Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Dám Ước Mơ

Phần 1. Dám Ước Mơ

Tác giả: Florence Littauer

“Tôi chân thành

vì còn nhiều người tin tưởng tôi.

Tôi trong sáng

vì còn nhiều người quan tâm đến tôi.

Tôi mạnh mẽ

vì còn nhiều điều cần phải chịu đựng.

Tôi can đảm

vì còn nhiều việc phải dám làm.”

vì còn nhiều người tin tưởng tôi.

Tôi trong sáng

vì còn nhiều người quan tâm đến tôi.

Tôi mạnh mẽ

vì còn nhiều điều cần phải chịu đựng.

Tôi can đảm

vì còn nhiều việc phải dám làm.”

– Howard Arnold Walter

CÂU CHUYỆN GIA ĐÌNH

Ký ức đưa tôi quay trở lại thời điểm năm 1935 tại thành phố Newton, bang Massachusetts. Đó là thời kỳ đất nước đang xảy ra tình trạng suy thoái kinh tế nên cũng như tất cả mọi người, gia đình chúng tôi phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Nhà máy nơi cha tôi làm việc hơn 30 năm buộc phải đóng cửa khiến nguồn thu nhập chính của gia đình bị cắt đứt hẳn. Kiếm được một việc làm mới vào lúc đó không phải là chuyện dễ dàng, nhất là đối với một người đàn ông 57 tuổi chưa tốt nghiệp trung học như cha tôi. Bỗng chốc cha tôi phát hiện ra mình – một Walter Chapman không việc làm, không tiền bạc và không cả mơ ước! Tất cả những gì ông có lúc ấy là tôi, đứa con gái bé bỏng 7 tuổi, em trai tôi – James 4 tuổi, và người vợ nhỏ hơn ông gần 20 tuổi đang mang thai.

Tôi vẫn còn nhớ vào đêm trước lễ Giáng sinh khi tôi đã lên giường chuẩn bị đi ngủ thì nghe chuông cửa vang lên. Hiếm có ai đến thăm tổ ấm bé xíu của chúng tôi vào giờ này nên tôi bật ngay dậy để xem đó là ai.

“Ồ! Dorothy!”, giọng mẹ tôi đầy ngạc nhiên. Tôi nhìn qua khe cửa để xem Dorothy là ai và nhìn thấy một người phụ nữ đã đứng tuổi với cách ăn mặc và phục sức rất sang trọng. Tôi thầm nghĩ người này chắc hẳn phải rất giàu có.

“Katie, tôi không biết phải bắt đầu câu chuyện như thế nào”, bà ta nói. “Chị biết đấy, hai vợ chồng tôi không thể có con nên rất mong mỏi có được một đứa con nuôi. Chúng tôi có đầy đủ điều kiện để đảm bảo cuộc sống tốt nhất cho một đứa trẻ. Tôi biết chị và Chappie nuôi hai đứa lớn cũng khá vất vả nên xin chị cho phép chúng tôi nhận nuôi đứa nhỏ sắp sinh.”

Bà ta muốn bắt em bé của tôi ư? Không thể được! Tôi cảm thấy như nghẹt thở nhưng vẫn cố đứng nép sát cánh cửa phòng ngủ để theo dõi câu chuyện.

“Katie, chị vẫn có thể đến thăm nó thường xuyên.”

Đến thăm ư? Tại sao bà ta không đến thăm em bé mà lại là mẹ tôi! Bố mẹ đã đặt nôi em bé cạnh giường tôi rồi. Tôi bật khóc khi nhìn cái nôi trống không. Tôi rất yêu em James, thích được chơi đùa với em, thích chải những lọn tóc vàng của em, cho em mặc đồ cũ của tôi và giả vờ xem em như là bé gái. Tôi đã sẵn sàng đón thêm một đứa em nữa, vậy mà người phụ nữ này muốn đưa em tôi đi ngay cả trước khi tôi có thể bế em trong tay.

“Chị nói đúng! Có thể chúng tôi không đủ điều kiện để nuôi cháu”. Tôi nghe tiếng mẹ cương quyết. “Nhưng nếu Chúa đã cho chúng tôi có đứa con này thì hẳn Người sẽ có cách giúp chúng tôi nuôi được nó.”

Hai người còn nói chuyện thêm một lúc nữa rồi bà Dorothy ra về. Trước khi bước ra cửa, bà vẫn còn nuôi hy vọng khi quay lại dặn mẹ tôi: “Katie, khi nào chị thay đổi ý định, hãy cho tôi biết nhé! Tôi có thể đến đón cháu bất kỳ lúc nào”.

Bất kỳ lúc nào ư? Tôi nghĩ bụng: “Từ bây giờ mình phải để ý đến việc này thôi!”.

Buổi sáng ngày 25 tháng 1 năm 1936, mẹ tôi dịu dàng ôm tôi và James vào lòng và cho biết rằng mẹ sắp vào bệnh viện sinh em bé. Tôi nhớ mình đã ôm hôn tạm biệt mẹ và hứa với mẹ rằng sẽ ở nhà ngoan – lời hứa mà tôi luôn bị bắt buộc phải nói mỗi khi chia tay. Tôi mong có một đứa em gái vì tôi đã có em trai rồi nhưng mẹ tôi lại cho ra đời một bé trai. Khi nghe bố thông báo tin đó, tôi tự hỏi không biết mẹ có cho em bé làm con nuôi không bởi vì tôi biết mẹ cũng thích con gái. Tôi quyết định là mình phải chăm sóc em bé thật tốt và nếu bà Dorothy có trở lại thì tôi sẽ giấu em đi ngay.

Khi bố mẹ đưa em bé về nhà, tôi nhìn em và cảm thấy yêu em ngay tức thì. Tôi ngồi cạnh nôi em hàng giờ và đọc cho em nghe những câu chuyện mà em không thể nào hiểu được. Tôi còn làm thơ về em gửi đến tạp chí Wee Wisdom. Tác phẩm đầu tiên của tôi – bài thơ Em bé của tôi đã được đăng trên số báo xuất bản vào tháng 4 năm 1936. Có thể bây giờ, bài thơ này không tạo ấn tượng gì đặc biệt, nhưng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, tạp chí Wee Wisdom đã tìm lại bài thơ Em bé của tôi và cho in lại.

Khi em bé được vài ngày tuổi, bố mẹ bắt đầu bàn bạc về việc đặt tên cho em. Tôi được đặt theo tên của bà nội và bà ngoại là Florence và Marcia. James thì được mang tên của ông ngoại và có tên lót là Walter, trùng với tên của bố tôi. Rõ ràng là trong hai lần đặt tên trước, mẹ đã thuyết phục được bố tôi nên lần này bố tỏ thái độ cương quyết: “Anh muốn được đặt tên con theo tên hai người bạn thân nhất của anh là Ralph và Fred”. Thế là em tôi có tên thánh là Ralph Frederick Chapman. Cả hai chú Ralph và Fred đều không có con nên họ đã rất xúc động khi biết bố tôi lấy tên của họ đặt cho con mình. Vài tháng sau đó, với sự hỗ trợ tài chính của hai người bạn này, bố tôi đã mua được cửa hàng Riverside Variety ở Haverhill, Massachusetts và chuyển cả gia đình về đó.

Nơi chúng tôi dọn đến là một căn nhà màu nâu tồi tàn bên ngoài dán đầy những hình trang trí màu vàng, phía sân sau có hai xưởng sửa xe. Bên trong căn nhà là một cửa hiệu chất đầy kẹo và bánh. Nơi này đã trở thành phòng khách, phòng ăn và phòng sinh hoạt của cả gia đình chúng tôi. Sau cửa hàng có một gian bếp nhỏ; một phòng ngủ bé xíu cho cả năm con người và thêm một khoảng không gian trống chỉ đủ để kê một chiếc ghế trường kỷ và cây đàn piano.

Cửa hiệu nhỏ đến nỗi nếu chúng tôi nói chuyện ở phòng trong thì khách hàng đứng bên ngoài vẫn có thể nghe được rất rõ. Đã vậy mà cả nhà tôi đều có giọng nói to, thế nên bố tôi quy ước rằng nếu chúng tôi đang nói về ai mà người đó bước vào cửa hàng thì ông sẽ báo hiệu bằng cách hát “Holy, Holy, Holy”. Quy ước này ăn sâu trong ký ức tôi đến mức giờ đây mỗi khi tôi đang nói mà bất chợt nghe lại giai điệu này thì dù ở bất cứ nơi nào, tôi cũng khựng lại ngay theo một phản xạ hết sức tự nhiên.

Cuộc sống ở cửa hàng mới tỏ ra là một thế giới đầy hấp dẫn đối với Ralph vì ngày nào Ralph cũng có một số khán giả nhất định. Ngay từ khi biết nói một câu hoàn chỉnh, cậu bé đã thể hiện năng khiếu hài hước tuyệt vời và có ý niệm chính xác về thời gian. Ralph tiếp thu nhanh chóng những gì tôi dạy và có khả năng lặp lại những mẫu quảng cáo trên tivi một cách chuẩn xác với một giọng điệu hết sức ngộ nghĩnh khiến nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra để nghe cậu bé nói. Những khi cửa hàng vắng khách, tôi dẫn Ralph xuống xưởng sửa xe chơi, và những người thợ sửa xe cũng cho tiền để được nghe cậu bé đọc thơ.

Nhưng khi đến tuổi đi học, sự hài hước của Ralph đã gây ra không ít phiền toái. Không phải giáo viên nào cũng thích tính hài hước đôi khi quá mức của cậu bé. Thậm chí một số thầy cô đã phải thất vọng thốt lên: “Sao em chẳng thông minh giống anh chị của em chút nào vậy!”. Mẹ tôi cũng rất sợ phải nghe lời phê bình của các thầy cô giáo về Ralph nên tôi phải đi thay mẹ trong các cuộc họp phụ huynh lớp em. Và khi về thuật lại cho mẹ nghe, tôi thường giấu bớt đi những trò nghịch ngợm của Ralph.

Khi Ralph vào trung học, mẹ tôi đã phải nhiều lần giúp em làm các bài luận văn chương. Môn tiếng La-tinh và môn đại số cũng là một cực hình không kém đối với Ralph. Tôi vẫn còn nhớ lần em đang cố gắng giải bài toán yêu cầu tính tỷ lệ tấn cà phê Colombia với cà phê Braxin trong hỗn hợp. Ralph đã nhìn mẹ và nói: “Cách duy nhất để con có thể làm được bài toán này là gọi điện đặt hai tấn cà phê, đổ tất cả trước cửa hàng, trộn chúng lại rồi chúng ta sẽ mang thìa to ra đong đếm”. Lần đó, mẹ tôi, người mẹ mà trong đầu không có ý niệm gì về sự khôi hài, cũng không nhịn được cười.

Em tôi dành hầu hết thời gian của mình để nghe đài phát thanh và học lời những bài hát đang thịnh hành lúc đó. Ralph để dành tiền mua đĩa của Spike Jones. Chẳng bao lâu sau em đã có thể hát được tất cả các bài hát của Spike và trở thành một diễn viên được yêu thích ở những buổi biểu diễn địa phương. Chị em tôi cùng nhau dành dụm tiền mua một cái máy ghi âm cũ và Ralph bắt đầu thu đĩa nhạc cho riêng mình. Ralph nhờ một người bạn đệm đàn piano để ghi âm bài hát Mule Train và mang đĩa đến đài phát thanh địa phương WHAV với hy vọng được phát bài hát của mình. Lúc đó chúng tôi không dám tin rằng đài phát thanh này lại có thể đồng ý phát một đĩa hát được sản xuất tại nhà và làm cho đĩa hát ấy nổi tiếng cả. Thế nhưng hy vọng của Ralph đã trở thành hiện thực.

Lúc Ralph học trung học thì tôi trở thành giáo viên và dạy học tại trường của em. Mỗi ngày, chúng tôi vẫn cùng nhau đến trường và trở về nhà. Tôi vẫn luôn quan tâm đến Ralph như một người mẹ, người chị và cả cô giáo của em. Tôi vẫn thường chia sẻ tất cả những kinh nghiệm và kiến thức tôi học được với Ralph. Hai chị em chúng tôi được xem như là một đôi khắng khít và thường được mời tham gia các buổi tiệc. Sự hiện diện của chúng tôi làm cho không khí buổi tiệc trở nên sinh động hơn. Chúng tôi luôn cập nhật tin tức về tình hình thế giới và chuẩn bị sẵn một số ý tưởng cho các đề tài thời sự nóng hổi. Rồi chúng tôi đợi cho đến khi có ai đó nêu các đề tài này ra và bắt đầu thảo luận. Sự “bộc phát đã được chuẩn bị trước” này khiến chúng tôi trở thành linh hồn của mọi cuộc vui.

Có lẽ điều duy nhất Ralph tỏ ra thích thú ở trường học là các ban nhạc và dàn đồng ca. Em học thổi kèn trumpet và học luyện giọng. Năng khiếu bẩm sinh đã giúp em trở thành học sinh xuất sắc trong cả hai lĩnh vực này. Nhưng Ralph vẫn không thôi những trò nghịch ngợm. Khi ban nhạc không hoạt động thì tất cả nhạc cụ được cất giữ trong một nhà kho có khóa và hàng rào chăng dây xích xung quanh. Kho nhạc cụ nằm gần nơi tôi dạy học và Ralph được giao chìa khóa kho. Khi thấy không có ai ở gần đấy, em liền mở cửa và xếp chiếc kèn tuba sao cho miệng kèn thò ra ngoài lỗ hàng rào. Lúc giờ học bắt đầu, em đến gần kho và vỗ thật mạnh vào miệng kèn. Khi giáo viên trong trường nghe tiếng kèn và chạy đến tìm kẻ phá phách thì chỉ thấy cái kho nhạc cụ vắng lặng và vẫn được khóa kín. Không ai hiểu được tại sao cái kèn lại có thể tự kêu trong cái kho khóa kín đó. Hội đồng giáo viên của trường đã họp lại và thống nhất giao cho một thầy giáo nhiệm vụ gác cửa kho nhạc cụ suốt ngày. Thế nhưng tiếng kèn ấy vẫn phát ra. Sau nhiều lần tìm kiếm thủ phạm không thành công, người thầy giáo ấy buộc phải từ chối công việc này.

Trò tiếp theo của Ralph là biến lớp học đánh chữ thành một ban nhạc. Trước khi bắt đầu giờ học, Ralph thông báo cho các học viên mới đánh máy bài hát mà Ralph đã chọn. Khi giáo viên vào lớp và giao bài tập đánh máy cho cả lớp thì mọi cặp mắt đều quay về phía Ralph. Khi Ralph gật đầu làm hiệu, cả lớp liền đánh máy lời bài hát đã chọn. Alexander’s Ragtime Band là bài đánh máy được yêu thích vì cứ hết mỗi dòng là chuông lại reo, còn Jingle Bells là bài hát được ưa chuộng nhất vào dịp Giáng sinh. Để em không bị đánh rớt trong môn học này, tôi đã phải hứa với giáo viên của lớp rằng Ralph sẽ dừng việc đánh máy các bản nhạc và rằng tôi sẽ không bao giờ cho phép em thực hiện các bài tập đánh máy nếu không có sự đồng ý của thầy giáo.

Không thể không nhắc đến phong trào trồng vườn cũng vào thời trung học của Ralph. Những học sinh tham gia trồng vườn vào mỗi mùa hè sẽ nhận được 1/4 điểm thành tích hoạt động. Để có được 1/4 điểm này, mỗi học sinh phải trồng một vườn cây riêng, phải ghi chú chi tiết thời gian gieo hạt, thu hoạch và nộp báo cáo vào thời điểm khai giảng năm học mới cùng với một mẫu sản phẩm. Ralph đã đăng ký phong trào này để có thêm điểm số cho kỳ tốt nghiệp cuối khóa. Thế nhưng, suốt cả ba mùa hè, em chẳng trồng được cây nào cả. Mỗi năm học mới bắt đầu, tôi và em đã phải chạy đến vườn cây nhà bà Lil và mua tất cả những gì có trong vườn. Sau đó tôi lại viết giúp em một bản báo cáo về thời gian gieo hạt, nảy mầm và phát triển rồi đính kèm vào giỏ sản phẩm em mang nộp cho thầy giáo. Nếu không có 1/4 số điểm làm vườn thì chắc hẳn Ralph khó mà tốt nghiệp trung học được. Ngày lễ tốt nghiệp, lúc ngồi trên hàng ghế dành cho phụ huynh, mẹ tôi đã thì thầm: “Lẽ ra hai mẹ con mình mới là người được nhận bằng tốt nghiệp hôm nay. Chúng ta đã làm gần hết mọi việc cho Ralph còn gì!”.

Phải, mẹ và tôi đã làm phần lớn mọi việc, nhưng Ralph lại là người có khả năng thuyết phục chúng tôi làm những việc ấy. Lúc ấy, hai mẹ con tôi không hề nghĩ rằng sẽ có ngày Ralph thành công như ngày nay vì mẹ tôi vẫn luôn lo sợ: “Nếu sau này nó vẫn không nghiêm túc và thực sự làm việc thì có lẽ cuộc đời nó sẽ chẳng đi đến đâu được cả”.

Đến khi trở thành sinh viên đại học, Ralph đã cộng tác với WHAV trong việc đọc tin tức và thực hiện những buổi phát sóng quảng cáo sản phẩm trực tiếp. Ralph còn được đặc cách thực hiện chương trình riêng dài mười lăm phút của mình hai lần một tuần.

Mỗi buổi sáng, em mở radio để nghe chương trình Carl de Suez của đài Boston’s WBZ-AM. Carl là một nhân vật nổi tiếng và được yêu thích ở nước Anh. Ralph nhanh chóng học theo và chẳng bao lâu em đã có thể hát được tất cả các bài hát của Carl phát trên sóng. Ralph ngưỡng mộ Carl vì: “Anh ấy là nguồn động lực để em thức dậy sớm mỗi ngày. Với anh ấy, dường như buổi sáng nào cũng là một khởi đầu tuyệt vời cho một ngày mới. Carl làm em cảm thấy thoải mái và phấn khích khi làm việc”.

Từ đó, Ralph đã thức dậy sớm để được nghe chương trình của Carl, để bắt đầu một ngày mới đầy sức sống và để cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống. Và với khả năng âm nhạc xuất chúng, với suy nghĩ nhạy bén và khiếu khôi hài đặc biệt, em đã làm được nhiều điều mà không ai trong gia đình chúng tôi từng nghĩ đến.

KHỞI NGUỒN CỦA ƯỚC MƠ

Không phải lúc nào chúng ta cũng gặp được những môi trường tốt để ươm mầm và nuôi dưỡng ước mơ. Đôi khi ước mơ bị chi phối bởi những định kiến và nỗi ám ảnh trong quá khứ. Một số người tin rằng mình sẽ chẳng bao giờ làm được điều gì lớn lao cả bởi bố mẹ thường xuyên nhận xét về họ như thế. Một số khác lại bị mặc cảm bởi sự không hoàn thiện về trình độ học vấn hay khiếm khuyết của bản thân nên tự cho rằng mình không đủ tố chất để thành công. Một vài người tuy đạt được mục tiêu đề ra và kiếm được nhiều tiền, nhưng tận sâu thẳm trong lòng vẫn cảm thấy chưa bằng lòng với chính mình. Chắc hẳn bất kỳ ai trong chúng ta cũng đã nhiều lần tự hỏi “Thực sự tôi là ai và có vị trí nào trong cuộc sống này?”, nhưng không phải ai cũng tìm được câu trả lời rõ ràng và thỏa mãn.

Vì vậy, từ bây giờ chúng ta hãy mạnh dạn bước ra khỏi lối mòn của những nhận định và định kiến trước đây để bắt đầu một chặng đường mới phía trước. Xuất phát điểm cho tất cả những điều tốt đẹp trong tương lai là dám ước mơ. Đúng thế, nghỉ ngơi bao giờ cũng thoải mái hơn là cố gắng, từ bỏ bao giờ cũng dễ dàng hơn là giữ chặt. Nhưng nếu chúng ta mãi thụ động ngồi chờ đến khi con đường thành công hoàn toàn mở ra trước mặt thì có lẽ cả cuộc đời này chúng ta sẽ mãi ngồi trên chiếc xích đu trước cổng nhà. Bạn hãy hình dung mình đang đứng trên boong một chiếc tàu, ngắm đại dương bao la và trời xanh đầy nắng trong một tâm thế hoàn toàn tự do. Bạn có thể cảm nhận được mùi hương ngọt ngào của đóa hoa thành công, nhưng nếu muốn hái được chúng thì bạn phải rời vị trí và phải chịu đựng đau đớn bởi những chiếc gai nhọn của nó. Do đó, một số người thà ngồi tại chỗ để được thong dong chứ không muốn đứng dậy và di chuyển. Một số khác lại bằng lòng với những điều tương đối hơn là phải gắng sức để gặt hái những điều tốt nhất. Họ muốn ở vị trí an toàn hơn là mạo hiểm với ước mơ. Thậm chí một số người cho rằng không cần phải ước mơ vì số phận đã sắp đặt mọi thứ.

Quyển sách này sẽ không hướng dẫn bạn cách đạt được thành công về mặt tài chính mà chỉ khuyến khích bạn hãy đứng dậy và rời khỏi chiếc xích đu trước cổng nhà. Bất kể bạn là ai, có tính cách ra sao, xuất thân và địa vị xã hội như thế nào, bạn đều có thể tìm thấy hình ảnh của chính mình trong những câu chuyện cuộc đời này.

Đừng ngồi trên chiếc xích đu lâu hơn nữa! Đừng nhét ước mơ của bạn vào trong gối và ngủ quên! Đừng lưỡng lự, do dự chỉ vì sự trì trệ và thiếu quyết đoán! Tôi muốn khích lệ bạn hãy mạnh dạn bước ra khỏi cổng nhà. Hãy tiếp tục đi tới và tiến thẳng đến vạch xuất phát!

TIẾN ĐẾN VẠCH XUẤT PHÁT

Ước mơ hướng bạn đến với những điều mới mẻ và khác biệt so với thực tại. Ước mơ giúp bạn nuôi dưỡng khát vọng vượt lên những điều bình thường. Ước mơ mang đến cho bạn niềm vui sáng tạo và nhiều điều thú vị trong cuộc sống. Nhưng trên hết, bạn phải là người quyết định ước mơ của mình. Hãy thay đổi thói quen sống phụ thuộc vào những chỉ dẫn, lời khuyên của người khác để tự xác định ước mơ riêng cho cuộc đời bạn.

Tôi biết có rất nhiều người một ngày nào đó chợt tỉnh dậy với ngọn lửa khát vọng bừng cháy trong tim. Ngay lập tức, họ nhận ra ước mơ đích thực của mình và quyết tâm thực hiện đến cùng để trở thành những con người thành công và nổi tiếng. Còn bạn thì sao, có ngọn lửa khát vọng nào đang bừng cháy trong tim? Bạn có cảm thấy lòng nhiệt huyết của mình đang tuôn trào nóng bỏng khi nghĩ đến những ước mơ? Đã đến lúc bạn phải đánh thức khát vọng sống và những ước mơ có lẽ vốn đã ngủ quên từ lâu trong tâm hồn bạn.

Nhưng đâu là điểm bắt đầu? Ước mơ có thể được nhận diện bằng cách nào?

TỪ CUỘC SỐNG CỦA NHỮNG NGƯỜI XUNG QUANH

Trong quá trình trưởng thành và tự hoàn thiện bản thân, tôi đã không ngừng tiếp nhận nhiều điều tốt đẹp bằng cách đọc sách hay trực tiếp trò chuyện với những người xung quanh. Mỗi người là một thế giới riêng về công việc, cách suy nghĩ, thái độ sống khác nhau nhưng tôi nhận thấy rằng chỉ cần bạn biết lắng nghe và đặt câu hỏi đúng lúc, bạn sẽ khám phá ra được nhiều điều giá trị cho chính mình.

Chấp nhận thử thách

Ngay trong lần đầu tiên trò chuyện với John Smart – giám đốc kinh doanh một công ty thực phẩm Úc, tôi đã đánh giá cao năng lực của anh. John thu hút người đối diện bằng đôi mắt biểu cảm, ánh nhìn thân thiện và cách nói chuyện cuốn hút. Anh lớn lên trong định kiến của mọi người rằng anh sẽ không bao giờ thành công. Sau một lần kinh doanh thất bại khiến anh rơi vào tình trạng tuyệt vọng, anh gặp được một người phụ nữ quan trọng – người không chỉ giúp anh trở thành người bán hàng giỏi nhất nước Úc mà còn giúp anh trở nên tự tin hơn về bản thân mình. John khiến tôi tò mò muốn tìm hiểu về người phụ nữ đặc biệt đã làm thay đổi cuộc đời anh và những bí quyết mà bà đã giúp anh từ vực thẳm của nản chí và tuyệt vọng lên đến đỉnh cao của thành công và vinh quang. Và John đã xúc động kể cho tôi nghe về Rosemary Moore, người phụ nữ không bao giờ chấp nhận câu trả lời “không”.

Không chấp nhận câu trả lời “KHÔNG”

Rosemary là người Úc thuộc thế hệ thứ sáu của những người đầu tiên di cư đến Úc. Samuel Pratt Winter, tổ tiên bên nội của bà, từ năm 14 tuổi đã rời bỏ Ireland sang Úc, lập nghiệp ở thung lũng gần ranh giới giữa Portland và Wannon River, bang Victoria. Samuel Winter Cooke, cháu trai của ông, là một trong những thành viên Quốc hội Úc từ những ngày mới thành lập. Tổ tiên bên ngoại của Rosemary là người Scotland di cư đến bang New South Wales, trong số đó có John Robertson – về sau trở thành thống đốc bang New South Wales. Rosemary là con cháu của những người đã dám ước mơ và đã thành công, những người không nản chí khi nghe người khác ngăn cản: “Ước mơ đó không thể thực hiện được”. Rosemary đã thừa hưởng tính cách mạnh mẽ không sợ thất bại ấy từ truyền thống gia đình của mình.

Ở tuổi 40, Rosemary chưa cảm thấy thật sự hài lòng với cuộc sống của bản thân. Bà mong muốn được làm một điều gì đó thật khác biệt cho cuộc đời còn lại. Khi thấy một mẩu quảng cáo tuyển dụng giáo viên đăng trên báo, bà liền gọi điện đến để ứng tuyển. Nhưng thực ra đây lại là mẩu quảng cáo tuyển nhân viên bán từ điển bách khoa nên bà không mấy quan tâm. Mọi việc sẽ rơi vào quên lãng nếu Michael, chồng bà, không nói rằng đây là một việc vượt quá khả năng của bà và khuyên bà không nên cố thử sức. Tưởng chừng câu nói này sẽ làm Rosemary nản lòng nhưng thực ra đây lại chính là điều mà Rosemary, với cá tính nổi loạn di truyền của gia đình, đang rất cần được nghe. Bà cảm thấy mình đang bị “thách thức” và đã trả lời chồng: “Nhưng em vẫn muốn được làm thử!”.

Khách hàng đầu tiên của Rosemary là những người bạn của bà, những người đã mua từ điển mà không cần nghe bất kỳ lời quảng cáo nào. Việc này cứ tiếp diễn cho đến một hôm, một người bạn của bà bất ngờ nói: “Nếu bạn không thuyết phục được mình rằng đây là một quyển từ điển hữu dụng thì rất tiếc, mình sẽ không mua nó đâu”. Điều này đặt Rosemary vào thế phải làm việc thực sự và bà đã bắt đầu dùng lý lẽ để thuyết phục khách hàng mua sản phẩm. Khả năng kinh doanh của bà đã được mọi người công nhận khi doanh số bán hàng ngày càng tăng cao. Điều này càng khiến bà thêm tự tin vào bản thân mình.

Giá trị của sự thành công

Rosemary trực tiếp đến gặp sếp của mình để xin lời khuyên, nhằm giúp bà có thể tăng doanh số bán hàng. Câu trả lời bà nhận được là: “Gõ cửa từng nhà một, nhưng chắc là cô không làm nổi việc này đâu”. Lúc đầu, Rosemary cũng cho rằng việc gõ cửa từng nhà quả thực là quá sức với mình. Nhưng khi đến bãi đậu xe, dòng máu tiên phong di truyền trong người bà chợt trỗi dậy. Bà muốn chứng minh rằng sếp đã đánh giá sai về bà. Rosemary đã chạy một mạch 70 bậc thang trở lại văn phòng của sếp để hỏi: “Tại sao bà lại nghĩ rằng tôi không thể bán hàng trực tiếp?”. Câu trả lời Rosemary nhận được là lời thách thức tìm hiểu về nghệ thuật bán hàng “gõ cửa từng nhà”.

Trở về nhà, Rosemary gọi điện cho cha và hỏi ý kiến, ông bảo: “Con chỉ nên lưu tâm đến quan điểm của chính con. Đừng để bị dẫn dắt bởi quan điểm của người khác. Tổ tiên của con đã gõ cửa lục địa châu Úc này. Cha không thấy có lý do nào khiến con không đủ khả năng gõ cửa từng nhà để bán hàng cả”. Với sự khích lệ ấy, Rosemary đã phá vỡ các kỷ lục bán hàng của nước Úc và cả thế giới đối với sản phẩm Bách khoa toàn thư. Sau này, Rosemary nhận định rằng: “Để thành công, bạn phải để tâm trí không bị chi phối bởi những người có tư tưởng đầu hàng. Walt Disney thường đưa ý tưởng mới ra tham khảo bạn bè. Nếu có nhiều ý kiến phản đối, Disney lại theo đuổi ý tưởng đó đến cùng. Đôi khi những lời chê bai lại là động lực để bạn quyết tâm hơn đối với mục tiêu của mình”.

Rosemary nói rằng trong lĩnh vực bán hàng, sự thành công phụ thuộc vào việc bạn biết “quên đi bản thân để giúp người khác đạt được mục tiêu”. Đồng thời, bạn cũng phải biết duy trì lòng quyết tâm bởi tinh thần quyết tâm sẽ giúp bạn cố gắng tiếp tục với mục tiêu ngay cả khi niềm khao khát tạm lắng xuống. Thế nhưng, chiến thắng không phải luôn là tất cả của mục tiêu và không nên đánh đổi chiến thắng với những giá trị sống như quan hệ giữa con người, danh tiếng của bản thân và của công ty mình đang gắn bó bởi theo Rosemary: “Nỗi đau về việc đánh mất những giá trị ấy sẽ tồn tại lâu hơn hương vị của chiến thắng”.

Tìm kiếm sự cân bằng

“Bí quyết của thành công là đạt được sự cân bằng. Sự thành công phải được bắt đầu, duy trì và kết thúc bằng một thái độ kích thích sự sáng tạo và hoạt động. Muốn thành công bạn phải có ước mơ, phải cụ thể hóa ước mơ ấy thành mục tiêu, rồi phải phấn đấu để theo đuổi những mục tiêu ấy. Bạn phải luôn nhìn về mục tiêu để tỉnh táo trước những trở ngại, thử thách. Và một khi đã đạt được mục tiêu thì bạn hãy chia sẻ kinh nghiệm với tất cả mọi người”. Rosemary đã làm được những điều này. Bà đã khích lệ rất nhiều người như John Smarts, giúp họ đứng dậy sau những lần thất bại và giúp họ gõ được cánh cửa của thành công.

Bạn hãy nhớ lại xem đã có ai từng bảo rằng bạn không thể làm được điều gì đó không? Tôi đoán rằng phản ứng lúc đó của bạn là vô cùng bực tức, khó chịu. Vậy từ bây giờ trở đi, mỗi khi nghe những lời nói tiêu cực này, bạn hãy cố gắng đè nén cảm xúc để xem đó là những thách thức cho bản thân và dám ước mơ để thay đổi nó. Nếu không thử thì bạn sẽ không bao giờ biết được đáp án của câu hỏi mà mọi người đang đặt ra cho bạn.

Bạn hãy sống như Rosemary: sẵn sàng gõ cửa khi cần thiết, sẵn sàng hoạch định lại cuộc sống của mình ở độ tuổi mà đa phần mọi người đều e ngại sự thay đổi. Rosemary đã kiếm được rất nhiều tiền, nhưng đích đến thật sự của bà không phải là sự giàu có về mặt tài chính mà là khẳng định giá trị bản thân và tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Nhiều người thường đánh đồng thành công với sự giàu có, nhưng giàu có đôi khi chỉ là phương tiện để bạn đạt được ước mơ. Điều quan trọng là ước mơ của bạn có tạo nên một sự khác biệt nào cho cuộc sống hay không.

Nhìn nhận lại công việc hiện tại

Đôi khi bạn cũng nên khách quan nhìn nhận lại công việc hiện tại của mình. Bạn vẫn đang yêu thích công việc chứ? Công việc có làm bạn cảm thấy phấn khích mỗi buổi sáng thức dậy không? Công việc chọn bạn hay bạn chọn công việc? Một số người chọn nghề nghiệp theo những kỳ vọng của gia đình hoặc theo xu hướng chung của xã hội mà bỏ qua những mong ước và khả năng của bản thân. Và không phải ai cũng đủ can đảm nhận ra rằng công việc họ đang làm chưa thật sự phù hợp để bắt đầu theo đuổi những đam mê riêng của mình.

Công việc đầu tiên của Rod là một bưu tá đưa thư. Sau vài năm nỗ lực làm việc, anh được thăng lên chức trưởng chi nhánh bưu điện nhưng không hiểu sao Rod luôn cảm thấy mệt mỏi khi phải đi làm mỗi ngày. Anh thật sự không tìm thấy điều gì thú vị trong một công việc đã giúp anh có được cuộc sống ổn định mà nhiều người mong ước. Anh loay hoay với tâm trạng này suốt một thời gian dài mãi đến khi anh quyết định từ bỏ công việc sau 12 năm gắn bó để chuyển sang làm việc cho một công ty thiết kế. Ước mơ sáng tạo bị ngủ quên bấy lâu đã được anh đánh thức để thăng hoa thành những mẫu thiết kế đặc sắc, khác biệt, làm hài lòng mọi yêu cầu của khách hàng. Rod cảm thấy cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa và đáng quý hơn. Có lẽ cũng như Rod, đã đến lúc bạn phải thay đổi!

Sớm đánh thức ước mơ

Càng sớm nhận ra ước mơ, bạn càng có điều kiện và cơ hội để thay đổi cuộc đời. Robert C. Davis đã biết hoạch định tương lai của mình ngay từ khi còn học trung học. Ngoài việc học ở trường, Robert còn phụ giúp cha kinh doanh nhà di động ở Brunswick thuộc tiểu bang Maine. Vì khách hàng đều là những người lớn ngang tuổi bố mẹ nên anh quyết định đăng ký khóa học Dale Carnegie – khóa học về nghệ thuật sống và ứng xử trong các mối quan hệ xã hội. Robert tin rằng khóa học này sẽ giúp anh hiểu tâm lý con người, có thể thuyết phục và giành thêm được khách hàng. Kết quả thật bất ngờ, sau khi tham gia lớp học này, lợi nhuận bán hàng của Robert đã tăng lên gấp đôi.

Khi theo học trường cao đẳng Bates, Robert không ngừng giới thiệu về khóa học Dale Carnegie và kêu gọi mọi người nên đăng ký học. Hành động hoàn toàn tự nguyện này đã mang lại cho anh cơ hội trở thành nhân viên tiếp thị cho khóa học. Ở tuổi 21, Robert là giảng viên trẻ nhất trong hệ thống toàn cầu của Tổ chức Dale Carnegie ngay khi anh vẫn còn đang học cao đẳng. Khả năng làm việc của anh thật đáng nể. Anh chỉ mất một khoảng thời gian ngắn để hoàn thành những công việc mà người khác đôi khi phải giải quyết trong nhiều năm. Quyết tâm trở thành người xuất sắc và đa năng nhất đã giúp anh liên tục thăng tiến trong nghề nghiệp. Vào năm 22 tuổi, Robert được cấp giấy phép làm việc ở bang Maine rồi sau đó ở toàn Vermont và một phần của New Hampshire và Massachusetts.

Nỗ lực làm việc

Hơn 10 năm sau, khi trò chuyện với tôi, Robert đúc kết bí quyết về sự thành công của anh là niềm đam mê công tác giảng dạy, sự quan tâm đến nhu cầu của mọi người và luôn theo sát công việc của những giảng viên dưới quyền. Anh trực tiếp gọi điện đến các công ty lớn để tiếp thị và trực tiếp đào tạo nhân viên mới. Anh luôn tận dụng mọi cơ hội để vận dụng những kiến thức đã học. Robert tự hào đưa tôi đi tham quan những văn phòng và lớp học mới do chính tay anh tạo dựng. Trên tường có rất nhiều bằng khen cho biết anh là một thành viên trong Ban giám đốc vì chi nhánh công ty do anh phụ trách đã vượt chỉ tiêu hoạt động 150%. Anh cũng đã được tổng thống trao bằng khen do chương trình giảng dạy của anh đạt hiệu quả và có tỷ lệ tốt nghiệp cao. Thêm nữa, trong vòng 5 năm, công ty của Robert phát triển từ 4 nhân viên lên đến 55 giảng viên, 22 đại diện làm việc toàn thời gian và 3 nhân viên hành chính.

Robert chia sẻ: “Một trong những bí quyết để thành công là làm việc thật chăm chỉ và luôn duy trì thái độ tích cực. Mỗi sáng thức dậy, tôi lại tự nhủ: ‘Hôm nay sẽ là một ngày tuyệt vời’ rồi phác thảo sơ trong tâm trí về những việc phải làm trong ngày hôm đó”. Tôi hỏi thêm: “Lớp học theo chương trình Dale Carnegie có làm thay đổi tính cách của anh không?”.

“Thay đổi rất nhiều!”, anh trả lời. “Tôi đã từng rất khó chịu đối với cấp dưới mỗi khi họ làm sai việc gì đó, nhưng giờ đây tôi biết cảm thông và hỗ trợ họ nhiều hơn”. Xét một cách khách quan, bí quyết thành công của Robert không mới lạ với nhiều người nhưng điều quan trọng là anh luôn tuân thủ nghiêm túc những nguyên tắc đó trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

KHẢ NĂNG SÁNG TẠO LUÔN CÓ TRONG MỖI CHÚNG TA

Chúng ta thường nghĩ rằng “sáng tạo” là một cụm từ đặc quyền dành riêng cho lĩnh vực nghệ thuật. Rất nhiều người đã tỏ ra buồn bã khi nói với tôi rằng họ không hề có khả năng sáng tạo với hàm ý là họ không thể trở thành họa sĩ, ca sĩ hay nhà văn được. Đúng là chỉ có những người có năng khiếu thiên bẩm mới có thể hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, tuy nhiên tất cả chúng ta khi sinh ra đều có khả năng suy nghĩ một cách sáng tạo.

Thế giới trẻ thơ là nơi phản ánh sự sáng tạo một cách rõ nét nhất. Ai trong chúng ta cũng đã trải qua thời thơ ấu với vô số những trò nghịch ngợm đầy sáng tạo, thế nhưng điều gì đã khiến những khả năng sáng tạo ấy ngừng lại? Ai đã giam tất cả những ý tưởng mới lạ của chúng ta vào chiếc hộp nhỏ và bảo: “Bạn chỉ được suy nghĩ trong phạm vi của chiếc hộp này thôi!”?

Tôi vẫn còn nhớ lúc cô giáo của Marita – con gái của chúng tôi – gọi điện thông báo cho tôi biết việc Marita đã tô màu tím cho mái tóc của tôi trong giờ tập vẽ về gia đình. Cô giáo đã lý giải sự việc này dưới góc độ tâm lý và đã yêu cầu Marita phải sửa tóc tôi lại thành màu nâu đúng như thực tế. Nhưng khi tôi hỏi Marita thì câu trả lời của con bé thật là đơn giản: “Tại vì… con quên mang bút chì màu nâu đến lớp!”.

Chúng ta thường hay nói: “Vì anh mà ước mơ của tôi đã tan thành mây khói!” hay “Anh đã làm tôi mất đi niềm cảm hứng!”. Đôi khi những lời nói này lại là cái cớ để chúng ta biện hộ cho việc không theo đuổi mục tiêu đến cùng hay lý giải cho việc giảm đi lòng nhiệt tình đối với công việc. Nhưng trong nhiều trường hợp, ước mơ đúng là bị “tan thành mây khói” bởi sự sáng tạo đã không được chấp nhận.

Tôi nhớ đến câu chuyện của Daryl – một người bạn của con gái tôi. Khi Daryl học lớp 6, cậu bé đã sáng tác một bài thơ cho lớp tiếng Anh. Daryl hoàn thành bài thơ với niềm vui sướng tột độ khi khám phá ra mình có khả năng sáng tác. Daryl đã chuyền bài thơ ấy cho các bạn xem một cách đầy tự hào rồi nôn nóng chờ đợi lời nhận xét của cô giáo. Thế nhưng bài thơ ấy được điểm rất kém. Vô cùng buồn bã và bất ngờ, Daryl thu hết can đảm đến gặp cô giáo hỏi lý do và được giải thích rằng vì bài thơ quá xuất sắc nên cô cho rằng Daryl đã sao chép từ đâu đó. Daryl tâm sự với tôi: “Từ trước đến giờ, chưa bao giờ con sao chép bài của ai cả. Đó là bài thơ do con tự sáng tác nhưng cô giáo vẫn không chịu tin. Lúc đó con không hề phản đối cô giáo, nên có lẽ cô giáo nghĩ rằng con đã thừa nhận sai lầm”. Tuy nhiên, kể từ đó, tôi biết Daryl không còn có thể yêu quý cô giáo ấy nữa đồng thời cũng mất đi nguồn cảm hứng để sáng tác trong rất nhiều năm sau đó.

***

Bạn hãy hình dung thời điểm bạn chuẩn bị tắm. Khi chưa mở nước, bồn tắm trống rỗng và bạn có cảm giác hơi lạnh. Bạn sẽ bắt đầu thấy ấm dần lên khi mở nước và điều chỉnh nhiệt độ thích hợp. Bồn tắm sẽ trở nên hấp dẫn hơn khi bạn đổ vào nước một ít xà phòng tắm loại có bọt. Mùi hương dịu dàng lan tỏa sẽ làm bạn thấy hưng phấn, nhưng tuyệt vời nhất vẫn là việc ngắm nghía những chiếc bong bóng xà phòng lớn dần lên. Từ những chiếc bong bóng bé xíu, chúng tăng dần thành một núi những chiếc bong bóng lớn. Nước càng mạnh, bong bóng lại càng lớn hơn. Rồi chúng ta lại thêm một vài giọt tinh dầu có hương thơm quyến rũ. Đến lúc này thì khó mà cưỡng lại được việc đắm mình thư giãn trong làn nước ấy.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu khi bạn vừa bước vào bồn tắm thì chuông điện thoại lại reo? Lúc đầu có thể bạn vờ như không nghe thấy nhưng rồi chuông vẫn tiếp tục reo làm bạn đành phải rời bỏ những chiếc bong bóng xà phòng ấm áp trong chốc lát. Khi nghe điện thoại xong, bạn vừa dợm bước vào phòng tắm thì chuông cửa lại inh ỏi. Sau khi nhận những hóa đơn, bạn vẫn còn muốn tắm nhưng nhìn lại đồng hồ thì đã đến giờ chuẩn bị bữa tối cho gia đình. Khi mọi việc đã hoàn tất, bạn trở lại bồn tắm thì nước đã nguội lạnh, những bong bóng xà phòng đã tan, mùi thơm quyến rũ cũng không còn. Nhưng như vậy không có nghĩa là mọi việc đã kết thúc. Khi bạn vặn nước mạnh trở lại, thì dưới áp lực của nước, các bọt bong bóng mới lại bắt đầu xuất hiện. Nước lại ấm dần lên. Bạn sẽ vẫn tiếp tục được thưởng thức làn nước ấm áp, thơm dịu.

Khả năng sáng tạo của chúng ta cũng tương tự như những chiếc bong bóng xà phòng ấy, nếu bị kìm hãm, bỏ mặc thì nó sẽ chết dần đi; nhưng nếu được nuôi dưỡng trong một môi trường thuận lợi thì nó sẽ đơm hoa kết trái. Sự động viên càng lớn thì khả năng sáng tạo càng được phát triển. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không khuấy động nước, không nuôi dưỡng những chiếc bong bóng xà phòng? Sau một thời gian, những chiếc bong bóng ấy sẽ tan biến và chúng ta chỉ còn lại một bồn tắm đầy nước lạnh với vài chiếc bong bóng nhỏ xíu rải rác đây đó. Nhưng bạn đừng thất vọng. Bạn vẫn có thể mở lại vòi nước, vẫn có thể làm cho bong bóng lại xuất hiện. Có thể chúng không lớn và nhiều như trước đó, nhưng chắc chắn chúng sẽ trở lại một lần nữa.

Khi bạn còn nhỏ, những ý tưởng sáng tạo của bạn có được khích lệ và được phép thể hiện hết mình không? Hay bạn bị cười nhạo, bị ngăn cản để rồi những bong bóng ước mơ của bạn dần tan biến? Tôi muốn giúp các bạn mang những bong bóng ước mơ ấy trở lại cuộc sống. Tôi muốn nói với các bạn: “Hãy dám ước mơ”.

QUAN TÂM ĐẾN KHÁT VỌNG BẢN THÂN

Ước mơ chỉ có thể được thực hiện khi xuất phát từ chính khát vọng của bản thân, không chịu bất kỳ sự chi phối của gia đình hay các tác động xã hội khác. Bạn có một khao khát mãnh liệt thôi thúc được thực hiện, nhưng lại cảm thấy nó thiếu thực tế hoặc không phù hợp với kỳ vọng hay truyền thống của gia đình? Tôi xuất bản cuốn sách đầu tay Silver Boxes: The Gift of Encouragement (Những chiếc hộp bạc: Món quà của sự động viên) khi đã gần 50 tuổi với mong muốn đem đến cho mọi người niềm hy vọng rằng “Không bao giờ là quá trễ để ước mơ”. Tôi đã nhận được rất nhiều thư và điện thoại của độc giả gửi đến với nội dung đa phần là: “Nếu trước đây tôi được nghe dù chỉ một lời động viên thôi, có lẽ cuộc đời tôi sẽ hoàn toàn khác”. Thật sự, trong mỗi chúng ta, ai cũng có một khát vọng tiềm tàng nhưng chưa gặp được mảnh đất tốt và điều kiện phù hợp để đâm chồi nảy lộc.

Ngay từ khi còn nhỏ, Carolyne đã rất thích vẽ tranh và mơ ước trở thành một họa sĩ. Tuy nhiên, mọi người trong gia đình đều cho rằng nghề này không thể đảm bảo cuộc sống nên đã khuyến khích cô theo học nghề khác. Trước ngày cô tốt nghiệp trường luật, bố cô đột ngột qua đời trong một tai nạn. Cuộc sống của Carolyne phút chốc trở nên mất thăng bằng. Ngoài nỗi đau mất đi điểm tựa tinh thần quan trọng, cô còn cảm thấy cuộc sống thật vô nghĩa khi nhìn về tương lai nghề nghiệp. Cô trở nên sống khép kín với nỗi buồn của riêng mình. Rồi Carolyne tham gia các hoạt động của nhà thờ với hy vọng nỗi đau buồn sẽ nhanh chóng nguôi ngoai và cô sẽ tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Người quản lý lớp học ngày Chủ Nhật phát hiện ra năng khiếu vẽ tranh của Carolyne trong một lần tình cờ nhờ cô vẽ vài bức tranh minh họa cho lớp mẫu giáo. Khi được giao nhiệm vụ vẽ tranh, cô cảm thấy thật phấn khởi. Từ bước khởi đầu này, cô đã chính thức tham gia giảng dạy cho nhóm học sinh mẫu giáo. Sau này, Carolyne kể lại: “Tôi đã đi dạy được 12 năm và tôi rất yêu công việc này. Không chỉ được làm công việc đúng với sở trường của mình, tôi còn có thể giúp các em khám phá thế giới qua những bức tranh đầy màu sắc. Tôi không ngừng nâng cao chuyên môn của mình và vừa mới đây, tôi đã nhận được bằng thạc sĩ vẽ tranh minh họa cho sách thiếu nhi”.

Định hướng nghề nghiệp của Carolyne đã bị chệch khỏi quỹ đạo ước mơ của riêng cô trong một thời gian dài vì cô cố gắng để hoàn thành ước mơ của gia đình. Nhưng cuối cùng Carolyne cũng đã trở về được với chính mình.

***

Trong một chuyến bay trở về nhà từ South Carolina, tôi ngồi gần Sylvia, một bác sĩ nhi khoa. Khi thấy tôi say sưa viết, Sylvia đã gợi chuyện và tôi đã kể cho cô nghe về cuốn sách của mình. Sau khi nghe tôi tóm tắt nội dung cuốn Dám ước mơ này, cô bảo rằng: “Chị biết không, tôi chính là kết quả của một ước mơ” và tâm sự với tôi về gia đình của cô.

Sylvia sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều là những người di cư đến Mỹ sau Thế chiến thứ 2. Bố cô là người Latvia, còn mẹ là người Hà Lan. Cuộc sống mới của bố mẹ cô bắt đầu ở Grand Rapids, bang Michigan, nơi có cộng đồng người Hà Lan sinh sống. Hai người đã cố gắng học ngôn ngữ mới và chấp nhận làm bất cứ công việc gì để kiếm sống. Khi Sylvia ra đời, cả hai đã quyết tâm phải làm mọi cách để bảo đảm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho cô, để cô không phải sống những tháng ngày cực khổ như bố mẹ. Cả hai dành cho cô sự quan tâm cao nhất với mong muốn cô sẽ trở thành bác sĩ – giấc mơ mà mẹ cô phải từ bỏ giữa chừng do những khó khăn của cuộc sống. Họ sống vô cùng tiết kiệm để đủ tiền trang trải việc học cao đẳng và đại học cho Sylvia. Sau khi hoàn tất khóa thực tập, cô xin được việc làm tại một bệnh viện lớn ở Albermarle, North Carolina. Sylvia đã thành công như mong muốn của bố mẹ. Cô chính là kết quả ước mơ của họ.

Sau đó vài năm, tôi nhận được thư của Sylvia. Trong thư, cô viết rằng sau lần trò chuyện với tôi, cô mới nhận ra rằng cuộc sống ổn định, yên ả mà cô đang có thật ra lại là ước mơ của bố mẹ. Riêng với cô, nó thật tẻ nhạt và thiếu đi những điều thú vị. Nhìn lại bản thân, cô mới thấy mong muốn thật sự của mình là được thử sức trong lĩnh vực kinh doanh. Và tôi đã cảm nhận được sự hồ hởi, phấn khích trong thư khi cô khoe rằng mình đã thành công với chuỗi cửa hàng kinh doanh hoa tươi.

Chắc hẳn nhiều người trong số chúng ta cũng như Carolyne, như Sylvia, mải chạy theo việc thực hiện ước mơ của người khác. Đã đến lúc chúng ta nên xác định ước mơ cho riêng mình.

***

Đã bao giờ bạn nhận thức được rằng cái lưỡi có một quyền lực vô cùng to lớn không? “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo” quả thật là một câu nói hoàn toàn chính xác. Cái lưỡi có thể nói những điều tích cực, động viên chúng ta có thêm sức mạnh, niềm tin. Nhưng cũng chính cái lưỡi lại thốt ra những câu nói đầy ngụ ý tiêu cực, khiến ta nhanh chóng nản lòng, bỏ cuộc. Cái lưỡi có thể biến chúng ta thành kẻ tội phạm nhưng cũng có thể nâng chúng ta lên thành một anh hùng trong mắt mọi người. Chính vì vậy, bạn hãy cẩn trọng với từng lời nói của mình. Đặc biệt là đối với con trẻ, lời nói của bạn có thể phá vỡ ước mơ của chúng hoặc ngược lại, sẽ giúp chúng phát huy tối đa sự sáng tạo!

Khi Jim, em trai tôi, làm mục sư trong Học viện Không quân, cậu ấy đã gặp phải một tình huống giống như trong bộ phim đoạt giải Oscar năm 1989 Dead Poets Society của đạo diễn Peter Weir. Nếu ai đã từng xem bộ phim này và nghe Jim kể về tình huống cậu ấy gặp phải sẽ cho rằng đó là hai câu chuyện của cùng một tác giả. Một sinh viên học viện đã đến tâm sự với Jim về ý định nghỉ học. Cậu ta mong muốn được vào học ở Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn nhưng lại không biết làm cách nào để rời khỏi học viện này. Qua câu chuyện, Jim biết rằng bố cậu ta là một đại tá không quân và vị đại tá này đã định sẵn tương lai cho con trai của mình là phải vào học ở Học viện Không quân. Ông đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện để cậu con trai thực hiện được ước mơ không phải của chính cậu mà là của cha mình!

Trở về nhà nhân dịp Giáng sinh, chàng sinh viên đã thú thực với cha mình ý định thôi học. Cha cậu đùng đùng nổi giận, khăng khăng cho rằng chính mục sư Jim là người đã nhồi nhét vào đầu con ông ý tưởng điên rồ này, và rồi bắt buộc cậu phải trở lại học viện. Ông mắng chàng trai là kẻ thất bại, là người không làm nên việc gì và nói: “Nếu các bạn của cha biết là con không hoàn thành nổi chương trình huấn luyện ở học viện, họ sẽ nghĩ như thế nào về cha?”. Chàng sinh viên lặng lẽ trở lại trường, kể cho Jim nghe kết quả cuộc nói chuyện giữa hai cha con cậu rồi đến trường tập bắn rút súng tự sát. Một kết cục thật đau buồn và đáng để chúng ta phải suy nghĩ.

Tom Hopkins hiện đang là một trong những nhân vật nổi tiếng của nước Mỹ. Anh vừa là một chuyên gia bán hàng thành công vừa là nhà diễn thuyết động viên tinh thần con người. Sẽ không có một Tom Hopkins nổi tiếng như ngày nay nếu anh chấp nhận đi theo con đường mà bố mẹ đã định sẵn cho anh là trở thành một luật sư.

Lần đầu tiên tôi gặp Tom là trong một cuộc hội thảo những nhà diễn thuyết xuất sắc. Tom đã tạo cho tôi một ấn tượng ban đầu thật sâu sắc bởi khả năng nói chuyện lưu loát và thuyết phục của anh. Khi đã trở nên thân thiết, Tom cho tôi biết: “Bố tôi suốt đời chỉ có một ước mơ cháy bỏng là được nhìn thấy tôi trở thành luật sư nổi tiếng. Thế nên bố mẹ tôi đã cố gắng tiết kiệm tiền để gửi tôi – đứa con trai lớn – vào học một trường luật nổi tiếng. Nhưng chỉ sau ba tháng nhập học là đủ để tôi nhận ra rằng đây không phải là chỗ thích hợp dành cho tôi. Tôi quyết định bỏ học và quay về nhà! Cha tôi vô cùng thất vọng vì tôi đã làm tan vỡ ước mơ mà ông đã ấp ủ về tôi trong suốt 15 năm qua. Có lần không kiềm được cảm xúc của mình, ông vào phòng tôi và bảo: ’Tommy, bố mẹ đã hy sinh rất nhiều để con được vào đại học. Bố mẹ muốn con biết rằng lúc nào bố mẹ cũng yêu con dù rằng con sẽ chẳng bao giờ làm được việc gì ra hồn như bố mẹ mong muốn’”.

Thật sự, Tom đã cảm thấy vô cùng có lỗi khi làm bố mẹ phiền lòng. Anh nói thêm: “Tôi ghét cái cảm giác rằng mình chính là nguyên nhân gây ra sự buồn khổ cho cha mẹ. Tôi nhận ra rằng cuộc nói chuyện với cha mẹ ngày ấy chính là “buổi diễn thuyết” đầu tiên về sự động viên trong cuộc đời tôi. Từ ngày đó, tôi quyết tâm sẽ theo đuổi ước mơ của riêng mình để có thể làm được một việc gì đó không những phù hợp với mong muốn của chính tôi mà quan trọng hơn cả là để bố mẹ lại có thể tự hào về tôi. Sau này, khi đã thành công và tạo được tên tuổi nhất định trong lĩnh vực bán hàng, tôi quyết định chia sẻ kinh nghiệm của mình với người khác. Trong vai trò một người diễn thuyết, tôi đã có cơ hội giúp hàng trăm ngàn người thành công khi khuyến khích mọi người xác định và nuôi dưỡng ước mơ riêng và hướng dẫn cách chuyển biến những ước mơ ấy thành hiện thực”.

Mỗi lần tiếp xúc với Tom, tôi lại cảm thấy yêu mến và nể phục anh hơn. Anh luôn mong muốn được giúp đỡ người khác với tất cả khả năng của mình. Ngoài ra, tôi nhận thấy Tom còn là người khao khát học hỏi, khám phá những hiểu biết mới khi anh sẵn sàng dành thời gian đến tham dự buổi diễn thuyết của tôi. Không phải người nào ở địa vị như Tom cũng làm được điều này. Tom đã thực sự làm được “một việc ra hồn” vì anh đã “dám ước mơ”, đã dám làm theo khát vọng của riêng mình!

QUAN TÂM ĐẾN NĂNG LỰC VÀ KINH NGHIỆM BẢN THÂN

Công việc hay nhiệm vụ nào bạn có thể hoàn thành tốt nhất? Lĩnh vực nào bạn thực sự quan tâm và đã từng gặt hái thành công? Bạn có khám phá được năng khiếu vượt trội của mình không?

Khi công việc kinh doanh của tôi gặp nhiều khó khăn, tôi đã nghĩ đến việc đi dạy để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống. Quyết định này tỏ ra vô cùng hợp lý vì tôi đã từng theo học chuyên ngành sư phạm; nhưng khi ấy tôi đã 45 tuổi – độ tuổi không còn đủ nhanh nhạy để thích ứng với môi trường sư phạm năng động. Đang đắn đo thì tôi nhớ đến những lần tình nguyện tham gia diễn thuyết về tính cách con người cũng như đã từng tổ chức những lớp học về hôn nhân tại nhà. Tôi quyết định gầy dựng công việc kinh doanh mới dựa trên khả năng ăn nói của mình. Chỉ trong vòng vài tháng đầu tiên, số lượng đăng ký yêu cầu tôi diễn thuyết ngày càng tăng cao. Tiếp đó, tôi tập trung học hỏi và đọc sách để phát triển thêm kỹ năng diễn thuyết và nâng cao uy tín bản thân. Tôi cũng bắt đầu viết sách và mở rộng thêm nhiều chủ đề thuyết trình mới. Năm 1985, chồng tôi sang nhượng lại công việc kinh doanh của anh ấy để có thời gian hỗ trợ tôi trong việc quản lý các chi nhánh và mở thêm đại lý du lịch. Anh đã trở thành người bạn đồng hành tốt nhất của tôi! Tôi thật sự tin rằng mình đã có bước chuyển hướng nghề nghiệp đúng đắn khi đi theo năng khiếu và kinh nghiệm của bản thân dù sự chuyển hướng đó khá muộn màng – lúc tôi đã đi được nửa phần cuộc đời.

***

Liệu những mối quan tâm và sự thành công trong hiện tại có che khuất những mong muốn đích thực của bạn không? Bạn có bao giờ cảm thấy phấn khởi và thực sự hài lòng khi đã hoàn thành một công việc nào đó không?

Chắc hẳn ai cũng đã biết đến tên tuổi của đạo diễn Ron Howard – đạo diễn lừng danh của những bộ phim ăn khách như A beautiful mind, Apollo 13, The Da Vinci Code,… Tôi biết Ron khi anh còn là một cậu bé chuyên hát nhép trong nhóm kịch “The Music Man” ở phòng đợi tàu Wells Fargo. Tôi đã ấn tượng về Ron qua vai diễn Opie Taylor trong loạt phim truyền hình Andy Griffith Show, tiếp đó là vai Richie Cunningham trong loạt phim Happy Days. Ron đã tham gia trong lĩnh vực truyền hình từ khi anh mới hai tuổi khi hãng phim Baltimore sản xuất bộ phim The Seven Years Itch. Đến năm 10 tuổi, anh đã bắt đầu trở thành một ngôi sao nổi tiếng. Khi vào trung học, ngoài việc diễn xuất, Ron còn học hỏi cách làm phim. Anh đã từng đoạt được giải nhì trong cuộc thi ảnh quốc gia Eastman Kodak. Sau khi tốt nghiệp trung học, Ron được nhận vào học ở trường sản xuất phim USC. Nhưng việc học của Ron đã bị gián đoạn khi anh tham gia bộ phim American Graffiti khiến trường USC đã từ chối cấp bằng tốt nghiệp cho anh. Đây là một cú sốc lớn nhưng Ron không cho phép điều này dập tắt ước mơ hay cản trở việc anh tiến tới mục tiêu.

Một số người thường tự bằng lòng với chính mình khi đã đạt được một điểm mốc thành công nào đó. Riêng Ron, dù đã trở thành một ngôi sao truyền hình nổi tiếng – đích đến của bất cứ ai làm nghệ thuật, nhưng Ron vẫn liên tục học hỏi. Anh không muốn bản thân mình chỉ dừng ở những vai diễn thông thường mà muốn sử dụng khả năng sáng tạo của mình trong việc chỉ đạo, khích lệ mọi người xung quanh. Những bộ phim Grand Theft Auto, Splash, Cocoon, Willow và Parenthood đã được xếp hạng và được công chúng đón nhận. Ron đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh phim truyền hình. Kinh nghiệm anh có được khi tham gia các show diễn trên truyền hình và kiến thức thu thập được ở trường làm phim là những bước tiến quan trọng trong quá trình chuẩn bị thực hiện ước mơ trở thành đạo diễn điện ảnh và truyền hình của anh. Nhân vật Opie Taylor và Richie Cunningham ngày xưa đã dần trưởng thành theo từng bước phát triển và thành công của Ron Howard.

***

Billy Joel, nghệ sĩ nổi tiếng của nền âm nhạc Mỹ xuất thân từ một gia đình nghèo khó. Dù thế, anh vẫn tự tin khi nghĩ rằng không nhất thiết phải có một nền tảng học vấn cao thì mới sáng tác nhạc được. Ngay từ nhỏ, Billy đã thể hiện niềm đam mê âm nhạc mãnh liệt của mình. Năm lên 4 tuổi, anh bắt đầu làm quen với những phím dương cầm đầu tiên. Người mẹ tạo điều kiện để anh được học đàn theo đúng phương pháp nhưng năm 11 tuổi thì Billy bỏ học vì không muốn bị bó buộc trong khuôn nhạc cố định của những cuốn sách mà muốn được tự do sáng tạo riêng.

Suốt những năm ở trường trung học, việc học của Billy luôn bị gián đoạn. Vì tham gia chơi đàn trong một ban nhạc nên anh thường về nhà rất trễ, có khi đến tận sáng hôm sau nên không đủ sức để đến lớp học. Người mẹ vô cùng đau khổ và thất vọng vì Billy đã không tốt nghiệp nổi trung học; hơn thế nữa, không ai tin rằng Billy có thể kiếm sống nhờ âm nhạc. Dưới áp lực và định kiến của gia đình, Billy bắt đầu tin rằng mọi người nói đúng và dần rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Năm 20 tuổi, anh tìm cách tự sát nhưng không thành công. Khoảng thời gian ba tuần nằm trên giường bệnh và liên tục phải chứng kiến những ca bệnh thập tử nhất sinh đã giúp anh nhìn nhận lại chính mình, hiểu về sự quý giá của cuộc sống và củng cố nghị lực để vượt qua cảm giác tự thương hại bản thân.

Sau khi hồi phục vết thương tâm lý, Billy Joey đã chơi đàn piano ở một quán bar để kiếm sống và album đầu tay Piano man của anh đã ra đời trong giai đoạn ấy. Đĩa đơn này nhanh chóng nằm trong top 20 của các bảng xếp hạng. Từ điểm mốc này, Billy đã từng bước thực hiện giấc mơ trở thành nghệ sĩ nổi tiếng của mình. Dù thế, khi đã lên đến đỉnh cao vinh quang của nghệ thuật âm nhạc, trong Billy vẫn có một khát khao được tìm hiểu và nghiên cứu về môn lịch sử. Và anh nhận thấy rằng bằng cách tự học, anh có thể tiếp thu bộ môn này hiệu quả hơn so với khi đó là môn học bắt buộc ở trường. Đến năm 40 tuổi, Billy vẫn còn mong muốn được trở thành thầy giáo dạy lịch sử. Tuy vậy, có đôi lúc anh cảm thấy giấc mơ của mình không thực tế. Billy không thực tế ư? Thực sự, chính niềm đam mê lịch sử đã truyền cảm hứng và tạo nguồn chất liệu quý giá cho những sáng tác làm rung động lòng người của anh. Hơn nữa, anh đã hiểu thêm về ý nghĩa cuộc sống và biết cách đối nhân xử thế hơn. Billy cho biết: “Tôi là một minh chứng sống để các bạn thấy rằng việc tự hủy hoại bản thân là điều thật xuẩn ngốc. Không nên chìm đắm mãi trong cảm giác tuyệt vọng bởi mọi việc rồi sẽ tốt đẹp hơn lên. Điều tôi học được từ cuộc sống này là sự tha thứ – tha thứ cho người và tha thứ cho chính mình. Phải biết đứng dậy từ thất bại thay vì để thất bại quật ngã và không bao giờ đầu hàng hay chùn bước trước khó khăn, thử thách!”.

***

Roddy McDowell bắt đầu sự nghiệp diễn viên của mình khi mới lên 10 tuổi. Với Roddy, việc diễn xuất trước ống kính là niềm đam mê đã ăn sâu vào máu thịt. Nhưng còn một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Roddy là vị trí đằng sau ống kính. Khi còn đi học, Roddy đã rất thích thú với việc chụp hình các bạn của mình – những người về sau đã trở thành những tên tuổi nổi tiếng của Hollywood như Elizabeth Taylor, Judy Garland, Judy Holliday, Maureen O'Hara… Ở tuổi 60, Roddy mới tham gia chính thức vào lĩnh vực nhiếp ảnh và cảm thấy “nuối tiếc” khi bước chân vào ngành này quá trễ. Tuy nhiên, ông đã biết tận dụng tài năng của mình và biến nó thành một công việc kinh doanh rất thành đạt khi cho xuất bản 5 cuốn sách về nghệ thuật nhiếp ảnh.

***

Còn bạn thì sao? Bạn có năng khiếu và khả năng gì? Liệu những năng khiếu ấy có giúp ích gì cho ước mơ của bạn không? Có thể, chúng sẽ giúp cho ước mơ của bạn “đơm hoa” bằng một công việc chính thức như trường hợp của ca sĩ Billy Joey. Cũng có thể ước mơ của bạn sẽ được thỏa mãn bằng một nghề tay trái giống như trường hợp của diễn viên Roddy McDowell. Sự thành công đích thực không đo lường bằng giá trị vật chất bạn nhận được mà bằng chính sự hài lòng bạn có thể cảm nhận từ công việc yêu thích của mình!

TÌM CÁCH ĐÁP ỨNG NHU CẦU BẢN THÂN

Trong một show truyền hình trực tiếp về những người nổi tiếng, tôi khá ấn tượng về công việc kinh doanh của một người phụ nữ. Công ty của bà thành công với dịch vụ thực hiện các công việc lặt vặt nhưng thiết yếu của mọi gia đình như mua thực phẩm theo thực đơn hằng ngày, mang quần áo đến tiệm giặt ủi, gửi thư, gọi thợ sửa ống nước,… Khi được hỏi tại sao bà lại chọn loại hình dịch vụ khá đặc biệt này, bà đã tâm sự rằng trong một lần cãi nhau với chồng, bà mới có dịp nhìn lại bản thân mình. Thời gian vừa qua, hầu như bà đã phó mặc chuyện gia đình cho chồng con để mải mê tập trung vào công việc và những cơ hội kinh doanh. Hầu như bà không còn chút thời gian nào để chăm sóc bản thân cũng như gia đình của mình. Khi về đến nhà, bà hầu như đã mỏi mệt, không thể làm thêm được việc gì. Không khí gia đình ngày càng trở nên căng thẳng và nặng nề. Khi nhận thấy đã đến lúc cần phải thay đổi, bà quyết định nghỉ làm để củng cố lại gia đình của mình. Một thời gian sau, bà thấy rằng ngày càng có nhiều người phụ nữ gặp phải tình cảnh như bà trước đây. Vậy là bà nghĩ đến một loại hình kinh doanh mới – dịch vụ đáp ứng những nhu cầu thiết yếu hằng ngày của mọi gia đình. Với công việc mới này, không những bà có thể linh động về mặt thời gian mà còn có thêm thu nhập. Không chỉ riêng bà, mà rất nhiều người phụ nữ đã cân đối được bài toán gia đình và xã hội khi sử dụng dịch vụ của bà.

***

Có khi nào bạn nghĩ rằng ước mơ của mình viển vông? Bạn lo ngại những người khác sẽ cười nhạo ước mơ của bạn? Hãy tin rằng: “Không có gì là không thể nếu bạn dám ước mơ!”.

Ngay từ nhỏ, Bobby Griffin đã luôn bị mọi người cho là kẻ thất bại và không làm được điều gì. 17 tuổi, Bobby quyết định bỏ học và gia nhập quân đội đến tham chiến ở Hàn Quốc. Trong một trận chiến, ông bị thương và buộc phải trở về nhà với một cơ thể đầy những vết sẹo cùng bao ký ức tiêu cực về gia đình và cuộc sống. Thêm vào đó, ông lại không có bất cứ nghề nghiệp chuyên môn nào để có thể bắt đầu cuộc sống mới. Khi đó Bobby mới 21 tuổi. Ai có thể nghĩ rằng lúc ấy ông đã dám ước mơ trở thành nhà triệu phú?

Năm 1959, vợ chồng Bobby trúng thưởng một chuyến du lịch đến Sarasota, bang Florida. Khi hai vợ chồng ông vừa bước vào băng ghế trước của một chiếc xe hơi mà họ ao ước từ lâu nhưng chưa đủ tiền để mua, thì người tài xế vội bảo: “Xin ông bà chùi bớt cát trên giày!”. Trong lúc cả hai đang bối rối và ngượng ngùng thì người tài xế đã đặt một tấm bìa trên sàn xe để bảo vệ thảm xe khỏi lấm bẩn. Ý tưởng thiết kế loại thảm dùng một lần chợt ra đời ngay lúc ấy! Sản phẩm sẽ giúp khách hàng tránh được sự lúng túng như tình huống vợ chồng Bobby vừa trải qua. Nghĩ là làm, Bobby phác thảo kế hoạch chi tiết và tìm đến các ngân hàng để xin vay vốn cho việc kinh doanh này. Nhưng trái với suy nghĩ lạc quan ban đầu, ngân hàng nào cũng từ chối cho vay; chỉ có một ngân hàng đồng ý đưa ý tưởng kinh doanh của Bobby ra bàn luận tại cuộc hội thảo vay vốn hằng năm của các ngân hàng. Tại đó, những ông chủ ngân hàng đã đồng ý cho Bob vay tiền vì nhìn thấy khả năng thu lợi từ việc quảng cáo. Chẳng bao lâu sau, Bob đã nhận được đơn đặt hàng thảm chùi chân từ khắp nơi trên nước Mỹ. Công việc kinh doanh nhanh chóng tiến triển và danh sách những nhà triệu phú của nước Mỹ đã có tên Bobby Griffin.

Hành trình đến thành công của Bobby Griffin như thế nào? Ông đã ấp ủ một ước mơ, đã tin tưởng vào ước mơ ấy. Chính niềm tin đã giúp ông vượt qua mọi trở ngại về hoàn cảnh và trình độ học vấn để theo đuổi mục tiêu. Bobby chia sẻ câu chuyện cuộc đời của mình cho nhiều người để họ hiểu rằng bất cứ ai cũng có thể đạt được ước mơ riêng, chỉ cần có tầm nhìn xa, tinh thần quyết tâm, kiên nhẫn, sự ham học hỏi và khát vọng vươn lên. Hãy làm cho ước mơ của bạn đủ mạnh trước những thất bại, sự từ chối, năng lực khiếm khuyết của bản thân, hay bất kỳ yếu tố cản trở nào.

***

Chúng ta cần phân biệt rõ giữa hai khái niệm “mơ ước” và “mơ mộng”. Khi “mơ mộng”, bạn hướng tâm trí mình đến những điều tốt đẹp nhưng xa vời, không thiết thực. Nhưng khi “mơ ước”, bạn nghĩ đến những khả năng có thể thực hiện trong tương lai, xét trên nguồn lực và khả năng của bản thân. “Mộng mơ” chỉ là một cuộc dạo chơi tức thời, chỉ có “ước mơ” mới đưa bạn đến đích khi bạn biết chuẩn bị kỹ lưỡng và nỗ lực làm việc. Đôi khi để ước mơ thành công, bạn phải dám thay đổi cả những điều vốn dĩ đã ổn định và bền vững như gia đình, sự nghiệp, nơi sinh sống,… Đó chính là trường hợp của Jesse Grover Bell, nhân viên kinh doanh mỹ phẩm do chính ông sản xuất tại bang Kansas. Một lần ông đọc một bài báo nói rằng Cleveland, Ohio là nơi tập trung nhiều dân cư nhất nước Mỹ. Ông nghiên cứu thêm và phát hiện ra rằng hầu hết các nhân viên bán hàng có doanh thu cao đang làm việc tại Cleveland. Biết được điều này, Jesse quyết định chuyển cả gia đình năm người của mình đến Cleveland. Đó là thời điểm năm 1927. Jesse tin chắc rằng mỹ phẩm do mình sản xuất ra sẽ thành công khi được tiếp thị ở một thị trường cư dân đông đúc như Cleveland.

Ngày nay, sản phẩm Bonne Bell với loại sữa dưỡng da Ten-O-Six đã trở nên quen thuộc và phổ biến với nhiều người; nhưng vào thời điểm đó, ý tưởng sản xuất một loại sữa dưỡng da đặc trị của Bonne Bell là vô cùng mới mẻ. Jesse đã đi trước mọi người khi biết dành ra phần lớn thời gian để đọc sách báo, nghiên cứu tài liệu chuẩn bị cho việc thực hiện ước mơ của bản thân.

Thời gian đầu, Jesse vẫn bán hàng theo phương thức trực tiếp. Nhưng những năm sau, khi con trai của Jesse đủ sức để điều hành công việc kinh doanh, Jesse bắt đầu chuyển sang bán hàng gián tiếp thông qua việc ký gửi sản phẩm tại các cửa hàng dược phẩm. Mục tiêu của ông là hướng Bonne Bell trở thành “mỹ phẩm dành riêng cho thiếu nữ”. Để ngày càng nhiều người biết đến sản phẩm của mình, ông đã áp dụng việc tặng sản phẩm sử dụng mẫu, đã sáng lập ra những câu lạc bộ dành riêng cho thiếu nữ với mục đích thu hút các bạn gái tìm đến hiệu thuốc để mua mỹ phẩm của mình. Thời gian này, Bonne Bell cũng tăng cường tổ chức các chiến dịch quảng cáo trên các loại tạp chí dành cho thiếu nữ. Vào giữa thập niên 50, cùng với sự phát triển của thị trường mỹ phẩm dành cho thiếu niên, Bonne Bell đã đạt được lợi nhuận cao hơn bao giờ hết. Truyền thống dám ước mơ của gia đình Jesse đã truyền từ thế hệ của Jesse Grove Bell đến thế hệ kế tiếp – Jess, con trai ông.

Thập niên 60 là thập niên mà phong trào rèn luyện thể lực phát triển mạnh mẽ. Việc mọi người ngày càng quan tâm đến thể thao là động lực giúp Jess nghĩ ra loại son dưỡng môi có hương trái cây dành cho những phụ nữ trẻ khỏe và năng động, trong khi các hãng mỹ phẩm khác vẫn trung thành với sản phẩm dành cho lứa tuổi trung niên. Mọi việc tiến triển tốt đẹp cho đến thập niên 70 khi Jess suýt đánh mất cả gia đình và cơ nghiệp mà cha anh và anh đã vất vả gầy dựng nên khi lao vào nhậu nhẹt sa đà. Tuy nhiên, anh vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra rằng nếu không thay đổi, anh sẽ mất tất cả. Năm 1972, anh đã bỏ được rượu và tập chạy bộ để duy trì sức khỏe. Cuộc hôn nhân và cả công việc kinh doanh của anh dần được cứu vãn. Nhận thấy những thay đổi này đã làm cuộc sống riêng của mình trở nên tích cực hơn, Jesse bắt đầu phát động phong trào phát thưởng bằng tiền mặt cho những nhân viên nào chạy bộ hay đi bộ vào buổi sáng trước khi đi làm với mức 50 xu một dặm. Trong vòng 6 tháng, nhân viên nào bỏ được thói quen hút thuốc sẽ nhận được phần thưởng 250 đô-la, nhân viên nào giảm được trọng lượng cơ thể thì cứ mỗi kg giảm xuống sẽ được thưởng 5 đô-la. Điều này đã đem lại kết quả thật khả quan. Hơn 60% nhân viên của Bonne Bell đã tham gia vào chương trình rèn luyện thân thể này.

Bonne Bell tin vào việc chia sẻ ước mơ đã thành công của mình với mọi người. Jesse và con trai đã hình dung trước sự thành công qua việc dám mơ ước, đã nhận dạng được sự thành công bằng những việc làm chuẩn bị cho việc thực hiện mơ ước. Họ đã thành công vì họ đã biết sửa chữa lại mơ ước. Và cuối cùng, sự thành công của họ đã được nhân lên gấp bội vì họ đã biết chia sẻ ước mơ với toàn thể nhân viên của công ty Bonne Bell và đúng như họ mong muốn, ước mơ khi được chia sẻ đã đem lại kết quả thật lớn lao!

***

Những người dám ước mơ là những người dám dấn thân vào các lĩnh vực mới mẻ mà kẻ khác e ngại. Đó là trường hợp của Paul Hogan, ngôi sao điện ảnh người Úc trong bộ phim Crocodile Dundee. Từ nhỏ, Paul Hogan nuôi ước mơ được xuất hiện trên truyền hình. Trong vòng chưa đến một thập kỷ, Paul Hogan và người cộng sự của mình – John Cornell – đã thay đổi các quy tắc trong lĩnh vực sản xuất phim truyền hình tự do. Cả hai đã cảm nhận được nhu cầu cần phải thay đổi chất lượng, sự đa dạng và tính sáng tạo của truyền hình Úc. Để thỏa mãn nhu cầu này, họ đã dám thành lập công ty riêng, đi ngược lại lời khuyên của những người có kinh nghiệm. Người cộng sự của Paul đã thương lượng với các kênh truyền hình để họ viết kịch bản, diễn xuất và sản xuất phim truyền hình ngay tại công ty riêng của cả hai. Công việc ngày càng phát triển thuận lợi. Paul Hogan dần trở nên nổi tiếng trong lĩnh vực giải trí khi nhận được nhiều lời đề nghị làm phim quảng cáo cho các buổi hòa nhạc, các câu lạc bộ và các sản phẩm hàng hóa. Câu chuyện thành công của Paul Hogan đã được chính phủ Úc ghi nhận và họ đã ký hợp đồng để công ty của Paul làm chương trình quảng bá cho chiến dịch du lịch của đất nước này. Paul Hogan đã thực hiện hoàn toàn miễn phí chiến dịch quảng bá này với hy vọng rằng mọi người sẽ biết đến tài năng và tên tuổi của anh. Bộ phim truyền hình quảng cáo do anh thực hiện được phát trên mạng truyền hình của Mỹ và đã tạo tiếng vang lớn. Chỉ trong vòng 5 tuần, nước Úc từ vị trí thứ 49 đã vọt lên giữ vị trí hàng đầu trong danh sách “những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới”. Đây là phim quảng cáo thành công nhất ở Mỹ trong vòng 10 năm. Nó cũng tạo nên cú đột phá trong việc quảng bá cho ngành du lịch của nước Úc, khiến thời gian lưu trú trung bình của du khách ở đất nước này kéo dài khoảng 2 tuần và số tiền mỗi du khách chi trung bình lên tới 1.500 đô-la. Chỉ một tuần sau khi bộ phim này được phát sóng rộng rãi, ngành du lịch Úc đã có một bước nhảy vọt thật ngoạn mục.

***

Bạn đã bao giờ gặp những người thích làm bạn nhụt chí với những câu đại loại như “chẳng có ai làm việc như thế cả” hoặc “làm như vậy là vô cùng liều lĩnh” hoặc “tôi không muốn dấn thân vào rủi ro”… Đừng để những lời lẽ, những ngôn từ tiêu cực đó dập tắt ước mơ của bạn. Hãy dám vươn tới những vì sao! Hãy dám ước mơ những mơ ước của riêng mình!

Joel Schiavone sinh ra trong một gia đình giàu có; tuy nhiên anh lại là một chàng trai vụng về và có tật nói lắp. Khiếm khuyết của anh đã làm bố mẹ rất buồn nhưng họ chưa bao giờ nhắc đến khiếm khuyết này trước mặt Joel. Sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard chuyên ngành quản trị kinh doanh, Joel đã không tìm việc mà mở một chuỗi các quán bar có tên Your Father’s Moustache và chơi đàn banjo trong các quán bar đó. Sau 12 năm kinh doanh, Joel đã kiếm đủ tiền để mua một chiếc xe hơi cao cấp, tiếp nhận một chuỗi các cửa hàng bán thú cưng, và tiếp quản đội khúc côn cầu địa phương New Haven Nighthawks. Joel cũng thành công khi tìm cách mua hãng truyền hình Bridgeport Cable với giá 300 ngàn đô-la. Sau khi mua xong, anh đã xây dựng, chỉnh trang và bán lại với giá 58 triệu đô-la.

Năm 1979, Joel nhận thấy rằng khu trung tâm thành phố quê hương anh, New Haven, đang bị xuống cấp trầm trọng và anh quyết định phải làm một việc gì đó để thay đổi hiện trạng này. Anh bắt đầu một dự án mà nhiều người cho là liều lĩnh, đó là hồi sinh một thành phố đang chết dần. Bên cạnh việc đầu tư 12 triệu đô-la của riêng mình, Joel còn thuyết phục nhiều nhà đầu tư khác cùng tham gia góp vốn. Họ đã biến một khách sạn bỏ trống thành một chung cư cao tầng, biến Union League thành tòa nhà văn phòng sang trọng, sửa chữa nhà hát Palace đổ nát thành phòng hòa nhạc tuyệt vời, phục chế tượng Schubert trở về hiện trạng trước đây.

Báo chí địa phương đã đăng tải nhiều bài viết ca ngợi Joel là “một nhà thầu đã đập vỡ cây đàn banjo để làm bàn đạp thực hiện mục tiêu to lớn của cuộc đời mình”. Rõ ràng, Joel có thể sống phụ thuộc vào nguồn tài chính thoải mái của gia đình, hay bằng thu nhập ổn định từ các quán bar Your Father’s Moustache; nhưng anh vẫn đầu tư tài sản, niềm hy vọng, ước mơ của mình vào một dự án đầy rủi ro – khôi phục một thành phố đang suy tàn!

MAY MẮN KHÔNG ĐẾN TRONG TÌNH CỜ

Nếu trúng số được một triệu đô-la, bạn dự định sẽ làm gì với số tiền đó? Câu trả lời thường là “thanh toán ngay các hóa đơn quá hạn”, “sở hữu một ngôi nhà bên bãi biển”, “đi du lịch vòng quanh thế giới”, “bắt đầu công việc kinh doanh đã ấp ủ từ lâu”,… Tất cả những câu trả lời đều có chung mẫu số là đáp ứng những nhu cầu hiện tại của bản thân và thỏa mãn những ước vọng tương lai. Điều này minh chứng rằng tất cả chúng ta ai cũng có những ước mơ riêng. Thông thường, đa phần chúng ta chỉ dám nghĩ đến những ước mơ đó khi may mắn được trúng số.

Thật ra, chỉ cần chúng ta dành đủ thời gian để phấn đấu cho những mục tiêu thực tế, ước mơ của chúng ta đã có thể và sẽ trở thành hiện thực. Chỉ cần dám đặt ra một ước mơ nhỏ, chúng ta có thể thực sự bỏ lại được tất cả những lo lắng, phiền muộn sau lưng để tiến về phía trước.

“Để sáng tạo tương

lai, cần bắt đầu bằng

một ước mơ.”

– Victor Hugo

Bình luận
2880
× sticky