Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kẻ Xa Lạ

Chương 7

Tác giả: Albert Camus

Phần 2

Ngay sau khi bắt tôi, người ta đã nhiều lần thẩm vấn tôi. Toàn là những câu lục vấn về nhân thân, và mỗi lần hỏi đều diễn ra không lâu. Lần đầu tiên ở bốt cảnh sát, vụ việc của tôi có vẻ làm họ ít quan tâm. Tám ngày sau thì ngược lại, quan dự thẩm đến và nhìn tôi với vẻ đầy nghi vấn. Nhưng ban đầu ông ta chỉ hỏi tên và địa chỉ, nghề nghiệp, ngày và nơi sinh của tôi. Rồi ông ta hỏi tôi có muốn có luật sư hay không. Tôi bảo là không, và hỏi ông ta có thật cần thiết phải có luật sư không. “Sao lại thế?” ông ta hỏi lại. Tôi trả lời rằng vụ việc của tôi quá đơn giản. Ông ta mỉm cười nói: “Đó là ý kiến anh. Nhưng còn có luật. Nếu anh không tự chọn luật sư thì chúng tôi sẽ chỉ định người trong đoàn luật sư.” Tôi thấy tiện nhất là để tòa thực hiện những thủ tục đó. Tôi nói với ông ta như thế. Ông ta nhìn tôi rồi nói luật đã được xây dựng một cách hoàn hảo. Tuy vậy, tôi không coi việc đó là hệ trọng.

Lúc đó, viên dự thẩm đang tiếp tôi trong góc phòng có buông rèm, ở đó chỉ có một bóng đèn và nó chiếu lên chiếc ghế bành mà ông ta bảo tôi ngồi ở đó, còn chính ông ta thì ngồi trong khoảng tối. Tôi đã đọc trong sách thấy người ta tả cảnh thẩm vấn như thế và coi nó như trò đùa. Tuy nhiên, sau câu chuyện thì tôi nhìn ông ta và thấy ông ta có nét mặt tinh tế, đôi mắt xanh rất sâu, dáng cao lớn, hàng ria mép dài màu xám và mái tóc bạc gần trắng để xõa. Tôi thấy ông ta rất có lý, và nói chung là đáng mến, mặc dù mép thỉnh thoảng giật nhẹ. Khi ra khỏi phòng, tôi thậm chí còn suýt chìa tay cho ông ta, nhưng rồi nhớ ra tôi là kẻ giết người.

Hôm sau, một luật sư đến gặp tôi trong tù. Đó là một người nhỏ thó và tròn quay, còn khá trẻ, tóc xịt keo cầu kỳ. Mặc dù trời nóng (tôi phải xắn cao tay áo), ông ta vẫn mặc bộ complet màu tối, ve áo màu ngà ngà và thắt cà vạt kẻ sọc trắng đen. Ông ta đặt túi xách lên giường tôi, tự giới thiệu và bảo đã nghiên cứu hồ sơ của tôi. Vụ việc của tôi rất tế nhị, nhưng ông ta tin chắc thành công, nếu tôi tin ông ta. Tôi cảm ơn ông ta, và ông ta bảo: “Bây giờ ta đi vào chi tiết.”

Ông ta ngồi xuống giường và nói là đã tìm hiểu đời tư của tôi. Ông ta biết rằng mẹ tôi vừa qua đời ở trại. Ông ta đã đi hỏi ở Marengo. Những người trả lời ông ta đã cho biết “tôi đã thể hiện sự vô cảm” trong ngày tang lễ mẹ. “Anh biết không – luật sư nói – điều đó làm tôi thấy hơi khó chịu khi hỏi chuyện anh. Nhưng việc này rất hệ trọng, và đó là chứng cứ thuyết phục để luận tội, nếu tôi không tìm ra được gì để chống chế.” Ông ta muốn tôi hợp tác. Ông ta hỏi tôi ngày hôm đó có thấy nặng nề không. Câu hỏi làm tôi ngạc nhiên, và tôi cảm thấy nếu tôi hỏi người khác như vậy thì chính tôi sẽ thấy khó chịu. Tuy vậy, tôi cũng trả lời rằng tôi đã mất thói quen tự hỏi mình và tôi thấy khó trả lời. Tất nhiên tôi yêu mẹ tôi, nhưng cái đó chẳng nói lên điều gì. Người tốt đôi khi cũng vẫn mong cho những người thân yêu chết. Lúc đó, luật sư ngắt lời tôi và tỏ ra lo lắng. Ông ta bảo tôi hứa là không nói như thế trước mọi người, nhất là trước ngài chánh án. Tôi giải thích với ông ta rằng đối với tôi thì những bất ổn về thể xác thường ảnh hưởng xấu đến trạng thái tình cảm của tôi. Vào ngày chôn cất mẹ, tôi rất mệt và đã ngủ thiếp đi. Tôi đã không cảm nhận được hết những điều xảy ra. Tôi khẳng định với ông ta là tôi vẫn muốn mẹ sống. Nhưng luật sư vẫn không yên tâm. Ông ấy nói: “Như thế chưa đủ.”  

Ông ta hơi đăm chiêu, rồi hỏi tôi là ông ta có thể nói trước tòa rằng hôm đó tôi vẫn kiểm soát được lý trí hay không. Tôi nói: “Không, như thế sẽ không đúng.” Ông ta nhìn tôi với vẻ kỳ cục, dường như tôi làm ông ấy thấy ngán ngẩm. Ông ấy nói với vẻ bực tức rằng dù sao thì giám đốc và một nhân viên của trại dưỡng lão cũng sẽ làm chứng và điều đó sẽ rất bất lợi đối với tôi. Tôi bảo ông ta rằng chuyện đó chẳng liên quan đến vụ án của tôi, nhưng ông ta bảo rõ ràng là tôi chưa hiểu gì về việc xét xử.

Ông ta bỏ đi với vẻ bực bội. Tôi muốn giữ ông ta lại, nói với ông ta rằng tôi muốn ông ta thông cảm với tôi, không phải để biện hộ cho tôi tốt hơn mà vì như thế tự nhiên hơn, nếu có thể nói như vậy. Nhưng tôi thấy tôi đã làm ông ta khó chịu. Ông ta không hiểu tôi và không ưa tôi lắm. Tôi muốn khẳng định với ông ta rằng tôi cũng giống như mọi người, hoàn toàn giống. Nhưng tôi thấy cái đó cũng chẳng giúp ích gì nhiều, và vốn ngại nói nên tôi im lặng.

Một lúc sau, tôi lại bị dẫn tới chỗ quan dự thẩm. Lúc đó đã hai giờ chiều, và lần này thì phòng làm việc của ông ấy sáng trưng, đến mức tấm vải che gần như không ngăn được ánh sáng. Trời rất nóng. Ông ấy bảo tôi ngồi và nói một cách rất nhã nhặn rằng vị luật sư của tôi không đến được “do có việc bất thường”, và tôi có quyền không trả lời những câu hỏi của ông ấy trong khi chờ đợi luật sư đến giúp. Tôi nói là tôi tự trả lời được. Ông ấy ấn một cái nút trên bàn; viên lục sự trẻ tuổi đi vào và đứng đợi sát sau lưng ông ấy.

Tôi và vị quan tòa cùng ngồi xuống ghế bành, và cuộc thẩm vấn bắt đầu. Ông ta bảo tôi ít nói quá, và ông ta muốn biết tôi nghĩ gì. Tôi trả lời: “Tôi không có gì nhiều để nói nên đành im lặng.” Ông ấy lại cười như lần trước, và thừa nhận rằng đó là cách giải thích tốt nhất. Rồi ông ấy nói thêm: “Dù sao thì cái đó cũng chẳng quan trọng gì.” Ông ấy nghển cổ ra phía trước, nhìn tôi rồi nói rất nhanh: “Anh làm tôi rất quan tâm đấy.” Tôi không hiểu ông ấy ngụ ý gì nên im lặng. “Có một vài điều – ông ấy nói – mà tôi không rõ trong hành động của anh. Tôi hy vọng anh giúp tôi hiểu.” Tôi bảo tôi sẵn sàng. Ông ấy bảo tôi kể lại những chuyện diễn ra hôm đó. Tôi nói lại những điều đã kể với ông ấy: Raymond, bãi biển, việc tắm, cuộc ẩu đả, rồi lại bãi biển, dòng suối, ánh nắng và năm phát súng. Cứ sau mỗi câu tôi nói, ông ấy lại gật đầu: “Tốt, tốt.” Khi tôi nói đến xác chết, ông ấy nói: “Được.” Tôi thấy chán vì cứ phải nhắc đi nhắc lại mãi một câu chuyện, và tôi cảm thấy chưa bao giờ phải nói nhiều như thế.

Sau một lúc im lặng, ông ấy đứng dậy và bảo rằng ông ấy muốn giúp tôi, rằng tôi làm cho ông ấy quan tâm, và rằng với sự trợ giúp của Chúa thì ông ấy sẽ làm được gì đó cho tôi. Nhưng trước hết ông ấy muốn đặt ra cho tôi một số câu hỏi. Vẫn ngồi tại chỗ, ông ấy hỏi tôi có yêu mẹ không. Tôi nói: “Có, cũng như mọi người” và viên lục sự, người từ nãy đến giờ vẫn gõ máy chữ đều đặn, chắc là gõ nhầm mấy phím, vì tôi thấy anh ta lúng túng và phải quay trục máy chữ. Vẫn tỏ ra thiếu ý tưởng rõ ràng, vị quan tòa lại hỏi có đúng tôi đã bắn năm phát súng liên tiếp hay không. Tôi nghĩ ngợi rồi chỉnh lại là tôi bắn một phát trước, sau đó bắn bốn phát liên tiếp. “Vì sao anh lại chờ một lúc mới bắn tiếp?” ông ấy hỏi. Một lần nữa, tôi lại thấy bãi tắm màu đỏ và cảm thấy cái nóng thiêu đốt. Nhưng lần này tôi không trả lời. Khi đó, tôi thấy ông ta nhổm lên, rồi lại ngồi xuống và đưa tay chải tóc, rồi tì khuỷu tay lên bàn, chúi người về phía tôi với vẻ lạ lùng: “Tại sao, tại sao anh lại bắn vào một kẻ đã ngã xuống đất?” Tôi vẫn im lặng. Quan tòa đưa hai tay vuốt trán và nhắc lại câu hỏi với giọng hơi lạc đi: “Vì sao? Anh phải nói với tôi. Vì sao?” Tôi vẫn lặng im.

Bỗng nhiên quan tòa đứng dậy, bước những bước dài về phía cuối phòng làm việc và mở ra một ngăn của chiếc cặp đựng hồ sơ. Ông ta lấy ra một cây thánh giá bằng bạc rồi quay lại và giơ ra trước mặt tôi. Và bằng cái giọng hơi lạc đi, gần như run rẩy, ông ta kêu lên: “Anh có biết cái gì đây không, cái này này?” Tôi nói: “Có, tất nhiên.” Khi đó ông ấy nói rất nhanh và đầy biểu cảm rằng ông ấy tin vào Chúa, và tin rằng không ai phạm tội đến mức Chúa không thể tha thứ, nhưng muốn được tha thứ thì phải sám hối và trước Chúa phải trở thành một đứa trẻ với linh hồn trong trắng sẵn sàng tiếp nhận bất kỳ điều gì. Ông ấy gần như nằm rạp xuống bàn, giơ cây thánh giá gần sát vào mặt tôi. Nói thật tình, tôi khó có thể thấu hiểu cách lý giải của ông ta, một phần vì trời nóng và trong phòng ông ta có những con ruồi to cứ đậu lên mặt tôi, và vì ông ấy làm tôi hơi sợ. Nhưng đồng thời, tôi lại cũng thấy buồn cười vì dù sao tôi cũng là tội phạm. Trong khi đó, ông ấy vẫn tiếp tục nói. Tôi hơi hiểu được rằng theo ý kiến ông ấy thì trong lời khai của tôi có một điểm chưa rõ ràng, đó là việc tôi chờ một lúc mới bắn tiếp. Phần còn lại là rõ ràng, nhưng riêng cái đó thì ông ấy không hiểu.

Tôi bắt đầu nói với ông ấy rằng cố xoáy vào chỗ đó là không đúng, vì nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhưng ông ấy ngắt lời tôi và thử khích lệ tôi lần cuối. Ông ấy đứng thẳng người và hỏi tôi có tin Chúa không. Tôi nói không. Ông ấy bực tức ngồi phịch xuống. Ông ấy bảo rằng không thể thế được, rằng mọi người đều tin Chúa, ngay cả những người đã chối bỏ Ngài. Đó là niềm tin của ông ấy, và nếu ông ấy nghi ngờ thì đời ông ấy không còn ý nghĩa gì. “Chẳng lẽ, ông ấy phân bua, chẳng lẽ anh muốn đời tôi mất ý nghĩa hay sao?” Tôi thấy tôi không quan tâm đến chuyện đó, và tôi nói thế với ông ấy. Thế là ông ấy nằm rạp xuống bàn, giơ cây thánh giá vào sát mặt tôi mà kêu lên một cách tức tối: “Tôi là người thiên chúa giáo. Tôi cầu xin Chúa tha tội cho anh. Làm sao anh có thể không tin rằng Ngài đau khổ vì anh?” Tôi nhận thấy ông ấy thương tôi, nhưng tôi không muốn nghe ông ấy nói nữa. Trời thì ngày một nóng thêm. Vẫn như mọi khi, mồi lần tôi muốn thoát khỏi một người mà tôi không muốn nghe, tôi lại tỏ vẻ tán thưởng. Và thật bất ngờ, ông ấy reo lên sung sướng: “Đấy đấy, anh thấy đấy – ông ấy nói. – Đúng là anh tin mà, và anh gửi gắm số phận anh cho Chúa, đúng không?” Chắc lúc đó tôi lại nói “không”, vì thấy ông ta rơi phịch xuống ghế.

Ông ấy có vẻ rất mệt. Ông ta im lặng một lúc, trong khi cái máy chữ luôn theo sát câu chuyện đang gõ tiếp vài câu cuối. Rồi ông ta nhìn tôi với vẻ hơi buồn. Ông ta lẩm bẩm: “Tôi chưa hề gặp một linh hồn nào bướng bỉnh như anh. Những kẻ phạm tội khác lúc đối diện với tôi đều phải khóc khi nhìn thấy biểu tượng của sự khổ đau này.” Tôi đã định nói với ông ta rằng đó là vì bọn họ là tội phạm, nhưng lại chợt nghĩ rằng tôi cũng giống như bọn họ. Tuy thế, tôi không thể quen với ý nghĩ đó được. Lúc đó, quan tòa đứng dậy, như muốn ra dấu với tôi rằng cuộc thẩm vấn đã kết thúc. Ông ta chỉ hỏi thêm, vẫn với vẻ hơi buồn, là tôi có hối hận vì hành động của mình hay không. Tôi nghĩ ngợi rồi nói là tôi có thấy tiếc, nhưng thấy chán nhiều hơn. Nhưng tôi cảm thấy ông ấy không hiểu ý tôi. Có điều ngày hôm đó mọi sự đã không đi xa hơn.

Sau lần đó, tôi còn gặp viên dự thẩm nhiều lần nữa, nhưng đều có luật sư đi kèm. Cả hai đều muốn tôi làm rõ thêm một số chi tiết trong những lời khai trước đây. Họ cũng tranh luận về việc luận tội tôi. Nhưng những khi đó thì thực ra họ không quan tâm đến tôi. Rồi giọng điệu thẩm vấn cũng thay đổi dần. Tôi cảm thấy viên dự thẩm không để ý gì đến tôi nữa, và xếp trường hợp của tôi vào một loại nào đó. Ông ấy không còn nói với tôi về Chúa nữa, và tôi cũng không thấy lại ông ta trong trạng thái xúc động như ngày đầu. Kết quả là những cuộc trao đổi trở nên thân tình hơn. Thêm vài câu hỏi, thêm chút chuyện trò với luật sư của tôi, và việc thẩm vấn kết thúc. Vụ việc của tôi diễn ra đúng bài bản, theo cách nói của vị quan tòa. Cũng có vài lần câu chuyện diễn ra chung chung, và ba chúng tôi cùng trao đổi. Tôi thậm chí thấy khá thoải mái. Vào những lúc như vậy, họ không hề tỏ ra ghét tôi. Mọi việc diễn ra thật tự nhiên, thật đúng mực và từ tốn, làm tôi cảm thấy như ở trong không khí gia đình. Và sau mười một tháng thẩm cứu, tôi có thể nói rằng tôi ngạc nhiên vì nhận ra rằng tôi chưa bao giờ có được điều gì vui như những giây phút hiếm hoi đó, khi vị quan tòa tiễn tôi ra cửa và vỗ vai tôi mà nói với vẻ thân mật: “Hôm nay thế là đủ rồi, anh bạn phản Chúa ạ.” Sau đó thì người ta giao tôi cho cai ngục.

Bình luận