Cuộc Xâm Lược Nước Nga
1
Khi bắt đầu bất cứ một trận nào trong những cuộc chiến tranh liên miên của mình, Napoléon cũng luôn luôn chú ý tới hai vấn đề chính yếu: Một là con người của viên tướng Tổng Tư Lệnh đối phương và hai là tình hình chung bộ máy chỉ huy của đối phương. Viên tướng Tổng Tư Lệnh ấy có mạnh không? Có được hành động tự do tuyệt đối không? Trước hết Napoléon quan tâm đến hai vấn đề có tầm quan trọng cơ bản ấy.
Trong trường hợp đặc biệt, hình như Napoléon có thể trả lời hai vấn đề ấy một cách đầy đủ nhất. Người Nga chỉ có một viên tướng giỏi, xứng đáng, là Bagration nhưng Bagration lại bị đặt vào địa vị thứ yếu. Còn Bennigsen thì kém xa Bagration, bị Napoléon gọi là “một kẻ bất lực” đã bị đánh bại tan tành ở Friedland nhưng Bennigsen không phải là con người kém ngoan cường và quả quyết, và đã tỏ ra cương nghị, không phải bằng việc bóp chết Hoàng Đế Pavel năm xưa, mà bằng sự chống cự phi thường của ông ta suốt trong một ngày huyết chiến ở Eylau, nhưng Bennigsen cũng chỉ ở vào địa vị thứ yếu. Còn Kutuzov? Tuy Napoléon đã đánh bại được Kutuzov ở Austerlitz, song chưa bao giờ ông dám khinh Kutuzov, mà trái lại, còn nhận định Kutuzov là viên tướng mưu trí và khôn ngoan. Nhưng Kutuzov không cầm quân nữa. Còn đối với Barclay de Tolly, Tổng Tư Lệnh kiêm thượng thư Bộ Chiến Tranh, thì Napoléon thiếu tài liệu để đánh giá, nhưng cũng có thiên hướng đánh giá viên tướng này không vượt trình độ thông thường của các tướng lĩnh Nga là mấy, mà theo Napoléon thì trình độ ấy chẳng cao gì lắm. Về vấn đề thứ hai thì có thể có một câu trả lời còn lạc quan hơn: Sự thống nhất chỉ huy trong quân đội Nga hoàn toàn không có, và tổ chức bộ máy chỉ huy thì không đáng bình luận đến. Thật ra cũng không thể khác thế được, vì Aleksandr ở trong quân đội và đã can thiệp vào mọi ý định tổ chức của Barclay. Trên đường hành quân đến sông Vilna, Napoléon đã biết đầy đủ tình hình trên, cho nên ngay ở Vilna Napoléon đã mỉa mai lưu ý Balashov, tướng hậu cần mà Aleksandr cử đến lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng để đề nghị ký hòa ước với Napoléon, rằng: “Tất cả bọn họ làm gì chứ? Trong khi Phull đề nghị thì Arfen phản đối, Bennigsen nghiên cứu thì Barclay là người có trách nhiệm quyết định lại không biết nên quyết định thế nào và thời gian trôi đi chẳng làm được gì cả!”.
Đoạn tường thuật ấy của Balashov về cuộc hội đàm với Napoléon đáng cho ta tin cậy hoàn toàn vì có nhiều bằng chứng khác xác minh thêm, nói chung, bản báo cáo của tướng Balashov, thượng thư Bộ Công An Nga, người mà Aleksandr đã phái đến để đề nghị ký hòa ước với Napoléon ngay khi vừa được tin quân Pháp vượt qua sông Niemen – bản báo cáo đã được Thiers sao lục trong bản thảo tập XIV cuốn Lịch Sử Chế Độ Tổng Tài Và Đế Chế gần như nguyên văn trong một chương hay nổi tiếng của cuốn Chiến Tranh Và Hòa Bình – không đáng tin cậy lắm, đặc biệt là những đoạn viết về Balashov đã dám nói xa xôi đến Tây Ban Nha và dám nhắc đến thành phố Poltava trong khi nói chuyện với Napoléon. Thượng Thư Bộ Công An Nga chưa bao giờ đặc biệt nổi tiếng vì đức chân thật, và rất có thể về sau này vị thượng thư ấy đã ghi thêm chuyện đó vào. Người viết sử phải luôn luôn chú ý đến những sự thêm thắt như vậy. Hesles đã viết cả một cuốn sách nhan đề là Mưu Mẹo Rẻ Tiền Trong Lịch Sử, dành riêng cho những “bí mật lịch sử” và những chước thuật thuộc loại ấy, cũng rất tài trí nhưng được “sáng tạo” quá chậm và chẳng bao giờ được nói ra, bởi vì thật ra chúng chỉ nảy ra trong đầu óc của người sáng tạo ra chúng khi hắn ta đã từ biệt đối phương, và lúc ra “cầu thang” mới nghĩ ra rằng giá như vừa rồi mà nói thêm như thế này hay như thế nọ thì thật tuyệt. Dầu sao Napoléon – con người đã đến Vilna bốn ngày sau khi vượt sông Niemen không gặp một sức kháng cự nào và đã được bọn quý tộc Ba Lan địa phương đón tiếp với những biểu hiện của lòng trung thành đầy tôn kính, và biết rằng lực lượng mình hơn hẳn – đã dứt khoát từ chối đề nghị ký hòa ước của Balashov, đương nhiên là với một giọng gay gắt và xúc phạm. Napoléon đã ở lại Vilna 18 ngày trọn, đó là điều mà sau này các nhà viết sử quân sự cho là một trong những sai lầm tai hại của Napoléon. Nhưng thật ra ở Vilna, cũng như ở Dresden, Napoléon đợi các quân đoàn mới hành quân tới hội sư với ông. Trong số 68 vạn 5 nghìn quân dùng để đánh nước Nga thì hiện Napoléon đã phải để lại 23 vạn 5 nghìn đóng ở Pháp và ở nước Đức chư hầu; chỉ còn 42 vạn nhận lệnh vượt biên giới. Nhưng số 42 vạn quân ấy cũng chỉ kéo dần đến Vilna và tiến dần dần vào nước Nga. Tại Vilna, Napoléon đã nhận được tin đầu tiên bất lợi cho chiến dịch: Ngựa thiếu cỏ chết hàng đàn. Tình hình đáng tiếc khác: Người Ba Lan ở xứ Litva và ở Bạch Nga đã không điều động đủ lực lượng. Khi đến Vilna, những đặc điểm và những khó khăn của công cuộc mà Napoléon hiểu sâu hơn khi chưa vượt qua biên giới lại càng hiểu sâu hơn nữa so với khi ở Dresden. Sự kiện ấy tác động tức khắc đến đường lối của Napoléon: Ông không hợp nhất xứ Litva vào Ba Lan (lúc ấy người ta gọi cả Bạch Nga là Litva) mà đặt nó ở dưới một chế độ cai trị riêng, tạm thời; việc ấy làm cho người Ba Lan thất vọng lớn. Điều đó có nghĩa là Napoléon chưa muốn làm việc gì phương hại đến việc giảng hòa với Aleksandr. Ngay từ lúc đó, tính chất hai mặt đã bắt đầu biểu hiện trong cách xử lý và trong những kế hoạch có quan hệ đến con đường kết thúc của chiến dịch mà Napoléon vừa mới tiến hành. Tất nhiên Napoléon cho kết thúc bằng sự đầu hàng hoàn toàn của Aleksandr và như vậy nước biến thành một chư hầu ngoan ngoãn mà Napoléon cần như vậy để tiếp tục cuộc chiến tranh với nước Anh ở Châu Âu và có thể cả ở Châu Á nữa. Nhưng tình hình càng phát triển thì Napoléon càng có khuynh hướng cho rằng chiến dịch này chỉ là một cuộc “Chiến tranh chính trị” – ít lâu sau khi nói về chiến dịch nước Nga, Napoléon nói như vậy – một cuộc chiến tranh ở văn phòng, như người ta thường nói vào hồi thế kỷ thứ XVIII, nghĩa là một thứ tranh cãi về mặt ngoại giao tiến hành bằng một vài “hành động quân sự”, và sau đó, cuối cùng là đi đến một thỏa thuận chung. Nguyên nhân sâu xa của những sai lầm ấy chính là do sự dốt nát và không am hiểu một chút gì về dân tộc Nga của Napoléon. Không phải chỉ riêng Napoléon, mà cả ở Châu Âu cũng tuyệt nhiên không có một ai có thể dự đoán trước được mức độ anh dũng của dân tộc Nga khi phải đứng lên bảo vệ Tổ Quốc chống lại cuộc xâm lăng hỗn xược và hoàn toàn không có duyên cớ. Không một ai đoán trước được nông dân Nga sẽ biến tất cả những trung tâm của đất nước họ thành một xa mạc mênh mông trơ trụi bể lửa và không chịu khuất phục kẻ xâm lược bằng bất cứ một giá nào. Napoléon biết những điều đó quá chậm.
Những khó khăn của chiến dịch này ngày càng bộc lộ rõ thì quan niệm trước đây của Napoléon về cuộc chiến tranh này ngày càng mờ nhạt trong tư tưởng ông ta và được mau chóng thay thế bằng một quan niệm khác. Mặc dầu Napoléon có dưới trướng 42 vạn quân, mà nước Nga chỉ không có đến 22 vạn rưỡi quân, nhưng ông ta biết rằng chất lượng quân sĩ của mình không đồng đều. Ông biết mình chỉ có thể trông cậy vào các đơn vị lính Pháp (lúc ấy đại quân có tất cả 35 vạn 5 nghìn người thuộc đế quốc Pháp, nhưng rất nhiều người không phải người Pháp) mà cũng không thể hoàn toàn trông cậy vào được vì, số tân binh không thể nào so sánh được với số cựu binh đã từng tham gia nhiều chiến dịch của Napoléon. Còn đối với những người xứ Westphalia, Saxony, Bavaria, Renaldi, những người sinh trưởng ở các thành phố đồng minh thương nghiệp ở miền Tây Bắc nước Đức, người Ý, người Bỉ, người Hà Lan, thì cố nhiên là không thể trông mong nhiều vào tinh thần chiến đấu hăng hái đặc biệt của họ được, chưa nói đến những “bạn đồng minh” bắt buộc là người Áo và người Phổ mà Napoléon đã đem theo và đưa họ đi chết trên đất Nga không biết vì mục đích gì và phần lớn họ không căm thù người Nga, mà lại căm ghét Napoléon. Hiểu biết tường tận về lịch sử chiến tranh, Napoléon nhớ lại rằng vô số những người con của các dân tộc bị các vua chúa Ba Tư chinh phục, mà Xerxes I đã tuyển mộ vào quân ngũ, đã chiến đấu không hăng hái lắm với quân Hy Lạp. Napoléon trông cậy hơn đôi chút vào quân Ba Lan vì họ đấu tranh cho chính lợi ích của họ. Nhưng lại ở đây nữa, như trên đã nói, Napoléon đang chờ đợi một sự giúp đỡ đáng kể hơn (về phương diện quân số đơn thuần).
Napoléon biết rõ tình trạng rối loạn ở trong bộ tham mưu Nga, và khi đó ở Vilna, Napoléon nhận được tin báo rằng kế hoạch đầu tiên của Nga định chống cự trên sông Dvina, yếu điểm Dryssa đã phải bỏ, vì Barclay sợ bị bao vây và sẽ không thể tránh khỏi phải đầu hàng, và cũng được tin rằng quân đội Nga chia làm hai cánh rút sâu vào trong nội địa. Cánh quân Barclay rút theo hướng Vitebsk, đi nhanh hơn cánh quân của Bagration rút về Minsk. Napoléon đem đại bộ phận binh lực tiến đánh Barclay. Nhưng Barclay đã tăng tốc độ hành quân và ra lệnh cho tướng chỉ huy quân hậu vệ, Osterman Tolstoy, ít ra cũng phải làm cho cuộc tiến quân của quân Pháp bị chậm lại. Osterman chấp hành lệnh đó bằng cách giao chiến ngày 25 và 26 tháng 7 ở Ostrovno. Khi tiến vào Vitebsk, Napoléon không thấy Barclay nữa vì ông này đã cấp tốc đến Smolensk. Trong khi đó, Thống Chế Davout tiến từ Vilna đến Minsk với nhiệm vụ chặn đường rút lui và tiêu diệt cánh quân của Bagration trước khi hội sư được với Barclay. Nhưng may mắn cho Bagration là Jérôme Bonaparte – em út Napoléon, người chẳng có tài cán gì về quân sự (cũng như về mọi mặt khác) nhận lệnh đuổi theo Bagration trên đường Grodno đi Minsk, đã không thi hành được một nhiệm vụ nào cả; cuộc hành quân của Jérôme chậm trễ nên ngày 23 tháng 7, khi cuộc chiến đấu giữa Davout và Bagration bắt đầu ở về phía Nam Mohilev, thì sau nhiều lần đánh bật được các đợt xung phong của đối phương, Bagration lại tiếp tục rút lui theo hướng Smolensk và từ đó hầu như không còn bị đối phương ngăn cản gì nữa.
Nhận được tin về trận chiến đấu ở Mohilev và được báo rằng Bagration đã qua sông Dnepr ở gần Bolkhov, Barclay quyết định sẽ gặp cánh quân Bagration ở chân thành Smolensk và đã hành quân qua Zunya đi Smolensk. Đã chuẩn bị đầy đủ để đánh một trận lớn ở Vitebsk mà Napoléon dự định tiêu diệt Barclay, thì ngày 28 tháng 7, trong khi đi kiểm tra những nơi bố trí, đột nhiên Napoléon nhận thấy rằng quân Nga đã rút rất xa về Phương Đông. Điều đó làm ông Hoàng Đế thất vọng lớn. Đáng lẽ một trận Austerlitz mới tại chân thành Vitebsk sẽ có thể kết thúc gọn cuộc chiến tranh và khiến Aleksandr phải cầu xin hòa bình. Binh lính mệt nhọc vì những cuộc hành quân vất vả dưới ánh nắng gay gắt kinh khủng đến nỗi các cựu binh chẳng còn có cách gì động viên tân binh hơn là nói rằng ở Ai Cập còn nóng hơn thế. Cỏ, rơm cho ngựa ăn thiếu. Ngay từ ở Vilna, một số đơn vị kỵ mã đã mất quá nửa số ngựa. Những biểu hiện tan rã như ăn cắp vặt, phát triển nhanh chóng khác thường.
Càng ngày càng phải tiến vào sâu hơn để đuổi theo Barclay và Bagration đang đi về phía Smolensk bằng nhiều ngả đường khác nhau. Hoàng Đế phải thúc hai quân đoàn, đi đầu cánh trái (cánh Bắc) của đại quân đang tiến về Smolensk, tiến đến sông Dvina, theo hướng Peterburg, nơi mà quân đoàn của Wittgenstein đang hoạt động. Napoléon cũng phải tách ra một số sư đoàn của cánh phải (cánh Nam) để đánh lui các lực lượng Nga được cấp tốc triệu từ Thổ về do hòa ước giữa Thổ và Nga vừa mới ký kết một cách bất ngờ đã giải phóng cho họ. Tuy nhiên, trước trận Smolensk, lực lượng của Napoléon vẫn còn đông gấp bội so với quân Nga. Sau trận giao chiến ở Krasnoyarsk (ngày 14 tháng 8) với sư đoàn của Neverovski, người đã chống cự vô cùng kiên quyết trong cuộc chạm trán với những lực lượng trội hơn hẳn của Ney và của Murat và vì vậy đã mất một phần ba quân số, thì Napoléon đã đến chân thành Smolensk. Bagration giao cho tướng Rayevsky nhiệm vụ kiềm chế quân Pháp, và trong các trận chiến đấu sau đó, quân đoàn của Rayevsky đã chiến đấu quyết liệt đến nỗi Ney suýt bị bắt làm tù binh. Bagration khẩn khoản đề nghị không bỏ Smolensk nếu không giao chiến một trận lớn. Song “trận đánh lớn” đó lại không diễn ra. Quân chủ lực Nga, sau khi nhanh chóng vận động qua Smolensk, đã rút lui về phía Đông.
Nhưng dẫu sao Barclay cũng không thể quyết định bỏ thành phố cho quân địch mà không đánh một trận nào, mặc dầu ông ta cho là vô ích. Hồi sáu giờ sáng ngày 16 tháng 8, Napoléon hạ lệnh bắt đầu ào ạt pháo kích và xung phong vào Smolensk, nhiều trận chiến đấu ác liệt đã nổ ra và kéo dài đến sáu giờ tối. Quân Pháp đã chiếm được nhữnh vùng ngoại ô Smolensk, nhưng không làm chủ được khu trung tâm. Quân đoàn của Dokhturov, cùng giữ thành phố với sư đoàn của Konovnitsyn, và của hoàng thân Württemberg đã chiến đấu với tinh thần dũng cảm và ngoan cường đến nỗi quân Pháp phải ngạc nhiên. Đến tối, Napoléon cho triệu Thống Chế Davout đến và cương quyết hạ lệnh ngày mai nhất thiết phải chiếm bằng được Smolensk. Vì biết rằng cuối cùng Barclay và Bagration đã hội sư được với nhau và như vậy là coi như toàn bộ quân đội Nga sẽ tham chiến, nên lúc ấy Napoléon tin tưởng chắc chắn rằng trận Smolensk ngày mai sẽ là trận quyết định, vì cho đến tận bây giờ quân Nga vẫn không chịu tiếp chiến, cứ nộp cho Napoléon những vùng đất đai rộng lớn của đế quốc họ mà không hề chống cự. Ngày 17 tháng 8, cuộc chiến đấu lại tiếp diễn. Quân Nga đánh lại rất anh dũng. Binh lính không muốn thi hành lệnh rút lui, nên người ta phải dùng đến những lời khẩn khoản và đe dọa để buộc họ rút lui[46]. Qua ngày đẫm máu ấy, đêm đến, theo đúng lệnh của Napoléon, cuộc pháo kích thành phố vẫn tiếp tục. Đột nhiên, vang dội liên tiếp giữa bóng tối đặc sệt những tiếng nổ khủng khiếp làm rung chuyển mặt đất; lửa nhen lên rồi tràn khắp thành phố. Quân Nga đã đốt phá kho súng đạn và thiêu hủy thành phố; Barclay ra lệnh rút lui. Đến mờ sáng, các trinh sát viên báo cáo là thành phố hoang trống, và Thống Chế Davout đã yên ổn vào Smolensk.
Phố xá ngổn ngang xác người ngựa. Một góc thành phố vẫn còn bốc cháy và khắp nơi đều vang tiếng rên rỉ kêu la của hàng nghìn người bị thương nằm đợi chết. Napoléon cùng với đoàn hộ giá thong thả đi trên khắp phố phường Smolensk, vừa quan sát những cảnh tượng đang diễn ra ở xung quanh, vừa ra lệnh dập tắt các đám cháy, thu nhặt các xác chết đang bắt đầu thối nát và những người bị thương, kiểm kê lương thực thu nhặt được ở trong thành phố. Những người đã được chứng kiến kể lại rằng lúc ấy Napoléon phiền muộn và không trò chuyện với một ai trong đám tuỳ tùng. Sau cuộc cưỡi ngựa đi dạo quanh ấy, bước vào một ngôi nhà sửa soạn gấp gáp cho mình tạm trú, ông Hoàng Đế ném thanh gươm lên một chiếc bàn và nói: “Chiến dịch 1812 thế là đã kết thúc”. Nhưng cái ý định mà đến lúc ấy ông vẫn còn giữ là: Dừng lại ở Smolensk, củng cố vững chãi những vùng hậu phương ở Ba Lan, Litva, Bạch Nga để đến mùa xuân 1813 lại tiếp tục tiến quân vào Moscow hay Peterburg thì ông đã phải từ bỏ nó cũng ngay ở Smolensk này. Lại một lần nữa quân Nga đã lẩn tránh được. Napoléon không được tin gì về những khó khăn ngày càng lớn lên mà Barclay đã phải đương đầu mỗi khi Barclay hạ lệnh rút lui: Những tiếng la ó ầm ầm nổi lên buộc tội viên Tổng Tư Lệnh Nga là phản bội, là bạc nhược và làm rối loạn triều đình. Napoléon chỉ thấy có một điều: Vì đã không có cách gì để đánh một trận tổng công kích thì phải tiến sâu hơn nữa vào phía Đông, vào phía Moscow. Và Napoléon càng tiến sâu vào phía Đông càng khó kết thúc cuộc chiến tranh này bằng một hòa ước, bằng một hiệp định ngoại giao dễ dàng. Ở Smolensk, Napoléon không còn nghĩ đến sự chiến thắng hoàn toàn, đè bẹp hẳn nước Nga nữa rồi. Từ lúc này trở đi, vô số sự việc hiện ra trước mắt Napoléon khác hẳn với trước đây ba tháng, khi Napoléon vượt dòng sông Niemen.
Không phải chỉ là vấn đề quân số bị giảm mất một nửa vì phải bảo đảm một hệ thống giao thông bao la và canh gác các kho tàng, vì những trận chiến đấu cục bộ và ít quan trọng nhưng lại ác liệt và đẫm máu, vì cái nóng kinh khủng, vì mệt nhọc và bệnh tật, Napoléon còn nhìn thấy vấn đề khác: Binh sĩ Nga chiến đấu tuyệt nhiên không còn tồi như ở trận Eylau nữa. Các tướng lĩnh Nga, không nói đến Bagration nữa, rốt cuộc cũng không đến nỗi vô dụng như Napoléon đã từng nghĩ khi nói chuyện với Balashov ở Vilna. Thường thường Napoléon đánh giá năng lực của người khác rất đúng, nhất là khi đánh giá năng lực quân sự của họ. Và ông đã phải thừa nhận rằng các tướng lĩnh Nga, thí dụ như Rayevsky, Dokhturov, Tuskov, Konovnitsyn, Neverovski, Platov, đã hoàn thành những nhiệm vụ cực kỳ khó khăn của họ mà các Thống Chế ưu tú nhất của Napoléon cũng chỉ làm được đến thế. Tóm lại, tính chất chung của cuộc chiến tranh đã bắt đầu làm cho Napoléon và đám cận thần của ông lo lắng.
Trong khi rút lui một cách có kế hoạch, quân đội Nga đã chỉ để lại đằng sau họ một đám hoang tàn. Ở Smolensk, không phải người Nga chỉ thiêu hủy những làng mạc và những thị trấn, mà còn cả một thành phố, một trung tâm lớn về thương mại và hành chính, điều đó vạch rõ quyết tâm chiến đấu đến cùng chống kẻ xâm lược. Napoléon nhớ lại rằng trong các cuộc chiến tranh trước đây, Hoàng Đế nước Áo, khi bỏ thành Vienna chạy trốn, đã ra lệnh cho các nhà chức trách thành phố phải chấp hành nghiêm chỉnh mọi mệnh lệnh của quân Pháp, và vua Phổ, khi bỏ kinh thành trốn đi như Hoàng Đế Áo, cũng bày tỏ trong một bức thư riêng niềm hy vọng rằng Hoàng Đế sẽ có được đầy đủ tiện nghi trong thời gian lưu lại ở lâu đài Potsdam.
Ở Nga, nông dân rời bỏ nơi quê quán thân thuộc của họ, họ đốt nhà và lương thực; người ta đốt cháy cả một thành phố; tất cả đều chỉ rõ rằng đông đảo quần chúng cũng như thượng thư Bộ Chiến Tranh Barclay, cũng như hoàng thân Bagration và trên họ là Aleksandr, ai nấy đều thấy cuộc chiến tranh này là một cuộc chiến đấu sống mái. Trong suốt thời gian ở Smolensk, Napoléon chìm đắm trong những sự suy tưởng dài dặc và thầm lặng. Không điều động ngay tất cả các lực lượng hiện đang nghỉ ngơi ở Smolensk, Hoàng Đế phái Murat cùng với các quân đoàn kỵ binh của Murat truy kích Barclay vừa mới lên nắm quyền Tổng Tư Lệnh quân đội Nga (sau khi hai cánh quân hội sư được với nhau, Bagration làm phụ tá) hiện đang rút lui theo đường đi Moscow. Rồi đến Ney và Davout cùng lên đường hành quân. Đến ngày 18 và 19 tháng 8, đã diễn ra những trận giao chiến ở Valutina Gora và ở Lubino; do Junot bất tài khi thực hiện hành động nghi binh để xông đến sườn của quân đội Barclay nên sau những trận ấy, Barclay vẫn tiếp tục rút lui về phía Đông; những cuộc giao chiến ấy đã làm Barclay thiệt 7 nghìn người, ít hơn quân Pháp.
Trong đêm 24 tháng 8, Napoléon rời Smolensk cùng với đội cận vệ tiến lên Dorogobuzh. Nhưng Barclay lại đã di chuyển về phía Đông, và khi rút khỏi Dorogobuzh, Barclay cũng không bố trí quân cản hậu vì địa hình rất bất lợi. Ông ta rút theo đường Vyazma, Gzhatsk, Czarevo Zaimisze và bị Napoléon cùng với toàn bộ lực lượng của ông ta đuổi bám sát gót trên con đường đã bị quân Nga phá hoại.
Mỗi lần quân Nga dừng lại, dù rằng chỉ chốc lát, là Napoléon lại hy vọng có một trận tổng công kích. Ở Dorogobuzh, ở Vyazma, ở Gzhatsk cũng vậy. Ở đại bản doanh của Bagration tại Petersburg, người ta viết một cách độc ác rằng: “Ông thượng thư (Barclay) dẫn vị khách của mình thẳng đến Moscow”.
Mối sợ hãi, một mối sợ hãi không thể xua đuổi đi được và ngày càng tăng, đã xâm chiếm dần dần tâm hồn của một số giới thượng lưu của xã hội Nga. Thế là hoàn toàn thất bại rồi chăng? Cứ thế này nộp nước Nga cho kẻ xâm lược, không kháng cự gì chăng? Tại sao ở Smolensk người ta không chiến đấu đến cùng? Tại sao người ta đánh rút lui? Có phải tên Barclay người Đức kia phản bội không? Chính bản thân Aleksandr đã cố hết sức phá hoại uy tín của Barclay với vẻ khoái trá lộ rõ, đã nhại lại cho tướng Wilson, phái viên của chính phủ Anh, nghe lời của Platov – thủ lĩnh dân tộc Cossacks – nói với Barclay sau khi rút lui khỏi Smolensk: “Ông xem, tôi đang mặc quần áo thường dân rồi đây. Và sau một sự nhục nhã như vậy, tôi sẽ chẳng mặc lại binh phục Nga nữa đâu”[47]. Aleksandr sống những ngày khổ sở nhất trong đời ông ta. Triều thần hốt hoảng. Sự khiếp sợ ngày càng tăng. Đủ mọi thứ chuyện đồn đại về Nga Hoàng và Napoléon lưu hành trong giai cấp tiểu tư sản và nông dân. Từ lâu, người ta không hiểu Napoléon là người thế nào. Cho đến tháng 6 năm 1807, trên tòa giảng, người ta đã bài xích Napoléon là tiền thân của Ma Vương phản Chúa; hơn thế nữa, trong khi trò chuyện với nhau, người ta đã thừa nhận Napoléon là hiện thân của Ma Vương phản Chúa, là kẻ diệt trừ đức tin, nhưng từ cái tháng nọ, Ma Vương phản Chúa lại bỗng nhiên trở thành người bạn và người đồng minh của Nga Hoàng mà chẳng có một thời kỳ biến chuyển, cũng chẳng có sự giải thích nào cả. Bây giờ thì lại là kẻ phản chúa rồi, hắn chẳng phải đánh chác gì mà đã chiếm được nửa nước Nga. Smolensk thất thủ đã làm cho người ta ngã lòng. “Nga Hoàng và em là Constantine đã làm con người hay nổi nóng ấy phát cáu lên rồi”, trong dân gian người ta nói như vậy suốt mấy tháng đầu của cuộc chiến tranh. Nhưng thật ra thì con người hay nổi nóng ấy muốn gì, đó còn là một điều bí mật. Tuy vậy, ngay từ những ngày đầu, lòng căm thù, sự phẫn nộ, sự nhục nhã, khát vọng trả thù, ý muốn sôi sục bắt kẻ xâm lược phải trả nợ những hành động bạo ngược và xâm đoạt của y đã mỗi ngày một nung nấu tâm can nhân dân Nga. Những tình cảm ngày càng mạnh lên ấy đã là nguồn gốc của cuộc kháng chiến khủng khiếp và làm tan rã đại quân Pháp. Những mối lo sợ của bọn quý tộc còn có ý thức rõ rệt và mạnh mẽ hơn nhiều so với “những người bình dân”. Dưới con mắt của bọn chúng, mối đe dọa do thắng lợi của Napoléon gây ra không những chỉ là sự tiếp tục và tăng cường việc phong tỏa lục địa mà còn là sự lung lay của chế độ nông nô. Thế nhưng, thật ra Napoléon đã không hề nghĩ đến việc xóa bỏ chế độ nông nô trong các tỉnh bị chiếm đóng và hơn nữa lại đã dùng vũ lực để đàn áp mọi mưu đồ tự phát của nông dân nhằm tự mình giải phóng khỏi ách bọn chúa đất. Nhưng dù sao chăng nữa, Nga Hoàng và bọn quý tộc cũng cho rằng không thể nào nộp Moscow cho địch mà không chiến đấu, và hơn nữa, binh lính không biết cuộc rút lui đó là gì cả. Ngày 29 tháng 8, sau khi đã rút khỏi Gzhatsk, quân đội Nga kéo về đến Czarevo Zaimisze thì họ đã có một vị Tổng Tư Lệnh mới. Aleksandr đã thay thế Barclay bằng Kutuzov, một vị tướng mà từ lâu Aleksandr không tài nào chịu đựng nổi, nhưng hiềm vì không tìm được ai xứng đáng hơn. Bagration còn không được Aleksandr tin cậy bằng, vì cũng hệt như Barclay, cái tên của Bagration không phải là tên Nga.
Đương nhiên là Kutuzov biết rằng Barclay đã hành động đúng, biết rằng nếu cái gì đó làm cho Napoléon thất bại thì chính là cái việc Napoléon xa rời căn xứ địa; chính là sự không thể tiến hành một cuộc chiến tranh kéo dài hàng năm trời hoặc chỉ hàng tháng thôi trên một chiến trường cách xa nước Pháp hàng bao nhiêu nghìn km, trên một đất nước khô cằn, hoang vu; chính là sự thiếu lương thực; chính là sự không hợp khí hậu.
Nhưng Kutuzov còn biết rõ hơn Barclay rằng mặc dầu ông là người Nga với cái tên Nga nhưng người ta cũng chẳng cho phép ông bỏ Moscow mà không có một trận tổng công kích. Và Kutuzov đã quyết tâm đánh trận ấy, một trận đánh mà Kutuzov tin tưởng một cách sâu sắc là vô ích, cũng như trước kia Kutuzov đã bắt buộc phải đánh trận Austerlitz trái với ý định của mình. Về phương diện chiến lược thì là thừa, nhưng về phương diện chính trị và tinh thần mà nói thì không sao tránh khỏi trận đánh này. Đối với Napoléon việc thay thế Barclay mà Napoléon được tức khắc biết tin do tình báo là dấu hiệu chứng tỏ rằng cuối cùng quân Nga đã sẵn sàng đánh trận tổng công kích ấy.
Sáng sớm ngày 4 tháng 9, Napoléon ra lệnh cho Murat và Ney tiến từ Gzhatsk đến Grosvenor. Quân Nga đã rút lui chậm dần rồi dừng lại, đội hậu vệ dựa vào các công sự. Công sự lẻ loi nhất, đối diện với quân Pháp đang tiến đến là cái đồn lẻ do quân Nga xây dựng ở làng Shevardino nhỏ bé. Napoléon đến Grosvenor cùng với đội cận vệ, bắt tay ngay vào việc trinh sát cánh đồng trải dài trước mặt họ, nơi quân Nga đã cắm quân lại. Người ta báo cáo với Napoléon rằng cứ điểm lẻ Shevardino do những lực lượng lớn phòng giữ. Nhìn qua ống nhòm, người ta thấy những vị trí của quân đội Nga ở tít xa bên kia lòng suối khô cạn của con suối nhỏ Kolocha. Tối ngày 4 tháng 9, trinh sát báo cáo về đại bản doanh của Hoàng Đế rằng quân Nga đã cắm đồn từ hai ngày nay và ở gần một làng nhỏ xa xôi, quân Nga cũng đã đào đắp công sự. Khi người ta hỏi tên làng ấy, họ trả lời đó là làng Borodino.
Đã bao nhiêu lần, trận Borodino từng hấp dẫn sự chú ý của các nhà viết sử, các chuyên gia và nghệ thuật quân sự, các nhà đại văn hào và các nhà danh họa. Song, số phận đế quốc Napoléon không phải đã được quyết định trên cánh đồng Borodino mà là trong suốt cả quá trình chiến dịch nước Nga này: Borodino chẳng qua chỉ là một cảnh của tấn bi kịch, chưa phải là cả tấn bi kịch. Ngay cả bản thân chiến dịch nước Nga cũng chưa phải là đoạn chót, mới chỉ là phần mở đầu của đoạn chót còn rất lâu mới hạ màn. Song, tâm tưởng của những người đương thời và của đời sau vẫn cứ bị mê say bởi những cánh đồng Borodino ngổn ngang hàng ngàn xác chết bỏ trơ hàng tháng trời.
Giờ phút chờ đợi, mong mỏi bồn chồn đã đến, giờ phút mà Napoléon không ngừng mơ tưởng từ khi còn ở Dresden, thoạt tiên là ở trên sông Niemen rồi ở Vilna, ở Vitebsk, ở Smolensk, ở Vyazma, ở Gzhatsk. Khi tiến gần đến những nơi đã dành sẵn làm vũ đài cho một trong những cuộc chém giết kinh khủng nhất từ xa xưa đến nay chưa từng thấy trong lịch sử, Napoléon chỉ còn chừng một phần ba số quân so với khi mới đặt chân lên đất Nga.
Bệnh tật và những nỗi gian truân của chiến dịch; nạn đào ngũ; nạn trộm cắp; sự bức thiết phải tăng cường các cánh sườn và các hậu phương xa xôi hướng về Riga và Peterburg, và về phía Nam để nhằm chống lại các lực lượng từ Thổ Nhĩ Kỳ sang; sự bức thiết phải có quân bảo vệ ngày càng nghiêm ngặt hệ thống giao thông rộng lớn từ sông Niemen đến Shevardino đã là những yếu tố làm cho quân số của đại quân sụt hẳn đi rất nhiều. Khi tiếp cận cứ điểm Shevardino, Napoléon có 13 vạn rưỡi quân và 587 khẩu pháo. Lực lượng Nga có 10 vạn 3 nghìn quân chính quy và 640 khẩu pháo, cộng thêm 7 nghìn quân Cossacks và khoảng 1 vạn dân quân tổng động viên. Chất lượng pháo binh Nga không thua kém gì pháo binh của quân Pháp, và số lượng thì trội hơn. Quân đội của Napoléon bị chết rất nhiều ngựa, nên đã không thể kéo hết được số pháo ở Mohilev, ở Vitebsk và ở Smolensk lên đường về Moscow.
Trong suốt trận Borodino, Napoléon đã đóng đại bản doanh ở làng Valuyevo. Napoléon tin chắc sẽ thắng và giai đoạn đầu của trận đánh đã làm cho ông vững thêm lòng tin. Ngày 5 tháng 9, Napoléon hạ lệnh công kích cứ điểm Shevardino. Sau khi Murat đã đánh lùi được một bộ phận kỵ binh Nga và sau đợt pháo hỏa chuẩn bị thì tướng Compans dẫn đầu năm trung đoàn bộ binh xung phong vào và đã chiếm được cứ điểm sau một trận cường tập bằng lưỡi lê. Khuya đêm ấy, quân Pháp kể chuyện rằng họ rất ngạc nhiên khi họ đột nhập vị trí, các pháo thủ Nga đã chiến đấu rất quyết liệt và dù có bị chém chết tại chỗ cũng cam lòng chứ quyết không bỏ chạy trốn, mặc dầu họ có thể chạy trốn được. Tảng sáng ngày 6 tháng 9, Napoléon lên ngựa và hầu như suốt cả ngày không bước chân xuống đấy. Ông ta sợ rằng quân Nga đang chiếm lĩnh cách Niemen vài km sẽ đánh để rút lui sau khi bị mất cứ điểm. Nhưng những điều lo lắng ấy đã là vô ích: Kutuzov vẫn không nhúc nhích. Napoléon rất lo rằng quân Nga lại lẩn tránh một trận tổng công kích nữa; chỉ vì lý do ấy mà Napoléon đã bác ý kiến Davout đề nghị dùng những lực lượng lớn đánh vu hồi vào sườn trái quân địch (về phía Utiza), bởi hành động ấy sẽ làm cho Kutuzov hoảng sợ và thôi thúc Kutuzov trốn tránh.
Sau trận Smolensk, nơi mà Napoléon đã hạ quyết tâm là không kéo dài chiến tranh đến hai năm và nội trong năm ấy cần kết thúc, thì mục đích cốt yếu và trước mặt của Napoléon là tiến vào Moscow và ở đó sẽ đề nghị giảng hòa với Nga Hoàng. Tuy rất mong mỏi chiếm được Moscow nhưng Napoléon lại hoàn toàn không muốn chiếm được Moscow mà không phải đánh nhau: Phải diệt trừ quân đội Nga, nghĩa là phải có một trận tổng công kích Moscow, đó là mục tiêu phải đạt kỳ được, bằng bất cứ giá nào chứ không phải là đuổi theo sau Kutuzov nếu Kutuzov quyết định chạy khỏi Moscow, theo hướng Vladimir, hoặc Ryazan, hoặc xa hơn nữa. Cũng lại chính vì lý do đó mà cả Barclay lẫn Kutuzov đều không muốn đánh trận ấy, trận Napoléon vô cùng mong mỏi. Song, giờ đây thì Barclay hơi lặng tiếng, hoàn toàn phụ thuộc vào Kutuzov kể từ khi còn Zaimisze; Kutuzov cũng im hơi lặng tiếng vì không thể tránh trách nhiệm ghê sợ ấy và không thể rút lui không chiến đấu, không thể bỏ mặc cho Moscow thất thủ, nhưng như vậy lại cứu vãn được quân đội.
Suốt cả ngày 6 tháng 9, sau ngày chiếm được Shevardino, Napoléon không động binh. Sau khi ra lệnh cho binh lính nghỉ ngơi và cho ăn gấp đôi, Napoléon đặt kế hoạch hành động tỉ mỉ cho ngày hôm sau, định rõ nhiệm vụ cho các Thống Chế và các tướng lĩnh tụ tập theo Napoléon đi hết chỗ này chỗ nọ. Cũng như Hoàng Đế và các Thống Chế, những người binh nhì luôn luôn nhìn về phía quân Nga đóng ở tận xa và tất cả đều đặt ra câu hỏi: Kutuzov nhổ trại rồi chăng? Nhưng không hề động tĩnh: Quân Nga vẫn ở nguyên vị trí. Dù bị cảm lạnh trong suốt cả cái ngày tất bật ấy, Napoléon vẫn tỏ ra không có vẻ gì mệt nhọc.
Đêm xuống. Binh lính đi ngủ sớm, vì biết rằng ngày mai trận đánh sẽ bắt đầu vào lúc tảng sáng. Napoléon hầu như không ngủ được, mặc dầu suốt ngày hôm ấy tinh thần và thể xác căng thẳng. Ông ta đã khéo che giấu sự bối rối nhưng không đạt kết quả lắm, ít ra thì cũng là lần này các sĩ quan hầu cận đã thấy rõ ràng ông ta không nghe thấy gì khi họ nói với ông ta. Chốc chốc, Napoléon lại chạy ra khỏi lều để nhìn xem lửa có còn bốc cháy bên trận quân Nga không. Mặt trời vừa hé, Napoléon đã hạ lệnh công kích, và theo đúng kế hoạch bố trí của Hoàng Đế, phó vương nước Ý là Eugène Beauharnais dẫn đầu quân đoàn của mình xung phong vào làng Borodino, bên cánh trái. Davout, Ney, Murat cũng lần lượt động binh để đánh chiếm các tháp canh do Bagration xây dựng ở trung tâm làng Semenovskoe. Từ cả hai phía, pháo binh bắn như sấm, không ngừng không dứt, đinh tai nhức óc, ngay cả những người đã từng ở Eylau và ở Wagram cũng chưa bao giờ nghe thấy như vậy.
Theo lời những người được chứng kiến thì suốt ngày tháng 9 dài dặc còn ấm áp ấy, trong tâm hồn Napoléon đã lần lượt diễn ra hai trạng thái. Lúc bình mình, khi mặt trời chỉ mới bắt đầu ló ra khỏi chân trời, Napoléon đã vui vẻ nói: “Đó là mặt trời Austerlitz”. Và tâm trạng này đã kéo dài trong cả buổi sáng. Hình như quân đội của Napoléon bắt đầu đánh bật dần dần và đánh bật hẳn quân Nga ra khỏi các vị trí. Nhưng ngay trong đợt xung phong đầu tiên và mạnh mẽ ấy của quân Pháp vào Shevardino, nhiều báo cáo khá nguy cấp xen kẽ với những tin thắng lợi đáng mừng đã bắt đầu bay tới đại bản doanh, nơi mà Hoàng Đế đang quan sát cuộc chiến đấu. Và những giờ đầu buổi sáng, Hoàng Đế được tin một trong số những viên tướng giỏi nhất của mình là Plozon, chỉ huy trung đoàn tác chiến thứ 106, đã vào được Borodino và đánh bật được quân Nga ra, nhưng sau đó đã bị quân Nga tiêu diệt một phần trung đoàn, giết chết Plozon và một số lớn sĩ quan. Tiếp viện được điều đến ngay và quân Pháp vẫn làm chủ được Borodino. Nhưng những hoàn cảnh đưa đến cái chết của Plozon đã chứng tỏ tinh thần chiến đấu quyết liệt của quân Nga ngày đó. Rồi một sĩ quan hầu cận chạy tới báo cáo là cuộc tiến công của Thống Chế Davout đang tiến triển thuận lợi, nhưng sau đó một sĩ quan khác bất chợt đến báo cáo rằng sư đoàn Compans, đơn vị khá nhất của quân đoàn Davout đang bị một làn hỏa pháo ác liệt bao vây, Compans bị thương, các sĩ quan bị chết, Thống Chế Davout đến tiếp viện cướp được các khẩu pháo của quân Nga đã bắn vào Compans, và cũng như hai ngày trước đây ở Shevardino, các pháo thủ Nga đã chiến đấu đến phút cuối cùng tới khi bị chém chết ngay bên khẩu pháo của mình, ngựa của Davout đang cưỡi đã bị một viên đạn Nga giết chết, và Thống Chế bị trọng thương bất tỉnh.
Hoàng Đế chưa kịp nghe hết báo cáo và cũng chưa kịp ra lệnh mới thì người ta lại báo cáo tin Thống Chế Ney, dẫn đầu ba sư đoàn, đã chiếm và giữ vững được các tháp canh của Bagration do quân đánh lựu đạn Nga cố thủ, nhưng đối phương không ngớt phản kích một cách dữ dội. Một sĩ quan hầu cận khác mang đến tin: Sư đoàn của Neverovski vừa mới đánh bật được quân của Ney ra khỏi những vị trí ấy. Mãi sau, Ney mới làm chủ lại được tình thế, nhưng hoàng thân Bagration vẫn tiếp tục chiến đấu sống mái ở cứ điểm đó. Một trong số những công sự quan trọng nhất vừa mới bị quân Pháp (của tướng Rodou) chiếm được thì một cuộc xung phong mãnh liệt bằng lưỡi lê của quân Nga lại bị đánh bật ra và làm cho bị tổn thất nặng nề. Cuối cùng Murat đã lấy lại được nhiều công sự nhưng binh lính cũng đã bị thương vong rất nhiều.
Từ khắp nơi, người ta đều báo cáo với Napoléon rằng tuy bị thiệt hại nhiều hơn so với quân Pháp nhưng quân Nga không chịu đầu hàng và trong những cuộc phản kích, họ quyết hy sinh đến người cuối cùng để tìm cách khôi phục tình thế. Muốn kỵ binh được tự do hoạt động, cần phải nỗ lực ghê gớm để đánh chiếm một số điểm cao nhỏ và địa hình mấp mô chạy cắt đôi bãi chiến trường mênh mông, và những chướng ngại vật thiên nhiên ấy đã bắt quân Pháp phải hy sinh quá nhiều. Quân đoàn Rayevsky tuy cũng bị tiêu hao nhưng đã giáng cho bộ đội của Ney và Murat những đòn nặng nề đến nỗi hai viên Thống Chế này đã phải tung ra tất cả số quân có trong tay. Con suối Semenovskoe và cái làng nằm quanh con suối ấy bị giành đi giật lại nhiều lần. Cuối cùng, hai Thống Chế xin Napoléon tiếp viện, họ cam kết là trận đánh sẽ thắng lợi nếu kịp thời chiếm được con suối và cái làng kia từ tay Bagration.
Napoléon không tăng viện cho họ quá một sư đoàn. Qua tình thế đặc biệt ác liệt của trận đánh, Napoléon thấy rằng Ney và Murat đều sai lầm, rằng các quân đoàn của Nga mà Ney và Murat cho là đang chuẩn bị rút khỏi cuộc chiến sẽ không rút lui, rằng các lực lượng dự bị của Pháp có thể sẽ bị kiệt sức vào giờ phút tiến công quyết định. Và giờ phút ấy vẫn còn chưa đến. Trong ngày hôm ấy, sư đoàn Morand đã xung phong chiếm được trận địa pháo của Rayevsky, ở giữa Borodino và Semenovskoe, nhưng một cuộc phản kích bằng lưỡi lê đã đánh bật quân Pháp, và quân Nga đã chiếm lại được trận địa pháo. Với những tổn thất nặng nề, quân Nga đã cướp lại trận địa trong tay Morand và viên tướng ấy đã chết tại trận.
Tin quân Nga chiếm lại được trận địa trọng pháo đến với Napoléon cùng lúc với một tin khác: Bagration đang dốc hết sức lực cuối cùng để đuổi Ney và Murat ra khỏi ba công sự mà Ney và Murat đã phải khó khăn lắm mới chiếm được. Một trận chiến đấu ác liệt với Bagration để giành lấy các công sự Semenovskoe đã diễn ra. Chỉ trong vài giờ, những cứ điểm ấy đã bị cướp đi giành lại nhiều lần. Trong khu vực này, hơn 700 khẩu pháo gầm thét, Pháp có 400 và Nga hơn 300. Nhiều lần quân Nga và quân Pháp đã đánh giáp lá cà và pháo binh không phân biệt rõ nên đôi khi đã nã cả vào quân mình đang lẫn lộn với quân địch.
Cho đến lúc cuối đời họ, các Thống Chế đã dự trận ngày hôm ấy vẫn còn khâm phục tinh thần chiến đấu của binh sĩ Nga ở công sự Semenovskoe. Quân Pháp cũng không kém phần anh dũng. Chính ở đấy đã vang lên tiếng “Khá lắm! Khá lắm!” do Bagration thốt ra trước khi chết để khen ngợi bộ binh Pháp đang xung phong chiến đấu bằng lưỡi lê, không nổ một tiếng súng dưới làn mưa đạn. Vài phút sau, hoàng thân Bagration, mà Napoléon cho là người tướng giỏi nhất của quân Nga, bị tử thương và được đưa ra khỏi chiến trường Borodino qua những làn đạn dày đặc. Lúc ấy đang giữa trưa. Tâm thần Napoléon bỗng có sự thay đổi nhanh chóng và quyết định. Sự thay đổi ấy không phải do cảm lạnh như các nhà chép tiểu sử Napoléon đã từng nhắc đi nhắc lại, mà thực tế là do: Đứng trước việc Ney và Murat khẩn khoản xin viện binh, xin cho đội cận vệ đi cứu ứng, thì Napoléon thấy không thể làm như vậy được, không phải chỉ vì Napoléon không muốn làm cho đội cận vệ của mình hao tổn ở nơi cách xa nước Pháp hàng ngàn km, như lúc ấy Napoléon đã nói, mà còn vì một nguyên nhân khác nữa trực tiếp hơn nhiều: Kỵ binh Nga, trong số đó có quân Cossacks của Uvarov và của Platov, đã thình lình tập kích vào những phân đội vận tải và sư đoàn vừa tham gia trận đánh chiếm Borodino. Cuộc tập kích bị đánh lui, nhưng hành động ấy đã quyết định việc không thể đưa tất cả đội cận vệ tham chiến, bởi vì quân Pháp thấy rằng ngay ở hậu phương rất xa của họ, họ cũng không còn được an toàn nữa. Vào ba giờ chiều, Napoléon hạ lệnh mở một cuộc tiến công mới vào trận địa pháo của Rayevsky. Cứ điểm ấy đã bị chiếm sau nhiều đợt xung phong ác liệt.
Napoléon tài giỏi hơn các Thống Chế của ông trong việc cân nhắc và đánh giá những tổn thất ghê gớm ở khắp các nơi báo cáo về. Khi trời sắp tối thì Hoàng Đế nhận được nhiều tin quan trọng: Bagration bị tử thương, cả hai anh em Tuchkov đều bị chết, quân đoàn Rayevsky bị tiêu diệt gần hết, cuối cùng quân Nga vừa rút khỏi Semenovskoe vừa tiếp tục kháng cự một cách vô vọng. Napoléon tiến về hướng Semenovskoe. Bất cứ ai lúc đó đã đến gần và nói chuyện với Napoléon đều nhất trí rằng họ không còn nhận ra Hoàng Đế nữa: Napoléon im lặng nhìn xác người, ngựa chất thành núi, không buồn trả lời những câu hỏi cấp thiết mà ngoài Napoléon ra không còn ai có thể trả lời được. Lần đầu tiên người ta thấy Napoléon chìm đắm trong một thứ lạnh lùng rầu rĩ và hình như đang do dự.
Trời đã tối hẳn, 300 khẩu pháo của quân Pháp bắn vào quân Nga đang rút lui từ từ và trật tự. Nhưng cuộc pháo kích ấy không gây được kết quả như người ta mong muốn: Binh lính có ngã xuống nhưng không một ai chạy trốn. Trước tình hình ấy, Napoléon đã phải hạ lệnh tăng cường hỏa lực: “Chúng nó còn n muốn nữa thì cho chúng nó nữa đi!”. Quân Nga vừa rút lui vừa bắn trả lại. Đó là tình hình hai bên khi đêm đến.
Suốt đêm ấy, khi Kutuzov đã nghe những báo cáo đầu tiên và thấy rằng riêng trong ngày 7 tháng 9 ấy, quân Nga đã bị tiêu diệt mất một nửa thì ông liền hạ quyết định dứt khoát là cứu lấy nửa số quân còn lại và bỏ Moscow, không giao chiến nữa. Điều ấy không ngăn cản gì việc Kutuzov tuyên bố rằng trận Borodino thắng lợi, mặc dầu trong đáy lòng, Kutuzov rất phiền muộn. Tuy nhiên đó vẫn là một thắng lợi tinh thần không thể chối cãi được. Dưới ánh sáng của những sự kiện sau này xảy ra, người ta có thể khẳng định rằng ngay cả về phương diện chiến lược, thắng lợi cũng thuộc về phía quân Nga hơn là về phía quân Pháp.
Cũng đêm hôm đó, khi người ta báo cho Napoléon biết rằng 49 vị tướng lĩnh của ông đã bị chết hoặc bị thương nặng, hàng vạn binh sĩ bị chết hoặc bị thương nằm phơi trên bãi chiến trường, và khi chính mắt Napoléon nhận ra được rằng chưa có một trận đánh lớn nào từ trước đến nay lại quyết liệt và đẫm máu như trận Borodino (mặc dầu ông cũng tự cho mình là thắng trận) thì Napoléon, con người đã từng giành được trong đời mình biết bao thắng lợi đích đáng và không ai chối cãi được, cũng không thể không hiểu rằng nếu như trận Lodi, Rivoli, Kim Tự Tháp, trận tiêu diệt quân đội Thổ ở Abu Qir, trận Marengo, Austerlitz, Jena, Friedland hoặc Wagram đã có thể gọi là những chiến thắng thì đối với Borodino phải tìm ra một định nghĩa khác. Napoléon chờ đợi Kutuzov sẽ tiếp chiến nữa ở Moscow nhưng quyết tâm của Kutuzov đã không thể lay chuyển. Napoléon không được nghe nói đến cuộc họp hội đồng quân sự ở Fili, nhưng có nhiều triệu chứng chắc chắn cho phép Napoléon thấy rằng, hai ngày sau trận Borodino người ta đã quyết định bỏ rơi thành phố không chiến đấu.
Kỵ binh của Murat bám sát cuộc rút lui của Kutuzov. Ngày 9 tháng 9, Napoléon tiến vào Mozhaysk; ngày hôm sau, hoàng thân Eugène, phó vương nước Ý, tiến vào Ruda.
Buổi sáng ngày 13 tháng 9, nắng đẹp, Napoléon cùng với tuỳ tùng tới Poklonnaya Gora, và cũng như những người xung quanh, ông ta đã không thể nén được nỗi ngạc nhiên trước vẻ đẹp của cảnh vật. Trước mắt Napoléon, cái thành phố bát ngát đang rực rỡ dưới ánh mặt trời kia là nơi mà cuối cùng ông sẽ cho quân đội nghỉ ngơi, phục hồi sức lực, và trước hết sẽ là vật bảo đảm không thể thiếu được để buộc Aleksandr xin giảng hòa.
Những cảnh tượng khủng khiếp của Borodino đã bị phong cảnh đẹp đẽ và những viễn cảnh kia xóa nhòa.
Trong ngày 14 tháng 9, quân đội Nga cuồn cuộn kéo qua Moscow không ngớt để tràn về các ngả đường đi Kolomna và Ryazan và vẫn luôn bị kỵ binh của vua xứ Naples bám sát. Miloradovich, chỉ huy đội tiền vệ, đã tranh thủ được Murat hứa rằng sẽ để cho quân Nga yên ổn qua thành phố. Quân hậu vệ có Rayevsky chỉ huy, tối đến đã dừng lại ở làng Viazovka, cách cổng thành Kolomna sáu Vexta[48]. Cũng trong thời gian ấy, kỵ binh Pháp, sau khi vượt qua thành phố đi theo đường Arbat, đã đẩy xa dần tiền đồn đến tận làng Karasarova.
Ngày 16 tháng 9, quân của Kutuzov bỏ lại Moscow đằng sau để tiếp tục hành quân theo đường Ryazan, và sau khi hạ trại nghỉ đêm ở gần làng Kulakovaia, thì sáng hôm sau đã đổi hướng, tiến về phía bên phải mà Napoléon không biết. Quân của Kutuzov, đi ngược dòng sông Pakhra, đã đến chiếm lĩnh trận địa ở bên tả ngạn con sông này tại Krasnaya Pakhra, trên con đường cũ đi Kaluga. Đường giao thông độc nhất của Napoléon với Smolensk đã bị kỵ binh Nga chặn giữ.
Vừa đến cổng thành Dorogomilovo, nhiều tin đồn khác thường do đội cận vệ nghe được và bàn tán đã bay đến Napoléon: Moscow hoang vắng, hầu hết dân chúng ở đó đã tản cư, sẽ chẳng có một phái đoàn nào ra mở cửa thành phố cho Hoàng Đế như ông mong đợi. Những tin đồn ấy đã là những tin xác thực.
Ngày 15 tháng 9, Napoléon tiến vào điện Kremlin. Những ngọn lửa đầu tiên đã bốc lên từ đêm hôm trước, nhưng dù chỉ là phỏng đoán, cũng vẫn chưa thể dự kiến được quy mô và ý nghĩa của cái biến cố đang bắt đầu ấy. Sáng ngày 16 tháng 9, các đám cháy tăng dần. Ban ngày người ta nhận thấy còn nhỏ. Nhưng đến đêm 16 rạng ngày 17, một cơn gió mạnh nổi lên và thổi không ngớt trong hơn 24 tiếng đồng hồ. Một bể lửa thiêu hủy khu trung tâm thành phố ở xung quanh điện Kremlin, ở các khu phố Zamoskvorechye, Solyanka; các khu vực ấy của thành phố ở cách nhau xa nhất đều bốc cháy gần như cùng một lúc.
Khi người ta báo tin những đám cháy đầu tiên, Napoléon không chú ý lắm nhưng đến sáng ngày 17 tháng 9, khi đi dạo quanh điện Kremlin, trông qua cửa sổ thấy đâu đâu cũng là một bể lửa đang bốc cháy ngùn ngụt. Theo lời của Xerghie và của bác sĩ Metivier và nhiều người khác nữa, Hoàng Đế đã thất sắc, và sau khi đã lặng lẽ ngắm cảnh cháy ấy rất lâu, ông ta nói: “Cảnh tượng kinh khủng quá! Chính họ đã tự… Quyết định kỳ quặc thật! Những con người đến lạ! Chúng là những kẻ Scythes[49]”. Giữa lúc này, ngọn lửa không phải chỉ uy hiếp điện Kremlin, mà đã thiêu hủy một bộ phận tường thành (ngọn tháp Chúa Ba Ngôi), một số cửa đã không ra vào được nữa vì bị gió thổi tạt lửa tới. Các Thống Chế khẩn khoản đề nghị Hoàng Đế của họ dời ngay đến lâu đài Petrovsky ở cửa thành phố. Lúc đầu Napoléon không bằng lòng đi và vì vậy mà suýt nữa bị mất mạng. Cuối cùng khi ông ta rời khỏi điện Kremlin cùng với đoàn tuỳ tùng thì những tàn lửa như mưa đã tới tấp vây lấy họ trong một bầu không khí ngột ngạt. Một kẻ đi cùng với Napoléon đã kể: “Chúng tôi đi trên mặt đất lửa, dưới bầu trời lửa, giữa hai bức tường lửa”.
Đám cháy khủng khiếp ấy vẫn dữ dội ngút trời suốt trong những ngày 17 và 18 tháng 9, nhưng đến tối 18 thì đã bắt đầu yếu dần. Gió đã lặng, trời đổ mưa. Trong những ngày sau nữa, ngọn lửa vẫn còn bốc nhưng đã không thể nào so sánh được với cơn bão lửa khổng lồ chỉ từ ngày 15 đến ngày 17 mà đã đốt trụi một phần lớn thành phố.
Napoléon không nghi ngờ gì về nguyên nhân của cái tai biến hoàn toàn bất ngờ ấy: Người Nga đốt cháy thành phố để khỏi rơi vào tay kẻ chiến thắng. Những sự việc như Rostopchin đã mang đi tất cả bơm nước và các dụng cụ cứu hỏa khác; các đám cháy xuất hiện cùng một lúc ở nhiều điểm, những lời khai của một số người bị bắt vì tình nghi gây ra hỏa hoạn; và những lời khai của binh sĩ chứng thực rằng đã trông thấy những người cầm đuốc đốt nhà, tất cả những điều ấy là những dẫn chứng xác thực. Về sau này, như người ta đã biết, Rostopchin lúc thì khoe khoang thành tích đã đốt cháy thành Moscow, lúc thì chối rồi lại khoe khoang bằng cách phố trương tinh thần yêu nước hung hăng của hắn, sau đó lại chối cãi nữa (trong cuốn sách mỏng viết riêng về việc này hắn cũng đã làm như vậy). Do tính chất của việc đốt thành (về vấn đề này cũng đã có rất nhiều phán đoán và giả thuyết) mà chính là những tác động của nó đến tinh thần của Napoléon và đến hàng loạt biến cố xảy ra sau này.
Theo những chứng cớ giống nhau trong suốt thời gian ở Petrovsky rồi lại trở lại điện Kremlin, khi các đám cháy đã bắt đầu dịu dần thì cũng là khi Napoléon lo âu sầu khổ. Thỉnh thoảng ông ta lại nổi cơn điên giận, và đó là điều bất hạnh cho đám người xung quanh; có lúc lại nín thít trong suốt mấy giờ liền. Nhưng Napoléon vẫn giữ được nghị lực; từ Moscow, ông vẫn tiếp tục cai trị cái đế quốc mênh mông của mình và ký đạo luật, sắc lệnh, quyết định bổ nhiệm, thuyên chuyển, khen thưởng, cách chức những viên chức lớn và nhỏ ở Moscow, cũng như từ trước đến nay, Napoléon muốn rõ hết thảy, ông để tâm đến những việc quan trọng nhất cũng như những việc thứ yếu hoặc những việc hoàn toàn phụ. Xin nhắc lại một chuyện nhỏ kỳ lạ là bản điều lệ tỉ mỉ quy định việc thành lập đoàn kịch nước Pháp, đến tận bây giờ vẫn không có gì thay đổi đã do Napoléon ký ở điện Kremlin và đến nay vẫn gọi là “sắc lệnh Moscow”.
Một mối lo lớn, đáng sợ đang ám ảnh ông Hoàng Đế. Làm gì nữa đây? Trận cháy chưa thiêu đốt hết các kho lương thực hiện có ở Moscow, có những kho tàng thoát tay thần lửa. Nhưng những phân đội được cử ra ngoài thành phố kiếm cỏ cho ngựa đều trở về tay không; binh lính lén đi ăn cắp vặt và biến mất, rõ ràng là kỷ luật đã trở lên lỏng lẻo. Chắc chắn là có thể đặt bản doanh nghỉ quân ở Moscow như một số lớn Thống Chế và tướng lĩnh đã khuyên Napoléon, nhưng bản năng rất đúng đắn của Napoléon báo trước cho ông ta rằng đế quốc rộng lớn của ông ta không vững chắc gì lắm và lòng trung thành của “các bạn đồng minh” không đủ bảo đảm cho ông ta có thể phó mặc cả Châu Âu trong thời gian dài và đi biệt tăm mãi vào băng tuyết trên đất nước Nga. Tiến đánh Kutuzov đã vô tăm tích cùng với quân đội của ông ta chăng? Nhưng Kutuzov có thể rút lui về đến tận Syberia, thậm chí còn có thể xa hơn nữa. Ngựa sẽ không chết hàng nghìn con nữa, mà là hàng vạn hoặc cũng chẳng kém mấy. Hệ thống giao thông rộng mênh mông cũng chẳng vững chãi gì mặc dầu Napoléon đã phải đóng vô số đồn bốt để bảo vệ, do đó mà lực lượng của đại quân bị giảm sút và nhất là trận cháy ở Moscow, kết thúc của hàng loạt đám cháy liên miên mà các thành phố làng mạc Nga đã dùng để đón tiếp kẻ xâm lược đang truy kích Bagration và Barclay từ Niemen đến Smolensk và từ Smolensk đến Borodino; cuộc tản cư khó hiểu, bí mật của hầu hết nhân dân ở chốn kinh thành xưa cũ; quang cảnh trận Borodino, trận khủng khiếp nhất mà Napoléon đã mục kích (Napoléon đã thừa nhận như vào thời kỳ cuối đời mình); tất cả những điều ấy nói lên rằng lần này đối phương đã kiên quyết tiếp tục cuộc chiến đấu một mất một còn.
Chỉ còn có một việc để làm: Đánh tiếng cho Aleksandr biết rằng Napoléon sẵn sàng ký hòa ước một cách dễ dàng nhất, thoả đáng nhất, tôn kính và tốt đẹp cực kỳ. Từ này trở đi không còn hy vọng gì hơn là ký hòa ước với tư thế của kẻ chiến thắng khi còn ở Moscow và rút khỏi nước Nga một cách an toàn cùng với bộ đội của mình. Napoléon sẵn sàng thuận theo ý kiến và hứa hẹn của Aleksandr, sẵn sàng nhượng bộ. Không còn có thể đặt vấn đề Aleksandr bị lệ thuộc hay là chư hầu được nữa. Nhưng làm thế nào để Aleksandr biết được như vậy, vì từ sau trận Vilna và sau sự chối từ đầy xúc phạm của Napoléon do tướng Balashov chuyển đạt lên Nga Hoàng thì Napoléon đã không còn và không thể có quan hệ gì với Aleksandr nữa. Đã ba lần Napoléon tìm cách làm cho Nga Hoàng biết những ý kiến hòa bình của mình.
Tại Moscow, trung tướng Ivan Tutolmin, giám đốc “Viện Cô Nhi” đã xin các nhà đương cục quân sự Pháp bảo đảm an toàn cho viện và trẻ con hiện đang ở kinh thành. Napoléon liền cho gọi Tutolmin đến và đã nói chuyện với viên trung tướng ấy khá lâu; tỏ ra phẫn nộ về đám cháy quái gở ở Moscow, về sự dã man đầy tội lỗi của Rostopchin, Napoléon bảo đảm là kinh thành và dân chúng không bao giờ phải lo sợ vì Hoàng Đế cả. Tutolmin xin phép Napoléon cho được báo cáo với Hoàng Thái hậu Maria về tình hình Viện Cô Nhi (vì viện này do hoàng thái hậu đỡ đầu – lời người dịch bản tiếng Pháp). Napoléon không những chỉ cho phép việc đó mà còn bất chợt nói thêm: “Tôi yêu cầu ông khi làm việc ấy, viết trình lên vua Aleksandr, người mà trước sau tôi vẫn tôn kính, rằng tôi mong muốn hòa bình”. Cùng ngày hôm ấy, ngày 18 tháng 9, Napoléon ra lệnh cho phép một nhân viên của Viện mang báo cáo của Tutolmin được đi qua các tiền đồn quân Pháp.
Napoléon đã không nhận được thư trả lời, và cũng không đợi trả lời, Napoléon quyết định thử lần thứ hai. Do một trường hợp còn ngẫu nhiên hơn trường hợp của Tutolmin nhiều; một chúa đất Nga giàu có, tên là Yakovlev, bố Aleksandr Herzen, đã buộc lòng phải ở lại Moscow. Y tìm đến các nhà chức trách Pháp để xin được giúp đỡ và che chở, yêu cầu của y được chuyển đến Thống Chế Mortier là người xưa kia đã quen biết Yakovlev ở Paris, Thống Chế lập tức tâu việc đó lên Hoàng Đế. Napoléon ra lệnh dẫn Yakovlev đến trình diện. Trong tập “Nhớ Lại Và Suy Nghĩ”, Herzen có kể lại câu chuyện giữa Napoléon và cha y: “Napoléon tức giận Rostopchin là kẻ mà ông ta buộc cho tội đã gây ra vụ cháy thành làm hủy hoại các công trình lịch sử, và cũng như bất cứ bao giờ, Napoléon vừa bào chữa cho lòng yêu chuộng hòa bình của mình vừa giải thích rằng ông ta tiến hành chiến tranh là đánh nước Anh, chứ không phải đánh nước Nga, ông ta khoe khoang là đã cho bảo vệ Viện nuôi trẻ làm phúc, và nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời, ông ta phàn nàn rằng: “Aleksandr có một bọn cận thần xấu và Nga Hoàng không hay biết gì đến những hành động hòa bình của ông”. Sau đó, Napoléon ngừng lại suy nghĩ một lát và bất chợt hỏi: “Viết thư thì ông có chuyển giúp tôi không và liệu tôi có thể tin chắc được là bức thư sẽ đến tay Aleksandr không? Nếu ông chuyển được, tôi sẽ cấp giấy thông hành cho ông và bộ hạ”. “Hạ thần xin sẵn sàng lĩnh ý của Bệ Hạ, nhưng trả lời câu hỏi của Bệ Hạ thật là khó khăn cho hạ thần”.
Napoléon viết một bức thư cho Aleksandr đề nghị giảng hòa và giao cho Yakovlev. Yakovlev đã hứa với Napoléon là sẽ cố gắng hết sức để chuyển tới tận tay Aleksandr. Trong bức thư hỏa tốc đầy những lời lẽ hòa giải nhất người ta nhận thấy một câu khá kỳ quặc sau đây của Napoléon: “Tiến hành chiến tranh với Ngài nhưng không có hằn thù gì với Ngài”. Mặc dầu trước đây đã xảy ra bao nhiêu chuyện nhưng hình như Napoléon vẫn dứt khoát cho rằng không ai có thể nguyền rủa được ông và chỉ riêng ông là người có quyền nổi nóng! Cả bức thư ấy cũng không được trả lời, Napoléon liền cố gắng một lần thứ ba nữa, và cũng là lần cuối cùng để giành lấy hòa bình.
Ngày 4 tháng 10, Napoléon cử hầu tước Lauriston, nguyên đại sứ ở Nga trước chiến tranh, đến bản doanh của Kutuzov ở Tarutino. Lẽ ra Napoléon định giao nhiệm vụ ấy cho tướng Caulaincourt, công tước xứ Vicenza, nhưng Caulaincourt đã khẩn khoản can ngăn Napoléon đừng làm chuyện đó vì như vậy sẽ chỉ cho quân Nga biết rõ tình thế bấp bênh của quân đội Pháp. Như mọi lần, Napoléon lại đã nổi khùng mỗi khi cảm thấy lập luận của người phản đối mình là đúng đắn: Ông ta đã mất cái thói quen thích bị người ta cãi lại. Vì Lauriston dựa vào những lý lẽ của Caulaincourt nên Hoàng Đế đã cắt đứt câu chuyện và dứt khoát hạ lệnh: “Ta muốn hòa bình, ta cần hòa bình, ta tuyệt đối muốn hòa bình; ngươi hãy bảo vệ lấy danh dự”. Và Napoléon hạ lệnh cho Lauriston phải tức khắc tới doanh trại của quân Nga.
Việc Lauriston đến vị trí tiền tiêu của quân Nga đã thật sự làm náo động đại bản doanh của Kutuzov. Đã có nhiều người yêu nước Nga hăng hái hơn cả bản thân Kutuzov và họ lấy làm khổ não hơn Kutuzov nhiều về việc mất thành Moscow. Những nhân vật đó, chẳng phải ai khác, là Wilson, phái viên của chính phủ Anh ở bên cạnh quân đội Nga, là hoàng thân Wintzingerode, kẻ bội phản Liên Bang Sông Rhine, là công tước Württemberg, là công tước Oldenburg và nhiều người ngoại quốc khác nữa; họ bám riết lấy Kutuzov. Bennigsen, kẻ căm ghét Kutuzov và trước đây đã kịp thời báo lên Nga Hoàng rằng bỏ Moscow mà không đánh thêm một trận nào nữa là tuyệt đối không cần thiết, cũng đã về bè với bọn người trên. Nhân danh nhân dân Nga và quân đội Nga (trong hoàn cảnh ấy thì bọn chúng là đại diện), Wilson đến trước mặt Kutuzov và tuyên bố bằng những lời lẽ quyết liệt với Tổng Tư Lệnh rằng quân đội sẽ không phục tùng Kutuzov, nếu Kutuzov ra vị trí tiền tiêu để hội đàm riêng với Lauriston. Sau khi nghe Wilson nói, Kutuzov thay đổi ý định, ông tiếp Lauriston ở đại bản doanh, nhưng từ chối không thảo luận với Lauriston về vấn đề đình chiến hoặc ký hòa ước mà chỉ hứa chuyển lời đề nghị của Napoléon lên cho Hoàng Đế Aleksandr biết. Nga Hoàng không trả lời. Về phần Napoléon, hãy còn một biện pháp khác nữa: Cuộc cách mạng nông dân ở Nga. Nhưng Napoléon không thể nào đi đến quyết định đó được. Vả lại không thể nào cho rằng Napoléon, sau khi đã dùng lực lượng của quân đội Pháp để đàn áp thẳng tay không những mọi mưu đồ khởi nghĩa mà còn bất kỳ một dấu hiệu không phục tùng nào của nông dân đối với bọn chúa đất ở Litva, nay bỗng nhiên lại có thể xưng mình là người giải phóng cho nông dân Nga được.
Sau khi Moscow thất thủ, giai cấp đại quý tộc Nga lâm vào cảnh hốt hoảng khủng khiếp, và người ta báo cáo với Aleksandr rằng không những chỉ nghe thấy nông dân bàn tán về việc giải phóng, mà ngay trong binh lính người ta cũng nói rằng hẳn là Aleksandr đã bí mật yêu cầu Napoléon tiến vào nước Nga để giải phóng cho nông dân, vì rõ ràng chính Nga Hoàng cũng sợ bọn lãnh chúa. Và ở Peterburg, người ta đã đồn (một gã Sebalin nào đó đã bị mang ra tòa xét xử về tội nói như vậy) rằng Napoléon là con Catherine đệ nhị và Napoléon đến đoạt ngôi vua toàn nước Nga của Aleksandr vì Napoléon là người kế thừa chính thức, sau đó ắt Napoléon sẽ giải phóng cho nông dân. Những nguồn tin chắc chắn cho biết rằng có nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân chống lại bọn quý tộc địa chủ đã nổ ra trong năm 1812, có những cuộc rất quyết liệt.
Rõ rệt là Napoléon do dự trong ít lâu, lúc thì bất thần ra lệnh cho tìm kiếm ở Sở Lưu trữ Moscow những tài liệu nói về Pugachev (nhưng không thấy) – (khởi nghĩa nông dân dưới thời Ekaterina- R.HA), lúc sai cận thần biên thư cho Eugène Beauharnais nói rằng nên kêu gọi nông dân khởi nghĩa, lúc hỏi mụ chủ hiệu người Pháp ở Moscow là Obenshain xem mụ ấy nghĩ sao về việc giải phóng nông nô, lúc lại hoàn toàn bỏ qua vấn đề ấy để đặt ra những câu hỏi về vấn đề dân tộc Tatar và Cossacks. Tuy nhiên, Napoléon đã ra lệnh phải cho ông ta biết về lịch sử phong trào Pugachev, điều đó chứng tỏ Napoléon đã hình dung một cách cụ thể đến tác dụng của sự can thiệp vào việc giải phóng nông dân Nga. Còn bọn quý tộc Nga, nếu như có một vấn đề nào đó thật sự đang làm “ruột gan” bọn chúng bồn chồn hoảng sợ thì đó chưa phải là cuộc phong tỏa lục địa, mà đương nhiên đó là việc nhìn thấy nền móng của chế độ nông nô đang bị lung lay một khi Napoléon chiến thắng, nghĩa là cái tai biến mà bọn chúng có thể mường tượng được do bài học của Sten và Hardenberg ở Phổ (sau trận đại bại ở Jena của dòng vua Hohenzollern) đã gợi ra cho chúng, tức là dưới hình thái của một cuộc cải cách “từ trên xuống” sau khi đã ký hòa ước; đó là điều mà bọn quý tộc Nga hoàn toàn không thể chấp nhận được; hoặc dưới hình thái một cuộc khởi nghĩa mới và kinh khủng kiểu Pugachev do Napoléon gây nên trong lúc đang chinh chiến, hình thái một cuộc tổng khởi nghĩa của giai cấp nông dân nhằm thủ tiêu chế độ nông nô bằng bạo lực và bằng con đường cách mạng.
Napoléon cũng đã không muốn bắt tay vào việc thực hiện kế hoạch cuối cùng ấy. Ông Hoàng Đế của giai cấp tư sản Châu Âu không thể nào chấp nhận được cuộc cách mạng nông dân dẫu là để chống lại nền quân chủ chuyên chế và phong kiến; và ngay lúc ấy thì duy chỉ có cuộc cách mạng như vậy mới đưa ông ta đến chiến thắng.
Ở điện Kremlin, có lúc Napoléon cũng lại đã nghĩ đến một cuộc khởi nghĩa ở Ukraine, một phong trào bất thần nổ ra trong số những người Tatar. Tất cả những kế hoạch đó cũng lại bị vứt bỏ. Thật là có ý nghĩa phi thường khi những nhà viết sử hiện đại người Pháp tán dương lòng trung thành không gì lay chuyển nổi đối với những nguyên tắc bảo thủ của Napoléon ở ngay giữa đống tro tàn của Moscow.
Edouard Driault, tác giả tám cuốn sách dày, mới xuất bản, nghiên cứu về đường lối ngoại giao của Napoléon, có nhận xét về vấn đề đó rằng Napoléon đã nghĩ đến việc xúi giục dân Tatar ở Cadence nổi dậy; đã ra lệnh nghiên cứu cuộc khởi nghĩa của dân Cossacks do Pugachev lãnh đạo, rằng không phải Napoléon không am hiểu đời sống của xứ Ukraine…
Napoléon nghĩ đến Madespa… nhưng dưới con mắt Napoléon, phát động cuộc cách mạng ở Nga là một việc vô cùng trọng đại. Khi nghiên cứu sự bí mật đáng sợ của những cánh đồng hoang vu của đất nước Nga, Napoléon không khỏi lo ngại. Ông ta không phải là người sáng lập ra cách mạng, mà là người đàn áp cách mạng. Đó là một con người đầy đầu óc mệnh lệnh: Chưa thấy ai có cái ý thức hầu như là bản năng về quyền hành của Hoàng Đế đến mức độ như vậy. Napoléon gớm ghét các phong trào quần chúng nhân dân và chính vì vậy mà Napoléon đã khư khư giữ địa vị Hoàng Đế, không muốn hạ mình xuống địa vị một kẻ chịu thỏa hiệp[50]. Trong cái ngày tháng 10 đó ở cung điện Petrovsky, ngày mà Napoléon cân nhắc xem có nên ban hành một sắc lệnh giải phóng nông nô hay không, một cuộc đấu tranh nội tại mãnh liệt đã diễn ra trong con người Napoléon. Đối với viên tướng 25 tuổi, người bạn của Augustin Robespierre, đối với người cùng đảng của Maximilien, và cho đến cả về sau này nữa, đối với tác giả của Bộ Luật Napoléon, vấn đề có nên để nông dân rơi vào tay bọn chúa đất tàn bạo Saltykova[51] nam hoặc nữ hay không đã được quyết định không một chút do dự. Napoléon hoàn toàn biết rõ rằng chế độ nông nô Nga giống chế độ nô lệ của người da đen nhiều hơn là chế độ nông nô trong bất cứ một nước chuyên chế và phong kiến nào ở Châu Âu đã bị Napoléon đánh đổ, vì Napoléon đã nuôi dưỡng ở đất nước Nga một đàn nhung nhúc những gián điệp nên đã có toàn bộ tin tức đầy đủ và khác nhau về nước Nga. Nhưng từ lâu, viên tướng của cách mạng đã là Đức Bệ Hạ Napoléon mang ơn Đức Chúa Trời mà trở thành Hoàng Đế của người Pháp thành vua nước Ý, thành tên chúa đất thực thụ và thủ lĩnh của toàn lục địa Châu Âu, thành con rể của Hoàng Đế nước Áo, thành kẻ đã đưa lên máy chém hoặc đã giết hại trong các ngục tối hoặc đưa đi đày biết bao nhiêu người, những người mà chỉ khi còn thời vận cũng đã là bạn bè của anh em Maximilien và đã có can đảm trung thành với lòng tin của họ.
Việc giải phóng nông dân bằng một sắc lệnh của Napoléon được thi hành trong tất cả các địa phương của quân đội Napoléon chiếm đóng, và nếu tin này mà được lan rộng trong khắp quân đội Nga, gồm những nông nô bị chỉ huy bằng roi vọt, thì, theo như một số người thân cận của Napoléon nghĩ, sẽ có thể làm rung chuyển khối quần chúng nông dân khổng lồ, sẽ phá hoại kỷ luật trong quân đội của Nga Hoàng và trước hết là khởi động một cuộc khởi nghĩa như của Pugachev. Sự thật là 35 hay 36 năm trước khi bị Napoléon xâm lược, nước Nga là nước duy nhất đã nổ ra một cuộc chiến tranh nông dân quyết liệt, kéo dài rất lâu, lúc thì thắng lợi, lúc thì thất bại; trong quá trình chiến tranh, có lúc nghĩa quân có lực lượng pháo binh thiện chiến hơn của quân đội Nga Hoàng, đã đánh chiếm được nhiều thành phố quan trọng, và tiến quân thắng lợi trên cả một vùng đất đai rộng lớn, làm cho toàn bộ lâu đài của đế chế Nga bị rung chuyển trong mấy tháng liền. Napoléon chỉ có thể biết phong trào khởi nghĩa của nông dân Đức qua các tài liệu viết cách đây đã 300 năm, còn như về cuộc dấy lên của Pugachev thì ông ta lại có thể thu lượm bằng cách nghe chính những nhân chứng, và những người này cũng chưa cao tuổi lắm. Hơn nữa, đời sống của những nông nô Nga cũng chưa hề có chút gì thay đổi về căn bản cũng như về chi tiết. Sau chế độ ngược đãi nông nô kiểu “Saltychikha” với những lò than hồng để thiêu đốt những nông dân nô lệ, lại đến lượt những Ismailov và những Kamensky với những phòng tra tấn và những hầm kín của bọn chúng, và với những chợ mua bán nô lệ vẫn còn tồn tại từ thời Catherine ở Nizhny Novgorod về phía Bắc và ở Kremenchuk về phía Nam, từ khắp nước Nga, người ta kéo đế nơi đây mua buôn, mua lẻ nông nô, cướp con cướp cái trên tay những người cha người mẹ. Cái khác duy nhất là quân đội Pháp đóng ngay giữa trái tim của đất nước Nga, có thể làm chỗ dựa cho cuộc khởi nghĩa của nông dân.
Ngày nay người ta biết một cách rõ ràng là, vào năm 1812, viễn cảnh của một cuộc khởi nghĩa như vậy đã làm bọn quý tộc Nga hãi hùng. Ta vừa mới nhắc đến những tin đồn truyền lan ở nông thôn, đến những vụ bạo động nổ ra ở đó đây, đến sự cảm thấy mình bất lực của các nhà đương cục đứng giữa cơn giông tố đang cuồn cuộn dâng lên. Ta biết rằng đông đảo quần chúng đã tiếp đón Aleksandr bằng sự im lặng ghê rợn như thế nào khi Aleksandr, nhợt nhạt như kẻ đã chết, đi đến nhà thờ Cadence, lúc Peterburg được tin về trận tàn sát đẫm máu ở Borodino và tin Napoléon đã vào Moscow.
Cái gì đã chặn bàn tay của Napoléon lại? Tại sao Napoléon đã không quả quyết tìm cách lôi kéo đông đảo quần chúng nông dân ngả về phía mình. Hà tất phải vắt óc xuy nghĩ khi chính bản thân Napoléon đã tự cắt nghĩa điều đó cho mình. Sau này, Napoléon có tuyên bố rằng ông ta không muốn “nổi trận cuồng phong của nhân dân khởi loạn”, không muốn tạo nên cái hoàn cảnh để rồi sau này không biết “tìm ai” ra mà ký kết hòa ước.
Tóm lại, dẫu sao ông Hoàng Đế của nền quân chủ tư sản mới cũng cảm thấy mình gần gũi với người chủ của cái quốc gia nửa phong kiến và xây dựng trên chế độ nông nô của dòng họ Romanov hơn là gần gũi các lực lượng cơ bản của cuộc khởi nghĩa nông dân. Napoléon có thể thỏa thuận rất nhanh chóng với kẻ thứ nhất (tức Aleksandr – N.D) nếu không ngay tức khắc thì cũng chỉ sau một thời gian ngắn mà thôi, như kinh nghiệm Tilsit đã chỉ cho Napoléon thấy rõ; còn với kẻ thứ hai (tức là nông dân – N.D) thì ngay cả việc đàm phán, Napoléon cũng đã không muốn rồi. Nếu như trong suốt những ngày hè và đầu thu năm 1789, những nhà cách mạng tư sản Pháp đã sợ hãi cuộc dấy nghĩa của nông dân ở trên đất nước Pháp và lấy làm khiếp đảm khi thấy cuộc dấy nghĩa ấy ngày càng mạnh mẽ thì có gì đáng lấy làm lạ khi vào năm 1812 ông Hoàng Đế của giai cấp tư sản không quyết định lôi lên từ dưới đáy mồ cái bóng hình Pugachev?
Sau khi đã vứt bỏ ý nghĩ khởi động một phong trào nông dân ở trên nước Nga, đồng thời cũng từ bỏ ý định đóng bản doanh nghỉ quân ở Moscow, Napoléon phải lập tức định hướng sẽ rời bỏ Moscow. Thế là đã hoàn toàn rõ ràng rằng Aleksandr đã từ chối mọi cuộc đàm phán, vì Nga Hoàng đã làm thinh phản đối những lời đề nghị do Tutolmin làm trung gian đầu tiên rồi đến Yakovlev và cuối cùng là Lauriston. Tiến về Peterburg chăng? Đó là ý nghĩ đầu tiên của Napoléon. Sau khi Moscow bị thất thủ, cả thành phố Peterburg hốt hoảng, dân chúng đã bắt đầu thu xếp của nả và bỏ trốn. Maria Feodorovna, mẹ Aleksandr, mặc dầu rất căm Napoléon, đã là người hối hả và hốt hoảng nhất và muốn người ta ký hòa ước càng sớm càng hay. Constantine cũng sợ hãi, cũng rất mong muốn như vậy. Đương nhiên là cuộc tiến quân của Napoléon về Peterburg sẽ có thể làm tăng thêm sự hoảng hốt đó, nhưng cuộc hành quân này đã không thể tiến hành được. Đúng là binh lính có được nghỉ ngơi chút ít và được lại sức ở Moscow, nhưng thiếu ngựa, thiếu đến mức mà một vài vị Thống Chế đã phải khuyên Napoléon bỏ lại một số pháo.
Ở Moscow bị tàn phá, người ta không tìm đâu được cỏ khô, lúa mạch, vì nông dân ở lân cận Moscow đã nổi lên chống cự ác liệt với những đội quân đi kiếm thức ăn cho ngựa. Vả lại tinh thần của toàn thể quân đội Pháp không còn đủ để cho người ta tiến hành một chiến dịch mới, xa xôi ở tận phía Bắc. Một cuộc tiến công bất thần của quân đội Kutuzov đánh vào Murat đang đóng vị trí quan sát ở Chernitsa, trước mặt Tarutino, nơi Kutuzov đóng quân, đã buộc Napoléon phải sớm quyết định. Cuộc tiến công ấy xảy ra ngày 18 tháng 10, đã biến diễn thành một cuộc chiến đấu thật sự, và sau trận ấy, Murat bị đánh bật ra khỏi bên kia làng Spak Kuplya. Thật ra, đó chỉ là một cuộc giao tranh phụ, nhưng nó chứng tỏ rằng Kutuzov đã tăng cường lực lượng sau trận Borodino và người ta đã phải tính đến những cuộc tiến công chủ động khác của Kutuzov. Sự thật là Kutuzov đã không muốn đánh trận Tarutino và Bennigsen đã nổi khùng với một viên tướng tổng chỉ huy vì không muốn điều động cho Bennigsen những lực lượng cần thiết.
Napoléon đã hạ quyết tâm. Quyết tâm này của Napoléon không có gì bất ngờ, mà hình như còn rất tự nhiên kể từ khi Napoléon phải từ bỏ ý định tiến quân về Peterburg. Để Thống Chế Mortier ở lại Moscow cùng với đội quân phòng thủ một vạn người, Napoléon quyết định dùng tất cả số quân còn lại tiến theo con đường cũ đi Kaluga để đánh Kutuzov. Napoléon biết rằng Kutuzov đã nhận được viện binh, nhưng trong lúc đó thì Napoléon cũng nhận được viện binh, như vậy Napoléon có trong tay hơn 10 vạn quân, trong đó có 2 vạn 2 nghìn sĩ quan và binh lính tinh nhuệ của đội cận vệ. Ngày 19 tháng 10, Napoléon hạ lệnh xuất phát, và trừ quân đoàn của Mortier ra, toàn thể quân đội Pháp hành quân theo con đường cũ đi Kaluga.
Rất nhiều xe cộ kiểu cách kỳ quặc và xe ngựa chở lương thực cùng những thứ cướp bóc được của Moscow đi theo quân đội. Kỷ luật lỏng lẻo đến nỗi Thống Chế Davout đã bỏ việc xử bắn những người không phục tùng, cố tìm mọi cớ để chất thêm lên xe những đồ vật quý giá ăn cắp được trong thành phố mặc dầu ngựa cũng còn thiếu để kéo pháo. Bị đoàn xe dài dặc đó làm rối loạn hàng ngũ nên quân lính đã phải kéo đi thành một tuyến dài vô tận. Chỉ cần nhắc lại lời nhận xét thường được kể đến sau đây của những người đã mục kích: Đi trên một con đường rộng như đường Kaluga, tám chiếc xe có thể dễ dàng sóng hàng ngang được, mà sau suốt cả một ngày hành quân liên tục không nghỉ, quân đội và hành lý vẫn chưa ra hết khỏi thành phố.
Với con mắt quân sự của mình, Napoléon nhận ngay ra rằng một đoàn xe cộ như vậy sẽ gây nên rất nhiều nguy hiểm cho quân đội, rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ đoàn quân quá dài đó chống lại những cuộc đột kích của kỵ binh đối phương, nhưng Napoléon đã không quyết tâm hạ những mệnh lệnh cần thiết như ý định ban đầu của mình.
Quân đội bây giờ không còn như trước nữa. Sau khi đã chịu đựng vô vàn gian khổ, và hiểu đầy đủ được tình thế khốn đốn cũng như bao nhiêu gay go khác đang chờ đón mình, thì đoàn quân ấy, sở dĩ còn giữ vững được quả thật đã vì bản năng tự vệ ở một đất nước xa lạ và thù địch hơn là vì kỷ luật. Nếu uy tín cá nhân của Napoléon không giảm sút dưới con mắt của những người lính cựu cận vệ người Pháp thì binh lính của các dân tộc bị chinh phục lại có gan làm những gương xấu; trong họ, chẳng có một tình cảm nào đối với Napoléon để ngăn cản họ làm điều xấu.
Ấn tượng đầu tiên và mạnh mẽ nhất của Napoléon là khi nhìn thấy đoàn quân đó kéo dài vô tận, nhưng cái ấn tượng mạnh mẽ hơn có lẽ là khi Napoléon biết rõ sự lỏng lẻo về kỷ luật. Và đột nhiên Napoléon thay đổi kế hoạch, cái kế hoạch mà Napoléon đã có trước vài tiếng đồng hồ, khi rời bỏ Moscow. Dù cho cuộc tiến công có kết thúc bằng một thắng lợi như Borodino chẳng hạn thì cái trận Borodino mới ấy cũng khó làm thay đổi được ý đồ của Napoléon, hay đúng hơn, lúc ấy đối với ông ta là căn bản: bỏ Moscow. Napoléon đã đoán trước được ảnh hưởng của các cuộc rút lui này đối với Châu Âu và ông rất sợ ảnh hưởng đó. Nhưng, một khi đã quyết tâm tránh giao chiến với Kutuzov, Napoléon liền chuyển ngay sang thực hiện ý đồ khác: Bỏ đường cũ Kaluga, tạt sang bên phải để bắt vào con đường Borovsk và hành quân về phía Đông Nam qua tỉnh lỵ Kaluga còn chưa bị chiến tranh tàn phá, rồi tiến về Smolensk. Napoléon chưa từ bỏ ý định tiếp tục chiến tranh: Đi qua Maloyaroslavets và Kaluga, sau khi đã tới Smolensk không gặp trở ngại gì thì có thể trú quân qua mùa đông ở thành phố Maloyaroslavets hoặc ở Vilna, hoặc còn có thể tiến hành những công việc khác. Nhưng trước nhất cần phải quyết tâm dứt khoát rời khỏi Moscow. Tối ngày 20 tháng 10, từ đại bản doanh đóng ở Troitskoye, Napoléon ra lệnh cho Thống Chế Mortier cùng với toàn bộ quân đoàn lập tức đuổi kịp quân chủ lực sau khi đã phá hủy điện Kremlin.
Mệnh lệnh cuối này chỉ thực hiện được một phần. Trong hoàn cảnh hỗn loạn của một cuộc rút lui quá cập rập như vậy, Mortier không có đủ thời gian để chấp hành tốt mệnh lệnh đó. “Không bao giờ tôi làm những điều vô ích”, Napoléon đã có lần nói như vậy để đáp lại lời người ta vu cáo Napoléon là cho thắt cổ Pichegru ở trong nhà tù. Nhưng trong hoàn cảnh này, việc phá hoại điện Kremlin là một hành động man rợ hoàn toàn vô ích. Hành động đó có thể là sự trả lời việc Aleksandr làm thinh phản đối ba lần đề nghị giảng hòa của Napoléon.
Thừa hành mệnh lệnh của Napoléon, đột nhiên quân đội rời bỏ con đường cũ Kaluga để đi theo con đường mới, và ngày 23 tháng 10, chủ lực của Napoléon đã tới Borovsk.
Một bộ phận của sư đoàn Delzons chiếm được Maloyaroslavets. Đoán được kế hoạch của Napoléon, Kutuzov quyết định chặn Napoléon trên con đường mới dẫn đi Kaluga. Tảng sáng ngày 24 tháng 10, tướng Dokhturov rồi đến tướng Rayevsky lần lượt tiến công Maloyaroslavets đã lọt vào tay Delzons từ tối hôm trước. Do lực lượng kéo đến tham chiến mỗi lúc một đông nên cuộc giao chiến có tính chất ác liệt kéo dài đến tối, và trong quá trình giao tranh, Maloyaroslavets đã tám lần chuyển từ tay bên này sang tay bên khác để rồi cuối cùng vẫn thuộc về quân Pháp, nhưng cả hai bên đều bị tổn thất nặng nề. Quân Pháp chết tới 5 nghìn người. Trong cái thành phố đã biến thành tro bụi đó, hàng trăm binh lính Nga và Pháp bị chết trong ngọn lửa; rất nhiều thương binh bị thiêu sống.
Mờ sáng ngày hôm sau, Napoléon với đoàn hộ tống ra khỏi làng Gorodnya để quan sát các vị trí của quân Nga, thì đột nhiên, một toán quân Cossacks lăm lăm giáo mác đã xông vào toán quân kỵ binh đó. Hai Thống Chế (Murat và Bessières) đi theo Hoàng Đế, tướng Rapp và vài sĩ quan liền vây chặt lấy Hoàng Đế và chống lại cuộc tiến công của toán quân Cossacks.
Lính khinh kỵ người Ba Lan và quân kỵ mã xích hầu của đội cận vệ vội phi ngựa đến giải nguy, cứu được Hoàng Đế và những người cùng đi. Nguy cơ bị giết chết hoặc bị bắt cầm tù đe dọa đến nỗi người ta khó mà tin được rằng nụ cười luôn luôn nở trên môi Hoàng Đế trong suốt thời gian diễn ra sự biến bất thần ấy là một nụ cười chân thật. Nhưng, mọi người đã trông thấy nụ cười đó và trong ngày hôm ấy cũng như về sau này nữa, ai nấy đều say sưa nói rằng chính sự nguy hiểm ấy là lý do để Hoàng Đế mỉm cười. Buổi tối, Hoàng Đế hạ lệnh cho bác sĩ Ivan, thầy thuốc hộ giá, pha chế dâng lên Hoàng Đế một ống thuốc độc mạnh, phòng khi chẳng may gặp phải nguy cơ bị bắt.
Sau khi đi kiểm tra các vị trí về, Napoléon họp hội đồng quân sự ở Gorodnya. Hình như trận Maloyaroslavets chứng minh cho thấy rằng nếu Napoléon không muốn một trận Borodino thứ hai thì quân Nga lại muốn, và nếu không có một trận Borodino nữa thì Hoàng Đế sẽ không mở được đường đến Kaluga. Hội Đồng Quân Sự đã hoàn toàn nhất trí với ý kiến ấy, mà cuối cùng chính bản thân Napoléon cũng tán thành. Đã không tính đến một trận tổng công kích nữa thì chỉ còn có việc tiếp tục trở về Smolensk đã hoàn toàn bị tàn phá, và phải hành quân càng nhanh chóng càng hay, trước khi quân Nga chiếm Mozhaysk bỏ ngỏ để chặn đường rút lui của quân Pháp. Sau khi lấy ý kiến của các sĩ quan hầu cận, thoạt tiên Napoléon có ý định tuyên bố với họ rằng hãy hoãn việc quyết định dứt khoát và theo ý của Hoàng Đế thì tốt hơn hết là giao chiến với Kutuzov để mở đường rút lui về Kaluga bằng vũ lực. Sự do dự của Napoléon được chấm dứt vào ngày 26 tháng 10, khi được tin quân Nga đánh bật được đội kỵ binh của Poniatowski ra khỏi Medin. Nhưng Kutuzov không muốn giao chiến, cũng không gây chiến.
Sau trận Maloyaroslavets, Kutuzov kiên quyết để mặc Napoléon rút lui, không hề dồn ép, thúc bách. Khi bọn người ngoại quốc (Đức và Anh), theo lệnh Aleksandr đến tổng hành dinh của Kutuzov để do thám viên tướng tổng chỉ huy, đã quấy rầy quá nhiều vị nguyên soái già bằng cách chê trách ông ta là thiếu nghị lực, thì đột nhiên ông phát khùng và tỏ cho họ thấy rằng ông thừa hiểu thủ đoạn của họ và biết rất rõ lý do tại sao bọn họ lại quá sợ cuộc chiến tranh của nước Nga chống Napoléon sẽ kết thúc “non yểu”.
Ngày 27 tháng 10, quân Pháp bắt đầu rút lui từ Borovsk đến Veria, Mozhaysk, Dorogobuzh và cuối cùng đến Smolensk. Họ hành quân một tuyến rất dài, và theo lệnh của Napoléon, đi đến đâu đốt sạch làng mạc, thôn xóm, vườn ấp đến đấy. Từ Mozhaysk trở đi thì hầu như chẳng còn gì để đốt phá nữa vì những nơi này đã bị tàn phá trơ trụi ngay từ trước trận Borodino. Thành phố Mozhaysk hoang vu chỉ còn là một đống tro tàn. Khi đi qua chiến trường Borodino, hàng ngàn xác chết của binh lính Pháp và Nga bị bỏ lại vẫn đang rữa thối, không ai thu nhặt, Napoléon hạ lệnh gấp rút ra khỏi nơi đó càng sớm càng hay: Quang cảnh khủng khiếp ấy làm cho binh lính mất hết tinh thần, nhất là lúc này họ đã nhận thấy rằng họ là những người chiến bại.
Ngày 30 tháng 10, khi đến Gzhatsk thì trời bắt đầu trở lên lạnh, thật là bất ngờ, bởi theo sự điều tra mà Napoléon lượm được vào năm 1811 trước khi tiến quân xâm lược thì ở vùng này của nước Nga đến cuối tháng 12 mới bắt đầu rét dữ dội. Đặc biệt năm 1812, mùa đông đến rất sớm, trời rét kinh khủng. Kutuzov bám sát cuộc rút lui của đối phương. Quân Cossacks liên tiếp tập kích làm cho quân của Napoléon mệt nhoài. Phía trước Vyazma, kỵ binh chính quy của quân Nga tiến công quân Pháp, nhưng rõ ràng Kutuzov tránh một cuộc chiến đấu có thế trận hẳn hoi, mặc dầu những người xung quanh đã không ngừng xúi bẩy ông làm như vậy. Dưới con mắt của người lính già này, tất cả vấn đề là ở chỗ tống cổ Napoléon ra khỏi nước Nga, nhưng đối với Wilson cũng như cả bầy người Đức và bọn lưu vong người Pháp cạnh ông thì cuộc lui quân của Napoléon không phải là sự kết thúc vấn đề mà lại là sự bắt đầu, bọn họ mong muốn được người ta trừ khử Napoléon hộ, ý định ấy sẽ chỉ có thể thực hiện được khi Napoléon hoàn toàn bị bắt hoặc bị giết. Nếu không thì đối với họ, Châu Âu vẫn chưa có gì thay đổi và rồi Napoléon vẫn sẽ tiếp tục trị vì đến tận sông Niemen. Nhưng lần này, Kutuzov đã không nhân nhượng. Nước càng đóng băng và quân Cossacks, quân du kích của Figner, Seslavin, Davydov càng tăng cường tập kích bao nhiêu thì quân đội Pháp lại càng tan rã mau chóng bấy nhiêu. Ngày 6 tháng 11, khi kéo quân về Dorogobuzh, quân đội Pháp chỉ còn được khoảng 5 vạn người đủ sức mang nổi vũ khí.
Trong khi luôn luôn cố gắng tỏ ra gương mẫu để động viên tinh thần binh lính, Napoléon phải chịu đựng tất cả những thử thách của cuộc rút lui. Napoléon đi chân hàng mấy giờ liền trên tuyết, tay chống gậy, miệng chuyện trò với binh lính đi bên cạnh. Ông còn chưa biết được rằng sắp tới có nên trú quân ở Smolensk hay không, cũng chưa biết được rằng sẽ dừng lại ở đó lâu hay chóng. Nhưng ở Dorogobuzh, Napoléon đã nhận được nhiều tin tức từ Pháp gửi tới buộc ông phải nhanh chóng hạ quyết tâm rời khỏi Smolensk thật sớm.
Thật ra, đây là những tin tức hết sức lạ lùng ở Paris chuyển đến Dorogobuzh cho Napoléon. Tướng Malet, một người Cộng Hòa lão thành bị giam trong một nhà lao ở Paris đã vượt ngục từ lâu, rồi vào một trại lính và báo cho binh sĩ của một đại đội rằng Napoléon ắt sẽ chết ở Nga, và đọc cho họ nghe một bản sắc lệnh của Thượng Nghị Viện, do chính tay Malet viết giả mạo, trong đó tuyên bố thiết lập chế độ Cộng Hòa, sau đó Malet cho bắt Bộ Trưởng Bộ Công An Savary và dùng súng lục bắn bị thương Bộ Trưởng Bộ Chiến Tranh. Sự rối loạn kéo dài trong hai tiếng đồng hồ, sau đó Malet bị lộ, bị bắt ra tòa án quân sự và đã bị xử bắn, cùng với 11 tội phạm khác chỉ vì đã tin rằng bản sắc lệnh đó có thật. Malet đã một mình mưu đồ việc ấy ở trong nhà lao.
Tuy cái việc nhỏ nhặt ấy chỉ là một sự manh động điên rồ nhưng đã tác động sâu sắc đến Napoléon. Ông ta cảm nhận thấy sự có mặt của mình ở Paris là cần thiết. Thoạt tiên là ở Dorogobuzh, rồi ngày 9 tháng 11, khi đến Smolensk, Napoléon được biết là Chichagov, cầm đầu đạo quân của miền Nam nước Nga từ Thổ Nhĩ Kỳ về, đang cấp tốc hành quân tiến về Berezina. Napoléon cũng được tin là quân đoàn của hoàng thân Eugène bị tổn thất nặng trong những cuộc giao chiến nhỏ với quân Cossacks, và cuối cùng, được biết rằng Vitebsk đã bị những phân đội của quân đoàn Wittgenstein chiếm đóng. Napoléon không thể tính đến việc dừng lại ở Smolensk nữa: Phải vượt qua Berezina trước khi quân Nga chặn đường, nếu không Napoléon và tàn quân sẽ nguy cơ bị bắt làm tù binh.
Trời ngay càng rét dữ. Ngay khi vừa ra khỏi Smolensk, binh lính đã suy yếu mệt mỏi đến nỗi gục xuống không dậy được nữa và đành chịu chết cóng tại chỗ. Suốt dọc đường, xác chết ngổn ngang. Do một sự sơ suất tai hại, khi rời khỏi Moscow họ đã không trang bị quần áo rét. Họ phải bỏ lại một phần lớn khí tài, xe cộ, một số pháo, có những đội kỵ binh phải đi bộ hoàn toàn vì ngựa chết như ruồi.
Với khí thế anh dũng ngày càng tăng, quân du kích và quân Cossacks lăn xả vào quân hậu vệ và những toán quân Pháp đi rớt lại sau. Khi rút khỏi Moscow, Napoléon có 10 vạn quân nhưng khi rời Smolensk thì chỉ còn lại không đầy 3 vạn 6 nghìn người, chưa kể vài nghìn binh lính đi rớt lại sau dần dần đã bắt kịp. Lúc này, Napoléon phải dùng đến biện pháp mà khi rút khỏi Moscow ông ta không định dùng: Hạ lệnh đốt hết xe cộ và quân trang, quân dụng để kéo pháo. Ngày 16 tháng 11, quân Nga tiến công quân đoàn Eugène Beauharnais ở Krasnoi và gây cho nó những tổn thất nặng nề. Ngày hôm sau, cuộc chiến đấu lại tiếp diễn. Quân Pháp bị đánh lui, hai ngày ấy bị thiệt mất chừng 1 vạn 4 nghìn, trong số đó có 5 nghìn vừa bị chết và bị thương; số còn lại đã hạ khí giới đầu hàng. Nhưng trận Krasnoi không phải đến đó đã kết thúc. Ney, bị cắt đứt khỏi quân chủ lực và bị tổn thất nặng nề (7 nghìn quân nay chỉ còn có hơn 3 nghìn), đã bị quân của Kutuzov đuổi dồn về đến sông Dnieper. Trong đêm tối, Ney đã vượt qua được sông ở về phía Bắc Krasnoi trên một lớp băng mỏng manh, binh lính bị thụt băng và chết đuối. Ney dẫn đầu một dúm quân còn lại, đã về thoát với đại quân ở Orsha.
Napoléon cố hết sức duy trì kỷ luật và tổ chức việc tiếp tế, nhưng không lo liệu trước một cách đầy đủ đến tuyến giao thông của mình về phía Minsk. Ở Dubrovka, Napoléon được tin là quân Ba Lan, mà ngay từ buổi đầu chiến dịch Napoléon đã giao cho phòng giữ Mohilev và Minsk, đã không làm tròn nhiệm vụ: Tướng Dombrowsky, được lệnh tiến công vào Borisov đã không đến chi viện cho tướng Bronikowski, và ngày 16 tháng 11, Minsk đã rơi vào tay Chichagov. Vào thành Minsk, quân Nga chiếm được nhiều kho lương thực lớn do Maret, công tước xứ Bassano, tập trung ở đó theo lệnh của Napoléon, mà Napoléon thì lại trông cậy vào những kho tàng đó. Tuyết đã bắt đầu tan.
Hoàn toàn tuyệt vọng. Các Thống Chế Oudinot và Victor đã bất lực, không cản nổi quân đoàn của Wittgenstein nên quân đoàn này từ phía Bắc đang dọc sông Dvina tiến về Berezina. Chichagov cũng đang từ phía Nam tiến lên Berezina. Ngày 22 tháng 11, sau khi đánh bật được Dombrowsky, Chichagov tiến vào Borisov.
Napoléon tái nhợt khi nhận được tin là quân Cossacks của Platov và quân của Yermolov họp thành đội tiền vệ của Kutuzov, đã hành quân từ hai ngày nay, nếu không thì là một ngày, để đuổi theo quân Pháp, và quân Pháp đang lâm vào tình trạng sẽ bị bao vây và đầu hàng. Napoléon lập tức hạ mệnh lệnh tìm một chỗ khác có thể bắc được cầu.
Borisov được nối liền với bờ bên kia sông bằng một chiếc cầu cố định, và ở tổng hành dinh của Hoàng Đế, khi người ta được tin đã mất chiếc cầu đó thì những người can đảm nhất cũng kinh hoảng. Napoléon trấn tĩnh rất nhanh. Căn cứ vào báo cáo của tướng Corbino, Napoléon quyết định vượt qua sông Berezina, quãng Studianka ở về phía Bắc Borisov, các kỵ binh người Ba Lan đã tìm thấy ở đó một chỗ lội qua được. Ở quãng này, sông Berezina rộng chưa đầy 25 mét, nhưng hai bên bờ sông là hai dải phù sa lầy lội, muốn qua được phải bắc một cái cầu dài gấp ba lần mặt nước con sông. Napoléon đã khôn khéo đánh lừa được Chichagov. Napoléon làm ra vẻ quyết định vượt sông sang Borisov. Ngày 23 tháng 11, Oudinot đánh bật được bá tước Pahlen, người chỉ huy đội tiền vệ của Chichagov phải rút khỏi Borisov vừa mới chiếm được, nhưng Chichagov vẫn ở gần Borisov và Wittgenstein đã từ phía Bắc hành quân cấp tốc tới. Napoléon không muốn và cũng không vượt sông ở nơi đó được. Bằng một loạt hoạt động nghi binh, Napoléon làm cho Chichagov lầm tưởng rằng cuộc vượt sông sẽ diễn ra Borisov hay ở phía dưới thành phố ấy, trong khi đó thì chính Napoléon đã có mặt ở Studianka vào lúc sáng sớm ngày 26 tháng 11. Lính bắc cầu của quân Pháp, lập tức bắt tay vào việc lội nước đến ngang thắt lưng, giữa những mảng băng đang trôi theo dòng, đã bắc được hai chiếc cầu ghép bằng thuyền; và quá trưa một chút thì quân đoàn của Oudinot bắt đầu vượt sông Berezina. Cuộc vượt sông tiến hành trong hai ngày 26 và 27 tháng 11. Quân Nga bố trí ở bên bờ phải, cách quãng sông lội được không xa lắm, toan tiến công vào những toán quân Pháp đã sang qua sông, nhưng quân Nga do tướng Chaplitz chỉ huy đã bị giáp binh của đội cận đánh lui. Wittgenstein tới chiến trường quá chậm. Chichagov thì bị Napoléon đánh lừa và tàn quân Pháp đã thoát không bị bắt. Tướng Apukhtin, một nhà sử học quân sự người Nga, đã nói về vấn đề này: “Không thể không nghiêm khắc chỉ trích những người chỉ huy tồi như Chichagov và Wittgenstein được, họ đã không có gan đương đầu với Napoléon”.
Cuộc vượt sông tiến hành có trật tự và khi hầu hết quân đội Pháp đã sang sông an toàn, thì thình lình một đám quân Pháp hành quân rớt lại sau khoảng 1 vạn 4 nghìn người bị quân Cossacks truy kích và chạy tán loạn về phía cầu. Đám quân đang thất đảm đó vội vã lao xuống cầu vào lúc mà những toán quân cuối cùng của Thống Chế Victor đang hàng ngũ sẵn sàng nhưng còn chưa qua được sông; họ đã phải dùng lưỡi lê đẩy lùi đám quân ấy lại. Được quân Cossacks báo tin cho biết là Napoléon đang vượt sông Berezina ở quãng lội Studianka, Kutuzov lập tức báo cho Chichagov biết. Vào giữa lúc pháo binh qua sông thì cầu gẫy. Lính bắc cầu vội vã chữa lại, nhưng vừa chữa xong cầu lại gãy. Nếu Chichagov khẩn trương hơn nữa thì quân Pháp không tài nào tránh được tai họa. Nhưng không rõ vô tình hay hữu ý, Chichagov đã đến quá chậm, khi đến nơi thì Napoléon đã cùng với tàn quân ở bờ sông bên kia. Đại đa số binh lính Pháp hành quân rơi rớt (khoảng 1 vạn trong số 1 vạn 4 nghìn người), do bị binh lính của Victor đẩy ra xa cầu, đã phải bỏ ở lại bờ sông, phần bị quân Cossacks tàn sát, phần bị bắt làm tù binh. Cuộc vượt sông vừa xong thì thì Napoléon hạ lệnh đốt cầu; và nếu như không có lệnh ấy thì số lính bị rớt lại sau hẳn đã chạy thoát được hết, nhưng vì nhu cầu quân sự đòi hỏi phá hủy phương tiện qua sông của quân Nga nên việc tổn thất 1 vạn quân rơi rớt ấy không ngăn cản được Hoàng Đế. Ông ta coi những người nào giữ vững được hàng ngũ mới là người hữu ích, còn những kẻ đã lạc ngũ thì bất kể lý do gì, dù vì bị ốm đau hay vì chân tay bị tê cóng, đối với Napoléon, họ không còn là những người lính nữa, Hoàng Đế chẳng quan tâm mấy đến số phận của họ. Napoléon chỉ chăm sóc đến thương binh khi nào những sự chăm sóc ấy không gây thiệt thòi cho những binh sĩ còn khả năng chiến đấu. Ở trường hợp này, thấy cần thiết phải đốt cầu một cách nhanh chóng nhất, Napoléon đã đốt không chút do dự.
Chính Hoàng Đế và các Thống Chế của ông ta cũng như nhiều tác giả quân sự xưa và nay đã và đang ca ngợi Napoléon, coi cuộc vượt sông Berezina là một trong những chiến công đẹp đẽ nhất của Napoléon. Một số người khác lại cho đó là một điều may mắn cho những sai lầm và sự thiếu linh hoạt của Chichagov và Wittgenstein mang lại, cũng như do sự bối rối của Aleksandr gây ra: Aleksandr đã bất chấp Kutuzov, từ Peterburg gửi thẳng cho các tướng lính một kế hoạch bao vây Napoléon, kế hoạch mà Kutuzov cho là ngu ngốc. Kharkevich, nhà viết sử quân sự người Nga đã cho xuất bản vào năm 1894 một cuốn khảo cứu đặc biệt nhan đề là Sông Berezina, đến tận bây giờ cuốn sách ấy vẫn được coi là mẫu mực. Qua cuốn sách ấy, người ta thấy rõ là Kutuzov cũng chẳng buồn thực hiện kế hoạch của Aleksandr, và chính vì cố ý mà Kutuzov đã không đi gấp tới sông Berezina, trong khi ông có đầy đủ khả năng tới đó đúng lúc. Việc nghiên cứu kỹ các tài liệu của Chichagov cũng như của Yermolov, của Denis Davydov và ngay cả của chính Kutuzov để lại, đã dẫn đến chỗ phải thừa nhận rằng rất khó bác bỏ được ý kiến của Kharkevich. Giống như Apukhtin, Kharkevich cho rằng sự sợ hãi, một sự sợ hãi đầy kinh hoàng khi đứng trước Napoléon, đã làm Wittgenstein và Chichagov tê liệt đến nỗi họ không làm những điều đáng lẽ ra phải làm. Mặt khác, Kharkevich đánh giá các cuộc hành binh của Napoléon là đúng đắn hợp lý.
Dẫu sao, tàn quân Pháp cũng đã thoát thân; họ tiếp tục hành quân rút về Vilna. Nhưng sau cơn tuyết tan nhất thời đã buộc phải bắc cầu qua sông Berezina, thì đột nhiên cái rét kinh khủng lại kéo đến. Hàn thử biểu hạ xuống 15, rồi 20, 26, 28 độ dưới không độ, và binh lính gục chết hàng chục, hàng trăm người một lúc. Những người còn sống sót phải đi giãn ra để tránh những người chết và những người hấp hối, rồi lại bám chặt lấy nhau và tiếp tục đi trong suốt thời gian rút lui khốn đốn ấy, chưa bao giờ họ phải chịu đựng những cơn rét khủng khiếp như vậy. Đằng sau họ, Kutuzov vẫn bám sát. Tuy được mặc ấm hơn quân Pháp rất nhiều nhưng binh sĩ của Kutuzov cũng đã lao đao vì rét. Chỉ cần nói rằng sau trận Borodino, khi tăng cường quân đội vào tháng 10, thoạt tiên Kutuzov rời Tarutino để đi Maloyaroslavets, rồi sau đó truy kích Napoléon, Kutuzov trên 9 vạn 7 nghìn người mà vào giữa tháng chạp, khi đến Vilna thì ông chỉ còn chưa đầy 2 vạn 7 nghìn 5 trăm người. Khi rời Tarutino, Kutuzov có 662 khẩu pháo nhưng ở dọc đường bị thiệt 425 khẩu, chỉ còn lại khoảng chừng 200 khẩu. Đó là những nỗi khó khăn gian khổ của những cuộc hành quân không ngừng, không nghỉ trong suốt cả một mùa đông rét mướt một cách rất đặc biệt ấy.
Cũng cần phải nói thêm rằng, mối sợ hãi đáng kể duy nhất của Napoléon là sợ bị Kutuzov đưa quân chủ lực ra tiến công ông. Sự thật là, tuy bằng cách đột kích vào các đoàn xe, quấy rối đội hậu vệ, quân Cossacks đã làm cho tình thế của quân đội Pháp đang rút lui trở lên hết sức bối rối, nhưng rất tự nhiên là họ không thể đơn độc chiến đấu với quân Pháp được.
Ở Krasnoi, họ đã đóng một vai trò quan trọng, nhưng vẫn là phụ; còn đối với quân du kích thì dẫu sao quân Pháp cũng không sợ như đội quân của Davydov, của Figner, của Dorokhov, Seslavin, Varbonski, Kudashev và hai, ba đội quân khác nữa. Quân Pháp không coi họ như quân chính quy và hầu như không bao giờ giữ họ làm tù binh: Bắt được là đem bắn hết. Vả lại, quân du kích cũng hành động như vậy, họ thích giết đối phương đã sa vào tay họ. Figner nổi tiếng là một tay rất quyết liệt. Trong hàng ngũ của quân du kích có cả sĩ quan, binh sĩ giải ngũ, những người tình nguyện. Những bút ký của người Pháp hầu như không bao giờ nhắc đến họ, trong khi ấy lại nói nhiều đến quân Cossacks và thừa nhận những tổn thất nặng nề do những đội kỵ binh Cossacks rất cơ động và ẩn hiện bất thần đã gây cho quân đội rút lui của Napoléon những trận tập kích liên tiếp và đột ngột, rồi sau đó họ lại lập tức biến đi mất. Quân du kích chỉ công kích vào những đơn vị đã hoàn toàn bị tan rã mà lúc đó họ có thể thanh toán ngay được.
Đây là bức họa chân thật của Denis Davydov, người chỉ huy du kích nổi tiếng, đã ghi lại: “Cuối cùng đội cựu cận vệ xuất hiện và chính đích thân Napoléon đi ở giữa… Nhảy lên mình ngựa, chúng tôi lại chạy ra bố trí ở ven đường cái lớn. Trông thấy những đám người hỗn độn của chúng tôi, quân địch vẫn ngang nhiên tiếp tục hành quân, súng lên đạn sẵn, bước đi đều đặn. Chúng tôi định cố bắt cho kỳ được dù chỉ là một tên trong hàng ngũ chặt chẽ ấy nhưng chúng tôi đã uổng công; như một khối đá hoa cương còn nguyên vẹn, chúng cứ đi với vẻ khinh thường mọi cố gắng của chúng tôi. Không bao giờ tôi quên được quân dung dũng mãnh và oai phong đáng sợ của những người chiến sĩ đã từng coi thường mọi cái chết ấy. Đầu đội mũ lông, quân phục màu xanh với những dây đeo súng màu trắng, gù vai và những chòm lông đỏ trên mũ của họ rực rỡ như những chùm hoa pavos trên cánh đồng trắng tuyết… Mọi cuộc công kích có tính chất Châu Á của chúng tôi đều không có hiệu lực gì đối với cái đội ngũ chặt chẽ của Châu Âu… hàng ngũ của họ vẫn nối tiếp nhau đi tới, vừa gạt đuổi chúng tôi ra bằng những tràng súng vừa cười chúng tôi đã uổng công phi ngựa vây quanh họ. Trong ngày hôm đó, chúng tôi còn bắt được một viên tướng, nhiều xe cộ khí tài và đến 700 tù binh, nhưng đội cận vệ của Napoléon đã đi qua đám quân Cossacks của chúng tôi như một chiến hạm có hàng trăm cỗ pháo băng qua một đoàn thuyền đánh cá nhỏ”.
Chúng ta nên chú ý rằng, ngày hôm ấy quân du kích đã phối hợp với quân Cossacks, điều đó cắt nghĩa tại sao họ lại bắt được 700 tù binh. Tuy vậy họ vẫn là những trinh sát viên tuyệt vời đã thường xuyên cung cấp cho Kutuzov và các tướng lĩnh của ông nhiều tin tức quý báu.
Bây giờ nên nói đến cuộc chiến tranh nhân dân năm 1812. Ở Nga, hình thái cuộc “chiến tranh nhân dân” ít nhiều có khác với ở Tây Ban Nha, mặc dù tính chất ác liệt của Nga đã làm cho Napoléon phải nhớ đến Tây Ban Nha. Ở Nga, cơn phẫn nộ của nhân dân đối với kẻ xâm lược ngày một lên cao. Ngay từ buổi đầu của cuộc chiến tranh, nhân dân Nga đã chỉ nhìn thấy rõ có một điều: Một kẻ địch hung bạo và xảo quyệt đã vào đất Nga, tàn phá xứ sở và cướp bóc dân chúng. Ý thức về nỗi nhục nhã khi tổ quốc bị tan nát, lòng khát khao trả thù cho các thành phố bị tàn phá và các làng mạc bị thiêu hủy, cho Moscow bị hủy hoại và bị phá phách, cho tất cả những sự khủng khiếp của nạn xâm lược, lòng mong muốn bảo vệ nước Nga và trừng phạt kẻ xâm lược hung ác, tất cả những tình cảm đó đã dần dần thấm sâu vào lòng toàn dân. Nông dân tập hợp thành những đội quân nhỏ, bắt và giết không tiếc những lính Pháp đi rớt lại sau. Khi quân Pháp ló mặt đi tìm thóc và cỏ cho ngựa thì thông thường, nông dân vũ trang chống lại rất dữ dội và nếu thấy toán quân Pháp mạnh hơn họ thì họ trốn vào rừng, sau khi đã đốt hết thóc và cỏ. Và đó là điều làm cho kẻ địch ghê sợ nhất.
Ở Nga, có khi nông dân tập hợp thành từng đoàn đột kích vào những đội quân địch, đặc biệt như trường hợp cuộc rút lui của Napoléon, điều mà người ta không thấy diễn ra ở Tây Ban Nha; ở Tây Ban Nha, nông dân không có sự giúp đỡ của quân đội, đã tự mình bao vây và bức từng trung đoàn quân Pháp phải đầu hàng. Nhưng ở Nga, nông dân hăng hái tham gia các đội quân du kích, giúp đỡ quân du kích mọi bề, chỉ lối dẫn đường, cung cấp lương thực và tin tức cho quân đội Nga. Nhưng trước hết dân tộc Nga đã biểu thị ý chí kiên quyết bảo vệ tổ quốc của mình bằng tinh thần chiến đấu kiên cường bất khuất trong những trận đánh sống mái ở Smolensk, ở Krasnoi, ở Borodino, ở Maloyaroslavets, cũng như trong vô vàn cuộc giao chiến nhỏ khác. Nếu như quân Pháp thấy rằng ở Nga họ không phải đối phó với một cuộc chiến tranh nhân dân thật sự như ở Tây Ban Nha thì lý do chủ yếu là vì quân đội Tây Ban Nha đã bị Napoléon tiêu diệt xong, đã từ bao nhiêu tháng ròng rã, nghĩa quân nông dân là những người duy nhất có thể chiến đấu được, song ở nga thì quân đội nga chưa bao giờ bị tiêu diệt. Do đó, lòng căm thù của nhân dân đối với kẻ xâm lược và ý chí tống cổ chúng ra khỏi nước Nga đã được biểu thị một cách có tổ chức hơn, trong hàng ngũ của quân đội chính quy. Qua các tài liệu, chúng ta được biết rằng lúc thời bình việc trưng binh đã bị mọi người coi là bổn phận cực khổ nhất, nhưng năm 1812, nông dân thuộc xứ Tambov nhảy múa vui mừng khi họ được người ta tuyển vào quân đội. Và những con người nhảy múa vui mừng vì được nhập ngũ ấy đã chiến đấu và hy sinh anh dũng trong các cuộc huyết chiến.
Sau cuộc rút bỏ Moscow của quân Pháp, sau trận Maloyaroslavets, sau những ngày rét đầu tiên và cùng với sự tan rã ngày càng tăng của quân đội Pháp luôn luôn bị quân của Kutuzov đuổi sát gót, đã phát sinh hiện tượng mà những người đương thời gọi là “hoạt động du kích” và sau này người ta gọi là “chiến tranh dân tộc”. Những người chỉ huy du kích như Figner, Davydov, Seslavin, Kudashev, Varbonski và nhiều người khác nữa đều là những sĩ quan của quân đội chính quy Nga; họ được phép và có nhiệm vụ thành lập các đội khinh binh, bao gồm binh sĩ và những người tình nguyện, để quấy rối đánh chặn quân Pháp đang rút lui bằng những trận đột kích bất ngờ vào các đoàn xe, các đơn vị đi rớt lại sau, và nói chung, vào những vị trí mà những toán quân nhỏ đó (vài trăm người) có thể tiến công và thu được thắng lợi. Trong các tổ chức du kích ấy có binh sĩ, có quân Cossacks, có dân quân mới tổng động viên và những nông dân tình nguyện. Tất cả những điều đó đã được viết tỉ mỉ trong cuốn sách nhan đề là Cuộc Xâm Lược Nước Nga Của Napoléon.
Sau khi vượt qua sông Berezina, quân số của quân đội Pháp bị giảm sút hơn nữa, không phải chỉ vì những cơn rét khủng khiếp, mà còn vì sư đoàn của Partouneaux bị tiêu diệt. Số là sư đoàn Partouneaux, được lệnh của Napoléon ở lại quanh vùng Borisov để đánh lạc hướng Chichagov, đã bị quân chủ lực của Kutuzov tiến công, bị bao vây bốn phía và sau khi bị thiệt hại mất già nửa số 4 nghìn quân trong hai ngày chiến đấu, đã phải đầu hàng.
Đến Vilna, tàn quân Pháp thấy mình đã sắp thoát khỏi tai nạn bị tiêu diệt đang treo trên đầu. Họ lê tới thành phố kiệt lả đi vì rét và vì mệt nhọc, thảm hại không sao tả xiết. Vài đơn vị còn đang chiến đấu, cách Vilna không xa, Ney và Medon phản pháo mãnh liệt vào quân Nga đang đuổi riết, và cuộc truy kích của quân Nga đã phải dừng lại mất mấy ngày. Việc tiến quân vào Vilna thật vô cùng hỗn độn, binh sĩ các đơn vị ẩu đả nhau vì tranh giành nhà ở và lương thực, họ đổ xô đi cướp phá các kho hàng và các cửa hiệu. Từ ngày 10 đến 12 tháng 12, quân Pháp tiếp tục rút về Kovno và vẫn còn có thể đánh lui được quân Cossacks đang truy kích họ. Kutuzov cùng với quân chủ lực còn cách Vilna vài chặng đường. Không nán lại lâu ở Kovno, đám tàn quân vượt sông Niemen đã đóng băng.
Chiến dịch Moscow khủng khiếp đã chấm dứt. Số 42 vạn quân vượt biên giới hồi tháng 6 năm 1812 và số 15 vạn quân sau này từ Châu Âu liên tiếp kéo tới, đến tháng chạp cùng năm ấy, chỉ còn là những tốp nhỏ, lẻ tẻ như vậy quay về, tan tác vượt sông Niemen lần nữa. Với số quân đó, sau này người ta đã tổ chức lại được ở Phổ và Ba Lan một quân đoàn tổng số khoảng 3 vạn người, chủ yếu gồm các đơn vị ở lại làm nhiệm vụ bảo vệ sườn trong sáu tháng qua, đã không tham gia cuộc tiến quân vào Moscow. Còn bao nhiêu thì đã chết hoặc đã bị bắt. Theo những sự tính toán lạc quan nhất, số bị bắt làm tù binh không vượt 10 vạn người. Tất cả số còn lại đã chết ở trên các chiến trường, nhất là chết rét, chết đói, chết vì kiệt sức và vì bệnh tật trong khi rút lui.
Một tuần lễ trước khi quân đội rời khỏi biên giới Nga, ngày 6 tháng 12 năm 1812, tại thị trấn nhỏ Smorgonie giao quyền chỉ huy lại cho Murat, Napoléon đã từ giã quân đội, cùng với Caulaincourt, Duroc, Lobau và viên sĩ quan Ba Lan Vonsovic. Khi báo cho các Thống Chế biết việc lên đường của mình, việc mà họ phản đối một cách cung kính, Napoléon đã giải thích cho họ rằng quân đội không còn nguy cơ bị bắt như trước lúc vượt sông Berezina nữa, và Napoléon tin tưởng rằng không có mình, các Thống Chế cũng có thể dẫn quân đội về đến nước Phổ là đất đồng minh, nghĩa là đến sông Niemen. Nhưng sự có mặt của Napoléon ở Paris là cần thiết, vì ngoài Napoléon ra không ai có thể đứng ra tổ chức được một đội quân mới bằng các cuộc trưng binh bất thường, ít ra là 30 vạn người cần thiết để mùa xuân tới đương đầu với mọi kẻ thù bất trắc.
Để can ngăn việc lên đường của Napoléon, các Thống Chế đã bày tỏ nỗi lo sợ của họ là nếu Hoàng Đế vắng mặt thì quân đội sẽ hoàn toàn tan rã, bởi họ đã phải chịu đựng biết bao nhiêu khủng khiếp, và chỉ có sự có mặt của Hoàng Đế mới có thể giữ vững được họ. Napoléon hoàn toàn bình tĩnh khi nói điều đó với các Thống Chế. Các Thống Chế hiểu rõ rằng không phải vì khiếp nhược mà Napoléon từ giã quân đội, hiểu rằng hiện nay tính mệnh Napoléon đã thoát khỏi hiểm nghèo, và chính họ đã biết bao lần được mục kích Napoléon không chút cau mày khi dấn mình vào những nguy hiểm thật sự trước mặt. Không tỏ vẻ xúc động, Napoléon đã nói với các Thống Chế về cuộc chiến tranh khủng khiếp này, cuộc chiến tranh do ông ta tiến hành và làm thất bại, về sự tổn thất của đại quân; đó là một sự việc đáng phàn nàn, hẳn rồi, nhưng trong đó phải thấy một sự không may hơn là một sai lầm: Thời tiết ma quái không lường trước được…v.v. Tuy nhiên, Napoléon cũng đã thú nhận ngay rằng bản thân ông ta đã có những sai lầm, chẳng hạn như đã quá kéo dài thời gian ở lại Moscow. Rốt cuộc, trong cuộc chuyện trò ấy, các bạn chiến đấu của Napoléon đã không khám phá được trong tâm hồn ông ta chút gì bối rối hay ngã lòng nản chí.
Napoléon đã nghiêm ngặt yêu cầu các Thống Chế lúc này phải giữ kín việc lên đường của mình, vì cần phải giữ cho tinh thần binh sĩ không bị suy sụp hẳn trong những ngày còn chưa tới được sông Niemen, nhưng điều nay còn cần hơn: Phải để cho Hoàng Đế vượt qua được nước Đức trước khi ở đó người ta biết được sự thật về thất bại của đại quân và biết được là Hoàng Đế đi đường không có hộ giá. Hoàng Đế ra đi để thành lập một đạo quân mới, điều mà Hoàng Đế không thể không làm, phải làm rất nhanh, và Hoàng Đế sẽ còn đẩy các Thống Chế và đạo quân ấy xông pha dưới làn đạn rất nhiều lần nữa: Các Thống Chế không nghi hoặc gì điểm ấy.
Tiễn đưa ông Hoàng Đế ra xe trượt tuyết, các Thống Chế chú ý quan sát ông trong khi ông lên xe ngồi với Caulaincourt: Ông cũng đã tỏ ra phải bình tĩnh như bốn tháng sau, khi cầm đầu nhiều binh đoàn mới rời nước Pháp để đi đàn áp Châu Âu khởi nghĩa. Trong số các Thống Chế, có nhiều người đã tham dự tất cả mọi trận đánh của Napoléon, kể từ trận tiến đánh nước Ý lần đầu tiên cho đến chiến dịch nước Nga, và họ đã nghĩ rằng không bao giờ họ còn có dịp thấy trận nào ác liệt hơn trận Borodino nữa. Họ chưa tính trước được trận Leipzig.
Vun vút chìm biến vào bầu trời đầy tuyết của một buổi tối tháng chạp, chiếc xe chở đi một con người chỉ chịu bỏ mất đất đai của Châu Âu, đất đai mà ông ta đã chiếm được, sau khi đã chiến đấu một mất một còn.