Một Trăm Ngày
1
Trước khi nói đến câu chuyện về sự kiện dị thường nhất trong cuộc đời của Napoléon, cần chú ý đến điều sau đây. Sau khi đến đảo Elba, trong những ngày đầu, rõ ràng Hoàng Đế không còn ý đồ gì nữa, ông ta cho rằng cuộc đời chính trị của ông đã hết và đã chỉ có ý định viết về lịch sử triều đại của mình như ông đã hứa hẹn. Ít ra đó cũng là ý nghĩ nảy ra ở Napoléon suốt trong sáu tháng đầu tiên sống trên đảo. Ông sống yên tĩnh và bình thản. Ở những quận miền Nam nước Pháp, khi Napoléon đi qua, bọn Bảo Hoàng đã tỏ thái độ vô cùng thù địch và có khi suýt gây nguy hiểm đến tính mạng ông, nhưng rồi ngày 3 tháng 5 năm 1814, ông đã tới đảo Elba.
Từ đây, Napoléon sống trên mảnh đất hiu quạnh, giữa những dân cư xa lạ đã đón người thủ lĩnh mới của họ với thái độ cung kính nhất. Mùa xuân năm 1811, đúng tròn ba năm trước ngày Napoléon đặt chân lên đảo Elba, Napoléon đã tiếp tướng Wrede ở cung điện Tuileries lúc này đang vào giai đoạn chuẩn bị công khai cho chiến dịch nước Nga – Wrede đã cung kính đánh bạo đưa ra ý kiến không nên mở chiến dịch nước Nga, thì Napoléon đột ngột ngắt lời Wrede rằng “ba năm nữa, ta sẽ làm bá chủ hoàn cầu”. Sau cuộc gặp gỡ ấy ba năm, “đại đế quốc” sụp đổ, còn Napoléon trị vì một hòn đảo rộng 223km vuông với 3 thị trấn và vài ngàn dân. Số mệnh đã đưa Napoléon trở về nơi chôn rau cắt rốn: Đảo Elba cách đảo Corsica chừng 50km. Hồi tháng 4 năm 1814, đảo Elba vẫn thuộc quyền công tước Toscany, một trong những chư hầu Ý của Napoléon, nhưng theo yêu cầu của phe Liên Minh, công tước đã nhường lại cho ông Hoàng Đế thất thế. Napoléon đã đi xem xét lãnh địa của ông, tiếp xúc với nhân dân và hình như có ý định ở lâu dài trên đảo. Thỉnh thoảng gia đình ông đến thăm: Mẹ ông, bà Letizia, em gái ông, quận chúa Pauline Borghese. Bà bá tước Waleska, người từng quan hệ mật thiết với Napoléon hồi ở Błonie và đã yêu Napoléon suốt đời, cũng đến thăm. Marie Louise và con trai không đến, một phần vì Hoàng Đế nước Áo không cho phép, vả chăng, Marie Louise cũng không tha thiết lắm với việc gặp lại chồng. Những người Pháp viết tiểu sử Napoléon thường công kích sự thờ ơ và phụ bạc của Marie Louise, họ quên hẳn mất rằng năm 1810, khi Napoléon cầu hôn Marie Louise thì ông ta cũng như mọi người, có ai đếm xỉa đến việc Marie có ưng thuận hay không. Cũng cần nhắc lại bức thư Marie viết ở Ausfern gửi cho một người bạn gái thân hồi tháng 1 năm 1810: “Từ khi Napoléon ly dị Joséphine, mỗi lần giở tờ nhật báo Frankfurt, mình chỉ muốn tìm tên người vợ mới của Napoléon, và thú thực là sự chậm trễ ấy đã gây cho mình nhiều lo ngại. Mình chỉ còn biết phó thác số phận mình trong tay đấng tối cao… Nhưng nếu điều bất hạnh chẳng tha mình, mình sẵn sàng hi sinh hạnh phúc riêng cho lợi ích quốc gia”. Vị hôn thê và người vợ mai sau của ông Hoàng Đế đã suy tính như vậy đó về sự cầu hôn đang đe dọa nàng. Đế quốc Napoléon sụp đổ tất nhiên là sự giải phóng đối với Marie. Hoàng Đế cũng không được gặp người vợ đầu tiên mà ông đã yêu tha thiết trước khi ly dị, Joséphine đã chết ở Malmaison ngày 29 tháng 5 năm 1814, sau khi Napoléon đến đảo Elba vài tuần lễ. Tin đó làm cho Hoàng Đế Napoléon ủ dột và trầm lặng trong mấy ngày liền. Những ngày tháng đầu tiên đã trôi qua như vậy, lặng lờ và đơn điệu trên hòn đảo Elba. Hoàng Đế thản nhiên trước việc đời và cũng không giấu diếm ai bản chất tình cảm của mình. Ông trâm ngâm suy tưởng hàng tiếng đồng hồ liền. Chỉ từ mùa thu năm 1814, và đặc biệt là từ tháng 11, Napoléon mới bắt đầu chú ý đến tất cả những điều người ta kể lại tình hình nước Pháp và Hội Nghị Vienna vừa khai mạc vào hồi ấy. Không thiếu gì người cung cấp tin tức. Từ hải cảng Piombino ở Ý, cách đảo Elba không quá 12 km, và trực tiếp từ nước Pháp bay đến cho Napoléon biết rõ rằng, sau khi trở lại ngôi báu, bọn Bourbon và quần thần của chúng đã tỏ ra không có chút uy tín nào và ngu xuẩn đến mức không ai tưởng tượng được. Talleyrand, kẻ thông minh nhất trong bọn đã phản bội Napoléon và đã góp phần khôi phục dòng họ Bourbon năm 1814, ngay lúc đó đã nói rằng: “Bọn chúng vẫn hệt như xưa”. Trong một cuộc hội đàm với Caulaincourt, Aleksandr đệ nhất cũng đã cùng chung ý nghĩ như vậy và nói rằng bọn Bourbon không chịu thay đổi gì cả và là những kẻ không thể làm cho thay đổi được. Bản thân lão già tê thấp Louis XVIII là một kẻ rất thận trọng, nhưng em hắn, bá tước d’Artois và mấy đứa con của y là công tước Angoulême và Berry, cũng như cả cái tập đoàn lưu vong quay trở về cùng với dòng họ Bourbon đều xử sự tuồng như chưa hề có cuộc cách mạng nổ ra và chưa hề có Napoléon ở trên đời. Bọn chúng rất vui lòng quên đi và tha thứ cho những tội lỗi của nước Pháp, với điều kiện là đất nước ấy phải tự nguyện chịu đau khổ, trở về với lòng trung quân và trật tự chế độ xã hội cũ. Dù có ngu ngốc, bọn chúng cũng phải thừa nhận rằng không thể nào thủ tiêu được những cơ quan và tổ chức bất khả xâm phạm do Napoléon đã xây dựng như: Quận Trưởng ở các quận, tổ chức các bộ, bộ máy cảnh sát, hệ thống tài chính, Bộ Luật Napoléon, toà án, nghĩa là toàn bộ sự nghiệp của Napoléon, và thậm chí cả huân chương Bắc Đẩu, bộ máy cai trị, tổ chức quân đội, tổ chức các trường đại học, cao đẳng và trung cấp, điều ước hòa giải với Giáo Hoàng, tóm lại là toàn bộ cơ cấu Nhà Nước của Napoléon, có khác thì chỉ là trước kia cái Nhà Nước ấy do một ông vua chuyên chế đứng đầu thì nay do một ông vua “lập hiến”. Nhà vua bị thúc ép phải ban bố một hiến pháp, đặc biệt là do Aleksandr khẩn thiết yêu cầu, vì Nga Hoàng tin chắc rằng nếu không có hiến pháp, dòng họ Bourbon sẽ không thể đứng vững được. Theo hiến pháp ấy, chỉ có một số rất ít người giàu có được quyền bầu cử (chừng 10 vạn người trong số 28, 29 triệu nhân dân Pháp). Những kẻ chủ trương phục hồi toàn vẹn chế độ cũ đã tức tối. Kẻ chiếm đoạt ngôi vua thì đã trị vì chuyên chế trong ngần ấy năm trời, mà nay nhà vua chính thống, nhà vua do Thượng Đế đã sắp đặt, lại bị hạn chế về quyền lực ư? Bọn chúng còn bất mãn vì nhiều lý do khác nữa. Ngay từ những ngày đầu phục hưng, bọn chúng đã không ngừng la ó đòi trả lại những đất đai của chúng đã bị Cách Mạng tịch thu và bán đấu giá cho nông dân và tư sản. Đương nhiên, chẳng có kẻ nào dám làm việc đó, song những yêu cầu ấy của bọn chúng cũng đủ làm cho nông dân lo lắng cực độ và nông thôn bị náo động dữ dội. Tầng lớp tăng lữ, hoàn toàn đồng tình với bọn lưu vong cũ, đã đi đến chỗ mạt sát những nông dân đã mua được tài sản quốc gia, ở ngay trên toà giảng, chúng nói họ sẽ phải hiến mình cho cơn thịnh nộ của Chúa Trời và nanh vuốt của chó ngao, như kẻ phản Chúa Jezabel. Bọn quý tộc lưu vong trở về đã tỏ ra ngạo ngược hơn bao giờ hết. Nông dân bị đánh đập nhưng không được tòa án can thiệp, xét xử. Những người có thiện chí nhất trong triều đình Louis XVIII tỏ ra thất vọng trước tình hình đang diễn ra ở nông thôn và nhìn thấy rõ những tin đồn đại về việc tước lại ruộng đất đang làm cho nông dân bối rối hoang mang sâu sắc đến cùng cực, nhưng họ chẳng thể làm gì được. Còn như giai cấp tư sản, trong những ngày đầu tiên sau khi đế chế sụp đổ, thì bọn họ nói chung cảm thấy dễ chịu, họ có thể hy vọng được rằng chiến tranh sẽ chấm dứt, chấm dứt cả nạn trưng binh (trong những năm cuối cùng của đế chế, họ đã không mua được người đi lính thay cho con em họ như trước kia nữa, vì thiếu đàn ông, hy vọng bắt tay vào việc chấn hưng thương nghiệp, người ta cũng thoáng thấy được rằng chế độ độc tài gây nhiều trở ngại cho việc buôn bán làm ăn cũng sẽ chấm dứt, còn tầng lớp đại tư sản công nghiệp thì từ những năm 1813 – 1814, bản thân nó cũng đã không còn coi đế quốc rộng lớn là điều kiện cần thiết cho sự phồn vinh của nó nữa.
Mới vài tháng sau khi nền đế chế sụp đổ và cuộc phong toả lục địa kết thúc, số lớn giai cấp tư sản thương nghiệp và công nghiệp đã la ó ầm ĩ: Chính quyền Bourbon không dám tính cả đến việc đầu tiên là kiên quyết mở một chiến dịch thuế quan chống người Anh, những kẻ đã góp phần tích cực trong việc đánh đổ Napoléon. Nếu trong giai cấp tư sản còn có một số đã đón dòng họ Bourbon với một chút thiện cảm nào đó tương đối lâu dài, thì phải tìm giới trí thức trong số những người làm nghề tự do: Luật sư, thầy thuốc, nhà báo…v.v. Sau nền chuyên chế sắt thép của Napoléon, bản hiến pháp cực kỳ ôn hòa của Louis XVIII ban bố là một ân huệ vô giá đối với họ. Số sách báo tăng lên, đó là điều không thể có được dưới thời Napoléon. Nhưng chẳng bao lâu, những tầng lớp trí thức ấy, môn đệ của những nhà văn và những nhà triết học của Thế Kỷ Ánh Sáng, được đào tạo trong trường phái tư tưởng tự do, đã phẫn nộ vì sự lộng hành của của tầng lớp tăng lữ Bourbon cũng như trong bộ máy chính quyền và đời sống xã hội. Sự ngược đãi những người có tư tưởng Voltaire đã diễn ra ác liệt khắp nơi. Bọn cuồng tín hoành hành dữ dội nhất ở các tỉnh, nơi mà bọn cầm quyền mới đều do nhà thờ chọn lựa và giới thiệu. Càng ngày địa vị của bọn Bourbon và bè lũ càng lung lay.
Không phục hưng được chế độ cũ, không thủ tiêu được luật pháp ban bố dưới thời Cách Mạng và Đế Chế, cũng không dám đụng đến cái cơ đồ do Napoléon đã xây dựng, bọn chúng bèn khiêu khích nông dân và tư sản bằng những lời tuyên bố, những điều luật, những hành động điên khùng và thái độ ngạo ngược. Những sự dọa nạt và khiêu khích của chúng chỉ làm cho toàn bộ tình hình chính trị càng thêm không ổn định. Riêng nông dân bị rối loạn. Một tình trạng khác nữa rất nghiêm trọng: Những binh lính tuyển mộ hàng loạt và số lớn các sĩ quan đều coi dòng họ Bourbon do bên ngoài đưa vào là một tai hại bất đắc dĩ mà họ phải nhẫn nhục âm thầm chịu đựng. Thời gian càng xoá nhòa ấn tượng của những thương tích và chết chóc, càng chôn vùi dần ký ức những năm tàn sát đầy hãi hùng ghê rợn của chiến dịch Nga. Những cảnh tượng bi thảm ấy mờ nhạt dần và chìm dần trong quên lãng, nhường chỗ cho hình ảnh người thủ lĩnh đã dẫn họ đến những chiến công chưa từng thấy và đã đem đến cho họ một vinh quang bất diệt. Trước mắt họ người ấy không những chỉ là một người anh hùng lừng lẫy, một nhà chỉ huy vĩ đại, người chủ của nửa quả đất, mà còn là người bạn chiến đấu của họ, là “Chú Cai Bé Nhỏ”, là người đã gọi họ bằng chính cái tên họ, đã véo tai giật râu họ để tỏ lòng ân cần thân thiết. Hình như họ luôn cho rằng Napoléon yêu mến tất cả bọn họ, như tất cả bọn họ đã yêu mến Napoléon. Ông Hoàng đã luôn luôn khéo biết nuôi dưỡng cái ảo tưởng ấy. Hàng ngũ sĩ quan không tỏ thái độ thù địch với bọn Bourbon như binh lính. Dẫu sao thì cũng có một bộ phận trong bọn họ đã mệt mỏi rã rời vì chiến tranh và khao khát nghỉ ngơi. Nhưng bọn Bourbon đã không tin họ về mặt chính trị, và cũng vì không cần dùng đến một số lượng sĩ quan lớn như vậy, nên trong một lúc, chúng đã thải hồi một số lớn sĩ quan bằng cách cho về hưu. Những người còn lại thì căm ghét và khinh bỉ những sĩ quan trẻ xuất thân trong giai cấp quý tộc Bảo Hoàng được đưa lên làm cấp chỉ uy của họ. Lá cờ trắng mà bọn Bourbon thay thế lá cờ ba sắc của quân đội Cách Mạng và quân đội của ông Hoàng Đế cũng đã là một nguyên nhân làm họ tức giận. Với binh sĩ của Napoléon, lá cờ trắng ấy trước kia là biểu tượng của những kẻ phản bội lưu vong mà họ đã bắt gặp và đánh bại trong các cuộc chống ngoại xâm. Cũng vẫn dưới lá cờ ấy, bọn chúng đã trở về, khôi phục chế độ cũ dưới sự che chở của lưỡi lê Nga, Áo và Phổ, tất cả kẻ phản bội chống cách mạng ấy lại còn toan cướp lại ruộng đất của nông dân, những bức thư từ làng quê đã cho họ biết vậy… “Hiện nay Người ở đâu? Bao giờ Người quay về?”. Những câu hỏi ấy được đặt ra ở các làng mạc doanh trại sớm hơn là trong các tầng lớp nhân dân khác. Napoléon biết rõ điều đó. Và ông cũng còn biết những việc khác nữa.
Những tin tức về tình hình diễn biến của Hội Nghị Vienna đã đến với Napoléon bằng con đường nước Ý thông thường bằng báo chí. Ông theo dõi các vua chúa và các nhà ngoại giao đang cố gắng dàn xếp để chia nhau món gia tài kếch xù của ông mà chưa ngã ngũ, và ông thấy rõ rằng những đất đai do ông chinh phục được nay bị cắt ra khỏi nước Pháp đang làm cho Khối Liên Minh ngày nọ thèm thuồng và tranh chấp nhau. Ông biết nước Anh và nước Áo chống lại nước Nga và nước Phổ chỉ vì miếng mồi xứ Saxony và nước Ba Lan. Sự thống nhất hành động gữa các cường quốc Châu Âu để chôn vùi cái đại đế quốc của Napoléon vào năm 1814, nay không còn nữa. Tháng 12 năm 1814, trong khi đi dạo ở vùng lân cận lâu đài của mình ở Portoferraio, thủ phủ đảo Elba, Napoléon bỗng dừng lại trước mặt người lính cận vệ đang canh gác. Đó là người lính cận vệ trong tiểu đoàn cựu cận vệ được phe Liên Minh cho đi theo Napoléon: “Này! Anh lính già, buồn đấy à?”, “Tâu Bệ Hạ, không ạ, nhưng không phải ở đây lúc nào cũng vui”. “Anh lầm rồi, phải biết tùy thời cơ chứ”, rồi Napoléon đặt vào bàn tay người lính một đồng tiền vàng và vừa đi vừa ngâm nga: “Sẽ chẳng như thế nhiều mãi đâu”. Không biết những lời nói ấy hoặc những lời có ý tứ tương tự thốt ra từ miệng Napoléon có bay đến tai ai không. Chỉ biết rằng Metternich, Louis XVIII và chính phủ London đã rất lo lắng về việc Napoléon có mặt ở một địa điểm quá gần bờ biển nước Pháp. Người ta tính chuyện chuyển Napoléon đến một nơi nào đó xa hơn. Ngay cả ở trên hòn đảo nhỏ ấy, Napoléon vẫn đáng sợ. Có tin đồn rằng người ta định sai người đi ám sát ông. Bọn Bourbon và phe cánh của chúng càng chồng chất lên nước Pháp những chuyện ngu dại bao nhiêu thì đám vua chúa và chính khách ngoại giao ở Vienna càng lo lắng. Nhưng từ đảo Elba bắt đầu bay tới những tin tức mà người ta rất yên tâm, hoàn toàn trái ngược với những tin đồn đại nguy cấp kia. Hầu như ông Hoàng Đế không bước chân ra khỏi nhà, ông ta sống bình thản và cam chịu bước đường của định mệnh, chuyện trò ân cần với Campbell, đại diện của nước Anh, và nói với Campbell rằng từ nay chẳng có gì hấp dẫn được ông bằng hòn đảo bé nhỏ của ông. Trong buổi dạ hội đêm 7 tháng 3 năm 1815, ở triều đình nước Áo, người ta đã tổ chức một cuộc khiêu vũ để chiêu đãi các vị vua chúa và các vị đại diện của các cường quốc Châu Âu đang họp ở Vienna. Cuộc vui đang tưng bừng hứng thú nhất thì bỗng nhiên các quan khách thấy đám cận thần của Hoàng Đế Francis lộ vẻ bối rối cực độ, mặt mày xanh xám, hốt hoảng, các đình thần chạy vội xuống cầu thang chính, tưởng như có cháy trong cung điện. Chỉ trong nháy mắt, cái tin không ngờ sau đây đã bay khắp các cung, phòng, làm mọi người hốt hoảng rụng rời bỏ cuộc khiêu vũ: Một đạo tin vừa báo rằng Napoléon đã rời đảo Elba, đổ bộ lên đất Pháp và tay không khí giới, tiến thẳng về Paris.
Ngay từ những ngày đầu tháng 2 năm 1815, quyết định trở về nước Pháp và phục hưng đế chế đã bắt đầu được xác lập rõ rệt trong đầu óc Napoléon. Ông chẳng hề nói cho ai biết ông đã đi đến quyết định đó như thế nào. Có lẽ chỉ đến cuối năm 1814 và những tháng đầu năm 1815, ông mới thực sự tin chắc toàn thể quân đội vẫn trung thành với ông chứ không phải chỉ riêng có đội quân cận vệ, và bên cạnh những Thống Chế một lòng một dạ như Davout, còn có những tướng lĩnh như Exelmans, còn có những sĩ quan đã về hưu hoặc đang tại ngũ, chỉ thấy căm giận và khinh bỉ dòng họ Bourbon và tư tưởng của họ cũng hoàn toàn thống nhất với quân đội, Napoléon cũng tin chắc rằng trong số những Thống Chế, vì khao khát được nghỉ ngơi và vì mệt mỏi chán chường cuộc đời chiến tranh liên miên nên đã tình nguyên phục vụ dòng họ Bourbon, có nhiều người nay tức giận và bất bình Louis XVIII cũng như em hắn và lũ cháu hắn. Napoléon cũng biết rõ và rất quan tâm theo dõi tình trạng tư tưởng của nông dân và tình hình nhốn nháo ngày càng nghiêm trọng ở nông thôn. Một bản báo cáo đã thúc đẩy thêm sự việc. Vào giữa tháng 2 năm 1815, Napoléon, được gặp gỡ Fleury de Chabulon, một viên chức trẻ tuổi của đế chế, thay mặt Maret, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao của Napoléon, hiện đang ở Pháp, đến đảo Elba để đưa tin tức cho Napoléon. Công tước Bassano đã trao cho Fleury nhiệm vụ báo cáo chi tiết với Hoàng Đế về sự bất mãn của toàn dân và hành động vô sỉ của bọn lưu vong hồi hương, và nói với Hoàng Đế rằng trong thâm tâm hầu hết quân đội chỉ thừa nhận có một ông chúa, đó là Napoléon, và họ không thể chịu đựng được Louis XVIII cũng như những tên Bourbon khác. Bản báo cáo thật bổ ích, nhưng thật ra, ngay trước khi phái viên của công tước Bassano tới. Napoléon, cũng đã hiểu rõ thực chất của tình hình. Song, dẫu sao, quyết tâm của Napoléon, cũng được xác định sau cuộc gặp gỡ ấy. Giữa thời gian ấy, bà mẹ Napoléon, cũng đang ở đảo với con; Letizia là một người đàn bà thông minh, quả quyết và có chí khí. Napoléon kính trọng bà hơn bất cứ ai trong gia đình. Chính bà là người đầu tiên được Napoléon, thổ lộ tâm tình: “Con không thể chết ở hòn đảo này được đâu và con cũng không thể kết thúc cuộc đời con bằng sự nghỉ ngơi yên tĩnh chẳng xứng đáng với con”. Napoléon nói với mẹ, “Quân đội đang trông đợi con. Tất cả đều mong mỏi con về để chạy xổ đến với con. Chắc chắn là con có thể gặp những trở lực không lường trước trên con đường con đi, có thể con sẽ gặp một tên sĩ quan trung thành với dòng họ Bourbon, nó sẽ ngăn chặn bước đi của con và lúc đó, sau vài tiếng đồng hồ, con sẽ ngã xuống. Nhưng cái kết thúc ấy tốt hơn là chuỗi ngày dài đằng đẵng trên hòn đảo này với tương lai đã vạch là cái chết. Vì vậy mà con muốn đi lao mình vào may rủi một lần nữa. Ý mẹ thế nào, mẹ thân yêu của con?“ Letizia vô cùng sửng sốt trước câu hỏi bất ngờ ấy mà bà không thể trả lời ngay được. “Con hãy để cho mẹ suy nghĩ một lát bằng tình cảm cảm của người mẹ và rồi sau đó mẹ sẽ cho con biết ý mẹ”. Sau một lúc lâu im lặng, bà nói: “Đi đi, con trai mẹ, đi đi, và theo đuổi định mệnh của con. Có lẽ con sẽ thất bại khi mưu toan của con tan vỡ thì cái chết sẽ sát bên con. Nhưng con không thể ở lại được đây, đó là điều làm mẹ đau đớn. Mà cũng cầu mong rằng Thượng Đế đã từng che chở cho con trong bao nhiêu chiến trận thì nay Người hãy còn che chở cho con một lần nữa”. Rồi bà ôm chặt lấy con trai.
Ngay sau khi chuyện trò xong với mẹ, Napoléon liền vời các tướng lĩnh đã theo ông ra ở đảo Elba: Drouot, Bertrand và Cambronne. Hai viên tướng sau đã hào hứng đón nhận ý định của Napoléon. Chỉ có Drouot lo ngại rằng sẽ không đạt được thắng lợi, Napoléon cho Drouot biết từ nay ông không còn ý định gây chiến chiến tranh và trị vì chuyên chế, ông chỉ muốn làm cho nhân dân Pháp trở thành một dân tộc tự do. Đó là một đặc điểm trong đường lối chính trị mới của Napoléon. Ông đã dùng nó để bắt đầu công cuộc của mình, nếu không phải với ý định biến nó thành hành động thực tế thì ít ra cũng là với ý định sử dụng nó về phương diện chiến thuật. Napoléon lập tức hạ mệnh lệnh và ra chỉ thị cho họ: Không phải ông đi chinh phục nước Pháp bằng vũ lực, ý định của ông là trở về Pháp, đổ bộ lên đất Pháp, công bố mục đích chính trị của mình và đòi lại ngôi Hoàng Đế. Ông tin tưởng mãnh liệt vào uy tín cá nhân của ông đến nỗi ông cho rằng đất nước sẽ thần phục ông ngay từ phút đầu, không xung đột cũng không hề có ý định kháng cự lại ông. Nên chi, không có lực lượng vũ trang cũng sẽ không gặp trở ngại gì. Ông đã có một số khá người trong tay để chống lại những bất trắc xảy ra có thể làm hỏng việc trước khi ông được mọi người biết rằng đã tới đất liền và trước khi ông được đứng trước một quân đội thực sự. Sáu trăm binh sĩ của đội cựu cận vệ với hơn một trăm kỵ binh, thế là ông đã có một đội quân 724 người, và như vậy là quá đủ để đảm bảo an toàn tính mạng cho Napoléon trong những phút đầu tiên; còn sau đó chẳng còn gì đáng sợ nữa. Ngoài ra, một đội kỵ binh gồm trên 300 người thuộc trung đoàn 35 mà xưa kia chính Napoléon đã phái ra để bảo vệ đảo, cũng thuộc quyền chỉ huy của ông. Tổng cộng chừng 1.100 người, và Napoléon đã quyết định đem đi tất cả. Để vượt biển, Napoléon có vài chiếc tầu nhỏ chờ sẵn ở cảng. Công tác chuẩn bị được tiến hành rất bí mật. Napoléon hạ lệnh cho ba tướng đến ngày 26 tháng 2 phải chuẩn bị xong xuôi về mọi mặt. Buổi chiều hôm ấy, 1.100 binh sĩ ở Portoferraio bất thình lình được dẫn ra cảng và xuống tàu cùng với toàn bộ quân trang quân dụng. Họ không hề biết lý do chuyến đi cũng như nơi họ sẽ tới, vì người ta đã không hề nói hé ra, nhưng ngay trước khi bước chân lên mạn tàu họ cũng đoán ra được, và khi ông Hoàng Đế cùng ba viên tướng và vài viên sĩ quan cựu cận vệ ra cảng, họ hoan hỉ đón chào ông. Vừa từ biệt con, bà Letizia vừa thổn thức tuyệt vọng. Khi mọi người đều đã xuống tàu, cái hạm đội bé nhỏ ấy đã nhổ neo vào hồi 7 giờ tối và thuận gió, lướt về phía Bắc. Tàu buồm của người Anh và của hải quân hoàng gia Pháp thường xuyên đi lại trên hải phận Elbe, đó là nguy cơ đầu tiên. Một chiến hạm Pháp đi sát qua, một sĩ quan trên hạm giơ loa cất tiếng hỏi viên thuyền trưởng của Napoléon: “Ông vĩ nhân ấy có khoẻ không?”. “Khoẻ lắm!”, người thuyền trưởng đáp. Và cuộc chạm trán ấy kết thúc. Chiếc chiến hạm của nhà vua không trông thấy được binh sĩ của Napoléon ẩn kín trong tàu. May mắn thay, cũng không phải gặp tàu Anh nữa. Cuộc vượt biển kéo dài gần ba ngày, vì gió đã yếu dần. Ngày 1 tháng 3 năm 1815, hồi ba giờ chiều, hạm đội vào vịnh Juan, gần mũi Antibes. Hoàng Đế lên bờ và hạ lệnh cho đổ bộ ngay. Nhân viên đồn hải quan chạy tới và khi nhận ra là Napoléon, họ đã vẫy mũ và reo hò vang dậy để chào mừng ông Hoàng Đế. Napoléon cử Cambronne và mấy người lính đến Cannes để kiếm lương binh. Lương thực được tiếp tế đến ngay. Bỏ lại ở bờ biển bốn khẩu pháo đem từ Portoferraio tới, Napoléon dẫn đầu đội quân nhỏ bé của ông tiến về phía Bắc. Ông quyết định đi theo đường núi chạy qua địa phận tỉnh Dauphiné. Ông cũng đã cho in ở Grasse lời tuyên cáo của ông đối với quân đội và nhân dân Pháp. Không hề kháng cự, Grasse và Cannes đã rơi vào tay Napoléon. Không nấn ná lại lâu, Napoléon đi qua làng Sermons, rồi qua Digne và Corps, tiến thẳng đến Grenoble. Viên chỉ huy quân đội bảo vệ Grenoble quyết định chống cự, nhưng binh sĩ đã thẳng thắn bảo rằng chẳng ai có thể chĩa súng vào Hoàng Đế của họ được. Bọn tư sản ở Grenoble lo sợ bối rối, một số quý tộc bám riết lấy bọn cầm quyền và van lơn họ chống cự, còn số khác thì bỏ chạy tán loạn. Ngày 7 tháng 3, hai trung đoàn rưỡi quân chính quy có cả pháo binh và một trung đoàn khinh kỵ binh được cấp tốc điều đến Grenoble để chống lại Napoléon. Nhưng Hoàng Đế đã đến sát thành phố. Giờ phút hiểm nghèo đã điểm. Không thể đặt vấn đề nghênh chiến với tất cả những trung đoàn ấy và những cỗ pháo ấy. Quân đội của nhà vua có thể từ xa bắn phá vào binh lính của Napoléon, họ sẽ chẳng thiệt hại mảy may, vì Napoléon không có một khẩu pháo nào để đánh lại. Sáng ngày 7 tháng 3, Napoléon đến thị trấn La Mure (thuộc Grenoble). Người ta thấy ở đằng xa, quân đội của nhà vua đã dàn sẵn đội hình chiến đấu, ngăn bước tiến của Napoléon và sẵn sàng phá cầu Pingos. Napoléon dùng ống nhòm quan sát hồi lâu lực lượng quân địch đang triển khai. Sau đó ông hạ lệnh cho binh sĩ chuyển súng qua bên phải, cắp vào nách, chõ nòng xuống đất. “Tiến”, ông phát lệnh. Và ông đi đầu hàng quân tiến trước mũi súng của tiểu đoàn tiền vệ quân đội nhà vua. Nhìn binh sĩ của Hoàng Đế, viên tiểu đoàn trưởng quay về phía viên chỉ huy phó đội quân bảo vệ, rồi vừa chỉ vào binh sĩ vừa nói: “Mới trông thấy Napoléon mà chân tay chúng nó đã rụng rời, mặt xanh mày xám như chết rồi thế kia thì làm sao chiến đấu được…”. Viên tiểu đoàn trưởng hạ lệnh cho quân đội rút lui, nhưng không kịp nữa. Napoléon đã hạ lệnh cho năm mươi kỵ binh chặn đường rút. “Hỡi các bạn, đừng bắn! – Các kỵ binh kêu gọi – Hoàng Đế đang tiến đến đấy”. Tiểu đoàn dừng lại. Lúc ấy Napoléon đến sát bên họ, binh lính vẫn đứng im không động đậy, mũi súng chĩa thẳng, mắt chăm chăm nhìn vào con người mặc tấm áo Redingote màu xám, đầu đội chiếc mũ nhỏ, đang một mình tiến về phía họ với bước đi chắc nịch. “Hỡi binh sĩ thuộc trung đoàn thứ năm! – Những tiếng ấy cất lên giữa sự im lặng khủng khiếp – Ta là Hoàng Đế của các người. Có thừa nhận ta không?” – “Có, có, có!”. Những tiếng ấy liền vang dậy trong hàng quân. Vạch áo Redingote, Napoléon phanh ngực ra: “Nếu trong các người, có ai là người lính muốn bắn vào Hoàng Đế của mình, thì đây, ta đây!”. Những người được chứng kiến cảnh đó đã suốt đời không quên được những tiếng hoan hô vang trời dậy đất của binh lính khi giải tán hàng ngũ để chạy đến xúm quanh Napoléon. Họ vây chặt lấy Napoléon, hôn tay, hôn đầu gối ông và bị một thứ cuồng nhiệt chung kích động, họ khóc lên vì vui mừng. Sau khi vất vả lắm mới trấn tĩnh được họ, người ta chấn chỉnh hàng ngũ của họ để tiến về Grenoble. Tất cả các đơn vị được điều động để bảo vệ Grenoble đều đã lần lượt chạy sang hàng ngũ Napoléon. Đại tá La Bédoyère, chỉ huy một trung đoàn ở Grenoble từ ngày 7 tháng 3, không những không đợi Napoléon đến mà còn tập họp đơn vị ngay giữa thành phố và vừa đi duyệt các tiểu đoàn vừa hô lớn: “Hoàng Đế muôn năm!”, rồi dẫn đầu đơn vị đi gặp Napoléon. Cho đến lúc đó, viên đại tá cũng vẫn chưa biết tình hình xảy ra ở La Mure. Napoléon tiến vào Grenoble cùng với các trung đoàn đã quy phục và một đoàn nông dân vũ trang bằng đinh ba và súng cối. Những người thợ chữa xe ngựa đã phá tung một trong những cửa thành để mở đường cho Napoléon. Các nhà chức trách đều ra trình diện Napoléon, trừ một số viên chức đã bỏ chạy. Khi tiếp họ, Napoléon nhắc lại rằng ông ta đã quyết định dứt khoát là mang lại tự do và hòa bình cho nhân dân Pháp, ông ta thú nhận rằng đúng là trước kia ông ta đã quá “ham chuộng uy danh và chinh phục” nhưng từ nay trở đi ông ta sẽ theo một đường lối chính trị khác. Napoléon nhấn mạnh rằng ông ta đã từ bỏ cái ý định trước đây là muốn nước Pháp thống trị tất cả các dân tộc.
Đặc biệt hơn nữa Napoléon đã nhắc đi nhắc lại và nhấn mạnh rằng ông ta trở về để cứu nông dân đang bị sự khôi phục chế độ phong kiến của dòng họ Bourbon đe dọa và để giữ gìn ruộng đất của họ thoát khỏi những âm mưu của bọn lưu vong. Napoléon kiên quyết tuyên bố rằng ông ta sẽ xét lại các hình thức tổ chức Nhà Nước do chính ông ta lập ra, và sẽ chuyển nền đế chế thành chính thể quân chủ lập hiến, một nền quân chủ thật sự với chế độ đại nghị, cũng chính vì vậy mà Napoléon thẳng thắn nhận rằng cơ quan lập pháp dưới triều đại khi xưa đã có tất cả những gì người ta muốn, nhưng còn thiếu một tổ chức thật sự đại diện cho dân. Napoléon hứa sẽ hoàn toàn tha thứ cho tất cả những người nào chạy sang hàng ngũ của mình; và chứng thực rằng trước kia, khi thoái vị, chính ông ta đã khuyên nhủ cận thần của ông ta phục vụ dòng họ Bourbon và đã xoá bỏ cho họ lời thề trung thành với Hoàng Đế. “Nhưng bọn Bourbon đã tỏ ra không thích ứng với nước Pháp mới”. Sau khi duyệt tất cả các đơn vị kéo về tập trung ở Grenoble theo lệnh ông ta, Napoléon từ thành phố này tiến thẳng về Lyon, dẫn đầu sáu trung đoàn bộ binh và một lực lượng pháo binh đáng kể. Các đoàn đại biểu nông dân từ khắp nơi cuồn cuộn đổ về. Một đội quân 7.000 người cùng với 30 khẩu pháo đi trước. Napoléon cùng với quân chủ lực dừng lại thêm một ngày ở Grenoble và ông đã ra rất nhiều chỉ thị và mệnh lệnh, Napoléon lại cảm thấy mình là người cầm đầu nước Pháp. Từ đây, nếu cần, Napoléon đã có thể nghênh chiến với quân đội của nhà vua, nhưng ông vẫn tin chắc rằng sẽ không phải dùng đến một viên đạn nào, rằng trước đây cũng như bây giờ, ở nước Pháp chưa hề bao giờ có quân đội nhà vua, mà chỉ có quân đội của ông, của Napoléon, của Hoàng Đế, mà rồi chỉ vì một rủi ro bất ngờ, quân đội ấy phải buộc đứng dưới lá cờ xa lạ, lá cờ trắng trong mười một tháng trời. Theo lời những người đã được mục kích thì có một khối lớn chừng ba bốn nghìn nông dân từ khắp nơi đổ về, đi theo Napoléon, họ thay nhau hộ tống Napoléon từ làng này qua làng khác, cung cấp thực phẩm, phục vụ mọi công việc. Con người thì có thể thay đổi, nhưng số lượng thì lúc nào cũng vậy. Chính Napoléon, mặc dầu rất tin vào vận hội của mình, nhưng cũng chưa hề dám mong mỏi đến như vậy. Bây giờ thì Napoléon đã tin chắc được chỉ vài ngày nữa là ông sẽ đến Paris. Ai có thể ngăn bước được? Các cổng thành đóng chắc ư? Thì ở Grenoble, bọn Bảo Hoàng cũng đã đóng chặt cổng thành trước khi bỏ chạy rồi đó. Đã có lần Napoléon nói: “Ta chỉ cần cầm hộp thuốc lá gõ vào cổng là cổng phải bật ra”. Nói như vậy là ông nói quá lên một chút nhưng thật ra Napoléon có cần gõ vào cổng đâu, khi ông ta vừa mới tới gần thì cổng đã từ từ mở toang. Chiến thắng, Napoléon tiến về Lyon, ông đi giữa các trung đoàn đội ngũ chỉnh tề, vừa ra mệnh lệnh, cắt cử liên lạc, nhận báo cáo, đề bạt tướng tá mới cho các đơn vị vừa bổ nhiệm các viên chức mới.
Tối 5 tháng 3, khi trạm điện báo Chapel vừa đưa cái tin không thể ngờ được ấy đến thì người ta liền báo cho Louis XVIII. Lúc ấy Paris vẫn còn chưa biết gì, và nhà vua đã ra lệnh phải giữ bí mật. Mãi đến ngày 7 tháng 3, các báo chí mới tường thuật lại sự biến. Và sức tác động của nó thật lạ lùng. Thoạt tiên không ai hiểu được Napoléon đã làm thế nào vượt qua được quãng đường biển Địa Trung Hải luôn luôn có hạm đội Anh và Pháp tuần tiễu canh gác đảo Elba và sau nữa Napoléon làm thế nào không bị bắt khi một mình ông ta vừa đặt chân lên đất liền, hay dù có hộ tống thì một dúm quân nhỏ bé phỏng đáng kể gì. Phút đầu chính phủ tin chắc rằng chuyện rắc rối đó sẽ được giải quyết gọn gàng nhanh chóng: Cái tên côn đồ Bonaparte ấy quả đã hoàn toàn mất trí, bởi chỉ có kẻ điên mới dám làm liều như vậy.
Nhưng trong khi ấy, cơ quan cảnh sát đã chú ý thấy ở Paris những triệu chứng nghiêm trọng: Những người cách mạng, những người Jacobin, những người vô thần, tất cả những người cách mạng hậu sinh từ lâu đã bị theo dõi và bị quản thúc, nay lại công khai tỏ ra vui mừng và hoan hỉ khi được tin nhà chuyên chế quay trở về, con người mà khi vừa bước chân vào sự nghiệp đã bóp chết cách mạng và đã tiếp tục truy nã dai dẳng những người cách mạng. Và đó là ở Paris người ta còn chưa biết gì về những chủ trương chính trị mới của Napoléon khi quay trở về cũng như những bài diễn văn đọc ở Grenoble về cái “tự do” mà ông ta hứa hẹn. Tuy nhiên, ở Paris lúc ấy cũng đã có sự hoan mang nào đó, đặc biệt là trong giới tư sản giàu có. Trước hết, họ lo sợ một cuộc chiến tranh mới và sự buôn bán lại suy sụp lần nữa. Những người theo chủ nghĩa lập hiến tự do thấy rằng nếu Napoléon thắng lợi thì nền chuyên chế quân phiệt sẽ quay trở lại và cũng chấm dứt cả các hình thức tham gia chính quyền Bourbon mà họ đang hy vọng chiếm lấy ưu thế. Còn những phần tử Bảo Hoàng, và bọn lưu vong cùng trở về nước với bọn Bourbon vào năm 1814 thì sợ hãi khủng khiếp. Bọn chúng hoàn toàn mất trí và chìm đắm trong cơn sợ hãi tột độ, chúng chờ ngày mất đầu thật, theo đúng nghĩa đen và vật chất của từ ngữ. Rồi đây, con quỷ ăn thịt người đảo Corsica sẽ làm gì ta? Hình bóng đẫm máu của công tước Enghien ám ảnh bọn Bourbon và triều đình chúng. Nhưng dù sao, ngay lúc ấy nhà vua vẫn không tin rằng sẽ xảy ra tai họa ghê gớm. Tin tức bay về tới tấp xác nhận cuộc tiến công của Napoléon vào Grenoble qua đường núi. Người ta còn chưa biết được những sự biến xảy ra ở La Mure, nhưng hiển nhiên là không dám tin cậy vào quân đội nữa. Lúc này đây, các Thống Chế và tướng lĩnh vẫn trung thành với nghĩa vụ, các sĩ quan chắc sẽ chẳng chạy sang phía ông Hoàng Đế, nhưng binh lính bảo vệ Paris thì đã chẳng cần giấu giếm nỗi vui sướng của họ.
Người ta quyết định cử thống chế Ney, có lẽ là người được lòng quân đội nhất sau Hoàng Đế, để chống lại Napoléon. Hình như Ney là kẻ hoàn toàn thực bụng cộng tác với dòng họ Bourbon; năm 1814, Ney đã ra sức thuyết phục Napoléon thoái vị hơn ai hết. Trong khi ấy thì Napoléon đã phong cho Ney cấp Thống Chế, tước công, rồi danh hiệu hoàng tử, và đối với quân đội, điều vinh dự hơn nữa là Napoléon đã gọi Ney là: “Người anh dũng trong những người anh dũng”. Nếu một người như vậy mà bằng lòng cầm quân thì dù có đi đánh Napoléon chăng nữa binh sĩ ắt sẽ phục tùng. Ney được triệu đến cung vua. Vị Thống Chế đã kiên quyết chống lại hành động của Napoléon, cho rằng nó chỉ gây thảm họa cho nước Pháp. Bị những lời tán tụng khúm núm van nài của nhà vua và triều đình lung lạc, viên võ quan sôi nổi ấy, người lính hung hãn ấy đã đứng ra bảo lĩnh quân đội: “Tâu Bệ Hạ, hạ thần mong mỏi sẽ đưa được Napoléon về nằm trong cũi sắt”. Nhưng ngay cả trước khi Ney bước lên đường đi chiến dịch, nhiều tin tức khác nhau đã bay đến làm cho bọn Bourbon khiếp đảm: Quân đội không chiến đấu, chạy sang với ông Hoàng Đế, các địa phương thì hết tỉnh này đến tỉnh khác, thành phố này đến thành phố khác lần lượt rơi vào tay Napoléon, không hề kháng cự, toàn những chuyện xảy ra quá sức tưởng tượng. Phải giữ cho được Lyon bằng bất cứ giá nào. Lyon, cái thành phố đứng hàng thứ nhì nước Pháp, vì tài nguyên phong phú, vì dân cư đông đúc, vì tầm quan trọng chính trị. Bá tước d’Artois, em vua, kẻ đáng ghét nhất trong dòng họ Bourbon, đã đến Lyon với cái hy vọng ngu ngốc là kêu gọi nhân dân Lyon trung thành tuyệt đối với quyền lợi dòng họ Bourbon. Người ta còn cử cả Thống Chế MacDonald đến Lyon, người mà hoàng gia tin cậy như Ney. MacDonald hạ lệnh đắp ụ trên các cầu, gấp rút tiến hành vài công tác phòng ngự khác nữa, và cho rằng tổ chức một cuộc duyệt binh để giới thiệu bá tước d’Artois với quân đội là một việc rất hợp thời. Cuộc biểu dương lực lượng long trọng ấy vừa chuẩn bị xong xuôi thì một viên tướng chạy đến tìm MacDonald và nói rằng nên đưa ngay bá tước đi nơi khác để đảm bảo tính mạng cho bá tước. MacDonald không thèm đếm xỉa đến ý kiến ấy, cứ tập trung ba trung đoàn bảo vệ thành phố lại, và đứng trước hàng quân, hắn tràng giang đại hải kêu gọi quân đội, nêu lên rằng nếu Napoléon chiến thắng thì rồi sẽ lại xảy ra một cuộc chiến tranh mới với Châu Âu. Sau đó, để biểu thị lòng trung thành của binh sĩ đối với dòng họ Bourbon, MacDonald yêu cầu binh sĩ chào mừng bá tước d’Artois, phái viên của nhà vua, bằng cách hô khẩu hiệu: “Hoàng Thượng muôn năm!” Đáp lời MacDonald là một sự im lặng như chết. Sợ hãi rụng rời, bá tước d’Artois lật đật bỏ cuộc duyệt binh và ba chân bốn cẳng chuồn khỏi Lyon. MacDonald ở lại điều khiển công việc phòng ngự. Binh lính trầm lặng và làm việc với tinh thần bất đắc dĩ. Một lính công binh đến gần Thống Chế, nói: “Thưa Thống Chế, làm thế này thì thật hoàn hảo, nhưng là một người dũng cảm như vậy thì ngài nên bỏ bọn Bourbon và đến với chúng tôi, chúng tôi sẽ đưa ngài đến với Hoàng Đế, gặp ngài chắc Hoàng Đế sẽ vui mừng lắm!”. MacDonald không đáp.
“Hoàng Đế muôn năm! Đả đảo bọn quí tộc!” Tiếng hô lớn đó của một nông dân tiến vào ngoại ô Quilo Thiers báo cho thành phố biết đội tiền vệ của Hoàng Đế đã đến gần. Khinh kỵ binh và giáp binh của Napoléon đã đột nhập vào thành phố. MacDonald cùng bộ đội tiến ra quyết tâm giao chiến, nhưng các trung đoàn của MacDonald, nhất là quân kỵ binh đi đầu vừa trông thấy bóng giáp binh của Napoléon đã chạy đến đón và hô lớn: “Hoàng Đế muôn năm!”. Trong khoảnh khắc, bộ đội của viên Thống Chế đã lẫn lộn và chỉ còn là một khối với quân đội của Hoàng Đế. Để khỏi bị chính binh sĩ của mình bắt làm tù binh, MacDonald thúc ngựa chuồn thẳng. Nửa giờ sau, Napoléon vào Lyon đã đầu hàng cũng như vào các thành phố khác không mất một viên đạn. Hôm ấy là 10 tháng 3, chín ngày sau khi đổ bộ lên đất liền ở vịnh Juan.
Ngày hôm sau, 11 tháng 3, Napoléon đi duyệt sư đoàn Lyon, sư đoàn do chính phủ nhà vua tăng cường và cử đến đánh Napoléon. “Trên cầu, dưới bến, khắp phố xá đều đen nghịt những người, đủ cả nam phụ lão ấu”, Fleury de Chabulon, đi theo Napoléon, đã kể như vậy. Quần chúng xô lấn vào ngựa của đội hộ vệ để được sờ vào quần áo của Napoléon. Nô nức hừng hực đến tột độ! Những tiếng hô rầm trời “Hoàng Đế muôn năm” vang khắp các ngả, kéo dài hàng giờ liền. Tự tin đến như Napoléon nhưng ông ta cũng không ngờ được rằng mình lại thắng lợi rực rỡ đến như vậy. Đó là theo lời từ chính miệng Napoléon đã nói ra. Khi tiếp các nhà chức trách của thành phố Lyon, Napoléon nhắc lại những lời ông đã từng nói đi nói nói lại mãi ở Grenoble, cũng như trước khi đến và sau khi rời khỏi Grenoble: Ông sẽ đem hòa bình cho nước Pháp tự do ở trong nước và hòa bình ở nước ngoài. Ông trở về để bảo vệ và củng cố những nguyên tắc của cuộc Đại Cách Mạng, ông hiểu rằng thời cuộc đã thay đổi, và từ nay trở đi, bằng lòng với một nước Pháp, ông từ bỏ hẳn tư tưởng xâm lược. Ở Lyon, Napoléon đã ký sắc lệnh giải tán Thượng Nghị Viện và Hạ Nghị Viện, nghĩa là những cơ quan hoạt động theo hiến pháp của bọn Bourbon ban bố. Napoléon cách chức tất cả những viên chức tư pháp do bọn Bourbon bổ nhiệm và bổ nhiệm những quan toà mới. Napoléon giữ nguyên đại bộ phận các Quận Trưởng, trừ những trường hợp thật đặc biệt, và họ vẫn là những người của chế độ Napoléon đẻ ra mà năm 1814 bọn Bourbon chưa kịp thay thế. Ở Lyon, Napoléon chính thức giành lại chính quyền, truất ngôi dòng họ Bourbon, phế bỏ hiến pháp hiện hành. Sau đó, cầm đầu gần 1 vạn 5 nghìn quân, Napoléon tiếp tục tiến về Paris. Dùng lại cái hình ảnh đã nêu ra với binh sĩ trong lời tuyên bố của ông khi vừa mới đổ bộ lên đất liền, Napoléon nói: “Con đại bàng cùng với lá quốc kỳ sẽ bay từ tháp chuông này sang tháp chuông khác, đến tận dinh tháp chuông nhà thờ đức mẹ ở Paris”. Napoléon vẫn tiến không gặp sức kháng cự, ông chiến thắng kéo qua thành phố Mâcon và qua tất cả các làng mạc trên đường từ Lyon đến Chalon trên sông Rhône. Nhưng trước khi đi đến Chalon thì ắt phải đấu một trận quyết định với Thống Chế Ney. Napoléon hiểu rõ Ney. Napoléon đã được xem Ney chiến đấu, ông nhớ lại Ney hồi nào trên cứ điểm Semenovskoe ở bên sông Moscow và không quên những việc Ney đã làm khi Ney chỉ huy quân hậu vệ của đại quân trong cuộc rút lui khỏi nước Nga. Khi ra khỏi Mâcon, được tin báo rằng Thống Chế Ney bố trí ở Lons le Saunier để chặn mình thì Napoléon đã tin chắc rằng sẽ không phải giao chiến. Với 1 vạn 5 nghìn người, trong đời ông ta, Napoléon đã từng làm được nhiều việc hơn thế nữa, nhưng ông ta bấy giờ không muốn đổ máu: Điều quan trọng đối với ông ta bấy giờ là làm chủ đất nước mà không một ai bị hy sinh, thiệt mạng, cái đó sẽ là một chứng minh chính trị có sức thuyết phục nhất đem lại cho ông ta những lợi ích không thể tưởng tượng được. Ney đến Lons le Saunier ngày 12 tháng 3, với 4 trung đoàn, và còn đợi thêm viện binh. Lúc đó, Ney đã quyết định theo đúng nhiệm vụ của mình: Ney cho rằng phương pháp duy nhất để cứu nước Pháp năm 1814 là Hoàng Đế thoái vị. Khi thoái vị, chính Napoléon đã cho phép các Thống Chế phục vụ triều đại Bourbon. Bây giờ, Napoléon hủy bỏ những điều cam kết với với phe Liên Minh và tự bỏ đảo Elba quay về, muốn trở lại ngôi cũ thì một cuộc chiến tranh với Châu Âu sẽ không thể nào tránh khỏi. Ney ngay thật cho rằng mình chống lại Napoléon là phải. Ney biết rằng mọi nguồn hy vọng của Louis XVIII bây giờ chỉ còn đặt vào Ney và nhà vua hoàn toàn tin cậy Ney. Nhưng binh lính đã buồn bã lặng thinh khi chính Ney, người chỉ huy yêu mến của họ, cố gắng thuyết phục họ. Ney diễn thuyết trước họ, sau khi nhắc lại rằng mình đã suốt đời phục vụ Hoàng Đế chẳng hề gian nguy, Ney tuyên bố rằng bây giờ đây, sự lặp lại đế chế sẽ gây cho nước Pháp vô vàn thống khổ và trước hết là chiến tranh với toàn thể cái Châu Âu đã vô cùng chán ghét Napoléon. Những ai, vì bất cứ lý do nào đó, không muốn chiến đấu đều có thể tự do rời khỏi hàng ngũ ngay lúc này, Ney sẽ cùng với số còn lại lên đường chiến đấu. Sĩ quan và binh lính lặng thinh. Bực tức và lo lắng, Ney quay về đại bản doanh. Trong đêm 13 rạng ngày 14 tháng 3, người ta đánh thức viên Thống Chế dậy để báo tin rằng lực lượng pháo binh tăng viện mà ông mong đợi từ Chalon đã nổi loạn chạy sang hàng ngũ Napoléon, cùng với liên đội cảnh vệ của nó. Từ tảng sáng và suốt buổi sáng, tin tức liên tiếp bay tới và báo rằng nhiều thành phố đã phá bỏ chính quyền nhà vua và công nhận Napoléon, đích thân Hoàng Đế tiến về Lons le Saunier và giữa cơn giông tố làm chấn động tư tưởng chao đảo hoang mang cực độ của Ney, giữa đám binh lính buồn bã ủ ê, không thiết bắt lời chủ tướng, giữa những sĩ quan tìm cách lánh mặt Ney, thì Ney nhận được lá thư sau của Hoàng Đế, do một liên lạc chuyển đến: “Nói với Thống Chế rằng ta luôn luôn yêu mến ông ta và sẽ hôn ông ta như ngày nào sau trận chiến đấu ở sông Moscow”. Phút lưỡng lự của Ney đã chấm dứt. Ney hạ lệnh tập hợp ngay các trung đoàn. Đứng trước hàng quân, Ney rút kiếm hô to: “Hỡi binh lính, quyền lợi của dòng họ Bourbon đã vĩnh viễn không còn. Triều đại hợp pháp mà nước Pháp đã chấp nhận sẽ trở lại ngai vàng. Quyền trị vì đất nước tươi đẹp của chúng ta từ nay trở đi thuộc về Hoàng Đế Napoléon, vị chúa của chúng ta”. Tức khắc những tiếng hô: “Hoàng Đế muôn năm! Thống Chế Ney muôn năm!” Làm át cả tiếng Ney.
Liền đó một số sĩ quan Bảo Hoàng lập tức rời khỏi hàng quân, và Ney cũng chẳng giữ chúng lại. Một tên trong bọn chúng vừa bẻ gãy thanh kiếm của nó vừa chua chát trách móc Ney. Thống Chế trả lời: “Vậy theo anh thì bây giờ có thể làm được cái gì? Liệu tôi có thể ngăn nổi sóng biển với hai bàn tay của tôi được không?”. Và sự trở mặt đột ngột như vậy, một chuyện khác không kém phần lạ lùng nữa là theo chỉ thị của Hoàng Đế, Ney đã điều động các đơn vị của mình đóng ở Lons le Saunier với tính chính xác cao nhất như trước kia. Thì ra Napoléon đã gửi mệnh lệnh đó ngay cả trước khi biết được ý định của Ney, vì ông ta tin chắc rằng Ney sẽ không quay súng chống lại ông. Gần như trong một lúc, ở Paris người ta biết tin Napoléon đã tiến vào Lyon và đang tiến về phía Bắc, và Ney phản bội. Trốn! Đó là ý nghĩ đầu tiên của triều đình. Trốn cái chết, trốn không ngoái cổ lại, trốn cái hào Vincennes, nơi mà xác của công tước Enghien đã rữa nát. Tình trạng hoang mang bối rối đến không thể tưởng tượng được. Thoạt tiên, vua Louis XVIII phản đối việc bỏ trốn, vì như vậy là nhục nhã và mất ngai vàng. Nhưng làm thế nào bây giờ? Người ta đi đến chỗ thảo luận nghiêm túc cái kế hoạch chiến lược sau đây: Nhà vua sẽ lên xe và rời bỏ thành phố, đi theo là các vị quần thần, hoàng gia và các vị chức sắc giáo hội; đến cổng thành, cái bầu đoàn ấy sẽ dừng lại và sẽ chờ đợi kẻ thoán nghịch tới, trông thấy ông vua chính thống, cái ông già đầu tóc bạc phơ, mạnh mẽ vì nắm pháp lý trong tay, bạo dạn đem thân ra cản đường không cho kẻ thoán nghịch vào thủ đô, thì chắc chắn y sẽ hổ thẹn vì hành động của y và sẽ rút lui. Trong những lúc thời bình nhất những bộ óc ấy đã kém khôn ngoan, thì nay, trong những giờ phút sợ hãi khủng khiếp này lại càng sáng chế ra không thiếu gì điều ngu xuẩn. Ở Paris, báo chí của chính phủ hoặc thân cận với giới cao cấp đã từ thế bình chân như vại một cách ngu xuẩn đến chỗ hoàn toàn tuyệt vọng, rồi cuối cùng là khiếp đảm ra mặt. Trong thời kỳ này, những báo chí ấy có đặc điểm là biểu thị thái độ bằng những lời chê, khen Napoléon liên tiếp thay đổi theo bước tiến lên phía Bắc của ông Hoàng Đế.
— Thời kỳ thứ nhất: ”Con rắn đảo Corsica đã đổ bộ lên vịnh Juan”.
— Thời kỳ thứ hai: ”Con quỷ tiến về Grenoble”
— Thời kỳ thứ ba: ”Kẻ thoán nghịch tiến vào Grenoble”
— Thời kỳ thứ tư: ”Bonaparte đã chiếm Lyon”.
— Thời kỳ thứ năm: ”Napoléon đến gần Fontainebleau”.
— Thời kỳ thứ sáu: “Đức Hoàng Đế hôm nay đang được thủ đô trung thành của Người chờ đón”.
Chỉ trong vài ngày, vẫn những tờ báo ấy, vẫn những cái toà soạn ấy đã liên tiếp thay đổi giọng lưỡi. Hãy còn một tia hy vọng chẳng mấy chốc đã tắt ngấm này nữa. Ở Paris, người ta biết Napoléon không giữ mình, thí dụ như khi chiến thắng tiến vào Lyon, Napoléon dẫn đầu đoàn tuỳ tùng và quân đội, cưỡi ngựa đi bước một giữa đông đảo nhân dân đang hoan hô chào đón. Nếu cần phải cứu lấy triều đại Bourbon thì ngại gì không cho một nhát dao găm? Và ở Paris những người được chứng kiến nói rằng: “Nhiều lính kín trà trộn trong dân chúng để tìm một kẻ như Jacques Clément”. Người ta hứa thẳng với thích khách rằng sẽ trọng thưởng, vừa đề cao việc đó rất là hợp pháp, không hề có tội trước pháp luật vì Nghị Viện đã công bố Napoléon là kẻ thù của nhân loại và đã đặt Napoléon ra ngoài vòng pháp luật. Nhưng trong vài ngày còn lại, người ta không kịp tìm được một tên Jacques Clément.
Đêm 19 rạng 20 tháng 3, Napoléon cùng đội tiền vệ đến Fontainebleau. Hồi 11 giờ đêm ngày 19, nhà vua và tất cả hoàng gia trốn khỏi Paris, chạy về phía biên giới nước Bỉ.
Ngày 20 tháng 3 năm 1815, hồi 9 giờ đêm, Napoléon tiến vào Paris. Bạt ngàn quần chúng đón chờ Napoléon ở cung điện Tuileries, và khi những tiếng reo hò vang dậy của những dòng thác người xô theo sau xe của Napoléon từ rất xa vang vọng tới quảng trường mỗi lúc một mạnh mẽ và dần dần biến thành một thứ tiếng ầm ĩ đầy hoan hỉ thì khối người đứng nêm quanh cung điện đã ùa đi đón Napoléon.
Bị bao vây tứ phía, chiếc xe không thể tiến thêm được nữa. Kỵ binh hộ vệ đã uổng công mở đường. Về sau, những người lính cận vệ kể lại rằng: “Họ hò reo, khóc lóc, lăn xả vào chân ngựa, trèo lên xe; bất chấp tất cả. Khối quần chúng cuồng nhiệt ấy đổ xô tới ông Hoàng Đế, chen bật cả đoàn tùy tùng, lôi Hoàng Đế ra khỏi xe, rồi giữa những tiếng hoan hô không dứt, họ chuyền ông hoàng từ tay người này sang tay người khác cho đến tận cung điện, rồi qua cầu thang chính lên đến tầng cao nhất”.
Sau những thắng lợi to lớn nhất, sau những chiến dịch huy hoàng nhất, sau những cuộc xâm lược các vùng đất đai rộng lớn và trù phú nhất, Napoléon cũng chưa hề bao giờ được tiếp đón ở Paris như đêm ngày 20 tháng 3 năm 1815. Sau này, một tên Bảo Hoàng già cũng đã phải thốt ra rằng đó quả là một sự sùng bái.
Sau khi người ta đã phải khó nhọc lắm mới khuyên nổi nhân dân giải tán, Napoléon lại trở về phòng làm việc cũ khi xưa, nơi mà trước đây 24 giờ, Louis XVIII đã bỏ trốn đi. Napoléon lại lao ngay vào đống công việc đang bề bộn, thúc bách. Cái điều vô lý đã thành hiện thực. Không quân đội, không tiếng súng, không một trận giao chiến, Napoléon đã từ Địa Trung Hải qua nước Pháp về tới Paris trong 19 ngày để tống cổ bọn Bourbon, và lại trị vì.
Nhưng Napoléon biết điều này hơn ai hết: Lại lần này nữa Napoléon không mang lại hòa bình mà là binh đao, và Châu Âu, sửng sốt kinh ngạc trước sự quay về đột ngột của Napoléon, lần này cũng sẽ làm mọi cách để ngăn chặn không cho Napoléon tập hợp lực lượng.
Vừa mới bắt đầu triều đại mới, Napoléon đã trịnh trọng hứa sẽ đem lại cho nước Pháp tự do và hòa bình, như vậy là ông đã thẳng thắn và công khai thừa nhận, như ông đã từng nhắc lại ở Grenoble, Lyon, Paris rằng thời kỳ trị vì trước đây của ông ta đã không đem lại cho nước Pháp tự do cũng như hòa bình. Gã Napoléon mà lại say mê hòa bình và tự do, điều đó đập vào tai nhân dân Pháp và Châu Âu chẳng khác gì nói lửa thì giá lạnh, băng tuyết thì nóng bỏng.
Với trí thông minh kỳ diệu, chỉ thoáng nhìn qua cũng đã nắm chắc và phán đoán được việc mọi việc một cách minh mẫn, Napoléon hoàn toàn hiểu rằng nếu ông đã chiếm được ngai vàng nước Pháp trong vài ngày bằng hai bàn tay không, chẳng một trận giao tranh thì hoàn toàn không phải vì tất cả mọi người đều đã bị nội dung rộng lớn của cái tự do và tính chất bền vững của cái hòa bình mà ông đã hứa hẹn ấy cám dỗ họ. Bọn Bourbon chưa vi phạm hòa bình, cũng không có ý định vi phạm. Nhân dân đã quay lưng với chúng vì một lý do khác. Napoléon hiểu rất rõ rằng sở dĩ ông thành công lớn như vậy là do những lời hứa hẹn của ông với giai cấp nông nhân, tức là với quảng đại quần chúng nhân dân.
“Những con người không vụ lợi đã dẫn tôi về Paris. Hạ sĩ quan và binh lính đã làm tất cả. Tôi hoàn toàn chịu ơn nhân dân và quân đội”. Napoléon đã nhắc lại như vậy vào đêm 20 tháng 3 năm 1815, khi trở lại điện Tuileries, có Fleury de Chabulon chứng kiến.
“Nông dân hò reo: “Hoàng Đế muôn năm, đả đảo quý tộc! Đả đảo thầy tu!”. Họ đi theo tôi từ thành phố này sang thành phố khác, đến khi họ không thể đi xa ơn được nữa thì họ giao phó cho những người khác nhiệm vụ hộ tống tôi về Paris. Nông dân xứ Provence đã hộ tống tôi, sau họ là nông dân miền Dauphiné, sau nông dân Dauphiné là nông dân Lyon, sau nông dân Lyon là nông dân Bourgogne, và những kẻ thật sự âm mưu đem lại cho tôi những người bạn thân thiết ấy lại chính là bọn Bourbon”. Trong những ngày sau khi về tới điện Tuileries, Napoléon đã nói như vậy về chuyến đi đầy thắng lợi rực rỡ của mình.
Nhưng, thoả mãn được nguyện vọng của nhân dân, ít ra cũng là một bộ phận trong họ, là việc dễ dàng: Đối với họ, Napoléon là tượng trưng cho sự xoá bỏ hoàn toàn những luật lệ phong kiến, tượng trưng cho sự đảm bảo quyền sở hữu ruộng đất của nông dân. Sự thật, nông dân còn mong muốn không có chiến tranh, không có nạn trưng binh và khi ông Hoàng Đế nói về chính sách hòa bình trong tương lai thì họ đã chăm chú nghe ngóng. Nhưng dầu sao, vấn đề hòa bình ấy cũng chưa phải là vấn đề quan trọng hàng đầu mà là vấn đề khác.
Napoléon biết rằng trong 11 tháng sống dưới chế độ quân chủ lập hiến, báo chí được hưởng đôi chút tự do, thì nay không phải giai cấp tư sản chỉ trông đợi ở ông ta những quyền tự do tối thiểu, ông ta phải minh họa càng sớm càng hay cho chương trình mà ông ta đã trình bày trên con đường tiến về Paris, khi ông ta đóng vai trò lưu vong ra khỏi nước Pháp, ông đã nói như vậy ở Grenoble: “Tôi xuất thân từ cách mạng”, ông ta tuyên bố thế ở Lyon: “Tôi về để kéo dân Pháp thoát khỏi vòng nô lệ mà bọn quý tộc và thầy tu đang muốn dìm họ vào… bọn chúng hãy coi chừng! Rồi chúng khắc biết tay tôi”.
Napoléon đã nhận được hàng loạt lời chúc từ những người Jacobin cũ ở các tỉnh, lọt lưới trong những cuộc khủng bố ở thời kỳ trị vì lần thứ nhất của Napoléon. Lúc này, những người ấy đã chào đón Napoléon như một tay cách mạng vô địch chống bọn Bourbon, bọn quý tộc, bọn tu sĩ và linh mục. Ở Toulouse, suốt trong một ngày trời, người ta rước tượng bán thân ông Hoàng Đế đi diễu khắp thành phố, vừa hát bài Marseille vừa hô lớn: “Quẳng bọn quý tộc vào lò than!” Từ các tỉnh, người ta gửi về cho Davout – vị Thống Chế được Napoléon rất yêu mến và bổ nhiệm làm Bộ Trưởng Bộ Chiến Tranh – nhiều kiến nghị yêu cầu Hoàng Đế thiết lập chế độ khủng bố như năm 1973. Napoléon thấu hiểu tâm trạng ấy. Buổi tối ngày 20 – 3, khi người ta mới rước, Napoléon đã nói với bá tước Molé:”Tôi lại thấy toàn thể quần chúng căm thù mãnh liệt bọn linh mục và quý tộc như hồi đầu cách mạng”.
Nhưng, cũng như năm 1812, ở điện Kremlin, Napoléon không dám liên minh với cuộc cách mạng nông dân ở Nga, thì năm 1815 cũng vậy, tại điện Tuileries, Napoléon đã lùi bước khi nghĩ đến việc dựa vào nông dân lao động và dựa vào chính sách khủng bố có tính chất cách mạng. Cũng như trước kia khi Napoléon đã không cầu cứu đến một “Pugachev”, lúc này ông ta không cầu cứu đến một “Marat”, và đó không phải là việc ngẫu nhiên.
Trong xã hội Pháp, giai cấp đã từng chiến thắng trong thời kỳ cách mạng – chúng tôi muốn nói đến giai cấp đại tư sản – là giai cấp duy nhất mà Napoléon cảm thông và cùng chung nguyện vọng. Napoléon là người đại diện chủ yếu của họ, là người đã củng cố thắng lợi của họ. Chính Napoléon đã tìm dựa vào giai cấp ấy, chính là vì quyền lợi của giai cấp ấy mà Napoléon chuẩn bị sẵn sàng đấu tranh. Và cũng như năm 1812, Napoléon thấy mình gần gũi kẻ thù là Aleksandr đệ nhất hơn là gần gũi quần chúng nông dân Nga, thì vào năm 1815, Napoléon cũng đã không muốn dựa vào cách mạng mặc dầu là để đấu tranh chống lại quân đội người thù địch. Napoléon đã nói với Benjamin Constant, một đại biểu điển hình cho nguyện vọng của giai cấp tư sản thời đó: “Tôi không muốn là một ông vua của phong trào nông dân”. Sau khi trở lại trị vì ít lâu, Hoàng Đế đã cho gọi Benjamin đến cung điện để thảo luận quyết định việc cải tổ các tổ chức Nhà Nước theo tinh thần tự do. Sự cải tố ấy, nhằm thoả mãn giai cấp đại tư sản, đã chứng minh cái nhiệt tình mới mẻ của Napoléon đối với tự do và đồng thời xoa dịu phái Jacobin đang trỗi dậy.
Cũng rất đáng chú ý rằng, Napoléon biết rõ lúc này chỉ có tinh thần triệt để cách mạng mới giúp cho mình, chứ không phải đạo luật đẹp mã của chủ nghĩa tự do ôn hòa. Sau này, khi nhắc lại năm 1815, Napoléon nói: “Kế hoạch phòng ngự của tôi chẳng có tác dụng gì hết, bởi vì những phương tiện đều không vượt được nguy cơ. Đáng lẽ tôi phải làm lại cuộc cách mạng, triệt để lợi dụng những khả năng do cách mạng đẻ ra. Đáng lẽ tôi phải kích thích mọi khát vọng, mọi nhiệt tình để lợi dụng sự mù quáng của chúng. Thiếu những cái đó, nên tôi đã không cứu được nước Pháp”. Và nhà viết sử quân sự nổi tiếng là Jomini cũng hoàn toàn tán thành ý kiến đó của Hoàng Đế. Từ bỏ cả việc làm sống lại phong trào năm 1793 và những lực lượng vĩ đại của cách mạng mà ông ta đã nhận được, Napoléon đã cho tìm kiếm Benjamin đang trốn tránh và cho dẫn về cung điện Tuileries. Nhà ký giả và lý luận về tư tưởng tự do này đi trốn vì trước khi Hoàng Đế tới Paris, hắn đã viết báo nói việc Hoàng Đế quay lại là một tai họa chung, và coi Napoléon là cùng một đồng một cốt với Neron.
Benjamin Constant run sợ trình diện trước Napoléon và đã vô cùng sung sướng khi biết rằng không những hắn không bị bắn mà còn được người ta đề nghị hắn thảo ra ngay một bản hiến pháp của đế quốc Pháp. Napoléon tiếp Constant ngày 6 – 4, đến ngày 23 thì bản hiến pháp đã thảo xong, với cái tên kỳ quặc: ”Văn kiện bổ sung hiến pháp của đế chế”. Đó là Napoléon muốn nói thời kỳ trị vì thứ nhất với thời kỳ thứ hai của ông. Còn Constant thì chỉ việc sửa lại bản hiến pháp của Louis XVIII cho có đôi chút tính chất tự do. Suất thuế tuyển cử quy định cho người bầu cử và ứng cử có giảm nhiều, nhưng muốn được ứng cử vẫn phải giàu có. Tự do báo chí cũng được bảo đảm thêm một chút. Chế độ kiểm duyệt trước bị bãi bỏ, và từ nay trở đi chỉ có toà án mới được xét xử những tội trạng về báo chí.
Bên trên Hạ Nghị Viện do bầu cử (300 nghị viên), lập thêm một Thượng Viện do Hoàng Đế chỉ định theo tước vị dòng thế lập. Luật pháp phải do hai viện thông qua và được Hoàng Đế phê chuẩn.
Napoléon chuẩn y bản dự luật đó và bản hiến pháp mới được công bố ngày 23/4. Hoàng Đế đã không chống đối gì lắm tác phẩm tự do của Benjamin. Ông chỉ muốn hoãn thời gian bầu cử và việc triệu tập hai viện cho đến khi nào giải quyết xong vấn đề chiến tranh: Nếu như chiến thắng rồi, người ta thấy rõ rằng các nghị sĩ, báo chí và ngay cả bản thân Benjamin nữa sẽ phải làm gì, và lúc bấy giờ thì bản hiến pháp ấy để ổn định tinh thần chung. Nhưng giai cấp tư sản tự do không tin gì lắm vào chủ nghĩa tự do của ông Hoàng Đế và nó đã yêu cầu khẩn thiết Hoàng Đế cấp tốc triệu tập họp hai viện. Sau vài lần phản đối, Napoléon bằng lòng và ấn định ngày 25 tháng 5 sẽ họp “Hội Đồng Tháng Năm”, trong thời gian ấy sẽ phải công bố kết quả cuộc bầu phiếu của toàn dân mà Hoàng Đế đã chấp nhận theo hiến pháp mới của mình và đồng thời cũng phải làm lễ trao cờ cho quân đội vệ quốc trước khi khai mạc khoá họp của hai viện.
Cuộc bầu phiếu có 1.552.450 phiếu thuận và 4.800 phiếu chống bản hiến pháp. Thực tế, lễ trao cờ đã tổ chức long trọng và cảm động vào ngày 1 tháng 6 chứ không phải 26 tháng 5; cũng ngày 1 tháng 6, khoá họp của Hạ Nghị Viện mới tuyển cử xong đã khai mạc và lấy tên là Hội Đồng Lập Pháp.
Các vị đại biểu làm việc chưa được một tuần rưỡi thì Napoléon đã không bằng lòng họ và nổi giận. Ông ta không thể chịu được bất cứ một sự hạn chế nào về quyền hành của mình, thậm chí không chịu được những biểu hiện có tính độc lập của các Hạ Nghị Sĩ, dù rằng nhỏ nhặt nhất. Nghị Viện đã bầu Lanjuinais, một người tự do ôn hòa, trước thuộc phái Girondins, làm chủ tịch. Cảm tình của Napoléon đối với Lanjuinais rất bình thường. Nhưng không thể vì thế mà cho rằng Lanjuinais manh tâm chống đối. Chắc chắn là Lanjuinais ưa thích Napoléon hơn bọn Bourbon, nhưng khi nhận lời chúc mừng đầy thái độ khuất phục và tôn kính của cơ quan lập pháp, Napoléon đã nổi khùng và nói: “Chúng ta đừng có giống như những người Hy Lạp ở thời kỳ đế quốc La Mã suy tàn, họ tranh cãi để mua vui với nhau khi giặc đã đến phá thành”. Như vậy Napoléon nói đến Khối Liên Minh Châu Âu đang ùn ùn tập trung lực lượng từ khắp các nơi kéo đến biên giới nước Pháp.
Napoléon nhận lời chúc mừng của các vị dân biểu ngày 11/6 và ngày 12 thì ông lại trở về với quân đội để quyết đấu một trận lớn cuối cùng với Châu Âu. Khi lên đường, Napoléon hiểu rõ rằng ông bỏ lại ở hậu phương những con người chẳng đáng tin cậy gì: Không phải chỉ những người thuộc phái tự do trong Nghị Viện, còn cả cái kẻ mà Napoléon đã không trả lại chức Bộ Trưởng Bộ Công An ngay khi ông từ đảo Elba trở về. Trước khi Napoléon vào Paris, Joseph Fouché đã lập mưu làm cho bọn Bourbon tức giận hắn, như vậy là hắn đã tự gây cho hắn điều rủi ro, và cái mưu mô gian xảo ấy đã đem lại cho hắn chức Bộ Trưởng khi Napoléon vào Paris. Hắn có thể tiến hành bất cứ một âm mưu nào, làm bất cứ một chuyện đê tiện nào và bất cứ một sự phản bội nào, có bao giờ Napoléon phải ngờ vực điều đó. Nhưng, trước hết là tỉnh Vendée đang lộn xộn và Fouché là người biết rõ hơn ai hết phương pháp đối phó với cuộc khởi loạn ở Vendée. Sau nữa là Hoàng Đế đã tin cậy vào mối bất hòa giữa Fouché và bọn Bourbon. Và, cũng như trong thời gian trị vì trước đây: Vừa sử dụng tài mật thám và tài khiêu khích của Fouché, vừa tuyệt đối bí mật cử người chuyên giám sát Fouché.
Để làm việc ấy, Napoléon đã chọn Fleury de Chabulon. Có lần Chabulon đã khám phá được một vài chuyện thông đồng bí mật của Fouché với Metternich. Đúng là Fouché đã gỡ thoát được việc đó, nhưng không phải Napoléon đã không kết thúc cuộc gặp gỡ với hắn (sự viện xảy ra vào tháng 5 bằng những lời sau đây:”Fouché ! Ngươi là một tên phản bội. Ta chỉ còn việc treo cổ ngươi lên thôi!”. Đã làm việc lâu năm với Napoléon đã quen nghe những câu chửi mắng như vậy nên Fouché vừa cúi rạp mình cung kính vừa đáp: “Tâu Bệ Hạ, hạ thần không tán thành ý kiến ấy của Bệ Hạ”).
Nhưng làm gì bây giờ? Nếu thắng được quân Liên Minh, nghị viên sẽ khuất phục, Fouché sẽ trung thành và vô hại. Bằng không, ai sẽ chôn vùi nền đế chế? Những nghị sĩ thuộc phái tự do hay những Bộ Trưởng phản nghịch? Điều đó có quan trọng gì lắm đâu.
Napoléon tin cậy vào Davout, để Davout ở lại làm toàn quyền thành phố và làm Bộ Trưởng Bộ Chiến Tranh. Napoléon cũng tin cậy vào Carnot, con người Cộng Hòa cựu trào này lâu nay vẫn không chịu phục vụ kẻ chuyên chế từng sát hại nền Cộng Hòa, đã đích thân đến xin phục vụ kẻ ấy vào năm 1815, vì Carnot coi bọn Bourbon là cái tai họa ghê tởm nhất.
Napoléon biết một cách rất chắc chắn là khu ngoại ô thợ thuyền sẽ không nổi dậy ở sau lưng Napoléon như vào năm 1813 và năm 1814, đó cũng là lý do khuyến khích Carnot ra phục vụ Napoléon và người Jacobin vui mừng đón chào cuộc đổ của Napoléon ở vùng vịnh Juan. Napoléon hiểu rằng lúc này, thợ thuyền, cũng như Carnot và những người Jacobin ở các tỉnh, đều không nhìn Napoléon là một ông Hoàng Đế đương bảo vệ ngôi báu của mình chống lại một kẻ khác đang mưu toan lên ngôi, mà coi ông là người tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang của nước Pháp xuất thân từ cách mạng, là người đi chiến đấu bảo vệ đất nước, chống sự can thiệp của nước ngoài, chống bọn Bourbon đang khôi phục lại chế độ cũ. Trước con mắt cả thế giới, của bạn cũng như thù, người thủ lĩnh ấy là một người thầy có một không hai trong nghệ thuật chiến tranh, người chỉ huy thiên tài lỗi lạc nhất của mọi thời đại, một nhà chiến lược và chiến thuật kỳ tài, không ai bì kịp. Nước Pháp và Châu Âu, trước kia đã nổi dậy chống lại người đó thì nay lưỡng lữ.
Cuộc chiến tranh cuối cùng này của Napoléon đã luôn luôn là đối tượng của các cuộc tranh luận hăng say và đã thường xuyên cung cấp một đề tài phong phú cho các công trình nghiên cứu của các nhà bác học cũng như các sáng tác tác phẩm của các nhà văn. Hầu như mọi người đều thấy ở đó một chuỗi những sự việc rủi ro làm tiêu tan thắng lợi đã nắm sẵn trong tay Napoléon.
Đứng trên quan điểm phân tích khoa học và hiện thực chủ nghĩa các sự kiện thì đặt vấn đề như vậy chỉ có ích cho những nhà bình luận quân sự. Cho dù người ta có dễ dàng công nhận luận điểm đó đi chăng nữa, hoặc cho dù người ta có thừa nhận về đại thể và không tranh cãi rằng nếu không có những sự ngẫu nhiên, Napoléon ắt đã chiến thắng trong trận Waterloo thì rồi cuối cùng, chắn chắn cuộc chiến tranh cũng vẫn sẽ kết thúc như vậy: Nền đế chế đã bị lên án, vì toàn Châu Âu mới chỉ đang bắt đầu phát triển lực lượng, còn Napoléon thì đã dốc hết lực lượng quận sự hiện có và dự trữ của mình.
Ngày 10/6/1815, Hoàng Đế có trong tay19 vạn 8 nghìn quân thì đã phải phân tán một phần ba trên đất nước (ông phải để lại ở Vendée gần 6 vạn 5 nghìn quân để đề phòng mọi bất trắc). Đối với chiến dịch đang mở, Napoléon chỉ có thể trông vào khoảng 12 vạn 8 nghìn quân và 344 khẩu pháo, kể cả quân số của đội cận vệ, của năm quân đoàn và của đội kỵ binh dự bị. Cũng phải kể đến khoảng 20 vạn người nữa của lực lượng vệ quốc và các đơn vị khác không nằm trong biên chế của quân đội, trong đó một nửa không được cấp quần áo mặc và một phần ba không có vũ khí. Nếu chiến dịch kéo dài thì nhờ tài tổ chức của Bộ Trưởng Bộ Chiến Tranh Davout, Napoléon còn có thể tập hợp thêm được từ 23 đến 24 vạn người tuy rằng chật vật. Dù lúc đầu Napoléon đã chiến thắng, nhưng làm thế nào mà chiến tranh lại không kéo dài được? Vì quân Anh, Phổ, Áo, Nga đã tung ra một lúc 70 vạn quân, và còn có thể huy động thêm 30 vạn nữa vào cuối mùa hè, chưa kể những lực lượng bổ sungsẽ sẵn sàng xuất trận vào mùa thu. Phe Liên Minh tính sẽ huy động tất cả một triệu quân.
Khối Liên Minh đã nhất quyết tính cho xong Napoléon. Sau thời gian đầu hốt hoảng và mất tinh thần, tất cả các Chính Phủ của các nước dự Hội Nghị Vienna đều tỏ ra kiên quyết chưa từng thấy. Mọi ý đồ đàm phán riêng lẻ với nước này hay nước khác của Napoléon đều bị cự tuyệt. Napoléon đã bị đặt ngoài vòng pháp luật, bị coi như ‘kẻ thù của nhân loại”.
Chỉ cần nhắc lại rằng, dù bỏ ngoài không tính đến những cường quốc đứng hàng thứ hai, thì ngay sau trận Waterloo, nước Pháp đã thấy mình sẽ bị quân đội Áo (23 vạn người), Nga (25 vạn), Phổ (31 vạn) và Anh (10 vạn) xâm chiếm. Những đạo quân này được cấp tốc thành lập ngay sau khi có tin Napoléon đổ bộ lên miền Nam nước Pháp. Ngoài mối căm thù với kẻ thoán nghịch và xâm lược, ngoài nỗi kinh hoàng do viên tướng bách chiến bách thắng đáng sợ gây nên, điều đã làm cho Aleksandr, Francis, Frederick Wilhelm, Metternich, thượng nghị sĩ Castlereagh (lúc này rất chú ý đến tư tưởng của thợ thuyền và sự tiến triển của phong trào cải cách trong giai cấp tư sản Anh) cũng như tất cả các giới cầm quyền phản động ở Châu Âu phải lo lắng là những vẻ “tự do” mới mẻ mà Napoléon áp dụng khi quay về. Dưới con mắt của những nhà cần quyền Châu Âu; chiếc khăn đỏ bịt đầu của Marat còn đáng sợ hơn cái ngai nạm vàng của Napoléon. Đối với họ, hình như vào năm 1815, đúng là Napoléon chuẩn bị làm cho “Marat sống lại” để tuyển mộ Marat vào cuộc chiến đấu của mình. Napoléon đã không quyết định như vậy, vì đó chính là điều Napoléon sợ nhất, nhưng ở Vienna, ở London, ở Berlin, ở Peterburg, người ta vẫn sợ cái ảo ảnh đó, cái ảo ảnh chỉ khích động thêm mối căm thù không đội trời chung với kẻ xâm lược.
Khi đến với quân đội, Napoléon được những người lính đón tiếp nồng nhiệt không sao kể xiết. Nhân viên tình báo Anh kinh ngạc và báo cáo với Wellington rằng sự tôn sùng Napoléon giống như một sự mê muội. Những lời báo cáo ấy phù hợp với những báo cáo của các gián điệp ngoại quốc khác có nhiệmvụ nghiên cứu tình trạng tư tưởng ở Pháp. Nhưng cả Wellington cũng như bọn gián điệp của ông ta đều không nhận thấy được rằng trong tư tưởng của binh lính Pháp có một điểm mà từ trước tới nay chưa bao giờ có trong quân đội Napoléon: Họ nghi ngờ và mất tin tưởng vào các tướng lĩnh và Thống Chế.
Binh lính đã nhớ lại thái độ phản bội Hoàng Đế vào năm 1814 của các Thống Chế. Bị lòng trung thành mù quáng với Napoléon kích động, họ muốn Napoléon xử trí “bọn phản bội” như trước đây Hội Nghị Quốc Ước đã xử trí các tướng lĩnh tình nghi. Cho những tên phản bội mặc áo cổ thêu lá sồi ấy lên máy chém! Nhưng Napoléon đã không giải quyết như vậy, các Thống Chế và các tướng lĩnh vẫn giữa nguyên chức vụ chỉ huy của họ, Napoléon không dùng đến chính sách khủng bố có tính chất cách mạng, dù ở hậu phương hay ở ngoài tiền tuyến, mặc dù ông tự nhủ rằng chính sách khủng bố đó có thể làm tăng thêm sức mạnh của ông.
Sự có mặt của Hoàng Đế làm cho tinh thần binh sĩ phấn khởi: Họ yên lòng rằng, từ nay, các Thống Chế và các tướng lĩnh bị giám sát chặt chẽ, đông đảo binh sĩ vẫn nghi rằng một vài người trong số các tướng lĩnh và Thống Chế có thể bất thình lình phản bội, thì nay họ không còn lo sợ điều đó nữa.
Trước mặt Napoléon là quân Anh và quân Phổ, những nước đầu tiên trong phe Liên Minh xuất hiện trên chiến trường. Quân Áo gấp rút tiến về phía sông Rhine. Tháng 3 năm 1815, những ngày đầu tiên của triều đại mới của Napoléon. Murat – người đã được Hoàng Đế phong làm vua xứ Naples vào năm 1814 và mặc nhiên được Hội Nghị Vienna công nhận – đột nhiên lại liên minh với Napoléon ngay từ khi vừa nhận được tin Hoàng Đế đổ bộ lên đất Pháp và đã tuyên chiến với nước Áo. Nhưng trước khi Napoléon mở chiến dịch đánh quân Liên Minh, Murat đã bị đánh bại đến nỗi vào trung tuần tháng 6, Napoléon không còn có thể trông cậy gì được nữa vào cánh quân ấy để giam chân một phần lực lượng của quân Áo. Nhưng quân Áo hãy còn xa. Trước hết là phải đánh bật quân Anh đang ở Brussels; Blücher chỉ huy quân đội Phổ đang ở sông Sambre và sông Meuse, ở giữa Charleroi và Liège.
Ngày 14/6, Napoléon tràn vào nước Bỉ để mở đầu chiến dịch. Tiến công nhanh chóng vào giữa Wellington và Blücher, Napoléon thọc sâu vào phòng tuyến của Blücher. Quân Pháp đã chiếm được Charleroi và tràn qua sông Sambre. Nhưng cánh phải của Napoléon hành binh hơi chậm: Tướng Bourmont, một tên Bảo Hoàng bị tình nghi từ lâu, đã trốn sang hàng ngũ quân Phổ. Binh lính lại càng không tin tưởng vào cấp chỉ huy.
Qua sự việc bất thình lình ấy, Blücher thấy có triệu chứng thuận lợi, mặc dầu ông ta không thu nhận Bourmont, và còn sai người nói cho Bourmont hiểu rằng ông ta coi tên phản bội như “cục cứt chó”. Blücher lại càng kiên quyết hơn. Khi được tin báo Bourmont, tên Bảo Hoàng người Vendée, phản bội, Napoléon nói :”Bọn trắng thì bao giờ chẳng trắng!”.
Ngày 15 tháng 6, Napoléon hạ Quatre Bras nằm trên đường đi Brussels để kìm chặt quân Anh lại, nhưng vì Ney hành động yếu ớt nên đã thực hiện chậm trễ. Ngày 16/6, Hoàng Đế mở cuộc tiến công lớn vào Blücher ở gần Ligny và đã thu được thắng lợi: Blücher mất hơn 2 vạn quân, và Napoléon chừng 1 vạn 1 nghìn. Nhưng Napoléon không hài lòng với thắng lợi đó, vì nếu Ney không phạm sai lầm, là đã đưa quân đoàn thứ nhất đi loanh quanh giữa Quatre Bras và Ligny làm cho nó không thể tham gia chiến đấu được, thì ắt Napoléon đã có thể tiêu diệt được quân Phổ. Bị đánh bại nhưng không bị tiêu diệt, Blücher đã rút lui mất hút theo hướng nào không rõ.
Ngày 17, Napoléon cho quân lính nghỉ ngơi. Những nhà bình luận quân sự phê phán Napoléon rằng như vậy là đã để mất một ngày quí báu và giúp cho Blücher củng cố lại được đội ngũ. Đến trưa, Napoléon tách ra 3 vạn 6 nghìn quân giao cho Thống Chế Grouchy chỉ huy, và hạ lệnh cho Grouchy tiếp tục truy kích Blücher. Một bộ phận kỵ binh Pháp được cử đi truy kích đội quân Anh đã quấy phá quân Pháp ở làng Quatre Bras từ đêm trước, nhưng một trận mưa rào như trút nước làm ngập cả đường sá đã làm cuộc truy kích phải bỏ dở, Napoléon cùng với quân chủ lực hội sư với Ney và kéo lên phía Bắc, tiến thẳng về Brussels. Wellington, chỉ huy toàn bộ quân Anh, đã bố trí phòng ngự cách Brussels 22km, trên cao nguyên Mont Saint Jean, ở phía Nam Waterloo. Khu rừng Soignes ở phía bên làng đã cắt đứt đường rút lui về Brussels của Wellington.
Wellington cố thủ trên cao nguyên đó. Kế hoạch của Wellington là đợi Napoléon tiến đến vị trí cực kỳ kiên cố ấy và kiên quyết giữ vững trận địa bằng bất cứ giá nào để tạo điều kiện cho Blücher, đã hồi phục sau trận thất bại và có thêm viện binh, kịp đến cứu viện cho mình.
Các trinh sát viên liên tiếp báo cáo về tổng hành dinh quân Anh là mặc dầu đường sá bị ngập lụt, Napoléon vẫn tiếp tục tiến về phía núi Mont Saint Jean. Nếu cầm cự được cho đến khi Blücher tới thì sẽ thắng lợi, bằng không, quân đội Anh tất sẽ bị tiêu diệt.
Trong những giờ phút đầu tiên của buổi chiều ngày 17/6, tình thế đã đặt ra cho Wellington như vậy thì tướng Gneisenau, tham mưu trưởng của Blücher đã báo cho Wellington biết rằng ngay khi vừa chấn chỉnh xong đội ngũ, quân Phổ lại cấp tốc hành quân để đến ứng cứu.
Ngày hôm sau vừa tắt thì Napoléon cũng đã đến gần cao nguyên và từ đằng xa, ông đã trông thấy quân đội Anh qua màn sương mù.
Napoléon có 7 vạn 2 ngàn quân trong khi Wellington có 7 vạn và đến sáng ngày 18/6/1815 hai bên đối mặt nhau. Cả hai bên bờ đều chờ viện binh và bên nào cũng bắt buộc phải đợi: Napoléon thì chờ Grouchy có không quá 3 vạn 3 nghìn quân còn bên Anh thì chờ Blücher đưa đến chiến trường từ 4 đến 5 vạn quân chiến đấu được trong số 8 vạn còn lại sau trận chiến đấu Ligny.
Đêm hết, Napoléon cũng đã bố trí xong đội hình chiến đấu nhưng ông đã không thể mở cuộc tiến công ngay vào sáng sớm vì trời mưa lầy lội đến nỗi không thể triển khai được kỵ binh. Buổi sáng, Hoàng Đế đã đi xem xét trận địa của bộ đội và lấy làm hài lòng về sự đón tiếp của họ. Từ sau trận đấu Austerlitz đến nay. Cuộc duyệt đội ngũ lần này là lần cuối cùng trong đời Napoléon đã gây cho Napoléon và nhưng người có mặt hôm đó những ấn tượng không bao giờ quên được.
Thoạt đầu, Napoléon đặt đại bản doanh ở trại Kaiyou. Đến 11h rưỡi trưa thấy mặt đất đã se, Napoléon ra hiệu lệnh tiến công. 84 khẩu pháo phát hỏa lực như sấm sét vào cánh trái của quân Anh và cuộc tiến công tiến hành dưới sự chỉ huy của Ney. Đồng thời, quân Pháp cũng mở đường tiến công nghi binh vào lâu đài Hougoumont thuộc cánh phải quân Anh, và các đợt xung phong vào vị trí kiên cố này đã gặp phải sức kháng cự quyết liệt nhất.
Mũi tiến công vào cánh trái vẫn tiếp tục. Cuộc chiến đấu khốc liệt ấy kéo dài được một giờ rưỡi thì Napoléon chợt thấy từ xa, về phía Đông Bắc làng Chapelle Saint Lambert những đám quân lờ mờ đang tiến đến. Thoạt tiên, Napoléon đoán là Grouchy, người mà trong đêm hôm trước và buổi sáng hôm sau đó Napoléon đã nhiều lần ra lệnh phải cấp tốc quay lại chiến trường. Nhưng không phải Grouchy mà lại là Blücher. Viên tướng này đã khéo nghi binh thoát khỏi sự truy kích của Thống Chế Pháp và đến tiếp viện cho Wellington. Khi biết rõ sự thật, Napoléon cũng không bối rối, ông tin chắc Grouchy vẫn bám sát gót quân Phổ, và khi cả hai cùng tới nơi thì lực lượng sẽ tương đối ngang nhau, mặc dầu Blücher đem tới cho Wellington số quân đông hơn Grouchy, và nếu trước đó, ông đã giáng cho quân Anh một đòn sấm sét thì viện binh sẽ bảo đảm cho trận chiến đấu thắng lợi.
Vừa phái một bộ phận kỵ binh đi chặn đường Blücher, Napoléon vừa hạ lệnh cho Ney tiếp tục tiến công vào cánh trái và cánh giữa quân Anh đã bị quân Pháp mở nhiều đợt xung phong dữ dội gây tổn thất khủng khiếp từ lúc bắt đầu trận đánh và bốn sư đoàn đội hình rất trật tự của quân đoàn d’Erlon đã lao vào quân Anh. Một trận huyết chiến đã sảy ra trong khu vực đó. Quân Anh đón các trung đội khổng lồ ấy của Pháp bằng một hoả lực dữ dội và đã phản xung phong nhiều lần. Các sư đoàn Pháp nối tiếp nhau lao vào cuộc chiến đấu, đã bị thiệt hại rất nặng nề. Một đoàn kỵ binh người Écosse xông vào hàng ngũ quân Pháp và chém giết được một số lớn. Thấy tình hình nguy ngập ấy, Napoléon phi ngựa lên một điểm cao ở gần trại Belle Alliance và đã tung đội thiết giáp của Milhaud, quân số chừng vài ngàn để ứng cứu, quân Écosse bị đánh lui và bị thiệt một trung đoàn.
Cuộc tiến công ấy của quân Écosse đã làm rối loạn hàng ngũ của quân đoàn D’Erlon. Không thể phá vỡ được cánh trái của quân Anh nữa, Napoléon liền thay đổi kế hoạch, ông tập trung lực lượng chủ yếu vào trung tâm và vào cánh phải quân địch. Vào khoảng ba giờ rưỡi chiều, sư đoàn cánh trái của quân đoàn D’Erlon đã chiếm được trại Haye Sante nhưng không còn đủ lực lượng để khuyếch trương chiến đấu. Thấy vậy, Napoléon liền giao cho Ney 40 liên đội kỵ binh của Milhaud và Lefebvre Desnouettes với nhiệm vụ thọc sâu vào cánh phải quân Anh giữa Hougoumont, nhưng quân Anh tuy bị chết hàng nghìn người vẫn giữ được những vị trí chủ yếu.
Trong khi thi hành nhiệm vụ trọng đại ấy, kỵ binh Pháp đã bị kẹp vào giữa hỏa lực cuả bộ binh và pháo binh Anh. Mặc dầu bị tổn thất, những người còn sống vẫn không bị rối loạn. Có lúc, Wellington cho rằng mình đã hoàn toàn thất bại. Và không phải Wellington chỉ nghĩ như vậy mà còn nói như vậy với bộ tham mưu của mình. Tình trạng tư tưởng của viên tướng Anh được bộc lộ bằng những lời nói sau đây khi được báo cáo là lính không thể giữ nổi một vài vị trí: “Nếu thế thì còn cách cố thủ cho tới chết! Tôi không còn lực lượng để tăng viện nữa. Phải hy sinh đến người cuối cùng nhưng chúng ta phải đứng vững cho đến khi Blücher tới”. Wellington đã trả lời các báo cáo nguy cấp như vậy, đồng thời tung ra chiến trường những lực lượng cuối cùng.
Còn Napoléon thì không hy vọng gì vào quân bộ binh dự trữ. Chỉ còn hy vọng kỵ binh để ném vào lò lửa chiến đấu. Napoléon điều động 37 liên đội của Kellermann. Trời tối dần, cuối cùng Hoàng Đế đưa đội cận vệ vào cuộc chiến đấu và đích thân chỉ huy xung phong. Nhưng sau đó, tiếng hò reo nổi dậy và súng nổ vang bên phía sườn phải quân Pháp. Blücher cũng với 3 vạn quân ồ ạt xuất hiện trên chiến trường. Đội cận vệ vẫn còn không ngừng tiến công chừng nào Napoléon còn tin tưởng chắc chắn là Grouchy sẽ nối gót Blücher đến chiến trường!
Nhưng trong phút chốc, tình trạng hốt hoảng đã tràn lan như ngòi thuốc nổ: Đội kỵ binh Phổ ùa vào đội cận vệ đang bị kẹp giữa hai vòng hoả lực; trong khi ấy, Blücher với số binh lực còn lại, tiến công vào trại Belle Alliance, nơi Napoléon và đội cận vệ vừa rời bỏ để chặn đường rút lui của Napoléon. Lúc đó, đã 8h tối nhưng trời còn sáng. Wellington suốt ngày phải chịu đựng nhiều đợt xung phong ác liệt của quân Pháp, cuối cùng đã hạ lệnh phản công toàn diện. Grouchy vẫn biệt tăm. Cho đến phút cuối cùng, ông Hoàng vẫn uổng công chờ đợi Grouchy.
Giờ kết thúc đã đến. Đội cận vệ với đội hình hình vuông từ từ rút lui, liều chết mở đường vượt qua hàng ngũ dày đặc của quân địch, Napoléon rút lui, đi ngựa giữa một tiểu đoàn cận vệ che chở cho ông. Cuộc cầm cự quyết liệt của đội cận vệ vẫn kéo dài, làm chậm bước tiến của quân chiến thắng. Viên đại tá Anh Hanket hô to với thế trận hình vuông của đội cận vệ do tướng Cambronne chỉ huy đang bao vây tứ phía: “Các chiến sĩ Pháp dũng cảm, hãy hàng đi!”. Nhưng họ thà chết còn hơn hàng và tướng Cambronne đã đáp lại lời của kẻ địch bằng một câu chửi khinh miệt.
Quân Pháp vẫn chống cự ở những địa điểm khác, đặc biệt là ở Plancenoit, nơi quân đoàn dự bị của Lobau tác chiến, nhưng cuối cùng đã không chống nổi sức tiến công của các lực lượng quân Phổ còn nguyên vẹn, và họ đã chạy tán loạn để thoát thân. Cho mãi đến ngày hôm sau, người ta mới tập hợp và tổ chức lại được một số tàn quân. Quân Phổ đã tiếp tục truy kích rất xa suốt đêm.
Hai vạn rưỡi quân Pháp, 2 vạn 2 nghìn quân Anh và liên minh tử trận, bị thương nằm phơi ngổn ngang trên chiến trường. Quân đội Pháp bỏ chạy, mất hầu hết số pháo, hàng chục vạn quân Áo còn nguyên vẹn đã tiến gần biên giới nước Pháp, và hàng trăm nghìn quân Nga sẽ tiến bước theo sau tất cả những sự việc đó đã dồn Napoléon đến một tình thế hoàn toàn tuyệt vọng và Napoléon đã thấy ngay được tình thế đó khi ông rời khỏi chiến trường Waterloo, nơi vừa chấm dứt sự nghiệp đẫm máu của ông. Phải chăng Grouchy đã phản bội, cố tình chậm trễ để cho quân đội Pháp bị tiêu diệt, hay đã vô tình đi lầm đường? Trong lúc chỉ huy kỵ binh tiến công quân Anh, Ney đã chiến đấu như một anh hùng (theo nhận định của Thiers) hay như một người mất trí (theo nhận định của Medellin)? Nên đợi đến trưa hãy khai chiến, hay nên khai chiến từ sáng sớm để tiêu diệt quân Anh trước khi Blücher kịp đến? Từ hơn một trăm năm nay tất cả những câu hỏi đó và hàng nghìn câu khác đã làm bận tâm các nhà viết sử và thu hút sự say mê của những người sống vào thời đại Waterloo. Nhưng chúng ta nên chú ý ngay rằng lúc ấy Napoléon rất ít quan tâm đến các vấn đề đó. Vẻ ngoài vô cùng lặng lẽ, và suy tưởng triền miên suốt dọc đường từ Waterloo, không ủ dột như sau trận Leipzig, mặc dầu từ nay trở đi, đối với ông tất cả đều đã hết, không bao giờ trở lại nữa.
Một tuần lễ sau trận Waterloo, Napoléon phát biểu một nhận xét khá kỳ lạ về nghĩa bí ẩn của trận đánh đó: ”Không phải các cường quốc chiến tranh chống lại tôi, mà là chống lại cách mạng. Lúc nào họ cũng coi tôi là đại biểu của cách mạng, là người của cách mạng”. Mặc dầu trên những quan điểm khác, Napoléon còn đứng rất xa, nhưng về nhận xét ấy thì quan điểm của Napoléon đã gặp gỡ quan điểm của những môn đồ thuộc phái tư tưởng tự do của những thế hệ cận đại trong toàn cõi Châu Âu. Chỉ cần nhắc lại cảm xúc của Herzen khi đứng trước bức tranh in lại, miêu tả Wellington và Blücher chào mừng nhau trên chiến trường Waterloo: ”Napoléon đã xô đẩy các dân tộc đến bước đường cùng, làm cho họ sôi sục căm thù, ăn miếng trả miếng, và họ đã chiến đấu với sự quyết liệt liều mạng cho kiếp nô lệ và cho bọn chủ của họ. Nền chuyên chế quân phiệt lần này đã bị nền chuyên chế phong kiến đánh bại. Tôi không thể dửng dưng trước bức tranh vẽ cuộc gặp gỡ giữa Blücher với Wellington khi chiến thắng ở Waterloo. Tôi ngắm bức tranh đó rất lâu và lần nào tôi cũng có cảm giác rờn rợn. Wellington và Blücher đã vui vẻ chào mừng nhau. Và vì sao mà những kẻ ấy không vừa lòng nhau được? Họ vừa mới hất bánh xe lịch sử vào vũng lầy mà đến nửa thế kỷ người ta cũng chưa thể lôi lên được. Trời đã hừng sáng rồi! Song Châu Âu vẫn đang ngủ mê mệt, không biết rằng số phận của nó đã thay đổi”. Herzen kết tội bản thân Napoléon là đã xô đẩy các dân tộc Châu Âu đến chỗ giận dữ vì chế độ độc tài của ông vì không thèm đếm xỉa đến quyền lợi và phẩm cách của họ, còn Napoléon thì vẫn lặng thinh trước khía cạnh ấy của vấn đề, cái khía cạnh không hấp dẫn ông ta.
Nhưng qua những lời phát biểu của ông, người ta thấy ông nhìn được rõ ràng trong một chừng mực nào đó, giai cấp quý tộc chuyên chế và phong kiến – giai cấp mà ông đã giáng cho nhiều trận thất bại – đã phục thù được ở Waterloo, rằng nước Pháp xuất thân từ cách mạng (có thể nói như vậy được) đã cùng với đội cựu cận vệ rút lui ngày 18/6/1815.
Rất đáng chú ý là ngay sau trận Waterloo, Napoléon đã chỉ nói đến toàn bộ thiên anh hùng ca vĩ đại của ông, và việc mới xảy ra làm kết thúc thiên anh hùng đó như một người đứng ngoài cuộc quan sát và như thể ông không phải là nhân vật chính.
Một sự thay đổi bất thần đã diễn ra. Sau trận Waterloo, khi trở về Paris, Napoléon không chiến đấu để bảo vệ ngai vàng nữa, mà ông đã từ bỏ tất cả. Chẳng phải vì lòng kiêng kỵ có một không hai đã rời bỏ Napoléon, mà chắc chắn vì ông đã không chỉ hành động theo sự hiểu biết chủ quan của ông và vì ông đã nhận thấy sự sâu sắc rằng ông đã hoàn thành tốt hay xấu sự nghiệp của mình và vai trò của mình đã chấm hết. Mười lăm tháng trước đây, khi cầm bút để ký bảng thoái vị lần đầu, Napoléon đã bất chợt ngẩng đầu lên và nói với các Thống Chế: ”Sáng mai, chúng ta tiến quân và đánh lại chúng nó”. Lúc đó ông cho là vai trò của mình chưa chấm dứt. Và 3 tháng mới đây vào tháng 3 của cùng năm 1815 này, Napoléon đã làm một việc mà chưa ai từng làm trong lịch sử thế giới lúc đó, lúc đó ông còn đầy lòng tin tưởng mình, tin tưởng vào ngôi sao vận mệnh của mình.
Nhưng giờ đây ngôi sao ấy đã bị tắt đi bất chợt, vĩnh viễn. Sau trận Waterloo, không khi nào Napoléon tuyệt vọng như đêm 11/4/1814, cái đêm ông uống thuốc độc. Nhưng ông đã hoàn toàn mất mọi hứng thú hoạt động, ông chờ đợi kết quả của các biến cố sẽ đến với ông. Ông đã quyết định phó mặc hết thẩy.
Về đến Paris ngày 21/6, Napoléon triệu tập các Bộ Trưởng. Carnot đề nghị yêu cầu hai viện tuyên bố tín nhiệm nền chuyên chính độc tài của Napoléon. Davout chỉ khuyên rằng nên kéo dài nhiệm kỳ của Thượng Viện và giải tán Hạ Viện. Napoléon đã từ chối. Hạ Viện liền họp ngay và tuyên bố nhiệm kỳ vĩnh viễn theo đề nghị của Lafayette, con người mà ta lại thấy xuất hiện như vậy trong lịch sử.
Sau này, Napoléon có nói rằng ông chỉ cần nói một tiếng là nhân dân sẽ đập tan Hạ Nghị Viện, và số đông các nghị sĩ sống trong thời kỳ ấy đều xác nhận lời của Napoléon. Nhưng nếu như vậy thì hẳn là một lần nữa Napoléon phải đặt Lafayette đối địch với ”Marat”, phải đặt năm 1793 đối địch với những người thuộc phái tự do muốn làm sống lại năm 1789, phải đặt giai cấp tư sản với quảng đại quần chúng là những người mà một phần tư thế kỷ trước đây đã cứu vãn nước Pháp thoát khỏi Châu Âu quân chủ chuyên chế. Trước cũng như sau Waterloo, chẳng bao giờ Napoléon muốn đi tới cực đoan như vậy.
Ngày 21, 22, 23 tháng 6, những tin tức lạ lùng nhất từ những khu ngoại ô thợ thuyền liên tiếp bay tới: Ở những nơi đó, quần chúng tập trung đông đảo, họ lớn tiếng và kiên quyết phản đối việc Hoàng Đế thoái vị, yêu cầu tiếp tục đấu tranh chống quân xâm lược.
Suốt ngày 21/6, suốt đêm 21, 22 và suốt ngày hôm sau, các đoàn biểu tình tuần hành trong các khu ngoại ô Saint Antoine, Saint Marcel và khu ngoại ô Tanfleu, với những tiếng hò la: “Hoàng Đế muôn năm! Đả đảo quân phản bội! Hoàng Đế hay là chết! Không thoái vị! Hoàng Đế! Vũ trang! Đả đảo Hạ Nghị Viện!” Nhưng Napoléon đã không muốn chiến đấu và làm vua nữa rồi.
Ở Paris, bọn tài chủ hốt hoảng, những hội viên của cơ quan thương mại, những chủ nhà băng đều nhóm mật với nhau, một bầu không khí khủng khiếp không sao tả xiết trùm lên thị trường chứng khoán. Napoléon có thể nhìn thấy rõ được rằng giai cấp tư sản đã bỏ rơi ông, đối với họ ông không còn tác dụng gì nữa và hình như còn nguy hiểm. Bị phản bội bởi chính giai cấp mà ông đã dựa vào trong suốt triều đại của ông, ông đã dứt khoát từ chối không theo đuổi cuộc chiến đấu nữa.
Ngày 22/6, Napoléon thoái vị lần thứ hai, nhường ngôi cho chú vua nhỏ thành Roma – chú đã cùng với mẹ ở với ông ngoại là Hoàng Đế Francis từ mùa xuân năm 1814. Nhưng lần này, Napoléon không thể hy vọng rằng các cường quốc sẽ ưng thuận gạt bỏ bọn Bourbon để chấp nhận con trai ông.
Một khối quần chúng khổng lồ tụ tập quanh điện Élysée, nơi Napoléon ở sau khi rời quân đội trở về. Họ hô lớn: ”Không thoái vị! Hoàng Đế muôn năm!”. Họ làm náo động đến nỗi tầng lớp tư sản ở trong trung tâm thành phố rất lo sợ rằng sẽ nổ ra một cuộc cách mạng, ám ảnh của một cuộc cách mạng và thậm chí một cuộc cách mạng có thể đưa Napoléon lên làm độc tài bắt đầu bám chặt lấy mọi tâm chí, kể cả bọn buôn bạc kếch xù, và làm bọn họ sợ hãi. Nhưng khi tin Napoléon thoái vị vừa mới lan ra thì tiền lợi tức ngân khố Nhà Nước tăng vọt lên: Giai cấp tư sản vui lòng cam chịu để quân Anh, Phổ, Áo và Nga nay mai tiến vào thủ đô hơn là để cho các khu ngoại ô thợ thuyền, những người muốn kháng chiến chống xâm lược, hình như đã bắt đầu tiến vào vũ đài chính trị.
Tối 22, khi được tin Napoléon đi Malmaison và ông đã nhất quyết thoái vị thì các đám đông dần dần giải tán. Tình trạng tư tưởng của một bộ phận trong số thợ thuyền đã tham gia các cuộc biểu tình ấy được bộc lộ một phần qua cái thực tế là ngoài số nhân dân lao động ở chính thủ đô, thường thường trong mùa hè còn có thêm hàng ngàn thợ xây từ các tỉnh kéo đến thủ đô để xây dựng nhà cửa và đường phố. Họ là thợ đẻo đá, thợ mộc, thợ khoá, thợ sơn, thợ lợp, thợ thảm, thợ móng…v.v. So với công nhân ở Paris thì những người công nhân làm thời vụ ấy gắn bó với nông thôn – nơi mà từ đó họ ra đi nhiều hơn. Vừa là nông dân vừa là công nhân nên họ càng căm ghét dòng họ Bourbon hơn và họ coi Napoléon là người bảo vệ họ chống lại dòng họ Bourbon ngóc đầu dậy. Những người ăn mặc sang trọng không chịu hô theo quần chúng: ”Không được thoái vị” đã bị họ nghi là ”quý tộc” và đã bị họ hành hung chí tử, bỏ mặc cho chết ngoài đường phố.
Quần chúng nhân dân liên tiếp tụ tập hết cuộc này đến cuộc khác. Một người đã chứng kiến biến cố xảy ra ở Paris, đã viết: ”Chưa bao giờ nhân dân, những người phải đem xương máu ra chiến đấu, lại tỏ ra gắn bó với Hoàng Đế đến như vậy”. Tình hình ấy đã diễn ra không phải chỉ trước khi thoái vị, mà cả những ngày 23, 24, 25 tháng 6, các đám đông hàng vạn quần chúng vẫn tiếp tục biểu tình phản đối cái sự việc đã rồi ấy.
Ngày 28/6, Hoàng Đế rời Malmaison để đi ra bờ biển Đại Tây Dương, ông quyết định sẽ đáp tầu buồm từ bến Rochefort để sang Châu Mỹ. Theo lệnh của Bộ Hải Quân, hai chiếc tàu đã được làm cho Hoàng Đế. Hồi 8 giờ sáng ngày 3/7, khi Napoléon đến Rochefort thì các tàu buồm đã sẵn sàng ra khơi, nhưng không thể rời bến được vì có một hạm đội Anh đang bao vây chặt bờ biển. Napoléon đã chờ đợi. Đương nhiên là ông lần lữa ngày này qua ngày khác. Giới văn học lãng mạn thời kỳ 1830 đã cho rằng ”trong các vinh quang của Hoàng Đế còn thiếu cái anh hùng tuẫn tiết”, cho rằng thiên truyền kỳ của Hoàng Đế ắt đã không hoàn chỉnh và vĩ đại đến thế nếu như nó không được nhắc mãi mãi vào tâm trí người đời bằng hình ảnh của một vị thần Prometheus mới bị xiềng vào núi đá và cho rằng Napoléon đã rất hiểu điều đó nên ông đã không muốn để cho thiên anh hùng ca của mình kết thúc một cách khác. Dù sao chăng nữa, về sau này, chính Napoléon cũng không bao giờ giải thích một cách thỏa đáng xử sự của mình lúc đó. Sự có mặt của ông ở Rochefort bị lộ, và ngày ngày, hàng vạn người đã đến bên cửa sổ nơi ông ở vừa hô lớn: ”Hoàng Đế muôn năm!”. Cuối cùng ngày 8/7, Napoléon đã xuống một chiếc tàu buồm và rời bến, nhưng đã phải cập ngay vào đảo Aix, về phía Tây Bắc Rochefort, vì hạm đội Anh đã bịt tất cả các lối ra đại dương.
Napoléon lên bờ và mọi người đều biết ngay. Thủy thủ, bộ binh, dân đánh cá, tất cả dân chúng các vùng lân cận vội vã đổ về phía chiếc tầu. Binh lính đồn trú ở đảo đã xin ông Hoàng Đế đi duyệt đội ngũ, và khi được ông Hoàng Đế nhận lời, họ đã vui sướng tràn trề. Ông cũng đã đi kiểm tra các pháo đài đã được xây dựng theo kiểu của ông khi xưa.
Khi trở lại đất liền, Napoléon được biết rằng Paris hạ lệnh chỉ được nhổ neo khi không có hạm đội Anh ở ngoài khơi. Nhưng tàu Anh sẵn sàng chiến đấu, vẫn đang tuần tiễu ngoài cửa biển.
Napoléon bèn quyết định. Bên cạnh Hoàng Đế có công tước Rovigo, Montholon, Thống Chế Bertrand, Las Cases và các sĩ quan trung thành, cuồng tín của đại quân. Napoléon phái Savary và Las Cases đến thương thuyết với quân Anh xem hạm đội Anh có ưng thuận để các tàu buôn Pháp chở Napoléon sang Châu Mỹ không. Chỉ huy hạm đội Anh Maitland tiếp đón trên tàu Bellerophon và đã từ chối một cách nhã nhặn nhưng kiên quyết. Maitland nói: ”Giả dụ nếu nước Anh quyết định ưng thuận cho Napoléon được yên ổn đi Châu Mỹ, thì ông ta có gì đảm bảo là sau này sẽ không quay trở về để lại làm cho nước tôi và Châu Âu phải chịu hy sinh xương máu, hao tổn tiền bạc như đã phải chịu không?” Savary đã trả lời rằng cuộc thoái vị lần này khác rất xa với cuộc thoái vị năm 1814, lần này Hoàng Đế đã tự nguyện rời bỏ chính quyền, mặc dù Hoàng Đế vẫn có thể ở lại trên ngôi và tiếp tục chiến đấu ngay cả sau trận Waterloo, rằng Hoàng Đế đã kiên quyết và vĩnh viễn rút lui về với cuộc sống riêng tư. Maitland nói: ”Nếu là như vậy, tại sao ông ta không xin sang nương náu ở nước Anh?”. Khi kết thúc cuộc gặp gỡ, các phái viên của Napoléon đã không được một lời hứa hẹn, cũng không được trả lời về điểm chủ yếu: Liệu có nước Anh có coi Napoléon là tù binh không?
Khi Savary và Cases quay trở về tàu của Napoléon, và khi các thủy thủ và sĩ quan của hai tàu buồm pháp biết tin rằng Hoàng Đế có thể rơi vào tay quân Anh, thì toàn thể thủy thủ và sĩ quan của hai tàu buồm Pháp ầm ầm phẫn nộ. Thuyền trưởng Ponée, chỉ huy chiếc tàu thứ hai đã tuyên bố với tướng Montholon: ”Tôi đã thăm dò các sĩ quan và thủy thủ của tôi. Tôi phát biểu ý kiến đây là nhân danh họ và cá nhân tôi…”. Sau câu mở đầu đó, Ponée trình bày kế hoạch của mình: Chiếc tàu Méduse của ông ta bắt đầu tập kích tàu Bellerophon trong đêm tối ắt sẽ giữ được quân Anh lại trong hai tiếng đồng hồ, dĩ nhiên là tàu Méduse sẽ bị hy sinh, nhưng khoản thời gian đó sẽ đủ để tàu Xander chở Hoàng Đế vượt ra khơi bởi vì số còn lại của hạm đội Anh còn ở xa họ chỉ còn vài chiếc tàu nhỏ, không đủ sức cản nổi một tàu chiến như chiếc Xander. Thủy thủ và sĩ quan trên tàu Méduse ai nấy đều tuyên bố sẵn sàng hy sinh để cứu Hoàng Đế.
Khi biết đề nghị đó, Napoléon nói với Montholon rằng ông không bằng lòng chấp nhận một sự hy sinh như vậy, ông không còn là Hoàng Đế nữa, và không thể để một chiếc tàu buồm Pháp hy sinh cùng với toàn bộ thủy thủ để cứu một cá nhân bình thường. Sau đó, Napoléon rời tàu Xander để đi đảo Aix. Vài sĩ quan trẻ tuổi đảm nhiệm bí mật đưa Napoléon xuống một chiếc tàu nhỏ để chở ông đến đảo.
Nhưng Napoléon đã tự định đoạt số phận mình. Las Cases quay trở lại gặp Maitland biết là Napoléon đã quyết định trao số phận của ông vào tay nước Anh. Maitland cam kết mặc dầu mình không có trách nhiệm gì đối với Hoàng Đế, nhưng Hoàng Đế cũng sẽ được tiếp đón thích đáng ở trên tầu của ông ta.
Ngày 15/7/1815, Napoléon xuống chiếc tàu nhỏ ”Epervier” để ra tàu Bellerophon. Napoléon đã mặc quần áo mà ông ưa thích nhất, bộ quân phục cận vệ và đội chiếc mũ nhỏ nổi tiếng. Đứng trước đội ngũ thủy binh tề chỉnh, viên thuyền trưởng thuyền Epervier vừa hô to ”Hoàng Đế muôn năm!” vừa thi hành mệnh lệnh của Napoléon. Tàu Epervier chạy tới sóng hàng bên cạnh tàu Bellerophon. Dưới chân cầu thang tàu, thuyền trưởng Maitland đã rất kính cẩn chào đón Hoàng Đế. Khi lên boong tàu Bellerophon, Hoàng Đế thấy toàn bộ thủy thủ của chiếc chiến hạm Anh xếp hàng trước mặt mình và Maitland đã giới thiệu các sĩ quan với ông Hoàng Đế. Ngay sau đó, Napoléon lui vào căn buồng tốt nhất của chiếc hạm do viên thuyền trưởng đã bố trí cho ông.
Kẻ thù mạnh nhất, dai dẳng nhất, đáng sợ nhất, mà nước Anh đã gặp phải trong lịch sử, đã nằm trong tay họ.