Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Còn Chút Gì Để Nhớ

Chương 16

Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh

Một buổi tối, tôi qua nhà bác Tám dạy kèm như thường lệ, không thấy Quỳnh đâu .

Tôi hỏi, chị Kim nói :

– Nó nhức đầu, nằm trên gác.

Trâm nhún vai :

– Nó xạo chứ nhức đầu gì ! Nó đau tim thì có !

Hai chị em nói hai kiểu, tôi hoang mang chẳng biết Quỳnh bị bệnh gì. Tôi rất muốn lên thăm Quỳnh nhưng căn gác nhà bác Tám là chỗ ngủ của ba chị em, đàn ông con trai lên không tiện, dù đó là… con nuôi hụt trong nhà.

Không có Quỳnh, tôi giảng bài một cách lơ đãng, chẳng hứng thú chút nào .

Dạy xong, tôi uể oải gấp sách ra về, không ngồi lại như mọi lần.

Tối hôm sau, Quỳnh vẫn ở lì trên gác.

Tối hôm sau nữa cũng vậy .

Thấy cô bé nghỉ học liền một mạch ba hôm, tôi bắt đầu chột dạ. Tôi nhìn Trâm :

– Quỳnh chưa hết bệnh hả ?

Trâm tặc lưỡi :

– Ối dào, con Quỳnh nó hứng bất tử, muốn bệnh thì bệnh, muốn hết thì hết, chẳng biết đường nào mà lần !

Trâm trả lời lấp lửng kiểu đó, nghe xong tôi cũng “chẳng biết đường nào mà lần”.

Tối đó, tôi về hỏi Lan Anh :

– Chị Quỳnh bệnh sao vậy em ?

Lan Anh trố mắt :

– Chỉ có bệnh gì đâu !

Tôi ngạc nhiên :

– Sao lạ vậy ? Chị Trâm nói với anh là Quỳnh bệnh mà !

Nó lắc mái tóc :

– Chị Trâm xạo đó ! Em thấy sáng nào chị Quỳnh cũng đi học, có bệnh tật gì đâu !

Trưa hôm sau, tôi “đột nhập” qua nhà Quỳnh và bắt gặp cô bé đang ngồi rửa chén.

Thấy tôi, Quỳnh ngoảnh mặt đi .

Tôi rón rén lại gần, hỏi :

– Em hết bệnh chưa ?

Tôi hỏi là hỏi vậy thôi chứ theo tin tình báo của “điệp viên” Lan Anh thì đây là một sự kiện thất thiệt.

Quỳnh cắm cúi rửa chén, không trả lời .

Thái độ của Quỳnh khiến tôi cảm thấy hoang mang dễ sợ, chẳng hiểu làm sao thời tiết lại thay đổ i bất thường như vậy không biết. Tôi ngồi trơ mắt ếch một hồi rồi lại nhỏ nhẹ hỏi, lần này tôi hỏi thẳng :

– Mấy bữa nay tại sao em nghỉ học vậy, Quỳnh ?

Quỳnh vẫn một mực giả điếc, không thèm liếc tôi lấy một cái . Làm như mấy cái chén kia dễ thương hơn bản mặt của tôi hay sao ấy ! Trong khi tôi đang tiến thoái lưỡng nan, không biết nên rút lui có trật tự hay nên ngồi lì tại chỗ ra vẻ ta đây là cục đá thì Trâm, đang ngồi đếm hột vịt ở góc nhà, vọt miệng “giải đáp tâm tình” :

– Con Quỳnh nó giận anh đó !

Tôi ngơ ngác :

– Tôi làm gì mà giận ?

Trâm nói huỵch toẹt :

– Nó thấy anh đi với bồ !

Tôi vò đầu :

– Trời ơi, tôi đi chơi với bồ hồi nào ?

Quỳnh vẫn im lặng để Trâm tấn công tôi :

– Anh đừng có xạo ! Chứ cái cô gì hay đón anh ngoài đầu hẻm đó ?

Hóa ra, Trâm và Quỳnh thấy tôi đi chơi với Kim Dung. Tôi thở dài :

– Bồ đâu mà bồ ! Cô đó là bạn cùng lớp với anh.

Bây giờ Quỳnh mới chịu lên tiếng :

– Chị đó tên gì vậy ?

Quỳnh hỏi mà tay vẫn tiếp tục rửa chén, đầu không ngẩng lên. Ra vẻ ta đây chưa chịu làm hòa đâu, nhà người đừng có tưởng bở !

– Tên Kim Dung !

Tôi đáp khẽ, không dám thở mạnh, mắt vẫn liếc chừng về phía Quỳnh.

Quỳnh lại hỏi, vẫn không ngẩng đầu lên :

– Có phải chị Kim Dung là “anh bạn” bữa trước đi sở thú với anh không ?

Giọng Quỳnh nhẹ nhàng mà tôi nghe như sét nổ bên tai, sống lưng lạnh toát. Cô bé mọi ngày hiền lành, ngây thơ sao bữa nay hỏi câu độc quá vậy không biết !

Trong nháy mắt, tôi cân nhắc lợi hại và quyết định chối phắt :

– Đâu có ! Em đừng nói oan cho anh ! Anh bạn bữa trước là anh Bảo !

Rồi chừng như thấy lời thanh minh chưa đủ trọng lượng, tôi đế thêm :

– Anh Bảo ở trong lớp chơi thân với anh lắm !

– Thật không ? – Quỳnh có vẻ nghi ngờ.

– Thật chứ ! – Tôi quả quyết.

Quỳnh thắc mắc :

– Bạn thân sao em không thấy anh dẫn về nhà chơi ?

Tôi tính nói là tôi có dẫn bạn về nhà mấy lần mà Quỳnh không gặp. Nhưng sực nhớ Quỳnh có thể kiểm tra điều đó qua Lan Anh, tôi bèn nói quanh :

– Anh có rủ. Ảnh nói hôm nào rảnh ảnh tới .

Tội nghiệp thằng Bảo . Tôi chưa bao giờ mở miệng rủ nó đi uống cà phê một lần chứ đừng nói rủ về nhà.

Tôi tưởng sóng gió đã qua, không ngờ Quỳnh vẫn chưa quên chủ đề chính :

– Còn chị Kim Dung thì sao ?

Tôi giật thót :

– Sao là sao ?

– Anh có chơi thân không ?

Tôi ấp úng :

– Thân nhưng mà… khác !

Quỳnh không hiểu :

– Khác cái gì ?

Tôi nói một cách khó khăn :

– Khác… anh với em !

Quỳnh vẫn ngơ ngác :

– Anh nói gì em không hiểu .

Tôi nhủ bụng : anh nói anh còn không hiểu làm sao em hiểu được ! Nhưng biết làm thế nào được, tôi cũng rất muốn nói một cách dễ hiểu, bằng thứ ngôn ngữ đơn giản và trực tiếp mà những người có bản lĩnh ưa dùng. Nhưng mặc dù được Kim Dung rèn giũa khá kỹ lưỡng, trong trường hợp này tôi chẳng tỏ rõ bản lĩnh được chút xíu nào . Tôi vẫn nói bằng thứ ngôn ngữ quanh co, bí hiểm rút ra từ kho tàng câu đố dân gian :

– Có gì đâu mà không hiểu ! Anh thân với chị Kim Dung kiểu bạn bè, còn anh thân với em kiểu khác, kiểu … gia đình !

“Gia đình” trong “câu đố” của tôi là gia đình khởi thủy, chỉ có… hai người, giống như ông Adam và bà Eva, nếu Quỳnh hiểu gia đình theo cái kiểu anh chị em nuôi thì nguy to .

Chẳng hiểu Quỳnh hiểu thế nào, chỉ thấy cô bé mỉm cười cúi xuống… rửa chén tiếp. Có mấy cái chén mà rửa lâu dễ sợ !

Tôi chưa kịp thở phào thì Trâm gọi giật :

– Anh Chương !

Gì nữa đây ! Tôi thấp thỏm quay lại .

Trâm nhướng mắt :

– Kiểu gia đình với kiểu bạn bè, kiểu nào thân hơn ?

Tôi cười cầu tài :

– Tất nhiên là kiểu gia đình !

Trâm cười toe :

– Vậy mai mốt đi chơi, anh nhớ đi với gia đình chứ đừng đi với bạn bè nữa ! Có đi với bạn bè thì đi ít thôi !

Trong khi tôi đang lúng túng chưa biết trả lời như thế nào thì Trâm “dụ” tiếp :

– Anh đi với gia đình, tôi chở con Lan Anh giùm cho !

Ý nó muốn nhắc tới chuyện đi chơi Nhà Bè lần trước.

Trong bụng tôi thầm cảm ơn nó quá xá nhưng ngoài mặt tôi vẫn làm bộ tỉnh :

– Ai chở Lan Anh chẳng được !

Trâm lên giọng liền :

– À, anh nói vạ^y thì mai mốt đi đâu, tôi để anh chở Lan Anh còn tôi chở con Quỳnh.

Nó nói năng lộ liễu quá mức khiến tôi ngượng chín người .

Không dám “tâm sự” thêm nữa, sợ mang họa, tôi kiếm cớ chạy về nhà.

Suốt buổi chiều, tôi ở lì trên gác. Bài vở vứt qua một bên, tôi nằm nghiền ngẫm, phân lại và đánh giá nhừng câu nói và thái độ của Quỳnh.

Đến khi dì dượng tôi đi làm về, tôi đã rút ra được một kết luận cực kỳ tươi sáng.

Rồi dường như để cho cái tươi sáng đó tăng thêm phần sáng tươi, buổi tối tôi vừa bước qua nhà Quỳnh đã thấy cô bé ngồi sẵn bên bàn học và đón tôi bằng một nụ cười duyên dáng và thân thiện kiểu … gia đình !

Bình luận