Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hơn cả tuyệt vời

Chương 2

Tác giả: Judith McNaught

Công tước Hawthorne từ từ hạ tay xuống khẩu súng đang bốc khói, thờ ơ nhìn thân hình của ngày Grangerfield nằm co quắp bất động trên mặt đất. Có chồng ghen tuông thật tai hại, Jordan nghĩ, họ gây ra lắm cảnh phiền phức như những bà vợ nhẹ dạ vô tích sự của họ. Không những họ thường bám vào những kết luận hồ đồ của mình, mà họ còn giải quyết những kết luận ấy bằng súng lúc bình minh. Chàng lạnh nhạt nhìn đối thủ đã lớn tuổi bị thương nằm trên mặt đất, lão đang được vị bác sĩ chăm sóc, và sau đó chàng nguyền rủa người phụ nữ xinh đẹp vì mải miết theo đuổi chàng nên gây ra cảnh đấu súng này.

Ở tuổi 27, Jordan đã biết việc tằng tịu với vợ người khác thường gây ra nhiều chuyện phiền phức hơn là những giây phút được hưởng khoái lạc tình của dục. Cho nên, lâu nay chàng thường cương quyết hạn chế việc giao du tình dục chỉ với những phụ nữ không bị vướng víu với chồng con, loại đàn bà này có nhiều trong xã hội, và cũng rất nhiều người muốn vào bằng hơi ấm trong giường chàng. Tuy nhiên, sự ve vãn nhau là chuyện bình thường trong đời sống của giới thượng lưu, cho nên chàng và Elizabeth Grangerfield gian díu nhau là điều không có gì lạ, vì hai người đã quen biết nhau từ lúc họ còn nhỏ. Chuyện gian díu nhau xảy ra từ khi bà ta đi du lịch xa hơn một năm trời trở về. Sự ve vãn nhau khởi đầu bằng những lời lẽ chọc ghẹo nhau vô hại, lời lẽ trêu chọc nhau giữa đôi bạn cũ, chuyện họ chọc ghẹo nhau không đi xa giới hạn. Nhưng bỗng một đêm vào tuần trước Elizabeth đã lẻn vào nhà Jordan mà người quản gia của chàng không thấy, và khi Jordan về nhà, chàng thấy bà ta trần truồng nằm trên giường chàng đợi chàng về. Bình thường như mọi khi, chàng sẽ xua đuổi bà ta về nhà, nhưng đêm đó trí óc chàng không được sáng suốt vì đã nhậu say với bạn bè, cho nên chàng đã để cho thể xác điều khiển, không kiềm chế được nhục dục trước người phụ nữ lõa lồ.

Quay về ngựa, con ngựa của chàng buộc ở một gốc cây gần đấy, Jordan nhìn những tia sáng yếu ớt đang chiếu qua hàng cây. Vẫn còn thì già cho chàng ngủ vùi vài giờ trước khi bắt đầu một ngày dài làm công việc của gia đình và xã hội, rồi kết thúc bằng đêm dạ vũ tại nhà Bildrup đến khuya mới chấm dứt.

***

Những cây đèn chùm có hàng trăm ngàn mảnh thủy tinh sáng choang trên trần phòng khiêu vũ rộng rãi sáng sủa. Trong phòng, những người khiêu vũ mặc toàn satin, lụa và nhung đang quay cuồng trong điệu valse êm dịu. Hai cánh cửa kiểu Pháp mở rộng dẫn lối ra hành lang để lọt vào từng cơn gió mát, và để cho từng cặp muốn được hưởng những giây phút riêng tư đi ra.

Một cặp đứng ở chỗ trên hành lang, khuất tịch trong bóng tối, không quan tâm đến những lời phỏng đoán của khách trong phòng về việc họ vắng mặt.

– Thật bỉ ổi! – Cô Leticia Bildrup nói với đoàn tùy tùng gồm một nhóm thanh niên nam nữ lịch sự, vừa nói cô vừa đưa mắt nhìn ra phía cửa, nơi cặp trai gái vừa đi ra ngoài, ánh mắt vừa hằn học lên án vừa ganh tỵ khắt khe. Rồi cô nói tiếp:

– Elizabeth Grangerfield có tư cách như gái điếm, chạy theo Hawthorne, mới sáng nay thôi chồng chị ta bị thương vì đấu súng với Hawthorrne.

Ngài Roderick Carstairs nhìn cô Bildrup giận dữ với vẻ mặt hả hê, vẻ mặt đã được cả giới thượng lưu biết đến. Vẻ lo sợ, ngài nói:

– Đương nhiên là cô nói đúng người đẹp ạ. Elizabeth phải học theo cô mới được, chỉ chạy theo Hawthorne lén lút chứ đừng ngang nhiên như thế.

Leticia nhìn ông ta với vẻ bình thản đến hiếu kỳ, nhưng trên đôi má mịn màng của cô đã ửng hồng. Cô đáp:

– Coi chừng đấy Rody, anh đã mất khả năng phân biệt chuyện nào nói cho vui, chuyện nào xúc phạm người khác rồi đấy.

– Không đúng đâu người đẹp, tôi phân biệt rạch ròi mà.

– Ông đừng so sánh tôi với Elizabeth Grangerfield – Leticia đáp, giọng ấm ức tức tối – Tôi và bà ấy không có cái gì giống nhau hết.

– A có đấy, cả hai đều muốn Hawthorne. Cô cũng giống như hàng tá phụ nữ khác mà tôi có thể nêu tên ra, nhất là… – Ông ta gật đầu chỉ về phía cô vũ công balê tóc đỏ xinh đẹp đang nhảy điệu valse với một hoàng tử người Nga trên sàn nhảy – Elise Grandeaux. Nhưng cô Grandeaux hình như được ưu đãi hơn những người khác như cô rất nhiều, vì cô ta là nhân tình mới của Hawthorne.

– Tôi không tin ông! – Letty thốt lên, cặp mắt xanh quay lại nhìn cô gái có mái tóc đỏ duyên dáng, người được đồn rằng đã làm cho hoàng đế Tây Ban Nha và hoàng tử Nga say đắm – Hawthorne không có tình nhân!

– Chúng ta đang bàn chuyện gì thế Letty? – Một cô hỏi, cô ta vừa quay khỏi người cầu hôn của mình.

– Chúng tôi đàng bàn về chuyện “chàng” ra ngoài balcon với Elizabeth Grangerfield – Letty đáp. Việc giải thích từ “chàng” là không cần thiết. Trong giới thượng lưu, mọi người đều biết “chàng” là Jordan Addison Mathew Townsende ở Marlow, Nam tước Townsende ở Troleigh, Richfield và Monmart và Công tước Hawthorne thứ 12. “Chàng” là người mà các cô thiếu nữ mơ ước: chàng cao, ngăm đen và đẹp mê hồn với khả năng quỷ quái làm mê hoặc phụ nữ. Trong đám phụ nữ ở giới thượng lưu hầu hết đều nhất trí cho rằng cặp mắt xám kín đáo của chàng có thể quyến rũ cả nữ tu sĩ, hay làm cho kẻ thù rụng rời chân tay khi chàng tấn công. Các bà lớn tuổi thiên về khen ý kiến đầu và bác bỏ ý kiến sau, vì mọi người đều biết Jordan Hawthorne đã đánh tan hàng trăm kẻ thù người Pháp không phải bằng mắt mà bằng tài bắn súng và múa gươm. Nhưng hầu hết các bà trong giới thượng lưu, bất kể tuổi tác đều hoàn toàn nhất trí về một điểm: chỉ nhìn vào Công tước Hawthorne thôi là người ta biết ngay chàng là người tốt giống, đẹp đẽ và hợp thời trang. Người láng bóng như viên kim cương, tuy thế cũng rất cứng rắn.

– Rody nói Elise Grandeaux đã thành tình nhân của chàng – Letty nói, hất đầu chỉ người đẹp mê hồn mà hình như cô ta không hay biết gì về việc Công tước Hawthorne đã ra ngoài với phu nhân Elizabeth Grangerfield.

– Vô nghĩa! – Một thiếu nữ mới 17 tuổi chập chững bước vào giới thượng lưu nói, cô ta áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức đúng mức – Nếu cô ta là tình nhân thì chắc chắn ông ấy không mang cổ đến đây, ông ta không thể làm thế.

– Ông có thể và ông muốn thế – Một thiếu nữ khác nói, mắt cô ta dán vào những cánh cửa kiểu Pháp nơi ông Công tước và Phu nhân Grangerfield vừa đi qua, vì cô mong ngóng sẽ lại thấy ông công tước nổi tiếng – Mẹ tôi nói Hawthorne làm bất cứ điều gì mà ông thích và ông bất cần dư luận quần chúng!

Ngay khi ấy đối tượng mà họ đang bàn và của hàng tá người đang bàn về chàng trong phòng khiêu vũ, đứng dựa vào lan can bằng đá nhìn vào cặp mắt xanh long lanh của Elizabeth Grangerfield, với vẻ bực tức chàng nói:

– Tiếng tăm của cô tan thành trăm mảnh rồi Elizabeth ạ. Nếu cô có chút lương tri thì cô nên về quê với người chồng đang “đau đớn” trong vài tuần cho đến khi chuyện bàn tán về cuộc đấu súng hết đã.

Cố làm ra vẻ vui tươi, Elizabeth đáp:

– Chuyện bàn tán không làm cho em đau đớn Jordan ạ. Bây giờ em là nữ Công tước rồi – Giọng bà ta nghẹo ngào, gay gắt – Không bao giờ nghĩ là chồng em già hơn em đến 30 tuổi. Bây giờ cha mẹ em đã có chức tước khác nữa trong gia đình, họ chỉ muốn điều đó.

– Luyến tiếc chuyện cũ chẳng ích lợi gì – Jordan nói, cố sức kiên nhẫn – Chuyện đã qua cho qua.

– Tại sao anh không cầu hôn em trước khi anh đi tham dự cuộc chiến tranh ngu ngốc ở Tây Ban Nha chứ? – Bà ta hỏi, giọng nghẹn ngào.

Chàng đáp một cách tàn nhẫn:

– Vì tôi không muốn lấy cô.

Cách đây 5 năm, Jordan thỉnh thoảng có hứa hẹn sẽ cầu hôn cô trong một ngày nào đó ở tương lai, nhưng thực ra chàng không muốn lấy vợ. Cũng như bây giờ và trước khi chàng sang Tây ban Nha, chuyện giữa hai người đã không có gì ngã ngũ. Sau khi chàng ra đi một năm, bố của Elizabeth ép cô phải lấy Grangerfield vì ông ta muốn có thêm chức tước cho gia tộc. Khi Jordan nhận được thư của cô báo cho chàng biết việc cô lấy Grangerfield, chàng vẫn dửng dưng không đau xót. Thế nhưng vì chàng đã quen biết Elizabeth từ khi hai người còn tấm bé, nên chàng vẫn còn ấp ủ tình thương mến cô. Có lẽ nếu khi ấy chàng còn ở nhà, chàng sẽ thuyết phục cô không tuân lời cha mẹ để lấy Grangerfield; hay có lẽ chàng sẽ thuyết phục không được. Giống như hầu hết các phụ nữ thuộc giai cấp xã hội của cô, Elizabeth đã được dạy dỗ từ lúc nhỏ là bổn phận làm gái phải lấy chồng theo ý muốn của cha mẹ.

Nhưng Jordan đã không có mặt ở nhà. Sau khi bố mất hai năm, mặc dù chàng không có con thừa kế để nối dõi tông đường, nhưng chàng vẫn gia nhập quân đội, tình nguyện sang Tây ban Nha để chiến đấu chống quân của Napoleon. Mới đầu sự can trường của chàng ngoài mặt trận chỉ là do chàng bất mãn trong cuộc sống mà ra. Về sau khi chàng đã trưởng thành chín chắn, kỹ năng và kiến thức mà chàng đã thu thập được trong những cuộc chiến đẫm máu không đếm xuể đã giúp chàng sống còn và làm cho chàng nổi tiếng thêm là một nhà chiến lược khôn ngoan và là địch thủ vô địch.

Bốn năm sau ngày đi Tây Ban Nha, chàng xin từ nhiệm trở về Anh để tiếp tục lại nhiệm vụ và bổn phận của một Công tước. Chàng Jordan Towsende về lại nước Anh năm trước rất khác xa với chàng Jordan trẻ tuổi khi rời nước ra đi. Lần đầu tiên chàng bước vào phòng khiêu vũ sau ngày trở về, mọi người đều sửng sốt ngạc nhiên khi thấy chàng đã thay đổi rất nhiều: tương phản với vẻ nhợt nhạt và vẻ bạc nhược của những người quý tộc cùng giai cấp với chàng, da Jordan rám nắng, thân hình cao to vạm vỡ, cử chỉ nhanh nhẹn, uy phong. Mặc dù nét duyên dáng của chàng vẫn còn lưu lại trong nụ cười uể oải, nhưng điều khiến chàng được ái mộ nhất là vẻ phong sương của người xông pha ngoài trận mạc, và thích thú về công việc này. Nét phong sương này càng làm cho phụ nữ say đắm chàng thêm

– Anh có thể quên đi những giây phút chúng ta ở bên nhau à? – Elizabeth ngẩng đầu lên, và khi Jordan chưa kịp phản ứng, bà ta đã nhón gót lên hôn chàng, áp tấm thân rực lửa lên người chàng.

Chàng chụp hai cánh tay bà ta đẩy ra và nhích lui người:

– Đừng điên! – Chàng nói với giọng gay gắt, mấy ngón tay dài bấm mạnh vào hai cánh tay bà ta – Chúng ta là bạn, không có gì hơn nữa. Những gì xảy ra giữa hai chúng ta vào tuần trước là một việc sai lầm. Xong rồi!

Elizabeth cố xông đến gần chàng:

– Em sẽ làm cho anh yêu em, Jordan ạ. Em biết em có thể. Trước đây mấy năm anh đã yêu em, và tuần trước anh đã muốn em.

– Tôi muốn thân hình nẩy lửa của cô, cô em ạ – Chàng châm biếm một cách độc ác có chủ tâm – Chứ không muốn gì hết Tôi chỉ muốn cô chừng ấy. Tôi sẽ không giết chồng cô để lấy cô bằng cách đấu súng, cho nên cô hãy quên kế hoạch ấy đi. Cô hãy đi tìm thằng điên nào muốn mua tự do cho cô bằng con đường đấu súng đi.

Elizabeth tái mặt, cố kiềm chế để khỏi khóc, nhưng bà phải thú nhận bà muốn chàng giết chồng mình:

– Em không muốn tự do Jordan ạ. Em muốn anh – bà ta nói giọng muốn khóc – Anh có thể xem em hơn người bạn một chút, em đã yêu anh từ khi chúng ta 15 tuổi.

Bà ta thú nhận yêu chàng với vẻ khổ sở, vô vọng và nhục nhã. Lời thú nhận khiến cho mọi người, trừ Jordan Towsende đã trở thành con người chai sạn – hoài nghi khi nghe phụ nữ nói thế. Jordan trả lời câu thú nhận tình yêu của Elizabeth bằng cách đưa cho bà ta chiếc khăn tay trắng

– Cô lau mắt đi.

Một lát sau, hàng trăm khách trong phòng đều lén lút nhìn hai người trở vào phòng lại, nhận thấy phu nhân Elizabeth Grangerfield có vẻ căng thẳng, rồi bà rời buổi dạ vũ ngay tức khắc.

Tuy nhiên khi Công tước Hawthorne quay lại với nữ diễn viên múa balê xinh đẹp, người tình gần nhất trong một chuỗi dài tình nhân của chàng, thì trông chàng không có vẻ gì bối rối hết. Và một lát sau, khi hai người bước ra sàn nhảy, đôi trai gái đẹp đẽ có sức lôi cuốn mọi người ấy đã toát ra sức sống diệu kỳ như nam châm thu hút tất cả những ai có mặt trong phòng. Vẻ duyên dáng uyển chuyển của Elise Grandeaux bổ túc cho nét lịch lãm, dạn dĩ của chàng; làn da trong sáng tuyệt vời của cô làm tăng vẻ đẹp cho nước da ngăm đen của chàng. Và khi hai người khiêu vũ, họ là hai sinh vật đẹp tuyệt vời mà hình như Thượng đế đã sinh ra để tạo thành một cặp xứng đôi.

– Rồi, ra con đường của chàng là thế – Cô Bildrup nói với bạn bè khi họ nhìn hai người với ánh mắt thán phục – Hawthorne luôn luôn biến người phụ nữ nào mà anh ta cặp kè như người bạn đời hoàn hảo của mình.

– Phải, cho dù trông họ có hoàn hảo đến đâu đi nữa, anh ta cũng không cưới một nữ diễn viên múa có giai cấp bình dân đâu – Cô Morrison nói – Anh trai tôi đã hứa sẽ dẫn anh ấy đến nhà tôi chơi trong tuần này – Cô ta nói thêm với giọng hãnh diện

Nhưng niềm vui của cô gái bị cô Bildrup làm tiêu tan:

– Mẹ tôi nói anh ta có kế hoạch sẽ đi đến Rosemeade vào ngày mai

– Rosemeade à? – Cô gái kia thẫn thờ nói, hai vai chùng xuống.

– Nhà của bà nội anh ấy – Cô Bildrup đáp – Vùng ấy ở phía Bắc, quá một làng nhỏ hẻo lánh có tên là Morsham.

***

– Chuyện thật khó tin Filber à, quả thật khó tin – Alexandra nói với người hầu già đang lết đi vào phòng ngủ của cô, trên tay ôm một bó củi nhỏ.

Filbert nheo mắt để nhìn cô chủ 17 tuổi. Cô đang nằm sấp trên giường, chiếc cằm nhỏ đặt giữa lòng bàn tay, bộ quần áo thường nhật gồm cái quần ống bó màu nâu và áo sơmi bạc màu

– Chuyện làm tôi gai con mắt quá! – Alexandra lặp lại bằng giọng hoàn toàn bất bình.

– Chuyện gì thế cô Alex? – Ông già hỏi, đến gần giường. Trước mặt cô chủ có cái gì trắng, rộng trải ra trên tấm khăn trải giường. Lão bộc cận thị nghĩ rằng đó là cái khăn tắm, hay là tờ báo. Cố căng mắt nhìn lão thấy vật ấy có màu trắng và trên nền trắng ấy có những hàng chấm đen lờ mờ, khiến lão suy ra đó là tờ báo.

– Chuyện được đăng báo đầy đủ – Alexandra nói cho lão biết, vỗ tay lên tờ báo ra ngày 2 tháng 4 năm 1813, rồi đưa ngón tay chỉ vào từng chữ và miệng đọc – Báo đăng rằng phu nhân Wintherford mở dạ vũ mời đến 800 người, dọn tiệc sau đó gồm không dưới 45 món ăn khác nhau. 45 món?! Bác có tưởng tượng ra được sự phí phạm quá đáng như thế không? Còn nữa – Alexandra nói tiếp, vừa đưa tay hất mái tóc quăn ra khỏi gáy, mắt nhìn đăm đăm tờ báo lá cải – Bài báo cứ lảo nhải nói về số người tham dự buổi tiệc và áo quần họ mặc. Sarah, nghe chuyện nè – Cô nói, ngước mắt nhìn và cười khi Sarah Withers đi lạch bạch vào phòng, tay ôm một đống quần áo vừa mới giặt xong.

Mãi cho đến khi bố của Alexandra chết cách đây 3 năm, Sarah đã giữ chức quản gia, nhưng từ khi bố cô chết, kinh tế gia đình suy sụp nên Sarah cùng với các gia nhân khác bị cho nghỉ việc. Ngoại trừ Filbert và Penrose, vì cả hai đã quá già và tàn tật không thể kiếm được công việc mới để làm. Bây giờ Sarah mỗi tháng chỉ đến một lần cùng với một cô gái nhà quê để giặt áo quần và lau chùi nhà cửa.

Bằng giọng the thé, Alexandra trích đọc một đoạn cho Sarah nghe:

– Cô Emily Welford được bá tước Marcham đi kèm theo. Cô Welford mặc chiếc áo dài lụa màu ngà trang điểm ngọc và kim cương – Alexandra cười rồi gấp tờ báo lại, nhìn Sarah – Bà có tin người ta muốn đọc những truyện tào lao như thế này không? Tại sao người ta lại quan tâm đến chuyên người này mặc áo dài gì, hay bá tước Delton vừa đi du lịch ở Scotland về, hay là chuyện “có lời đồn phải chăng ông ta rất quan tâm đến một cô gái có sắc đẹp mê hồn”?

Sarah nhíu mày, nhìn bộ áo quần của Alexandra với vẻ bất bình. Bà ta trả lời:

– Có “vài” thiếu nữ lo trau chuốt nhan sắc “rất” kỹ càng

Alexandra chấp nhận lời chỉ trích có hảo ý đó với vẻ lạnh nhạt vui vẻ, phớt đời:

– Chỉ cần đánh ít phấn lên mặt và mặc áo satin màu cánh gián là trông tôi như các nàng tiểu thư đài các rồi

Nỗi hy vọng lâu ngày của Alexandra được thoát ra khỏi cái “kén” để trở thành cô gái tóc vàng xinh đẹp không đạt được kết quả như ý. Thay vì được thế, mái tóc quăn cắt ngắn của cô vẫn có màu hạt dẻ đậm, chiếc cằm vẫn nhỏ và bướng bỉnh, lỗ mũi vẫn sỗ sàng, và thân hình vẫn mảnh khảnh như thân hình con trai. Thật ra nét đáng chú ý duy nhất trên người cô là đôi mắt có hàng lông mi đen nhánh và màu xanh biển nổi bật trên khuôn mặt hơi bị rám nắng vì làm việc và cưỡi ngựa ngoài trời. Tuy nhiên Alexandra không quan tâm đến vẻ ngoài của mình chút nào hết, cô còn có nhiều vấn đề quan trọng khác cần phải để tâm đến.

Trước đây 3 năm, sau khi ông ngoại cô qua đời, bố cô cũng chết theo ngay khiến Alex tự nhiên trở thành “người đàn ông trong nhà”. Bao nhiêu công việc trong gia đình đều do một tay cô cùng hai người đầy tớ già làm hết, từ ngân sách eo hẹp của gia đình cho đến việc lo liệu bữa ăn hàng ngày, và giải quyết vấn đề tính tình mẹ cô trở nên ồn ào náo nhiệt

Một cô gái bình thường, được nuôi nấng trong một hoàn cảnh bình thường, chắc sẽ không vươn lên để đương đầu với những thách đố ở đời. Nhưng đối với Alexandra thì chẳng có gì không bình thường về vẻ ngoài và khả năng của cô hết. Khi còn bé, cô đã học cách đánh cá và săn bắn như là môn thể thao để khi nào bố cô về thăm là cô cùng đi với bố cho có bạn. Bây giờ với quyết tâm cao, cô đã sử dụng những kỹ năng ấy để nuôi gia đình.

Tiếng củi rơi lách tách vào trong thùng đựng củi đã xua tan hết những ý nghĩ của Alexandra về áo dài dạ hội đính đầy kim cương khỏi trí óc cô. Cô vòng hai tay trước ngực cho khỏi lạnh, vì cô đang run do hơi lạnh ngấm qua tường nhà, khiến cho phòng cô ẩm ướt và lạnh lẽo ngay cả trong mùa hè.

– Đừng phí củi Filbert – Cô nói nhanh khi người lão bộc cúi người chất thêm những thanh củi nhỏ vào lò lửa đã hơi yếu – Trong nhà không lạnh đâu – Cô nói ba hoa – Chỉ mát một chút thôi. Tốt cho sức khỏe, vả lại ít phút nữa tôi sẽ đi dự tiệc của anh trai Mary Ellen, cho nên không lý do gì mà phí thêm củi.

Filbert nhìn cô gật đầu nhưng khúc củi đã trượt khỏi tay lão rơi xuống nền nhà, lăn trên sàn ván bị mòn vẹt. Lão đứng thẳng người, nhìn quanh cố tìm khúc củi mằn ở trên nền nhà lát ván. Biết mắt lão kém nên Alexandra dịu dàng nói:

– Nó nằm ở gần chân bàn của tôi.

Rồi cô nhìn ông già với ánh mắt đầy thương cảm khi lão đến bàn cô ngồi xuống mò mẫm tìm khúc củi. Bỗng cô cảm thấy lòng nôn nao như chờ đợi cái gì đó sắp xảy ra, cái cảm giác mà cô đã cảm thấy đè nặng trên ngực cô trong suốt ba năm qua. Cô liền hỏi Sarah:

– Sao bà Sarah? Bà có cảm thấy cái gì đặc biệt sắp xảy ra không?

Sarah vội đóng hộc bàn và đi nhanh đến tủ. Bà đáp:

– Có chứ

– Điều cảm thấy có thành sự thực được không?

– Được

– Thật không? – Alexandra hỏi, đưa cặp mắt xanh sáng ngạc nhiên – Cái gì đã xảy ra à?

– Cái ống khói đã bị tụt xuống, như tôi đã báo cho bố cô biết trước đây, nếu ông không chữa nó sẽ hỏng như thế này

Alexandra bật cười, nụ cười trong trẻo rồi lắc đầu:

– Không, không, tôi không nói đến cái nhận xét ấy – Giọng Alexandra hơi bối rối – Sau khi ông ngoại mất một thời gian ngắn, thỉnh thoảng tôi nghĩ đến chuyện ấy, nhưng trong tuần vừa qua cảm giác ấy trở nên mạnh hơn và bền bỉ hơn bao giờ hết. Tôi cảm thấy như thể tôi đang đức trên bờ vực, đợi điều sắp xảy ra.

Sarah ngạc nhiên khi nghe giọng mơ màng và vẻ thanh thoát của Alexandra tương phản với tính thực tế, hoạt động năng nổ của cô. Bà ta nhìn cô đăm đăm:

– Cô nghĩ có điều gì sắp xảy ra à?

Alexandra hớn hở đáp:

– Điều kỳ diệu…

Cô định nói thêm bỗng có tiếng phụ nữ hét lớn khiến cô cụt hứng. Tiếng hét xuất phát từ phòng ngủ của cô Monty nằm ở phía bên kia phòng khách, tiếp theo tiếng hét là tiếng cửa đóng đánh rầm rồi có tiếng chân chạy thình thịch. Alexandra vội vùng dậy, nhảy ra khỏi giường với vẻ nhanh nhẹn hăng hái như bản chất thường nhật của cô, chứ không phải tĩnh lặng mơ màng như trong những giây phút vừa qua. Vừa khi ấy, Mary, cô gái quê mà Sarah mang đến để giúp bà giặt rửa chạy vào phòng cô với vẻ giận dữ:

– Ông đập tôi, đập tôi! – Mary nói lớn, tay thoa vào cái mông bự. Chị ta đưa tay chỉ về phía phòng của ông cậu Monty – Tôi không chịu để cho ông ấy làm thế, không để cho ai làm thế hết. Tôi là con gái tử tế, tôi là thế và…

– Và hành động như cô gái tử tế là câm mồm lại! – Sarah nói

Alexandra thở dài và cô cảm thấy có trách nhiệm nặng nề trong việc tái lập trật tự trong nhà. Cô đành dẹp hết những ý nghĩ khác về các bữa tiệc có 45 món ăn, cô nói với Mary:

– Tôi sẽ nói với cậu Monty. Tôi tin là ông ấy sẽ không làm lại như thế nữa.

Rồi với nụ cười ứng xử trên môi, cô nói tiếp:

– Ít ra ông ấy sẽ không làm thế nữa nếu cô đừng cúi người gần với tầm tay của ông. Ngài Montague là loại người… sành phân biệt phụ nữ, nên khi có người phụ nữ nào có mông tròn trịa, ông thường tỏ ý hài lòng bằng cách vỗ vào mông, như người sành ngựa thường vỗ vào bên hông của con ngựa giống đẹp vậy.

Câu nói có tác dụng làm cô gái quê tự hào, bớt giận. Vì mặc dù tư cách của Montague Marsh không xứng là người cao quý nhưng ông ta vẫn là hiệp sĩ của vương quốc.

Khi mọi người đã đi hết, Sarah buồn bã nhìn căn phòng trống trải với tờ Gazette nằm trên giường.

– Điều kỳ diệu – Bà khịt mũi, rầu rĩ nghĩ đến cô gái 17 tuổi đang gánh trên vai, không than vãn, trách nhiệm chăm sóc nhà cửa mà gia nhân chỉ là một người quản gia già lưng còng, rất tự hào đến nỗi không chấp nhận mình bị điếc và với một lão bộc bị cận thị nặng. Gia đình Alexandra là gánh nặng cho cô và cho các gia nhân. Sarah chán nản nghĩ, ông cậu Montague Marsh mặc dù tính tình tốt những hiếm khi tỉnh táom và cho dù khi ông say, ông ta cũng không bỏ qua cơ hội đưa tình khi gặp đàn bà mặc váy. Bà Lawrence, mẹ của Alexandra đáng ra phải đảm nhận trách nhiệm sau khi chồng chết, nhưng bà ta trút hết trách nhiệm điều khiển nhà Lawrence cho Alexandra và trở thành gánh nặng lớn nhất của Alexandra.

– Ông cậu! – Alexandra nói với ông Monty, cậu của bố cô bằng giọng hơi chán nản. Ông ta đến sống với gia đình Alexandra đã hai năm nay, khi không có người bà con cật ruột nào của ông muốn cho ông ở.

Người đàn ông quý phái mập mạp ngồi trước lò sưởi nhỏ ngọn, gác cái chân bị bệnh gút lên chiếc ghế gác chân, vẻ mặt trầm tư

– Ông đoán chắc cháu đến mắng ông về chuyện cô gái ấy – Ông ta nói, nhìn cô với đôi mắt hoe đỏ sợ sệt. Ông ta như đứa bé to đầu có tội lo sợ bị trừng phạt, đến nỗi Alexandra không thể nào giữ thái độ nghiêm khắc được. Cô đành mỉm cười và đáp:

– Phải, và còn tìm chai rượu Madeira đã được đem lén vào đang thu giấu ở đâu. Chai rượu đó do ông Watterly bạn ông mang vào đây ngày hôm qua.

Ông Monty phản ứng lại với vẻ phẫn nộ của người vô tội:

– Ông xin phép hỏi cháu, ai dám cả gan nói hiện có chai rượu trong phòng này?

Ông ta nhìn cô với vẻ thách thức, nhưng Alexandra không thèm lưu tâm tới, cô đi tìm những nơi ông ta có thể thu giấu được dưới tấm nệm ở trường kỷ, dưới tấm nệm giường và trên lò sưởi. Sau khi đã tìm ở nhiều chỗ khác nữa, cô đi đến ghế ông đang ngồi, chìa tay với vẻ hòa giải.

– Đưa đây cho cháu.

– Cái gì? – Ông ta buồn bã hỏi, khó trở người vì chai Madeira ở dưới chích vào một bên mông to tướng của ông.

Alexandra nhìn ông ta nhúc nhích, cô cười:

– Cái chai Medeira ông ngồi lên trên ấy

– Cháu muốn nói chai thuốc chứ gì? – Ông chỉnh lại – Bác sĩ Beetle đã dặn ông phải uống thuốc này khi nào vết thương chiến tranh gây đau nhức

Alexandra nhìn đôi mắt nổi gân máu và hai má hồng, cô biết ông ta đang say vì sau hai năm sống với ông cậu láu cá, vô trách nhiệm nhưng dễ thương đã làm cho cô sành sỏi về chuyện này. Vẫn đưa tay trước mặt ông, cô nói:

– Đưa cho cháu đi ông, má cháu đang đợi ông phú nông và bà vợ đến ăn tối. Bà muốn ông cũng có mặt ở bữa ăn, ông cần phải tỉnh táo như…

– Ông cần phải say mới đối phó được với cặp vợ chồng vênh váo ấy. Ông nói thật đấy, cháu Alexandra yêu quý à, cặp vợ chồng ấy làm cho ông chán ngấy. Thánh thần không sống chung với ma quỷ được

Khi Alexandra cứ chìa tay ra trước mặt ông, ông già đành thở dài, nhỏm mông lên lấy chai rượu còn một nửa

– Ông ta là người bạn tốt – Alexandra nói, vỗ tay lên vai ông cậu một cách thân ái – Nếu khi cháu về mà ông vẫn còn thức, chúng ta sẽ chơi bài Uýt và..

– Khi nào cháu về? – Ngài Montague hoảng hốt hỏi – Cháu đi để ông ở nhà một mình với mẹ cháu và các vị khách khó chơi ấy, phải không?

– Cháu phải đi – Alexandra vui vẻ đáp, bước ra khỏi phòng. Cô đưa tay hôn gió rồi đóng cửa, mặc cho ông ta than vãn về việc “buồn đến chết” và “bị đẩy vào cảnh chán phèo”

Alexandra đi ngang qua phòng ngủ của mẹ cô thì Felicia Lawrence gọi lớn bằng một giọng yếu ớt, nhưng cấp bách:

– Alexandra ơi, Alexandra, có phải con đấy không?

Giọng của mẹ cô có vẻ than thở nhưng tức giận, khiến Alexandra dừng lại, và cô quyết định sẽ cương quyết chống lại ý kiến của mẹ về chuyện Will Helmsley. Cô bước vào phòng mẹ. Bà Lawrence đang ngồi trước bàn trang điểm, mặc chiếc áo cũ vá nhiều chỗ, cau mày nhìn bóng mình trong gương. Từ ngày chồng chết đến giờ mới 3 năm mà trông bà già thêm hàng chục tuổi, Alexandra buồn bã nghĩ, khuôn mặt xinh đẹp một thời bây giờ già cỗi, cặp mắt hết sáng long lanh, mái tóc đen láng mượt bây giờ biến thành màu nâu lốm đốm bạc. Alexandra biết chính sự lo buồn đã tàn phá khuôn mặt của mẹ cô, mà cũng vì tức giận nữa.

Sau khi George Lawrence chết được ba tuần, một cỗ xe ngựa lộng lẫy dừng trước cửa nhà. Trong xe là “gia đình kia” của người bố thân yêu của Alexandra – vợ và con gái mà ông đã sống cùng ở London hơn 12 năm trời. Ông đã để cho gia đình hợp pháp của mình sống gần như nghèo khổ ở Morsham, còn gia đình không hợp pháp sống đầy đủ sung túc ở London. Ngay bây giờ, mỗi khi Alexandra nhớ lại cảnh bất ngờ cô giáp mặt đứa em khác mẹ ở tại ngôi nhà này vào cái ngày tai hại ấy, là cô lại nhăn mặt đau đớn. Đứa con gái tên là Rosa, nó cực kỳ xinh đẹp, nhưng việc này không làm cho Alexandra đau đớn bằng việc Rosa đeo cái hộp đựng khung ảnh nhỏ nơi cổ. Cái hộp bằng vàng tuyệt đẹp nằm trên cái cổ trắng trẻo mảnh mai, Lawrence đã cho nó cái hộp này, giống như cái hộp ông đã cho Alexandra, nhưng hộp của Alexandra bằng thiếc. Cái hộp thiếc và việc ông chọn sống với cô gái tóc vàng xinh đẹp đã nói lên rõ ràng bố Alexandra đối với mẹ con cô như thế nào.

Chỉ có một lĩnh vực ông đối xử với hai gia đình bình đẳng nhau, đó là lĩnh vực tư hữu: ông chết đi với hai bàn tay trắng, không có tài sản gì để lại cho hai gia đình.

Vì số phận hẩm hiu của mẹ, Alexandra chôn chặt nỗi khổ đau xuống tận đáy lòng, và cố sống bình thường. Nhưng nỗi đau đớn của mẹ cô đã biến thành sự cuồng nộ. Bà Lawrence suốt ngày đem ở miết trong phòng ngủ để nuôi dưỡng sự giận dữ, giao việc nhà cho Alexandra giải quyết. Suốt hai năm rưỡi trời, bà Lawrence không quan tâm gì đến nhà cửa hay đến việc lo buồn của con gái. Khi bà nói, người ta chỉ nghe bà đay nghiến số phận bất công và sự phản bội của chồng.

Nhưng cách đây 6 tháng, bà Lawrence nhận ra rằng hoàn cảnh của bà không đến nỗi vô vọng như bà tưởng. Bà đã tìm ra con đường để thoát khỏi cảnh ngộ khó khăn và chính Alexandra là con đường ấy. Bà quyết định Alexandra phải lấy cho được người đàn ông nào có thể cứ được hai mẹ con ra khỏi kiếp sống nghèo nàn này. Nghĩ ra được lối thoát, bà Lawrence liền chú ý tìm hiểu những gia đình lân cận. Trong số này chỉ có một gia đình giàu có đủ cung cấp cuộc sống cho bà, đó là gia đình Helmsley. Và bà quyết định gả Alexandra cho Will, con trai của họ, mặc dầu cậu ta thuộc loại buồn bã, sợ vợ và tuyệt đối nghe theo lời bố mẹ – là những người gần như cuồng tín trong vấn đề tôn giáo.

Bà Lawrence nhìn Alexandra trong gương và nói:

– Mẹ đã mời vợ chồng phú nông đến ăn tối. Penrose hứa sẽ nấu một bữa thịnh soạn

– Penrose là quản gia mẹ à, ông ta không thể làm công việc nấu nướng thết khách được

– Mẹ biết vị trí của Penrose trước đây trong nhà, nhưng ông ta có thể nấu ngon hơn Filbert hay là con. Cho nên ta phải để cho ông ta trổ tài tối nay. Dĩ nhiên là chỉ có món cá – Bà nói và nhún đôi vai gầy – Mẹ ước chi chúng ta đừng có ăn cá nhiều như thế này, mẹ không thích ăn nhiều cá.

Alexandra đi đánh cá và săn bắn để làm thức ăn cho gia đình, nên nghe thế cô đỏ mặt như thể cô không làm tròn bổn phận của người gia trưởng.

– Con xin lỗi mẹ, nhưng thú săn mùa này hiếm hoi. Ngày mai con sẽ đi vào vùng quê để thử xem có săn được gì tốt hơn không? Bây giờ con phải đi và chắc sẽ về nhà trễ.

– Trễ à? – Mẹ cô há hốc mồm hỏi – Nhưng tối nay con phải có mặt ở nhà, và con phải, phải, phải tỏ ra có hạnh kiểm thật tốt. Con nhớ là vợ chồng phú nông rất nghiêm khắc về vấn đề công, dung, ngôn, hạnh của phụ nữ. Vì người ấy đã đẩy chúng ta vào cảnh khốn khổ như thế này, nên ta đành phải nhận làm sui gia với loại phú nông

Alexandra không cần hỏi cũng biết ‘người ấy” là ai. Mẹ cô luôn luôn nói đến bố Alexandra bằng cái từ “người ấy” hay là “bố cô”, như thể Alexandra là người duy nhất đáng trách vì đã chọn ông làm bố. Còn bà, bà Lawrence chỉ là nạn nhân vô tội trong việc chọn lựa này.

– Vậy thì mẹ đừng làm sui gia với vợ chồng phú nông – Alexandra nói, giọng dịu dàng nhưng rất cương quyết – Vì con không muốn lấy Will Helmsley, cho dù việc này cứu con khỏi chết đói. Mà chúng ta đâu đến nỗi phải chết đói?

– Phải lấy, con phải lấy! – Mẹ cô nói nho nhỏ nhưng giận dữ. Sự giận dữ xuất phát từ sự thất vọng và khủng khiếp – Và con phải sử xự như là con gái nhà gia giáo. Đừng đi lang thang quanh các vùng quê nữa, gia đình Helmsley sẽ không bỏ qua bất cứ việc gì gây tai tiếng không đẹp cho cô dâu tương lai của họ,

– Con sẽ không là cái gì trong tương lai của họ hết! – Alexandra nói, cố gắng giữ bình tĩnh cho khỏi run – Con ghét Will Helmsley và lời thông báo của mẹ – Cô nói tiếp, không thèm để ý đến sức khỏe không được tốt của mẹ – Mary Ellen nói rằng Will Helmsley thích con trai hơn con gái.

Lời tuyên bố thật khủng khiếp. Chính Alexandra cũng bán tín bán nghi, nhưng đã làm cho mái đầu của bà Lawrence bạc thêm. Bà đáp:

– Dĩ nhiên đây là điều tốt. Hầu hết thanh niên đều tìm thanh niên để làm bạn, thế nhưng… – Bà Lawrence đứng dậy đi tới đi lui với vẻ run run của người thiếu sức khỏe lâu ngày – Đây chính là lý do khiến cho anh ta không tỏ ra là bị ép buộc phải lấy con, Alexandra ạ.

Bà ta nhìn vào bộ áo quần của Alexandra đang mặc trên người, vải đã sờn mòn, cái quần ống bó đã chật, cái áo sơmi trắng tay dài trạc nút hở cổ, đôi ủng màu nâu có vẻ như cô đã cố đánh cho thật bóng. Trông cô như con trai của một nhà khá giả trước đây, bây giờ bị sa sút nên buộc phải mặc đồ cũ chật ních.

– Con phải mặc áo dài, mặc dù cậu Will có vẻ không phản đối việc con mặc quần ống bố và cưỡi ngựa.

Vẫn giữ cố gắng bình tĩnh cho khỏi nổi nóng, Alexandra kiên nhẫn nói:

– Mẹ à, con không có chiếc áo dài nào phủ kín đầu gối cả.

– Mẹ đã bảo con sửa một cái áo của mẹ mà mặc

– Nhưng con không khéo tay trong việc khâu vá, và…

Bà Lwrence dừng lại, bà nhìn cô:

– Mẹ phải nói rằng con cố tình cản trở việc hôn nhân của con, nhưng mẹ muốn chấm dứt cuộc sống chua chát mà chúng ta đang sống, và con trai của ngài Helmsley là người duy nhất mang đến hy vọng cho chúng ta – Bà ta cau mày nhìn cô con gái ương ngạnh đứng nơi ngưỡng cửa, vẻ mặt xanh xao của bà hiện rõ nét ân hận chua cay – Alexandra, chúng ta chưa bao giờ thật sự gần nhau, nhưng chính lỗi của ‘người ấy” mà con trở thành đứa con gái hoang dã, phóng túng, tự do bừa bãi như bây giờ: đi lang thang khắp các vùng quê, mặc quần, bắn súng và làm những công việc mà con không nên làm

Không thể giữ bình tĩnh được nữa, Alexandra đáp lại bằng một giọng gay gắt:

– Nếu con rụt rè, e lệ, vô tích sự như mẹ mong muốn thì cái nhà này chắc đã chết đói từ lâu rồi

Bà Lawrence có vẻ hơi bối rối:

– Những gì con nói đúng sự thật, nhưng mẹ không thể sống mãi như thế này được. Mặc dù con đã cố gắng hết sức nhưng chúng ta vẫn mắc nợ mọi người. Mẹ biết trong những năm vừa qua mẹ không làm tròn trách nhiệm người mẹ, nhưng bây giờ mẹ đã có quyết tâm rồi, mẹ phải gả con vào một gia đình giàu có.

– Nhưng con không yêu Will Helmsley – Alexandra nói lớn, giọng đầy chán nản

– Đám này sẽ rất tốt – Bà Lawrence hăng hái nói – Cậu ta sẽ không làm cho con đau khổ như bố con đã làm với mẹ. Will xuất thân trong gia đình ổn định, có nề nếp. Cậu ta sẽ không lấy vợ hai ở London và không đánh bạc

Alexandra cau mày khi nghe mẹ nhắc đến tội lỗi của bố, nhưng mẹ cô vẫn nói tiếp:

– Thực ra chúng ta cũng may mắn vì ngài Helmsley rất nôn nóng. Nếu không mẹ dám nói ông ta xem con không phải là con gái

– Thế con có gì hấp dẫn khiến cho ông ta muốn con làm con dâu?

Bà Lawrence có vẻ sửng sốt:

– Lý do là chúng ta có liên hệ huyết tộc với một ông bá tước và với một hiệp sĩ của vương quốc. – Bà nói như lý do này đã trả lời cho mọi việc

Khi bà Lawrence trầm ngâm suy nghĩ, Alexandra nhún vai trả lời:

– Con đến nhà Mary Ellen, hôm nay là sinh nhật của anh cô ấy

– Có lẽ tối nay con không có mặt ở bữa ăn thì hay hơn – Bà Lawrence nói, thẫn thờ lấy lược chải tóc – Mẹ tin là gia đình Helmsley sẽ bàn đến chuyện hôn nhân vào đêm nay, vậy con không nên có ở nhà để người ta khỏi thấy con cau mày và tỏ vẻ bất bình.

– Mẹ à – Alexandra nói với vẻ vừa thương hại vừa cảnh giác – Con thà chết đói còn hơn lấy Will

Vẻ mặt của bà Lawrence thì xem ra là bà không thích chết đói hơn là hôn nhân của con gái:

– Chuyện này tốt nhất là để cho người lớn định đoạt. Con đi đến nhà Mary Ellen đi, nhưng mặc áo dài vào.

– Con không thể mặc áo dài. Để mừng ngày sinh nhật của John O’Toole, họ sẽ tổ chức buổi cưỡi ngựa đấu thương như ngày xưa. Chắc mẹ biết loại thi đấu mà gia đình O’Toole thường tổ chức trong những dịp sinh nhật.

– Con lớn quá rồi, không thể đi diễu hành trong bộ áo giáp sắt cũ kỹ rỉ sét ấy Alexandra à. Cứ để nó nằm nguyên chỗ ở hành lang.

– Không có gì nguy hại đâu – Alexandra trấn an mẹ – Con chỉ lấy cái khiên, mũ sắt, cái thương và tấm giáp che ngực thôi

– Ờ, rất tốt – Mẹ cô nói vừa nhún vai với vẻ mệt mỏi.

Bình luận