hỏi cô có bản chỉ dẫn về giờ tàu không.

– Chỉ có vậy? Trên bàn ngoài tiền sảnh có một bản đấy.

Cedric nói:

– Xin được khuyên cô một câu. Cô đừng nên nghĩ ai cũng muốn dan díu với cô. Đúng là cô xinh đẹp, nhưng chưa đủ để đăng ký tham dự cuộc thi hoa hậu đâu… Và tôi có một cách đánh giá đối với cô, đối với cái ý nghĩ kia của cô, cô là người phụ nữ cuối cùng mà tôi nghĩ đến… Cuối cùng!

– Thật ư? Lucy trả lời bằng một thái độ điềm tĩnh đáng làm người khác ngạc nhiên. Hay ông thích tôi làm… mẹ vợ của ông chăng?

– Cô nói cái gì? – Cedric kêu lên kinh ngạc.

– Ông đã nghe rất rõ, tôi không cần nhắc lại! – Lucy nói rồi lao vào phòng mình, đóng cửa lại.

Đến Paris, Chánh thanh tra Craddock tới thăm Chánh thanh tra Dessin. Hai sĩ quan cảnh sát này đã gặp nhau nhiều lần và rất mến nhau. Vì Craddock nói tiếng Pháp thành thạo nên họ trò chuyện bằng thứ tiếng này.

Dessin nói:

– Tất nhiên đây chỉ là một cảm giác. Anh hãy xem tấm ảnh chụp toàn đội múa của đoàn ballet mà tôi đã nói với anh. Chú ý cô vũ nữ đứng thứ tư từ bên trái. Anh có nhận xét gì không?

Craddock làm một cử chỉ mơ hồ. Khuôn mặt méo mó của một tử thi chết vì bóp cổ rất khó so sánh với khuôn mặt một vũ nữ đang sống, giữa các vũ nữ khác, tất cả đều bự phấn sáp và mặc những bộ trang phục đủ kiểu rực rỡ.

Tuy nhiên sau một lúc xem xét kỹ, Craddock nhận xét:

– Cô vũ nữ này có thể là nhân vật tôi đang quan tâm. Tôi chỉ dám nói “có thể” chứ chưa khẳng định. Nhưng cô ta là ai? Anh đã biết những gì về lai lịch cô ta?

– Chưa biết nhiều. Cô ta không phải loại vũ nữ xuất sắc! Mà đoàn ballet Maritski cũng không phải đoàn nổi tiếng. Họ chỉ biểu diễn tại những rạp loại hai và những chuyến lưu diễn ra nước ngoài của họ không gây bất cứ dư luận nào. Trong đoàn không có một vũ nữ nào được giới thượng lưu chú ý. Nhưng tôi sẽ đưa anh đến gặp bà giám đốc.

Bà Joliette là một phụ nữ thành thạo về kinh doanh, có cặp mắt ranh mãnh, vóc người to béo, lại có một chút lông ở mép.

– Tôi rất không ưa cảnh sát! – bà ta nói ngay, không giấu vẻ khinh bỉ. – Họ chuyên gây chuyện rắc rối cho tôi.

– Xin bà bình tĩnh đã, – Chánh thanh tra Dessi, người có thân hình trái ngược với bà Joliette, ôn tồn nói. – Tôi gây chuyện rắc rối cho bà bao giờ nào?

– Thì đấy thôi, ông quên cái vụ một diễn viên của tôi tử tự hụt đi si mê anh chàng chỉ huy dàn nhạc đấy ư? Do anh này có tính hoàn toàn không quan tâm đến phụ nữ. Cuộc điều tra của các ông làm cả đoàn rối tinh rối mù lên! Chưa kể đoàn ballet của tôi mang tiếng.

– Bà còn phàn nàn gì nữa? Chính vụ đó làm số người mua vé tăng lên gấp bội trong cả một thời gian dài. Mà chuyện đó xảy ra từ ba năm trước rồi. Nhưng thôi, ta hãy nói chuyện về cô Anna Stravinska.

– Nói gì về nó?

– Cô ấy gốc Nga?

Hoàn toàn không! Tại các ông thấy cái tên cô ấy chứ gì? Vậy ra các ông chưa hiểu, bọn chúng lấy các tên kiểu Do Thái ấy chỉ cốt ăn khách thôi… Con Anna này sắc tài đều thuộc loại xoàng. Mỗi thân hình trông tàm tạm chỉ đủ để múa trong những lớp đông người.

– Quốc tịch Pháp?

– Tất nhiên. Cô ta có thẻ căn cước hẳn hoi, nhưng một lần cô ta nói với tôi, cô ta có chồng người Anh.

– Chồng cô ta là người Anh? Còn sống hay đã chết?

Bà Joliette nhún vai:

– Làm sao tôi biết? Bọn con gái ấy, đứa nào cũng rất lôi thôi về chuyện quan hệ với đàn ông, ai mà biết được?

– Lần cuối cùng bà nhìn thấy cô Stravinska là hôm nào?

– Tôi dẫn đoàn đi biểu diễn trên đất Anh trong 6 tuần. Chúng tôi biểu diễn ở Torquay, Bournemouth, Eastbourne và rất nhiều thành phố thị trấn khác tôi không nhớ xuể. Cuối cùng, chúng tôi biểu diễn ở thủ đô London, đúng ra là ở khu ngoại thành Hammersmith của London. Rồi chúng tôi về Pháp, không có Stravinska cùng về. Con bé gửi cho tôi một lá thư, xin phép lưu lại đó ít lâu để giải quyết công việc riêng. Tôi có bao giờ tin những lời nói dối trá của bọn chúng đâu? Rất có thể con Stravinska đã gặp một gã đàn ông giàu có nào đấy.

Craddock mỉm cười, ông thấy đó là kiểu suy nghĩ của loại phụ nữ như bà giám đốc Joliette này.

Bà ta nói thêm:

– Không có nó đoàn chẳng ảnh hưởng gì, vì thiếu gì những vũ nữ sắc tài đều hơn nó đang muốn làm.

– Cô ấy bỏ đoàn vào thời gian nào?

– Để tôi nhớ lại xem … Chúng tôi trở lại Pháp… Tôi nhớ ra rồi: Chủ nhật trước lễ Nôen. Stravinska xin nghỉ trước đó ba người. Tôi còn nhớ hôm biểu diễn Hammersmith nó không tham gia, tôi đã phải thay đổi, tập lại đôi chút các lớp múa. Rồi lại xảy ra chuyện hôm ấy múa trục trặc nữa chứ. Tôi mong con bé ấy đừng bao giờ vác mặt về trước mặt tôi nữa! Nhưng thôi, chuyện đã qua rồi. Con bé khốn kiếp ấy hẳn được ăn một cái lễ Noel tuyệt vời. Nhưng các ông tìm nó có việc gì? Hay nó mới giàu sụ lên?

– Trái lại – Craddock nói. – Chúng tôi e cô ấy đã chết, bị giết.

– Có thể lắm! Chuyện ấy xảy ra luôn ấy mà… Mà tôi nói thêm, con Stravinska này rất ngoan đạo, chủ nhật nào cũng đi lễ nhà thờ.

Dessin tỏ vẻ sốt ruột, nhưng Craddock đã nói chen vào:

– Cô ta có nói với bà về một đứa con không?

– Con à?… Các ông bảo Stravinska có một đứa con? Tôi không tin. Loại vũ nữ như bọn chúng rất biết cách … ông Dessin đã thừa biết…

– Rất có thể cô ấy có con trước khi làm vũ nữ chuyên nghiệp… Từ hồi chiến tranh chẳng hạn…

– Hồi chiến tranh?… Cũng có thể, nhưng tôi không biết.

– Trong đoàn ballet, cô ấy thân với những ai nhất?

– Tôi có thể đưa ra cho các ông hai hoặc ba cái tên.

Không thể hỏi thêm được gì. Chánh thanh tra Craddock chìa ra cho bà Joliette xem hộp phấn do cô Lucy Eyelessbarrow tìm thấy.

– Đàn bà con gái nào chẳng có một hộp như thế này, – bà Joliette đơn giản đáp.

Rồi viên Chánh thanh tra nói đến tấm áo măng tô bằng lông thú mua ở London.

Bà Joliette nói:

– Hai ông hiểu cho, tôi chỉ lo chuyện dàn tập và biểu diễn, đâu có quan tâm đến thứ gì khác, nhất là cách ăn mặc của đám diễn viên.

Gặp bà giám đốc xong, hai Chánh thanh tra gặp một số nghệ sĩ múa. Hai cô rất thân với Stravinska, nhưng cho biết cô này hầu như không bao giờ tâm sự chuyện đời tư. Riêng cô thứ ba kể rằng Stravinska chuyện phịa ra đủ thứ chuyện:

– Nó bảo nó là nhân tình của một Quận Công… hoặc một chủ nhà băng lớn ở London. Rồi nó lại kể nó đã từng tham gia lực lượng kháng chiến hồi chiến tranh. Có lần nó còn táo tợn bịa ra là nó đã từng đóng vai chính trong một số bộ phim Hollywood!

Một cô vũ nữ khác quả quyết:

– Stravinska kể rằng một nhà triệu phú ở Anh sắp đưa nó đi một chuyến ngao du trên biển trong du thuyền của ông ta, vì nó giống con gái ông ta đã chết trong một vụ tai nạn ô tô. Đúng là chuyện dối trá!

Craddock thầm nghĩ: “Tóm lại, mấy cô bạn nói quá lên!”

Tuy nhiên, mới chỉ phát hiện ra hai sự việc quan trọng và rõ ràng là có thật: một là ngày 19/12, Stravinska đã quyết định không trở về Pháp. Hai là hôm sau, ngày 20, một phụ nữ hình dạng giống Stravinska đã lên chuyến tàu 16 giờ 33 phút chạy từ London theo hướng thành phố Brackhampton và đã bị bóp cổ chết ngay trên tàu.

Nếu người phụ nữ trong cỗ quan tài cổ chỉ giống chứ không phải là Anna Stravinska, thì cô vũ nữ này hiện đang ở đâu?

Bà giám đốc Joliette thì khăng khăng: Nó đang đi theo một gã đàn ông.

Rất có thể bà nói có lý. Craddock lại chìm đắm vào những suy nghĩ miên man.

Một khả năng nữa có thể xét đến, đó là Stravinska có nói đến một người chồng Anh. Phải chăng chính là Edmund Crackenthorpe, người con cả làm phi công đã tử trận trong chiến tranh?

Tuy nhiên có khả năng Stravinska tình cờ quen Martine và biết được quá khứ của Martine cũng như cái chết của Edmund Crackenthorpe. Và khi đó, cô ta đã viết thư cho Emma. Đến khi thấy chuyện có thể bại lộ, cô ta đã bỏ đoàn ballet Maritski. Như vậy, hiện giờ Stravinska trốn ở đâu?

Câu trả lời của bà Joliette vẫn là “Với một gã đàn ông!”

Trước khi rời Paris, Chánh thanh tra Craddock gặp người đồng nghiệp Pháp, bàn cho thống nhất về vụ Martine. Dessin cam đoan sẽ huy động toàn bộ lực lượng để tìm cho ra dấu vết của cuộc hôn nhân giữa Trung uý Edmund Crackenthorpe thuộc Trung đoàn không quân số 4 miền Southshire với một cô gái Pháp tên là Martine. Thời điểm: trước hôm thất thủ thành phố Dunkerque. Dessin cẩn thận nhấn mạnh rằng không phải vùng này chỉ bị quân địch chiếm đóng mà còn bị tan phá khủng khiếp, rất có khả năng các hồ sơ lưu trữ đã không còn.

Về đến Cục Điều tra, Craddock tiếp ngay Trung sĩ thám tử Uitherall (gọi tắt là “Bob”), người được ông giao việc trước khi ông sang Pháp.

Báo cáo của viên trung sĩ không giúp gì được mấy:

Số 126 phố Elvers chỉ là một địa chỉ để gửi và nhận thư, chưa kể ngôi nhà đó đã từng bị mang tiếng.

– Cô không phát hiện thêm được gì chăng?

– Tôi đưa cho người trong nhà xem tấm ảnh của nạn nhân: không ai biết. Có nghĩa không phải chị ta đến đó nhận thư. Hơn nữa, ngôi nhà có rất đông người qua lại, rất nhiều sinh viên trọ ở đó.

Viên Chánh thanh tra cau mày.

Trung sĩ Bob nói thêm:

– Chúng tôi đã kiểm tra các khách sạn và nhà trọ, không ai có tên là Martine Crackenthorpe đến thuê phòng. Sau khi nhận được điện thoại của ông chánh thanh tra, chúng tôi đã đi tìm Anna Stravinska, thì thấy họ tên người phụ nữ này trong sổ của một nàh trọ, cùng với họ tên nhiều nghệ sĩ múa nữa. Người phụ nữ có tên là Anna Stravinska này đã rời nhà trọ đêm 19/12, sau khi biểu diễn ở rạp về. Không rõ đi đâu.

Lộ ra một cử chỉ thất vọng, Chánh thanh tra Craddock ra lệnh cho Trung sĩ Witherall tiếp tục tìm kiếm. Sau một lúc suy nghĩ, ông quyết định đến gặp viên công chứng Wimborne.

Viên Thanh tra được mời vào một phòng giấy trang nghiêm, nhưng cổ lỗ. Công chứng viên Wimborne ngồi ở bàn, giữa những tập hồ sơ phủ bụi. Ngước mắt lên bên trên gọng kính trắng, ông ta nhìn khách bằng thái độ lạnh nhạt thường thấy ở các luật gia khi tiếp người của cơ quan cảnh sát.

– Tôi giúp gì được cho ông? Viên công chứng nhạt nhẽo hỏi.

– Xin ông đọc cho bức thư này.

Khách đặt lên bàn giấy lá thư của Martine gửi tiểu thư Emma. Viên công chứng đưa ngón tay lần theo từng dòng, nhưng không nhấc lá thư lên. Mặt ông từ từ đỏ lên miệng ông méo đi.

– Tôi biết, – ông ta nói giọng khó chịu, tiểu thư Emma Crackenthorpe có viết thư bảo tiểu thư đến Cục Điều tra và kể lại cho tôi nội dung cuộc trao đổi giữa tiểu thư với ông. Xin nói ông biết là tôi rất lấy làm lạ, không sao hiểu nổi tại sao chuyện đó người ta lại không hỏi ý kiến tôi trước. Đúng là lạ!

Chánh thanh tra Craddock vội đưa ra những lời thanh minh cho Emma, nhưng không làm dịu được cơn tức tối của ông công chứng. Cuối cùng Craddock nói:

– Tôi dự đoán trong chiến tranh… có những tình huống hết sức đặc biệt…

Nhưng viên công chứng không để viên Chánh thanh tra nói hết :

– Tình huống đặc biệt, ông nói thế chứ gì? Thời đó cha tôi chịu trách nhiệm về mặt pháp lý tài sản của gia đình Crackenthorpe. Cha tôi mất cách đây 6 năm. Cha tôi không phải hoàn toàn không nói với tôi về cuộc hôn nhân kia, nhưng theo tôi đoán có thể cuộc hôn nhân đó được dự tính, nhưng chưa được thực hiện, cho nên cha tôi không coi đó là một nhân tố cần quan tâm. Hơn nữa, vụ Martine khiến tôi thấy mập mờ và vô lý. Sau bao nhiêu năm không liên hệ, đột nhiên chị ta lại bắt liên lạc… giờ lại bảo rằng con chị ta là con hợp pháp của dòng họ Crackenthorpe! Rất nhiều chất lừa đảo. Mà chị ta phải đưa ra bằng chứng chứ? Tôi cần phải được xem những bằng chứng đó.

– Tôi công nhận. Nhưng giả sử người phụ nữ ấy đúng là Martine và đứa con ấy quả là Edmund Crackenthorpe, thì hai mẹ con chị ta được hưởng những quyền lợi gì?

– Tôi cho rằng chị ta sẽ thuyết phục gia đình Crackenthorpe đảm bảo cuộc sống cho hai mẹ con chị ta.

– Tôi đồng ý nhưng chị ta được quyền gì, về mặt pháp lý?

– Tôi hiểu câu ông hỏi… Viên công chứng lại đeo kính vào, đôi kính trong lúc nóng giận ông đã bỏ ra rồi nhìn viên thanh tra…

… Hiện giờ thì hai mẹ con chị ta chưa được hưởng gì hết. Nhưng nếu đủ bằng chứng con trai chị ta là con Edmund, thì sau khi cụ Luther Crackenthorpe qua đời, đứa con ấy sẽ có quyền hưởng phần thừa kế của cha nó, ông Edmund Crackenthorpe. Thêm nữa, vì là dòng trưởng, đứa trẻ sẽ được thừa kế quyền sở hữu dinh cơ Rutherfort Hall.

Craddock hỏi tiếp, lấy vẻ thản nhiên :

– Nếu người phụ nữ đó không chứng minh được con chị ta là của Edmund Crackenthorpe, thì sau khi cụ Ruther Crackenthorpe qua đời sẽ ra sao?

– Thì ông Cedric sẽ được quyền thừa kế sở hữu dinh cơ Rutherfort Hall.

– Tôi nghe nói Cedric không thiết nhà cửa tiền bạc.

Viên công chứng ngạc nhiên :

– Thật thế chăng? Nhưng kiểu phỏng đoán như vậy tôi không cho là có giá trị hơn một hạt bụi. Trên lý thuyết có những người không cần tiền bạc, nhưng trên thực tế tôi chưa gặp người nào như thế.

Chánh thanh tra Craddock đành chịu thua nhận định của viên công chứng. Tuy nhiên ông vẫn nói thêm :

– Tôi có cảm tưởng lá thư kia đã làm Harold và Alfred rất phẫn nộ…

– Tại sao?

– Họ lo phần thừa kế của họ giảm xuống đáng kể.

– Chắc chắn là như thế rồi.

Ngừng lại một lát, công chứng viên Wimborne nói thêm:

– Nhưng đó chưa đủ là nguyên nhân đẩy người ta đến chỗ giết người!

Viên Chánh thanh tra nói rất khẽ:

– Tôi có cảm giác cả hai người đó hiện đang gặp khó khăn lớn về tài chính…

Viên công chứng nhìn chằm chằm vào viên thanh tra:

– Tôi thấy các ông đang đẩy cuộc điều tra đến cùng. Sự thật là Alfred luôn tự tạo ra những khó khăn cho anh ta. Thỉnh thoảng anh ta kiếm được những khoản tiền lớn, nhưng sau đó anh ta phung phí rất nhanh. Còn Harold thì hẳn ông đã nghe thấy ông ta hiện cũng đang khó khăn về tài chính, tuy không căng thẳng lắm.

– Lạ đấy nhỉ! Tôi thấy ông ta tỏ vẻ con người đang thành đạt.

– Bề ngoài thế thôi! Mọi thứ chỉ là bề ngoài hết, thưa ông thanh tra! Một nửa số doanh nhân thường xuyên cảm thấy họ đang có nguy cơ lụi bại. Các bản quyết toán không có ý nghĩa gì đâu.

Họ có thể tạo nên theo cách để người bình thường như chúng ta rất khó hiểu được thực chất tình hình và đến khi những tài sản tín dụng không thanh toán được và một bất hạnh phải đến nó sẽ rơi vào tình trạng như thế nào?

Có lẽ Harold đang trong tình trạng đó: phải kiếm cho bằng được một nguồn tài chính nào đó.

– Đúng thế! Nhưng như thế chưa đến mức phải bóp cổ bà chị dâu góa bụa của ông anh cả đã qua đời để thoát ra khỏi tình trạng khó khăn về tài chính! Vả lại đã ông con nào nỡ giết bố, cụ Luther Crackenthorpe đâu? Bởi chỉ có cái chết của cụ mới tạo lối thoát về tài chính cho mấy ông con trai kia. Vì vậy, thưa ông thanh tra, tôi chưa biết ông tính toán kiểu đó dựa vào đâu.

Vấn đề nan giải là ngay bản thân Chánh thanh tra Craddock cũng chưa biết trả lời câu đó ra sao!

Bình luận
× sticky