Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hàm Cá Mập

Chương 11

Tác giả: Peter Benchley

Đại dương lặng đi như thịt đông. Không còn ngọn gió nào. Mặt trời chiếu những tia nắng xuyên qua những dòng không khí nóng cuồn cuộn. Thỉnh thoảng một con chim bói cá lẻ loi lao bổ xuống bắt mồi rồi lại vọt lên, khiến trên mặt nước những vòng gợn còn tỏa ra rất lâu.

Chiếc canô có vẻ như đứng lịm một chỗ, khó nhận ra nó vẫn đang chuyển động theo dòng nước. Ở đuôi tàu trên côngxon thò ra hai cái cần câu quăng dây, những sợi cước kim loại mỏng mảnh cắt màng váng kéo dài phía sau tàu, tiếp nối về phía tây. Hooper ngồi ở mạn đuôi cạnh cái chậu gỗ khoảng hai chục galơn[36] – trong đó là mồi nhử cá. Cứ vài giây nhà ngư học lại múc một gáo trong chậu rồi đổ mồi xuống biển.

Ở phần mũi tàu, mười thùng gỗ cỡ bằng một phần tư thùng bia xếp chật thành hai hàng. Mỗi thùng được buộc chắc bằng sợi thừng chắc, bề dày ba phần tư insơ. Phần dây còn lại dài cỡ trăm bộ được quấn thành búi. Ở tít đầu các dây chão có buộc các ngọn lao bằng thép.

Brody ngồi trên chiếc ghế quay, bắt vít vào boong, đang chống chọi với cơn buồn ngủ. Anh thấy nực, khắp người túa mồ hôi. Cả sáu giờ đồng hồ không có một ngọn gió nào. Phía gáy Brody cháy nắng rất mạnh và mỗi lần anh quay đầu, cổ áo sơmi lại cọ vào phần da rát bỏng. Brody cảm thấy rõ mùi mồ hôi của anh hòa với mùi lòng và máu cá hôi hám gây cho anh buồn nôn. Anh cảm thấy xông vào không đúng việc mình.

Brody nhìn lên đài dẫn. Quint đang đứng ở đó. Trên người ông ta có chiếc áo dệt kim trắng, quần bò xanh lơ cũ đã bạc phếch, đôi tất trắng và đôi giày đã tàng. Brody nghĩ có lẽ Quint quãng năm mươi tuổi và tuy một điều hiển nhiên là chủ canô đã từng có thời hai mươi tuổi và rồi sẽ có lúc lên lục tuần, viên cảnh sát vẫn không thể hình dung ông ta khác được. Quint có vẻ rất gầy – với chiều cao gần hai mét, ông ta cân nặng tám chục cân. Ông ta hoàn toàn hói, không phải cạo trọc, mà chính là hói, không hề có một dấu hiệu mọc tí tóc nào trên đầu, như thể sinh ra đã thế rồi: đã không có tóc. Khi mặt trời lên cao thiêu đốt thì ông ta đội chiếc mũ cứng của lính thủy đánh bộ lên, khuôn mặt góc cạnh của chủ tàu được gió phả vào. Chiếc mũi thẳng dài của Quint đập vào mắt. Khi Quint nhìn từ trên đài xuống dưới, chắc chắn là ông ta nhìn phải đầu mũi của mình. Chủ tàu có đôi mắt sẫm màu vô cùng mà Brody chưa từng gặp. Vì gió, muối và nắng mà da mặt Quint sạm lại và đầy những nếp nhăn. Ông ta chăm chú, hầu như không chớp mắt, nhìn ra đuôi tàu – trên mặt nước lớp váng đang bập bềnh tỏa rộng ra.

Một giọt mồ hôi chảy trên ngực Brody, anh cau mặt lại vì cảm giác khó chịu. Sau đó quay đầu, nhăn mặt vì chỗ đau rát phía sau cổ, và nhìn lớp váng. Ánh nắng phản chiếu từ lớp mỡ phẳng lì, làm chói mắt và Brody quay người đi.

– Ông không bị nắng chói mắt à, ông Quint? – anh hỏi. – Chả lẽ ông không bao giờ đeo kính râm? – Quint nhìn sang Brody.

– Không bao giờ, – chủ tàu chém một câu.

Giọng ông ta vang lên lửng lơ. Không thân mật, không thù địch. Cũng không có ý moi chuyện. Nhưng Brody đang buồn và muốn chuyện phiếm.

– Tại sao vậy?

– Tại tôi không cần. Tôi nhìn thế giới đúng như nó có.

Brody nhìn đồng hồ. Đã quá hai giờ, còn độ ba bốn tiếng nữa là họ sẽ khoát tay trước mọi cái và sẽ quay trở vào.

– Ông có thường có những ngày trống không không?

Sự kích thích buổi sáng đã qua đi, chẳng còn gì chờ đợi nữa, và Brody cho rằng hôm nay họ sẽ không bắt gặp cá mập.

– “Trống không” là thế nào?

– Cũng như hôm nay ấy. Ngồi cả ngày, chẳng có chuyện gì xảy ra cả.

– Cũng có.

– Thế người ta cũng trả tiền cho ông ngay cả nếu một ngày vô ích trôi qua?

– Tất nhiên.

– Ngay cả nếu như cá không cắn câu lần nào?

Quint gật đầu.

– Điều ấy cũng không hay gặp cho lắm. Thường vẫn có con cá nào đó cắn câu. Hoặc là xiên phải cái gì đó.

– Xiên phải?

– Ừ cái đầu sắt này ấy mà, – Quint chỉ ngọn lao nằm ở mũi tàu.

– Thế ông xiên cái gì, ông Quint? – Hooper hỏi.

– Xiên tất cả các loại cá lượn ngang qua.

– Thế cơ à? Tôi không…

– Có cá cắn câu kìa, – Quint cắt ngang.

Brody nhìn ra ngoài thành tàu, nhưng lớp váng chỗ nào cũng im lìm: không có sóng, không đến cả gợn nhỏ.

– Ở đâu? – Brody hỏi.

– Hãy đợi một giây, – Quint nói. – Rồi ông sẽ thấy.

Với tiếng lanh canh nhẹ, sợi dây cước kim loại ở cần câu bên phải chúi xuống dưới, xẻ nước bằng một đường màu bạc thẳng băng.

– Giữ lấy cần câu, – Quint nói với Brody. – Khi nào tôi ra hiệu, ông hãy bấm hãm cuộn dây lại và giật cần.

– Cá mập đây đấy à? – Brody hỏi.

Ý nghĩ rằng rốt cuộc anh đã mặt đối mặt với con cá tác yêu tác quái, cơn ác mộng hàng đêm này khiến tim Brody đập dồn dập hơn. Miệng khô khốc lại. Anh lau tay vào quần, rút cần câu ra khỏi côngxon, kẹp nó giữa hai chân, người vẫn ngồi trên ghế.

– Con trắng? – Quint lại bật lên tiếng cười như sủa. – Không phải. Cái thứ nhỏ mọn nào đó thôi. Cũng gọi là tập dượt chút ít, trong khi con cá của ông chưa tìm thấy canô. – Quint quan sát dây cước vài giây nữa, rồi ra lệnh: – Giật đi!

Brody ấn bộ phận hãm, nghiêng người xuống rồi đột ngột ngả cả người bật ra phía sau. Đầu cần câu cong vút hình cung. Tay phải Brody thử quay cái cần của cuộn dây để kéo con cá lại, nhưng không nổi. Dây cước vẫn tiếp tục dồn nhanh xuống nước.

– Đừng phí sức, – Quint khuyên.

Hooper đang ngồi trên sống đuôi tàu, đứng dậy.

– Nào, để tôi kéo dây, – anh ta đề nghị.

– Không cần, – Quint hạ một câu. – Cứ để cần câu yên đấy.

Hooper thắc mắc và có phần hơi bực mình nhìn chủ tàu.

“Mi thì hiểu gì nghề này? ” – Brody nghĩ thầm, sau khi nhận thấy vẻ mặt không hài lòng của Hooper. – Nếu giữ dây căng quá lâu thì có thể mất lưỡi câu, – một phút sau Quint mới nói tiếp.

– Thế cơ à? – Hooper ngạc nhiên.

– Vậy mà người ta bảo với tôi rằng anh am hiểu nghề đánh cá.

Hooper lặng thinh. Anh ta quay lưng lại phía Quint, rồi ngồi xuống sống đuôi tàu.

Brody giữ cần câu bằng cả hai tay. Con cá lặn xuống dưới sâu và điềm nhiên lượn đi lượn lại. Brody bắt đầu cuộn dây vào cuộn lõi, khi thì anh cong người, quay thật lực cần quay để thu quãng cước chùng, khi thì kéo con mồi lại, các bên cơ bắp vai và lưng căng lên. Cổ tay trái đau tê đi, còn các ngón tay phải cong lại đờ dại vì sức nặng.

– Tôi đã bắt được con cá nào vậy? – anh hỏi.

– Cá mập xanh, – Quint trả lời.

– Có dễ nặng đến nửa tấn.

– Không, độ trăm rưỡi pao thôi, không hơn, – Quint phì cười.

Brody cứ cong người lại để kéo con cá, cho đến lúc cuối cùng nghe thấy tiếng nói của Quint.

– Ông đang đạt được thành quả đấy. Ấn bộ phận hãm đi.

Brody ngừng quay cần cuộn lõi dây.

Quint uể oải từ đài dẫn theo thang trượt xuống. Ông ta cầm trong tay khẩu súng trường cũ của quân đội “M-l”. Ông ta dừng lại bên tay vịn thành tàu và nhìn xuống dưới, hỏi:

– Ông có muốn xem con cá không? Nhìn kia kìa.

Brody đứng dậy, vừa đi vừa cuốn chỗ dây chùng, đã tiến đến bên thành tàu. Con cá mập màu xanh có vẻ không tự nhiên trong nước biển sẫm màu. Nó dài gần tám bộ, dáng nhã, với những vây ngực to. Con cá từ từ lượn hết bên này sang bên kia và không chống cự nữa.

– Đẹp đấy chứ nhỉ? – Hooper nhận xét.

Quint gạt chốt an toàn của khẩu súng và, khi mõm con cá mập cách mặt nước vài insơ, ông ta bắn nhanh ba phát. Đạn khoan những lỗ tròn trặn ở đầu con cá mập, nhưng không thấy chảy máu.

Con cá rùng mình và lịm đi.

– Xong rồi, – Brody nói.

– Chưa đâu, – Quint bác lại. – Có lẽ nó bị váng óc, nhưng chưa đi đến đâu. – Chủ tàu lôi một chiếc găng từ túi quần ra, xỏ tay phải vào và nắm lấy dây cước. Tay kia ông ta rút ra một con dao từ bao giắt ở thắt lưng. Quint lôi đầu con cá lên sống đuôi tàu. Hàm con cá hé mở ra độ hai ba insơ, con mắt phải của nó hơi có màng trắng, dài dại nhìn Quint. Chủ tàu ấn dao vào giữa hai hàm răng nhỏ hình tam giác của cá mập, toan nậy nó ra, nhưng con cá ngậm cứng hàm lại. Quint kéo kéo, xoay xoay con dao mãi mới rút được ra. Ông ta tra lại vào bao và lấy kìm từ trong túi ra.

– Tôi cho là các ông trả công cũng không tồi, nên mới có thể cho phép mình bỏ lưỡi câu và dây đai mồi, – Quint lên tiếng. Ông ta đưa kìm lại cước thép định cắt bỏ nó. – Một chút đã, – bỗng chủ tàu đổi ý, cho kìm vào túi và lại rút dao ra. – Xem kìa. Cái này bao giờ cũng được khách hàng của tôi trầm trồ. – Lấy tay trái nâng phần lớn thân cá mập lên khỏi mặt nước và nhanh như chớp, ông ta mổ bụng con cá, xả từ vây hậu môn cho đến tận gần đầu.

Con cá nhũn người ra và lục phủ ngũ tạng đẫm máu, – trắng, đỏ, xanh – phơi ra ngoài nước giống như đống quần áo lót bẩn trút từ giỏ ra. Sau đó Quint lấy kìm cắt dây, thế là con cá mập trượt xuống bên ngoài thành tàu. Khi đầu nó chỉ vừa mới tọt xuống nước, con cá lại bắt đầu vùng vẫy trong đám mây máu và nội tạng, nó tớp từng miếng trôi ngang qua hàm. Nó vừa giật giật thân vừa nuốt đám lòng ruột, để rồi chúng lại phòi ra ngoài qua cái bụng bị mổ toang.

– Bây giờ ông hãy chú ý nhìn, – Quint nói. – Nếu chúng ta gặp may, thì chỉ trong chốc lát sẽ xuất hiện những con cá mập xanh khác, chúng giúp con này ăn thịt bản thân. Nếu chúng kéo đến nhiều, chúng ta sẽ trông thấy một bữa yến tiệc đẫm máu thực sự. Một cảnh tượng rất gây hiếu kỳ. Khách hàng thích lắm.

Sửng sốt cả người, Brody quan sát con cá mập đang tiếp tục đớp lòng ruột của nó. Một phút sau anh nhận thấy một bóng màu xanh nhô lên ở đuôi con cá bị xẻ thân. Một con cá mập nhỏ – dài không quá bốn bộ – bám chặt vào sườn con cá bị phanh ruột. Hàm con mãnh ngư này ngoạm vào miếng thịt lủng liểng. Nó hung dữ quẫy đầu, uốn cong toàn thân như con rắn. Cuối cùng con cá mới đến giật đứt được miếng thịt và nuốt luôn. Chẳng mấy chốc xuất hiện một con cá mập khác, rồi lại một con nữa, một con nữa… làm nước sủi lên. Các tia nước hồng màu máu bay vọt lên khắp chỗ.

Quint cầm lấy ngọn lao đang đặt dưới tay vịn. Ông ta vắt người qua thành tàu, tay giơ khí giới lên phía trên đầu. Bất thình lình Quint rướn mạnh người về phía trước và lại thụt ngay về phía sau. Con cá mập con bị mắc vào mũi lao, cong oằn toàn thân và hàm đập lập cập. Quint rút dao ra rạch bụng con cá rồi ném nó xuống nước.

– Bây giờ ông có cái để mà xem đấy, – Quint nói.

Brody không thể xác định được có bao nhiêu cá mập nhung nhúc cạnh tàu trong chỗ nước sôi sục. Những chiếc vây lấp loáng đan nhau, lũ cá quẫy đuôi. Chốc chốc trong tiếng vỗ nước ộp oạp lại thấy tiếng chin chít khi có hai con cá mập to đâm phải nhau. Brody nhìn lên áo sơmi anh đang mặc – toàn bộ chiếc áo ướt sũng, lấm tấm máu. Bữa yến tiệc kéo dài trong mấy phút, sau đó bên chiếc canô chỉ còn lại ba con cá mập lớn, chúng đảo qua đảo lại ngay sát mặt nước. Mấy người đàn ông im lặng nhìn ra ngoài thành tàu cho đến khi cả những con cá này cũng bơi đi.

– Thế này có thể hóa điên được, – Hooper cất tiếng.

– Ông không thích à? – Quint hỏi.

– Ông đã đoán đúng. Tôi không thích xem các loài sinh vật giết nhau chỉ để giải trí cho con người.

Quint phì phì dè bỉu, thế là Hooper hỏi ngay:

– Thế còn ông?

– Tôi thì nói chuyện gì. Thích hay không thích thì đó cũng là việc của tôi.

Quint mò trong tủ lạnh lấy ra một lưỡi câu khác với dây đai. Mồi đã được chuẩn bị sẵn từ trên bờ. Với chiếc kìm ông ta nối dây đai vào đầu cước kim loại rồi ném mồi xuống biển, để dài ba mươi yát dây cước.

Hooper múc thêm mồi nhử hắt xuống nước.

– Có ai muốn uống bia không? – Brody hỏi.

Quint và Hooper gật đầu, thế là Brody tụt xuống khoang và lấy ba lon bia trong tủ lạnh ra. Khi lên khỏi khoang, Brody để ý thấy có hai bức ảnh cũ có nhiều vết nhăn xước và cong queo gắn bằng đinh bấm vào vách khoang. Trên một tấm là hình Quint đang đứng ngập đến thắt lưng trong đống cá lớn khác thường. Trên bức ảnh kia chụp con cá mập chết, nằm trên bờ, Brody không thể xác định được kích thước con cá vì không có gì trong ảnh để so nó cả.

Brody lên boong, phân phát bia xong bèn ngồi vào ghế.

– Tôi có nhìn thấy những bức ảnh ở dưới kia, – anh bảo Quint. – Cái chỗ cá mà ông đứng giữa là cá gì thế?

– Cá cháo, – Quint đáp. – Mới đây tôi đánh cá ở Florida. Chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì đại loại như thế cả. Chắc là chúng tôi phải đánh được đến ba bốn chục con cá cháo, mà toàn loại lớn, chỉ trong có bốn buổi chiều.

– Thế là các ông chở chỗ cá ấy lên bờ? – Hooper hỏi. – Lẽ ra nên đổ lại xuống nước.

– Khách hàng muốn để lại mẻ cá. Chắc là để chụp ảnh. Dù sao thì từ lũ cá cháo ấy cũng được một món thức ăn phụ không tồi cho gia súc, nếu chặt chúng thành các miếng nhỏ.

– Cứ theo lời ông mà xét thì lúc chết rồi chúng có ích hơn khi sống.

– Tất nhiên. Gần như mọi loài cá đều thế cả. Nhiều động vật khác cũng vậy. Tôi chưa thử ăn thịt bò còn sống bao giờ cả, – Quint cất tiếng cười.

– Thế còn trên tấm ảnh kia? – Brody hỏi. – Cá mập bình thường à?

– Ấy cũng không hẳn là bình thường. Đấy là cá mập trắng lớn dài mười bốn mười lăm bộ. Cân nặng hơn ba nghìn pao đấy.

– Ông đánh được nó bằng cách nào?

– Bằng lao. Nhưng phải nói rằng, – Quint lại cười hô hố, – ban đầu khó xác định được ai săn ai.

– Thế nghĩa là thế nào?

– Con quái chết tiệt ấy tấn công tàu. Ngay lập tức không thèm báo trước gì cả. Chúng tôi đang ngồi phía dưới ai làm việc người ấy thì bỗng nhiên – bình tĩnh! Như thể có vật nặng rơi xuống. Người phụ việc của tôi ngã quay lơ đánh ầm xuống boong, còn khách hàng thì kêu rú lên rằng đắm tàu. Sau đó con giặc cái ấy còn húc một lần nữa. Tôi phóng lao vào nó rồi chúng tôi truy đuổi con cá trời đánh ấy. Ối dào, chắc là chúng tôi phải lao theo nó đến tận giữa Đại Tây Dương ấy.

– Các ông theo dõi cá mập thế nào? – Brody hỏi. – Sao nó không lẩn xuống dưới sâu?

– Không lẩn được. Có cái thùng kéo theo nó. Cái thùng làm cá mập không lẩn được. Con cá có thể kéo cái thùng chìm xuống, nhưng không được lâu. Một chốc một lát cá mập mệt lử phải nhoi lên gần mặt nước. Vì thế chúng tôi chỉ việc bám theo cái thùng. Sau độ hai tiếng thì chúng tôi xiên thêm hai lao nữa vào con cá, cuối cùng nó hoàn toàn kiệt sức phải nổi lên; chúng tôi quăng dây chão thít vào đuôi rồi cứ thế kéo nó vào bờ. Khách hàng của chúng tôi nói năng đủ thứ lung tung, bởi vì ông ta chắc mẩm thế nào chúng tôi cũng chìm và cá mập sẽ xơi gọn chúng tôi. Nhưng điều tức cười nhất còn chưa tới. Khi chúng tôi lôi được người đẹp vào cập bến, còn lành lặn nguyên vẹn, thì gã xuẩn ngốc kia mới tiến lại tôi chìa ra năm trăm đôla, bảo tôi nói rằng chính gã bắt được cá mập bằng lưỡi câu. Con cá lỗ chỗ mấy vết lao xiên mà gã lại cứ bắt tôi thề, làm như thể gã tóm được cá mập bằng lưỡi câu? Tôi mới vặc lại. Thế là gã bèn giở chước khác: gã đòi lấy lại nửa tiền trả cho cuộc chơi thuyền: thấy chưa! Tôi đã tước mất khả năng bắt cá mập của gã. Tôi mới bảo rằng nếu tôi thả cho gã bắt thì đã mất tong cả lưỡi câu, cả ba trăm yát cước kim loại, cuộn lõi dây, cần câu, mà cái chính là mất con cá, – điều ấy thì đích xác rồi. Đến đây gã bèn nói về trò quảng cáo khác thường mà tôi sẽ có được sau chuyến đi mà gã đã trả tiền. Tôi trả lời: cứ đưa tiền đây cho tôi còn quảng cáo thì tha hồ, cứ việc bôi lên một tờ báo lá cải nào đó cho bản thân gã và cho vợ gã.

– Ông đã nói rất lý thú về việc bắt cá bằng lưỡi câu, – Brody nói.

– Cái gì?

– Tôi đã để ý đến một chỗ trong câu chuyện của ông. Ông chả khẳng định bắt cá bằng lưỡi câu là gì?

– Thế tôi là đồ ngu si hẳn? Tất nhiên là không rồi. Cứ theo những gì tôi nghe được thì con cá mà tôi đã bắt được chỉ là con nít so với con cá đang quấy ông.

– Thế thì quăng cần câu để làm gì?

– Có hai lý do. Thứ nhất là cá mập trắng có thể điềm nhiên tợp lấy một trong hai mồi câu nhỏ này. Nó sẽ cắn đứt dây cước như bỡn, nhưng ít ra ta cũng biết rằng nó có mặt ở đây. Đó là một thứ tín hiệu tốt. Thứ hai là sau này không tài nào xác định được con cá nào đã bị mùi mồi nhử đưa đến đây; ngay cả nếu như con cá của ông không xuất hiện thì có thể con cá khác sẽ cắn câu.

– Ví dụ con cá nào?

– Ai biết được. Nhỡ đâu chúng tôi tóm được thứ gì đó ăn được? Đã có dịp tôi gặp đúng cá kiếm, thịt nó ở Montauk có thể thu được hai đôla rưỡi một pao.- Hay là bỗng dưng một thứ gì đó thú vị cắn câu chẳng hạn cá mập macô, bắt được nó thì khoái lắm. Một khi ông đã trả bốn trăm đôla thì có thể giải trí ít nhiều chứ.

– Giả sử cá mập trắng sẽ xuất hiện ở đây, – Brody hỏi. – Thế thì đầu tiên ông sẽ làm gì?

– Tôi sẽ tìm cách nhử nó để nó bơi vòng quanh canô, cho tới khi chúng ta tóm được nó. Chẳng cần phải tinh ranh gì cho lắm: cá mập là giống khá ngu. Tất cả đều tùy thuộc ở việc nó hành động như thế nào. Nếu nó tấn công canô thì càng chóng cho chúng ta đâm năm ngọn lao vào nó, sau đó chúng ta sẽ cho tàu sang một bên, cứ để cho nó vật vã đến lúc kiệt sức. Còn nếu cá mập đớp mồi nhử, thì chúng ta không thể giữ được nó. Dù sao tôi cũng sẽ cố không cho nó đi mất, cố giữ con giặc ấy lại, tuy có nguy cơ bị đứt dây cước. Trong nháy mắt chắc cá mập sẽ bẻ cong lưỡi câu, nhưng có thể chúng tôi kéo được nó lại gần hơn để phóng lao. Hễ tôi găm được một nhát lao vào nó thì bắt được nó chỉ còn là vấn đề thời gian. Thường thường nó tiến lại canô ở độ sâu không lớn, do mồi nhử lôi cuốn. Lúc ấy thì chúng ta phải quyết định xem làm gì tiếp. Mồi câu của chúng ta không đủ để giữ cá mập lâu. Con cá to tướng sẽ nuốt luôn vào bụng mà chẳng cảm thấy là đã nuốt. Vì thế chúng ta phải dùi cho nó thêm món quà bánh đặc biệt gì đó mà nó không thể từ chối, còn trong người nó sẽ có lưỡi móc lớn – lưỡi ấy mới giữ được nó cho tới khi chúng ta găm hai ba ngọn lao vào người nó.

– Thế nếu cá mập nhận ra lưỡi câu? – Brody hỏi. – Nó không cắn mồi nữa?

– Nó sẽ cắn mồi. Cá mập không có trí khôn, không như loài chó. Nó đớp mọi thứ. Có thể ném cả lưỡi câu không, cá mập cũng nuốt. Có lần một con cá như thế đã bơi đến thuyền bạn tôi xơi cả một động cơ kiểu treo. Nó đã phải nhả động cơ ra vì bị mắc kẹt ở cổ họng.

– Cái món “quà bánh đặc biệt” là cái gì, hở ông Quint? – Hooper đang ngồi phía đuôi và đổ mồi nhử xuống nước, hỏi.

– “Quà bánh đặc biệt” mà cá mập không thể từ chối được ấy à? – Quint hỏi lại. Ông ta mỉm cười và đánh ngón tay về phía chiếc thùng nhựa màu xanh lá cây để rác, đặt ở giữa tàu. – Cứ việc xem. Quà bánh ở trong ấy đấy, tôi để dành cốt cho đúng loài cá mập này. Các loài khác thì không đáng cho. Hooper tiến lại chỗ chiếc thùng, tháo chốt kim loại và nâng nắp lên. Nhìn vào bên trong anh ta lặng đi, mồm há ra vì kinh ngạc. Nổi trong nước là một con cá heo bé tẹo mũi tù, dài không quá hai bộ. Thân hình giữ vị trí thẳng đứng, con cá heo con chầm chậm lắc lư cái đầu vô tri vô giác theo nhịp chuyển động của tàu. Từ cái lỗ ở hàm dưới thò ra phần tai của chiếc móc to để đánh cá mập, còn từ bụng là đầu nhọn của chính cái móc ấy.

Hooper bấu chặt lấy thành thùng.

– Con cá non, – anh ta nói.

– Không hẳn, – Quint cười khùng khục đáp lại. – Bào thai đấy.

Hooper chăm chú xem xét con cá heo mất mấy giây rồi đóng sầm nắp thùng lại. Anh ta hỏi:

– Ông kiếm được nó ở đâu thế?

– Cách đây khoảng sáu dặm về phía đông. Thế sao?

– Tôi muốn hỏi là ông kiếm được bằng cách nào?

– Rất đơn giản. Từ trong bụng mẹ.

– Ông giết con cá mẹ à?

– Tất nhiên là không, – Quint bật cười. Nó nhảy lên tàu và nuốt chửng một nắm thuốc ngủ. – Quint im tiếng để chờ tiếng cười, nhưng Brody và Hooper nghiêm túc nhìn ông ta. – Các ông hẳn biết là cái của như thế không thể mua được ở một con cá mẹ sống khỏe mạnh rồi, – lão chủ tàu nói thêm.

Hooper không rời mắt khỏi Quint. Anh không tự chủ được nữa vì sự thịnh nộ và căm phẫn. Anh hỏi:

– Ông có biết rằng cá heo được luật pháp bảo vệ không?

– Khi nào tao đánh cá thì tao muốn bắt tùy tao, con ạ.

– Thế luật pháp đâu? Chẳng lẽ…

– Anh Hooper, anh làm nghề gì?

– Tôi là nhà ngư học. Tôi nghiên cứu các loài cá. Vì thế tôi mới đến đây. Thế người ta chưa nói cho ông biết à?

– Khi thiên hạ thuê tàu của tôi, tôi không ra những câu hỏi thừa. Anh nghiên cứu các loài cá và sinh sống bằng cách ấy thì cũng tốt thôi. Nhưng giá như anh phải lao động thật sự, – tôi muốn nói thứ lao động mà mỗi xu phải đổ mồ hồi sôi nước mắt mới kiếm được ấy, – thì chắc anh biết nhiều về luật pháp hơn. Đúng, cá heo được bảo vệ. Chỉ có điều việc ấy không cản trở thằng Quint này bắt một hai con cá non để làm mồi. Người ta thông qua đạo luật là để ngăn chặn việc tiêu diệt tràn lan cá heo, để cấm lũ nhà giàu vô công rồi nghề săn cá cho thỏa ý thích cá nhân. Tôi nói cho anh biết, Hooper ạ, là anh có thể nổi khùng và gào lên thế nào mặc sức, nhưng đừng có bảo thằng Quint này là nó không có quyền đánh bắt vài con cá để kiếm miếng ăn đút vào miệng.

– Nghe này, ông Quint, chính là ở chỗ cá heo có nguy cơ bị tuyệt chủng, chúng có thể bị diệt vong hoàn toàn. Mà ông lại là người thúc đẩy quá trình này.

– Đừng có lên lớp với tôi! Anh cứ đi mà nói với đám dân chài chuyên đánh cá ngừ cho họ ngừng nhử cá heo vào lưới đi. Cứ lại mà nói với thuyền trưởng các tàu đánh cá Nhật cho họ ngừng xiên lao cá heo di. Tất cả bọn họ sẽ làm anh biết điều hơn. Bọn họ còn phải nuôi gia đình. Tôi cũng thế, phải nuôi bản thân.

– Hiểu rồi, – Hooper đáp lại. – Ông sẽ đánh bắt cá heo chừng nào còn đánh bắt được, nếu chúng có tuyệt chủng thì kệ xác, lúc ấy ông sẽ tìm cho mình một công việc khác. Ngu ngốc thật!

– Cẩn thận kẻo vạ miệng đấy, con ạ! – Quint đe dọa. Giọng ông ta đùng đục, không biểu cảm. Ông ta nhìn thẳng vào mắt Hooper.

– Cái gì?

– Tôi không khuyên anh gọi tôi là thằng ngu.

Hooper không muốn làm phật ý Quint và ngạc nhiên vì ông ta cảm thụ lời anh nói như một sự lăng mạ.

– Ông giận không phải lối rồi. Tôi chỉ muốn…

Brody đang ngồi giữa Hooper và Quint, lúc này quyết chấm dứt sự cãi cọ của hai người.

– Thôi đi, Hooper! – anh nói, – chúng ta đến đây không phải để tranh luận vấn đề bảo vệ của cải của đại dương.

– Anh thì hiểu gì về sinh thái học, anh Brody? – Hooper nổi đóa. – Tôi bảo đảm là đối với anh cái môn khoa học này chỉ có nghĩa là đốt lá ở sân sau nhà thì có hại cho môi trường xung quanh.

– Anh nghe đây. Anh hãy dành cái ngón mị dân rẻ tiền của đồ sống gấp cho kẻ khác chúng nó nghe.

– À thì ra là thế? Ngón mị dân của đồ sống gấp. Lòng ghen tỵ người khác giàu có đã ăn vào tận trong gan ruột anh rồi, có đúng không?

– Nghe đây, quỷ tha ma bắt anh đi! Chúng ta đến đây để kết liễu con cá mập giết người, mà nếu một con cá heo con giúp chúng ta cứu được có trời biết là bao nhiêu người, thì sinh mạng của nó cũng không phải là quá ghê gớm đến thế đâu.

Hooper cười gằn.

– Té ra bây giờ anh lại là chuyên viên đi cứu người cơ đấy nhỉ? – Hooper hướng về phía Brody. – Nào ta hãy xét xem. Bao nhiêu người còn sống đến bây giờ, nếu như anh đóng cửa các bãi tắm ngay sau khi…

Brody chồm lên và không ý thức được mình đang làm gì, anh tiến lại chỗ Hooper.

– Câm mồm! – viên cảnh sát quát lên. Theo thói quen, Brody sờ tay lên hông nhưng dừng phắt lại sau khi phát hiện ra rằng không có bao súng ở đấy. Brody hoảng hốt khi bỗng nhận ra rằng mình dám có gan bắn vào Hooper lúc này. Hai địch thủ lặng đi, mắt chăm chăm nhìn nhau.

Tiếng cười ngắn, giật cục của Quint đã làm dịu bầu không khí.

– Đúng là những con lừa, – ông ta nói. – Khi các anh chỉ vừa leo lên tàu sáng nay thì tôi cũng nghĩ ngay là không tránh khỏi xô xát rồi mà.

Bình luận