Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Làm Chủ Tư Duy, Thay Đổi Vận Mệnh

Chương 2: Công Thức Thành Công Tuyệt Đỉnh

Tác giả: Adam Khoo

“Thành công là một người thầy tồi. Nó khiến những người thông minh cho rằng họ không thể thất bại.” – Bill Gates

Trong chương vừa qua, bạn đã biết rằng tất cả mọi người đều có cùng tiềm năng trí tuệ như nhau. Vấn đề chính là bạn có “cài đặt” được những “chương trình” ưu việt lên “phần cứng” của mình hay không.

Chúng ta hãy cùng nhau đi theo bước chân của những con người vĩ đại đã làm nên nhiều điều kỳ diệu trong cuộc sống… Họ là những người đã học được cách khơi dậy tất cả tiềm năng sẵn có trong bản thân và vận dụng chúng một cách hợp lý nhất. Rõ ràng, nếu bạn có thể học theo những mô thức thành công mà họ đã thể hiện, chắc chắn bạn cũng có thể đạt được những thành quả vượt bậc trong cuộc sống như chính họ.

Thật ra, tôi luôn tự hỏi mình: “Có hay không có một công thức cho sự thành công? Có phải tất cả những người thành đạt đều làm theo một công thức nhất định để giúp họ đạt được những gì họ mơ ước?

Sau khi nghiên cứu hàng trăm tấm gương thành công qua sách vở, Internet, những khóa đào tạo và phỏng vấn trực tiếp, tôi đã phát hiện ra rằng: tuy những người thành công làm việc trong những lĩnh vực riêng biệt, đạt được những thành công khác xa nhau, có những chiến lược và chiến thuật rất khác nhau, thậm chí họ có thể đưa ra những quyết định hoàn toàn trái ngược nhau trong cùng một tình huống, nhưng họ luôn có những điểm đồng nhất: đó là tất cả họ đều làm theo một số bước nhất định để đạt được những gì họ muốn.

Tôi gọi tập hợp những bước này là Công Thức Thành Công Tuyệt Ðỉnh.

Xin nhắc lại, bất kể bạn đang làm gì, ở đâu, cho dù bạn muốn trở thành nhà phát minh vĩ đại, người bán hàng thành công, nhà giáo tràn đầy cảm hứng, nhà kinh doanh tài ba, luật sư kiệt xuất, phi hành gia vũ trụ hay đạt được bất kỳ thành công nào, những bước trong công thức này vẫn được áp dụng như nhau.

Công Thức Thành Công Tuyệt Ðỉnh bao gồm hai yếu tố nền tảng và bốn bước cơ bản. Bởi vì tất cả những người thành công đều đã làm theo công thức này, tôi tin chắc một điều rằng: nếu bạn cũng làm đúng như thế, bạn cũng sẽ đạt được bất kỳ thành công nào bạn mong muốn. Ngược lại, nếu bạn bỏ qua một yếu tố hay một bước nào trong công thức này, ước mơ của bạn có thể sẽ không bao giờ trở thành hiện thực như lẽ ra bạn xứng đáng được tận hưởng.

Tôi cũng đã chia sẻ công thức tuyệt vời này cho rất nhiều học viên của mình, nhưng không phải ai cũng ứng dụng nó vào thực tế để thật sự thành công. “Tại sao vậy?” – Tôi luôn tự hỏi mình và tôi phát hiện ra rằng, để có thể bền bỉ hành động theo bốn bước cơ bản, có hai yếu tố nền tảng đóng vai trò cực kỳ quan trọng bởi vì chúng quyết định việc bạn có làm theo đúng các bước hay không. Hai yếu tố đó chính là: hệ thống niềm tin và những giá trị sống của bạn.

YẾU TỐ NỀN TẢNG THỨ NHẤT: HỆ THỐNG NIỀM TIN MẠNH MẼ

Niềm tin của bạn chính là công tắc đóng mở khả năng tư duy và tiềm năng nội tại trong bạn. Nếu bạn không tự trang bị cho mình những niềm tin tích cực hữu ích thì các bước trong công thức thành công cũng hoàn toàn vô dụng vì bạn chẳng bao giờ thật sự áp dụng được chúng.

Hệ thống niềm tin của bạn quyết định những gì bạn mong muốn hoặc khao khát, cũng như việc bạn có bắt đầu hành động để đạt được những điều đó hay không. Nếu bạn có những niềm tin tiêu cực như “Việc này quá khó”, “Tôi còn quá non nớt”, “Làm được việc đó là điều không tưởng” hay “Tôi không có đủ khả năng”, thì gần như chắc chắn là bạn sẽ không đặt ra những mục tiêu to lớn và đầy cảm hứng cho bản thân. Thậm chí nếu không có những niềm tin tích cực, bạn sẽ không bao giờ dám đặt ra bất kỳ mục tiêu nào cho mình. Và dĩ nhiên, sẽ không một ai có thể thật sự đặt ra mục tiêu cho bạn được.

Hơn nữa, những niềm tin tiêu cực về bản thân, cũng như cái nhìn bi quan về hoàn cảnh hiện tại của bạn, sẽ khiến bạn “bỏ cuộc” ngay cả trước khi bắt đầu. Hoặc chỉ cần gặp phải một chướng ngại nhỏ trên đường, thay vì kiên trì hành động theo những bước cơ bản trong Công Thức Thành Công Tuyệt Ðỉnh cho tới khi đạt được kết quả như ý, bạn sẽ bỏ cuộc.

Nói tóm lại, nếu bạn không tin rằng mình có đủ phẩm chất cần thiết hay nghĩ rằng “Việc đó quá khó khăn” rất có thể bạn sẽ “đầu hàng” ngay từ đầu. Vì thế, phát huy những niềm tin mạnh mẽ và tích cực sẽ là yếu tố quan trọng hàng đầu để cho bốn bước cơ bản của Công Thức Thành Công Tuyệt Ðỉnh trở nên hiệu quả.

Chương 5 sẽ hướng dẫn bạn cách thức phân tích những niềm tin hiện tại của bạn và xác định xem những niềm tin này là hữu ích hay tiêu cực. Sau đó, cũng ở Chương 5, bạn sẽ học được phương pháp phát triển những niềm tin tích cực mạnh mẽ có tác dụng thúc đẩy bạn vươn tới thành công.

YẾU TỐ NỀN TẢNG THỨ HAI: GIÁ TRỊ SỐNG LÀ ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY BẠN

Chìa khóa thứ hai của Công Thức Thành Công Tuyệt Ðỉnh chính là những giá trị sống của bạn. Những giá trị sống cũng giống như những nút bấm cảm xúc điều khiển hành vi của bạn. Ðó là những thứ bạn xem trọng trong cuộc sống (vì thế chúng được gọi là “giá trị sống”).

Cách nhìn nhận của mỗi người về những giá trị sống như “thành công”, “tự do”, “an toàn”, “tình cảm”, và “hạnh phúc” rất khác nhau. Ðồng thời, thứ tự sắp xếp các giá trị này trong tâm trí mỗi người sẽ quyết định những lựa chọn và hành vi của họ.

Ví dụ, một số người có động lực làm giàu mạnh mẽ bởi vì họ muốn điều đó mang lại cho họ sự an toàn. “Tôi muốn kiếm thật nhiều tiền để khi gặp phải những khó khăn trong cuộc sống, tôi luôn có một nguồn dự trữ đáng kể”. Trong khi đó, một số người khác cũng có cùng mong muốn làm giàu, nhưng họ lại lấy động lực từ những giá trị sống khác như “tự do” chẳng hạn. “Tôi muốn kiếm đủ tiền để có thể được tự do” (tự do bỏ công việc nhàm chán hiện tại, tự do lựa chọn làm công việc yêu thích của mình, tự do về thời gian,…).

Ðiều quan trọng nhất, cho dù những giá trị sống của bạn là gì, chúng cũng cần phải tương ứng với những mơ ước của bạn. Lý do khiến nhiều người cảm thấy không có động lực thực hiện ước mơ của mình là vì những giá trị sống của họ không tương ứng, thậm chí tương khắc với những mơ ước đó.

Tôi từng có một học viên (một người mẹ trẻ), cô chia sẻ với tôi rằng, mặc dù khao khát thành công trong nghề nghiệp, cô chẳng bao giờ có đủ động lực để đạt được chỉ tiêu doanh thu bán hàng của mình. Sau một hồi trò chuyện, tôi phát hiện ra chính những giá trị sống và mơ ước của cô xung đột trực tiếp với nhau. Là một người mẹ trẻ, cô rất coi trọng giá trị “gia đình”, nhưng đồng thời mơ ước của cô lại là thành công trong sự nghiệp. Chính điều này tạo nên sự xung đột nội tâm dữ dội làm tiêu hao rất nhiều năng lượng và kềm hãm sự thành công của cô. Cô vừa khao khát sự thành đạt trong nghề nghiệp, vừa cảm thấy có lỗi khi theo đuổi mục tiêu này, bởi vì cô tin rằng như thế cô sẽ không có nhiều thời gian dành cho gia đình.

Chúng ta sẽ tập trung vào sức mạnh của các giá trị sống ở Chương 10. Bạn sẽ học được cách làm thế nào để giải quyết xung đột giữa các giá trị sống và mục tiêu của bạn, cũng như khiến chúng tương ứng với nhau, nhằm mang lại kết quả bạn mong muốn.

Ðến đây thì tôi tin chắc rằng bạn đã hiểu được tầm quan trọng của hai yếu tố nền tảng – hệ thống niềm tin và những giá trị sống – trên con đường vươn tới thành công của bạn. Còn bây giờ, đã đến lúc bạn bắt tay vào hành động.

Bước 1. Đặt ra mục tiêu rõ ràng

Bước đầu tiên để đạt được những gì bạn mơ ước là bạn phải biết chính xác mình muốn gì. Nghe có vẻ quá đơn giản, nhưng tiếc thay, hầu hết mọi người đều không đạt được những thành công to lớn trong cuộc sống chỉ vì họ không thật sự biết rõ mình muốn gì ngay từ đầu.

Ða số mọi người đều nói rằng họ muốn thành công trong cuộc sống, nhưng nếu hỏi họ muốn thành công cụ thể như thế nào thì phần lớn sẽ trả lời: “Tôi cũng không biết nữa, tôi chỉ muốn thành công” hoặc chỉ đưa ra những câu trả lời chung chung như “Tôi muốn hạnh phúc”, “Tôi muốn có nhiều tiền hơn”, “Tôi muốn có công việc tốt hơn”, “Tôi muốn bớt lo lắng”,…

Rõ ràng, nếu bạn không có một mục tiêu xác định, bạn sẽ không có thứ gì cụ thể để bạn tập trung thời gian và sức lực đạt được hay vươn tới. Ðó là lý do tại sao nhiều người, sau một thời gian cố gắng, cuối cùng phát hiện ra rằng họ đã đi lạc hướng và rốt cuộc chẳng đi được tới đâu cả.

Không những thế, nếu bạn không có một mục tiêu cụ thể, bạn cũng không thể xây dựng một chiến lược thích hợp để đạt được nó. Chiến lược để kiếm 200.000 đô la hoàn toàn khác với chiến lược để kiếm 20 triệu đô la. Chỉ khi hiểu rõ mục tiêu của mình là gì, hình dung được nó sống động trong đầu mình, bạn mới bắt đầu thật sự có được mục đích trong cuộc sống, và những việc bạn cần phải làm để chinh phục mục tiêu đó cũng sẽ trở nên rõ ràng.

Tiểu sử của những người thành công nhất và nổi tiếng nhất trong mọi lĩnh vực cho thấy, những thành tựu vĩ đại mà họ đạt được chẳng bao giờ là kết quả của sự may mắn. Thành công không bao giờ đơn giản tự tìm đến với họ. Tất cả mọi thành công vĩ đại đều là kết quả của những mục tiêu rõ ràng đã được xác định từ trước đó rất lâu, cộng với sự phấn đấu không ngừng nghỉ trong một thời gian dài.

Chỉ mới 8 tuổi, Tiger Woods đã đặt ra mục tiêu phá hết mọi kỷ lục của môn đánh gôn và trở thành tay gôn chuyên nghiệp hàng đầu thế giới. Anh đã hoàn thành mục tiêu này 13 năm sau vào lúc 21 tuổi. Bằng cách nào ư? Khi nhìn thấy rõ mục tiêu của mình, anh đã không ngừng nỗ lực tập luyện và thi đấu trong suốt 13 năm trời để đạt được nó. Nếu không có một mục tiêu rõ ràng như thế, có lẽ Tiger Woods sẽ không bao giờ thể hiện hết (hay tận dụng được hết) tiềm năng của chính mình, và cũng sẽ không thành công rực rỡ như ngày hôm nay.

Một người khác là Steven Spielberg. Vào lúc 12 tuổi, cậu bé Steven đã nói rằng mơ ước của mình là kể những câu chuyện tuyệt vời cho cả thế giới, thông qua những bộ phim làm rung động lòng người. Mục tiêu cụ thể này đã hướng anh đến việc tận dụng toàn bộ thời gian rảnh để làm phim. Sáu năm sau, khi chỉ mới 18 tuổi, anh đã bắt đầu bước chân vào phim trường Universal. Không chỉ dừng lại ở đó, với một mục tiêu hết sức cụ thể trong đầu cùng những năm tháng lao động kiên trì bền bỉ, Steven Spielberg đã dần dần thu thập được những kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để làm ra được những bộ phim kinh điển như “Danh sách Schindler” (Schindlers list), “Giải cứu binh nhì Ryan” (Saving Private Ryan),… Cho đến nay, Steven đã sáu lần trở thành ứng cử viên sáng giá của giải Oscar dành cho đạo diễn phim tài năng nhất và đã hai lần nhận được giải thưởng này.

Người cuối cùng mà tôi muốn nói đến trong ví dụ này là Bill Clinton. Có phải do may mắn mà ông xuất hiện đúng lúc, đúng thời điểm khi Ðảng Dân Chủ Mỹ đưa ông lên tranh cử Tổng thống không? Dĩ nhiên là không. Chỉ có một mục tiêu rõ ràng cùng với bao năm tháng kiên trì với chiến lược đúng đắn mới có thể giúp Bill Clinton trở thành vị nguyên thủ quốc gia quyền lực nhất thế giới.

Vốn là con trai của một góa phụ nghèo sinh sống tại một bang nghèo nhất nước Mỹ, định mệnh dường như không hề ưu ái Bill Clinton chút nào… Tuy vậy, chàng trai Bill từ khi còn rất trẻ đã có một hoài bão và một mục đích sống rõ ràng: đó là giúp cải thiện cuộc sống của hàng trăm triệu người bằng việc lãnh đạo đất nước hùng mạnh nhất thế giới – nước Mỹ. Mục tiêu đó rất cụ thể và nó trở thành động lực thúc đẩy anh nhiệt tình tham gia vào tất cả các hội đoàn ở những trường anh từng học để thu thập kinh nghiệm chính trị cũng như lãnh đạo. Thậm chí có thời kỳ, anh còn bị cấm nắm giữ thêm bất cứ vị trí nào khác trong các hội đoàn chỉ vì anh đang kiêm nhiệm quá nhiều vị trí lãnh đạo. Trong quyển sách hồi ký của mình – “Lịch sử sống” (Living History) – bà Hillary Clinton kể lại, ngay từ thời còn là sinh viên đại học Yale, Bill Clinton đã khẳng định với mọi người mục tiêu to lớn của mình rằng, một ngày nào đó, ông sẽ trở thành Tổng thống Mỹ.

Hầu như chẳng có thành công vĩ đại nào lại có được hoàn toàn nhờ vào may mắn, vì gần như tất cả mọi thứ đều xảy ra từ những hoạch định cẩn thận và hành động kiên định. Tuy nhiên, một sự thật đáng buồn là gần như tất cả mọi người, vì một lý do nào đó, đều “quên” lên kế hoạch cho chính cuộc sống của mình. Chính vì thế, họ vô tình rơi vào cảnh sống theo kế hoạch của người khác. Và dĩ nhiên, kế hoạch của người khác thì chắc chắn chẳng bao giờ hoạch định những điều tốt đẹp nhất cho bản thân bạn.

Chỉ khi bạn biết được chính xác mình mong muốn điều gì, bạn mới có thể tập trung mọi khả năng và sức lực vào việc lên kế hoạch cho cuộc đời mình. Thế rồi với mỗi bước bạn thẳng tiến về phía mục tiêu của bản thân, bạn sẽ tạo ra nhiều điều kiện cần thiết để đạt được mục tiêu đó. Dù bạn đang ở độ tuổi nào, ở đâu, làm gì, bạn cũng cần phải bắt đầu đặt ra những mục tiêu cụ thể cho những thứ mà bạn muốn đạt được trong cuộc sống ngay từ bây giờ, càng sớm càng tốt.

Khi bạn đọc đến chương cuối của quyển sách này – Chương 11 – cũng là khi bạn đã có đầy đủ những kiến thức cơ bản để thành công trong cuộc sống, chúng ta sẽ ngồi xuống và hoạch định một tương lai hoàn hảo cho bản thân bạn.

Bước 2. Phát triển một chiến lược hợp lý

Mọi mục tiêu đều có thể đạt được. Vấn đề nằm ở chỗ chiến lược của bạn như thế nào.

Bước thứ hai trong Công Thức Thành Công Tuyệt Ðỉnh là xây dựng một chiến lược hiệu quả để đưa bạn tới kết quả mong muốn. Một lần nữa, mục tiêu của bạn càng rõ ràng thì bạn càng dễ phát triển một chiến lược phù hợp. Bạn có thể có đầy đủ động lực và khả năng, nhưng nếu không có một chiến lược đúng đắn, bạn cũng sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu. Ngược lại, với những chiến lược hợp lý, mọi mục tiêu đều nằm trong tầm tay của bạn.

Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn đang là chủ một cửa hàng bán trái cây nhỏ với thu nhập 10 triệu đồng mỗi tháng. Hãy giả sử bạn đặt ra mục tiêu nâng thu nhập lên 15 triệu mỗi tháng. Ðiều đó có thể thực hiện được không? Dĩ nhiên là được và thậm chí không mấy phức tạp. Bạn có thể làm việc siêng năng hơn, tăng giá bán lên một chút, kéo dài thời gian mở cửa, bán thêm hàng qua điện thoại, giao hàng tận nơi, hoặc tạo ra các chương trình khuyến mãi cho khách hàng thân thiết.

Vậy giả sử bạn đặt ra mục tiêu kiếm được 300 triệu mỗi tháng từ công việc bán trái cây của bạn. Nó có thể thành hiện thực không? Hầu hết mọi người sẽ nói: “Tất nhiên là không, không cách nào kiếm được bao nhiêu đó tiền từ một quầy bán hoa quả được”. Ðúng thế! Kiếm được 300 triệu mỗi tháng chỉ với một quầy hoa quả nho nhỏ gần như không tưởng. Nhưng nếu bạn thay đổi hoàn toàn phương pháp buôn bán của một cửa hàng hoa quả nhỏ lẻ thông thường, thì mục tiêu trên có thể thành hiện thực không? Ðiều này hoàn toàn có thể!

Chiến lược mà bạn có thể sử dụng là nghiên cứu làm sao để nhân rộng (thay vì chỉ đơn giản mở rộng) công việc kinh doanh bằng cách: viết ra một kế hoạch kinh doanh chi tiết, tăng vốn thông qua kêu gọi đầu tư, tập trung vào tìm kiếm những loại trái cây ưu việt, tăng chủng loại trái cây, xây dựng thương hiệu, tìm những nguồn cung cấp trái cây đáng tin cậy với giá rẻ hơn, xây dựng hệ thống cửa hàng hoặc nhượng quyền trên toàn quốc. Lúc đó việc kiếm 300 triệu mỗi tháng có trở thành sự thật không? Tất nhiên là được, thậm chí con số thật sự có thể lớn hơn thế rất nhiều lần. Rõ ràng, với sự linh động trong chiến thuật, bạn gần như có thể đạt được bất cứ mục tiêu gì.

Bạn vẫn nghi ngờ khả năng thực hiện việc đó ư? Quá khó khăn hoặc không thể nào ư? Tôi xin được chia sẻ với bạn thành công của một bà… nội trợ – người đã sử dụng chiến lược tương tự như trên cho cửa hàng nhỏ của mình.

Anita Roddick – một người nội trợ bình thường ở nước Anh, bắt đầu khởi nghiệp bằng cách bán những sản phẩm dưỡng da và dưỡng tóc làm từ trái cây hoa quả trong nhà bếp của bà. Lúc đầu, tất cả chỉ là một cửa hàng nhỏ đủ để nuôi sống gia đình. Nhưng sau đó, bằng cách phát triển và áp dụng một chiến lược độc đáo tương tự như tôi đã đề cập trong ví dụ trên, bà đã tiến lên cạnh tranh thành công với những tập đoàn mỹ phẩm hùng mạnh và danh tiếng trong nước rồi đến toàn cầu. Và Anita Roddick không ai khác hơn chính là người sáng lập ra chuỗi cửa hàng mỹ phẩm nổi tiếng trị giá đến một tỉ đô la – The Body Shop.

Chiến lược sáng tạo cộng với sản phẩm và dịch vụ độc đáo

Tôi khám phá được một điều rằng: những người có khả năng đạt kết quả vượt trội thường sử dụng những chiến lược rất khác biệt so với đại đa số mọi người. (Mặc dù tôi công nhận rằng chuyện đó không hề đơn giản chút nào, nhưng bạn sẽ học được cách đứng vào hàng ngũ của họ thông qua quyển sách này.)

Ví dụ, trong quá trình làm huấn luyện của mình, tôi có cơ hội làm việc với tốp 1% nhân viên bảo hiểm hàng đầu với thu nhập trung bình hàng năm khoảng 500.000 đô la. Tôi phát hiện ra một điều hết sức thú vị rằng họ không hẳn làm việc siêng năng hơn 99% số nhân viên bảo hiểm còn lại, những người chỉ kiếm được ít hơn 50.000 đô la mỗi năm. Ðiểm khác biệt là ở chỗ: họ sử dụng những phương pháp rất riêng biệt trong việc quản lý thời gian, tìm kiếm khách hàng, bán hàng và hỗ trợ khách hàng.

Vì thế, một trong những chiến lược để thành công là học hỏi từ những người thành công, học những chiến lược mà họ dùng (thông qua sách báo, Internet, các khóa đào tạo,…). Nếu bạn muốn trở thành triệu phú, hãy học những chiến lược của các nhà triệu phú. Nếu bạn muốn trở thành một nhà lãnh đạo tài ba, hãy mô phỏng theo cách thức làm việc của những nhà lãnh đạo kiệt xuất.

 Bước 3. Hành động kiên định

Bước thứ ba là hành động kiên trì và bền bỉ dựa trên chiến lược mà bạn đã tạo ra hoặc học hỏi được. Bằng cách này, bạn sẽ từ từ tiến gần tới mục tiêu, từng bước một. Hành động kiên định là yếu tố phân biệt giữa kẻ mơ mộng hão huyền với người thật sự thành công rực rỡ.

Rất nhiều người thừa thông minh để biết họ phải làm gì, nhưng tiếc thay, họ hầu như chẳng bao giờ chịu bắt tay vào hành động. Ðó là lý do tại sao đa phần những người đó dù rất giỏi giang nhưng vẫn trở thành người làm thuê cho các doanh nhân là những người đôi khi học hành chỉ ở mức trung bình. Dĩ nhiên, nếu đó là việc họ muốn thì không có gì sai cả, chỉ cần họ cảm thấy thật sự hạnh phúc và mãn nguyện với cuộc sống đơn giản của họ. Còn bạn, bạn sẽ chọn sống như thế nào? Nếu bạn không hài lòng với cuộc sống luẩn quẩn của mình, hãy LÀM một cái gì đó để thay đổi nó.

Bạn có biết một ai đó có vẻ thua sút bạn về tài năng, cũng như kém thông minh hơn bạn, nhưng lại thành công hơn bạn nhiều lần không? Bạn có bao giờ đặt câu hỏi: “Tôi biết mình giỏi hơn họ nhưng tại sao họ lại thành công hơn tôi?”. Ðơn giản là vì mặc dù bạn thông minh hơn, nhưng họ lại cố gắng và hành động nhiều hơn, nhất là kiên định hơn. Bên cạnh đó, họ cũng thường xuyên đọc sách, tham gia các khóa học ngắn hạn, rèn luyện thêm kỹ năng giao tiếp xã hội, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý công việc… Nói cách khác, họ không bao giờ ngừng học hỏi (một dạng hành động kiên định). Chính vì thế mà họ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp hơn.

Rõ ràng, việc hành động kiên định để đạt được thành công thì hầu như ai cũng biết và cũng hiểu, nhưng tại sao vẫn có nhiều người chắc chắn đủ thông minh để hiểu điều đó vẫn thất bại trong việc kiên trì hành động để đạt được mục tiêu của mình?

Ðể thấu hiểu được điều này, trước tiên bạn cần phải biết rằng, động lực để bạn hành động xuất phát từ một hay nhiều trạng thái cảm xúc mà bạn đang trải qua. Những cảm xúc như chán nản, lười biếng,… sẽ lập tức vô hiệu hóa khả năng hành động của bạn. Ngược lại, những cảm xúc như hăng hái, phấn chấn, tự tin,… lại kích thích bạn hành động và hoàn thành công việc của mình.

Khả năng định hướng và điều khiển trạng thái cảm xúc của mình để dẫn đến những hành động tích cực và vươn tới những thành công cao nhất được gọi là kỹ năng làm chủ bản thân.

Tôi biết nhiều người, dường như lúc nào cũng đầy ắp những ý tưởng, và bản thân họ chắc chắn cũng thừa thông minh để đạt được bất kỳ thành công nào họ mong muốn, nhưng họ lại thiếu kỹ năng làm chủ bản thân để tạo ra sự hưng phấn trong công việc. Họ có thể có những ý tưởng kinh doanh độc đáo nhưng lại để nỗi sợ thất bại kềm hãm họ. Họ có thể đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng nhưng rồi họ lại thiếu động lực để thực hiện. Thậm chí đôi khi họ chỉ bắt tay vào làm việc được một thời gian, nhưng rồi lại nhanh chóng bỏ cuộc khi vấp phải khó khăn trắc trở.

Chương 6, 7 và 8 sẽ trang bị cho bạn những kỹ năng mạnh mẽ để làm chủ cảm xúc, nhằm giúp bạn luôn có được đỉnh cao phong độ trong cuộc sống.

Bước 4. Biến thất bại thành bài học kinh nghiệm

Khi bạn đi theo những chiến lược đã đặt ra và kiên định hành động, chỉ có hai khả năng xảy ra. Khả năng đầu tiên là bạn đạt được thành công ban đầu và tiếp tục tiến xa hơn nữa để cuối cùng đạt được mục tiêu của mình. Tuy vậy, không phải lúc nào bạn cũng đạt được những mục tiêu đề ra. Bạn có thể hành động một cách đầy quyết tâm và kiên định, nhưng cuối cùng lại thu được kết quả không mong muốn. Nhiều người gọi đó thất bại.

Thất bại có thể xảy ra cho bất kỳ ai trong chúng ta. Tất cả chúng ta đều đã và sẽ thất bại tại nhiều thời điểm khác nhau trong cuộc sống. Thật ra, bạn càng hành động nhiều, bạn càng dễ gặp thất bại. Ðó cũng chính là lý do tại sao những người thành công nhất cũng luôn là người gặp nhiều thất bại hơn cả. Cho nên, vấn đề không phải là bạn có thất bại hay không, nhiều hay ít, mà vấn đề nằm ở chỗ bạn làm gì khi đứng trước thất bại.

Ba cách con người phản ứng trước thất bại

Ðiều phân biệt giữa người thành công với người không bao giờ đạt được mong muốn của mình chính là cách họ phản ứng trước những thất bại. Việc một người sẽ làm gì khi đứng trước thất bại có thể mang lại những khác biệt to lớn sau đó. Nhìn chung, con người có ba cách phản ứng khi gặp thất bại.

Cách thứ nhất:

Bào chữa, biện minh, đổ lỗi và nhanh chóng bỏ cuộc

Thường người ta sẽ làm gì khi không đạt được điều mong muốn? Họ sẽ đưa ra đủ mọi lý do tự biện hộ khác nhau và đổ lỗi cho mọi thứ hoặc mọi người xung quanh: “Như thế là không công bằng”, “Tôi không đủ thông minh để làm điều đó”, “Việc đó quá khó khăn”, “Tôi còn trẻ thiếu kinh nghiệm” hoặc “Tôi đã quá già”, “Tôi thiếu may mắn ”, “Tôi bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế”,…

Cảm giác vô vọng và bế tắc, nhóm đầu tiên này sẽ ngừng hành động và bỏ cuộc một cách nhanh chóng. Họ sẽ đầu hàng, chấp nhận từ bỏ mục tiêu to lớn của mình và đành cam chịu sống cuộc sống tầm thường.

Những người này thường luôn than vãn: “Tôi đã cố gắng hết sức rồi nhưng chẳng thay đổi được gì ”. Bạn có biết ai có thói quen giống như thế không? Có lúc nào trong quá khứ bạn đã từng vô tình làm như thế không? Nếu có cũng không sao cả, vì sau khi bạn hoàn thành bài tập sau đây và đọc tiếp quyển sách này, bạn sẽ không bao giờ như thế nữa.

Hãy suy nghĩ và viết ra những lần bạn tự biện hộ cho mình, đổ lỗi cho người khác và từ bỏ mục tiêu.

……………………………………………………………………………………………………………………. 

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

Cách thứ hai:

Kiên trì hành động nhưng với cùng một chiến lược không đổi

Những người lựa chọn cách này thường rất kiên trì và bền bỉ. Khi không đạt được kết quả mong muốn, họ sẽ không chịu bỏ cuộc. Họ sẽ lập tức bật dậy và cố gắng thêm lần nữa, rồi lần nữa,… Châm ngôn của họ là: “Tôi thất bại bởi vì tôi đã không cố gắng đủ” hoặc “Nếu tôi tiếp tục kiên trì, rồi cũng có ngày tôi sẽ thành công”. Vì thế họ kiên trì hành động, đầu tư thêm thời gian, công sức và nỗ lực nhiều hơn. Bất kể đã thất bại bao nhiêu lần, họ vẫn tiếp tục lao đầu vào thử thách.

Mặc dù kiên trì hành động và không bao giờ lùi bước trước thất bại là hai đức tính phải có của người thành công, nhưng liệu những người chỉ biết làm như thế cuối cùng có đạt được mục tiêu của mình hay không? Ðiều này thật khó nói. Nếu họ đặt ra những mục tiêu vừa tầm, với thời gian và công sức thì cuối cùng họ sẽ đạt được. Tuy nhiên, nếu họ đặt ra những mục tiêu to lớn vĩ đại, không chỉ đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, thì có lẽ họ sẽ không bao giờ thành công nếu chỉ biết đâm đầu vào làm lại sau mỗi lần thất bại. Họ cũng có thể đạt được những kết quả tốt lên dần sau mỗi lần vấp ngã, nhưng rồi họ vẫn không có được những bước đại nhảy vọt để chạm tới mục tiêu to lớn đã đề ra, trong khi cái giá phải trả lại quá đắt. Tại sao như vậy?

Lý do là vì mặc dù kiên trì hành động, họ không chịu dừng lại một chút để phân tích nguyên nhân thất bại, để từ đó thay đổi chiến lược sao cho phù hợp với tình hình. Nếu bạn cứng nhắc sử dụng một phương pháp cố định cho cùng một vấn đề, bạn sẽ mãi mãi chỉ đạt cùng một kết quả nhất định mà thôi. Tôi đã thấy rất nhiều người mắc phải những sai lầm như thế trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống.

Tôi biết rất nhiều doanh nhân thất bại trong kinh doanh, nhưng rồi họ gượng dậy được và tiếp tục làm… y như cũ. Họ tiếp tục đăng những quảng cáo không hiệu quả, họ lại thuê những nhân viên bất tài. Thậm chí họ vẫn cứ sử dụng chính mô hình kinh doanh vốn đã làm họ thất bại.

Tôi cũng đã tư vấn cho rất nhiều chuyên viên bán hàng luôn cố gắng bỏ thêm thời gian và công sức để nâng cao doanh số, nhưng kết quả thu được vẫn không đáng kể là bao. Lý do tại sao? Vì họ cứ lặp lại những cách tiếp cận khách hàng quá cũ kỹ, thiếu hiệu quả và phí phạm thời gian của mình cho những người không phải là khách hàng tiềm năng, bán cùng những loại sản phẩm không phù hợp với đối tượng khách hàng và tiếp tục đưa ra những bài thuyết trình thiếu tính thuyết phục.

Tất cả những người như thế, cho dù họ có cố gắng đến đâu và thử lại bao nhiêu lần đi nữa, rồi cũng sẽ đến lúc họ cảm thấy bế tắc và vỡ mộng. Cuối cùng họ cũng sẽ đầu hàng, tự chấp nhận bản thân không có đủ năng lực và từ bỏ mục tiêu. Ðó là chưa kể sau nhiều lần thất bại mà vẫn không đạt được những gì mong muốn, đôi khi chính họ tự làm cho cuộc sống của mình khó khăn hơn.

Một lần tôi có dịp nói chuyện với một người môi giới nhà đất đã lăn lộn trong nghề hơn tám năm. Anh rất siêng năng nhưng lại thiếu ý chí phấn đấu để đạt được danh hiệu “Ngôi Sao” (phải môi giới được hơn 900.000 đô la giá trị hợp đồng mỗi tháng mới có cơ hội đạt được danh hiệu này). Khi tôi hỏi tại sao anh không phấn đấu cho danh hiệu đó, anh tâm sự là đã cố gắng rất nhiều lần, nhưng anh cũng chỉ đạt tới mức cao nhất là 500.000 đô la một tháng. Anh cho rằng mình không đủ may mắn và năng lực như những nhân viên thành công khác. Thế nên tôi mới bắt đầu hỏi thăm những chiến lược mà anh đã sử dụng cho việc bán hàng. Anh phản ứng một cách rất thiếu tinh thần cầu tiến rằng: “Tôi đã thử mọi cách có thể. Tôi có kinh nghiệm hơn tám năm trong nghề này, và anh đừng có lên mặt dạy đời chỉ bảo tôi phải làm gì”. Sau đó, thông qua những đồng nghiệp của anh trong buổi hội thảo, tôi khéo léo tìm hiểu được rằng anh vẫn chỉ dùng mỗi một chiến lược cố định cho việc bán hàng trong khi luôn nghĩ rằng mình đã thử mọi cách. Cho nên đối với tôi, anh không hề có tám năm kinh nghiệm trong ngành, mà anh chỉ có mỗi “một năm kinh nghiệm” và nó đã được tám tuổi đời rồi.

Bạn có quen biết ai cũng từng gặp hết thất bại này tới thất bại khác cho dù họ cố gắng liên tục? Và nếu bạn can đảm nhìn lại chính bản thân mình, có khi nào bạn cũng vô tình hành động như thế trong quá khứ mà không hay biết?

Hãy suy nghĩ và viết ra những lần bạn thử làm một việc gì đó nhiều lần nhưng không thay đổi chiến lược, dẫn tới việc bạn cảm thấy bế tắc vì không đạt được điều mình muốn và cuối cùng đã bỏ cuộc.

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

Cách thứ ba: Liên tục rút kinh nghiệm, linh hoạt thay đổi chiến lược và kiên trì hành động cho tới khi thành công

Vậy thì mô thức hành động mà những người thật sự thành công thường thể hiện là gì? Mỗi khi chưa đạt được mục tiêu, họ không bao giờ xem đó là thất bại. Thay vào đó, họ xem nó là một phản hồi từ thực tế nhắc nhở họ phải nhìn lại toàn bộ chiến lược và quá trình hành động của mình. Có thể chiến lược họ sử dụng không hiệu quả, hoặc họ đã không dồn đủ sức lực vào những thời điểm quan trọng. Sau đó họ sử dụng những phản hồi này để rút kinh nghiệm và lập tức linh hoạt thay đổi hoặc điều chỉnh chiến lược trước khi tiếp tục hành động lần nữa.

Nếu họ vẫn không thành công, họ sẽ phân tích những phản hồi kỹ lưỡng hơn nữa, tiếp tục điều chỉnh chiến lược và vẫn kiên trì cố gắng. Họ tiếp tục vòng lặp này cho tới khi đạt được mục đích. Họ quyết tâm làm mọi việc cần thiết trong khuôn khổ pháp lý và đạo đức để thành công. Vì thế, hãy nhớ mỗi lần bạn không đạt được điều mình muốn, đó chính là cách mà cuộc sống “phản hồi” lại cho bạn biết những thông tin cần thiết. Ðiều bạn cần làm là biết “lắng nghe” và phân tích những phản hồi ấy, bởi chúng rất quan trọng cho thành công của bạn trong tương lai. Chúng giúp bạn biết cách điều chỉnh chiến lược của mình sao cho hợp lý, cho tới khi bạn có được một chiến lược đủ tốt, giúp bạn nhanh chóng đạt được mục tiêu.

Người ta kể rằng Thomas Edison đã thất bại trong hơn 10.000 thử nghiệm trước khi phát minh ra bóng đèn điện. Khi được hỏi ông đã làm thế nào để có thể vượt qua nhiều thất bại như thế, ông trả lời rằng: ông không hề thất bại, vì trước khi tạo ra được bóng đèn, ông đã “phát minh” ra 9.999 cách chắc chắn sẽ… không tạo ra được bóng đèn. Và chính nhờ hiểu biết 9.999 cách đó, Edison mới có thể đi đến thành công rực rỡ chung cuộc.

 

Bill Clinton đã từng được gọi là “cậu bé ngoan cường” không phải là không có lý do riêng của nó. Ông đã vấp ngã nhiều lần với những khó khăn và trở ngại to lớn trên con đường đi đến địa vị Tổng thống Mỹ trong hai nhiệm kỳ liên tiếp. Nhưng mỗi lần như vậy, ông lại rút kinh nghiệm, đánh giá lại tình hình, thay đổi hoặc cải tiến chiến lược và tiếp tục chiến đấu. Những thành viên trong ban vận động tranh cử và vợ ông thường kể lại rằng, mặc dù đêm khuya, nhưng nếu vẫn còn một người nào ngoài đường, Clinton vẫn sẽ ráng nán lại để nói chuyện với “cử tri tiềm năng” và thuyết phục họ. Cuối cùng, như ông đã từng tin mình sẽ làm được, Clinton không những là một  trong những vị Tổng thống trẻ tuổi nhất lịch sử nước Mỹ, mà ông còn được biết đến như là vị tổng thống vĩ đại và tâm huyết nhất của nước Mỹ kể từ sau Thế chiến thứ II. Ngay cả khi ông phải rời vị trí Tổng thống sau hai nhiệm kỳ liên tiếp (theo luật định), Bill Clinton vẫn có được 66% sự ủng hộ của người dân Mỹ. (Dĩ nhiên, chúng ta phải chờ xem tân Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể làm tốt hơn thế hay không?)

 

Vậy bây giờ bạn đã bắt đầu hình dung được Công Thức Thành Công  Tuyệt Ðỉnh chưa?  Với hai yếu tố nền tảng và bốn bước vừa qua, bạn có thể làm bất cứ việc gì trong đời mà bạn mong muốn.

1. Xây dựng cho mình một hệ thống niềm tin vững chắc.

2. Xác định những giá trị sống của bản thân.

3. Biết chính xác bạn muốn gì.

4. Phát triển chiến lược phù hợp để đạt được mục tiêu.

5. Hành động một cách quyết tâm và kiên định.

6. Nếu thành công thì bạn có thể đặt mục tiêu mới to lớn hơn, vĩ đại hơn. Nếu chỉ nhận được phản hồi bạn sẽ rút kinh nghiệm và điều chỉnh chiến lược cho tới khi bạn thật sự thành công.

 

ỨNG DỤNG CÔNG THỨC THÀNH CÔNG TUYỆT ĐỈNH VÀO THỰC TẾ

Công Thức Thành Công Tuyệt Ðỉnh là tập hợp những bước đi hiệu quả mà bạn có thể sử dụng để đạt được bất cứ điều gì bạn mong muốn. Cá nhân mỗi chúng ta, và thậm chí cả các tổ chức, công ty, đoàn thể, trường học,… cũng có thể làm theo công thức này để liên tục đạt được những thành công rực rỡ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Những người thường xuyên thất bại là những người đã làm sai bất kỳ một điều gì trong Công Thức Thành Công Tuyệt Ðỉnh.

 “Bill Gates” của Singapore đã sử dụng Công Thức Thành Công Tuyệt Ðỉnh như thế nào

Bạn có bao giờ nghe tới thương hiệu Creative hoặc công ty Creative Technologies chưa? Ðây là công ty có giá trị hàng tỉ đô la và là công ty đầu tiên của Singapore được lên sàn chứng khoán NASDAQ của Mỹ. Nhà sáng lập ra Creative Technologies chính là Sim Wong Hoo – một trong những người giàu có nhất và được xem như là “Bill Gates” của Singapore. Dĩ nhiên, sản nghiệp vĩ đại và danh tiếng mà ông có được ngày hôm nay là nhờ vào việc ông đã sử dụng Công Thức Thành Công Tuyệt Ðỉnh một cách triệt để. Chắc hẳn điều này không hề làm bạn ngạc nhiên chút nào, bởi vì như đã nói ở trên, tôi không phải là người phát minh ra Công Thức Thành Công Tuyệt Ðỉnh, tôi chỉ là người đúc kết ra công thức ấy bằng cách nghiên cứu những tấm gương thành công.

Sim Hong Woo xuất thân từ một gia đình nghèo với nhiều trắc trở trong cuộc sống. Ông vốn chỉ là một học sinh trung bình và cũng chỉ tốt nghiệp trung học nghề vào năm 19 tuổi. Ðối với đa phần những sinh viên tốt nghiệp trung học nghề, việc sống với mức lương 1.000 đô mỗi tháng ở Singapore đã khiến họ cảm thấy mãn nguyện lắm rồi, nhưng đối với Sim thì không. Ðiều tạo ra sự khác biệt chính là những niềm tin và giá trị sống riêng của ông.

Sim tin rằng mình không như những người khác. Ông sôi sục niềm tin vào năng lực vượt trội của mình. Niềm tin ấy còn hòa quyện cùng những giá trị sống lớn lao về gia đình, sự thành đạt và tâm huyết muốn đóng góp cho xã hội. Chính từ những điều đó, kết hợp với chút đam mê và hiểu biết, ông đã đặt ra cho mình một mục tiêu thật rõ ràng. Ðó là tạo ra được chiếc máy tính đầu tiên trên thế giới có thể nói chuyện, ca hát và chơi nhạc (bên cạnh việc chỉ xử lý các con số). Chắc hẳn bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết Sim đã đặt ra mục tiêu ấy ở tuổi 17, lúc ông vẫn còn đi học. Bạn sẽ càng ngạc nhiên hơn nữa khi biết, chỉ trước đó hai năm (vào năm 15 tuổi), ông đã đặt ra mục tiêu sẽ bán được 100 triệu sản phẩm công nghệ mới có thể cách mạng hóa ngành công nghệ thông tin thế giới.

Chính những mục tiêu to lớn đó đã mang đến cho Sim nguồn cảm hứng để phát triển hàng loạt những chiến lược mà chưa ai từng nghĩ tới. Và dĩ nhiên, ông cũng luôn hành động một cách kiên định vì mục tiêu của mình. Vào năm 1981, bằng tất cả cố gắng và nỗ lực, Sim Hong Woo đã sáng lập ra công ty Creative Technologies chỉ với vỏn vẹn 6.000 đô la. Mãi đến vài năm sau, ông mới có thể tung ra thị trường đứa con tinh thần đầu tiên của mình, Cubic CT, chiếc máy tính đa phương tiện đầu tiên trên thế giới. Ngay lập tức ông đã thành công rực rỡ ư? Rất tiếc là không. Ngược lại, đó là một thất bại thảm hại. Kết quả là công ty ông bị thua lỗ một khoản tiền rất lớn.

Nhưng thay vì xem đó là một “thất bại”, Sim xem đó như là một phản hồi rằng thị trường chưa sẵn sàng cho sản phẩm này. Ông bắt đầu ngồi xuống phân tích nguyên nhân tại sao và phát hiện ra rằng, sản phẩm của mình còn quá phức tạp và đắt tiền. Từ đó, ông linh động thay đổi, phát triển một chiến lược khác và một phát minh mới lại ra đời. Lần này thì ông thành công chăng? Rất tiếc rằng một lần nữa ông lại không thành công. Thậm chí, đây cũng chẳng phải là lần cuối cùng ông “thất bại”.

Không chỉ kiên trì cố gắng hết lần này đến lần khác, Sim liên tục tận dụng những “phản hồi” để ngày càng đúc kết được nhiều kinh nghiệm, đồng thời điều chỉnh và cải tiến chiến lược của mình một cách liên tục. Ông làm thế cho đến khi phát triển được một bảng mạch âm thanh chất lượng cao nhưng giá lại rẻ với tên gọi “Sound Blaster”. Khi sản phẩm “Sound Blaster” được tung ra, nó lập tức thành công vang dội, trở thành một trong những sản phẩm phần cứng máy tính bán chạy nhất và cũng là tiêu chuẩn toàn cầu cho máy tính đa phương tiện. Ngay sau đó, hơn 60% máy tính đa phương tiện trên thế giới hoạt động dựa trên công nghệ Sound Blaster của Creative Technologies.

Vào năm 1992, Creative Technologies trở thành công ty Singapore đầu tiên được lên sàn chứng khoán NASDAQ  tại Mỹ. Từ đó, Creative chính thức bước vào hàng ngũ những công ty trị giá hàng tỉ đô. Ngày nay, Creative Technologies là một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu với hơn 5.500 nhân viên, hơn 20.000 điểm bán lẻ chỉ riêng ở Mỹ và nhiều sản phẩm sáng tạo khác nhau.

Những người thành công nhờ vào nỗ lực như Sim Hong Woo dĩ nhiên luôn khiến chúng ta ngưỡng mộ. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta dường như quá chú ý tới việc làm thế nào những người thành công có vẻ như rất thông minh và may mắn này luôn có mặt đúng nơi đúng lúc cho sự thành công. Chúng ta cũng thường ngưỡng mộ họ như là những “siêu nhân”. Nhưng thật ra, họ cũng chỉ là những người bình thường như tất cả chúng ta thôi. Ðiều khác biệt chính là họ có can đảm để dám sống và vươn lên bằng Công Thức Thành Công Tuyệt Ðỉnh, từ đó đạt được thành công rực rỡ mà người người phải thán phục.

KHÓA HỌC NHỮNG MÔ THỨC THÀNH CÔNG… CŨNG ĐI TỪ THẤT BẠI ĐẾN THÀNH CÔNG

Khóa học Những Mô Thức Thành Công của công ty Adam Khoo Learning Technologies Group cũng chính là kết quả của Công Thức Thành Công Tuyệt Ðỉnh. Khi Stuart và tôi nảy ra ý tưởng cho ra đời khóa học này, chúng tôi có những niềm tin và giá trị sống mạnh mẽ làm tiền đề cho sự thành công của khóa học. Chúng tôi đặt ra những mục tiêu cụ thể như: khóa học đầu tiên dành cho 50 người và sẽ diễn ra vào tháng 11 năm 2002. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng dày công phát triển toàn bộ nội dung, cách thức tiến hành khóa học và cả chiến lược tiếp thị cho nó.

Chiến lược của chúng tôi là đăng quảng cáo trên báo chí để thu hút khách hàng tiềm năng tới những buổi giới thiệu khóa học. Ở đó, họ sẽ được nghe chúng tôi diễn thuyết miễn phí về khóa học và tiếp theo sẽ được mời đăng ký cho khóa học 8 ngày tuyệt vời này với giá vô cùng hấp dẫn là 2.000 đô la. (Hiện nay, khóa học này của chúng tôi có giá hơn 4.500 đô la.)

Sau khi có được một chiến lược như ý, chúng tôi hăm hở tiến hành đăng quảng cáo, đặt phòng hội thảo và chờ đợi phản hồi. Lúc đầu mọi chuyện diễn ra rất suôn sẻ vì có tới hơn một trăm người lũ lượt đến dự buổi giới thiệu đầu tiên. Stuart và tôi đã thực hiện những bài diễn thuyết hùng hồn và sống động nhất trong buổi hôm ấy.

Khi kết thúc buổi giới thiệu, chúng tôi mong đợi ít nhất từ 15 đến 20 người đăng ký tham dự khóa học. Nhưng bạn hãy đoán xem chuyện gì đã xảy ra? Gần như tất cả mọi người đứng lên và… ra về. Chỉ có duy nhất một người ở lại đăng ký. Nói về hoàn thành mục tiêu thì rõ ràng chúng tôi còn lâu mới đạt mức 15-20 người đăng ký trong mỗi buổi giới thiệu, chứ đừng nói đến tổng số 50 người tham gia.

Trong hoàn cảnh ấy, nếu là người khác thì họ có thể đã đầu hàng, tin rằng ý tưởng có 50 học viên chỉ là điên rồ và nhanh chóng bỏ cuộc (cách phản ứng thứ nhất). Hoặc cùng lắm, họ sẽ thử vài lần nữa để rồi cũng chỉ gặp thất bại não nề như thế, và cuối cùng vẫn phải quyết định bỏ cuộc vì không muốn thua lỗ thêm nữa (cách phản ứng thứ hai).

Thật vậy, đã có vài nhân viên và bạn bè của tôi khi thấy thất bại trước mắt đã viện đủ mọi lý do để… bỏ cuộc. Người thì nói rằng kinh tế đang rất xấu, sẽ không ai chịu bỏ ra 2.000 đô la cho một khóa đào tạo vào lúc này cả. Người thì nói tôi nhìn quá trẻ và không đủ độ “chín” để đứng ra giảng dạy. Thậm chí có người còn nói là vì các yếu tố… phong thủy, địa lý.

Nếu chú ý, bạn sẽ thấy ngay rằng những phản ứng như thế (đổ thừa, biện hộ,…) là xu hướng giống nhau của đại đa số mọi người khi gặp những việc không như ý. Bây giờ bạn đã biết điều đó, tôi tin rằng bạn sẽ có những lựa chọn tốt hơn trong tương lai.

Còn về phần mình, tôi cũng đã có thể chấp nhận những lý do trên để biện hộ cho việc không đạt được mục tiêu đề ra. Nhưng tôi nhận ra rằng, việc cố gắng tìm kiếm và viện dẫn những lý do hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi (tôi không thể “hô biến” khiến nền kinh tế lạc quan hơn, tôi không thể nói dối tuổi của mình,…) sẽ không giúp ích được gì cả. Vì thế, tôi chọn cách phản ứng thứ ba vì nó hợp lý và đúng với Công Thức Thành Công Tuyệt Ðỉnh. Thế là Stuart và tôi cùng nhìn lại, xem xét và phân tích những việc đã xảy ra, cũng như lý do tại sao chúng dẫn đến kết quả tệ hại, khác xa so với dự tính ban đầu trong chiến lược của chúng tôi.

Lý do gì đã khiến mọi người không đăng ký một khóa đào tạo tuyệt vời đến thế, nhất là với một cái giá hết sức phải chăng? Chúng tôi bắt đầu thu thập thêm thông tin bằng cách gọi điện hỏi thăm những người đã tham dự nhưng không đăng ký. Những phản hồi ấy bao gồm: “Chưa thấy có nhu cầu phải đăng kí ngay”, “Sợ khóa đào tạo không mang lại kết quả mong muốn” và “Cảm thấy không thể thu xếp thời gian để tham dự một khóa đào tạo diễn ra trong vòng 8 ngày liên tiếp”.

Dựa vào các phản hồi đó, chúng tôi mạnh dạn đưa ra những thay đổi lớn trong trình tự bài diễn thuyết, cấu trúc cũng như thời gian của khóa học, cách chúng tôi xử lý những phản đối và cách chúng tôi khéo léo kết thúc buổi diễn thuyết.

Chúng tôi chia nhỏ khóa đào tạo dài ngày ra thành ba khóa đào tạo ngắn ngày khác nhau (để giải quyết vấn đề thời gian). Chúng tôi đưa ra cam kết hoàn lại 100% tiền học nếu người tham gia không vừa lòng với khóa học (để giải quyết vấn đề lòng tin). Chúng tôi đưa ra khuyến mãi giảm giá đặc biệt dành riêng cho những người đăng ký ngay sau buổi giới thiệu (để giải quyết vấn đề cảm thấy chần chừ).

Với chiến thuật mới của mình, trong tuần tiếp theo, chúng tôi tổ chức thêm một buổi giới thiệu nữa cho khoảng 100 người tham dự. Bạn hãy đoán xem kết quả thế nào?… Lần này có hơn 13 người đăng ký. Nếu so với thất bại thảm hại của lần đầu thì lần này có rất nhiều tiến bộ, nhưng chúng tôi vẫn chưa đạt được mục tiêu 15-20 người đăng ký cho mỗi buổi giới thiệu.

Thế là chúng tôi lại tiếp tục ngồi xuống nhìn lại quá trình, thu thập thêm thông tin phản hồi và cải tiến những chiến lược hiện tại. Chúng tôi tự hỏi mình những câu hỏi như: “Có cách nào khác để chúng tôi có thêm nhiều người đăng ký?”, “Làm cách nào để mọi người nhận ra sự thật rằng khóa học này là cần thiết cho những thành công vượt bậc của họ trong tương lai?”,…

Sau đó, chúng tôi đưa ra thêm một số cải tiến khác. Trong tuần tiếp theo nữa, chúng tôi lại tổ chức thêm một buổi giới thiệu. Và lần này có 16 người đăng ký tại chỗ. Không dừng lại ở đó, chúng tôi lại tiếp tục cải tiến chiến lược của mình và đạt được kỷ lục 22 người đăng ký ngay lập tức sau khi kết thúc buổi giới thiệu tiếp theo. Vậy là cuối cùng, chúng tôi đã vượt quá mục tiêu mình đặt ra ban đầu là chỉ cung cấp 50 suất cho khóa đào tạo Những Mô Thức Thành Công đầu tiên. Rõ ràng, bằng cách sử dụng Công Thức Thành Công Tuyệt Ðỉnh, chúng tôi hoàn thành mục tiêu của mình một cách nhanh chóng, cho dù lúc đầu chúng tôi đã thất bại thảm hại.

Thế là vẫn tiếp tục áp dụng Công Thức Thành Công Tuyệt Ðỉnh, chúng tôi đặt ra cho mình mục tiêu cao hơn với 80 học viên cho mỗi khóa trong năm tiếp theo. Chúng tôi cũng không thành công ngay tức thì, nhưng chúng tôi luôn nghiêm túc trong việc ghi nhận “phản hồi” và thay đổi chiến lược. Thậm chí, trong quá trình hoàn thiện chiến lược của mình, chúng tôi còn liên tục cải tiến nội dung khóa học để có thêm nhiều học viên tự động tìm đến khóa học thông qua giới thiệu của bạn bè đã học trước đó. Hiện nay, con số học viên trung bình của chúng tôi đã vượt quá 80 cho mỗi khóa, và đang dần tăng lên con số 100. Ðó là chưa kể giá trung bình của khóa học đã tăng lên gấp đôi (dĩ nhiên là cùng với chất lượng và hiệu quả của nó sau nhiều lần cải tiến).

Một lần nữa, với những thành công như thế khi tuổi đời còn rất trẻ, mọi người đồn đại rằng tôi vừa có nhiều tài năng vừa có nhiều may mắn để có thể tạo ra được một khóa đào tạo nổi tiếng như thế. Họ nghĩ rằng tôi là một “thiên tài” có thể… “biến mọi thứ chạm vào thành vàng”. Họ không thấy rằng tôi cũng chỉ là một người bình thường, khác biệt ở chỗ là tôi biết hành động bền bỉ và kiên trì áp dụng Công Thức Thành Công Tuyệt Ðỉnh. Cho nên, tôi dám khẳng định rằng bất kỳ ai làm theo bí quyết này một cách kiên định cũng sẽ gặt hái được những thành quả to lớn trong bất cứ lĩnh vực nào họ mong muốn.

 

 

HÃY LINH HOẠT ĐỂ LÀM CHỦ ĐƯỢC HOÀN CẢNH

Công thức này thậm chí còn áp dụng được cho những mối quan hệ cá nhân và nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, bạn cần phải nhớ rằng một trong những yếu tố quan  trọng khi áp dụng Công Thức Thành Công Tuyệt Ðỉnh chính là “tính linh hoạt”. Trong công thức của chúng ta, tính linh hoạt được định nghĩa là khả năng có thể liên tục thay đổi hoặc điều chỉnh chiến lược khi cần thiết (trong phạm vi pháp luật và đạo đức) để đạt được mục tiêu mong muốn. Ðiều không may là thông thường, đa số mọi người chỉ thử vài ba phương pháp quen thuộc xong rồi bỏ cuộc và tuyên bố hùng hồn rằng: “Tôi đã thử hết mọi cách!”

Khi mẹ còn dễ “lên cơn” hơn cả con

Trước đây từng có một phụ huynh tâm sự với tôi rằng cô không biết làm sao để đối phó với tính hay “lên cơn” của đứa con gái. Mỗi khi đứa trẻ không đạt được điều nó muốn như là được mua cho đồ chơi mới, thì nó bắt đầu “lên cơn”, khóc lóc, la hét ngay giữa đường giữa chợ, cho tới khi cô chịu thua và chiều theo ý nó.

Cô nói: “Tôi đã thử hết mọi cách nhưng không hiệu quả. Tôi không biết phải làm gì bây giờ nữa?”. Thế là tôi hỏi cô ấy: “Vậy chị có chắc chắn là đã thử hết mọi cách chưa?” – “Vâng, tôi nghĩ là mọi cách. Không cách nào ngăn được nó diễn trò đó mỗi khi không vừa ý.” – “Vậy thì tổng cộng chị đã thử bao nhiêu cách?”.

Sau khi suy nghĩ một hồi, người mẹ trả lời rằng chị mới thử có hai phương pháp. Một là im lặng, cứng rắn, mặc kệ đứa trẻ, hai là khuyên bảo nhẹ nhàng mềm mỏng với nó, nhưng không cách nào hiệu quả.

Thường thì đa số chúng ta cũng như bậc phụ huynh này, luôn thiếu linh động trong cách giải quyết vấn đề, nên dễ dẫn đến việc bế tắc, tuyệt vọng. Thế nên tôi phải hướng dẫn cô ấy một chiêu thức mới.

“Lần tới, nếu con chị vòi vĩnh gì, chị hãy “nổi cơn tam bành” trước cả khi đứa bé kịp “lên cơn”.

“Anh nói nghiêm túc chứ? Làm thế giữa đường giữa chợ ư?” Chị ngạc nhiên tròn mắt hỏi lại.

“Vâng! Ðể làm chủ hoàn cảnh và “chiến thắng” bọn trẻ, chị phải trở nên linh hoạt hơn chúng. Chị hãy sử dụng phương pháp này xem chuyện gì sẽ xảy ra.”

Thế là lần tiếp theo khi con chị bắt đầu nài nỉ mua đồ chơi, chị ngay lập tức “lên cơn thịnh nộ”. Chị la hét, thậm chí giãy giụa ngay trong cửa hàng, trước mặt mọi người (y như đứa con chị hay làm). “Không được đòi mua đồ chơi nữa! Tại sao con luôn muốn phải có đồ chơi mới? Con đã có quá nhiều đồ chơi rồi!”. Thế là đứa trẻ vì quá bất ngờ và sợ hãi (chưa bao giờ nó thấy mẹ nó như thế ở nơi công cộng) đã không dám vòi vĩnh nữa.

Cứ thế, người mẹ tiếp tục sử dụng phương pháp này mỗi khi đứa con bắt đầu nhõng nhẽo một cách vô lý cho tới khi nó sợ phải thấy mẹ nó “nổi cơn tam bành” nơi công cộng nên không dám vòi vĩnh lung tung nữa.

Bạn thấy đó, với khả năng linh hoạt, bạn có thể làm được nhiều việc tưởng chừng không thể.

Thật ra, trong bất cứ trường hợp nào, người linh động nhất cuối cùng sẽ là người làm chủ được tình thế. Đó là lí do tại sao dường như trẻ nhỏ thường điều khiển được cha mẹ chúng thay vì điều ngược lại. Là người lớn, chúng ta thường rất cứng nhắc và dễ đoán. Còn bọn trẻ thì hoàn toàn khác, chúng hết sức linh hoạt trong đa số hoàn cảnh và có thể làm mọi thứ (thay đổi chiến thuật linh hoạt) để đạt được điều chúng muốn. Cho nên, chỉ có một cách là chúng ta phải trở nên linh hoạt hơn bọn trẻ thì chúng ta mới có thể bắt đầu làm chủ được tình thế và đạt được kết quả mong muốn.

Nếu bạn là một bậc làm cha làm mẹ, bạn sẽ học thêm được nhiều điều mới lạ, thú vị và bổ ích về những phương pháp dạy dỗ con cái hiện đại trong một quyển sách bán chạy khác của tôi: “Con Cái Chúng Ta Ðều Giỏi – Bí quyết làm trỗi dậy tài năng trong con bạn”.

Bây giờ bạn đã hiểu khá rõ về Công Thức Thành Công Tuyệt Ðỉnh. Câu hỏi đặt ra là bạn sẽ sử dụng công thức ấy như thế nào để đạt được những thành công khác nhau trong  cuộc sống? Trong sự nghiệp? Trong tình cảm? Trong các mối quan hệ? Trong sức khỏe? Chúng ta sẽ cùng nhau khám phá trong những chương tiếp theo…

 

 

Bài tập cuối chương

Bạn đã sẵn sàng cho những bài tập cuối chương chưa? Ðúng rồi!

Hãy cầm bút lên và bắt đầu viết nhé.

Ðã bao giờ bạn thành công nhờ rút kinh nghiệm từ những phản hồi và linh hoạt thay đổi chiến lược chưa? Hãy viết ra ít nhất 3 trường hợp.

1………………………………………………………………………………………………………………….. ……………………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………………….

2………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………… …………………………………………………………………………………………………………………….

3………………………………………………………………………………………………………………….. ……………………………………………………………………………………………………………………. ……………………………………………………………………………………………………………………. ……………………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………………….

Có những lĩnh vực nào trong cuộc sống mình, bạn thấy có thể áp dụng được Công Thức Thành Công Tuyệt Ðỉnh để đạt những điều bạn luôn mong ước hoặc khao khát?

……………………………………………………………………………………………………………………. ……………………………………………………………………………………………………………………. ……………………………………………………………………………………………………………………. ……………………………………………………………………………………………………………………. ……………………………………………………………………………………………………………………. …………………………………………………………………………………………………………………….

 

 

Tổng kết chương

1. Công Thức Thành Công Tuyệt Ðỉnh

2. Có ba cách chúng ta đối mặt với thất bại

a. Bào chữa, biện minh, đổ lỗi và nhanh chóng bỏ cuộc.

b. Cố gắng nhiều lần với cùng một chiến lược cho dù thất bại, cho tới khi bế tắc và buộc phải bỏ cuộc.

c. Nhận phản hồi, rút kinh nghiệm để thay đổi chiến lược, kiên trì hành động cho tới khi có được một kết quả nào đó. Lập lại quá trình này đến khi đạt được mục tiêu mong muốn.

3. Tính linh hoạt là khả năng liên tục thay đổi chiến lược và sẵn sàng làm mọi thứ (trong phạm vi pháp luật và đạo đức) để đạt được kết quả mong muốn.

Bình luận