Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kẻ Xa Lạ

Chương 8

Tác giả: Albert Camus

Có những điều mà tôi không bao giờ muốn nói đến. Khi tôi vào tù, sau ít ngày, tôi hiểu rằng đây là đoạn đời mà tôi không muốn kể lại.

Một thời gian sau, tôi lại thấy những điều ghê sợ trong tù không có gì thật nghiêm trọng. Thực ra thì trong những ngày đầu tiên tôi không hẳn là ở tù: tôi mơ hồ chờ đợi một điều gì đó mới lạ. Mọi việc chỉ thực sự bắt đầu sau chuyến thăm nom đầu tiên và cuối cùng của Marie. Từ ngày tôi nhận được thư cô ấy, trong đó cô ấy nói rằng người ta không cho cô ấy đến nữa, vì cô ấy không phải vợ tôi, đúng từ hôm đó, tôi thực sự cảm thấy cô đơn trong tù và đời tôi đã chấm dứt. Trong cái ngày tôi bị bắt, người ta nhốt tôi trong một phòng có nhiều phạm nhân, đa số là người A rập. Bọn họ không thèm nhìn tôi. Nhưng rồi họ cũng hỏi tôi đã làm gì. Tôi nói tôi đã giết một người A rập, và họ không nói gì. Một lát sau thì trời tối. Những người trong phòng bảo tôi cách trải chiếu để nằm ngủ. Nếu cuộn một đầu chiếu lại thì có thể tạo thành một chiếc gối dài. Suốt cả đêm, lũ rệp bò trên mặt tôi. Mấy ngày sau thì người ta biệt giam tôi trong một phòng, và tôi ngủ trên phản gỗ. Phương tiện vệ sinh là một cái chậu gỗ và một thùng sắt. Nhà tù ở rìa thành phố, và từ cửa sổ tôi có thể nhìn thấy biển. Một hôm, khi tôi đang bám vào song sắt thì cai ngục đi vào và bảo tôi có khách. Tôi đoán đó là Marie. Và đúng là cô ấy.

Người ta dẫn tôi đến phòng gặp người thăm viếng dọc theo một hành lang dài, rồi đi theo cầu thang, sau đó lại đến một hành lang khác. Tôi bước vào một gian phòng rộng có ô thoáng to. Gian phòng được ngăn thành ba phần bởi hai bức ngăn lớn đặt dọc theo chiều dài của phòng. Giữa hai tấm ngăn là khoảng trống rộng cỡ tám đến mười mét, ngăn cách người đến thăm với người tù. Tôi nhận ra Marie đối diện với tôi, với tấm áo choàng và gương mặt rám nắng. Ở phía tôi có khoảng một chục người tù, đa số là người A rập. Bên phía Marie hầu hết là các phụ nữ người Maure, hai bên cô ấy là một bà già bé nhỏ với cặp môi mím chặt, mặc đồ đen và một phụ nữ to lớn và lông lá, hoa chân múa tay nói ông ổng. Vì cách nhau quá xa, người đến thăm và người tù buộc phải nói rất to. Khi tôi đi vào, tiếng ồn dội lại từ những bức tường phẳng và ánh sáng chói mắt từ bên ngoài chiếu lên các tấm kính cửa và phản chiếu vào phòng làm tôi thấy choáng. Ở phòng giam cô quạnh nhưng yên tĩnh hơn. Tôi phải mất một lúc mới định thần được. Nhưng cuối cùng tôi cũng nhìn rõ được từng gương mặt dửng dưng trong ánh sáng ban ngày. Tôi thấy một người gác ngồi ở cuối hành lang giữa hai bức ngăn. Đa số những người A rập và người nhà đều ngồi xổm đối diện nhau. Người nhà họ không kêu khóc. Mặc dù chung quanh ồn ào, họ vẫn nói thấp giọng và vẫn nghe được nhau. Những tiếng lầm rầm giọng thấp của họ tạo ra một nền âm thanh phía trên đầu họ. Tôi nhận ra quang cảnh đó rất nhanh, rồi nhìn về phía Marie. Áp sát vào bức ngăn, cô ấy cố mỉm cười thật tươi với tôi. Tôi thấy cô ấy thật đẹp, nhưng không nói với cô ấy điều đó.

“À, anh à. Anh có mọi thứ cần thiết không?” Cô ấy hỏi thật to. “Có, đủ cả.” Tôi nói.

Chúng tôi thể hiện sự yêu thương với nhau, và Marie cười suốt. Người đàn bà to lớn thì rống lên với người đàn ông bên cạnh tôi, chắc là chồng bà ta, một người cao lớn tóc hoe và có cái nhìn chân thành. Đây là một đoạn của câu chuyện giữa họ:

“Jeanne không chấp nhận ông ta nữa”, bà to lớn quát. “Phải, phải”, ông chồng nói. “Tôi đã bảo là khi nào tôi ra tù thì tôi sẽ đưa ông ta về, nhưng bà ta không muốn chấp nhận ông ta nữa.”

Marie nói to bên cạnh bà kia là Raymond gửi lời chào tôi, và tôi nói “Cám ơn”. Nhưng tiếng của tôi bị át đi bởi câu hỏi của ông bên cạnh: “Ông ấy khỏe không?” Bà vợ cười bảo: “Ông ấy thì chẳng bao giờ khá lên được.” Còn người đàn ông bên trái tôi, một người nhỏ thó có đôi tay khẳng khiu thì không nói gì. Tôi nhận thấy người đối diện với anh ta là bà già nhỏ bé và hai người nhìn nhau chăm chú. Nhưng tôi không thể quan sát họ kỹ được, vì Marie nói với tôi là phải hy vọng. Tôi nói: “Ừ”. Lúc đó, tôi nhìn cô ấy và thèm được ôm chặt đôi vai cô ấy dưới tấm áo choàng. Tôi thèm làn da mịn màng của cô ấy và không thật hiểu có thể hy vọng gì khi không được ở bên cô ấy. Nhưng chắc chắn đó là điều Marie muốn nói, vì cô ấy cứ cười suốt. Tôi không còn thấy hàm răng trắng bóng và đường kẻ mí mắt cô ấy nữa. Rồi cô ấy lại nói to: “Anh về rồi ta cưới!” Tôi hỏi: “Em chắc không?” nhưng chỉ là để nói cho có chuyện. Cô ấy nói to và rất nhanh: “Chắc”, và nói tôi sẽ được trắng án, và chúng tôi lại sẽ đi tắm biển. Nhưng bà bên cạnh lại quát to lên, bảo ông chồng rằng bà ấy để lại cho ông ta túi đồ dùng ở chỗ phòng lục sự. Bà ấy đã đếm kỹ từng thứ mà bà ấy để lại, và ông ấy cần kiểm tra khi nhận, vì toàn thứ đắt tiền. Người bên trái và bà mẹ vẫn nhìn nhau. Tiếng lầm rầm của những người A rập vẫn tiếp diễn phía bên dưới. Bên ngoài, ánh sáng đang chiếu thẳng vào ô thoáng phía trên.

Tôi thấy hơi mệt và muốn trở về phòng giam. Tiếng ồn làm tôi khó chịu. Nhưng đồng thời, tôi cũng muốn tận hưởng sự có mặt của Marie. Tôi không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua. Marie nói với tôi về công việc của cô ấy và vẫn cười liên tục. Tiếng ồn, tiếng quát tháo, tiếng lầm rầm đan xen nhau. Nơi duy nhất im lặng là chỗ người đàn ông bé nhỏ cạnh tôi và bà mẹ già của người đó. Rồi người ta dẫn từng người A rập đi. Khi người đầu tiên đi khỏi, mọi người còn lại đều chào nhau. Bà già bé nhỏ đi sát lại song cửa, và đúng lúc đó một người gác ngục ra hiệu cho người con. Anh ta nói: “Mẹ về nhé”, và bà giơ tay qua song cửa vẫy con trai một lúc lâu.

Bà đi ra trong khi một người đàn ông tay cầm mũ đi vào và ngồi vào chỗ của bà. Người ta cũng dẫn vào một người tù khác, và hai người bắt đầu nói chuyện rất hăng, nhưng nói nhỏ, vì khi đó trong phòng rất im lặng. Người ta đến tìm người bên phải tôi, và bà vợ ông ta tiếp tục nói to, dường như bà ta không nhận thấy rằng không cần phải hét lên nữa: “Chú ý giữ sức khỏe anh nhé.” Rồi đến lượt tôi. Marie làm hiệu như hôn tôi. Tôi quay mặt rồi bước đi. Cô ấy vẫn ngồi im, mặt ép sát vào bức ngăn, miệng vẫn cười, nụ cười vừa tươi vừa cau có.

Mấy hôm sau, cô ấy viết thư cho tôi. Và từ lúc đó bắt đầu xảy ra những điều mà tôi không muốn kể lại. Dù sao thì cũng không cần phóng đại lên, và điều đó đối với tôi dễ dàng hơn đối với những người khác. Tuy vậy, từ khi tôi bị tống giam tới giờ thì điều khó chịu nhất đối với tôi là tôi luôn nghĩ giống như người đang được tự do. Chẳng hạn, tôi vẫn muốn được ở trên bãi biển và xuống nước tắm. Trong khi hình dung ra sóng biển đang vỗ vào gan bàn chân, toàn thân ngập trong nước, và thấy mình được giải thoát, thì tự nhiên thấy phòng giam co hẹp lại. Tình trạng đó kéo dài mấy tháng. Tiếp sau đó, tôi lại luôn có ý nghĩ của tên tù. Tôi chờ đến giờ đi dạo ở ngoài sân hoặc mong luật sư đến thăm. Thời gian còn lại, tôi thu xếp khá ổn. Vào những lúc như vậy, tôi thường nghĩ là nếu người ta cho tôi sống trong một thân cây khô, và không có việc gì khác ngoài việc nhìn bầu trời qua một cái khe nhỏ, thì tôi cũng sẽ quen. Tôi sẽ mong có những bóng chim hay những đám mây trôi ngang qua, giống như bây giờ tôi mong nhìn thấy những cái cà-vạt khác thường của vị luật sư, và giống như trong một thế giới khác, tôi sẽ chờ đến thứ bảy để được ôm Marie. Nhưng khi nghĩ kỹ thì tôi nhớ ra mình không ở trong thân cây khô. Còn có những người bất hạnh hơn cả tôi. Đó cũng là ý nghĩ của mẹ tôi, và bà hay nhắc đi nhắc lại rằng cuối cùng thì người ta sẽ quen với mọi thứ.

Trong những tháng ngày còn lại, tôi sống không khác người bình thường mấy. Những tháng đầu thì thực sự khó khăn. Nhưng chính những cố gắng mà tôi buộc phải thực hiện đã giúp tôi vượt qua được. Chẳng hạn, tôi đã phải chịu đau đớn vì ham muốn đàn bà. Điều đó thật tự nhiên, vì tôi còn trẻ. Nhưng tôi không bao giờ nghĩ quá nhiều về Marie. Tôi nghĩ về một người đàn bà nào đó, về tất cả những người đàn bà mà tôi đã quen biết, về những tình huống đã dẫn đến quan hệ, và cái phòng giam chật hẹp của tôi đầy những gương mặt đàn bà, đầy những ham muốn của tôi. Điều đó làm tôi không được yên. Nhưng mặt khác, nó giúp tôi giết thời gian. Cuối cùng, tôi đã chiếm được cảm tình của viên chánh cai ngục, người hay đến cùng anh chàng đầu bếp khi đi phát khẩu phần ăn. Ông ta nói chuyện với tôi về đàn bà. Ông ta bảo đó là vấn đề đầu tiên mà mọi người đều kêu ca. Tôi nói với ông ta rằng tôi cũng như họ thôi, và việc đối xử với chúng tôi như thế là bất công. “Nhưng – ông ta nói – trong tù thì phải thế thôi.” “Sao lại thế?” “À, vì cái tự do ấy. Các anh bị tước đoạt tự do.” Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Tôi hỏi lại ông ta: “Đó là hình phạt phải không?” Tôi hỏi. “Đúng. Anh hiểu đúng đấy. Những người khác thì không. Nhưng rồi họ cũng phải chịu.” Vị cai ngục nói và đi khỏi.

Trong tù cũng được hút thuốc. Khi tôi mới vào, người ta lấy của tôi dây lưng, dây giày, cà-vạt và mọi thứ tôi có trong túi, kể cả thuốc lá. Một lần, tôi yêu cầu trả lại. Nhưng người ta bảo điều đó không được phép. Mấy ngày đầu thật nặng nề. Có lẽ đó chính là điều làm tôi suy sụp nhiều hơn cả. Tôi phải hút khói những mẩu gỗ mà tôi bóc ra từ tấm phản. Cả ngày, lúc nào tôi cũng thấy buồn nôn. Tôi không hiểu tại sao người ta lại tước đi của tôi cái thứ không gây hại cho ai. Sau này, tôi hiểu rằng đó là một phần của hình phạt. Nhưng khi đó thì tôi đã quen với việc không được hút thuốc, và nó không còn là hình phạt với tôi nữa.

Trừ vài điều khó chịu, còn nói chung tôi không quá đau buồn. Toàn bộ vấn đề là biết cách giết thời gian. Tôi mất hẳn được cảm giác buồn chán khi bắt đầu tập hồi tưởng. Có những khi tôi thấy mình đang nghĩ về phòng ở, và trong tâm tưởng, tôi từ góc phòng đi ra, vừa đi vừa kiểm các đồ vật mà tôi thấy. Ban đầu thì tôi kiểm rất nhanh. Nhưng cứ mỗi lần sau thì sự việc lại diễn ra chậm hơn, vì tôi nhớ lại từng thứ đồ gỗ, rồi đến từng đồ vật giữa các đồ gỗ đó, và từng chi tiết giữa chúng cũng như trên chúng, nhớ lại mỗi nét khảm, mỗi vết nứt hay mỗi chỗ sứt mép, màu sắc và bề mặt của chúng. Đồng thời, tôi cố không để mất sợi chỉ xuyên suốt việc kiểm kê, để thực hiện một sự liệt kê thật đầy đủ. Sau vài tuần, tôi đã có thể đi hàng giờ trong phòng, xem xét từng thứ trong đó. Sau khi đã lục lại tất cả những thứ bị bỏ sót, tôi ra khỏi việc hồi tưởng. Khi đó, tôi hiểu rằng một người chỉ cần thực sự trải qua một ngày thì có thể dễ dàng sống một trăm năm trong một nhà tù. Chỉ cần ngồi hồi tưởng lại là đã không thấy chán. Theo nghĩa nào đó thì đó là một lợi ích của việc ngồi tù.

Sau đó thì tôi ngủ. Ban đầu, ngay cả về đêm tôi cũng ngủ kém, còn ban ngày thì không ngủ tí nào. Nhưng dần dà, đêm tôi ngủ rất ngon giấc, rồi ngủ cả ban ngày. Có thể nói trong những tháng cuối thì tôi ngủ từ mười sáu đến mười tám tiếng mỗi ngày. Như vậy chỉ còn sáu tiếng để giết thời gian vào những việc như ăn uống, giải quyết nhu cầu tự nhiên, những hồi tưởng và câu chuyện về một người Czech.

Giữa tấm đệm rơm và cái phản gỗ, tôi tìm được một mẩu báo cũ đã ngả màu vàng và trở nên gần như trong suốt, được dán vào một mảnh vải. Nó nói về một sự kiện mà phần đầu không còn, nhưng chắc là xảy ra ở Czechoslovakia. Một chàng trai rời làng để đi lập nghiệp. Sau hai lăm năm, khi đã giàu có, người đàn ông trở về cùng với vợ và con trai. Mẹ và chị gái ông ta hiện đang kinh doanh khách sạn ở quê nhà. Để gây bất ngờ cho họ, người đàn ông để vợ con ở một nơi rồi về gặp mẹ. Bà mẹ không nhận ra con trai mình khi ông ta đi vào. Để đùa vui, ông ta quyết định thuê một phòng. Ông ta đưa tiền ra. Đêm đến, mẹ và chị gái ông ta đã dùng búa giết ông ta, lấy tiền rồi quăng xác ông ta xuống sông. Sáng ra, người vợ đến và cho biết người khách tối hôm qua là ai. Bà mẹ liền tự treo cổ, còn người chị gái thì đâm đầu xuống giếng. Tôi đọc câu chuyện đó đến hàng nghìn lượt. Tôi vừa thấy câu chuyện khó tin, lại vừa thấy diễn biến tự nhiên. Tôi thấy dù sao người đàn ông này ít nhiều cũng đáng phải chịu hậu quả, và không bao giờ nên bày trò như vậy.

Cứ thế, với những giờ ngủ, hồi tưởng, đọc câu chuyện và sự luân chuyển của ánh sáng và bóng tối, thời gian trôi đi. Tôi đã đọc ở đâu đó, rằng trong tù thì cuối cùng người ta cũng mất cảm giác về thời gian. Nhưng việc đó chẳng có ý nghĩa gì lắm với tôi. Tôi không thật hiểu vì sao ngày trời lại có thể vừa ngắn vừa dài. Sống từng ngày thì thấy dài thật, nhưng chúng còn kéo dài đến mức ngày nọ tràn sang ngày kia. Cho nên ngày đâu còn tên gọi nữa. Với tôi thì chỉ những từ “hôm qua” và “ngày mai” là còn có nghĩa.

Một hôm, người gác ngục nói với tôi rằng tôi đã ở tù được năm tháng, tôi nghĩ vậy, nhưng lúc đó tôi không hiểu. Đối với tôi, vẫn là một ngày lặp đi lặp lại trong phòng giam, và một công việc mà tôi theo đuổi. Cái ngày đó, sau khi người gác đi khỏi, tôi soi mặt mình trong cái cà-mèn sắt. Tôi cảm thấy vẻ mặt tôi trong đó quá nghiêm trang, ngay cả khi tôi cố mỉm cười. Tôi nghiêng đi nghiêng lại cái cà-mèn trước mặt tôi. Tôi cười, nhưng cái bóng vẫn cau có và buồn. Ngày kết thúc, và đến cái giờ mà tôi không muốn nói đến, giờ không tên, lúc những tiếng động của buổi tối dội lên mọi tầng của khu nhà tù vắng lặng. Tôi đi lại bên lỗ thoáng có kính, và trong ánh sáng cuối ngày, tôi ngắm nhìn hình mình. Nó vẫn có vẻ quá nghiêm trang, và tôi thật sự ngạc nhiên vì chẳng lẽ nó chính là tôi? Nhưng cũng chính vào lúc đó, từ sáu tháng qua, tôi nghe thấy rõ ràng tiếng tôi nói. Tôi nhận ra nó theo cái tiếng vẫn vang lên trong tai tôi và tôi hiểu rằng trong suốt thời gian đó tôi đã nói một mình. Tôi cũng nhớ lại điều mà bà y tá trưởng nói trong lễ an táng mẹ tôi. Không, không có lối thoát nào, và không ai hình dung được những buổi tối trong tù nó như thế nào.

Bình luận
× sticky