Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Hy Vọng Táo Bạo

Chương 8: Thế Giới Ngoài Kia

Tác giả: Barack Obama

Indonesia là một đảo quốc – nước này có tất cả hơn 17.000 hòn đảo trải dọc theo đường xích đạo giữa Ấn Độ Dương và Thái Binh Dương, giữa châu Đại dương và Biển Đông. Phần lớn người lndonesia là gốc Malay, sống trên các đảo lớn như Java, Sumatra, Kalimantan, Sulawesi và Bali. Sinh sống trên những đảo xa hơn về phía đông như Ambon và phần thuộc Indonesia trên đảo New Guinea là những hậu duệ của tộc người Melanesia. Indonesia có khí hậu nhiệt đới, và rừng mưa nhiệt đới ở đây đã từng có rất nhiều loài vật quý hiếm như đười ươi hay hổ Sumatra. Giờ đây, những khu rừng này đang ngày càng thu hẹp, bi chặt hạ, cày xới để trồng lúa, chè, cà phê và cọ. Do bị mất môi trường sống tự nhiên nên đười ươi hiện được xếp vào loài đang bị đe doạ; và cũng chỉ còn khoảng vài trăm con hổ Sumatra đang sống hoang dã.

Với hơn 240 triệu người, Indonesia có số dân xếp thứ tư thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Có hơn 700 dân tộc thiểu số sinh sống trên đất nước này và 742 ngôn ngữ đang lưu hành. Khoảng 90% dân số Indonesia là người Hồi giáo, vì vậy đây là quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới. lndonesia là quốc gia châu Á duy nhất là thành viên của OPEC[235] mặc dù hiện tại nước này phải nhập khẩu ròng dầu thô do cơ sở hạ tầng khai thác đã quá cũ, trữ lượng can kiệt trong khi mức tiêu thụ trong nước rất cao. Ngôn ngữ chính thống là tiếng Bahasa Indonesia. Thủ đô là Jakarta. Tiên tệ là đồng rupiah.

Phần lớn người Mỹ không biết Indonesia nằm ở đâu trên bản đồ.

Điều đó thực sự khó hiểu đối với người Indonesia vì trong sáu mươi năm qua, số phận của quốc gia này liên quan trực tiếp đến chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong gần như toàn bộ lịch sử, quần đảo này do các quốc vương kế vị và các vương triều hay chia rẽ trị vì, sau đó đến thế kỷ 17 trở thành thuộc địa của Hà Lan – được đặt tên là Đông Ấn Hà Lan – và tình trạng này kéo dài hơn ba thế kỷ. Nhưng vào giai đoạn chuẩn bị cho Thế chiến thứ hai, trữ lượng dầu rất lớn ở Đông Ấn Hà Lan trở thành mục tiêu chính của quân Nhật. Tự gắn số phận với liên minh phát xít và phải đối mặt với lệnh cấm vận năng lượng của Mỹ, Nhật cần có dầu để phục vụ quân đội và công nghiệp. Sau khi tấn công Trân Châu Cảng, Nhật nhanh chóng giành lấy vùng thuộc địa của Hà Lan và chiếm đóng ở đây suốt những năm thế chiến.

Khi Nhật Bản đầu hàng năm 1945, phong trào dân tộc mới xuất hiện ở Indonesia tuyên bố đất nước độc lập. Người Hà Lan không nghĩ như vậy mà họ cố đòi lại vùng đất từng thuộc về họ. Bốn năm chiến tranh đẫm máu bùng nổ. Cuối cùng Hà Lan phải nhượng bộ trước sức ép quốc tế ngày càng tăng (chính phủ Mỹ lo ngại chủ nghĩa cộng sản sẽ lan rộng dưới lớp vỏ chống thực dân nên đã đe doạ cắt bỏ viện trợ cho Hà Lan theo Kế hoạch Marshall) và thừa nhận chủ quyền quốc gia của lndonesia. Lãnh tụ phong trào độc lập, một người có sức lôi cuốn, một nhân vật nổi bật tên là Sukarno đã trở thành tổng thống đầu tiên của lndonesia.

Sukarno cho thấy ông là nỗi thất vọng lớn đối với Washington. Cùng với Nehru ở Ấn Độ và Nasser[236] ở Ai Cập, ông đã góp phần xây dựng phong trào không liên kết – đó là nỗ lực của các quốc gia mới giành độc lập từ chế độ thực dân để đi theo một con đường độc lập giữa khối phương Tây và khối Xô-viết. Đảng Cộng sản Indonesia mặc dù chưa bao giờ chính thức nắm quyền lực, nhưng ngày càng phát triển và có ảnh hưởng mạnh. Bản thân Sukarno cũng diễn thuyết nhiều về chủ đề chống phương Tây, quốc hữu hóa những ngành công nghiệp chính,  từ chối viện trợ của Mỹ và tăng cường quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc. Khi quân Mỹ sa lầy ở Việt Nam và học thuyết domino[237] vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong chính sách ngoại giao của Mỹ, CIA đã bắt đầu ngầm hỗ trợ cho các nhóm chống đối ở lndonesia cũng như xây dựng quan hệ thân thiết với giới chức quân sự Indonesia – nhiều người trong số này được đào tạo ở Mỹ. Năm 1965, dưới sự lãnh đạo của tướng Suharto, quân đội đã nổi dậy chống lại Sukarno và tiến hành truy quét mạnh mẽ những người cộng sản và có cảm tình với cộng sản. Ước tính có từ 500.000 đến 1.000.000 người đã bị giết hại trong đợt truy quét này, 750.000 người khác bị cầm tù hoặc phải sống lưu vong.

Hai năm sau khi đợt truy quét bắt đầu, năm 1967, chính vào năm Suharto lên làm tổng thống. mẹ tôi đưa tôi đến Jakarta vì bà đã kết hôn với một sinh viên lndonesia – họ gặp nhau ở trường Đại học Hawaii. Lúc đó tôi sáu tuổi còn mẹ tôi 24 tuổi. Sau này mẹ tôi nói rằng nếu bà biết điều gì đã diễn ra ở Indonesia hồi đó thì bà sẽ không bao giờ đến đây. Nhưng bà không biết, câu chuyện về hành động bất ngờ và đợt truy quét mãi sau mới xuất hiện trên báo chí Mỹ. Người Indonesia cũng không nói về chuyện đó. Bố dượng tôi, bị hủy thị thực sinh viên ngay khi đang ở Hawaii và bị buộc phải nhập ngũ ở lndonesia vài tháng trước khi mẹ con tôi sang, thì luôn từ chối bàn luận chính trị với mẹ. Ông khuyên bà là có những chuyện tốt nhất nên quên đi.

Và thực tế cho thấy quên đi quá khứ là một việc dễ dàng ở lndonesia. Thời đó, Jakarta vẫn là vùng đất trũng đang say ngủ với chỉ vài tòa nhà cao bốn hoặc năm tầng, xe kéo nhiều hơn ô tô rất nhiều. Trung tâm thành phố và những khu dân cư giàu có ở đô thị với kiến trúc kiểu thuộc địa và bãi cỏ xanh tươi, được chăm sóc cẩn thận. Nhưng chỉ cần đi quá một chút là đã gặp những ngôi làng nhỏ với đường đất, cống lộ thiên, khu chợ đầy bụi bặm và những khu nhà lụp xụp dựng bằng bùn, gạch, gỗ dán và tôn múi. Các ngôi nhà nằm trên hai bên bờ thoai thoải đổ xuống con sông tối tăm, nơi các gia đình tắm giặt như những người hành hương ở sông Hằng.

Gia đình tôi không được khá giả gì trong những năm đầu; quân đội Indonesia trả lương cho các sỹ quan của họ không hề cao. Chúng tôi sống trong một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô thành phố, không có điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh hay nhà vệ sinh giật nước. Nhà tôi không có ô tô – bố dượng tôi đi xe máy, còn mẹ tôi đi xe buýt công cộng mỗi sáng đến đại sứ quán Mỹ để dạy tiếng Anh. Vì không có tiền để đi học ở các trường quốc tế nơi phần lớn trẻ em nước ngoài theo học, tôi học ở một trường địa phương và chơi đùa trên phố với con cái các nông dân, người phục vụ, thợ may và nhân viên văn thư.

Hồi đó tôi mới bảy hay tám tuổi, và những chuyện đó không hề làm tôi buồn. Tôi vẫn nhớ về hồi đó như những năm hạnh phúc nhất, đầy phiêu lưu và bí mật – những ngày đuổi theo đàn gà và chạy trốn lũ trâu, những đêm xem rối bóng và nghe chuyện ma, và người bán hàng rong đem món kẹo ngon lành đến bán tận cửa nhà. Tôi biết so với hàng xóm, chúng tôi sống khá ổn – không như nhiều người, chúng tôi có đủ ăn.

Và có lẽ hơn tất cả, ngay cả khi còn rất ít tuổi, tôi đã hiểu rằng gia đình tôi có vị thế không chỉ vì giàu hơn mọi người mà còn vì mối liên hệ của chúng tôi với phương Tây. Mẹ tôi có thể nổi cáu khi nghe kể lại thái độ của người Mỹ ở Jakarta – họ có vẻ kẻ cả trước người Indonesia, không chịu hiểu về đất nước mà họ đang sinh sống – nhưng với tỷ giá lúc đó thì bà hài lòng vì được trả lương bằng dollar Mỹ chứ không phải bằng đồng rupiah như các đồng nghiệp người bản địa ở đại sứ quán. Chúng tôi sống như người lndonesia, nhưng mẹ tôi thường xuyên đưa tôi đến câu lạc bộ người Mỹ, ở đó tôi có thể nhảy xuống hồ bơi, xem phim hoạt hình và uống Coca-cola thoải mái. Đôi khi đám bạn người lndonesia đến nhà chơi, tôi cho chúng xem những cuốn sách ảnh về Disneyland hoặc tòa nhà Empire State[238] mà bà tôi gửi sang; hoặc chúng tôi dò ngón tay qua quyển catalog của công ty Sears Roebuck[239] và kinh ngạc trước những món hàng đẹp đẽ in trong đó. Tôi biết rằng tất cả những điều đó là một phần tài sản của riêng tôi khiến tôi khác đám bạn, vì mẹ con tôi là công dân Mỹ, được hưởng lợi từ sức mạnh của nước Mỹ, được an toàn dưới sự bảo vệ của nước Mỹ.

Khó mà quên được quy mô sức mạnh đó. Quân đội Mỹ tiến hành tập trận chung với quân đội Indonesia và thực hiện các chương trình huấn luyện cho sỹ quan địa phương. Tổng thống Suharto sử dụng một nhóm các nhà kinh tế Mỹ để lập kế hoạch phát triển cho Indonesia dựa trên nguyên tắc thị trường tự do và đầu tư nước ngoài. Các chuyên gia tư vấn phát triển người Mỹ lập thành một nhóm riêng nằm ngoài chính phủ, giúp quản lý dòng viện trợ khổng lồ của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ và Ngân hàng Thế giới. Và mặc dù tham nhũng lan khắp mọi cấp chính quyền ở đây – một sự tiếp xúc nhỏ nhất với một viên cảnh sát hay một nhân viên nhà nước thôi cũng cần phải hối lộ, và gần như mọi loại hàng hóa, sản phẩm xuất nhập khẩu ra vào đất nước này, từ dầu, lúa mì đến ô tô, đều phải đi qua các công ty thuộc sở hữu của tổng thống, gia đình ông ta hoặc thành viên đảng cầm quyền – vẫn có đủ dầu và viện trợ nước ngoài được đầu tư vào trường học, đường sá và các cơ sở hạ tầng khác, nhờ đó nhìn chung người dân thấy đời sống họ nhanh chóng được nâng cao. Từ năm 1967 đến 1997, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 50 dollar lên 4.600 dollar. Đối với Mỹ, lndonesia trở thành hình mẫu của sự ổn định, là nơi cung cấp nguyên liệu thô và nhập khẩu hàng hóa phương Tây đáng tin cậy, là một đồng minh chắc chắn và là bức tường thành ngăn cản chủ nghĩa cộng sản.

Tôi sống ở Indonesia đủ lâu để trực tiếp chứng kiến sự thịnh vượng mới này. Sau khi giải ngũ, bố dượng tôi làm việc cho một công ty dầu khí cửa Mỹ. Chúng tôi chuyển đến một ngôi nhà rộng hơn, có xe ô tô và tài xế riêng, có tủ lạnh, có ti vi. Nhưng đến năm 1971, mẹ tôi – vì lo ngại chuyện học hành của tôi và có lẽ đoán trước được tình cảm của bà ngày càng xa cách chồng – đã gửi tôi đến sống với ông bà ở Hawaii. Một năm sau, mẹ đưa em gái tôi đến sống cùng tôi. Nhưng mối liên hệ của bà với Indonesia chưa bao giờ đứt đoạn; trong hai mươi năm sau đó bà thường xuyên đi về, làm việc cho các tổ chức quốc tế từ 6 đến 12 tháng mỗi năm với tư cách là chuyên gia về các hoạt động phát triển cho phụ nữ, bà xây dựng các chương trình giúp phụ nữ nông thôn khởi sự kinh doanh hoặc đưa sản phẩm của họ đến với thị trường. Còn tôi, trong thời niên thiếu tôi cũng thăm lại Indonesia ba bốn lần, nhưng cuộc sống và những mối quan tâm của tôi dần hướng về nơi khác.

Những gì tôi biết về Indonesia sau này chủ yếu là qua sách vở, báo chí và những câu chuyện mẹ tôi kể. Trong hai mươi lăm năm, từ từ và không liên tục, nền kinh tế lndonesia vẫn tiếp tục tăng trưởng. Jakarta trở thành một đô thị lớn với khoảng chín triệu dân, với những tòa nhà chọc trời, nhà ổ chuột, khói bụi và giao thông như ác mộng. Đàn ông và phụ nữ rời bỏ nông thôn để gia nhập đội quân lao động ăn lương ở các nhà máy do người nước ngoài đầu tư, sản xuất giày thể thao cho Nike và áo cho Gap. Bali trở thành nơi nghỉ dưỡng của dân chơi môn lướt sóng và các ngôi sao nhạc rock, với khách sạn năm sao, mạng Internet và các cửa hàng nhượng quyền bán gà rán Kentucky (KFC). Vào đầu thập niên 90, Indonesia được coi là một “con hổ châu Á”, một đất nước thành công trong nền kinh tế toàn cầu.

Ngay cả khía cạnh đen tối nhất trong đời sống nước này – vấn đề chính trị và nhân quyền – cũng cho thấy dấu hiệu được cải thiện. Về sự tàn bạo thì chế độ Suharto sau năm 1967 cũng chưa bao giờ nghiêm trọng như ở lraq dưới thời Saddam Hussein; với phong cách thờ ơ, điềm tĩnh, vị tổng thống Indonesia này cũng chưa bao giờ thu hút sự chú ý như những vị lãnh đạo bề ngoài mạnh mẽ như Pinochet hay vua Iran[240]. Tuy nhiên, xét về mọi mặt thì chế độ Suharto rất hà khắc. Bắt bớ và tra tấn những người chống đối là chuyện phổ biến, không có tự do báo chí, bầu cử chỉ mang tính hình thức. Khi phong trào ly khai tôn giáo nổ ra ở những nơi như Aceh, quân đội tấn công không chỉ lực lượng nổi dậy mà cả dân thường để được thưởng nhanh – giết người, hãm hiếp, đốt phá làng mạc. Trong suốt thập kỷ 70 và 80, chính phủ Mỹ đều biết những chuyện đang diễn ra này, nếu không muốn nói là công khai ủng hộ. Nhưng khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Washington bắt đầu thay đổi thái độ. Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu gây sức ép để lndonesia hạn chế vi phạm nhân quyền. Năm 1992, sau khi các đơn vị quân đội Indonesia tàn sát những người biểu tình hòa bình ở Dili, Đông Timor, Quốc hội Mỹ quyết định chấm dứt hỗ trợ quân sự cho chính phủ lndonesia. Năm 1996, các nhà cải cách Indonesia bắt đầu diễn thuyết trên đường phố, công khai nói về tham nhũng ở cấp cao, về hành vi thái quá của quân đội và cần phải có bầu cử tự do, công bằng.

Sau đó, đến năm 1997, nền móng cuối cùng cũng sụp đổ. Tiền và chứng khoán trên toàn châu Á bị mất giá, nhận chìm nền kinh tế Indonesia vốn đã mục ruỗng sau nhiều thập kỷ tham nhũng. Giá trị đồng rupiah giảm 85% chỉ trong vài tháng. Các công ty lndonesia đi vay băng đồng dollar vỡ nợ. Để đổi lấy 43 tỷ dollar viện trợ tài chính, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) do phương Tây chi phối yêu cầu Indonesia phải thực hiện một loạt biện pháp thắt lưng buộc bụng (cắt giảm trợ giá của chính phủ, tăng lãi suất) dẫn tới giá các mặt hàng thiết yếu như gạo và dầu tăng gần như gấp đôi. Khi cơn khủng hoảng kết thúc, quy mô nền kinh tế Indonesia giảm mất khoảng 14%. Bạo động và biểu tình ngày càng dữ dội, đến mức Suharto buộc phải từ chức, và cuộc bầu cử tự do lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1998  với khoảng 48 đảng phái chạy đua vào các ghế trong quốc hội và khoảng 93 triệu người đã đi bỏ phiếu.

ít nhất về hình thức, Indonesia cũng đã đứng vững được sau hai cú sốc đồng thời: sụp đổ tài chính và dân chủ hóa. Thị trường tài chính tăng vọt và cuộc bầu cử lần thứ hai không gặp rắc rối gì đáng kể, nhờ thế quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra trong hòa bình. Tham nhũng vẫn là vấn nạn cố hữu và quân đội vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ, nhưng đã bùng nổ các tờ báo độc lập và các đảng phái chính trị phản ánh quan điểm đối lập.

Nhưng mặt khác, nền dân chủ vẫn chưa đem lại sự thịnh vượng. Thu nhập bình quân đầu người thấp hơn khoảng 22% so với năm 1997. Hố ngăn cách giàu nghèo vốn đã rất sâu giờ lại càng sâu hơn. Tình trạng nghèo khổ trung bình của người Indonesia lại bị phóng đại trên mạng và trên truyền hình vệ tinh, càng làm nổi bật hình ảnh rất chi tiết sự giàu có không thể với tới của người dân London, New York, Hồng Kông và Paris. Tư tưởng chống Mỹ – gần như không hề tồn tại dưới thời Suharto – ngày càng lan rộng, một phần do mọi người nghĩ rằng các nhà đầu cơ ở New York và IMF đã chủ ý gây ra cuộc khủng hoàng tài chính châu á. Trong một cuộc thăm dò dư luận hồi năm 2003, phần lớn người dân Indonesia đánh giá Osama bin Laden cao hơn George W. Bush.

Tất cả những điều này đi cùng với một sự chuyển biến có lẽ là lớn nhất ở Indonesia, đó là sự phát triển của lực lượng Hồi giáo quân sự cực đoan. Truyền thống Indonesia có thái độ tôn giáo khá thoải mái, kết hợp giữa Phật giáo, Ấn Độ giáo và tín ngưỡng thờ linh vật cổ xưa. Dưới sự giám sát chặt chẽ của chính phủ thế tục của Suharto, đồ uống có cồn bị cấm đoán, những người không phải Hồi giáo tự do theo tín ngưỡng của mình, và phụ nữ – được mặc váy thể thao hoặc quấn xà- rông tùy thích khi đi làm bằng xe buýt hay xe máy tay ga – có đầy đủ quyền công dân như đàn ông. Giờ đây, các đảng Hồi giáo hợp thành khối chính trị lớn nhất và kêu gọi áp dụng luật Hồi giáo trong nước. Được Trung Đông hỗ trợ tài chính, các giáo sỹ, trường học và nhà thờ Hồi giáo dòng Wahhabist[241] xuất hiện khắp các vùng nông thôn. Rất nhiều phụ nữ Indonesia sử dụng khăn trùm đầu giống như ở các quốc gia Hồi giáo Bắc Phi và Vịnh Ba Tư, dân quân Hồi giáo và những người tự phong là “đội cảnh sát phòng chống tệ nạn” tấn công vào các nhà thờ Thiên chúa giáo, hộp đêm, sòng bạc và nhà chứa. Năm 2002, một vụ đánh bom hộp đêm ở Bali đã làm hơn hai trăm người thiệt mạng; các vụ nổ bom tự sát tương tự lần lượt diễn ra ở Jakarta năm 2004 và Bali năm 2005. Các thành viên của Jemaah lslalmah, một tổ chức quân sự Hồi giáo có quan hệ với Al Qaeda, đã bị xét xử vì tội đánh bom; ba người trong số nhưng kẻ tham gia đã bị xử tử hình, còn thủ lĩnh tinh thần của nhóm, Abu Bakar Bashir đã được thả sau 26 tháng tù.

Lần gần nhất tôi đến Bali, tôi ở ngay bãi biển chỉ cách nơi bị đánh bom vài dặm. Khi nghĩ về hòn đảo này cũng như về đất nước Indonesia, tôi vẫn bị những kỷ niệm cũ ám ảnh – cảm giác bùn dính dưới bàn chân trần khi lang thang qua những ruộng lúa; hình ảnh ánh sáng ban ngày biến mất dần sau những ngọn núi lửa, vị giáo sỹ đến chơi nhà buổi tối và mùi gỗ cháy; cảnh mua bán hoa quả ngay bên lề đường; âm điệu mạnh mẽ của dàn đồng ca gamelan[242]; khuôn  mặt các nhạc công bừng sáng trong ánh lửa. Tôi muốn đưa Michelle và các con đến đó để chia sẻ một phần trong cuộc đời tôi, cùng thăm đống đổ nát của ngôi đền Ấn giáo Prambanan đã hàng nghìn năm tuổi hay bơi trên dòng sông chảy trên những ngọn đồi Bali.

Nhưng kế hoạch đó cứ liên tục bị trì hoãn. Tôi thường xuyên bận rộn, và rất khó đưa con cái còn quá nhỏ đi du lịch. Và cũng có thể vì tôi sợ những gì tôi sẽ thấy – rằng vùng đất tuổi thơ tôi không còn giống như trong kỷ niệm nữa. Khi thế giới ngày càng thu hẹp lại với những chuyến bay thẳng, với mạng điện thoại di động phủ khắp nơi, với kênh truyền hình CNN và quán cà phê lnternet, Indonesia có vẻ lại xa cách hơn ba mươi năm trước. Tôi sợ rằng Indonesia đã trở thành một nơi xa lạ. 

TRONG LĨNH VỰC quan hệ quốc tế, sẽ rất nguy hiểm nếu dùng hình thức ngoại suy từ kinh nghiệm của một quốc gia duy nhất. Mỗi đất nước đều có lịch sử, địa lý, văn hóa và mâu thuẫn riêng, có một không hai. Xét vê nhiều mặt, Indonesia là một ẩn dụ hay về thế giới ngoài biên giới của chúng ta – một thế giới trong đó toàn cầu hóa và chủ nghĩa bè phái, tình trạng nghèo đói và thừa mứa, sự hiện đại và cổ xưa thường xuyên va chạm với nhau.

Indonesia cũng là một hồ sơ hữu ích về chính sách đối ngoại của Mỹ trong năm mươi năm qua. Ít nhất theo nghĩa rộng, mọi chuyện đều đã từng xảy ra ở đây: vai trò của Mỹ trong cuộc giải phóng các thuộc địa cũ và thành lập các tổ chức quốc tế để thực thi trật tự thế giới sau Thế chiến thứ hai, nỗ lực không mệt mỏi để xúc tiến chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ và các công ty đa quốc gia, thái độ thờ ơ và đôi khi còn khuyến khích chế độ độc tài, tham nhũng và suy thoái môi trường nếu những điều đó có lợi cho chúng ta; cái nhìn lạc quan cho rằng khi Chiến tranh lạnh kết thúc, McDonald’s và mạng Internet sẽ góp phần chấm dứt mọi xung đột trong lịch sử; sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của châu Á và thái độ thù địch ngày càng lớn với Mỹ với tư cách là siêu cường duy nhất trên thế giới; nhận thức rằng ít nhất trong ngắn hạn, quá trình dân chủ hóa có thể sẽ bóc trần, chứ không giảm bớt, hận thù sắc tộc và chia rẽ tôn giáo – và rằng những thành tựu kỳ diệu của toàn cầu hóa có thể làm cho kinh tế bất ổn, địch bệnh lan rộng và chủ nghĩa khủng bố phát triển.

Nói cách khác, quá khứ của chúng ta là một mớ lộn xộn – không chỉ ở Indonesia mà trên toàn thế giới. Đôi khi, chính sách đối ngoại của Mỹ khá nhìn xa trông rộng, vừa phục vụ lợi ích, lý tưởng của Mỹ, vừa vì lợi ích của các nước khác. Nhưng một vài lúc khác, chính sách của Mỹ đã đi sai đường do dựa trên những giả định sai lầm – bỏ qua mong muốn hợp lý của các dân tộc khác, làm suy giảm uy tín quốc gia, tạo ra một thế giới nguy hiểm hơn. Sự kết hợp này không có gì lạ vì chính sách ngoại giao luôn do các động cơ mâu thuẫn nhau tạo ra. Trong những ngày đầu mới thành lập nền cộng hòa, chính sách theo chủ nghĩa biệt lập chiếm ưu thế, để để phòng âm mưu từ phía ngoài phá hoại quốc gia vừa ra đời sau chiến tranh giành độc lập. George Washington đã đặt câu hỏi trong bài phát biểu từ biệt nổi tiếng của ông: “Tại sao phải gắn số phận của nước Mỹ với phần nào đó ở châu Âu để rồi đặt nền hòa bình và sự thịnh vượng của chúng ta vào rắc rối của tham vọng, chia rẽ, mối quan tâm, óc hài hước hay sự thất thường ở châu lục đó?” Quan điểm của Washington sau đó được củng cố bởi cái mà ông gọi là “vị trí tách biệt và xa xôi” về địa lý, cho phép quốc gia mới này “coi thường mọi tổn thất vật chất mà nước ngoài có thể gây ra”.

Hơn nữa, mặc dù khởi nguồn cách mạng và chính phủ mô hình cộng hòa khiến chúng ta dễ đồng cảm với những người cũng đang đấu tranh giành độc lập ở nhiều nơi, nhưng những người lãnh đạo đầu tiên của đất nước đã đưa ra lời cảnh báo phản đối những nỗ lực kiểu lý tưởng hóa nhằm xuất khẩu lối sống Mỹ; theo John Quincy Adams, nước Mỹ không nên “ra nước ngoài để tìm giết quái vật” hay “trở thành mụ độc tài của thế giới”. Thượng đế đã sắp đặt cho nước Mỹ vai trò xây dựng thế giới mới chứ không phải cải tạo thế giới cũ. Được đại dương bao bọc bảo vệ và có diện tích lục địa rất lớn, nước Mỹ đáp ứng sự nghiệp tự do tốt nhất là bằng cách tập trung tự phát triển, qua đó trở thành đất nước dẫn dắt niềm hy vọng cho các quốc gia và dân tộc khác trên toàn thế giới.

Nhưng nếu tính hoài nghi mọi thứ liên quan đến nước ngoài ăn sâu vào gien chúng ta, thì động lực mở rộng – cả về địa lý. thương mại và tư tưởng – cũng vậy. Thomas Jefferson đã sớm khẳng định không thể tránh được việc biên giới sẽ mở rộng hơn mười ba bang ban đầu, và kế hoạch mở rộng của ông còn được đẩy nhanh hơn nhờ vụ mua vùng đất Louisiana[243] và cuộc thám hiểm của Lewis và Clark[244]. Cũng chính John Quincy Adams, người từng phản đối hành động phiêu lưu ra nước ngoài lại trở thành người ủng hộ nhiệt thành cho sự nghiệp mở rộng đất nước và đóng vai trò kiến trúc sư trưởng cho học thuyết Monroe[245] – một lời cảnh báo đối với giới quyền lực châu Âu là nên tránh xa Tây bán cầu. Khi quân lính và người dân Mỹ đều đặn tiến theo hướng tây và tây nam, các chính phủ tiếp sau đã mô tả sự sáp nhập lãnh thổ này là “định mệnh rõ ràng” – tin chắc rằng sự mở rộng đó đã được sắp đặt trước, nằm trong dự liệu của Chúa là mở rộng trên lục địa này cái mà Tổng thống Andrew Jackson gọi là “vùng đất tự do”.

Tất nhiên, định mệnh rõ ràng cũng hàm nghĩa cuộc chiến đẫm máu và bạo lực – khi các bộ tộc da đỏ bản địa buộc phải rời khỏi quê hương họ, khi quân đội Mexico chiến đấu bảo vệ lãnh thổ. Đó là cuộc chinh phục, cũng như chế độ nô lệ, đi ngược lại nhưng nguyên tắc lập nước của chúng ta và có xu hướng bị coi là thể hiện rõ sự phân biệt chủng tộc, một cuộc chinh phục mà người Mỹ khó chuyển được hết thành truyền thuyết, nhưng nhiều nước khác biết rõ nó là cái gì – đó là bài diễn tập sức mạnh non nớt.

Sau khi Mỹ kết thúc cuộc Nội chiến và củng cố xong phần lục địa mà ngày nay là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thì không ai phủ nhận được sức mạnh đó. Mong muốn mở rộng thị trường hàng hóa, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp và mở đường biển để phục vụ thương mại, chúng ta quay sang các quốc gia bên ngoài. Hawaii bị thôn tính, trở thành chỗ đứng chân của Mỹ ở Thái Bình Dương. Cuộc chiến tranh với Tây Ban Nha đã đem lại cho Mỹ quyền kiểm soát Puerto Rico, Guam và Phillippines; trong khi một vài thượng nghị sỹ phản đối việc chiếm đóng quân sự một hòn đảo cách xa tận 70.000 dặm – một sự chiếm đóng đòi hòi phải có hàng nghìn lính Mỹ để đè bẹp một phong trào độc lập ở Phillippines – thì có một thượng nghị sỹ nói rằng hành động này sẽ giúp Mỹ tiếp cận được thị trường Trung Quốc và sẽ có “thương mại, của cải và sức mạnh khổng lồ”. Mỹ không bao giờ đi theo con đường thực dân hóa có hệ thống như châu Âu trước kia, nhưng nó đã phá tan mọi rào cản không cho nó can thiệp vào những nước được coi là có tầm quan trong chiến lược. Ví dụ, Theodore Roosevelt[246] đã thêm vào học thuyết Monroe một hệ quả tất yếu, tuyên bố Mỹ sẽ can thiệp vào bất cứ quốc gia Mỹ Latinh và Caribe nào có chính phủ không làm theo điều Mỹ muốn. “Nước Mỹ không được lựa chọn có đóng vai trò quan trọng trên thế giới hay không”, Roosevelt khẳng định. “Mỹ phải đóng vai trò này. Tất cả những gì chúng ta được quyền quyết định là thực hiện vai trò đó tốt hay không tốt mà thôi”.

Do đó, vào đầu thế kỷ 20, động lực định hướng cho chính sách đối ngoại của Mỹ có vẻ không khác gì chính sách của những cường quốc khác, đó là tính thực dụng và lợi ích thương mại. Quan điểm biệt lập trong dân chúng vẫn còn mạnh, đặc biệt khi có chiến tranh ở châu Âu và khi lợi ích sống còn của Mỹ không bị đe dọa trực tiếp. Nhưng khi công nghệ và thương mại đang thu hẹp thế giới thì càng lúc càng khó xác đinh được lợi ích nào có tính sống còn và lợi ích nào không. Trong Thế chiến thứ nhất, Woodrow Wilson đã tránh không tham gia cuộc chiến cho đến khi các tàu Mỹ liên tục bị tàu ngầm Đức đánh chìm và châu Âu chuẩn bị sụp đổ khiến Mỹ không thể giữ vị thế trung lập được nữa. Khi chiến tranh kết thúc, Mỹ nổi lên như một sức mạnh thống trị thế giới – nhưng đó là sức mạnh đi kèm với sự thịnh vượng mà Wilson biết sẽ gắn bó chặt chẽ với hòa bình và thịnh vượng của một lục địa cách rất xa.

Chính khi nỗ lực giải quyết thực tế này, Wilson phải tìm cách diễn giải lại ý tưởng định mệnh rõ ràng của nước Mỹ. Ông cho rằng xây dựng một “thế giới an toàn cho nền dân chủ” không chỉ là giành thắng lợi trong chiến tranh; nước Mỹ còn quan tâm đến việc khuyến khích mọi dân tộc tự quyết định số phận của mình và thiết lập một khung pháp lý cho toàn thế giới để tránh mâu thuẫn sau này. Trong Hiệp ước Versailles về các điều khoản đầu hàng của Đức, Wilson đề xuất một Hội Quốc liên để hòa giải xung đột giữa các nước, ngoài ra còn có một tòa án quốc tế và một loạt các luật quốc tế ràng buộc không chỉ các nước yếu mà cả nước mạnh. “Đây là thời điểm để nền cộng hòa chứng tỏ sự trong sạch và sức mạnh tinh thần của nó với tất cả các quốc gia khác”. Wilson tuyên bố như vậy. “Hiển nhiên, định mệnh rõ ràng của nước Mỹ là đi đầu trong nỗ lực giữ cho tinh thần đó chiếm ưu thế”.

Ban đầu, đề xuất của Wilson được ủng hộ nhiệt tình ở Mỹ và trên thế giới. Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ lại không bị ấn tượng như thế. Thủ lĩnh đảng Cộng hòa ở Thượng viện, Henry Cabot Lodge[247] cho rằng Hội Quốc liên – và nhất là luật quốc tế – sẽ xâm phạm chủ quyền của Mỹ, là mối ràng buộc ngu xuẩn, ngăn cản Mỹ áp đặt ý chí của mình lên cả thế giới. Được sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa biệt lập truyền thống ở cả hai đảng (rất nhiều người trong số họ phản đối Mỹ tham gia Thế chiến thứ nhất) cộng với thái độ nhất định không chịu thỏa hiệp của Wilson, Thượng viên đã từ chối chấp thuận Mỹ là thành viên Hội quốc liên.

Trong suốt hai mươi năm sau đó, Mỹ kiên quyết quay sang đường lối hướng nội – giảm quy mô quân đội và hải quân, từ chối tham gia Tòa án thế giới, thờ ơ khi Ý, Nhật và Đức quốc xã xây dựng cỗ máy quân sự. Thượng viện trở thành lò của chủ nghĩa biệt lập, họ thông qua Đạo luật Trung lập, qua đó không cho phép Mỹ trợ giúp các nước bị liên minh phát xít xâm lược, đồng thời bỏ qua lời kêu gọi của Tổng thống khi quân đội Hitler tràn qua khắp châu Âu. Mãi cho đến khi Trân Châu Cảng bị ném bom, Mỹ mới nhận ra sai lầm khủng khiếp của mình. “Không một quốc gia, một cá nhân nào được an toàn trong thế giới mà chủ nghĩa băng đảng đóng vai trò thống trị”. Franklin D. Roosevelt đã nói như vậy khi phát biểu trước cả nước sau vụ tấn công. “Chúng ta không thể đo sự an toàn của mình bằng khoảng cách trên bản đồ được nữa”.

Sau Thế chiến thứ hai, Mỹ có cơ hội áp dụng bài học cũ vào chính sách đối ngoại mới. Châu Âu và Nhật đổ nát, Liên bang Xô-viết kiệt quê sau những trận chiến ở Mặt trận phía Đông, nhưng lại tỏ dấu hiệu cho thấy ý định mở rộng chế độ cộng sản trên quy mô lớn nhất có thể, lúc này Mỹ phải lựa chọn. Có những người cánh hữu cho rằng chỉ cần chính sách đối ngoại đơn phương và ngay lập tức tấn công Liên Xô là đủ chấm dứt nguy cơ phát triển của chủ nghĩa cộng sản. Và mặc dù chủ nghĩa biệt lập của thập niên 30 đã mất uy tín hoàn toàn, nhưng vẫn có những người cánh tả đánh giá thấp thái độ mạnh mẽ của Liên Xô, họ cho rằng với thiệt hại mà Liên Xô phải gánh chịu cũng như vai trò quan trọng của Mỹ trong chiến thắng của phe Đồng minh, Stalin sẽ phải cân nhắc lại dự định.

Mỹ không chọn con đường nào trong hai cách đó. Những người lãnh đạo thời hậu chiến tranh gồm Tổng thống Truman, Dean Acheson, George Marshall và George Kennan đã thiết kế ra một trật tự mới sau chiến tranh, kết hợp chủ nghĩa lý tưởng của Wilson với chủ nghĩa thực tế lạnh lùng, thừa nhận sức mạnh của nước Mỹã đồng thời khá khiêm tốn về khả năng Mỹ có thể kiểm soát thế giới. Đúng thế, họ nói, thế giới này rất nguy hiểm, và mối đe dọa từ Liên Xô là có thật; Mỹ cần duy trì vai trò thống trị quân sự và phải sẵn sàng sử dụng quân đội để bảo vệ quền lợi của mình trên toàn cầu. Nhưng sức mạnh của Mỹ cũng chỉ có hạn, và chỉ quân đội thì không thể đảm bảo nước Mỹ sẽ phồn vinh và an toàn được lâu dài.

Vì vậy, cái nước Mỹ cần là đồng minh bền vững, những đồng minh có chung hệ tư tưởng, luật pháp, và xác định sẽ theo hệ thống kinh tế thị trường. Liên minh này, cả về quân sự và kinh tế, theo nguyên tắc tự nguyện tham gia và duy trì nhờ sư đồng thuận chung, sẽ tồn tại lâu dài hơn – cũng như ít gây ra thù địch hơn – bất cứ nhóm thuộc địa nào mà chủ nghĩa đế quốc Mỹ chiếm được. Tương tự, Mỹ sẽ có nhiều lợi ích khi hợp tác với các nước để xây dựng các tổ chức quốc tế và hình thành các quy tắc chung trên thế giới. Không phải vì giả định ngây thơ rằng chỉ với các điều luật và hiệp ước quốc tế cũng có thể chấm dứt được xung đột giữa các quốc gia hay không cần đến quân đội Mỹ phải hành động, mà là vì càng có nhiều quy tắc quốc tế có hiệu lực và Mỹ càng cho thấy luôn sẵn sàng can thiệp để thể hiện sức mạnh thì sẽ càng ít xung đột xuất hiện – và khi Mỹ phải viện đến lực lượng quân sự thì hành động đó lại càng hợp lý trong mắt các quốc gia.

Mất chưa đến mười năm, cơ sở hạ tầng cho trật tự thế giới mới đã hoàn thành. Mỹ thực hiện chính sách ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản, được hậu thuẫn không chỉ bằng quân đội mà còn bằng các thỏa thuận an ninh với Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nhật Bản; thực hiện Kế hoạch Marshall để tái thiết các nền kinh tế đã bị chiến tranh phá hủy; thiết lập hệ thống Bretton Woods[248] nhằm ổn định thi trường tài chính thế giới và Thỏa thuận chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT) với các quy định về thương mại quốc tế; hỗ trợ cho các thuộc địa cũ của châu Âu giành độc lập và thành lập Liên hợp quốc làm diễn đàn an ninh chung và hợp tác quốc tế.

Sau năm sau, chúng ta đều thấy kết quả của các hoạt động hậu chiến rất lớn này: Chiến tranh lạnh, thế giới tránh được thảm họa hạt nhân, xung đột giữa các cường quốc quân sự chấm dứt và một thời kỳ tăng trưởng kinh tế chưa từng có cả trong nước và quốc tế xuất hiện.

Đây là một thành tựu nổi bật, có lẽ là món quà lớn thứ hai mà Thế hệ vĩ đại[249] để lại cho chúng ta, chỉ sau thắng lợi trước chủ nghĩa phát xít. Nhưng cũng như mọi hệ thống nhân tạo khác, nó cũng có rạn nứt và mâu thuẫn; nó có thể không chống đỡ nổi trước tác động bóp méo của chính trị. sự kiêu căng ngạo mạn hay hiệu ứng sai lạc do sợ hãi. Do mối đe dọa từ Liên Xô rất lớn cũng như cú sốc khi đảng cộng sản nắm quyền ở Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, giới cầm quyền Mỹ bắt đầu nhìn nhận phong trào dân tộc, chiến tranh sắc tộc, nỗ lực cải cách và các chính sách thiên tả trên thế giới qua lăng kính Chiến tranh lạnh – nguy cơ tiềm tàng mà họ cảm thấy đã vượt quá lời cam kết công khai vì tự do và dân chủ. Trong hàng chục năm, chúng ta đã để mặc, thậm chí còn giúp đỡ những tên trộm cắp như Mobutu[250], những kẻ tội phạm như Noriega[251] chừng nào bọn họ còn chống chủ nghĩa cộng sản. Đôi khi hành vi lén lút của Mỹ dẫn tới loại bỏ cả những vị lãnh đạo được bầu ra một cách dân chủ ở những nước như Iran – gây ra tác động như cơn địa chấn, ám ảnh chúng ta cho đến tận ngày nay.

Chính sách ngăn trở của Mỹ còn đòi hỏi phải xây dựng lực lượng quân sự khổng lồ sao cho tương xứng rồi tiếp đó phải vượt qua năng lực vũ khí của Liên Xô và Trung Quốc. “Tam giác sắc” giữa Lầu Năm góc, các nhà thầu quân sự[252] và nghị sỹ từ những khu vực bầu cử có khoản chi lớn dành cho quốc phòng, theo thời gian, đã tích lũy được quyền lực rất lớn để hình thành chính sách đối ngoại. Và mặc dù nguy cơ chiến tranh hạt nhân cũng có nghĩa là sẽ không có đối đầu trực tiếp với những siêu cường thù nghịch, nhưng đội ngũ hoạch định chính sách Mỹ vẫn ngày càng nhìn nhận mọi vấn đề trên khắp thế giới qua lăng kính quân sự thay vì lăng kính ngoại giao.

Quan trọng hơn cả là hệ thống hậu chiến càng ngày phải chịu đựng nhiều sức ép cạnh tranh trong chính tri, đồng thời lại thiếu quá trình thảo luận và sự đồng thuận trong nước. Một trong những điểm mạnh của Mỹ ngay sau chiến tranh là nội bộ đạt được sự đồng thuận nhất định về chính sách ngoại giao. Có thể giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ có khác biệt rất lớn, nhưng bất đồng thường chấm dứt ngay khi hai bên tiến đến sát mép nước; mọi quan chức, dù là ở Nhà Trắng, Lầu Năm góc, Bộ Ngoại giao hay CIA, đều quyết định dựa trên thực tế và phân tích hợp lý chứ không phải ảo tưởng hay nhằm vận động thêm phiếu. Sự đồng thuận còn bao trùm cả xã hội; những chương trình như Kế hoạch Marshall – có sự tham gia của rất nhiều quỹ đầu tư – hẳn không thể tiến hành được nếu người dân không tin tưởng chính phủ, cũng như không đặt lòng tin vào các quyết định sử dụng tiền thuế hay đưa con họ ra trận của các quan chức.

Đến thời kỳ Chiến tranh lạnh, những yếu tố đồng thuận đó bắt đầu mòn dần đi. Các chính trị gia nhận thấy rằng họ có thể giành được phiếu nếu tỏ ra phản đối chủ nghĩa cộng sản mạnh hơn đối thủ của họ. Đảng Dân chủ bị công kích vì đã “để mất Trung Quốc”. Chủ nghĩa McCarthy phá hoại sự nghiệp của nhiều người và gây bùng nổ bất đồng. Kennedy đổ lỗi cho đảng Cộng hòa về sự “chênh lệch vũ khí”[253], vốn không hề tồn tại, nhờ đó ông đánh bại Nixon – người cũng dành cả sự nghiệp để chụp mũ cộng sản các đối thủ của mình. Các tổng thống Eisenhower, Kennedy và Johnson có quan điểm nhuốm đầy màu sợ hãi khiến sau đó họ bị coi là “nhẹ tay với chủ nghĩa cộng sản”. Những vũ khí trong Chiến tranh lạnh như tình báo,. dò la, đưa thông tin sai lệch vốn được sử dụng để chống chính quyền và nhân dân nước ngoài nay cũng trở thành công cụ phục vụ chính trị trong nước, một cách để quấy rối những người chỉ trích, ủng hộ cho những chính sách đáng ngờ hoặc che đậy sai lầm. Chính trong nước Mỹ, chúng ta đã phản bội lại lý tưởng mà chúng ta từng hứa sẽ đem lại cho các quốc gia khác.

Tất cả những xu hướng này đều tập trung ở Chiến tranh Việt Nam. Hậu quả nghiêm trọng của cuộc chiến này – đối với uy tín của chúng ta ở nước ngoài, đối với quân đội (phải mất một thế hệ mới phục hồi lại được) và hơn cả là đối với những người đã tham chiến – đã được ghi chép đầy đủ. Nhưng có lẽ tổn thất lớn nhất mà Chiến tranh Việt Nam gây ra là làm mất đi lòng tin giữa nhân dân và chính phủ Mỹ cũng như giữa chính những người Mỹ với nhau. Kết quả của giới báo chí năng nổ và hình ảnh những bao nylon đựng xác đầy rẫy trong các phòng khách là người Mỹ bắt đầu hiểu ra rằng những người giỏi nhất, thông minh nhất ở Washington không phải lúc nào cũng biết họ đang làm gì – cũng như không phải lúc nào cũng nói sự thật. Ngày càng có nhiều người cánh tả lên tiếng phàn đối không chỉ Chiến tranh Việt Nam mà cả mục tiêu rộng hơn trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Theo họ, Tổng thống Johnson, tướng Westmoreland[254], CIA, “tổ hợp quân sự – công nghiệp” và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) đều là những hình ảnh của sự ngạo mạn, hiếu chiến, phân biệt chủng tộc chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc kiểu Mỹ. Người cánh hữu phản ứng lại tương tự, cho rằng thất bại ở Việt Nam và sự suy giảm vị thế trên trường quốc tế của Mỹ chính là trách nhiệm của đám người “đổ tội cho nước Mỹ trước hết” – đó là những người phản chiến, dân hippie, Jane Fonda[255], tri thức ở các trường thuộc Ivy League và giải báo chí tự do, những người đã bôi nhọ chủ nghĩa yêu nước, đi theo thế giới quan tương đối và phá hoại ý chí chống chủ nghĩa cộng sản.

Phải thừa nhận rằng đây là bức tranh biếm họa do các nhà hoạt động và các cố vấn chính trị dựng nên. Rất nhiều người Mỹ vẩn giữ thái độ trung dung, vừa ủng hộ chính phủ nỗ lực chống chủ nghĩa cộng sản, đồng thời hoài nghi những chính sách gây ra rất nhiêu tổn thất cho người Mỹ. Trong suốt thập niên 70 và 80, người ta thấy tồn tại cả phe diều hâu bên đảng Dân chủ lẫn phe hòa bình trong đảng Cộng hòa; trong Quốc hội có những người như Mark Hatfield bang Oregon và Sam Nunn bang Georgia luôn tìm cách duy trì truyền thống chính sách đối ngoại hợp ý cả hai đảng. Nhưng bức biếm họa đó đã gây ấn tượng cho công chúng trong kỳ bầu cử khi phe Cộng hòa tiếp tục vẽ ra hình ảnh phe Dân chủ là những kẻ yếu đuối, còn những người nghi ngờ quân đội và hành động không công khai ở nước ngoài thì tiếp tục đứng về phía đảng Dân chủ.

Chính qua thời kỳ này – một thời kỳ chia rẽ nhiều hơn đồng thuận – mà phần lớn người Mỹ hiện nay hình thành ra quan điểm cá nhân về chính sách đối ngoại. Đó là những năm tháng của Nixon và Kissinger[256], những người có chính sách đối ngoại khôn khéo, nhưng đã bi lu mờ trước chính sách trong nước và một chiến dịch ném bom Cam-pu-chia rất phi đạo đức. Đó là những năm tháng của Jimmy Carter, một đảng viên đảng Dân chủ – người luôn nhấn mạnh vấn đề nhân quyền – có vẻ sẵn sàng một lần nữa đặt mối quan ngại mang tính đạo đức song song với chú trọng quốc phòng, cho đến khi cú sốc dầu mỏ. cuộc khủng hoảng Iran và vụ Liên Xô đem quân vào Afghanistan diễn ra khiên ông trở thành một kẻ khờ khạo và vô tích sự.

Hình ảnh ấn tượng hơn cả là Ronald Reagan, quan điểm rõ ràng về chủ nghĩa cộng sản của ông có vẻ đi đôi với sự mù mờ của ông về những bi kịch khác trên thế giới. Cá nhân tôi bước vào tuổi trưởng thành vào những năm Reagan làm tổng thống – tôi học ngành quan hệ quốc tế ở Đại học Columbia, sau đó làm người tổ chức hoạt động cộng đồng ở Chicago – và cũng như nhiều người Dân chủ khác thời kỳ đó, tôi rất khó chịu trước ảnh hưởng của chinh sách Reagan đối với các nước Thế giới thứ ba: chính phủ ủng hộ chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid ở Nam Phi, tài trợ cho các biệt đội tử thần ở El Salvador và xâm lược đất nước Grenadal nhỏ bé bất hạnh. Càng nghiên cứu sâu về chính sách vũ khí hạt nhân, tôi càng thấy chiến lược Chiến tranh giữa các vì sao được xây dựng quá kém cỏi; tôi không có gì để nói khi những lời bay bổng của Reagan khác nhau một trời một vực với vụ Ian – Contra.

Nhưng thi thoảng, khi tranh luận với bạn bè theo cánh tả, tôi thấy kỳ lạ là mình lại bảo vệ quan điểm của Reagan. Không ai có thể thuyết phục được tôi rằng những điều khoản thương mại quốc tế của Mỹ là nguyên nhân duy nhất gây ra nghèo đói trên toàn thế giới; vì làm gì có ai buộc lãnh đạo các nước thuộc Thế giới thứ ba phải tham nhũng, ăn cắp tiền từ túi nhân dân nước họ. Tôi có thể bất đồng với quy mô xây dựng lực lượng vũ trang của Reagan, nhưng khi Liên Xô tiến quân vào Afghanistan thì cố gắng vượt qua Liên Xô về quân sự có lẽ là một hành động thực tế. Lòng tự hào đất nước, tôn trọng lực lượng quân đội, đánh giá đúng mức mối đe dọa ở nước ngoài, niềm tin rằng phương Đông và phương Tây không dễ hòa hợp – tôi đồng ý với Reagan về tất cả những điều này. Và khi Bức tường Berlin sụp đổ, tôi thấy phải dành cho ông sự kính trọng xứng đáng dù tôi chưa bao giờ bỏ phiếu cho ông.

Rất nhiều người – trong đó có nhiều người Dân chủ – đã bỏ phiếu cho Reagan, nhờ thế phe Cộng hòa khẳng định vai trò tổng thống của ông đã khôi phục được sự đồng thuận trong chính sách đối ngoại. Tất nhiên sự đồng thuận đó chưa bao giờ thực sự gặp phải thử thách; cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản của Reagan chủ yếu được tiến hành qua các đối tác và những khoản thâm hụt chi tiêu, chứ không phải bằng cách triển khai lực lượng quân sự. Tuy nhiên, khi Chiến tranh lạnh kết thúc, công thức của Reagan có vẻ không phù hợp với thế giới mới nữa. George H. W. Bush quay lại chính sách đối ngoại truyền thống hơn, “thực tế” hơn, nhờ đó kiểm soát dược tình hình khi Liên Xô tan rã và khi Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất diễn ra. Nhưng lúc đó xã hội Mỹ chỉ chú ý vào tình trạng nền kinh tế trong nước nên việc ông đã thành công khi tìm được các đồng minh quốc tế hay khẳng định rõ ràng sức mạnh của nước Mỹ cũng không thể cứu vãn được vai trò tổng thống của ông.

Khi Bill Clinton nhậm chức mọi người đều cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ thời hậu Chiến tranh lạnh chủ yếu là vấn đề thương mại hơn là xe tăng, bảo trệ quyền sở hữu trí tuệ hơn là bảo vệ cuộc sống người dân Mỹ. Bản thân Clinton cũng hiểu rằng toàn cầu hóa không chỉ là thách thức mới trong kinh tế mà trong cả an ninh quốc gia. Ngoài thúc đẩy tự do thương mại và phát triển hệ thống tài chính quốc tế, chính phủ Clinton cũng nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng ở bán đảo Balkans và Bắc lreland cũng như đẩy mạnh quá trình dân chủ hóa ở Đông Âu, Mỹ Latin, châu Phi và Liên Xô cũ. Nhưng ít nhất trong mắt công chúng, chính sách đối ngoại trong thập kỷ 90 thiếu đi một chủ trương bao quát hay một mệnh lệnh chung. Đặc biệt hành động can thiệp quân sự của Mỹ có vẻ chỉ là một lựa chọn chứ không phải việc nhất thiết phải làm – có lẽ đó là sản phẩm của mong muốn xóa bỏ những nhà nước ma quỷ[257] của chúng ta; hoặc những tính toán nhân đạo liên quan đến món nợ đạo đức của chúng ta với người dân Somali, Haiti, Bosnia và các linh hồn bất hạnh khác.

Rồi xảy ra sự kiên 11/9, và người Mỹ cảm thấy thế giới đảo lộn hoàn toàn.

THÁNG 1/2006, tôi đáp một chiếc máy bay vận tải quân sự C-130 đi thăm Iraq lần đầu tiên. Hai đồng nghiệp cùng đi với tôi – Thượng nghị sỹ Evan Bayh bang lndiana và Hạ nghị sỹ Harold Ford, Jr. bang Tennessee – đều đã từng đến đây, và họ cảnh báo tôi là hạ cánh ở Baghdad có thể sẽ hơi bất tiện: Để tránh bị tấn công bằng hỏa lực, các chuyến bay quân sự ra vào thủ đô lraq phải trải qua một số thủ tục khá bực mình. Tuy nhiên, khi máy bay chúng tôi bay trong buổi sáng đầy sương mù thì tôi thấy không ai lo lắng lắm. Cài chặt người vào đệm ghế bọc vải bạt, hầu hết bạn đồng hành của tôi đều đang ngủ. đầu họ gật gù va vào tấm đai màu cam chạy dọc thân máy bay. Một thành viên đội bay chơi điện tử; một người khác đang lặng lẽ đọc kế hoạch bay.

Đã bốn năm rưỡi trôi qua kể từ cái ngày tôi nghe tin máy bay đâm vào Trung tâm Thương mại thế giới. Lúc đó tôi ở Chicago, đang lái xe đến trung tâm thành phố để tham dự một buổi điều trần ở thượng viện bang. Bản tin phát trên đài rất sơ sài, và tôi nghĩ hẳn đó là một tai nạn, có thể là máy bay bị hỏng động cơ và mất phương hướng. Khi tôi đến buổi họp, chiếc máy bay thứ hai cũng đã đâm vào mục tiêu và chúng tôi được kêu gọi sơ tán khỏi Tòa nhà State of Illinois. Trên khắp đường phố, mọi người tụ tập lại, nhìn chằm chằm lên trời và vào Tháp Sears[258]. Sau đó, trong văn phòng luật của tôi, chúng tôi ngồi bất động nhìn cảnh tượng ác mộng đang hiện rõ trên màn hình ti vi – một chiếc máy bay đen như bóng ma biến mất trong tòa nhà đầy kính và thép,. đàn ông và phụ nữ bám chặt lấy bệ cửa sổ rồi rơi xuống; những tiếng la hét, tiếng khóc vang lên từ phía dưới và cuối cùng một đám mây bụi cuộn lên, che kín mặt trời.

Tôi dành mấy tuần tiếp theo làm những việc giống hầu hết mọi người Mỹ lúc đó – gọi điện cho bạn bè ở New York và thủ đô Washington, đóng tiền quyên góp, nghe bài phát biểu của Tổng thống, thương tiếc những người đã thiệt mạng. Và đối với tôi, cũng như với nhiều người khác sự kiện 11/9 có ảnh hưởng riêng tư rất sâu sắc. Không chỉ vì quy mô phá hủy quá lớn, hay những kỷ niệm trong năm năm ở New York của tôi – kỷ niệm về những con phố và những khung cảnh hiện chỉ còn là đống gạch vụn. Đó còn là cảm giác quen thuộc khi tưởng tượng những công việc bình thường mà các nạn nhân của vụ 11/9 đang làm vài giờ trước khi họ chết, những việc hàng ngày góp phần vào cuộc sống của thế giới hiên đại – lên máy bay, chen chúc xuống xe buýt, uống cà phê và đọc tin tức trên báo buổi sáng, nói chuyện trong thang máy. Với phần lớn người dân Mỹ, những công việc quen thuộc đó là dấu hiệu cho thấy trật tự chiến thắng sự hỗn loạn, là biểu hiện vững chắc của niềm tin rằng chừng nào chúng ta cố gắng, luôn cài dây bảo hiểm, có nghề nghiệp hữu ích và tránh xa một số nơi thì chúng ta vẫn được đảm bảo an toàn, gia đình chúng ta vẫn được bảo vệ.

Giờ đây sự hỗn loạn đã diễn ra ngay ngoài ngưỡng cửa nhà chúng ta. Do đó, chúng ta phải hành động khác, phải hiểu thế giới theo cách khác. Chúng ta phải đáp ứng lời kêu gọi của đất nước. Trong vòng một tuần sau vụ tấn công, tôi đã chứng kiến tỷ lệ bỏ phiếu 98-0 ở Thượng viện và 420-1 ở Hạ viện, qua đó trao cho Tổng thống quyền “sử dụng mọi lực lượng cần thiết và thích hợp để chống lại mọi quốc gia, mọi tổ chức, moi cá nhân” đứng sau vụ tấn công. Số người quan tâm đến quân đội và muốn gia nhập CIA tăng vọt khi thanh niên trên toàn nước Mỹ quyết tâm phục vụ tổ quốc. Và chúng ta không hề đơn độc. Ở Paris, tờ Le Monde chạy hàng tít Nous sommes tous Américains (Chúng ta đều là người Mỹ). Ở Cairo, nhà thờ Hồi giáo tổ chức lễ cầu nguyện bày tỏ sự tiếc thương. Lần đầu tiên kể từ khi thành lập năm 1949, NATO sử dụng đến Điều 5 trong Điều lệ đồng ý rằng bất cứ hành động tấn công vũ trang nào vào một thành viên của NATO cũng “bị coi là hành động tấn công vào toàn bộ các thành viên của khối”. Với công lý sau lưng và cả thế giới đứng bên cạnh, chúng ta đã xóa bỏ chính quyền Taliban khỏi Kabul chỉ trong vòng một tháng, các thành viên của Al Qaeda phải chạy trốn hoặc bị bắt, bị giết.

Chính phủ đã có khởi đầu tốt, tôi nghĩ – vững chắc, thận trọng và thành công với ít tổn thất nhất (chỉ sau này chúng ta mới biết chúng ta đã không gây đủ sức ép tấn công lên lực lượng Al Qaeda ở Tora Bora, có lẽ vì thế bin Laden đã trốn thoát). Và cùng với cả thế giới, tôi chờ đợi những gì tôi nghĩ sẽ diễn ra tiếp đó: một chinh sách đối ngoại mới cho thế kỷ 21, không chỉ điều chỉnh kế hoạch quân sự, hoạt động tình báo và quốc phòng trước mạng lưới khủng bố mà còn phải xây dựng một sự đồng thuận mới trên toàn thế giới trước mối đe dọa xuyên quốc gia.

Không có kế hoạch nào như thế. Thay vào đó, cái chúng ta có chỉ là một loạt những chính sách lạc hậu của những thời kỳ cũ được đem ra phủi bụi, lắp ghép với nhau dưới cái tên mới. “Đế chế ma quỷ” của Reagan nay được gọi là “Trục ma quỷ”. Học thuyết Monroe phiên bản thời Roosevelt – cho rằng chúng ta có thể ưu tiên loại bỏ chinh phủ nào chúng ta không thích – giờ trở thành học thuyết Bush với phạm vi áp dụng mở rộng từ Tây bán cầu ra toàn thế giới. Định mệnh rõ ràng lại trở thành hợp thời; tất cả những gì cần có, theo Bush, là hỏa lực Mỹ, quyết tâm Mỹ, và “liên minh tự nguyện”. Và có lẽ điều tồi tệ hơn cả là chính phủ Bush đã làm hồi sinh một kiểu chính trị chưa từng xuất hiện từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Sau khi kiểm nghiệm học thuyết Bush về chiến tranh phòng ngừa qua vụ hất cẳng Saddam Hussein, những người đặt câu hỏi liệu vụ tân công lraq có hợp lý không liền bị coi là “phải lòng chủ nghĩa khủng bố”, hoặc “không phải người Mỹ”. Thay vì giải thích trung thực cái được và chưa được của chiến dịch quân sự này, chính phủ lại tiến hành tấn công vào công chúng: che đậy các báo cáo tình báo để bảo vệ hành vi đã làm, công bố con số chi phí và nhân lực phục vụ cuộc chiến thấp hơn thực tế, dựng nên bóng ma đám mây hình nấm[259].

Chiến lược công chúng này đã có hiệu quả: đến mùa thu năm 2002, đa số người Mỹ đều tin rằng Saddam Hussein sở hữu vũ khí giết người hàng loạt, ít nhất 66% mọi người tin rằng (một niềm tin sai lầm) cá nhân người đứng đầu lraq này có liên quan đến vụ tấn công 11/9. Tỷ lệ người ủng hộ xâm lược Iraq – cũng như tỷ lệ người ủng hộ Bush vào khoảng 60%. Nhằm tiến tới kỳ bầu cử giữa kỳ, đảng Cộng hòa đẩy mạnh vụ tấn công và yêu cầu bỏ phiếu về việc sử dụng quân đội chống Saddam Hussein. Ngày 11/10/2002, hai mươi tám trong số năm mươi đảng viên đảng Dân chủ ở Thượng viện đã bỏ phiếu thuận cùng với gần như toàn bộ đảng viên đảng Cộng hòa – chỉ trừ một người – trao cho Bush quyền mà ông ta muốn.

Tôi rất thất vọng với vụ bỏ phiếu đó mặc dù tôi thông cảm với sức ép mà đảng Dân chủ phải gánh chịu. Bản thân tôi cũng cảm thấy phần nào sức ép đó. Vào thời điểm mùa thu năm 2002 tôi đã quyết định sẽ tranh cử vào Thượng viện liên bang và tôi biết cuộc chiến sẽ diễn ra ở lraq sẽ là đề tài lớn trong mọi chiến dịch vận động. Khi một nhóm các nhà hoạt động xã hội ở Chicago đề nghị tôi phát biểu trong một cuộc biểu tình lớn chống chiến tranh sẽ diễn ra vào tháng Mười, vài người bạn tôi đã cảnh báo tôi không nên bày tỏ quan điểm công khai về một vấn đề dễ thay đổi như vậy. Ý tưởng về vụ tấn công đã rất phổ biến, nhưng với tình hình lúc đó tôi không coi việc phản đối chiến tranh là việc làm cũ kỹ. Như nhiều nhà phân tích, tôi cũng nghĩ Saddam có vũ khí hóa học và sinh học và đang thèm muốn vũ khí hạt nhân. Tôi tin rằng ông ta đã nhiều lần coi thường nghị quyết của Liên hợp quốc và các điều tra viên về vũ khí hạt nhân, và hành động đó chắc chắn phải trả giá. Không có gì phải nghi ngờ chuyện Saddam giết hại đồng bào của ông ta; và tôi chắc chắn rằng thế giới cũng như dân tộc lraq sẽ có cuộc sống tốt hơn nếu không có ông ta.

Tuy nhiên, tôi cảm thấy mối đe dọa từ phía Saddam chưa thể diễn ra, lý do tiến hành chiến tranh của chính phủ còn nông cạn và chỉ là duy ý chí, còn cuộc chiến ở Arghanistan thì còn lâu nữa mới kết thúc. Và tôi chắc chắn rằng khi chọn cách hành động quân sự cứng rắn đơn phương thay vì đấu tranh mạnh bằng con đường ngoại giao, cưỡng ép điều tra và trừng phạt một cách khôn ngoan, nước Mỹ đã bỏ qua cơ hội xây dựng một nền tảng ủng hộ rộng rãi cho mọi chính sách của mình.

Vì vậy tôi đã đồng ý phát biểu. Trước hai nghìn người tập trung ở Quảng trường Liên bang ở Chicago, tôi giải thích rằng không như nhiều người trong đám đông tôi không phản đối một cuộc chiến tranh – rằng ông tôi đã nhập ngũ ngay sau ngày Trân Châu Cảng bị ném bom và ông đã chiến đấu trong quân đội của Patton[260]. Tôi cũng nói rằng “sau khi chứng kiến vụ giết chóc và phá hủy, khói bụi và nước mắt, tôi ủng hộ quyết tâm của chinh phủ sẽ tìm kiếm và nhổ tận gốc bất cứ kẻ nào đã giết hại những người vô tội nhân danh sự tàn ác”, và “chính tôi cũng sẵn lòng cầm vũ khí để ngăn không cho thảm kịch đó tái diễn”.

Cái tôi phản đối là “một cuộc chiến ngớ ngẩn, vội vàng, không dựa trên nguyên nhân nào ngoài sự giận dữ, không dựa nguyên tắc gì ngoài phục vụ chính trị”. Và tôi nói rằng:

Tôi biết rằng ngay cả thắng được Chiến tranh lraq thì Mỹ vẫn sẽ mất không biết bao nhiêu thời gian, bao nhiêu chi phí và không thể lường hết được hậu quả. Tôi biết rằng nếu chúng ta xâm lược Iraq mà không có lý do cụ thể cũng như không được quốc tế ủng hộ thì hành động đó chỉ thổi bùng lên ngọn lửa ở Trung Đông, khuyến khích thái độ xấu nhất chữ không phải tốt nhất của thế giới Ả-rập, cũng như đẩy mạnh quá trình tuyển mộ của Al Qaeda.

Bài phát biểu được ủng hộ mạnh mẽ: các nhà hoạt động bắt đầu lưu truyền bài phát biểu trên mạng, và tôi có được uy tín vì dám nói lên quan điểm của mình về những vấn đề hóc búa – nhờ đó tôi đã vượt qua được kỳ bầu cử sơ bộ khó khăn trong đảng Dân chủ. Nhưng lúc đó tôi không có cách nào biết được liêu tôi có đánh giá đúng tình hình ở lraq hay không. Khi cuộc chiến cuối cùng được tiến hành và lực lượng quân đội Mỹ tiến vào Baghdad mà không gặp trở ngại gì, khi tôi thấy bức tượng Saddam bị kéo đổ và Tổng thống đứng trên nóc chiến hạm Abraham Lincoln, đằng sau có tấm biểu ngữ đề “Nhiệm vụ đã hoàn thành”, tôi bắt đầu nghi rằng tôi đã nhầm lẫn – và cũng cảm thấy an ủi khi chỉ có ít lính Mỹ bị thương vong.

Và giờ đây, ba năm sau – khi số người My thiệt mạng đã vượt quá 2.000 và số người bị thương lên tới hơn 16.000; sau khi trực tiếp bỏ ra 250 tỷ dollar và sẽ phải chi hàng trăm tỷ nữa sau này để trả nợ và chăm sóc cho các cựu chiến binh; sau hai cuộc bầu cử và một cuộc trưng cầu hiến pháp ở lraq cộng với 10.000 người lraq thiệt mạng; sau khi chứng kiến phong trào chống Mỹ lên cao chưa từng thấy trên toàn thế giới, còn Afghanistan thì dần dần lại rơi vào hỗn loạn – tôi đang bay đến Baghdad với tư cách là một thượng nghị sỹ, phần nào đó có trách nhiệm tìm ra cách giải quyết cho tình trang lộn xộn ở đây.

Hạ cánh ở sân bay quốc tế Baghdad hóa ra cũng không tệ lắm – mặc dù tôi rất mừng vì không thể nhìn ra ngoài cửa sổ khi chiếc C- 1 30 lượn vòng và nhào xuống đất. Viên sỹ quan tùy tùng thuộc Bộ Ngoại giao đã đứng sẵn đợi chúng tôi, đi cùng anh ta là một nhóm binh sỹ đeo súng trường. Sau khi nghe chỉ dẫn an toàn, ghi lại nhóm máu, đội mũ sắt bảo hiểm và mặc áo chống đạn, chúng tôi lên hai chiếc trực thăng Black Hawk và hướng đến Vùng Xanh. Chúng tôi bay thấp, vượt qua nhiều dặm đường đầy bùn, những cánh đồng hoang với những con đường hẹp cắt ngang, điểm xuyết những khóm chà là và những hầm trú ẩn bê tông thấp, phần lớn có vẻ không có người ở, một vài nơi còn bị san bằng. Cuối cùng Baghdad cũng hiện ra trước mắt, một thành phố màu cát hình tròn. Dòng sông Tigris chảy qua trung tâm như một vết cắt rộng sẫm màu. Từ trên cao nhìn xuống thành phố này đã có vẻ cũ kỹ, bị phá hoại nhiều, giao thông trên phố gián đoạn – mặc dù hầu như nóc nhà nào cũng nhấp nhô chảo vệ tinh, cùng với mạng điện thoại di động là hai thứ được các quan chức Mỹ quảng cáo là thành tựu của công cuộc tái thiết.

Tôi chỉ có một ngày rưỡi ở lraq, chủ yếu là ở Vùng Xanh, một khu vực rộng mười dặm nằm ở trung tâm Baghdad, trước đây từng là trái tim của chính quyền Saddam Hussein, hiện là khu vực cách ly do Mỹ kiểm soát, bao quanh là tường an ninh và hàng rào dây thép gai. Nhóm phụ trách tái thiết trình bày ngắn gọn về khó khăn khi duy trì việc cung cấp điện và sản xuất dầu trước sự phá hoại của các lực lượng nổi dậy; các sỹ quan tình báo nói về nguy cơ ngày càng cao đến từ phiến quân Hồi giáo và cũng như những cuộc tấn công của nhóm này vào lực lượng an ninh Iraq. Sau đó, chúng tôi gặp gỡ các thành viên của ủy ban Bầu cử Iraq, họ rất hăng hái trước những thay đổi lớn trong kỳ bầu cử gần đây; và trong một giờ đồng hồ chúng tôi lắng nghe Đại sứ Mỹ Khalilzad, một người sắc sảo, nhã nhặn với cặp mắt mệt mỏi nói về những hoạt động ngoại giao con thoi phức tạp mà ông đang đảm nhiệm để đưa người Shi’ite, Sunni và người Kurd hợp tác với nhau trong một chính phủ thống nhất.

Đến chiều chúng tôi có cơ hội gặp gỡ, ăn trưa với một vài bính lính trong nhà ăn tập thể rất lớn ngay cạnh bể bơi, trước đây là phủ tổng thống của Saddam. Họ gồm lính các quân chủng, quân dự bị. đơn vị Phòng vệ quốc gia từ thành phố lớn đến đô thị nhỏ, người da đen, da trắng ra người Latinh, nhiều người đang thực hiên nghĩa vụ lần thứ hai hoặc thứ ba. Lòng tự hào hiện rõ khi họ nói về những gì đơn vị của họ đã làm được – xây dựng trường học, bảo vệ các nhà máy điện, hướng dẫn lính Iraq mới được huấn luyện đi tuần tra, bảo vệ đường điện, nước cho các vùng sâu vùng xa. Họ hỏi đi hỏi lại tôi rằng: Tại sao báo chí Mỹ chỉ đưa tin về những vụ ném bom ra giết ngườ ? Họ khẳng định ở đây đã có nhiều tiến bộ – và tôi cần cho người dân ở nhà biết công việc của họ hoàn toàn không vô ích.

Khi nói chuyện với những người đàn ông và phụ nữ này, thật dễ hiểu tại sao họ thất vọng, vì tất cả những người Mỹ tôi gặp ở lraq, dù là binh lính hay dân thường, đều gây ấn tượng rằng họ rất cống hiến, rất giỏi, và hiểu rất rõ không chỉ những sai lầm trong quá khứ mà cả những khó khăn trong tương lai. Thực sự tất cả những gì đang diễn ra ở Iraq đã phản ánh sự khéo léo, giàu có, trình độ công nghệ của người Mỹ; khi đứng trong Vùng Xanh hay bất cứ cơ sở làm việc lớn nào ở Iraq hay Kuwait, bất cứ ai cũng phải khâm phục chính phủ vì có thể dựng nên cả thành phố ngay trên mảnh đất của quân địch. tự tồn tai được nhờ nguồn điện và hệ thống nước thải riêng, có mạng máy tính bằng cáp và không dây, có sân bóng rổ và quán kem. Hơn thế, người đó hẳn sẽ nhận thấy phẩm chất lạc quan riêng biệt của người Mỹ luôn thể hiện trong mọi hoàn cảnh – họ không hề hoài nghi, yếm thế cho dù có nguy hiểm. có hy sinh, có thể có thất bại lớn lao, họ tin rằng cuối cùng những gì họ làm sẽ đem lại cuộc sống tốt hơn cho một đất nước xa lạ đối với họ.

Và có ba cuộc trò chuyện trong chuyến thăm đó khiến tôi nhớ lại những nỗ lực của Mỹ ở Iraq có vẻ Đông-ki-sốt ra sao, những ngôi nhà chúng ta đã dựng nên – với máu, tiền bạc và ý tưởng tốt đẹp của người Mỹ – có thể biến mất trên cát lún như thế nào. Câu chuyện thứ nhất diễn ra vào buổi chiều muộn khi đoàn chúng tôi tổ chức một cuộc họp báo với các đại diện báo chí quốc tế ở Baghdad. Sau phần hỏi và trả lời, tôi đề nghị các phóng viên ở lại để nói chuyện vui, không chính thức. Tôi nói, tôi muốn biết về cuộc sống ngoài Vùng Xanh. Họ vui vẻ đồng ý nhưng họ nói chỉ có thể ở lại thêm 45 phút – lúc đó đã muộn, và cũng như nhiều người dân Baghdad. nhìn chung họ tránh đi lại sau khi mặt trời lặn.

Nhìn chung cả nhóm đều trẻ, phần lớn mới ở tuổi hai mươi hoặc ngoài ba mươi, tất cả đều ăn mặc đơn giản đến mức có thể nghĩ họ là sinh viên. Tuy nhiên, trên khuôn mặt họ đã in dấu nhưng căng thẳng họ đang chịu đựng – đến thời điểm đó đã có sáu mươi nhà báo bị chết ở đây. Thực ra khi bắt đầu nói chuyện họ đã xin lỗi vì đang rối trí; họ vừa nhận được tin một trong các bạn đồng nghiệp của họ, nữ phóng viên báo Christian Science Monitor tên là Jill Carroll bị bắt cóc, người ta tìm thấy lái xe của cô đã chết bên vệ đường. Hiện tại tất cả bọn họ đều đang nhờ mọi người quen cố dò la xem cô đang ở đâu. Theo họ những vụ bạo lực như vậy không có gì lạ ở Baghdad mặc dù người Iraq mới là nạn nhân chủ yếu. Cuộc xung đột giữa người Shi’ite và người Sunni đã lan rộng, ngày càng ít chiến lược, ít suy nghĩ, chỉ có giao chiến là nhiều hơn. Không ai trong số họ nghĩ rằng bầu cử sẽ cải thiện được tình trạng an ninh hiện tại. Tôi hỏi liệu họ có nghĩ căng thẳng sẽ giảm bớt nếu Mỹ rút quân không và đoán rằng họ sẽ khẳng định điều đó. Nhưng ngược lại, họ lắc đầu. “Tôi đoán nếu thế đất nước này sẽ rơi vào nội chiến chỉ trong vòng một tuần”, một người trả lời. “Một trăm, có thể là hai trăm nghìn người chết. Chúng ta là thứ duy nhất giữ cho nơi này còn gắn bó với nhau”.

Đêm đó, đoàn chúng tôi đi cùng Đại sứ Khalilzad đến ăn tối ở nhà tổng thống lâm thời Iraq Jalal Talabani. An ninh được thắt chặt khi đoàn hộ tống đi qua mê cung các chướng ngại vật ra ngoài Vùng Xanh; bên ngoài lính Mỹ đứng ở mỗi ngã tư dọc theo hành trình của chúng tôi, và chúng tôi được yêu cầu mặc áo chống đạn và đội mũ sắt suốt đường đi.

Mười phút sau chúng tôi đến một biệt thự lớn, tổng thống và một vài thành viên chính phủ lâm thời chào đón chúng tôi. Họ đều là những người to lớn, phần lớn năm mươi hoặc sáu mươi tuổi với nụ cười tươi nhưng đôi mắt không biểu hiện tình cảm gì. Tôi nhận ra một trong các bộ trưởng – ông Ahmed Chalabi, một người Shi’ite được đào tạo ở phương Tây, khi là lãnh tụ nhóm lưu vong trong Quốc hội Iraq được báo cáo là đã cung cấp cho các cơ quan tinh báo Mỹ và chinh phủ Bush một số thông tin nhờ đó Mỹ đã quyết định xâm lược Iraq và nhóm của ông đã nhận được hàng triệu dollar, cuối cùng hóa ra chuyện đó không hề có thật. Từ đó Chalabi bất hòa với những người Mỹ bảo trợ ông; có vài báo cáo cho thấy ông đã đưa một vài tin mật của Mỹ cho người Iran, và Jordani hiện vẫn đang phát lệnh bắt ông sau khi kết án vắng mặt ông với 31 tội trong đó có tham ô, ăn cắp, sử dụng sai quỹ tiền gửi và đầu cơ tiền tệ. Nhưng có vẻ ông vẫn đứng vững ; ăn mặc không chê vào đâu được và đi cùng con gái lớn, hiện ông là bộ trưởng phụ trách dầu mỏ của chính phủ lâm thời.

Trong bữa tối đó tôi không nói chuyện nhiều với Chalabi. Tôi ngồi cạnh cựu bộ trưởng tài chính lâm thời. Ông này có vẻ rất ấn tượng, tỏ ra am hiểu khi nói về nền kinh tế Iraq: cần minh bạch hơn, cần khung pháp lý mạnh hơn để thu hút đầu tư nước ngoài. Cuối buổi tối tôi nói với một nhân viên đại sứ là tôi có cảm tình với ông này.

Người nhân viên đó nói: “Ông ta rất khôn ngoan, rõ ràng là như thế. Dĩ nhiên ông ta cũng là một trong những lãnh đạo đảng SCIRI. Đảng này kiểm soát Bộ Nội vụ, tức là nằm trong tay cảnh sát. Và cảnh sát… à họ có vấn đề với những vụ xâm nhập của dân quân. Có lời buộc tội họ đã bắt các nhà lãnh đạo Sunni, rồi sáng hôm sau người ta tìm thấy xác mấy người đó, mấy chuyện này… ” Giọng anh ta nhỏ dần, rồi anh ta nhún vai- “Chúng ta phải hợp tác với những ai chúng ta kiếm được thôi”.

Đêm đó tôi không ngủ được; tôi xem một trận bóng chày của đội Redskins[261], được truyền trực tiếp qua vệ tinh đến ngôi nhà bên hồ trước đây dành cho Saddam và khách của ông ta. Có đôi lần tôi tắt tiếng tivi và nghe tiếng súng cối phá tan sự tĩnh lặng. Sáng hôm sau, chúng tôi lại lên chiếc Black Hawk đến căn cứ thủy quân lục chiến ở Fallujah nằm ở vùng phía tây khô cằn của Iraq, thuộc tỉnh Anbar. Ở phần Anbar do người Sunni chiếm đóng đã diễn ra một trong những cuộc giao tranh đẫm máu nhất chống lại quân nổi dậy, và không khí doanh trại ở đây khắc nghiệt hơn nhiều so với ở Vùng Xanh; chỉ hôm trước thôi, năm lính thủy đánh bộ đi tuần đã chết do bom bên vệ đường hoặc do vũ khí nhẹ của địch. Quân lính ở đây trông cũng ít kinh nghiệm hơn, phần lớn mới ngoài hai mươi tuổi, rất nhiều anh chàng mặt còn có mụn và cơ thể vẫn đang lớn.

Vị tướng chỉ huy doanh trại đã thu xếp một cuộc gặp ngắn, và chúng tôi nghe các sỹ quan cao cấp nói về tình trạng tiến thoái lưỡng nan của quân Mỹ: nhờ khả năng được cải thiện nên họ bắt được ngày càng nhiều thủ lĩnh quân nổi dạy, nhưng cũng giông như các băng đảng đường phố ở Chicago, cứ mỗi khi họ bắt được một tên thì có vẻ như luôn có hai tên khác sẵn sàng thay thế. Không chỉ chính trị mà điều kiện kinh tế cũng góp phần gây ra tình trạng nổi loạn – chính phủ thì bỏ mặc Anbar, còn tỷ lệ đàn ông thất nghiệp lên tới xấp xỉ 70%.

“Chỉ cần hai hay ba dollar là anh thuê được bọn trẻ đặt bom rồi”, một sỹ quan nói. “Ở đây chừng đó là một số tiền lớn”.

Đến cuối cuộc họp thì trời hơi có sương mù nên chúng tôi phải hoãn bay đến Kirkuk. Trong khi chờ đợi, nhân viên phụ trách chính sách ngoại giao Mark Lippert đi lại nói chuyện với một sỹ quan cao cấp, còn tôi bắt chuyện với một trong những viên thiếu tá phụ trách chống phiến quân vùng này. Ông ta có giọng nói nhẹ nhàng, vóc người thấp và đeo kính; thật dễ tưởng tượng ông ta trong vai một thầy giáo dạy toán ở trường trung học. Thực tế là trước khi gia nhập Thủy quân lục chiến ông ta đã ở Phillippines hai năm làm việc cho Tổ chức Hòa bình Mỹ[262]. Ông nói rằng rất nhiều điều ông học được ở đó cần được áp dụng cho quân đội ở Iraq. Ông không tìm đâu ra đủ người biết nói tiếng Ả- rập để giao tiếp với người địa phương. Chúng ta cần tạo cho quân đội Mỹ khả năng nhạy cảm với văn hóa, thiết lập mối quan hệ lâu dài với lãnh đạo địa phương và kết hợp lực lượng an ninh với đội tái thiết để người Iraq thấy được nỗ lực của người Mỹ thực sự đem lại lợi ích. Tất cả những việc này đều mất nhiều thời gian, nhưng ông đã thấy một vài biến chuyển tốt khi quân đội áp dụng những bài học này trên khắp đất nước Iraq.

Viên sỹ quan tùy tùng ra hiệu máy bay đã sẵn sàng cất cánh. Tôi chúc viên thiếu tá gặp may mắn và đi ra máy bay. Mark đi ngay cạnh tôi và tôi hỏi anh thu được gì sau khi nói chuyện với viên sỹ quan cao cấp kia.

“Tôi hỏi ông ta là ông ta nghĩ cách tốt nhất để giải quyết tình trạng này là gì”.

“Thế ông ta bảo sao? “

 “Rút quân”.

CÂU CHUYỆN MỸ can thiệp vào Iraq sẽ còn được phân tích và tranh cãi trong nhiều năm tới – thực ra, đó vẫn là một câu chuyện đang dở dang. Hiện tại, mọi việc ở đó đã xấu đến mức có lẽ đã bắt đầu có một cuộc nội chiến ở cấp độ thấp, và dù tôi tin là mọi người Mỹ – bất kể họ nghĩ thế nào về quyết định xâm lược Iraq lúc đầu – đều muốn sẽ có kết cục tốt đẹp cho Iraq, nhưng thực lòng tôi không thể nói rằng tôi lạc quan về tình hình Iraq trong ngắn hạn.

Tôi biết rằng vào thời điểm này, chính trị trong nước – sự tính toán của những người cứng rắn, vô cảm đã ăn tối cùng tôi – chứ không phải quân đội Mỹ sẽ quyết định tương lai Iraq. Tôi cũng tin rằng giờ đây cần xác định rõ các mục tiêu chiến lược là: đạt được chút ổn định, đảm bảo nhưng người nắm quyền lực không thù ghét Mỹ, bảo vệ Iraq khỏi trở thành một căn cứ cho hoạt động khủng bố. Để đạt được các mục tiêu đó, tôi tin rằng cả người Mỹ và người Iraq đều cần quan tâm, chuẩn bị một cuộc rút quân từng bước cho quân đội Mỹ vào cuối năm 2006, mặc dù việc rút quân nhanh như vậy cũng là đánh giá tạm dựa trên một loạt các dự đoán – khả năng chính phủ Iraq có thể đảm bảo an ninh và các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân đến đâu, sự có mặt của quân Mỹ ở đây có khả năng dẫn đến hành động phiến loạn đến mức nào, xác suất xảy ra nội chiến khốc liệt khi quân Mỹ rút đi. Khi các sỹ quan thủy quân lục chiến giàu kinh nghiệm trận mạc đề xuất rút quân, còn các phóng viên nước ngoài hoài nghi thì cho rằng nên ở lại thì thật không dễ tìm ra câu trả lời.

Nhưng cũng không quá sớm để rút ra một vài kết luận từ những gì chúng ta đã làm ở Iraq. Bởi khó khăn xuất hiện không chỉ do làm việc kém mà chúng còn phản ánh nhận thức sai lầm. Thực tế là gần năm năm sau sự kiện 11/9 và 15 năm sau khi Liên Xô tan rã, nước Mỹ vẫn chưa có chính sách an ninh quốc gia mang tính gắn kết. Thay vì tìm ra nguyên tắc chung. chúng ta chỉ có một loạt những quyết định bất thường tùy tình hình với kết quả không thể đoán trước. Tai sao lại đưa quân đến Iraq chứ không phải Bắc Triều Tiên hay Myanmar? Tại sao lại can thiệp vào Bosnia chứ không phải Darfur? Mục tiêu của chúng ta là thay đổi chế độ ở Iran, phá huỷ toàn bộ khả năng hạt nhân của Iran hay ngăn cản sự phổ biến vũ khí hạt nhân, hay là cả ba? Có phải chúng ta định sử dụng sức mạnh quân sự ở bất cứ đâu có chế độ độc tài khủng bố người dân, và nếu như vậy thì phải ở lại bao lâu để đảm bảo đất nước đó có nền dân chủ vững chắc? Chúng ta sẽ cư xử như thế nào với những quốc gia như Trung Quốc, nơi đang tự do hóa về kinh tế nhưng chưa tự do hóa chính trị? Chúng ta cần thông qua Liên hợp quốc trong mọi vấn đề hay chỉ thông qua khi họ sẵn lòng phê chuẩn các quyết định của chúng ta?

Có lẽ trong Nhà Trắng sẽ có ai đó có thể trả lời rõ ràng các câu hỏi này. Nhưng các đồng minh – và cả kẻ thù của chúng ta – thì hiển nhiên không biết những câu trả lời này là gì. Quan trọng hơn, ngay cả người dân Mỹ cũng không biết. Không có chiến lược rõ ràng, được công chúng ủng hộ và được thế giới thấu hiểu, nước Mỹ sẽ thiếu cơ sở hợp lý – và do đó thiếu sức mạnh cần thiết để bảo đảm thế giới sẽ an toàn hơn. Chúng ta cần sửa đổi khung chính sách đối ngoại sao cho có được tính rành mạch và quy mô như các chính sách hậu Thế chiến thứ hai của Truman – một chính sách đáp ứng được cả thách thức và cơ hội của thiên niên kỷ mới, một chính sách chỉ cho chúng ta biết cách thức sử dụng sức mạnh quân sự và thể hiên được những lý tưởng và những cam kết sâu sắc nhất của chúng ta.

Tôi không dám nói tôi có sẵn chiến lược lớn này trong túi. Nhưng tôi biết tôi tin vào cái gì, và tôi sẽ đề xuất một vài vấn đề mà người dân Mỹ sẽ thống nhất, đó là những điểm khởi đầu cho sự đồng thuận mới.

Trước hết, chúng ta cần hiểu rằng không thể quay trở lại áp dụng chủ nghĩa biệt lập – tức là kiểu chính sách đối ngoại bác bỏ mọi yêu cầu triển khai quân đội Mỹ. Mong muốn rút quân khỏi mọi vùng đất trên thế giới vẫn là một khuynh hướng ngầm có sức mạnh ở cả hai đảng, đặc biệt khi nói đến tổn thất về người. Ví dụ, sau khi thi thể binh lính Mỹ bị kéo lê trên đường phố Mogadishu[263] hồi năm 1993, đảng Cộng hòa đã buộc tội Tổng thống Clinton là hoang phí lực lượng quân sự quốc gia cho một nhiệm vụ không rõ ràng; và chính một phần vì kinh nghiệm ở Somalia nên trong đợt bầu cử năm 2000, ứng cử viên George W. Bush đã cam kết không bao giờ sử dụng quân đội Mỹ vào việc ‘xây dựng một đất nước’ nữa. Dễ hiểu tại sao hành động can thiệp vào Iraq của chính phủ Bush cũng gây ra phản ứng dữ dội tương tự. Theo một cuộc trưng cầu dân ý của Trung tâm nghiên cứu Pew, khoảng năm năm sau sự kiện  11/9, 46% người Mỹ kết luận rằng nước Mỹ chỉ nên “lo chuyện của mình trên trường quốc tế và để các nước khác cố gắng tự lo lấy việc trong nước họ”.

Phản ứng của phe tự do lại càng đặc biệt mạnh mẽ, đây là những người xem Iraq là sự lặp lại những sai lầm Mỹ đã mắc phải ở Việt Nam. Tâm trạng thất vọng với Iraq và những mánh khóe đáng ngờ chính phủ sử dụng để tiến hành chiến tranh đã khiến nhiều người cánh tả cũng đánh giá thấp mối đe doạ của những kẻ khủng bố là những kẻ phổ biến vũ khí hạt nhân; theo một cuộc điều tra vào tháng 1/2005, những người tự cho là bảo thủ đạt cao hơn người phe tự do 29 điểm trong việc coi tiêu diệt Al Qaeda là mục tiêu hàng đầu của chính sách đối ngoại, con số chênh lệch này đối với việc không chấp nhận các nhóm hoặc các quốc gia thù địch có vũ khí hạt nhân là 26 điểm. Trong khi đó, ba mục tiêu ưu tiên cao nhất của chính sách đối ngoại theo phe tự do là rút quân đội khỏi Iraq, ngăn chặn bệnh AIDS lan rộng và hợp tác chặt chẽ hơn với các nước đồng minh.

Những mục tiêu được phe tự do ủng hộ cũng có ưu điểm. Nhưng chúng không tạo ra được chính sách an ninh quốc gia gắn kết. Chúng ta cần nhớ rằng Osama bin Laden không phải là Hồ Chí Minh, và những nguy cơ nước Mỹ phải đối mặt hiện tại là có thật, phức tạp và tiềm ẩn khả năng tàn phá. Các chính sách gần đây chỉ làm mọi việc tồi tệ hơn, nhưng nếu ngay ngày mai chúng ta rút quân khỏi Iraq, nước Mỹ sẽ vẫn là mục tiêu của khủng bố do địa vị vượt trội của chúng ta trong trật tự thế giới. Dĩ nhiên, những người bảo thủ cũng nhầm lẫn nếu họ nghĩ đơn giản chỉ cần trừ khử những “kẻ ma quỷ” rồi để thế giới tự lo phần việc của từng nước. Toàn cầu hóa khiến cho nền kinh tế, sự thịnh vượng cũng như an ninh quốc gia của chúng ta gắn chặt với những sư kiện diễn ra ở đầu kia thế giới. Và trên trái đất này không có nước nào có khả năng hơn chúng ta để thiết lập nên một hệ thống toàn cầu hay xây dựng sự đồng thuận xung quanh một loạt những quy tắc hành xử quốc tế giúp mở rộng tự do, an toàn cho mỗi cá nhân và lợi ích kinh tế. Dù muốn hay không, nếu chúng ta muốn nước Mỹ an toàn hơn thì chúng ta phải giúp cả thế giới an toàn hơn.

Vấn đề thứ hai là môi trường an ninh hiện nay về cơ bản hoàn toàn khác so với năm mươi năm, hai mươi lăm năm hay thậm chí mười năm trước. Khi Truman, Acheson, Kennan và Marshall ngồi lại thiết kế ra trật tự thế giới sau Thế chiến thứ hai, họ dựa vào khả năng cạnh tranh của các cường quốc đã thống trị thế giới suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Trong thế giới đó, nguy cơ đối với nước Mỹ chủ yếu đến từ những nước có thể sử dụng lực lượng quân sự rất lớn và vũ khí rất mạnh để chiếm đóng những vùng đất quan trọng, không cho chúng ta tiếp cận những nguồn tài nguyên quan trọng và đưa ra điều kiện giao thương quốc tế.

Thế giới đó không còn tồn tai. Việc Đức và Nhật gia nhập thế giới dân chủ tự do với nền kinh tế thị trường tự do đã xóa bỏ nguy cơ xung đột giữa các cường quốc trong thế giới tự do. Vũ khí hạt nhân ra đời và khái niêm “hủy diệt lẫn nhau” đã đẩy lùi rủi ro xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Liên bang Xô-viết kể cả trước khi Bức tường Berlin sụp đổ. Ngày nay, những nước mạnh nhất thế giới (ở mức độ nào đó bao gồm cả Trung Quốc) – và quan trọng không kém, đại đa số người dân sống ở các nước đó – đều gắn chặt với một loạt các quy tắc quốc tế chung chi phối thương mại, chính sách kinh tế, giải pháp pháp lý và ngoại giao cho các tranh chấp, ngay cả mặc dù họ chưa mở rộng tự do và dân chủ đáng kể ở trong nước.

Mối nguy cơ ngày càng lớn chủ yếu đến từ những quốc gia đang nằm bên rìa của nền kinh tế thế giới, nơi “các luật đi đường” của quốc tế chưa hề được áp dụng – những nước có chính phủ yếu kém, chính sách chuyên quyền, tham nhũng và bạo lực thường xuyên; những nước mà đại đa số dân số rất nghèo, không được đi học, bị tách biệt khỏi thông tin bên ngoài; những nước mà người đứng đầu sợ toàn câu hóa sẽ làm suy yếu quyền lực, xói mòn các giá trị vãn hóa truyền thống hoặc thay đổi thể chế chính trị trong nước. Trước đây, đã từng có suy nghĩ rằng Mỹ có thể không cần quan tâm đến những quốc gia và cá nhân ở những vùng không liên quan đến mình. Họ có thể chống lại quan điểm của chúng ta, quốc hữu hóa một công ty Mỹ, vô hiệu hóa giá cả hàng hóa, đi theo quỹ đạo của Liên Xô hoặc Trung Quốc, thậm chí có thể tấn công sứ quán Mỹ hay lính Mỹ ở nước ngoài – nhưng họ không thể tấn công đến tận nơi chúng ta ở. Sự kiện 11/9 cho thấy suy nghĩ này không còn đúng. Chính mối liên hệ qua lại khiến thế giới ngày càng gắn chặt với nhau đã mang lại sức mạnh cho những kẻ muốn phá bỏ thế giới đó. Mạng lưới khủng bố có thể mở rộng ảnh hưởng học thuyết của chúng trong chớp mắt; chúng có thể tìm ra mối liên kết yếu nhất trong cả hệ thống kinh tế và biết rằng chỉ cần tấn công London hoặc Tokyo cũng tác động được đến tận New York hay Hồng Kông; những vũ khí và công nghệ từng là lĩnh vực độc quyền của một nước nay có thể mua được ở chợ đen hoặc có thể tải được thiết kế từ trên mạng; dòng người và hàng hóa tự do di chuyển qua biên giới các nước – là dòng máu duy trì nền kinh tế thế giới – có thể bị khai thác cho mục tiêu giết người.

Nếu các quốc gia-dân tộc không còn độc quyền tiến hành bạo lực rộng khắp; thực tế các quốc gia-dân tộc ngày càng ít khả năng tấn công Mỹ một cách trực tiếp vì họ có vị trí xác định qua đó chúng ta có thể dễ dàng trả đũa; thay vào đó là nguy cơ ngày càng lớn và mang tính xuyên quốc gia – các mạng lưới khủng bố lăm le đẩy lùi hay phá vỡ các lực lượng toàn cầu hóa, là nguy cơ bệnh dịch lây lan như cúm gia cầm, là biến đổi khí hậu ghê gớm – thì cần phải điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia như thế nào cho phù hợp?

Trước hết, chi tiêu cho quốc phòng và cơ cấu quân đội phải phản ánh được thực tế mới. Từ khi bắt đầu có Chiến tranh lạnh, chính nhờ khả năng ngăn chặn các quốc gia tấn công lẫn nhau nên Mỹ bảo đảm được an ninh cho tất cả những nước nào cam kết tuân thủ quy định quốc tế. Chỉ với lực lượng hải quân tuần tra trên toàn thế giới, tàu chúng ta đã làm cho mọi tuyến hàng hải được khai thông. Cũng nhờ thế lực hạt nhân của Mỹ mà châu Âu và Nhật không tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang hồi Chiến tranh lạnh và – ít nhất cho đến gần đây – phần lớn các quốc gia đều đi đến kết luận rằng không đáng phải gặp nhiều rắc rối để được có vũ khi hạt nhân. Chừng nào Nga và Trung Quốc vẫn duy trì lực lượng quân sự lớn và chưa hoàn toàn chấm dứt được khuynh hướng muốn gây ảnh hưởng ra xung quanh – và chừng nào còn những nhà nước ma quỷ sẵn lòng xâm phạm chủ quyền các nước khác – như Saddam đã làm với Kuwait năm 1991 – thì chúng ta sẽ còn phải đóng vai trò cảnh sát bất đắc dĩ của thế giới. Điều này sẽ không thay đổi, và cũng không nên thay đổi.

Nhưng mặt khác, giờ đây chúng ta cũng nên thừa nhận rằng một ngân sách quốc phòng và cơ cấu quân sự chủ yếu dựa trên khả năng xảy ra Thế chiến thứ ba là không có ý nghĩa gì mấy. Ngân sách dành cho quân đội Mỹ và quốc phòng năm 2005 cao nhất thế giới, lên tới 522 tỷ dollar – nhiều hơn ba mươi nước đứng sau cộng lại. GDP của Mỹ lớn hơn tổng GDP của hai nước lớn nhất và có tốc độ phát triển nhanh nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Chúng ta cần duy trì lực lượng quân sự chiến lược cho phép chúng ta kiểm soát được nguy cơ từ những quốc gia bất hảo như Bắc Triều Tiên và Iran cũng như đáp ứng được thách thức từ những đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc. Thực tế, với quân đội bị kiệt sức sau chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, có lẽ ngay thời gian sắp tới chúng ta cần chi nhiều hơn cho quốc phòng để phục hồi trạng thái sẵn sàng và thay mới trang thiết bị.

Nhưng thách thức phức tạp nhất vẫn không phải là giữ được ưu thế trước Trung Quốc (vì vấn đề lớn nhất Trung Quốc gây ra có lẽ là kinh tế chứ không phải quân sự). Thách thức chủ yếu sẽ là đứng vững ở những vùng vô chính phủ hoặc đất nước thù địch nơi chủ nghĩa khủng bố phát triển mạnh mẽ. Để làm được điều này cần cân bằng sao cho khôn ngoan số tiền chi cho những trang thiết bị hiện đại với số tiên chi cho đội quân đang mặc quân phục. Nghĩa là tăng quy mô lực lượng vũ trang để duy trì kế hoạch luân phiên sao cho hợp lý, đảm bảo quân đội được trang bị tốt, đào tạo cho binh lính kỹ năng về  ngoại ngữ, tái thiết, thu thập thông tin tình báo và gìn giữ hòa bình cần thiết để thực hiện thành công những nhiệm vụ ngày càng khó khăn và phức tạp.

Tuy nhiên, chỉ thay đổi quân đội không thì chưa đủ. Để đối phó với những nguy cơ tiềm ẩn rất khác nhau – từ mạng lưới khủng bố đến những quốc gia ủng hộ khủng bố – cơ cấu quân đội không quan trọng bằng cách thức sử dụng quân đội. Điều này không chỉ đúng cho thời Chiến tranh lạnh. Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo không chỉ là chiến dịch quân sự mà còn là cuộc chiến giành sự ủng hộ của công luận trong thế giới Hồi giáo, trong đồng minh và trong chính nước Mỹ. Osama bin Laden hiểu rằng hắn không thể đánh bại hay thậm chí làm tê liệt nước Mỹ trong cuộc chiến kiểu truyền thống. Cái hắn và đồng bọn có thể làm được là gây ra những vết thương đủ lớn để kích động nước Mỹ phản ứng như kiểu chúng ta đã làm ở Iraq – quân đội Mỹ tấn công bất ngờ nhưng vụng về và thiếu chiến lược vào một quốc gia Hồi giáo, do đó làm dấy lên phong trào nổi loạn của những người dân nhạy cảm về tôn giáo và yêu nước, điều này đến lượt nó lại buộc quân Mỹ phải ở lại lâu dài và gặp nhiều khó khăn, dẫn đến số lính Mỹ và dân địa phương thiệt mạng ngày càng tăng cao. Tất cả những hậu quả này sẽ thổi bùng lên phong trào chống Mỹ trong cộng đồng Hồi giáo, tăng số người tham gia vào hoạt động khủng bố và khiến người Mỹ đặt câu hỏi không chỉ về cuộc chiến mà còn về những chính sách khiến chúng ta can thiệp vào thế giới Hồi giáo ban đầu.

Đó chính là kế hoạch giành thắng lợi bằng cách đánh lén, và ít nhất cho đến hiên tại chúng ta đang làm đúng như kịch bản của chúng. Để thay đổi kịch bản đó, chúng ta cần đảm bảo rằng sử dụng sức mạnh quân đội chỉ thúc đẩy chứ không cản trở mục tiêu lớn của chúng ta; để vô hiệu hóa khả năng phá hoại của mạng lưới khủng bố và giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh tư tưởng.

Vậy cần phải làm gì? Chúng ta cần bắt đầu giả thuyết rằng nước Mỹ, cũng như mọi quốc gia có chủ quyền khác, đơn phương có quyền tự vệ trước mọi cuộc tấn công. Khi đó, chiến dịch xóa bỏ các căn cứ của Al Qaeda và chế độ Taliban nuôi dưỡng tổ chức này sẽ hoàn toàn hợp lý và được coi là chính đáng ngay cả ở những nước Hồi giáo cực đoan nhất. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu được các nước đồng minh trợ giúp trong chiến dịch quân sự này, nhưng sự an toàn tức thời không thể chờ đợi quốc tế đạt được đồng thuận; và nếu chúng ta phải tiến hành cuộc chiến một mình thì người dân Mỹ luôn sẵn sàng bảo vệ tổ quốc bằng mọi giá, chấp nhận mọi gánh nặng họ phải chịu.

Tôi sẽ chứng minh rằng chúng ta có quyền đơn phương thực hiện hành động quân sự để xóa bỏ nguy cơ sắp xảy ra với an ninh quốc gia – chừng nào chúng ta định nghĩa nguy cơ sắp xảy ra đó là từ một quốc gia, một tổ chức, một cá nhân đã chủ động chuẩn bị tấn công nước Mỹ (hoặc các đồng minh có thỏa thuận bảo vệ lẫn nhau với Mỹ), và chúng có hoặc sẽ có phương tiện tấn công ngay trong tương lai gần. Al Qaeda chính là kẻ thù loại này, và chúng ta có thể hoặc nên chủ động tấn công trước ở bất cứ nơi nào có thể. Iraq dưới thời Saddam Hussein thì lại không phải, đó là lý do tại sao hành động đưa quân đến lraq là một sai lầm chiến lược. Nếu chúng ta tiếp tục hành động đơn phương thì chúng ta cần có lý do tấn công các mục tiêu.

Tuy nhiên khi đi xa hơn vấn đề bảo vệ đất nước, tôi nghĩ rằng vì lợi ích chiến lược, khi sử dụng lực lượng quân sự trên toàn thế giới, chúng ta luôn nên hành động đa phương hơn là đơn phương. Nhưng tôi không định nói rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc – một thể chế có cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động có vẻ không hiệu quả trong tình trạng bất ổn thời kỳ Chiến tranh lạnh – nên có quyền phủ quyết chúng ta. Ý tôi cũng không phải là chúng ta chỉ cần họp với Anh và Togo rồi làm bất cứ việc gì ta muốn. Hành động đa phương là giống như những gì George H. W. Bush và chính phủ đã làm trong Chiến tranh Vùng Vịnh thứ nhất – thực hiện những nỗ lực ngoại giao khó khăn để được hầu như cả thế giới ủng hộ, và đảm bảo hành động của chúng ta cho thấy thái độ tuân thủ các quy tắc quốc tế.

Tại sao phải làm như vậy ? Vì không ai được lợi từ “luật đi đường’ quốc tế hơn chính nước Mỹ. Không thể thắng được những đối thủ đi ngược lại quy tắc đó nếu chúng ta hành động theo kiểu áp dụng luật cho tất cả trừ chúng ta ra. Khi cường quốc duy nhất trên thế giới sẵn lòng tự kiềm chế sức mạnh và tuân theo quy tắc hành xử chung thì đó là thông điệp tới cả thế giới rằng cần làm theo các quy tắc đó, và bác bỏ ý kiến của bọn khủng bố, độc tài rằng những quy tắc đó chỉ đơn thuần là công cụ của chủ nghĩa đế quốc Mỹ.

Khi có sự ủng hộ của toàn thế giới, gánh nặng can thiệp quân sự của Mỹ cũng nhẹ nhàng hơn và khả năng thành công cũng cao hơn. Với ngân sách quốc phòng tương đối khiêm tốn của các nước đồng minh hiện tại thì việc nghĩ rằng có thể chia sẻ gánh nặng quân sự với họ cũng hơi ảo tưởng, nhưng ở bán đảo Balkans và Afghanistan, các đồng minh trong NATO thực sư đang cùng chịu rủi ro và chi phí với chúng ta. Ngoài ra, với những loại xung đột liên quan nhiều đến Mỹ thì những can thiệp quân sự ban đầu thường đơn giản hơn, ít tốn kém hơn công việc tiếp sau – như đào tạo cảnh sát địa phương, khôi phục dịch vụ điện nước, xây dựng hệ thống tư pháp hiệu quả, phát triển hệ thống truyền thông độc lập, xây dựng cơ sở hạ tầng y tế công cộng và lập kế hoạch bầu cử. Các đồng minh có thể hỗ trợ chuyên chở hàng hóa và cung cấp chuyên gia cho các lĩnh vực quan trọng như họ đang làm ở Balkans và Afghanistan, nhưng họ sẽ sẵn sàng làm những việc đó hơn nhiều nếu chúng ta được quốc tế ủng hộ ngay từ đầu. Nói theo kiểu quân sự thì danh chính được coi là một “bội số sức mạnh”.

Đóng vai trò quan trọng không kém, quá trình xây dựng đồng minh khó khăn buộc chúng ta phải lắng nghe nhiều quan điểm và do đó phải quan sát trước khi hành động. Khi chúng ta chưa phải đấu tranh tự vệ trước những nguy cơ trực tiếp hay tiềm ẩn, chúng ta có lợi thế thời gian, lực lượng quân sự của ta sẽ trở thành một trong nhiều công cụ (và là công cụ quan trọng đặc biệt) để gây ảnh hưởng và tăng cường lợi ích cho nước Mỹ trên thế giới – những lợi ích có được nhờ giữ được khả năng tiếp cận những nguồn năng lượng cơ bản, giữ thị trường tài chính ổn định, các đường biên giới được tôn trọng và không có nạn diệt chủng. Để đạt được những lợi ích đó chúng ta cần phân tích rõ ràng chi phí và lợi ích khi sử dụng lực lượng quân sự, so sánh với các công cụ gây ảnh hưởng khác mà ta có.

Dầu mỏ giá rẻ có đáng để bỏ chi phí – cả máu và tiền bạc – vào chiến tranh hay không ? Liệu can thiệp quân sự vào một cuộc xung đột sắc tộc sẽ dẫn tới ổn định chính trị lâu dài hay quân đội Mỹ sẽ phải ở đó vô thời hạn ? Liêu có thể giải quyết xung đột của chúng ta với một nước khác bằng biện pháp ngoại giao không, hay phải áp dụng một loạt các biện pháp trừng phạt? Nếu chúng ta muốn chiến thăng trong cuộc chiến rộng hơn về tư tưởng thì phải tính toán cả quan điểm của thế giới. Và nếu đôi khi chúng ta có thể cảm thấy khó chịu khi nghe thấy thái độ chống Mỹ của các đồng minh châu Âu đang được chúng ta bảo vệ hoặc những bài phát biểu ở Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm làm hoang mang. làm rối trí hoặc kiếm cớ để không hành động, thì rất có thể dưới tất cả những lời lẽ hùng hồn đó là những cách nhìn soi sáng tình thế hiện tại, qua đó giúp chúng ta có quyết định chiến lược chính xác hơn.

Cuối cùng, hợp tác với đồng minh là chúng ta đã cho họ quyền đồng sở hữu những công việc khó khăn, có phương pháp, có tính sống còn và cần sự cộng tác để hạn chế không cho những kẻ khủng bố gây tổn thất. Trong những việc phải làm có việc chấm dứt mạng lưới hỗ trợ tài chính của bọn khủng bố và chia sẻ thông tin tình báo để truy bắt và bỏ tù những kẻ tình nghi; và việc chúng ta liên tục không thể điều phối hiệu quả hoạt động tình báo giữa các cơ quan khác nhau cũng như thiếu năng lực điều tra là không thể chấp nhận được. Quan trọng hơn cả là chúng ta cần hợp tác quân sự để tước bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt khỏi tay những kẻ khủng bố.

Một trong những ví dụ hay nhất cho sự hợp tác này đã được thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Dick Lugar bang lndiana và cựu thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Sam Nunn bang Georgia đi tiên phong sử dụng hồi thập kỷ 90. Hai người này hiểu rõ cần phải phát triển đồng minh trước khi khủng hoảng nổ ra và họ cũng đã áp dụng những suy nghĩ đó vào một vấn đề quan trọng, đó là phổ biến vũ khí hạt nhân. Lập luận của chương trình sau này được gọi là Nunn-Lugar rất đơn giản: Sau khi Liên Xô sụp đổ, mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ – trừ nguy cơ phóng nhầm do trục trặc – không còn là việc bị Gorbachev hay Yeltsin ra lệnh tấn công trước mà là việc các nguyên liệu hoặc bí quyết sản xuất vũ khí hạt nhân sẽ rơi vào tay phe khủng bố hoặc các nhà nước ma quỷ, kết quả của sự sụp đổ kinh tế của Nga, tham nhũng trong quân đội, bần cùng hóa các nhà khoa học, còn hệ thống an ninh và kiểm soát thì hư cũ vì thiếu duy tu, bảo dưỡng. Theo chương trình Nunn-Lugar, về cơ bản Mỹ sẽ cung cấp nguồn lực để tái thiết các hệ thống đó. Và mặc dù chương trình này làm cho những người đã quen với kiểu tư duy thời Chiến tranh lạnh phải kinh ngạc, nhưng nó cũng đã chứng tỏ được là một trong những khoản đầu tư quan trọng nhất mà nước Mỹ từng thực hiện để tránh thảm họa xảy ra.

Tháng 8/2005, tôi cùng Thượng nghị sy Lugar đi thăm một số công trình thuộc chương trình của ông. Đó là lần đầu tiên tôi đến Nga và Ukraine, và không thể có ai hướng dẫn tốt hơn Dick, một quý ông 73 tuổi khoẻ mạnh, phong thái lịch thiệp, điềm tĩnh với nụ cười bí hiểm khiến ông có lợi thế đáng kể trong những cuộc họp liên miên với các quan chức nước ngoài. Chúng tôi cùng đến thăm căn cứ hạt nhân ở Saratov, nơi các tướng lĩnh Nga tự hào chỉ cho chúng tôi hàng rào và hệ thống an ninh mới vừa được hoàn thành ; sau đó họ mời chúng tôi ăn trưa với súp củ cải đỏ, rượu vodka, khoai tây hầm và món cá nấu đông rất khó ăn. Ở Perm, nơi họ đang phá hủy các tên lửa chiến thuật SS-24 và SS-25, chúng tôi đi bên trong vỏ tên lửa rỗng cao tám feet (2.4 mét) và yên lặng ngắm những quả tên lửa khổng lồ bóng loáng, vẫn có thể hoạt động, đang được lưu giữ an toàn, nhưng trước đây đã từng nhằm vào nhiều thành phố châu Âu.

Ở một vùng dân cư yên tĩnh thuộc Kiev, chúng tôi được tham dự một chuyến thăm Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh của Ukraine, một tòa nhà ba tầng khiêm tốn, trông giống phòng thí nghiệm trường trung học hơn. Trong chuyến thăm, sau khi xem các cửa sổ mở toang vì không có điều hòa không khí và những thanh kim loại gắn thô bạo vào khung cửa để ngăn chuột, chúng tôi được dẫn đến một tủ lạnh nhỏ chỉ được bảo vệ bằng dây. Một phụ nữ trung niên mặc áo phòng thí nghiệm và đeo khẩu trang phẫu thuật rút trong tủ ra vài ống nghiệm, vẫy vẫy chúng ngay trước mặt tôi, chỉ cách một foot (30cm) và nói gì đó bằng tiếng Ukraine.

“Bệnh than đấy”, phiên dịch viên giải thích, chỉ vào chiếc lọ trong tay phải bà ta.

‘Còn cái kia”, anh ta chỉ vào lay trái bà, “là bệnh dịch hạch”.

Tôi quay lại phía sau và thấy Lugar đang đứng tận cuối phòng.

“Ông không muốn nhìn gần một cái hả Dick?” Tôi hỏi, cũng lùi lại vài bước.

“Đã đến, đã xem rồi”. Ông mỉm cười.

Trong suốt chuyến đi, có nhiều thời điểm khiến chúng tôi nhớ lại những ngày Chiến tranh lạnh. Ở sân bay Perm chẳng hạn, viên sỹ quan biên phòng mới ngoài 20 tuổi đã giữ chúng tôi lại ba giờ liền vì chúng tôi không cho anh ta kiểm tra máy bay, thế là nhân viên của chúng tôi phải gọi điện đến đại sứ quán Mỹ và bộ trưởng ngoại giao Nga ở Moscow. Tuy nhiên hầu hết những điều chúng tôi nghe và thấy – cửa hàng hàng hiệu Calvin Klein và phòng trưng bày ô tô Maserati ở Trung tâm thương mại quảng trường Đỏ; đoàn xe hộ tống toàn xe SUV dừng lại trước một nhà hàng, lái xe là những người đàn ông lực lưỡng với bộ trang phục rất không hợp với họ, có lẽ đã từng mở cửa xe cho những quan chức điện Kremlin, nhưng giờ đây lại đang bảo vệ cho một trong những tỷ phú đầu sỏ của nước Nga ; rồi đám thanh thiếu niên ủ rũ mặc áo phông và quần jean lưng xệ, chia nhau thuốc lá và nhạc trong máy nghe nhạc iPod khi chúng lang thang trên những đại lộ rất đẹp của Kiev – đều phản ánh rõ nét quá trình hội nhập kinh tế chưa nói đến chính trị, không thể tránh khỏi giữa phương Đông và phương Tây.

Tôi cảm thấy một phần đó là lý do tại sao Lugar và tôi được tiếp đón rất nhiệt tình ở các căn cứ quân sự. Sự hiện diện của chúng tôi không chỉ hứa hẹn sẽ có tiền đầu tư cho hệ thống an ninh, hàng rào và giám sát, v.v… mà còn cho những người đang làm việc ở đó thấy họ vẫn đang có ích thực sự. Họ đã có sự nghiệp, đã từng được tôn vinh vì tạo ra công cụ chiến tranh. Giờ đã họ thấy mình chỉ còn quản lý những di sản sót lại của thời quá khứ, nơi họ làm việc không còn phù hợp với một đất nước mà người dân đã chuyển mối quan tâm chính sang kiếm tiền sao cho thật nhanh.

Cảm giác đó cũng rõ ràng ở Donetsk – một thành phố công nghiệp ở Tây Nam Ukraine nơi chúng tôi đến thăm công việc phá hủy vũ khí thông thường. Cơ sở này nằm ẩn trong vùng nông thôn, muốn đến đó phải đi qua rất nhiều con đường hẹp, đôi khi đầy dê qua lại. Vị giám đốc là một người béo tốt, vui vẻ, khiến tôi nhớ đến một viên sy quan cảnh sát ở Chicago. Ông dẫn chúng tôi qua một loạt những nơi tối tăm giống như nhà kho đang trong tình trạng không được sửa chữa ở mức độ khác nhau, nơi các công nhân đang nhanh nhẹn tháo dỡ những khối mìn và pháo xe tăng, các hộp đạn rỗng chất đống lộn xộn cao ngang tai tôi. Họ cần Mỹ giúp đỡ, vị giám đốc giải thích, vì Ukraine không có đủ tiền để giải quyết toàn bộ số vũ khí còn lại sau Chiến tranh lạnh và Chiến tranh Afghanistan – với tốc độ như hiện tại thì họ sẽ mất sáu mươi năm để tháo dỡ an toàn số vũ khí này. Không chỉ thế, vũ khí vẫn đang rải rác trên khắp cả nước, thường để trong các kho xập xệ không có khóa, tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố ăn mòn. Chúng không chỉ bao gồm đạn dược mà cả chất nổ loại mạnh và tên lửa đất đối không vác vai – những vũ khí hủy diệt có thể rơi vào tay những chỉ huy quân sự ở Somalia, các chiến binh Tamil ở Sri Lanka hay quân nổi dậy ở Iraq.

KHÍA CẠNH CUỐI CÙNG trong chính sách đối ngoại của Mỹ cần bàn ở đây ít liên quan đến việc tránh xảy ra chiến tranh mà chủ yếu là thúc đẩy hòa bình. Vào năm tôi ra đời, Tổng thống Kennedy dã phát biểu trong bài diễn văn nhậm chức như sau: “Với những người sống trong những túp lều và làng mạc trên nửa thế giới đang phải cố gắng thoát khỏi tình trạng nghèo đói trên diện rộng, chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình để giúp họ có thể tự cứu bản thân, bất kể phải mất bao nhiêu thời gian để hoàn thành – không phải vì những người Cộng sản cũng đang làm việc đó, không phải vì chúng tôi cần lá phiếu của họ, mà bởi vì đó là một việc đúng đắn phải làm. Nếu một xã hội tự do không thể giúp đa số người nghèo thì nó không thể cứu được số ít người giàu”. Bốn mươi năm sau, không còn tình trạng nghèo đói diện rộng nữa. Nếu chúng ta muốn thực hiện lời hứa của Kennedy – và đem lại lợi ích an toàn lâu dài cho đất nước – thì chúng ta không chỉ cằn tìm cách sử dụng khôn ngoan hơn lực lượng quân sự. Chúng ta phải đưa ra chính sách giảm phạm vi tác động của tình trạng thiếu an toàn, nghèo đói và bạo lực trên toàn thế giới, và cho nhiều người hơn được hưởng quyền lợi từ trật tự thế giới vốn rất có lợi cho nước Mỹ chúng ta.

Dĩ nhiên, có nhiều người sẽ phản đối tiền đề của tôi – là mọi hệ thống toàn cầu theo kiểu Mỹ đều có thể giảm nghèo đói ở những nước nghèo. Theo họ, quan điểm của Mỹ về hệ thống toàn cầu – thương mại tự do, thị trường mở, dòng thông tin không bị cản trở, luật pháp, bầu cử dân chủ v.v… – đơn giản chỉ là biểu hiện của chủ nghĩa đế quốc Mỹ, mục tiêu chỉ là khai thác lao động giá rẻ và nguồn tài nguyên thiên nhiên của các nước khác và tiêm nhiễm vào các nền văn hóa chưa Âu hóa những niềm tin suy đồi. Thay vì tuân theo quy tắc do Mỹ đề ra, các nước nên chống lại nỗ lực bành trướng vai trò bá chủ của Mỹ; họ nên đi theo con đường phát triển của riêng họ, tìm lãnh đạo trong những người theo chủ nghĩa dân túy cánh tả như Hugo Chávez[264] của Venezuela, hoặc quay lại những nguyên tắc xã hội truyền thống như đạo Hồi.

Tôi không bác bỏ ngay nhưng lời phê bình đó. Nói cho cùng nước Mỹ và các đối tác phương Tây đã xây dựng ra hệ thống thế giới hiện tại: đó là cách chúng ta làm – chuẩn mực kế toán của chúng ta, ngôn ngữ của chúng ta, luật sở hữu trí tuệ của chúng ta, công nghệ của chúng ta, văn hóa của chúng ta – mà cả thế giới phải điều chỉnh theo tất cả những thứ đó suốt năm mươi năm qua. Nhìn chung hệ thống này đem lại sự thịnh vượng cho những nước phát triển nhất, nhưng nó cũng làm cho rất nhiều người bị tụt hậu – một thực tế mà các nhà hoạch định chính sách phương Tây thường bỏ qua, đôi khi còn làm trầm trọng hơn. 

Tuy nhiên tôi vẫn tin rằng lời phê bình kia đã sai khi cho rằng những người nghèo sẽ có lợi hơn nếu từ chối tư tưởng thị trường tự do và dân chủ tự do.

Không ai, dù thuộc nền văn hóa nào, lại thích cuộc sống bị chèn ép. Không ai muốn sống trong sợ hãi chỉ vì người đó có quan điểm khác biệt. Không ai muốn bi nghèo hoặc đói, và không ai muốn sống trong một chế độ kinh tế mà thành quả lao động của họ luôn không được đền đáp. Hệ thống thị trường tự do và dân chủ tự do, đặc trưng của những quốc gia phát triển nhất, có thể vẫn còn sai sót; nó cũng có thể thường mang lại nhiều lợi ích cho người có quyền lực hơn là người không có quyền lực. Nhưng hệ thống đó luôn luôn được thay đổi, được cải thiện – và chính nhờ sự cởi mở, chấp nhận thay đổi đó mà nền dân chủ tự do dựa vào thị trường đem lại cho người dân trên toàn thế giới cơ hội tốt nhất để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Vì vậy, thách thức đối với chúng ta là phải đảm bảo các chính sách của Mỹ sẽ dẫn hệ thống quốc tế theo hướng công bằng hơn, có công lý hơn và thịnh vượng hơn – và các quy tắc chúng ta đề ra sẽ đem lại lợi ích cho cả nước Mỹ lẫn thế giới.

Nhưng nếu chúng ta tìm cách áp đặt nền dân chủ bằng súng đạn, bằng cách gửi tiền cho những đảng có chính sách kinh tế có vẻ thân thiện với Washington, hoặc bị ảnh hưởng bởi thế lực của những người lưu vong như Chalabi, người mà tham vọng rõ ràng không hề được bất cứ ai ở quê hương ủng hộ, thì chúng ta đang tự đưa mình vào thế thất bại. Chúng ta đang hỗ trợ những chế độ áp bức coi những nhà hoạt động dân chủ là công cụ của sức mạnh nước ngoài và ngăn trở khả năng ra đời nền dân chủ thực sự nhờ nội lực của chính nước đó.

Hệ quả đương nhiên là tự do không chỉ có nghĩa là bầu cử. Năm 1941, Franklin D. Roosevelt đã nói ông mong muốn có một thế giới dựa trên bốn quyền tự do cơ bản: tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, không bị thiếu thốn và không phải sợ hãi[265]. Kinh nghiệm của chính chúng ta cho thấy rằng hai quyền tự do cuối cùng – không bị thiếu thốn và không phải sợ hãi – là điều kiện tiên quyết cho tất cả mọi người. Đối với một nửa dân số thế giới tương đương khoảng 3 tỷ người đang sống với thu nhập dưới 2 dollar một ngày thì bầu cử dù hoàn hảo nhất cũng chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích, là điểm xuất phát chứ không phải kết quả cuối cùng. Những người này không cần “nền bầu cử’ bằng những nhu cầu cơ bản mà đa phần chúng ta coi là một cuộc sống tốt – thực phẩm, mái nhà che nắng mưa, điện, y tế tối thiểu, giáo dục cho con cái và có thể sống bình thường mà không phải chịu đựng tham nhũng, bạo lực hoặc quyền lực độc tài. Nếu chúng ta muốn giành thiện cảm của người dân Caracas, Jakarta, Nairobi hay Tehran thì đem đến các hòm phiếu là chưa đủ. Chúng ta cần đảm bảo những quy tắc quốc tế mà chúng ta đang xúc tiến sẽ nâng cao, thay vì cản trở ý thức về vật chất và an toàn cá nhân của mọi người. 

Điều này có lẽ khiến chúng ta phải tự nhìn lại chính mình. Ví dụ, Mỹ và các nước phát triển khác liên tục yêu cầu các nước đang phát triển xóa bỏ các rào cản thương mại bảo vệ họ trước sư cạnh tranh, trong khi chính chúng ta kiên quyết bảo vệ cử tri của mình trước hàng nhập khẩu từ nước nghèo – thứ có thể giúp các nước đó thoát khỏi nghèo đói. Khi nhiệt tình bảo vệ bằng sáng chế cho các công ty dược phẩm của Mỹ, chúng ta đang ngăn cản những nước như Brazil có thể chế tạo thuốc chống AIDS, qua đó cứu sống hàng triệu người. Dưới sự lãnh đạo của Washington, Quỹ Tiền tệ quốc tế – ra đời sau Thế chiến thứ hai với vai trò cho vay như biện pháp cuối cùng – đã liên tiếp buộc các quốc gia đang rơi vào khủng hoảng tài chính như Indonesia phải trải qua quá trình tái điều chỉnh khắc nghiệt (tăng lãi suất lên rất cao, cắt giảm chi tiêu cho an sinh xã hội, xóa bỏ trợ cấp cho các ngành công nghiệp chủ đạo), khiến cho người dân rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn. Đó là một thứ thuốc đắng mà người Mỹ chúng ta cũng khó mà dám dùng cho chính minh.

Một định chế khác thuộc hệ thống tài chính quốc tế – Ngân hàng Thế giới – thì nổi tiếng vì tài trợ cho những dự án lớn và tốn kém, chỉ đem lại lợi ích cho nhà tư vấn được trả lương rất cao và những nhân vật thượng lưu trong nước có quan hệ tốt, nhưng làm được rất ít cho người dân bình thường, trong khi chính những người dân bình thường đó lại phải rút hầu bao khi nợ đến hạn thanh toán. Thực tế, những quốc gia phát triển thành công trong bối cảnh thế giới hiện tại đã nhiều lần bỏ qua những toa thuốc kinh tế khắc nghiệt của Washington, bảo hộ các ngành mới và thực hiện các chính sách mạnh bạo trong công nghiệp. IMF và WB cần nhận ra rằng không có công thức nào duy nhất, giống hệt nhau cho quá trình phát triển của tất cả các quốc gia.

Dĩ nhiên, chính sách “tình thương nghiêm khắc” không có gì sai khi cần hỗ trợ cho các nước nghèo. Rất nhiều nước nghèo đang bị các luật tài sản và ngân hàng cũ kỹ, thậm chí còn phong kiến cản trở phát triển. Trước đây, nhiều chương trình hỗ trợ của nước ngoài chỉ làm giàu cho giới thượng lưu trong nước, tiền đều được chuyển hết vào tài khoản ngân hàng Thụy Sỹ. Thực tế, trong một thời gian rất dài, các chính sách hỗ trơ quốc tế đã bỏ qua vai trò quan trọng của luật và nguyên tắc minh bạch trong sự phát triển của một quốc gia. Trong thời dài mà các giao dịch tài chính quốc tế đều xoay quanh hợp đồng đáng tin cậy, có hiệu lực thì người ta có thể trông đợi hoạt động kinh doanh toàn cầu bùng nổ sẽ dẫn tới cải cách rất lớn trong lĩnh vực pháp lý. Nhưng một số nước như Ấn Độ, Nigeria và Trung Quốc vẫn xây dựng hai hệ thống pháp lý – một cho người nước ngoài và giới thượng lưu, một cho những người bình thường đang cố gắng để phát triển.

Còn những nước như Somalia, Sierra Leone hay Congo thì có vẻ chả có luật pháp gì hết. Đã nhiều lần khi xem xét tình trạng hết sức khó khăn của châu Phi – hàng triệu người khổ sở vì bệnh AIDS, hạn hán và nạn đói, chế độ độc tài, tham nhũng có ở khắp nơi, sự tàn bạo của đám lính mới 12 tuổi không biết gì ngoài tham gia chiến tranh với dao kiếm hay khẩu súng trường, tôi thấy mình chìm trong hoài nghi và tuyệt vọng. Cho tận đến khi tôi nhớ ra rằng tấm lưới chống muỗi có thể ngăn được bệnh sốt rét chỉ có giá 3 dollar; rằng chương trình xét nghiệm HIV tự nguyện ở Uganda đã giúp tiếp cận đáng kể với những người mới nhiễm bệnh chỉ với chi phí từ 3 đến 4 dollar một lần xét nghiệm; và chỉ một sự chú ý nhỏ – một cuộc biểu dương lực lượng quốc tế hoặc thiết lập khu bảo vệ thường dân – cũng chấm dứt được nạn tàn sát ở Rwanda ; rằng ngay cả những nước đã từng rất khó khăn như Mozambique cũng đã có những bước cải cách quan trọng.

Franklin D. Roosevelt hoàn toàn đúng khi nói, “Là một quốc gia, chúng ta có thể tự hào là những người nhân hậu, nhưng chúng ta không thể trở nên ngờ nghệch”. Chúng ta không nên chờ đợi sẽ giúp được châu Phi nếu chính châu Phi lại cho thấy họ không muốn tự giúp bản thân. Nhưng xu hướng tích cực ở châu Phi thường bị ẩn giấu sau những tin tức xấu. Nền dân chủ đang được mở rộng. Ở nhiều nơi kinh tế đang phát triển. Chúng ta cần dựa trên những tia hy vọng này, giúp lãnh đạo và công dân các nước đó trên khắp châu Phi để họ xây dựng tương lai tốt đẹp mà họ, cũng như chúng ta, hết sức mong chờ.

Hơn nữa, chúng ta đang tự lừa dối khi nghĩ rằng, nói như một nhà bình luận. “chúng ta phải học cách nhìn người khác chết một cách bình tĩnh” mà không phải chịu hậu quả. Hỗn loạn sẽ lại tạo ra hỗn loạn; thái độ nhẫn tâm có xu hướng ngày càng lan rộng trong chúng ta. Và nếu lương tâm chưa đủ kêu gọi chúng ta hành động với vai trò kiềm chế xung đột thì phải có lý do giải thích tại sao Mỹ và các đồng minh cần quan tâm đến những đất nước yếu kém, không thể quản lý nổi lãnh thổ của mình, không thể chống được bệnh dịch, dầy nội chiến và bạo lực. Chính do nhà nước không có luật pháp mà Taliban chiếm được Afghanistan. Chính Sudan, với nạn diệt chủng đang từ từ diễn ra, là nơi bin Laden đã đặt căn cứ trong nhiều năm. Chính trong cảnh cùng khổ ở một vùng đất vô danh nào đó, virus giết chóc mới sẽ xuất hiện.

Tất nhiên, dù là châu Phi hay ở nơi nào khác, chúng ta không thể kỳ lọng giải quyết được những vấn nạn đó một mình. Vì thế, chúng ta nên dành nhiều thời gian và tiền bạc hơn để nâng cao năng lực cho các tổ chức quốc tế để họ hỗ trợ chúng ta một phần công việc. Nhưng chúng ta lại đang làm ngược lại. Trong nhiều năm, phe bảo thủ ở Mỹ đã lợi dụng cơ hội chính trị trong nhiều vấn đề ở Liên hợp quốc: thói đạo đức giả của các nghị quyết chọn ra Israel để trừng phạt, vụ lựa chọn kiểu Kafka[266] những nước như Zimbabwe và Libya vào ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc và gần đây nhất là vụ hối lộ trong chương trình đổi dầu lấy lương thực.

Những lời phê phán đó rất đúng. Trong khi có những tổ chức thuộc Liên hợp quốc như UNICEF đang hoạt động rất hiệu quả thì nhiều tổ chức khác có vẻ không làm được gì khác ngoài tổ chức hội thảo, viết báo cáo và các nhân viên kém hiệu quả chỉ việc ngồi mát ăn bát vàng. Nhưng những thất bại đó không phải là lý do để chúng ta giảm can thiệp vào các tổ chức quốc tế cũng như theo chủ nghĩa hành động đơn phương. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc càng hoạt động hiệu quả ở những cuộc nội chiến và xung đột sắc tộc, chúng ta càng ít phải đóng vai trò kiểm soát trật tự thế giới ở những vùng cần ổn định. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đưa ra thông tin càng đáng tin cậy, chúng ta càng dễ huy động đồng minh chống lại nỗ lực sở hữu vũ khí hạt nhân của những nhà nước ma quỷ. Năng lực của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) càng cao, chúng ta càng ít phải dối phó với khả năng có dịch cúm ở ngay trong nước Mỹ. Khi các tổ chức quốc tế được củng cố thì không nước nào dược hưởng lợi ích nhiều hơn chính chúng ta – vì thế từ đầu chúng ta đã thúc đẩy thành lập, và giờ đây phải đi đầu để cải cách các tổ chức đó.

Cuối cùng, với những người không ưa triển vọng hợp tác với đồng minh để giải quyết những thách thức phải đối mặt trên toàn cầu, tôi có thể đề xuất một lĩnh vực mà chúng ta có thể đơn phương hành động để nâng cao vị thế trên thế giới – đó là hoàn thiện nền dân chủ ngay trong nước để làm gương cho các nước khác. Khi chúng ta tiếp tục chi hàng tỷ dollar vào hệ thống vũ khí với kết quả còn mơ hồ, nhưng lại không muốn chi tiền để bảo vệ những nhà máy hóa chất rất nguy hiểm ở trung tâm đô thị lớn thì thật khó thuyết phục các nước khác bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân của họ. Khi chúng ta giam giữ nghi phạm vô thời hạn mà không xét xử hoặc giữa đêm tối đưa họ đến những nước mà chúng ta biết ở đó họ sẽ bị tra tấn thì chúng ta đang tự đánh mất khả năng gây sức ép thực hiện nhân quyền và pháp luật ở những nước theo chế độ độc tài. Khi chúng ta – quốc gia giàu có nhất và chiếm 25% mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới – không thể nâng cao được tiêu chuẩn sử dụng nhiên liệu trong nước dù chỉ một chút để bớt phụ thuộc vào dầu mỏ ở các nước Ả-rập và hạn chế sự nóng lên của trái đất thì chúng ta nên chuẩn bị tinh thần rằng rất khó thuyết phục Trung Quốc đừng hợp tác với những nước cung cấp dầu như Iran hay Sudan – và cũng không nên hy vọng nhiều là có thể hợp tác với họ để giải quyết các vấn đề môi trường ở bờ biển nước ta.

Thái độ không sẵn lòng quyết định trước những lựa chọn khó khăn và làm theo lý tưởng của chính mình không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của nước Mỹ trong mắt thế giới mà uy tín của chính phủ Mỹ trong mắt người dân cũng giảm sút. Cách thức chúng ta quản lý nguồn tài nguyên quý giá nhất – đó là người dân Mỹ và chế độ tự trị mà những người sáng lập đất nước đã để lại cho chúng ta – là yếu tố quyết định thành công của mọi chính sách đối ngoại. Thế giới ngoài kia rất nguy hiểm, phức tạp, nhiệm vụ xây dựng lại thế giới đó sẽ mất nhiều thời gian và rất khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải hy sinh. Người Mỹ sẽ hy sinh vì họ hiểu rõ mọi lựa chọn trước mắt họ; sự hy sinh đó xuất phát từ niềm tin vào nền dân chủ. Franklin D. Roosevelt hiểu rõ điều này khi ông phát biểu sau vụ tấn công Trân Châu Cảng: “Chính phủ đặt niềm tin vào sức chịu đựng của người dân Mỹ”. Truman hiểu rõ điều này nên ông đã cùng với Dean Acheson thành lập ủy ban thực hiện kế hoạch Marshall gồm các giám đốc điều hành, các nhà nghiên cứu, các chủ tịch công đoàn, các mục sư và nhiều người khác để tuyên truyền kế hoạch khắp đất nước. Có lẽ những người lãnh đạo nước Mỹ cần học lại bài học này.

Đôi khi, tôi không biết liệu con người thực sự có thể học được từ lịch sử hay không – liệu chúng ta đang từ giai đoạn này chuyển sang một giai đoạn khác phát triển hơn hay chúng ta chỉ sống qua các chu kỳ bùng nổ rồi sụp đổ, chiến tranh rồi hòa bình. tiến lên rồi lại đi xuống. Cũng trong chuyến thăm Baghdad, tôi đã dành một tuần đi khắp Israel và Bờ Tây, gặp gỡ quan chức cả hai phía để có hình dung riêng về vùng đất đầy xung đột này. Tôi đã nói chuyện với những người Do Thái đã mất cha mẹ trong vụ tàn sát dân Do Thái thời Hitler và mất anh em trong những vụ đánh bom tự sát; tôi đã nghe người Palestine nói về sự xúc phạm họ phải chịu ở mỗi trạm kiểm soát cũng như hồi ức của họ về vùng đất đã mất. Tôi bay bằng trực thăng qua đường ranh giới phân chia hai dân tộc và thấy mình không thể phân biệt được đâu là thị trấn Do Thái, đâu là thị trấn Ả-rập, tất cả trông đều như những tiền đồn yếu ớt trước những ngọn đồi xanh đầy đá. Khi bay vòng vòng trên Jerusalem, tôi nhìn xuống Thành phố cổ, Vòm Đá, Bức tường phía Tây và Nhà thờ Hầm mộ, nhớ đến hai nghìn năm chiến tranh và những tin đồn về chiến tranh mà vùng đất nhỏ này là nguyên nhân, nghĩ rằng có lẽ không khả thi khi tin rằng cuộc chiến đó đến thời chúng ta sẽ chấm dứt, hay nước Mỹ, với tất cả sức mạnh, sẽ có tiếng nói chi phối thế giới lâu dài.

Nhưng tôi không nghĩ thế lâu – đó là suy nghĩ của người già. Nhiệm vu này càng khó khăn, tôi càng tin rằng chúng ta có nghĩa vụ phải nỗ lực đem lại hòa bình cho vùng Trung Đông, không chỉ vì lợi ích của người dân ở đây mà còn vì sự an toàn cho con cháu chúng ta.

Và có lẽ định mệnh thế giới không phụ thuộc vào những gì xảy ra trên chiến trường, nó còn phụ thuộc nhiều vào những việc chúng ta làm ở những nơi yên lành nhưng cần giúp đỡ. Tôi vẫn nhớ khi đọc trên báo tin tức về sóng thần ở Đông Á năm 2004 – các thị trấn ở bờ biển phía tây Indonesia bị san phẳng, hàng nghìn người bị quét xuống biển. Rồi trong những tuần sau đó, tôi tự hào khi thấy người Mỹ với tư cách cá nhân đã gửi hơn một tỷ dollar để viện trợ cũng như thấy tàu chiến Mỹ đã đưa hàng nghìn lính đến giúp cứu trợ và tái thiết. Cũng theo bản tin trên báo, 65% trong số những người Indonesia được hỏi đã nói rằng sự trợ giúp này khiến họ có cái nhìn thiện cảm hơn với nước Mỹ. Tôi không quá ngây thơ để tin rằng chỉ mỗi sự việc sau thảm họa cũng có thể xóa đi hàng thập kỷ hoài nghi.

Nhưng đó chính là sự khởi đầu.

Bình luận