Tất cả những gì một người đạt được và không đạt được đều là kết quả trực tiếp của tư duy của chính anh ta. Trong một thế giới được sắp xếp theo trật tự rất công bằng, nơi sự mất thăng bằng đồng nghĩa với thất bại và phá hủy hoàn toàn, thì trách nhiệm của mỗi cá nhân phải là tuyệt đối. Điểm mạnh và điểm yếu, sự trong sạch và dơ bẩn của mỗi người đều là sở hữu của chính anh ta, chứ không thuộc về ai khác. Chúng được anh ta tạo nên, chứ không phải ai khác, và chúng chỉ có thể thay đổi dưới tác động của anh ta, vĩnh viễn không phải là ai khác. Hoàn cảnh cũng vậy. Đau khổ hay hạnh phúc đều được tạo thành bên trong con người. Tư duy làm nên con người; khi tiếp tục tư duy, anh ta tiếp tục tồn tại.
Một người mạnh mẽ không thể giúp một con người yếu đuối, trừ khi anh ta sẵn sàng đón nhận sự trợ giúp, và ngay cả khi đó, kẻ yếu cần phải tự mình trở nên mạnh mẽ. Anh ta phải tự mình cố gắng, phát triển thứ sức mạnh mà anh ta ngưỡng mộ ở người khác. Không ai khác ngoài anh ta có thể thay đổi hoàn cảnh của chính mình.
Người ta thường xuyên nghĩ và nói rằng: “Rất nhiều người trở thành nô lệ cho một tên áp bức; hãy căm ghét kẻ áp bức!” Nhưng ngày càng nhiều người có xu hướng đảo ngược câu nhận định này và nói: “Một người trở thành kẻ áp bức bởi có quá nhiều người cam chịu làm nô lệ. Hãy xem thường những tên nô lệ.”
Sự thật là kẻ áp bức và những tên nô lệ đang hợp tác với nhau mà không biết, và, trong khi bên ngoài có vẻ xung đột với nhau, nhưng trên thực tế họ lại đang làm khổ chính mình. Một nhận thức tuyệt đối hiểu được quy luật về sự yếu hèn của kẻ bị áp bức và sức mạnh được kẻ áp bức sử dụng không đúng chỗ. Một tình yêu tuyệt đối nhận ra nỗi đau mà cả hai đối tượng này phải chịu đựng, nên không kết tội một bên nào; một lòng thương cảm tuyệt đối bao dung đối với kẻ áp bức và bị áp bức. Kẻ chiến thẳng sự yếu đuối và đẩy lùi những suy nghĩ ích kỷ cá nhân sẽ không thuộc về một tầng lớp nào cả. Chẳng phải áp bức, cũng không phải nô lệ. Anh ta được tự do.
Một người chỉ có thể đứng lên, chinh phục và giành được những gì anh ta muốn bằng cách tư duy tích cực. Bằng không, nếu từ chối suy nghĩ tích cực hơn, anh ta sẽ mãi mãi yếu đuối, khổ sở và hèn mọn.
Trước khi một người đạt được bất cứ thành quả nào, dù đó là mục tiêu lạc thú hay vật chất, anh ta luôn phải nâng tầm suy nghĩ của mình vượt lên trong những đam mê mù quáng của phần “con” trong con người anh ta. Để thành công, anh ta không cần thiết phải vứt bỏ hết mọi thú tính hay thói ích kỷ cá nhân, nhưng anh ta cần phải hi sinh một phần trong chúng.
Nếu suy nghĩ đầu tiên của một người là những mong muốn ác độc thì anh ta không thể suy nghĩ sáng suốt, và cũng không thể lập kế hoạch một cách cẩn trọng và hệ thống. Anh ta không thể tìm thấy và phát huy những khả năng tiềm tàng của bản thân, và sẽ thất bại trước bất kỳ nhiệm vụ nào. Nếu không dũng cảm để bắt đầu kiểm soát tư duy của chính mình thì người đó không thể quán xuyến được công việc và đảm nhận những nhiệm vụ lớn lao. Anh ta không thể hành động độc lập hay đứng một mình, mà bị giới hạn bởi những suy nghĩ mà anh ta lựa chọn.
Không có thành tựu hay tiến bộ nào đạt được mà không phải trả giá, và thành công về mặt vật chất của một người có được là nhờ anh ta biết từ bỏ cách tư duy xác thịt, hoàn thiện trí óc trong quá trình phát triển các kế hoạch, củng cố lòng quyết tâm và tinh thần tự lực. Càng suy nghĩ tích cực, anh ta càng thành công hơn, và những gì anh ta đạt được càng dài lâu và thiêng liêng hơn. Đời không dung túng cho những kẻ tham lam, lừa lọc và độc ác… mặc dù nhìn bên ngoài, đôi khi chúng ta tưởng cuộc sống bất công. Những người trung thực, hào hiệp và đạo đức sẽ nhận được sự ưu ái. Tất cả những người thầy lớn của mọi thời đại đều truyền đạt điều này theo những cách khác nhau, và để chứng minh tính đúng đắn của nó cũng như hiểu nó, con người phải liên tục hoàn thiện để bản thân trở nên tốt đẹp hơn bằng cách tư duy tích cực.
Những thành tựu về trí tuệ là kết quả của những suy nghĩ dâng hiến cho việc kiếm tìm tri thức hay vẻ đẹp trong tự nhiên. Những thành tựu đó đôi khi có thể có mối liên hệ với sự phù phiếm và tham vọng, nhưng chúng không phải là hệ quả của những tính cách đó, mà là sản phẩm tất yếu của những nỗ lực dài lâu và miệt mài, và của những suy nghĩ trong sáng, vị tha.
Những thành tựu về tôn giáo là tuyệt đỉnh của những khát vọng thiêng liêng. Những ai liên tục sống với những ý nghĩ cao thượng, xuất sắc, luôn chú ý tới bất cứ thứ gì vị tha, thuần khiết, chắc chắn sẽ có được phẩm chất cao quý và thông thái, sống trong hạnh phúc và sự kính trọng, nể phục của người đời. Điều đó chắc chắn như mặt trời chính ngọ và mặt trăng tròn vạnh đêm rằm.
Thành tựu dù ở dạng nào cũng là đỉnh cao của nỗ lực, và là vương quyền của tư duy. Nhờ sự trợ giúp của những suy nghĩ tự chủ, cương nghị, thuần khiết, chính đáng và có định hướng tốt đẹp rõ ràng, con người ta đi lên. Với sự can thiệp của những suy nghĩ thú tính, lười nhác, ô uế, mục nát và hỗn loạn, con người ta đi xuống.
Một người có thể đi lên đỉnh cao của thành công trên thế giới, ngay cả đối với những quan niệm kiêu kỳ trong vương quốc của tâm linh, nhưng cũng có thể suy đồi và trở nên yếu kém, khốn cùng khi cho phép những tư tưởng ngạo mạn, ích kỷ và thối nát chiếm lĩnh tâm hồn.
Chiến thắng giành được nhờ tư duy đúng đắn chỉ có thể được duy trì bằng sự canh chừng, cảnh giác. Rất nhiều người trở nên bất cẩn và buông thả khi đã được thành công, nên thất bại nhanh chóng quay về với họ.
Tất cả mọi thành tựu, dù trong kinh doanh, trong thế giới vật chất hay tinh thần, đều là kết quả của tư duy có định hướng rõ ràng, và bị chi phối bởi cùng một quy luật, theo cùng một phương thức giống nhau. Điểm khác biệt duy nhất là những mục tiêu hướng tới.
Để đạt được thành tựu nhỏ, một người chỉ cần hi sinh chút ít; để đạt được thành tựu lớn, anh ta phải hi sinh nhiều, và để có được thành công tột đỉnh, sự hi sinh là vô cùng lớn lao.
“Tất cả những gì một người đạt được và không đạt được đều là kết quả trực tiếp của tư duy”