Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hoàn Thành Mọi Việc Không Hề Khó

Chương 7. Tổ chức: Thiết kế những ngăn đựng thông tin phù hợp

Tác giả: David Allen

Có được một hệ thống tổ chức công việc tổng thể và liền mạch sẽ tạo sức mạnh to lớn cho bạn vì trí óc bạn được phép loại bỏ những suy nghĩ vụn vặt và hướng vào tập trung trực giác, không bị những vấn đề chưa được giải quyết hợp lý làm rối loạn. Nhưng để điều đó xảy ra, hệ thống tổ chức vật chất của bạn phải tốt hơn hệ thống tổ chức trí óc.

Trong chương này, tôi sẽ hướng dẫn các bước tổ chức và những công cụ cần thiết khi xử lý thông tin trong hệ thống. Khi bạn bắt đầu xử lý thông tin “bên trong”, bạn sẽ tạo ra các danh sách và nhóm thông tin bạn muốn sắp xếp và bạn sẽ thay đổi suy nghĩ về những thứ có thể bổ sung vào. Nói cách khác, hệ thống tổ chức công việc của bạn không nhất thiết phải được tạo ra trong một lần. Nó sẽ thay đổi khi bạn xử lý các dữ liệu và kiểm tra xem bạn đã để mọi thứ vào vị trí tốt nhất đối với mình chưa?

Tôi có tất cả những thứ đó, nhưng lại không nhớ để chúng ở đâu.

–Khuyết danh

Các nhóm cơ bản

Có bảy nhóm sự việc chủ yếu bạn muốn theo dõi và quản lý từ khía cạnh tổ chức, đó là:

• Một danh sách “Kế hoạch”

• Tài liệu hỗ trợ kế hoạch

• Các hành động đã lên lịch thực hiện và thông tin

• Các danh sách “Công việc tiếp theo”

• Danh sách “Chờ đợi”

• Tài liệu tham khảo

• Danh sách “Một ngày nào đó/Có thể”

Tầm quan trọng của những vách ngăn cứng

Điều rất quan trọng là các nhóm sự việc này phải tách biệt với nhau. Mỗi một nhóm thể hiện một kiểu cam kết riêng biệt mà chúng ta đã cam kết với bản thân, và nếu chúng không có ranh giới rõ ràng, thậm chí lẫn lộn vào nhau, thì giá trị tổ chức sẽ bị mất đi nhiều.

Nếu bạn để nhóm thông tin tham khảo lẫn vào chồng thông tin đang muốn đọc, bạn sẽ bị rối loạn trước hàng đống thông tin. Nếu bạn để thông tin trong danh sách “Công việc tiếp theo” cần phải lên lịch thực hiện, bởi vì chúng phải diễn ra vào một ngày cụ thể, thì sau đó bạn sẽ không còn tin vào cuốn lịch nữa, và bạn sẽ thường xuyên phải xem xét lại danh sách công việc tiếp theo. Nếu bạn có một kế hoạch nhưng chưa làm gì trong một thời gian, nó cần được đưa vào nhóm “Một ngày nào đó/Có thể” để bạn có thể quan tâm đến danh sách “Kế hoạch” với sự tập trung cao tạo ra hành động cần thiết. Và nếu có một việc bạn “Chờ đợi” nằm trong danh sách những công việc tiếp theo, bạn sẽ liên tục bị sa lầy vào những suy nghĩ không cần thiết.

Những thứ bạn thật sự cần là các danh sách và cặp đựng tài liệu

Khi bạn đã biết mình cần theo dõi cái gì (xem trong chương trước, phần Xử lý), tất cả những gì bạn cần là các danh sách, cặp đựng tài liệu tham khảo và hỗ trợ. Danh sách của bạn (cái mà tôi đã chỉ ra cũng có thể là những tài liệu trong cặp đựng hồ sơ) sẽ theo dõi các kế hoạch và một ngày nào đó/có thể, cũng như những hành động bạn sẽ phải thực hiện trong những nút thòng lọng để mở đang hoạt động của bạn. Cặp đựng tài liệu (bằng giấy hay cặp kỹ thuật số) rất hữu ích để lưu trữ tài liệu tham khảo và thông tin hỗ trợ cho các kế hoạch đang triển khai.

Tôi không bao giờ phí phạm một xu để có được sự đơn giản ở bên này của sự phức tạp. Nhưng tôi lại dành cả đời mình để có được sự đơn giản ở bên kia sự phức tạp.

–Oliver Wendell Holmes

Rất nhiều người đã lập các danh sách trong nhiều năm nhưng chưa bao giờ thấy tiến trình này có hiệu quả thật sự. Có một sự hoài nghi về những hệ thống đơn giản như hệ thống tôi đang hướng dẫn. Bởi vì hầu hết những người lập danh sách đều không đưa những thứ phù hợp vào danh sách hoặc chưa hoàn thành chúng. Điều đó khiến các danh sách không thể phát huy hết chức năng của nó. Tuy nhiên, một khi bạn biết được nên đưa cái gì vào trong danh sách, mọi việc sẽ trở lên dễ dàng hơn nhiều và sau đó, bạn chỉ cần biết cách quản lý chúng.

Như tôi đã nói, bạn không cần phải tạo ra một cấu trúc bên ngoài của thứ tự ưu tiên trong danh sách mà bạn cần phải sắp xếp lại hoặc viết lại chúng khi mọi thứ thay đổi. Cố gắng áp đặt những khuôn mẫu như vậy là nguyên nhân chủ yếu gây ra sự thất vọng trong vấn đề tổ chức cho nhiều người. Bạn sẽ sắp đặt thứ tự ưu tiên theo trực giác hơn khi bạn xem toàn bộ danh sách để đề phòng có nhiều biến số thay đổi. Danh sách chỉ là một cách giúp bạn theo dõi toàn bộ công việc đang thực hiện mà bạn đã cam kết. Danh sách cũng là một cách giúp bạn biết được những việc tồn đọng để xem xét lại.

Khi tôi nói đến một “danh sách”, bạn nên hiểu rằng nó không gì khác ngoài một nhóm sự việc có một số tính chất giống nhau. Một danh sách có thể là: (1) một cặp đựng hồ sơ với những mẩu ghi chú riêng cho các mục khác nhau trong cùng một nhóm; (2) một danh sách thật sự được viết trên giấy (thường là một cuốn sổ công tác hay sổ kế hoạch); hoặc (3) một bảng kê trong một chương trình phần mềm hoặc thiết bị kỹ thuật số, ví dụ nhóm công việc trong phần mềm Microsoft Outlook hoặc nhóm trong phương tiện trợ giúp kỹ thuật số cá nhân cầm tay PDA.

Tổ chức phương tiện nhắc việc

Nếu bạn đã làm rỗng giỏ đựng thông tin thì chắc chắn bạn đã tạo ra rất nhiều các phương tiện nhắc việc “treo”, miêu tả các hành động cần-hơn-2-phút thực hiện và không thể chuyển cho người khác. Bạn sẽ có thể có từ 20 đến 60, 70 hoặc nhiều hơn các hạng mục như vậy. Bạn cũng sẽ có thể tích lũy các phương tiện nhắc việc bạn cần chuyển giao cho người khác, hoặc cần được xếp vào lịch hay cặp hồ sơ “Một ngày nào đó/Có thể”.

Bạn cũng sẽ muốn sắp xếp những thứ này thành các nhóm có giá trị với bạn để có thể xem xét lại sau, như là những việc cần làm khi bạn có thời gian. Bạn cũng muốn quyết định cách thức tổ chức thành nhóm phù hợp nhất, bất kể ở dạng hạng mục trong cặp đựng hồ sơ hay danh sách, ghi trên giấy hay phương tiện kỹ thuật số.

Những hành động được xếp vào lịch

Theo mục đích của việc tổ chức, như tôi đã nói, có hai loại hành động cơ bản: những hành động cần được thực hiện vào ngày hoặc thời gian cụ thể và những hành động cần được làm càng sớm càng tốt khi bạn có thời gian để ý đến chúng, sẽ là những hạng mục được xếp vào lịch của bạn. Những hạng mục hành động được đưa vào lịch có thể có thời gian cụ thể (“từ 4 đến 5 giờ: gặp Jim”) hoặc ngày cụ thể (“gọi điện cho Rachel vào thứ ba để hỏi xem cô ấy có đề xuất gì không”).

Khi xử lý thông tin trong giỏ thông tin, bạn có thể phát hiện ra những thứ mà bạn sẽ

chuyển ngay sang lịch. Ví dụ, bạn nhận ra rằng, công việc tiếp theo của đi khám bệnh định kỳ là gọi điện và hẹn, và như vậy (hành động này không mất quá 2 phút) bạn đã thật sự làm luôn khi thấy nó. Viết một cuộc hẹn lên lịch khi bạn làm là một việc bình thường.

Tuy nhiên, điều mà nhiều người muốn làm, dĩ nhiên là dựa theo những thói quen cũ, là lập danh sách việc làm hàng ngày, đưa các hành động vào lịch mà họ cho rằng thật sự thích làm nhưng rồi họ lại không làm và hành động đó bị đẩy sang các ngày sau. Kháng cự tức là thúc đẩy. Bạn phải tin cuốn lịch là một vật thiêng liêng phản ánh thật sự những giới hạn trong cam kết hàng ngày của bạn, mà những cam kết đó phải nhìn thoáng qua cũng thấy khi bạn bắt đầu làm việc. Sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu cuốn lịch làm việc chỉ ghi những công việc bạn phải hoàn thành trong ngày hôm đó. Khi cuốn lịch làm việc được sử dụng đúng chức năng trong tổ chức, phần lớn các hành động bạn cần phải làm được chuyển sang mục “làm càng sớm càng tốt, đề phòng mình phải làm những thứ khác”.

Tổ chức các hành động càng sớm càng tốt theo hoàn cảnh

Trong nhiều năm làm việc, tôi nhận ra cách tốt nhất để nhớ đến những việc “làm càng sớm càng tốt khi có thể” là đặt nó vào một hoàn cảnh cụ thể phải có hành động đó − hoàn cảnh đó có thể là công cụ, địa điểm hay người cần thiết để hoàn thành công việc. Ví dụ, nếu công việc cần có máy tính, nó sẽ được đưa vào danh sách “Làm việc với máy tính”. Nếu công việc yêu cầu bạn đi lòng vòng bằng ôtô (ví dụ, ghé vào ngân hàng hoặc tới cửa hàng), thì danh sách “Các việc vặt” là nơi phù hợp để theo dõi. Nếu công việc tiếp theo là nói chuyện trực tiếp với đối tác Emily, thì hãy cho nó vào cặp hồ sơ “Emily” hoặc danh sách phù hợp nhất.

Những nhóm công việc này được phân biệt thế nào phụ thuộc vào: (1) có bao nhiêu hành động bạn phải theo dõi; và (2) thời gian bạn thay đổi hoàn cảnh thực hiện chúng.

Nếu bạn chỉ có 25 công việc tiếp theo phải làm thì một danh sách “Các công việc tiếp

theo” là đủ. Nó có thể bao gồm nhiều mục như “nói chuyện với sếp về vấn đề thay đổi nhân sự” và “soạn thảo ý tưởng cho cuộc họp ngoài lề”. Tuy nhiên, nếu bạn có 50 hay 100 công việc tiếp theo đang treo thì việc đặt chúng vào một danh sách quá lớn sẽ khiến bạn khó có thể biết cần phải xem cái gì. Mỗi khi có thời gian để làm một việc gì đó, bạn lại phải dành thời gian không cần thiết để phân loại. Nếu bạn tình cờ được nghỉ giữa chừng trong cuộc họp và bạn có thể gọi vài cuộc điện thoại, khi đó, bạn sẽ phải xác định các hạng mục trong hàng đống những hạng mục không liên quan. Khi ra ngoài để làm những việc lặt vặt, bạn có thể muốn thực hiện danh sách “Các việc vặt” và tạo thêm một danh sách khác.

Một nhân tố hiệu quả khác mà loại hình tổ chức này ủng hộ là nâng cao năng lượng khi bạn ở trong một trạng thái nào đó. Khi bạn đang trong “trạng thái gọi điện”, nó giúp bạn gọi rất nhiều cuộc điện thoại – hãy làm trống danh sách “Gọi điện”. Khi máy tính của bạn hoạt động, sẽ rất hữu ích nếu bạn thực hiện những việc cần làm trên máy càng nhiều càng tốt mà chưa cần phải chuyển sang loại hình công việc khác. Nhiều người có thể nhận thấy, sẽ mất nhiều năng lượng hơn khi chuyển đổi từ một chuỗi hành vi này sang một chuỗi hành vi và công cụ khác. Và rõ ràng, khi một người quan trọng đang ngồi trước bạn thì tốt nhất là bạn nên nói tất cả những gì bạn cần trao đổi với họ ngay lập tức.

Những nhóm thông dụng nhất của phương tiện nhắc việc

Bạn có thể nhận ra ít nhất một vài trong số những tiêu đề danh sách thông dụng các công việc tiếp theo có ý nghĩa với bạn.

• “Các cuộc điện thoại”

• “Làm việc với máy tính”

• “Các việc vặt”

• “Các công việc văn phòng” hoặc “Tại văn phòng” (hoặc cả hai)

• “Ở nhà”

• “Chương trình làm việc” (cho các cá nhân và các cuộc họp)

• “Đọc/Xem xét lại”

“Các cuộc điện thoại”. Đây là danh sách tất cả các cuộc điện thoại mà bạn cần thực hiện. Bạn có thể thực hiện danh sách này miễn là bạn có sẵn điện thoại. Bạn càng di chuyển nhiều (đặc biệt nếu bạn có điện thoại di động) thì bạn càng thấy nó tiện ích: những khoảng thời gian ít ỏi tình cờ có được − khi bạn đang nghỉ giải lao hay đợi máy bay − là cơ hội hoàn hảo để bạn hoàn thành danh sách “Các cuộc điện thoại”. Có một danh sách ”Các cuộc điện thoại” riêng sẽ khiến bạn dễ dàng tập trung hơn và lựa chọn các cuộc điện thoại cần thiết nhất để thực hiện ngay.

Tôi khuyên bạn nên dành thời gian ghi lại số điện thoại ngay bên cạnh mỗi mục gọi. Nhiều trường hợp bạn đã có thể thực hiện cuộc gọi nếu có sẵn số điện thoại, nhưng nếu phải tìm số thì bạn không thể thực hiện được ngay.

“Làm việc với máy tính”. Nếu bạn làm việc với máy tính − đặc biệt là bạn có máy tính xách tay hoặc một máy tính cá nhân ở chỗ làm và một máy tính ở nhà − sẽ rất hữu ích nếu bạn nhóm chung tất cả các hành động bạn cần thực hiện mỗi khi bật máy tính. Điều này cho phép bạn xem xét toàn bộ những công việc cần làm với máy tính, nhắc nhở bạn những email cần gửi, những tài liệu cần soạn thảo hay chỉnh sửa,…

Vì tôi phải đi công tác nước ngoài rất nhiều nên thậm chí, tôi còn duy trì cả một danh sách “Trên chuyến bay” tách biệt với danh sách “Làm việc với máy tính”. Khi ở trên máy bay, tôi không thể dễ dàng truy cập trang web hay máy chủ. Thay vì phải suy nghĩ lại xem có thể làm gì và không làm được gì với những hạng mục trong danh sách “Làm việc với máy tính”, tôi có thể tin tưởng rằng, không có một hành động nào trong danh sách này đòi hỏi tôi phải truy cập mạng. Điều đó khiến trí óc tôi thanh thản nghĩ đến sự lựa chọn theo các tiêu chí khác.

Chúng ta phải cố gắng có được sự đơn giản bên ngoài sự phức tạp.

–John Gardner

Nếu bạn chỉ có một chiếc máy tính ở nơi làm việc, bạn có thể không cần một danh sách “Làm việc với máy tính”, danh sách “Các công việc văn phòng” có thể bao gồm những công việc này bởi văn phòng là nơi duy nhất bạn có thể thực hiện được các công việc đó. (Tương tự, nếu bạn chỉ có một chiếc máy tính ở nhà và không phải là máy tính xách tay, bạn có thể đặt các công việc liên quan đến máy tính vào trong danh sách “Ở nhà”).

“Những việc vặt”. Sẽ rất có ý nghĩa nếu bạn đưa vào một phương tiện nhắc việc duy nhất tất cả những việc vặt cần làm khi bạn “đi loanh quanh ra ngoài”. Khi bạn phải lấy ôtô ra và đi đâu đó, sẽ rất tuyệt nếu bạn có thể nhìn vào danh sách “Các việc vặt” khi đang đi trên đường. Những hành động như “lấy giấy chứng nhận mua cổ phiếu tại ủy ban chứng khoán”, “lấy tranh ở cửa hàng đóng khung” và “mua cây thuốc lá cảnh ở vườn ươm cây” nên được xếp vào danh sách “Các việc vặt”.

Dĩ nhiên danh sách này không phức tạp hơn một danh mục “Thư cần gửi” trong cuốn sổ kế hoạch của bạn, hay một khay đựng trong nhóm “Các việc vặt” trong phần “Việc cần làm” trong thiết bị tổ chức cầm tay Palm.

Cũng cần thiết phải kiểm tra các mục phụ trong danh sách “Các việc vặt”. Ví dụ, ngay sau khi bạn thấy rằng cần phải mua một món đồ gì đó ở cửa hàng, bạn có thể muốn lập một mục phụ “Cửa hàng tạp hóa” và ghi vào đó tất cả những gì bạn muốn mua ở cửa hàng khi bạn nhớ ra. Ở mức độ đơn giản, bạn có thể lấy một mẩu giấy ghi “Cửa hàng tạp hóa”, ở mức độ phức tạp, nếu bạn đang sử dụng danh sách kỹ thuật số, bạn có thể tạo thêm một ghi chú là “Cửa hàng tạp hóa” vào danh sách của bạn và điền chi tiết vào đó.

Vì tôi đi lại trong các thành phố lớn nhiều nên tôi có hai danh sách “Các việc vặt”, đó là “Việc vặt ở nhà” và “Việc vặt ở bất cứ chỗ nào” cho tất cả những việc tôi có thể làm trên đường. “Ống nối hình chữ T cho ống nước” sẽ cho vào “Việc vặt ở nhà”, nhưng “mua tất” có thể cho vào “Việc vặt ở bất cứ chỗ nào”.

“Các công việc văn phòng”/”Tại văn phòng”. Nếu bạn làm việc trong văn phòng, bạn sẽ có những việc chỉ có thể làm được ở đó và sẽ rất hữu ích nếu bạn có một danh sách các việc như vậy trước mặt. Kể cả khi bạn có điện thoại và máy tính, bạn có danh sách “Các cuộc điện thoại” và “Làm việc với máy tính” riêng, thì những danh sách này cũng vẫn cần thiết. Tôi chỉ dùng danh sách “Các công việc văn phòng” hoặc “Tại văn phòng” cho việc cần phải nối mạng trực tuyến hoặc thuận tiện nhất trong văn phòng, ví dụ một thiết bị nhắc việc tải một phần mềm từ trang Web.

“Ở nhà”. Rất nhiều hành động có thể thực hiện khi bạn ở nhà và rất hợp lý khi có một danh sách các việc đó. Tôi chắc chắn bạn có một số kế hoạch cá nhân và kế hoạch cho gia đình mình, và điều tiếp theo thường làm với danh sách này chỉ là thực hiện chúng. “Treo bức ảnh mới”, “sắp xếp lại các đĩa CD” và “cất quần áo mùa đông vào tủ quần áo” có thể là những mục điển hình trong danh sách này.

Nếu bạn có một phòng làm việc tại nhà giống tôi thì bất cứ việc gì chỉ có thể làm tại đó nên được ghi vào danh sách “Ở nhà” (nếu bạn chỉ làm việc ở nhà và không phải đi tới văn phòng, bạn không cần phải có danh sách “Tại văn phòng” mà chỉ cần một danh sách “Ở nhà” là đủ).

“Chương trình làm việc”. Bạn sẽ thường xuyên nhận thấy rất nhiều công việc tiếp theo của bạn cần phải xảy ra hoặc là vào một thời điểm cụ thể với một người nào đó, hoặc được đưa ra tại cuộc họp ủy ban, nhóm hay nhân viên. Bạn phải nói chuyện với đối tác về kế hoạch năm tới; bạn biết kế hoạch làm việc mùa xuân của chồng; bạn phải giao nhiệm vụ cho thư ký, một việc rất phức tạp nếu giải thích qua email. Và bạn phải ông bố sự thay đổi trong chính sách báo cáo chi tiêu vào cuộc họp nhân viên ngày thứ hai.

Những công việc tiếp theo cần được đặt trong các danh sách “Chương trình làm việc” riêng biệt cho từng người và từng cuộc họp (giả sử bạn tham gia những cuộc họp đó thường xuyên). Nếu bạn tận tâm về quyết định tất cả các công việc tiếp theo, có thể bạn sẽ phải cần từ 3 đến 15 danh sách như vậy. Theo tôi, phải có những tập hồ sơ hay danh sách riêng biệt cho sếp, đối tác, trợ lý, vợ chồng hay con cái của bạn. Bạn cũng nên có hồ sơ cho luật sư, nhà tư vấn tài chính, kế toán và nhà tư vấn máy tính, cũng như cho bất cứ ai bạn cần giải quyết công việc trong lần gọi điện sau.

Nếu bạn tham gia vào các cuộc họp sắp tới − họp nhân viên, họp dự án, họp ban quản trị, họp hội đồng,… − thì những cuộc họp đó cũng cần được lập hồ sơ riêng. Trong các hồ sơ này, bạn có thể lựa chọn những gì sẽ nêu ra trong cuộc họp.

Thông thường, bạn sẽ muốn giữ lại một danh sách tạm thời những gì bạn sẽ phải làm với một người nào đó trong thời gian ngắn. Ví dụ, nếu bạn thuê một nhà thầu để sửa chữa, xây mới nhà hay bất động sản của mình, bạn có thể tạo một danh sách cho anh ta trong suốt quá trình. Khi bạn kiểm tra công trình nhưng anh ta không có mặt ở đó và bạn có thể có một vài điều cần trao đổi với anh ta, thì danh sách đó phải dễ nắm bắt và tiếp cận khi cần thiết.

Với tính hữu dụng của loại danh sách này, hệ thống của bạn cần cho phép bạn thêm “Các chương trình làm việc phát sinh” (khi cần thiết) nhanh chóng và thuận tiện. Ví dụ, việc bổ sung một trang cho một cá nhân hay cuộc họp trong “Chương trình làm việc” ở cuốn sổ dự án chỉ mất vài giây, cũng giống như việc thêm một “Ghi chú” trong nhóm “Chương trình làm việc” trong thiết bị trợ giúp cá nhân kỹ thuật số PDA.

“Đọc/Xem xét lại”. Đôi lúc, bạn sẽ khám phá ra trong giỏ đựng thông tin đầu vào của mình có những thứ mà công việc tiếp theo là đọc. Tôi hy vọng bạn luôn nhớ nguyên tắc 2 phút và nhanh chóng đọc lướt các hạng mục − quẳng đi, lập hồ sơ hay chuyển chúng đến những vị trí thích hợp.

Những người sử dụng thời gian cá nhân tệ nhất là những người đầu tiên luôn phàn nàn thiếu thời gian.

–Jean de La Bruysre

Với những hạng mục cần đọc phải mất hơn 2 phút để thực hiện, tốt nhất bạn nên quản lý trong một giỏ đựng riêng biệt có dán nhãn “Đọc/Xem xét lại”. Đây vẫn là “một danh sách” theo định nghĩa của tôi, nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu xếp các tài liệu

và tạp chí vào một khay hay một cặp đựng tài liệu có thể xách đi được.

Đối với nhiều người, tài liệu cần “Đọc/Xem xét lại” rất nhiều. Đó là lý do tại sao nó chỉ dành cho những hành động kéo dài-hơn-2-phút mà bạn thật sự muốn đọc khi có thời gian. Bản thân nó cũng đủ khiến bạn nản chí, nhưng mọi thứ sẽ vượt qua khỏi tầm kiểm soát và bị tê liệt nghiêm trọng nếu giới hạn của nhóm này không được xác định rõ ràng. Ít nhất mô hình phác thảo ban đầu cũng giúp bạn nhận thức được và có một loại hình cơ chế tự điều khiển nào đó sẽ giúp bạn nhận thức rõ hơn cái gì muốn giữ và cái gì phải loại bỏ.

Cũng rất hữu ích nếu trong tay bạn có sẵn một số tài liệu để đọc và dễ dàng lấy ra khi bạn có thời gian rảnh rỗi, ví dụ: bạn đang trên đường đi họp mà cuộc họp đó có thể bắt đầu muộn; bạn tham dự một cuộc hội thảo nhưng không có gì để thảo luận; bạn có cuộc hẹn với nha sĩ nhưng phải chờ đợi. Đây là những cơ hội tốt để bạn xử lý những tài liệu cần đọc. Những người không tổ chức tài liệu dưới dạng “Đọc/Xem xét lại” sẽ lãng phí rất nhiều thời gian vì cuộc sống có nhiều những khoảng thời gian ngắn ngủi để có thể xử lý công việc.

Tổ chức danh sách “Chờ đợi”

Giống như những phương tiện nhắc việc bạn cần làm, phương tiện nhắc những việc bạn chờ đợi để lấy lại hoặc chờ đợi người khác thực hiện cũng cần được phân loại và xếp nhóm. Bạn không nhất thiết phải theo dõi những bước hành động riêng biệt mà chỉ cần theo dõi các dự án cuối cùng hoặc tài liệu chuyển giao cuối cùng do người khác chịu trách nhiệm. Ví dụ: bạn đặt vé xem ca nhạc tại rạp hát, máy quét sẽ được đem đến văn phòng, tài liệu trong dự án đã được phía khách hàng phê duyệt… Bạn không cần có phương tiện nhắc việc khi công việc tiếp theo là trách nhiệm của người khác, mà chỉ cần biết việc bạn cần chờ đợi gì, ở ai. Vai trò của bạn là xem xét lại danh sách đó thường xuyên theo yêu cầu và đánh giá xem bạn có phải đưa ra hành động nào không (ví dụ, kiểm tra hiện trạng hoặc thúc đẩy dự án).

Bạn có thể nhận thấy hiệu quả khi bạn luôn giữ danh sách “Chờ đợi” trong cùng một

hệ thống với phương tiện nhắc việc cho danh sách “Các công việc tiếp theo”. Trách nhiệm đối với công việc tiếp theo có thể chuyển từ bên này sang bên kia nhiều lần trước khi dự án hoàn thành. Ví dụ, bạn có thể phải gọi điện cho người bán hàng để yêu cầu một kế hoạch cho công việc (trong danh sách “Các cuộc điện thoại”). Sau khi gọi điện, bạn đợi người bán hàng quay lại với kế hoạch (kế hoạch sẽ được chuyển sang danh sách “Chờ đợi”). Khi kế hoạch được chuyển tới, bạn sẽ phải xem xét nó (nó sẽ nằm trong giỏ “Đọc/Xem xét lại”). Khi đã xử lý xong, bạn gửi nó cho sếp để được phê duyệt (bây giờ nó lại quay trở lại danh sách “Chờ đợi”),…

Bạn sẽ có cảm giác an tâm khi biết danh sách “Đang chờ đợi” của bạn là một kho lưu trữ hoàn hảo toàn bộ những gì bạn quan tâm mà mọi người được cho là sẽ thực hiện.

Sử dụng hạng mục gốc như một phương tiện nhắc việc

Cách hiệu quả nhất để theo dõi các phương tiện nhắc việc là đưa chúng vào trong danh sách hay cặp đựng tài liệu khi bạn gặp những hành động đó. Bạn có thể ghi tóm tắt khi họp với sếp nhưng bạn cũng có thể bỏ qua bản ghi này ngay sau khi đưa ra bất kỳ dự án hay hành động nào liên quan đến chúng. Trong khi cố gắng sử dụng hộp thư thoại, một số người vẫn cần danh sách “Các việc cần xử lý”, đó không phải là cách hiệu quả nhất để quản lý những phương tiện nhắc việc được gắn với chúng.

Tuy nhiên, cũng có một vài ngoại lệ với quy tắc này. Một số loại thông tin đầu vào có thể có hiệu quả nhất khi tự chúng đóng vai trò nhắc việc cho các hành động cần thực hiện hơn là việc bạn phải viết điều gì đó về chúng trong một danh sách. Điều này đặc biệt đúng với một số tài liệu dạng văn bản và email.

Quản lý luồng công việc trên giấy tờ

Bản thân một số thứ đã là phương tiện nhắc việc tốt nhất. Nhóm các bài báo, ấn phẩm hay tài liệu “Đọc/Xem xét lại” là ví dụ điển hình nhất. Nó có hại nếu chúng ta viết “Xem xét lại tạp chí Fortune” trong một danh sách công việc nào đó trong khi bạn có thể chỉ cần đưa nó vào trong giỏ “Đọc/Xem xét lại” là được.

Một ví dụ khác, mọi người thấy dễ dàng hơn khi xử lý các hóa đơn bằng cách thanh toán chúng tại một thời điểm và ở một chỗ. Họ sẽ muốn giữ hóa đơn trong cặp đựng hồ sơ hay trong giỏ đựng có dán nhãn “Các hóa đơn cần thanh toán” (hoặc tổng quát hơn là “Vấn đề tài chính cần xử lý”). Tương tự, những biên lai cho các khoản chi tiêu sẽ được xử lý tại thời điểm phát sinh hoặc lưu giữ trong phong bì hay cặp đựng hồ sơ có nhãn “Các biên lai cần xử lý” .

Bản chất cụ thể của công việc, thông tin đầu vào và môi trường làm việc của bạn có thể có hiệu quả đối với việc tổ chức các nhóm khác chỉ sử dụng giấy tờ ban đầu. Ví dụ, một chuyên gia chăm sóc khách hàng có thể phải giải quyết rất nhiều yêu cầu nảy sinh dưới dạng văn bản. Trong trường hợp này, việc lưu giữ những giỏ thông tin hay hồ sơ chỉ bao gồm những mục có thể hành động là cách quản lý tốt nhất.

Việc ghi phương tiện nhắc việc vào một danh sách hay việc sử dụng tài liệu gốc trong giỏ thông tin hay kẹp hồ sơ tốt hơn phụ thuộc nhiều vào công tác hậu cần. Bạn có thể sử dụng các phương tiện nhắc việc này ở những nơi khác ngoài ngăn kéo bàn làm việc không? Nếu có, bạn phải xem xét tới khả năng có thể mang tài liệu đi cùng. Nếu bạn không thể làm việc đó ở nơi nào khác ngoài bàn làm việc thì việc quản lý những phương tiện nhắc việc chỉ tại nơi làm việc sẽ tốt hơn.

Cho dù bạn chọn phương án nào, những phương tiện nhắc việc phải dễ nhìn thấy, tách biệt theo yêu cầu của công việc tiếp theo. Nếu công việc tiếp theo trong thứ tự làm việc là gọi điện thì nó phải được đưa vào danh sách “Các cuộc điện thoại”. Nếu công việc tiếp theo là xem xét lại thông tin và nhập vào máy tính, nó sẽ được đưa sang danh sách “Làm việc với máy tính”. Tôi nhận thấy, nhân tố làm giảm mạnh nhất tính hiệu quả của nhiều hệ thống luồng công việc là lưu giữ tất cả các tài liệu của một loại (ví dụ như các yêu cầu dịch vụ) trong cùng một khay, cho dù mỗi loại hành động khác nhau cần một khay riêng. Một yêu cầu cần phải gọi điện, yêu cầu khác là xem xét lại dữ liệu và yêu cầu khác nữa là đợi ai đó xem lại thông tin, nhưng tất cả lại được phân loại vào cùng một nhóm. Cách sắp xếp này khiến đầu óc của chúng ta tê liệt trước hàng đống yêu cầu, bởi vì tất cả các quyết định về các công việc tiếp theo đang bị

treo.

Hệ thống cá nhân của tôi rất dễ di chuyển, với hầu hết mọi thứ đều được xếp trong danh sách, nhưng tôi vẫn duy trì hai nhóm nhắc việc dạng giấy. Tôi mang theo một kẹp hồ sơ bằng nhựa dán nhãn “Đọc/Xem xét lại” và một kẹp hồ sơ khác với nhãn “Mục dữ liệu”. Ở kẹp hồ sơ thứ hai, tôi cho vào tất cả những gì có công việc tiếp theo, chỉ đơn giản là nhập dữ liệu vào máy tính (những tấm card visit cần lưu vào danh sách điện thoại/địa chỉ, những trích dẫn trong dữ liệu “trích dẫn” của tôi, các bài báo viết về các nhà hàng mà tôi muốn đưa vào trong danh sách phụ của “Du lịch thành phố”,…).

Quản lý luồng công việc trên email

Giống như những thông tin trên giấy, các email cần có hành động đôi khi được sử dụng như phương tiện nhắc việc tốt nhất cho chính chúng – trong trường hợp này nó nằm trong hệ thống email được theo dõi. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn có quá nhiều email và phải dành rất nhiều thời gian xử lý chúng. Những email bạn phải xử lý có thể lưu trữ trong hệ thống thay vì phải ghi những hành động kèm theo chúng vào một danh sách.

Nhiều khách hàng của tôi thấy hữu ích khi thiết lập hai hay ba tệp thông tin trong email của mình. Đúng vậy. Hầu hết các tệp thông tin trong email được sử dụng để tham khảo hay lưu trữ thông tin, nhưng nó cũng có khả năng thiết lập một hệ thống lưu trữ các thông tin có thể hành động một cách có tổ chức, bên ngoài của hệ thống thông tin “trong” (nơi hầu hết mọi người giữ thông tin).

Tôi khuyên bạn nên tạo ra một tệp chứa các email mà bạn phải xử lý nhiều-hơn-2-phút (lại một lần nữa, bạn phải có khả năng gửi đi nhiều thông điệp ngay tức thì bằng cách tuân theo nguyên tắc 2 phút). Tên tệp phải được bắt đầu bằng một chữ cái hoặc biểu tượng để: (1) nó khác với danh sách tham khảo của bạn; và (2) nó nằm trong tệp tin hàng đầu trong thanh công cụ. Nếu sử dụng những biểu tượng như “@” trong Microsoft hay “_” trong Lotus, nó sẽ xếp hàng đầu trong hệ thống. Tên tệp tin của bạn là “@ Công việc” sẽ lưu giữ những email mà bạn cần xử lý.

Sau đó, bạn có thể tạo ra tệp tin có tên “@ Chờ đợi” sẽ nằm ở cùng chỗ với tệp tin “@ Công việc”. Khi bạn nhận được email chỉ rõ ai đó phải làm gì mà bạn cần theo dõi, bạn có thể cho nó vào tệp tin “@ Chờ đợi”. Nó cũng lưu giữ các phương tiện nhắc việc của những gì bạn giao cho người khác làm thông qua email: khi bạn chuyển tiếp cái gì cho ai, hay sử dụng email để đưa ra một yêu cầu hoặc chuyển giao công việc, hãy lưu lại một bản trong tệp tin “@ Chờ đợi” .

Một số phần mềm ứng dụng (ví dụ phần mềm Lotus Notes) cho phép bạn lập hồ sơ một bản sao chép của email vào một tệp khi gửi email đó đi (nhấn vào nút “Gửi và lưu hồ sơ”). Một số phần mềm khác (ví dụ Outlook) sẽ tự động lưu vào tệp tin “Thư gửi đi” của bạn. Trong trường hợp sau, có vẻ như giải pháp tốt nhất đối với nhiều người là sao chép (gửi lưu cho biết địa chỉ hoặc gửi lưu không cho biết địa chỉ) bức thư khi họ chuyển chúng qua email và sau đó đưa bản sao chép đó vào tệp tin “@ Đang chờ đợi” (khi sử dụng chương trình phần mềm Outlook, nó sẽ gửi tự động bất cứ email nào bạn gửi lưu cho chính mình trong một tệp tin đã chọn. Đây chính là kiểu bản sao của tiến trình vừa trình bày).

Xử lý “làm rỗng” thông tin “đầu vào”. Phương pháp được mô tả chi tiết ở trên cho phép bạn xử lý và làm rỗng tất cả email trong giỏ thông tin thư đến. Đây chính là công cụ tuyệt vời giúp bạn hiểu rõ và kiểm soát công việc hàng ngày. Bạn sẽ sử dụng giỏ thông tin thư đến như thông tin đầu vào, do đó, bất cứ thư nào còn trong đó sẽ được coi như một tin nhắn trong máy điện thoại trả lời tự động – đèn nháy báo cho bạn biết cần phải xử lý thông tin! Một số người sử dụng thư mục thư đến trong hộp thư điện tử như nơi lưu trữ thông tin chưa được xử lý hay thông tin tham khảo. Đây là một thói quen làm cho trí óc họ tê liệt: họ phải đánh giá lại bất cứ thứ gì vào bất cứ khi nào nhìn vào màn hình. Nếu chưa bao giờ hòm thư điện tử của bạn đầy email, phương pháp này có thể hợp lý, nhưng nó không thể áp dụng được với số lượng email mà hầu hết các chuyên gia nhận được và phải xử lý hàng ngày.

Một lần nữa, việc xử lý làm rỗng thông tin đầu vào không có nghĩa là bạn phải xử lý mọi thứ. Bạn chỉ xóa đi những gì có thể xóa và lập hồ sơ những gì bạn muốn lưu lại

nhưng không cần phải làm gì với chúng, trả lời luôn tất cả những thư không-cần-quá-2-phút và chuyển sang tệp phương tiện nhắc việc những thứ bạn đang đợi và toàn bộ email bạn phải hành động. Bây giờ, bạn có thể mở tệp “@ Chờ đợi” và xem lại các email bạn đã xác định là cần phải giải quyết. Điều này sẽ dễ dàng giải quyết hơn so với việc bạn phải dò dẫm tìm thông tin ở nhiều nơi và lo sợ bỏ lỡ mất cái gì đó xảy đến với bạn phải không?

Cảnh báo về phương tiện nhắc việc quá phân tán

Có một mối nguy hiểm dễ thấy trong việc để phương tiện nhắc việc cần làm ở chỗ khuất tầm mắt. Chức năng của một hệ thống tổ chức, đầu tiên là cung cấp những phương tiện nhắc việc bạn nhìn thấy được mỗi khi cần, để bạn có thể tin tưởng vào sự lựa chọn của mình về điều đang làm (và điều không làm). Trước khi rời văn phòng về nhà, bạn phải xem xét lại từng email cần xử lý nhưng chưa được xử lý, giống như hạng mục trong danh sách “Các cuộc điện thoại” hay “Làm việc với máy tính”. Về cốt lõi, “@ Hành động” là phần mở rộng của danh sách “Làm việc với máy tính” và phải được xử lý như nhau. Luồng công việc “đang treo” lưu trữ dưới dạng giấy tờ cũng vậy, phải được đánh giá giống như một danh sách nếu nó là phương tiện nhắc việc duy nhất.

Việc phân bổ các tài liệu gốc, các hành động trong một tệp tin, trong các danh sách và/hoặc trong hệ thống email hoàn toàn chấp nhận được, miễn là khi cần, bạn phải xem xét lại toàn bộ các nhóm, qua đó tin tưởng tất cả các tài liệu gốc như nhau. Bạn không muốn có những thứ bị ẩn khuất trong những khe rãnh của hệ thống và không thể sử dụng chúng với mục đích định sẵn: nhắc nhở.

Để có thể đi chơi với bạn bè hay đi dạo trên một đoạn đường dài không mục đích với tâm trí thật sự thoải mái, bạn phải biết những hạng mục hành động đang nằm ở đâu, chúng thế nào và chúng sẽ đợi gì. Và bạn sẽ cần có khả năng làm điều đó trong vài giây, không phải trong vài ngày.

Tổ chức các phương tiện nhắc dự án

Tạo ra và duy trì danh sách tất cả các dự án của bạn (có nghĩa là bất cứ một kết quả cam kết hay mong muốn nào đòi hỏi hơn một hành động để hoàn thành) có thể là một kinh nghiệm rất tuyệt vời. Bạn có thể có nhiều dự án hơn bạn nghĩ. Nếu bạn chưa làm điều đó, tôi khuyên bạn trước hết nên lập một danh sách “Các dự án” rất bình thường, giống như những danh sách bạn dùng cho hành động. Nó có thể là một nhóm trong thiết bị tổ chức kỹ thuật số, một trang trong cuốn sổ kế hoạch công tác hay thậm chí là một cặp hồ sơ dán nhãn “Các dự án”, với hoặc là một danh sách tổng thể hoặc là các trang giấy rời cho mỗi dự án.

Danh sách “Các dự án”

Danh sách “Các dự án” không có nghĩa là giữ các dự án hay chi tiết của các dự án và bạn cũng không nên cố gắng giữ chúng theo trình tự ưu tiên, quy mô hay mức độ khẩn cấp − nó chỉ là chỉ số của những nút thòng lọng để mở. Bạn sẽ không thể thật sự xử lý toàn bộ danh sách “Các dự án” trong các hoạt động hàng ngày. Phần lớn danh sách các công việc và các nhiệm vụ không chính thống phát sinh của bạn sẽ tạo nên tiêu điểm chiến thuật trước mắt. Hãy nhớ rằng bạn không thể thực hiện một dự án, bạn chỉ có thể thực hiện các bước hành động mà nó cần.

Giá trị đích thực của danh sách “Các dự án” nằm ở việc đánh giá đầy đủ (ít nhất mỗi tuần một lần), cho phép bạn có thể bảo đảm mình có các bước hành động xác định cho toàn bộ dự án và không có kẽ hở. Việc thỉnh thoảng đọc lướt qua danh sách này sẽ nâng cao khả năng kiểm soát của bạn. Bạn sẽ biết có một bảng kê phù hợp sẵn có cho mình (và cả những người khác) bất cứ khi nào muốn đánh giá khối lượng công việc.

Một danh sách hay chia nhỏ danh sách?

Một số người cho rằng một danh sách là phù hợp nhất bởi nó có vai trò là một kho dự trữ tổng thể hơn là sự sắp xếp thứ tự ưu tiên hàng ngày. Hệ thống tổ chức chỉ đơn giản cung cấp các nơi chứa những nút thòng lọng để mở và các phương án lựa chọn, do đó, trí óc bạn có thể dễ dàng đưa ra các quyết định chiến lược cần thiết một cách trực

quan.

Việc bạn có bao nhiêu danh sách hay dự án không quan trọng, miễn là bạn nhìn vào nội dung tất cả các danh sách hay dự án đó khi cần, vì bạn sẽ chủ yếu làm điều đó khi làm bản tổng kết hàng tuần.

Một số cách thông dụng để phân nhỏ dự án

Trong một vài trường hợp, sẽ tốt hơn nếu bạn phân nhỏ dự án. Hãy xem xét chúng cụ thể dưới đây.

Cá nhân/công việc. Nhiều người cảm thấy thoái mái hơn khi để các danh sách thành các dự án cá nhân và công việc. Nếu bạn cũng cảm thấy như vậy thì hãy để ý rằng danh sách “Cá nhân” của bạn sẽ cần được xem xét thận trọng như là danh sách “Công việc” chứ không phải là nơi lưu trữ hàng tuần. Rất nhiều công việc trong danh sách cá nhân cần được xử lý vào các ngày trong tuần như những công việc khác. Và thông thường, một vài điều gây sức ép lớn nhất cho công việc lại bắt nguồn từ những khía cạnh cá nhân trong cuộc sống mà chúng ta bỏ qua.

Những dự án chuyển cho người khác. Nếu bạn là một giám đốc hay nhà điều hành cao cấp, bạn có thể phải chịu trách nhiệm trực tiếp với một số dự án trực tiếp, nhưng bạn lại chuyển nó cho người khác thực hiện và yêu cầu họ báo cáo lại cho bạn. Trong khi bạn có thể cho nó vào danh sách “Chờ đợi”, thì sẽ phù hợp hơn nữa nếu bạn tạo ra một danh sách “Dự án chuyển cho người khác làm” để tiện theo dõi. Nhiệm vụ của bạn chỉ đơn giản là xem xét lại danh sách này thường xuyên để đảm bảo mọi việc diễn ra bình thường.

Các loại dự án cụ thể. Một số chuyên gia có thể có một phần công việc là các dự án khác nhau của cùng một loại. Và sẽ có giá trị hơn nếu nhóm chúng vào một danh sách phụ nằm trong danh sách “Các dự án”. Ví dụ, tôi duy trì một nhóm riêng biệt có tên “Dự án sẽ chuyển”, một danh sách xếp theo thứ tự thời gian tất cả các cuộc hội thảo, tập huấn và tư vấn mà tôi cam kết. Những sự kiện này là những “dự án” giống như

những dự án khác, trong đó tôi cần lưu lại các ghi chú xem chúng có tiến hành bình thường và hợp lý không cho đến khi kết thúc. Nhưng tôi lại thấy chúng hữu ích khi được đưa vào một danh sách duy nhất, theo đúng lịch làm việc và tách biệt khỏi các dự án khác.

Nếu bạn là nhân viên của hãng bất động sản cung cấp các dịch vụ tư vấn hoặc phát triển các dự án cho một số lượng nhỏ khách hàng tiềm năng trong các ngành khác nhau, bạn có thể thấy hữu dụng khi để tất cả những “quan hệ khách hàng đang tiến triển” vào một danh sách. Đây có thể là một danh sách riêng trong sổ kế hoạch của bạn có tên là “Các dự án khách hàng trong quá trình phát triển”; hoặc nếu bạn đã có sẵn tệp thông tin cho mỗi dự án đang tiến hành thì có thể cho tất cả vào một hồ sơ. Lưu ý rằng, phương pháp này chỉ hiệu quả khi nó thể hiện đầy đủ các tình huống cần hành động và khi bạn thường xuyên xem xét chúng cùng với các dự án còn lại, giữ nguyên hiện trạng của chúng và hết sức tỉnh táo.

Các dự án phụ thì sao?

Một số dự án của bạn có thể có nhiều dự án phụ, mỗi dự án phụ, về lý thuyết, có thể coi là một dự án. Ví dụ, nếu bạn chuyển đến nhà mới và cần sửa sang lại, bạn có thể có một danh sách các việc cần làm như “hoàn thành việc trang trí cảnh quan”, “sửa chữa lại nhà bếp”, “mắc lại dây điện ở tầng trệt”,… Tất cả những việc đó có thể được coi như các dự án riêng biệt. Bạn có để tất cả những thứ này trong một danh sách “Các dự án” không, ví dụ “hoàn thành việc sửa nhà mới” − hay bạn viết mỗi dự án phụ thành một mục riêng?

Cách nào không quan trọng, miễn là bạn có thể thường xuyên xem xét toàn bộ thành phần của các dự án để duy trì năng suất. Không có công cụ bên ngoài hay mô hình tổ chức nào hoàn hảo để phân loại theo chiều ngang và chiều dọc tất cả các dự án của bạn. Bạn vẫn phải nắm bắt tổng thể một cách đồng bộ (ví dụ: thông qua việc xem xét tổng kết hàng tuần). Nếu bạn lập một dự án lớn trong danh sách “Các dự án” thì bạn sẽ muốn giữ một danh sách các dự án phụ và/hoặc chính kế hoạch dự án như là “tài liệu hỗ trợ dự án” để xem xét khi bạn tiến hành xử lý chúng. Bạn nên làm theo cách

này nếu đa phần dự án phụ thuộc vào các phần khác được thực hiện trước đó. Trong trường hợp đó, bạn có thể có các dự án phụ mà không cần kèm công việc tiếp theo vì chúng trong trạng thái “chờ đợi” các hành động khác thực hiện trước khi đến lượt chúng. Ví dụ, bạn sẽ không thể sửa lại bếp cho đến khi bạn hoàn thành việc “mắc lại dây điện ở tầng trệt”. Tuy nhiên, bạn có thể tiến hành “trang trí cảnh quan” độc lập với hai dự án phụ trên. Do đó, bạn có thể muốn có công việc tiếp theo liên tục hiện hữu giữa việc “mắc lại dây điện ở tầng trệt” và “hoàn thành trang trí cảnh quan”.

Đừng quá lo lắng xem cách nào là tốt nhất. Nếu bạn không chắc chắn, tôi khuyến khích bạn xếp những dự án lớn vào danh sách “Các dự án” và lưu những mẩu ghi nhớ nhỏ trong tài liệu hỗ trợ dự án, đảm bảo sẽ xếp chúng vào bản tổng kết hàng tuần. Nếu sự sắp xếp này có vẻ không phù hợp, hãy thử cho thêm vào cả những dự án phụ độc lập và đang hoạt động như những mục riêng biệt trong danh sách tổng thể của bạn.

Không có hệ thống hoàn hảo để theo dõi toàn bộ các dự án và dự án phụ của bạn theo cùng một cách. Bạn chỉ cần biết mình có những dự án và nếu chúng có những thành phần liên quan, bạn biết phải tìm những phương tiện nhắc việc phù hợp ở đâu.

Các tài liệu hỗ trợ dự án

Tài liệu hỗ trợ dự án không phải là các công việc dự án, cũng không phải là phương tiện nhắc dự án. Chúng là nguồn hỗ trợ cho các công việc và tư duy về các dự án của bạn.

Đừng sử dụng tài liệu hỗ trợ như những phương tiện nhắc việc. Thông thường mọi người sử dụng giấy và nhét chúng đầy trong các cặp tài liệu như phương tiện nhắc việc rằng: (1) họ có một dự án; và (2) họ phải làm cái gì về dự án đó. Họ thật sự đã biến tài liệu hỗ trợ dự án thành phương tiện nhắc việc. Vấn đề ở chỗ, các công việc tiếp theo và danh mục “Chờ đợi” của những dự án này thường chưa được xác định và thường bị ấn vào một đống giấy tờ hoặc cặp đựng tài liệu − khiến chúng giống như những thứ bỏ đi, gây rối loạn cho việc tổ chức thay vì thu hút sự chú ý của chúng ta. Khi bạn bắt

tay vào việc, những tập hồ sơ đó là những thứ cuối cùng bạn muốn ngó đến và nghiên cứu. Bạn sẽ thật sự bị tê liệt trước hàng đống tài liệu như vậy, bởi chúng không đưa ra những gợi ý cho bạn mà chỉ mang lại nhiều lo lắng hơn.

Nếu gặp tình huống này, trước hết bạn phải đặt dự án vào trong danh sách “Các dự án” như một phương tiện nhắc nhở rằng có kết quả cần phải đạt được ở phía trước. Sau đó, các bước hành động và hạng mục “Chờ đợi” phải được cho vào các danh sách nhắc việc phù hợp. Cuối cùng, nếu đã đến lúc phải thật sự hành động, ví dụ như gọi điện cho ai đó về dự án, bạn có thể lấy ra tất cả những tài liệu mà bạn nghĩ có thể cần làm tài liệu hỗ trợ trong quá trình đàm thoại.

Xin nhắc lại, bạn không nên sử dụng tài liệu hỗ trợ như là phương tiện nhắc bạn công việc cần làm mà phải chuyển nó vào danh sách hành động. Tuy nhiên, nếu tài liệu bao gồm cả kế hoạch dự án và đánh giá tổng thể ngoài các thông tin tham khảo lưu trữ không chính thống thì bạn có thể muốn giữ chúng ở dạng dễ thấy và dễ tiếp cận hơn những tài liệu tham khảo thông thường trong tủ hồ sơ. Tủ đựng hồ sơ cũng phù hợp để đựng các tài liệu hỗ trợ, miễn là bạn có quy định mở các ngăn kéo hồ sơ để xem xét kế hoạch mỗi khi làm bản tổng kết công việc hàng tuần. Nếu không, tốt hơn bạn hãy lưu giữ những tài liệu hỗ trợ dự án này trong một cặp hồ sơ hiện có hay một giỏ đựng tài liệu “Treo” riêng biệt trên bàn làm việc.

Hãy quay lại ví dụ trước đây của chúng ta về việc chuyển sang một ngôi nhà mới, bạn có thể có một hồ sơ với tên “Nhà mới” đựng tất cả các kế hoạch, chi tiết và ghi chú về việc trang trí cảnh quan, mắc lại dây điện tầng trệt và sửa chữa nhà bếp. Trong bản tổng kết công việc hàng tuần, khi bạn xét đến mục “Hoàn thành việc sửa chữa nhà mới” trong danh sách “Các dự án”, bạn sẽ lấy ra hồ sơ “Nhà mới” và lật giở toàn bộ các ghi chú để bảo đảm không bỏ qua bất cứ công việc tiếp theo nào. Những công việc này khi đó cần phải được hoàn thành, chuyển giao cho người khác hoặc trì hoãn trong các danh sách hành động, và cặp đựng hồ sơ sẽ được sắp xếp lại cho đến khi bạn cần nó để thực hiện các công việc này hay cho bản tổng kết công việc hàng tuần lần sau.

Nhiều người giao tiếp trực tiếp với khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng đã cố gắng sử dụng cặp đựng hồ sơ khách hàng và/hoặc phần mềm quản lý các mối quan hệ giống như Hành động! để “quản lý các mối quan hệ”. Vấn đề là, một số tài liệu chỉ là các số liệu hoặc dữ liệu ghi lại những việc đã qua cần được lưu giữ dưới dạng thông tin cần thiết để tham khảo khi bạn cần sử dụng đến chúng, và một số tài liệu trong đó cần phải được theo dõi như là những hành động cần thiết thúc đẩy mối quan hệ tiến triển. Phần còn lại có thể hiệu quả hơn khi được tổ chức với hệ thống danh sách công việc. Thông tin khách hàng chỉ có vậy và có thể được xếp vào hồ sơ tham khảo khách hàng nói chung hoặc lưu trữ trong thư viện khác hàng (Tôi sử dụng từ “Hành động!” vì lý do quan trọng duy nhất là nó cho phép tôi tham khảo chéo thông tin tổng quát về công ty và những giao tiếp quan trọng với các nhân vật chủ chốt trong công ty). Nếu tôi cần gọi điện cho một khách hàng, tôi không muốn hệ thống nhắc việc để ở nơi nào khác ngoài danh sách “Các cuộc điện thoại”.

Tổ chức cách tư duy dự án ngẫu nhiên

Trong Chương 3, tôi đã đề nghị bạn thường xuyên có các ý tưởng về những dự án mà bạn muốn lưu lại nhưng không nhất thiết phải là các công việc tiếp theo. Những ý tưởng này được chia thành ba nhóm chính trong “tài liệu hỗ trợ dự án” và có thể là bất cứ thứ gì, từ khái niệm một điều gì đó bạn muốn làm trong kỳ nghỉ sắp tới đến việc làm rõ một số thành phần chủ yếu trong một kế hoạch dự án. Những ý tưởng này có thể nảy sinh khi bạn đang lái xe trên đường cao tốc và nghe một bản tin hay câu chuyện trên đài, hoặc khi bạn đang đọc một bài báo liên quan. Bạn sẽ làm gì với những loại tài liệu này?

Lời khuyên của tôi là, bạn hãy xem xét đặt việc theo dõi dự án hay chủ đề ở đâu, làm thế nào bạn có thể bổ sung thông tin cùng định dạng và bạn có thể lưu trữ các dữ liệu mở rộng liên quan đến dự án ở đâu. Hầu hết các chuyên gia sẽ có vài sự lựa chọn cách xử lý tài liệu hỗ trợ như những ghi chú vào một mục của danh sách, tổ chức thông tin kỹ thuật số trong email hay cơ sở dữ liệu và duy trì hồ sơ dưới dạng giấy tờ và những ghi chép trong sổ tay.

Những ghi chú đính kèm. Hầu hết các phần mềm tổ chức đều cho phép bạn đính kèm một “ghi chú” dưới dạng kỹ thuật số vào danh sách hay lịch. Nếu bạn đang có một danh sách “Các dự án” trong phần mềm, bạn có thể tìm đến một dự án, mở ra hay bổ sung một trang “ghi chú” cho dự án đó và xếp loại theo ý tưởng của bạn. Đây là một cách tuyệt vời để nắm bắt cách tư duy “mặt-sau-phong-bì-thư”. Nếu danh sách “Các dự án” dưới dạng giấy, bạn có thể đính kèm một ghi chú ở bên cạnh đề mục trong danh sách tổng thể hoặc nếu bạn là người ít sử dụng công nghệ thì hãy dán lên tờ giấy riêng biệt của đề mục. Trong bất cứ trường hợp nào, bạn cần phải nhìn vào bản đính kèm khi xem xét lại dự án để sử dụng thông tin.

Email và cơ sở dữ liệu. Các email chứa những thông tin giá trị liên quan đến các dự án của bạn có thể được lưu trữ tại một tệp email riêng biệt. Nếu bạn chưa có một danh sách như vậy, bạn cũng có thể thấy nó hữu ích để thiết lập một cơ sở dữ liệu kỹ thuật số cụ thể hơn cho việc tổ chức tư duy về một dự án hay chủ đề. Ví dụ, nếu máy tính của bạn sử dụng phần mềm Lotus Notes, bạn có thể tạo ra một cơ sở dữ liệu kỹ thuật số cho việc sử dụng máy tính cá nhân của bản thân hay dùng chung với người khác trong hệ thống mạng của bạn . Cũng nên để ý tới một số dạng cơ sở dữ liệu tự do khác có trên thị trường. Sẽ rất tuyệt nếu bạn có thể lấy dữ liệu từ trên mạng hoặc email và sắp xếp theo chủ đề ở một nơi nào đó; hoặc ghi lại vào máy tính những ý tưởng trong đầu bạn. Bạn nên sử dụng công nghệ và công cụ đã có − hãy học cách sử dụng tất cả các danh sách và tài liệu đính kèm trong một số phần mềm, ví dụ như phần mềm tổ chức của Palm có thể cung cấp cho bạn đầy đủ tính năng “mặt-sau-phong-bì-thư”.

Các hồ sơ dạng giấy. Có một cặp đựng hồ sơ dành riêng cho mỗi dự án rất có ý nghĩa nếu bạn tích lũy tài liệu dưới dạng giấy. Dù nó có thể là dạng công nghệ thấp nhưng lại là một giải pháp hay. Thật đơn giản và dễ xử lý khi tạo ra một hệ thống hồ sơ tham khảo chung khiến bạn cảm thấy thoải mái.

Một cuốn sổ tay. Ưu điểm lớn của cuốn sổ tay là bạn có thể dành riêng một trang hay một vài trang cho một dự án riêng biệt. Tôi đã nhiều năm duy trì một cuốn sổ tay cỡ

trung bình với danh sách “Các dự án” ở nửa đầu và phần “Hỗ trợ dự án” ở cuối sổ, nơi luôn có một vài trang trắng nhằm nắm bắt bất kỳ một ý tưởng hay một kế hoạch ngẫu nhiên và chi tiết nào về các dự án trong danh sách.

Mỗi một phương pháp mô tả ở trên có thể có hiệu quả trong tổ chức cách tư duy dự án. Vấn đề cốt lõi là bạn phải kiên định tìm kiếm bất cứ bước hành động nào vốn có trong ghi chú dự án và xem xét các ghi chú đó thường xuyên khi cần thiết.

Bạn cũng sẽ muốn loại bỏ nhiều ghi chú khác khi chúng trở nên kém hiệu quả hoặc không thực tiễn, để giữ cho toàn bộ hệ thống không bị ảnh hưởng của những cái đã cũ. Tôi nhận thấy rất nhiều giá trị trong việc nắm giữ những loại hình suy nghĩ này. Nhưng tôi cố không để cho những ý nghĩ cũ quanh quẩn trong đầu quá lâu hay giả vờ rằng chúng còn giá trị, trong khi thực tế không như vậy.

Tổ chức các dữ liệu “không thể hành động”

Điều thú vị là, một trong những vấn đề lớn nhất của phần lớn hệ thống quản lý cá nhân của mọi người là họ trộn lẫn một số thứ có thể hành động với một lượng lớn các tài liệu hoặc dữ liệu có giá trị nhưng không hành động được. Có được một cơ cấu nhất quán để quản lý những hạng mục không thể hành động trong công việc và cuộc sống quan trọng tương đương với việc quản lý các hành động và phương tiện nhắc các dự án. Các hạng mục không thể hành động không được quản lý hợp lý sẽ làm nghẽn toàn bộ tiến trình.

Những hạng mục không thể hành động được chia thành hai nhóm: tài liệu tham khảo và phương tiện nhắc các việc không cần hành động hiện tại nhưng có thể cần hành động một ngày nào đó trong tương lai.

Tài liệu tham khảo

Bạn có thể tình cờ bắt gặp rất nhiều thứ là các tài liệu tham khảo trên bàn làm việc và trong cuộc sống. Không cần phải hành động gì với những tài liệu này nhưng chúng là những thông tin bạn muốn giữ lại vì nhiều lý do. Điều quan trọng là bạn cần quyết

định sẽ lưu giữ chúng với số lượng bao nhiêu, dành bao nhiêu không gian, lưu trữ dưới dạng gì và ở đâu. Phần lớn những thứ cần quyết định là các đánh giá cá nhân hoặc mang tính tổ chức dựa trên suy nghĩ logic, theo luật hoặc ý thích cá nhân. Thời điểm duy nhất bạn nên để ý đến tài liệu tham khảo là khi bạn cần phải thay đổi hệ thống theo một cách nào đó, bởi vì bạn có quá nhiều hoặc quá ít thông tin theo nhu cầu và sở thích.

Vấn đề mà hầu hết mọi người gặp phải đối với tài liệu của họ là nó vẫn chỉ là “dữ liệu thô” − có nghĩa là họ vẫn chưa quyết định tài liệu nào dùng được, tài liệu nào không. Một khi bạn làm sáng tỏ được vấn đề trên thì phần còn lại ở dạng tài liệu tham khảo sẽ không còn có sức lôi cuốn hay tình trạng chưa hoàn thành nào liên quan tới nó – nó chỉ là thư viện. Quyết định duy nhất của bạn lúc này là muốn thư viện của mình phong phú đến đâu. Khi tăng dung lượng ổ cứng máy tính, tôi có thể lưu trữ nhiều thông tin hơn. Càng nhiều càng tốt miễn là tôi còn quan tâm, vì tăng số lượng các tài liệu tham khảo đơn thuần không làm tăng sức ép tâm lý.

Sự đa dạng của các hệ thống tham khảo

Có một vài cách để tổ chức các tài liệu tham khảo và nhiều loại công cụ để sử dụng.

Dưới đây là một số cách thông dụng nhất:

• Lập hồ sơ tham khảo chung − dạng giấy hoặc email.

• Lập hồ sơ theo nhóm lớn.

• Quản lý các mối quan hệ và các chỉ số.

• Thư viện và nơi lưu trữ thông tin.

Lập hồ sơ tham khảo chung. Như tôi đã nói, một hệ thống hồ sơ tốt rất cần thiết để xử lý và tổ chức tài liệu của bạn. Nó cũng là điều kiện bắt buộc để giải quyết khối lượng lớn các tài liệu bằng giấy có giá trị đối với bạn vì lý do này hay lý do khác. Điều lý tưởng là bạn đã thiết lập hệ thống lập hồ sơ tham khảo chung khi bạn xử lý “thông tin

đầu vào”. Bạn cần phải cảm thấy thoải mái khi phân loại, dù chỉ là một mẩu giấy bạn muốn lưu lại để tham khảo sau này. Hệ thống của bạn phải ở dạng chính thống, dễ dàng truy cập và lập hồ sơ cho công việc và luôn sẵn sàng ở nơi làm việc. Nếu bạn vẫn chưa thiết lập một hệ thống như vậy, hãy tìm kiếm sự trợ giúp trong Chương 4.

Hầu hết mọi người xử lý khoảng 200-400 hồ sơ tham khảo chung ở dạng giấy tờ và 30-100 tệp thông tin tham khảo dạng email.

Lập hồ sơ theo nhóm lớn. Bất cứ một chủ đề nào cần nhiều hơn 50 tệp hồ sơ thì nên được để ở một ngăn kéo hay một khu vực riêng với một hệ thống riêng được đánh dấu theo thứ tự bảng chữ cái. Ví dụ, nếu bạn quản lý một tập đoàn đang được sáp nhập và cần phải lưu giữ rất nhiều giấy tờ, bạn có thể muốn dành riêng hai hoặc ba tủ đựng hồ sơ của tất cả các tài liệu cần thiết cho tiến trình chuyển giao. Nếu việc làm vườn, lái thuyền buồm hay nấu ăn là niềm đam mê của bạn, bạn có thể cần ít nhất là một ngăn kéo đựng hồ sơ dành riêng cho những sở thích này.

Luôn nhớ rằng, nếu “khu vực tập trung” của bạn có các tài liệu hỗ trợ có thể trộn lẫn vào các “khu vực tập trung” khác, bạn sẽ gặp phải tình thế tiến thoái lưỡng nan: lưu trữ thông tin trong hồ sơ tham khảo chung hay trong các hồ sơ tham khảo riêng biệt? Khi bạn đọc một bài báo hay về việc làm hàng rào và muốn lưu lại nó, liệu bạn sẽ cho tờ báo đó vào tập tài liệu “Vườn” hay vào hệ thống chung với các thông tin về các dự án liên quan đến nhà? Theo thông lệ, tốt nhất là cho nó vào hệ thống thông tin tham khảo chung.

Quản lý các mối quan hệ và các chỉ số. Hầu hết các thông tin bạn cần lưu trữ liên quan trực tiếp đến những người trong hệ thống của bạn. Bạn cần phải theo dõi thông tin về mọi mối quan hệ − điện thoại, địa chỉ nhà và văn phòng, điện thoại di động, số fax, địa chỉ email,… Ngoài ra, nếu thấy hữu ích, bạn có thể muốn lưu trữ thông tin về ngày sinh, tên bạn bè, thành viên trong gia đình đồng nghiệp, sở thích, loại rượu và thức ăn ưa thích của họ,… Chuyên nghiệp hơn, bạn có thể muốn theo dõi ngày ký kết hợp đồng, ngày đánh giá khả năng làm việc, mục đích, mục tiêu và các dữ liệu liên quan khác cho mục tiêu phát triển nhân viên của bạn.

Mục địa chỉ/điện thoại của hầu hết các phương tiện tổ chức có trên thị trường 50 năm qua (cùng với cuốn lịch) có lẽ được sử dụng nhiều nhất. Mọi người đều cần lưu giữ số điện thoại. Phải công nhận đây là tài liệu tham khảo đơn giản, không cần có hành động nào, chỉ là thông tin bạn có thể cần sử dụng trong tương lai.

Vì vậy, không hề có bí mật nào về việc bạn sẽ xử lý chúng như thế nào, ngoài việc đáp ứng cho những nhu cầu cá nhân của bạn. Một lần nữa, vấn đề duy nhất nảy sinh khi mọi người cố gắng biến các chỉ số của họ thành công cụ nhắc nhở những điều họ phải làm. Điều này không hiệu quả. Trong chừng mực mà tất cả hành động liên quan đến những người bạn biết được nhận diện và theo dõi trong các danh sách nhắc việc, thì không cần tới vai trò của hệ thống địa chỉ hay số điện thoại để thay thế ngoài việc là một cuốn sổ địa chỉ trung gian.

Vấn đề cần quan tâm duy nhất khi đó là bạn cần lưu trữ bao nhiêu thông tin? ở đâu? bằng phương tiện nào?… để có thể tiếp cận được nó khi cần. Không có gì hoàn hảo trong khía cạnh đó nhưng khi các thiết bị kỹ thuật số nhỏ ngày càng dễ sử dụng và liên kết với những cơ sở dữ liệu lớn, bạn sẽ có nhiều thông tin có sẵn hơn với cùng lượng công sức bỏ ra.

Thư viện và nơi lưu trữ thông tin – ở mức độ cá nhân. Thông tin hữu ích tồn tại ở nhiều mức độ khác nhau. Bạn có thể tìm thấy bất cứ thứ gì với số lượng lớn nếu bạn tìm kiếm cẩn thận. Vấn đề lưu trữ bao nhiêu, như thế nào và dưới dạng gì đang thay đổi dựa theo nhu cầu và mức độ thoải mái của bạn với dữ liệu. Liên quan tới tổ chức và năng suất cá nhân, đây không phải là vấn đề cốt lõi, miễn là tất cả các dự án và công việc của bạn nằm trong một hệ thống có kiểm soát mà bạn làm việc thường xuyên. Các tài liệu tham khảo ở mọi dạng thức chỉ là một loại tài liệu để nắm bắt và tạo ra khả năng tiếp cận theo khuynh hướng và yêu cầu cụ thể của bạn.

Một số mức độ cố định sẽ khiến mọi việc dễ dàng hơn. Loại thức nào bạn luôn cần có trong mọi lúc? Chúng phải được đưa vào sổ tay kế hoạch hay phần mềm PDA của bạn. Điều bạn đặc biệt cần cho các cuộc họp hay những sự kiện ngoài lề là gì? Bạn cần cho những gì vào cặp tài liệu, ba lô, cặp đeo hay ví? Cái gì bạn có thể cần khi làm

việc tại văn phòng? Những thứ đó cần được đưa vào hệ thống hồ sơ cá nhân hay máy tính nối mạng? Vậy những tình huống ít liên quan đến công việc của bạn thì sao? Các tài liệu cần thiết cho những tình huống này có thể lưu trữ trong các tài liệu của phòng hay nơi lưu trữ của văn phòng. Bạn có thể tìm thấy thứ gì bất cứ khi nào bạn muốn, trên trang web? Bạn không cần phải làm gì với những thông tin như vậy trừ khi bạn cần nó mà lại không thể truy cập mạng. Trong trường hợp này, bạn phải in dữ liệu ra khi bạn truy cập mạng và lưu trữ trong một hồ sơ có thể mang theo.

Bạn đã thấy việc tổ chức tài liệu tham khảo cá nhân chỉ là một vấn đề về tổ chức chưa? Phân biệt những tài liệu có thể sử dụng với những tài liệu không thể sử dụng là nhân tố thành công chính của vấn đề này. Khi đã làm điều đó, bạn có hoàn toàn tự do để quản lý và tổ chức bao nhiêu thông tin tài liệu tham khảo mà bạn muốn. Đó là vấn đề quyết định mang tính cá nhân cao cần phải được dựa trên tỷ lệ các giá trị nhận được so với thời gian và công sức cần thiết bỏ ra để nắm bắt và duy trì nó.

Một ngày nào đó/Có thể

Vấn đề cuối cùng cần giải quyết trong hệ thống tổ chức là làm thế nào để theo dõi mọi việc mà bạn muốn đánh giá lại trong tương lai. Những việc này có thể là một chuyến đi đặc biệt mà bạn muốn thực hiện vào một ngày nào đó, một cuốn sách bạn muốn đọc, một dự án bạn muốn thực hiện vào năm tiếp theo hay những kỹ năng và tài năng bạn muốn phát triển. Để có thể thực hiện đầy đủ mô hình này, bạn sẽ cần một số loại “đèn đốt sau” hay một “giá đỡ” nào đó.

Có một vài cách lưu trữ những thông tin loại này để xem xét sau. Những cách này nhằm giúp bạn đưa chúng ra khỏi tâm trí và sự quan sát, theo dõi hiện tại của bạn. Bạn có thể đưa các hạng mục vào những ngăn khác nhau của danh sách “Một ngày nào đó/Có thể” hoặc cho chúng vào lịch của bạn hay một sổ tay.

Danh sách “Một ngày nào đó/Có thể”

Có vẻ như nếu bạn đã hoàn toàn tẩy sạch tâm trí khi dọn dẹp mọi thứ ra khỏi bộ nhớ

RAM của mình, bạn gặp phải những thứ mà bạn không chắc sẽ cam kết thực hiện. “Học tiếng Tây Ban Nha”, “Mua một con ngựa cho Marcie”, “Leo núi Adams ở Washington” và “Xây một ngôi nhà nghỉ ở vùng quê” là những dự án điển hình thuộc loại này.

Nếu bạn chưa thực hiện những dự án trên, tôi khuyên bạn nên lập ra một danh sách “Một ngày nào đó/Có thể” trong bất kỳ hệ thống tổ chức nào bạn đã chọn. Bạn được quyền cho vào danh sách đó tất cả những thứ bạn từng nghĩ đến. Bạn nhận ra mình có danh sách và việc điền vào danh sách đó cũng khiến bạn nảy sinh nhiều ý tưởng sáng tạo.

Bạn cũng có thể ngạc nhiên khi nhận ra một số việc bạn viết trong danh sách đã thật sự xảy ra rồi nhưng bạn không hề cố gắng làm điều đó. Nếu bạn nhận biết được sức mạnh của trí tưởng tượng nhằm nuôi dưỡng những thay đổi trong nhận thức và hoạt động, thì thật dễ dàng để nhận ra việc có một danh sách “Một ngày nào đó/Có thể” có thể khiến cuộc sống cá nhân và công việc của bạn trở nên tuyệt vời hơn. Chúng ta sẽ có khả năng nắm bắt các cơ hội nếu chúng ta nhận diện và nắm bắt được chúng như là một khả năng có thể xảy ra. Đó cũng là kinh nghiệm của bản thân tôi. Ngoài giỏ thông tin dữ liệu đầu vào, có hai nguồn dồi dào có thể khai thác cho danh sách “Một ngày nào đó/Có thể” của bạn, đó là trí tưởng tượng sáng tạo và danh sách những dự án hiện tại của bạn.

Lưu giữ lại những tưởng tượng sáng tạo của bạn. Những thứ gì bạn có thể thật sự muốn làm vào một lúc nào đó nếu có thời gian, tiền bạc là gì? Hãy viết những ý tưởng này vào danh sách “Một ngày nào đó/Có thể”. Những nhóm điển hình bao gồm:

• Những thứ bạn muốn có hoặc trang bị cho nhà mình

• Những sở thích bạn muốn thực hiện

• Những kỹ năng cần học

• Những sự diễn đạt sáng tạo bạn cần khám phá

• Quần áo và đồ dùng bạn muốn mua

• Đồ chơi bạn muốn có

• Những chuyến đi bạn muốn thực hiện

• Những tổ chức bạn muốn thamgia

• Những dự án dịch vụ bạn muốn góp phần

• Những thứ bạn muốn nhìn thấy hoặc muốn làm

Đánh giá lại những dự án hiện tại của bạn. Bây giờ là cơ hội tốt cho bạn tổng kết lại danh sách “Các dự án” từ một tầm cao hơn (điều này có nghĩa là từ vị trí của bạn trong dự án và từ khía cạnh mục tiêu) và xem xét xem bạn có thể chuyển một số cam kết hiện tại sang danh sách “Một ngày nào đó/Có thể” không. Nếu suy nghĩ kỹ, bạn sẽ nhận ra một dự án có thể không có được sự chú ý của mình trong những tháng tiếp theo hoặc lâu hơn, hãy chuyển nó sang danh sách “ Một ngày nào đó/Có thể”.

Những nhóm đặc biệt của danh sách “Một ngày nào đó/ Có thể”

Rất có khả năng là bạn có một số sở thích cá nhân đặc biệt liên quan đến rất nhiều thứ có thể thực hiện được. Sẽ thú vị hơn nếu thu thập tất cả những thứ này vào một danh sách. Ví dụ:

• Tìm hiểu công thức chế biến các món ăn, thực đơn, nhà hàng, rượu

• Chăm sóc con cái

• Đọc sách

• Mua đĩa CD

• Mua hoặc thuê băng video

• Tham dự những sự kiện văn hóa

• Những ý tưởng về quà tặng

• Những ý tưởng cho khu vườn

• Truy cập một số trang web

• Những chuyến đi nghỉ cuối tuần

• Những ý tưởng cho cuộc họp

• Những ý tưởng về tiệc tùng

• Những ý tưởng − chưa biết cho vào đâu (có nghĩa là bạn chưa tìm ra hạng mục phù hợp để lưu giữ những ý tưởng này)

Điều gì nằm trong khả năng quyết định thực hiện thì cũng nằm trong khả năng quyết định không thực hiện.

–Aristotle

Những loại danh sách này có thể nằm giữa danh sách tham khảo và danh sách “Một ngày nào đó/Có thể” – mang tính tham khảo vì bạn chỉ việc thu thập và thêm vào danh sách các loại rượu ngon, nhà hàng hoặc cuốn sách hay để tham khảo nếu bạn thích; mang tính chất “Một ngày nào đó/Có thể” vì bạn có thể muốn thường xuyên tổng kết lại danh sách các hạng mục để nhắc nhở mình thử một hoặc một vài hạng mục vào một thời điểm nào đó.

Trong bất cứ trường hợp nào, đây cũng là lý do quan trọng để cần có một hệ thống tổ chức giúp nắm bắt nó dễ dàng hơn nhằm có thể làm tăng giá trị, sự phong phú và sở thích cho cuộc sống của bạn – mà không hề cản trở tâm trí hoặc không gian làm việc của bạn với những công việc chưa được hoàn thành hoặc chưa được quyết định.

Mối nguy hiểm của các hồ sơ và tập hồ sơ “Giữ lại và xem xét lại”

Nhiều người tạo ra một hồ sơ hoặc tập hồ sơ (hay cả một ngăn kéo) cho những thứ “Giữ lại và xem xét lại” mà có thể chỉ cần đưa vào nhóm “Một ngày nào đó/Có thể”. Họ tự nhủ: “Khi nào có thời gian, mình sẽ làm những thứ này” và một hồ sơ “Giữ lại và xem xét lại” sẽ rất tiện lợi để chứa những thứ đó. Tôi khuyên các bạn không nên sử dụng một hệ thống phụ như thế bởi trong những trường hợp mà tôi đã gặp, khách hàng của tôi chỉ “giữ lại” mà không thật sự “xem xét lại”, và tích tụ lại thành một đống. Giá trị của “Một ngày nào đó/Có thể” bị mất đi nếu bạn không có ý thức xem xét lại danh sách này với mức độ nhất quán nhất định.

Có một sự khác biệt lớn giữa những thứ được quản lý tốt, như danh sách “Một ngày nào đó/Có thể” và một vài thứ chỉ là một cái giỏ đựng những thứ hỗn độn – “dữ liệu thô”. Thông thường, rất nhiều thứ trong đống hỗn độn đó cần được quẳng đi, một số cần được chuyển sang danh sách “Đọc/Xem xét lại”, một số cần lập hồ sơ tài liệu tham khảo, một số nên đưa vào lịch hoặc hồ sơ đã duyệt để xem xét lại sau một tháng hoặc đầu quý sau, và một số thật sự cần có một vài công việc tiếp theo đi kèm. Rất nhiều lần, sau khi đã xử lý hợp lý các ngăn kéo hoặc hồ sơ “Giữ lại và xem xét lại” của một người nào đó, tôi nhận ra không còn gì trong đó cả.

Sử dụng lịch cho các phương án lựa chọn trong tương lai

Cuốn lịch của bạn có thể trở thành phương tiện nhắc việc mà bạn có thể muốn xem xét lại trong tương lai. Hầu hết những người tôi đã hướng dẫn dường như không chỉ thoải mái với cuốn lịch của mình mà còn thấy có thể cho vào đó rất nhiều thứ.

Một trong ba thứ có thể sử dụng lịch là thông tin có ngày cụ thể. Nhóm này có thể bao gồm một số thứ. Nhưng cách sáng tạo nhất để tận dụng chức năng này là đưa vào những thứ bạn muốn loại khỏi tâm trí và đánh giá lại vào một ngày nào đó. Dưới đây là một số trong rất nhiều thứ mà bạn nên xem xét đưa vào lịch:

• Những thứ kích hoạt các dự án của bạn

• Những sự kiện bạn có thể muốn tham gia

• Các chất xúc tác cho quyết định

Những thứ kích hoạt các dự án của bạn. Nếu có một dự án mà bạn không cần phải nghĩ bây giờ nhưng nó đáng để bạn lưu tâm vào một thời điểm trong tương lai, bạn có thể chọn một ngày phù hợp và đưa vào một phương tiện nhắc việc về dự án trong cuốn lịch cho ngày hôm đó. Những thứ bạn muốn được nhắc phải được xếp vào một

ô lịch của một ngày cụ thể. Khi ngày đó đến, bạn sẽ nhìn thấy phương tiện nhắc việc và đưa hạng mục đó vào dự án được tiến hành trong danh sách “Các dự án”. Những ứng viên điển hình cho loại này là:

• Những sự kiện đặc biệt có mốc thời gian xử lý (Chiến dịch tung sản phẩm ra thị trường, đợt vận động gây quỹ,…).

• Các công việc thường xuyên mà bạn cần chuẩn bị, ví dụ: xem xét lại ngân sách, hội họp thường niên, các công việc lập kế hoạch, hay cuộc họp (khi nào bạn nên thêm “hội nghị bán hàng thường niên” của năm tới vào danh sách “Các dự án”?).

• Những ngày đặc biệt cho những người quan trọng mà bạn muốn làm một cái gì đó (ngày sinh nhật, lễ kỷ niệm hàng năm, tặng quà nhân dịp đi nghỉ,…).

Những sự kiện mà bạn muốn tham dự. Bạn có thể thường xuyên nhận được thông báo về các cuộc hội thảo, hội nghị, bài nói chuyện và các sự kiện văn hóa xã hội bạn muốn tham gia khi thời gian đến gần. Vậy, hãy chỉ ra mốc “thời gian đến gần” đó là gì và đánh dấu vào trong lịch của bạn vào ngày phù hợp nhất – ví dụ:

“Bữa sáng ngày mai ở Phòng Thương mại.”

“Mùa bán vé giảm giá của Tiger bắt đầu hôm nay.”

“Chương trình đặc biệt của PBS (dịch vụ truyền thông công cộng) tại Australia vào 8h tối hôm nay.”

“Nhà hàng BBQ, chủ nhật tuần sau.”

Nếu bạn có được bất cứ một ý nghĩ nào như trên thì bạn sẽ muốn đưa nó vào hệ thống. Hãy thực hiện ngay bây giờ.

Các chất xúc tác cho những quyết định. Đôi khi bạn cũng phải đưa ra các quyết định quan trọng, nhưng bạn không thể (hoặc không muốn) quyết định ngay lập tức. Sẽ không vấn đề gì, miễn là bạn đã kết luận rằng, những thông tin bạn cần bổ sung sẽ lấy từ những nguồn bên trong chứ không phụ thuộc vào những nguồn bên ngoài (rõ ràng, những dữ liệu bên ngoài bạn cần để quyết định sẽ nằm trong danh sách “Công việc tiếp theo” hay “Chờ đợi”). Nhưng để việc không quyết định có thể được chấp nhận thì tốt hơn là bạn phải tạo ra một hệ thống an toàn, đáng tin cậy, có thể giúp bạn tập trung vào vấn đề đó trong thời gian thích hợp ở tương lai. Một phương tiện nhắc việc trên lịch có thể làm được nhiệm vụ này .

Một số quyết định điển hình trong nhóm này bao gồm:

• Thuê/sa thải

• Sáp nhập/thâu tóm/bán/loại bỏ

• Thay đổi nghề nghiệp/công việc

Hãy tự hỏi: “Liệu có quyết định lớn nào mà tôi cần phải đánh dấu để nhớ thực hiện trong tương lai và có thể tạm thời lãng quên nó bây giờ?”. Nếu có, hãy đặt một công cụ nhắc việc nào đó vào trong cuốn lịch của bạn để có thể xem xét lại vấn đề này trong tương lai.

Hồ sơ “đã duyệt”

Cách hiệu quả để quản lý các hạng mục không thể hành động bây giờ nhưng cần có hành động trong tương lai là hồ sơ “đã duyệt” . Đây là phiên bản ba chiều của một cuốn lịch, cho phép bạn giữ những phương tiện nhắc việc hữu hình của những thứ mà

bạn muốn xem lại hoặc nhớ − không phải bây giờ mà là trong tương lai. Nó có thể là một công cụ chức năng, cho phép bạn thành lập một bưu điện của riêng mình và “gửi” mọi thứ cho chính bạn để nhận được vào một ngày đã định trong tương lai. Bản thân tôi cũng đã và đang sử dụng hồ sơ “đã duyệt” nhiều năm nay và không thể tưởng tượng nếu không có nó.

Về bản chất, một hồ sơ đã duyệt đơn thuần là một hệ thống tệp hồ sơ đơn giản cho phép bạn phân loại giấy tờ và các phương tiện nhắc việc hữu hình theo cách thức mà bất cứ thứ gì bạn muốn xem vào một ngày nào đó trong tương lai sẽ “tự động” xuất hiện vào ngày đó trong giỏ thông tin của bạn.

Nếu bạn có thư ký hoặc trợ lý riêng, bạn có thể tin tưởng giao một phần nhiệm vụ này cho người đó với giả định họ đã có một phiên bản của hệ thống này hoặc hệ thống tương tự. Những ví dụ điển hình bao gồm:

• “Hãy đưa cho tôi chương trình làm việc này vào buổi sáng của ngày tôi phải đi họp”;

• “Đưa lại cho tôi cái này vào thứ hai để tôi xem xét lại, vì cần dùng nó cho một cuộc họp vào thứ tư”;

• “Nhắc tôi về chuyến đi Hồng Kông trong hai tuần tới, và chúng ta sẽ lập kế hoạch tổ chức”.

Vậy là mỗi ngày trong tuần, tệp hồ sơ đó được l ra và xem xét lại.

Bạn có thể (và có lẽ là nên) để nhân viên xử lý những thứ như vậy trong chừng mực phù hợp. Theo tôi, nếu bạn có thể kết hợp những thứ này vào phong cách sống của bạn, bạn sẽ duy trì được một hồ sơ đã duyệt. Nó có thể thực hiện nhiều chức năng hữu ích, và bạn có thể muốn tận dụng một số chức năng đó mà không cần người trợ lý. Tôi sử dụng hồ sơ đã duyệt của mình để quản lý vé máy bay và những thông tin xác nhận, những bản hướng dẫn du lịch, chương trình làm việc và bản đồ; những phương tiện nhắc nhở cho những lưu ý sự kiện đến ở dạng thư; thông tin về những thứ “muốn mua” mà tôi sẽ xem xét lại trong tương lai; và những thứ khác đại loại như vậy.

Điểm mấu chốt: hồ sơ đã duyệt chỉ đòi hỏi một hành động mỗi-ngày-một-giây để hoạt động, và nó có giá trị lũy tiến theo hàm mũ lớn hơn nhiều các khoản đầu tư cá nhân.

Thiết lập một hồ sơ đã duyệt. Bạn cần 43 tệp hồ sơ – 31 cái là những hồ sơ hàng ngày dán nhãn từ “1” đến “31”, và 12 cái khác dán nhãn là các tháng trong năm. Những hồ sơ hàng ngày được để ở phía trước, bắt đầu bằng hồ sơ cho ngày hôm sau (nếu hôm nay là ngày 5 tháng 11 thì hồ sơ đầu tiên sẽ có nhãn là “6”). Những hồ sơ tiếp theo sẽ đại diện cho các ngày còn lại trong tháng (từ “6” đến “31”). Sau hồ sơ “31” là hồ sơ tháng của tháng hiện hữu (“tháng 11”) và hồ sơ hàng ngày từ “1” đến “5”. Sau đó là hồ sơ tháng (từ “tháng 12” đến “tháng 10”). Hồ sơ hàng ngày tiếp theo để rỗng trong giỏ thông tin đầu vào hàng ngày của bạn, sau đó, tệp hồ sơ được sắp xếp lại vào cuối ngày (tại điểm mà thay vì vào ngày 6 tháng 10, nó diễn tả ngày 6 tháng 11). Theo cách tương tự, khi tháng tiếp theo xuất hiện (ngày 31 tháng 10, khi bạn đã làm rỗng hồ sơ hàng ngày, hồ sơ “tháng 11” sẽ là cái tiếp theo với những hồ sơ hàng ngày từ “1” đến “31” xếp đằng sau), nó được làm rỗng vào trong giỏ đựng thông tin đầu vào và hồ sơ được sắp xếp lại vào cuối tháng để đại diện cho tháng 11 năm sau. Đây là một hồ sơ “vĩnh viễn”, nghĩa là tại bất cứ thời điểm nào nó cũng bao gồm những hồ sơ cho 31 ngày tiếp theo và 12 tháng sắp tới.

Lợi ích to lớn của việc sử dụng các ngăn hồ sơ trong hệ thống hồ sơ đã duyệt là cho phép bạn lưu trữ những tài liệu thật sự (ở dạng cần được thực hiện vào một ngày cụ thể, ghi chú cần phải được xem xét khi đó, số điện thoại cần hành động vào một ngày cụ thể,…).

Bạn phải cập nhật hệ thống hàng ngày để nó hoạt động hiệu quả. Nếu bạn quên không làm rỗng các hồ sơ hàng ngày, bạn sẽ không tin tưởng khi hệ thống giải quyết những dữ liệu quan trọng và bạn sẽ phải quản lý mọi việc theo cách khác. Nếu bạn phải rời khỏi thành phố (hoặc không tiếp cận với hồ sơ vào ngày cuối tuần), bạn phải kiểm tra các hồ sơ cho những ngày bạn không có ở đó trước khi đi.

Danh sách kiểm tra: Các phương tiện nhắc việc sáng tạo

Chủ đề cuối cùng đáng chú ý trong tổ chức hệ thống cá nhân là việc quan tâm và sử dụng danh sách kiểm tra, những cách thức của các thành phần tiềm năng cho dự án, sự kiện và những giá trị, sở thích, trách nhiệm.

Danh sách kiểm tra sáng tạo nhất thường được tạo ra sau khi có một tiến trình tư vấn tốt với một nhóm hoặc một công ty. Những danh sách kiểm tra tốt cũng xuất hiện khi tập trung đào tạo nhân viên hay thuê ngoài.

Khi tôi làm rỗng các giỏ đựng thông tin đầu vào cùng với khách hàng và xem xét những thứ họ quan tâm, chúng tôi thường gặp những “Ghi chú cá nhân” như:

• Tập thể dục thường xuyên hơn

• Đảm bảo có mẫu đánh giá cho mỗi loại đào tạo

• Dành nhiều thời gian cho con cái

• Thực hiện nhiều kế hoạch định trước cho việc phân chia

• Duy trì đạo đức trong nhóm

• Bảo đảm tuân thủ theo chiến lược của tập đoàn

• Cập nhật việc xử lý hóa đơn của khách hàng

Bạn sẽ làm gì với những thứ mơ hồ như thế này trong số các cam kết và quan tâm?

Trước hết, làm rõ những dự án và hành động vốn có

Đối với hầu hết “những dữ liệu thô” kiểu này, vẫn có một dự án hoặc/và một hành động cần được làm rõ. “Tập thể dục thường xuyên hơn” đối với nhiều người có nghĩa là “Tạo ra một chương trình tập thể dục thường xuyên” (dự án) và “Gọi cho Sally hỏi về huấn luyện viên đào tạo cá nhân” (bước hành động thật sự). Trong trường hợp như vậy, những dự án và hành động vốn có phải được làm sáng tỏ và đưa vào hệ thống cá nhân.

Nhưng có nhiều thứ khác không phù hợp để đưa vào nhóm đó.

Lên kế hoạch những khu vực trọng điểm của công việc và trách nhiệm

Những dự án như “Duy trì điều kiện vật chất tốt” hoặc “Sức khỏe thể chất và sự sống” có thể vẫn cần được đưa vào loại danh sách kiểm tra tổng thể sẽ được xem xét lại thường xuyên.

Tôi đã gợi ý rằng, có ít nhất 6 mức độ công việc phải được xác định rõ và mỗi mức độ xứng đáng được thừa nhận và đánh giá riêng. Một bảng kê hoàn thiện mọi thứ bạn cho

là quan trọng và cam kết thực hiện theo từng mức độ sẽ tạo ra một danh sách kiểm tra hiệu quả. Nó có thể bao gồm:

• Mục tiêu sự nghiệp

• Dịch vụ

• Gia đình

• Các mối quan hệ

• Cộng đồng

• Sức khỏe

• Nguồn tài chính

• Sự sáng tạo

Và sau đó chuyển xuống một mức, trong công việc, bạn có thể muốn có một số phương tiện nhắc nhở về trách nhiệm, nhân viên của bạn, giá trị của bạn,… cho những khu vực chủ chốt. Một danh sách này có thể bao gồm:

• Tinh thần đồng đội

• Các tiến trình

• Các dòng thời gian

• Những vấn đề nhân sự

• Khối lượng công việc

• Giao tiếp

Tất cả những mục này có thể lần lượt đưa vào các danh sách trong hệ thống cá nhân

của bạn, như các phương tiện nhắc việc cho bạn khi cần giữ cho công việc đi đúng hướng.

Tình huống càng mang tính chất lạ thường, càng cần được kiểm soát chặt chẽ

Mức độ mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng cần để duy trì danh sách kiểm tra và sự kiểm soát bên ngoài có liên quan trực tiếp đến sự xa lạ của chúng ta với khu vực trách nhiệm. Nếu bạn làm một việc trong thời gian dài và không có sức ép nào khiến bạn thay đổi, có lẽ bạn sẽ cần một hệ thống tổ chức cá nhân bên ngoài ở mức độ nhỏ nhất để kiểm soát. Bạn biết khi nào sự việc diễn ra, diễn ra như thế nào và hệ thống của bạn vẫn ổn, nguyên vẹn. Tuy nhiên, đó không phải là trường hợp điển hình.

Rất nhiều lần bạn muốn có một số danh sách kiểm tra giúp bạn duy trì sự tập trung cho đến khi quen với những việc đang làm. Ví dụ, nếu giám đốc điều hành bỗng nhiên có việc đột xuất và bạn phải thay vào vị trí của ông ta ngay lập tức, bạn sẽ cần một số báo cáo tổng thể và kế hoạch khung trước mặt trong một thời gian để đảm bảo mình biết tất cả các khía cạnh quan trọng của nhiệm vụ công việc đang đảm nhiệm. Hay nếu bạn được tuyển dụng vào một vị trí mới, với những trách nhiệm mới tương đối xa lạ với bạn, bạn sẽ muốn có một khuôn khổ kiểm soát công việc và cơ cấu trong vài tháng đầu.

Cũng nhiều lần tôi cần tạo ra một danh sách các việc phải xử lý tạm thời cho đến khi công việc được kiểm soát. Ví dụ, khi vợ tôi và tôi quyết định tạo ra một cấu trúc hoàn toàn mới cho một công việc kinh doanh chúng tôi đã tham gia nhiều năm và tôi phải đảm nhận thêm một số trọng trách. Trước đấy, tôi chưa bao giờ đảm nhiệm những việc như kế toán, máy tính, marketing, luật pháp và quản lý. Trong vài tháng, tôi cần có một danh sách kiểm tra trách nhiệm đặt trước mặt để đảm bảo tôi thực hiện tốt mọi trách nhiệm và quản lý hiệu quả sự chuyển đổi. Sau khi công việc ổn định ở một mức độ nào đó, dưới sự lãnh đạo của tôi, tôi không còn cần danh sách kiểm tra đó nữa.

Danh sách kiểm tra ở mọi cấp độ

Hãy sẵn sàng tạo ra bất kỳ một danh sách kiểm tra nào khi cần thiết. Trách nhiệm là vô tận − từ “Những giá trị cốt lõi của cuộc sống” cho đến “Những vật dụng để cắm trại”. Lập các danh sách, không dự tính trước, khi chúng xảy đến với bạn, là một thủ tục quyền năng nhất nhưng cũng tinh tế và đơn giản nhất mà bạn có thể thiết lập cho cuộc sống của mình.

Nhằm giúp tư duy sáng tạo của bạn tỏa sáng, dưới đây là danh sách một số chủ đề cho danh sách kiểm tra mà tôi đã tìm ra và sử dụng trong những năm qua:

• Khẳng định cá nhân (ví dụ: những tuyên bố giá trị cá nhân)

• Những lĩnh vực trách nhiệm trong công việc của bạn (những lĩnh vực trách nhiệm chủ yếu)

• Danh sách cần kiểm tra trước khi đi công tác (mọi thứ cần mang theo hay thực hiện trước chuyến đi)

• Bản tổng kết hàng tuần (mọi thứ cần phải xem xét lại và/ hoặc cập nhật trong tuần)

• Các thành phần của chương trình đào tạo (tất cả những thứ cần giải quyết khi đưa vào một sự kiện)

• Khách hàng

• Danh sách kiểm tra hội nghị (mọi thứ cần giải quyết khi đưa vào một cuộc hội thảo)

• Các khu vực tập trung (các vai trò chủ chốt trong cuộc sống và trách nhiệm)

• Những người quan trọng trong cuộc sống/công việc (những mối quan hệ để đánh giá thường xuyên nhằm phát triển các cơ hội)

• Sơ đồ tổ chức (những người chủ chốt và các lĩnh vực đầu ra cần quản lý và duy trì)

• Phát triển bản thân (những thứ sẽ đánh giá thường xuyên để đảm bảo cân bằng công

việc và cuộc sống cá nhân)

Hãy thoải mái với danh sách kiểm tra, cả những gì ngẫu nhiên và những gì lâu dài. Hãy sẵn sàng tạo ra và xóa chúng khi cần thiết. Hãy sử dụng chúng phù hợp để chúng có thể trở thành tài sản lớn trong năng suất cá nhân của bạn.

Nếu thực tế bạn đã thu thập mọi thứ thể hiện một nút thòng lọng để mở trong công việc và cuộc sống cá nhân, hãy xử lý từng thứ một dựa trên khía cạnh nó có ý nghĩa gì với cuộc sống của bạn và nó cần những hành động nào, rồi sắp xếp các kết quả của tất cả những dự án “một ngày nào đó” và những dự án hiện tại thành một hệ thống hoàn chỉnh − lớn hay nhỏ, khi đó bạn đã sẵn sàng chuyển sang giai đoạn tiếp theo của việc thực hiện một nghệ thuật hiệu quả mà không căng thẳng – giai đoạn đánh giá lại tiến trình.

Có được một hệ thống tổ chức công việc tổng thể và liền mạch sẽ tạo sức mạnh to lớn cho bạn vì trí óc bạn được phép loại bỏ những suy nghĩ vụn vặt và hướng vào tập trung trực giác, không bị những vấn đề chưa được giải quyết hợp lý làm rối loạn. Nhưng để điều đó xảy ra, hệ thống tổ chức vật chất của bạn phải tốt hơn hệ thống tổ chức trí óc.

Trong chương này, tôi sẽ hướng dẫn các bước tổ chức và những công cụ cần thiết khi xử lý thông tin trong hệ thống. Khi bạn bắt đầu xử lý thông tin “bên trong”, bạn sẽ tạo ra các danh sách và nhóm thông tin bạn muốn sắp xếp và bạn sẽ thay đổi suy nghĩ về những thứ có thể bổ sung vào. Nói cách khác, hệ thống tổ chức công việc của bạn không nhất thiết phải được tạo ra trong một lần. Nó sẽ thay đổi khi bạn xử lý các dữ liệu và kiểm tra xem bạn đã để mọi thứ vào vị trí tốt nhất đối với mình chưa?

Tôi có tất cả những thứ đó, nhưng lại không nhớ để chúng ở đâu.

–Khuyết danh

Các nhóm cơ bản

Có bảy nhóm sự việc chủ yếu bạn muốn theo dõi và quản lý từ khía cạnh tổ chức, đó là:

• Một danh sách “Kế hoạch”

• Tài liệu hỗ trợ kế hoạch

• Các hành động đã lên lịch thực hiện và thông tin

• Các danh sách “Công việc tiếp theo”

• Danh sách “Chờ đợi”

• Tài liệu tham khảo

• Danh sách “Một ngày nào đó/Có thể”

Tầm quan trọng của những vách ngăn cứng

Điều rất quan trọng là các nhóm sự việc này phải tách biệt với nhau. Mỗi một nhóm thể hiện một kiểu cam kết riêng biệt mà chúng ta đã cam kết với bản thân, và nếu chúng không có ranh giới rõ ràng, thậm chí lẫn lộn vào nhau, thì giá trị tổ chức sẽ bị mất đi nhiều.

Nếu bạn để nhóm thông tin tham khảo lẫn vào chồng thông tin đang muốn đọc, bạn sẽ bị rối loạn trước hàng đống thông tin. Nếu bạn để thông tin trong danh sách “Công việc tiếp theo” cần phải lên lịch thực hiện, bởi vì chúng phải diễn ra vào một ngày cụ thể, thì sau đó bạn sẽ không còn tin vào cuốn lịch nữa, và bạn sẽ thường xuyên phải xem xét lại danh sách công việc tiếp theo. Nếu bạn có một kế hoạch nhưng chưa làm gì trong một thời gian, nó cần được đưa vào nhóm “Một ngày nào đó/Có thể” để bạn có thể quan tâm đến danh sách “Kế hoạch” với sự tập trung cao tạo ra hành động cần thiết. Và nếu có một việc bạn “Chờ đợi” nằm trong danh sách những công việc tiếp theo, bạn sẽ liên tục bị sa lầy vào những suy nghĩ không cần thiết.

Những thứ bạn thật sự cần là các danh sách và cặp đựng tài liệu

Khi bạn đã biết mình cần theo dõi cái gì (xem trong chương trước, phần Xử lý), tất cả những gì bạn cần là các danh sách, cặp đựng tài liệu tham khảo và hỗ trợ. Danh sách của bạn (cái mà tôi đã chỉ ra cũng có thể là những tài liệu trong cặp đựng hồ sơ) sẽ theo dõi các kế hoạch và một ngày nào đó/có thể, cũng như những hành động bạn sẽ phải thực hiện trong những nút thòng lọng để mở đang hoạt động của bạn. Cặp đựng tài liệu (bằng giấy hay cặp kỹ thuật số) rất hữu ích để lưu trữ tài liệu tham khảo và thông tin hỗ trợ cho các kế hoạch đang triển khai.

Tôi không bao giờ phí phạm một xu để có được sự đơn giản ở bên này của sự phức tạp. Nhưng tôi lại dành cả đời mình để có được sự đơn giản ở bên kia sự phức tạp.

–Oliver Wendell Holmes

Rất nhiều người đã lập các danh sách trong nhiều năm nhưng chưa bao giờ thấy tiến trình này có hiệu quả thật sự. Có một sự hoài nghi về những hệ thống đơn giản như hệ thống tôi đang hướng dẫn. Bởi vì hầu hết những người lập danh sách đều không đưa những thứ phù hợp vào danh sách hoặc chưa hoàn thành chúng. Điều đó khiến các danh sách không thể phát huy hết chức năng của nó. Tuy nhiên, một khi bạn biết được nên đưa cái gì vào trong danh sách, mọi việc sẽ trở lên dễ dàng hơn nhiều và sau đó, bạn chỉ cần biết cách quản lý chúng.

Như tôi đã nói, bạn không cần phải tạo ra một cấu trúc bên ngoài của thứ tự ưu tiên trong danh sách mà bạn cần phải sắp xếp lại hoặc viết lại chúng khi mọi thứ thay đổi. Cố gắng áp đặt những khuôn mẫu như vậy là nguyên nhân chủ yếu gây ra sự thất vọng trong vấn đề tổ chức cho nhiều người. Bạn sẽ sắp đặt thứ tự ưu tiên theo trực giác hơn khi bạn xem toàn bộ danh sách để đề phòng có nhiều biến số thay đổi. Danh sách chỉ là một cách giúp bạn theo dõi toàn bộ công việc đang thực hiện mà bạn đã cam kết. Danh sách cũng là một cách giúp bạn biết được những việc tồn đọng để xem xét lại.

Khi tôi nói đến một “danh sách”, bạn nên hiểu rằng nó không gì khác ngoài một nhóm sự việc có một số tính chất giống nhau. Một danh sách có thể là: (1) một cặp đựng hồ sơ với những mẩu ghi chú riêng cho các mục khác nhau trong cùng một nhóm; (2) một danh sách thật sự được viết trên giấy (thường là một cuốn sổ công tác hay sổ kế hoạch); hoặc (3) một bảng kê trong một chương trình phần mềm hoặc thiết bị kỹ thuật số, ví dụ nhóm công việc trong phần mềm Microsoft Outlook hoặc nhóm trong phương tiện trợ giúp kỹ thuật số cá nhân cầm tay PDA.

Tổ chức phương tiện nhắc việc

Nếu bạn đã làm rỗng giỏ đựng thông tin thì chắc chắn bạn đã tạo ra rất nhiều các phương tiện nhắc việc “treo”, miêu tả các hành động cần-hơn-2-phút thực hiện và không thể chuyển cho người khác. Bạn sẽ có thể có từ 20 đến 60, 70 hoặc nhiều hơn các hạng mục như vậy. Bạn cũng sẽ có thể tích lũy các phương tiện nhắc việc bạn cần chuyển giao cho người khác, hoặc cần được xếp vào lịch hay cặp hồ sơ “Một ngày nào đó/Có thể”.

Bạn cũng sẽ muốn sắp xếp những thứ này thành các nhóm có giá trị với bạn để có thể xem xét lại sau, như là những việc cần làm khi bạn có thời gian. Bạn cũng muốn quyết định cách thức tổ chức thành nhóm phù hợp nhất, bất kể ở dạng hạng mục trong cặp đựng hồ sơ hay danh sách, ghi trên giấy hay phương tiện kỹ thuật số.

Những hành động được xếp vào lịch

Theo mục đích của việc tổ chức, như tôi đã nói, có hai loại hành động cơ bản: những hành động cần được thực hiện vào ngày hoặc thời gian cụ thể và những hành động cần được làm càng sớm càng tốt khi bạn có thời gian để ý đến chúng, sẽ là những hạng mục được xếp vào lịch của bạn. Những hạng mục hành động được đưa vào lịch có thể có thời gian cụ thể (“từ 4 đến 5 giờ: gặp Jim”) hoặc ngày cụ thể (“gọi điện cho Rachel vào thứ ba để hỏi xem cô ấy có đề xuất gì không”).

Khi xử lý thông tin trong giỏ thông tin, bạn có thể phát hiện ra những thứ mà bạn sẽ

chuyển ngay sang lịch. Ví dụ, bạn nhận ra rằng, công việc tiếp theo của đi khám bệnh định kỳ là gọi điện và hẹn, và như vậy (hành động này không mất quá 2 phút) bạn đã thật sự làm luôn khi thấy nó. Viết một cuộc hẹn lên lịch khi bạn làm là một việc bình thường.

Tuy nhiên, điều mà nhiều người muốn làm, dĩ nhiên là dựa theo những thói quen cũ, là lập danh sách việc làm hàng ngày, đưa các hành động vào lịch mà họ cho rằng thật sự thích làm nhưng rồi họ lại không làm và hành động đó bị đẩy sang các ngày sau. Kháng cự tức là thúc đẩy. Bạn phải tin cuốn lịch là một vật thiêng liêng phản ánh thật sự những giới hạn trong cam kết hàng ngày của bạn, mà những cam kết đó phải nhìn thoáng qua cũng thấy khi bạn bắt đầu làm việc. Sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu cuốn lịch làm việc chỉ ghi những công việc bạn phải hoàn thành trong ngày hôm đó. Khi cuốn lịch làm việc được sử dụng đúng chức năng trong tổ chức, phần lớn các hành động bạn cần phải làm được chuyển sang mục “làm càng sớm càng tốt, đề phòng mình phải làm những thứ khác”.

Tổ chức các hành động càng sớm càng tốt theo hoàn cảnh

Trong nhiều năm làm việc, tôi nhận ra cách tốt nhất để nhớ đến những việc “làm càng sớm càng tốt khi có thể” là đặt nó vào một hoàn cảnh cụ thể phải có hành động đó − hoàn cảnh đó có thể là công cụ, địa điểm hay người cần thiết để hoàn thành công việc. Ví dụ, nếu công việc cần có máy tính, nó sẽ được đưa vào danh sách “Làm việc với máy tính”. Nếu công việc yêu cầu bạn đi lòng vòng bằng ôtô (ví dụ, ghé vào ngân hàng hoặc tới cửa hàng), thì danh sách “Các việc vặt” là nơi phù hợp để theo dõi. Nếu công việc tiếp theo là nói chuyện trực tiếp với đối tác Emily, thì hãy cho nó vào cặp hồ sơ “Emily” hoặc danh sách phù hợp nhất.

Những nhóm công việc này được phân biệt thế nào phụ thuộc vào: (1) có bao nhiêu hành động bạn phải theo dõi; và (2) thời gian bạn thay đổi hoàn cảnh thực hiện chúng.

Nếu bạn chỉ có 25 công việc tiếp theo phải làm thì một danh sách “Các công việc tiếp

theo” là đủ. Nó có thể bao gồm nhiều mục như “nói chuyện với sếp về vấn đề thay đổi nhân sự” và “soạn thảo ý tưởng cho cuộc họp ngoài lề”. Tuy nhiên, nếu bạn có 50 hay 100 công việc tiếp theo đang treo thì việc đặt chúng vào một danh sách quá lớn sẽ khiến bạn khó có thể biết cần phải xem cái gì. Mỗi khi có thời gian để làm một việc gì đó, bạn lại phải dành thời gian không cần thiết để phân loại. Nếu bạn tình cờ được nghỉ giữa chừng trong cuộc họp và bạn có thể gọi vài cuộc điện thoại, khi đó, bạn sẽ phải xác định các hạng mục trong hàng đống những hạng mục không liên quan. Khi ra ngoài để làm những việc lặt vặt, bạn có thể muốn thực hiện danh sách “Các việc vặt” và tạo thêm một danh sách khác.

Một nhân tố hiệu quả khác mà loại hình tổ chức này ủng hộ là nâng cao năng lượng khi bạn ở trong một trạng thái nào đó. Khi bạn đang trong “trạng thái gọi điện”, nó giúp bạn gọi rất nhiều cuộc điện thoại – hãy làm trống danh sách “Gọi điện”. Khi máy tính của bạn hoạt động, sẽ rất hữu ích nếu bạn thực hiện những việc cần làm trên máy càng nhiều càng tốt mà chưa cần phải chuyển sang loại hình công việc khác. Nhiều người có thể nhận thấy, sẽ mất nhiều năng lượng hơn khi chuyển đổi từ một chuỗi hành vi này sang một chuỗi hành vi và công cụ khác. Và rõ ràng, khi một người quan trọng đang ngồi trước bạn thì tốt nhất là bạn nên nói tất cả những gì bạn cần trao đổi với họ ngay lập tức.

Những nhóm thông dụng nhất của phương tiện nhắc việc

Bạn có thể nhận ra ít nhất một vài trong số những tiêu đề danh sách thông dụng các công việc tiếp theo có ý nghĩa với bạn.

• “Các cuộc điện thoại”

• “Làm việc với máy tính”

• “Các việc vặt”

• “Các công việc văn phòng” hoặc “Tại văn phòng” (hoặc cả hai)

• “Ở nhà”

• “Chương trình làm việc” (cho các cá nhân và các cuộc họp)

• “Đọc/Xem xét lại”

“Các cuộc điện thoại”. Đây là danh sách tất cả các cuộc điện thoại mà bạn cần thực hiện. Bạn có thể thực hiện danh sách này miễn là bạn có sẵn điện thoại. Bạn càng di chuyển nhiều (đặc biệt nếu bạn có điện thoại di động) thì bạn càng thấy nó tiện ích: những khoảng thời gian ít ỏi tình cờ có được − khi bạn đang nghỉ giải lao hay đợi máy bay − là cơ hội hoàn hảo để bạn hoàn thành danh sách “Các cuộc điện thoại”. Có một danh sách ”Các cuộc điện thoại” riêng sẽ khiến bạn dễ dàng tập trung hơn và lựa chọn các cuộc điện thoại cần thiết nhất để thực hiện ngay.

Tôi khuyên bạn nên dành thời gian ghi lại số điện thoại ngay bên cạnh mỗi mục gọi. Nhiều trường hợp bạn đã có thể thực hiện cuộc gọi nếu có sẵn số điện thoại, nhưng nếu phải tìm số thì bạn không thể thực hiện được ngay.

“Làm việc với máy tính”. Nếu bạn làm việc với máy tính − đặc biệt là bạn có máy tính xách tay hoặc một máy tính cá nhân ở chỗ làm và một máy tính ở nhà − sẽ rất hữu ích nếu bạn nhóm chung tất cả các hành động bạn cần thực hiện mỗi khi bật máy tính. Điều này cho phép bạn xem xét toàn bộ những công việc cần làm với máy tính, nhắc nhở bạn những email cần gửi, những tài liệu cần soạn thảo hay chỉnh sửa,…

Vì tôi phải đi công tác nước ngoài rất nhiều nên thậm chí, tôi còn duy trì cả một danh sách “Trên chuyến bay” tách biệt với danh sách “Làm việc với máy tính”. Khi ở trên máy bay, tôi không thể dễ dàng truy cập trang web hay máy chủ. Thay vì phải suy nghĩ lại xem có thể làm gì và không làm được gì với những hạng mục trong danh sách “Làm việc với máy tính”, tôi có thể tin tưởng rằng, không có một hành động nào trong danh sách này đòi hỏi tôi phải truy cập mạng. Điều đó khiến trí óc tôi thanh thản nghĩ đến sự lựa chọn theo các tiêu chí khác.

Chúng ta phải cố gắng có được sự đơn giản bên ngoài sự phức tạp.

–John Gardner

Nếu bạn chỉ có một chiếc máy tính ở nơi làm việc, bạn có thể không cần một danh sách “Làm việc với máy tính”, danh sách “Các công việc văn phòng” có thể bao gồm những công việc này bởi văn phòng là nơi duy nhất bạn có thể thực hiện được các công việc đó. (Tương tự, nếu bạn chỉ có một chiếc máy tính ở nhà và không phải là máy tính xách tay, bạn có thể đặt các công việc liên quan đến máy tính vào trong danh sách “Ở nhà”).

“Những việc vặt”. Sẽ rất có ý nghĩa nếu bạn đưa vào một phương tiện nhắc việc duy nhất tất cả những việc vặt cần làm khi bạn “đi loanh quanh ra ngoài”. Khi bạn phải lấy ôtô ra và đi đâu đó, sẽ rất tuyệt nếu bạn có thể nhìn vào danh sách “Các việc vặt” khi đang đi trên đường. Những hành động như “lấy giấy chứng nhận mua cổ phiếu tại ủy ban chứng khoán”, “lấy tranh ở cửa hàng đóng khung” và “mua cây thuốc lá cảnh ở vườn ươm cây” nên được xếp vào danh sách “Các việc vặt”.

Dĩ nhiên danh sách này không phức tạp hơn một danh mục “Thư cần gửi” trong cuốn sổ kế hoạch của bạn, hay một khay đựng trong nhóm “Các việc vặt” trong phần “Việc cần làm” trong thiết bị tổ chức cầm tay Palm.

Cũng cần thiết phải kiểm tra các mục phụ trong danh sách “Các việc vặt”. Ví dụ, ngay sau khi bạn thấy rằng cần phải mua một món đồ gì đó ở cửa hàng, bạn có thể muốn lập một mục phụ “Cửa hàng tạp hóa” và ghi vào đó tất cả những gì bạn muốn mua ở cửa hàng khi bạn nhớ ra. Ở mức độ đơn giản, bạn có thể lấy một mẩu giấy ghi “Cửa hàng tạp hóa”, ở mức độ phức tạp, nếu bạn đang sử dụng danh sách kỹ thuật số, bạn có thể tạo thêm một ghi chú là “Cửa hàng tạp hóa” vào danh sách của bạn và điền chi tiết vào đó.

Vì tôi đi lại trong các thành phố lớn nhiều nên tôi có hai danh sách “Các việc vặt”, đó là “Việc vặt ở nhà” và “Việc vặt ở bất cứ chỗ nào” cho tất cả những việc tôi có thể làm trên đường. “Ống nối hình chữ T cho ống nước” sẽ cho vào “Việc vặt ở nhà”, nhưng “mua tất” có thể cho vào “Việc vặt ở bất cứ chỗ nào”.

“Các công việc văn phòng”/”Tại văn phòng”. Nếu bạn làm việc trong văn phòng, bạn sẽ có những việc chỉ có thể làm được ở đó và sẽ rất hữu ích nếu bạn có một danh sách các việc như vậy trước mặt. Kể cả khi bạn có điện thoại và máy tính, bạn có danh sách “Các cuộc điện thoại” và “Làm việc với máy tính” riêng, thì những danh sách này cũng vẫn cần thiết. Tôi chỉ dùng danh sách “Các công việc văn phòng” hoặc “Tại văn phòng” cho việc cần phải nối mạng trực tuyến hoặc thuận tiện nhất trong văn phòng, ví dụ một thiết bị nhắc việc tải một phần mềm từ trang Web.

“Ở nhà”. Rất nhiều hành động có thể thực hiện khi bạn ở nhà và rất hợp lý khi có một danh sách các việc đó. Tôi chắc chắn bạn có một số kế hoạch cá nhân và kế hoạch cho gia đình mình, và điều tiếp theo thường làm với danh sách này chỉ là thực hiện chúng. “Treo bức ảnh mới”, “sắp xếp lại các đĩa CD” và “cất quần áo mùa đông vào tủ quần áo” có thể là những mục điển hình trong danh sách này.

Nếu bạn có một phòng làm việc tại nhà giống tôi thì bất cứ việc gì chỉ có thể làm tại đó nên được ghi vào danh sách “Ở nhà” (nếu bạn chỉ làm việc ở nhà và không phải đi tới văn phòng, bạn không cần phải có danh sách “Tại văn phòng” mà chỉ cần một danh sách “Ở nhà” là đủ).

“Chương trình làm việc”. Bạn sẽ thường xuyên nhận thấy rất nhiều công việc tiếp theo của bạn cần phải xảy ra hoặc là vào một thời điểm cụ thể với một người nào đó, hoặc được đưa ra tại cuộc họp ủy ban, nhóm hay nhân viên. Bạn phải nói chuyện với đối tác về kế hoạch năm tới; bạn biết kế hoạch làm việc mùa xuân của chồng; bạn phải giao nhiệm vụ cho thư ký, một việc rất phức tạp nếu giải thích qua email. Và bạn phải ông bố sự thay đổi trong chính sách báo cáo chi tiêu vào cuộc họp nhân viên ngày thứ hai.

Những công việc tiếp theo cần được đặt trong các danh sách “Chương trình làm việc” riêng biệt cho từng người và từng cuộc họp (giả sử bạn tham gia những cuộc họp đó thường xuyên). Nếu bạn tận tâm về quyết định tất cả các công việc tiếp theo, có thể bạn sẽ phải cần từ 3 đến 15 danh sách như vậy. Theo tôi, phải có những tập hồ sơ hay danh sách riêng biệt cho sếp, đối tác, trợ lý, vợ chồng hay con cái của bạn. Bạn cũng nên có hồ sơ cho luật sư, nhà tư vấn tài chính, kế toán và nhà tư vấn máy tính, cũng như cho bất cứ ai bạn cần giải quyết công việc trong lần gọi điện sau.

Nếu bạn tham gia vào các cuộc họp sắp tới − họp nhân viên, họp dự án, họp ban quản trị, họp hội đồng,… − thì những cuộc họp đó cũng cần được lập hồ sơ riêng. Trong các hồ sơ này, bạn có thể lựa chọn những gì sẽ nêu ra trong cuộc họp.

Thông thường, bạn sẽ muốn giữ lại một danh sách tạm thời những gì bạn sẽ phải làm với một người nào đó trong thời gian ngắn. Ví dụ, nếu bạn thuê một nhà thầu để sửa chữa, xây mới nhà hay bất động sản của mình, bạn có thể tạo một danh sách cho anh ta trong suốt quá trình. Khi bạn kiểm tra công trình nhưng anh ta không có mặt ở đó và bạn có thể có một vài điều cần trao đổi với anh ta, thì danh sách đó phải dễ nắm bắt và tiếp cận khi cần thiết.

Với tính hữu dụng của loại danh sách này, hệ thống của bạn cần cho phép bạn thêm “Các chương trình làm việc phát sinh” (khi cần thiết) nhanh chóng và thuận tiện. Ví dụ, việc bổ sung một trang cho một cá nhân hay cuộc họp trong “Chương trình làm việc” ở cuốn sổ dự án chỉ mất vài giây, cũng giống như việc thêm một “Ghi chú” trong nhóm “Chương trình làm việc” trong thiết bị trợ giúp cá nhân kỹ thuật số PDA.

“Đọc/Xem xét lại”. Đôi lúc, bạn sẽ khám phá ra trong giỏ đựng thông tin đầu vào của mình có những thứ mà công việc tiếp theo là đọc. Tôi hy vọng bạn luôn nhớ nguyên tắc 2 phút và nhanh chóng đọc lướt các hạng mục − quẳng đi, lập hồ sơ hay chuyển chúng đến những vị trí thích hợp.

Những người sử dụng thời gian cá nhân tệ nhất là những người đầu tiên luôn phàn nàn thiếu thời gian.

–Jean de La Bruysre

Với những hạng mục cần đọc phải mất hơn 2 phút để thực hiện, tốt nhất bạn nên quản lý trong một giỏ đựng riêng biệt có dán nhãn “Đọc/Xem xét lại”. Đây vẫn là “một danh sách” theo định nghĩa của tôi, nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu xếp các tài liệu

và tạp chí vào một khay hay một cặp đựng tài liệu có thể xách đi được.

Đối với nhiều người, tài liệu cần “Đọc/Xem xét lại” rất nhiều. Đó là lý do tại sao nó chỉ dành cho những hành động kéo dài-hơn-2-phút mà bạn thật sự muốn đọc khi có thời gian. Bản thân nó cũng đủ khiến bạn nản chí, nhưng mọi thứ sẽ vượt qua khỏi tầm kiểm soát và bị tê liệt nghiêm trọng nếu giới hạn của nhóm này không được xác định rõ ràng. Ít nhất mô hình phác thảo ban đầu cũng giúp bạn nhận thức được và có một loại hình cơ chế tự điều khiển nào đó sẽ giúp bạn nhận thức rõ hơn cái gì muốn giữ và cái gì phải loại bỏ.

Cũng rất hữu ích nếu trong tay bạn có sẵn một số tài liệu để đọc và dễ dàng lấy ra khi bạn có thời gian rảnh rỗi, ví dụ: bạn đang trên đường đi họp mà cuộc họp đó có thể bắt đầu muộn; bạn tham dự một cuộc hội thảo nhưng không có gì để thảo luận; bạn có cuộc hẹn với nha sĩ nhưng phải chờ đợi. Đây là những cơ hội tốt để bạn xử lý những tài liệu cần đọc. Những người không tổ chức tài liệu dưới dạng “Đọc/Xem xét lại” sẽ lãng phí rất nhiều thời gian vì cuộc sống có nhiều những khoảng thời gian ngắn ngủi để có thể xử lý công việc.

Tổ chức danh sách “Chờ đợi”

Giống như những phương tiện nhắc việc bạn cần làm, phương tiện nhắc những việc bạn chờ đợi để lấy lại hoặc chờ đợi người khác thực hiện cũng cần được phân loại và xếp nhóm. Bạn không nhất thiết phải theo dõi những bước hành động riêng biệt mà chỉ cần theo dõi các dự án cuối cùng hoặc tài liệu chuyển giao cuối cùng do người khác chịu trách nhiệm. Ví dụ: bạn đặt vé xem ca nhạc tại rạp hát, máy quét sẽ được đem đến văn phòng, tài liệu trong dự án đã được phía khách hàng phê duyệt… Bạn không cần có phương tiện nhắc việc khi công việc tiếp theo là trách nhiệm của người khác, mà chỉ cần biết việc bạn cần chờ đợi gì, ở ai. Vai trò của bạn là xem xét lại danh sách đó thường xuyên theo yêu cầu và đánh giá xem bạn có phải đưa ra hành động nào không (ví dụ, kiểm tra hiện trạng hoặc thúc đẩy dự án).

Bạn có thể nhận thấy hiệu quả khi bạn luôn giữ danh sách “Chờ đợi” trong cùng một

hệ thống với phương tiện nhắc việc cho danh sách “Các công việc tiếp theo”. Trách nhiệm đối với công việc tiếp theo có thể chuyển từ bên này sang bên kia nhiều lần trước khi dự án hoàn thành. Ví dụ, bạn có thể phải gọi điện cho người bán hàng để yêu cầu một kế hoạch cho công việc (trong danh sách “Các cuộc điện thoại”). Sau khi gọi điện, bạn đợi người bán hàng quay lại với kế hoạch (kế hoạch sẽ được chuyển sang danh sách “Chờ đợi”). Khi kế hoạch được chuyển tới, bạn sẽ phải xem xét nó (nó sẽ nằm trong giỏ “Đọc/Xem xét lại”). Khi đã xử lý xong, bạn gửi nó cho sếp để được phê duyệt (bây giờ nó lại quay trở lại danh sách “Chờ đợi”),…

Bạn sẽ có cảm giác an tâm khi biết danh sách “Đang chờ đợi” của bạn là một kho lưu trữ hoàn hảo toàn bộ những gì bạn quan tâm mà mọi người được cho là sẽ thực hiện.

Sử dụng hạng mục gốc như một phương tiện nhắc việc

Cách hiệu quả nhất để theo dõi các phương tiện nhắc việc là đưa chúng vào trong danh sách hay cặp đựng tài liệu khi bạn gặp những hành động đó. Bạn có thể ghi tóm tắt khi họp với sếp nhưng bạn cũng có thể bỏ qua bản ghi này ngay sau khi đưa ra bất kỳ dự án hay hành động nào liên quan đến chúng. Trong khi cố gắng sử dụng hộp thư thoại, một số người vẫn cần danh sách “Các việc cần xử lý”, đó không phải là cách hiệu quả nhất để quản lý những phương tiện nhắc việc được gắn với chúng.

Tuy nhiên, cũng có một vài ngoại lệ với quy tắc này. Một số loại thông tin đầu vào có thể có hiệu quả nhất khi tự chúng đóng vai trò nhắc việc cho các hành động cần thực hiện hơn là việc bạn phải viết điều gì đó về chúng trong một danh sách. Điều này đặc biệt đúng với một số tài liệu dạng văn bản và email.

Quản lý luồng công việc trên giấy tờ

Bản thân một số thứ đã là phương tiện nhắc việc tốt nhất. Nhóm các bài báo, ấn phẩm hay tài liệu “Đọc/Xem xét lại” là ví dụ điển hình nhất. Nó có hại nếu chúng ta viết “Xem xét lại tạp chí Fortune” trong một danh sách công việc nào đó trong khi bạn có thể chỉ cần đưa nó vào trong giỏ “Đọc/Xem xét lại” là được.

Một ví dụ khác, mọi người thấy dễ dàng hơn khi xử lý các hóa đơn bằng cách thanh toán chúng tại một thời điểm và ở một chỗ. Họ sẽ muốn giữ hóa đơn trong cặp đựng hồ sơ hay trong giỏ đựng có dán nhãn “Các hóa đơn cần thanh toán” (hoặc tổng quát hơn là “Vấn đề tài chính cần xử lý”). Tương tự, những biên lai cho các khoản chi tiêu sẽ được xử lý tại thời điểm phát sinh hoặc lưu giữ trong phong bì hay cặp đựng hồ sơ có nhãn “Các biên lai cần xử lý” .

Bản chất cụ thể của công việc, thông tin đầu vào và môi trường làm việc của bạn có thể có hiệu quả đối với việc tổ chức các nhóm khác chỉ sử dụng giấy tờ ban đầu. Ví dụ, một chuyên gia chăm sóc khách hàng có thể phải giải quyết rất nhiều yêu cầu nảy sinh dưới dạng văn bản. Trong trường hợp này, việc lưu giữ những giỏ thông tin hay hồ sơ chỉ bao gồm những mục có thể hành động là cách quản lý tốt nhất.

Việc ghi phương tiện nhắc việc vào một danh sách hay việc sử dụng tài liệu gốc trong giỏ thông tin hay kẹp hồ sơ tốt hơn phụ thuộc nhiều vào công tác hậu cần. Bạn có thể sử dụng các phương tiện nhắc việc này ở những nơi khác ngoài ngăn kéo bàn làm việc không? Nếu có, bạn phải xem xét tới khả năng có thể mang tài liệu đi cùng. Nếu bạn không thể làm việc đó ở nơi nào khác ngoài bàn làm việc thì việc quản lý những phương tiện nhắc việc chỉ tại nơi làm việc sẽ tốt hơn.

Cho dù bạn chọn phương án nào, những phương tiện nhắc việc phải dễ nhìn thấy, tách biệt theo yêu cầu của công việc tiếp theo. Nếu công việc tiếp theo trong thứ tự làm việc là gọi điện thì nó phải được đưa vào danh sách “Các cuộc điện thoại”. Nếu công việc tiếp theo là xem xét lại thông tin và nhập vào máy tính, nó sẽ được đưa sang danh sách “Làm việc với máy tính”. Tôi nhận thấy, nhân tố làm giảm mạnh nhất tính hiệu quả của nhiều hệ thống luồng công việc là lưu giữ tất cả các tài liệu của một loại (ví dụ như các yêu cầu dịch vụ) trong cùng một khay, cho dù mỗi loại hành động khác nhau cần một khay riêng. Một yêu cầu cần phải gọi điện, yêu cầu khác là xem xét lại dữ liệu và yêu cầu khác nữa là đợi ai đó xem lại thông tin, nhưng tất cả lại được phân loại vào cùng một nhóm. Cách sắp xếp này khiến đầu óc của chúng ta tê liệt trước hàng đống yêu cầu, bởi vì tất cả các quyết định về các công việc tiếp theo đang bị

treo.

Hệ thống cá nhân của tôi rất dễ di chuyển, với hầu hết mọi thứ đều được xếp trong danh sách, nhưng tôi vẫn duy trì hai nhóm nhắc việc dạng giấy. Tôi mang theo một kẹp hồ sơ bằng nhựa dán nhãn “Đọc/Xem xét lại” và một kẹp hồ sơ khác với nhãn “Mục dữ liệu”. Ở kẹp hồ sơ thứ hai, tôi cho vào tất cả những gì có công việc tiếp theo, chỉ đơn giản là nhập dữ liệu vào máy tính (những tấm card visit cần lưu vào danh sách điện thoại/địa chỉ, những trích dẫn trong dữ liệu “trích dẫn” của tôi, các bài báo viết về các nhà hàng mà tôi muốn đưa vào trong danh sách phụ của “Du lịch thành phố”,…).

Quản lý luồng công việc trên email

Giống như những thông tin trên giấy, các email cần có hành động đôi khi được sử dụng như phương tiện nhắc việc tốt nhất cho chính chúng – trong trường hợp này nó nằm trong hệ thống email được theo dõi. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn có quá nhiều email và phải dành rất nhiều thời gian xử lý chúng. Những email bạn phải xử lý có thể lưu trữ trong hệ thống thay vì phải ghi những hành động kèm theo chúng vào một danh sách.

Nhiều khách hàng của tôi thấy hữu ích khi thiết lập hai hay ba tệp thông tin trong email của mình. Đúng vậy. Hầu hết các tệp thông tin trong email được sử dụng để tham khảo hay lưu trữ thông tin, nhưng nó cũng có khả năng thiết lập một hệ thống lưu trữ các thông tin có thể hành động một cách có tổ chức, bên ngoài của hệ thống thông tin “trong” (nơi hầu hết mọi người giữ thông tin).

Tôi khuyên bạn nên tạo ra một tệp chứa các email mà bạn phải xử lý nhiều-hơn-2-phút (lại một lần nữa, bạn phải có khả năng gửi đi nhiều thông điệp ngay tức thì bằng cách tuân theo nguyên tắc 2 phút). Tên tệp phải được bắt đầu bằng một chữ cái hoặc biểu tượng để: (1) nó khác với danh sách tham khảo của bạn; và (2) nó nằm trong tệp tin hàng đầu trong thanh công cụ. Nếu sử dụng những biểu tượng như “@” trong Microsoft hay “_” trong Lotus, nó sẽ xếp hàng đầu trong hệ thống. Tên tệp tin của bạn là “@ Công việc” sẽ lưu giữ những email mà bạn cần xử lý.

Sau đó, bạn có thể tạo ra tệp tin có tên “@ Chờ đợi” sẽ nằm ở cùng chỗ với tệp tin “@ Công việc”. Khi bạn nhận được email chỉ rõ ai đó phải làm gì mà bạn cần theo dõi, bạn có thể cho nó vào tệp tin “@ Chờ đợi”. Nó cũng lưu giữ các phương tiện nhắc việc của những gì bạn giao cho người khác làm thông qua email: khi bạn chuyển tiếp cái gì cho ai, hay sử dụng email để đưa ra một yêu cầu hoặc chuyển giao công việc, hãy lưu lại một bản trong tệp tin “@ Chờ đợi” .

Một số phần mềm ứng dụng (ví dụ phần mềm Lotus Notes) cho phép bạn lập hồ sơ một bản sao chép của email vào một tệp khi gửi email đó đi (nhấn vào nút “Gửi và lưu hồ sơ”). Một số phần mềm khác (ví dụ Outlook) sẽ tự động lưu vào tệp tin “Thư gửi đi” của bạn. Trong trường hợp sau, có vẻ như giải pháp tốt nhất đối với nhiều người là sao chép (gửi lưu cho biết địa chỉ hoặc gửi lưu không cho biết địa chỉ) bức thư khi họ chuyển chúng qua email và sau đó đưa bản sao chép đó vào tệp tin “@ Đang chờ đợi” (khi sử dụng chương trình phần mềm Outlook, nó sẽ gửi tự động bất cứ email nào bạn gửi lưu cho chính mình trong một tệp tin đã chọn. Đây chính là kiểu bản sao của tiến trình vừa trình bày).

Xử lý “làm rỗng” thông tin “đầu vào”. Phương pháp được mô tả chi tiết ở trên cho phép bạn xử lý và làm rỗng tất cả email trong giỏ thông tin thư đến. Đây chính là công cụ tuyệt vời giúp bạn hiểu rõ và kiểm soát công việc hàng ngày. Bạn sẽ sử dụng giỏ thông tin thư đến như thông tin đầu vào, do đó, bất cứ thư nào còn trong đó sẽ được coi như một tin nhắn trong máy điện thoại trả lời tự động – đèn nháy báo cho bạn biết cần phải xử lý thông tin! Một số người sử dụng thư mục thư đến trong hộp thư điện tử như nơi lưu trữ thông tin chưa được xử lý hay thông tin tham khảo. Đây là một thói quen làm cho trí óc họ tê liệt: họ phải đánh giá lại bất cứ thứ gì vào bất cứ khi nào nhìn vào màn hình. Nếu chưa bao giờ hòm thư điện tử của bạn đầy email, phương pháp này có thể hợp lý, nhưng nó không thể áp dụng được với số lượng email mà hầu hết các chuyên gia nhận được và phải xử lý hàng ngày.

Một lần nữa, việc xử lý làm rỗng thông tin đầu vào không có nghĩa là bạn phải xử lý mọi thứ. Bạn chỉ xóa đi những gì có thể xóa và lập hồ sơ những gì bạn muốn lưu lại

nhưng không cần phải làm gì với chúng, trả lời luôn tất cả những thư không-cần-quá-2-phút và chuyển sang tệp phương tiện nhắc việc những thứ bạn đang đợi và toàn bộ email bạn phải hành động. Bây giờ, bạn có thể mở tệp “@ Chờ đợi” và xem lại các email bạn đã xác định là cần phải giải quyết. Điều này sẽ dễ dàng giải quyết hơn so với việc bạn phải dò dẫm tìm thông tin ở nhiều nơi và lo sợ bỏ lỡ mất cái gì đó xảy đến với bạn phải không?

Cảnh báo về phương tiện nhắc việc quá phân tán

Có một mối nguy hiểm dễ thấy trong việc để phương tiện nhắc việc cần làm ở chỗ khuất tầm mắt. Chức năng của một hệ thống tổ chức, đầu tiên là cung cấp những phương tiện nhắc việc bạn nhìn thấy được mỗi khi cần, để bạn có thể tin tưởng vào sự lựa chọn của mình về điều đang làm (và điều không làm). Trước khi rời văn phòng về nhà, bạn phải xem xét lại từng email cần xử lý nhưng chưa được xử lý, giống như hạng mục trong danh sách “Các cuộc điện thoại” hay “Làm việc với máy tính”. Về cốt lõi, “@ Hành động” là phần mở rộng của danh sách “Làm việc với máy tính” và phải được xử lý như nhau. Luồng công việc “đang treo” lưu trữ dưới dạng giấy tờ cũng vậy, phải được đánh giá giống như một danh sách nếu nó là phương tiện nhắc việc duy nhất.

Việc phân bổ các tài liệu gốc, các hành động trong một tệp tin, trong các danh sách và/hoặc trong hệ thống email hoàn toàn chấp nhận được, miễn là khi cần, bạn phải xem xét lại toàn bộ các nhóm, qua đó tin tưởng tất cả các tài liệu gốc như nhau. Bạn không muốn có những thứ bị ẩn khuất trong những khe rãnh của hệ thống và không thể sử dụng chúng với mục đích định sẵn: nhắc nhở.

Để có thể đi chơi với bạn bè hay đi dạo trên một đoạn đường dài không mục đích với tâm trí thật sự thoải mái, bạn phải biết những hạng mục hành động đang nằm ở đâu, chúng thế nào và chúng sẽ đợi gì. Và bạn sẽ cần có khả năng làm điều đó trong vài giây, không phải trong vài ngày.

Tổ chức các phương tiện nhắc dự án

Tạo ra và duy trì danh sách tất cả các dự án của bạn (có nghĩa là bất cứ một kết quả cam kết hay mong muốn nào đòi hỏi hơn một hành động để hoàn thành) có thể là một kinh nghiệm rất tuyệt vời. Bạn có thể có nhiều dự án hơn bạn nghĩ. Nếu bạn chưa làm điều đó, tôi khuyên bạn trước hết nên lập một danh sách “Các dự án” rất bình thường, giống như những danh sách bạn dùng cho hành động. Nó có thể là một nhóm trong thiết bị tổ chức kỹ thuật số, một trang trong cuốn sổ kế hoạch công tác hay thậm chí là một cặp hồ sơ dán nhãn “Các dự án”, với hoặc là một danh sách tổng thể hoặc là các trang giấy rời cho mỗi dự án.

Danh sách “Các dự án”

Danh sách “Các dự án” không có nghĩa là giữ các dự án hay chi tiết của các dự án và bạn cũng không nên cố gắng giữ chúng theo trình tự ưu tiên, quy mô hay mức độ khẩn cấp − nó chỉ là chỉ số của những nút thòng lọng để mở. Bạn sẽ không thể thật sự xử lý toàn bộ danh sách “Các dự án” trong các hoạt động hàng ngày. Phần lớn danh sách các công việc và các nhiệm vụ không chính thống phát sinh của bạn sẽ tạo nên tiêu điểm chiến thuật trước mắt. Hãy nhớ rằng bạn không thể thực hiện một dự án, bạn chỉ có thể thực hiện các bước hành động mà nó cần.

Giá trị đích thực của danh sách “Các dự án” nằm ở việc đánh giá đầy đủ (ít nhất mỗi tuần một lần), cho phép bạn có thể bảo đảm mình có các bước hành động xác định cho toàn bộ dự án và không có kẽ hở. Việc thỉnh thoảng đọc lướt qua danh sách này sẽ nâng cao khả năng kiểm soát của bạn. Bạn sẽ biết có một bảng kê phù hợp sẵn có cho mình (và cả những người khác) bất cứ khi nào muốn đánh giá khối lượng công việc.

Một danh sách hay chia nhỏ danh sách?

Một số người cho rằng một danh sách là phù hợp nhất bởi nó có vai trò là một kho dự trữ tổng thể hơn là sự sắp xếp thứ tự ưu tiên hàng ngày. Hệ thống tổ chức chỉ đơn giản cung cấp các nơi chứa những nút thòng lọng để mở và các phương án lựa chọn, do đó, trí óc bạn có thể dễ dàng đưa ra các quyết định chiến lược cần thiết một cách trực

quan.

Việc bạn có bao nhiêu danh sách hay dự án không quan trọng, miễn là bạn nhìn vào nội dung tất cả các danh sách hay dự án đó khi cần, vì bạn sẽ chủ yếu làm điều đó khi làm bản tổng kết hàng tuần.

Một số cách thông dụng để phân nhỏ dự án

Trong một vài trường hợp, sẽ tốt hơn nếu bạn phân nhỏ dự án. Hãy xem xét chúng cụ thể dưới đây.

Cá nhân/công việc. Nhiều người cảm thấy thoái mái hơn khi để các danh sách thành các dự án cá nhân và công việc. Nếu bạn cũng cảm thấy như vậy thì hãy để ý rằng danh sách “Cá nhân” của bạn sẽ cần được xem xét thận trọng như là danh sách “Công việc” chứ không phải là nơi lưu trữ hàng tuần. Rất nhiều công việc trong danh sách cá nhân cần được xử lý vào các ngày trong tuần như những công việc khác. Và thông thường, một vài điều gây sức ép lớn nhất cho công việc lại bắt nguồn từ những khía cạnh cá nhân trong cuộc sống mà chúng ta bỏ qua.

Những dự án chuyển cho người khác. Nếu bạn là một giám đốc hay nhà điều hành cao cấp, bạn có thể phải chịu trách nhiệm trực tiếp với một số dự án trực tiếp, nhưng bạn lại chuyển nó cho người khác thực hiện và yêu cầu họ báo cáo lại cho bạn. Trong khi bạn có thể cho nó vào danh sách “Chờ đợi”, thì sẽ phù hợp hơn nữa nếu bạn tạo ra một danh sách “Dự án chuyển cho người khác làm” để tiện theo dõi. Nhiệm vụ của bạn chỉ đơn giản là xem xét lại danh sách này thường xuyên để đảm bảo mọi việc diễn ra bình thường.

Các loại dự án cụ thể. Một số chuyên gia có thể có một phần công việc là các dự án khác nhau của cùng một loại. Và sẽ có giá trị hơn nếu nhóm chúng vào một danh sách phụ nằm trong danh sách “Các dự án”. Ví dụ, tôi duy trì một nhóm riêng biệt có tên “Dự án sẽ chuyển”, một danh sách xếp theo thứ tự thời gian tất cả các cuộc hội thảo, tập huấn và tư vấn mà tôi cam kết. Những sự kiện này là những “dự án” giống như

những dự án khác, trong đó tôi cần lưu lại các ghi chú xem chúng có tiến hành bình thường và hợp lý không cho đến khi kết thúc. Nhưng tôi lại thấy chúng hữu ích khi được đưa vào một danh sách duy nhất, theo đúng lịch làm việc và tách biệt khỏi các dự án khác.

Nếu bạn là nhân viên của hãng bất động sản cung cấp các dịch vụ tư vấn hoặc phát triển các dự án cho một số lượng nhỏ khách hàng tiềm năng trong các ngành khác nhau, bạn có thể thấy hữu dụng khi để tất cả những “quan hệ khách hàng đang tiến triển” vào một danh sách. Đây có thể là một danh sách riêng trong sổ kế hoạch của bạn có tên là “Các dự án khách hàng trong quá trình phát triển”; hoặc nếu bạn đã có sẵn tệp thông tin cho mỗi dự án đang tiến hành thì có thể cho tất cả vào một hồ sơ. Lưu ý rằng, phương pháp này chỉ hiệu quả khi nó thể hiện đầy đủ các tình huống cần hành động và khi bạn thường xuyên xem xét chúng cùng với các dự án còn lại, giữ nguyên hiện trạng của chúng và hết sức tỉnh táo.

Các dự án phụ thì sao?

Một số dự án của bạn có thể có nhiều dự án phụ, mỗi dự án phụ, về lý thuyết, có thể coi là một dự án. Ví dụ, nếu bạn chuyển đến nhà mới và cần sửa sang lại, bạn có thể có một danh sách các việc cần làm như “hoàn thành việc trang trí cảnh quan”, “sửa chữa lại nhà bếp”, “mắc lại dây điện ở tầng trệt”,… Tất cả những việc đó có thể được coi như các dự án riêng biệt. Bạn có để tất cả những thứ này trong một danh sách “Các dự án” không, ví dụ “hoàn thành việc sửa nhà mới” − hay bạn viết mỗi dự án phụ thành một mục riêng?

Cách nào không quan trọng, miễn là bạn có thể thường xuyên xem xét toàn bộ thành phần của các dự án để duy trì năng suất. Không có công cụ bên ngoài hay mô hình tổ chức nào hoàn hảo để phân loại theo chiều ngang và chiều dọc tất cả các dự án của bạn. Bạn vẫn phải nắm bắt tổng thể một cách đồng bộ (ví dụ: thông qua việc xem xét tổng kết hàng tuần). Nếu bạn lập một dự án lớn trong danh sách “Các dự án” thì bạn sẽ muốn giữ một danh sách các dự án phụ và/hoặc chính kế hoạch dự án như là “tài liệu hỗ trợ dự án” để xem xét khi bạn tiến hành xử lý chúng. Bạn nên làm theo cách

này nếu đa phần dự án phụ thuộc vào các phần khác được thực hiện trước đó. Trong trường hợp đó, bạn có thể có các dự án phụ mà không cần kèm công việc tiếp theo vì chúng trong trạng thái “chờ đợi” các hành động khác thực hiện trước khi đến lượt chúng. Ví dụ, bạn sẽ không thể sửa lại bếp cho đến khi bạn hoàn thành việc “mắc lại dây điện ở tầng trệt”. Tuy nhiên, bạn có thể tiến hành “trang trí cảnh quan” độc lập với hai dự án phụ trên. Do đó, bạn có thể muốn có công việc tiếp theo liên tục hiện hữu giữa việc “mắc lại dây điện ở tầng trệt” và “hoàn thành trang trí cảnh quan”.

Đừng quá lo lắng xem cách nào là tốt nhất. Nếu bạn không chắc chắn, tôi khuyến khích bạn xếp những dự án lớn vào danh sách “Các dự án” và lưu những mẩu ghi nhớ nhỏ trong tài liệu hỗ trợ dự án, đảm bảo sẽ xếp chúng vào bản tổng kết hàng tuần. Nếu sự sắp xếp này có vẻ không phù hợp, hãy thử cho thêm vào cả những dự án phụ độc lập và đang hoạt động như những mục riêng biệt trong danh sách tổng thể của bạn.

Không có hệ thống hoàn hảo để theo dõi toàn bộ các dự án và dự án phụ của bạn theo cùng một cách. Bạn chỉ cần biết mình có những dự án và nếu chúng có những thành phần liên quan, bạn biết phải tìm những phương tiện nhắc việc phù hợp ở đâu.

Các tài liệu hỗ trợ dự án

Tài liệu hỗ trợ dự án không phải là các công việc dự án, cũng không phải là phương tiện nhắc dự án. Chúng là nguồn hỗ trợ cho các công việc và tư duy về các dự án của bạn.

Đừng sử dụng tài liệu hỗ trợ như những phương tiện nhắc việc. Thông thường mọi người sử dụng giấy và nhét chúng đầy trong các cặp tài liệu như phương tiện nhắc việc rằng: (1) họ có một dự án; và (2) họ phải làm cái gì về dự án đó. Họ thật sự đã biến tài liệu hỗ trợ dự án thành phương tiện nhắc việc. Vấn đề ở chỗ, các công việc tiếp theo và danh mục “Chờ đợi” của những dự án này thường chưa được xác định và thường bị ấn vào một đống giấy tờ hoặc cặp đựng tài liệu − khiến chúng giống như những thứ bỏ đi, gây rối loạn cho việc tổ chức thay vì thu hút sự chú ý của chúng ta. Khi bạn bắt

tay vào việc, những tập hồ sơ đó là những thứ cuối cùng bạn muốn ngó đến và nghiên cứu. Bạn sẽ thật sự bị tê liệt trước hàng đống tài liệu như vậy, bởi chúng không đưa ra những gợi ý cho bạn mà chỉ mang lại nhiều lo lắng hơn.

Nếu gặp tình huống này, trước hết bạn phải đặt dự án vào trong danh sách “Các dự án” như một phương tiện nhắc nhở rằng có kết quả cần phải đạt được ở phía trước. Sau đó, các bước hành động và hạng mục “Chờ đợi” phải được cho vào các danh sách nhắc việc phù hợp. Cuối cùng, nếu đã đến lúc phải thật sự hành động, ví dụ như gọi điện cho ai đó về dự án, bạn có thể lấy ra tất cả những tài liệu mà bạn nghĩ có thể cần làm tài liệu hỗ trợ trong quá trình đàm thoại.

Xin nhắc lại, bạn không nên sử dụng tài liệu hỗ trợ như là phương tiện nhắc bạn công việc cần làm mà phải chuyển nó vào danh sách hành động. Tuy nhiên, nếu tài liệu bao gồm cả kế hoạch dự án và đánh giá tổng thể ngoài các thông tin tham khảo lưu trữ không chính thống thì bạn có thể muốn giữ chúng ở dạng dễ thấy và dễ tiếp cận hơn những tài liệu tham khảo thông thường trong tủ hồ sơ. Tủ đựng hồ sơ cũng phù hợp để đựng các tài liệu hỗ trợ, miễn là bạn có quy định mở các ngăn kéo hồ sơ để xem xét kế hoạch mỗi khi làm bản tổng kết công việc hàng tuần. Nếu không, tốt hơn bạn hãy lưu giữ những tài liệu hỗ trợ dự án này trong một cặp hồ sơ hiện có hay một giỏ đựng tài liệu “Treo” riêng biệt trên bàn làm việc.

Hãy quay lại ví dụ trước đây của chúng ta về việc chuyển sang một ngôi nhà mới, bạn có thể có một hồ sơ với tên “Nhà mới” đựng tất cả các kế hoạch, chi tiết và ghi chú về việc trang trí cảnh quan, mắc lại dây điện tầng trệt và sửa chữa nhà bếp. Trong bản tổng kết công việc hàng tuần, khi bạn xét đến mục “Hoàn thành việc sửa chữa nhà mới” trong danh sách “Các dự án”, bạn sẽ lấy ra hồ sơ “Nhà mới” và lật giở toàn bộ các ghi chú để bảo đảm không bỏ qua bất cứ công việc tiếp theo nào. Những công việc này khi đó cần phải được hoàn thành, chuyển giao cho người khác hoặc trì hoãn trong các danh sách hành động, và cặp đựng hồ sơ sẽ được sắp xếp lại cho đến khi bạn cần nó để thực hiện các công việc này hay cho bản tổng kết công việc hàng tuần lần sau.

Nhiều người giao tiếp trực tiếp với khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng đã cố gắng sử dụng cặp đựng hồ sơ khách hàng và/hoặc phần mềm quản lý các mối quan hệ giống như Hành động! để “quản lý các mối quan hệ”. Vấn đề là, một số tài liệu chỉ là các số liệu hoặc dữ liệu ghi lại những việc đã qua cần được lưu giữ dưới dạng thông tin cần thiết để tham khảo khi bạn cần sử dụng đến chúng, và một số tài liệu trong đó cần phải được theo dõi như là những hành động cần thiết thúc đẩy mối quan hệ tiến triển. Phần còn lại có thể hiệu quả hơn khi được tổ chức với hệ thống danh sách công việc. Thông tin khách hàng chỉ có vậy và có thể được xếp vào hồ sơ tham khảo khách hàng nói chung hoặc lưu trữ trong thư viện khác hàng (Tôi sử dụng từ “Hành động!” vì lý do quan trọng duy nhất là nó cho phép tôi tham khảo chéo thông tin tổng quát về công ty và những giao tiếp quan trọng với các nhân vật chủ chốt trong công ty). Nếu tôi cần gọi điện cho một khách hàng, tôi không muốn hệ thống nhắc việc để ở nơi nào khác ngoài danh sách “Các cuộc điện thoại”.

Tổ chức cách tư duy dự án ngẫu nhiên

Trong Chương 3, tôi đã đề nghị bạn thường xuyên có các ý tưởng về những dự án mà bạn muốn lưu lại nhưng không nhất thiết phải là các công việc tiếp theo. Những ý tưởng này được chia thành ba nhóm chính trong “tài liệu hỗ trợ dự án” và có thể là bất cứ thứ gì, từ khái niệm một điều gì đó bạn muốn làm trong kỳ nghỉ sắp tới đến việc làm rõ một số thành phần chủ yếu trong một kế hoạch dự án. Những ý tưởng này có thể nảy sinh khi bạn đang lái xe trên đường cao tốc và nghe một bản tin hay câu chuyện trên đài, hoặc khi bạn đang đọc một bài báo liên quan. Bạn sẽ làm gì với những loại tài liệu này?

Lời khuyên của tôi là, bạn hãy xem xét đặt việc theo dõi dự án hay chủ đề ở đâu, làm thế nào bạn có thể bổ sung thông tin cùng định dạng và bạn có thể lưu trữ các dữ liệu mở rộng liên quan đến dự án ở đâu. Hầu hết các chuyên gia sẽ có vài sự lựa chọn cách xử lý tài liệu hỗ trợ như những ghi chú vào một mục của danh sách, tổ chức thông tin kỹ thuật số trong email hay cơ sở dữ liệu và duy trì hồ sơ dưới dạng giấy tờ và những ghi chép trong sổ tay.

Những ghi chú đính kèm. Hầu hết các phần mềm tổ chức đều cho phép bạn đính kèm một “ghi chú” dưới dạng kỹ thuật số vào danh sách hay lịch. Nếu bạn đang có một danh sách “Các dự án” trong phần mềm, bạn có thể tìm đến một dự án, mở ra hay bổ sung một trang “ghi chú” cho dự án đó và xếp loại theo ý tưởng của bạn. Đây là một cách tuyệt vời để nắm bắt cách tư duy “mặt-sau-phong-bì-thư”. Nếu danh sách “Các dự án” dưới dạng giấy, bạn có thể đính kèm một ghi chú ở bên cạnh đề mục trong danh sách tổng thể hoặc nếu bạn là người ít sử dụng công nghệ thì hãy dán lên tờ giấy riêng biệt của đề mục. Trong bất cứ trường hợp nào, bạn cần phải nhìn vào bản đính kèm khi xem xét lại dự án để sử dụng thông tin.

Email và cơ sở dữ liệu. Các email chứa những thông tin giá trị liên quan đến các dự án của bạn có thể được lưu trữ tại một tệp email riêng biệt. Nếu bạn chưa có một danh sách như vậy, bạn cũng có thể thấy nó hữu ích để thiết lập một cơ sở dữ liệu kỹ thuật số cụ thể hơn cho việc tổ chức tư duy về một dự án hay chủ đề. Ví dụ, nếu máy tính của bạn sử dụng phần mềm Lotus Notes, bạn có thể tạo ra một cơ sở dữ liệu kỹ thuật số cho việc sử dụng máy tính cá nhân của bản thân hay dùng chung với người khác trong hệ thống mạng của bạn . Cũng nên để ý tới một số dạng cơ sở dữ liệu tự do khác có trên thị trường. Sẽ rất tuyệt nếu bạn có thể lấy dữ liệu từ trên mạng hoặc email và sắp xếp theo chủ đề ở một nơi nào đó; hoặc ghi lại vào máy tính những ý tưởng trong đầu bạn. Bạn nên sử dụng công nghệ và công cụ đã có − hãy học cách sử dụng tất cả các danh sách và tài liệu đính kèm trong một số phần mềm, ví dụ như phần mềm tổ chức của Palm có thể cung cấp cho bạn đầy đủ tính năng “mặt-sau-phong-bì-thư”.

Các hồ sơ dạng giấy. Có một cặp đựng hồ sơ dành riêng cho mỗi dự án rất có ý nghĩa nếu bạn tích lũy tài liệu dưới dạng giấy. Dù nó có thể là dạng công nghệ thấp nhưng lại là một giải pháp hay. Thật đơn giản và dễ xử lý khi tạo ra một hệ thống hồ sơ tham khảo chung khiến bạn cảm thấy thoải mái.

Một cuốn sổ tay. Ưu điểm lớn của cuốn sổ tay là bạn có thể dành riêng một trang hay một vài trang cho một dự án riêng biệt. Tôi đã nhiều năm duy trì một cuốn sổ tay cỡ

trung bình với danh sách “Các dự án” ở nửa đầu và phần “Hỗ trợ dự án” ở cuối sổ, nơi luôn có một vài trang trắng nhằm nắm bắt bất kỳ một ý tưởng hay một kế hoạch ngẫu nhiên và chi tiết nào về các dự án trong danh sách.

Mỗi một phương pháp mô tả ở trên có thể có hiệu quả trong tổ chức cách tư duy dự án. Vấn đề cốt lõi là bạn phải kiên định tìm kiếm bất cứ bước hành động nào vốn có trong ghi chú dự án và xem xét các ghi chú đó thường xuyên khi cần thiết.

Bạn cũng sẽ muốn loại bỏ nhiều ghi chú khác khi chúng trở nên kém hiệu quả hoặc không thực tiễn, để giữ cho toàn bộ hệ thống không bị ảnh hưởng của những cái đã cũ. Tôi nhận thấy rất nhiều giá trị trong việc nắm giữ những loại hình suy nghĩ này. Nhưng tôi cố không để cho những ý nghĩ cũ quanh quẩn trong đầu quá lâu hay giả vờ rằng chúng còn giá trị, trong khi thực tế không như vậy.

Tổ chức các dữ liệu “không thể hành động”

Điều thú vị là, một trong những vấn đề lớn nhất của phần lớn hệ thống quản lý cá nhân của mọi người là họ trộn lẫn một số thứ có thể hành động với một lượng lớn các tài liệu hoặc dữ liệu có giá trị nhưng không hành động được. Có được một cơ cấu nhất quán để quản lý những hạng mục không thể hành động trong công việc và cuộc sống quan trọng tương đương với việc quản lý các hành động và phương tiện nhắc các dự án. Các hạng mục không thể hành động không được quản lý hợp lý sẽ làm nghẽn toàn bộ tiến trình.

Những hạng mục không thể hành động được chia thành hai nhóm: tài liệu tham khảo và phương tiện nhắc các việc không cần hành động hiện tại nhưng có thể cần hành động một ngày nào đó trong tương lai.

Tài liệu tham khảo

Bạn có thể tình cờ bắt gặp rất nhiều thứ là các tài liệu tham khảo trên bàn làm việc và trong cuộc sống. Không cần phải hành động gì với những tài liệu này nhưng chúng là những thông tin bạn muốn giữ lại vì nhiều lý do. Điều quan trọng là bạn cần quyết

định sẽ lưu giữ chúng với số lượng bao nhiêu, dành bao nhiêu không gian, lưu trữ dưới dạng gì và ở đâu. Phần lớn những thứ cần quyết định là các đánh giá cá nhân hoặc mang tính tổ chức dựa trên suy nghĩ logic, theo luật hoặc ý thích cá nhân. Thời điểm duy nhất bạn nên để ý đến tài liệu tham khảo là khi bạn cần phải thay đổi hệ thống theo một cách nào đó, bởi vì bạn có quá nhiều hoặc quá ít thông tin theo nhu cầu và sở thích.

Vấn đề mà hầu hết mọi người gặp phải đối với tài liệu của họ là nó vẫn chỉ là “dữ liệu thô” − có nghĩa là họ vẫn chưa quyết định tài liệu nào dùng được, tài liệu nào không. Một khi bạn làm sáng tỏ được vấn đề trên thì phần còn lại ở dạng tài liệu tham khảo sẽ không còn có sức lôi cuốn hay tình trạng chưa hoàn thành nào liên quan tới nó – nó chỉ là thư viện. Quyết định duy nhất của bạn lúc này là muốn thư viện của mình phong phú đến đâu. Khi tăng dung lượng ổ cứng máy tính, tôi có thể lưu trữ nhiều thông tin hơn. Càng nhiều càng tốt miễn là tôi còn quan tâm, vì tăng số lượng các tài liệu tham khảo đơn thuần không làm tăng sức ép tâm lý.

Sự đa dạng của các hệ thống tham khảo

Có một vài cách để tổ chức các tài liệu tham khảo và nhiều loại công cụ để sử dụng.

Dưới đây là một số cách thông dụng nhất:

• Lập hồ sơ tham khảo chung − dạng giấy hoặc email.

• Lập hồ sơ theo nhóm lớn.

• Quản lý các mối quan hệ và các chỉ số.

• Thư viện và nơi lưu trữ thông tin.

Lập hồ sơ tham khảo chung. Như tôi đã nói, một hệ thống hồ sơ tốt rất cần thiết để xử lý và tổ chức tài liệu của bạn. Nó cũng là điều kiện bắt buộc để giải quyết khối lượng lớn các tài liệu bằng giấy có giá trị đối với bạn vì lý do này hay lý do khác. Điều lý tưởng là bạn đã thiết lập hệ thống lập hồ sơ tham khảo chung khi bạn xử lý “thông tin

đầu vào”. Bạn cần phải cảm thấy thoải mái khi phân loại, dù chỉ là một mẩu giấy bạn muốn lưu lại để tham khảo sau này. Hệ thống của bạn phải ở dạng chính thống, dễ dàng truy cập và lập hồ sơ cho công việc và luôn sẵn sàng ở nơi làm việc. Nếu bạn vẫn chưa thiết lập một hệ thống như vậy, hãy tìm kiếm sự trợ giúp trong Chương 4.

Hầu hết mọi người xử lý khoảng 200-400 hồ sơ tham khảo chung ở dạng giấy tờ và 30-100 tệp thông tin tham khảo dạng email.

Lập hồ sơ theo nhóm lớn. Bất cứ một chủ đề nào cần nhiều hơn 50 tệp hồ sơ thì nên được để ở một ngăn kéo hay một khu vực riêng với một hệ thống riêng được đánh dấu theo thứ tự bảng chữ cái. Ví dụ, nếu bạn quản lý một tập đoàn đang được sáp nhập và cần phải lưu giữ rất nhiều giấy tờ, bạn có thể muốn dành riêng hai hoặc ba tủ đựng hồ sơ của tất cả các tài liệu cần thiết cho tiến trình chuyển giao. Nếu việc làm vườn, lái thuyền buồm hay nấu ăn là niềm đam mê của bạn, bạn có thể cần ít nhất là một ngăn kéo đựng hồ sơ dành riêng cho những sở thích này.

Luôn nhớ rằng, nếu “khu vực tập trung” của bạn có các tài liệu hỗ trợ có thể trộn lẫn vào các “khu vực tập trung” khác, bạn sẽ gặp phải tình thế tiến thoái lưỡng nan: lưu trữ thông tin trong hồ sơ tham khảo chung hay trong các hồ sơ tham khảo riêng biệt? Khi bạn đọc một bài báo hay về việc làm hàng rào và muốn lưu lại nó, liệu bạn sẽ cho tờ báo đó vào tập tài liệu “Vườn” hay vào hệ thống chung với các thông tin về các dự án liên quan đến nhà? Theo thông lệ, tốt nhất là cho nó vào hệ thống thông tin tham khảo chung.

Quản lý các mối quan hệ và các chỉ số. Hầu hết các thông tin bạn cần lưu trữ liên quan trực tiếp đến những người trong hệ thống của bạn. Bạn cần phải theo dõi thông tin về mọi mối quan hệ − điện thoại, địa chỉ nhà và văn phòng, điện thoại di động, số fax, địa chỉ email,… Ngoài ra, nếu thấy hữu ích, bạn có thể muốn lưu trữ thông tin về ngày sinh, tên bạn bè, thành viên trong gia đình đồng nghiệp, sở thích, loại rượu và thức ăn ưa thích của họ,… Chuyên nghiệp hơn, bạn có thể muốn theo dõi ngày ký kết hợp đồng, ngày đánh giá khả năng làm việc, mục đích, mục tiêu và các dữ liệu liên quan khác cho mục tiêu phát triển nhân viên của bạn.

Mục địa chỉ/điện thoại của hầu hết các phương tiện tổ chức có trên thị trường 50 năm qua (cùng với cuốn lịch) có lẽ được sử dụng nhiều nhất. Mọi người đều cần lưu giữ số điện thoại. Phải công nhận đây là tài liệu tham khảo đơn giản, không cần có hành động nào, chỉ là thông tin bạn có thể cần sử dụng trong tương lai.

Vì vậy, không hề có bí mật nào về việc bạn sẽ xử lý chúng như thế nào, ngoài việc đáp ứng cho những nhu cầu cá nhân của bạn. Một lần nữa, vấn đề duy nhất nảy sinh khi mọi người cố gắng biến các chỉ số của họ thành công cụ nhắc nhở những điều họ phải làm. Điều này không hiệu quả. Trong chừng mực mà tất cả hành động liên quan đến những người bạn biết được nhận diện và theo dõi trong các danh sách nhắc việc, thì không cần tới vai trò của hệ thống địa chỉ hay số điện thoại để thay thế ngoài việc là một cuốn sổ địa chỉ trung gian.

Vấn đề cần quan tâm duy nhất khi đó là bạn cần lưu trữ bao nhiêu thông tin? ở đâu? bằng phương tiện nào?… để có thể tiếp cận được nó khi cần. Không có gì hoàn hảo trong khía cạnh đó nhưng khi các thiết bị kỹ thuật số nhỏ ngày càng dễ sử dụng và liên kết với những cơ sở dữ liệu lớn, bạn sẽ có nhiều thông tin có sẵn hơn với cùng lượng công sức bỏ ra.

Thư viện và nơi lưu trữ thông tin – ở mức độ cá nhân. Thông tin hữu ích tồn tại ở nhiều mức độ khác nhau. Bạn có thể tìm thấy bất cứ thứ gì với số lượng lớn nếu bạn tìm kiếm cẩn thận. Vấn đề lưu trữ bao nhiêu, như thế nào và dưới dạng gì đang thay đổi dựa theo nhu cầu và mức độ thoải mái của bạn với dữ liệu. Liên quan tới tổ chức và năng suất cá nhân, đây không phải là vấn đề cốt lõi, miễn là tất cả các dự án và công việc của bạn nằm trong một hệ thống có kiểm soát mà bạn làm việc thường xuyên. Các tài liệu tham khảo ở mọi dạng thức chỉ là một loại tài liệu để nắm bắt và tạo ra khả năng tiếp cận theo khuynh hướng và yêu cầu cụ thể của bạn.

Một số mức độ cố định sẽ khiến mọi việc dễ dàng hơn. Loại thức nào bạn luôn cần có trong mọi lúc? Chúng phải được đưa vào sổ tay kế hoạch hay phần mềm PDA của bạn. Điều bạn đặc biệt cần cho các cuộc họp hay những sự kiện ngoài lề là gì? Bạn cần cho những gì vào cặp tài liệu, ba lô, cặp đeo hay ví? Cái gì bạn có thể cần khi làm

việc tại văn phòng? Những thứ đó cần được đưa vào hệ thống hồ sơ cá nhân hay máy tính nối mạng? Vậy những tình huống ít liên quan đến công việc của bạn thì sao? Các tài liệu cần thiết cho những tình huống này có thể lưu trữ trong các tài liệu của phòng hay nơi lưu trữ của văn phòng. Bạn có thể tìm thấy thứ gì bất cứ khi nào bạn muốn, trên trang web? Bạn không cần phải làm gì với những thông tin như vậy trừ khi bạn cần nó mà lại không thể truy cập mạng. Trong trường hợp này, bạn phải in dữ liệu ra khi bạn truy cập mạng và lưu trữ trong một hồ sơ có thể mang theo.

Bạn đã thấy việc tổ chức tài liệu tham khảo cá nhân chỉ là một vấn đề về tổ chức chưa? Phân biệt những tài liệu có thể sử dụng với những tài liệu không thể sử dụng là nhân tố thành công chính của vấn đề này. Khi đã làm điều đó, bạn có hoàn toàn tự do để quản lý và tổ chức bao nhiêu thông tin tài liệu tham khảo mà bạn muốn. Đó là vấn đề quyết định mang tính cá nhân cao cần phải được dựa trên tỷ lệ các giá trị nhận được so với thời gian và công sức cần thiết bỏ ra để nắm bắt và duy trì nó.

Một ngày nào đó/Có thể

Vấn đề cuối cùng cần giải quyết trong hệ thống tổ chức là làm thế nào để theo dõi mọi việc mà bạn muốn đánh giá lại trong tương lai. Những việc này có thể là một chuyến đi đặc biệt mà bạn muốn thực hiện vào một ngày nào đó, một cuốn sách bạn muốn đọc, một dự án bạn muốn thực hiện vào năm tiếp theo hay những kỹ năng và tài năng bạn muốn phát triển. Để có thể thực hiện đầy đủ mô hình này, bạn sẽ cần một số loại “đèn đốt sau” hay một “giá đỡ” nào đó.

Có một vài cách lưu trữ những thông tin loại này để xem xét sau. Những cách này nhằm giúp bạn đưa chúng ra khỏi tâm trí và sự quan sát, theo dõi hiện tại của bạn. Bạn có thể đưa các hạng mục vào những ngăn khác nhau của danh sách “Một ngày nào đó/Có thể” hoặc cho chúng vào lịch của bạn hay một sổ tay.

Danh sách “Một ngày nào đó/Có thể”

Có vẻ như nếu bạn đã hoàn toàn tẩy sạch tâm trí khi dọn dẹp mọi thứ ra khỏi bộ nhớ

RAM của mình, bạn gặp phải những thứ mà bạn không chắc sẽ cam kết thực hiện. “Học tiếng Tây Ban Nha”, “Mua một con ngựa cho Marcie”, “Leo núi Adams ở Washington” và “Xây một ngôi nhà nghỉ ở vùng quê” là những dự án điển hình thuộc loại này.

Nếu bạn chưa thực hiện những dự án trên, tôi khuyên bạn nên lập ra một danh sách “Một ngày nào đó/Có thể” trong bất kỳ hệ thống tổ chức nào bạn đã chọn. Bạn được quyền cho vào danh sách đó tất cả những thứ bạn từng nghĩ đến. Bạn nhận ra mình có danh sách và việc điền vào danh sách đó cũng khiến bạn nảy sinh nhiều ý tưởng sáng tạo.

Bạn cũng có thể ngạc nhiên khi nhận ra một số việc bạn viết trong danh sách đã thật sự xảy ra rồi nhưng bạn không hề cố gắng làm điều đó. Nếu bạn nhận biết được sức mạnh của trí tưởng tượng nhằm nuôi dưỡng những thay đổi trong nhận thức và hoạt động, thì thật dễ dàng để nhận ra việc có một danh sách “Một ngày nào đó/Có thể” có thể khiến cuộc sống cá nhân và công việc của bạn trở nên tuyệt vời hơn. Chúng ta sẽ có khả năng nắm bắt các cơ hội nếu chúng ta nhận diện và nắm bắt được chúng như là một khả năng có thể xảy ra. Đó cũng là kinh nghiệm của bản thân tôi. Ngoài giỏ thông tin dữ liệu đầu vào, có hai nguồn dồi dào có thể khai thác cho danh sách “Một ngày nào đó/Có thể” của bạn, đó là trí tưởng tượng sáng tạo và danh sách những dự án hiện tại của bạn.

Lưu giữ lại những tưởng tượng sáng tạo của bạn. Những thứ gì bạn có thể thật sự muốn làm vào một lúc nào đó nếu có thời gian, tiền bạc là gì? Hãy viết những ý tưởng này vào danh sách “Một ngày nào đó/Có thể”. Những nhóm điển hình bao gồm:

• Những thứ bạn muốn có hoặc trang bị cho nhà mình

• Những sở thích bạn muốn thực hiện

• Những kỹ năng cần học

• Những sự diễn đạt sáng tạo bạn cần khám phá

• Quần áo và đồ dùng bạn muốn mua

• Đồ chơi bạn muốn có

• Những chuyến đi bạn muốn thực hiện

• Những tổ chức bạn muốn thamgia

• Những dự án dịch vụ bạn muốn góp phần

• Những thứ bạn muốn nhìn thấy hoặc muốn làm

Đánh giá lại những dự án hiện tại của bạn. Bây giờ là cơ hội tốt cho bạn tổng kết lại danh sách “Các dự án” từ một tầm cao hơn (điều này có nghĩa là từ vị trí của bạn trong dự án và từ khía cạnh mục tiêu) và xem xét xem bạn có thể chuyển một số cam kết hiện tại sang danh sách “Một ngày nào đó/Có thể” không. Nếu suy nghĩ kỹ, bạn sẽ nhận ra một dự án có thể không có được sự chú ý của mình trong những tháng tiếp theo hoặc lâu hơn, hãy chuyển nó sang danh sách “ Một ngày nào đó/Có thể”.

Những nhóm đặc biệt của danh sách “Một ngày nào đó/ Có thể”

Rất có khả năng là bạn có một số sở thích cá nhân đặc biệt liên quan đến rất nhiều thứ có thể thực hiện được. Sẽ thú vị hơn nếu thu thập tất cả những thứ này vào một danh sách. Ví dụ:

• Tìm hiểu công thức chế biến các món ăn, thực đơn, nhà hàng, rượu

• Chăm sóc con cái

• Đọc sách

• Mua đĩa CD

• Mua hoặc thuê băng video

• Tham dự những sự kiện văn hóa

• Những ý tưởng về quà tặng

• Những ý tưởng cho khu vườn

• Truy cập một số trang web

• Những chuyến đi nghỉ cuối tuần

• Những ý tưởng cho cuộc họp

• Những ý tưởng về tiệc tùng

• Những ý tưởng − chưa biết cho vào đâu (có nghĩa là bạn chưa tìm ra hạng mục phù hợp để lưu giữ những ý tưởng này)

Điều gì nằm trong khả năng quyết định thực hiện thì cũng nằm trong khả năng quyết định không thực hiện.

–Aristotle

Những loại danh sách này có thể nằm giữa danh sách tham khảo và danh sách “Một ngày nào đó/Có thể” – mang tính tham khảo vì bạn chỉ việc thu thập và thêm vào danh sách các loại rượu ngon, nhà hàng hoặc cuốn sách hay để tham khảo nếu bạn thích; mang tính chất “Một ngày nào đó/Có thể” vì bạn có thể muốn thường xuyên tổng kết lại danh sách các hạng mục để nhắc nhở mình thử một hoặc một vài hạng mục vào một thời điểm nào đó.

Trong bất cứ trường hợp nào, đây cũng là lý do quan trọng để cần có một hệ thống tổ chức giúp nắm bắt nó dễ dàng hơn nhằm có thể làm tăng giá trị, sự phong phú và sở thích cho cuộc sống của bạn – mà không hề cản trở tâm trí hoặc không gian làm việc của bạn với những công việc chưa được hoàn thành hoặc chưa được quyết định.

Mối nguy hiểm của các hồ sơ và tập hồ sơ “Giữ lại và xem xét lại”

Nhiều người tạo ra một hồ sơ hoặc tập hồ sơ (hay cả một ngăn kéo) cho những thứ “Giữ lại và xem xét lại” mà có thể chỉ cần đưa vào nhóm “Một ngày nào đó/Có thể”. Họ tự nhủ: “Khi nào có thời gian, mình sẽ làm những thứ này” và một hồ sơ “Giữ lại và xem xét lại” sẽ rất tiện lợi để chứa những thứ đó. Tôi khuyên các bạn không nên sử dụng một hệ thống phụ như thế bởi trong những trường hợp mà tôi đã gặp, khách hàng của tôi chỉ “giữ lại” mà không thật sự “xem xét lại”, và tích tụ lại thành một đống. Giá trị của “Một ngày nào đó/Có thể” bị mất đi nếu bạn không có ý thức xem xét lại danh sách này với mức độ nhất quán nhất định.

Có một sự khác biệt lớn giữa những thứ được quản lý tốt, như danh sách “Một ngày nào đó/Có thể” và một vài thứ chỉ là một cái giỏ đựng những thứ hỗn độn – “dữ liệu thô”. Thông thường, rất nhiều thứ trong đống hỗn độn đó cần được quẳng đi, một số cần được chuyển sang danh sách “Đọc/Xem xét lại”, một số cần lập hồ sơ tài liệu tham khảo, một số nên đưa vào lịch hoặc hồ sơ đã duyệt để xem xét lại sau một tháng hoặc đầu quý sau, và một số thật sự cần có một vài công việc tiếp theo đi kèm. Rất nhiều lần, sau khi đã xử lý hợp lý các ngăn kéo hoặc hồ sơ “Giữ lại và xem xét lại” của một người nào đó, tôi nhận ra không còn gì trong đó cả.

Sử dụng lịch cho các phương án lựa chọn trong tương lai

Cuốn lịch của bạn có thể trở thành phương tiện nhắc việc mà bạn có thể muốn xem xét lại trong tương lai. Hầu hết những người tôi đã hướng dẫn dường như không chỉ thoải mái với cuốn lịch của mình mà còn thấy có thể cho vào đó rất nhiều thứ.

Một trong ba thứ có thể sử dụng lịch là thông tin có ngày cụ thể. Nhóm này có thể bao gồm một số thứ. Nhưng cách sáng tạo nhất để tận dụng chức năng này là đưa vào những thứ bạn muốn loại khỏi tâm trí và đánh giá lại vào một ngày nào đó. Dưới đây là một số trong rất nhiều thứ mà bạn nên xem xét đưa vào lịch:

• Những thứ kích hoạt các dự án của bạn

• Những sự kiện bạn có thể muốn tham gia

• Các chất xúc tác cho quyết định

Những thứ kích hoạt các dự án của bạn. Nếu có một dự án mà bạn không cần phải nghĩ bây giờ nhưng nó đáng để bạn lưu tâm vào một thời điểm trong tương lai, bạn có thể chọn một ngày phù hợp và đưa vào một phương tiện nhắc việc về dự án trong cuốn lịch cho ngày hôm đó. Những thứ bạn muốn được nhắc phải được xếp vào một

ô lịch của một ngày cụ thể. Khi ngày đó đến, bạn sẽ nhìn thấy phương tiện nhắc việc và đưa hạng mục đó vào dự án được tiến hành trong danh sách “Các dự án”. Những ứng viên điển hình cho loại này là:

• Những sự kiện đặc biệt có mốc thời gian xử lý (Chiến dịch tung sản phẩm ra thị trường, đợt vận động gây quỹ,…).

• Các công việc thường xuyên mà bạn cần chuẩn bị, ví dụ: xem xét lại ngân sách, hội họp thường niên, các công việc lập kế hoạch, hay cuộc họp (khi nào bạn nên thêm “hội nghị bán hàng thường niên” của năm tới vào danh sách “Các dự án”?).

• Những ngày đặc biệt cho những người quan trọng mà bạn muốn làm một cái gì đó (ngày sinh nhật, lễ kỷ niệm hàng năm, tặng quà nhân dịp đi nghỉ,…).

Những sự kiện mà bạn muốn tham dự. Bạn có thể thường xuyên nhận được thông báo về các cuộc hội thảo, hội nghị, bài nói chuyện và các sự kiện văn hóa xã hội bạn muốn tham gia khi thời gian đến gần. Vậy, hãy chỉ ra mốc “thời gian đến gần” đó là gì và đánh dấu vào trong lịch của bạn vào ngày phù hợp nhất – ví dụ:

“Bữa sáng ngày mai ở Phòng Thương mại.”

“Mùa bán vé giảm giá của Tiger bắt đầu hôm nay.”

“Chương trình đặc biệt của PBS (dịch vụ truyền thông công cộng) tại Australia vào 8h tối hôm nay.”

“Nhà hàng BBQ, chủ nhật tuần sau.”

Nếu bạn có được bất cứ một ý nghĩ nào như trên thì bạn sẽ muốn đưa nó vào hệ thống. Hãy thực hiện ngay bây giờ.

Các chất xúc tác cho những quyết định. Đôi khi bạn cũng phải đưa ra các quyết định quan trọng, nhưng bạn không thể (hoặc không muốn) quyết định ngay lập tức. Sẽ không vấn đề gì, miễn là bạn đã kết luận rằng, những thông tin bạn cần bổ sung sẽ lấy từ những nguồn bên trong chứ không phụ thuộc vào những nguồn bên ngoài (rõ ràng, những dữ liệu bên ngoài bạn cần để quyết định sẽ nằm trong danh sách “Công việc tiếp theo” hay “Chờ đợi”). Nhưng để việc không quyết định có thể được chấp nhận thì tốt hơn là bạn phải tạo ra một hệ thống an toàn, đáng tin cậy, có thể giúp bạn tập trung vào vấn đề đó trong thời gian thích hợp ở tương lai. Một phương tiện nhắc việc trên lịch có thể làm được nhiệm vụ này .

Một số quyết định điển hình trong nhóm này bao gồm:

• Thuê/sa thải

• Sáp nhập/thâu tóm/bán/loại bỏ

• Thay đổi nghề nghiệp/công việc

Hãy tự hỏi: “Liệu có quyết định lớn nào mà tôi cần phải đánh dấu để nhớ thực hiện trong tương lai và có thể tạm thời lãng quên nó bây giờ?”. Nếu có, hãy đặt một công cụ nhắc việc nào đó vào trong cuốn lịch của bạn để có thể xem xét lại vấn đề này trong tương lai.

Hồ sơ “đã duyệt”

Cách hiệu quả để quản lý các hạng mục không thể hành động bây giờ nhưng cần có hành động trong tương lai là hồ sơ “đã duyệt” . Đây là phiên bản ba chiều của một cuốn lịch, cho phép bạn giữ những phương tiện nhắc việc hữu hình của những thứ mà

bạn muốn xem lại hoặc nhớ − không phải bây giờ mà là trong tương lai. Nó có thể là một công cụ chức năng, cho phép bạn thành lập một bưu điện của riêng mình và “gửi” mọi thứ cho chính bạn để nhận được vào một ngày đã định trong tương lai. Bản thân tôi cũng đã và đang sử dụng hồ sơ “đã duyệt” nhiều năm nay và không thể tưởng tượng nếu không có nó.

Về bản chất, một hồ sơ đã duyệt đơn thuần là một hệ thống tệp hồ sơ đơn giản cho phép bạn phân loại giấy tờ và các phương tiện nhắc việc hữu hình theo cách thức mà bất cứ thứ gì bạn muốn xem vào một ngày nào đó trong tương lai sẽ “tự động” xuất hiện vào ngày đó trong giỏ thông tin của bạn.

Nếu bạn có thư ký hoặc trợ lý riêng, bạn có thể tin tưởng giao một phần nhiệm vụ này cho người đó với giả định họ đã có một phiên bản của hệ thống này hoặc hệ thống tương tự. Những ví dụ điển hình bao gồm:

• “Hãy đưa cho tôi chương trình làm việc này vào buổi sáng của ngày tôi phải đi họp”;

• “Đưa lại cho tôi cái này vào thứ hai để tôi xem xét lại, vì cần dùng nó cho một cuộc họp vào thứ tư”;

• “Nhắc tôi về chuyến đi Hồng Kông trong hai tuần tới, và chúng ta sẽ lập kế hoạch tổ chức”.

Vậy là mỗi ngày trong tuần, tệp hồ sơ đó được l ra và xem xét lại.

Bạn có thể (và có lẽ là nên) để nhân viên xử lý những thứ như vậy trong chừng mực phù hợp. Theo tôi, nếu bạn có thể kết hợp những thứ này vào phong cách sống của bạn, bạn sẽ duy trì được một hồ sơ đã duyệt. Nó có thể thực hiện nhiều chức năng hữu ích, và bạn có thể muốn tận dụng một số chức năng đó mà không cần người trợ lý. Tôi sử dụng hồ sơ đã duyệt của mình để quản lý vé máy bay và những thông tin xác nhận, những bản hướng dẫn du lịch, chương trình làm việc và bản đồ; những phương tiện nhắc nhở cho những lưu ý sự kiện đến ở dạng thư; thông tin về những thứ “muốn mua” mà tôi sẽ xem xét lại trong tương lai; và những thứ khác đại loại như vậy.

Điểm mấu chốt: hồ sơ đã duyệt chỉ đòi hỏi một hành động mỗi-ngày-một-giây để hoạt động, và nó có giá trị lũy tiến theo hàm mũ lớn hơn nhiều các khoản đầu tư cá nhân.

Thiết lập một hồ sơ đã duyệt. Bạn cần 43 tệp hồ sơ – 31 cái là những hồ sơ hàng ngày dán nhãn từ “1” đến “31”, và 12 cái khác dán nhãn là các tháng trong năm. Những hồ sơ hàng ngày được để ở phía trước, bắt đầu bằng hồ sơ cho ngày hôm sau (nếu hôm nay là ngày 5 tháng 11 thì hồ sơ đầu tiên sẽ có nhãn là “6”). Những hồ sơ tiếp theo sẽ đại diện cho các ngày còn lại trong tháng (từ “6” đến “31”). Sau hồ sơ “31” là hồ sơ tháng của tháng hiện hữu (“tháng 11”) và hồ sơ hàng ngày từ “1” đến “5”. Sau đó là hồ sơ tháng (từ “tháng 12” đến “tháng 10”). Hồ sơ hàng ngày tiếp theo để rỗng trong giỏ thông tin đầu vào hàng ngày của bạn, sau đó, tệp hồ sơ được sắp xếp lại vào cuối ngày (tại điểm mà thay vì vào ngày 6 tháng 10, nó diễn tả ngày 6 tháng 11). Theo cách tương tự, khi tháng tiếp theo xuất hiện (ngày 31 tháng 10, khi bạn đã làm rỗng hồ sơ hàng ngày, hồ sơ “tháng 11” sẽ là cái tiếp theo với những hồ sơ hàng ngày từ “1” đến “31” xếp đằng sau), nó được làm rỗng vào trong giỏ đựng thông tin đầu vào và hồ sơ được sắp xếp lại vào cuối tháng để đại diện cho tháng 11 năm sau. Đây là một hồ sơ “vĩnh viễn”, nghĩa là tại bất cứ thời điểm nào nó cũng bao gồm những hồ sơ cho 31 ngày tiếp theo và 12 tháng sắp tới.

Lợi ích to lớn của việc sử dụng các ngăn hồ sơ trong hệ thống hồ sơ đã duyệt là cho phép bạn lưu trữ những tài liệu thật sự (ở dạng cần được thực hiện vào một ngày cụ thể, ghi chú cần phải được xem xét khi đó, số điện thoại cần hành động vào một ngày cụ thể,…).

Bạn phải cập nhật hệ thống hàng ngày để nó hoạt động hiệu quả. Nếu bạn quên không làm rỗng các hồ sơ hàng ngày, bạn sẽ không tin tưởng khi hệ thống giải quyết những dữ liệu quan trọng và bạn sẽ phải quản lý mọi việc theo cách khác. Nếu bạn phải rời khỏi thành phố (hoặc không tiếp cận với hồ sơ vào ngày cuối tuần), bạn phải kiểm tra các hồ sơ cho những ngày bạn không có ở đó trước khi đi.

Danh sách kiểm tra: Các phương tiện nhắc việc sáng tạo

Chủ đề cuối cùng đáng chú ý trong tổ chức hệ thống cá nhân là việc quan tâm và sử dụng danh sách kiểm tra, những cách thức của các thành phần tiềm năng cho dự án, sự kiện và những giá trị, sở thích, trách nhiệm.

Danh sách kiểm tra sáng tạo nhất thường được tạo ra sau khi có một tiến trình tư vấn tốt với một nhóm hoặc một công ty. Những danh sách kiểm tra tốt cũng xuất hiện khi tập trung đào tạo nhân viên hay thuê ngoài.

Khi tôi làm rỗng các giỏ đựng thông tin đầu vào cùng với khách hàng và xem xét những thứ họ quan tâm, chúng tôi thường gặp những “Ghi chú cá nhân” như:

• Tập thể dục thường xuyên hơn

• Đảm bảo có mẫu đánh giá cho mỗi loại đào tạo

• Dành nhiều thời gian cho con cái

• Thực hiện nhiều kế hoạch định trước cho việc phân chia

• Duy trì đạo đức trong nhóm

• Bảo đảm tuân thủ theo chiến lược của tập đoàn

• Cập nhật việc xử lý hóa đơn của khách hàng

Bạn sẽ làm gì với những thứ mơ hồ như thế này trong số các cam kết và quan tâm?

Trước hết, làm rõ những dự án và hành động vốn có

Đối với hầu hết “những dữ liệu thô” kiểu này, vẫn có một dự án hoặc/và một hành động cần được làm rõ. “Tập thể dục thường xuyên hơn” đối với nhiều người có nghĩa là “Tạo ra một chương trình tập thể dục thường xuyên” (dự án) và “Gọi cho Sally hỏi về huấn luyện viên đào tạo cá nhân” (bước hành động thật sự). Trong trường hợp như vậy, những dự án và hành động vốn có phải được làm sáng tỏ và đưa vào hệ thống cá nhân.

Nhưng có nhiều thứ khác không phù hợp để đưa vào nhóm đó.

Lên kế hoạch những khu vực trọng điểm của công việc và trách nhiệm

Những dự án như “Duy trì điều kiện vật chất tốt” hoặc “Sức khỏe thể chất và sự sống” có thể vẫn cần được đưa vào loại danh sách kiểm tra tổng thể sẽ được xem xét lại thường xuyên.

Tôi đã gợi ý rằng, có ít nhất 6 mức độ công việc phải được xác định rõ và mỗi mức độ xứng đáng được thừa nhận và đánh giá riêng. Một bảng kê hoàn thiện mọi thứ bạn cho

là quan trọng và cam kết thực hiện theo từng mức độ sẽ tạo ra một danh sách kiểm tra hiệu quả. Nó có thể bao gồm:

• Mục tiêu sự nghiệp

• Dịch vụ

• Gia đình

• Các mối quan hệ

• Cộng đồng

• Sức khỏe

• Nguồn tài chính

• Sự sáng tạo

Và sau đó chuyển xuống một mức, trong công việc, bạn có thể muốn có một số phương tiện nhắc nhở về trách nhiệm, nhân viên của bạn, giá trị của bạn,… cho những khu vực chủ chốt. Một danh sách này có thể bao gồm:

• Tinh thần đồng đội

• Các tiến trình

• Các dòng thời gian

• Những vấn đề nhân sự

• Khối lượng công việc

• Giao tiếp

Tất cả những mục này có thể lần lượt đưa vào các danh sách trong hệ thống cá nhân

của bạn, như các phương tiện nhắc việc cho bạn khi cần giữ cho công việc đi đúng hướng.

Tình huống càng mang tính chất lạ thường, càng cần được kiểm soát chặt chẽ

Mức độ mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng cần để duy trì danh sách kiểm tra và sự kiểm soát bên ngoài có liên quan trực tiếp đến sự xa lạ của chúng ta với khu vực trách nhiệm. Nếu bạn làm một việc trong thời gian dài và không có sức ép nào khiến bạn thay đổi, có lẽ bạn sẽ cần một hệ thống tổ chức cá nhân bên ngoài ở mức độ nhỏ nhất để kiểm soát. Bạn biết khi nào sự việc diễn ra, diễn ra như thế nào và hệ thống của bạn vẫn ổn, nguyên vẹn. Tuy nhiên, đó không phải là trường hợp điển hình.

Rất nhiều lần bạn muốn có một số danh sách kiểm tra giúp bạn duy trì sự tập trung cho đến khi quen với những việc đang làm. Ví dụ, nếu giám đốc điều hành bỗng nhiên có việc đột xuất và bạn phải thay vào vị trí của ông ta ngay lập tức, bạn sẽ cần một số báo cáo tổng thể và kế hoạch khung trước mặt trong một thời gian để đảm bảo mình biết tất cả các khía cạnh quan trọng của nhiệm vụ công việc đang đảm nhiệm. Hay nếu bạn được tuyển dụng vào một vị trí mới, với những trách nhiệm mới tương đối xa lạ với bạn, bạn sẽ muốn có một khuôn khổ kiểm soát công việc và cơ cấu trong vài tháng đầu.

Cũng nhiều lần tôi cần tạo ra một danh sách các việc phải xử lý tạm thời cho đến khi công việc được kiểm soát. Ví dụ, khi vợ tôi và tôi quyết định tạo ra một cấu trúc hoàn toàn mới cho một công việc kinh doanh chúng tôi đã tham gia nhiều năm và tôi phải đảm nhận thêm một số trọng trách. Trước đấy, tôi chưa bao giờ đảm nhiệm những việc như kế toán, máy tính, marketing, luật pháp và quản lý. Trong vài tháng, tôi cần có một danh sách kiểm tra trách nhiệm đặt trước mặt để đảm bảo tôi thực hiện tốt mọi trách nhiệm và quản lý hiệu quả sự chuyển đổi. Sau khi công việc ổn định ở một mức độ nào đó, dưới sự lãnh đạo của tôi, tôi không còn cần danh sách kiểm tra đó nữa.

Danh sách kiểm tra ở mọi cấp độ

Hãy sẵn sàng tạo ra bất kỳ một danh sách kiểm tra nào khi cần thiết. Trách nhiệm là vô tận − từ “Những giá trị cốt lõi của cuộc sống” cho đến “Những vật dụng để cắm trại”. Lập các danh sách, không dự tính trước, khi chúng xảy đến với bạn, là một thủ tục quyền năng nhất nhưng cũng tinh tế và đơn giản nhất mà bạn có thể thiết lập cho cuộc sống của mình.

Nhằm giúp tư duy sáng tạo của bạn tỏa sáng, dưới đây là danh sách một số chủ đề cho danh sách kiểm tra mà tôi đã tìm ra và sử dụng trong những năm qua:

• Khẳng định cá nhân (ví dụ: những tuyên bố giá trị cá nhân)

• Những lĩnh vực trách nhiệm trong công việc của bạn (những lĩnh vực trách nhiệm chủ yếu)

• Danh sách cần kiểm tra trước khi đi công tác (mọi thứ cần mang theo hay thực hiện trước chuyến đi)

• Bản tổng kết hàng tuần (mọi thứ cần phải xem xét lại và/ hoặc cập nhật trong tuần)

• Các thành phần của chương trình đào tạo (tất cả những thứ cần giải quyết khi đưa vào một sự kiện)

• Khách hàng

• Danh sách kiểm tra hội nghị (mọi thứ cần giải quyết khi đưa vào một cuộc hội thảo)

• Các khu vực tập trung (các vai trò chủ chốt trong cuộc sống và trách nhiệm)

• Những người quan trọng trong cuộc sống/công việc (những mối quan hệ để đánh giá thường xuyên nhằm phát triển các cơ hội)

• Sơ đồ tổ chức (những người chủ chốt và các lĩnh vực đầu ra cần quản lý và duy trì)

• Phát triển bản thân (những thứ sẽ đánh giá thường xuyên để đảm bảo cân bằng công

việc và cuộc sống cá nhân)

Hãy thoải mái với danh sách kiểm tra, cả những gì ngẫu nhiên và những gì lâu dài. Hãy sẵn sàng tạo ra và xóa chúng khi cần thiết. Hãy sử dụng chúng phù hợp để chúng có thể trở thành tài sản lớn trong năng suất cá nhân của bạn.

Nếu thực tế bạn đã thu thập mọi thứ thể hiện một nút thòng lọng để mở trong công việc và cuộc sống cá nhân, hãy xử lý từng thứ một dựa trên khía cạnh nó có ý nghĩa gì với cuộc sống của bạn và nó cần những hành động nào, rồi sắp xếp các kết quả của tất cả những dự án “một ngày nào đó” và những dự án hiện tại thành một hệ thống hoàn chỉnh − lớn hay nhỏ, khi đó bạn đã sẵn sàng chuyển sang giai đoạn tiếp theo của việc thực hiện một nghệ thuật hiệu quả mà không căng thẳng – giai đoạn đánh giá lại tiến trình.

Bình luận