Phu nhân Tressilian tỏ ra rất thích thú khi trò chuyện với ông già Treves. Hai người cùng có những mối quen biết chung, và trong suốt nửa tiếng đồng hồ họ ôn lại với nhau những kỷ niệm xưa.
– Tôi rất biết ơn, thưa ông Treves, có được buổi trò chuyện này. Tôi rất thích thú khi hai chúng ta nhắc lại những vụ tai tiếng ngày xưa.
Cụ Treves tán thành.
– Nhân tiện, xin hỏi, – Phu nhân Tressilian nói – ông thấy thế nào về “bộ ba” của chúng tôi?
– “Bộ ba”?
– Tôi không tin ông lại không chú ý đến thứ đó: Nevile, con vợ mới và con vợ cũ của nó cùng có mặt ở đây…
Cụ Treves không thể lảng được nữa.
– Cô vợ mới của Nevile quả là một phụ nữ đầy sức quyến rũ.
– Thì con Audray cũng thế. Thưa ông Treves, ông phải công nhận là ông cũng không hiểu nổi tại sao Nevile lại bỏ con vợ đáng yêu đến thế để lấy một con búp bê như con Kay!
– Chuyện ấy vẫn thường xảy ra, thưa phu nhân. Chỉ có điều, những đam mê kiểu như vậy ít khi bền.
– Theo ông thì thường sẽ ra sao?
– Còn tùy thuộc nhiều thứ nữa. Nhưng thông thường, sẽ có một cuộc ly hôn thứ hai. Và nếu anh chồng gặp một phụ nữ đáng mến, anh ta sẽ kết hôn lần thứ ba. Đôi khi anh ta quay lại, tái hôn với người vợ cũ.
Phu nhân Tressilian bật lên phản đối mạnh mẽ:
– Trong trường hợp này thì không thể có chuyện đó, bởi con Audray là đứa có quá nhiều kiêu hãnh.
– Phu nhân tin là như thế?
– Tôi cam đoan là như thế.
– Kinh nghiệm của tôi lại cho thấy, – Ông già Treves chậm rãi nói – trong tình yêu, phụ nữ kiêu hãnh cũng bỏ bớt sự kiêu hãnh đi. Họ thường không có nhiều tự ái như lời họ nói.
– Tại ông chưa hiểu con Audray đấy. Nó rất yêu thằng Nevile. Rất yêu. Nhưng Nevile lại bỏ nó để lấy đứa con gái kia… Tôi trách thằng ấy… nhưng tôi cũng thông cảm. Con Kay đã cố tình bám nó, mà ông thừa biết đàn ông thì thế nào rồi!… Dù sao thì một khi đã bị chồng bỏ, con Audray không đời nào lại muốn quay lại!
– Thế mà cô ấy vẫn đến đây đấy thôi. – Ông già Treves nói.
Phu nhân Tressilian lúng túng, cố tìm một cách giải thích.
– Tôi không dám chắc tôi hiểu được kiểu suy nghĩ “hiện đại”, nhưng tôi tin rằng tôi không lầm, nếu nói rằng Audray có mặt ở đây chỉ cốt để tỏ ra là nó đã hết buồn, và chuyện ly hôn kia đối với nó không còn một chút quan trọng nào nữa.
Cụ già Treves gõ gõ cằm.
– Cũng có thể!
– Vậy ra ông cho rằng con Audray vẫn yêu thằng Nevile, và… Không đâu, chuyện đó tôi không thể tin được!
– Nhưng tôi lại thấy có thể tin.
Bà phu nhân già nổi nóng:
– Mà tôi cũng không muốn thế! Tôi không muốn nhìn thấy điều đó diễn ra trong nhà tôi!
Trong mắt ông già Treves ánh lên một vẻ ranh mãnh.
– Phu nhân không muốn nhìn thấy điều đó xảy ra trong nhà phu nhân, nhưng phu nhân phải thú nhận với tôi rằng phu nhân đang rất lo là điều đó xảy ra thật. Không khí đang rất căng thẳng. Tôi đã cảm thấy khả năng đó…
– Hay ông đã nhìn thấy biểu hiện nào rồi?
– Thật ra chỉ là một biểu hiện nhỏ và không rõ ràng. Họ rất kín đáo. Nhưng một điều đã rõ ràng: thùng thuốc súng đã sẵn sàng, chỉ cần một tia lửa nhỏ là bùng nổ…
– Thôi được, tạm cho là như thế. Nhưng theo ông thì tôi phải làm gì bây giờ?
Vị khách già dang hai tay, ý nói ông chịu.
– Thùng thuốc súng kia sớm muộn sẽ nổ tung. Khôn nhưng chưa biết nó nổ ở đâu và lúc nào…
– Nhưng chắc chắn tôi sẽ không bảo con Audray rời khỏi đây. Cách cư xử của nó trong tình huống tế nhị này hoàn toàn đúng đắn. Nó lịch thiệp, nhưng vẫn giữ khoảng cách cần thiết. Theo tôi, không có gì có thể chê trách nó được.
– Tôi đồng ý với phu nhân. Nhưng việc cô ấy có mặt ở đây không thể không ảnh hưởng đến cậu Nevile!
– Thằng Nevile quả là chưa khôn ngoan. Tôi sẽ nhắc thêm nó. Nhưng tôi cũng không thể bảo nó rời khỏi đây sớm hơn so với dự định của nó. Với lại, ông Matthew ngày xưa coi nó như con…
– Đúng thế.
Phu nhân Tressilian giấu một tiếng thở dài.
– Ông biết không? – Bà cụ hạ giọng, nói rất khẽ – Chính tại chỗ này, ông chồng Matthew của tôi đã chết đuối…
– Tôi biết…
– Rất nhiều người ngạc nhiên sao tôi còn ở lại biệt thự Mũi biển Hải âu này. Họ không biết nghĩ. Chỉ ở lại đây, tôi mới thấy Matthew luôn bên cạnh tôi. Chỗ nào trong tòa nhà này cũng mang kỷ niệm về ông ấy, cho nên nếu đi nơi khác sổng, tôi sẽ cảm thấy cô đơn và tha hương.
– Phu nhân may mắn có bà quản gia già, lại có thêm cô Aldin…
– Đúng thế, cả hai đều rất tận tụy với tôi.
– Cô Aldin ấy là một họ hàng xa của phu nhân?
– Vâng. Nó thuộc loại người chỉ biết nghĩ đến người khác, không bao giờ lo cho bản thân. Tận tụy chăm sóc ông bố liệt, và sau khi ông ta qua đời, tôi bảo nó về đây. Tôi cảm ơn số phận đã đem nó cho tôi. Một đứa thông minh, có học thức. Nhưng điều quan trọng nhất là bất kể chuyện gì tôi cũng có thể đem ra bàn với nó được. Nó lại rất ý tứ…
– Cô Aldin ấy đến với phu nhân lâu chưa?
– Mười hai năm rồi! Và tôi rất biết ơn nó.
Ông già Treves gật đầu. Phu nhân Tressilian liếc nhìn ông.
– Ông làm sao thế? – Đột nhiên bà cụ hỏi – Ông đang nghĩ gì thế?
– Không sao… Chuyện vặt thôi mà… Nhưng phu nhân vẫn còn tinh tường chứ?
– Còn… và tôi rất thích quan sát mọi người. Ngày xưa, tôi đoán được hết những gì diễn ra trong óc ông Matthew chồng tôi.
Bà cụ thở dài rồi ngả đầu lên đống gối.
– Bây giờ, ông bạn thân mến, tôi đành phải chúc ông ngủ ngon thôi…
Lời mời ra được nói theo kiểu cách quý tộc.
– Tôi thấy trong người rất mệt – Bà cụ nói thêm – Cảm ơn ông đã cho tôi một cuộc trò chuyện hết sức thích thú. Tôi hy vọng được sớm gặp lại ông, thưa ông Treves!
– Tôi cũng phải cảm ơn phu nhân. Tuy nhiên, không biết vừa rồi tôi có nói điều gì không phải không?
– Không đâu… Và ông tha lỗi, tôi mệt quá. Trước khi ra, ông làm ơn giật sợi dây chuông giúp tôi.
Cụ già Treves kéo sợi dây chuông ở đầu giường. Lúc đi xuống thang gác, ông nghe thấy một tiếng chuông nữa, và gặp bà quản gia Barrett chạy như bay lên, đi nhanh vào phòng phu nhân Tressilian.
Vừa xuống đến phòng khách, cô Aldin đã mời ông tham gia một ván bài “bridge”. Ông già Treves khước từ, bảo sắp phải về.
– Khách sạn Balmoral, – Ông nói – là một khách sạn kiểu cổ, họ không muốn khách về quá mười hai giờ đêm…
– Vậy thì còn lâu – Nevile nói – Bây giờ mới mười giờ rưỡi.
– Khách sạn Balmoral ấy có khá không ạ, vì nhìn bề ngoài thì kiến trúc quá cổ lỗ… – Latimer nói.
Nhưng bên trong lại rất ấm cúng và đầy đủ: giường nệm êm ái, thuốc lá rất ngon, tủ rộng lớn và buồng tắm lát gỗ gụ… Cho nên đừng vội căn cứ vào hình thức bên ngoài.
Cô Aldin nói:
– Nhưng cháu nghe nói hôm đầu tiên đến đó, cụ gặp chuyện gì đấy không vui?
– Có thể. Tôi đã cẩn thận viết thư dặn trước là cho tôi hai phòng dưới tầng một. Tim tôi yếu và thầy thuốc khuyên nên tránh leo thang. Nhưng hôm đến nơi, người ta lại cho tôi hai phòng tầng trên cùng. Tôi rất bực, nhưng hỏi ra thì do hai phòng họ định dành cho tôi dưới tầng một lại có chuyện trục trặc. Một ông khách lẽ ra trả phòng vào cuối tháng Tám, nhưng đột nhiên bị ốm, phải hoãn lại chuyến đi E-Cốt của ông ta, chưa trả phòng được…
– Đó hẳn là ông Lucan. – Cô Aldin nói.
– Hình như tên ông ta như thế thì phải… Tôi đành lên tầng trên cùng. May mà có thang máy cho nên cũng không trở ngại gì.
Kay quay sang nói với Latimer:
-Tại sao anh không nghỉ ở khách sạn Balntoral ngay dưới làng Saltcreek? Gần đây hơn nhiều!
– Tôi nghĩ khách sạn ấy không phải loại dành cho tôi!
Cụ Treves nói:
– Tôi cũng nghĩ như ông đấy, ông Latimer. Khách sạn ấy không có được thứ ông cần.
Latimer đỏ mặt:
– Tôi không hiểu cụ nói thế là ý làm sao!
Không khí trở nên sượng sùng trong một lát. Cô Aldin vội lái sang chuyện khác.
– Tôi vừa thấy cảnh sát bắt một người. Anh ta dính líu đến vụ giết người rồi chặt nhỏ xác ở Thị trấn Kentish…
Nevile nhún vai.
– Đây là người thứ hai bị bắt. Người trước bị bắt lầm. Hy vọng lần này họ bắt đúng thủ phạm.
– Nhưng nếu đúng là thủ phạm chăng nữa, có khi người ta vẫn phải tha! – Ông già Treves nói.
– Do không đủ bằng chứng phải không ạ? – Royde hỏi.
– Đúng thế.
Kay nói:
– Nhưng nói cho cùng thì bao giờ người ta cũng tìm ra được bằng chứng!
– Chưa hẳn thế! Nếu cô biết con số kẻ có tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng tự do, mà pháp luật không làm gì được chúng, chắc chắn cô phải kinh ngạc đấy, cô Kay Strange ạ.
– Vì người ta không khám phá ra được?
– Hoặc người ta không đủ bằng chứng kết tội chúng…
Cụ Treves kể ra hằng loạt vụ án khủng khiếp mà báo chí nói đến nhiều trong hai năm qua.
– Vụ giết những đứa trẻ ấy, – Ông già nói tiếp – cảnh sát biết thủ phạm là ai. Biết chắc chắn, không một chút nghi ngờ nào. Vậy mà họ chịu đấy. Chứng cứ ngoại phạm của hắn được hai người xác nhận. Người ta biết tình trạng ngoại phạm đó là giả, nhưng không sao chứng minh được. Thế là tên tội phạm vẫn được tự do!
Royde gõ tro trong tẩu ra, trầm ngâm nói:
– Điều này khẳng định quan điểm của tôi là đúng: có những trường hợp, người ta có quyền xử tội thay tòa án.
– Trường hợp nào chẳng hạn, ông Royde?
Thận trọng nhồi thuốc vào tẩu, Royde trình bầy quan điểm của anh.
– Chẳng hạn tôi biết rõ một kẻ phạm một tội ác ghê tởm, nhưng tòa án lại không đủ bằng chứng để kết tội hắn… Tôi cho rằng trong trường hợp ấy tôi có quyền thay mặt công lý mà xử hắn!
– Lập luận nguy hiểm! – Ông già Treves nói – Quan điểm của ông không thể chấp nhận.
– Sao lại thế, thưa cụ? Bởi đây là cháu nói đến những trường hợp tội ác đã rõ ràng, chỉ có Công lý bất lực mà thôi!
– Nhưng chúng ta không được quyền làm thay Tòa án.
– Cháu lại nghĩ khác! – Royde nói.
Rồi cười hiền hậu, anh nói thêm:
– Nếu thấy một kẻ đáng bị chặt đầu, cháu lập tức thay Công lý chặt đầu hắn, không một chút do dự.
– Khi đó, cậu sẽ phải chịu trách nhiệm trước Pháp luật!
Audray nói:
– Vì anh sẽ bị Tòa án kết tội, anh Royde thân mến ạ. Vì việc giết người của anh sớm muộn cũng bị khám phá ra.
– Chắc không? Tôi lại cho rằng họ sẽ không khám phá ra được…
Ông già Treves nói, có phần như nhận lỗi:
– Tội phạm học là lĩnh vực tôi rất quan tâm. Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều vụ trọng án, và tôi nhận thấy rất ít vụ lý thú. Kẻ sát nhân hầu như bao giờ cũng là những con người hết sức bình thường, thiển cận là khác. Họ chỉ nhìn không xa hơn cái mũi của họ. Tuy nhiên, có một số vụ hết sức lý thú…
Kay kêu lên:
– Cụ kể cháu nghe vài vụ lý thú đi. Cháu rất thích nghe chuyện vụ án!
Ông già Treves cân nhắc từng chữ, chậm rãi kể:
– Nhân vật chính trong vụ này là một đứa trẻ, tôi sẽ không nói đến tuổi và nó là trai hay gái. Sự việc diễn ra thế này. Hai đứa trẻ chơi cung tên. Một đứa bắn trúng đứa kia. vết thương làm đứa kia chết. Người ta tiến hành điều tra. Đứa trẻ gây ra cái chết rất hoảng hốt, tuyệt vọng. Tòa chỉ thấy nó đáng thương. Thế là…
– Chỉ có thế thôi ạ?
– Có thế thôi. Một trường hợp ngẫu nhiên đáng tiếc. Nhưng câu chuyện sẽ khác đi nếu người ta biết rằng, trước đó ít lâu, một bác nông dân đi con đường trong rừng đã nhìn thấy đứa trẻ đó tập bắn cung trong một chỗ rừng thưa…
Ông già ngừng nói, nhường phần cho những người nghe tự kết luận.
Cô Aldin nói:
– Nghĩa là đứa trẻ đó không phải ngẫu nhiên giết người mà có dụng ý?
– Tôi không biết. Trong khi điều tra, người ta nhận định rằng cả hai đứa trẻ đều không biết bắn cung, và chúng bắn vụng về, chỉ ngẫu nhiên trúng…
– Sự thật không phải thế?
Chắc chắn không phải thế đối với một đứa!
– Bác nông dân kia đã làm gì, thưa cụ? – Audray nói, giọng rất xúc động.
– Bác ta không làm gì cả. Bác ta xử sự như vậy là đúng hay không đúng? Tôi luôn tự hỏi như thế. Bác ta nắm trong tay tương lai của đứa trẻ kia… và có lẽ bác ta nghĩ, nó là trẻ con, nên để yên cho nó.
– Nhưng riêng cụ thì nghĩ sao ạ?
– Tôi cho rằng đấy là một tội ác có tính toán hết sức tinh vi. Tuy thủ phạm là trẻ con, nhưng vụ án được chuẩn bị cực kỳ tỉ mỉ, chu đáo.
– Động cơ nó là gì, thưa cụ? – Latimer hỏi.
– Thiếu gì động cơ: cãi cọ nhau, văng tục ra với nhau, bao nhiêu khả năng ấy chứ!… Trẻ con rất dễ thâm thù nhau.
Cô Aldin nói:
– Cụ nói đúng, nhưng đứa trẻ cố tình giết bạn…
– Tất nhiên đấy là chi tiết đáng buồn nhất trong câu chuyện. Khó mà tin được một đứa trẻ lại có thể chuẩn bị kỹ càng như thế, rồi thực hiện, và sau đó giả vờ đau khổ… Khó tin đến mức Tòa án không sao chấp nhận được khả năng ấy!
– Đứa trẻ ấy, hiện ra sao, thưa cụ?
– Theo tôi biết, – Cụ Treves đáp – nó đã đổi tên. Vì vụ án gây dư luận ầm ĩ một dạo, nên nó phải đề phòng. Hiện nay nó đã là người lớn, đang sống tại một nơi nào đó trên trái đất của chúng ta… và vấn đề là liệu bây giờ còn giữ kiểu suy nghĩ của một kẻ tội phạm hay không!
Ông già nói thêm, vẻ trầm ngâm:
– Tất cả những chuyện đó xảy ra đã lâu lắm rồi, nhưng nếu bây giờ gặp lại nó, chắc chắn tôi vẫn nhận ra được…
– Cụ tin chắc như vậy? – Royde nghi ngờ nói.
– Chắc! Do đứa trẻ có một đặc điểm về nhận dạng… Nhưng tôi không muốn mở rộng ra vấn đề này, vì sẽ làm chúng ta mất vui. Vả lại, đã đến giờ tôi phải về…
Ông già Treves đứng dậy.
Cô Aldin năn nỉ cụ uống thêm một chút gì đó trước khi về khách sạn. Royde vội vã chạy đến chỗ để đồ uống.
Audray đứng bên cửa sổ, nhìn ra sân tràn trề ánh trăng.
Nevile bước đến gần cô vợ cũ, nói:
– Trăng đẹp quá! Ta ra ngoài đó đi!
– Cảm ơn – Audray nói – Em đang mệt, phải đi ngủ thôi…
Cô quay vào phòng khách. Mọi người chào chia tay nhau. Lát sau Audray đi ra. Tiếp đó đến Kay, miệng ngáp. Rồi cô Aldin.
Trong phòng khách chỉ còn lại nam giới.
Latimer tỏ ra vồn vã:
– Để cháu đưa cụ về. Khách sạn của cụ trên đường cháu đi mà…
– Tôi sẽ rất sung sướng được đi với cậu…
Mặc dù nói là muốn về, nhưng ông cụ không có vẻ vội vã. Cụ chậm rãi nhấp ly whisky, hỏi Royde tỉ mỉ về cuộc sổng ở Malaisia.
Royde trả lời chỉ bằng từng chữ một: “có” hoặc “không”. Nhưng anh không tiết kiệm lời đến thế giá như cụ già hỏi về lãnh vực quốc phòng. Mải đuổi theo dòng suy nghĩ riêng tư, Royde không hào hứng tiếp chuyện ông già.
Latimer thì có vẻ bồn chồn. Anh ta sốt ruột muốn về.
Đột nhiên anh ta kêu lên:
– Suýt quên! Tôi đem đến cho Kay mấy cái đĩa nhạc cô ấy hỏi. Tôi để ngoài hành lang. Royde, tôi nhờ anh sáng mai nói giúp với Kay là tôi để ở đó…
– Tôi sẽ nói.
Latimer ra rồi, ông già Treves nhận xét rằng anh chàng ấy là con người hiếu động, và Royde tán thành nhận xét ấy bằng một tiếng ầm ừ.
– Anh ta là bạn trai cũ của cô Kay phải không?
– Vâng, đúng thế. – Royde đáp.
– Có vẻ anh Latimer không thích cô Audray.
– Vâng, có vẻ thế.
– Còn cậu, hình như cậu lại thân với cô ấy.
– Thời thơ ấu, cô Audray sống trong gia đình tôi, chúng tôi gần như anh em…
– Có vẻ cô ấy là một phụ nữ hết sức đáng yêu!
Royde chỉ ậm ừ, không trả lời rõ rệt.
Cụ Treves không buông tha:
– Cậu có thấy lạ lùng là hai cô vợ cũ và mới của Nevile lại cùng có mặt ở đây một lúc không?
– Kể cũng hơi lạ!
– Chắc đây là lần đầu tiên cô vợ trước rơi vào hoàn cảnh “tế nhị” này…
– Cháu cho rằng, “hết sức khó khăn” ấy chứ!
Ông già Treves nghiêng người về phía trước, hỏi rất khẽ:
– Theo cậu thì tại sao cô Audray ấy lại đến đây?
– Cháu cho rằng cô ấy không tiện từ chối. – Royde lúng túng đáp.
– Từ chối?… Nhưng từ chối với ai?
Royde ngày càng lúng túng:
– Theo cháu thì Audray có lệ là hàng năm đến đây vào tháng này…
– Và phu nhân Tressilian mời luôn Nevile cùng cô vợ mới của cậu ta đến đây đúng vào lúc đó?
Câu hỏi của ông già Treves có vẻ không tin.
Royde đáp:
– Theo cháu thì hình như Nevile đã đề nghị cô Audray không thay đổi thông lệ cũ.
– Có nghĩa Nevile muốn có cuộc gặp gỡ giữa hai cô vợ mới và cũ?
Tránh cặp mắt ông già, Royde đáp:
– Cháu đoán thế.
– Lạ đấy!
– Theo cháu, là ngu ngốc ấy chứ!
– Gây khó xử cho cả ba!
Royde chậm rãi nói:
– Theo cháu, thời nay người ta coi đó là chuyện bình thường.
– Có thể!… Nhưng tôi đang nghĩ, có thể đó không phải ý tưởng của Nevile…
Royde ngạc nhiên ngước nhìn ông già:
– Vậy theo cụ thì của ai?
Ông già Treves thở dài.
– Có rất nhiều người muốn người khác được hạnh phúc. Rất nhiều người luôn quan tâm đến cuộc đời người khác và khuyên bảo người khác cách sống sao cho hạnh phúc…
Ông cụ ngừng bặt: Nevile vừa từ ngoài sân vào. Đồng thời Latimer cũng từ hành lang sang phòng khách.
– Cậu cầm cái gì thế kia, Latimer? – Nevile hỏi.
– Mấy đĩa nhạc Kay muốn có.
– A, phải rồi, cô ấy có nói với mình.
Giữa hai người đàn ông, có một chút ngượng ngùng. Nevile lảng đi bằng cách ra bàn nước rót một ly whisky. Nét mặt anh cau có. Cụ Treves chợt nhớ người ta luôn nhận định Nevile là “con người không còn phải ao ước thứ gì”, nhưng lúc này anh ta không phải như thế.
Thấy Nevile vào, Royde cho rằng mình không còn nhiệm vụ phải tiếp ông khách già nữa. Không chào ai, anh ta ra nhanh khỏi phòng khách, như kiểu chạy trốn.
Ông già Treves đặt chiếc ly xuống bàn, nói:
– Tôi được hưởng một buổi tối rất dễ chịu và rất bổ ích.
– Bổ ích à? – Nevile cau mày hỏi lại.
– Chắc ý cụ nói đến những chuyện lý thú về quần đảo Mã Lai? – Latimer cười toác miệng, nói. Anh Royde hẳn kể ra nhiều thứ lắm.
– Chúng tôi gọi anh ta là “Royde – Lầm lì” đấy, Nevile nói.
– Nói ít, chưa hẳn đã là suy nghĩ ít – Cụ Treves nhận xét – Nhưng thôi, tôi phải về khách sạn bây giờ!
Nevile tiễn hai người khách, một già một trẻ, ra ngoài hành lang.
Khách sạn Balmoral chỉ cách đó vài trăm mét. Latimer còn phải đi thêm khoảng ba trăm mét nữa mới đến bến phà để sang bên thị trấn.
Đến cửa khách sạn, cụ Treves chìa tay:
– Chúc cậu ngủ ngon, cậu Latimer!… Cậu còn ở đây lâu không?
Latimer cười vui vẻ, nhe hai hàm răng trắng bóng.
– Còn tùy, thưa cụ Treves! Bao giờ cháu thấy chán đã…
– Tôi biết lớp trẻ các cậu hiện nay, thứ các cậu sợ nhất là “chán”… Nhưng có những thứ còn đáng sợ hơn đấy…
– Thứ gì chẳng hạn, thưa cụ?
Bỗng họ nhìn thấy một bóng người từ phía biệt thự Mũi biển Hải âu đi lại. Lát sau họ nhận ra, đó là Royde.
– Cháu đi dạo hóng gió biển một chút. – Anh nói – Cụ nghỉ ở khách sạn này à? Vậỵ hai chúng cháu đưa cụ đến chân cầu thang máy.
Royde đẩy cửa, ba người đi vào. Bên trong không có ai, chỉ một ngọn đèn điện chiếu sáng. Bỗng cụ Treves thốt lên một tiếng bực bội, cửa thang máy treo tấm biển nhỏ đề: Thang máy hỏng.
– Chà, thế là đành leo bộ. Nhưng không sao. Tôi sẽ đi rất chậm. Hễ mệt là nghỉ. Hai cậu về đi. Chúc ngủ ngon, hai bạn trẻ!
Ra đến cửa, Royde bỗng nói:
– Chào anh bạn. Chúc ngủ ngon!
– Chúc ngủ ngon!
Trong lúc Latimer đi về phía bến phà thì Royde quay ngược lại, đi về phía biệt thự Mũi biển Hải âu.
Trăng vừa ra khỏi một đám mây.