Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Làm Chủ Tư Duy, Thay Đổi Vận Mệnh

Chương 5: Sức Mạnh Không Tưởng Của Niềm Tin

Tác giả: Adam Khoo

Niềm tin mạnh  mẽ có thể giúp những người bình thường làm được những việc phi thường hoặc không tưởng. Ngược lại, niềm tin giới hạn có thể làm thui chột những con người tài năng nhất.

Tại sao một số người có thể đạt được những thành công vượt bậc trong cuộc sống? Tại sao một số người có thể đạt được những thành quả phi thường… vượt xa những gì được mong đợi? Có phải đó là vì họ tài năng, nhạy bén và có năng lực hơn người? Có phải họ có nhiều điều kiện tốt hơn so với người khác? Sau khi cùng nhau đi qua những chương trước, bạn và tôi đều biết rằng rõ ràng không phải vậy.

Có phải anh em nhà Wright, người sáng chế ra máy bay, hiểu biết về khí động lực và máy móc hơn tất cả những kỹ sư và nhà phát minh cùng thời của họ? Không. Họ chỉ là những người sửa xe đạp bình thường.

Có phải Mahatma Gandhi tạo được cơ sở vững mạnh để giải phóng Ấn Độ khỏi Anh Quốc là nhờ gia đình ông có quyền thế?

Không. Ông chỉ là một người bình thường, một luật sư. Và dĩ nhiên, việc sử dụng kiến thức pháp luật mà ông học được từ chính… thực dân Anh chắc chắn không thể nào giúp ông giải phóng Ấn Độ. Thay vào đó, Gandhi nhẹ nhàng dùng sức mạnh của việc biểu tình hòa bình với hàng chục ngàn người dân… cho đến khi nước Anh bị khuất phục.

Cả anh em nhà Wright và Gandhi đều khởi đầu mà chẳng có điều gì hứa hẹn sẽ giúp họ hoàn thành những việc họ mong muốn, nhưng rồi họ vẫn làm được… và lịch sử có không ít những con người xuất chúng như thế. Điểm khác biệt của những người này so với người bình thường là họ có niềm tin mãnh liệt vào việc mình làm. Niềm tin này đã mang lại sức mạnh giúp họ “chiến đấu” kiên cường, và cuối cùng “chiến thắng” bất cứ gian lao trắc trở nào.

Niềm tin mạnh mẽ giúp những người có vẻ bình thường đạt được kết quả phi thường. Đồng thời, niềm tin tiêu cực hoặc giới hạn khiến con người không đạt được những gì họ thật ra có thể, ngay cả khi họ hội đủ những điều kiện thuận lợi nhất.

Niềm tin giống như “hệ điều hành” cho não bộ của bạn. Niềm tin quyết định những gì bạn mong muốn và những gì bạn có thể đạt được. Và trên hết mọi thứ, niềm tin của bạn quyết định mong muốn của bạn.

Nếu bạn tin rằng, bạn có thể trở thành triệu phú, chủ tịch tập đoàn hay một chính trị gia, bạn sẽ “dám” mong muốn bản thân mình đạt được điều đó. Nếu bạn tin rằng bạn không bao giờ có khả năng trở thành người như vậy, bạn sẽ chẳng dám mong muốn chứ đừng nói đến việc hành động để biến nó thành hiện thực.

Tương tự, nếu bạn tin rằng bạn có đủ phẩm chất để lãnh đạo người khác, bạn sẽ không mong đợi một vị trí nào thấp hơn vị trí quản lý trong công ty. Ngược lại, nếu bạn tin rằng bạn chỉ là một nhân viên bình thường, bạn sẽ không mong gì hơn một vị trí nhân viên cấp thấp.

Chính vì thế, niềm tin mạnh mẽ thúc đẩy bạn hành động và quyết định việc bạn sẽ tận dụng được bao nhiêu phần trăm tiềm năng của mình. Khi bạn tin rằng bạn có thể đạt được một mục tiêu nào đó, bạn sẽ nỗ lực hết mình, hành động liên tục và quyết tâm làm bất cứ việc gì (trong giới hạn đạo đức và pháp luật) để đạt được nó. Kết quả, bạn sẽ tận dụng rất nhiều khả năng tiềm ẩn bên trong bạn. Một khi bạn đã tận dụng được tiềm năng của mình, bạn nghĩ rằng kết quả sẽ như thế nào? Dĩ nhiên là bạn gặt hái được những thành quả to lớn! Và khi bạn đạt được kết quả như ý, niềm tin của bạn sẽ càng được củng cố và trở nên mạnh mẽ hơn.

Ví dụ, nếu bạn có niềm tin tích cực là bạn có thể tạo dựng một công ty thành công tên tuổi, mang lại những ảnh hưởng tốt đẹp cho hàng triệu người khác, niềm tin này sẽ thúc đẩy bạn hành động mạnh mẽ. Bạn sẽ bắt đầu sáng tạo ra một sản phẩm hay dịch vụ mới. Bạn sẽ phát triển kế hoạch kinh doanh, thu hút những nhà đầu tư và tiến hành các chiến dịch tiếp thị. Dĩ nhiên, việc kinh doanh không đơn giản chút nào, và chắc chắn bạn sẽ gặp rất nhiều trở ngại dọc đường, nhưng niềm tin sẽ thúc đẩy bạn học hỏi kinh nghiệm từ những thất bại và thay đổi chiến lược cho đến khi đạt được kết quả mong muốn. Thậm chí nếu bạn không đạt được chính xác mục tiêu mà bạn đã đề ra, bạn cũng sẽ đạt được những kết quả to lớn hơn bình thường rất nhiều.

Tuy nhiên, nếu bạn tin rằng bạn không thể làm được một việc gì đó, liệu bạn có hành động không? Nhiều khả năng là không. Thậm chí nếu có hành động đi chăng nữa, bạn cũng sẽ dừng lại ngay khi gặp khó khăn. Điều này có nghĩa là: cho dù bạn có tất cả tiềm năng, bạn cũng sẽ không tận dụng được nó. Và chắc chắn là bạn sẽ không đạt được kết quả như ý. Điều này càng củng cố niềm tin giới hạn của bạn rằng bạn không có đủ khả năng để gặt hái thành quả mong muốn.

Ví dụ, nếu bạn không tin rằng bạn có thể tạo dựng một công ty thành công, bạn sẽ không cố gắng làm việc này. Thậm chí nếu vì một lý do nào đó mà bạn bước vào kinh doanh, bạn cũng sẽ từ bỏ ngay khi đối mặt với những trở ngại đầu tiên chỉ vì bạn có niềm tin giới hạn: “Việc này quá khó đối với tôi!” hoặc “Tôi không có đủ khả năng!”.

NIỀM TIN: CHÌA KHÓA MỞ CÁNH CỬA TIỀM NĂNG CỦA BẠN

Như bạn thấy đấy, khi bạn tin rằng một việc gì đó có thể thực hiện được, chắc chắn bạn sẽ tập hợp tất cả những gì bạn có để củng cố cho niềm tin này. Bạn sẽ sử dụng niềm tin tích cực đó như chiếc chìa khóa để mở cánh cửa sáng tạo, nguồn năng lượng dồi dào và khả năng xuất chúng bên trong bạn. Mặc dù vậy, điều này có đảm bảo bạn sẽ đạt được kết quả chính xác như bạn mong muốn không? Không hẳn lúc nào cũng thế. Nhưng chắc chắn việc tin vào những “điều có thể” sẽ giúp bạn đạt được những kết quả vượt xa những gì bạn có được nếu không có niềm tin hoặc có niềm tin giới hạn.

Ngược lại, nếu bạn tin rằng một việc gì đó nằm ngoài tầm với của bạn, điều đó đồng nghĩa với việc bạn vứt đi chiếc chìa khóa cánh cửa kho báu của mình. Bạn sẽ không bao giờ có thể khơi dậy và giải phóng được hết những tiềm năng bên trong bạn.

Một ví dụ đơn giản, quyển sách mà bạn đang cầm trên tay đây có thay đổi cuộc sống của bạn hay không hoàn toàn tùy thuộc vào việc bạn lựa chọn niềm tin của mình và hành động dựa trên niềm tin đó như thế nào.

Nếu sau khi đọc xong quyển sách này, bạn chọn việc tin rằng mình có thể đạt được bất kỳ mục tiêu nào bằng cách áp dụng tất cả các phương pháp được chia sẻ trong sách, tôi dám chắc rằng bạn sẽ đặt ra những mục tiêu khá cao cho bản thân. Đồng thời, bạn cũng sẽ hành động kiên định và áp dụng triệt để những kiến thức mà bạn học được. Bạn sẽ sử dụng Công Thức Thành Công Tuyệt Đỉnh và bắt đầu chịu trách nhiệm về cuộc sống và những gì diễn ra xung quanh mình. Kết quả, bạn sẽ tận dụng được rất nhiều tiềm năng của mình và thành công. Thậm chí nếu bạn không đạt được tất cả những mục tiêu ấy thì chắc chắn là chất lượng cuộc sống của bạn cũng sẽ được nâng cao một cách đáng kể. Nếu bạn tin rằng quyển sách này có thể thay đổi cuộc đời bạn, nó sẽ có thể…

Ngược lại, nếu bạn chọn việc nghi ngờ và tự nhủ, “Nghe thì có vẻ hay ho đấy, nhưng tôi không nghĩ nó mang lại lợi ích gì to lớn cho tôi”, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ đặt ra những mục tiêu lớn lao và ý nghĩa. Bạn sẽ tiếp tục cuộc sống như trước giờ vẫn thế. Kết quả, bạn không bao giờ tận dụng được những tiềm năng của mình. Và như thế, liệu bạn có gặt hái được thành quả nào không? Dĩ nhiên là không! Rốt cuộc, việc bạn tin rằng quyển sách này không hiệu quả chút nào bỗng dưng trở nên “linh nghiệm” ngay tức thì.

Lý do chủ yếu giúp tôi có thể đạt được nhiều thành quả trong cuộc sống hơn đa số bạn bè của mình, trong số đó có cả những người thông minh hơn và làm việc chăm chỉ hơn tôi, là nhờ vào những niềm tin tích cực về bản thân mà tôi có được từ thời niên thiếu đầy nhiệt huyết của mình.

Tôi được biết về rất nhiều tấm gương sáng – những con người “máu lửa” này đã dạy cho tôi biết rằng tuổi tác không phải là trở ngại của việc đạt được thành công và giàu có. Tôi đọc về Anthony Robbins, người đã trở thành nhà đào tạo về phát triển bản thân và triệu phú ở tuổi 25. Tôi đọc về Richard Branson, ông chủ tập đoàn Virgin, người đã bắt đầu kinh doanh từ năm 15 tuổi và trở thành triệu phú vào năm 23 tuổi. Tôi đọc về Steve Jobs, người đã thành lập hãng máy tính Apple Computers vào năm 18 tuổi. Đồng thời, mẹ tôi cũng thường dẫn tôi đến các buổi nói chuyện chuyên đề được tổ chức bởi các diễn giả về phát triển bản thân như Dennis Waitley. Có lẽ tôi là một trong số ít những đứa trẻ thường xuyên được tham gia các buổi nói chuyện chủ yếu dành cho người lớn như thế. Ông của tôi cũng mua cho tôi những quyển sách của Dale Carnegie – diễn giả lừng danh đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người và giúp họ có được các kỹ năng giao tiếp hiệu quả trong cuộc sống.

Nhờ vào những trải nghiệm này, tôi phát triển một niềm tin không thể lay chuyển rằng, tôi có thể bắt đầu kinh doanh, trở thành tác giả của những quyển sách bán chạy nhất và trở thành chuyên gia đào tạo trước 24 tuổi. Và như bạn biết, tôi đã thật sự làm được tất cả những điều đó.

Trong khi đó, đa số bạn bè của tôi không chịu tìm hiểu về những tấm gương sáng chói như thế. Do đó, họ có những niềm tin giới hạn: nào là việc kinh doanh rất khó khăn và nguy hiểm; nào là cần phải có ít nhất 40 năm tuổi đời với nhiều vốn liếng, kinh nghiệm và các mối quan hệ rộng rãi trước khi có thể nghĩ đến việc thành lập công ty;… Đó là lý do tại sao tôi trở thành triệu phú trong khi đa số bạn bè tôi vẫn tiếp tục… chờ thời.

Về việc viết sách, khi tôi bắt đầu viết bản thảo của quyển sách đầu tiên, tôi mới 16 tuổi, bạn bè tôi đã cười và nói rằng: “Ai sẽ đọc quyển sách do một thằng nhãi viết?”. Trong suy nghĩ của họ, chỉ có những người lớn tuổi và có nhiều bằng cấp mới có thể viết sách. Và dĩ nhiên, tôi đã chứng minh điều ngược lại bằng cách trở thành một tác giả trẻ với nhiều quyển sách bán chạy nhất ở Singapore.

Ấy thế mà nhiều người bạn của tôi vẫn tiếp tục bám khư khư lấy những niềm tin giới hạn đó ngay trước khi họ bắt đầu khởi nghiệp. Và như thế, họ tự ngăn cản bản thân mình không có được những gì lẽ ra họ có thể đạt được với tiềm năng sẵn có. Kết quả, họ cũng chỉ làm những việc tầm thường và đạt được những kết quả tầm thường.

HIỆU ỨNG PYGMALION

Niềm tin của bạn không chỉ ảnh hưởng đến hành động và kết quả bạn thu được, mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh khi họ tương tác với bạn. Là một người thầy, một bậc phụ huynh hay một ông chủ, niềm tin mà bạn có về học trò, con cái hoặc nhân viên của bạn sẽ ảnh hưởng đến cách bạn đối xử với họ, cách họ đối xử ngược lại với bạn, và cuối cùng là cách họ hành xử.

Bạn đã bao giờ nghe nói đến Hiệu ứng Pygmalion chưa? Đây là một hiện tượng tâm lý được Robert Merton, giáo sư ngành Xã hội học tại trường Đại Học Columbia, trình bày lần đầu tiên vào năm 1957. Nội dung của hiệu ứng này là: niềm tin của bạn về người khác có thể biến thành sự thật.

Để chứng minh hiệu ứng này, các nhà nghiên cứu tập hợp một nhóm học sinh cá biệt, quậy phá, có chỉ số thông minh thấp vào một lớp học và giao cho một cô giáo giảng dạy vào đầu năm học mới. Tuy nhiên, họ lại nói với cô giáo rằng đây là lớp năng khiếu và những học sinh này học rất giỏi và thông minh.

Tất nhiên, khi cô giáo bắt đầu đứng lớp, những học sinh này lộ rõ ngay bản chất ngỗ nghịch và thái độ học hành tệ hại. Thế nhưng, vì tin rằng đây là những học sinh xuất sắc, cô nhận lãnh hết trách nhiệm về hành vi cư xử của học sinh. Cô cho rằng có lẽ là do kiến thức mà cô mang lại quá tầm thường, hay do cách dạy của cô quá nhàm chán, không đủ hứng thú để thu hút sự chú ý của những đứa trẻ ưu tú và đòi hỏi cao này.

Do đó, cô bắt đầu thay đổi và thử nghiệm các phương pháp dạy học tiên tiến, mới lạ. Cô động viên tinh thần học sinh nhiều hơn, khơi gợi trí tò mò của chúng về môn học, thử thách chúng bằng các trò chơi và hoạt động bổ ích, hết lòng tận tụy dạy dỗ chúng. Kết quả, cô càng đối xử với chúng như những học sinh năng khiếu bao nhiêu, chúng càng tỏ ra là những học sinh tài năng bấy nhiêu.

Thật bất ngờ! Vào cuối năm học, điểm số của các học sinh này tăng vọt và khi được kiểm tra, chỉ số thông minh của chúng tăng từ 20-30 điểm. Quả thật, cô giáo đã tạo ra những học sinh tài giỏi! (Vậy mà trong thực tế, có biết bao nhiêu học sinh bị cho là chậm tiêu hay học hành làng nhàng cứ mãi trượt dài chỉ vì thầy cô không biết cách dạy chúng.)

Trong đề tài nghiên cứu “Học Thuyết và Cơ Cấu Xã Hội” của mình, Merton nói rằng hiện tượng tâm lý này xảy ra khi “một ý niệm sai lệch về một tình huống nào đó tạo nên một hành vi cư xử mới khiến cho ý niệm sai lệch ban đầu trở thành sự thật”.

Nói cách khác, khi bạn tin vào một điều gì đó ở người khác, kể cả khi điều đó có sai lầm đến đâu đi chăng nữa, bạn sẽ có khuynh hướng hành động một cách nhất quán với niềm tin đó. Kết quả đáng ngạc nhiên là thường thì những gì bạn tin ở người khác sẽ dần trở thành sự thật, cứ như là có phép màu vậy.

NIỀM TIN CỦA BẠN THẬM CHÍ CÓ THỂ ẢNH HƯỞNG CƠ CHẾ SINH HỌC CỦA BẠN

Chúng ta đã thảo luận về việc niềm tin của bạn ảnh hưởng đến nhận thức, quyết định và do đó, hành động của bạn như thế nào. Tuy nhiên, có một điều mà có lẽ ít ai ngờ tới, đó là niềm tin của bạn còn mạnh mẽ đến mức có thể can thiệp vào cơ chế sinh học của bạn.

Đúng thế, niềm tin của bạn có thể tác động đến nguồn năng lượng và trạng thái cơ thể. Đó chính là kết quả rút ra được từ các nghiên cứu về Hiệu ứng Placebo (Hiệu ứng thuốc trấn an).

Vào những năm 1950, các bác sĩ muốn tìm hiểu xem liệu niềm tin của một bệnh nhân về tác dụng của một loại thuốc có thật sự tạo ra sự khác biệt trong hiệu quả chữa bệnh mà loại thuốc này mang lại cho bệnh nhân đó hay không.

Trong một đợt thử nghiệm, các bác sĩ đưa cho bệnh nhân những viên thuốc đường (không có gì ngoài đường bỏ trong vỏ bao con nhộng) và bảo rằng khi uống thuốc này, họ sẽ hết cảm sốt, nhức đầu. Thật đáng ngạc nhiên, các bệnh nhân tin theo lời bác sĩ và những viên thuốc đường trở nên hiệu nghiệm trong việc trị bệnh gần như ngang với thuốc chữa bệnh thật. Nghiên cứu Placebo này chứng tỏ rằng niềm tin của bạn đúng là có thể kích hoạt các hóa chất trong cơ thể bạn và giúp bạn khỏi bệnh.

Đâu đã hết, các nhà khoa học còn chứng minh rằng, niềm tin của bạn thậm chí có thể “đánh bại” được những hiệu ứng hóa học trong cơ thể bạn. Trong một cuộc nghiên cứu về việc này, 100 sinh viên y khoa được chia làm hai nhóm. Người ta đưa cho nhóm đầu tiên các viên thuốc màu đỏ có dán nhãn “thuốc kích thích”. Thật ra, những viên thuốc màu đỏ có chứa chất barbiturate (một loại thuốc an thần). Ngược lại, nhóm thứ hai nhận được những viên thuốc màu xanh và được cho biết đó là thuốc an thần, trong khi đó là những viên thuốc kích thích khá mạnh.

Kết quả nghiên cứu khiến người ta phải giật mình. 50% sinh viên uống thuốc màu đỏ và màu xanh có phản ứng cơ thể đúng với những gì họ nghĩ là tác dụng của viên thuốc họ vừa uống. Những sinh viên uống thuốc màu đỏ báo cáo là họ cảm thấy cực kỳ tỉnh táo và hưng phấn, mặc dù họ vừa uống thuốc an thần. Những sinh viên uống thuốc màu xanh lại cảm thấy uể oải, buồn ngủ mặc dù họ vừa uống thuốc kích thích.

Tại sao lại có chuyện ngược đời như thế? Một phân nhánh mới trong ngành thần kinh tâm lý học được gọi là Học Thuyết Của Sự Trông Đợi đã khám phá rằng, mỗi suy nghĩ, niềm tin và mong ước của bạn có thể là nhân tố làm thay đổi tế bào, mô và cơ quan nội tạng của bạn, dẫn đến việc cơ thể bạn chống lại được tác dụng thật sự của thuốc.

Từ các kết quả nghiên cứu trên, để bảo đảm chất lượng thuốc, mỗi loại thuốc mới tạo ra ngày nay phải được đưa vào kiểm nghiệm Hiệu ứng Placebo trước khi được America FDA (Federal Drug Administration) – Liên bang quản lý thuốc của Mỹ – phê chuẩn.

Lý do là vì, nếu cả đến một loại thuốc “giả” cũng có thể chữa được bệnh (tùy thuộc vào niềm tin của bệnh nhân), thì cách duy nhất để biết chắc chắn một loại thuốc có hiệu nghiệm thật sự hay không là loại thuốc đó phải giúp bệnh nhân hồi phục tốt hơn một viên thuốc Placebo.

Điều đáng bàn tới ở đây là để chứng thực một loại thuốc có hiệu nghiệm hay không, nó chỉ cần vượt qua được tác dụng của một viên thuốc Placebo khoảng vài phần trăm. Thế mới thấy tác động mạnh mẽ của niềm tin lên cơ chế sinh học của con người.

Ông Wright – sống  và chết…  tùy thuộc vào niềm tin của ông

 

Trong quyển sách “Chữa bệnh bằng tư tưởng” (The Psychobiology of Mind Body Healing), Tiến sĩ Ernest Rossi trình bày một trường hợp có thật gây chấn động, chứng minh rằng niềm tin về thuốc có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của con người (một cách tích cực và tiêu cực) như thế nào. Đó là câu chuyện về ông Wright, người bị bệnh ung thư bạch huyết di căn, với tên khoa học là Lymphosarcoma. Bệnh của ông nặng đến mức mọi biện pháp chữa trị thông thường đều tỏ ra vô hiệu với những khối u to bằng trái cam hiện diện khắp cổ, háng, ngực và bụng. Trong giai đoạn ung thư cuối, ống dẫn ở ngực ông bị tắc và vì thế mà cứ cách ngày, khoảng 1-2 lít chất lỏng phải được hút ra khỏi ngực ông. Ông còn thường xuyên phải thở bằng mặt nạ ôxy.

 

Lúc ấy người ta đưa vào thử nghiệm một loại thuốc chống ung thư tên là Krebiozen. Ông Wright không đáp ứng đủ tiêu chuẩn xin thử nghiệm thuốc, bởi vì theo chuẩn đoán, ông chỉ còn sống chưa đầy hai tuần, trong khi bệnh nhân thử nghiệm cần phải sống thêm ít nhất từ ba đến sáu tháng. Tuy nhiên, ông Wright tin tưởng vào tác dụng chữa bệnh của loại thuốc này nên liên tục đề nghị các bác sĩ cho ông cơ hội được thử nghiệm. Cuối cùng, bác sĩ trị liệu của ông, bác sĩ Philip West, quyết định “phá lệ” và cho ông dùng thuốc.

 

Theo luật, bệnh nhân thử nghiệm cần được tiêm thuốc ba lần mỗi tuần và ông Wright đã được tiêm liều đầu tiên vào ngày thứ sáu. Khi bác sĩ Philip quay lại vào ngày thứ hai, ông nghĩ là bệnh nhân của mình đang nằm trên giường như thường lệ. Không tin vào mắt mình, vị bác sĩ nhìn thấy ông Wright đang đi qua đi lại trong phòng bệnh và nói chuyện với những người xung quanh. Ngay lập tức, bác sĩ kiểm tra những bệnh nhân khác cùng thử nghiệm thuốc nhưng không thấy bất kỳ sự thay đổi nào, thậm chí một số bệnh nhân còn trở bệnh nặng hơn.

 

Thật kỳ lạ, chỉ có ông Wright là thể hiện những tiến triển rõ rệt. Kiểm tra kỹ hơn, bác sĩ Philip còn phát hiện rằng các khối u của ông đã teo nhỏ lại còn phân nửa chỉ trong vòng vài ngày. Bác sĩ tiếp tục cho ông dùng thuốc và sau mười ngày, ông Wright được xuất viện, hít thở không khí bình thường như những người khác và hoàn toàn bình phục.

 

Trường hợp không thể tin được này xảy ra ngay trong giai đoạn đầu thử nghiệm thuốc Krebiozen. Tuy nhiên, trong vòng hai tháng, tất cả các bệnh viện đều báo cáo rằng các bệnh nhân thử nghiệm thuốc đều không có dấu hiệu bình phục, rằng Krebiozen có thể không mang lại hiệu quả trong việc chữa bệnh ung thư như người ta mong đợi.

 

Khi ông Wright biết về kết quả thử nghiệm này, ông bắt đầu mất đi niềm tin. Sau hai tháng gần như hoàn toàn khỏe mạnh, ông lại rơi vào tình trạng ban đầu và trở nên cực kỳ khốn khổ. Bệnh ung thư của ông tái phát và ông phải nhập viện trở lại.

 

Lần này, các bác sĩ muốn tìm hiểu xem, liệu việc ông Wright khỏi bệnh một cách thần kỳ trước đó có phải là kết quả của “Hiệu ứng Placebo” hay không. Do đó, bác sĩ nói dối ông là thuốc Krebiozen đã được cải biến với công thức hóa học mạnh gấp đôi sẽ được chuyển về bệnh viện trong nay mai. Ngay lập tức, khi nghe tin này, ông Wright lấy lại sự lạc quan và niềm tin vào việc khỏi bệnh.

 

Ngày hôm sau, bác sĩ tiêm thuốc với công thức mới “mạnh gấp đôi” cho ông. Thật ra, bác sĩ chỉ tiêm nước tinh khiết vào người ông mà thôi. Lần này, ông khỏi bệnh còn nhanh cấp kỳ hơn cả lần đầu. Các khối u nhanh chóng tan biến, chất lỏng trong ngực biến mất, ông hồi phục hoàn toàn và lại được ra viện. Ông sống khỏe mạnh và không có triệu chứng ung thư trong hai tháng trọn vẹn.

 

Vào thời điểm này, American Medical Association (AMA) – Hiệp hội Y tế Mỹ – chính thức thông báo cho giới truyền thông rằng “các cuộc thử nghiệm toàn quốc chứng tỏ thuốc Krebiozen vô dụng trong việc chữa bệnh ung thư”. Trong vòng vài ngày sau thông báo này, ông Wright nhập viện trở lại. Niềm tin trong ông hoàn toàn biến mất và chưa đầy hai ngày sau, ông ra đi vĩnh viễn. Một kết thúc buồn nhưng lại là một bài học có giá trị về niềm tin, phải không các bạn?

 

KHI NIỀM TIN CÓ THỂ CHỮA ĐƯỢC BỆNH UNG THƯ

Các bác sĩ ngày nay hiểu được rằng sự phát triển của một số bệnh ung thư có thể được kiềm hãm bằng hệ thống miễn dịch. Nếu bạn tăng cường hệ thống miễn dịch, bệnh ung thư có thể được chữa khỏi. (Tuy nhiên, điều này thuộc về trách nhiệm của bạn: bởi vì không một bác sĩ nào có thể tăng cường hệ thống miễn dịch cho bạn, chỉ có BẠN mới có thể làm được việc này – bằng cách nghĩ đúng đắn, chế độ dinh dưỡng hợp lý và việc tập luyện cơ thể thích hợp).

Khi bắt đầu tin vào một liệu pháp chữa bệnh, bệnh nhân ung thư có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch của mình để làm máu tuần hoàn một cách hiệu quả đến mức tống những độc tố và chất thải gây ung thư ra ngoài.

Đã có nhiều trường hợp hồi phục nhờ vào những niềm tin mạnh mẽ như vậy.

Người đàn ông thần kỳ

 

Vào năm 1981, chiếc máy bay mà ông chủ ngành bảo hiểm Morris Goodman đang điều khiển đột nhiên gặp sự cố đâm đầu xuống đất, khiến ông bị thương rất nặng: cổ ông bị gãy ở đốt xương sống thứ nhất và thứ hai, các dây thần kinh dẫn đến cơ hoành bị tổn thương nặng, còn cơ hoành bị đè nát đến nỗi ông phải dùng máy hô hấp nhân tạo mới có thể nuốt thức ăn, nói chuyện hay hít thở. Các dây thần kinh khác của ông cũng bị tổn hại đến mức thận và gan của ông không hoạt động được và cơ thể ông bị liệt từ cổ trở xuống.

 

Đánh giá tình trạng chấn thương này, các bác sĩ cho rằng Morris chỉ có một phần ngàn cơ hội sống sót. Thậm chí nếu ông sống được, họ cũng tin rằng ông sẽ không bao giờ vận động được cơ thể và phải ngồi xe lăn suốt đời.

 

Vậy mà Morris đã qua khỏi nhờ vào niềm tin mãnh liệt của mình. Ông tin rằng mình sẽ hồi phục và sẽ tự mình bước ra khỏi bệnh viện mà không cần đến sự trợ giúp của máy móc. Các bác sĩ và y tá cố gắng thuyết phục ông rằng chuyện đó không thể xảy ra và ông cần phải suy nghĩ thực tế về tình trạng thương tổn của mình.

 

“Tôi không quan tâm đến ngành y khoa nghĩ gì. Tôi chỉ quan tâm đến niềm tin của tôi. Đó là tôi có thể vượt qua hiện trạng khó khăn này và bước ra khỏi bệnh viện như một người bình thường”, Morris nói.

 

Thông qua các phương pháp hình dung sáng tạo và vật lý trị liệu mạnh, Morris dần dần hồi phục và bắt đầu tự làm chủ việc hít thở và chức năng ăn uống của mình. Sau đó, ông bắt đầu điều khiển được chân tay và toàn bộ cơ thể. Trong vòng sáu tháng, ông gần như hồi phục hoàn toàn và có thể bước ra khỏi bệnh viện mà không cần đến thiết bị hỗ trợ. Ông đã chứng tỏ rằng các bác sĩ đã sai.

 

Cho đến nay, Morris Goodman vẫn làm trong ngành bảo hiểm và đi khắp nơi để diễn thuyết và truyền cảm hứng cho mọi người về sức mạnh của niềm tin trong cuộc sống. Nhiều quyển sách và chương trình phát thanh nhắc tới ông như “người đàn ông thần kỳ”.

 

Một nhân  vật khác được tờ Newsweek International (ấn bản ở Úc) phong là người đàn ông thần kỳ trên trang bìa năm 2003 là bác sĩ thú y Ian Gawler người Úc.

 

TÂM TRÍ CON NGƯỜI KHÔNG THỂ PHÂN BIỆT GIỮA MỘT TRẢI NGHIỆM TRONG THỰC TẾ VÀ MỘT TRẢI NGHIỆM SỐNG ĐỘNG TRONG TƯỞNG TƯỢNG

Một trong những điểm tương đồng giữa Morris Goodman và bác sĩ Ian Gawler là họ đều dùng đến phương pháp hình dung sáng tạo để củng cố niềm tin mạnh mẽ và chữa khỏi bệnh từ bên trong. Morris liên tục mường tượng bản thân mình trong tương lai, hoàn toàn bình phục và đi qua đi lại không cần dựa vào máy móc. Ông không ngừng hình dung bản thân ông lấy lại được khả năng điều khiển toàn bộ phản xạ và cử động cơ thể.

Nhưng liệu việc hình dung trong tâm trí như vậy có thật sự ảnh hưởng đến phản ứng sinh lý học trong cơ thể bạn không? Chắc chắn là có!

Y học hiện đại đã chứng minh được rằng, tâm trí con người không thể phân biệt giữa một trải nghiệm trong thực tế và một trải nghiệm sống động trong tưởng tượng. Cho dù cơ thể bạn thật sự nhìn thấy, nghe thấy, chạm vào, nếm vị một cái gì đó hay bạn đang tưởng tượng ra những điều này một cách sống động trong tâm trí, não bộ của bạn sẽ kích hoạt cùng một phản ứng thần kinh trong hệ thần kinh của bạn.

TRÁI CHANH Ở ĐÂU?

Bạn có muốn làm thí nghiệm này với tôi không? Đầu tiên, tôi muốn bạn hãy đọc đoạn văn bên dưới, làm theo hướng dẫn và tưởng tượng hình ảnh trong đầu. Bạn cũng có thể nhờ một người nào đó đọc đoạn văn cho bạn nghe trong khi bạn làm bài tập tưởng tượng dưới đây. Bạn đã sẵn sàng chưa?

Tôi muốn bạn nhắm mắt lại và tưởng tượng bạn đang đứng trước tủ lạnh trong bếp. Trong tâm trí, bạn nhìn thấy bản thân bạn đang mở cửa tủ lạnh và đập vào mắt bạn là một trái chanh mọng nước, chua, to, màu vàng ươm đặt ngay giữa tủ.

Hãy tưởng tượng bạn với tay lấy trái chanh này. Hãy cảm nhận độ nặng của trái chanh đầy nước, cảm giác lạnh thấm vào ngón tay bạn trong khi bạn mân mê vỏ chanh láng bóng. Bây giờ, bạn hãy mang trái chanh đó đến bàn ăn trong bếp, với lấy con dao bén bên cạnh để cắt một lát chanh. Bạn thấy nước chanh rịn ra xung quanh. Bạn bỏ lát chanh đó vào miệng và nhai, cảm nhận vị chua trên lưỡi và quanh miệng bạn, hương chanh tỏa ra khiến bạn hơi nhăn mũi lại. Nào, bây giờ bạn hãy mở mắt ra.

Tôi xin hỏi bạn một câu. Bạn có cảm thấy trong miệng bạn tiết ra nhiều nước bọt không? Bạn có cảm nhận được vị chanh chua như thật không? Thậm chí một số người còn nhăn mặt như đang “nhai trái chanh” nữa cơ. Điều thú vị là trái chanh đó chỉ đơn thuần nằm trong trí tưởng tượng của bạn. Khi bạn hình dung trái chanh chua, não của bạn gửi phản xạ thần kinh đến tuyến nước bọt như thể bạn đang thật sự ăn trái chanh đó, kết quả là bạn tiết ra nhiều nước bọt để bắt đầu quá trình tiêu hóa.

Đó cũng là lý do tại sao một số người chết vì sợ.

Trong một số tình huống nào đó, có những người tưởng tượng ra cảnh họ đang bị tấn công hay đang trong cơn nguy hiểm tột cùng. Điều này khiến não của họ phát ra nhiều tín hiệu hoảng sợ đến nỗi tim họ đập nhanh hơn, huyết áp tăng mạnh và cuối cùng họ chết vì cơn đau tim đột ngột.

Một số nền văn hóa cổ xưa như thổ dân Úc hay người Haiti ở Caribbean rất tin vào ma thuật và tà thuật. Các phù thủy có thể dùng “khúc xương ma quỷ” để chỉ vào một người phạm luật bộ lạc và, trong vòng vài tuần, người khỏe mạnh đó sẽ lâm bệnh và chết vì “lời nguyền”.

Tại sao vậy? Bởi vì trong tâm trí, những người đó tự thuyết phục bản thân họ tin một cách tuyệt đối rằng họ sẽ chết, bởi thế não của họ thật sự gửi tín hiệu đến cơ thể để tắt hệ miễn dịch của họ. Cuối cùng, họ không thể kháng cự lại bệnh tật và cái chết.

Ở Úc, những thổ dân “bị nguyền” như thế được mang đến bệnh viện chữa trị nhưng các bác sĩ không thể tìm ra được căn bệnh nào trên cơ thể họ, vậy mà các nạn nhân của lời nguyền vẫn héo mòn dần và chết. Quả thật, niềm tin có sức mạnh khủng khiếp.

DIỄN TẬP TRONG TÂM TRÍ – “VŨ KHÍ BÍ MẬT” CỦA CÁC VẬN ĐỘNG VIÊN NGA

Nhiều người đã sử dụng sức mạnh của việc hình dung để hoạt động ở trạng thái hiệu quả tối đa. Đặc biệt trong lĩnh vực thi đấu thể thao, kỹ thuật này được gọi là “diễn tập trong tâm trí”.

Trong nhiều năm liền, các vận động viên Nga luôn chiến thắng và chiếm ưu thế trong môn thể thao nhào lộn tại Đại hội Olympic. Các vận động viên Mỹ cũng nỗ lực tập luyện nhưng không thể nào hiểu được, làm thế nào mà người Nga luôn có thể thi đấu gần như hoàn hảo đến vậy. Mãi sau này, người Mỹ mới phát hiện ra rằng các vận động viên Nga được các nhà tâm lý học thể thao hướng dẫn phương pháp rèn luyện tâm trí cũng như thể chất.

Bên cạnh việc rèn luyện cơ thể, bí mật của các vận động viên Nga là dành ra vài giờ đồng hồ mỗi ngày để tưởng tượng bản thân họ thực hiện những cú nhảy tuyệt đẹp, nhào lộn trên không và đáp xuống một cách hoàn hảo. Chính việc này đã giúp họ thi đấu ở phong độ gần như tuyệt đối. Ngày nay, tất cả các vận động viên hàng đầu đều sử dụng sức mạnh của việc hình dung để thi đấu trong trạng thái tốt nhất. Trong quyển sách của Tiger Woods – vận động viên đánh gôn hàng đầu thế giới – có nói về việc anh mường tượng bản thân mình tung ra những cú đánh tuyệt hảo và thấy quả banh rơi trúng đích, ngay trước lúc anh thật sự vung gậy đánh như thế nào.

 

 

SO SÁNH VIỆC LUYỆN TẬP TRONG TÂM TRÍ VÀ VIỆC LUYỆN TẬP THỂ CHẤT

Một cuộc thử nghiệm được đưa ra để so sánh việc tập luyện trong tâm trí với việc rèn luyện cơ thể thật sự. Người ta chia một nhóm người nam thành ba đội bóng rổ một cách ngẫu nhiên. Những người này phải ném bóng tự do từ lằn ranh vạch sẵn và điểm của họ được ghi lại. Sau đó, mỗi đội được huấn luyện một cách khác nhau trong ba tuần liên tiếp.

Đội thứ nhất ra sân luyện ném bóng trong vòng hai giờ mỗi ngày. Đội thứ hai không thật sự ném bóng nhưng phải tưởng tượng bản thân họ ném bóng một cách hoàn hảo trong vòng hai giờ mỗi ngày. Đội thứ ba không cần rèn luyện gì cả.

Sau ba tuần luyện tập như thế, họ lại được kiểm tra khả năng ném bóng. Lần này, số điểm trung bình của đội thứ nhất (đội rèn luyện thể chất) tăng khoảng 30%. Đội thứ hai (đội rèn luyện trong tâm trí) cũng tiến bộ hơn khoảng 30%. Và đội thứ ba dĩ nhiên là vẫn “dậm chân tại chỗ”. Thật đáng kinh ngạc, cuộc thử nghiệm này cho thấy việc rèn luyện trong tâm trí cũng mang lại hiệu quả tương đương với việc rèn luyện thể chất thật sự. Nếu biết kết hợp cả hai, bạn sẽ đạt được những kết quả gây sửng sốt.

Vậy, làm thế nào để bạn có thể sử dụng sức mạnh của việc hình dung để lập trình não bộ của bạn hoạt động với năng suất tối đa… hầu như trong mọi lĩnh vực cuộc sống?

Cá nhân tôi thường xuyên sử dụng kỹ thuật này trước khi tôi diễn thuyết, chơi gôn và thậm chí để thi lấy bằng lái xe. Và không có gì ngạc nhiên khi phương pháp này lúc nào cũng hiệu nghiệm.

Trước giờ diễn thuyết, tôi sẽ hình dung bản thân mình đĩnh đạc bước lên sân khấu, nhìn xuống khán giả trước mặt và diễn thuyết một cách hùng hồn. Sau đó, tôi tưởng tượng cảnh khán giả hưởng ứng vỗ tay hoan hô tôi nồng nhiệt. Tôi cứ liên tục quay đi quay lại “đoạn phim” đó trong đầu. Cuối cùng, trước giờ phút bước lên sân khấu, tôi cảm thấy hoàn toàn thư giãn và tự tin… như thể tôi đã thành công với bài diễn thuyết của mình rồi vậy. Kết quả, tôi thật sự thành công.

 

 

TÔI ĐÃ LUYỆN TẬP TRONG TÂM TRÍ ĐỂ THI LẤY BẰNG LÁI XE HƠI VỚI SỐ ĐIỂM TUYỆT ĐỐI

Thậm chí tôi còn sử dụng phương pháp hình dung để đạt điểm mười trong lần thi lấy bằng lái xe hơi đầu tiên. Vì ở Singapore việc thi lấy bằng lấy xe rất khó, không ít người phải thi đến vài lần mới thành công, cho nên thành tích này khiến ai ai cũng kinh ngạc, ngoại trừ tôi. Lý do là vì tôi đăng ký thi lấy bằng lái trong khoảng thời gian tôi đang thi hành nghĩa vụ quân sự, do đó hầu như tôi không có thời gian đi học lái xe.

Thầy dạy lái xe của tôi nghĩ tôi sẽ rớt vì rõ ràng là tôi chẳng đến lớp tập dợt gì cả. Thầy tôi đâu biết rằng tôi đã dành nửa tiếng mỗi đêm để tưởng tượng bản thân tôi ngồi trên xe (trong khi tôi đang nằm trên giường trong doanh trại), điều khiển cần số và chạy theo đường quy định thi bằng lái. Tôi lặp đi lặp lại việc này cho đến khi chúng trở thành phản xạ tự nhiên của tôi. Cuối cùng, tôi đi thi và đạt điểm mười ngay trong lần thi đầu tiên.

Người phi công chơi gôn… trong tù

 

Để tôi kể bạn nghe một câu chuyện kỳ diệu khác về khả năng phi thường của trí tưởng tượng. Trong chiến tranh Triều Tiên vào những năm 1950, có một phi công Mỹ bị bắt bỏ tù nhiều năm ở Bắc Triều Tiên.

 

Người phi công này rất thích chơi gôn và niềm đam mê này vẫn theo ông suốt thời gian đằng đẵng trong tù. Ông liên tục tưởng tượng mình đang chơi gôn, “đánh tới đánh lui” 18 lỗ và… dĩ nhiên là thắng hết lần này đến lần khác. Cuối cùng, khi ông được trả tự do, một trong việc đầu tiên ông làm là đăng ký tham dự vòng thi đấu môn đánh gôn.

 

Bạn có tin không? Ông đã chiến thắng một cách dễ dàng. Lẽ tất yếu là mọi người đều tỏ ra kinh ngạc, ngoại trừ bản thân ông. Ai cũng nghĩ việc ông thắng trận chỉ là “chó ngáp phải ruồi” bởi vì họ tin rằng ông không thể nào chơi gôn tốt được sau ngần ấy năm bị nhốt trong tù. Nhưng không, ông tự tin nói với mọi người rằng, ông biết chắc ông sẽ thắng, vì ông đã tập luyện đánh gôn miệt mài trong tâm trí và đã thực hiện những cú đánh dứt điểm không biết bao nhiêu lần trong khoảng thời gian dài đó.

 

TRƯỚC KHI ĐẠT ĐƯỢC KẾT QUẢ THẬT SỰ, BẠN PHẢI ĐẠT ĐƯỢC NÓ TRONG TÂM TRÍ TRƯỚC ĐÃ

Bây giờ chúng ta hãy cùng thực hành một bài tập thú vị khác về việc bạn có thể hình dung bản thân mình vượt qua được giới hạn cơ thể nhé. Tôi muốn bạn hãy đứng thẳng người và đặt hai bàn chân của bạn cách nhau một khoảng cách bằng độ rộng của vai. Trong bài thử nghiệm này, bạn phải giữ vững hai bàn chân trên mặt đất.

Trước tiên, tôi muốn bạn khởi động làm nóng người bằng cách duỗi tay chân và thả lỏng cơ hông. Lắc người nhẹ nhàng từ trái qua phải và ngược lại.

Tốt lắm! Bạn đã sẵn sàng chưa?

Bây giờ, hãy giang thẳng cánh tay phải của bạn, chỉ ngón tay trỏ về phía trước và xoay người theo chiều kim đồng hồ càng xa càng tốt. Khi bạn đã xoay người hết cỡ, hãy ghi nhớ vị trí mà bạn vừa xoay tới và xoay về vị trí cũ.

Kế tiếp, tôi muốn bạn nhắm mắt lại và tưởng tượng bản thân bạn đang xoay người theo chiều kim đồng hồ và nhìn thấy ngón tay bạn di chuyển vượt qua vị trí tối đa mà bạn vừa xoay trước đó khoảng một mét.

Sau khi bạn đã tưởng tượng xong, hãy mở mắt ra và lặp lại động tác xoay người một lần nữa. Lần này bạn có xoay người xa hơn không?

Đa số mọi người xoay được xa hơn nhiều và cảm thấy ngạc nhiên về việc bài tập hình dung ngắn này đã giúp họ vượt qua được “giới hạn trong tâm trí”. Vậy thì hãy nghĩ xem, bạn sẽ còn vượt qua được bao nhiêu giới hạn khác với đầy đủ niềm tin và việc luyện tập trong tâm trí.

PHÁ VỠ NIỀM TIN CỦA CẢ THẾ GIỚI

Vào năm 1954, một người đàn ông đã vượt qua được mức giới hạn tâm trí đặt ra cho môn chạy đường dài. Trong hàng trăm năm trước đó, những người thi chạy không bao giờ chạy được một dặm (khoảng 1,6 kilômét) trong vòng dưới bốn phút. Nhiều người đã nỗ lực vượt qua mốc thời gian này nhưng đều thất bại. Thêm vào đó, các nhà khoa học còn đưa ra các bằng chứng y khoa là con người không có đủ năng lực thể chất để chạy được một dặm trong vòng ít hơn bốn phút. Kết quả là hầu hết mọi người đều tin rằng không ai có thể chạy nhanh đến thế.

Roger Bannister, một sinh viên cao học ở Đại Học Oxford đã đặt mục tiêu là người đầu tiên phá vỡ “kỷ lục không thể” này. Mặc dù anh không thể nào sánh nổi với những vận động viên xuất sắc thời đó, Roger không hề nhụt chí. Bên cạnh việc rèn luyện thể chất, anh tập luyện việc chạy bộ rất nhiều trong tâm trí. Anh cứ liên tục tưởng tượng bản thân anh chạy được một dặm ít hơn bốn phút.

Thế rồi, vào ngày 6 tháng 5 năm 1954, Roger Banister đã khiến cả thế giới sững sờ khi anh chạy một dặm trong vòng 3 phút 54 giây. Đó chưa phải là điều đáng nói nhất. Điều thật sự đáng kinh ngạc là trong vòng một năm sau đó, 37 vận động viên điền kinh khác phá vỡ được kỷ lục của anh. Trong ba năm kế tiếp, hơn 300 vận động viên khác đạt được thành tích tương tự.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao trong suốt thời gian dài hàng trăm năm trước đó, không một ai có thể đạt được điều này? Vậy mà ngay từ thời điểm một người bình thường làm được, rất nhiều người khác lập tức làm được hoặc làm tốt hơn chỉ trong vòng 1-2 năm sau đó. Điều này chắc chắn chứng tỏ rằng trở ngại duy nhất khiến nhiều người không đạt được mục tiêu và không tận dụng tối đa tiềm năng của họ không phải là vì họ không có khả năng, mà do chính niềm tin của họ giới hạn bản thân họ.

NIỀM TIN CỦA BẠN KHÔNG BAO GIỜ ĐÚNG TUYỆT ĐỐI CẢ!

Nếu niềm tin của bạn có tác động mạnh mẽ như vậy đến chất lượng cuộc sống và thậm chí sức khỏe của bạn, vậy thì bạn phải bắt đầu xem xét, liệu niềm tin mà bạn sở hữu có tác dụng thúc đẩy bạn hay kiềm hãm bạn. Và nếu niềm tin của bạn đang cản trở bạn, bạn phải thay đổi chúng ngay từ bây giờ!

Một số người sẽ phản đối: “Nhưng nếu niềm tin mà tôi đang có là sự thật thì sao? Nếu tôi thật sự không giỏi kinh doanh? Nếu quả thật không có cơ hội nào xung quanh tôi? Nếu việc này không thể làm được? Nếu tôi không có đủ khả năng?…”.

Bạn phải hiểu rằng niềm tin của bạn không bao giờ đúng tuyệt đối cả. Niềm tin không phải là một dữ kiện được chứng thực. Niềm tin chỉ là nhận thức, ý kiến, sự khái quát hóa của bạn về thế giới xung quanh.

Trong mỗi niềm tin ấy, cho dù bạn tin nó đúng đến mức nào, sẽ luôn có một người nào đó tin vào một điều hoàn toàn trái ngược với bạn. Nếu bạn tin rằng hiện kinh tế đang rất khó khăn, sẽ có người tin rằng đây mới chính là thời điểm thuận lợi để kiếm tiền.

Điều quan trọng với chúng ta không phải là niềm tin ấy đúng hay không mà là việc nó tạo động lực hay cản trở chúng ta hành động. Hãy trả lời câu hỏi: “Niềm tin này có giúp tôi tận dụng khả năng tốt nhất để đạt mục tiêu không?”. Hay, “Niềm tin này có trói buộc  tôi không?”.

Trong chương một, chúng tôi có nói rằng: “Tất cả chúng ta có cùng một hệ thần kinh. Nếu người khác có thể thành công, tôi cũng có thể thành công”. Đây chính là ví dụ của một niềm tin tích cực.

Nếu bạn hỏi tôi niềm tin này có thật sự đúng không, tôi tin là đúng nhưng tôi không thể khẳng định 100% vì có thể vài chục hoặc vài trăm năm sau, khoa học lại chứng minh khác đi. Tôi chỉ biết rằng: khi tôi lựa chọn niềm tin này, tôi có thêm động lực để đạt được thành công hơn hẳn nhiều người đồng trang lứa, những người chọn việc tin rằng: “Người khác có thể làm được vì họ sinh ra đã tài năng và may mắn hơn tôi. Cho nên, tôi KHÔNG thể làm được như họ…”.

Nhờ niềm tin mạnh mẽ này mà tôi dám đặt ra những mục tiêu có vẻ như không tưởng và đạt được nó – ví dụ như vươn lên dẫn đầu toàn trường, viết sách, mở công ty, nói chuyện với hàng ngàn người hay xoay chuyển tình thế cho các công ty.

Ngoài việc tin rằng: “Nếu người khác làm được, tôi cũng có thể làm được”, tôi còn phát hiện ra tất cả những người thành công có chung niềm tin rằng: “Mọi việc xảy đều có một ý nghĩa đặc biệt riêng của nó đối với cuộc đời chúng ta” và rằng “Đằng sau những thử thách là cơ hội đang ẩn mình”.

Một lần nữa, liệu tôi có thể tuyên bố những niềm tin này là hoàn toàn đúng không? Dĩ nhiên là không. Nhưng tôi khám phá ra rằng những niềm tin này thúc đẩy tôi đứng lên sau mỗi lần thất bại. Niềm tin này mang lại sức mạnh giúp tôi chiến đấu đến cùng. Kết quả, tôi đạt được điều mà tôi mong muốn và điều đó chứng tỏ niềm tin của tôi là sự thật.

Đồng thời, nếu bạn chọn việc tin rằng mọi khó khăn bạn gặp phải là do bạn xui xẻo, bất hạnh hay bị “quả báo”, bạn có thể sẽ cảm thấy nản lòng, bỏ cuộc và ngừng hành động. Kết quả, khó khăn này thật sự trở thành hình phạt đối với bạn, bởi vì bạn sẽ không bao giờ đạt được điều mình mong muốn.

NHỮNG GÌ BẠN TIN TƯỞNG SẼ TRỞ THÀNH SỰ THẬT ĐỐI VỚI BẠN!

Mặc dù niềm tin không bao giờ đúng tuyệt đối, nó lại trở nên hoàn toàn đúng với những người tin vào nó. Đơn giản là vì những gì bạn tin trở thành thực tế đối với bạn.

Nếu bạn tin rằng bạn ngu ngốc, bạn sẽ trở nên ngu ngốc. Nếu bạn tin rằng bạn thông minh, bạn sẽ là người thông minh. Nếu bạn tin rằng bạn không may mắn, bạn sẽ luôn gặp xui xẻo. Nếu bạn tin rằng những cơ hội tuyệt vời đang chờ đón bạn, thì những điều may mắn sẽ kéo đến với bạn.

“Dù bạn tin rằng mình có thể làm được hay không làm được việc gì, thì điều nào cũng đúng!” – Henry Ford

Tại sao lại như thế? Bởi vì niềm tin của bạn là một trong những bộ lọc thông tin chính yếu, quyết định nhận thức của bạn về thế giới xung quanh. Ở bất cứ thời điểm nào, bạn không hề trải nghiệm thực tế mà là trải nghiệm nhận thức cá nhân của bạn về thực tế.

Não bộ của bạn luôn xóa bỏ, bóp méo những gì bạn nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận. Đây là lý do tại sao hai người cùng chứng kiến một sự việc giống nhau, nhưng nhận thức về nó rất khác nhau. Và nếu hai người đó tranh luận với nhau về sự việc đó, cả hai sẽ miêu tả những chuyện xảy ra hoàn toàn khác biệt.

Không phải là do người này hay người kia nói dối, mà vì cả hai đều đã xóa bỏ và bóp méo những gì họ nhìn thấy mà không hề hay biết, tùy vào niềm tin riêng của bản thân họ.

Có bao giờ cha mẹ bạn cho rằng bạn vô trách nhiệm không? Bạn có thể làm hàng trăm việc một cách đầy trách nhiệm, nhưng họ chỉ nhớ một vài lần bạn vô trách nhiệm. Họ sẽ nói “Chậc chậc, con lại thế nữa rồi!”.

Tất cả chúng ta cũng hành xử như vậy với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Nếu ai đó nghĩ rằng một người bạn của họ tính tình rất ích kỷ, họ sẽ có khuynh hướng tập trung vào tất cả những sự việc chứng minh niềm tin của họ là đúng, và không nhận thấy rằng cũng có những lúc người bạn đó biết nghĩ cho người khác. Thậm chí nếu họ có nhận thấy đi chăng nữa, họ cũng sẽ bóp méo điều đó bằng cách nói rằng anh ta hẳn có mục đích xấu gì đây nên mới tử tế như thế.

Vậy thì bất cứ những gì bạn tin đều trở thành sự thật đối với bạn. Niềm tin đó là “sự thật của riêng bạn”.

Nếu một người phụ nữ tin rằng tất cả đàn ông trên thế gian đều không chung thủy, chị sẽ chỉ nhớ và tập trung vào những lúc chị thấy và nghe về chuyện đàn ông ngoại tình. Chị sẽ có khuynh hướng xóa bỏ trong tâm trí tất cả những trường hợp đi ngược lại niềm tin của mình. Chị cũng sẽ có khuynh hướng bóp méo những gì chị nhìn thấy và nghe thấy để củng cố niềm tin ấy. Nếu ông xã chị gọi điện nói rằng anh ta có việc gấp phải ở lại công ty nên về trễ, chị sẽ nghĩ gì? Chị có thể bắt đầu nghi ngờ anh ta ngoại tình, bởi vì chị tin rằng tất cả bọn đàn ông trên đời đều không chung thủy.

Phản ứng của chị sẽ ra sao? Chị có thể tra vấn chồng, dò xét từng đường đi nước bước của anh ta, bắt đầu hoảng sợ, bất an và buồn phiền. Kết quả, mối quan hệ gia đình chị đứng bên bờ vực tan vỡ, đẩy anh ta đến cái việc mà chị lo sợ nhất…. bởi vì không ai có thể sống chung với một người vợ luôn cằn nhằn và nghi ngờ cả.

Trong thực tế, tôi đã thấy rất nhiều trường hợp niềm tin trở nên “linh nghiệm” như thế. Bất cứ việc gì bạn tin tưởng mạnh mẽ sẽ trở thành thực tế, bởi vì bạn sẽ hành động để củng cố niềm tin đó, do đó dẫn đến kết quả.

Một số người tin rằng không hề có cơ hội kiếm tiền trong đời họ. Họ tin rằng việc kinh doanh là một bước đi sai lầm. Thế là họ chú trọng vào tất cả mọi tin tức trên báo đài cũng như từ bạn bè về “người này người kia mất tiền, phá sản và thất bại trong kinh doanh này nọ”. Việc này liên tục củng cố niềm tin của họ và ngăn cản họ không chộp lấy bất cứ cơ hội nào trước mắt.

Đồng thời, tôi cũng biết có nhiều người tin rằng cơ hội đầy rẫy ở bên ngoài. Những người lạc quan như thế cho rằng việc kiếm tiền rất dễ dàng. Và bạn biết không? Họ thật sự kiếm được nhiều tiền và tìm thấy cơ hội ngàn vàng khắp nơi. Thậm chí khi khó khăn bao vây họ, những người này vẫn có thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm và chuyển bại thành thắng.

LÀM THẾ NÀO MÀ MỘT SỐ NGƯỜI CÓ THỂ BIẾN KHÓ KHĂN THÀNH CƠ HỘI

 

Sau đây là một ví dụ điển hình. Khi bệnh dịch SARS tràn lan khắp nơi, nhiều người bắt đầu tin rằng công việc làm ăn của họ không thể ngóc đầu lên nổi và họ sẽ phải vật lộn để kiếm sống. Một người bạn của tôi kinh doanh thú nuôi cũng gặp khó khăn do SARS gây ra. Nhưng thay vì tin rằng SARS là một vấn đề không thể vượt qua, anh tập trung vào việc làm thế nào để tìm được cơ hội trong giai đoạn thử thách này. Anh nhanh chóng tận dụng mạng lưới các nhà cung cấp và nhân viên bán hàng rộng khắp của mình để thâm nhập vào ngành kinh doanh mặt nạ và máy lọc không khí. Nhờ vậy, anh kiếm được khối tiền từ căn bệnh dịch này.

 

ĐIỂM MÙ TRI GIÁC…BẠN ĐÃ BAO GIỜ GẶP TRƯỜNG HỢP NÀY CHƯA?

Đã khi nào bạn ở trong tình huống này chưa? Bạn đang ngồi trong phòng khách xem tivi thì nghe tiếng vợ bạn gọi lớn, “Anh vào bếp lấy giùm em hũ muối được không?”. “Anh không biết nó ở đâu”, bạn trả lời. Cô ấy nói vọng lại, “Anh tìm xem. Nó nằm ở đâu đó thôi”.

Một cách miễn cưỡng, bạn đứng dậy và đi vào nhà bếp lẩm bẩm một mình, “Mình không biết hũ muối ở đâu, làm sao mình tìm thấy nó được đây?”. Chắc chắn là bạn nhìn quanh quất khắp nơi mà vẫn không thấy hũ muối. Bạn đành quay ra và nói, “Anh không tìm thấy hũ muối đâu cả”.

Vợ bạn lại nói, “Anh tìm kỹ xem, nó ở đó thôi mà”. Bạn nhìn lên, nhìn xuống mà vẫn không thấy hũ muối. Cuối cùng, vợ bạn bước vào bếp, với lấy hũ muối ngay trước mũi bạn và nói, “Thế đây là cái gì? Mắt anh để ở đâu đấy?”.

Tại sao việc này lại xảy ra? Theo ngành tâm lý học, hiện tượng này được gọi là điểm mù tri giác. Đây là một trong những ví dụ phổ biến nhất về việc niềm tin xóa bỏ những gì bạn nhận thức. Nếu bạn liên tục thuyết phục bản thân rằng bạn không thể nào tìm thấy hũ muối, não của bạn sẽ xóa hình ảnh hũ muối bên trong não, cho dù mắt bạn vẫn nhìn thấy hũ muối sờ sờ ngay đó.

Tương tự, nếu bạn tin rằng không có cơ hội xung quanh và thời điểm kinh tế này tệ hại hết chỗ nói, bạn sẽ xóa đi mọi thứ đi ngược lại niềm tin của bạn, và bạn sẽ chỉ thấy khó khăn nhan nhản khắp nơi.

MỘT SỐ NGƯỜI NỔI TIẾNG VÀ THÔNG MINH TỪNG HẾT LÒNG TIN VÀO NHỮNG ĐIỀU MÀ… HIỆN NAY CHÚNG TA BIẾT LÀ HOÀN TOÀN SAI!

Đa số mọi người đều có khuynh hướng đấu tranh mạnh mẽ để khư khư giữ lấy những niềm tin cũ kỹ và giới hạn của mình vì họ một mực tin rằng những điều đó là đúng. “Nhưng tôi chắc chắn là niềm tin của tôi đúng. Làm sao có thể khác được cơ chứ?”, họ khăng khăng như thế.

Tôi xin hỏi bạn một câu. Bạn đã từng hết lòng tin vào một việc gì đó trong quá khứ mà bây giờ bạn biết là thực tế hoàn toàn ngược lại chưa? Tôi chắc là bạn đã từng như thế. Thậm chí một số người thông minh nhất trên đời cũng đã từng cực kỳ tin tưởng vào những điều giới hạn mà sau này được chứng thực là hoàn toàn sai. Dưới đây chỉ là vài ví dụ để bạn tham khảo.

NIỀM TIN ĐƯỢC TẠO THÀNH NHƯ THẾ NÀO

Nhưng làm thế nào mà bạn hình thành những niềm tin mà bạn có được ngày hôm nay?

Hầu hết niềm tin đến từ việc bạn mô phỏng những người quan trọng xung quanh bạn – như cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Bạn có khuynh hướng tin vào những điều tương tự với những điều mà những người có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn tin tưởng. Nếu cha mẹ bạn tin rằng họ không bao giờ giàu lên được, có khả năng bạn cũng tin vào điều này. Nếu bạn lớn lên trong một gia đình không có ai học xong đại học, rất có thể bạn sẽ tin rằng việc học rất khó khăn hoặc không quan trọng.

Nhiều niềm tin của bạn cũng đến từ kinh nghiệm trong quá khứ. Hãy ghi nhớ rằng, những niềm tin ấy chẳng qua chỉ là nhận thức và các lý giải mà bạn tạo ra về những kinh nghiệm trong quá khứ. Tuy nhiên, sau một thời gian, bạn quên mất rằng niềm tin chỉ đơn thuần là nhận thức và bắt đầu chấp nhận chúng như một sự thật tuyệt đối. Đó là khi chúng trở thành những mệnh lệnh khắc sâu vào não bộ của bạn và bắt đầu quyết định việc bạn sẽ sống như thế nào.

Trong khi một số niềm tin thật sự giải phóng bạn, nhiều niềm tin khác lại trói buộc bạn. Ví dụ, những niềm tin như “Tôi học dở Toán”, “Tôi là người chậm tiêu”, “Tôi không thể nào giao tiếp tốt với người khác”, “Tôi lười biếng” hay “Tôi còn quá trẻ hay đã quá già”.

Vậy thì bạn đã hình thành niềm tin ban đầu như thế nào? Niềm tin luôn khởi nguồn từ một nhận định của người khác hay từ một ý tưởng bạn tự nghĩ ra. Khi bạn trải nghiệm nhiều sự việc củng cố cho ý tưởng hay nhận định đó, nó trở nên vững chắc và biến thành niềm tin. Một khi niềm tin được tạo ra, bạn sẽ không còn nghi ngờ gì về điều đó nữa. Nó trở thành một phần trong hệ thống hoạt động nội tại, thúc đẩy mọi quyết định và hành vi của bạn.

Trong quyển sách “Sức mạnh không giới hạn” (Unlimited Power), Anthony Robbins dùng hình ảnh chiếc bàn để minh họa về niềm tin. Khi một suy nghĩ nào đó lần đầu tượng hình trong tâm trí bạn (ví dụ, “Tôi là người chậm hiểu”), lúc đó chiếc bàn chỉ có mỗi mặt bàn và không có chân bàn để đỡ. Do đó, chiếc bàn không thể đứng vững và không ảnh hưởng gì nhiều đến cuộc sống của bạn. Qua thời gian, nếu bạn thu thập chứng cứ về suy nghĩ đó, điều đó đồng nghĩa với việc bạn đã có đủ chân (bằng chứng), bạn sẽ có một chiếc bàn kiên cố (một niềm tin vững chắc).

TÔI HỌC DỐT TOÁN”… LÀM THẾ NÀO MÀ TÔI CÓ NIỀM TIN NÀY VÀO LÚC NĂM TUỔI

Trong nhiều năm trời, tôi từng tin rằng “Tôi học dốt Toán”. Niềm tin giới hạn này ngăn cản tôi không có nỗ lực học Toán. Giống như tất cả niềm tin khác, niềm tin của tôi xuất phát từ một ý nghĩ đơn giản khi tôi phải vất vả nhồi nhét bảng cửu chương vào đầu hồi còn nhỏ.

Lúc tôi lên năm, nhiều anh em họ của tôi đã đọc làu làu bảng cửu chương từ 1 đến 10 một cách dễ dàng. Còn tôi thì vì một số lý do nào đó mà tôi không thể nào hiểu được “phép tính nhân” là gì và cảm thấy bảng cửu chương cực kỳ “khó nuốt”. Mỗi lần tôi nhớ sai một phép tính nhân, cha mẹ tôi rất nản lòng và càng ép tôi học nhiều hơn. Vì cả hai người đều đi làm, những buổi đi chơi cuối tuần của tôi biến thành những buổi học bảng cửu chương dài lê thê và chán đến tận cổ.

Kết quả, tôi bắt đầu chán ghét môn Toán và cảm thấy rất đau khổ khi phải học cái môn “không đội trời chung này”. Tôi không thể hiểu tại sao những đứa trẻ khác có thể làm được phép tính nhân còn tôi thì không. Từ ngày đó trở đi, tôi bắt đầu hình thành ý nghĩ “Tôi học dốt Toán”.

Rồi vào một ngày đẹp trời nọ, thầy tôi quyết định kiểm tra cả lớp bảng cửu chương. Lẽ tất nhiên là đa số bạn bè tôi đều trả bài tốt. Khi đến lượt tôi, thầy hỏi “5 x 3” là bao nhiêu. Tôi cau mày suy nghĩ hồi lâu rồi la lên “13”. Cả lớp lăn ra cười và gọi tôi là “ thằng ngu”. Sự việc này là bằng chứng đầu tiên cho ý nghĩ “Tôi học dốt Toán” và bắt đầu củng cố ý nghĩ đó thành niềm tin của tôi.

Dĩ nhiên là với niềm tin này, tôi trở nên lơ đãng trong những giờ học Toán. Tôi thường mơ màng trong lớp và không bận tâm về những gì diễn ra xung quanh. Tôi cũng không thèm rớ đến bài tập về nhà. Có ích gì chứ? Môn Toán là một “môn ngu xuẩn” và “dù thế nào mình cũng không thể học tốt được”. Kết quả, tôi càng ngày càng tụt lại sau cả lớp. Chẳng có gì ngạc nhiên khi tôi liên tục thi rớt môn Toán. Điều này càng củng cố thêm niềm tin “Tôi học dốt Toán” và gắn thêm một chân bàn khác vào chiếc bàn “dốt Toán” của tôi.

Niềm tin của tôi càng vững chắc hơn khi mẹ tôi an ủi cho việc thi rớt môn Toán của tôi bằng cách bảo tôi đừng lo lắng vì chính mẹ tôi ngày trước cũng dốt Toán nhất hạng. Và rằng có thể tôi đã thừa hưởng gien di truyền của bà và không thể làm gì khác được. Lý lẽ này của mẹ tôi càng khiến tôi tin tưởng “mình không thể học Toán” và không thèm cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề hay cố học Toán. Một lần nữa, não bộ của tôi bắt đầu thêm một chân “bằng chứng gien di truyền” vào mặt bàn niềm tin của tôi.

Kết quả, tôi bỏ cuộc ngay khi gặp một bài Toán khó. Bất cứ khi nào thầy giáo dạy một khái niệm Toán khó hiểu, tôi đều phớt lờ không thèm bận tâm tìm tòi. Ba mẹ tôi cũng gửi tôi đi học thêm Toán – nhưng tôi toàn ngồi mơ mộng trong suốt buổi học.

Chắc chắn là sau một thời gian, niềm tin “Tôi học dốt Toán” trở nên đúng tuyệt đối với tôi. Tôi hoàn toàn được thuyết phục rằng tôi không cách nào hiểu được môn Toán, chứ đừng nói đến việc học giỏi môn “quái quỷ” đó.

TÔI PHÁ VỠ NIỀM TIN GIỚI HẠN NÀY NHƯ THẾ NÀO?

Nếu bạn biết rằng niềm tin của mình chẳng qua chỉ là sự đúc kết những kinh nghiệm trong quá khứ và chúng đang kiềm hãm bạn, vậy làm thế nào để bạn phá vỡ chúng? Làm thế nào để bạn đánh sập chiếc bàn niềm tin hình thành trong tâm trí bạn? Câu trả lời rất đơn giản: hãy bẻ gãy chân bàn. Nói cách khác, bạn phải thử thách những bằng chứng củng cố niềm tin giới hạn đó. Một khi bạn bẻ gãy chân bàn, niềm tin sẽ sụp đổ.

Vậy làm thế nào để bạn thử thách những bằng chứng nâng đỡ niềm tin đó? Adam Khoo tôi đã làm như thế này…

Cuộc sống của tôi thay đổi từ khi tôi nhận ra việc học dốt Toán chỉ đơn thuần là niềm tin giới hạn của tôi. Đó chỉ là “sự thật” đối với tôi vì tôi chọn niềm tin đó. Tôi đã chọn việc suy diễn tất cả sự việc theo hướng củng cố niềm tin này. Tôi bắt đầu thử thách ngược lại mọi “bằng chứng hỗ trợ” niềm tin ấy.

Tôi nhận ra rằng nhiều bằng chứng nghiêng theo niềm tin của tôi chẳng qua chỉ là lập luận của cá nhân tôi từ những kinh nghiệm trong quá khứ. Những kinh nghiệm này có thể mang hàng triệu ý nghĩa khác nhau. Thậm chí, nhiều bằng chứng do người khác mang lại cho tôi cũng không đáng tin cậy.

Việc tôi không hiểu phép tính nhân không có nghĩa là tôi học dở Toán. Có thể là vì chưa ai biết cách dạy phép tính nhân để tôi có thể hiểu được. Cũng có thể là do tôi không chú ý nghe giảng. Việc tôi thi rớt tất cả các bài kiểm tra Toán có thể chỉ vì tôi không thèm học bài, hay không áp dụng đúng phương pháp.

Tôi cũng đi tìm các ví dụ phản biện lại bằng chứng là tôi có gien di truyền dốt Toán từ mẹ tôi. Tôi tìm bằng cách nào? Tôi nhận ra rằng nhiều bạn bè xung quanh tôi học giỏi Toán có cha mẹ ít học và làm nghề bán hàng ăn hay tài xế xe buýt. Khi tôi bắt đầu nghi ngờ tính xác thực của những bằng chứng đó, những chiếc chân bàn được tháo gỡ và niềm tin giới hạn trong tôi sụp đổ.

Sau đó, tôi tự nhủ lòng, “Mình nên có một niềm tin tích cực hơn như thế nào?”, “Một niềm tin mạnh mẽ giúp tôi nỗ lực hết mình là niềm tin ra sao?”. Cuối cùng, tôi nghĩ ra một niềm tin “Tôi là thần đồng Toán học”.

 

 

TỪ ĐỨA TRẺ DỐT TOÁN THÀNH THẦN ĐỒNG TOÁN HỌC – BẮT ĐẦU CHỈ VỚI MỘT NIỀM TIN MỚI

Niềm tin mà tôi mới nghĩ ra này truyền động lực cho tôi và khiến tôi hết sức phấn khởi. Vấn đề ở chỗ: tôi không có bằng chứng hay ví dụ nào củng cố cho niềm tin mới cả. Vậy tôi đã làm gì? Tôi tự tạo ra bằng chứng mới cho bản thân.

Vào năm lớp bảy, tôi ôn lại và chăm chỉ làm những bài Toán lớp bốn (dưới bốn lớp). Khi đã thành thục, tôi chuyển sang làm những bài Toán lớp năm, cứ thế dần dần tôi lấy lại căn bản và cảm thấy tự tin hơn. Khi giải được các bài Toán, tôi bắt đầu củng cố niềm tin mới này. Dĩ nhiên, tôi vẫn bị rớt lại phía sau khá xa so với bạn cùng lớp, nhưng tôi quyết tâm theo cho bằng được.

Chẳng bao lâu sau khi dành rất nhiều thời gian trong kỳ nghỉ hè để rèn luyện môn Toán, tôi đã có thể giải được tất cả các bài Toán mà đa số bạn bè tôi đang học. Khi tôi “nuốt được” các khái niệm Toán và ngày càng giải được nhiều bài Toán, tôi càng có thêm nhiều chứng cứ cho niềm tin mới của tôi.

Cuối cùng, niềm tin mới của tôi được gia cố vững chắc nhờ vào một sự việc xảy ra khi tôi vào lớp 9.

Lúc đó, chúng tôi chuẩn bị học một môn mới mà ai cũng sợ, Toán nâng cao. Chúng tôi nghe nói môn này cực kỳ khó và là “sát thủ” đánh rớt nhiều học sinh hằng năm.

Khi bạn bè tôi bước vào năm học mới, họ đã tự hủy hoại tâm trí mình bằng cách ghim sâu những ý kiến của các anh chị đi trước về môn học này vào đầu. Vì một số lý do nào đó, tôi là đứa học sinh duy nhất quyết định đọc chương đầu tiên của “môn học cực kỳ khó nhai” này vào đêm trước buổi học.

Tất nhiên, tôi không hiểu mảy may những kiến thức tôi đọc được trong sách, nên tôi phải đi hỏi bài mấy anh chị lớp trên và nhờ vậy mà hiểu được khá rõ nội dung của chương “Phương trình tuyến tính”. Ngày hôm sau, khi thầy Toán mới bắt đầu giảng bài, cả lớp như bị lạc trong khu rừng Toán học đầy trừu tượng. Do đã đọc sách trước, có vẻ như tôi là người duy nhất hiểu được thầy đang nói gì.

Sau đó, thầy gọi học sinh xung phong lên bảng giải bài. Trong khi mọi người nhìn nhau lắc đầu, tôi mạnh dạn đứng dậy, lên bảng viết bài giải. Ai nấy đều sửng sốt, trong đó có cả thầy giáo. Trong tất cả các lớp trước thầy đã dạy, không ai có thể giải được bài toán hóc búa này ngay ngày đầu tiên.

Vì đây là lớp học mới tinh và không đứa bạn nào trong lớp biết về “tiền sử học Toán“ của tôi, mọi người nhìn tôi như thể tôi là một thiên tài. Tôi cảm thấy thật vui và thích thú với hình tượng mới của mình, một “thần đồng Toán học”.

Tôi bắt đầu hình thành thói quen đọc sách trước khi vào lớp, nỗ lực nhiều hơn trong các bài tập và bài kiểm tra. Chẳng mấy chốc, với sự chuyên cần đó, tôi dẫn đầu lớp và đạt loại xuất sắc trong kỳ thi cuối cấp toàn quốc.

Sự kiện to lớn đó cuối cùng đã đập tan tất cả mọi niềm tin giới hạn trong tôi và củng cố niềm tin mới của tôi là “Môn Toán rất dễ”, “Tôi là thần đồng Toán học”. Chính niềm tin này đã khiến tôi chọn học lớp chuyên Toán khi vào Trung học. Tôi chăm chỉ học Toán và đạt điểm mười tuyệt đối ở các môn Toán trung cấp và Toán cao cấp, hai môn Toán mà mọi học sinh đều e ngại và cho là “cực khó”. Đó chính là sức mạnh tuyệt đối của sự thay đổi niềm tin.

BẠN CÓ NHỮNG NIỀM TIN GIỚI HẠN NÀO?

Bây giờ, bạn hãy dừng lại suy nghĩ một chút về tất cả những niềm tin đang kiềm hãm bạn bấy lâu nay. Những niềm tin nào đang cản trở bạn khỏi việc hành động và tận dụng tối đa tiềm năng của mình?

Bạn có niềm tin nào về việc học? Về các mối quan hệ? Về tiền bạc? Về con người và khả năng của bạn? Về nghề nghiệp hay công việc kinh doanh của bạn?

Tôi muốn bạn hãy dành thời gian viết ra tất cả các niềm tin giới hạn mà bạn đang có về những lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống.

Niềm tin giới hạn về con người và khả năng của bạn

 

Bạn có tin vào một hay nhiều điều dưới đây không?

 

Bạn còn quá trẻ? Đã quá già? Không giao tiếp tốt? Lười biếng? Không đủ thông minh? Thiếu kinh nghiệm? Không đủ tài năng? Không may mắn? Không đủ năng lực kinh doanh? Thiếu động lực? Bạn nghĩ bạn sẽ không bao giờ đạt được những điều gì?

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

Niềm tin giới hạn về tiền bạc

 

Bạn có tin rằng:

 

Tiền là nguồn gốc của mọi tội lỗi? Rất khó kiếm tiền? Để trở nên giàu có, bạn phải tham lam? Tiền chỉ mang lại rắc rối cho bạn?

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

Niềm tin giới hạn về các mối quan hệ và người khác

 

Bạn có tin vào một hay nhiều điều dưới đây không?

 

Hôn nhân ít khi có kết cục hạnh phúc? Tất cả đàn ông đều không chung thủy? Tất cả đàn bà đều vô lý? Tóm lại, không thể tin tưởng vào người khác?

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

Niềm tin giới hạn về nghề nghiệp hay công việc kinh doanh

 

Bạn có tin rằng:

 

Thị trường đã đến điểm bão hòa? Việc kinh doanh rất khó khăn? Khó mà kiếm được tiền trong thời kỳ suy thoái? Không hề có cơ hội ở ngoài kia? Có một điều gì đó hay một ai đó ngăn cản việc bạn được thăng chức? Bạn không thể tăng trưởng lợi nhuận? Bạn không thể mở rộng kinh doanh?

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

Bạn đã liệt kê tất cả niềm tin giới hạn của bạn chưa? Tôi muốn bạn biết rằng bạn phải thay đổi những niềm tin giới hạn này trước khi bạn có thể thay đổi chất lượng cuộc sống của bạn. Sự khác biệt giữa người thành công, người trung bình và kẻ thất bại nằm ở những niềm tin mà họ có được về bản thân và những người xung quanh. Bạn đã sẵn sàng loại bỏ những niềm tin giới hạn này và cài đặt những niềm tin tích cực khác vào não bộ của bạn chưa? Tốt lắm! Có năm bước để thay đổi niềm tin giới hạn của bạn.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ THAY ĐỔI NIỀM TIN

Trước khi bạn đọc qua năm bước bên dưới, tôi muốn bạn hãy tham gia nhiệt tình vào các bài tập để tạo ra sự thay đổi niềm tin mà bạn mong muốn. Từ danh sách các niềm tin giới hạn mà bạn vừa viết ra, hãy chọn ra ba niềm tin quan trọng mà bạn muốn thay đổi trước. Bắt đầu nào…

1  Tìm đủ lý do để thay đổi niềm tin

Bước đầu tiên để thay đổi niềm tin là tìm một lý do đủ mạnh để thay đổi nó. Nhiều người không thể thay đổi vì họ, dù hoàn toàn không thỏa mãn với những gì mình đạt được, nhưng cũng không quá tệ đến nỗi khiến họ thật sự cố gắng thay đổi. Vậy thì bạn phải tạo ra đủ lý do để tự mình thay đổi.

Một phương pháp cực kỳ hiệu quả là suy nghĩ về những hậu quả do niềm tin giới hạn này mang lại cho bạn trong cuộc sống và tương lai sau này. Hãy nhớ rằng bạn bị cảm xúc chi phối chứ không phải lý trí. Bạn có thể có đủ mọi lý do chính đáng để thay đổi, nhưng bạn sẽ không bao giờ nhúc nhích một ngón tay cho đến khi bạn tạo ra những hình ảnh trong tâm trí và có đủ cảm xúc mạnh mẽ để muốn thay đổi.

Do đó, bên cạnh mỗi niềm tin giới hạn của bạn, tôi muốn bạn hãy suy nghĩ và viết ra cái giá mà bạn phải trả cho việc khư khư giữ lấy niềm tin này.

Những niềm tin này đã khiến bạn phải gánh chịu những tổn hại gì trong quá khứ? Ví dụ, nếu bạn tin rằng bạn “không có đủ kinh nghiệm”, niềm tin này có thể níu giữ bạn khỏi việc đảm nhận một dự án đầy thử thách và hứa hẹn, không được thăng quan tiến chức, không nắm bắt được cơ hội kinh doanh, v.v…

Những niềm tin này sẽ tiếp tục kiềm hãm bạn như thế nào trong tương lai?

Tôi cũng muốn bạn trả lời câu hỏi, “Nếu tôi tiếp tục bám víu vào niềm tin này, tôi sẽ bị kiềm hãm như thế nào trong tương lai? Những niềm tin này sẽ cản trở tôi đạt được những việc gì?”. Cứ thế tiếp tục viết ra tất cả mọi lý do tại sao bạn phải thay đổi với từng niềm tin một cho đến khi bạn đạt đến đỉnh điểm cảm xúc mạnh mẽ khiến bạn muốn thay đổi.

Nào bạn hãy lấy bút và bắt đầu thực hành với MỘT niềm tin giới hạn của bạn ngay bây giờ.

1.1     Niềm tin giới hạn của tôi:

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

1.2     Niềm tin này đã gây ra hậu quả gì cho tôi trong quá khứ?

Tôi đã phải trả giá ra sao cho việc bám víu vào niềm tin này?

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

1.3     Niềm tin này sẽ khiến tôi phải gánh chịu những gì trong tương lai?

Niềm tin này sẽ cản trở tôi không đạt được những thành công gì?

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

2 Đánh sập những “bằng chứng” tiêu cực gia cố cho niềm tin giới hạn

Bước kế tiếp là phân tích từng niềm tin giới hạn của bạn và bẻ gãy tất cả những bằng chứng hỗ trợ cho niềm tin đó. Hãy ghi nhớ, bạn cần tháo bỏ những chân bàn nâng đỡ niềm tin giới hạn của bạn để phá hủy nó. Cuối cùng, bạn sẽ thấy rằng những bằng chứng này chẳng qua chỉ là sự đúc kết và diễn giải sai lệch của bạn về các sự việc trong quá khứ.

Trước hết, bạn phải tìm ra những bằng chứng chống đỡ niềm tin của bạn, bằng cách trả lời những câu hỏi dưới đây:

1)      Bạn đã tạo ra niềm tin này như thế nào?

2)      Việc gì đã khiến bạn tin điều này là đúng?

Kế đến, tìm cách đánh gãy chúng, bằng cách trả lời câu hỏi:

1)      Điều này còn có ý nghĩa gì khác?

2)      Có ví dụ phản biện nào không?

3)      Người mang lại bằng chứng này có đáng tin cậy không?

Ví dụ, tôi phát hiện rằng niềm tin “Tôi học dốt Toán” của mình xuất phát từ ba bằng chứng: tôi không thể hiểu được phép tính nhân, tôi thi rớt môn Toán và mẹ tôi nói đó là gien di truyền từ bà. Bằng cách phân tích những “bằng chứng” này, tôi bắt đầu thay đổi ý nghĩa của những sự việc kể trên.

Việc tôi không hiểu được phép tính nhân có thể đơn giản là vì tôi không được dạy theo cách mà tôi hiểu được, thay cho ý nghĩa là tôi chậm tiêu. Việc tôi thi rớt môn Toán có thể là do tôi không tập trung trong lớp và không chịu học bài, không phải vì tôi vốn dĩ học dở Toán.

Và mẹ tôi chắc chắn không phải là nguồn thông tin đáng tin cậy để khẳng định rằng tôi không có khiếu học Toán chỉ vì bà ghét môn này. Sau đó tôi khám phá ra nhiều ví dụ phản biện, chẳng hạn những người bạn của tôi có cha mẹ không hề học giỏi chút nào nhưng họ lại học rất giỏi.

Cho nên, hãy bắt đầu áp dụng những điều này vào niềm tin giới hạn của bạn và làm phần bài tập kế tiếp ngay bây giờ.

2.1     Tôi đã hình thành niềm tin này như thế nào?

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

2.2     Những bằng chứng nào củng cố niềm tin giới hạn này?

a

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

 

 

b

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

c

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

d

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

e

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

2.3 Làm thế nào để đánh sập những bằng chứng này? Điều này còn có ý nghĩa nào khác? Có ví dụ phản biện nào không? Nguồn thông tin này có đáng tin cậy không?

a

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

b

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

c

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

d

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

e

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

3 Tạo ra một niềm tin tích cực mới

Một khi bạn đã làm lung lay đến tận gốc các niềm tin giới hạn, bạn phải tạo ra một niềm tin tích cực mới để thay thế niềm tin giới hạn ấy. Niềm tin nào sẽ hữu ích trong việc thúc đẩy bạn hành động?

Ví dụ, nếu niềm tin cũ là “Tôi còn quá trẻ không thể mở công ty được”, niềm tin mới có thể là “Tuổi trẻ thường nhạy bén và tràn trề năng lượng trong kinh doanh” hay “Người trẻ tuổi là những người kinh doanh tốt hơn vì họ linh hoạt hơn và dễ đón nhận những ý tưởng mới hơn”.

Nếu niềm tin giới hạn của bạn là “Tôi quá già không thể làm lại từ đầu”, hãy tìm tất cả các ví dụ về những người thay đổi sự nghiệp ở tuổi 40 hay hơn 50 tuổi và thành công vang dội, hay thậm chí dám chơi những môn thể thao mạo hiểm mà cả những người trẻ tuổi hơn rất nhiều cũng không dám thử. Sau đó, hãy khắc sâu niềm tin mới, “Lớn tuổi có nghĩa là phán đoán chính xác hơn, dễ thông cảm hơn, hiểu biết hơn”. Hãy viết ra niềm tin tích cực mới của bạn ngay bây giờ.

Niềm tin tích cực mới của tôi:

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

4 Tạo ra những bằng chứng mới để củng cố niềm tin này

Sau khi bạn đã tạo ra niềm tin mới, hãy tìm những bằng chứng mới để củng cố niềm tin này. “Niềm tin này đã được chứng minh lần nào trong quá khứ chưa?”. Ví dụ, nếu bạn muốn nuôi dưỡng niềm tin “Tôi có khả năng học nhanh”, hãy nghĩ xem trước đây có khi nào bạn học rất nhanh một kỹ năng mới chưa?

“Bạn có thể tìm được ví dụ ở những người khác không?”. Đối với mỗi niềm tin mới, bạn bao giờ cũng có thể tìm được bằng chứng để củng cố niềm tin đó. Hãy tìm trong sách, lên mạng Internet.

Ví dụ, khi tôi muốn sở hữu niềm tin “Những người trẻ có thể bắt đầu kinh doanh và thành công”, tôi nghiên cứu kỹ càng và phát hiện khá nhiều doanh nhân thành đạt đã bắt đầu kinh doanh, với hai bàn tay trắng, ở tuổi còn rất trẻ.

Nếu bạn không thể tìm được bất kỳ bằng chứng nào, hãy bịa chúng ra. Đúng thế. Tâm trí bạn không thể phân biệt giữa thực tế và những gì được tưởng tượng rõ ràng. Đây chính là những việc mà Roger Banister đã làm khi anh quyết tâm phá vỡ kỷ lục thế giới về môn chạy. Hãy tìm và viết ra tất cả bằng chứng mà bạn có thể tìm thấy để củng cố niềm tin mới này.

Những bằng chứng mới củng cố niềm tin mới của tôi:

a

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

b

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

c

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

d

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

e

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

5 Tưởng tượng về tương lai và kết hợp tất cả mọi lợi ích của việc nuôi dưỡng niềm tin mới này

Cuối cùng, tôi muốn bạn hãy dành thời gian và sử dụng sức mạnh của việc hình dung để cài đặt niềm tin tích cực này. Tôi muốn bạn nhắm mắt lại và nghĩ đến tương lai.

Bạn sẽ cư xử khác đi như thế nào với niềm tin tích cực mới này? Bạn sẽ theo đuổi những mục tiêu gì mà bạn đã không theo đuổi trong quá khứ? Bạn sẽ ra những quyết định mới khác biệt như thế nào? Bạn có lợi gì từ niềm tin mới này? Hãy nghĩ về một năm sau. Hai năm sau. Năm năm sau. Mười năm sau. Hãy viết ra tất cả những lợi ích mà bạn có được từ niềm tin tích cực mới này.

5.1     Với niềm tin mới này, tôi sẽ quyết định những việc sau đây và hành động như sau:

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

5.2     Với niềm tin mới này, tôi sẽ có những lợi ích sau:

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………………….

Vậy thì, bất cứ khi nào bạn muốn thay đổi một niềm tin giới hạn hay giúp ai đó vượt qua rào cản trong tư tưởng, hãy làm theo năm bước trên. Chúng ta hãy cùng bước sang bí quyết làm việc để đạt hiệu quả tối đa….

 

 

Tổng kết chương

1. Niềm tin là những gì thúc đẩy người bình thường đạt được những điều phi thường.

2. Đồng thời, niềm tin giới hạn là rào cản khiến đa số mọi người không đạt được những gì họ thật sự có thể, cho dù họ có tiềm năng đến mức nào.

3. Niềm tin của bạn quyết định những gì bạn mong muốn và có được từ bản thân.

4. Niềm tin của bạn ảnh hưởng đến cơ chế sinh học và sức khỏe của bạn.

5.Tâm trí con người không thể phân biệt giữa một sự việc có thật và một sự việc được tưởng tượng một cách sống động.

6. Bạn có thể đạt hiệu quả tối đa thông qua phương pháp hình dung sáng tạo.

7. Niềm tin không bao giờ đúng tuyệt đối. Niềm tin là những ý kiến và sự đúc kết mà bạn tạo ra về bản thân và thế giới xung quanh.

8. Bất cứ những gì bạn tin tưởng sẽ trở thành sự thật đối với bạn.

9. Bạn phải chấp nhận những niềm tin tích cực và thay đổi những niềm tin giới hạn.

10. Niềm tin được hình thành đầu tiên từ một ý tưởng và được củng cố bằng các bằng chứng.

11.Có năm bước để thay đổi niềm tin

a . Tìm đủ lý do để thay đổi niềm tin

b . Đánh gãy những bằng chứng củng cố niềm tin

c. Tạo ra một niềm tin tích cực mới

d. Tìm những bằng chứng mới để củng cố niềm tin mới

e. Nghĩ về tương lai và kết hợp tất cả mọi lợi ích của việc nuôi dưỡng niềm tin mới này.

Bình luận