Tôi mất xe trong một tình huống rất đáng… mất.
Đi học về, chạy ngang qua một hiệu sách, tôi ghé vào . Định bụng vào xem lướt một cái rồi ra liền nên tôi không khóa xe . Nhưng cũng còn sót một tí cẩn thận trong người, tôi dựng xe ngay trước cửa, chính giữa thềm, để tiện “trông nom”.
Tôi bước vào hiệu sách, cứ ba bước tôi ngoái đầu lại một lần. Khi lấy cuốn sách trên giá xuống cũng vậy, cứ đọc hai, ba dòng tôi lại quay đầu ra cửa dòm chừng chiếc xe . Tôi dòm chừng đến lần thứ mười thì chiếc xe biến mất.
Trưa đó, tôi đi xe lam về nhà.
Thấy tôi thả bộ từ ngoài đầu hẻm vô, Lan Anh hỏi :
– Xe anh đâu rồi ?
Tôi cười:
– Mất rồi !
Nó tròn mắt :
– Giỡn hoài ! Mất xe mà cười !
Tôi khịt mũi :
– Không cười thì biết làm gì bây giờ !
Kể từ hôm đó, tôi đi học bằng… chân.
Từ nhà tôi đến trường không xa lắm, đi bộ cũng chẳng mệt mỏi gì. Thả bộ tà tà ngoài phố, tôi lại được thưởng thức thú vui dạo mát, nhất là khi đi trên con đường đầy bóng mát chạy ngang trước cổng trường.
Nhưng khổ một nỗi, tôi đến lớp ngày nào cũng trễ.
Tới ngày thứ ba, Kim Dung hỏi :
– Lam` gì đi trễ hoài vậy ?
Tôi cười :
– Tại tôi đi bộ.
Kim Dung ngạc nhiên :
– Xe ông đâu ?
Tôi thở ra :
– Mất rồi !
– Làm sao mất ?
Tôi kể lại đầu đuôi sự việc.
Nghe xong, Kim Dung gật gù :
– Mất là đáng !
Tưởng nghe tôi mất xe, nó sẽ an ủi tôi, ai dè nó phán một câu khiến tôi chưng hửng.
Ngồi học một lát, Kim Dung day sang tôi :
– Lát nữa, tôi cho ông quá giang về nhà.
Tôi gật đầu .
Kể từ hôm đó, ngày nào Kim Dung cũng ghé đón tôi đi học. Có bữa nó nổi hứng nghỉ học bất tử, không tới đón, tôi cũng đâm lười ở nhà luôn.
Hôm sau, tôi trách nó :
– Nghỉ học mà không báo trước, làm tôi bỏ mất một buổi !
Nó nhe răng cười :
– Vậy là ông tiến bộ được chút chút !
Tôi nổi sùng :
– Tiến bộ cái con khỉ !
Nó lại vỗ tay :
– Lần đầu tiên tôi thấy ông văng “con khỉ”. Vậy là ông tiến bộ được hai chút !
Nghe nó khen, tôi giật mình ngậm miệng lại . Mở miệng, lỡ tức mình văng bậy, nó lại khen tôi “tiến bộ được ba chút” thì nguy to .
Nhưng từ hôm đó trở đi, Kim Dung không nghỉ học thêm một ngày nào nữa . Nó đón tôi đều đặn.
Mọi chuyện tưởng là êm đẹp. Không dè một hôm Trâm trách khéo tôi :
– Bộ anh muốn con Quỳnh bệnh nữa hả ?
Nghe thoáng qua, tôi biết Trâm muốn nhắc đến chuyện Kim Dung đón tôi đi học, tôi chép miệng :
– Có gì đâu !
Trâm có vẻ giận :
– Có gì hay không có gì, ai mà biết được !
Nói xong, nó bỏ đi mất, không cho tôi kịp giải thích lấy một câu .
Tôi đứng ngơ ngơ ngác ngác một hồi rồi quyết định chạy sang gặp Quỳnh.
Đang ngồi học bài trên bàn, thấy tôi qua, Quỳnh liền quay mặt đi chỗ khác. Tôi nhẹ ngàng ngồi xuống bên cạnh và kêu khẽ :
– Quỳnh !
Quỳnh không quay mặt lại .
Tôi lại hỏi :
– Em giận anh hả ?
Cô bé vần ngồi im.
Thấy tình hình có vẻ gay go, tôi ngồi đực mặt ra, nghĩ kế. Nghĩ tới nghĩ lui nát óc chẳng được kế gì, tôi đành bấm bụng hỏi thẳng :
– Bộ em không thích chị Kim Dung đón anh đi học hả ?
Quỳnh gật đầu . Nhưng cô bé vẫn không ngoảnh mặt lại .
Tôi nhăn nhó :
– Chuyện đó có gì đâu ! Anh đã nói với em rồi …
– Anh nói sao ?
– Anh chỉ thân với chị Kim Dung theo … kiểu bạn bè !
Quỳnh vùng vằng :
– Bạn bè gì mà ngày nào cũng chở đi học !
Tôi chống chế :
– Thì tại anh mất xe !
– Anh mất xe sao anh Bảo không chở anh đi ? – Quỳnh bắt bẻ – Anh Bảo cũng bạn anh vậy !
– Anh Bảo nhà xa, không tiện đường. Với lại, ảnh đi xe đạp !
Quỳnh quay lại :
– Chứ còn em đi xe đạp thì sao ?
Tôi ngơ ngác :
– Sao là sao ?
Quỳnh lườm tôi :
– Em kêu anh đi chung với em, anh có đi không ?
Tôi như không tin vào tai mình. Có lý nào Quỳnh lại đưa ra một đề nghị ác liệt như vậy, mà lại nói với một giọng tỉnh khô !
– Em nói thật hay nói chơi đó ? – Tôi hỏi lại .
Quỳnh cười, mắt nheo nheo :
– Nói thật !
– Thật thì đi ! – Tôi sốt sắng.
Quỳnh nhìn thẳng vào mắt tôi :
– Vậy là anh không đi với chị Kim Dung nữa hén ?
Tôi gật đầu :
– Ừ, không đi nữa !
Tối đó, một lần nữa tôi có cảm giác mình đang ngủ trên mây, lơ lơ lửng lửng. Nhưng lần này, dù đang đắm chìm trong nỗi hân hoan choáng ngợp, tôi vẫn giật mình khi nhận ra Quỳnh chẳng hồn nhiên như tôi tưởng.