Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cô Gái Trong Trang Sách

Chương 10: Cô gái trong trang sách

Tác giả: Guillaume Musso

Linh hồn của các tiểu thuyết gia chỉ có chỗ cho các nhân vật của họ, cũng giống như linh hồn của một người nông dân sùng đạo do Jésus-Marie-Joseph chiếm giữ, hay linh hồn của một kẻ điên do quỷ dữ chiếm giữ.

Nancy HUSTON

Không khí trong nhà đã tĩnh lặng trở lại sau cơn bão. Sau khi đồng ý quay vào phòng khách, cô gái liền nhốt mình trong phòng tắm còn tôi đi pha trà và kiểm tra lại tủ thuốc.

Malibu Colony

9 giờ sáng

Cô gái ra bàn bếp ngồi với tôi. Cô ta đã tắm, khoác lên người chiếc áo choàng tắm của tôi và dùng một chiếc khăn mặt quấn quanh vết thương để cầm máu.

– Tôi có một túi dụng cụ sơ cứu, tôi nói, nhưng nó không được đầy đủ lắm.

Tuy vậy, cô gái vẫn tìm được trong chiếc túi nhỏ đó một lọ thuốc sát trùng rồi cẩn thận lau rửa vết thương.

– Tại sao cô lại làm thế?

– Dĩ nhiên là bởi vì anh không muốn nghe tôi nói rồi!

Tôi thấy cô gái banh mép vết thương ra kiểm tra độ nông sâu.

– Tôi sẽ đưa cô tới bệnh viện. Vết thương của cô cần phải khâu vài mũi.

– Tôi sẽ tự khâu, tôi là y tá mà, anh đừng quên. Tôi chỉ cần thêm chỉ phẫu thuật và một chiếc kim vô trùng nữa thôi.

– Ôi, tiếc quá! Lần trước đi sắm đồ tôi quên chưa mua rồi.

– Anh cũng không có băng dính y tế à?

– Nghe này, đây chỉ là một ngôi nhà bên bãi biển thôi, không phải phòng khám chữa bệnh đâu.

– Thế vậy thì tơ hoặc lông đuôi ngựa cũng được? Chúng cũng dùng làm chỉ khâu được. À không, anh còn có thứ tốt hơn nhiều! Tôi chắc chắn đã nhìn thấy thứ kỳ diệu đó, ở chỗ kia, trong…

Đang nói dở chừng, cô gái rời ghế ngồi, đi tới lục lọi ngăn kéo bàn làm việc của tôi, cứ tự nhiên như ở nhà mình.

– Đây này, tôi thấy rồi! cô ta vừa kêu lên vừa hoan hỉ quay lại ghế ngồi, tay không bị thương cầm một tuýp keo dính.

Cô gái vặn nắp tuýp keo nhỏ – trên vỏ có ghi chú: “đặc biệt dành cho đồ gốm sứ” – rồi bôi một đường lên vết thương.

– Này này, cô biết chắc mình đang làm gì đấy chứ? Không phải như ở trong phim đâu!

– Đúng thế, nhưng tôi thì tôi là một nhân vật trong tiểu thuyết, cô gái tinh ranh đáp. Anh đừng lo, người ta làm ra keo để dùng vào việc này mà.

Cô ta dùng tay bóp miệng vết thương lại rồi cứ giữ như vậy vài giây để chất keo có thời gian kết dính.

– Thế là xong! cô ta đĩnh đạc kêu lên rồi chìa ra cánh tay đã được khâu vá theo cách thủ công.

Cô ta ngấu nghiến lát bánh mì tôi đã phết bơ cho rồi nhấp một ngụm trà. Phía sau tách trà, tôi thấy đôi mắt mở to của cô gái đang cố đọc suy nghĩ của mình.

– Anh đã tử tế hơn rất nhiều rồi đấy, nhưng anh vẫn không tin tôi, đúng không? cô ta đoán mò rồi dùng ống tay áo lau miệng.

– Hình xăm thì không thể coi là một bằng chứng thực sự được, tôi thận trọng nhận xét.

– Thế còn chuyện rạch tay thì sao, có được không?

– Được, nó có thể là bằng chứng cho thấy cô dữ tợn và xốc nổi.

– Vậy thì hãy hỏi tôi bất cứ câu gì anh muốn đi!

Tôi lắc đầu khéo léo lẩn tránh:

– Tôi là nhà văn chứ không phải cảnh sát hay nhà báo.

– Như thế thì dễ dàng quá, phải không?

Tôi hất tách trà của mình vào bồn rửa. Sao lại phải cố trong khi tôi rất ghét uống trà?

– Nghe này, chúng ta giao kèo…

Tôi bỏ lửng câu nói, nghĩ xem nên nói mọi chuyện như thế nào.

– Anh cứ nói.

– Tôi sẽ đặt cho cô một loạt câu hỏi về cuộc đời Billie để kiểm tra, nhưng nếu cô tắc tịt, dù chỉ một câu thôi, thì cô phải đi ngay, không lằng nhằng gì cả.

– Xin hứa.

– Thỏa thuận rồi nhé: trả lời sai một câu, cô lập tức rời ngôi nhà này ngay, nếu không tôi sẽ gọi cảnh sát. Lần này, cô cứ thoải mái rạch tay hay bất cứ chỗ nào khác, tôi sẽ mặc cô ngồi chảy máu ngoài hiên!

– Lúc nào anh cũng thú vị thế hay chỉ cố tỏ ra thế thôi?

– Cô hiểu rõ rồi chứ?

– OK, xin mời câu hỏi của anh.

– Họ tên, ngày tháng và nơi sinh?

– Billie Donelly, sinh ngày 11 tháng Tám năm 1984 tại Milwaukee, gần hồ Michigan.

– Tên mẹ cô?

– Valeria Stanwick.

– Nghề nghiệp của bố?

– Bố tôi làm công nhân tại Miller, hãng bia lớn thứ hai của Mỹ.

Cô ta trả lời nhanh gọn, không một chút lưỡng lự.

– Cô bạn thân nhất của cô?

– Thật đáng tiếc là tôi chẳng có cô bạn gái thật sự nào cả. Chỉ toàn bạn bè thông thường.

– Lần đầu quan hệ tình dục?

Cô gái suy nghĩ một chút, nhìn tôi bằng ánh mắt sa sầm để tôi thấy rằng loại câu hỏi này khiến cô ta không thoải mái và chỉ thế thôi.

– Năm mười sáu tuổi, ở Pháp, trong một chuyến du lịch để học ngoại ngữ tại Côte d’Azur. Anh ta tên là Théo.

Càng nghe cô ta trả lời tôi càng cảm thấy bối rối và qua nụ cười thỏa mãn của cô ta, tôi đoán cô ta cũng biết mình đang ghi điểm. Dù thế nào thì cũng chắc chắn một điều rằng: cô ta thuộc nằm lòng các tiểu thuyết của tôi.

– Đồ uống ưa thích của cô?

– Coca. Loại truyền thống: không phải loại light cũng không phải zero.

– Bộ phim ưa thích?

– Eternal Sunshine of the Spotless Mind. Một bộ phim xúc động về nỗi đau của tình yêu. Đầy chất thơ mà lại u buồn. Anh đã xem chưa?

Cô ta vươn thân hình dong dỏng của mình rồi ra ngồi xuống tràng kỷ. Một lần nữa tôi lại thấy bối rối bởi cô ta giống Billie quá: cũng mái tóc hoe vàng rực rỡ ấy, cũng vẻ đẹp tự nhiên không hề kiểu cách ấy, cũng kiểu giọng nói như chế giễu ấy, cũng những âm điệu mà tôi nhớ đã miêu tả trong sách của mình: “đầy khiêu khích và chế giễu, vừa quả quyết vừa như trẻ con”.

– Những phẩm chất cô mong muốn ở một người đàn ông?

– Đó là câu hỏi của Proust mà, anh lại dùng mánh này à?

– Cũng thế cả thôi.

– Thực ra tôi thích một người đàn ông là đàn ông. Tôi không ưa những anh chàng cứ cố phô ra vẻ nữ tính của mình bằng bất cứ giá nào. Anh hiểu chứ?

Tôi lắc đầu vẻ hoài nghi. Tôi chuẩn bị hỏi tiếp thì cô ta lên tiếng:

– Còn anh, những phẩm chất anh mong muốn ở một người phụ nữ là gì?

– Sự độc đáo, tôi nghĩ vậy. Óc hài hước chẳng phải là tinh hoa của trí tuệ hay sao?

Cô ta chỉ vào khung ảnh kỹ thuật số nơi các tấm ảnh của Aurore lần lượt hiện ra.

– Vậy mà nữ nghệ sĩ dương cầm của anh, cô ấy không có vẻ là một người hài hước.

– Quay lại việc của chúng ta chứ, tôi đề nghị với cô ta khi tới ngồi xuống tràng kỷ.

– Được đặt câu hỏi khiến anh phấn khích, đúng không? Anh chỉ thích chút quyền lực nho nhỏ đó của mình thôi! cô ta bông đùa.

Nhưng tôi không để mình sao lãng và tiếp tục màn hỏi cung:

– Nếu được thay đổi một thứ trong vẻ bề ngoài của mình, cô sẽ chọn điểm gì?

– Tôi thích có thân hình cân đối và đầy đặn hơn.

Còn tôi thì há hốc mồm kinh ngạc. Tất cả đều chính xác. Hoặc là người phụ nữ này bị điên, tự coi mình là Billie nên đã bắt chước nhân vật này từng li từng tí đến đáng kinh ngạc, hoặc cô ta đích thực là Billie và như vậy chính tôi mới là kẻ điên.

– Giờ thì sao nào? cô ta thách thức tôi.

– Những câu trả lời của cô chỉ chứng tỏ được rằng cô đã nghiên cứu kỹ tiểu thuyết của tôi, tôi vừa đáp vừa gắng giấu đi vẻ ngạc nhiên của mình một cách vụng về.

– Vậy thì mời anh cứ việc tiếp tục hỏi.

Đó chính xác là việc tôi định làm. Vì kích động, tôi lẳng quyển sách của mình vào thùng rác mạ crôm để trong bếp rồi mở chiếc máy tính xách tay siêu nhẹ ra, gõ mật khẩu truy nhập vào dữ liệu của mình. Thực ra, có rất nhiều thông tin liên quan đến các nhân vật tôi không đưa vào tiểu thuyết. Để đồng cảm với dàn nhân vật của mình, tôi có thói quen viết khoảng hai chục trang tiểu sử chi tiết cho mỗi nhân vật. Tôi cố gắng đưa vào đó tối đa thông tin, từ ngày sinh, tên cô giáo thời mẫu giáo rồi cả bài hát yêu thích của họ. Ba phần tư những thông tin này sẽ không có mặt trong bản sách hoàn chỉnh nhưng đây là một phần công việc thầm lặng làm nên sự bí hiểm của nghề viết lách. Với kinh nghiệm của bản thân, tôi tin rằng công việc này góp phần giúp các nhân vật của tôi trở nên chân thực hơn, hoặc ít nhất, ở khía cạnh con người, có lẽ nó giải thích tại sao độc giả lại tự nhận ra mình trong các nhân vật của tôi.

– Cô thực sự muốn tiếp tục chứ? tôi vừa hỏi vừa mở file dữ liệu về Billie.

Cô gái lấy từ một trong những ngăn kéo của chiếc bàn thấp ra cái bật lửa nhỏ mạ bạc cùng một gói thuốc lá Dunhill đã hút dở – bản thân tôi cũng chẳng hay là nó có ở đó – hẳn là do một trong số những cô gái tôi gặp gỡ trước khi quen Aurore bỏ quên. Cô gái châm một điếu, vẻ rất thành thục:

– Tôi chỉ chờ đợi có thế thôi.

Tôi nhìn màn hình rồi ngẫu nhiên chọn một mục bất kỳ.

– Ban nhạc rock ưa thích?

– Ừm… Nirvana, cô ta nói nhưng chữa lại ngay: Không, Red Hot!

– Như thế không hay lắm đâu.

– Nhưng đó là câu trả lời chính xác, đúng không?

Đúng là thế. Nhưng chỉ là ăn may thôi. Giờ thì ai chẳng thích Red Hot Chili Peppers.

– Món ăn ưa thích?

– Nếu một cô bạn đồng nghiệp hỏi câu đó thì tôi sẽ trả lời là món xa lát Caesar để không bị coi là một kẻ tham ăn tục uống nhưng món khoái khẩu thực sự của tôi là một xuất cá cùng khoai tây chiên thật béo ngậy!

Lần này thì không thể là ngẫu nhiên được. Tôi cảm thấy những giọt mồ hôi rịn ra trên trán mình. Không một ai, kể cả Milo, được đọc những trang tiểu sử “bí mật” về các nhân vật của tôi cả. Tôi chỉ lưu chúng trong máy tính của mình và đã mã khóa thật cẩn thận để bảo vệ. Không chịu chấp nhận sự thật hiển nhiên đó, tôi lại tiếp tục một câu hỏi khác:

– Tư thế làm tình ưa thích nhất?

– Anh khiến tôi bất ngờ đấy.

Cô gái đứng dậy khỏi tràng kỷ và tới mở vòi nước để dập điếu thuốc đang hút dở.

Việc cô ta không trả lời khiến tôi vững lòng đôi chút:

– Cô đã từng quan hệ với bao nhiêu người rồi? Và lần này thì phải trả lời đấy! Cô không được quyền bỏ qua bất kỳ câu hỏi nào vậy mà cô vừa mới tự cho phép mình làm thế đấy.

Cô ta ném cho tôi ánh mắt chẳng lấy gì làm thiện cảm lắm.

– Rốt cuộc thì anh cũng giống hệt những kẻ khác thôi. Anh chỉ quan tâm đến chuyện đó…

– Tôi chưa bao giờ nói là mình khác biệt cả. Nào, bao nhiêu rồi?

– Dù thế nào thì anh cũng biết rồi: khoảng chục người…

– Chính xác là bao nhiêu?

– Tôi sẽ không đứng đây mà đếm trước mặt anh đâu!

– Việc ấy tốn nhiều thì giờ lắm sao?

– Anh định ám chỉ điều gì thế? Rằng tôi là một con điếm?

– Tôi chưa bao giờ nói thế cả.

– Chưa, nhưng trong đầu anh thì đinh ninh như thế.

Phớt lờ cơn ngượng ngùng của cô ta, tôi cố bắt cô ta phải chịu đựng trò chơi này, nó gần như sắp biến thành một nhục hình:

– Nào, bao nhiêu?

– Chừng mười sáu người.

– Trong số “chừng mười sáu người” này, cô thực sự yêu mấy người?

Cô gái thở dài:

– Hai. Người đầu tiên và người cuối cùng: Théo và Jack.

– Một chàng trai tân và một gã cáo già. Cô lúc nào cũng thích những thứ cực đoan nhỉ.

Cô gái nhìn tôi với vẻ coi thường:

– Ôi, đẳng cấp thật đấy! Anh đúng là một quý ông thực thụ đấy.

Tôi phải thừa nhận rằng trước những màn khiêu khích của tôi, lần nào cô ta cũng thắng.

Reng!

Ai đó vừa bấm chuông cửa, nhưng tôi không hề có ý định ra mở.

– Anh đã kết thúc màn hỏi han ngớ ngẩn của mình chưa? cô ta hỏi tôi với giọng thách thức.

Tôi thử hỏi một câu bẫy cô ta:

– Cuốn sách gối đầu giường của cô?

Cô gái nhún vai đầy khó chịu:

– Tôi không biết. Tôi không đọc nhiều lắm, tôi chẳng có nhiều thì giờ.

– Cái cớ mới hay ho làm sao!

– Nếu anh thấy tôi quá ngốc nghếch thì hãy tự trách mình ấy! Tôi nhắc lại là tôi sinh ra từ chính trí tưởng tượng của anh. Chính anh đã nhào nặn nên tôi!

Reng! Reng!

Đằng sau cánh cửa, vị khách của tôi hẳn đang sốt ruột trước nút chuông cửa, nhưng anh ta rồi cũng chán thôi.

Không còn kiểm soát được tình hình và bị đánh gục trước mỗi câu trả lời chính xác của cô gái, tôi buông xuôi mà không hề ý thức được rằng màn tra hỏi của mình đang quấy rầy cô ta.

– Điều gì khiến cô tiếc nuối nhất?

– Không có con.

– Trong đời cô thấy hạnh phúc nhất khi nào?

– Lần cuối cùng khi tôi tỉnh dậy trong vòng tay Jack.

– Lần gần đây nhất cô khóc là khi nào?

– Tôi không nhớ.

– Nói cho tôi biết đi.

– Tôi không biết nữa, đôi khi chẳng có chuyện gì tôi cũng khóc.

– Lần gần đây nhất mà cô khóc vì một chuyện quan trọng là khi nào?

– Cách đây sáu tháng, khi tôi phải tiêm cho con chó của mình. Nó tên là Argos. Chẳng phải điều ấy được ghi trong file tài liệu của anh sao?

Reng! Reng! Reng!

Tôi đành bằng lòng với những câu trả lời ấy. Tôi cần bằng chứng và đã có quá thừa, nhưng tất cả những chuyện này khiến tôi hoang mang quá đỗi. Trò chơi này vứt tôi xuống một chiều không gian khác, một thực tế khác mà lý trí tôi không chịu chấp nhận. Trong cơn hốt hoảng, tôi hướng nỗi giận dữ của mình sang “Billie”:

– Điều cô sợ hãi nhất?

– Tương lai.

– Cô có còn nhớ ngày tồi tệ nhất trong đời mình không?

– Làm ơn đừng hỏi tôi điều ấy.

– Đây sẽ là câu hỏi cuối cùng đấy.

– Làm ơn…

Tôi nắm chặt lấy cánh tay cô gái:

– Trả lời đi!

– BUÔNG RA, anh làm tôi đau đấy! cô gái vừa hét lên vừa vùng vẫy.

– TOM!

Tiếng người gào lên sau cánh cửa ra vào.

Billie thoát khỏi vòng tay tôi. Khuôn mặt cô ta tái nhợt còn ánh mắt như thiêu đốt đầy đau đớn.

– TOM! MẸ KIẾP! MỞ CỬA RA ĐI CHỨ! ĐỪNG CÓ BUỘC TỚ PHẢI ĐẾN THĂM CẬU VỚI MỘT CÁI MÁY ỦI ĐẤY NHÉ!

– Lại là cậu ta, Milo…

Billie lánh ra ngoài sân hiên. Tôi rất muốn tới an ủi cô gái vì nỗi đau tôi vừa bắt cô phải gánh chịu bởi tôi thấy rõ rằng cô thực sự giận dữ và buồn bã, nhưng quá bối rối trước những gì vừa trải qua khiến tôi cảm thấy để chia sẻ được với người khác quả thực phải nỗ lực rất nhiều.

Bình luận