Huyền uể oải bỏ quyển vở xuống cạnh gối, nhọc mệt ngồi lên, rót nước uống…
Hai chai bia đều không còn một giọt, mấy cái cốc chỉ còn đựng ít cặn vàng, những vỏ hạt dưa điểm rải rác khắp cả gối đệm, ngọn đèn dầu lạc đã nhọc mệt chiếu một thứ ánh sáng héo hắt, cảnh tượng ấy đã ám thị cho chúng tôi biết cái lúc phải hạ hồi phân giải cho cuộc truy hoan, mặc lòng tôi chưa biết rằng thế là hết chuyện hay chưa… Những cảm tưởng lúc ấy xô vào tri giác của tôi như những ngọn sóng bạc đầu thất vọng đập vào cồn đá biển có gió mạnh, cho nên tôi cứ nằm lặng im để nếm cái sự huyên náo ấy của tâm hồn. Tôi nhắm mắt lại để được nghĩ ngợi cho thỏa chí…
Nhưng chợt Quý hỏi:
– Chỉ mới có thế thôi à, em? Thế là hết à, hở em?
Huyền đáp:
– Em muốn viết nữa, nhưng đã lâu chưa có thời giờ…
Nói xong lại nằm xuống, để tay ngang trán với vẻ nhọc mệt rất đáng ái ngại. Tôi ngồi lên, sốt sắng:
– Thế thôi, nhưng mà là đủ lắm rồi!
Huyền nhìn tôi bằng cặp mắt đầy ánh sáng vui vẻ.
Tôi cầm lấy quyển vở, giở đi giở lại như xoi mói một thứ sách có nhiều tranh đẹp, tuy trước mắt chỉ thấy chi chít những dòng chữ bút chì khó đọc mà thôi. Đời Huyền, gần cả một đời của Huyền, đã thu gọn trong tập vật liệu mỏng mảnh ấy. Dẫu sao, tôi cũng thấy Huyền là khả ái, ở chỗ thông minh hơn đa số – nếu không tất cả – những gái giang hồ. Và nhờ tập bút ký ấy, có lẽ mà cái bỏ đi của Huyền cũng không đến nỗi là bỏ đi, đối với đàn bà con gái khác. Nghĩ đến cách là phải đem dùng mớ vật liệu ấy, tôi hút một mồi thuốc lào khoan khoái, rồi trịnh trọng nói:
– Huyền ơi, Huyền, xin cảm ơn em…
Nó quay lại nhìn tôi, ngạc nhiên một cách vẫn còn ngây thơ, hỏi:
– Ơ hay? Vì lẽ gì mà anh cảm ơn?
Cố nhiên tôi sốt sắng lắm:
– Cảm ơn về thiên bút ký em đưa cho đọc, về câu chuyện em vui lòng kể, về cái phiền phải cắt nghĩa thêm những khi anh chưa hiểu kỹ những đoạn chúng ta đã đọc, và nhất là về cái lòng thật thà ít có mà em cho hai người này được hưởng chứ sao!
Huyền cười rất ngắn và nói đáng quý hóa:
– Thế mà cũng gọi là ơn với huệ. Anh rõ khéo thêu dệt cho quá nặng tình… Chẳng nói thì các anh cũng thừa biết: bởi cớ em muốn đem dùng những sự từng trải của em cho nên mới chịu khó viết vào đây cả cuộc đời mình, và đã viết thì không phải là để giữ làm của riêng hay để cho con cháu sau này đem ra cúng cơm, nếu mai sau em cũng có chồng con… Thế thì em phải cảm ơn anh mới là hợp lý chứ? Trong cái số những khách làng chơi vô vị mà em lại gặp anh thế này, có khác gì vào nơi hội chợ mà tình cờ được gặp cố nhân…
– Thì chúng ta quả cũng là cố nhân của nhau chứ sao!
– Đã dành! Thì em cũng chỉ nói thế.
– Thế thì anh lấy thiên ký ức này ngay bây giờ…
– Ấy, để em viết nốt đã rồi nhờ anh sau.
Nghĩ một lát tôi quả quyết:
– Không cần, vì thế này là đủ lắm.
Chưa hiểu, Huyền lại giương to đôi mắt đầm.
– Vì rằng viết nữa, có lẽ sẽ là thừa.
Cũng vẫn chưa hiểu, Huyền lại hỏi:
– Thì nào em đã viết nốt cái đoạn đời từ khi đã trụy lạc cho đến bây giờ đâu?
Tôi đành phải cắt nghĩa kỹ, dẫu tôi rất sợ mình nhỡ có gì sơ suất:
– Đối với thiên hạ, thì đời một người như em, đương ở chốn yên lành mà vào nơi chông gai, chỉ có đoạn ấy là đáng nói thôi. Tại sao con nhà tử tế hẳn hoi, con nhà quý phái nữa, mà rồi đến nỗi… trụy lạc, ấy người đời chỉ cần biết rõ những nguyên nhân ấy… Chứ một quyển sách tả một đời trụy lạc, kể từ lúc trụy lạc trở đi, thế thôi, thiết tưởng lại chẳng có ích gì cho đời. Anh bảo em không cần viết thêm nữa, là vì thế.
Tôi đã như đỡ hộ cho Huyền một gánh nặng đương mắc trên vai. Sự vui vẻ của nó hiện ra mặt, rõ rệt quá. Nó lại ngồi lên, khỏe mạnh, rót nước uống và nhân tiện mời cả chúng tôi. Không đủ ba chén, nó gọi bồi bàn ầm ỹ mãi. Rồi nói:
– Thế thì em hiểu ra rồi. Trước kia, tưởng còn phải ghi chép nữa, em thấy phiền lắm, không biết đến bao giờ mới là xong quyển sách… Vâng, thế thì anh cứ cầm về.
Tuy chưa cần cầm lấy, tôi cũng cầm lấy ngay thiên bút ký ấy để sang chỗ tôi nằm, để tỏ cho tôi biết là tôi đã có quyền sở hữu về vật ấy. Huyền lại nói:
– Vậy nhờ anh sửa đổi, thêm bớt, xếp đặt sao cho thành ra nghe được, rồi cứ việc công bố nó lên… Chỉ yêu cầu anh có thế.
– Điều ấy, em không phải dặn. Vả cũng không phải sửa mấy tí…
Huyền tìm giầu rồi xoa tay:
– Sướng quá, nếu không nhờ anh chỉ bảo, thì em cứ tưởng là chưa làm xong cái việc hệ trọng của đời em!
– À, để em xuống sai bồi nó pha nước nữa, uống mới được… Gớm, ráo cổ quá!
Ông giáo Quý cầm lấy quyển vở, ngắm nghía rồi phê bình:
– Một thếp giấy… một đời người… bao nhiêu sự thực ghê gớm…
Sợ ông bạn quý hóa lại phạm điều gì đáng “cẩm phạt” tôi giằng phắt lấy, và may sao, Quý cũng im ngay. Huyền để hai tay gài cạnh sườn, trề môi và cũng tự kỷ phê bình:
– Bao nhiêu sự thực xấu xa, ghê tởm, đáng nôn oẹ…
Tuy biết Huyền không mỉa mai gì ai đâu, tôi cũng phải nói:
– Nếu tập văn này có một chút giá trị gì đó, thì ấy là chỉ vì nó mô tả những sự thực ấy, những cái xấu xa ấy…
Huyền đứng đấy một lát rồi xuống nhà dưới.
Bốn tiếng chuông đồng hồ báo lúc mưa phùn gió bấc nay, đêm khuya sắp tàn, và đời đã lại sắp hé một buổi lê minh.
Đến bây giờ, bạn tôi mới tỏ cái lòng thật thà ra với tôi bằng cách lắc đầu hoài mà rằng:
– Ba đêm liền chỉ hết bia lại thuốc phiện, uống xong tức khắc thấy cái cần phải hút cho khỏi say, rã rượu rồi lại thấy phải hút để có sức thức mà nghe, hút xong rồi thì lại thấy cần phải uống nữa cho đỡ ráo cổ… Ấy sự đời lẩn quẩn loanh quanh chạy vòng đèn cù như thế mãi thì nói khí vô phép, vì cái nguyên nhân hư hỏng của một người đàn bà chứ dẫu của một nghìn người đàn bà thì đây cũng xin chịu! Thôi thôi, mai thì tao xin đi.
Tôi bỗng ác cảm bạn, thấy quả nhiên là thằng này được ăn, được nói, lại được gói mang về! Tôi có thể tuyệt giao được lắm, nếu tôi không nghĩ kỹ để mà rồi lấy làm may. Thì lần đầu gặp Huyền, bạn tôi há đã chằng phải rơi lụy đó sao? Tôi há đã chẳng phải bận tâm thấy mình đứng trước một vấn đề tình cảm hệ trọng của bạn đó sao? Tôi đã chẳng ngay ngáy lo xa rằng rồi không khéo mà Quý sẽ vương thì rồi lôi thôi to, vì tôi có thể sẽ phải chịu trách nhiệm về sự làm hại gia đình người ta đó sao? Bây giờ Quý đã nói được thế, hẳn là tôi yên tâm, không còn sợ sự xẩy ra về sau cho bạn nữa. Tôi thở dài, thấy nhẹ cả mình. Và tôi lại ngạc nhiên nữa sao Quý lại thay đổi dễ thế? Sau khi nghe một thiên thú tội, một thiên sám hối nữa, của người đẹp mà mình đã say đắm, Quý chẳng những không nhỏ thêm một vài giọt lệ thương xót, mà lại còn hết yêu đến bạc, trở nên tàn nhẫn ở chỗ thản nhiên? Cho nên tôi hỏi:
– Mày không… phải lòng Nàng Thơ của mày nữa à?
Quý bình tĩnh lắc đầu.
– Sao đêm kia mày đã khóc lóc một cách lạ thế?
Quý đáp bằng cách hỏi lại tôi:
– Ừ nhỉ, sao lúc ấy tao đàn bà thế, mà bây giờ lòng tao lại không còn thổn thức gì cả, đến nỗi khô khan thế này?
Rồi không thấy tôi nói gì, hồi lâu bạn lại tự đáp:
– Nhưng mà… nghĩ cho cùng… thì con nhà tử tế, mà như thế, khó thương lắm! Đĩ quá, hư quá, ai mà hình dung được.
Tôi vẫn im lặng, thấy bạn là tầm thường không cùng một nhân sinh quan với tôi. Giả dụ có thuyết lý triệt để nữa, chắc bạn cũng không hiểu nổi. Vả lại… nói để làm gì? Cuộc đời há lại chẳng cầu toàn, nhưng khối óc tầm thường như thế, ngõ hầu thiên hạ đỡ được nhiều chuyện “lôi thôi”? Và tôi bỗng tin vững rằng phần nhiều đàn ông chúng ta đều cùng ở cái trình độ tình cảm của bạn tôi cả, nếu tôi chưa dám đoán già rằng tất cả đàn ông đều ở cái thủy bình tuyến[83] ấy, nghĩa là tầm thường một cách ngoan ngoãn và yên ổn. Thì âu cũng là may mắn chứ sao!
Nhưng bạn tôi bỗng đổi giọng, đổi lối xưng hô, để đứng đắn hỏi tôi:
– Chết nỗi! Anh sẽ công bố tập văn này nguyên văn?
– Chỉ phải chữa rất ít.
– Anh cứ để nguyên những thủ đoạn… tả chân nói về xác thịt?
Tôi cứ ngạc nhiên hỏi bạn:
– Chứ gì?
– Anh nói thật hay nói đùa?
Sự ngạc nhiên của tôi bây giờ đã trở nên sự bực mình nữa. Thôi, thế này thì đành phải cắt nghĩa kỹ lưỡng mới xong! Tôi bèn bảo bạn:
– Ô hay! Thì cả tập văn bản này chỉ có nói xác thịt! Anh muốn tôi sửa đổi hay bỏ đứt những đoạn tả đúng sự thực? Ô hay, thì người đàn bà hư hỏng chính chỉ là những sự thực ấy, cho dẫu đó là những sự thực xấu xa! Những cái xấu ấy, người đời không biết, hay làm thinh không để ý tới, cam tâm làm ra như ngu dốt và do thế di hại cho kể biết bao nhiêu người khác vì cái sự nhắm mắt làm ngơ. Tất nhiên là tôi phải làm cho họ không nhắm mắt nữa. Sở dĩ có cái hại, cái xấu nhưng khi nhiều người đã biết tất rồi phải có những cách bài trừ cứu chữa thuốc thang! Bắt tôi đừng nói về sự trụy lạc của xác thịt ư? Thì sao không kiếm cách nào bắt người đời không ai được hư hỏng! Bắt tôi bỏ những đoạn văn tả đúng sự thực những cái xấu xa, bẩn thỉu trong tập văn này? Thế thì bắt Huyền đừng hư hỏng nữa, và bắt xã hội này sao cho đừng có hàng vạn gái đĩ như Huyền, có giản dị hơn không?
– Thế anh không sợ cái bọn đạo đức giả họ công kích?
– Đối với hạng có dã tâm ấy thì chỉ nên giữ im lặng mà khinh bỉ họ là hơn cả. Vả lại, may mà thời này cũng đã là thời đại của khoa học rồi. Người đời đã chịu để ý, tìm tòi, nghiên cứu. Cái số những kẻ đạo đức giả hoặc đạo đức không phải đường, kể cũng không còn bao lắm.
– Tuy nhiên, ta cũng nên đề phòng… Ta chẳng nên quên rằng quyền Kiều cũng đã bị kết án là sách hối dâm.
– Anh đừng khuyên đời người cứ hèn nhát, vì không có anh thì người đời xưa nay cũng đã đủ hèn nhát lắm rồi! Việc tôi làm, tôi hiểu, người khác cứ yên tâm. Khi một nước có giặc, phải ra lính thì đã đầu quân, ta chỉ có hai đường: một là giết được, hai là bị giặc giết. Khuyên người lính chớ giết giặc hay đề phòng thế nào cho khỏi chết trận hay sao? Thế thì thà bắt người lính ấy cứ ngồi ở nhà!
Tôi còn muốn nói nữa, nói nhiều nữa, thì đây kia, Huyền đã lại lên. Nó cầm cái ấm nước sôi, đã để cho nhọ cả một bàn tay trắng ngần như tuyết. Thấy tôi đã mặc áo ngoài, Huyền sa sầm nét mặt:
– Các anh đã về đấy à? Thế em không bằng lòng đâu!
Tôi dỗ dành:
– Em có vẻ nhọc mệt lắm, muốn để em đi nghỉ…
Không ngờ nó biết nói một câu:
– Nhọc mệt thì có quản gì, nếu ta phải thức luôn ba đêm nhưng mà đã giải quyết được nỗi ưu tư của cả đời ta!
Đồng hồ chưa chi đã lại điểm năm tiếng.
Sau khi uống chén nước trà, nhận thấy rằng mặt bạn tôi sút kém hiển nhiên, hốc hác trông thấy, tôi cũng giật mình lo sợ cho tôi, biết chắc rằng chẳng còn nên thương hoa tiếc ngọc gì nữa, chẳng còn nên nấn ná lại phút nào nữa, tôi cầm hai tay của Huyền:
– Một lần nữa, anh xin có lời cảm ơn em.
Cô Kiều lại cho tôi nhìn thấy đôi hàm răng ngọc và khẽ bảo tôi:
– Anh… anh cho em nói thầm.
Kể cũng thông minh đấy, Quý lảng ngay ra phía cửa sổ, quay lưng lại chúng tôi, làm như bận ngắm cảnh bình minh mầu xám. Và, đáng lẽ nói gì thì Huyền chỉ vòng tay ôm lấy cổ tôi, chào tôi bằng một cái hôn mà tôi tưởng lầm đó là ân ái, và mình cũng đã có số… đào hoa!
Rồi Huyền bắt tay Quý, rất đứng đắn.
Ba giờ sau ngày hôm ấy, bạn tôi lại quay về thượng du. Lúc chia tay nhau, tôi chỉ còn biết cảm ơn bạn bằng cách bắt tay rất chặt, cảm ơn vì bạn đã khóc lóc một cách hơi lọ, cho nên tôi mới được dịp hiến quốc dân thiên phóng sự tiểu thuyết này.
*
* *
Huyền ơi!
Cuốn tiểu thuyết của đời em, đây, nó đã đây.
Liệu nó có đạt cái mục đích, cái nguyện vọng của chúng ta, nghĩa là như em đã ao ước, rằng sẵn cái lòng thực thà hoàn toàn của em, lại thêm với sự cố gắng của anh, ta sẽ làm nên một công chuyện gì không đến nỗi là vô ích? Nào biết rằng cái “thân tàn gạn đục khơi trong” của Huyền đã đủ chuộc tội được với đời, dẫu rằng đời chẳng thiếu gì những cảnh trái ngược “nước đục bụi trong”!
Nhờ em, anh đã được thêm cái dịp may mắn để hiểu tại sao loài người chúng ta xấu xa, tại sao loài người chúng ta ô uế, và nhất lại tại sao loài người chúng ta đau khổ. Lại cũng nhờ em, mà anh được nghe cái bài học trọng đại của đời, là cái xấu xa, cái ưu phiền của ta mà vẫn tưởng chỉ là của riêng một ta thôi, bao giờ cũng là cái xấu xa và cái ưu phiền của một người khác nữa, nếu không là của nhiều người nữa. Em đã sống một đời ô uế đầy những điều bất thiện, và em hy vọng rằng việc đem công bố cái mảnh đời tai hại ấy cho thiên hạ sẽ là một việc thiện đáng kể, trong cả đời em… Tuy thế là tham lam lắm đó, song nguyện vọng của anh trong sự này, cũng không khác thế.
Nhưng mà… hiện giờ thì em ở đâu? Em đã thành ra cái gì? Vẫn bể trầm luân, hay đã lầu rồng gác phượng?
Coi chừng kẻo mà ta lại hiểu nhầm nhau…
Dẫu sao đi nữa, chắc ta chưa quên sự này: em là một gái giang hồ, anh là người khách một đêm… Nhất là chúng ta đã có một lời thề, anh không được quan tâm đến tương lai của em, cũng như em sẽ giữ thế nào cho khỏi quấy rối cảnh gia đình yên ổn của người hàn sĩ. Thì nào phải anh đã quên hết lời em! “Cứ trông cái cách ông trời đối phó với mọi sự giữ gìn chu đáo và mọi cuộc kiến thiết xa xôi của cả thế nhân mà đã đủ chán ngắt… Cho nên sau này, dẫu em ngồi xe hơi hòm kính hay đi đẩy xe bò, có một vị khai quốc công thần quỳ dưới chân mình hay bị vài thằng chồng bồi săm nó đánh, nó chửi, sẽ chết trên Kiệu bát cống[84] có nhiều ông Bắc đẩu bội tinh[85] đi đưa, hay chết khốn nạn trong phúc “đường”[86] thì bất quá cũng đến vậy mà thôi. Ai hoài hơi đi lo rằng rừng xanh, có một chiếc lá vàng đã rụng!” Không, em sẽ sướng hay em sẽ khổ, anh, như đã nguyện, cái ấy anh chẳng quan tâm làm gì.
Nhưng mà này, Huyền ơi, em có nhớ ra không, cái bữa gặp nhau lần cuối cùng, chúng ta không ngờ rằng nó lại là lần cuối cùng, vì rằng ta chưa hề giao hẹn nhau, rằng, chỉ gặp nhau một lần ấy nữa mà thôi. Hôm thứ bảy sau nữa, anh có quay lại cái chỗ chúng ta đã gặp nhau, nào ngờ đâu được người ta đáp thế này: “cô ấy sau cũng có đến để chờ ông mãi!.. Bây giờ không biết cô ấy đã đi đâu, chẳng ai còn biết phương nào mà tìm”. Huyền ơi, việc ấy làm cho anh buồn không biết đâu mà kể. Tuy vậy anh cũng vui lòng sợ anh đã có lỗi, mà muốn xin lỗi thì làm thế nào mà gặp được em? Cho nên anh phải cứ liều có đoạn này nói nốt với Huyền, để trả lời cho một sự phân vân mà em đã mấy lần đem ra hỏi. Không, anh không khinh bỉ em đâu! Nếu anh không kiếm cách bênh vực Huyền, ấy là vì anh muốn giữ địa vị khách quan để người đời tha hồ phê phán… Huyền hiểu chưa? Thế thì đối với người nhân tình hay người chồng cả ghen sẽ lục tội đến cái quá khứ của Huyền, em cứ việc đưa ra cái mảnh đời này, và đáp: “Đây, tại sao tôi đến nỗi này, những nguyên cớ ấy, nó đây… ấy chính là đời tôi, tuy những tên người, tên phố, đã bị đổi cả”.
Nếu thiên này chẳng hữu ích cho nhiều người, thôi thì em hãy cứ ước rằng nó không đến nỗi hoàn toàn vô ích, vào một việc ấy cho riêng em!
Sau cùng, thì anh muốn hỏi rõ: anh có lầm lỗi và nhầm lẫn gì không, anh có “phản” gì Huyền ở đây không? Em sẽ viết thư cho anh, nếu em đã được bằng lòng.
Và, vì lẽ em hay giận như thế, cho nên anh không cảm ơn em ở đây lần nữa.
Tháng mười năm 1936.