Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Làm Chủ Tư Duy, Thay Đổi Vận Mệnh

Chương 6: Bí Quyết Làm Việc Đạt Hiệu Quả Tối Đa

Tác giả: Adam Khoo

HÀNH ĐỘNG TẠO RA KẾT QUẢ

Phải chăng những người uyên bác nhất, thông minh nhất hay học giỏi nhất đều gặt hái những thành công tột bậc? Dĩ nhiên là không, vì nếu vậy thì tất cả những ông/bà tiến sĩ hay các thành viên Hội MENSA (Hội những người có chỉ số thông minh cao nhất) đều trở thành triệu phú cả. Sự đời thường trớ trêu, một số người học cực giỏi cuối cùng lại phải đi làm thuê cho những người có học vấn trung bình.

Kể ra thì có Bill Gates, Steve Jobs, Oprah Winfrey, Steven Spielberg, Larry Ellison, Soichiro Honda và Richard Branson… tất cả đều không tốt nghiệp đại học. Vậy mà họ đã gây dựng được những tập đoàn trị giá hàng tỷ đô la và giao cho các nhà quản lý, chuyên gia tài giỏi vận hành, trong số đó có nhiều người có bằng MBA hoặc tiến sĩ Kinh tế ở trường Harvard danh tiếng. Vậy làm thế nào mà những người không có tấm bằng đại học lại làm được điều đó? Đơn giản là vì họ đã hành động không ngừng.

Hành động là yếu tố thúc đẩy tạo ra mọi kết quả. Khi bạn hành động kiên định hướng tới một mục tiêu rõ ràng, chắc chắn bạn sẽ đạt được một kết quả nào đó. Đó có thể là kết quả bạn mong muốn (thành công) hoặc không mong muốn (nhưng là bài học kinh nghiệm cho bạn). Bằng cách thay đổi phương pháp và kiên trì hành động nhiều hơn, cuối cùng bạn sẽ gặt hái được kết quả mong muốn.

Bạn thấy đấy, kiến thức, trí thông minh và năng lực không đơn thuần mang lại cho bạn thành công. Đó chỉ là những dạng tiềm năng, và chỉ bằng hành động, bạn mới có thể biến những tiềm năng thành hiện thực.

Thành công được định nghĩa bằng việc bạn hành động như thế nào chứ không phải bằng số lượng kiến thức hay năng lực mà bạn sở hữu. Kiến thức có thể học được và năng lực có thể đạt được qua thời gian. Nhưng hành động là thứ duy nhất xuất phát từ bên trong bản thân bạn. Và một lần nữa, đó là thứ duy nhất có thể tạo ra kết quả.

Henry Ford “ngu  dốt” nhưng đủ thông minh để thuê được người  tài giỏi hơn về làm việc cho mình!

 

Henry Ford, nhà sáng chế ra xe hơi, thường bị người đời cho là “ngu dốt” vì ông không được đào tạo chính quy. Mặc dù không có nhiều kiến thức về kế toán, kỹ thuật hay khoa học, Ford đã thành lập công ty Ford Motor mà hiện là một tập đoàn toàn cầu trị giá hàng tỷ đô la.

 

Trong thực tế, Ford không hề có đủ kỹ năng hay tài năng để phát minh ra bất cứ thứ gì. Ông chỉ là một người liên tục hành động mạnh mẽ với niềm tin không hề lay chuyển: “không có gì là không thể”. Bí quyết của ông nằm ở việc: “thuê những người thông minh hơn tôi và giao việc cho họ”.

 

Đúng thế, đó chính là những gì Ford làm. Ông săn lùng và tập hợp những “bộ não siêu phàm” về làm việc cho mình, giúp ông sáng chế ra Ford-T, chiếc xe hơi đầu tiên của nhân loại. Khi các nhà khoa học và kỹ sư cho rằng việc này không thể làm được, ông một mực nói, “Hãy làm tất cả những gì có thể, thế nào bạn cũng tìm được cách, đừng đẩy vấn đề cho tôi mà hãy tìm cách giải quyết”. Cuối cùng, với sự thúc đẩy động viên của ông, mô hình Ford-T đầu tiên ra mắt toàn thế giới vào năm 1908.

 

Từ quá khứ đến hiện tại, thực tế đã chứng minh rằng đây là một sự thật không thể chối cãi. Tôi được biết rất nhiều người thông minh, học vấn cao, có bằng thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ, nhưng suốt đời không thành công, chỉ vì một lẽ đơn giản họ đã không hành động đủ kiên trì để thành công.

Mặt khác, tôi biết nhiều nhà triệu phú và chủ doanh nghiệp thành đạt chưa bao giờ bước chân vào trường đại học hay bỏ học giữa chừng lại đạt được những thành tích phi thường, nhờ vào việc họ liên tục hành động. Thường thì những người này trước đây không có gì để mất (không tiền tài, không danh vọng…) nên họ không hề chần chừ và hành động thật nhiều để bù lại cho sự “thiếu hụt” đó.

Thật vậy, điều đáng tiếc là mặc dù kiến thức trong sách và giáo dục ở trường có giá trị to lớn, nhiều người lại bị khối kiến thức đồ sộ đó “đè nặng” lên vai. Những người dư thừa kiến thức thường dành hết thời gian ngồi phân tích và suy nghĩ “tại sao việc này không thể làm được”… đến nỗi họ bị tê liệt và không bao giờ hành động hoặc hành động rất e dè, cầm chừng để tránh rủi ro càng nhiều càng tốt.

Một lần nữa, tôi không phủ nhận rằng kiến thức và giáo dục rất quan trọng với chúng ta. Nhưng chỉ có hành động mạnh mẽ mới là chìa khóa giải phóng tiềm năng của bản thân bạn. Do đó, những người biết kết hợp giữa kiến thức và hành động mạnh mẽ mới là kẻ bất khả chiến bại trong việc theo đuổi bất kỳ mục tiêu nào.

CẢM XÚC THÚC ĐẨY HÀNH ĐỘNG

Những lý do phổ biến nhất biện minh cho việc “không hành động” mà tôi thường nghe thấy là: “Tôi không có đủ động  lực”,  “Tôi quá lười”, “Tôi cảm thấy thiếu tự tin” hay “Tôi sợ rằng…”. Bạn có bao giờ như vậy không? Nếu có thì chuyện đó là… bình thường, bởi vì ai cũng từng có những lúc như thế.

Bạn hãy nghĩ xem, “thiếu động lực”, “sợ hãi”, “tự ti”, “lười biếng”, “muốn trì hoãn”,… chẳng qua chỉ là những cảm xúc của bạn. Và chính những cảm xúc ấy, chứ không phải lý trí, thúc đẩy hay ngăn cản bạn hành động. Trong đa số trường hợp, chúng ta thừa biết rằng mình nên làm những việc này việc kia, nhưng rốt cuộc chúng ta lại không làm gì cả chỉ vì không cảm thấy muốn làm.

Ví dụ, đa số mọi người hiểu rằng mình nên tập thể dục ba lần một tuần để tăng cường sức khỏe, nhưng họ cứ trì hoãn mãi vì lười và vịn vào những lý do “muôn thuở” như “không có thời gian”. Một nhân viên bán hàng hoàn toàn nhận thức rõ là để đạt chỉ tiêu bán hàng, anh phải gọi 10 cú điện thoại chào bán mỗi ngày, vậy mà anh lần lữa mãi vì không thích bị khách hàng từ chối. Một nữ viên chức thừa nhận rằng, việc thuyết trình tốt sẽ giúp chị thăng tiến trong sự nghiệp, nhưng chị không dám bước lên bục vì sợ đối mặt với khán phòng.

Tương tự, chúng ta thường làm những việc mà chúng ta biết rõ là không nên làm chỉ vì bị cảm xúc thúc đẩy. Ví dụ, nhiều người tin rằng việc ăn thêm một miếng bánh ngọt  sẽ có hại cho tình trạng sức khỏe và hình thể của họ nhưng họ vẫn không cưỡng lại được sự cám dỗ vì thèm. Ai cũng biết rằng mình không nên ngủ nướng khi chuông báo thức reng, nhưng có người vẫn tiếp tục nằm, vì như thế “sướng” hơn.

Vì thế, cảm xúc của bạn mới là “nguồn lực” chính thật sự thúc đẩy hành động và cách cư xử của bạn trong mọi thời điểm. Bạn cảm thấy như thế nào thì bạn làm y như thế đó. Những cảm xúc tích cực như “hào hứng”, “đam mê”, “tự tin”, “hạnh phúc”, “phấn khởi”… khiến bạn hành động mạnh mẽ và đạt hiệu quả tối đa. Đồng thời, những cảm xúc tiêu cực như “lo sợ”, “hồi hộp”, “căng thẳng”, “lười biếng”, “buồn phiền”, “mệt mỏi”… ngăn cản bạn đạt được mục tiêu của mình.

Bạn đã bao giờ trải qua một ngày mà bạn cảm thấy mình làm việc cực kỳ hiệu quả chưa? Đó là khi bạn giải quyết được rất nhiều việc, ý tưởng của bạn tuôn trào, bạn đưa ra những quyết định sáng suốt và cảm thấy phấn chấn cả ngày. Tôi chắc rằng bạn đã từng như thế. Trong những ngày “trên cả tuyệt vời” ấy, bạn có hàng loạt các cảm xúc tích cực như “tự tin”, “vui vẻ”, “có động lực”…

Ngược lại, có những ngày u ám khi bạn không thể làm việc gì ra hồn. Bạn phát ngôn những câu ngu xuẩn, bạn quyết định sai lầm và mọi việc cứ rối tung cả lên. Tại sao lại thế chứ? Bạn vẫn là bạn, vẫn có đầy đủ năng lực và vẫn ở trong một môi trường giống nhau. Sự khác biệt duy nhất nằm ở chỗ những cảm xúc tích cực của bạn bị thay thế bởi những cảm xúc tiêu cực tạo ra một ngày đen tối.

Một lần nữa, cảm xúc thúc đẩy hành động của bạn và do đó, quyết định kết quả bạn đạt được. Những người luôn hành động nhất quán và gặt hái kết quả tốt đẹp là do họ lựa chọn để có được cảm xúc tích cực mỗi ngày. Chính những cảm xúc tích cực này cho phép họ tận dụng tối đa tiềm năng của họ và thành công tột bậc.

Vậy thì cảm xúc hằng ngày của bạn là gì? Bạn thường mang trong lòng những cảm xúc tích cực hay tiêu cực? Tôi muốn bạn hãy lấy bút và dành vài phút để làm bài tập sau đây.

BẢNG KIỂM KÊ CẢM XÚC CỦA BẠN

Ở khoảng trống bên dưới, bạn hãy liệt kê mười cảm xúc thông thường nhất của bạn mỗi ngày. Hãy nghĩ xem từ lúc bạn thức dậy vào buổi sáng cho đến lúc bạn kết thúc một ngày và đi ngủ, bạn thường cảm thấy như thế nào? Bạn hãy tuyệt đối thành thật với chính mình và làm ngay bây giờ.

Mười cảm xúc thông thường nhất của bạn mỗi ngày

VD: Bạn cảm thấy ra sao vào mỗi buổi sáng? Khi bạn bước vào công ty? Khi bạn đi gặp khách hàng? Vào giữa ngày? Khi bạn trở về nhà sau một ngày làm việc? Khi bạn gặp khó khăn thử thách trong cuộc sống? Khi bạn phải hoàn tất công việc cho kịp thời hạn? Khi mọi việc trở nên tồi tệ ngoài ý muốn của bạn?

1  ………………………………………………………………………………………………. 

2  ………………………………………………………………………………………………. 

3  ………………………………………………………………………………………………. 

4  ………………………………………………………………………………………………. 

5  ………………………………………………………………………………………………. 

6  ………………………………………………………………………………………………. 

7  ………………………………………………………………………………………………. 

8  ………………………………………………………………………………………………. 

9  ………………………………………………………………………………………………. 

10      ………………………………………………………………………………………….

Bạn đã hoàn tất bài tập này chưa? Nếu chưa, hãy quay lại làm ngay bây giờ vì đây là một bài tập cực kỳ quan trọng. Bây giờ, giả sử bạn đã có danh sách mười cảm xúc thông thường của mình, tôi muốn bạn hãy đánh dấu bên cạnh những cảm xúc tích cực đối với bạn như “hào hứng”, “mạnh mẽ”, “quyết tâm”… Đó là những cảm xúc khiến bạn hành động và đạt hiệu quả tối đa. Hãy làm ngay bây giờ.

Sau đó, tôi muốn bạn gạch chéo kế bên những cảm xúc tiêu cực đang kiềm hãm và ngăn cản bạn hành động như “lười biếng”, “uể oải”, “giận dữ”… Hãy làm ngay bây giờ.

Sau khi đánh dấu xong, hãy nhìn lại danh sách của bạn. Bạn có nhiều cảm xúc tích cực hay tiêu cực mỗi ngày? Như bạn đã biết, cảm xúc thúc đẩy bạn hành động và hành động tạo ra kết quả, do đó, danh sách này phản ánh chính xác việc bạn có đạt được kết quả bạn muốn hay không và đạt đến mức nào.

Tôi phát hiện rằng những người làm việc cực kỳ hiệu quả và thành công vượt bậc có nhiều cảm xúc tích cực hơn cảm xúc tiêu cực. Điều này không có nghĩa là họ không bao giờ cảm thấy “lười biếng”, “sợ hãi” hay “buồn nản”. Chỉ là ít khi họ cảm thấy như thế và nếu có, họ cũng  có thể thoát khỏi cảm xúc tồi tệ này và nhanh chóng chuyển sang cảm xúc tích cực ngay. Họ không gặm nhấm hay đắm chìm trong những cảm xúc “kém hiệu quả” như đa số những người khác. Dưới đây là danh sách cảm xúc điển hình của một người thành công.

Mặt khác, hãy nhìn vào danh sách cảm xúc của một người bình thường và chưa bao giờ đạt được những thành công mà lẽ ra anh ta hay chị ta có thể đạt được.

 

 

Danh sách mà những cảm xúc tiêu cực chiếm đa số ở trên cũng chính là “mẫu số chung” của những người thông minh sáng láng nhưng không đạt được thành công tột bậc. Đơn giản là vì họ liên tục trải qua những cảm xúc tiêu cực như “lo sợ”, “nản lòng”, “lười biếng” và “thờ ơ”.

BẠN CÓ LÀM CHỦ ĐƯỢC CẢM XÚC CỦA MÌNH KHÔNG?

Xin cho phép tôi hỏi bạn một câu hỏi quan trọng khác. Bạn có luôn quản lý được cảm xúc của mình không? Nói một cách cụ thể hơn, trước khi cảm thấy buồn, bạn có tự nhủ rằng “Ừm… bây giờ mình sẽ buồn đây” và tâm trạng buồn phiền lập tức xâm chiếm bạn? Hay khi bạn cảm thấy tràn trề tự tin, có phải chính bạn đã điều khiển bản thân mình có được tâm trạng tự tin đó không?

Hầu hết mọi người không nhận thức được là chính họ đang điều khiển cảm xúc của họ chứ không phải ai hay một việc gì khác. Họ thường cảm thấy bản thân họ “tự động” chuyển từ cảm xúc này sang cảm xúc khác và để mặc mình trôi theo dòng cảm xúc mà không hề biết rằng cảm xúc ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả làm việc của họ.

Có phải có những lúc bạn đang rất vui vẻ, nhưng bất chợt lại cảm thấy “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” không? Hay đã bao giờ bạn bắt đầu một ngày mới cảm thấy cực kỳ yêu đời nhưng chẳng bao lâu sau, bạn mất hẳn động lực làm việc chưa? Tại sao lại như vậy?

Khi bạn không quản lý cảm xúc của mình một cách có chủ ý, não bộ của bạn sẽ “chạy tự động” và chuyển bạn vào các cảm xúc khác nhau. Tệ hơn nữa, sau một thời gian lặp đi lặp lại, nhiều cảm xúc trở thành thói quen cố hữu của bạn. Việc này giải thích tại sao nhiều người vẫn cảm thấy buồn ngủ và không tỉnh táo cho dù đã ngủ được bảy tám giờ trước đó. Hoặc có những người khi bước vào công ty nhìn thấy núi việc chồng chất là cảm thấy nản chí và muốn bỏ việc ngay lập tức. Tất cả những thói quen cảm xúc giới hạn này đã được lập trình sẵn trong tiềm thức của bạn và do các kết nối nơ-ron tạo ra. Bây giờ thì bạn đã hiểu tại sao nhiều người than vãn là họ không quản lý được cảm xúc và cuộc đời họ rồi chứ?

Bên cạnh đó, nhiều người cho phép những sự kiện bên ngoài chi phối cảm xúc của mình. Ví dụ như khi hàng hóa bán chạy, họ vui vẻ, tự tin và cố gắng làm việc nhiều hơn. Khi cửa hàng ế khách, họ nản lòng, buồn phiền đến nỗi phải đóng cửa. Khi có ai đó lắng nghe họ tâm sự và khích lệ họ, họ cảm thấy phấn khởi và bắt tay vào hành động. Nhưng ngay khi có người nhận xét tiêu cực về họ, họ quay lại tâm trạng đau buồn và mất động lực phấn đấu lúc đầu.

Những người này có khuynh hướng “đùn đẩy trách nhiệm” mà chúng ta đã đề cập trong chương trước. Họ đổ thừa cho người khác hay hoàn cảnh là nguyên nhân khiến họ luôn ở trong tâm trạng tồi tệ. “Anh ta làm tôi buồn, tôi không thể làm được gì cả”, “Chuyện đó xảy ra làm tôi không còn cảm thấy tự tin nữa” hay “Sếp không biết cách động viên tôi đúng mức”.

Có phải những người thành công lúc nào cũng cảm thấy phấn khởi tích cực là vì họ luôn được “trời đất phù hộ” nên gặp những chuyện vui vẻ, may mắn không? Có phải ít khi nào họ gặp khó khăn trở ngại trong cuộc sống không? Có phải họ luôn có người ở bên cạnh động viên an ủi họ không? Có phải họ thường đạt được mục tiêu và không biết đến thất bại là gì không? Dĩ nhiên, không phải như vậy. Những người thành công vẫn có thể gặp phải những chuyện tồi tệ bên ngoài như bao người khác, điểm khác biệt nằm ở chỗ họ duy trì được cảm xúc tích cực bên trong bất kể chuyện gì xảy ra đi nữa. Những cảm xúc tích cực này tiếp tục thúc đẩy họ hành động nhiều hơn cho đến khi họ đạt được kết quả mong muốn.

Tại sao những người thành công làm được điều này? Đó là vì họ chịu trách nhiệm cho cảm xúc của họ và biết cách điều khiển cảm xúc bản thân một cách có ý thức. Những người trung bình, mặt khác, luôn cho rằng cảm xúc của mình thường xuyên bị những thói quen xấu và môi trường xung quanh kiểm soát.

Cho nên, ngay từ bây giờ, bạn hãy bắt đầu làm chủ cảm xúc của mình và học cách liên tục đặt bản thân vào những cảm xúc tích cực để giúp bạn đạt được hiệu quả làm việc tối đa. Để làm được điều này, việc đầu tiên bạn cần phải hiểu là….

CHÍNH BẠN TẠO RA CẢM XÚC CỦA MÌNH

Vào bất cứ thời điểm nào, bạn đều tạo ra cảm xúc của mình. Nếu bạn cảm thấy tự tin, đó là vì bạn đang mang lại sự tự tin cho bản thân. Nếu bạn cảm thấy buồn phiền, chính bạn cũng đang tạo ra sự buồn phiền ấy. Khi bạn cảm thấy quyết tâm mạnh mẽ, tức là bạn đang truyền động lực cho bản thân bạn. Không ai và không có bất cứ việc gì có thể ảnh hưởng hay thay đổi cảm xúc của bạn, trừ khi bạn chọn việc cho phép bản thân bạn rơi vào cảm xúc đó.

Điều này có thật sự đúng không? Bạn hãy nghĩ thử xem. Tại sao trong cùng một sự việc, cùng một hoàn cảnh, hai người khác nhau lại có cảm giác hoàn toàn khác nhau? Một người cảm thấy lo sợ khi phải nói chuyện trước đám đông, trong khi có người lại làm chuyện này một cách đầy tự tin. Một người đến văn phòng làm việc với quyết tâm cao độ, trong khi đồng nghiệp của anh ta lại cảm thấy chán nản mệt mỏi. Một người cảm thấy hừng hực khí thế, sẵn sàng làm mọi việc để vượt qua trở ngại trong cuộc sống, trong khi người kia hoàn toàn mất tinh thần khi vừa đối mặt với khó khăn. Cho nên, bạn thấy đó, không phải những việc xảy ra bên ngoài ảnh hưởng cảm xúc của bạn mà là những gì xảy ra bên trong bạn.

Vậy làm thế nào mà bạn tạo ra cảm xúc của mình? Vui vẻ, tự tin, hưng phấn, buồn phiền, đau khổ, thất vọng… bạn đã tạo ra tất cả những cảm xúc ấy như thế nào?

Cảm xúc của bạn ở mỗi thời điểm được quyết định bởi hai yếu tố: trạng thái cơ thể của bạn; và cách bạn nhận thức về mọi việc xung quanh.

TRẠNG THÁI CƠ THỂ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CẢM XÚC CỦA BẠN

Yếu tố đầu tiên quyết định cảm xúc chính là trạng thái cơ thể của bạn. Tôi định nghĩa trạng thái cơ thể một cách tổng quát là tình trạng cơ thể và dáng vẻ điệu bộ.

Tình trạng cơ thể tác động trực tiếp đến cảm xúc. Rõ ràng là bạn sẽ cảm thấy tràn đầy sức sống khi cơ thể bạn được nghỉ ngơi đầy đủ, đúng không? Còn nếu bạn phải dậy sớm sau một đêm trằn trọc hay ngủ không đủ giấc thì sao? Bạn sẽ cảm thấy người đau nhức và không hề vui vẻ chút nào. Thêm vào đó là cảm giác mệt mỏi, nản chí hay buồn phiền. Đó là lý do tại sao cơ thể bạn phải được chăm sóc ở điều kiện tốt nhất thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục đúng đắn. Điều này rất quan trọng.

Những người thành công tột bậc, từ các vị tổng thống đến các ngôi sao ca nhạc lúc nào cũng ở trong trạng thái cảm xúc sung mãn tột đỉnh vì họ biết giữ cơ thể trong điều kiện thể chất tốt nhất bằng chế độ tập luyện thể thao toàn diện.

Tổng thống Mỹ George W.Bush chạy trung bình ba dặm (khoảng 4,8 kilômét) trong vòng tám phút, bốn lần một tuần, và cũng đều đặn tập luyện chéo các môn bơi lội, thể hình tự do…. Kết quả của quá trình tập luyện cao độ này là nhịp tim bình thường của ông khoảng 43 nhịp một phút, tương đương với nhịp tim của một vận động viên chuyên nghiệp.

Để duy trì vóc dáng và sức khỏe trong tình trạng tốt nhất khi lên sân khấu, nữ hoàng nhạc pop Madonna chạy bộ mỗi ngày, tập luyện yoga nghiêm ngặt và tránh mọi thức ăn không có lợi cho sức khỏe.

Các hoạt động thể thao luyện sức bền như bơi lội, đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe,… sẽ giúp bạn tiếp nhận ôxy cho cơ thể dễ dàng hơn. Khí ôxy và chất dinh dưỡng sẽ được truyền vào cơ thể và nuôi dưỡng các tế bào của bạn hiệu quả hơn, mang lại cho bạn nguồn năng lượng dồi dào. Cuối cùng, bản thân bạn sẽ tràn ngập những cảm xúc tốt nhất vì cơ thể bạn đang ở trong tình trạng tối ưu.

Bên cạnh đó, bạn nên biết rằng, dáng vẻ điệu bộ cũng ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn. Điều này có nghĩa là gì?

Hãy nghĩ về dáng vẻ điệu bộ của bạn lúc bạn đang phiền muộn xem. Tư thế của bạn khi đó thường là ủ rũ, mắt nhìn xuống, hơi thở chậm và nông, cơ mặt chùng xuống, giọng nói của bạn thấp và nhẹ, thậm chí khó mà nghe được.

Còn những khi bạn vui vẻ phấn khởi thì sao? Dáng vẻ điệu bộ của bạn sẽ khác hẳn, đúng không? Tư thế và vai bạn thẳng đứng, mắt bạn mở to và tập trung hơn, hơi thở bạn nhanh hơn, sâu hơn, cơ mặt bạn căng hơn và giọng nói của bạn to hơn, cao hơn.

Điều này chứng tỏ rằng mỗi cảm xúc mà bạn trải qua có một dáng vẻ điệu bộ riêng gắn liền với nó. Nói cách khác, để tạo ra sự buồn rầu, bạn phải chuyển dáng vẻ điệu bộ của bạn vào kiểu buồn rầu. Khi bạn hào hứng, bạn phải tự động chuyển dáng vẻ điệu bộ của bạn vào kiểu hào hứng.

Bạn có thể nào cảm thấy đau buồn nếu bạn bị buộc phải giữ dáng vẻ điệu bộ vui vẻ không? Dĩ nhiên là không! Việc này không thể làm được vì não bộ và cơ thể của bạn được kết nối với nhau thông qua hệ thần kinh. Khi bạn thay đổi dáng vẻ điệu bộ, bạn tự động thay đổi tâm trí và cảm xúc của bạn.

Chỉ vì quá quen thuộc với việc tự động chuyển qua chuyển lại giữa các cảm xúc mà bạn không nhận ra rằng bạn có thể thật sự làm chủ cảm xúc của mình. Trong phần kế tiếp, bạn sẽ khám phá phương pháp điều khiển cảm xúc bản thân ngay lập tức, thông qua việc điều chỉnh dáng vẻ điệu bộ của bạn.

NHẬN THỨC ẢNH HƯỞNG ĐẾN CẢM XÚC

Yếu tố thứ hai ảnh hưởng cảm xúc là nhận thức của bạn về mọi việc xung quanh. Nhận thức là một thuật ngữ hoa mỹ ám chỉ việc bạn nghĩ gì và nghĩ như thế nào.

Đó là cách bạn tái hiện những gì xảy ra xung quanh bên trong tâm trí bạn. Chúng ta có thể cùng trải nghiệm một sự việc bên ngoài giống nhau, nhưng cách chúng ta nhận thức về việc đó rất khác nhau. Hãy để tôi giải thích việc này cho rõ.

Tất cả chúng ta đều trải nghiệm thế giới bên ngoài thông qua năm giác quan của mình, đúng không? Bạn không thể nhận biết tất cả mọi thứ xảy ra xung quanh bởi vì mỗi giây trôi qua, có hai triệu tác nhân kích thích lên não bộ của bạn. Để não bộ đối phó với sức ép này, tâm trí của bạn phải sàng lọc tất cả những thông tin nhận được bằng cách xóa bỏ, bóp méo và đúc kết những tác nhân kích thích để tạo thành nhận thức của bạn về những gì xảy ra xung quanh.

Nói cách khác, những gì bạn nhận thức được không phải là những gì xảy ra trong thực tế mà là hình ảnh tái hiện của thực tế bên trong tâm trí bạn. Đó là lý do tại sao hai người cùng gặp một sự việc giống nhau, nhưng lại nhận thức về nó khác nhau và do đó, có cảm nghĩ hoàn toàn khác nhau.

Ví dụ: Cặp tình nhân A đang đi nghỉ mát ở Châu Âu. Họ YÊU vô cùng khung cảnh với những khách sạn cổ kính, những trần nhà cao vòi vọi, những chiếc giường đôi êm ái, thậm chí chiếc thang máy ọp ẹp cũng rất quyến rũ trong mắt họ.

Cùng trên chuyến du lịch Châu Âu ấy nhưng cặp tình nhân B lại THAN PHIỀN về mọi thứ. Họ không ưa “vẻ xưa cũ nhạt nhòa” của những khách sạn cũ kĩ. Đối với họ, những phòng ngủ gọn gàng và hiện đại với những trang thiết bị tối tân mới thật hấp dẫn. Bạn thấy đấy, cùng một môi trường giống nhau nhưng nhận thức của hai cặp tình nhân về chúng lại khác nhau một trời một vực.

Những yếu tố chính sàng lọc và quyết định những gì bạn sẽ xóa bỏ, bóp méo và đúc kết các tác nhân kích thích lên não bộ là niềm tin, giá trị và thái độ của bạn. Vì những người khác nhau thường không có chung niềm tin, giá trị và thái độ, họ xóa bỏ, bóp méo và đúc kết mọi việc rất khác nhau. Kết quả là không ai giống ai trong nhận thức về thế giới.

Một số người có niềm tin, giá trị và thái độ mạnh mẽ cho phép họ liên tục nhận thức mọi việc một cách tích cực và việc này mang lại cho họ cảm xúc tích cực. Trong khi đó, những người khác lại liên tục nhận thức mọi việc theo hướng khiến họ có cảm xúc tồi tệ và không hiệu quả.

VẬY NHẬN THỨC CỦA BẠN DO ĐÂU MÀ CÓ?

Chúng ta nhận thức về mọi việc chủ yếu thông qua việc tưởng tượng hình ảnh (nhìn thấy) và tạo ra âm thanh (nghe thấy). Chúng ta cũng có khuynh hướng nói chuyện với bản thân bằng giọng nói bên trong (độc thoại).

TẤT CẢ những hình ảnh bạn hình dung, những âm thanh bạn tạo ra và những gì bạn đối thoại với bản thân đều tác động đến cảm xúc của bạn.

Một số người có thói quen nhận thức về mọi việc theo cách khiến họ u phiền từ ngày này sang ngày khác. Những người khác lại làm ngược lại, nên lúc nào trông họ cũng vui phơi phới.

Ví dụ, khi chuông báo thức reng vào buổi sáng thì việc gì sẽ xảy ra? Đối với một số người, tiếng chuông đó sẽ khiến họ tự động phát ra tiếng nói bên trong đầu, “Mấy giờ rồi? Sao mình phải dậy sớm thế? Mình còn ngủ được bao lâu nữa? Thôi ngủ thêm năm phút nữa thôi”.

Sau đó, trong đầu họ bắt đầu vẽ ra những gương mặt họ không muốn gặp, những công việc họ không thích làm… nhưng không thể né tránh sau khi thức dậy. Với những hình ảnh như vậy, liệu họ sẽ cảm thấy như thế nào? Đa số sẽ cảm thấy chán nản và tiếp tục ngủ. Cuối cùng, họ ngủ quên và trễ giờ làm… lẽ tất yếu là họ mang tâm trạng tồi tệ suốt cả ngày.

Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao một số người khác có thể nhảy bật ra khỏi giường, phấn khởi và tràn đầy sinh lực mỗi buổi sáng không?

Đơn giản là vì họ chạy một chương trình hoàn toàn khác biệt trong tâm trí. Nhận thức của họ về thế giới cũng khác biệt hoàn toàn. Ngay khi tiếng “reng…reng…” của chuông báo thức vang lên, họ sẽ nghe tiếng nói bên trong (có thể rất lớn và đầy hăng hái), “Chà! Sáng rồi. Phải dậy thôi. Có rất nhiều thứ mình cần phải làm. Thật tuyệt nếu mình có thể hoàn tất chúng hôm nay”. Sau đó, họ nghĩ về những công việc hào hứng mà họ sắp làm trong ngày và cảm giác vui sướng khi họ hoàn tất những việc đó. Điều này khiến họ ngay lập tức nhảy ra khỏi giường, năng lượng tràn trề cho một ngày mới.

CÓ PHẢI AI CŨNG TRẢI QUA THẤT BẠI, BỊ NGƯỜI KHÁC TỪ CHỐI VÀ GẶP KHÓ KHĂN TRỞ NGẠI KHÔNG?

Dĩ nhiên tất cả chúng ta đều như thế, từ giới thượng lưu đến giới hạ lưu, từ tổng thống đến người lượm rác… không chừa một ai. Ngay cả gia đình hoàng tộc Anh cũng “cùng chung số phận”: Thái tử Charles thì bị người đời chế nhạo, Công nương Diana phải sống cô đơn, còn Nữ hoàng Elizabeth thì bị công chúng chỉ trích, hắt hủi khi Diana qua đời. Do đó, điểm khác biệt giữa người thành công và kẻ thất bại nằm ở cách họ nhận thức về sự việc xảy ra với mình như thế nào.

Một lần nữa, cách bạn nhận thức về những việc xảy ra, sự kiện, hành vi của người khác ảnh hưởng đến cảm xúc mà bạn tạo ra cho bản thân.

Đối với một số người, trong lần vấp ngã đầu tiên, họ sẽ ngay lập tức tạo ra những hình ảnh và âm thanh tồi tệ nhất có thể trong tâm trí. Trong đầu họ sẽ chiếu đi chiếu lại một đoạn phim mà trong đó, họ đóng vai kẻ thất bại, làm hỏng hết mọi việc trong hiện tại và cả tương lai sau này.

Bên tai họ luôn văng vẳng một giọng nói thầm bảo, “Tại sao chuyện này lại xảy ra với tôi cơ chứ?”, “Tôi lúc nào cũng làm hư bột hư đường hết”. Khi nhận thức mọi việc bằng cách này, họ tự đặt bản thân họ vào trạng thái cảm xúc tệ hại nhất. Họ sẽ cảm thấy nản lòng, mệt mỏi và lo sợ đến mức không dám hành động nữa.

Đa số những người thành công mà tôi biết, chọn việc nhận thức về thất bại theo cách giúp họ duy trì cảm xúc tích cực. Khi gặp chuyện không như ý, thay vì tự mình vẽ lên những viễn cảnh đen tối và thảm hại, họ hình dung tất cả những triển vọng có thể xoay chuyển tình thế. Họ nghĩ đến kết quả mà họ muốn đạt được sau cùng và tự nhủ với bản thân, “Tôi rút ra được kinh nghiệm gì từ thất bại này?”,  “Làm thế nào để tôi chuyển bại thành thắng?”. Nhờ vậy mà họ luôn cảm thấy tự tin và có động lực để tiếp tục hành động cho đến khi thành công mới thôi.

Còn bạn thì sao? Bạn thường kích hoạt “chương trình” nào mỗi ngày? Bạn thường nhận thức mọi việc như thế nào? Nếu bạn toàn chạy những chương trình có hại và không giúp bạn đạt được mục tiêu, hãy thay đổi và “chuyển kênh” ngay từ bây giờ.

Khi mà bạn bắt đầu học cách điều chỉnh hình ảnh và từ ngữ trong tâm trí bạn một cách có ý thức, đó là lúc bạn bắt đầu làm chủ cảm xúc và hành động của mình. Bạn sẽ học được chính xác phương pháp này ở chương kế tiếp “Điều khiển não bộ của bạn để đạt kết quả tối ưu”.

LÀM THẾ NÀO MÀ BẠN TẠO RA SỰ LƯỜI BIẾNG VÀ ĐỘNG LỰC PHẤN ĐẤU?

Đã bao giờ bạn có cảm giác lười biếng không muốn làm gì chưa? Một câu hỏi ngu ngốc đúng không? Ai mà chẳng có lúc lười biếng. Lười biếng là nguyên nhân số một giết chết sự thành công. Nó khiến con người ta ngừng hành động. Cảm giác lười biếng là khi bạn biết bạn nên làm một việc gì đó nhưng cứ trì hoãn mãi.

Có phải đã có những lúc bạn phải hoàn tất một việc được giao nhưng cứ lo làm những chuyện khác mà đẩy lùi công việc đó không? Bạn dọn bàn làm việc, uống nước, kiểm tra email, đi tới đi lui, quay qua quay lại đã hết giờ làm việc nên bạn chép miệng nói, “Mình sẽ làm việc này vào ngày mai vậy!”.

Nhưng lại có lúc bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng để hoàn thành công việc đúng không? Đó là lúc bạn chỉ cần ngồi xuống, tập trung và hoàn tất mọi việc một cách nhanh chóng. Khổ nỗi, những lúc như vậy hiếm khi xảy ra, và thường là không bao giờ xảy ra khi bạn cần làm xong một việc gì đó.

Một lần nữa, tôi muốn bạn hiểu rằng hai trạng thái cảm xúc trên được tạo ra bằng việc điều chỉnh dáng vẻ điệu bộ và những hình ảnh trong tâm trí bạn. Khi hiểu được điều này, bạn sẽ có thể chấm dứt và thay đổi cảm xúc bất cứ khi nào bạn cần.

Lúc bạn cảm thấy lười biếng là lúc bạn cho phép dáng vẻ điệu bộ của bạn biểu lộ sự “lười biếng”: hơi thở chậm và nông, cơ bắp chùng xuống, mắt nhìn xuống đất và cơ mặt mềm oặt ra. Trong đầu bạn vẽ ra những hình ảnh công việc khó khăn, mệt mỏi và nản chí. Bạn có thể đang lẩm bẩm một mình,  “Mình có phải làm việc này bây giờ không? Làm sau được không nhỉ?”(với một giọng nói không thể chán nản và mệt mỏi hơn được nữa). Và đó là lý do tại sao bạn cảm thấy không muốn động tay động chân gì cả.

Mặt khác, khi bạn cảm thấy hào hứng và muốn bắt tay vào hoàn tất công việc, dáng vẻ điệu bộ của bạn sẽ như thế nào? Chắc chắn là dáng vẻ “hào hứng” sẽ khác hẳn dáng vẻ “lười biếng”. Bạn sẽ ngồi kiểu khác, thở kiểu khác, di chuyển kiểu khác và nghĩ về công việc cũng rất khác. Bạn hình dung bản thân mình đạt kết quả, vui vẻ làm việc một cách dễ dàng. Bạn có thể tự nhủ, “Làm việc thôi!”, “Làm cho xong nào!” bằng một giọng nói cao hơn và đầy phấn khởi.

Như bạn đã biết, đa số mọi người hầu như không quản lý cảm xúc của mình một cách có ý thức. Họ không biết chuyển đổi dáng vẻ, điệu bộ và hình ảnh trong tâm trí họ. Thay vào đó, họ để tâm trí “chạy” ở chế độ tự động và tước đi khả năng quản lý cảm xúc cũng như kết quả mà họ đạt được.

Nào, đã đến lúc bạn phải làm chủ cảm xúc của mình và để làm được điều đó, trước hết bạn cần phải học…

CÁCH ĐIỀU KHIỂN DÁNG VẺ ĐIỆU BỘ CỦA BẠN

Điều khiển dáng vẻ điệu bộ là một trong những phương pháp hiệu quả nhất giúp bạn quản lý cảm xúc của mình. Những lúc bạn cảm thấy mạnh mẽ, hăng hái, tự tin, đó là lúc dáng vẻ điệu bộ của bạn ở trong “kiểu” thích hợp với cảm xúc tích cực đó. Khi bạn cảm thấy buồn rầu, thiểu não, đó là khi dáng vẻ điệu bộ của bạn không nằm trong trạng thái tối ưu.

Ở phần trước, chúng ta đã biết mỗi cảm xúc gắn liền với một dáng vẻ điệu bộ riêng biệt. Trước khi bạn cảm thấy phiền muộn hay vui vẻ, cơ thể bạn phải được điều chỉnh theo một cách nào đó khiến bạn có cảm xúc tương ứng. Nếu bạn không chuyển cơ thể mình vào trạng thái uể oải, não bộ của bạn sẽ không thể nào đi vào trạng thái buồn phiền được. Chúng ta làm việc này quá thường xuyên một cách vô thức đến nỗi nhiều người trở thành những chuyên gia về cảm giác rầu rĩ, tức là họ có thể ủ rũ buồn bã suốt ngày hoặc muốn buồn lúc nào là buồn lúc đó.

Bây giờ, điều quan trọng là bạn không chỉ hiểu được điều này về mặt lý thuyết, mà bạn còn phải thực hành các bài tập để thật sự trải nghiệm việc điều khiển và thay đổi dáng vẻ điệu bộ có tác động to lớn đến cảm xúc của bạn như thế nào.

Bài tập: Rơi vào cảm xúc chán nản mệt mỏi

Cho dù tâm trạng của bạn hiện giờ ra sao, tôi muốn bạn hãy có cảm giác chán nản mệt mỏi. Bạn có thể làm được điều này bằng cách nhớ lại dáng vẻ điệu bộ của bạn lúc bạn từng chán nản, mệt mỏi trong quá khứ. Vào những lúc buồn chán ấy, bạn đã ngồi như thế nào, hít thở ra sao, vẻ mặt bạn như thế nào, bạn tự nói gì với bản thân… Bây giờ, bạn hãy lặp lại chính xác từng ly từng tí dáng vẻ điệu bộ chán nản đó.

Với thang điểm từ 1 đến 10, 10 là cực kỳ chán nản, tôi muốn bạn hãy tưởng tượng bạn đang ở mức 10, tức là bạn đang chán nản cùng cực. Tôi biết việc này nghe có vẻ hơi kỳ lạ, nhưng bạn hãy cố gắng hết sức và làm theo hướng dẫn này ngay bây giờ.

Hãy giữ nguyên dáng vẻ điệu bộ chán nản ấy và nói cho tôi biết bạn đang cảm thấy ra sao. Nếu bạn tập trung sức lực vào làm bài tập này, bạn sẽ nhận thấy cảm xúc của mình thay đổi ngay lập tức. Bạn đang cảm thấy chán nản mệt mỏi thật sự đúng không? Hiện giờ, dáng vẻ điệu bộ của bạn ra sao? Tư thế của bạn thế nào? Bạn đã nói gì với bản thân? Bạn đã nói như thế nào? Bạn hít thở ra sao? Đối với đa số những người bình thường, dáng vẻ điệu bộ khi họ chán nản mệt mỏi sẽ như sau.

Đây chính là dáng vẻ điệu bộ đặc  trưng cho  cảm  xúc  chán nản  mệt  mỏi.  Như  bạn  thấy đấy, chúng ta phải nỗ lực rất nhiều để tạo ra một cảm xúc. Chỉ vì một số người đã làm việc này quá nhiều năm rồi nên họ chuyển vào cảm xúc này khá “chuyên nghiệp” và dễ dàng.

Bài tập: Thoát ra khỏi sự chán nản bằng cách thay đổi dáng vẻ điệu bộ của bạn

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn buộc một người đang cảm thấy chán nản mệt mỏi phải hoàn toàn thay đổi dáng vẻ điệu bộ của anh ta? Không phải thay đổi một vài chỗ mà phải thay đổi tất cả.

Kết quả là anh ta sẽ cảm thấy như được tiếp thêm năng lượng và phấn khởi hơn. Tôi biết việc này nghe rất đơn giản, nhưng đây chính là cách cơ thể bạn điều khiển tâm trí bạn.

CON NGƯỜI THƯỜNG QUẢN LÝ CẢM XÚC CỦA MÌNH NHƯ THẾ NÀO

Khái niệm về việc thay đổi dáng vẻ điệu bộ để chuyển đổi cảm xúc không có gì là mới cả. Tất cả các chuyên gia dạy yoga, thiền, khí công và thái cực quyền đều thành thạo trong việc thay đổi cơ chế để tạo ra sự chuyển đổi cảm xúc hoàn toàn… từ căng thẳng, bồn chồn đến hoàn toàn thư giãn và bình yên. Tất cả những việc này đều được các thầy tâm linh truyền lại cho thế hệ sau và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Nhưng đáng tiếc thay, có nhiều người sử dụng các tác nhân bên ngoài để thay đổi cơ thể và cảm xúc của họ, dẫn đến những hậu quả không tốt sau này. Ví dụ, có người ăn thức ăn có hại cho sức khỏe, uống cà phê, dùng thuốc kích thích, uống rượu hay hút thuốc lá, tất cả đều có tác dụng thay đổi cơ chế sinh học và tạm thời thay đổi cảm giác của họ. (Tuy nhiên, các loại thức ăn và thuốc gây nghiện này đều có tác động tiêu cực lâu dài đối với cơ thể con người).

Một số người hút thuốc là để thay đổi cảm xúc, đặc biệt là để giữ bình tĩnh trong các tình huống căng thẳng, lo lắng. Vậy thì tại sao việc hút thuốc lại thay đổi cảm xúc của họ? Thật ra các hóa chất không có tác dụng gì nhiều, mà chính là khi họ hút thuốc, họ thực hiện động tác hít một hơi sâu và chậm, giúp họ cảm thấy bình tĩnh hơn và thư giãn hơn. Để tiết kiệm tiền và giữ gìn sức khoẻ, thật ra họ chỉ cần cầm một cây viết và giả vờ hút thuốc. Chắc chắn họ sẽ nhận được kết quả tương tự như việc hút thuốc thật, nhờ vào việc hít thở chậm và sâu.

Một phương pháp thay đổi cảm xúc khác của một số người là tập thể dục, khá hữu ích và có lợi. Đã bao giờ bạn cảm thấy nản chí, buồn rầu hay căng thẳng rồi bạn ra ngoài chạy bộ hay chơi quần vợt và sau đó, bạn quên hẳn nỗi buồn đó không? Đó là vì việc tập thể thao đã làm thay đổi hoàn toàn dáng vẻ điệu bộ của bạn: não bộ không thể ở trong trạng thái buồn phiền nữa.

Nhưng khi bạn ngừng tập luyện thì sao? Bạn dần dần rầu rĩ trở lại, đúng không? Tuy nhiên, điều này có nghĩa là bạn có khả năng thoát khỏi cảm xúc tiêu cực ngay lập tức, vấn đề chỉ nằm ở chỗ bạn có biết cách làm chủ việc này hay không. Đồng thời, bạn không cần đến các “tác nhân” bên ngoài, mà chỉ cần thay đổi dáng vẻ điệu bộ của bạn một cách có ý thức là bạn có thể thay đổi cảm xúc của mình.

Bài tập: Trải nghiệm việc thay đổi cảm xúc

Bây giờ, chúng ta hãy cùng thử nghiệm xem việc thay đổi cảm xúc hiệu quả đến mức nào nhé. Đầu tiên, bạn hãy quay lại cảm xúc chán nản mệt mỏi bằng cách đặt bản thân bạn vào dáng vẻ điệu bộ chán nản mệt mỏi lúc nãy. Ngay khi cảm thấy mình rơi vào cảm xúc tồi tệ này, tôi muốn bạn hãy vỗ tay một cái và thay đổi ngay toàn bộ dáng vẻ điệu bộ của bạn. Hãy khoác lên mình dáng vẻ đầy khí thế và phấn khởi. Nào, bạn hãy làm thử ngay bây giờ.

 

 

Bạn có nhận thấy cảm xúc của mình thay đổi không? Chắc chắn là có. Điều này có nghĩa là vào bất cứ lúc nào cần có cảm xúc tích cực, bạn có thể thay đổi dáng vẻ điệu bộ một cách có ý thức và những cảm xúc tiêu cực sẽ tan biến. Bạn càng luyện tập việc này nhiều bao nhiêu, bạn càng làm được một cách tự nhiên bấy nhiêu.

Xin lưu ý rằng bạn chỉ có thể thay đổi cảm xúc của mình khi bạn thay đổi dáng vẻ điệu bộ của bạn 100%. Nói cách khác, nếu bạn duy trì dáng vẻ lười biếng, bạn không thể nào cảm thấy có động lực mạnh mẽ. Một số người bộc bạch với tôi rằng cho dù họ làm gì đi nữa, họ dường như không thể cảm thấy phấn chấn lên được.

Và họ nói điều đó với tôi (một cách vô thức) bằng một dáng vẻ và giọng điệu cực kỳ chán nản. Thế thì làm sao mà họ cảm thấy phấn khởi lên được cơ chứ! Dĩ nhiên, điều đầu tiên mà tôi trả lời họ là, “Thay đổi tư thế của bạn! Di chuyển nhanh hơn! Thở nhanh hơn! Nói to lên, nhanh lên và hào hứng lên!”.

Bài tập: Đặt mình vào tâm trạng cực kỳ buồn rầu

Chúng ta hãy cùng nhau làm bài tập đơn giản này. Tôi muốn bạn hãy chuyển cơ thể mình vào tư thế cực kỳ buồn bã. Khi bạn buồn, bạn sẽ ngồi như thế nào? Hãy thở cách thở như lúc bạn buồn. Hãy mang một vẻ mặt cực kỳ buồn thảm.

Bây giờ, trong lúc giữ nguyên dáng vẻ buồn phiền này, tôi muốn bạn hãy cố gắng cảm thấy vui vẻ. Hãy duy trì tư thế buồn rầu và cố gắng đặt mình vào tâm trạng vui vẻ xem. Bạn có làm được không? Không thể nào! Não bộ và cơ thể của bạn liên kết chặt chẽ với nhau, nên một dáng vẻ buồn rầu không thể mang lại cho bạn cảm giác vui vẻ được. Điều này hiển nhiên đến mức nghe có vẻ buồn cười. Vậy mà trong thực tế, một số người than phiền là không có động lực, không tự tin, không thư giãn trong khi họ cứ giữ tư thế ủ rủ, thiểu não mãi.

Xin hãy ghi nhớ rằng, việc bạn biết cách quản lý cảm xúc của mình không có nghĩa là những yếu tố bên ngoài không bao giờ ảnh hưởng đến bạn được, đồng thời cũng không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ cảm thấy thất vọng hay lười biếng nữa. Tôi cũng thường rơi vào trạng thái lười biếng đấy chứ. Điểm khác biệt duy nhất là bây giờ, bạn có thể chọn việc quản lý cảm xúc, biết cách thoát khỏi cảm xúc tiêu cực và chuyển bản thân vào cảm xúc tích cực, khi bạn cần tận dụng tối đa tiềm năng của mình.

ĐIỀU KHIỂN BẢN THÂN VÀO TRẠNG THÁI CẢM XÚC TỐI ƯU ĐỂ ĐẠT HIỆU QUẢ TỐI ĐA

Phương pháp thay đổi cảm xúc này tỏ ra hiệu quả nhất đối với tôi trong công việc diễn thuyết. Là một diễn giả về động lực bản thân, mọi người đòi hỏi tôi phải luôn ở trong trạng thái cảm xúc tối ưu mỗi khi bước lên bục giảng. Đơn giản là chỉ khi tôi cảm thấy tự tin và mạnh mẽ nhất, tôi mới có thể dẫn dắt các buổi chuyên đề một cách sôi nổi hào hứng. Và đó là cách duy nhất để tôi khơi dậy được các cảm xúc tích cực tương tự từ phía khán giả, đúng với vai trò của một diễn giả về động lực bản thân.

Vấn đề là ở chỗ tôi diễn thuyết hầu như mỗi ngày. Bởi thế mà nhiều người thường hỏi tôi rằng, “Anh lấy đâu ra năng lượng để làm việc? Làm thế nào anh có thể tự tin và hào hứng mọi lúc mọi nơi được?”.

Chắc bạn cũng đoán được câu trả lời của tôi đúng không? Lý do duy nhất khiến tôi có thể liên tục “tỏa sáng trên sân khấu” là vì tôi hoàn toàn làm chủ dáng vẻ điệu bộ của mình. Thú thật với bạn là đã có nhiều lần tôi cảm thấy cực kỳ tồi tệ trước giờ diễn thuyết. Tôi bồn chồn, lo lắng và thậm chí thất vọng vì một vài chuyện vừa xảy ra. Nhưng ngay lúc đó, tôi tự chuyển cơ thể mình vào trạng thái hoàn toàn tự tin hăng hái. Tôi nhớ lại cách tôi đứng, cách tôi di chuyển, giọng nói, vẻ mặt và cơ mặt của tôi lúc tôi diễn thuyết thành công. Sau đó, tôi khoác lên người chính xác dáng vẻ điệu bộ đó và “Bùm!!!!!”, tôi lại biến thành một diễn giả năng động, mạnh dạn bước lên sân khấu và thuyết giảng hùng hồn.

DÁNG VẺ ĐIỆU BỘ ĐA NĂNG VÀ TỐI ƯU

Cũng nhờ phương pháp này mà tôi có thể xoay xở viết được năm quyển sách trong lúc lịch làm việc dày đặc. Cho phép tôi chia sẻ với bạn một vài kinh nghiệm viết sách của mình. Thử thách lớn nhất của việc viết sách là sau chương đầu tiên, bạn chắc chắn sẽ mất đi sự hào hứng ban đầu, cảm hứng trốn đâu mất chỉ có cảm giác mệt mỏi vì quá nhiều việc phải làm.

Đây là nguyên nhân khiến đa số tác giả cứ trì hoãn và cuối cùng thì gạt quyển sách viết dở sang một bên, hoặc là họ phải mất hàng năm để viết xong một quyển sách. Không phải lúc đó họ cạn kiệt ý tưởng, mà họ phải đợi đến lúc họ có đủ cảm hứng sáng tạo và động lực để sáng tác.

Còn tôi thì không có đủ thời gian xa xỉ để ngồi đợi nguồn cảm hứng tới một cách tự nhiên như vậy. Nếu tôi làm thế, quyển sách này sẽ không bao giờ được hoàn tất và xuất bản. Tôi sẽ không bao giờ đạt chỉ tiêu viết hai quyển sách một năm, trong khi phải quản lý ba công ty và đi diễn thuyết hầu như mỗi ngày.

Do đó, bất cứ khi nào tôi lên lịch viết một chương sách, tôi sẽ đặt bản thân vào trạng thái cảm xúc phấn khởi và sáng tạo. Tôi lấy lại cảm xúc đó bằng cách bắt chước dáng vẻ điệu bộ lúc tôi làm việc hiệu quả nhất trong quá khứ. Sau khi cảm thấy tinh thần phấn chấn, tôi viết không ngừng nghỉ trong hàng giờ liền, từ ngữ tuôn trào như suối. Phương pháp này đặc biệt hữu ích khi tôi phải bắt đầu viết sách vào lúc một giờ sáng, sau khi hoàn tất buổi đào tạo bận rộn và các công việc trong ngày.

HÃY “ĐÓNG KỊCH” CHO ĐẾN KHI BẠN LÀM ĐƯỢC

Đã bao giờ bạn ước mình tự tin hơn để thuyết trình trước toàn thể công ty chưa? Đã bao giờ bạn ước mình không còn cảm thấy lười biếng, mà thay vào đó là quyết tâm mạnh mẽ để hoàn thành công việc nhanh chóng chưa? Đã bao giờ bạn ước mình chiến thắng nỗi sợ hãi để bước lên sân khấu diễn thuyết sôi nổi chưa?

Nếu những lời ước trên thành sự thật thì kết quả mà bạn đạt được trong cuộc sống sẽ thay đổi đến mức nào? Chắc chắn là sẽ tốt đẹp hơn nhiều, đúng không?

Hãy tin tôi đi, bạn hoàn toàn có thể làm được như thế! Chỉ cần bạn đặt mình vào tư thế làm việc hiệu quả. Nếu bạn muốn cảm thấy tự tin, hãy khoác lên người dáng vẻ tự tin. Nếu bạn muốn có động lực mạnh mẽ, hãy tạo ra dáng vẻ có động lực.

Đây gọi là nguyên tắc “Hãy hành động như thể…”. Nếu bạn muốn cảm thấy như thế nào, hãy làm ra vẻ như thể bạn đã cảm thấy như vậy rồi.

Hãy nhớ rằng sự tự tin, động lực và sự hào hứng chẳng qua chỉ là những trạng thái cảm xúc mà bạn trải nghiệm trong quá khứ. Nếu bạn có thể hồi tưởng lại những cảm xúc này, cảm xúc tích cực sẽ luôn mở rộng cửa chào đón bạn. Bạn chỉ cần mô phỏng chính xác dáng vẻ điệu bộ của bạn khi bạn có cảm xúc đó trước đây. Rất đơn giản, đúng không nào?

ĐẶT BẢN THÂN BẠN VÀO TRẠNG THÁI TỰ TIN

Giả sử như bạn phải thuyết trình một ý tưởng mới vào ngày mai, bạn đã chuẩn bị tài liệu đầy đủ như thường lệ, nhưng bạn không cảm thấy tự tin chút nào. Việc thiếu tự tin này luôn gây tác hại nghiêm trọng đến hiệu quả làm việc của bạn. Vậy làm thế nào để bạn tự tin đây?

Nào, nếu bạn suy nghĩ kỹ, tôi chắc chắn là đã có những lúc trong quá khứ, bạn cảm thấy cực kỳ tự tin. Hãy tìm lại thời điểm mà bạn cảm thấy tự tin tuyệt đối khi làm một việc gì đó mà bạn thành thạo.

Hãy quay ngược thời gian và lặp lại chính xác dáng vẻ điệu bộ tự tin của bạn lúc đó. Hãy đứng cách bạn đã đứng. Thở cách bạn đã thở. Cảm nhận đúng độ căng trên mặt bạn. Cánh tay, bàn tay của bạn lúc đó ra sao. Mắt bạn tập trung thế nào. Bây giờ, hãy tự nói với bản thân những gì bạn thường nói khi bạn cảm thấy tự tin tuyệt đối, bằng đúng giọng điệu và âm vực đó.

Nếu bạn toàn tâm toàn ý làm bài tập này, bạn có cảm thấy tự tin hơn không? Chắc chắn là có. Miễn là bạn hồi tưởng được một cảm xúc đặc trưng nào đó trong quá khứ, tâm trí và cơ thể bạn có thể tái tạo cảm xúc đó bằng cách truy lại những điều kiện “cần và đủ” trước kia. Đây chính là sự mô phỏng dáng vẻ điệu bộ của thành công!

 

 

CÁC BƯỚC MÔ PHỎNG DÁNG VẺ ĐIỆU BỘ CỦA THÀNH CÔNG

Bất cứ khi nào bạn cần tìm lại cảm giác hăng hái, tự tin và thậm chí vui vẻ, bạn không cần phải dựa dẫm vào bất cứ thứ gì bên ngoài để có được cảm xúc đó. Miễn là bạn đã từng trải qua những cảm xúc này trong quá khứ, bạn có thể sở hữu chúng ngay bây giờ bằng cách mô phỏng dáng vẻ điệu bộ của bạn lúc trước.

Để có được bất kỳ cảm xúc tích cực nào, bạn phải làm sáu bước sau đây. Bây giờ, giả sử bạn phải đảm nhận một công việc mới đầy khó khăn thử thách và bạn muốn đặt mình vào trạng thái cực kỳ tự tin để hoàn tất công việc đó một cách tốt đẹp.

Bằng cách sao chép chính xác dáng vẻ điệu bộ lúc bạn cảm thấy tự tin, bạn sẽ cảm thấy sự TỰ TIN tràn ngập trong người bạn, giúp bạn sẵn sàng đón nhận bất cứ thử thách nào!

Trong chương sau, bạn sẽ được học cách tăng cường tác động và cường độ cảm xúc của bạn hơn gấp nhiều lần bằng cách điều khiển hình ảnh tái hiện trong tâm trí cùng lúc với việc mô phỏng dáng vẻ, điệu bộ của bạn.

CÁC VẬN ĐỘNG VIÊN SỬ DỤNG DÁNG VẺ, ĐIỆU BỘ TỰ TIN ĐỂ CHIẾN THẮNG NHƯ THẾ NÀO

Kỹ thuật mô phỏng dáng vẻ điệu bộ này đặc biệt hiệu nghiệm trong lĩnh vực thi đấu thể thao. Trong các trận thi đấu đỉnh cao, nơi mà các vận động viên đánh bại nhau chỉ trong một phần nghìn giây, một vài điểm số hay sải bơi, lợi thế mà họ có được không phải đến từ thực lực, mà là ở tinh thần của họ.

Ở chuẩn thi đấu như thế, tất cả các vận động viên đều có tiềm năng và khả năng chiến thắng như nhau. Điều giúp họ nổi trội trong ngày thi chính là trạng thái tinh thần của họ. Có phải có những ngày bạn làm việc gì cũng nhanh, chính xác và rất hiệu quả không? Những ngày “xuất thần” đó là những ngày bạn tình cờ có được trạng thái cảm xúc tối ưu. Nhưng cũng có những ngày, với cùng thể chất và năng lực đó, bạn cứ đụng đâu hư đấy. Đó là vì bạn đang ở trong trạng thái cảm xúc tiêu cực. May mắn thay, các vận động viên chuyên nghiệp đã biết cách áp dụng kỹ thuật mô phỏng dáng vẻ điệu bộ để luôn xuất hiện với phong độ cao nhất trong các kỳ thi đấu.

Agassi đã lấy lại sự tự tin như thế nào

 

Có một dạo, Andre Agassi giữ chức vô địch “trường kỳ” trên sân quần vợt. Vận động viên quần vợt số một thế giới này luôn ở trong trạng thái tập trung cao độ và tự tin mỗi khi đối diện địch thủ. Kết quả, anh luôn thi đấu với phong độ chiến thắng. Nhưng sau đó, anh bắt đầu tuột dốc. Vì một số lý do nào đó, anh mất đi sự tập trung lúc trước và không thể nào lấy lại phong độ thi đấu cũ. Anh liên tiếp đánh hụt banh và di chuyển sai lầm hết lần này đến lần khác. Nhà đào tạo về phương pháp đạt hiệu quả tối ưu Anthony Robbins đã giúp anh nhận ra rằng, lý do khiến anh đánh mất danh hiệu vô địch là vì anh không có được trạng thái cảm xúc tích cực mà anh từng có trong quá khứ.

 

Robbins cho Agassi xem lại đoạn băng quay các trận đấu mà anh chiến thắng. Đúng là trong những trận thắng vẻ vang này, dáng vẻ điệu bộ của anh khác hẳn dáng vẻ hiện tại của anh trên sân. Lúc trước, tư thế cầm vợt của anh khác, ánh mắt anh nhìn khác, nhịp thở của anh khác và cách anh di chuyển cũng khác.

 

Do đó, Robbins bảo anh quan sát kỹ và mô phỏng dáng vẻ điệu bộ của anh trong quá khứ. Ngay lập tức, ở những trận đấu sau đó, Agassi bước vào sân với phong thái mà anh từng có. Anh bắt đầu lấy lại trạng thái cảm xúc tối ưu và phong độ thi đấu tuyệt vời lúc trước. Sáu tháng sau, anh đã chiến thắng trong giải quần vợt mở rộng Mỹ và giành lại ngôi vị số một thế giới.

 

SỰ LIÊN KẾT TÂM TRÍ – CƠ THỂ

Ngày nay, các bác sĩ và nhà tâm lý học khám phá ra rằng tâm trí và cơ thể chúng ta kết nối chặt chẽ với nhau thông qua hệ thần kinh trung ương, chặt chẽ hơn cả mức chúng ta từng nghĩ. Kết quả của mối liên kết này là nhận thức và dáng vẻ điệu bộ chúng ta tạo thành một vòng tròn điều khiển liền mạch.

Nếu bạn khoác lên người dáng vẻ điệu bộ buồn bã, tôi bảo đảm với bạn là bạn sẽ thấy việc gì cũng “không thể làm được”, việc gì cũng “quá khó khăn”. Do đó, chưa kịp làm gì bạn đã “kiệt sức” ngay khi vừa thấy khó khăn lấp ló trước mắt.

Ngược lại, dáng vẻ điệu bộ mạnh mẽ sẽ giúp bạn nhận thức khác hẳn về mọi việc xung quanh. Đối diện với cùng những trở ngại đó, bạn sẽ nhìn thấy nhiều tia sáng hy vọng hơn, tập trung vào các phương án khả thi hơn và suy nghĩ hướng giải quyết tốt hơn thay vì chỉ quanh quẩn nghĩ về những “ngõ cụt”.

Bài tập: Hãy suy nghĩ về một khó khăn trước mắt

Bây giờ, tôi muốn bạn hãy nghĩ về một thử thách hay một nhiệm vụ khó khăn mà bạn gặp phải trong cuộc sống. Hãy nghĩ về một vấn đề to lớn gì đó khiến bạn mệt mỏi, và bạn băn khoăn không biết liệu mình có thể xử trí được việc này hay không. Khi miên man suy nghĩ về trở ngại này, hãy lưu ý đến dáng vẻ điệu bộ và cảm xúc của bạn.

Bây giờ, tôi muốn bạn hãy đứng thẳng lên với một dáng vẻ cực kỳ tự tin.

– Dáng vẻ của bạn ra sao nếu bạn cảm thấy không ai có thể cản trở bạn được?

– Hãy đứng cách đứng như lúc bạn cảm thấy hoàn toàn tự tin.

– Hãy thở cách thở như lúc bạn tự tin.

– Hãy ngẩng cao đầu với vẻ mặt hoàn toàn tự tin.

– Hãy nhìn với ánh mắt tập trung, cao độ và tỉnh táo.

Tiếp đến, tôi muốn bạn hãy suy nghĩ về thử thách hay nhiệm vụ khó khăn trước đó, trong lúc tiếp tục giữ vững dáng vẻ điệu bộ mạnh mẽ này.

Rõ ràng là với dáng vẻ tự tin, bạn nhìn nhận về thử thách này khác hẳn với lúc trước, đúng không? Bạn có cảm thấy mình có thể giải quyết vấn đề này dễ dàng hơn nhiều không? Đa số mọi người trả lời là có! Trong tư thế mạnh mẽ, não bộ của bạn bắt đầu nhận thức vấn đề một cách tích cực hơn, do đó đưa bạn vào trạng thái cảm xúc tích cực để hành động.

MÔ PHỎNG DÁNG VẺ ĐIỆU BỘ THÀNH CÔNG CỦA NGƯỜI KHÁC

Bạn đã bao giờ cảm thấy căng thẳng quá mức chưa? Thử thách hay công việc trước mắt bạn có vẻ gian nan làm sao? Bị choáng ngợp vì công việc và bị bao trùm trong nỗi sợ hãi (thất bại) nên bạn cứ trì hoãn mãi? Tôi chắc là ai trong chúng ta cũng từng ở trong tình huống như thế. Điều đáng mừng là cuối cùng bạn vẫn xoay xở làm xong công việc, đúng không?

Điều gì đã tạo nên sự khác biệt trong con người bạn, từ lúc bạn tuyệt vọng đến lúc bạn vượt qua được thử thách? Bạn vẫn chỉ là một người, với cùng các điều kiện bên trong và bên ngoài như trước đây cơ mà. Sự khác biệt được tạo ra là do bạn tình cờ có được dáng vẻ tích cực dẫn tới trạng thái cảm xúc tích cực, và khi nhìn lại công việc, bạn cảm thấy mạnh mẽ hơn, không còn cảm giác sợ hãi và hoàn tất công việc một cách mỹ mãn. Bạn thấy đấy, việc thay đổi dáng vẻ điệu bộ (dù vô tình hay cố tình) có tác động to lớn đến trạng thái cảm xúc của bạn và kết quả mà bạn đạt được.

Vậy thì bạn hãy nghĩ xem điều kỳ diệu gì sẽ xảy ra nếu bạn sao y dáng vẻ điệu bộ của một người khác? Bạn sẽ có được trạng thái cảm xúc mà người đó đang trải nghiệm. Tại sao? Bởi vì khi bạn bắt chước ngôn ngữ cơ thể của người khác, bạn sẽ gửi những tín hiệu tương tự đến hệ thần kinh của bạn (như những gì xảy ra với người đó). Và việc này làm bộc phát trạng thái thần kinh tương tự trong bạn.

Đáng kinh ngạc hơn nữa, nếu bạn mô phỏng chính xác dáng vẻ điệu bộ của người khác, bạn thậm chí có thể nhìn thấy hình ảnh tái hiện trong tâm trí người đó. Nói cách khác, nếu người đó đang nghĩ về một việc gì đó, bạn cũng có thể có ý nghĩ tương tự. Đó chính là sự liên kết thần kỳ giữa não bộ và cơ thể chúng ta.

Tôi biết việc này khó mà tin được, nhưng tôi đã chứng kiến việc này nhiều lần trong các khóa huấn luyện “Những Mô Thức Thành Công” (Patterns of Excellence) do chúng tôi tổ chức.

Trong các buổi chuyên đề này, chúng tôi chia những người tham dự thành từng nhóm ba người. Người A sẽ nghĩ về một điều gì đó (giả sử anh ta nghĩ về đứa con trai của mình) và nhập vào trạng thái cảm xúc cộng với dáng vẻ điệu bộ gắn liền với cảm xúc đó.

Người B sẽ quan sát và bắt chước dáng vẻ người A. Người C giúp người B điều chỉnh ngôn ngữ cơ thể sao cho gần chính xác với ngôn ngữ cơ thể của người A. Khi hoàn tất, C sẽ hỏi B là anh đang cảm thấy thế nào. Chín trong mười lần, B sẽ có cùng cảm giác mà A đang trải nghiệm (ví dụ, cảm giác yêu thương).

Khoảng 20% số học viên thậm chí nhìn thấy cùng những hình ảnh mà A hình dung trong tâm trí. Một phụ nữ A hình dung cảnh bà đang ngồi trên bãi biển trong trạng thái cực kỳ thư giãn. Khi người cùng nhóm với bà, người B, mô phỏng dáng vẻ của bà, cô (B) nói rằng hình ảnh bờ biển và bãi cát cứ hiện lên trong tâm trí cô (B không hề biết A đang nghĩ gì).

Nói cách khác, bằng cách mô phỏng dáng vẻ chính xác của một người nào đó, bạn không chỉ có được cảm xúc của họ mà còn thấy được hình ảnh tái hiện trong tâm trí họ.

Đứng từ quan điểm thần kinh học, phần vỏ não vận động (có cùng chức năng trong tất cả bộ não của chúng ta) được kích thích giống nhau. Kết quả là chúng ta có thể phát ra những luồng thần kinh tương tự, từ đó dẫn đến hiện tượng trên.

Tôi khuyến khích bạn kiểm nghiệm việc này với hai người bạn. Chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên với kết quả đạt được cho mà xem.

Vậy làm thế nào để bạn có thể tận dụng kiến thức này và giúp bản thân đạt được những kết quả phi thường? Chúng ta hãy cùng khám phá…

MÔ PHỎNG DÁNG VẺ ĐIỆU BỘ CỦA NGƯỜI THÀNH CÔNG

Ở chương đầu tiên, chúng ta đã đi đến một nguyên tắc nền tảng là tất cả mọi người đều có cùng hệ thần kinh giống nhau. Nếu người khác làm được, bạn cũng sẽ làm được. Vấn đề chỉ nằm ở phương pháp. Nói cách khác, bằng cách học theo phương pháp của người khác, bạn có thể lặp lại kết quả mà họ đạt được.

Vậy chính xác bạn sẽ mô phỏng những gì ở người khác? Hãy nhớ rằng một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy hành vi của một người là cảm xúc của người đó.

Con người thành công chủ yếu là nhờ họ ở trong trạng thái cảm xúc tích cực. Con người làm việc đạt năng suất như thế nào là tùy vào trạng thái cảm xúc của họ.

Ví dụ, nếu bạn muốn trở thành một diễn giả thành công, cách tốt nhất là bạn sao y trạng thái cảm xúc của một diễn giả xuất sắc. Từ đó, bạn sẽ có được mức độ tự tin tương đương và khả năng mạnh mẽ để thể hiện bản thân một cách sống động như thế.

Nếu bạn muốn trở thành một người bán hàng hiệu quả, hãy mô phỏng trạng thái tự tin và phong cách cuốn hút của một người bán hàng đầy ấn tượng – chính hai trạng thái ưu việt này khiến anh ta thuyết phục khách hàng của mình một cách dễ dàng.

Để có được trạng thái cảm xúc của một người, không có cách gì hay hơn là mô phỏng dáng vẻ điệu bộ của họ. Nói cách khác, nếu bạn mô phỏng dáng vẻ của một người nổi bật trong một lĩnh vực nào đó, bạn sẽ có được cảm xúc mạnh mẽ của người đó và nhanh chóng đạt được những thành tựu sáng chói trong lĩnh vực đó. Không những vậy, bạn thậm chí có thể nhìn thấy cùng những hình ảnh tái hiện trong tâm trí người đó – những hình ảnh giúp họ làm việc hiệu quả.

Vậy thì làm thế nào để bạn làm được điều này?

Trước hết, hãy tìm ra một người cực kỳ giỏi về một kỹ năng hay một hành vi nào đó đáng để bạn học hỏi. Đó có thể là một diễn giả năng động, một người bán hàng khéo léo, một nhà lãnh đạo quyết đoán hay một người có khiếu ăn nói.

Kế tiếp, hãy quan sát kỹ lưỡng cách người này nói chuyện (giọng điệu của họ), cách người này di chuyển, vẻ mặt của họ, cách họ thở, ánh mắt họ nhìn và cử chỉ của họ.

Sau đó, hãy tưởng tượng bạn từ từ nhập vào cơ thể người này. Đúng thế! Bạn không đọc lầm đâu. Hãy hình dung bạn trở thành chính bản thân người đó. Chỉ có như vậy thì lần sau khi bạn bước lên sân khấu diễn thuyết, bạn mới mô phỏng được dáng vẻ điệu bộ của người này một cách hoàn hảo. Bạn sẽ nói theo cách họ nói, di chuyển theo cách họ di chuyển, có cùng tư thế và cử chỉ cơ thể của họ. Việc này sẽ giúp bạn có được trạng thái cảm xúc mạnh mẽ của người đó cũng như đạt được những kết quả tuyệt đỉnh mà họ đạt được.

Trò chơi đóng kịch của trẻ con chính là hành động mô phỏng dáng vẻ điệu bộ của người khác

Thật ra, đa số chúng ta đều đã một lần chơi trò đóng kịch thời thơ ấu. Con gái thì yểu điệu trong vai công chúa, cô dâu…, con trai thì “úm ba la” biến thành bảy anh em siêu nhân, người hùng Rambo hay Tôn Ngộ Không… Để tăng phần hào hứng, bọn trẻ còn nhập vai 100% bằng cách ăn nói, đi lại y hệt nhân vật mình đang đóng, sử dụng những “vũ khí tưởng tượng”, thậm chí cải trang giống nhân vật đó. Đó chẳng qua là phương pháp mô phỏng dáng vẻ điệu bộ của người khác mà chúng ta đang bàn tới đây.

Khi chơi trò đóng kịch hồi nhỏ, bạn không nhận ra là mình đang mô phỏng mô thức thành công của thần tượng của bạn. Đáng tiếc thay, nhiều người lớn lại cho rằng đây là “trò trẻ con”. Do đó, một trong những kỹ năng tự nhiên mạnh mẽ của chúng ta – kỹ năng mô phỏng – trong giai đoạn thơ ấu đã không bao giờ được tiếp tục phát triển và tận dụng trong cuộc sống trưởng thành sau này.

Điều mà họ không biết rằng ngày nay, việc sử dụng kỹ thuật mô phỏng dáng vẻ điệu bộ này đã giúp tôi và nhiều người thành công khác mài dũa, tăng cường kỹ năng trong hầu hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp.

Tôi đã mô phỏng ba diễn giả kiệt xuất… cho đến khi tôi trở thành họ

Bạn có tin không? Tôi đã từng rất sợ nói trước đám đông, còn khả năng tạo mối quan hệ và truyền đạt ý tưởng của tôi với người khác thì có thể cho điểm… dưới trung bình.

Tuy nhiên, với ước mơ cháy bỏng trở thành diễn giả xuất sắc, tôi bắt đầu tìm kiếm và quan sát những nhà diễn giả thành đạt trên thế giới. Trong khoảng hàng trăm diễn giả mà tôi tìm hiểu, vẻ thu hút, sống động và mạnh mẽ trên sân khấu của các diễn giả như Anthony Robbins, Richard Bandler (người đồng sáng lập NLP) và Brad Sugars (một doanh nhân triệu phú trẻ tuổi ở Úc) gây ấn tượng với tôi hơn cả.

Tôi chăm chú xem các đoạn phim quay lại các buổi diễn thuyết và tham dự các buổi nói chuyện chuyên đề trực tiếp của họ. Tôi dành hàng giờ quan sát cách họ nói năng, di chuyển và thể hiện bản thân mình. Sau đó, tôi quyết định mang kiến thức học được ra thử nghiệm.

Khi có cơ hội diễn thuyết, tôi tưởng tượng bản thân mình là ba nhà diễn giả tuyệt vời này và mô phỏng dáng vẻ điệu bộ của họ từng chút một. Tôi bước lên sân khấu, di chuyển, ra điệu bộ và nói chuyện giống họ (tùy vào nội dung mà tôi chuyển đổi sang phong cách của từng người cho phù hợp).

Nhờ vào phương pháp này mà trước năm 28 tuổi, từ một người rất sợ diễn thuyết, tôi trở thành một trong ít diễn giả được săn lùng nhiều nhất và được trả phí hậu hĩnh nhất tại Singapore.

Mô phỏng khả năng ra quyết định và tạo dựng thành công mối quan hệ của người khác

Không chỉ dừng lại ở việc diễn thuyết, tôi còn mô phỏng mô thức thành công của người khác trong các lĩnh vực như khả năng ra quyết định đúng đắn, kỹ năng bán hàng hiệu quả và thậm chí trong các quan hệ cá nhân.

Nói đến quan hệ cá nhân, tôi thật sự ngưỡng mộ một người bạn về khả năng gây cảm tình của anh với người lạ ngay phút đầu tiên gặp mặt. Anh có phong cách nói chuyện rất cuốn hút và tác động mạnh mẽ đến người đối diện. Chẳng có gì ngạc nhiên khi thấy các bà các cô cứ gọi là “mê mẩn” trước vẻ quyến rũ của anh. Điểm đặc biệt chính là cách thể hiện bản thân của anh lôi cuốn người khác, chứ không phải do anh có ngoại hình hấp dẫn.

Với bản chất rụt rè, không tự tin lắm trong giao tiếp cũng như bắt chuyện với người lạ, tôi đã nghĩ rằng người bạn này sở hữu một khả năng phi thường trong việc mở rộng mạng lưới quan hệ kinh doanh. Do đó một lần nữa, tôi bắt đầu mô phỏng cách nói chuyện, cử chỉ, phong thái và nét mặt của anh. Sau một thời gian rất ngắn, tôi bắt đầu cảm thấy thoải mái và tự tin giao tiếp với những người tôi gặp lần đầu tiên. Từ đó, tôi dần dần có kinh nghiệm tạo dựng các mối quan hệ với mọi người xung quanh.

Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng bạn không thể sao chép một số kỹ năng và thực lực đặc biệt một cách dễ dàng chỉ thông qua việc mô phỏng dáng vẻ điệu bộ và trạng thái cảm xúc của người khác.

Lẽ tất yếu là việc mô phỏng dáng vẻ điệu bộ, trạng thái cảm xúc là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để đạt được khả năng và kết quả của người đó. Tuy nhiên, để tiến xa hơn và thành công hơn, bạn cần phải mô phỏng các yếu tố khác như niềm tin và giá trị sống của người đó. Thậm chí đôi khi bạn cần mô phỏng cả năng lực bên trong, những gì còn sâu xa và lớn lao hơn hành vi cư xử bên ngoài của người này.

Giả sử bạn quan sát và mô phỏng chính xác dáng vẻ của Tiger Woods để có được trạng thái cảm xúc tích cực của anh, liệu điều này có nghĩa là bạn có thể chơi gôn xuất sắc như vận động viên số một thế giới chỉ sau một thời gian ngắn không? Chắc là không, vì việc có được trạng thái cảm xúc thích hợp chưa hội đủ yếu tố cần thiết khiến bạn có khả năng thi đấu mà Woods đã phát triển qua bao nhiêu năm khổ luyện.

Có thể bạn sẽ lặp lại được mức độ tập trung, sự tự tin của Woods nhưng để thể hiện kỹ năng đánh gôn chính xác của anh, bạn cần phải tập luyện cao độ trong một thời gian dài. Tuy nhiên, bằng việc mô phỏng dáng vẻ và trạng thái cảm xúc của Tiger Woods, bạn có nghĩ rằng khả năng chơi gôn của bạn sẽ tiến bộ hơn không? Có chứ! Tại sao? Bởi vì nếu bạn chơi gôn hay bất kỳ môn thể thao nào khác, bạn sẽ nhận ra rằng trạng thái cảm xúc góp phần quan trọng trong khả năng chơi thể thao của bạn. Cho dù bạn có năng lực đánh trái banh bay ngay vào lỗ, nhưng nếu không có trạng thái cảm xúc thích hợp, bạn sẽ không làm được điều đó.

Tôi đã thử nghiệm điều này và phát hiện ra rằng nếu tôi điều khiển bản thân vào trạng thái cảm xúc tích cực, nhất định tôi sẽ chơi gôn tốt hơn. Trước đây, tôi đạt điểm trung bình là 100, khá bình thường với một người chơi gôn không thường xuyên. Sau đó, tôi bắt đầu mô phỏng dáng vẻ của Tiger Woods. Tôi cố gắng hết sức để bắt chước cách đi đứng, cách xử lý banh, cử chỉ, phong thái và động tác đánh banh của anh. Khi nhập vào dáng vẻ này, tôi cảm thấy bản thân mình cực kỳ tập trung và tự tin. Chỉ trong vòng ba tháng, tôi hạ được điểm gôn của mình xuống còn 86 (trong môn đánh gôn, điểm càng thấp thì càng tốt). Không đến nỗi tệ, phải không các bạn?

HÃY MÔ PHỎNG MÔ THỨC THÀNH CÔNG CHỨ KHÔNG PHẢI MÔ THỨC TẦM THƯỜNG MỘT CÁCH CÓ Ý THỨC

Một số học viên của tôi công nhận sức mạnh ấn tượng của việc mô phỏng dáng vẻ điệu bộ. Tuy nhiên, họ cảm thấy không thoải mái với việc “bắt chước” phong cách người khác. Họ bảo, “Tôi không thích việc này vì tôi cảm thấy không còn là mình nữa. Cứ như thể, tôi đang cố gắng trở thành một người khác”. Nghĩ như vậy, họ tự tước đi khả năng mô phỏng sự thành công và cơ hội đạt được những kết quả phi thường trong một thời gian ngắn.

Hãy suy nghĩ về hành vi và dáng vẻ điệu bộ của bạn hiện nay. Chúng đến từ đâu? Có phải bạn được sinh ra với cử chỉ, phong thái, giọng nói và hành vi như vậy không? Không phải. Bạn cư xử như ngày nay là vì từ hồi nhỏ, bạn đã mô phỏng hành vi dáng vẻ của những người xung quanh một cách vô thức. Bạn có thấy cách bạn nói hay cách bạn phản ứng với mọi việc đôi khi giông giống cha mẹ hay người bạn thân của bạn không? Đã bao giờ bạn hành xử theo một cách nào đó và bất thình lình bạn thốt lên, “Trời ơi! Mình giống y mẹ mình!”?

Phong thái cử chỉ của bạn cũng có thể đến từ những người mà bạn ngưỡng mộ (vì bất kỳ lý do gì), và bạn áp dụng cho riêng mình mà không hề biết. Kết quả là vô tình mà bạn mô phỏng nhiều hành vi kém hiệu quả và trạng thái cảm xúc tiêu cực của những người xung quanh.

Nếu bạn nói chuyện không khéo léo, đó là vì bạn (một cách vô thức) mô phỏng những người giao tiếp kém hiệu quả khi bạn còn nhỏ. Nếu bạn hay quyết định sai lầm và liên tục cảm thấy lo lắng, thiếu tự tin, đó là do bạn vô tình bắt chước bạn bè hay gia đình. Vậy thì đây có phải là lúc bạn nên chủ động xóa đi những mô phỏng kém hiệu quả trong quá khứ và làm theo những người thành công không?

Ngoài ra bạn cần hiểu là việc mô phỏng này không chỉ đơn giản là bắt chước. Đó là việc sao chép mà dựa trên đó, bạn cải thiện hay sửa đổi sao cho phù hợp với phong cách bản thân.

Giả sử bạn là phụ nữ và phải mô phỏng dáng vẻ chính xác của một diễn giả nam. Vậy thì rất kỳ dị, đúng không? Do đó, bạn cần phải điều chỉnh một số yếu tố trong dáng vẻ điệu bộ của người đó để phù hợp với tính tình của bạn. Một lần nữa, bằng việc mô phỏng mô thức thành công của ba diễn giả vĩ đại mà tôi đề cập ở trên, bây giờ tôi thể hiện cả ba phong cách khi diễn thuyết. Tôi chọn ra những gì tốt nhất, tổng hợp lại và nhào nặn để biến chúng thành của riêng tôi. Đó chính là nghệ thuật mô phỏng dáng vẻ điệu bộ.

Ngành khoa học mô phỏng này còn được mở rộng sang những lĩnh vực khác mà chúng ta sẽ khám phá trong những chương tiếp theo.

Bài tập: Hãy suy nghĩ xem! Bạn có thể mô phỏng người nào?

Vậy thì bây giờ tôi muốn bạn hãy động não xem bạn có thể mô phỏng người nào trong các lĩnh vực cuộc sống? Ai sẽ là tấm gương cho bạn noi theo?

 

 

1. Khả năng giao tiếp

Bạn có biết ai giao tiếp giỏi không? Người nào có thể gây cảm tình với người khác dễ dàng và nói chuyện cực kỳ lôi cuốn, thuyết phục?

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

2. Cách ra quyết định

Hãy nghĩ về một người luôn ra những quyết định hiệu quả một cách tự tin.

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

3. Sự nghiệp của bạn

Bạn có thể mô phỏng ai đã và đang thành công trong nghề nghiệp hay sự nghiệp kinh doanh mà bạn đang theo đuổi? Một thầy giáo tài năng? Một người bán hàng vượt chỉ tiêu? Một nhà thương lượng tài tình? Một diễn giả tuyệt vời?

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

4. Sự tự tin

Bạn có biết ai luôn toát lên sự tự tin và quyền lực, được nhiều người tôn trọng không?

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

5. Động lực cá nhân

Bạn có thể mô phỏng người nào trong lĩnh vực động lực cá nhân? Ai luôn tràn đầy nhiệt huyết, dồi dào năng lượng cho dù mọi người xung quanh ở trong trạng thái tiêu cực đến mức nào?

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

6. Sức hấp dẫn

Bạn nhận thấy ai là người có dáng vẻ lôi cuốn và thu hút cả nam lẫn nữ?

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

Một khi bạn đã xác định được những tấm gương phù hợp với bạn, hãy thử nghiệm tính hiệu quả của kỹ thuật này bằng cách làm theo các bước sau đây:

Bước 1:  Quan sát cách đi đứng, nhịp thở, cử chỉ và hành vi của người này. Quan sát vẻ mặt, tư thế và giọng nói của họ.

Bước 2:  Nhẩm lại trong đầu những gì bạn quan sát được. Tưởng tượng bạn sẽ xuất hiện như thế nào nếu bạn là người này. Bạn sẽ phản ứng với mọi việc xung quanh ra sao? Bạn sẽ đi đứng, hít thở, hành động và cư xử như thế nào?

Bước 3:  Thực hành những gì bạn nhẩm trong đầu. Tưởng tượng bản thân bạn là người thành công này và khoác lên người dáng vẻ của họ khi bạn làm việc hay giao tiếp với người khác mỗi ngày.

Mặc dù việc điều khiển dáng vẻ điệu bộ có tác dụng to lớn trong việc giúp bạn thay đổi trạng thái cảm xúc, bây giờ chúng ta hãy chuyển sang một phương pháp cũng hiệu quả không kém – phương pháp điều khiển hình ảnh tái hiện trong tâm trí bạn.

 

 

Tổng kết chương

1. Trạng thái cảm xúc mà bạn trải nghiệm thúc đẩy cách cư xử và hành động của bạn. Hành động của bạn lại ảnh hưởng đến kết quả mà bạn đạt được.

2. Những người thành công có nhiều cảm xúc tích cực hơn cảm xúc tiêu cực.

3. Bạn tự tạo ra cảm xúc của chính mình thông qua trạng thái cơ thể và nhận thức của bạn về mọi việc diễn ra xung quanh.

4. Mỗi chúng ta nhận thức về sự việc bên ngoài  rất khác nhau. Bạn cần phải điều khiển những hình ảnh và âm thanh phát sinh trong tâm trí để quản lý trạng thái cảm xúc của mình một cách có ý thức.

5. Điều khiển dáng vẻ điệu bộ là phương pháp chính yếu trong việc quản lý cảm xúc của bạn.

6. Bạn có thể có được những cảm xúc tích cực bất cứ lúc nào bằng cách mô phỏng dáng vẻ điệu bộ của bạn trong quá khứ hay mô phỏng những người thành công trong lĩnh vực đó.

Bình luận
720
× sticky