“Con người tư duy ra sao, bản chất anh ta làm như vậy.” Câu cách ngôn trên không chỉ nói lên toàn bộ một con người, mà còn đúng với mọi hoàn cảnh, mọi tình huống trong cuộc sống của anh ta. Thực sự, một con người chính là những gì anh ta suy nghĩ, và tính cách con người chính là tổng thể hoàn chỉnh của tư duy.
Cây nảy mầm từ hạt và không thể thiếu hạt, cũng giống như mọi hành động của con người đều bắt nguồn từ những hạt giống bí mật của tư duy, và sẽ chẳng thể diễn ra nếu thiếu đi những hạt giống này. Quy luật trên áp dụng đúng với cả hành động “bộc phát”, “không chủ tâm” cũng như những hành động cố tình, hữu ý.
Hành động là hoa của hạt giống tư duy, còn niềm vui hay sự đau khổ là quả; như vậy những gì một người nhận được là những quả ngọt và quả đắng mà chính anh ta trồng.
Con người phát triển có quy luật chứ không phải là một sản phẩm nhân tạo, và trong lãnh địa bí mật của tư duy, mối quan hệ nhân quả cũng chặt chẽ và tuyệt đối giống như trong thế giới vật chất hữu hình. Một tính cách cao quý như Thánh thần không phải là một đặc ân hay cơ hội, mà là kết quả tự nhiên của những nỗ lực của tư duy đúng đắn một cách bền bỉ, là hệ quả của việc ấp ủ lâu dài những tư tưởng cao đẹp như Thánh thần. Một tính cách ti tiện, độc ác, cũng theo quy trình đó, là kết quả của việc nuôi dưỡng những tư tưởng thấp hèn.
Con người được tạo ra hay phá hủy cũng bởi chính anh ta. Trong xưởng vũ khí của tư duy, con người tự tôi rèn những vũ khí để hủy hoại bản thân. Anh ta cũng tạo ra các công cụ để xây nên những biệt thự thiên đường của niềm vui, sức mạnh và an bình. Khi lựa chọn đúng đắn và áp dụng chính xác tư duy, con người có thể vươn tới sự hoàn hảo đến thần thánh. Còn nếu hành động bất lương và suy nghĩ sai lầm, anh ta còn không bằng loài cầm thú. Giữa hai thái cực trên là bậc thang của tính cách, và con người chính là người tạo ra, là chủ nhân của chính họ.
Trong tất cả những sự thật đẹp đẽ về tâm hồn được con người tìm ra và khôi phục trong thời đại ngày nay, không gì hứa hẹn và đáng tin hơn điều này: con người là chủ nhân của tư duy, là người nhào nặn nên nhân cách, là người tạo ra, giũa gọt nên hoàn cảnh, môi trường và số phận.
Là một sinh vật có năng lực, trí thông minh, tình yêu, và làm chủ tư duy của chính mình, con người nắm giữ chìa khóa của mọi hoàn cảnh và chứa đựng trong mình khả năng chuyển đổi và tái tạo, biến anh ta thành những gì anh ta muốn.
Con người luôn là chủ, ngay cả trạng thái yếu mềm và đơn độc nhất. Tuy nhiên, trong sự yếu đuối và thoái hóa biến chất của bản thân, anh ta là một chủ nhân ngu ngốc, một quản lý tồi trong chính “ngôi nhà” của mình. Khi anh ta bắt đầu tác động lên hoàn cảnh và cần mẫn tìm tòi quy luật tạo nên con người, lúc đó anh ta trở nên một chủ nhân khôn ngoan, điều khiển năng lượng của bản thân bằng trí thông minh và dùng tư duy tạo ra thành quả. Đó mới là người chủ nhân tỉnh táo, và con người chỉ có thể trưởng thành bằng cách khám phá ra quy luật tư duy của chính mình. Khám phá này hoàn toàn dựa vào việc áp dụng, tự phân tích và trải nghiệm.
Chỉ bằng cách tìm kiếm và đào bới thật nhiều, chúng ta mới có vàng và kim cương, và con người chỉ có thể tìm thấy mọi sự thật liên quan đến bản thân nếu anh ta đào bới sâu trong chiếc “mỏ” tâm hồn của mình. Con người sẽ chứng minh một cách xác thực rằng anh ta là người tạo ra nhân cách, nhào nặn cuộc sống và tự xây nên số phận, nếu anh ta biết giám sát, điều khiển và thay đổi tư duy, tìm ra ảnh hưởng của chúng đến bản thân, đến mọi người xung quanh và đến cuộc đời, hoàn cảnh sống của mình biết kết nối giữa nguyên nhân và hệ quả bằng việc kiên nhẫn luyện rèn và khảo sát.
Con người tận dụng kinh nghiệm (kể cả những kinh nghiệm nhỏ nhất) cùng các sự kiện xảy ra hằng ngày như một phương tiện để tiếp thu tri thức về mình, bao gồm: hiểu biết, trí khôn và sức mạnh. Đó cũng chính là quy luật tuyệt đối rằng: “Ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa sẽ mở”. Lòng kiên nhẫn, trải nghiệm và sự dai dẳng không ngừng nghỉ là cách duy nhất để con người bước vào cánh cửa của ngôi đền tri thức.
“Cây nảy mầm từ hạt và không thể thiếu hạt, cũng giống như mọi hành động của con người đều bắt nguồn từ những hạt giống bí mật của tư duy, và sẽ chẳng thể diễn ra nếu thiếu đi những hạt giống này.”