Tuy không thể nhớ lúc gặp anh cô bao nhiêu tuổi, năm hay sáu tuổi? Thế nhưng Khinh Vãn vẫn nhớ như in hình bóng anh trong lần đầu gặp gỡ ấy.
Đó là lần đầu tiên Khinh Vãn về quê ở thành phố G, ấn tượng nhất chính là hồ nước uốn lượn ôm lấy ngôi làng nhỏ và cây hòe cổ thụ trước sân.
Khi cô đứng cùng cha mẹ thì Phạm Như Sênh đang một mình quỳ dưới đất đắp lô cốt trên bãi cát dưới gốc cây hòe già đó.
Đây là một ngôi làng nhỏ trong thành phố G, những ngôi nhà nhỏ lúp xúp nối tiếp nhau chạy dài, bên ngoài là khoảng đất vàng suộm, trên chiếc sân rộng, một đám trẻ trạc tuổi cô đang chơi đùa, chỉ một mình cậu ấy lặng lẽ đào cát dưới gốc cây hòe già, Khinh Vãn liền tiến thẳng đến trước mặt cậu, quỳ xuống hỏi: “Anh cũng là người ở đây phải không?”.
Phạm Như Sênh hơi ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào đôi bím tóc trước mặt mà không thèm đếm xỉa đến chủ nhân của nó, sau đó lại cúi đầu chuyên tâm đào cát.
Cô chăm chú quan sát chiếc lô cốt của cậu một lúc rồi lại nói: “Thật là lạ, sao lô cốt của anh lại không có cửa vậy?”.
Cậu vẫn nhìn cô với ánh mắt kỳ quặc như trước mà chẳng thốt lên lời nào.
Một đứa trẻ tinh mắt đã phát hiện ra cô: “Mau nhìn xem – con nhỏ kia chính là đứa con nhà giàu từ thành phố đến mà mẹ tao đã nói đấy!”.
Mọi ánh mắt hiếu kỳ đều đổ dồn, nghi hoặc đan xen một chút ghen tị với cách ăn mặc của Khinh Vãn.
Một đứa trẻ dạn dĩ chạy đến, làm ra vẻ quan tâm: “Này, đằng ấy để ý đến nó làm gì, nó là đứa con không cha, mẹ tớ bảo rằng nếu nói chuyện với nó không chừng sẽ gặp sao quả tạ đấy!”.
Phạm Như Sênh đột ngột ngẩng cao đầu, tất cả các giác quan dường như đều trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, hùng hùng hổ hổ nghiến răng nghiến lợi đứng bật dậy.
Thằng nhỏ bạo gan bị cậu cho một chưởng vội thụt về sau, nhưng nó lại thấy nếu chạy thì hèn quá bèn vươn tay hẩy vào vai cậu một cái: “Mày còn dám! Đây là chỗ cho mày đến à? Đồ khố rách áo ôm!”.
Một đứa khác đế vào: “Nói với nó làm gì! Cẩn thận kẻo gặp sao quả tạ, mày lại chết vì vênh vang bây giờ!”.
Phạm Như Sênh trừng trừng nhìn bọn nhỏ, sau đó nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đất.
– “Hey! Oắt con, lại còn muốn làm căng sao?”. Thằng con trai lớn hơn đẩy một cái rất mạnh khiến cậu hụt hơi và ngã lăn ra đất.
– “Còn không mau biến đi, hay lại muốn bị đánh tiếp?”.
Phía sau có đứa khum tay thành loa và hét tướng lên: “Xéo về cái ổ rác rưởi nhà mày! Hô hô! Đồ khố rách áo ôm!”. Sau đó lại cười phá lên một tràng.
Đúng là lời trẻ vô tình, bấy giờ chúng chưa ý thức được những điều mình nói đã gây tổn thương rất lớn đến tâm lý người bạn cùng trang lứa.
Khinh Vãn đứng bên cạnh, cô không hiểu tại sao mà mọi người lại bắt nạt cậu ấy.
Cô chỉ cảm thấy cậu ấy thật đáng thương, đã không có bố lại còn bị người ta ức hiếp. Không có cha đâu phải là lỗi của cậu?
– “Anh có sao không?”. Cô giơ bàn tay nhỏ nhắn của mình ra trước mặt Như Sênh tỏ ý muốn kéo cậu dậy.
Đó là đôi bàn tay nhỏ bé, mềm mại và trắng trẻo, thật khác xa với những đứa trẻ lớn lên ở làng quê, và dưới cái nhìn của Như Sênh, đôi bàn tay ấy mới tức mắt làm sao!
Cậu lạnh lùng đứng dậy, không thèm liếc cô lấy một cái mà lẳng lặng bỏ đi.
Sau lưng vẫn vang lên những lời đùa cợt: “Con kẻ nhặt rác, chẳng ai thương, chẳng ai yêu, con kẻ nhặt rác, là vận xấu, mau cút đi…”.
Phạm Như Sênh mím chặt môi, cắm đầu cắm cổ chạy thật nhanh.
Sắp đến giờ nấu cơm cho mẹ và em gái rồi, nghĩ vậy nên cậu càng chạy nhanh hơn.
Từ lần vô tình gặp gỡ ấy, Khinh Vãn không hiểu sao mình thích bám theo Phạm Như Sênh đến vậy, còn Như Sênh thì càng mù tịt về điều đó. Thế là mọi người trong thôn đều được chứng kiến một cảnh vô cùng lạ lùng – một bé gái ăn mặc đẹp đẽ cả ngày lẽo đẽo bám theo sau thằng nhỏ vận bộ đồ vá chằng vá chịt.
Hai bóng hình nhỏ bé một trước một sau, dường như cô bé đang chạy theo cậu bé mà dường như cậu bé kia lại đang muốn thoát khỏi sự đeo bám của cô bé.
Người trong thôn thường mách cha mẹ Khinh Vãn về chuyện đó, họ còn nói thế này thế kia về sự ra đời của thằng nhỏ, nói phải cẩn thận nếu không sẽ là tấm gương xấu cho con gái hai người.
May mắn thay, bố mẹ của Khinh Vãn là những người được học hành, họ có cách dạy dỗ riêng đối với con gái mình, từ trước đến nay họ chưa bao giờ đưa ra những yêu cầu vô lý.
Lúc đó, xem kịch là sự kiện náo nhiệt nhất ở thôn quê, vào mỗi buổi tối cuối tuần, trưởng thôn thường mời đội văn nghệ đến biểu diễn.
Bọn trẻ chạy tới chạy lui để giữ chỗ, thông thường chúng mang ghế đến từ rất sớm.
Như Sênh tuy không đứng chung với chúng nhưng cũng xếp ghế giữ chỗ cho em gái.
Lần nào cậu cũng chọn vị trí dưới gốc cây hòe, chỗ này cách sân khấu khá xa. Cậu biết rằng người trong thôn đều không thích mình, cho nên ngay cả khi xem kịch, cậu cũng kéo em gái tách khỏi đám đông để tránh phiền phức.
Hôm nay cũng vậy, khi kịch mở màn Như Sênh mới đưa em gái đến, chỉ có điều khác trước là sau lưng cậu có thêm một cái đuôi.
– “Anh!”, Như Tiêu ngồi trên ghế giật giật vạt áo anh trai: “Chị kia sao lại cứ đi theo chúng ta?”.
Phạm Như Sênh giơ ngón tay trỏ lên trước miệng, ra dấu im lặng: “Suỵt, đừng nói nữa, kịch bắt đầu rồi!”.
Họ ngồi ở rất xa, vốn nghe đã không rõ, nếu nói chuyện thì lại càng không thể nghe được gì.
– “Vâng…”. Như Tiêu ngừng lại nhưng vẫn không cam lòng: “Nhưng chị ấy…”.
– “Không cần để ý đến cô ta!”.
– “Vâng”, Như Tiêu ngoan ngoãn ngồi trên ghế, mắt nhìn về sân khấu đằng xa rồi chốc chốc lại liếc về phía chị gái nọ đang ngẩn ngơ chờ đợi ở gần đó.
Từ trước đến nay nó chưa bao giờ gặp một chị gái nào xinh đẹp đến vậy, cứ muốn gọi qua ngồi cùng nhưng hình như anh trai lại không thích. Nó vẫn biết mọi người trong thôn không thích nhà mình, nhưng chị gái nọ hình như không hề ghét bọn chúng, vì thế mỗi lần bắt gặp ánh mắt của chị, nó đều cười rất tươi.
Cuối cùng Như Tiêu cũng không kìm được, ngẩng đầu gọi: “Anh, mình mời chị gái kia ngồi cùng có được không?”.
– “…”.
– “Anh, anh à!”.
Như Sênh đành bất lực, mấp máy môi và gật đầu.
– “Hi… Anh thật là tốt”. Như Tiêu nũng nịu choàng tay về phía trước và đặt lên má anh trai một cái thơm ươn ướt.
Khi ấy mới bắt đầu mùa hạ và đó cũng là lần thứ hai Khinh Vãn được ngồi bên cậu con trai lạnh lùng ấy.
Một vì sao vụt qua trong màn đêm, cơn gió nhẹ đang thổi xào xạc trên ngọn hòe bên mảnh sân, Khinh Vãn ngơ ngẩn lắng nghe, tiếng ngáy khe khẽ vang lên bên cạnh.
Bao năm sau nhớ lại, ấn tượng sâu sắc nhất trong đêm hôm ấy là cậu con trai đó, kỳ thực cậu không hề thích xem kịch, chỉ vì cô em thích xem nên cậu đã đưa đi, cuối cùng ngủ gà ngủ gật dưới gốc cây còn Khinh Vãn ngồi ngắm thật ngốc nghếch.
Rất lâu, rất lâu sau đó, cô mới phát hiện ra rằng, ngay khi bắt gặp hình ảnh đơn độc lẻ loi ấy, trong lòng cô đã sớm khắc ghi một bóng hình.
Chỉ tiếc rằng, khi cô ra đi, người ấy cũng chẳng thèm hỏi tên cô là gì.