Lúc bước vào phòng đọc sách, viên công chứng Wimborne không khỏi giật mình. Ông nhìn chằm chằm vào người đàn ông cao lớn, dáng vẻ đàng hoàng, đang đứng bên cạnh thanh tra Bacon .
Viên thanh tra Craddock của Cục Điều tra Hình sự ở London, vừa mới được cử về đây.
– Cục Điều tra? Chà!… – viên công chứng lẩm bẩm, rướn đôi lông mày.
Vẻ bình thản và tự nhiên, Craddock bắt đầu vào việc ngay:
– Thưa ông Wimborne, xin hãy bắt đầu công việc. Vì ông là đại diện pháp lý cho gia đình Crackenthorpe, tôi muốn thông báo ngay với ông những thông tin chúng tôi đã có trong tay, tất nhiên là chỉ riêng ông được biết.
Viên chánh thanh tra này rất giỏi trong việc đề cập đến những vấn đề tế nhị. Ngắn gọn nhưng đầy đủ, ông cho viên công chứng thấy toàn bộ tầm nghiêm trọng của vụ án.
– Đồng nghiệp của tôi, ông Bacon, hẳn tán thành chứ? – ông quay sang ông này hỏi.
Thanh tra Bacon trịnh trọng gật đầu. Thái độ của hai viên thanh tra cảnh sát cho thấy họ đã chuẩn bị kỹ càng cho cuộc tiếp xúc này. Tuy nhiên viên công chứng không phải là người dễ bị lừa.
Viên chánh thanh tra nói tiếp:
– Cuộc điều tra sơ bộ cho thấy nạn nhân đã đi từ London đến đây, thành phố Brackhampton này. Thêm nữa, bà ta đến London chưa lâu, rất có thể từ Pháp sang, nhưng điều này chúng tôi chưa hoàn toàn chắc chắn.
Viên công chức lộ vẻ bực bội, nhưng ông chỉ nói:
– Có thật là như thế không?
Thanh tra Bacon nói chen vào:
– Sự thật là như thế, cho nên Sở Cảnh sát thành phố cho rằng vụ án này nên đưa lên cho Cục Điều tra của Bộ thì có đầy đủ điều kiện tiến hành hơn.
Công chứng Wimborne lạnh lùng nói:
– Tôi chỉ mong vụ án được làm sáng tỏ. Các ông hẳn đã thấy vụ án này gây rất nhiều phiền toái cho gia đình thân chủ tôi. Tuy không có người nào trong số thành viên gia đình dính líu đến vụ án, nhưng…
Thấy ông ta ngập ngừng, Chánh thanh tra Craddock bèn đỡ lời:
– … Nhưng họ rất không muốn thấy một tử thi được phát hiện trong dinh cơ của cha họ. Tôi công nhận, nhưng tôi cũng chỉ công nhận một điều đó thôi. Bây giờ tôi muốn gặp riêng từng người trong gia đình.
– Tôi thấy không cần thiết.
– Cần thiết đấy. Rất có thể họ không cung cấp được thông tin nào giá trị, nhưng ta chưa thể nói trước. Riêng ông công chứng, chúng tôi yêu cầu ông cho chúng tôi biết một số thông tin về dinh cơ Josiah Crackenthorpe cho xây toà nhà này năm 1884 đến nay, dinh cơ Rutherford Hall chưa hề có người nào khác đến ở, ngoài các thành viên trong gia đình.
– Điều này đáng chú ý đấy, – Chánh thanh tra Craddock điềm tĩnh nói – Nhưng xin ông cho tôi biết chính xác hơn về gia đình này.
Câu chuyện ông công chứng kể không cung cấp được thêm chi tiết nào mới. Chánh thanh tra Craddock bèn hỏi :
– Nhân đây xin hỏi thêm, cụ Luther Crackenthorpe, chủ nhân hiện nay của dinh cơ này đã bao giờ có ý định bán nó không?
– Bản chúc thư của cụ cố Josiah Crackenthorpe, thân sinh cụ Luther Crackenthorpe hiện nay, đã quy định chính thức: Cấm cụ bán.
– Chà, điều này quan trọng đấy! Hiện ai giữ bản chúc thư đó?
Viên công chức càng khó chịu hơn:
– Tại sao tôi phải trả lời câu đó?
Chánh thanh tra Craddock liền lấy giọng hết sức ngọt ngào đáp:
– Chỉ để rút ngắn thời gian. Vì ông thừa biết, nếu ông không cho tôi xem, tôi có thể xin bản sao chúc thư đó ở Cục Đăng ký?
Viên công chức gượng cười:
– Tôi biết, nhưng tôi muốn khẳng định rằng điều ông yêu cầu không cần thiết. Mọi khoản trong chúc thư đó rất minh bạch, không có điều bí mật nào. Cụ cố Josiah Crackenthorpe để lại một gia tài kếch xù, được đầu tư vào một loạt doanh nghiệp lớn, tiền lãi đó con trai cụ, cụ Luther Crackenthorpe được hưởng. Hẳn các ông biết cụ cố Josiah Crackenthorpe có hai con trai, con đầu đã chết trong một vụ tai nạn, cụ Luther Crackenthorpe hiện nay là con thứ. Chỉ sau khi cụ Luther qua đời, toàn bộ tài sản kia mới được chia đều cho các con cụ. Cụ Luther Crackenthorpe có năm người con, thì hai người đã chết: Edmund Crackenthorpe và Edith Crackenthorpe. Do đấy tài sản sẽ chia tư, cho ba người con còn lại, Cedric, Harold, Emma và đứa cháu ngoại, con trai của bà Edith, cậu Alexander Eastley.
– Đấy là tài sản, còn dinh cơ Rutherford Hall thì sao?
– Dinh cơ sẽ thuộc sở hữu của người con lớn nhất còn lại, cụ thể trong trường hợp này là ông Cedric Crackenthorpe, và sau này là các con ông ta.
Sau một lát suy nghĩ, viên chánh thanh tra hỏi:
– Nghĩa là cụ Luther Crackenthorpe không được quyền định đoạt số phận tài sản cũng như dinh cơ Rutherford Hall?
– Đúng thế.
– Rắc rối đấy. Tôi đoán lúc sinh thời, cụ cố Josiah không ưa cụ Luther?
– Chắc thế. Ngay ông con cả trước khi chết cũng bị cụ cố Josiah ghét, cho là ông ta lười biếng. Đến cụ Luther này, cụ cố còn ghét hơn. Vì thời trẻ, cụ Luther hiện nay đã không thích kinh doanh, mà đi ngao du khắp châu Âu, say mê sưu tầm đồ cổ (thí dụ cái quan tài cổ đó), một công việc mà cụ cố thân sinh không tán thành chút nào. Cho nên cụ cố Josiah mới đề ra trong bản chúc thư những điều khoản kỳ quái như thế : Không cho con được hưởng quyền thừa kế, mà chỉ chia cho các cháu, sau khi cha họ chết.
– Tóm lại là hiện nay, các con cụ Luther Crackenthorpe chưa được hưởng chút tài sản nào, mà phải chờ đến khi cụ qua đời. Trong khi đó, bản thân cụ Luther lại không có quyền định đoạt gì hết vì không có quyền thừa kế. Đúng như thế chứ gì?
– Tuy nhiên tôi vẫn chưa thấy các điều khoản trong bản chúc thư có liên quan gì với người phụ nữ vô danh bị giết kia… một phụ nữ từ nước ngoài đến.
Chánh thanh tra Craddock đáp ngay:
– Có thể không liên quan, nhưng tôi vẫn muốn làm cho rõ.
Viên công chứng nhìn xoáy vào viên chánh thanh tra, sau đó, có vẻ đã mãn nguyện, ông ta xin cáo từ:
– Nếu hai ông không hỏi gì thêm, – viên công chứng Wimborne nói. – Tôi trở về London bây giờ.
– Với chúng tôi, thế là tạm đủ. Cảm ơn ông, thưa ông Wimborne.
Đột nhiên chuông ngoài cửa vang lên.
– Hai đứa trẻ lại làm trò gì rồi! – viên công chứng nói.
Chánh Thanh tra Craddock nói to:
– Chắc chúng nóng lòng muốn ăn bữa trưa. Thôi, chúng tôi để gia đình nghỉ ngơi. Chiều nay, tôi và thanh tra Bacon sẽ quay lại, khoảng hai giờ mười lăm, để tiến hành gặp gỡ từng thành viên trong gia đình.
Nghe nhắc đến chuyện ấy, viên công chứng lại tỏ vẻ khó chịu:
– Các ông thấy có thật cần thiết không?
Viên chánh thanh tra nhún vai:
– Rất có thể một người nào trong số đó nhớ ra một chi tiết có ích cho việc điều tra chăng?
Viên công chứng mặt tối sầm, bước ra khỏi phòng.
Xong cuộc thẩm vấn của viên cảnh sát trưởng địa phương, Lucy vào bếp. Bữa trưa nay sẽ có rất nhiều người ăn. Trong lúc cô đang tất bật làm thì ông con rể Bryan Eastley hiện ra trên ngưỡng cửa bếp :
– Tôi có thể giúp gì cô được không? – ông ta hỏi – Tôi nghĩ tôi có thể giúp được gì đó trong cái nhà này.
Hơi ngạc nhiên, Lucy tò mò ngước nhìn ông ta. Bryan không ngồi xe chung mà về Rutherford Hall bằng ô tô riêng của ông ta, cho nên Lucy chưa có dịp quan sát con người này. Bây giờ cô mới nhìn kỹ, thấy Bryan khá đáng mến và còn tương đối trẻ. Mái tóc nâu và cặp mắt xanh có phần mơ màng. Hàng ria mép dầy khiến ông ta giống một phi công của lực lượng không quân Anh.
Chưa thấy cô người làm trả lời, Bryan ngồi xuống bên cạnh bàn bếp rộng.
– Xin ông đứng dậy cho, được không? – Lucy nói – Tôi cần đặt đĩa pudding.
Bryan vội vã đứng lên.
Ông ta nói:
– Theo lối của người Anh xưa kia, món pudding bao giờ cũng ăn kèm với thịt bò rán. Nó có cái mùi rất dễ chịu! Nhưng có lẽ tôi chẳng nên nói nhiều, còn để cô làm.
– Ông muốn giúp tôi một tay kia mà! – Lucy nói giọng vui vẻ. – Vậy ông lật hộ tôi những miếng khoai tây trên chảo.
Bryan thực hiện ngay.
Lucy nói tiếp:
– Bây giờ ông bỏ món pudding vào lò hộ.
Bryan vội vã làm, nhưng ông ta khẽ kêu lên.
– Ông bị bỏng rồi chứ gì? – Lucy hỏi.
– Hơi một chút thôi.
– Chắc ông chưa bao giờ nấu ăn, đúng vậy không?
– Trái lại, tôi rất hay phải nấu nướng. Nhưng tài ba của tôi chỉ thu hẹp trong hai món: trứng tráng và mỡ hun khói. Thỉnh thoảng tôi làm thêm một món rán.
– Sống ở London ông thấy dễ chịu chứ?
– Dễ chịu gì đâu? – ông ta nói giọng hơi buồn.
Rồi ông ta ngắm nghía căn bếp:
– Nhìn cảnh tượng này tôi nhớ lại thời nhỏ, sống với cha mẹ, sung sướng biết bao nhiêu!
Có vẻ Bryan chìm đắm trong những kỷ niệm xa xưa. Thái độ ấy làm Lucy chú ý. Cô thầm nghĩ, có lẽ ông ta nhiều tuổi hơn vẻ bề ngoài. Dù sao, ông ta cũng không có nét gì giống con trai ông, cậu Alexander.
Bryan làm Lucy nhớ đến những phi công của lực lượng không quân Anh cô đã tiếp xúc hồi chiến tranh, hồi đó cô còn ở tuổi thiếu nữ.
– Ông đã từng lái máy bay chiến đấu?
– Chính thế mà tôi đâm gặp khó khăn. Người ta quá yêu quý phi công chiến đấu cho nên khi hoà bình trở lại, họ cố kiếm việc cho chúng tôi. Thế là rất tốt, nhưng làm công chức không hợp với tính nết tôi. Cô có thể tưởng tượng, người như tôi mà ngồi cạo giấy trong văn phòng! Đã bao nhiêu lần tôi tìm cách thoát ra, làm một thứ gì đó. Nhưng tôi lại không có vốn. Giá như tôi có một khoản tiền nhỏ để bắt đầu một hoạt động kinh doanh nào đấy thì thật thoả nguyện.
Bryan thở dài, nói tiếp:
– Cô không biết vợ tôi, bà Edith, nhỉ?… Tất nhiên là cô không biết bà ấy rồi! Edith hoàn toàn khác những người trong gia đình này, bởi bà ấy đã từng phục vụ trong quân đội. Bà ấy còn kể với tôi, cha bà ấy là người dối trá và bủn xỉn. Nói riêng với cô, cô Eyelessbarrow, cô biết do đâu ông cụ bủn xỉn không? Cụ thấy cho đến khi chết, cụ không được hưởng quyền sở hữu gia tài này, bởi gia tài không thừa kế cho cụ mà cho các con của cụ, tất nhiên sau khi cụ chết. Edith đã chết, nhưng phần thừa kế của bà ấy sẽ chuyển sang cho thằng Alexander, khi nó đủ hai mươi mốt tuổi.
Vừa lúc ấy, Alexander cùng cậu bạn Stoddard thở hồng hộc chạy vào, mặt mũi đỏ ửng vì giá lạnh bên ngoài.
– Chào bố! – cậu ta dịu dàng nói. – Con thấy bố đã hạ cánh xuống bếp!
Cậu ta nói bằng giọng như bố nói với con chứ không phải con nói với bố. Rồi nhìn mấy đĩa thức ăn, cậu ta reo lên:
– Thịt bò rán trông ngon quá!
– Cậu tránh ra cho tôi làm nào. Còn món nước xốt tôi chưa làm!
– Phải tối thiểu hai bát nước xốt đấy chứ? – Alexander nói.
Stoddard vẻ trịnh trọng chen vào:
– Cô Lucy, chúng cháu có giúp gì được cho cô không?
– Thế thì còn gì bằng! Cậu ra gõ cửa chuông báo mời mọi người chuẩn bị xuống ăn. Còn Stoddard, cậu bưng hộ tôi cái khay thức ăn này sang phòng ăn.
Hai đứa trẻ vui vẻ thực hiện ngay.
Ngoài gian tiền sảnh, viên công chứng Wimborne đang trịnh trọng xỏ tay vào găng. Trong khi đó, tiểu thư Emma từ trên gác đi xuống.
Cô nói:
– Mời ông ở lại ăn với chúng tôi, ông Wimborne!
– Cảm ơn tiểu thư, tôi phải đi London bây giờ, có cuộc hẹn quan trọng. Tôi sẽ ăn trên tàu.
– Tôi rất biết ơn ông đã đến đây, khiến chúng tôi thấy yên tâm hẳn.
Đúng lúc ấy, hai viên thanh tra cảnh sát, Craddock và Bacon, trong phòng đọc sách bước ra. Thấy vậy, viên công chứng bước đến bên Emma:
– Tiểu thư đừng lo lắng gì hết. Đây là chánh thanh tra Craddock ở Cục Điều tra, đến đây trực tiếp tiến hành công việc. Sau bữa ăn, ông ta sẽ hỏi tiểu thư một số điều. Và tôi xin nhắc lại, trong chuyện này không có bất cứ điều gì khiến tiểu thư phải lo lắng hết.
Quay sang viên chánh thanh tra, Wimborne hỏi:
– Tôi có thể kể với tiểu thư Emma những gì ông đã cho tôi biết không?
– Tất nhiên là được.
– Vậy thì thế này, cô Emma ạ. Chánh thanh tra Craddock cho tôi biết vụ án vượt ra ngoài chức trách của chính quyền địa phương. Người phụ nữ bị giết từ London đến đây. Và lại là người từ nước ngoài đến Anh.
– Người nước ngoài? – Emma kinh ngạc. – Hay bà ta là người Pháp?
Câu nói của Emma làm viên công chứng ngạc nhiên, quay đi. Trong khi đó, mắt viên chánh thanh tra Craddock lại chăm chú nhìn Emma, thầm nghĩ, tại sao cô này nghĩ ngay đến chuyện người phụ nữ bị giết kia là người Pháp? Và do đâu thái độ cô ta lại có vẻ hốt hoảng như vậy?