Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Làm Đĩ

Chương 1: Tuổi Dậy Thì

Tác giả: Vũ Trọng Phụng
Thể loại: Văn Học Việt Nam

Em ngày nay đã trở nên một tay kiện tướng trong nghề hoa nguyệt, song lẽ khi cầm đến bút để tả lại cái đời bèo bọt của em, em thấy tuổi ngây thơ trong sạch của em cũng đáng cho người đời phải quan tâm để cũng muốn hỏi em như em vẫn xót xa cứ căn vặn mãi mình: “Vì lẽ gì em đến nỗi trụy lạc?”. Cùng những vị hiền mẫu, những bậc đức phụ, những tiểu thư đài các sẽ đọc thiên bút ký này, em muốn giao hẹn trước rằng ở đây, em không chỉ đóng vai trò một con chiên sám hối trước ông cố đạo. Em không muốn phải một mình riêng chịu trách nhiệm về cái đời nhơ bẩn này, vì những cớ xô đẩy em vào bùn lầy phần nhiều là ở lúc em còn ngây thơ. Em không muốn chỉ buộc tội em, vì có ai lại nỡ đi buộc tội những đứa trẻ thơ dại? Tuy nhiên em cũng không buộc tội đời, cũng không kết án ai cả. Mình làm thì mình chịu, ta nên có đủ lòng tự ái mà đừng đổ vấy cho người. Vậy thì thiên bút ký này có thể vừa là một cuộc thú tội của con đĩ trước mắt bà này, vừa là một bản án buộc tội hoàn cảnh xã hội, theo trí xét đoán của cô kia. Dù nó được đặt vào loại gì thì tưởng nó cũng không vô bổ cho những người muốn ngẫm nghĩ.

Em sinh ở đời vào lúc bắt đầu có cuộc Pháp Đức chiến tranh[34]. Khi lên bảy tuổi, tóc đã giắt được lược bờm, thì chị ruột em đã vào bếp thổi được cơm, anh của em đã cắp cặp đến trường, và mẹ em lại vừa sinh một đứa con gái. Nhà em ở là một tòa nhà tây hai tầng ở phố X… trước mặt có đường xe điện, lại có cả vườn hoa. Ngày ngày, em chơi thơ thẩn ngoài phố với các trẻ con khác, hoặc trông những xe điện chạy mà bánh xe nghiến ra những cục lửa xanh lè, hoặc là đi nhặt hoa núc nác tây bỏ đầy túi áo, hoặc là ngẩn mặt ra xem những chú khách làm bánh quế hình xe điếu, xe đạp hoặc đứng trước một kẻ ăn mày mà nhìn hàng giờ không thôi… Cái tuổi tốt đẹp nhất đời! Họ hàng nhà em ai cũng khen em xinh, hôn hít em, cho em tiền, cắn má, cắn tay em nữa.

Thầy em mỗi ngày bốn buổi chễm chệ trên chiếc xe nhà sơn đen từ nhà ra đi hoặc từ sở về nhà và mỗi khi nói đến thầy em ai cũng gọi là “ông phán”. Đẻ em trông nom gia đình và đẻ con. Nhớn lên, em lại biết thêm rằng ông nội em xưa là quan phủ, và chú ruột em hiện ở bên Tây, sắp đỗ đốc tờ. Em hóa ra kiêu ngạo, không thèm chơi với những trẻ hàng xóm láng giềng mà bố không là ông phán, mà nhà không có xe nhà, mà quần áo không được đẹp như của em. Phát sinh ra từ lúc bé cái tính kiêu ngạo ấy nhiễm vào óc em suốt đời, mà ngay đến lúc đã trụy lạc rồi, em cũng không thể chữa được.

Rồi em đi học. Vốn thông minh tính bẩm, em được các cô giáo yêu chiều, được họ hàng khen lao. Đến khi em mười lăm tuổi đầu, thì các nữ sinh đã bắt đầu sợ em, ghen ghét em, và bọn con gai đã lập tâm… chim em nữa. Tuổi dậy thì, cái hoàn cảnh xấu, những bạn hữu xấu, một nền giáo dục sai lầm ngần ấy cái đã làm cho em hóa ra đến nỗi như nay.

Người ngoài thì không ai bảo là em chịu hoàn cảnh xấu, chỉ đổ em hư thân mất nết thôi, ừ con gái nhà giàu, bố có chức phận, mẹ là người đứng đắn, dòng dõi nhà quan, lại thêm có chú ruột là một vị bác sĩ y khoa, lại được cắp sách đến trường như thế, ai dám cho là vì hoàn cảnh xấu? Thôi, cái hoàn cảnh xấu là những điều vụn vặt mà chỉ mình em em biết mà thôi! Người ta ở đời ai cũng có mắt, mà nghiệm ra quả rất ít ai trông thấy gì, hoặc là gặp cái xấu thì người ta vội tìm cách che đậy nó đi, người ta ghê tởm nó đến nỗi người ta không dám nói đến nó nữa, chứ không phải là muốn tìm phương cứu chữa nó.

Năm lên tám tuổi, trong khi các cô gái khác chỉ thích ăn quà nhảm, riêng em, em đã thích chơi búp bê.

Cái thích ấy của em không giống của trẻ khác, đòi được thì chơi trong hai ngày rồi đập vỡ. Em nâng niu búp bê, đòi đẻ em phải may áo cho nó, ẵm bế nó suốt ngày, nói với nó như một người thật. Sự ấy phát sinh ra bởi cái mẫu tính, do sự nhiệm mầu của Tạo vật mà có, ấy em cần nói thêm. Cứ tính nết em mà xét, em có thể trở nên một người mẹ tốt, biết thương yêu con cái, và dịu dàng. Do thế, dẫu còn bé dại, em cũng vẫn băn khoăn tự hỏi: “Người ta làm thế nào mà có con? Bao giờ em có con?”.

Khi đứa em gái đã biết lẫy, em thấy chơi búp bê là không thích, em bèn đem hết lòng yêu búp bê ra yêu đứa em gái, vì nó biết cười thật, nói thật, khóc thật.

Rồi em nhận định thấy rằng cái bụng của mẹ em cứ mỗi ngày một to ra.

Em đã định hỏi ngay, rồi không hiểu vì lẽ gì không dám hỏi nữa. Mấy tháng sau đấy, em thấy thầy em nói chuyện sửa soạn cho mẹ em đi nằm nhà thương. Mà câu nói của thầy em lại điểm thêm bằng một nụ cười! Em kinh ngạc hết sức, vì em đã thấy một người phu xe bị ô tô nghiến và được khiêng vào nhà thương! Ngay lúc ấy, cô em kêu: “Bụng đã to tướng thế kia, lo đi là vừa”. Em nhìn kỹ bụng mẹ em thì em thấy nó to một cách ghê gớm mà sao từ trước em không để ý… Em liền hỏi mẹ:

– Mẹ ơi, sao bụng mẹ lại to thế?

Me em gọi em lại gần, hiền từ xoa đầu em, khẽ đáp:

– Vì chị Huyền sắp có em bé nữa đấy, chị Huyền ạ.

– Em bé ở đây?

– Ở trong bụng me đây.

Em càng kinh ngạc. Em cho là người nhớn nói dối em (vì bất cứ lúc nào, bất cứ việc gì, người nhớn cũng chỉ nói dối). Em bèn nói gọn:

– Chỉ dối!

– Cô em cười mà bảo:

– Thật đấy, em bé trong bụng me ấy.

Em cãi:

– Thế nó bú vào đâu? Sao không thấy nó khóc?

– Đẻ xong nó mới bú chứ! – me em đáp.

Em lại hỏi:

– Thế đẻ ra bằng chỗ nào?

Đến đây đẻ em nín. Cô em cười mà bảo!

– Đẻ ra đằng nách.

Em tin ngay (không hiểu sao em vẫn nghĩ người nhớn hay nói dối mà nghe thế, em lại tin ngay) và lúc ấy thấy như buồn ở nách vì có ai cù em. Bèn lại hỏi:

– Làm thế nào thì có con?

Đẻ em chưa kịp đáp, thầy em đã sa sầm nét mặt xuống mà rằng:

– Thế mà cũng nói mãi được! (quay về em). Đi chơi! Đi ngay!

Hãi hùng em chạy vội đi chỗ khác.

Nhưng sự sợ hãi chẳng những không làm cho em bớt tò mò… Cái tính muốn hiểu, muốn biết do thế, lại càng như bị khêu gợi thêm lên. Em tuy đã yên chí người ta đẻ ra đằng nách rồi, nhưng tại sao người ta lại đẻ thì vẫn không hiểu. Càng bị giam hãm trong vòng ngu muội, em càng hóa ra tò mò. Nhưng mà chung quanh em, từ đấy, tịnh không một ai đả động đến chuyện kia nữa.

Ít lâu về sau, nhân một hôm tha thẩn chơi một mình trong vườn sau, em đến bên chuồng gà thì tình cờ em được xem một con gà mái nó đẻ. Em thấy nó đứng lên, xù lông ra, tái mặt đi, cả cái mào đỏ cũng tái xanh đi, rồi một quả trứng từ đuôi nó rơi ra…

Nhân lúc ấy, vú già vào phơi quần áo, em liền phô chuyện, thì lại bị vú già mắng là cứ xem gà đẻ rồi thì lang ben ăn mặt. Thế nghĩa là gì em không hiểu, mà em cũng chẳng cần biết rõ, chỉ muốn tiện dịp thì hỏi vỡ nghĩa cái vấn đề làm nhọc trí em bấy nay. Vú già lầu nhầu:

– Nó ăn no thì đẻ chứ làm sao nữa! Nó đẻ bằng đít chứ còn đằng nào nữa!

Những câu giảng sơ sài về khoa học ấy làm cho em thất kinh đi. Em không hiểu tại sao cũng nhiều khi em ăn no đến phưỡn bụng mà không đẻ như gà! Em giận đẻ em sao không ăn no nhiều lần vào để em có nhiều em bé hơn nữa. Rồi em hỏi:

– Sao nó không đẻ gà con mà lại đẻ trứng?

Nghe đến đấy, vú già cười hề hề:

– Đẻ trứng rồi trứng mới nở ra gà con.

– Thế me cũng đẻ ra trứng như gà à?

– Ừ!

– Thế me đẻ đằng nào? Có như gà không?

– Me đẻ đằng bụng. Thôi, đi chơi, hỏi ít chứ!

Thế là từ đấy, em bắt đầu không tin lời me em.

Em cho rằng me em chỉ có nói dối, thành thử dạy bảo em điều gì, em cũng nghi ngờ, em cũng chỉ vâng lời ngoài mặt. Em đã yên trí là người ta muốn đẻ con thì cứ việc ăn cho rõ no. Và, do sự ấy, em đã bị một trận đòn nhục nhã.

Bữa ấy, nhà có giỗ, họ hàng khách khứa đến đông lắm. Trong số ấy có một cô giáo trẻ tuổi, đẹp lắm, mà em phải gọi dì, hình như không giữ được thiện cảm với anh chị em. Ngồi xem làm cỗ dưới bếp, em thấy chị em phô với anh em là cô giáo đã chửa hoang một lần, đứa con phải cho đi. Em không để ý đến chữ hoang, chỉ biết cô giáo đã đẻ. Lúc ăn cỗ, thấy cô giáo nói:

– Đĩa nộm ngon lắm, lúc nãy ở dưới bếp tôi đã ăn vụng mãi.

Tức thì nói:

– Đi ăn vụng thế, nhỡ quá no mà đẻ em bé thì xấu lắm.

Em nói thế là vì mỗi khi me em đẻ thì xanh đi, xấu đi. Trong bàn gỗ, có người tủm tỉm cười, có người trừng mắt nhìn em, mà cô giáo thì đỏ cả mặt. Em không hiểu đã phạm một tội tầy đình.

Thấy chị em tủm tỉm cười, em nói:

– Nay mai me cháu cũng đẻ, mà chắc là đẻ ra trứng.

Em không ngờ cả nhà cùng nhất loạt mắng ngay em:

– Câm ngay! Rõ con nhà vô phúc!

Tối hôm ấy, thầy em bắt em lên giường nằm, cầm xe điếu, bảo em từ rầy không được nói láo như thế, và vụt em mười cái, mỗi lần vụt lại điểm vào bằng một câu hỏi: “Mày nhớ chưa?”

Cố nhiên em nhớ trận đòn ấy mãi đến bây giờ. Vì đó là lần đầu thầy em đánh em, và cũng là lần đầu, em phải oán ghét thầy em. Em chỉ sợ mà thôi chứ không thể nào yêu thầy em như xưa được nữa. Em chỉ nhắc lại những câu cắt nghĩa của vú già! Lúc phải đòn, em muốn cãi, lại cấm cả khóc nữa. Lòng oán giận bố ấy có ảnh hưởng rất tai hại cho sự thụ giáo của em về sau.

Ngày hôm sau, chị em mặc áo đẹp cho em đến nhà hộ sinh mà chị gọi là “nhà thương”. Khi bước chân vào, những cô khán hộ chạy đi chạy lại tấp nập. Thỉnh thoảng em lại thấy me em ở phòng bên cạnh kêu lên inh ỏi, rên lên ầm ĩ, như đau khổ lắm, như bị đánh đập vậy. Rồi một cô khán hộ bưng qua mặt em một cái chậu trong đó có một cái khăn bông máu me đầm đìa. Người ta vui mừng nói với chị em là me em sinh con giai. Không biết vui, em chỉ khiếp sợ và ghê tởm. Em nguyện không bao giờ dám xin mẹ em một đứa bé nào nữa, nếu mẹ cứ phải kêu rên như thế. Ngay buổi tối hôm ấy em trông thấy đứa bé thì lại được dịp khám phá ra rằng vú già cũng nói dối em. Me em đẻ ra con chứ đâu có đẻ ra trứng như gà! Mà làm sao người nhớn – bất cứ ai – lại hay nói dối thế?

Tức quá, em lại hỏi chị em nữa:

– Chị nhỏ, thế me đẻ đằng nách hay đằng đít?

Ngần ngừ hồi lâu, chị em đáp:

– Me đẻ đằng bụng.

Em sung sướng thấy lời nói ấy mới là có lý.

Một đứa bé như thế: chui qua hậu môn thế nào? Tất nhiên phải ra đằng bụng mới lọt…

– Thế lúc đẻ thì bụng mẹ rách ra, rồi chảy máu ra à.

Chị em gật đầu. Điều ấy lại hình như có lý, vì sau những khi ở cữ, lần nào me em cũng phải nằm nửa tháng ở nhà hộ sinh. Em tưởng trong thời gian ấy, bụng me em lại liền lại, và me em nằm nhà thương cũng như anh cu ly xe bị nạn ô tô là vì thế. Bất giác em thấy càng thêm yêu chị em. Chỉ một người ấy là nói thật với em, ở đời… Em tưởng đã gần biết hết những điều huyền bí của tạo vật. Còn về cơ quan sinh dục thì em tưởng chỉ dùng tiểu tiện mà thôi.

Nhưng chẳng bao lâu em lại thấy một cách chán nản rằng chính chị em cũng nói dối nốt!

Lên chín tuổi… Cuộc đời mở ra một chặng đường mới cho em. Bắt đầu cắp sách đi học, sự tiếp xúc với các xã hội ngây thơ đầy những sự ngu dốt, dại dột, tinh quái, nhảm nhí, đã làm cho em mất cả cái lương thiện chi bản năng đi vì em thấy rằng cuộc đời có toàn những điều bí mật cần phải khám phá cho rõ. Vấn đề nam nữ, vấn đề hôn nhân, sự tiếp tục cho khỏi bị tiêu diệt của loài người, ngần ấy cái xô vào trí não em như nước bể đánh vào hốc đá. Lòng tò mò, sự muốn khám phá cho ra lẽ huyền bí của Tạo vật sự muốn hiểu biết, làm cho em rất để ý đến những chuyện thô tục mà người ta vẫn nói chung quanh em một cách vô tâm. Ngoài số bạn gái em còn có vài đứa bạn giai, vì em học lớp dự bị[35] một trường tư thục, trong đó có cả giai lẫn gái. Em vẫn ngây thơ chơi với những đứa trẻ con giai, vì em chưa phân biệt giai gái khác nhau ở chỗ nào. Đó lại còn là một điều cần vì chúng em phải mượn sách vở của nhau, soạn bài vở với nhau, hoặc rủ nhau đi bắt dế mèn, nhổ hoa cỏ, nhặt búp đa…

Một hôm, cùng cả ba ngồi trên một chiếc ghế trong vườn hoa, hai đứa con giai, bạn em, nói đến cái vấn đề ấy. Một thằng phồng mồm thổi căng cái búp đa ra.

Em ngồi, vờ nhìn ra xa, nhưng vẫn lắng tai nghe chúng nó cãi nhau, bảo nhau là đốt, là ngu.

Em xen vào:

– Mẹ tôi vẫn hôn tôi, sao tôi không có con đi?

– Phải là chồng chị hôn chị, thì mới có con được chứ lị… ?

Thằng bé hơn tuổi tức đỏ mặt, đẩy thằng kia một cái. Em bỗng đỏ mặt… Hình như em thấy thẹn, tuy không hiểu tại sao mà thẹn. Rồi em lại không thẹn nữa, vì em chưa tin. Em không thể nào nhận được rằng cái cơ quan mà đấng Tạo hóa ban cho ta chỉ để tiểu tiện thôi, lại bị người đời đem dùng vào việc quái lạ ấy. Em bèn hỏi:

– Thế à? Sao anh biết?

– Sao lại không biết? Tôi đã trông thấy giữa ban ngày!

Thằng kia bĩu môi:

– Mày chỉ bịa!

– Lại còn bịa nữa! Tao thấy rõ ràng!

Lời nói rành rành ấy khiến em tin đến bẩy phần, chỉ còn nghi có ba. Rồi em thấy nếu thật như thế thì ra loài người xấu lắm. Em không thể nào lại đi kính trọng vô cùng cho đến thầy đẻ em là những người em coi là đứng đắn, là nghiêm nghị, là có oai, mà lại cũng đã đi làm cái việc như thế. Bạn em, tên nó là thằng Ngôn – có lẽ đã nói thật, vì nếu không được mắt thấy, sao nó lại có thể bịa ra như thế được?

Tuy nhiên, em cũng bĩu môi:

– Thôi đi, anh Ngôn cũng chỉ bịa!

Kẻ phản đối nó được thể, vỗ tay chỉ mặt bạn mà reo lên rằng:

– Ê! ê! Bịa… ê ê!.. Rõ đồ ê chộ.

Thằng Ngôn tức vì bị chế thì ít, nhưng tức vì em bĩu môi có lẽ lại nhiều. Nó cau có nhìn em như van lơn, khẩn khoản em nên tin nó. Rồi nó lên giọng trịch thượng bảo thằng kia:

– Tao làm cho mày xem nhé?…

Xin nhắc lại rằng chỗ chúng em ngồi chơi là một vườn hoa rộng mông mênh, lại ở giữa những phố tây, đương lúc một giờ trưa vắng ngắt. Trên đầu chúng em một cây đa um tùm che lấp ánh nắng.

Trước cành lặng lẽ êm đềm ấy, thằng Ngón vừa buông ra câu nói xong thì ngồi sát lại một bên em… thằng kia chừng như cũng chẳng nghe ra cái gì cả; nó vẫn yên lặng ngồi dưới cỏ, ngây thơ ngẩn mặt ra nhìn. Nó không trả lời thằng Ngôn, chỉ trân tráo cặp mắt như người khát khao chăm chỉ chực xem những vai tuồng sắp ra trên sân khấu.

Em không cần thuật lại thằng Ngôn đã làm cái trò gì. Người ta đoán cũng biết được.

Dù thế nào đi nữa, cái trò ấy cũng chẳng qua là trò trẻ con. Vì nó đã làm ra trước mặt đứa trẻ khác đường hoàng, không như người lớn làm mà biết sự mình làm là xấu nên thường phải giấu giếm, không dám cho ai thấy. Chỉ thương hại cho em, bởi cái tính thóc mách muốn biết mà không ai bảo cho mà biết, lại bởi sự bạn bè tinh nghịch dại dột không ai ngăn ngừa, thành ra mới có chín mười tuổi đầu mà tình cờ đã phạm vào tội lỗi đáng thương.

Trong lúc ấy hẳn thầy em đương đánh một giấc trước khi đi làm buổi chiều, còn mẹ em thì ngồi bên cạnh ô trầu, ai nấy ở nhà đều tin rằng em tạt qua nhà đứa bạn nào đó, hoặc chép bài, hoặc hỏi chữ, lo việc học hành, chứ có ai ngờ đến nông nỗi dường kia!

Lúc về nhà, cho đến buổi chiều hôm ấy, ở trong lớp học, em vẫn nhận thấy trong người có một thứ cảm giác hơi là lạ. Chẳng những thế, mà cả trong thân thể em. Em cũng bắt đầu phát kiến ra cái thứ nước mà trước kia, em chưa hề thấy bao giờ. Sự xét nhận ấy dặn bảo em từ nay trở đi, phải để tâm mà xét xem trong thân thể mình có những thứ quỷ quái gì…

Người lớn đã không bảo rõ cho em, cố nhiên em chỉ còn có một cách học lấy – học của tự nhiên, học của Tạo – vật. Như vậy, em đã vào sự đời rồi. Em đã hơi hiểu tại sao trời lại sinh ra con trai và con gái, tại sao phải có vợ chồng… Em đã bắt đầu hiểu rõ nghĩa những lời chửi thô tục, và rất ngạc nhiên, rất hổ thẹn cho cả loài người về sự người lớn dùng tên cái việc giao cấu để chửi.

Nói tóm lại thì, than ôi cái điều đáng lẽ người lớn, thầy me em, cô giáo em, phải giảng dạy cặn kẽ cho em để được công dung và sự lợi hại của nó là thế nào, thì họ đã lặng thinh, đã đánh mắng em, và để cho một đứa trẻ là thằng Ngôn dạy bảo em, như thế! Từ ấy, em tự nguyện không hỏi người lớn nữa, vì bạn em cũng đủ “giảng bài” cho em. Đó là sự nguy hiểm mặc lòng, lúc bấy giờ, em có biết đâu là nguy hiểm!

Đêm hôm ấy, em phải qua một cơn khủng hoảng lớn về tinh thần. Cái linh hồn yếu của một cô gái mới có chín tuổi, đã nao núng trước sự kích thích của tính tò mò và những ý nghĩ đáng ghê tởm… Em trằn trọc không ngủ được, cứ tự mình lại hỏi mãi mình: “Cái việc làm chỉ có thế mà thôi hay sao?” Rồi em đâm ngờ, ngờ rằng tuy vậy, thằng Ngôn nó cũng chưa biết rõ được, vì nó chỉ lớn hơn em có một tuổi.

Rồi em thấy hổ thẹn, thấy lo sợ, sợ ngộ thầy mẹ em mà biết chắc em đến nát xương vì phải đòn. Hay là chừa đi? Ừ! Nhưng mà chừa được thì cũng khó khăn lắm thay… ! Bao nhiêu ý nghĩ giày vò mãi cái trí xét đoán non nớt của em, rồi em ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Từ hôm sau mà đi. em đã biết thẹn. Em không dám chơi với con giai nhiều như trước nữa, và cũng không dám mó máy đến phần hạ bộ của đứa em giai bé cuối của em, cái vật mà me em quý lắm, vẫn mó máy đến luôn, và có khi lại gọi đến xem nữa kia… Nhưng khi me em giơ cái vật ấy của đứa em giai bé mà bảo em: “Ghét, ghét cái con bòi ông đây này!” thì em cắm cổ chạy mất. Me em khen mãi em: “con gái tôi đã lớn, đã biết, đã ngoan lắm rồi!” Mỗi khi được khen, em thấy mình xứng đáng, cũng sung sướng lắm.

Ba hôm sau, em mới tìm Ngôn mà em cũng không biết tại sao em tìm nó. Nó ốm. Bà Tham là mẹ nó cứ hỏi mãi em: “Này chị Huyền, hôm nó đi chơi vườn hoa với chị, thằng Ngôn có đái vào cây đa cây đề nào không?” Em nghe thì sợ lắm: nhưng chưa phải đáp thì bà đã nói đến chuyện cúng lễ với những người lớn khác. Rồi bà thêm: “Mấy hôm nay nó sốt mê, sốt mệt”.

Không gặp bạn, em ngán ngẩm ra về. Trong mấy hôm, em phải đi học một mình, buồn quá.

Từ đó, em cứ hay để ý tóc em em đã đài được bao nhiêu, ao ước ngày được vấn khăn, luôn luôn giữ mặt mũi chân tay cho sạch sẽ, bắt đầu biết trang điểm, dù chưa dám lấy phấn đánh tự do. Thầy em khen: “Nó đã có vẻ người lớn!”

Sau khi thằng Ngôn ốm dậy, nó vẫn hàng ngày đi học với em. Hễ có dịp, nhất là khi đi từ trường về nhà, là chúng em lại chuyện trò rầm rì với nhau. Chuyện gì? Chẳng có gì khác hơn vấn đề nam nữ.

Có một lần nó tả lại rất tỷ mỉ sự thầy me nó ngủ với nhau mà nó xem thấy. Nó nằm giường bên cạnh có màn che, nó thức mà cha mẹ không hay, lại còn bật đèn lên sáng quắc!

Viết đến đây em xin mở một dấu ngoặc để yêu cầu những bậc ưu thời mẫn thế chớ nghĩ đến quốc gia xã hội vội, hãy để thì giờ thảo luận về sự cẩu thả của kẻ làm cha mẹ, và cách sắp đặt nơi ăn chỗ nằm hỗn tạp và nguy hiểm, của mỗi một gia đình Việt Nam ta.

Em cho rằng với vấn đề nam nữ, hay nói trắng ra là đối với việc giao cấu, trẻ con vì ngu muội mà phạm tội đã đành, chứ chính người lớn cũng chẳng khôn gì hơn. Việc ấy, người lớn bảo là dơ bẩn mà không nói đến; không nói đến mà cứ lầm lầm lụi lụi hoài! Làm mà dại dột làm ra trước mặt trẻ con, cái giống có tính hay bắt chước, bảo sao chúng chẳng tẩn mẩn cho được? Một sự giấu đi mà có hại như thế, thì chi bằng đem nói toang ra để dạy bảo nhau, ngăn cấm nhau?

Ít lâu sau đó, một bữa thầy em nghiêm trang gọi em ra trước mặt me em, mà quát rằng:

– Từ rày tao cấm mày chơi với thằng Ngôn nữa đấy!

Sợ quá, sợ quá đi mất. Em đứng lặng người ta. Em tưởng thầy em rõ cái tội của chúng em rồi. Và nếu thầy em biết rõ tội trạng em ra thì không cứ phải đánh, em cũng có thể chết đi vì hổ thẹn được! Nhưng than ôi! Em vốn là người rất thông minh! Ngây thơ em hỏi vặn lại:

– Thưa thầy, sao thế ạ? Nó tốt với con lắm cơ mà!

Thầy em trợn mắt, đập bàn:

– Tao đã cấm thì mày cứ biết là không được chơi với nó nữa! Tao cấm hỏi. Con nhà vô phúc muốn giở lý sự à? Đi đi!

Em cúi đầu lẳng lặng bước sang phòng bên cạnh. Nghe thấy me em hỏi:

– Sao? Thằng Ngôn làm sao?

Có tiếng thở dài của thầy em. Hình như khi đó thầy em ngồi ghế, vừa lắc đầu vừa nói:

– Chết, chết, trẻ con bây giờ hỏng quá đi mất.

– Làm sao?

Thầy em buông giọng nhỏ xuống:

– Tôi vừa lại chơi đằng ông tham về… ông ta phàn nàn thằng Ngôn đổ đốn, thật nhà vô phúc… ! Rồi ông kể một việc nó vừa làm mà ông bắt được cho tôi nghe. Đại khái một việc thủ dâm nghịch ngợm, không thể thuật lại được.

– Chết chửa!

Ông ấy đánh ghê quá, không có tôi xin hộ thì chết thằng bé.

– Ghê chưa! Chết nỗi! Mặt mũi thằng bé như con Giời, con Phật, ai ngờ hư sớm thế!

– Ấy là nó mới lên mười. Trẻ con bây giờ đến thế đấy. Nghĩ mà rợn tóc gáy! Ông cha ta ngày xưa có thế đâu!

– Phải, xưa kia, mười tuổi còn cởi truồng đi chơi.

– Bây giờ!.. Ranh con mới nứt mắt đã thế rồi! Chém cha cả văn minh lẫn tiến bộ! Từ rày là cấm cửa nó đấy! Nó mà chơi mãi với con Huyền là khốn đấy!

– Thôi, ai còn dám cho đồ yêu quái ấy đến nhà nữa!

Cho thế là nghe đủ rồi, em rón rén ra sân. Mối cảm tưởng thứ nhất của em lúc bấy giờ là oán ghét bố mẹ. Bất quá bố mẹ em thì cũng đến “hư” như chúng em chứ gì! Sao cái việc người lớn vẫn làm, đối với chúng em là tội lỗi? Nghĩ thế, em lại nghĩ đến thầy me của thằng Ngôn… Em không thể kính trọng thầy me em được nữa. Em thấy hết thảy người lớn bất quá họ cũng dơ bẩn như thằng Ngôn… Rồi em lại không thấy việc ấy là dơ bẩn vì em không muốn cái việc em đã phạm vào với thằng Ngôn lại là việc dơ bẩn. Sau cùng thì em đâm lo. Ngày nào em cũng sợ, nếu Ngôn bị đòn quá, nó mà thú thật cái việc đã làm với em, thì chắc em phải tự tử mất!

May sao nửa tháng sau, ông tham phải đổi đi Hải Phòng. Từ đấy em không bao giờ còn gặp Ngôn.

Việc Ngôn phải đòn làm cho em không bao giờ dám nghĩ đến trò “chơi vợ chồng” với đứa con giai nào khác nữa. Em mừng thầm, đã thoát một cơn bão táp, và từ đấy, cố nén dục tình trước tuổi dậy thì di. Em lớn lên thì em phải biết khôn chứ.

Dần dần, những bổn phận nhà trường, những việc vặt phải làm trong nhà, sự luôn luôn tiếp đãi bạn hữu, làm cho em được nên người ngoan ngoãn nết na… Thế là từ năm ấy cho đến năm mười ba tuổi, em không còn học ôn lại cái bài học của thằng Ngôn nữa. Mỗi khi nhớ đến chuyện cũ, em lại run sợ, tự mình phải hổ thẹn mà kết án lấy mình.

Nhưng từ năm mười ba trở đi, em lại phải bắt đầu chiến đấu mỗi ngày một gắt gao với dục tình,.. Sự phát triển âm thầm và đầy đủ của những cơ quan tỉ mỉ trong bộ phận sinh thực làm cho xác thịt của em rạo rực lên, nhiều khi tưởng mình không còn tự chủ lấy mình được nữa. Lạ nhất cho em là sự thấy kinh nguyệt lần đầu tiên. Nhân dịp ấy, em thử hỏi me em về vấn đề nam nữ thì me em đáp: “Bao giờ lấy chồng con sẽ biết rõ”. Ấy, cả sự giáo hóa về vấn đề ấy, gia đình em huấn luyện cho em từ trước đến sau chỉ có một câu ấy mà thôi!

Một người con gái đến tuổi xuân tình phát động có bao nhiêu chỗ khổ tâm mà không có thể đem ra nói được với ai! Dẫu với mẹ, cũng không sao hở môi được. Thật là thống khổ! Thật là khủng hoảng! Mà nghĩ cho kỹ, nào có phải tại mình đâu! Chẳng qua Trời sinh ra thế. Nghĩa là Tạo hóa đã ban cho ta một cái cơ thể rất rầy rà, đến lúc cái cơ thể ấy tự nhiên phát đạt ra, nó đem cho ta những sự khoái lạc, hy vọng đã đành, mà đồng thời nó cũng gây cho ta những thống khổ, khủng hoảng ấy nữa. Bấy giờ em mới biết ra rằng muốn chống lại với nó, chỉ duy có một thứ giáo dục cho thật tốt. Mà cái thứ giáo dục ấy, ở nước Việt Nam này, biết đến ngày nào mới có để tạo hạnh phúc cho thanh niên!

Cái tâm trạng em trong mấy năm ấy thật là cái tâm trạng hết sức xấu. Bất cứ lúc nào, hễ tay không phải làm, hễ óc được nhàn rỗi, là phải nghĩ đến dục tình, dở là lại có những ý dâm. Bề trong và ban đêm thì như thế; nhưng ban ngày, lúc đi học, em ăn vận rõ nghiêm trang, đi đứng rõ chững chạc không nhìn ngang liếc dọc, cố giữ vẻ mặt thùy mị và ngây thơ. Bởi vậy, bọn học trò con giai thường thường đuổi theo em, gọi em là Tây Thi, là Nàng Thơ, và bằng nhiều danh từ tốt dẹp khác nữa.

Trong hai năm mười năm mười sáu tuổi, sự khủng hoảng về tinh thần thật là kịch liệt, thật là khốc hại, thật là thảm thê. Tuy cái lý trí của em cứ theo mỗi tuổi mà một mở mang, tuy cái lương thiện chí bản năng của em mỗi ngày cũng được sách luân lý, những tư tưởng cao xa tốt đẹp, sự băn khoăn về những bổn phận phải gánh vác, nó rèn đúc, trau giồi, vậy mà, than ôi, lẽ huyền vi của tạo vật vẫn giữ được phẩm đắc thắng! Tuổi xuân đến với em một cách dữ dội lạ thường, cái xác thịt của em như không còn chịu nổi những sự khuyên bảo của linh hồn nữa. Thế rồi thì… những dâm ý, những sự rạo rực của xác thịt dần dần cứ đánh cho tan nát mất cả sự hổ thẹn đáng quý báu của em – cái sự hổ thẹn không có không được của người đàn bà. Phần đức hạnh của em đã nặng nề khó gánh vác rồi, mà lại còn bị Tạo vật đem buộc vào một sợi tóc. Mỗi khi em thấy người đời đã đem những chữ không được thanh nhã mà mệnh danh cho cái trạng thái của tuổi dậy thì, cái tuổi có những sự khủng hoảng không ai tránh được của Tạo hóa, thì em lại âm thầm hổ thẹn, tự thấy đáng ghê tởm cho cả em. Cũng nhiều khi sự tự nhiên hổ thẹn cho mình biến đổi ra lòng công phẫn. Lại cũng đôi khi em thấy hình như lòng công phẫn ấy là chính đáng nữa, mà em cũng không hiểu rõ tại đâu. Dễ thường đó là sự kiêu căng vô ý thức, đó là lòng tự ái bị thương đó là những lẽ phải của những người muốn sa ngã, muốn hư hỏng. Muốn nói cho dễ hiểu, em tưởng phải dùng đến cái luận điệu của người theo đạo Thiên Chúa, nghĩa là em bị ma quỷ cám dỗ; nhưng than ôi, em muốn quay lại tìm khắp bốn phương để kêu khóc, để gọi sự khuyến thiện, sự an ủi, cũng không thấy đâu có bóng dáng một vị Thiên Thần! Thầy me em, cô giáo của em, để em phải độc thân, độc lực xông pha một quãng đường đầy rẫy những hầm hố chông gai. Em bị bỏ chơ vơ giữa một chỗ dốc chật hẹp đầy những rêu trơn, bùn mỡ, mà hai bên là những hang sâu, vực thẳm. Trong khi xã hội hiểu biết là cái xã hội người lớn lánh xa em, thì cái xã hội trẻ con ngu muội quyến rũ em! Ấy là số đông chị em bạn gái học cùng lớp, bọn trẻ con, bọn tôi tớ trong nhà… cái xã hội, mỗi khi đả động đến vấn đề nam nữ giao hợp, đã vô tâm khiêu dâm, hơn là giảng dạy khoa học và ái tình giáo dục.

Do thế, em biết rằng hầu hết những thiếu niên nam nữ tuổi từ chín mười đến mười lăm mười sáu đều bị cùng một sức ám ảnh khốc hại, đều cùng bị sự rạo rực của xác thịt nó hành hạ cho khốn khổ, đều cùng bị giam hãm trong vòng tối mù mịt, đều cùng bị cái mẫu tính, cái tuổi dậy thì, những cảnh vật xung quanh nó thúc giục đến sự tò mò… mà càng tò mò thì càng bị ngăn trở, mà càng bị ngăn trở thì lại càng sinh ra tò mò, và do thế, đã học được những điều sai lầm tai hại nó làm mất hết cả cái nghĩa lý cao thượng, chính đáng của ái tình đi mà thôi. Thật là một đàn ngựa cuồng khấu chạy đi tìm khoa học, nhưng biết chửa đến chốn, hiểu chửa đến nơi, đã vướng nhau, vấp nhau, sau ngã, la liệt, tan tành…

Người lớn không bao giờ giảng dạy những điều mà trẻ tuổi dậy thì phải biết. Người ta bao phủ chung quanh vấn đề nam nữ giao hợp và cái cơ thể học về sinh thực khí bằng một sự im lặng đáng gọi là thiêng liêng! Ở nhà trường những bảng vẽ các cơ thể của loài người đã cắt nghĩa tỷ mỷ về con mắt. khối óc, quả tim, cái xương, cái vai, cái ruột non, cái dạ dầy, nhưng tịch không đả động gì đến bộ phận sinh dục là những cơ quan cần thiết nhất, nó làm cho loài người không bị tiêu diệt, nó cấu tạo ra những vị anh hùng, liệt nữ của nhân loại, nó chủ trương, chi phối, an bài tất cả mọi việc ở thế gian.

Do cái đạo đức giả dối, do cái tính cả thẹn vô nghĩa lý của người đời, bọn trẻ con (trong đó có em) đã phải tìm cách học lấy. Một cái bụng chửa, một cái nhà hộ sinh, một đám cưới, một cặp vợ chồng dạo chơi ngoài đường, những cái ấy sai khiến trẻ con phải lôi nhau ra xa người lớn để bàn luận một cách ngây thơ đến vấn đề nam nữ giao hợp, vấn đề hôn sự ái tình, vân vân.

Chính em, đã bắt gặp những đứa trẻ vào hạng mười hai tuổi trở lại ngây ngô luận về ái tình, khám xét cơ quan sinh dục của nhau, nghịch ngợm của nhau, bắt chước người lớn… Có những đứa con giai chưa mười ba tuổi mà để hết ngày giờ vào việc tọc mạch ấy, mặt thì xanh xao tái mặt vì thủ dâm.

Tấn đại bi kịch của ái tình! Một cái xã hội vô tội đáng thương mà phạm phải những tội xấu xa, vì cái nền giáo dục sai lầm của cái xã hội người lớn!

Cơn khủng hoảng trong thâm tâm của em làm cho em thay đổi tính nết. Chừng như sợ thiên hạ đọc rõ được những tư tưởng nhơ bẩn của mình, em phải phủ lên cả cử chỉ lẫn ngôn ngữ một nước sơn ngây thơ. Em bắt đầu hay trang điểm, mất cái tính tự nhiên, hay e lệ. Bên trong, xác thịt đã nẩy nở đến chỗ thập toàn, mà bên ngoài thì các bộ phận đều nở nang, đẫy đà, trổ mã. Kinh nguyệt làm cho em hay ốm vặt để rồi, sau những trận ốm, phải mơ tưởng đến đàn ông.

Dù không muốn cũng chẳng được, em vẫn bị cái tiếng gọi của xác thịt nó giày vò, nó kích thích.

Ngân, một bạn nữ học, một lần đả động đến cái khổ chung của chúng em. Nó là một gái đứng đắn thông minh nhất lớp nên được em yêu quý rất mực. Nó khuyên hay em nghe theo đã đành, nó bảo dở em cũng cúi đầu vâng theo. Nó với em, cuộc đời của hai bên đối với nhau không còn gì là bí mật. Trong một cuộc phê bình một cô gái cùng phố chửa hoang, chúng em nói đến ái tình. Chúng em thú tội với nhau…

– Chị Huyền ạ, em mách chị điều này thì chị đừng cười nhé! Sinh ra làm người, giữ được khỏi hư cũng khó lắm, nhất là lại vào cảnh ngộ chúng ta… Nhưng mà người ta khôn ngoan một chút thì người ta không bị hại. Thí dụ như… ta có thể hư với một mình ta thôi. Chị với em, chúng ta nguyện không bao giờ có nhân tình đi! Rồi chúng ta cũng sẽ lấy chồng như những người đứng đắn khác. Nhưng trong khi chờ đợi, ta có thể bắt nhân tình với ta. Chị hiểu ra chưa? Đó là một việc kín đáo, mà ta không phải suốt đời ân hận, chẳng ma nào biết được.

Rồi thì nó ngạo mạn giơ bàn tay nó ra và thêm:

– Người nhân tình yêu quý nhất đời của ta trung thành suốt đời với ta, lại không để ta phạm phải mắc tiếng hư hỏng, chỉ là cái bàn tay này!

Buổi chiều hôm ấy, em đã được bạn vỡ lòng một nghề nghiệp hay! Bạn lại dặn cẩn thận là đừng có mạnh bạo quá tay đến nỗi làm rách mất xử nữ mạc.

Em cứ đem mãi cái phương pháp ấy ra đối phó với sự thúc giục của xác thịt, nếu em không thấy dần dần tai em hay ù, mắt em hay lóa, đầu em hay nhức, lưng em hay mỏi, mặt mũi em mỗi ngày một xanh.

Một lần em thú tội với người chị em bạn khác. Chị Văn này thì quả thật là người trong sạch, trinh chính. Chị Văn đem bao nhiêu nghĩa lý rõ ràng bảo cho em hiểu cái ác quả của sự thủ dâm, những là nếu em cứ dùng mãi cái chước khốn nạn ấy thì rồi em sẽ mất hết sức lực, mất hết ý chí, mất hết nhân phẩm, mà rồi thiên hạ sẽ đoán được cái tật ấy ở ngay mặt em, và nếu thế em sẽ bị thiên hạ khinh bỉ vô cùng. Rồi chị lại giảng dạy cho em biết rằng vấn đề nam nữ giao hợp phải tựa căn bản vào hôn nhân, tối linh thiêng, chớ không nên coi là điều nhơ bẩn. trừ khi nó không phải của một cặp vợ chồng thì không kể. Chị giảng giải thế nào là dâm tà, thế nào là dâm chính, và dặn em chớ bao giờ nên để ý đến những lời tán tỉnh đường mật của bọn công tử bột, chúng chỉ muốn dắt mình vào con đường bất chính để chúng được thỏa cái nhục dục mà thôi. Sau cùng, chị Văn trao cho em một cuốn sách vào loại nam nữ tu trí, và bảo em đọc kín.

Thế là người bạn gái thông minh hiếm có ấy đã cứu vớt nổi em. Cuốn sách em nhận được có nói bằng văn và hình vẽ về sinh thực khí của cả đàn ông lẫn đàn bà. Em đã đi đến khoa học. Sự hiểu biết đã làm cho em không còn phải tò mò một cách tai hại như xưa. Em đã bắt đầu trở lại là người khôn ngoan, biết nghĩ. Những tư tưởng tốt đẹp, chính dính lại quay lại với em để chiếm lại chỗ của những ý nghĩ dâm tà.

*

*     *

ÁI TÌNH VỚI SINH THỰC KHÍ

“Muốn cho nhân loại khỏi tiêu diệt, đấng Tạo hóa phải sinh ra nam và nữ. Đã có nam nữ tất phải có giao hợp. Người ta gọi việc ấy là ái tình. Vậy nguồn gốc ái tình ở đâu mà ra?

“Ấy là ở sinh thực khí, nghĩa là ở cơ quan sinh dục vậy.

“Sự đói ăn khát uống là ở bộ máy tiêu hóa thì ái tình là ở sinh thực khí. Tư tưởng ăn uống là ở bộ máy tiêu hóa sinh ra. Người có bộ máy tiêu hóa suy yếu không thiết ăn uống; người có bộ máy tiêu hóa hư hỏng ăn uống xong lại nôn mửa hết. Ái tình với sinh thực khí cũng vậy. Người nào mà cơ quan sinh dục lành mạnh thì ái tình đằm thắm nồng nàn: trái lại người ta sẽ lạt lẽo.

“Có người nói: ái tình chỉ cốt ở tâm trí, không cốt ở giao cấu.

“Lại có kẻ nói: ái tình chân chính không màng tưởng đến sự giao hợp.

“Nói vậy đều không đúng cả. Sự giao cấu chính là mục đích cuối cùng của ái tình. Cho nên hễ giai gái đã có ái tình với nhau là tự nhiên nghĩ luôn đến giao cấu, và khi đã không nghĩ đến giao cấu nữa thì đối với nhau sẽ mất hết ái tình. Bởi vậy, có giao cấu, ái tình mới nồng nàn, bằng không ái tình sẽ phai lạt.

“Xem ngay những trai gái thuộc hàng ái nam ái nữ thì dù có nhan sắc, tài đức bậc nào đi nữa, cũng không bao giờ được hưởng lòng yêu của một người nào trong trần gian. Điều đó càng chứng thực rằng cơ quan sinh dục với ái tình, hai cái không có nhau không được.

“Coi vậy, sinh thực khí của nam nữ là những vật rất báu, cần phải giữ gìn lắm mới được. Nếu hủy hoại vật quý báu ấy đi để thỏa cái rạo rực của xác thịt chốc lát, sẽ có hại cho nòi giống, cho ái tình”.

NHỮNG SỰ HẠI VỀ THỦ DÂM VÀ Ý DÂM

“Thủ dâm là phát triển dục tình một cách bất chính, một cách trái lẽ tạo hóa, có hại rất lớn. Trai gái chưa vợ chưa chồng, những đêm khuya thanh vắng thường hay mơ tưởng tình duyên. Những lúc ấy lửa dục bốc lên ngùn ngụt, trằn trọc khổ sở, không làm sao được, phải dùng đến bàn tay cọ sát sinh thực khí, cần cho tinh khí xuất ra, để được khoái lạc tựa như giao hợp.

“Kẻ làm thế tưởng như giao hợp, chứ có biết đâu rằng nam nữ giao hợp thì có âm có dương điều hòa cho khí huyết lưu thông, không hại vệ sinh; còn thủ dâm, thì chỉ có một khí âm hoặc một khí dương, thì sao có thể khai thông huyết mạnh được?

“Bởi lẽ ấy, thủ dâm có hại vô cùng.

“Đàn ông thì sẽ làm mất sinh thực khí, dương vật sẽ bé lại, lệch đi, cao hoàn sẽ to nhỏ không đều, rồi sẽ liệt dương, sẽ mắc những bệnh di tinh, hoạt tinh, rồi sẽ mất hết sức khỏe, có khi đến mất trí khôn, hóa diên, hóa dại, hoặc là tuyệt đường con cái.

“Đàn bà cũng vậy, ngoài sự hỏng mất sinh thực khí, lại còn mắc chứng xích đái, bạch đái, hại đường sinh dục, mặt mày kém vẻ xuân, như cái hoa chưa nở đã tàn!

“Thế nào là ý dâm?

“Nghĩa là nghĩ đến sự dâm. Trai thấy gái đẹp hay đem lòng yêu mến, say mê, nếu lại có dịp tường đông ghé mắt ngày ngày hàng trông mà mặt tơ tưởng mặt lòng ngao ngán lòng thì lúc nào cũng như sẵn thấy người yêu trong trí.

“Về phần bạn gái cũng vậy. Những lúc thư nhàn, ai lại không tơ tưởng đến tình duyên, băn khoăn về ý trung nhân, về người nay mai cùng mình xe tơ kết tóc. Đó là sự tự nhiên lắm rồi, huống chi thấy trai tài thì lòng xuân ai mà cầm cho đặng; bởi vậy mà thành ý dâm.

“Đó là những trạng thái rất thường cho thiếu niên, nam nữ.

“Cũng bởi vậy, thiếu niên hay mộng mị thấy được cùng nhau giao hợp y như vợ chồng. Thế là có ý nghĩ đâm dục mà thành mộng vậy. Sự ấy cũng tai hại không kém gì thủ dâm. Con trai sẽ bị bệnh ở sinh thực khí, nếu không chữa được, có khi tuyệt đường sinh dục. Con gái có khi kết thành quái thai.

“Muốn tránh ý dâm, trai gái nên đọc những truyện anh hùng liệt nữ để chăm nuôi đức hạnh để có một ý tưởng cao xa trong óc, để hiểu biết mà gánh vác, ra công việc mà lo lắng, để không còn thì giờ nào rỗi rảnh mà có được ý dâm. Trong thời kỳ phát động xuân tình, cái câu “nhàn cư vi bất thiện” nghiệm càng thấy đúng. Vậy nên rèn luyện tinh thần đừng có những tư tưởng đáng bỉ”.

Những trang sách đại để như vậy có một sức mạnh mầu nhiệm cảm hóa được em một cách sâu xa.

Sự đọc cuốn sách luân lý ái tình đã đem đến cho khối óc non nớt của em biết bao nhiêu chân lý. Sự đời như vậy đã bị phô ra trần truồng. Em không còn có những quan niệm sai lạc về ái tình, về hôn sự. Em không còn trông đời bằng con mắt mơ mộng, ngây thơ. Huyền đã hiểu biết cả rồi. Huyền đã gần được như người lớn, đủ tư cách một mình xông pha, chống chọi. Sở dĩ em có những ý nghĩ tự cao, tự đại ấy cũng vì em đã nhận ra rằng loài người chẳng thanh cũng chẳng tục: sự giao hợp đã là điều ai cũng coi nhơ bẩn mà ai cũng phải thực hành, thì em chỉ nên coi nó cũng là sự hợp với tự nhiên. Ái tình cao thượng, yêu trong lý tưởng, yêu bằng tinh thần… bao nhiêu câu vẫn giả dối như thế mà bọn thiếu niên vẫn viết trong thư gửi đến nhà em đã mất hết cái pháp thuật làm cho em phải hồi hộp cảm động và quả tim em phải đập mạnh, nhất là sau khi em như chôn vào ruột một chân lý nói trong sách: giao hợp là mục đích cuối cùng của ái tình.

Không, Huyền sẽ không khờ dại đến nỗi để cho đời lừa đối được. Huyền sẽ không bao giờ có nhân tình như số đông bạn gái mà sẽ lấy chồng theo lối cổ mà thôi. Những thanh niên cố nặn ra những dáng điệu lễ độ và phong tình, và đứng đắn, và chung tình, và trong sạch, và thanh cao, vẫn gửi đến nhà Huyền những bức thư tha thiết, và nồng nàn, và văn chương, không bao giờ làm cho Huyền quên được cái chân lý rất thông thường này: ấy họ muốn ngủ với mình đó! Vì đâm ra hoài nghi, cho ai cũng là giả dối, Huyền này dám tự phụ là đã cố ý bóp bẹp mất bao nhiêu trái tim.

Ngẫu nhiên em đã đủ tư cách để coi những phút có những ý dâm là đáng hổ thẹn, cái linh hồn của em lại trở nên mạnh mẽ, đủ sức kiềm chế sự rung động của xác thịt cho thoát khỏi sự lung lạc của mọi cảnh vật xấu xa đầy rẫy quanh mình.

Em lại thấy em trong sạch, dẫu rằng không ngây thơ. Mặc dù tâm thần em đã chịu sức kích thích của bao nhiêu cơn giông tố ô trọc, phũ phàng, em vẫn coi như chưa bị vết tì ố nào cả. Em thấy một tư tưởng ngộ nghĩnh nẩy ra trong óc: nếu bọn thi sĩ bắt một người đàn bà trong sạch phải không bao giờ được có những phút mà những ý dâm, những cơn mộng mị gây ra bởi sự rạo rực về xác thịt, của tuổi xuân nó giày vò cho điêu đứng, ê chề, phải, nếu một người đàn bà trong sạch phải là người đàn bà không bị cái lẽ huyền vi của Tạo vật nhưng mà tránh khỏi cái công lệ ấy, thì không bao giờ bọn thi sĩ tìm được một người đàn bà trong sạch ở khắp thế gian! Em trong sạch? Bởi em hãy còn trinh, bởi em chưa có nhân tình, chỉ bởi có thế, và cầu được chỉ có thể ở một người đàn bà, thì cũng đã là cầu được nhiều lắm!

Khi em được yên tâm về em rồi thì cuộc đời lại hiện ra tốt đẹp, đáng sống, đầy những ngày vui… Em đã phác họa được một cái chương trình: Lấy người chồng xứng đáng, chỉ biết một người cả trong cuộc đời, phải theo đúng câu tòng nhất nhi chung[36] và trở nên vợ hiền, dâu thảo. Gia đình hạnh phúc, bốn chữ ấy nói rõ với em biết bao sự khoái lạc êm đềm.

Thế là, được trong một năm tròn, em chỉ ham vui đèn sách, học tập nữ công. Những phút sa ngã đáng hãi hùng, dù em có muốn lại cảm thấy, cũng không thể có được nữa.

Riêng em, em đã tự chủ, lại thêm có được cái dư luận rất nghiêm đối với hạng người hư hỏng. Giữa hồi ấy, xẩy ra một điều khốn kiếp tại một nữ học đường nọ: một bà đầm giám thị ký túc xá bắt được quả tang hai cô học sinh thủ dâm lẫn nhau bằng một thứ khí cụ bằng cao su… Việc ấy làm sôi nổi dư luận cả nước! Trong một thời gian khá dài, hễ nói đến phong trào gái mới, bình đẳng, nữ quyền, thiên hạ lại giở giói đến sự hành động của hai nữ học sinh kia. Những bậc thượng lưu trí thức ngồi quây quần một bàn tiệc, những anh phu xe kéo những cái xe không khách ngoài đường, bọn tôi đòi xúm nhau ở các máy nước, thôi thì từ cao đến thấp, từ nhỏ đến lớn, ở khắp các bậc thang của xã hội, người nào thiếu chuyện cũng lấy việc ấy ra làm đầu đề. Cả một xã hội đều cùng một thứ lưỡi, đều cùng một lòng công phẫn để thóa mạ sự thủ dâm kia. Lần đầu nghe thấy những lời bình phẩm ác nghiệt về việc ấy, em thấy xiết bao nỗi hãi hùng tựa hồ như chính em đương bị kết án vậy. Em run sợ nhớ lại những lúc phạm phải lỗi, rồi mừng thầm đã được cái may mắn tránh thoát búa rìu của dư luận mà vẫn giữ được thanh danh. Từ đó, em thấu hiểu sự đáng sợ của dư luận là rất cần cho nhân tâm, thế đạo. Cái sự đê nhục của người khác cũng là một thứ gương tày liếp cho em. Không là chim chết hụt vì cung tên, em cũng ngẫu nhiên ở vào cái trường hợp kính cung chi điểu… [37]

Nào có thế mà đã hết! Xã hội vẫn lắm trò. Lịch sử chỉ là những tấn tuồng luân hồi, diễn đi, diễn lại. Tháng trước, một cô khuê các bị nhân tình lột truồng trong nhà săm. Tuần lễ vừa qua, một bà tham bị có kẻ đến chửi rủa vì tội đi quyến rũ chồng người. Hôm nọ một tiểu thư chửa hoang với thằng xe. Hôm nay, hai vị mô phạm trong giáo giới bị can tội thông gian[38]. Ngày mai… ngày kia, đời sẽ có những chuyện gì? Em cười thầm những người đáng thương hại ấy có lẽ họ đã thống mạ sự xấu của bao kẻ khác mà rồi lại cũng xấu như bọn kia, để rồi bị chửi rủa cũng thế. Em không hiểu nổi sự đời nữa, cứ hùa theo dư luận mà chê bai…

Sau khi đỗ được bằng sơ học, cho rằng con gái học thế cũng đủ rồi, thầy em bắt em thôi học. Em khôn lớn, đối với ai cũng cũng đã có một chút giá trị rồi. Cả một xã hội nức nở khen em đẹp, kính phục em ngoan. Công, dung, ngôn, hạnh, đủ đường, em bắt đầu rụt rè bước vào cuộc xã giao, bắt đầu giao thiệp với bọn phụ nữ có địa vị, có danh giá, vợ ông này, con ông khác, những người coi tiền như rác, hoặc đánh phấn một cái mặt cũng mất hết nửa ngày. Vương tôn, công tử ồ ạt kéo đến làm bạn với anh ruột của em. Những bà mối rầm rộ tin đi mối lại… Thầy em vênh váo với đời. Mẹ em cũng hóa ra kiêu ngạo, và sự đó làm em sung sướng lắm. Em mới mười sáu tuổi!

Em đương hưởng lạc thú gia đình với sự kiêu ngạo ở cái tên Nàng Thơ mà một bọn si tình ngầm dặt cho em, thì cuộc đời đổi mới của xã hội này đem cái ảnh hưởng xấu đến khuấy rối mất cái phần đức hạnh của em. Xã hội lại đáng sợ hơn cả cái tuổi dậy thì. Hồi ấy, một trận cuồng phong dữ dội thổi đến xã hội ta. Cái phong trào vật chất đến với ta bằng những danh từ điêu trá: tiến bộ, duy tân, tân sinh hoạt… nó có một sức mầu nhiệm là lường gạt nổi hầu hết mọi người. Bao nhiêu lề thói, bao nhiêu nề nếp đã bị lôi cuốn đi theo trận cuồng phong. Một trật tự của xã hội thuần túy trọng tinh thần đã bị vật chất đảo lộn ngược cả. Một bọn làm báo và văn sĩ vô lương tâm. trong khi nhốt vợ, con, chị, em của chúng vào buồng kín, rộng miệng cả tiếng cổ động cho vợ con người khác xông xáo ra xã hội sống cuộc đời mới, với chợ phiên, khiêu vũ với những mốt y phục luôn luôn thay đổi mà ngày càng phô bày mãi những bộ phận đáng giấu kín của người đàn bà. Những tờ báo mà không hiếu tân, mà không nịnh đầm, thì theo nhau mà chết. Cái tư tưởng quốc gia, cái tư tưởng xã hội bị xếp cả vào một xó. Những ai không nhắm mắt chạy theo vật chất đều bị coi là gàn, là hủ, là đáng tự tử. Báo giới đầy rẫy những mục bàn luận cách tìm khoái lạc cho xác thịt. Thanh niên không còn lý tưởng nào mà thờ, nếu không công nhận cái lý tưởng vật chất. Văn chương và mỹ thuật đã bị đem ra lợi dụng, chỉ cốt để tán dương cuộc phụng sự Dâm thần.

Những tiệm khiêu vũ phá tan hạnh phúc của gia đình, làm cho đàn bà hóa ra đĩ, làm cho đàn ông mọc sừng, hoặc chê vợ, làm cho bọn chủ săm đắc thế kiếm lợi, bọn “vua thuốc lậu” tha hồ vênh vang…

Những mốt y phục của phụ nữ, làm cho đàn bà mỗi ngày phô thêm một ít đùi, một ít đít, một ít vú… Ở những nơi thành thị, chỗ nào cũng có tiếng gọi của xác thịt, cũng có sức cám dỗ của Dâm thần. Tại những nơi thôn quê, thì vẫn nguyên những cảnh đói khát, nheo nhóc, bùn lầy nước đọng, nạn cường hào, nạn mê tín, nạn hối lộ, nạn bã rượu lậu…

Khi nhắm mắt theo cuộc đời mới, em vẫn tưởng thế là hợp thời, là văn minh. Kíp đến lúc tỉnh ngộ thì đã muộn quá rồi.

Đến lúc biết mình lầm, thì đã… làm đĩ! 

Bình luận