Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hàm Cá Mập

Chương 7

Tác giả: Peter Benchley

Những ngày nghỉ tĩnh tại và êm đềm như thế này chỉ có vào cuối thu. Hai ngày nay các bãi tắm đã đóng cửa, cảnh sát đi tuần từ sáng sớm đến tối mịt. Amity gần như không có sự sống. Hooper phóng dọc bờ biển trên chiếc canô của Ben Gardner nhưng tất cả những gì anh bắt gặp trong nước chỉ là vài đàn cá con và một đàn rắn đẻn không lớn. Ngày chủ nhật anh bám bờ biển East Hampton – trên các bãi tắm đầy người, vì anh cho rằng cá mập có nhiều khả năng xuất hiện hơn cả ở nơi nào có người tắm. Cho tới chiều thì anh tuyên bố với Brody rằng cá mập, xét theo mọi chiều hướng, đã lặn xuống sâu rồi.

– Tại sao anh lại nghĩ thế? – Brody hỏi.

– Không có vẻ gì là nó ở đây cả, – Hooper trả lời – Quanh đây có nhiều cá các loại. Nếu như gần đây có cá mập trắng lớn, thì các loài cá khác phải biến đi rồi. Dẫu sao thì các thợ lặn vẫn thường khẳng định khi có cá mập trắng ở đâu đó cạnh đấy là trong nước dường như chết lặng cả.

– Anh chưa thuyết phục được tôi, – Brody nói. – Hay ít ra là chưa thuyết phục được đến mức cho mở các bãi tắm.

Brody biết rằng sau những ngày yên ả không có tai biến gì anh sẽ lại bị áp lực từ phía Vaughan. Các nhân viên bán bất động sản, các chủ hiệu thể nào cũng đòi hỏi anh mở cửa các bãi tắm. Thậm chí anh mong muốn Hooper phát hiện được cá mập. Như thế còn đi một nhẽ. Chứ bây giờ chỉ có dữ kiện về sự vắng mặt của con cá, mà đối với đầu óc một người cảnh sát thì cái đó không nói lên gì nhiều.

Trưa thứ hai Brody đang ngồi trong phòng làm việc của mình, Bixby bước vào và nói rằng Ellen gọi điện tới.

– Xin lỗi, em lại quấy rầy anh, – chị nói – Nhưng em muốn hỏi ý kiến anh. Ta mời khách tới dự bữa tối được chứ? Anh xem thế nào?

– Nhân dịp gì vậy?

– Thích thế thôi, chẳng nhân dịp gì cả. Đã từ đời thuở nào rồi ta chưa tổ chức. Em cũng chẳng nhớ lần cuối cùng là từ khi nào.

– Anh cũng chẳng nhớ, – Brody nói, đó là anh nói dối. Anh nhớ rất rõ bữa tiệc cuối cùng của họ: ba năm trước Ellen đã nảy ra ý định khôi phục các mối liên lạc với tầng lớp đến nghỉ hè. Chị đã mời ba đôi đi nghỉ mát đến. Tất cả đều là những con người khá dễ chịu, nhưng câu chuyện vẫn chẳng ăn nhập đâu vào đâu, và ai cũng cảm thấy khó xử. Brody và khách khứa uổng công tìm những đề tài chung. Sau đó khách bắt đầu nói chuyện chủ yếu với nhau, tuy không quên lôi cuốn Ellen vào chuyện một cách lịch sự, mỗi khi chị thốt lên câu gì đại loại: “À, tôi có nhớ anh ấy!” Ellen lại bị xao xuyến, kích động. Sau khi khách khứa đã ra về, Ellen vừa rửa bát đĩa, vừa hai lần hỏi Brody: “Bữa ăn tuyệt đấy chứ, có phải không?” Sau đó chị vào buồng tắm đóng cửa lại và khóc một hồi lâu.

– Vậy thì anh thấy thế nào? – Ellen hỏi.

– Chẳng biết nữa. Nếu như em thích thì có thể tổ chức. Thế em định mời ai?

– Trước hết, em tính nên mời Matt Hooper.

– Để làm gì? Anh ấy dùng bữa ở khách sạn “Biểu trưng của Abelard”. Khoản ấy nằm trong tiền thuê buồng rồi.

– Vấn đề đâu phải ở chỗ ấy, anh Martin? Ở đây anh ấy chẳng có bạn bè, người quen kẻ thuộc gì. Với lại anh ấy giỏi giang lắm.

– Làm sao em biết? Anh cứ tưởng em không quen anh ta.

– Em chưa nói với anh à? Em tình cờ gặp anh ấy ở cửa hàng chú Albert Morris hôm thứ sáu. Em cứ đinh ninh rằng đã kể cho anh nghe rồi.

– Chưa. Nhưng cũng chẳng quan trọng.

– Hóa ra anh ta là em của Hooper, người mà em đã có dạo quen. Anh ta nhớ nhiều chuyện về em hơn em nhớ anh ta. Tuy rằng anh ta trẻ hơn nhiều.

– Hừm. Em dự định khi nào tổ chức liên hoan?

– Có lẽ tối mai? Em nghĩ rằng chúng mình sẽ giải khuây một cách dễ chịu với một đám bạn bè nho nhỏ. Vài đôi thôi. Có lẽ, tất cả độ sáu đến tám người.

– Ừ, nhưng em mời ngày mai kia à. Em có chắc rằng sẽ tập hợp được đủ không?

– Tất nhiên. Tuần này cũng chẳng có gì vướng mắc lắm. Họa chăng chỉ có ai đó đã hẹn chơi bài britgiơ vào buổi tối.

– Em muốn nói những người vãng lai ấy à? – Brody hỏi.

– Vâng. Matt chắc sẽ cảm thấy thoải mái với họ. Ý kiến của anh về vợ chồng Baxter thế nào? Họ cũng là những người dễ chịu đấy chứ?

– Anh biết họ ít lắm.

– Không, anh biết đấy, nỡm ạ. Clem và Cici Baxter ấy mà. Họ thời con gái của chị ấy là Davenport. Họ sang ở đường Scotch ấy mà. Anh chồng giờ đang nghỉ phép. Em gặp sáng nay ngoài phố, anh ấy bảo em thế.

– Được. Cứ mời nếu em muốn.

– Còn mời ai nữa không?

– Ai mà anh có thể chuyện trò được ấy. Có lẽ mời gia đình Meadows?

– Hooper đã quen Harry rồi.

– Anh ta chưa biết Dorothy. Mà chị này chuyện trò khá rôm rả đấy.

– Được rồi. – Ellen nói. – Có lẽ một ít sắc thái địa phương cũng chẳng hại gì. Với lại Harry lúc nào cũng biết đủ thứ.

– Anh không nghĩ đến chuyện sắc thái địa phương, – Brody sẵng giọng. – Họ là bạn của chúng ta.

– Dĩ nhiên rồi. Em có định nói điều gì xấu đâu.

– Nếu em cần sắc thái địa phương, thì em sẽ tìm thấy nó ở nửa kia của cái giường ngủ trong gia đình.

– Em đã nói là em không nói điều gì xấu cả mà.

– Em đã nghĩ đến một cô gái nào chưa? – Brody hỏi. – Anh cho là phải mời một thiếu nữ xinh xắn nào đó để giới thiệu cho Hooper.

Một thoáng qua đi, Ellen mới trả lời:

– Nếu anh cho là cần.

– Nói chung anh thì thế nào cũng được. Chẳng qua anh nghĩ là anh ta sẽ thấy hứng thú được nói chuyện với một cô gái cùng lứa.

– Anh ta cũng không còn trẻ lắm nữa đâu, Martin ạ. Mà chúng ta đã già lắm đâu. Thôi được rồi. Em sẽ nghĩ xem ai có thể làm anh ta thích được.

– Thôi, đến chiều nhé. – Brody nói rồi ngắt điện thoại.

Tâm trạng anh đang rất không vui. Bữa tiệc không hứa hẹn điều gì tốt cả. Anh lờ mờ cảm thấy, và càng nghĩ đến càng tin chắc rằng Ellen đã quyết thực hiện một mưu toan mới nhằm trở về với thế giới trước kia của mình, và lần này chị muốn quay lại đó với sự giúp đỡ của Hooper.

Ngày hôm sau Brody về nhà lúc quá năm giờ. Trong phòng ăn Ellen đang sắp sửa bàn ăn. Brody hôn vào má chị và nói:

– Chà chà, đã lâu anh chưa nhìn bộ đồ ăn bằng bạc này rồi. – Bộ đồ ăn bằng bạc này là do bố mẹ Ellen cho hôm cưới.

– Em đánh sạch nó mất mấy tiếng đồng hồ đấy.

– Nhìn này! – Brody cầm từ bàn lên chiếc cốc nom giống như một bông hoa tuylíp. – Em kiếm chỗ cốc này ở đâu ra đây?

– Em mua đấy.

– Giá bao nhiêu? – Brody đặt chiếc cốc lên bàn.

– Cũng không đắt đâu, – chị vừa nói, vừa trải khăn rải bàn và cẩn thận đặt đĩa cho món xalát và đĩa cho món nóng.

– Bao nhiêu?

– Mười hai đôla. Nhưng mà được cả một tá cốc ấy.

– Khi em mời mọc khách khứa thì em không tính đến tiền nong nhỉ.

– Nhà ta chẳng có cốc tách nào ra hồn để uống rượu cả, – chị thanh minh. – Có dăm cái cốc mà mấy tháng trước cũng vỡ rồi, cái hồi thằng Sean làm đổ tủ buýpphê ấy.

Brody nhìn khắp lượt bàn ăn:

– Em sắp cho sáu người ăn? – anh hỏi. – Có chuyện gì vậy?

– Vợ chồng Baxter không đến được. Cici đã gọi điện nói. Clem phải vào thành phố có việc gì đó, nên Cici quyết định cùng đi với chồng. Họ sẽ ngủ lại ở đấy, – trong giọng nói của chị có một sự vui vẻ giả tạo, một sự thản nhiên gượng gạo.

– Ra thế đấy, chán nhỉ. – Thực tế điều ấy chẳng làm anh buồn chán chút nào. – Thế em đã kiếm được cô nàng hoa khôi nào cho Hooper chưa?

– Có Daisy Wicker. Cô ấy làm ở “Bibelot”[21] của Gibby. Một cô gái dễ chịu.

– Lúc nào mọi người sẽ đến?

– Vợ chồng Meadows và Daisy thì bảy rưỡi. Còn Matthew thì em mời đến lúc bảy giờ.

– Anh cứ nghĩ rằng tên anh ta là Matt.

– Đấy là em gọi đùa hồi anh ấy còn nhỏ, anh ấy cũng nhắc em nhớ chuyện đó. Em mời anh ấy đến sớm hơn để có thể chơi với lũ trẻ. Chắc anh ấy sẽ thấy vui thú.

Brody nhìn đồng hồ.

– Nếu khách bảy rưỡi mới đến, thì ta sẽ chưa thể ngồi vào ăn ngay được, chắc phải tám rưỡi chín giờ. Thế thì chết đói mất. Có lẽ anh phải chén cái gì đã. – Nói đoạn anh đi xuống bếp.

– Đừng có chén kễnh bụng nhé. Hôm nay em làm một bữa ngon lắm.

– Em đang nấu món gì?

– Đây gọi là món cừu áp chảo[22]. Chắc là em không đến nỗi rán già quá.

– Thơm lắm, – Brody nhận xét. – Còn cái thứ hỗn tạp hổ lốn ở cạnh bồn rửa ấy là cái gì? Đổ nó đi mà rửa nồi nhé.

– Cái thứ hổ lốn nào? – Ellen từ phòng ăn hỏi vọng xuống.

– Cái đống trong nồi ấy mà.

– Trời đất ơi! – chị kêu lên và vội vã đi xuống bếp. – Ai lại đổ đi, – chị nhìn thấy ngay nụ cười trên gương mặt Brody. – Anh vô ý vô tứ thật, – chị đập tay lên vai anh. – Đây là món gazpacho[23]. Súp đấy.

– Em cho là ăn được à? – Brody trêu. – Nó nhờn nhờn thế nào ấy.

– Nó phải như thế mới đúng, ngốc ạ.

Brody lắc đầu.

– Ông bạn Hooper chắc sẽ tiếc là không ăn ở khách sạn “Abelard”.

– Anh chỉ được cái phá quấy, – chị kêu lên. – Cứ thử ăn rồi sẽ nói năng với giọng khác.

– Cũng có thể. Nếu anh còn sống được đến lúc ấy, – Brody cười và bước lại chỗ tủ lạnh. Anh lục tủ lạnh tìm một ít giò và pho mát. Anh mở một lon bia rồi đi vào phòng ăn. – Có lẽ anh sẽ nghe tin thời sự, xong rồi sẽ đi tắm và thay quần áo.

– Em đã giải vải lót giường sạch sẽ cho anh rồi đấy. Cạo râu đi được rồi. Mới chiều mà đã râu ria lởm chởm lên…

– Thánh đế ơi, hoàng thân Philip hay Jackie Onassis đến dự chiêu đãi?

– Thì em cốt muốn cho anh nom chỉnh tề thôi chứ có gì đâu.

Quãng bảy giờ có tiếng chuông vang lên. Brody ra mở cửa.Trên người anh là chiếc áo sơ mi xanh lơ bằng vải bông, chiếc quần xanh sẫm có mác và đôi giầy đen bằng da Cordova. Tự anh cũng thấy bằng lòng với chính mình. “Oách rồi” – Ellen lên tiếng. Nhưng khi Brody mở cửa cho Hooper, thì anh bỗng cảm thấy mình gần như kẻ khố rách áo ôm. Hooper mặc quần bò ống loe màu xanh sẫm, đôi giày đúng mốt và chiếc áo đỏ có hình cá sấu trên ngực. Đám thanh niên con nhà giàu ở Amity vẫn mặc như vậy.

– Chào anh, – Brody nói. – Vào đi.

– Chào anh, – Hooper đáp. Anh ta chìa tay ra và Brody bắt tay.

Ellen đã ra khỏi bếp. Chị mặc váy dài bằng vải batit, đôi giày đi buổi tối và chiếc áo cánh lụa màu xanh lơ. Trên cổ có chuỗi ngọc – quà cưới của Brody.

– Matthew, – chị nói, – anh đến, tôi mừng quá.

– Tôi cũng vui sướng vì chị đã mời tôi, – Hooper vừa trả lời, vừa bắt tay Ellen. – Xin lỗi là tôi ăn mặc như thế này. Tôi chẳng mang gì theo người cả, ngoài bộ quần áo làm việc. Nhưng đều sạch sẽ cả đấy, – tôi xin cam đoan như vậy.

– Chỉ nói vớ vẩn nào. Nom anh chúa lắm. Màu đỏ rất hợp với nước da rám nắng và mái tóc của anh.

Hooper bật cười và quay về phía Brody:

– Xin phép anh, tôi muốn tặng chị ấy một món quà.

– Ý anh nói quà cáp gì thế? – Brody hỏi, mà trong bụng nghĩ thầm: “Quà kiếc gì thế nhỉ? Một cái hôn? Hộp kẹo sôcôla?”

– À quà vặt vãnh thôi mà. Chẳng có gì đặc biệt đâu.

– Anh cứ việc tặng, – Brody nói, tuy vẫn chưa hiểu cần phải xin phép làm gì.

– Xin tặng bà chủ, để tỏ dấu hiệu xin lỗi vì bộ trang phục không thích hợp trên người tôi.

Ellen cười hì hì và cẩn thận cầm lấy cái gói. Hóa ra bên trong là một vật nửa như đồ trang sức để đeo, nửa như ngọc bội.

– Tuyệt mỹ thật, – chị thốt lên. – Cái gì vậy?

– Răng cá mập, – Hooper trả lời. – Răng cá mập hổ, nếu nói chính xác hơn. Viền bạc đấy.

– Anh kiếm nó ở đâu ra?

– Ở Macao. Tôi có đi ngang qua nơi ấy hai năm trước nhân có việc. Ở cái phố ngoại ô có một cửa hiệu nho nhỏ có một người Trung Quốc bé nhỏ ngồi bên trong, ông ta cả đời đánh bóng răng cá mập và cho nó vào những cái vỏ bằng bạc. Thế là tôi không cưỡng nổi.

– Macao, – Ellen nhắc lại. – Chả rõ tôi có tìm được Macao trên bản đồ không. Ở đấy chắc là kỳ thú lắm.

– Nó cũng không xa Hồng Kông là bao, – Brody nhận xét.

– Đúng đấy, – Hooper nói. – Với lại, có một điều mê tín như thế này: nếu có răng cá mập bên mình, thì cá mập sẽ không động đến ta. Trong những hoàn cảnh hiện nay tôi nghĩ rằng nó có thể có ích.

– Hẳn thế, – Ellen nói. – Anh cũng có một cái như thế chứ?

– Có, – Hooper đáp, – nhưng tôi không biết cách mang nó bên người. Tôi không thích có cái gì đó lủng lẳng trên cổ, còn nếu đút nó vào túi quần, thì còn bất tiện gấp đôi. Thứ nhất nó có thể cắm vào chân, thứ hai là trong quần có thể sinh ra lỗ thủng. Nó cũng chả khác nào mang dao díp mở lưỡi trong túi. Vì thế nên tính thực tiễn đã thắng sự mê tín trong tôi, ít nhất là trong khi còn ở trên cạn.

Ellen phá lên cười rồi quay lại Brody:

– Anh Martin, em có thể nhờ anh chút việc được không? Anh lên gác mang xuống cho em chiếc dây chuyền bạc manh mảnh trong hộp đựng đồ nữ trang ấy, nhé. Em sẽ đeo cái răng cá mập mà Matthew tặng ngay bây giờ. – Chị quay về phía Hooper: – Tôi nghĩ là vào bữa ăn ta sẽ chẳng phải nhắc đến cá mập nữa.

Brody đã đi lên thang thì Ellen lại yêu cầu:

– Còn việc nữa, anh Martin, bảo lũ trẻ con xuống nữa nhé.

Brody lên gác và ngoặt vào hành lang, tai còn nghe thấy tiếng Ellen:

– Gặp lại anh thế này dễ chịu quá.

Brody vào phòng ngủ, ngồi xuống mép giường. Anh thở sâu, khi thì nắm tay phải thành nắm đấm, khi thì duỗi ra. Anh muốn kìm nén cơn thịnh nộ và sự bàng hoàng, nhưng không đạt kết quả mấy. Anh có cảm tưởng là một kẻ được trang bị bằng loại khí giới khác thường vô hình, đã xâm nhập vào nhà anh, mà anh, Brody, không thể đối phó được: vẻ ngoài hấp dẫn, sự trẻ trung và điều chủ yếu là anh ta thuộc về cái thế giới mà Ellen, anh tin chắc như vậy, không bao giờ thôi nhớ nhung. Nếu như lúc đầu anh tưởng rằng Ellen định sử dụng Hooper để gây ấn tượng đối với những người đi nghỉ khác, thì bây giờ anh đã hiểu rằng vợ anh muốn tự mình gây ấn tượng đối với chính Hooper. Nhưng để làm gì? Có thể anh nhầm. Xét cho cùng, Ellen và Hooper đã quen nhau từ lâu. Có nhẽ, anh tưởng tượng ra chẳng biết đến đâu, trong khi hai người bạn chỉ muốn khôi phục lại mối giao tiếp. Bạn bè ư? Trời đất ơi, Hooper ắt phải trẻ hơn Ellen quãng chục tuổi. Vậy thì ngày ấy làm sao họ có thể là bạn là bè gì được? Người quen ư? Vị tất đã đúng. Thế thì tại sao cô ấy lại phải gắng gượng ra vẻ một mệnh phụ thượng lưu. “Cái đó làm giảm phẩm giá cô ta, – Brody nghĩ, – và làm giảm phẩm giá của cả mình nữa, bởi vì với cái trò ấy cô ta có thể gạch bỏ toàn bộ cuộc sống chung của hai người”.

– Mặc mẹ tất cả những thứ đó, – anh thốt lên thành lời. Anh đứng dậy, kéo ngăn kéo tủ com-mốt và bắt đầu lục lọi tới lúc tìm thấy hộp nữ trang của Ellen. Lôi dây chuyền bạc ra, anh đóng ngăn kéo lại và bước ra hành lang. Nhòm vào phòng lũ trẻ, anh bảo: “Này, toàn đội, tiến” – rồi đi xuống thang.

Ellen và Hooper ngồi ở hai góc đivăng. Khi Brody bước vào phòng khách, anh nghe thấy lời Ellen.

– Có lẽ, bây giờ anh không thích tôi gọi anh là Matthew?

Hooper cười đáp:

– Tôi không phản đối. Nó gợi đến những hồi niệm. Cho dù có lời nói hôm nọ của tôi, việc ấy chẳng có gì xấu cả.

“Hôm nọ à? – Brody nghĩ bụng. – Ở cửa hàng đồ sắt mình thừa biết đấy là câu chuyện gì”.

– Đây, – anh vừa nói vừa trao cho Ellen dây chuyền.

– Cám ơn, – chị đáp, rồi tháo chuỗi ngọc ra khỏi cổ và quẳng nó lên bàn. – Matthew này, giờ anh chỉ cho tôi cách đeo nó đi.

Brody lấy chuỗi ngọc bỏ vào túi. Lũ trẻ túm tụm kéo xuống chỉnh tề trong bộ quần áo thể thao. Ellen đeo dây chuyền vào cổ, mỉm cười với Hooper và nói:

– Lại đây, các con. Tới làm quen với chú Hooper nhé. Đây là Billy Brody. Thằng Billy mười bốn. – Billy nắm tay chào Hooper. – Còn đây là Martin – con. Cháu mười hai. Đây là Sean, cháu lên chín… gần lên chín. Chú Hooper là nhà hải dương học.

– Nếu nói chính xác hơn thì là nhà ngư học, – Hooper lên tiếng.

– Thế là cái gì ạ? – Martin – con hỏi.

– Nhà động vật học, chuyên gia về cá.

– Nhà động vật học là gì ạ? – thằng Sean hỏi.

– Cháu biết rồi, – Billy đáp. – Đấy là người nghiên cứu động vật.

– Đúng rồi, – Hooper trả lời. – Cừ lắm.

– Chú định bắt con cá mập ấy ạ? – Martin – con hỏi.

– Chú muốn tìm thấy nó. Nhưng không rõ có được không. Có thể nó đã bơi đi rồi.

– Thế chú đã bắt được một con cá mập nào chưa?

– Rồi, nhưng không to như con cá này.

– Cá mập có đẻ trứng không ạ? – Sean hỏi.

– Chàng trai ạ, đây là một câu hỏi xác đáng và rất rắc rối. Phải, một số loài cá mập có đẻ trứng, nhưng không giống gà đẻ đâu.

Ellen chen vào:

– Đừng bắt tội chú Hooper, các con, – chị quay về phía chồng. – Anh Martin, hay là ta uống cái gì đó?

– Sẵn lòng, – Brody nói. – Nhưng cái gì mới được chứ?

– Rượu gin pha nước giải khát[24] là tôi rất ưng, – Hooper nói.

– Thế còn em, Ellen?

– Để nghĩ tí đã. Có lẽ một ít rượu vécmút pha đá.

– Mẹ ơi, – Billy lên tiếng, – mẹ có cái gì ở cổ thế?

– Răng cá mập, con ạ. Chú Hooper đây tặng mẹ đấy.

– Chà! Cực kỳ thật. Cho con xem với nhé.

Brody xuống bếp. Rượu để trong tủ gắn phía trên bồn rửa. Cánh cửa bị kẹt. Anh lấy sức kéo quai cửa bằng kim loại, rốt cuộc nó nằm lại trên tay. Theo phản xạ máy móc anh ném nó vào thùng rác, lấy tuốcnơvít ra nậy cửa tủ. Rượu vécmút. Nó ở trong cái chai khỉ gió nào nhỉ? Họ chưa bao giờ uống vécmút pha đá. Nếu Ellen có uống thì cũng chỉ hãn hữu, mà thường lại là uýt-xki, hòa thêm ít nước chanh gừng. À, đây rồi, cái chai xanh. Tít tận trong góc. Brody thộp lấy cái chai, vặn nút và ngửi ngửi hít hít. Mùi hệt như mùi rượu hoa quả rẻ tiền mà bất cứ kẻ nát rượu nào cũng mua với giá sáu mươi chín xu một pin.[25]

Brody pha rượu, anh hòa uýt-xki với nước chanh gừng cho mình. Anh toan lấy chiếc cốc con làm định mức như thường lệ, nhưng lại đổi ý và rót gần một phần ba cốc. Anh đổ nốt nước chanh lên, thả vài cục nước đá và với tay lấy hai cái cốc khác. Mang ba cốc bằng một tay được, chỉ cần thả ngón tay vào một chiếc cốc trong số đó. Anh đã làm như vậy.

Billy và Martin ngồi trên đivăng cùng với Ellen và Hooper. Thằng Sean ngồi trên sàn. Brody nghe thấy Hooper đang nói chuyện gì đó về lợn con, còn thằng Martin thì thốt lên:

– Thật không ạ?

– Đây này, – Brody vừa nói vừa chìa cốc cho Ellen – đúng chiếc cốc có ngón tay của anh ở trong.

– Kiểu này anh chẳng thể nào được tiền puốcboa đâu, – Ellen nhận xét. – May mà anh không chọn nghề hầu bàn.

Brody nhìn vợ, nghĩ cách trả miếng, và tìm được câu sau đây:

– Xin lỗi nữ công tước. – Đoạn anh đưa cốc khác cho Hooper và hỏi. – Ông đã đặt món này chứ gì?

– Tuyệt quá. Cám ơn anh.

– Matt đang kể chuyện con cá mập anh ấy bắt được ấy, – Ellen tiếp tục. – Trong bụng nó người ta thấy gần như nguyên cả một con lợn con.

– Thế cơ à? – Brody vừa thốt ra lời, vừa ngồi xuống chiếc ghế đối diện với đivăng.

– Chưa phải thế là đã hết đâu, bố ạ, – thằng Martin góp chuyện. – Trong ấy còn có một cuộn giấy dầu.

– Cả xương người nữa, – thằng Sean đế vào.

– Chú bảo là nó giống như xương người, – Hooper vội đáp – Khó xác định được ngay. Có thể đó là xương sườn bò cũng nên.

– Tôi tưởng các nhà khoa học các anh dễ xác định những thứ như vậy lắm chứ, – Brody nhận xét.

– Không phải lúc nào cũng dễ, – Hooper trả lời. – Nhất là nếu đó chỉ là một phần xương giống mẩu xương sườn.

Brody làm một ngụm lớn uýt-xki.

– Bố này, – Billy nói. – Bố có biết chuyện cá heo giết cá mập ra làm sao không?

– Dùng súng săn à?

– Ơ kìa, bố chỉ hay tếu. Nó dùng mũi quật vào cá mập cho đến khi cá mập chết mới thôi. Chú Hooper bảo thế.

– Chúa thật, – Brody nói và uống cạn cốc. – Tôi đi pha lần nữa. Còn ai muốn uống nữa không?

– Nhưng mà ngày mai lại đi làm rồi phải không? – Ellen hỏi.

– Thì có sao? Đâu phải ngày nào ta cũng tổ chức những tối liên hoan thịnh soạn thế này.

Brody bước xuống bếp, nhưng anh dừng chân vì có tiếng chuông gọi cửa. Anh ra mở cửa và trông thấy Dorothy Meadows, người mảnh mai nhỏ bé, trong bộ áo dài xưa nay, màu xanh thẫm và có xâu ngọc trên cổ. Sau lưng chị là một cô gái nào đó – Brody đoán đó là Daisy Wicker – dáng cao, cân đối, có mái tóc thẳng và dài. Cô ta mặc quần tây và đi đôi xăngđan. Trên gương mặt không có chút mỹ trang nào. Đằng sau Daisy Wicker thấy thấp thoáng hình dáng Harry Meadows, ông ta thì không ai nhầm vào đâu được. Brody cất tiếng:

– Ấy thế, rốt cuộc các vị đã đến. Xin mời vào.

– Chào anh Martin, – Dorothy Meadows nhanh miệng. – Chúng tôi gặp cô Wicker ngay trước cửa nhà anh.

– Em đi bộ mà, – Daisy Wicker lên tiếng. – Đi thế thư thái trong người lắm.

– Tốt lắm, tốt lắm. Xin mời vào cả đi. Tôi là Martin Brody.

– Em có biết, đã có lần trông thấy anh đi trên chiếc xe ô tô. Chắc công việc của anh thú vị lắm.

Brody phì cười:

– Tôi sẽ kể hết cho cô nghe, nếu câu chuyện không làm ríu mắt cô lại.

Brody dẫn Daisy Wicker và vợ chồng Meadows vào phòng khách, dành cho Ellen vai trò giới thiệu họ với Hooper, còn bản thân anh nhận sửa soạn các món rượu theo yêu cầu: uýt-xki pha đá cho Harry, nước xôđa với mẩu vỏ chanh cho Dorothy và gin pha nước giải khát cho Daisy. Anh lại rót cho mình, và trong khi pha rượu, anh nhấm nháp ít một cốc rượu của mình. Trước khi quay lên phòng khách, anh thoải mái rót ồng ộc uýt-xki và một ít nước chanh vào cốc của anh. Trước tiên anh bưng đồ uống lên cho Dorothy và Daisy sau đó trở lại bếp lấy đồ uống cho chính mình và cho Meadows. Anh làm một ngụm lớn cuối cùng trước khi lên nhập hội với mọi người thì thấy Ellen bước vào phòng bếp.

Chị hỏi:

– Anh có uống quá nhiều không đấy?

– Anh cảm thấy trong người tỉnh táo lắm, – anh đáp. – Đừng lo cho anh.

– Anh vừa rồi không được lịch duyệt cho lắm.

– Chả có lẽ? Anh cảm thấy mình có duyên lắm mà.

– Em không thấy như vậy.

Anh mỉm cười với chị rồi đáp:

– Toàn chuyện vặt ấy mà. – Nhưng rồi bỗng hiểu ngay là chị có lý: anh không nên uống nữa. Anh đi vào phòng khách.

Lũ trẻ đã lên gác. Dorothy Meadows, chĩnh chện trên đivăng bên cạnh Hooper, đang hỏi han anh ta về công việc ở Woods Hole. Meadows ngồi đối diện, im lặng nghe. Daisy Wicker đứng một mình ở đầu kia căn phòng cạnh lò sưởi, trên môi đậu một nụ cười mỉm. Brody đưa cốc cho Meadows rồi tiến về phía Daisy.

– Cô mỉm cười gì thế? – anh hỏi.

– Em cười ấy à? Em đâu có để ý.

– Chắc là cô nhớ tới một chuyện gì đó ngộ nghĩnh?

– Không. Chẳng qua em thấy thú vị. Em chưa bao giờ vào nhà một cảnh sát cả.

– Thế cô tưởng phải trông thấy cái gì? Song sắt cửa sổ hả? Hay là người gác ngoài cửa?

– Không, không, chẳng qua thấy ngồ ngộ.

– Thế cô đã đi đến kết luận gì rồi? Một căn nhà bình thường như nhà của bất kỳ người nào khác có phải thế không?

– Vâng, có lẽ… về mặt nào đó.

– Thế ý cô định nói gì?

– Không, chẳng có gì đặc biệt đâu ạ.

Cô ta nhấp cốc rượu một chút rồi hỏi:

– Anh có thích làm cảnh sát không?

Brody không thể dò biết được trong câu hỏi của cô ta có sự thù địch hay không. Anh đáp:

– Có. Đó là một công việc tốt, trong đó mang ý nghĩa nhất định nào đó.

– Ý nghĩa nào vậy?

– Ra cô không biết à? – anh hỏi, giọng hơi phật ý. – Giữ gìn trật tự an ninh.

– Anh có cảm thấy thái độ xa lạ không?

– Việc đếch gì tôi phải cảm thấy thái độ xa lạ? Xa lạ với ai?

– Với mọi người ấy. Em muốn nói rằng ý nghĩ chính của đời anh là nói cho mọi người biết cái gì họ không được làm. Chả lẽ điều ấy không khiến anh cảm thấy mình không giống với mọi người?

Thoạt đầu Brody nghĩ rằng anh bị chọc ghẹo, nhưng cô gái không hề mỉm cười, cũng không hề giễu cợt và không hề đưa mắt đi nơi khác. Anh nói:

– Không, tôi không cảm thấy mình “không giống với mọi người”. Tôi không hiểu tại sao tôi phải có mặc cảm ấy, mà cô không có, giả dụ như tại vì cô đứng bán ở cái quầy, gọi là quầy gì nhỉ, bisơ…

– “Bibelot”.

– À thế cô buôn bán gì ở đó nhỉ?

– Chúng em bán quá khứ cho mọi người. Điều ấy an ủi họ ghê lắm.

– Bán quá khứ nghĩa là thế nào?

– Chúng em bán những đồ vật cổ. Đến mua là những người căm ghét cái hiện tại của họ và chỉ lấy được sự tự tin khi quay về với dĩ vãng của mình. Của mình hoặc là của người. Họ mua những đồ vật cổ, cũng coi như thế là trở về với quá khứ. Xin cuộc với anh là cái ấy cũng quan trọng lắm.

– Cái gì? Quá khứ ấy à?

– Không, việc lấy được sự tự tin ấy. Chẳng lẽ đấy không phải là cái chủ yếu nhất trong nghề cảnh sát hay sao?

Brody liếc nhìn đầu kia căn phòng và trông thấy chiếc cốc rỗng của Meadows.

– Xin lỗi, tôi phải bày tỏ sự chu đáo với người bạn của tôi đã.

– Tất nhiên rồi. Nói chuyện với anh thích thật.

Brody đem cốc của Meadows và của anh xuống bếp. Ellen chất bánh lương khô ngô hình que vào đầy liễn.

– Em đào chỗ quái nào ra cô nàng này thế? – Brody hỏi.

– Ai cơ? Daisy ấy à? Em đã nói với anh rằng cô ấy làm ở “Bibelot”.

– Đã bao giờ em nói chuyện với cô ta chưa?

– Có ít nhiều. Theo em nghĩ cô ấy rất xinh, lại cũng không ngốc.

– Cô ta kênh kiệu lắm. Những kẻ như thế mà ngoác họng ra ở đồn cảnh sát thì bọn anh cho biết tay liền.

Anh rót cho Meadows trước, rồi đến lượt anh. Ngước mắt lên, anh thấy Ellen đang nhìn chăm chăm vào tận mặt anh.

– Anh làm sao thế? – chị hỏi.

– Anh không thích khách khứa cứ lăng mạ anh ngay trong ngôi nhà của anh.

– Em xin anh, Martin. Em tin rằng cô ấy không muốn lăng mạ anh đâu. Chắc là cô ấy chẳng qua chỉ nói những điều cô ấy nghĩ, cái đó giờ đang được chuộng mà, anh biết đấy.

– Báo trước cho em biết rằng nếu cô ta còn nói điều gì đại loại như thế này là buộc phải ra khỏi nơi đây ngay lập tức.

Anh cầm hai cái cốc và tiến ra phía cửa, Ellen gọi anh lại:

– Martin… – Brody đứng lại – Em van anh… Hãy vì em.

– Thôi đừng lo. Mọi chuyện đều sẽ tốt đẹp.

Anh rót đầy các cốc của Hooper và Daisy Wicker, nhưng không rót thêm cho mình. Sau đó, ngồi xuống đivăng, anh vừa nhấm nháp uýt-xki vừa nghe một câu chuyện dài dòng nào đó mà Meadows đang kể cho Daisy. Brody cảm thấy trong người không hề gì, thậm chí còn sung sức nữa là khác, và anh biết rằng nếu từ giờ đến bữa ăn tối anh không uống nữa, thì đâu vào đấy cả.

Đến tám rưỡi Ellen bưng từ dưới bếp lên bát đĩa để đựng súp và bày ra bàn. Chị nói:

– Anh Martin, anh mở rượu đi nhé, để em mời khách vào.

– Rượu à?

– Ở dưới bếp có ba chai. Rượu trắng ở trong tủ lạnh, còn rượu đỏ trên giá. Mở luôn một lượt nhé. Rượu đỏ phải để cho nó “thở” một lúc.

– Tất nhiên là phải để thế rồi, – Brody vừa đứng dậy vừa nói. – Có ai lại không phải để cho nó thở?

– À, mà cái tire-bouchon ở trên giá cạnh các chai ấy nhé.

– Cái gì?

– Tire-bouchon, cái vặn nút chai ấy mà, – Daisy Wicker nói.

Brody thấy thỏa mãn khi anh thấy Ellen đỏ mặt. Điều ấy giúp anh khắc phục được sự lúng túng của riêng mình. Anh tìm thấy cái vặn nút chai và ra tay mở mấy chai rượu đỏ. Một cái nút anh cẩn thận lôi được ra nhưng một nút khác thì vỡ vụn ra, mảnh chui vào trong chai. Sau đó anh lấy rượu trắng trong tủ lạnh và trong lúc hí hoáy mở nó, anh vẫn cố phát âm tên rượu “Montrachet”. Sau khi cảm thấy đã đạt được sự phát âm chấp nhận được, anh lấy khăn bếp lau khô chai và mang nó lên phòng ăn.

Ellen ngồi ở cuối bàn, Hooper ở bên trái chị, Meadows bên phải. Cạnh ông ta là Daisy Wicker, còn đối diện với Daisy là Dorothy Meadows. Chỗ ngồi của Brody ở đầu bàn phía xa.

Brody đứng bên phải đến tay trái chắp sau lưng, bắt đầu rót rượu đầy các cốc.

– Cốc “Mount Rachet”. – anh cất giọng. – Năm rất tốt, 1970. Tôi còn nhớ kỹ lắm.

– Thôi đủ rồi, – Ellen vừa nói vừa khẽ nâng cổ chai lên.- Đừng rót đầy đến tận miệng.

– Xin lỗi, – Brody đáp và rót cho Meadows.

Rót xong rượu, anh ngồi vào chỗ của mình. Anh nhìn đĩa súp đặt trước mặt, rồi trộm liếc sang khách khứa – quả thực mọi người đều ăn súp, vậy là đâu phải chuyện vớ vẩn. Anh bèn cầm lấy thìa múc súp. Súp lạnh, chẳng giống súp tí nào, nhưng hoàn toàn ăn được.

– Em thích gazpacho, – Daisy lên tiếng, – nhưng làm món này công phu lắm nên em không hay nấu.

– M-m-m-m, – Brody hầm hừ khi đã múc thìa thứ hai.

– Anh thường ăn món này chứ?

– Không, không hay ăn lắm…

– Đã bao giờ anh thử M và G chưa?

– Không, tôi không dám khoe mẽ.

– Anh nên thử. Với lại, chắc là anh không cảm thấy thích thú đâu, vì nó trái luật pháp.

– Chị muốn nói cái ấy trái luật pháp à? Thế là thế nào? Cái ấy là cái gì?

– Marijuana và gazpacho. Đáng lẽ cho gia vị thì anh thay bằng cách rắc một ít marijuana lên trên. Sau đó anh hút một tí, ăn một tí, hút một tí, lại ăn một tí. Kích thích ghê lắm.

Cả một phút trôi qua rồi Brody mới hiểu cô ta nói cái gì, và ngay cả lúc đã hiểu, anh cũng không trả lời ngay. Anh nghiêng đĩa về phía mình, ăn hết chỗ súp, làm một hơi hết chỗ rượu rồi lấy khăn ăn lau miệng. Thoạt tiên anh nhìn Daisy, cô ta đang mỉm cười với anh, sau đó sang Ellen, lúc này đang vừa mỉm cười vừa nghe Hooper nói.

– Đúng như thế đấy, – Daisy nói.

Brody quyết nén lòng để khỏi làm Ellen mất vui. Anh nói:

– Thấy không, tôi không…

– Xin cuộc nào, Matt đã thử rồi.

– Có thể là anh ấy đã thử rồi. Nhưng tôi không hiểu thế nào là…

– Anh Matt này, xin lỗi anh nhé, – Daisy nói to.

Tiếng nói chuyện ở đầu bên đằng kia bặt đi.

– Em tò mò muốn hỏi xem anh đã thử M và G bao giờ chưa? À, chị Brody ạ, món gazpacho này cực kỳ lắm.

– Cám ơn cô cứ khen, – Ellen đáp. – Nhưng M và G là cái gì cơ chứ?

– Tôi đã thử một lần rồi, – Hooper lên tiếng, – Nhưng chưa bao giờ tôi say mê thực sự cái đó cả.

– Cô phải nói cho tôi hay, cái đó là cái gì? – Ellen yêu cầu.

– Thôi để anh Matt sẽ nói cho chị biết, – Daisy trả lời.

Brody đứng dậy và bắt đầu thu các đĩa súp lại. Khi xuống tới bếp, anh cảm thấy hơi buồn nôn và chóng mặt, trán túa mồ hôi. Nhưng khi anh đặt chồng đĩa vào bồn rửa thì cơn buồn nôn qua đi, đầu cũng không còn quay cuồng nữa.

Ellen đã xuống bếp theo sau anh và buộc tạp dề quanh eo lưng.

– Em cần có một tay giúp, phải thái thịt bây giờ, – chị nói.

– Thái thì thái, – Brody đáp và tìm con dao và chiếc đĩa trong tủ. – Này, thế em nghĩ gì về cái đó?

– Về cái gì cơ?

– Về cái M và G ấy mà? Hooper đã nói với em nó là cái gì chưa?

– Rồi. Kể cũng hay hay đấy chứ nhỉ? Phải thừa nhận rằng cái này ngon.

– Làm sao em biết được?

– Chẳng ai biết đàn bà chúng tôi làm gì, khi chúng tôi cùng nhau tụ tập ở quân y viện cả. Này, thái đi, – chị lấy cái dĩa chạc hai xiên miếng thịt cừu đặt lên thớt. – Thái như làm bít tết ấy, những lát dày độ ba phần tư insơ.

– Cái con Wicker quỷ quái ấy kể nói cũng đúng, – Brody suy nghĩ khi anh đưa lưỡi dao lên miếng thịt: quả thực mình cảm thấy xa lạ. Cắt được một miếng thịt, Brody lại lên tiếng:

– Này em, hình như em bảo rằng cái này là thịt cừu phải không?

– Phải rồi, thịt cừu đấy.

– Rán còn chưa kỹ này. Em nhìn mà xem. – Anh giơ mẩu thịt đã cắt, hãy còn hồng hồng, ở chính giữa gần như có màu đỏ.

– Ấy nó phải như thế đấy.

– Không, nếu cái này là thịt cừu, thì phải không được như thế. Thịt cừu phải rán kỹ, rán cho ra rán.

– Martin, anh hãy tin em đây này. Làm món thịt cừu áp chảo là phải như thế. Xin bảo đảm với anh như vậy.

Brody cao giọng:

– Tôi không muốn ăn thịt cừu sống.

– Suỵt suỵt! Lạy Chúa, anh nói khe khẽ chứ.

Brody thì thào, giọng khàn khàn:

– Hãy đặt miếng thịt khỉ gió này lên chảo lại, cho nó đủ chín đã.

– Nó rán xong rồi. Nếu anh không muốn ăn thì thôi, chứ em sẽ dọn ra đúng như thế.

– Thế thì đi mà thái lấy, – Brody quẳng dao và dĩa lên thớt, lấy hai chai rượu đỏ rồi bước ra khỏi bếp.

– Phải đợi một tí vậy, – anh nói với khách khứa khi đi lại bàn ăn, – đầu bếp còn thết chúng ta thịt cừu nữa. Cô ấy muốn bưng cừu sống lên, nhưng sợ nó cắn mất chân cô ấy. – Brody giơ cao chai rượu lên phía trên mấy cốc rượu đã cạn. – Tôi không hiểu tại sao lại không đổ rượu đỏ vào đúng những cốc đã chứa rượu trắng được nhỉ?

– Các vị ngon của rượu không hòa hợp với nhau, – Meadows đáp.

– Ông muốn nói rằng vì thế mà nó phình lên à? – Brody rót đầy sáu cốc rượu rồi mới ngồi xuống. Anh làm một hớp nhỏ. – Ngon, – anh nói rồi làm tiếp hớp nữa. Rồi anh lại rót đầy cốc.

Ellen bưng thớt thịt đã làm xong ra khỏi bếp. Chị đặt nó lên chạn cạnh chồng đĩa. Rồi lại xuống bếp và trở lên, tay mang hai đĩa đã pha các phụ gia.

– Chắc các vị sẽ thích thịt, – chị nói. – Đây là lần đầu tiên tôi chế món này theo đơn dạy.

– Món gì vậy? – Dorothy Meadows hỏi. – Mùi nức mũi quá.

– Món cừu áp chảo, trộn với nước chấm.

– Thế kia à? Nước chấm có những gì?

– Có gừng, tương và nhiều thứ khác nữa. – Chị đặt vào các đĩa những miếng thịt cừu, măng tây, bí trắng và đưa cho Meadows, Meadows đặt đĩa xuống bàn.

Khi Ellen đã ngồi đâu vào đấy, Hooper nâng cốc lên, nói:

– Tôi xin nâng cốc mừng chị đầu bếp.

Mọi người đều nâng cốc. Brody nói:

– Chúc thành công.

Meadows bỏ một miếng thịt vào mồm, nhai nhai thưởng thức.

– Chúa thằn lằn! – ông thốt lên, – Như món thịt philê nhuần nhuyễn nhất ấy, còn ngon hơn là khác. Chà, thơm phưng phức!

– Được nghe những lời ấy ở anh thật hân hạnh quá! – Ellen đáp.

– Ngon hết chỗ nói, – Dorothy xác nhận. – Chị chỉ cho tôi cách làm nhé? Từ nay trở đi thể nào anh Harry nhà tôi chẳng đòi tôi cũng làm món ăn như thế này ít nhất là mỗi tuần một lần.

– Thế thì anh ấy có mà phải đi cướp nhà băng trước đã, – Brody đế vào.

– Nhưng mà ngon dễ sợ, anh Martin ạ, anh có thấy thế không?

Brody không đáp. Anh đưa miếng thịt vào mồm và bỗng lại cảm thấy còn buồn nôn. Mồ hôi lại túa ra trên trán. Anh có cảm giác như thể có người nào khác điều khiển thân thể mình và anh không chủ động được những cử động của mình. Cái dĩa trở nên nặng trình trịch, anh đâm sợ: nhỡ nó trượt khỏi những ngón tay anh và rơi đánh cách xuống bàn. Anh siết chặt nó trong nắm tay. Brody biết rằng nếu lúc này anh mở miệng thì cái lưỡi sẽ không tuân theo anh nữa. Ắt là tại rượu. Hết sức cẩn trọng, phòng xa, anh vươn người về phía trước và đẩy cốc rượu đi. Những ngón tay anh trượt trên mặt bàn trải khăn, cố không hất đổ cốc rượu. Sau đó anh ngả người ra lưng ghế và hít thở thật sâu. Mắt anh mờ tối. Anh cố gắng chỉ nhìn lên bức tranh treo trên đầu Ellen, nhưng Ellen đang trò chuyện với Hooper, điều ấy khiến anh mất tập trung. Lần nào cũng vậy, hễ quay sang nói với anh ta là Ellen lại chạm vào tay anh ta nhẹ nhàng mà Brody tưởng chừng như họ có những bí mật riêng của hai người. Anh không nghe rõ mọi người chuyện trò gì bên bàn ăn. Câu cuối cùng lọt đến thính giác anh là “Anh không nghĩ thế à?”. Câu ấy được nói ra vào lúc nào? Ai nói? Anh không rõ. Anh dòm sang Meadows, người đang nói chuyện với Daisy. Sau đó anh nhìn sang Dorothy rồi cất giọng gần như không thành tiếng.

– Vâng.

– Anh nói gì thế, anh Martin? – Dorothy nhìn anh. – Anh nói cái gì thế?

Anh không thể mở miệng được. Anh muốn đứng dậy đi xuống bếp. Thế nhỡ đôi chân nó phản lại anh, anh nghĩ, anh chỉ có thể lần được xuống đấy nếu có cái gì để vịn. Hãy đi cho ung dung, anh tự nhủ thầm. Sẽ qua hết.

Và thế là nó đã qua. Đầu anh bắt đầu rạng dần lên. Ellen lại động vào tay Hooper. Cứ nói câu gì đó là lại động vào, cứ nói là động tay.

– Phù, nóng quá, – anh nói, đứng lên và bước đi cẩn thận, nhưng chắc chắn, về phía cửa sổ mở toang nó ra, sau đó tì tay lên bậu cửa, mặt áp vào tấm lưới. – Một buổi tối kỳ diệu, – anh nói, đoạn thẳng người lên. – Có lẽ tôi uống một cốc nước mới được. – Anh vào bếp, lắc lắc đầu. Rót một cốc nước đầy và uống cạn tận đáy, rồi lại rót đầy và lại uống hết. Anh làm vài động tác hít sâu, rồi quay lên phòng ăn ngồi vào chỗ. Anh nhìn đĩa thức ăn. Kìm cơn rùng mình, anh mỉm cười với Dorothy.

– Vị nào xơi thịt cừu nữa không? – Ellen hỏi. – Ở đây còn nhiều.

– Ấy, ấy! – Meadows thốt lên. – Đầu tiên chị hãy xúc cho những người khác đã. Chứ đã trao chỗ ấy cho tôi thì chẳng ai còn có phần nữa.

– Này, ông sẽ bảo gì ngày mai đây? – Brody lên tiếng.

– Cái gì?

Brody hạ giọng và nói vẻ trịnh trọng:

– Không thể tưởng tượng nổi, nhưng mình tôi xơi cả món thịt cừu đấy.

Meadows và Dorothy phì cười, còn Hooper nói theo giọng bè cao có hát đuổi:

– Không, Ralph ơi, đấy là tôi ăn đấy. – Bây giờ thì đến Ellen cũng phải phá lên cười.

Buổi liên hoan rõ ràng là đã thành công.

Đến món tráng miệng, lúc kem cà phê pha rượu mùi được bưng ra thì Brody cảm thấy tỉnh táo. Anh ăn liền hai cốc kem, khoan khoái tán chuyện với Dorothy. Sau đó, miệng nở nụ cười, anh bắt đầu lắng nghe Daisy kể chuyện ngày lễ Tạ ơn lần trước, khi cô đã bỏ marijuana vào thịt gà tây làm gia vị ra sao. Cô kể:

– Em lo sốt vó lên khi có bà thím không chồng gọi điện thoại đến và hẹn đến chơi nhà em vào bữa tối. Con gà đã làm rồi, đã cho marijuana rồi.

– Rồi sau thì sao? – Brody hỏi.

– Em cho bà thím miếng thịt gà không có gia vị, nhưng thím muốn miếng có gia vị cơ. Thế là em đánh liều muốn ra sao thì ra, cứ xúc cho thím một thìa gia vị to.

– Rồi sao nữa?

– Đến cuối bữa ăn thì thím ấy cười khanh khách như trẻ con. Còn nổi hứng muốn nhảy nữa.

– May là không có tôi ở đấy. Chứ không thì tôi bắt cô về tội phá hoại nền tảng đạo đức của một bà cô già chưa chồng.

Cà phê uống ngoài phòng khách, Brody đề nghị uống thứ gì mạnh hơn, nhưng trừ Meadows, còn ai nấy đều từ chối.

– Chỉ một ly cônhắc bé tí thôi, – ông ta nói.

Anh đưa mắt sang Ellen như muốn hỏi có cônhắc không. Ellen bèn lên tiếng:

– Hình như trong chạn ấy.

Brody rót cho Meadows rồi nghĩ không biết có nên rót cho mình không. Nhưng anh kiềm chế được. Đừng có liều, anh quyết định trong bụng.

Chỉ sau mười giờ một chút là Meadows đã bắt đầu ngáp.

– Dorothy này, có lẽ đến lúc chúng mình nhổ neo rồi, – ông ta nói. – Anh sẽ khó mà thực hiện được nghĩa vụ công dân của mình, nếu nán lại đây muộn quá.

– Em cũng phải về đây, – Daisy lên tiếng. – Tám giờ mai đã phải có mặt ở nơi làm việc. Chẳng thể nói là dạo này hàng họ bán chạy được nhiều.

– Đâu phải chỉ có chỗ cô mới thế, cô bạn thân mến ạ, – Meadows nói.

– Em biết. Nhưng làm việc ở cửa hàng ký gửi thì cảm thấy chuyện đó sâu sắc hơn.

– Thôi thì ta cũng hy vọng là thời buổi tồi tệ nhất đã qua rồi. Nếu như tôi hiểu đúng lời của vị chuyên gia của chúng ta đây, thì nhiều phần chắc là con Leviathan này đã bỏ đi rồi. – Meadows đứng dậy.

– Đấy chỉ là giả định của tôi thôi, – Hooper trả lời. Anh ta cũng đứng dậy. – Tôi đã đến lúc phải về.

– Ấy, đừng đi vội! – Ellen thốt ra. Trong lời nói của chị có âm hưởng một lời van nài tuyệt vọng. Chị thấy lúng túng bèn nói thêm: – Mới có mười giờ.

– Tôi hiểu, – Hooper đáp. – Nhưng nếu ngày mai thời tiết khả dĩ được là tôi muốn dậy sớm một chút và ra biển. Hơn nữa tôi có ô tô, tôi có thể đưa Daisy về nhà.

– Thế thì tuyệt. – Daisy nói ngay, giọng cô ta luôn luôn bằng phẳng, không có gì khởi sắc.

– Anh chị Meadows chở cô ấy cũng được, – Ellen bàn góp.

– Đúng, – Hooper đáp. – Nhưng thực tình tôi phải về để ngày mai dậy sớm. Dù sao đi nữa cũng xin cám ơn chị.

Họ chia tay nhau ngoài cửa – những lời cảm tạ, những câu xã giao thông thường. Hooper ra về cuối cùng và khi anh ta chia tay cho Ellen thì chị kéo bàn tay ấy vào hai tay mình và nói:

– Cám ơn anh rất nhiều về món quà răng cá mập.

– Có gì đâu. Tôi lấy làm sung sướng vì chị đã thích món quà ấy.

– Còn cám ơn anh chiều lũ trẻ nữa. Chúng nó khao khát được làm quen với anh lắm.

– Tôi cũng thấy rất dễ chịu khi bắt quen với các cháu. Có lẽ, đó cũng là bàn tay của số phận. Hình như tôi cũng bằng tuổi cháu Sean khi lần đầu tiên trông thấy chị. Chị hầu như không thay đổi gì cả.

– Mà anh thì dĩ nhiên là đã thay đổi.

– Tôi hy vọng là như vậy. Thật tôi không hề muốn cứ ở cái tuổi lên chín suốt cả đời làm gì.

– Chúng tôi sẽ còn gặp lại anh trước khi anh đi khỏi đây chứ nhỉ?

– Hẳn là như vậy.

– Thế thì hay lắm, – chị thả tay Hooper ra. Anh ta chóng vánh chúc Brody ngủ ngon rồi bước lại chiếc ôtô.

Ellen đứng ở cửa cho mãi tới khi chiếc ô tô cuối cùng lăn bánh ra đường cái. Chị tắt đèn trên bậc tam cấp, rồi không nói một lời, quay vào thu dọn cốc tách và gạt tàn trên bàn. Brody mang chồng đĩa ăn tráng miệng xuống bếp và thả chúng vào bồn rửa.

– Chà, mọi việc diễn ra tốt đẹp cả. – Brody nói như vô tình mà không ngụ ý gì.

– Nhưng chỉ có điều trong đó không có phần công nào của anh cả, – Ellen nặng lời đáp lại.

– Cái gì?

– Anh cư xử phát gớm.

– Anh? – Anh hết sức ngạc nhiên vì âm điệu đay nghiến trong giọng vợ. – Anh cũng có hơi khó chịu trong người một chốc một lát nào đó, nhưng anh không nghĩ là…

– Cả buổi liên hoan từ đầu đến cuối anh xấu thói phát khiếp.

– Nói nhảm!

– Anh đừng có làm lũ trẻ thức dậy.

– Tôi đếch cần biết. Tôi không cho phép cô đay đả tôi, coi tôi như cục cứt được.

Ellen cay đắng mỉm cười.

– Anh thấy chưa? Lại y sì cái thói của mình.

– Thế nào là “y sì cái thói của mình”? Cô muốn hoạnh cái gì?

– Em không muốn nói chuyện ấy nữa.

– Ái chà, ra thế cơ đấy? Cô không muốn nói chuyện ấy? Nghe này… Thôi được, anh không đúng lắm về chuyện cái chỗ thịt chết tiệt ấy. Lẽ ra anh không nên nổi nóng. Xin lỗi. Bây giờ…

– Em đã nói là em không muốn nói chuyện ấy nữa!

Brody chỉ chực nổ tung ra nhưng đã kìm lại. Anh đã tỉnh rượu đến mức hiểu rằng ngoài những nghi ngờ mơ hồ ra, anh không có cơ sở để mà kết tội, vả lại Ellen cũng sắp bật khóc lên rồi. Nước mắt cô ấy tuôn ra dù là vào phút giây vui mừng hay giận dữ cũng đều làm anh nao núng. Vì thế anh chỉ nói:

– Thôi được, anh xin lỗi em tất cả. – Anh ra khỏi bếp và bước lên cầu thang.

Trong phòng ngủ, khi đã cởi mớ quần áo ra, anh chợt nhận ra rằng tất cả những cau có khó chịu kia, tất cả những tai ương của anh là tại con cá, tại một con vật ngu xuẩn nào đó mà thậm chí anh chưa nhìn thấy bao giờ. Sự phi lý ấy gợi ra ở anh một nụ cười.

Anh nằm vật ra giường và gần như đầu chỉ vừa chạm gối đã thiếp đi một giấc ngủ say.

Bình luận