Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Dưa

Chương 9

Tác giả: Marian Keyes

Tôi ấn chuông gọi cửa vì lúc đi không mang theo chìa khóa. Mẹ chạy ra.

– Con về rồi đây! – Tôi reo. – Hai mẹ con mình đi vui quá Katie nhỉ?

Mẹ nhìn theo tôi tay xách nách mang các loại túi, bọc vào bếp.

Tôi lúi húi bày và mở hết các túi đồ trên bàn. Bà bước vòng quanh, vẻ mặt rất nghi ngại.

– Con mua hết mọi thứ con cần rồi chứ hả? – bà rụt rè hỏi.

– Tất cả mọi thứ! – Tôi phấn khởi xác nhận.

– Vậy là con vẫn nấu cho bọn họ ăn? – bà hỏi, giọng nghe như sắp khóc.

– Vâng ạ. Sao mẹ lại lo lắng thế?

– Mẹ thật tình ước con đừng nấu, – giọng bà đầy lo âu. – Con sẽ làm cho mấy bố con nó quen đi, biết không? Sau bữa này thế nào họ cũng nghĩ mỗi tối sẽ được ăn uống đàng hoàng. Nghĩ mà xem ai phải làm chuyện ấy chứ? Chắc chắn không phải con rồi. Bởi vì đến lúc đó thì con đã tung tẩy quay trở lại London, còn mẹ sẽ phải nghe bọn họ càm ràm.

Tội nghiệp mẹ. Tôi nghĩ bụng. Có lẽ tôi đã không ý tứ, chỉ ham khoe tài nội trợ của mình trong căn bếp của bà.

Tôi vui vẻ đặt mớ mì pasta vào ngăn tủ lạnh.

– Con có đang nghe mẹ nói không? – bà nói to hơn, vì tôi đã biến mất sau cánh cửa tủ lạnh.

– Bố con nó hoàn toàn mãn nguyện với mấy món bỏ vô lò viba, – bà tiếp. – Con nghe câu này bao giờ chưa? “Nếu chưa hư thì đừng sửa.” Rồi còn cái này là thứ gì đây? – bà sà qua chỗ cái giấy bóng đựng rau húng quế, ấn ấn cái gói rất dè chừng.

– Húng quế đó mẹ, – Tôi lách qua người bà, đem cất hạt thông vào tủ bếp.

– Để làm gì? – bà nhìn cái gói không chớp mắt, như thể nó đang phát ra phóng xạ.

– Là rau gia vị, – Tôi nhẫn nại giải thích. Tội nghiệp mẹ, tôi hiểu bà đang thấy thấp thỏm, lo sợ như thế nào.

– Ôi chao, gia vị kiểu gì mà chẳng bỏ được vào hũ? – bà lý luận, vẻ rất đắc thắng.

Ừ thì cứ lo sợ đi, nhưng mẹ nên ý tứ một chút thì hơn. Tôi lạnh lùng nghĩ.

Rồi ngay lập tức tôi thấy hối hận. Thánh thần ạ, tôi gần như đang hạnh phúc. Sao lại phải đanh đá với ai? Sao lại phải nổi xung lên với ai?

– Không có gì đâu mẹ, – Tôi nói, vẻ hối lỗi. – Con sẽ không nấu gì ghê gớm đâu. Cả nhà thậm chí chắc sẽ không nhận ra nó là đồ tự nấu nữa kìa.

– Hay là hôm nay con đừng nấu ngon như bình thường? – bà phỉnh phờ.

– Dạ, chắc vậy, – Tôi tử tế đáp.

Tôi bắt đầu mở, đóng ầm ầm các cửa tủ, tìm dụng cụ để làm xốt pesto.

Tôi nhanh chóng hiểu ra là ở nhà có tủ lạnh và lò viba đấy, nhưng ngoài hai thứ ấy ra thì căn bếp của chúng tôi là Căn Bếp Đã Rơi Vào Quên Lãng.

Như thể tôi là cô bé Alice lạc vào xứ thần tiên vừa bước qua mấy tấm gương lừa bịp, hay bị một cơn lũ đột ngột hát trôi xuống một cái thung lũng đã bị biến mất, không hề có dấu chân người.

Tôi thấy trong một ngăn tủ có một cái thố trộn bằng gốm màu be, bụi đóng dày dễ đến vài xăng ti. Có lẽ là quà cưới của mẹ hồi cách đây khoảng ba mươi năm. Trông như thể chưa từng được đụng đến.

Có một cây đánh trứng bằng tay, một món đồ cổ duyên dáng, có lẽ từ thời Đồ Đồng hay thậm chí xa xưa hơn thế. Tuổi tác thế nhưng trông còn tốt nguyên.

Có cả một quyển sách dạy nấu ăn xuất bản năm 1952 mà trong đó có những món còn sử dụng nguyên liệu bột trứng. Vài hình chụp các món sandwich trang trí cầu kỳ phức tạp kiểu thời Victoria đã chuyển sang màu nâu đỏ, mờ nhạt.

Cổ lai hy.

Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên lấy một tẹo nếu tự nhiên có hai chú khủng long đẩy cửa bò vào, ngoạp một lát bánh mì trét bơ, làm một ly sữa rồi đặt lại ly, đĩa dơ vào mấy rửa chén, gật đầu với tôi rất văn minh lịch sự rồi lại uềnh oàng bò đi.

Tôi bỗng thấy nhớ đến thắt cả ruột cái bếp đầy đủ đồ nghề của mình ở London. Nào mấy xay thực phẩm, mấy xay sinh tố có thể chế được bất cứ trò gì mấy quán bar có thể nghĩ ra, nào mấy ép trái cây, không phải chỉ để ép mấy cái thứ cam, quýt thôi đâu nhé, một cái mấy ép nước trái cây đường hoàng kia. Phải chi bây giờ tôi có hết những thứ ấy.

– Mẹ không có cái gì cho con băm đồ được hả mẹ? – Tôi cáu tiết.

– Ờ… Hay là cái này? Liệu xài được không? – bà rụt rè đưa ra một cái cắt trứng, còn nguyên trong hộp.

– Thôi, cám ơn mẹ, – Tôi thở dài. – Con lấy gì để bằm nhuyễn húng quế bây giờ?

– Hồi xưa mẹ vẫn thấy mấy thứ này xài được lắm này, – bà chuyển sang giọng châm biếm, chắc là chán ngấy cái trò kiêu ngạo của tôi rồi. – Người ta gọi nó là con dao. Mẹ chắc nếu gọi vòng vòng cũng tìm ra một tiệm ở Dublin có bán thứ này.

Tôi xấu hổ cầm lấy con dao và bắt đầu băm.

– Mà con đang làm cái gì vậy? – bà ngồi chăm chú nhìn tôi làm, trông vừa giận, vừa như mê hoặc, như thể bà không tin nổi cái trò nấu nướng quái lạ lại đang diễn ra ngay trong bếp nhà mình.

– Xốt để ăn với mì pasta, – Tôi đứng băm húng quế, trả lời. – Gọi là xốt pesto.

Bà ngồi yên lặng, chỉ chăm chú theo dõi tôi làm.

– Mà có cái gì trong đó? – một lúc sau bà lên tiếng, nhưng rõ ràng là đang rất ghét mình vì đã buột miệng hỏi.

– Húng quế, dầu ô liu, hạt thông, phô mai Parmesan với tỏi, – Tôi đáp rất khoan thai, từ tốn. Tôi không muốn bà phát hoảng.

– Ờ, phải rồi, – bà lẩm bẩm, gật gật liên hồi, như thể ngày nào bà chẳng dùng những thứ nguyên liệu ấy.

– Đầu tiên con băm nhuyễn lá húng quế, – Tôi giảng giải, theo cái cách bác sĩ giải phẫu vẫn giải thích cho bệnh nhân biết ông sẽ tiến hành phẫu thuật thông động mạch vành như thế nào.

Rất từ tốn, tỉ mỉ, xua tan hết những mù mờ.

(“Đầu tiên tôi sẽ mở phần xương ức.”) – Rồi con rưới dầu ô liu vào, – Tôi tiếp.

(“Rồi tôi mở phần lồng ngực.”) – Rồi con giã vụn hạt thông, trong cái túi này… – Tôi lắc lắc cái túi kêu lào rào.

(“Rồi tôi mượn ít tĩnh mạch dưới chân chị – nhìn hình sơ đồ đây!”) – Sau cùng con cho vào ít tỏi đập dập và phô mai Parmesan, – Tôi kết bài. – Rất đơn giản!

(Rồi chúng tôi khâu lại và sau một tháng chị sẽ lại đi bộ được vài cây số mỗi ngày!”) Bà có vẻ tiếp thu bài rất bình tĩnh, dễ dàng. Phải nói bà làm tôi tự hào quá.

– Thôi, cho vừa vừa tỏi thôi, – bà bảo. – Hò con Anna về nhà đã khó rồi. Chẳng ai muốn cái con ma cà rồng con này nghĩ mình đang trừng phạt nó cả.

– Anna đâu phải ma cà rồng, – Tôi cười lớn.

– Sao cô biết? Rõ ràng lúc nào nhìn nó chẳng giống thế. Cái kiểu tóc tai, rồi váy tím dài thườn thượt ấy, rồi son phấn kinh khiếp kiểu ấy. Sao cô không bảo nó một tiếng, cho nó ngộ ra một tẹo?

– Nhưng mà tính nó thế nào thì trông nó phải thế ấy, – Tôi thả mớ húng quế băm nhuyễn vào soong. – Vậy mới đúng là Anna. Nó đâu phải Anna nữa nếu trông khác đi.

– Mẹ biết, – bà thở dài. – Nhưng mà cái con bé chết tiệt ấy. Mẹ chắc hàng xóm nghĩ mình chẳng chịu cho nó ăn mặc đàng hoàng. Trông nó cứ như là một đứa cứng đầu ấy. Còn cái đôi bốt ấy nữa chứ? Mẹ phải vất chúng đi mất.

– Ôi mẹ ơi, đừng! – Tôi lo lắng, nghĩ đến chuyện Anna sẽ đau khổ thế nào nếu bị mất đôi Doc Martens nó đã trìu mến vẽ lên hình mặt trời mọc với một mớ hoa cỏ.

Tôi phải thú nhận là tôi cũng hơi lo không biết Anna sẽ lấy giày ai đi nếu đôi của nó bị quăng mất.

Tôi lo cho mấy đôi giày của mình quá.

– Để rồi mẹ nghĩ lại xem thế nào đã, – bà hăm he đe.

– À còn bây giờ con đang làm cái gì đấy?

– Con cho dầu ô liu vào.

– Con mua dầu làm gì? – bà cằn nhằn. Rõ ràng trong đầu đang nghĩ bà đúng là có một lũ con gái ngu ngốc. – Có cả chai dầu để chiên khoai tây ở kia. Lẽ ra con đã tiết kiệm được ít tiền rồi.

– Ờ… Cám ơn mẹ. Lần sau con sẽ nhớ.

Chẳng có lý do nào đi giải thích cho bà biết sự khác nhau giữa một bên là dầu ô liu nguyên chất thượng hạng từ vùng Tuscany với một bên là dầu hiệu Flora đã lấy chiên đi chiên lại phải mươi lần, lợn cợn những vụn cháy đen.

Có thể tôi hơi kênh kiệu trên mức cần thiết khi đụng đến chuyện nấu nướng, nhưng trời ạ, cũng có người có thể làm ngược lại không thua gì mà.

– Rồi! Màn tiếp theo là con sẽ bào thật nhuyễn phô mai Parmesan ra mà chẳng cần đến “lưới an toàn”. – Tôi lôi miếng phô mai ra khỏi tủ lạnh, khỏi cái nơi nó rõ ràng đã uy hiếp những kẻ khác. Đám phô mai thái lát đóng gói co cụm vào sát cạnh tủ, sợ đến tuột cả trí khôn vì bất thình lình có “người ngoại quốc” đến. Nhưng bào phô mai quả là nói dễ hơn làm.

Tôi tìm cùng khắp vẫn không ra một cái bàn bào.

Cuối cùng tôi cũng lôi ra được một thứ có thể tạm dùng để bào. Nó không hề thuộc dòng họ nhà anh bào chính cống. Thậm chí còn không phải loại tự đứng được, đừng nói chi đến mấy bào tự động. Chỉ là một rẻo kim loại có mấy lằn gợn.

Và bạn chắc chắn phải khéo tay hơn tôi nhiều mới có thể vật lộn được với cái ụ phô mai kia, bào được nó bằng cái thứ dụng cụ dã chiến quái quỷ này.

Tôi bị trượt tay liên tục và kết quả là kèm theo những vụn phô mai, cũng phải kha khá da tay của tôi đã được mài theo.

Nghe tôi chửi rủa mẹ cứ tặc tặc lưỡi, rồi khi cái mùi vô cùng đặc trưng của phô mai Parmesan dậy lên nồng nặc hết cả căn bếp, bà hoảng hồn hít hít mũi. Có tiếng ồn ào ở bên ngoài. Tiếng cười lẫn tiếng nói. Mẹ liếc cái đồng hồ treo trên tường.

Bà vẫn liếc dù hai cái kim đã đứng nguyên ở vị trí bốn giờ kém mười từ Giáng sinh năm kia.

– Bố con nó về rồi!

Hầu như chiều nào bố cũng đón Helen đi học về, nên hai bố con về cùng lúc. Bố vẫn làm thế dù phải chạy thêm chừng mười dặm nữa.

Helen ào vào. Trông nó thật xinh đẹp. Đẹp hơn mọi ngày, nếu còn có thể hơn nữa. Nó rạng rỡ, cuốn hút. Ngay cả khi chỉ mặc quần jean với áo len chui đầu, trông nó vẫn đẹp tuyệt vời. Mái tóc dài óng mượt, làn da mỏng mịn, mắt lấp lánh, và cái miệng nhỏ xíu đang cười duyên dáng.

– Chào cả nhà. Hai bố con về rồi đây, – nó thông báo.

– Này, cái mùi kinh khủng gì thế? Eo ơi, ai đó mới ói phải không?

Mẹ và tôi nghe có tiếng nói chuyện ở phòng ngoài. Bố đang nói chuyện với một giọng nam.

Đích thị là có khách.

Tim tôi tự nhiên nhào lộn trong lồng ngực. Tôi vẫn chưa thôi hy vọng James sẽ đến, thật bất ngờ. Nhưng cái giọng nam kia có vẻ như là bạn của Helen hơn.

Mà nếu muốn chính xác thì phải nói là nô lệ của nó. Dù biết mình ngốc nghếch nghĩ James sẽ đột ngột xuất hiện, tôi vẫn thấy thất vọng kinh khủng lúc nghe Helen nói: “À, con có bạn tới chơi. Bố đang chỉ cho anh ấy chỗ treo áo khoác.”

Rồi nó nhìn tôi:

– Này! Chị làm gì mà lấy đồ của em mặc thế? Cởi ra ngay!

– Chị xin lỗi, – Tôi bắt đầu cà lăm. – Nhưng mà chị không đem theo gì để mặc cả. Để chị mua đồ mới rồi em mượn hết cũng được.

– Bà khỏi phải nghi ngờ chuyện đó, – nó cay cú.

Rồi nó thôi không làm dữ thêm.

Đội ơn trời! Chắc nó đang có chuyện gì vui lắm.

– Con đem ai về nhà đấy? – mẹ hỏi.

– Một anh tên là Adam. Mẹ phải tử tế với anh ấy đấy, thì ảnh mới viết luận hộ con.

Mẹ và tôi bắt đầu nặn hai khuôn mặt nồng nhiệt, hiếu khách. Thêm một cậu trai tội nghiệp nữa phải lòng Helen. Cuộc đời cậu đã hoàn toàn kết thúc. Toàn bộ tương lai đều đã bị phá hỏng.

Trước mắt cậu giờ chỉ còn khổ sở với tuyệt vọng, mòn mỏi héo hon vì nàng Helen xinh đẹp.

Mẹ và tôi liếc nhìn nhau. Cừu rơi vào miệng sói rồi, cả hai cùng nghĩ.

Tôi tiếp tục bào phô mai với da tay mình.

– Mẹ em! – giọng Helen, rõ ràng là đang giới thiệu cái cậu Adam bị trời đày với mẹ.

(“Chạy! Chạy đi! Để được sống, Adam ơi, khi vẫn còn kịp.” Tôi có cảm tưởng mình đang hét lên với cậu ta.) – Còn đằng kia là chị Claire, – Helen tiếp. – Nhớ không? Em có nói với anh đấy. Cái chị có em bé ấy.

Cám ơn nhé, Helen, đồ hèn hạ, tôi nghĩ bụng, làm cho đời tao nghe như trong mấy vở kịch hiện thực ảm đạm.

Tôi quay lại, mỉm cười tử tế chào Adam và đưa tay ra bắt, bàn tay bốc mùi phô mai Parmesan, các ngón thì xước sát.

Tôi kinh ngạc.

Không phải là mấy cái cậu non choẹt vẫn đeo theo Helen. Cậu này là đàn ông thực thụ.

Một người đàn ông còn rất trẻ, tôi phải thừa nhận. Nhưng không thể phủ nhận được là rất đàn ông.

Cao hơn mét tám và cực kỳ quyến rũ.

Chân dài. Hai cánh tay cơ bắp. Mắt xanh biếc. Mặt ngạnh vuông. Và một nụ cười rạng rỡ.

Nếu có cái nhiệt kế đo kích thích tố sinh dục nam trên tường kia, chắc là mức thủy ngân sẽ vọt lên khỏi nóc bếp.

Vừa lúc tôi thấy cậu ta bắt tay mẹ một cái ra trò nhất trong đời bà.

Rồi cậu quay sang tôi. Từ khóe mắt, tôi thấy mẹ đang lắc lắc cái tay bị đau và len lén kiểm tra xem cái nhẫn cưới có bị bóp méo đi không.

– Ờ… Chào cậu! – Tôi thấy mình đỏ mặt và bối rối. Lâu lắm rồi tôi mới đụng độ một dạng nam tính mạnh mẽ như thế này.

– Chào chị, – cậu ta cười, dịu dàng giữ cái bàn tay méo mó của tôi trong bàn tay to lớn của mình.

Trời, tôi thấy hơi bị ngợp. Đấy, bạn sẽ thấy mình càng già hơn nếu bắt đầu nhận ra những người đàn ông đẹp trai, hấp dẫn trông trẻ như thế nào.

Tôi nghe giọng Helen, nhưng hình như ở xa, xa lắm. Cái tiếng ấy đã chìm lỉm trong cái âm thanh sôi sùng sục mà tất cả máu trong người tôi đang chạy ào hết lên mặt, khiến nó đỏ như gác, chưa từng đỏ đến thế từ hồi tôi mười lăm.

– Nói thật đấy, – nó bảo. – Có mùi ói kinh quá!

– Không phải ói, – mẹ ra vẻ rất hiểu biết. – Mùi phô mai Palmerstown đấy. Biết không? Để làm sốt presto.

Bình luận