Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Cô Gái Trong Trang Sách

Chương 26: Cô gái đến từ nơi khác

Tác giả: Guillaume Musso

Những ai đang rơi xuống thường kéo theo cả những người tới cứu họ.

Stefan ZWEIG

Trung tâm y tế khách sạn

Tám giờ sáng

– Này, anh cứ ngáy như sấm thế thì làm sao trông nom được em!

Tôi giật nảy mình mở choàng mắt. Tôi nằm co ro trên tay ghế bành bằng gỗ sồi, lưng mỏi nhừ, lồng ngực đau nhức còn đôi chân thì tê cứng.

Billie đã ngồi dậy trên giường. Khuôn mặt nhợt nhạt của cô ấy đã hồng hào lại đôi chút nhưng mái tóc vẫn bạc trắng. Dù thế nào thì có vẻ như cô ấy cũng đã hào hứng trở lại, đó quả là một dấu hiệu tốt.

– Em thấy trong người thế nào?

– Mệt mỏi lắm, cô vừa thú nhận vừa thè lưỡi ra cho tôi xem, nó đã hồng trở lại. Anh có thể đưa em cái gương được không?

– Anh không chắc đó là một ý hay đâu.

Vì cô ấy cứ nài nỉ nên tôi đành mang ra cho cô ấy tấm gương nhỏ gỡ trên tường phòng tắm xuống.

Cô ấy hãi hùng nhìn mình trong gương, giơ nắm tóc lên, tách chúng ra, rồi vò cho rối bù, săm soi chân tóc, khiếp sợ vì chỉ trong một đêm, mái tóc vàng óc đáng hãnh diện đã biến thành bộ tóc của một bà già.

– Sao… sao lại có thể thế này? cô vừa hỏi vừa đưa tay quệt dòng nước mặt chảy dọc trên má.

Tôi đặt tay lên vai cô. Không biết giải thích cho cô ấy thế nào, tôi đành cố tìm lời lẽ an ủi Billie, đúng lúc ấy cửa phòng mở ra và Milo cùng bác sĩ Philipson bước vào.

Kẹp một chiếc cặp nhỏ dưới cánh tay, khuôn mặt lộ vẻ lo lắng, vị bác sĩ chào chúng tôi qua loa rồi chăm chú hồi lâu vào bệnh án treo phía cuối giường.

– Chúng tôi đã có kết quả phần lớn các xét nghiệm của cô, thưa cô, vị bác sĩ thông báo sau vài phút rồi đưa ánh mắt vừa như phấn khích vừa như bối rối nhìn chúng tôi.

Ông lấy từ túi áo blouse ra một chiếc bút dạ trắng rồi mở chiếc bảng nhỏ trong mờ mang theo người.

– Trước hết, ông bắt đầu nói, tay nguệch ngoạc vài từ lên bảng, thứ chất màu đen sền sệt cô nôn ra đúng là mực dầu. Chúng tôi đã tìm thấy trong đó những dấu hiệu đặc trưng của sắc tố màu, chất trùng hợp, chất phụ gia và dung môi…

Ông bỏ lửng câu nói rồi thẳng thắn hỏi:

– Cô đã uống thuốc độc tự tử phải không, thưa cô?

– Hoàn toàn không! Billie bác bỏ.

– Tôi hỏi vậy là bởi thành thực mà nói, tôi không hiểu làm thế nào có thể nôn ra thứ chất ấy nếu như trước đó người ta không nốc nó vào người. Trước đây chưa từng có ca bệnh nào như vậy.

– Các ông còn tìm thấy gì khác không? tôi hỏi để câu chuyện tiến triển.

Mortimer Philipson chìa cho mỗi chúng tôi một tờ giấy đầy những con số và thuật ngữ mà tôi đã từng nghe nói đến trong các bộ phim truyền hình dài tập như Urgences hay Grey’s Anatomy nhưng không hiểu chính xác chúng có nghĩa gì: NFS, Iono, Urê, Creatinine, Glycemia, kết quả xét nghiệm gan, cầm máu…

– Như tôi nghĩ, xét nghiệm máu đã khẳng định cô bị thiếu máu, vị bác sĩ vừa giải thích vừa viết một từ mới lên tấm bảng. Lượng hồng cầu của cô chỉ có chín gam trên một decilit, thấp hơn mức bình thường. Điều đó giải thích tại sao cô lại xanh xao đến vậy và tại sao cô lại thấy mệt mỏi, đau đầu, hay hồi hộp và choáng váng.

– Vậy chứng thiếu máu này có sao không? tôi hỏi.

– Cần phải làm các xét nghiệm khác nữa mới biết được, Philipson giải thích, nhưng ngay bây giờ đó không phải là điều khiến tôi lo lắng nhất…

Tôi nhìn chằm chằm vào kết quả xét nghiệm máu và dù chẳng hiểu gì nhưng chính tôi cũng nhận thấy một con số bất thường:

– Ông lo lắng về tỷ lệ glycemia, phải vậy không?

– Đúng thế, Mortimer thừa nhận: 0,1 gam trên lít, đây là dạng giảm glucoza huyết nghiêm trọng chưa từng thấy.

– “Chưa từng thấy” nghĩa là thế nào? Billie lo lắng hỏi.

– Người ta mắc chứng giảm glucoza huyết khi tỷ lệ đường trong máu quá thấp, vị bác sĩ giải thích sơ lược. Trong trường hợp não không thể nhận đủ lượng glucoza, ta sẽ cảm thấy chóng mặt và mệt mỏi, nhưng tỷ lệ glucoza trong máu của cô, thưa cô, nằm ngoài mọi quy chuẩn…

– Thế tức là thế nào?

– Thế tức là vào lúc này, khi tôi đang nói chuyện với cô, lẽ ra cô đã chết hoặc ít nhất cũng bị hôn mê sâu rồi.

Milo thốt lên cùng lúc với tôi:

– Phải có nhầm lẫn gì rồi!

Philipson lắc đầu:

– Chúng tôi đã làm lại các xét nghiệm tới ba lần. Thật không thể hiểu nổi, nhưng đó chưa phải là điều bí hiểm nhất.

Vị bác sĩ lại mở nắp chiếc bút dạ trắng ra rồi chấm phác vào không trung:

– Đêm qua, cô bác sĩ nội trú mà tôi đang hướng dẫn làm luận án đã đề nghị chụp phổ. Đó là kỹ thuật cho phép nhận dạng các phân tử khi đo khối lượng của chúng và biết được các đặc tính cấu trúc hóa…

– Thôi, vào thẳng vấn đề đi! tôi ngắt lời ông.

– Phép chụp phổ cho thấy có các phân tử hyđrat cacbon bất thường. Nói cho dễ hiểu thì tức là cô có xeluloza trong máu, thưa cô.

Ông viết từ XELULOZA lên tấm bảng trong mờ của mình.

– Hẳn là các vị đã biết, ông tiếp tục, xeluloza là thành phần chính tạo nên gỗ. Nó cũng có rất nhiều trong bông và giấy.

Tôi chẳng hiểu nổi vị bác sĩ định nói gì nữa. Ông đặt cho chúng tôi một câu hỏi để làm rõ ý của mình hơn:

– Thử tưởng tượng nếu các vị nuốt cả đống bông vào người thì sẽ ra sao?

– Chẳng có gì nghiêm trọng cả, Milo khẳng định. Ăn vào thì sẽ thải ra thôi…

– Hoàn toàn đúng, Philipson tán đồng. Con người không thể tiêu hóa được xeluloza. Đó là điểm khác biệt giữa chúng ta và các động vật ăn cỏ như bò hay dê.

– Nếu như tôi hiểu đúng, Billie nói, thông thường cơ thể con người không chứa xeluloza, vậy thì…

– …vậy thì, vị bác sĩ nói nốt câu, cấu tạo sinh học của cô không phải là của một con người. Mọi chuyện giống như thể một phần cơ thể cô đang dần biến thành “thực vật”…

o O o

Ông để mặc mọi người im lặng một lúc lâu, như thể bản thân ông cũng khó chấp nhận các kết quả xét nghiệm chính ông đã yêu cầu làm.

Vẫn còn một tờ giấy cuối cùng trong chiếc cặp nhỏ của ông: kết quả phân tích những sợi tóc trắng của cô gái.

– Trong những sợi tóc này, nồng độ hydrosunfit natri và peoxit hydro rất cao, peoxit hydro còn gọi là…

– …nước có oxy, tôi đoán.

– Nói chung, vị bác sĩ bổ sung, chất này được cơ thể con người tiết ra một cách tự nhiên. Khi chúng ta già đi, chính chất này khiến tóc chúng ta bạc trắng vì nó cản trở quá trình tổng hợp sắc tố tạo màu cho tóc. Nhưng thông thường, đó là một quá trình diễn ra từ từ, hết sức chậm chạp và tôi chưa từng thấy tóc của ai mới hai mươi sáu tuổi mà đã bạc trắng chỉ sau một đêm.

– Thế có làm cho tóc có màu trở lại như cũ được không? Billie hỏi.

– Ờ… Mortimer ấp úng, đôi khi cũng có trường hợp một phần tóc lấy lại được màu cũ sau khi chữa khỏi bệnh hoặc ngừng quá trình điều trị tích cực, nhưng… thú thật trường hợp ấy rất hiếm.

Vẻ nghĩ ngợi, vị bác sĩ nhìn Billie đầy thương cảm rồi thừa nhận với chúng tôi:

– Căn bệnh của cô rõ ràng là vượt quá khả năng của tôi cũng như của trung tâm khám chữa bệnh quy mô nhỏ này, thưa cô. Hôm nay chúng tôi sẽ giữ cô lại để theo dõi thêm nhưng tôi khuyên cô nên về nước càng sớm càng tốt.

o O o

Một giờ sau

Cả ba chúng tôi cùng ở lại trong phòng bệnh. Billie cuối cùng cũng thiếp đi sau khi đã khóc hết nước mắt. Ngả người trên chiếc ghế đẩu, Milo ăn hết suất ăn mà Billie từ chối, mắt vẫn không rời khỏi tấm bảng vị bác sĩ để quên:

Sắc tố tạo màu

Dung môi Chất phụ gia

Thiếu máu

Xeluloza

Nước có oxy

Hiđrosunfit natri

– Có thể tớ đã tìm ra rồi, cậu ta đột nhiên đứng phắt dậy nói.

Cậu ta cũng tới đứng trước tấm bảng, cầm bút dạ lên và vẽ một hình dấu ngoặc nối hai dòng đầu tiên với nhau.

– Cái thứ mực đậm đặc và nhớt dính mà cô bạn cậu nôn ra là loại mực được dùng trong các động cơ quay khi in. Đặc biệt là trong quá trình in sách của cậu…

– Vậy à?

– Còn xeluloza, đó là thành phần chính tạo ra gỗ, đúng thế không? Mà gỗ thì dùng để tạo ra…

– Ờ… ừm… đồ gỗ?

– …bột giấy, cậu ta vừa chữa lại vừa điền thêm vào phần ghi chú của bác sĩ Philipson. Còn về nước có oxy và hiđrosunfit thì đó là hai hợp chất người ta dùng để tẩy…

– …giấy, đúng không?

Thay cho câu trả lời, cậu ta quay tấm bảng trong mờ về phía tôi:

– Trước hết, tớ chẳng hề muốn tin cái câu chuyện về cô nhân vật chính nhảy từ trong sách ra của cậu đâu Tom ạ, nhưng tớ buộc phải thừa nhận một điều: cô bạn của cậu đang dần trở lại là một cô nàng bằng giấy.

Cậu ta nhìn lơ đãng một thoáng rồi vẽ nốt cái sơ đồ của mình:

– Thế giới tưởng tượng đang dần lấy lại quyền lực của mình, cậu ta kết luận.

Giờ đây cậu ta cứ đi đi lại lại trong phòng, khoa chân múa tay. Tôi chưa bao giờ thấy cậu ta bồn chồn đến vậy.

– Bình tĩnh đi! tôi xoa dịu cậu ta. Theo cậu thì thực ra chuyện này có nghĩa là thế nào?

– Sự việc rõ như ban ngày Tom ạ: nếu Billie là một nhân vật bước ra từ tiểu thuyết thì đơn giản là cô ấy không thể sống được trong thế giới thực!

– Như kiểu cá không thể sống thiếu nước…

– Chính xác! Cậu có nhớ những bộ phim bọn mình vẫn xem khi còn nhỏ không? Tại sao anh bạn ngoài hành tinh trong phim E.T lại bị ốm?

– Vì nó không thể sống xa hành tinh của mình quá lâu được.

– Tại sao nàng tiên cá trong Splash không sống trên cạn được? Tại sao con người lại không sống được dưới nước? Đó là bởi vì cơ thể mỗi loài có cấu tạo khác nhau, không thể thích nghi với mọi loại môi trường được.

Lập luận của cậu ta khá vững vàng, chỉ trừ một điểm:

– Billie vừa ở bên tớ ba ngày và tớ có thể đảm bảo với cậu là cô ấy tràn đầy sức sống, không hề có vẻ gì là không hợp với cuộc sống thực cả. Tại sao đột nhiên cô ấy lại suy sụp như vậy?

– Đó đúng là một điều bí ẩn, cậu ta nhượng bộ.

Milo là một người lý tính, chỉ ưa những điều hợp logic. Cậu ta cau có ngồi lại xuống ghế, bắt tréo chân rồi lại tiếp tục với những ý tưởng của mình.

– Cần phải bắt đầu từ “cổng vào” để lần ra mọi chuyện, cậu ta lẩm bẩm: đó là lỗ hổng mà một nhân vật trong thế giới tưởng tượng có thể bước qua để vào thế giới thực của chúng ta.

– Tớ đã nói với cậu nhiều lần rồi: Billie ngã xuống từ một dòng, ngay giữa một câu văn dang dở, tôi giải thích cho cậu ta, nhắc lại chính câu nói mà Billie đã dùng trong lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau.

– À đúng rồi, lô một trăm nghìn bản sách bị bỏ trắng phân nửa số trang! Đó chính là “cổng vào” của cô ấy. Về chuyện này, tớ tin chắc là lô sách ấy đã được hủ…

Cậu ta há hốc miệng, bỏ lửng câu nói rồi cuống quýt lấy điện thoại ra. Tôi thấy cậu ta lướt qua hàng chục thư điện tử rồi dừng lại ở lá thư cậu ta muốn tìm.

– Lúc mấy giờ thì Billie bắt đầu thấy không ổn? cậu ta hỏi, mắt vẫn dán chặt vào màn hình điện thoại.

– Khoảng gần nửa đêm, lúc tớ quay lại phòng.

– Tức là khoảng hai giờ sáng, giờ New York đúng không?

– Ừ.

– Vậy thì tớ đã hiểu cơn bệnh của cô ấy bắt nguồn từ đâu rồi, cậu ta khẳng định rồi chìa cho tôi chiếc iPhone.

Trên màn hình, tôi thấy lá thư nhà xuất bản gửi cho Milo:

Người gửi: [email protected]

Chủ đề: Xác nhận việc hủy sách in lỗi

Thời gian: mùng 9 tháng Chín 2010 02:03

Người nhận: [email protected]

Ông Lombardo,

Tôi xin xác nhận lại với ông rằng toàn bộ số sách in lỗi trong loạt ấn phẩm đặc biệt in tập hai của bộ Hội Thiên thần của Tom Boyd đã được hủy.

Số lượng sách hủy: 99 999.

Việc hủy sách đã được tiến hành ngày hôm nay, từ lúc 8 giờ tối đến 2 giờ sáng tại trạm hủy sách thuộc nhà máy Shepard Brooklyn, NY, dưới sự giám sát của nhân viên tư pháp.

Xin gửi lời chào trân trọng,

R.Brown

– Cậu thấy thời gian bức thư được gửi đến chưa?

– Rồi, tôi thừa nhận, nó trùng khớp với thời điểm Billie bắt đầu thấy khó chịu.

– Cơ thể Billie phụ thuộc trực tiếp vào những bản sách in lỗi, cậu ta nói dằn từng tiếng.

– Và hủy những bản sách ấy là chúng ta đang giết cô ấy!

Cả hai chúng tôi đều thấy kích thích quá độ và hoảng sợ trước phát hiện của mình. Đặc biệt là chúng tôi cảm thấy bất lực trước một tình huống vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi.

– Nếu chúng ta không làm gì, cô ấy sẽ chết.

– Thế cậu muốn làm gì? cậu ta hỏi tôi. Họ đã hủy toàn bộ số sách in lỗi rồi!

– Không, nếu thế thì cô ấy đã chết rồi. Ít nhất vẫn còn một quyển chưa bị hủy.

– Quyển mà nhà xuất bản gửi cho tớ và tớ đã đưa cho cậu! cậu ta hét lên. Cậu để đâu rồi?

Tôi cố lục lọi trong ký ức. Tôi nhớ là đã đọc nó vào cái buổi tối Billie xuất hiện trong bếp nhà tôi, người ướt đẫm, sau đó, sáng hôm sau tôi cũng xem lại một chút ngay trước khi cô ấy chỉ cho tôi xem hình xăm trên người, rồi…

Tôi không tập trung nổi. Trong đầu tôi, mọi thứ chợt hiện ra rồi lại tan biến ngay: rồi… rồi… chúng tôi cãi cọ nhau và trong cơn tức giận, tôi đã lẳng quyển sách vào thùng rác trong bếp!

– Thật rắc rối! Milo thở dài đánh thượt sau khi tôi giải thích cho cậu ta biết bản sách cuối cùng ở đâu.

Tôi dụi dụi mắt. Tôi cũng đang sốt. Do chỗ bong gân giờ đây đang đau tới mức không chịu nổi; do mấy gã Mêhicô đã cho tôi một trận nhừ tử trong quán bar gần nhà nghỉ; do cái cơ thể thiếu thuốc của tôi; do cú đấm mà gã kia trong cơn tức giận đã bất thình lình giáng vào tôi; do nụ hôn bất ngờ và đầy cảm xúc của cô gái lạ kỳ đã làm đảo lộn cuộc đời tôi…

Bị cơn đau nửa đầu hành hạ, tôi tưởng đầu mình như một quả địa cầu bên trong chứa dung nham nóng chảy đang sôi sục. Giữa đống bùn đen lộn xộn ấy, một ý nghĩ chợt hiện ra.

– Tớ phải gọi cho bác giúp việc để bác ấy không vứt quyển sách đó đi, tôi nói với Milo.

Cậu ta đưa điện thoại cho tôi và tôi gọi cho Tereza. Rủi thay, bà ấy thông báo là đã vứt rác hai ngày trước.

Milo hiểu ngay ra sự việc và nhăn mặt. Thế giờ thì cuốn tiểu thuyết ở đâu? Tại một trung tâm phân loại rác? Sắp bị đốt ra tro hay tái chế? Có thể một ai đó đã nhặt được nó trên phố? Cần phải tìm lại quyển sách ngay, nhưng thế thì khác gì mò kim đáy bể.

Dù thế nào chăng nữa thì có một điều chắc chắn là: cần phải tìm ngay.

Bởi sinh mệnh của Billie chỉ còn phụ thuộc vào một cuốn sách.

Bình luận