Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Đọc Vị Bất Kỳ Ai – Để Không Bị Lừa Dối Và Lợi Dụng

Phần 2 – Chương 10: Suy Nghĩ Về Những Điều Chúng Ta Hành Động: Tại Sao Và Như Thế Nào?

Tác giả: David J.Lieberman

 

“Không thể không mưu mẹo khi không muốn tư duy.”

Thomas A.Edison (1847 – 1931)

Theo nghĩa đen lòng tự trọng có thể được hiểu là mức độ một người thích bản thân mình. Chúng ta sẽ nhận thấy rằng lòng tự trọng là màu sắc cơ bản, vì nó là thước đo cho biết sự việc bao nhiêu phần là thực tế và có bao nhiêu phần bị “cái tôi” của chúng ta bóp méo. Trong các chương tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu tâm lý con người kỹ càng hơn vì ý nghĩa quan trọng của nó.

Phương pháp được đề cập ở phần này không nói về các thủ thuật, mà là việc hiểu được những thành phần cơ bản của tâm lý con người. Một khi hiểu được khuôn mẫu tổng thể, bạn sẽ có khả năng sử dụng hiểu biết của mình trong bất kỳ trường hợp nào bạn muốn.

Trong chương 7, chúng ta đã nói đến quá trình làm tăng lòng tự trọng và cách nó thay đổi nhìn nhận của chúng ta. Nói ngắn gọn, khi chúng ta vượt qua được ý muốn làm những điều dễ dàng, thay vào đó là làm những điều đúng đắn, tự chúng ta sẽ cảm thấy hài lòng với bản thân. Theo cách đó, chúng ta đã làm tăng lòng tự trọng của mình.

Nhìn chung, lòng tự trọng và “cái tôi” có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với nhau. Lòng tự trọng càng lớn thì “cái tôi” càng nhỏ. Phần cá nhân “chúng ta” trên bức tranh càng ít thì ta càng nhìn nhận thực tế rõ ràng hơn, vì khi đó chúng ta ít chịu ảnh hưởng của “cái tôi” làm méo mó cách nhìn nhận vấn đề của chúng ta. Vậy nên, nếu biết cái tôi của một người lớn đến đâu, chúng ta sẽ biết chính xác người đó nhìn nhận vấn đề như thế nào.

“Cái tôi” được đánh đổi bằng một sự từ bỏ mơ hồ. Nói ngắn gọn, nó chính là thứ keo kết dính suy nghĩ của chúng ta về bản thân với lòng tin, nguyên tắc và hành vi. Ảnh hưởng của nó luôn ổn định và thường trực, dù nó có là mối quan tâm lớn nhất của chúng ta hay không. Mặt khác, chúng ta có thể đơn thuần thay đổi hành động của mình dựa trên những thông tin có ảnh hưởng tới lý trí. Chúng ta tập thể dục mỗi ngày và ăn uống điều độ để cảm thấy tốt hơn; nhận lỗi và bịa chuyện, thậm chí cả khi chúng ta đúng, hoặc thừa nhận mình đã sai trước một người chỉ chăm chăm phê phán chúng ta. “Cái tôi” là thứ đã ngăn cản ta hành động như vậy. Vậy nên, biết được “cái tôi” của một người lớn đến đâu mang ý nghĩa quyết định đến quá trình đọc vị lối suy nghĩ của người đó.

“Cái tôi” sàng lọc thế giới quan của chúng ta, loại bỏ những điều gây tổn hại hay thậm chí gây ra sự lạc lối trong suy nghĩ về mức độ cần nhìn nhận bản thân của chúng ta, và mức độ chúng ta muốn được người khác nhìn nhận lại. Các bạn còn nhớ các ví dụ ở phần trước: Cô gái bừa bãi và bộ quần áo đắt tiền? Bây giờ, chúng ta sẽ nghiên cứu sâu vào cơ chế tâm lý đằng sau khía cạnh này của bản chất con người.

Bill dành 500 đôla để mua một chiếc đồng hồ. Anh ta lướt qua một tờ tạp chí, nhìn thấy một thứ dường như chính là chiếc đồng hồ đó – được quảng cáo với giá chỉ 300 đôla, khiến tâm lý của anh ta nảy sinh mâu thuẫn. Anh ta muốn coi mình là một con người thông minh, một người mua hàng hiểu biết, nhưng mẩu quảng cáo lại là bằng chứng chống lại nhận định đó. Hoặc là anh ta bị mắc lừa và phải trả quá nhiều tiền, hoặc mẩu quảng cáo này là sai sự thật.

Mức độ tự trọng của Bill là yếu tố quyết định đến quá trình suy nghĩ. Với lòng tự trọng cao, anh ta sẽ xem kỹ mẩu quảng cáo mà không lật nhanh sang trang khác. Anh ta sẽ đọc nó và nếu tin tưởng nó là chính xác, anh ta sẽ kết luận rằng mình đã sai lầm. Với lòng tự trọng thấp, Bill có thể tin rằng cả thế giới này đều là bịp bợm và không có ai mua được với cái giá này cả, kể cả những người hiểu biết như mình. Trong tình huống này, Bill đã chối bỏ những thiệt hại gây ra cho anh ta. Anh ta cũng có thể tổng hợp lại các điều trên và quyết định nhanh chóng, trước khi ý thức buộc phải chấp nhận sự thực không lấy gì làm vui vẻ rằng thời gian còn quan trọng hơn tiền bạc và chả việc gì phải tốn công suy nghĩ về chuyện này.

Nếu một người không có lòng tự trọng, anh ta sẽ không biết tự nhìn nhận bản thân mình. Anh ta không thể chịu đựng được việc mình sai hoặc việc người khác nhìn nhận anh ta là yếu kém. Vì vậy, thay vì thay đổi bản thân, anh ta thay đổi thế giới quan của chính mình, tự lập lại thứ trật tự của riêng mình từ mớ bòng bong đó mà không tổn hại đến sợi tóc nào trên cái đầu thiếu kiên định của mình. Những suy nghĩ như “tôi thật là tồi, tôi đã sai” được thay thế bằng “thế giới thật không công bằng”, “cô ta mới sai” hay “mọi người chỉ muốn chống lại tôi.”

Trong những trường hợp cực đoan, nếu một người không thể đối mặt dứt khoát với thực tế, điều đó có nghĩa là anh ta không sẵn lòng hoặc không thể tự ý thức về lỗi lầm và biết hối hận, anh ta sẽ vô thức thay đổi cách nhìn nhận vấn đề của mình. Ví dụ, một người chồng lừa dối vợ sẽ phải bào chữa cho hành động của mình. Nếu anh ta không thể bóp méo thế giới quan của mình đủ để khôi phục niềm tin với người vợ và cuộc hôn nhân, hoặc tổ hợp lại những giá trị của bản thân để bào chữa cho hành động của mình, anh ta sẽ tự động thấy thế giới hiện thực bên ngoài bị bóp méo. Sự bóp méo này khiến anh ta “thấy” vợ mình làm những điều sai và một cách vô thức cho rằng cô ta – trước đó – mới chính là nguồn gốc gây ra những hành động của anh ta.

TIẾP CẬN NHANH

Một vị luật sư chuyên bào chữa cho những tội phạm trí thức đã nhận xét rằng công việc khó nhất của ông ta là thuyết phục khách hàng của mình nhận thấy anh ta đã sai. Có chuyện này là vì người ta rất dễ rơi vào tình trạng nhận ra hành động của mình và rồi tự bào chữa cho mình từng li, từng tí. Nếu không nhận thức được điều này, bạn sẽ phạm phải sai lầm lớn. Hầu hết mọi người nhận thức được rằng trộm cướp, giết người hay làm tổn thương người khác là sai trái. Nhưng như trong ngành kế toán, khi không có bất cứ một nạn nhân cụ thể nào và được biện hộ bởi một “lí do hợp lý”, kẻ phạm tội có thể không ý thức được hết hậu quả do mình gây ra.

Từ đầu đến giờ, chúng ta hiểu rằng một người có lòng tự trọng cao sẽ biết cách nhìn nhận thông tin rõ ràng hơn. Trong khi đó, người có lòng tự trọng thấp thường bị buộc phải thay đổi suy nghĩ của mình sao cho ít có mâu thuẫn với diễn biến thực tại nhất.

Chính sự mâu thuẫn này buộc con người phải hóa giải nó để giảm thiểu những thương tổn. Ví dụ, một người với lòng tự trọng thấp không thể thường xuyên thừa nhận với bản thân rằng anh ta có thể đã phạm sai lầm. “Bản thân mình đúng” được ưu tiên hơn so với “làm việc gì đúng đắn”.

Thực chất, bản năng tự vệ tinh thần của con người rất giống với cách chúng ta tự bảo vệ cho thể xác của chúng ta. Khi tìm cách bảo vệ thân thể khỏi hiểm nguy, bạn cũng tự động tìm kiếm cách bảo vệ hình ảnh của mình. Khi gặp nguy hiểm, cơ thể bạn sẽ tự có phản ứng theo kiểu “chiến đấu hay bỏ chạy”. Tương tự, khi gặp những nguy hiểm về mặt tâm lý, bạn cũng sẽ có loại phản ứng được gọi là “chấp nhận hay không chấp nhận”. Khi bạn có lòng tự trọng cao, bạn sẽ chấp nhận đối mặt với những thử thách. Ngược lại, khi bạn có lòng tự trọng thấp, cái tôi trong bạn sẽ tự phòng vệ bằng cách bóp méo thực tế, tránh những tổn thương. Nếu bạn thực sự biết có bao nhiêu phần sự thật trong thế giới quan của một người, bạn sẽ hiểu rõ thêm về cách nhìn nhận vấn đề của người đó.

Nếu mức độ tự trọng của một người thực sự rất quan trọng trong việc đánh giá quá trình suy nghĩ, thì một câu hỏi đáng giá hàng triệu đô được đặt ra là làm thế nào để biết mức độ “tự thích” bản thân của một người?

Trước tiên, chúng ta sẽ xem xét ngắn gọn ảnh hưởng của lòng tự trọng đến những màu sắc khác (và đưa ra những cách thức đánh giá mức độ tự trọng của một người). Sau đó, chúng ta sẽ tìm hiểu một phương pháp rõ ràng, dễ nhận biết để đánh giá cảm nhận thực sự của một người về chính bản thân họ, mà không cần phải tiếp xúc trực tiếp với anh ta.

Bình luận