Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Kẻ Xa Lạ

Chương 11

Tác giả: Albert Camus

Lần thứ ba tôi từ chối linh mục. Tôi không có gì để nói với ông ta, cũng không muốn nói, mà đằng nào thì cũng sắp gặp ông ta. Điều tôi quan tâm khi đó là làm sao thoát khỏi máy chém, liệu có thể có lối thoát nào hay không. Người ta đã chuyển tôi sang phòng giam khác. Tại đây, khi nằm duỗi dài, tôi nhìn thấy bầu trời và không gì khác. Ngày nào tôi cũng chỉ nhìn thấy trên đó những màu sắc tối dần khi ngày tàn và đêm đến. Khi chuẩn bị ngủ, tôi đưa hai tay xuống dưới gáy và nằm chờ. Tôi không nhớ đã bao lần tự hỏi liệu đã có trường hợp nào bị khép tội chết lại thoát được khỏi cỗ máy lạnh lùng sau khi giật đứt tung dây trói của cảnh sát và bỏ chạy hay chưa. Tôi tự trách mình đã không chú ý đến những câu chuyện về hành hình. Đáng lẽ phải quan tâm đến những vấn đề như vậy. Người ta đâu biết được điều gì sẽ đến. Cũng như mọi người, tôi đã đọc những chuyện viết trên báo chí. Nhưng chắc chắn có những tác phẩm đặc biệt mà tôi đã không tò mò xem đến. Ở đó có lẽ tôi đã tìm được những câu chuyện về những vụ tẩu thoát. Biết đâu tôi lại chả đọc được rằng ít nhất có một trường hợp bánh xe của cỗ máy đã dừng lại, và trong tiến trình bất khả kháng này đã xảy ra một sự tình cờ, chỉ một lần duy nhất, khi một cơ cấu gì đó bị trục trặc. Chỉ một lần! Không hiểu sao tôi nghĩ rằng thế là đủ. Trí tưởng tượng của tôi sẽ làm những việc còn lại. Báo chí hay nói về món nợ trước xã hội. Theo họ thì cần phải trả nợ. Nhưng cái đó chẳng liên quan gì đến trí tưởng tượng. Điều tôi quan tâm là khả năng thoát thân, một cú nhảy ra khỏi cái nghi lễ quái ác, một cuộc tháo chạy tạo ra mọi cơ hội để hy vọng. Tất nhiên, như thế cũng có nghĩa là hy vọng sẽ bị bắn chết ở một góc phố, khi đang cắm cổ chạy, và một viên đạn bay tới. Nhưng, nghĩ tới nghĩ lui, chẳng có gì có thể đem lại sự xa hoa đó, tất cả đều bế tắc, và cỗ máy chém sẽ tóm lấy tôi.

Mặc dù rất có thiện chí, tôi vẫn không thể nào chấp nhận được phán quyết độc đoán này. Vì rõ ràng có một sự bất tương xứng nực cười giữa bản án và hệ quả không tránh khỏi của nó bắt đầu từ thời điểm tuyên án. Việc bản án được tuyên đọc vào lúc 20 giờ thay vì 17 giờ, việc nó có thể hoàn toàn khác đi, việc nó được quyết định bởi những người ba phải, và nó được đưa ra trên cơ sở một khái niệm mập mờ là “nhân dân Pháp” (là “Đức” hay “Trung Hoa” thì có khác chi?), tất cả làm tôi cảm thấy người ta đã nghiêm trọng hóa quá đáng khi đưa ra một quyết định như vậy. Tuy nhiên, tôi buộc phải thừa nhận rằng một giây sau khi nó được tuyên, các hiệu ứng của nó đã trở nên xác định, nghiêm trọng, và làm tôi cảm nhận được rõ ràng sự tồn tại của bức tường mà tôi đang nằm dài bên cạnh.

Lúc đó, tôi nhớ lại một câu chuyện mà mẹ tôi đã kể khi nói về cha tôi. Tôi không được biết cha. Tất cả những gì tôi được biết về con người đó có lẽ là những điều mẹ tôi nói khi đó: ông đi xem xử tử một kẻ giết người. Chỉ nghĩ đến việc đó thì ông ấy đã phát ốm lên rồi. Thế nhưng sáng hôm đó ông ấy vẫn đi xem, và khi trở về thì ông ấy ói liên tục đến tận trưa. Ông ấy làm tôi thấy hơi ghê. Nhưng bây giờ thì tôi thấy điều đó là bình thường. Làm sao mà tôi lại không thấy rằng không có gì nghiêm trọng hơn việc hành hình, và nói chung đó là điều đáng lưu tâm duy nhất đối với một con người. Nếu tôi được ra khỏi nhà tù này, tôi sẽ đi xem mọi cuộc xử tử. Nghĩ đến đó, tôi thấy tội lỗi, vì khi hình dung ra mình được tự do và đứng bên đội cảnh sát vào một buổi sáng nào đó, và nghĩ được đến việc xem xử tử, để sau đó ói mửa, một niềm vui độc địa dâng lên trong tim tôi. Nhưng điều đó thật vô lý. Tôi thấy thật xấu xa khi tự cho phép tưởng tượng ra những điều như vậy, và chỉ một lát sau tôi thấy lạnh đến mức phải co quắp người lại dưới tấm mền, hai hàm răng khua lập cập.

Nhưng tất nhiên người ta không thể lúc nào cũng có lý được. Có lúc tôi đưa ra những dự luật. Tôi thực hiện cải cách hình phạt. Tôi nhận thấy rằng điều cốt lõi là tạo cơ hội cho kẻ bị xét xử. Chỉ cần một trong một ngàn trường hợp là đủ để cải thiện tình hình. Tôi cảm thấy người ta có thể tìm một hợp chất hóa học mà khi đưa vào cơ thể thì nó sẽ giết chết chín trong số mười đương sự (tôi nghĩ nên gọi là đương sự). Nhưng đương sự phải hiểu rõ điều đó. Vì khi đã nghĩ kỹ, đã bình tĩnh xem xét mọi việc, tôi thấy rằng máy chém có cái dở là không cho đương sự cơ hội nào, tuyệt đối không. Trong mọi trường hợp thì cái chết của đương sự đã được định đoạt. Đó là một vụ đã được sắp xếp, một tiến trình đã được định đoạt, một sự thỏa thuận đã được dàn xếp mà trong đó không có vấn đề xem xét lại. Nếu chẳng may nhát chém không thành công, người ta sẽ làm lại. Khi đó thì kẻ bị hành quyết chắc phải hy vọng là bây giờ thì cỗ máy sẽ vận hành tốt. Tôi nói đó là khía cạnh tồi tệ. Theo nghĩa nào đó thì điều này đúng. Nhưng theo nghĩa khác thì tôi buộc phải thừa nhận rằng toàn bộ bí mật của việc tổ chức tốt là ở đó. Nói ngắn gọn thì kẻ bị hành quyết buộc phải hợp tác về mặt đạo đức. Y phải quan tâm sao cho mọi thứ vận hành trơn tru.

Tôi cũng buộc phải nhận ra rằng cho đến giờ thì đối với tất cả những vấn đề như vậy tôi đều có những ý nghĩ không thật đúng đắn. Đã từ lâu, tôi cho rằng – và không hiểu tại sao – rằng để đưa đầu vào máy chém thì cần phải bước lên các bậc của đoạn đầu đài. Tôi cho rằng đó là do Cách mạng 1789, tôi muốn nói là do tất cả những gì tôi được biết về những chuyện như vậy. Nhưng vào một buổi sáng, tôi nhớ lại một bức hình được báo chí công bố nhân một vụ xử tử gây chấn động. Trên thực tế, máy chém được đặt ngay trên mặt đất, theo cách đơn giản nhất trên đời. Nó nhỏ hơn nhiều so với tôi nghĩ. Tôi thấy hơi lạ là sao lại không nhớ như thế. Cái thứ máy này làm tôi bị choáng vì sự tinh xảo và ánh kim sáng quắc. Người ta thường hay nghĩ quá lên về những gì chưa biết. Tôi phải biết một điều ngược lại là mọi thứ đều đơn giản: cỗ máy cao vừa đúng bằng cái người bị xử trảm. Người đó đi tới cái máy giống như đi gặp một ai đó. Việc đó thật buồn chán. Đi lên đoạn đầu đài, in bóng lên nền trời, trí tưởng tượng còn được dịp hoạt động. Tuy vậy, cái cỗ máy đó sẽ xóa hết mọi thứ: người ta sẽ chết tức khắc, với một chút hổ thẹn và một sự chính xác tuyệt đối.

Có hai thứ mà tôi nghĩ đến liên tục: ánh bình minh và việc kháng án. Nhưng tôi cố không nghĩ đến chúng. Tôi nằm dài, nhìn trời và cố làm mình vui lên. Bầu trời xanh dần, rồi tối lại. Tôi cố thêm một lần để xua đuổi những ý nghĩ. Tôi lắng nghe tim mình đập. Tôi không thể nghĩ được rằng cái tiếng động luôn bám theo tôi từ bao lâu nay lại có thể chấm dứt. Tôi không bao giờ có được sự hình dung rõ ràng. Tôi cố tập trung để có lấy một vài giây khi không còn nghe tiếng tim đập vọng lên đầu nữa. Nhưng không được. Ánh bình minh và ý nghĩ về kháng án vẫn bám lấy tôi. Tôi đành tự nhủ rằng hợp lý nhất là đừng chống lại bản thân mình.

Cứ bình minh đến là chúng lại quay lại, tôi biết thế. Nói đúng ra thì về đêm tôi luôn chờ đợi bình minh. Tôi không bao giờ thích điều gì bất ngờ. Khi một điều gì đó đến, tôi muốn mình đã sẵn sàng. Đó là lý do vì sao tôi quyết định ban ngày ngủ ít đi, còn suốt đêm thì kiên nhẫn chờ ánh sáng hiện dần ra trên nền trời. Khó khăn nhất là lúc tôi biết rằng chúng lại vận hành như thường lệ. Nửa đêm trôi qua, tôi chờ đợi và rình rập. Trước đây tai tôi chưa bao giờ cảm nhận và phân biệt được những tiếng động nhỏ như vậy. Tôi còn có thể nói rằng bằng cách nào đó tôi đã có được dịp may trong suốt thời gian đó, vì tôi chưa bao giờ nghe được tiếng chân đi. Mẹ tôi thường nói rằng con người ta không bao giờ chỉ có bất hạnh. Tôi thể nghiệm điều đó trong nhà tù, khi bầu trời sáng lên những sắc màu, và một ngày mới ùa vào phòng giam của tôi. Vì rằng tôi có thể nghe được tiếng bước chân và trái tim tôi đập rộn lên. Chỉ một tiếng sột soạt cũng đủ làm tôi lao ra cửa, dán tai vào cánh cửa gỗ, chờ đợi miết cho đến khi chỉ nghe thấy hơi thở của chính mình, sợ hãi vì thấy nó khó nghe, giống như tiếng thở của một con chó, cuối cùng thì nhận ra tim tôi không đập rộn rịp nữa, và tôi đã trải qua trót lọt hai tư giờ.

Suốt ngày tôi nghĩ đến kháng án. Tôi cho rằng tôi đã được lợi nhiều vì ý nghĩ này. Tôi tính toán những khả năng của mình và nhận được từ sự suy xét đó một kết quả tốt nhất. Tôi luôn nêu ra giả thiết tồi tệ nhất: đơn kháng án của tôi bị bác. “Tốt thôi, tôi sẽ chết.” Điều đó rõ ràng hơn bất cứ thứ gì. Nhưng ai mà chả biết cuộc đời có gì đáng để sống lắm đâu. Trong thâm tâm, tôi biết rằng chết ở tuổi ba mươi hay sáu mươi không quan trọng lắm, vì cố nhiên là trong cả hai trường hợp thì đều có những người đàn ông và đàn bà khác sống tiếp, và cứ thế hàng ngàn năm. Nói chung chẳng có gì rõ hơn. Bao giờ thì kẻ chết cũng là tôi, dù là bây giờ hay hai mươi năm sau. Vào lúc này thì điều làm tôi hơi khó chịu là sự xốn xang ghê gớm mà tôi cảm thấy trong tôi khi nghĩ về hai mươi năm sắp tới trong đời. Tôi thấy ngột ngạt khi hình dung ra những ý nghĩ sẽ đến trong hai mươi năm đó. Khi đã chết thì chết ra sao hay chết khi nào, rõ ràng đều không quan trọng. Như vậy, (và cái khó là không để tuột khỏi tầm nhìn tất cả những thứ mà cái “như vậy” này liên quan đến trong các lý giải), như vậy, tôi cần phải chấp nhận việc bác đơn kháng cáo.

Lúc này, và chỉ lúc này thôi, có thể nói là tôi có quyền cho phép mình tiếp cận giả thuyết thứ hai theo một kiểu nào đó: tôi được đặc xá. Khi đó thì điều đáng ngại là phải kìm bớt cơn phấn khích dữ dội trào lên trong huyết quản và trong toàn bộ cơ thể. Tôi phải cố để không kêu lên quá to, để kêu vừa phải thôi. Tôi cần giữ mình bình thường khi nghĩ đến giả thuyết này, để tỏ ra đúng mực khi bỏ giả thuyết thứ nhất. Làm được như vậy, tôi sẽ có được thời khắc bình yên. Tất cả những thứ đó cần được xem xét kỹ.

Trong một thời điểm tương tự, tôi đã một lần nữa từ chối gặp cha tuyên úy. Tôi nằm dài nhìn khoảng trời vàng úa và cố đoán xem sắp tối chưa. Tôi cố xua đuổi ý nghĩ về đơn kháng cáo và cảm thấy máu chảy rần rật trong người. Tôi không bao giờ cần gặp linh mục. Lần đầu tiên sau một thời gian dài, tôi nghĩ đến Marie. Đã từ lâu cô ấy không viết thư cho tôi nữa. Tối hôm đó, tôi nghĩ ngợi và tự nhủ rằng cô ấy chắc đã mệt mỏi vì phải làm bồ của kẻ tử tù. Tôi cũng nghĩ rằng có thể cô ấy ngã bệnh hoặc đã chết. Ý nghĩ đó đến cũng là bình thường. Làm sao tôi có thể nghĩ khác đi khi hai con người bây giờ đã xa cách, không có gì liên kết chúng tôi với nhau và gợi cho chúng tôi nhớ về nhau. Từ lúc đó, ký ức về Marie không còn ý nghĩa đối với tôi. Khi đã chết thì cô ấy không còn làm tôi bận tâm nữa. Tôi thấy như thế là bình thường vì hiểu rất rõ rằng mọi người cũng sẽ quên tôi sau khi tôi chết. Họ không còn gì để làm đối với tôi nữa. Tôi thậm chí không thể nói rằng nghĩ như thế thì buồn.

Đúng vào lúc đó thì cha tuyên úy đi vào. Nhìn thấy ông ta, người tôi hơi run lên. Ông ta nhận thấy thế và bảo tôi đừng sợ. Tôi bảo ông ta rằng đó là thói quen. Ông ta trả lời rằng đây là chuyến thăm viếng thân tình, không liên quan đến lá đơn kháng án mà ông ta không biết đến. Ông ta ngồi lên chiếc ghế nằm của tôi và bảo tôi xích lại gần. Tôi từ chối. Tuy nhiên, tôi thấy ông ta có vẻ rất nhã nhặn.

Ông ta ngồi một lúc, hai tay chống lên đầu gối, đầu hơi cúi, mắt nhìn xuống tay. Hai bàn tay ông ta gầy nhưng chắc khỏe, làm tôi nghĩ đến hai con thú nhanh nhẹn. Ông ta khẽ xát tay nọ vào tay kia. Trong khi đó, đầu ông ta vẫn cúi xuống. Tôi nhìn ông ta khá lâu, và có lúc bỗng quên ông ta đi.

Nhưng bỗng ông ta ngẩng lên và nhìn thẳng vào mắt tôi: “Vì sao – ông ta nói – anh không chấp nhận để ta đến thăm?” Tôi trả lời rằng tôi không tin vào Chúa. Ông ấy muốn biết tôi có tin chắc không, và tôi nói rằng tôi không có gì để xin ông ấy; tôi cảm thấy vấn đề đó không quan trọng. Rồi ông ấy lùi lại và tựa lưng vào tường, hai tay buông thõng xuống đùi. Với vẻ không định nói gì thêm với tôi, ông ta vẫn nhận xét rằng nhiều người tưởng mình tin như thế nhưng thực ra thì không. Tôi không nói gì. Ông ta nhìn tôi rồi hỏi: “Anh nghĩ sao?” Tôi trả lời là có thể như vậy. Cũng có thể tôi không chắc tôi thực sự quan tâm đến điều gì, nhưng tôi biết chắc tôi không quan tâm đến cái gì. Và chắc chắn cái mà ông ta nói đến thì tôi không quan tâm.

Ông ta quay nhìn sang hướng khác, và, vẫn ngồi nguyên tại chỗ, ông ta hỏi tôi liệu tôi nói thế có phải vì tuyệt vọng không. Tôi nói với ông ta rằng tôi không tuyệt vọng. Tôi chỉ thấy sợ, và điều đó là tự nhiên thôi. “Thế thì Chúa sẽ giúp anh – linh mục nói. – Tất cả những người ta biết trong trường hợp giống như anh đều trở về với Ngài.” Tôi thừa nhận rằng họ có quyền làm như vậy. Điều đó cũng chứng tỏ họ có thời gian. Còn tôi, tôi không muốn ai giúp tôi, vì tôi thực sự không có thời gian để quan tâm đến những gì không thể làm tôi quan tâm.

Lúc đó, ông ta giơ hai tay làm một động tác tỏ ra khó chịu, nhưng ông ta quay lại và vuốt lại nếp áo choàng. Sau đó, ông ta nói tiếp với tôi và gọi tôi là “anh bạn”. Ông ta bảo ông ta nói thế không phải vì tôi phải chịu án tử hình; theo ông ta thì tất cả chúng ta đều chịu án tử hình. Nhưng tôi ngắt lời ông ta và nói rằng đó là việc khác, và rằng dù sao thì đó cũng không phải sự an ủi đối với tôi. “Tất nhiên, – ông ấy tỏ vẻ đồng ý. – Nhưng nếu anh không chết hôm nay thì sau này cũng chết. Mà vấn đề đặt ra thì vẫn vậy. Anh sẽ tiếp nhận nỗi đau này ra sao?” Tôi trả lời rằng tôi sẽ tiếp nhận nó hệt như đang tiếp nhận bây giờ.

Ông ta đứng dậy và nhìn thẳng vào mắt tôi. Đó là cái trò mà tôi biết rất rõ. Nói chung, tôi thấy thú vị khi Emmanuel hoặc Céleste phải quay đi nhìn chỗ khác. Vị linh mục cũng biết trò chơi này, và tôi thấy ngay: ánh mắt ông ta không run rẩy. Và giọng nói của ông ta cũng không còn run rẩy khi ông ta nói: “Như vậy là anh không còn một chút hy vọng nào và anh sống với ý nghĩ rằng anh sẽ chết hoàn toàn?” – “Phải”, tôi trả lời.

Lúc đó, ông ta cúi đầu xuống và tỏ ra bình tĩnh lại. Ông ta bảo ông ta thương hại tôi. Ông ta thừa nhận không thể giúp gì cho một con người như tôi. Còn tôi, tôi chỉ cảm thấy ông ta bắt đầu làm tôi chán. Đến lượt tôi quay đi và bước đến chỗ ô thoáng. Tôi tựa vai vào tường. Không nhìn ông ta, tôi vẫn thấy ông ta lại sắp hỏi tôi. Ông ta nói với giọng lo lắng và lắp bắp. Tôi hiểu rằng ông ta đang xúc động, và tôi chăm chú nghe.

Ông ta đoan chắc rằng đơn kháng án của tôi sẽ được chấp nhận, nhưng tôi mang theo gánh nặng tội lỗi cần trút bỏ. Theo ông ta, công lý của con người không hề là công lý của Chúa. Tôi lưu ý ông ta rằng kẻ kết án tôi là con người. Ông ta bảo nhưng việc kết án không rửa sạch tội lỗi cho tôi. Tôi bảo ông ta tôi không biết thứ tội lỗi ông ta nói đến là gì. Người ta chỉ bảo tôi rằng tôi phạm pháp. Tôi phạm pháp, tôi phải trả giá, và không thể đòi hỏi điều gì hơn ở tôi. Lúc đó, ông ta lại đứng dậy, và tôi nghĩ rằng trong cái buồng giam chật hẹp như thế, nếu muốn thay đổi tư thế thì chẳng có lựa chọn nào. Chỉ có thể ngồi xuống và đứng lên.

Ông ta cúi nhìn xuống nền nhà. Ông ta bước một bước lại phía tôi rồi dừng lại, có vẻ như không dám bước tiếp. Ông ta nhìn qua song sắt lên trời. “Con à, con đang tự lừa dối mình, ông ta nói, người ta có thể đòi hỏi ở con nhiều hơn thế. Và có thể người ta sẽ yêu cầu.” – “Yêu cầu gì cơ?” – “Yêu cầu gặp…” – “Gặp ai?”

Vị linh mục nhìn quanh và trả lời bằng cái giọng mà tôi cảm thấy bỗng nhiên chán ngán hẳn: “Đến đá cũng còn biết nhỏ lệ vì đau khổ, ta biết chắc như thế. Ta không bao giờ coi chúng là vô hồn. Nhưng sâu trong tim, ta biết rằng những kẻ bất hạnh nhất trong số các con cũng đã nhìn thấy gương mặt của Chúa. Đó là gương mặt mà người ta sẽ yêu cầu con phải thấy.” 

Tôi thấy hơi thú vị. Tôi nói đã nhiều tháng qua tôi chỉ được nhìn những bức tường này. Trên đời này không có ai mà tôi được nhìn kỹ hơn. Có lẽ đã từ rất lâu, tôi cố tìm kiếm một gương mặt. Nhưng gương mặt này mang màu sắc của mặt trời và lửa dục: đó là gương mặt Marie. Tôi đã tìm kiếm một cách vô vọng. Bây giờ thì điều đó đã kết thúc. Và trong mọi trường hợp, tôi chưa bao giờ thấy đá nhỏ lệ.

Vị linh mục nhìn tôi với vẻ u buồn. Bây giờ tôi đã dựa hẳn vào tường và ánh sáng ban ngày đã rõ hẳn ở phía trước. Ông ta nói điều gì đó mà tôi không nghe rõ, rồi hỏi tôi rất nhanh rằng tôi có cho phép ông ta ôm hôn tôi không. Tôi nói “Không”. Ông ta quay đi và đi lại phía bức tường rồi chậm rãi xoa xoa tay trên đó. “Thế thì hiện giờ con có yêu mảnh đất này không?” ông ta lẩm bẩm. Tôi không nói gì.

Ông ta quay đi chỗ khác một hồi lâu. Sự có mặt của ông ta làm tôi khó chịu và sốt ruột. Tôi đã định bảo ông ta đi đi, để cho tôi yên, thì chợt ông ta quay lại phía tôi và kêu tướng lên: “Không, ta không thể tin điều con nói. Ta tin rằng con mong một kiếp sống khác.” Tôi trả lời là tất nhiên, nhưng những chuyện như ham giàu, muốn bơi lặn thật giỏi hay có một cặp môi đẹp không còn quan trọng nữa. Những thứ đó vẫn theo kiểu như hiện có. Nhưng ông ta ngắt lời tôi và hỏi tôi muốn kiếp sống khác sẽ như thế nào. Tôi nói như quát: “Một kiếp sống mà tôi có thể nhớ lại kiếp này”, và bảo tôi chỉ cần có thế. Ông ấy vẫn muốn nói với tôi về Chúa, nhưng tôi đã bước lại phía ông ấy và cố giải thích lần cuối rằng tôi còn ít thời gian lắm. Tôi không muốn mất thì giờ vì Chúa. Ông ấy cố gắng thay đổi đề tài câu chuyện, và hỏi tôi vì sao tôi gọi ông ấy là “ngài” mà không gọi “cha”. Điều đó làm tôi bực mình. Tôi trả lời rằng ông ấy không phải là cha tôi; ông ấy ở phía bên kia. “Ô không, không, con à.” Ông ấy vỗ vai tôi và nói. “Ta ở phía con. Nhưng con không thấy được điều đó với đôi mắt đui mù. Ta sẽ cầu nguyện cho con.”

Khi đó tôi không biết vì sao có một cái gì đó bỗng bùng lên trong tôi. Tôi gào to hết cỡ và mắng nhiếc ông ta, bảo ông ta không cần cầu nguyện cho tôi. Tôi nắm lấy cổ áo choàng của ông ta và trút lên ông ta tất cả những thứ chứa chất trong lòng, lẫn lộn cả niềm vui và sự tức giận. Ông ta làm ra vẻ có đức tin, chẳng phải thế sao? Thế nhưng chẳng có niềm tin nào của ông ta đáng giá một sợi tóc của đàn bà. Ông ta còn không tin chắc rằng mình đang sống, vì sống mà như đã chết. Còn tôi, có vẻ như tôi chỉ có hai bàn tay trắng. Nhưng tôi tin vào chính mình, tin vào mọi thứ. Hơn hẳn ông ta, tôi tin vào sự sống và cái chết đang đến gần. Phải, tôi không có gì khác ngoài điều đó. Nhưng ít ra tôi nắm giữ sự thật đó như nó đang nắm giữ tôi. Tôi có lý, tôi vẫn còn có lý, tôi luôn luôn có lý. Bằng cách đó, tôi hiện hữu, và tôi cũng có thể sống theo cách khác. Tôi làm điều này, không làm điều kia. Tôi không làm điều này thì làm điều khác. Còn sau đó? Có vẻ như tôi đã luôn chờ đợi giây phút này và buổi bình minh khiêm nhường này khi tôi bị đem ra xử. Không có gì, không còn điều gì quan trọng, và tôi biết rõ tại sao. Ông ta cũng biết tại sao. Từ một nơi rất xa trong tương lai của tôi, dọc theo toàn bộ kiếp sống vô lý mà tôi đã trải qua này, một dòng thác mờ mịt ập tới, xuyên qua những tháng năm còn chưa đến, và dòng thác đó san bằng trên đường đi của nó mọi thứ mà người ta đã đưa đến cho tôi trong những năm tháng mà tôi đã sống nhưng không còn thực nữa. Chẳng còn gì quan trọng, từ cái chết của người khác, tình yêu của người mẹ, đến Đức Chúa của ngài linh mục, những kiếp sống mà người ta muốn có, những số phận mà người ta chọn lựa, vì chỉ đúng một số phận chọn tôi, và với tôi thì hàng tỉ những người có đặc quyền như ông ta xưng là anh em của tôi. Liệu ông ta, ông ta có hiểu không? Cả thế giới chỉ gồm những người có đặc quyền. Chỉ còn những người có đặc quyền. Những kẻ khác thì đều bị họ xử tử vào một ngày nào đó. Và chính ông ta cũng sẽ bị xét xử. Còn gì quan trọng, nếu kẻ phạm tội bị hành hình vì đã không khóc trong ngày chôn cất mẹ? Con chó của Salamano hay bà vợ ông ta thì có hơn kém gì nhau. Cô người máy cũng có tội như thiếu phụ người Paris mà Masson đã cưới hoặc Marie, người đã muốn lấy tôi. Quan trọng gì chuyện Raymond coi tôi là bạn hẩu cũng như Céleste, người còn đáng quý hơn anh ta? Quan trọng gì việc Marie hôm nay đưa môi cho một Meursault mới? Liệu ông ta có hiểu được kẻ tử tội này không, và có biết rằng từ nơi rất xa trong tương lai của tôi… Tôi thấy ngạt thở trong khi la lên tất cả những điều đó.

Nhưng người ta đã gỡ linh mục khỏi tay tôi, và lính gác cảnh cáo tôi. Nhưng vị linh mục đã bảo họ yên tâm, rồi nhìn tôi một hồi trong im lặng. Cặp mắt ông ta đẫm lệ. Rồi ông ta quay đi và ra khỏi phòng giam.

Ông ta đi khỏi, tôi thấy bình thản trở lại. Nhưng tôi thấy kiệt sức và nằm vật xuống chiếc ghế dài. Tôi nghĩ tôi đã ngủ thiếp đi, vì khi mở mắt ra thì đã thấy sao trên trời. Những âm thanh của vùng quê vọng đến tai tôi. Những mùi hương của đêm, của đất và của muối biển làm tôi cảm thấy dễ chịu ở hai bên thái dương. Không khí bình yên của mùa hè tràn vào trong tôi như một đợt thủy triều. Vào lúc đó, ở ranh giới giữa ngày và đêm, những chiếc còi tàu thủy hú lên. Chúng báo hiệu khởi hành đối với cái thế giới mà bây giờ tôi hoàn toàn không còn quan tâm nữa. Lần đầu tiên sau cả một khoảng thời gian dài, tôi nghĩ đến mẹ. Tôi cảm thấy tôi đã hiểu vì sao đến cuối đời bà lại có một vị “hôn phu”, vì sao bà định làm lại từ đầu. Ở phía đằng kia, cả phía đằng kia, quanh cái trại dưỡng lão đó, nơi những cuộc đời đang tắt dần, không gian yên lặng một cách thê lương. Khi cái chết cận kề, chắc mẹ cũng cảm thấy được giải thoát và sẵn sàng tái sinh. Dường như cơn thịnh nộ đã tẩy rửa cảm giác bất hạnh khỏi tôi; lòng tôi trống rỗng, không hy vọng. Trước cái đêm đầy sao và những dấu hiệu khác thường, lần đầu tiên tôi mở lòng mình trước sự vô tình êm ái của thế giới. Và, cảm thấy thế giới cũng giống như tôi, như anh em với tôi, tôi thấy tôi đã hạnh phúc và vẫn đang hạnh phúc. Để mọi thứ đều trọn vẹn và để cảm thấy bớt cô đơn, tôi chỉ còn mong rằng sẽ có rất nhiều người đến xem xử trảm tôi và họ sẽ thét lên những tiếng đầy căm phẫn.

Bình luận
× sticky