Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Làm Đĩ

Chương 3: Lấy Chồng

Tác giả: Vũ Trọng Phụng
Thể loại: Văn Học Việt Nam

Họ nhà giai đã lo toan cuộc hôn nhân ấy theo sức nhanh chóng của một chuyến xe hỏa tốc hành. Trong vòng nửa tháng thôi, mà nào đủ tin đi mối lại, sêu tết, ăn hỏi, và cưới! Bên họ nhà giai có một bà cụ già gần kề miệng lỗ, như một quả chín không biết rụng vào lúc nào nên người ta vội vàng đến thế, chứ chẳng phải chỉ sợ cái câu này: Chờ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha. Công việc xong xuôi chóng vánh đến nỗi một khi em đã có cái ý nghĩ liều lĩnh vô nghĩa là trả thù cho Lưu bằng cách bôi nhọ tất cả mọi người nhà mình và nhà chồng, những người vô tội và em coi như phải chịu trách nhiệm về cái chết của Lưu, phải, một khi em đã gan góc táo tợn nghĩ đi như thế thì em không có đủ thời giờ để nghĩ lại nữa. Vào một trường hợp như vậy, một sự quả quyết nông nổi cũng bất thiên bất dịch như một ý định đã suy đi xét lại hàng trăm nghìn lần. Trong thời gian ngắn ấy, suốt đêm ngày em phải lo tiếp rước khách khứa, sửa soạn mọi việc, lòng buồn tê tái về cái tự tử của người tình đến nỗi thản nhiên với cả những lời chúc mừng của họ hàng, sự dèm pha của bạn hữu – mà của những người bạn thân nhất – những lời mà em cho là rườm rà vô nghĩa chẳng đáng để lọt vào tai. Hôm qua dọn nhà cho thợ quét vôi, hôm nay đi mua đồ nấu cỗ, ngày mai sắm sửa quần áo, buổi sáng đến hiệu thợ may, buổi tối đến hiệu kim hoàn, hôm sau đi in giấy báo hỉ, rảnh lúc nào thì lại chị em bạn hữu đến ám ảnh lúc ấy, những người bảo đến “giúp việc” mình mà sự thật thì chỉ gây ra những chuyện phiền nhiễu cho mình, một chuỗi dài những việc đời như thế, đã đủ chế nhạo cho em có một cái mặt thản nhiên không một cảm tưởng, đến nỗi thiên hạ phải cho rằng trong lòng em lúc ấy không có một tấn bi kịch nào cả, em bằng lòng cuộc hôn nhân ấy lắm, mà đến nỗi chính em nữa, em cũng không hề run sợ vì cái tình thế đặc biệt nó sẽ đẻ ra bao nhiêu điều lôi thôi, ghê gớm cho một cô gái chưa về nhà chồng mà đã mất tân.

Em đã có tâm địa của một người nhất quyết tự tử thì sự đau đớn của những người thân yêu nhất đời đối với em là điều mong mỏi rất tha thiết. Người tự tử chỉ muốn báo thù, chỉ muốn làm cho kẻ khác phải đau đớn, chứ không thiết gì đến danh sự của mình nữa, mà em, em lại cho việc đem cái thân chẳng còn nguyên vẹn của mình về nhà chồng cũng chỉ là một cách tự tử mà thôi.

Cho nên lúc bước chân lên chiếc xe hơi hòm có kết hoa, lúc tơ hồng, giữa những cô gái đi đưa dâu quần áo lòe lợt, lúc nào cũng khúc khích cười, em đã cử động như một cái máy, không hổ thẹn cũng như không bối rối. Em như đã có cái số phận long đong của người đã sát chồng nhiều lần, vả lại lấy chồng lần này không phải là lần đầu, đã chán chường ra vì hoài nghi mãi hạnh phúc rồi, nên không thẹn thò, vui mừng gì nữa, chỉ còn hoài nghi và, do thế, cứ thản nhiên…

Những lễ nghi phức tạp cử hành xong, người ta đưa em vào phòng cô dâu, một cái phòng sạch sẽ, thơm tho, có đủ những mầu vui mắt, và thoang thoảng mùi chăn, mùi gối. Trước những đồ vật mới nguyên ấy, em mới chợt nhớ ra em, cô dâu thì đã “cũ” mất rồi. Từ lúc ấy mà đi, bất thình lình em bỗng run sợ, rất hối hận sao lại táo tợn mà đi lấy chồng như thế, sao lại không từ chối ngay đi, hoặc là hãy lần lữa để tìm phương khu xử, mà nếu không có cách khu xử thì ắt là phải bỏ nhà ra đi cho dẫu không biết đi đâu… Đến bây giờ mới biết mình rồ dại, thì đã muộn mất rồi. Những nghĩa lý riêng mà em thấy xưa kia bảo vệ cho tư tưởng trả thù rất đắc lực, lúc ấy, bất kỳ đã bỏ cái trí não của em trơ trọi, bơ vơ. Dù sao đi nữa, chồng em cũng không có tội gì cho đáng bị cuộc “trả thù” kia của em. Dù sao nữa, thầy me em cũng không đáng bị bôi gio, trát trấu vào mặt như thế… Mất tân! người ta đã mất tân thì người ta đừng đi lấy chồng! Không phải người ta đã mất tân thì là người ta có quyền làm cho cha mẹ nhục nhã, chồng quyết liệt, mình phải ê chề và liều lĩnh hơn nữa!

Vậy thì làm thế nào?

Xưa kia, khi còn đi học, hình như một bạn gái đã cho em biết rằng sự hỗn hợp của một vài chất hóa học có thể làm cho một thiếu nữ trót dại dột lại tìm thấy sự nguyên vẹn của cái xử nữ mạc để dâng cho đức ông chồng vào buổi tân hôn. Thì em đã không để ý nên không nhớ được những chất hóa học màu nhiệm ấy, mà dẫu có nhớ nữa, cũng không còn thời giờ! Vả lại, hình như có một vị bác sĩ Tây phương có nói rằng cái màng rất mỏng mảnh mà danh dự một đời con gái gửi cả vào đấy, có khi chỉ vì một cái ngã mạnh hay một cái trượt chân mà rách. Cũng có khi một người đàn bà chẳng cẩn đã có giao hợp mà cũng không có xử nữ mạc nữa rồi, chỉ vì Tạo hóa không ban cho…

Nhớ được ra những điều ấy, em thấy cách đối phó với chồng không còn khó khăn gì mấy. Nếu em biết gian ngoan, xảo quyệt cho khéo léo một chút, vị tất mà chồng em đã biết rõ sự hư hỏng của em. Cái danh dự một người đàn bà đã tựa căn bản vào một vật rất nhỏ mọn, rất mỏng mảnh là cái màng tân, thì đối lại, những cử chỉ như nặn ra một vẻ mặt e lệ, ngây thơ, và cách ép rất kín đáo đôi xương hông thật chặt lại để gây ra sự khó nhọc chật vật và sự đau đớn cho tân lang cũng có khi cứu vớt được người đàn bà! Nếu tân lang không thấy cái gì cần phải nghi ngờ điều gì ắt cũng không để tâm đến sự một vài giọt máu đỏ trên tờ giấy bản là có hay không. Em, vào lúc động phòng, sẽ không cho phép tân lang được dùng đến ánh sáng. Còn một vài giọt máu thì… người ta có thể kiếm được rất dễ dàng bằng một mũi dao nhọn hay bằng đầu cái đanh ghim trên vành khăn… Ôi! sự đời và lòng người! Nếu đắc thắng vì sự gian ngoan ấy thì em cũng đê hạ lắm thay, song le, vì lẽ gì thì em phải đê hạ.

Nhưng mà, nếu trước những cử chỉ mà ngôn ngữ ngây thơ nhất đời mà chồng em cũng cứ xét nét từng ly từng tí thì sao? Dễ thường mà em sẽ phải làm ra bộ mặt ngẩn ngơ, mặc kệ mọi sự, “không biết” gì cả mất! Đã là một viên tham tá[49] thì với cái học lực ấy chồng em sẽ phải tự mình mà kết luận, nếu chàng muốn tự lừa dối mình để khỏi đau khổ, vì rằng cái vấn đề xử nữ mạc với sự trinh tiết của người đàn bà là rất phức tạp, đến khoa học giải quyết cũng chưa xong! Bần cùng thì em cầu cứu đến cái học thức của người đàn ông nghĩ là cái lòng tự ái của người ấy, để cho sau cùng thì người ấy cũng phải hoài nghi như khoa học, nếu lục đến một cuốn sách nào về vấn đề ấy.

Mà không thì là sự kịch liệt chứ sao! Trước những lời căn vặn tức tối, em sẽ không nói gì vội, để tân lang cứ việc sỉ nhục em cho chán chê đi, rồi em sẽ đủng đỉnh nói đại khái thế này:

– Thưa ông, vâng! Trước khi đến đây, tôi là vợ một người rồi! Ông đừng trách tôi vội, ông hãy tự tránh lấy ông trước đã! Chắc ông thừa biết: Giữa buổi giao thời này, cái tấn kịch mới cũ xung đột là thế nào, và cái thảm kịch của thời đại nó ra làm sao! Chắc ông cũng biết rằng hầu hết phụ nữ nước nhà muốn được tự quyền kén bạn trăm năm trong khi bậc cha mẹ chỉ muốn ép uổng họ. Một người trẻ trung tân tiến như ông thì phải hiểu những cái ấy chứ, có phải thế không? Thế mà ông cũng đã hành động như một người cổ. Ông đã không cần biết rằng người ông muốn lấy có vui lòng mà về với ông không? Hơn nữa, ông đã dùng danh phận và địa vị của ông để phạm đến cái sống của hai người khác trên đời này! Thưa ông, ông tưởng ông chỉ lương thiện, chính ra ông độc ác mà ông không biết đấy. Đáng lẽ trên đời này có một lứa đôi kia sắp được hưởng cái hạnh phúc lập gia đình, thì ông đã đến với cái chức tham tá và mấy tòa nhà để phá tan nát cái hạnh phúc của người ta!

Em sẽ thản nhiên nói như thế.

Không! Em còn nói nữa, chứ không phải chỉ nói có thế mà thôi!

– Một người thanh niên đã phải tự tử vì ông, thưa ông! Bây giờ, ông có trước mặt ông một người quả phụ khốn nạn, vợ cái người tự tử ấy, một người đàn bà không thể thủ tiết được nữa, vì đã bị ông cưỡng bức, mà cưỡng bức một cách đúng pháp luật, mà ông lại chê rằng không còn tân, thưa ông! Ấy đấy, ông muốn xử trí ra sao, tôi xin tuỳ…

Phải phải! Em sẽ nói như thế một cách thản nhiên nhưng mà rắn rỏi, dịu dàng nhưng mà gang thép, vừa gỡ tội cho em và vừa buộc tội tân lang để cho người đàn ông ấy tự thấy có lỗi, mặc dầu vợ mới cưới của người ấy đã mất tân! Rồi sau có sao sẽ liệu…

Rồi sau… nếu lợn cắt tai, nếu chàng rể đến sỉ nhục bố mẹ vợ, nếu cô dâu bị phú về nhà mình, thì là em trả thù được cho Nguyễn Lưu. Chứ gì! Được lắm, em sẽ làm tan hoang một phen cho mà xem! Dù Lưu đã chết rồi; em cũng bảo để thiên hạ biết Lưu đã là chồng em rồi, cho mà xem! Danh giá hay nhục nhã, đó chỉ là những danh từ vô nghĩa bật ra ở miệng những kẻ nói mà không nghĩ.

Em ôn đi ôn lại mãi những lời mà nếu vạn bất đắc đĩ thì em nói ấy, một cách chăm chú, vì những lời ấy hình như là văn chương. Khối óc tiểu thuyết của em đã hình dung một việc khốn nạn ra một việc có một thứ thi vị như thế.

Trong mấy tiếng đồng hồ, em ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi như thế bên cạnh một cái chăn lụa đỏ với hai cái gối thêu phượng, trước mặt một con sen ngủ gật, thì tân lang thỉnh thoảng lại vào phòng cất một vật gì hoặc mở tủ tìm tòi vật gì. Một lần chàng tươi cười khơi chuyện bằng câu hỏi: “Mợ đã nhớ nhà rồi đấy à?” thì em cúi mặt làm thinh…

Đó là một thiếu niên tầm thước, không đẹp cũng không xấu, không béo cũng không gầy, mặt ngây ngô như mặt những kẻ hưởng thụ khác, một thứ mặt vô nghĩa lý vì mỗi khi nhìn đến, ta không thấy một mối thiện cảm gì sinh trong lòng ta, mà cả đến ác cảm nữa cũng không! Cái mặt không có nét đặc sắc gì đã khiến em phải nghĩ đến một hạng thiếu niên học thức không xuất sắc, tư tưởng rất tầm thường, không một lý tưởng cao xa nào nữa ngoài cái lý tưởng học để thi đỗ, làm việc nhà nước và lấy vợ đẹp, dễ thường đã lên lớp vì đút lót, thi đỗ vì đút lót, có chức phận vì dút lót, một hạng người nếu không có bố mẹ giàu thì hẳn chỉ còn có thể có một cách là đê tiện, mà sinh được vào một cửa phú quý thì cũng chỉ kết quả đến cái giá áo, cái túi cơm… Không! Với một hạng người như thế, hạnh phúc là không thể được, và sự gian ngoan cũng là thừa! Hạng chồng như thế mà lòa, mà không biết em mất tân thì em cũng khinh, và giá có tha thứ em nữa, thì em lại càng khinh hơn! Hình như oan hồn của Lưu vẫn quanh quẩn đâu đây vậy.

Bóng đã xế chiều… Một cái tối âm u bất thần đến chiếm gian phòng. Những bóng điện trong khắp nhà dần dần bật lên, nhưng không đem cho lòng em lấy được một chút ánh sáng. Chỉ còn vài giờ nữa… Em thấy bàng hoàng cả người, cái phần hồn hầu như đã bay đâu mất, cái phần xác còn lại thì như một đống thịt nặng nề không còn tri giác; em tưởng chừng một kẻ bị kết vào tử tội, chờ từng giây từng phút để lên máy chém cũng chỉ phân vân bứt rứt đến như em thôi! Động phòng! Cái danh từ ấy nó sẽ đẹp đẽ biết bao, nếu tân lang của em lại là Nguyễn Lưu! Vậy mà bây giờ cái danh từ ấy đã vô vị đến nỗi không còn khêu gợi trong lòng em một chút khao khát nào về cái khoái lạc của xác thịt, mặc dầu cái khoái lạc ấy là cực điểm, là đứng đầu trong tất cả mọi cái khoái lạc.

– Rót tao hai chén nước ra đây, rồi cho mày xuống nhà dưới xem các cụ có sai bảo gì không.

Đứa con đòi y theo. Tân lang bỏ cái khăn lượt vẫn bịt trên đầu ra, cởi cái áo gấm lam ra, chỉ còn để cái áo trắng dài. Sau khi con đòi đi hẳn rồi, chàng khẽ đóng cửa phòng rồi quay vào ngồi bên em, cầm lấy tay em… Thấy em cúi mặt hổ thẹn chàng dịu dàng đưa tay em lên miệng, khẽ đặt vào mấy đốt ngón tay của em một cái hôn. Đoạn tân lang, vẫn cầm tay em, đứng lên dìu em ra chỗ cái ghế và cái kỷ con, kê cách giường hai thước.

– Mợ ngồi xuống đây, vợ chồng ta được trò chuyện với nhau đã chứ! Mời mợ xơi nước.

Nói thế xong, một tay tân lang đã đưa chén nước lên miệng em, và tay kia đã để lên cầm em, tựa hồ coi em là một đứa bé chưa đủ tư cách uống một chén nước cho gọn nên phải nâng yếm dãi vậy. Một cử chỉ như thế thật là ân ái, thật là tha thiết đáng cảm động, nếu không có cái tiếng “đã” mà chàng vừa vô ý thốt ra… Chỉ một cái tiếng đã ấy cũng đủ giết chết mất cả sự tròn trĩnh, trơn tru của cái cử chỉ, cũng đủ cho em cảm thấy bao nhiêu kẻ chua chát về những nghi lễ, sự mỉa mai của hôn nhân, bao nhiêu cái dã man của lòng người. Cho nên tiếng gọi ái ân của tân lang, trái lại, chỉ khiến em thấy ác cảm hơn nữa. Em muốn lúc ấy tân lang đừng ngọt ngào như thế nữa: mỗi một sự ngọt ngào chỉ là biểu hiện của một sự mỉa mai… Em càng yên trí tân lang là một kẻ ngu, nếu không là một kẻ tầm thường; vì một kẻ ngu thường ra vẫn rất tài tình trong cái nghệ thuật mơn trớn phụ nữ. “Không! Xin ông chớ có những ngôn ngữ và cử động như thế nữa. Tôi đương muốn hóa điên đây! Xin ông hãy dịch vào một chút, sỗ sàng hơn thế nữa đi, mà đứng có vẻ nịnh đầm. Ông là chồng thì xin ông cứ ăn nói như người chồng, nghĩa là vị chúa tể. Tôi muốn lo sợ một chút, biết nhận lỗi một chút, để hối hận rõ nhiều, để sau này có thể yêu ông được, vì hiện giờ thì tôi đã… mất tân!” Ấy đó, em muốn nói ngay như thế.

Trước cái mặt cúi gằm, hai má đỏ bằng mặt em, chừng như tân lang cho đó là sự ngây thơ, sự trong sạch, cái e lệ của một cô gái trẻ lần thứ nhất đụng chạm thân mật với một người đàn ông. Chàng lại ra vẻ say đắm bằng mười trước nữa.

– Huyền ơi, Huyền! Vào những phút như thế này thì em nghĩ ra làm sao? Em đối với anh thế nào? Liệu anh có được là một người chồng xứng đáng với em không? Hở em?

Thế là tân lang cứ mải nói một mình thôi, vì em đã cố nặn ra những vẻ ngây thơ bằng cách cúi mặt xuống và lôi lên miệng một góc tà áo… Trước mặt tân lang, đó là một gái nguyên vẹn, trong sạch, nhút nhát, chưa biết gì. Đó là những điều kiện ban được cái hạnh phúc đầy đủ cho tất cả những ai là tân lang.

Chàng kêu được thấy mặt em một vài lần là rồi “phải lòng” em ngay, mà không được dịp ngỏ bày tâm sự cho nên cứ phải ôm cái mối khổ tâm yêu vụng giấu thầm. Bây giờ, lấy được em như thế này, chàng lấy làm mãn nguyện lắm, thật là ra ngoài trí tưởng tượng nữa, vì cái hạnh phúc ấy, chàng không ngờ nó lại đến một cách mau chóng dễ dàng thế. Tuy nhiên vẫn còn cả một điều làm chàng chưa thỏa mãn hẳn, ấy là hai người không vì ái tình mà lấy nhau. Thí dụ như đôi bên đã biết nhau từ trước, đã đắm say nhau, thì việc cưới xin hẳn còn nhiều thi vị nữa. Nhưng điều ấy cũng không phải là đã hết phương cứu chữa, nếu em sẽ yêu chàng. Không phải cái thứ yêu theo như công lệ, nhưng mà là thứ lòng yêu đặc biệt có đủ mọi vẻ hằn học, oẻ hoe, giận dỗi, căm hờn, của một người tình nhân. Tân lang kêu mặc dầu là vợ chồng với nhau rồi, chàng cũng vẫn giữ địa vị một tình quân mà yêu quý em, và cần em cũng đối lại như thế.

– Huyền ạ, anh ao ước rằng trong việc này thì cái bổn phận là không đáng kể. Nếu anh yêu Huyền hay Huyền yêu anh mà lại chỉ vì bổn phận thì vợ chồng mình không có tình với nhau hay sao? Bổn phận là gì, nếu không là sự bắt buộc? Mà nếu vì bắt buộc mới yêu nhau, thì hỏi ái tình ấy có giá trị gì? Lòng yêu là một điều quý hóa vô cùng, người ta kêu xin chẳng được, người ta dọa nạt cũng không ăn thua, và cả pháp luật, luân lý, lễ giáo, phong tục hợp lực nhau mà giằng buộc ái tình cũng không xong. Vậy thì anh cần em cho anh hưởng cái lòng yêu do tự tim em mà ra vậy.

À! Thì ra cái người mà mới lúc nãy em đã coi như một kẻ tầm thường ngu dại, bây giờ đã cải chính một cách đột ngột như thế vào giữa mặt em. Không một người không biết gì chẳng đời nào lại ăn nói được rành mạch đến như thế. Người này là một người từng trải rồi! Cái ngọn lưỡi ấy hẳn đã rót vào tai một số đông phụ nữ khác nhau tư tưởng triết lý về ái tình hoặc những lời đường mật tê mê. Dễ thường thứ linh hồn dạn dầy như gỗ đá của hạng gái giang hồ mà có gặp thứ lưỡi này, hẳn cũng đến xúc động, tan nát…

Và, sau cùng thì những lời ân ái ấy chỉ đến cái kết quả không tốt là gieo một sự khủng bố ghê gớm vào tâm hồn em.

Em phải thận trọng lắm mới được.

Trước cặp mắt đăm đăm ngước lên như nóng lòng chờ một câu đáp ấy, em lại cúi mặt xuống sẽ nói:

– Vâng.

Ra vẻ rất hài lòng, tân lang nhích ghế lại gần em, nhắc cái nệm nhung tròn để lại cho nhằm vào giữa lưng em, vòng hai cánh tay ôm chặt lấy em, trừng trừng nhìn em như ngắm nghía một bức họa mỹ nhân tuyệt bút, đoạn hôn vào giữa miệng em như người ta hôn nhau trên màn ảnh. Trống ngực đánh ran lên, em bỗng bủn rủn khắp người. Sau cái hôn, tân lang cứ ngồi nghiêng như thế, ngực tựa trên ngực em để khao khát ngắm nghía em mãi không thôi, thì bị em ngượng nghịu đẩy ra, vì trên đầu, vành khăn em muốn xổ… Ngồi nghiêm chỉnh lên rồi, từ đây trở đi em chỉ phải trả lời chồng về những câu hỏi về gia đình, về học lực, về bạn hữu và những câu hỏi lặt vặt lan man khác nữa mà thôi.

Kim đồng hồ chạy nhanh hơn ngựa, chưa chi chuông đã điểm chín giờ.

– Thôi, mợ cởi áo đi nghỉ kẻo cả ngày hôm nay… như thế tất cũng mệt lắm. Ngày mai lại lại còn những việc phiền phức về nhị hỉ nữa đấy, nên dưỡng sức đi thôi.

Đêm ấy sau cái mơn trớn ái ân đáng sợ, em không thấy tân lang lục lọi đến cái khăn bông hay thếp giấy bản, như đa số những ông tân lang. Chàng ngủ trước em, mà ngủ say mê mệt.

Cái lo lắng phân vân của em kéo dài ra cho đến tối hôm sau. Cứ như em nhận thấy, trong óc tân lang tất không có thoáng qua tư tưởng nghi ngờ nào. Vân những sự ôm ấp, nưng niu, hôn hít đầy những vẻ kính yêu thành thực mà một người chồng, nếu chưa hẳn là vợ còn băng tuyết, thì không thể nào vờ vĩnh yêu đương được như thế.

Và Huyền nói ngay ra đây rằng cái lối động phòng hoa chúc nửa đời nửa đoạn như thế kéo dài ra luôn trong sáu bảy đêm!

Nằm cạnh một người chồng phong tình đã làm đủ mọi trò kỳ quái với mình, vào những phút mà xác thịt em rung động, mà gân cốt và ngũ quan của em đều như thức cả dậy để đón chờ cái khoái lạc cực điểm, thì chồng em tháo gỡ ra khỏi hai cánh tay em, rồi quay lưng lại em mà ngủ. Cũng có khi nửa đêm chợt mở mắt nhìn sang bên cạnh, em thấy chồng bỏ cái giường phu phụ mà về nằm phòng riêng. Sự đời đến như thế nữa thì thật là bất ngờ! Cuộc giăng mật mà đến như thế nữa thì thật là một hình phạt! Thế thì duyên cớ vì đâu? Em phân vân quá, không thể nhất định ở một cách khu xử nào nữa, vì sự đột ngột thay đổi của chồng làm cho mọi sự trù tính của em rối loạn. Trong những phút em phải ôn đi nhẩm lại những lời chối cãi, chỉ còn chờ cái việc cuối cùng để mà quả quyết giữ vững lấy một phương diện, một cách đối phó nhất định, thì cứ gần đến lúc đi đến mục đích cuối cùng của ân ái là chồng em lại làm cho em mất phương Bắc[50], để cho em phải cứ giữ lấy cái bí mật của em. Trong bảy đêm đầu thật là những sự khiêu khích luân hồi và úp mở khó chịu. Mọi địa vị đã bị tráo lộn ngược cả. Em đã đến lúc không cần nghĩ đến cái lo đức ông chồng tra khảo, mà lại còn sắp được tra khảo đến đức ông chồng!

Và sự đời lại trái ngược hẳn với trí lo xa của em, lại bất ngờ cho cả những ai muốn lo hộ một thiếu nữ đã mất tân lúc đi lấy chồng, nghĩa là đáng lẽ em phải chối cãi hoặc thú tội một cách nhục nhã với chồng, thì trái lại, đó là chồng em thú tội với em! sắp được là ông quan tòa, chồng em bỗng hóa ra kẻ bị cáo… Một sự thay bậc đổi ngôi phi thường như thế té ra mà lại có cỗi rễ ở những sự rất thông thường trong đời: chồng em mắc bệnh giang mai!

– Không hề gì. Trong ít lâu nữa thôi, tôi sẽ khỏi. Trong ít lâu nữa, vợ chồng ta sẽ chung chăn chung gối thật sự với nhau. Mợ cứ yên tâm. Tôi vẫn đang chữa bệnh, dễ thường cũng khỏi rối, nhưng mà vì lo xa nên kiêng khem kỹ thế. Mợ đừng hở ra cho thầy me biết mà khốn đấy.

Em làm ra vẻ mặt giận dỗi, ghê tởm, đau đớn, thì chồng em an ủi:

– Ơ, đừng có thế. Tôi đã bảo không hề gì mà! Đàn ông bây giờ mà mắc bệnh phong tình, đó có là sự quái gở gì đâu! Thiếu niên mắc nhan nhản ra đấy. Mà họ còn năm lần bảy lượt. Tôi chẳng may bị lần này mới là lần đầu. Đàn ông như tôi thế là ngoan lắm, mợ biết chưa.

Thế là, từ bữa ấy mà đi, em đã có một thứ thế lực vạn năng, một cái quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm, là cái quyền xua đuổi chồng ra khỏi địa phận cái giường nằm như ta xua đuổi một thằng hủi đáng ghê tởm, gớm ghiếc…

Một thời gian mà mình có thể kéo dài ra đến vô hạn để thừa thời giờ làm lại cái tân! Muốn cho cái quyền kia được thêm to, em căn vặn chồng về việc thuốc thang chạy chữa như một người vợ cả ghen, và nhận thấy chồng không chữa thuốc Tây, em nghĩ ngay đến ông chú ruột…

Em cam đoan là chỉ đến chơi suông thôi. Chồng em có ngờ đâu rằng giữa lúc ba chú cháu đương chuyện trò vui vẻ với nhau thì bất thình lình em tố cáo cái bệnh của chồng em với ông chú. Ông đốc tờ, mới nghe xong, đã trợn to hai mắt, đứng phắt lên mà rằng:

– Chết nỗi! Sao lại thế? Anh mới lấy vợ có mươi hôm nay thôi mà!

Em chua chát đáp ngay:

– Thưa chú, nhà con mắc bệnh từ trước khi lấy con mấy tháng đấy ạ.

Rồi em đáp lại những cái lườm nguýt của chồng bằng những cái lườm nguýt khinh bỉ, tức tối hơn. Chồng em đỏ mặt ấp úng:

– Nhưng mà… Thưa chú, cháu đã gần khỏi ạ.

Ông chú đốc tờ của em lắc đầu phàn nàn:

– Khéo không mà chết lây cả vợ anh đấy thôi!

Tiện dịp em nói ngay:

– Xin chú khám ngay nhà con xem sao… Nhà con chỉ chữa thuốc ta, khỏi hay không, con biết sao được!

Ngay tức khắc, ông lang ra lệnh cho bệnh nhân sang phòng bên! Độ nửa giờ sau, hai người cùng quay ra, ông đốc tờ với vẻ mặt đắc thắng, chồng em với vẻ mặt lo sợ. Rồi chú em nói:

– Không cần thử máu, cứ trông chỗ vòng đỏ ở da sắp lặn đi cũng đủ rõ là bệnh sắp đến thời kỳ thứ nhì… Anh chớ tưởng thế là khỏi. Phải chữa ngay, nếu không, bệnh làm đến thời kỳ thứ ba thì nguy to, Nhiều người tưởng đã khỏi bệnh, chính ra vi trùng ăn sâu vào trong, vào xương tủy, chứ không phát ra triệu chứng gì cả. Nhưng lúc nó phát thì nguy rồi, muộn rồi. Có người ta đương đi mà gục xuống chết, tưởng là ngộ gió mà chết, thực ra vì trong óc đã có vi trùng giang mai. Bệnh này rất hiểm nghèo, lây cho đến ba đời con cái nếu chữa không tuyệt nọc. Những biến chứng của nó mới đáng sợ. Nhất là mai sau nhỡ mà mắc một bệnh khác nữa, vì vi trùng giang mai càng được thể hoành hành trong các cơ thể, lúc ấy thì chữa hai thứ bệnh một lúc là việc rất khó cho ông thấy thuốc.

Nhanh nhẩu cũng như những nhà khoa học khác sợ chưa được tin, chú mở ngay tủ sách lấy một cuốn để trước mắt chồng em. Em đến xem và phải kinh hãi biết bao, khi nhìn thấy những hình ảnh tô mầu vẽ những cái bẹn thủng nát, những mụn nhọt ung độc đáng ghê tởm và nôn oẹ, những cái cơ quan sinh dục cụt, sứt, loe loét, nhơ nhớp trông mà thất kinh!

Tuy nhiên chồng em còn gượng hỏi:

– Bẩm chú, thế ra thuốc ta không chữa được khỏi?

– Không đời nào! Tôi xin cam đoan với anh là không đời nào. Đáng lẽ chữa phải tuyệt nọc, thuốc ta chỉ chữa được chuyên bệnh, rồi hai ba mươi năm sau, bệnh ấy mới biến chứng, ăn lan ra những cơ quan khác, người ta tưởng nó là một bệnh khác, chính thật nó vẫn là thuộc bệnh giang mai mà thôi.

– Bẩm thế cháu chữa thuốc tây thì phải trong bao nhiêu lâu?

– Trong hai năm! Mỗi năm ba kỳ tiêm. Mà phải kiêng rất kỹ: không gần vợ, uống rượu, ăn của độc. Quần áo cũng phải giặt riêng. Phải biết rằng bệnh ấy lây rất dễ. Nhỡ mình có một mụn ghẻ, mụn lở, một chỗ đứt tay, mà rây chỗ ấy vào quần áo người bệnh, thế là vi trùng cũng vào máu mình rồi. Cho nên đại khái như anh đi hát cô đầu, anh không giao hợp mà cũng mắc bệnh. Chớ lấy thế làm lạ. Trong lúc đánh răng, người đàn bà cũng đã như mình, trót để chảy máu lợi ra, rồi thì hôn môi bú lưỡi nhau, thế cũng đủ lây rồi!

Chồng em cứ ngồi đờ người ra nghe, rất lo lắng. Bác sĩ lại nói:

– Anh nên chữa ngay đi. Nếu anh là người ngoài thì nghe hay không, cái đó thì tùy… Nhưng mà tôi là chú vợ anh thì anh nên nghe ngay đi. Tôi sẽ tính tiền thuốc thôi. Để cả hai vợ chồng cùng chữa một thể, vì cháu tôi thì tôi bắt nó vâng lời được. Chết thật! Sao anh không chờ khỏi bệnh rồi hãy lấy vợ có hơn không?

Em vội nói ngay:

– Thưa chú, tuy thế mà nhà con cũng là người biết điều. Con không có bệnh, vì từ hôm lấy nhau thì nhà con vẫn kiêng cho con…

Chú em gật gù cái đầu mà rằng:

– Thế thì tốt lắm! Nhưng mà dẫu sao, chị cũng nên thử máu đi. Bao giờ phòng bệnh cũng hơn để phải chữa bệnh. Để xem tim anh với thận anh không hề gì thì tiêm 914[51].

Rồi cuộc khám bệnh bất kỳ ấy kết liễu bằng những phát tiêm nọ kế tiếp những phát tiêm kia. Sự sung sướng của em thật không bút nào tả xiết.

Thế là em đã có trước hàng tháng, hàng năm để kiếm lại cái xử nữ mạc. Vì lẽ gì những chuyện ấy cũng khó nói, mãi em không tìm nổi mấy chất hóa học quý hóa kia. Dần dần, thời gian làm cho em thấy việc ấy cũng không can hệ gì mấy nữa. Chồng em vẫn rất mực yêu em như đã hứa, nâng niu em như một người nhân tình. Cái lỗi của chồng là một cớ chính đáng để em mặc thích hành hạ chồng em. Huyền đã không lo gì về nỗi mất trinh thì đồng thời, cái chết của Nguyễn Lưu cũng bị thời gian đem sự quên đến xóa nhòa trong ký ức. Ô hay! Thì lòng người là một cái vật quái quỷ gì nhỉ? Sao cái hôm Lưu chết thì em đau khổ thế, thì em tưởng chừng như không thể sống một giây một khắc nào nữa như thế, mà đến bây giờ thì em quên chóng thế? Em thấy em đáng giận và đáng khinh lắm, vậy mà em không có cách nào khác nữa, nếu không đáng giận, nếu không đáng khinh! Em muốn nhớ Lưu lắm, mình cố trí cũng không sao nhớ được. Em muốn đau khổ lắm, lại đau khổ như lúc Lưu mới tự tử cho phải đạo làm người, vậy mà tại sao lòng em lại cứ thản nhiên? Em muốn ác cảm với chồng em lắm, vậy mà em lại hơi có ý đã xiêu xiêu…, em lại thấy cái gì trái hẳn lại, cái gì như là thiện cảm, nếu nó chưa đích xác là ái tình. Em muốn khinh bỉ chồng em, nhưng chồng em cứ nhất mực tha thiết yêu em, mà cái bệnh giang mai đáng tởm kia lại là nguyên nhân danh giá cho bố mẹ em, nguyên nhân hạnh phúc của em! Muốn lý luận thế nào, em cũng không cãi nổi với cảnh ngộ may mắn ấy được.

Từ đấy trở đi, thì là hạnh phúc gia đình. Vì là con nhà giàu, lấy vợ rồi là vợ chồng em xin ngay đi ở riêng. Em đã thoát khỏi cái cảnh làm dâu mà không mấy ai thoát khỏi. Chỉ thỉnh thoảng gặp ngày giỗ, ngày tết, mới phải gặp mặt bố mẹ chồng mà thôi. Hai vợ chồng son ở một tòa nhà rộng rãi, đầy tớ thì một vú già với một thằng xe nữa, lại chưa biết đến bao giờ mới phải bận bịu con cái, em đã sống một cuộc đời bình tĩnh, nhàn hạ, sung sướng, không phải lo nghĩ bao giờ. Ai cũng khen em tốt số. Lương của chồng em không phải đưa về cho bố mẹ, hai vợ chồng mặc sức ăn tiêu. Chúng em cứ luôn luôn hưởng mọi thú phong lưu, kết bạn với những người ăn chơi và coi tiền như rác. Những buổi chiều vô công rồi nghề, em thắng bộ vào, ngồi trên một chiếc xe nhà sơn giả đồi mồi để những người quen thuộc đi ở dưới đường nom thấy phải thì thầm: “Kia! bà tham Kim!..”. Cậu tham Kim – chồng em – thì thật là lịch sự đủ mùi vị số tiền tiêu phiếm hàng tháng như: thuế vô tuyến điện, đĩa kèn hát, tiền kính ảnh, tiền xem chiếu bóng, tiền cơm tây, tiền thuốc bổ, thuốc bệnh, tiền đi nhảy đầm, đi đánh cá ngựa, đi chợ phiên, đi tập bơi thuyền của hai vợ chồng trẻ. Trên dưới tính ra cũng xấp xỉ sáu, bảy chục bạc lãng phí[52]. Một cuộc đời một trăm phần trăm vật chất, một trăm phần trăm tự do! Những thanh niên xưa kia đã có can đảm phải lòng em, những lúc ấy mà nhỡ gặp em đã phải… hối hận và tủi thân, em dám chắc thế. Nhưng mà em được chồng nưng niu chiều chuộng chỉ đi đến kết quả là khiến em lừa chồng mà thôi! Đây là một tờ giấy yết thị cho những kẻ làm chồng! Và cho cả những kẻ làm nhân tình nữa!

Từ khi loài người là loài người thì đã có những nhà triết học cam đoan rằng bụng dạ đàn bà khó hiểu, là nham hiểm, là khốn nạn, là không nên tin. Lại có nhà tâm lý học bảo rằng có cả hạng đàn bà phải bị hành hạ thì mới đâu vào đấy được. Phụ nữ ưa nặng chứ không ưa nhẹ, là thân con lừa. Vẫn biết rằng những quan niệm ấy không phải theo một cái luật nhất định, song nghiệm ra cũng đúng sự thực trong nhiều trường hợp. Em nói thế là vì cứ suy một bụng em mà ra…

Kẻ ở ngoài cuộc, khi thấy một người đàn bà có một người chồng khá giả, lại hết mực yêu quý vợ, mà người đàn bà ấy nỡ phụ chồng, thì họ chỉ còn có mỗi thứ tên để gọi người đàn bà ấy: con quái vật. Đã vậy thì là không còn chuyện nghĩa lý gì nữa, nên việc tìm nguyên nhân tội lỗi con quái vật của nhà khoa học, dẫu công phu đến bậc nào thì cũng chỉ là công toi. Con quái vật, tiếng ấy có ngụ những nghĩa: hư hỏng, dâm tà…

Sự thực có thế không?

Chồng em thuộc hạng người lạc quan, lạc quan một cách mù lòa không suy xét, thí dụ như có thể coi khiêu vũ chỉ là cái lịch sự, những mốt y phục luôn luôn thay đổi chỉ là những dấu hiệu tiến bộ, cho vợ tự do tiếp đãi đàn ông chỉ là yêu quý vợ theo người Tây phương. Thật vậy, không bao giờ chồng em lại lo xa rằng khiêu vũ lắm thì khiêu dâm nhiều, may mặc lắm thì việc hệ trọng khác của gia đình, sẽ phải chểnh mảng, người đàn bà được thả lỏng quá thì hư ngay. Việc gì chồng em cũng chỉ trông thấy cái hay của nó thôi, vậy mà việc gì ở đời cũng có cả hay lẫn dở, cả lợi lẫn hại.

Thêm vào sự ấy, chàng là một kẻ tự nguyện nô lệ của em. Được nâng niu quá đáng, lâu lâu em bỗng không thấy cái phải giữ cho lòng yêu của chồng sao cho vững bền như một số đông kẻ làm vợ không được chồng yêu quá đáng. Em khinh thường chồng em lắm vì em thấy rằng nếu chồng nhỡ có làm điều gì đáng trách để cho em không yêu chồng nữa, thì chồng có thể đau khổ đến mức tự tử được ngay. Ái tình, nếu nó không còn ở trong phạm vi tương tôn tương kính, thì nó không còn là ái tình. Nếu lòng yêu không còn ở trong vòng khao khát, thì lòng yêu thay đổi… Đại khái những cô gái khác có thể hết sức ham muốn địa vị của em: có một người chồng trẻ, có tiền, có danh phận, nưng hứng vợ như tây vân vân… Vậy mà chính em, em đã có những cái ấy thì em lại coi những cái ấy thường lắm và hạnh phúc của em không phải ở đấy.

Ấy đó là mấy điều luân lý người ta có thể lượm được trong cái việc em phụ chồng, cái việc mà người ta coi là “không thể cắt nghĩa được” vậy. Ngoài ra, lại còn cái vấn đề hổ thẹn cho cả loài người là sự thỏa mãn xác thịt; vì bất cứ ở một cuộc phụ tình nào, vấn đề ấy cũng chiếm một phần nguyên nhân to tát, mặc dầu đó là điều bị công nhận một cách khinh bỉ đối với nhà duy vật và không được công nhận đối với nhà duy tâm. Em có thể coi bạn trăm năm của em là hoàn toàn. Lên cái giường phu phụ, bạn không còn là hoàn toàn. Em có thể công nhận bạn trăm năm làm cho em sung sướng về đủ mọi phương diện khác, trừ một phương điện: phương diện của một người vợ.

Đã vậy, chồng em còn dại dột biết bao!

Cái dâm dục đã bị nọc bệnh hành hạ cho khốn khổ, sức rực rạo của xác thịt đã bị những con vi trùng trong máu, trong thịt, làm cho hung hăng thêm lên, đêm nào cũng vậy, chồng em cũng cố sức muốn ban cho em ái tình, mặc dầu em không muốn, không bao giờ cho phép, vì sợ bệnh, vì lẽ em mất tân. Thế là, đáng lẽ phải có cái sự nó làm ta hưởng cái khoái lạc chân chính, thì đó chỉ là những cử động làm cho tinh thần ta thêm khủng hoảng và xác thịt ta thêm khao khát nữa. Lòng dục mỗi đêm đáng lẽ phải được dập tắt một lần thì trái lại, lại bị hàng mấy trăm lần khiêu khích lên, khêu nhóm lên! Thật là trái lẽ tự nhiên, lại biết bao phi thường, nếu ta muốn kể đến cái phi thường. Cái trò nửa đời nửa đoạn ấy em chỉ muốn chồng thôi di. Chồng em không thôi. Em muốn cự tuyệt một cách quyết liệt lắm. Bị ôm trong hai cánh tay của chồng rồi, em cũng không còn tự chủ được nữa! Ấy thế là, đáng lẽ chúng em còn ăn ở với nhau cho ra vợ chồng, thì chúng em đã lại đùa nghịch nhau như một cặp tình nhân thí dụ như: anh thì sợ cái hối hận mai sau là đã làm hại một người con gái mà nhỡ ra, vì những lẽ gì mình không lấy được, chị thì giữ gìn để cho, nếu vạn bất đắc đĩ mà anh trở mặt, mình cũng vẫn còn nguyên vẹn để đi lấy chồng khác.

Em như còn thấy rõ ràng trước mắt những cảnh tượng ấy. Cái phòng trang hoàng tài tình như khêu gợi lòng xuân. Đệm êm, chăn ấm, gối thêu, xác thịt của em được nịnh hót đến nỗi tưởng chừng như giá có một cánh hoa hồng thôi, thì em cũng đau lưng mà không ngủ được! đêm nay bộ Pyjama này, đêm mai một bộ khác, tóc lại thoảng thoảng xức nước hoa Houbigant[53] chồng em chui vào chăn em một cách khéo léo làm sao, mà như thế ai nỡ cự tuyệt cho đang?…

Bằng những cách mơn trớn kỳ lạ ấy, con người đã hiện nguyên hình là con vật. Đó là người với tất cả những nghĩa lý, với tất cả những điều kiện mà Tạo hóa sinh ra. Trước mặt em, từ đấy chồng em đáng khinh bỉ hơn một chút, mặc lòng cũng đáng yêu hơn một chút. Và những cái phút khoái lạc giả dối ấy khiến em mơ màng đến bao nhiêu ảo tưởng khác, thúc giục em quả quyết lừa chồng. Điều đó dĩ nhiên lắm có phải thế không?

Trước khi lừa chồng trong cánh tay một nhân tình, chồng em đã làm một việc ghê gớm, một việc mà sau đó, chàng chẳng biết em đã mất tân, một việc đem thêm nghĩa lý cho cái việc đi ngủ với giai của em.

Sau hai tháng đầu đến cái tuần lễ thứ tám, thấy rằng mình không còn thể nào mà chịu đựng nổi những trò khiêu dâm của chồng nữa, thấy rằng chồng đương tiêm thuốc mà cứ như thế thì rất vô ích, em nhất định ngủ riêng chứ không cho con quỷ dâm ấy nằm với mình. Như thế được chừng đâu đến bốn năm đêm…

Thế là, một đêm kia, khi em đương ngủ mê man thì em thức dậy, mặc dầu chưa được tỉnh táo hẳn. Dưới cơn hăng tiết rất phũ phàng của chồng, em đã phải nằm yên như một thứ đồ chơi, mãi cho đến khi chồng em buông tha em ra, em mới chợt thấy rằng đó là một vụ hiếp dâm, thật vậy, đó là một vụ hiếp dâm hẳn hoi! Mà sau cái khoái lạc sẽ là cái gì, nếu không là sự lây bệnh!

Đối lại những lời giận dỗi, trách móc của em, chồng em chỉ nằm thở như người sắp chết. Sau cùng chàng vút xuống đất một vật gì đó rồi bảo em qua những cái thở hổn hển:

– Mợ đừng nói nữa, điếc tai tôi lắm, tôi đã bảo là không hề gì là không hề gì. Đấy, xem đấy thì sẽ biết. Tôi đã có dùng cái ấy để phòng cho khỏi gây bệnh.

Cái ấy là một vật bằng cao su mỏng mảnh giống như một cái búp đa mà trẻ con đã lột trái và để lên mồm thổi chơi. Em vứt cái đồ dùng vệ sinh ấy và gột rửa cái di tích của cuộc cưỡng bức ái ân kia một cách rất vội vàng. Em không để chồng có thể có một chứng cớ gì để xem xét rằng em còn tân hay không. Mãi đến quá trưa sau, chồng em mới trở dậy được và cũng hổ thẹn, không dám đả động đến việc đêm trước nữa.

Thoát nạn! Em vẫn giữ được cả danh dự suốt đời những cô gái nguyên vẹn, khi lấy chồng! Sự đời đã không phiền phức như em lo xa. Chừng sau việc ấy, thấy trong người suy chuyển dữ dội, chồng em thôi không tìm cách đi lại với em nữa, cố chờ khỏi bệnh. Cuộc phản bội của em hình như được khuyến khích thêm lên.

Nhưng mà tại sao người ấy lại trở nên được là nhân ngãi của em nhỉ? Việc ấy đã lâu rồi, em không nhỡ kỹ những điều tỉ mỉ nữa. Vả lại cuộc đời cũng không hiếm gì những dịp đặc biệt cho một đôi giai gái phải yêu nhau. Và khi một đôi giai gái đã ham muốn nhau thì việc tỏ tình ra với nhau cũng chẳng khó. Vậy mà em lại còn là một phụ nữ tân thời! Đối với một người tự nhận là tân thời nữ lưu, mà cái lịch thiệp về xã giao phải ăn nói, tiếp đãi một người đàn ông một cách tự nhiên hơn cả một người đàn ông nữa dẫu trước mặt chồng hay vắng mặt chồng cũng vậy mà cái trình độ tự do của ngôn ngữ có thể đến cái bậc cười nói bông đùa về đủ các vấn đề, dù là vấn đề hôn sự, dù là vấn đề nam nữ thì một anh chàng si tình mà nhút nhát đến cực điểm cũng thấy thừa can đảm để tán tỉnh, để bày tỏ lòng yêu.

Vậy mà nhân tình của em, trong khi nhút nhát một cách rất khôn ngoan, đã tỏ ra còn xa mới là người hèn. Cách thức chàng dùng để lung lạc em rất là kín đáo, đến nỗi, mỗi ngôn ngữ, mỗi cử chỉ nào của chàng, em cũng chỉ tưởng đó là sự nhã nhặn, là sự quý trọng mà thôi. Chàng đã nung nấu lòng em, đã để em từ lòng quý trọng bước đến sự yêu đương, và từ sự yêu đương đi đến sự si mê lăn lóc… Đến khi chàng hạ chiến thư, thì em đã yếu ớt đến nỗi không dám chối cãi hoặc cự tuyệt lấy vài lời cho phải phép để gọi là cứu chữa theo lối “che mắt thế gian”.

Các chị em tưởng tượng ra một chàng nam tử có nước da hồng hào tỏ cái phương cương ghê gớm của khí huyết, cái mũi dọc dừa, hai hàm răng ngà ngọc, ngực nở, vai rộng, với bộ quần áo thuộc hàng xa xỉ phẩm màu hồng, với một cái máy ảnh quý giá cầm tay, lại đứng bên một chiếc xe hơi hòm hình dáng cánh cam nữa! Đó là người “đàn ông lý tưởng” cho hết thảy những gái lãng mạn nào đương khao khát một đức ông chồng tân tiến, hoặc một nhân tình trang trọng, có phải thế không? Ngoài ra, những cái ca vát, bí tất, sơ mi, đôi găng, hoặc những cách nghiêng đầu hút thuốc, hoặc mở cửa xe hơi của chàng, lại cũng làm cho em mê man trước con người lịch sự khác đời ấy nữa. Xưa nay, em vốn không bị hoa mắt về cái hào nhoáng bề ngoài, những cái lặt vặt mà người đời khinh bỉ là vật chất… Vậy mà ngay khi ấy, những cái mầu mẽ tầm thường đã khiến con người ấy, trước mặt em, có những giá trị về tinh thần, mà nếu không được đụng chạm thân mật thì em không khám phá được ra. Có duyên thầm, ấy nói thế thì dễ mà đúng.

Ở đây, sự tự kỷ phê bình của Huyền có lẽ là không thể được. Em không còn đủ trí nhớ hòng đem phân tích cái tâm hồn của em hồi ấy nó đã rung động ra sao. Lừa chồng, em đã coi như một cái vấp, một cái trượt chân, hay một tai nạn nhỏ mọn gì mà sau đó, ta không quan tâm, không bực mình, cũng không hối hận.

Khi một người đã trượt chân một lần đầu thì cứ sa ngã mãi mà chẳng biết, khi đã đem hy sinh cho ái tình cái e thẹn thiếu nữ lúc còn ngây thơ. À! thì ra em không còn trong sạch gì, từ sau khi Nguyễn Lưu… trước khi có chồng! Sự thận trọng về e thẹn đã là sự không còn có trong lương tâm em, cho nên sau khi cho người đàn ông ấy được cái quyền sở hữu thân thể em, thì còn xa mới thấy bứt rứt hốì hận với chồng, em chỉ nghĩ sao cho xác thịt của em được đắc dụng mãi mãi.

Chàng và em lần đầu hai người gặp nhau trên vòng đua ngựa.

Giữa chốn hẹn hò của khắp mặt giai thanh, gái lịch, mà bất cứ ai cũng lặng lẽ tìm kiếm sự may mắn về kim tiền và ái tình, mà bọn nam nhi thì khoe của, mà bọn phụ nữ thì quảng cáo nhan sắc, mà một con đĩ cũng được bắc ngang hàng với một thiên kim tiểu thư, mà một thiếu nữ đức hạnh, trong chốc lát, cũng có những cái khao khát của gái đĩ, mà cả một xã hội trưởng giả đã phô bày những cái ngông cuồng vô luân lý của nó một cách quá đỗi ngạo mạn, phải, giữa các sòng bạc chính thức ấy, tại đó người ta đem cả cái đạo làm người ra phó thác cho ông thần May Rủi để hòng tuyển trạch lấy một cái hạnh phúc cá nhân nó luôn luôn làm cách mệnh với nền tảng đạo đức của đa số mà loài người đã hiện nguyên hình là một tụi bợm đĩ dưới hình thức choáng lộn, và tiến bộ, văn minh, vâng giữa một chỗ ăn chơi của bọn bợm đĩ thượng lưu, em xin kêu van những ai còn có đủ can đảm để hỏi đến đức hạnh của một người đàn bà!

Ngồi trong khán đài nguy nga lẫn lộn với bọn nam nhi cũng đánh phấn, bôi môi gần như đàn bà, và bọn đàn bà thì nhờ những mốt y phục tối tân kỳ lạ nó phô phang cả đùi lẫn ngực ra dưới làn voan mỏng một cách rất lịch sự, trong khi đức ông chồng để miệt mài tâm trí vào mấy vé cá ngựa về cái giải Long champ[54] hai nghìn hai trăm thước, trong óc hẳn còn rối loạn những Double évent với Triple évent[55] những Pégasec với Orchidéc[56] em để ý đến một chàng âu phục chải chuốt, đôi ống nhòm viễn kính đeo ở ngực, cái máy ảnh Contax cầm ở tay, tuy là người An Nam nhưng dáng diệu y như của một dân Ba Lê, được đi đi lại lại dưới sân cuội với những gót ung dung của người đã lăn lộn nhiều trong vòng đua nên không phải rối trí như những kẻ tập sự, ngựa chưa chạy mà cũng đã ngồi không yên và đứng không vững. Em ngờ ngợ chợt nhớ ra rằng lúc em mới bước chân vào vòng thì người ấy đã chụp ảnh em, em nhận thấy rằng mỗi khi đàn ngựa về, người ấy chỉ khẽ nâng máy ảnh lên mà lanh lẹn bấm, rồi gật gù cái đầu ra vẻ thích chí lắm. Người ấy có một vẻ đặc biệt; cả một vòng đua bữa ấy không có ai sang bằng.

Khi mãn cuộc, chồng em đỡ em đứng lên, vẻ mặt buồn như của người đi phúng đám ma. Chàng nói lải nhải những gì em cũng chẳng để ý. Hình như chàng kêu đã mất ăn cả mấy giải kép, thua vài chục bạc, chỉ được một cái Pari Mutuel là bốn đồng[57]. Từ đấy đi ra két cứ tự mình lại mắng mình là ngu hơn con lợn. Em chỉ để ý đến cái người đàn ông đáng để ý kia mà thôi. Thấy người ấy lĩnh được tập giấy bạc khá dầy, tự nhiên em bỗng đem lòng kính phục ngay, và lại thấy chồng là đồ vô tích, sự, đáng khinh bỉ, (nhất là khi đã là chồng mình mà lại thua cá ngựa càng đáng khinh bỉ lắm). Ấy thế là cái mầm phản trắc, cái tư tưởng lừa dối đã nhóm lên từ đấy, vì em đã trong vòng mấy chục bước đường, đem tài trí của chồng ra so sánh với của một khách qua đường.

Sau khi cả hai cùng lĩnh tiền xong rồi, thì nhờ lúc bọn con bạc đã giải tán đi nơi khác, hai người bỗng ngả mũ chào nhau, bắt tay nhau. Rồi chồng em giới thiệu:

– Bác Tân, người bạn học của tôi… Xin trình bác: đây là nhà tôi.

Em cúi đầu chào lại rất kính cẩn, và thấy hình như trong lòng có một mừng rỡ mà nguyên do không được rõ rệt, hình như “Một người như thế” mà lại là bạn cũ của chồng em thì danh giá cho em lắm. Từ đấy mà đi, em để hai người trò chuyện vui vẻ với nhau, chỉ lắng tai nghe.

– Thế bây giờ thì đã thành ra cái gì rồi?

Người ấy cười rộ mà rằng:

– Thành ra cái thằng ăn hại xã hội chứ còn thành ra cái quái gì nữa!

Chồng em đỡ đòn:

– Nếu cứ được thế mãi là nhất. Tôi chỉ muốn có thế mà không được!

– Thế anh thì anh ra cái gì?

– Viên chức. Ăn hại nhà nước.

– À thế là ngân sách trùng![58] Nói chứ, chóng quá nhỉ? Mới ngày nào chúng ta còn đi học thì cứ cãi nhau như hai gái lấy một chồng ấy!

– Thế được mấy cháu rồi?

– Đã có vợ đâu mà có con!

– Chà, sao mà kén kỹ thế?

– Kén chọn gì đâu! Ai lấy mà lấy!

Thế rồi hai người nói chuyện cá ngựa. Em nghe chẳng hiểu gì cả, vì thấy nói toàn những Cléopâtre, Orion, Reine Margot, Pacifique, Limier[59] vân vân. Vì đi với chồng lên sòng đua là để xem thiên hạ ăn mặc ra sao, những ai đẹp hơn mình, những người nào sang trọng thế nào, có bao nhiêu người chụp ảnh mình, hoặc có vẻ ham muốn mình, đại khái có thế thôi chứ không phải để đánh bạc, nên em không nghe chuyện nữa. Mặc kệ cho hai người bàn tán với nhau, khuyên bảo lẫn nhau, hẹn hò với nhau. Có điều đáng chú ý: người bạn rất thạo đời. Sành sỏi lão luyện hơn chồng em! Nhiều lắm!

Khi lên đến đường đê Parreau[60] thì không còn một chiếc xe cao su nào cả. Chồng em vừa phàn nàn thì người bạn ấy đã nói:

– Được, tôi có xe, để xin tiễn hai bác về tận nhà.

Thế rồi người ấy đến một chiếc xe hơi hòm kiểu tối tân, vứt cho đứa trẻ gác xe một hào bạc[61] mở cửa xe mời vợ chồng em như một người tài xế, rồi lên ngồi cầm lái xe. Chẳng rõ có phải vì trên xe có một người đàn bà đẹp mà người ấy hóa ra ngông ngông, vì đà xe chạy trong thành phố mà mở đến số 60, khiến em cứ lo sợ mất mật. Khi xe đỗ trước nhà, em bước xuống và nói một câu mà em cho là có duyên lắm:

– Ngồi nhờ xe bác mà về đến nhà mới biết là mình còn sống đây.

Chàng cười mà rằng:

– Thưa bác, nếu không để đi nhanh thì dùng xe hơi làm gì? Tuy vậy bao giờ tôi cũng rất cẩn thận.

Chồng em rối rít:

– Anh vào chơi một lát đã, anh! Vào qua cho biết cửa biết nhà, chớ bạn cũ với nhau, sao lại thế!

Chàng vào. Em tưng bừng pha chè, lấy thuốc một cách rối rít, vì em thấy bạn cũ chồng là một thượng khách đáng kính trọng hết sức. Hai người lại bàn về cá ngựa trong hồi lâu, hẹn hò nhau đến chủ nhật sau sẽ đánh chung lưng nhau. Khi cáo biệt, người bạn lại hứa sẽ đem xe hơi đến đón vợ chồng em nữa.

Bữa cơm chiều hôm ấy, chồng em tuy cũng có buồn vì thua bạc thật, nhưng lại vui vẻ được ở chỗ khoe cho vợ nghe những đức tín của một người bạn cũ mà sau mười năm mới lại gặp mặt. Nhờ những lời tiến cử ấy em mới biết rằng Tân là con một ông tổng đốc rất giàu có, đã sang Pháp du học, đã có bằng tú tài, và chẳng phải làm một nghề gì cả vì ông bố có tại Hà Nội tới hai mươi nóc nhà cho thuê. Tân đã lấy vợ từ năm 18 tuổi, đã bỏ vợ, rồi đi du học và sau khi ở Pháp về thì cũng chưa lấy ai cả. Tân cứ sống một mình để hưởng hết mọi cuộc lạc thú ở đời. Chồng em kết luận:

– Thật là một người sung sướng nhất đời! Có danh vọng, có học thức, có tiền bạc lại không phải làm việc cho Tây, lại không bận bịu vợ con! Tự do đủ mọi đường, sướng thật.

– Nhưng mà chắc chơi bời lắm… Trông mặt cũng đủ biết.

– Điều ấy tôi không rõ, vì bao lâu nay hôm nay anh em mới lại gặp nhau… Nhưng mà chắc hẳn thế. Người con giai thời buổi này, ai mà không ăn chơi? Ở vào địa vị anh ấy mà không ăn chơi thì làm Thần giữ của à?

Đêm hôm ấy, nằm trong sự ôm ấp của chồng em đã không sao xua đuổi được sự mơ màng, ao ước, và tưởng tượng rằng đó là em nằm trong cánh tay Tân. Trinh tiết với chồng? Thì em đã mất tân trước khi lấy chồng rồi, còn gì? Như vậy, tuy người ngoài không ai biết, nhưng mà em, thì em phải biết! Và lại phải luôn luôn nhắc với lương tâm của em rằng cuộc đời em thế là hỏng rồi. Tự mình lừa dối mình, tưởng mình là trong sạch, làm như vậy nó hèn hạ thế nào ấy! Không, em không còn trong sạch gì nữa, mà nếu em chối cãi điều ấy với lương tâm thì em khốn nạn lắm, mà lòng tự ái của em cũng không cho phép em thế! Mà đã không là một người đoan chính cao thượng từ đời nào mất rồi, thì hỏi giữ gìn đức hạnh nữa mần chi? Không bao giờ như đêm ấy sự hư hỏng nảy mầm trong óc một gái đã có chồng, mà lại có những nghĩa lý chính đáng đến như thế.

Và những ý nghĩa ấy khiến em lại tưởng đến Nguyễn Lưu! Tức thì cảnh tượng quyên sinh của Lưu thình lình lại hiện ra trong trí nhớ của em, rõ rệt như trên màn ảnh. Cái đầu ngã về phía sau, cái miệng be bét những bọt đen, hai mắt hé mở và đỏ ngầu, cả thân hình nằm theo dòng sóng sượt của một người yêu em, đau khổ đến chết vì em, của người đáng lẽ là chồng em, đáng lẽ có em là người vợ trung thành suốt đời, và cho em được một người đàn bà trong sạch ở đời! Người tự tử ấy đã bị giết! Mà kẻ sát nhân ấy chính là người hiện giờ được là chồng em, đương ôm ấp em, một cánh tay vòng dưới cổ em, bàn tay kia trên ngực em, một bên chân gác một cách trịnh trọng lên bụng em! Em tháo gỡ khỏi sự ôm ấp của chồng, đẩy cái chân ấy ra vùng ngồi nhỏm lên, thấy chồng em đáng căm hờn, đáng giết chết, và thấy mình đáng ghê tởm! Ô hay! Thế em có còn là giống người hay không? Sao mà em lại ăn ở với một người như thế, trong một thời hạn như thế, sau một tấn bi kịch như thế? Em với quả bấm mở đèn, ngơ ngác nhìn bên chỗ em nằm. Tuy bị em đẩy ra, chồng em lúc ấy cũng vẫn ngủ say, lại nằm co ro trông rất bần tiện, mà ngáy to như một anh phu gạo, mà rãi rớt ở mồm đương chảy ròng ròng xuống nệm! Em bĩu môi. Em bĩu môi. Em nhớ đến những đêm ái ân ô trọc mà chồng em đã dùng đến cả cái lưỡi một cách đê tiện biết bao, bẩn thỉu kể biết bao, đáng bỉ biết bao!

Đồng hồ ngân nga buông mười hai tiếng đĩnh đạc, làm cho em thấy lạnh, và thấy gian phòng rộng quá.

Ngồi trong chăn, bên chồng, mà em thấy em như cô độc, thiếu tình yêu, khao khát sự an ủi, kẻ đau khổ nhất đời.

Chán chường, mê mệt, bâng khuâng, em ngáp đài, và vươn vai.

Sau cùng em lại tắt đèn đi, nằm xuống, kéo chăn lên kín đầu, ôm chồng mà em tưởng tượng đó là Tân. Cuộc ngoại tình bằng tinh thần!

Ấy đó, hai anh đã hiểu một người đàn bà đã có chồng, một người đàn bà tử tế, và danh giá nữa, mà trong một đêm, đã có cái nghĩ ngợi của một gái giang hồ, thì có cái tâm trạng phiền phức rắt dễ hiểu ra sao.

Chủ nhật sau, một sự tình cờ làm chồng em phải về quê. Trước khi ra đi, chồng em dặn phải xin lỗi Tân, nếu Tân y hẹn đem xe hơi đến đón. Buổi chiều hôm ấy, Tân đến đón thật, và đã trúng kế của em, nghĩa là bước vào nhà giữa lúc em đương mở tủ gương lấy cái áo dài, nghĩa là giữa lúc nước da trắng nõn của em ẩn hiện trong làn nhiễu mỏng của cái áo cánh có đường hằn của coóc-xê, và cái quần trong… Tân đã sửng sốt ngơ ngác như là bất cứ người đàn ông nào cũng đã phải lúng túng như thế. Sở dĩ em bầy trò ra như thế là bởi óc đã nhiễm phải ảnh hưởng của mấy tờ báo mà ngày nào người ta cũng bàn bạc om sòm về các ngôi sao chớp bóng, về cách trang điểm Âu, Mỹ, cách kẻ lông mày của Mailène Dietrich, cách… khiêu dâm của Crawford[62] mà người ta cứ viết thẳng một cách ngây thơ chẳng ngượng ngòi bút là sex-appeal[63]. Làm thế, em cũng chỉ phô cái tính cách sex-appeal như một ngôi sao thôi, chứ có gì!

Sau khi cúi đầu đáp cái chào của Tân rồi, em lại quay vào tìm áo trong tủ, và dềnh dàng đủ cho Tân được tự do ngắm sự… sex-appeal của em ở sau lưng em. Mãi em mới khoác áo dài lên vai quay ra, nói:

– Thưa bác, mời bác hãy ngồi chơi.

Tân ấp úng:

– Bẩm, thế ra bác giai lại không có nhà?

– Vâng nhà tôi có việc vội về quê, bảo tôi xin lỗi bác.

Tân đứng tần ngần hồi lâu rồi:

– Thế thì ra tôi lại phải đi một mình.

– Vâng hãy mời bác ngồi chơi xơi nước.

– Thôi, bác cho phép…

Tuy nói thế, Tân vẫn cứ đứng. Em cũng đứng ngây ra nhìn Tân và vẻ lúng túng không biết có nên tiếp bạn chồng khi vắng nhà không! Sau cùng, Tân ra thẳng vì em cũng không mời thêm lời nào nữa.

Ngồi lại một mình em sung sướng. Em đã làm cho một người phải ham muốn em, ngây ngất trong ba phút, bằng cách khiêu dâm… Không bằng, sex-appeal, nói thế hơn, vì nói tiếng mẹ đẻ thì việc ấy mất hết thi vị, không có vẻ mỹ thuật nữa, mà lại dâm đãng một cách bản xứ, mặc lòng nghĩa lý của hai thứ tiếng vẫn chỉ là một. Cái thần bí của ngữ loại, của danh từ! Vạn tuế cho bọn “văn sĩ” của mấy rạp chớp bóng!

Bữa cơm chiều hôm ấy, hai vợ chồng em đã có tiếng bấc, tiếng chì, về sự em “sơ suất” trong khi tiếp đãi Tân. Chàng vừa lùng bùng thức ăn trong mồm vừa lầu nhầu.

– Mợ như thế thì khỉ thật! Tôi không ngờ đấy!

– Sao? Tiếp đãi thì cũng đến thế thôi, chứ còn thế nào nữa? Cậu vừa vừa chứ!

– Thôi im đi, đừng cãi nữa! Người ta lịch sự như thế, lại đem xe hơi đến đón tôi, mà tôi đã nhận trước với người ta, mà mợ cứ cãi, thì chó cũng không nhịn được!

– Thế cậu không có nhà thì tôi làm thế nào?

– Thì mợ cứ tiếp người ta cho mặn mà hơn nữa thì đã sao? Mợ là nhà quê đấy à? Mợ ngu đần xưa nay à? Mợ chưa tự nhiên mà tiếp khách bao giờ à?

– Nhưng mà người ta chưa thân ạ.

– Người ta là bạn học cũ của tôi, mợ nghe ra chưa?

– Nhưng mà người ta giầu! Tôi không muốn có vẻ nịnh hót!

– Thôi câm đi, ngu! Nó giầu thì mình nhờ vả nó à? Nói thế thì thà vạch đầu gối ra mà nói!

– Cậu vừa chứ, cậu đừng áp chế!

– Này thôi đi, đừng giở bình quyền! Tân thời mà thế thì nhục, thì phí cả hai tiếng tân thời! Tân nữ lưu mà không biết tiếp một người bạn chồng cho lịch sự, mà không hiểu biết cáo lỗi cho chồng, khi chồng có lỗi… Lại không mời được người ta một chén nước, một điếu thuốc!

– Tôi chỉ nhà quê thế thôi!

– Thế mới câm đi, đồ ngu!

Rồi từ đấy cho đến hôm sau, vợ chồng em hờn mát lẫn nhau, không ai nói gì với ai. Em rất sướng thầm, vì từ lần sau trở đi nếu Tân có đến, thì em sẽ được tự do đủ đường mà không sợ chồng nghi ngờ gì nữa. Thì ra hễ cứ gian ngoan một chút là sự gì ở đời cũng phải thành. Vẫn không chịu nhận lỗi cũ, em chỉ lẳng lặng chữa cái tính nết của em. Một tháng sau, khi đã tiếp xúc với Tân vài ba lần nữa rồi, khi sự xã giao đã đủ thời giờ đem đến cho chúng em vẻ thân mật rồi, thì tình cờ một buổi sáng chủ nhật chồng em không có nhà. Tân cũng đến chơi. Em đã tự nhiên chuyện trò thân mật với ông bạn quý của chồng em đúng như chồng em đã muốn. Trong hai giờ đồng hồ, hai bên đã nói đủ mọi chuyện, và giá có thể nghe lỏm được cái tự do của những ngôn ngữ, ắt cậu tham Kim cũng muốn thà vợ cậu ta cứ là người đàn bà cổ hủ cho xong!

Mải nói những chuyện nắng mưa vô vị, một dịp may cho Tân được phép kể lể với em tâm sự của chàng… À, thì ra bao giờ giai gái phải bả nhau cũng từ một con đường ấy mà đến. Khi em có ý chê Tân là khó tính, thì chàng buồn bã nói:

– Chị xét đoán tôi nhầm cả. Tôi không kén chọn kỹ lưỡng một cách quá đáng bao giờ. Nếu mãi đến bây giờ mà tôi chưa có vợ là vì tôi có một quan niệm ái tình khác hẳn với đại đa số.

Em cười rộ, nửa thật, nửa đùa:

– À, anh Tân sắp triết lý đấy! Thế thì hay lắm, tôi sẽ vui lòng nghe lắm.

– Vâng, chính thế. Tôi, tôi cho mục đích của ái tình không phải là hôn sự. Chị há lại không thấy rằng bao nhiêu người say mê nhau rồi thì sau khi thành vợ chồng, lại chán nhau, hết yêu nhau đó hay sao? Việc bách niên chỉ là một điều khuôn phép, chứ ái tình mới là lý tưởng. Cái gì đã là lý tưởng thì không thể đem nó mà giam hãm vào khuôn phép được nữa. Đã thế thì, nếu lấy nhau để mà hết yêu, thà không lấy nhau để cứ mãi mãi khổ vì nhau, nghĩa là yêu nhau!

– Anh nghĩ thế thì còn người đàn bà nào dám yêu anh nữa?

Đến đây, Tân đứng lên, buông xuôi hai tay, thở dài…

– Ấy đó là mối khổ tâm của tôi. Chẳng nói hạng phụ nữ đứng đắn làm gì, ngay cả đến bọn gái giang hồ mà tôi cũng không thấy yêu nữa.

– Sao vậy?

– Vì họ cứ muốn tôi lấy họ làm vợ. Họ không hiểu rằng tôi sợ hôn nhân lắm, vì khi đã thành vợ chồng rồi, thể nào người ta cũng ăn ở với nhau chẳng ra cái quái gì. Chị Kim ạ, tôi tin hôn nhân làm hại ái tình cũng như kẻ mộ đạo tin có Thượng Đế vậy.

Tân ngồi xuống, nghiêm nét mặt hỏi vặn em:

– Sao lại không? Khi đã yêu thì phải bỏ hẳn cái quá khứ. Tôi yêu gái giang hồ được, vì tôi nghĩ rằng ở đời này không làm gì có sự trinh tiết về tinh thần. Không bao giờ, một người đàn ông lại được yêu một cô thiếu nữ nào trước khi yêu mình thì chưa hề yêu vụng giấu thầm ai, dù là trong một giờ, dù là trong một phút.

Đã thế thì gái giang hồ có tội gì, nếu chỉ là sự trinh tiết của linh hồn là đáng kể, mà xác thịt là không? Nếu tôi yêu gái giang hồ là vì việc tôi được gái giang hồ yêu sẽ có giá trị hơn ái tình ở một người thượng lưu. Chỉ gái giang hồ mới biết so sánh. Vì gái giang hồ đã từng trải trong sự đánh giá của người đàn ông, cho nên ái tình của gái giang hồ càng có giá trị, không thể ngờ vực được. Nói thế thôi hẳn chị đã hiểu rồi.

Em ngẫm nghĩ rồi đáp:

– Anh có những tư tưởng lạ lắm.

Tân đứng lên, chán nản:

– Có lẽ tôi điên. Chị xét cho: từ lúc tôi mới thành người, tôi đã đau khổ về tình rồi. Tôi yêu người ấy, tôi lấy làm vợ, rồi hôn sự làm hỏng ái tình của chúng tôi, đến nỗi người ấy hỗn láo với tôi, đến nỗi chúng tôi bỏ nhau! Mà không phải người đàn bà ấy ngoại tình, chị có hiểu cho như thế thì mới thấu triệt cái nguy hiểm của hôn sự. Từ đấy, tôi chán đời vô cùng…

Em cười khanh khách và tìm câu an ủi:

– Thế mà nhà tôi vẫn khen anh sung sướng nhất đời đấy.

– Anh ấy cũng lại nhầm!

Chàng cầm lấy mũ để báo trước sự muốn cáo lui, rồi tiếp:

– Tôi mà lại là người sung sướng nhất đời! Mới ra đời đã đau khổ vì tình. Đã lôi thôi về vợ con, không được sống cái đời tầm thường của thiên hạ nữa! Mười năm nay rồi, vết thương kia cũng vẫn chưa khỏi! Tôi bị nhiễm nhiều lắm không có chí học hành gì nữa, chẳng làm được việc gì vĩ đại, chỉ ăn chơi vô lý thôi! Đấy chị xem: tôi có tiền, có sức khoe, có gia thế, có chút học thức nữa, mà tôi không bao giờ vui! Cái gì tôi cũng có, chỉ chút lòng yêu là không có! Tôi sang đến bên Tây cũng không tìm nổi một người đàn bà! Vả lại, tìm sao được? Hình như người ta ai cũng đều có một số mệnh đã vạch sẵn. Chà! Người mình muốn yêu thì không được yêu được mình, mà lại chỉ những người mình không yêu mới cứ đòi yêu nhau! Yêu nhau thì phải hiểu nhau… Mà hiểu nhau không phải dễ như thiên hạ tưởng, vì tôi hiểu chữ “hiểu” khác hẳn thiên hạ. Thôi, mãi anh ấy chả về, xin phép chị cho tôi cáo lui.

Nói rồi, Tân bắt tay em rồi ra đi. Mỗi lần chàng đến chơi hoặc ra đi, là động cơ chiếc xe hơi lại nổ ran, cũng như trái tim em hồi hộp.

Từ bữa ấy, thỉnh thoảng em lại nhè những lúc chồng em phải đến nhà ông chú tiêm thuốc thì lại hẹn Tân đến chơi. Sau những khi thấy vợ tự nhiên như đầm, đáng mặt phụ nữ tân thời, nghĩa là bạo dạn tiếp đãi Tân cho thân mật, thì chồng em tỏ vẻ sung sướng lắm, một lần chàng khen em như thế này:

– Tốt lắm, thế là rất phải! Tu es devenue très femme du mondel![64]

Rồi thưởng vợ bằng một cái hôn rất kêu.

Quả thế, chàng không hề ngờ vực chi cả! Chàng không biết rằng cái ngụy trang kia đã rành rành, vì Tân cứ đến ăn cơm luôn, cứ mời mọc tiệc tùng luôn, vì Tân và em vắng mặt nhau thì nhớ nhau, mặc lòng chưa ai ngỏ cho ai rõ. Về phần người chồng thì còn xa mới chợt nghĩ đến tấn kịch bạn và vợ có thể xẩy ra được dịp khoe với thiên hạ một ông bạn có chiếc xe hơi vẫn đón mình là phỉ chí mà thôi. Và lại cứ khôn ngoan như em thì chồng nào phải ghen nữa!

Cuộc đụng chạm ấy kéo dài trong một tháng thì một hôm Tân yêu cầu chồng em cho phép em được đi thăm cảnh Tam Thanh với một người bạn gái của chàng.

– Anh Kim ạ, đó là vợ một người bạn đã quá cố của tôi, góa chồng đã sáu năm nay nhưng vẫn ở vậy thờ chồng nuôi con, mà đã muốn tôi dùng xe hơi đưa đi xem phong cảnh đường rừng mà tôi cũng đã hứa rồi, mà trước kia chưa tiện dịp. Vậy thì anh cho phép chị ấy cùng đi, gọi là hai người đàn bà có bạn đi đường với nhau cho vui, và cũng để tôi khỏi bị mang tiếng thị phi của đời trong tình bạn hữu…

Không suy nghĩ trước sau gì cả, chồng em hí hửng nói liền:

Mais avec grand plaisir.[65]

Tân lại dõng dạc nói:

– Nếu anh không phải đi làm thì tôi mời cả hai vợ chồng anh. Nhưng người bạn gái của tôi lại không chờ được đến ngày nghỉ, vì ở Ninh Bình lên Hà Nội có vài ngày thôi.

Chồng em lại gật đầu lia lịa:

– Được! Được!

– Thế sáng mai, bảy giờ thì xin chị tham đã sẵn sàng cả rồi, tôi đánh xe đến, chị cho bà Hội uống một chén nước nóng để giới thiệu lẫn nhau, rồi chúng ta đi ngay nhé? Đi mất độ ba giờ, về ba giờ, và bốn giờ thăm động, nghĩa là sẩm sẩm tối mai thì đã ở Hà Nội rồi.

– Phải! Mà khi tôi giao vợ tôi cho anh thì anh phải cẩn thận tay lái nhé? Đường Lạng Sơn, những rừng với núi, anh đừng nên phóng bạt mạng…

– Anh đừng lo! Xe tốt chả sợ gì. Thưa chị, thế chị vui lòng nhé?

Em hững hờ đáp:

– Vâng.

Tân cáo lui, bị lưu lại thì lại nói:

– Chết, phải cho tôi đi ngay mới được, vĩ tôi còn phải sửa soạn. Phải mua một ít thức ăn đồ hộp, lại phải đi lắp cuộn phim để chụp một ít ảnh kỷ niệm chứ! Thôi, chào chị, chào anh, đến sáng mai.

Thế là vợ chồng em lại cãi cọ nhau. Chính em đã gây ra cuộc hục hặc ấy, và vì lẽ gì tưởng không phải cắt nghĩa nữa. Tuy trong bụng, em đã sướng mê tơi, nhưng em cũng cự chồng:

– Cậu lạ quá! Sao mà dễ dãi quá thế?

Chồng em ngẩn người ta hồi lâu rồi hỏi:

– Sao? Mợ không muốn đi à? Ngày mai mợ có bận gì đâu?

– Không phải tôi bận, nhưng đi xa thế, lại không có cậu, rất bất tiện!

– Những ba người thì việc gì mà bất tiện?

– Nhưng mà tôi thấy việc ấy nó thế nào ấy!

– Vì mợ còn hủ bại lắm chứ sao nữa!

– Việc là việc tôi nhận lời hay không, ít ra cậu cũng phải hỏi ý kiến tôi đã chứ? Sao cậu lại nhận lời ngay một cách hấp tấp dễ dàng quá thế?

– Không nhận lời ngay thì ra tôi nghi ngại gì bạn tôi à? Thì ra tôi sợ mợ không là người đứng đắn à? Nghi hoặc thì là người cả ghen! Thế thì lọ lắm! Sống cuộc đời mới, theo Âu hóa, thì không được nghi ngờ như người cổ hủ. Tôi tưởng giá tôi có cho mợ đi một mình với anh Tân cũng không sao! Để mợ nói thì còn gì là lịch sự nữa! Lại từ chối phắt ngay đi rồi chứ còn gì!

– Thôi đĩ, cậu cũng nên văn minh vừa chứ!

Chồng em đập tay xuống bàn, gắt:

– Thôi đi, mợ cũng hủ bại vừa chứ! Đừng nói nữa! Đồ ngu! Chồng càng tin cậy, càng quý hóa bao nhiêu, thì lại càng mắng chồng bấy nhiêu à?

Em vội xin lỗi. Rồi, mười phút sau, vợ chồng lại hí hửng với nhau, hôn hít nhau, y như trẻ con. Một người vợ sắp phụ tình hoặc đã ngoại tình rồi, lắm khi lại thình lình có những phút cảm hứng đột ngột khó hiểu để yêu chồng nồng nàn hơn khi mầm phản gián nẩy ra trong óc, cho nên sau khi được mắng em là đồ ngu – sự ấy xẩy ra rất ít – mà rồi lại được em ôm ấp rất thân mật, anh chàng cảm động vô cùng, cũng đáp lời ái tình của em một cách hùng hồn như vào buổi tân hôn. Ôm cái đầu bóng nhoáng những sáp thơm ấy vào lòng, em đã thấy chồng em hình như hoàn toàn, vì theo ý riêng của em, người chồng hoàn toàn phải là người chồng vô tâm, hết sức tin vợ, mù cả hai mắt và điếc cả hai tai nữa, hoặc nếu không đui điếc thì ít ra cũng phải để cho vợ có dịp thuận tiện để ngoại tình! Thì ra chồng em có đủ cả những điều kiện ấy, mà lại có những đức tính ấy một cách kín đáo, rất mỹ thuật nữa vậy.

Sáng hôm sau, em trở dậy sớm, thân thể khoan khoái, linh hồn đầy những thiện cảm với sự sống, mặt mũi như bông hoa vừa được ít mưa xuân. Những cách trang điểm nghĩ trong cả đêm trước cho xứng đáng với cuộc du lịch, khiến em chỉ tốn có độ nửa giờ trước bàn gương thôi mà đã biến hình ra một nàng tiên hợp thời trang đặc biệt. Chao ôi! Ngày hôm nay hẳn Tân phải hết sức ngạc nhiên ở chỗ em xinh đẹp hơn mọi ngày nhiều! Nào! Để xem cái bà Hội nào đó có còn trẻ không, có đẹp hơn không? Và có là nhân tình bí mật của Tân hay chỉ là một người bạn gái chân chính của Tân mà thôi! Sự ghen tuông bóng gió – phải chưa chi đã cái nết ấy – với những sự mơ màng tiểu thuyết về cuộc du lịch đặc biệt nó đã hứa những cái thi vị của phong cảnh thiên nhiên, rừng với núi, gió với mây, hang với đèo, lạch suối, cùng với một người đàn ông có xe hơi, có máy ảnh, tuy phải lòng mình chưa mình không biết, nhưng quí trọng mình lắm, thì chắc rồi, có lẽ sẽ yêu mình một khi đã lên tới Tam Thanh; ngần ấy tư tưởng về cuộc tình duyên vụng trộm hình như đã chạy cả lên mặt mũi em, khiến em có cái thần thái linh hoạt đặc biệt của những người đàn bà mà ái tình đương đợi. Và chồng em nếu bắt gặp cái tinh thần của em lúc ấy, hẳn cũng phải kinh ngạc rằng đã thích đi chơi thế, sao tối hôm trước em còn gây sự cãi nhau.

A! tiếng vo vo của xe hơi, Tân đến đây rồi! A! Bà Hội! Gớm cái áo nhung đẹp nhỉ! Cũng còn trẻ đấy, cũng không xấu đâu! Họ vào… Kìa! ông tham Kim vẫn chưa buộc xong đôi giầy của ông! Họ vào…

– Kính chào ông bà.

– Không dám! Mời bà vào chơi.

– May quá chị đã sửa soạn xong! Chứ thấy các bà ấy còn ngồi phấn sáp thì tôi lo quá đi mất!

Tân nói xong trỏ ghế cho Hội ngồi. Em rót mấy chén nước chè sen, đẩy về phía Tân bao diêm và gói thuốc lá Camel. Bà Hội nghển cổ nói:

– Hoài của, giả sử gặp ngày nghỉ mà ông đi chơi cùng thì vui quá nhỉ?

Chồng em, lúc ấy đã buộc xong giầy, đứng lên đáp:

– Tôi rất lấy làm tiếc đấy ạ.

Vừa lúc ấy thằng xe nhà đã lững thừng đi ra, cái nón ôm khư khư trước ngực. Chồng em nhìn lên đồng hồ, sợ hãi hấp tấp mà nói rằng:

– Chết chửa! Trưa rồi, thôi xin lỗi bà, xin lỗi bác, hôm nay ông sếp dặn tôi đi sớm, chẳng may quá!

Rồi người chồng hoàn toàn ấy vui vẻ ra đi.

Ba giờ sau, thì chiếc xe hơi đã chạy cong queo quanh những sườn non thuộc địa phận tỉnh Lạng. Em đã trông thấy cảnh đường rừng! Con đường quanh co uốn khúc chạy ngược lại về phía mình, những bảng tròn hoặc tam giác báo hiệu những chỗ rẽ hiểm trở, những đàn trâu trắng khổng lồ dồn nhau đứng nép vào sườn núi khi thấy còi xe, những anh Mán tránh xe một cách sợ hãi và cẩn thận hơn bọn người Kinh, những cây cổ thụ bên đường, những ngành đá mà núi giơ ra trên mui xe như muốn để rơi xuống, những cái lạch ở vực sâu thăm thẳm mà dòng nước thì có vài ba thứ máu không trộn lẫn nhau, những cái guồng tát nước khổng lồ và kỳ quái, những lớp nhà sàn đầy thi vị ẩn hiện trong những bụi lau, những cái cây bám vào những mỏm đá ngất ngưởng chót vót trên đỉnh núi, những đám mây đen sì đầy chướng khí bị vướng trên những sườn non, thật vậy, những cảnh ấy tuy nhoáng nhoáng ở hai bên cửa kính của hòm xe như những phim thời sự ngắn ngủi trên màn ảnh, mà cũng không bao giờ phai lạt trong trí nhớ của em. Vì sao? Vì người “tài xế” có cái mũ Mossant mầu da trời, với bộ quần áo kiểu trèo núi, với đôi găng bằng da hươu trắng, mà giỏi lắm, vì cho xe chạy nhanh lắm, mấy lần tưởng chết mà lại không sao cả, đã làm cho em muốn đứng lên để bá cổ mà thưởng cho mấy cái hôn, nếu không có bà Hội ngồi chập chờn ngủ gật cạnh em. Bữa ấy, Tân đã hiện ra trước mắt em không những là một người giỏi giang, tài trí đáng mặt làm giai, nhưng mà còn là cái gì như là một vị anh hùng nữa. Nghĩ thế rồi chợt nhớ tới Nguyễn Lưu một hàn sĩ, còn trẻ tuổi mà đã hủ bại như một người già, lại không biết hưởng mọi sự phong lưu ở đời, thì em thấy hai người khác nhau một vực một trời, mà sao em lại đã yêu! – Chao ôi, tại xưa kia em chưa biết gì trẻ người non dạ, đã nông nổi trong cái ái tình thứ nhất. Cuộc thăm tỉnh Lạng bằng xe hơi, thăm động bằng chân, không có gì đáng để ý. Những câu cắt nghĩa về lịch sử, về phong tục, những lời khen chê thợ Tạo, đã chiếm hết thì giờ của cuộc du lịch. Để ý dò xét, em chỉ thấy rằng dễ Tân với Hội chỉ là một đôi bạn thanh khí hoàn toàn. Em bắt đầu yêu Tân. Và phải ý tứ, đủ cho Hội khỏi phải thắc mắc.

Em rất tiếc rằng đã không dẹp được nỗi khát yêu cho nên cứ phải nói những điều mà bụng không nghĩ, lại đôi khi sơ ý với Hội nữa, và do mối bâng khuâng ấy, không được đầy đủ tinh thần để thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên. Người ta đã chụp ảnh kỷ niệm, đã nhặt những viên đá ngũ sắc và những hoa quả lạ để bỏ đầy vào túi áo măng-tô, rồi vục tay vào nước suối mà nghịch như trẻ con, và dắt nhau, trượt chân, hoặc cười rộ vì những cái suýt ngã ấy. Thế thôi rồi thì về Lạng, vào nhà ông chú ruột của Hội, rồi ngồi ngáp dài ở phòng khách để Hội nói chuyện riêng với người nhà, trong khi Tân đi mua nước xăng, rồi những cái quà trong miền núi, chuyện về nhung, cao hổ cốt, rắn, mật gấu, rồi những lời mời mọc và từ chối, hàng toa tầu lễ nghi phức tạp chỉ có xà ích là làm mất thời giờ… Em chán nản lạ, vì mũi xe đã quay lại phương Nam. Em đã sắp thấy cuộc du lịch là vô vị, nếu trước khi chiều về Phủ Lạng – Thương,[66] Tân không đỗ xe để ăn bữa cơm chiều.

Tìm được một chỗ đồi cỏ chung quanh phong cảnh cũng khá hữu tình, lại gần đường thuộc địa để vẫn trông thấy xe hơi nữa. Tân mở hòm ở đuôi xe lấy một gói tướng ra. Chàng rải cái khăn rộng trên cỏ rồi bầy cỗ, một bữa đại yến! Thịt đùi lợn, lưỡi lợn, cá dầu ướp cà chua, gan ngỗng, bánh mỳ… lại có cân nho chín với một chai rượu đỏ. Trước khi ăn uống, Tân bảo Hội và em nằm nghiêng trên cỏ nâng cốc mời nhau để chàng chụp luôn mấy khung phim nữa, kỷ niệm một bữa ăn đáng nhớ trong đời.

Hội hỏi:

– Ăn thế này gọi là… pích-ních[67] phải không, anh Tân?

– Bẩm chính thế, thưa bà chị. Mà ăn thế này tuy có thiếu thốn thật đấy, nhưng ngon thì ngon hơn ở nhà mình nhiều!

– Ồ, ngon nhiều chứ lị… Thế mới biết: cái gì có khó, có hiếm, mới là quý.

Cách thức hầu hạ săn sóc của Tân đối với hai chúng em thì thật đáng khen lạ. Lúc làm bồi bàn hay làm tài xế thì Tân cũng đầy những thi vị say sưa. Em lại đâm ra ngờ vực Hội, cho rằng có một người bạn giai như Tân mà Hội lại không say mê thì Hội cũng dại lắm. Trong sự này hẳn có nhiều điều bí mật gì.

Tiệc tàn, bóng xế chiều, Tân bảo hai người đàn bà đi chụp cho hết cuốn phim những 32 cái ảnh nhưng Hội xin chợp ngủ một lát, kêu nhọc mệt lắm. Rồi Hội nằm nghiêng trên cỏ mà ngủ thật, để em một mình lững thững tìm một bụi hoa, một gốc cây, với Tân…

Khi chúng em là của riêng của nhau rồi thì ngẫu nhiên lại gặp sự tòng phạm của phong cảnh nữa, vì trông ngay thấy hòn đá rất tốt cho một cặp giai gái ngồi sánh vai nhau, Sau vài câu nói vẩn vơ, Tân làm như vô tâm nhẩy vào đầu đề:

– Đấy, chị xem, đời tôi lúc nào cũng thiếu thốn cái gì ấy. Trước phong cảnh này, được ăn ở với bạn hữu như thế này, đáng lẽ phải vui sướng, thì tôi lại bỗng dung thấy buồn khổ, đau đớn nữa.

Em nhìn ra xa, nói như nói vu vơ:

– Không có ái tình thì kể cũng khổ thật đấy.

Tân nghiêm mặt nói:

– Nhất là khi người mình yêu lại không biết đến nỗi khổ tâm cho mình.

Em chưa kịp đáp thì Tân đã cầm lấy bàn tay em. Giọng chàng có vẻ thành thực lạ, đáng thương lạ…

– Tôi xin phép chị nhé! Dù sao thì cũng cứ để tôi nói đã… Không còn gì khổ tâm hơn là cứ phải giấu kín tâm sự lấy một mình.

– Thật đấy, tôi yêu Huyền mất rồi. Khi tôi dám nói thế thì tôi đã nghĩ ngợi nhiều lắm. Yêu vợ bạn, hay có chồng rồi mà lại có nhân tình, thế cũng bậy thật. Nhưng mà con số những kẻ phải ngoại tình vẫn là hàng ức, hàng triệu, trong thế gian! Ta không làm thế nào được vì khi quả tim đã rung động thì lý trí phải nhượng bộ.

– Nếu Huyền không có thể yêu được tôi thì nghĩa là Huyền không yêu được chồng rồi, và hạnh phúc của Huyền không còn ở sự trung thành…

Em vẫn cứ nhìn xuống mũi giầy, thì Tân đã nhấc tay em lên miệng để hôn. Thấy em không kháng cự. Tân từ từ ôm chặt lấy em, hôn vào miệng em, không phải cái hôn tầm thường nhưng mà một thứ hôn đặc biệt, nhờ nó em và chàng thấy cái sung sướng tựa hồ uống được linh hồn của nhau, một cái hôn đắc thắng của ái tình trước bổn phận, mà tiếng trống ngực thình thình điểm khúc khải hoàn ca – một cái hôn nó giống của màn ảnh, do đó, tưởng chừng như đã phó thác cả thân thể em cho người ta vậy! Tờ giấy cam kết như vậy là đã có chữ ký của hai bên rồi. Một cái hôn như thế đã tổng công kích lần cuối cùng để làm hại nốt một đời đàn bà chỉ có một số tân quân đạo đức trong thành lương tâm.

Sợ bị nghi ngờ, chúng em vội ra đánh thức Hội, bắt lên xe, mặc lòng biết làm thế kể cũng bất nhã. Chiều hôm ấy, đã về nhà rồi. Chồng em vui mừng lắm, vì cuộc du lịch là rất đáng lo, mà em lại yên lành mà về chứ “không việc gì” cả. Hội cũng vui: nàng lên Lạng cốt để cầu cứu đến tiền nong của chú ruột nhân thể, và đã có kết quả tốt. Tân ra về với những lời cảm ơn rất đáng cảm động của chồng em.

Ấy thế là em đã được hưởng những cái khoái lạc mà chồng em chỉ khêu nhóm lên trong mình em chứ không lo đến sự phải làm cho nó thỏa mãn. Sau những lúc ngoại tình, em càng chiều đãi chồng, nên người chồng càng bị vợ lừa bao nhiêu lại càng tin vợ bấy nhiêu.

Cuộc tình duyên ấy kéo dài ra mãi hàng tháng mà đôi giai gái không hề lo sợ tai tiếng, đến nỗi riêng em, em tưởng nó sẽ được trọn một đời. Cái xe hơi thật là một thứ đồ dùng mầu nhiệm. Nó tiết kiệm thời giờ. Nó lại là một căn phòng kín đáo biết bao.

Thật thế, đã bao nhiêu lần chúng em hưởng cái thú ngây ngất của ái tình một cách hoàn toàn, một cách đầy đủ, trong chiếc xe hơi ở những con đường thuộc địa cách thành phố năm cây số, vào những đêm có chị Hằng hoặc những đêm không giăng sao ở những quãng vắng vẻ có một cây gạo hay cây xoan, mà chung quanh là cánh đồng rộng mênh mông bát ngát… ai biết nữa? Tân cho xe nép vào vệ đường, mở một ngọn đèn nhỏ dằng sau mở một ngọn đèn xanh đằng mũi, thế rồi thì là… nào, anh có yêu em không, và mình ơi, mình hôn tôi đi! Xe lắm khi đỗ chưa nguội máy thì cuộc ân ái đã xong rồi. Rồi thì – xình xình xình – Tân lại quay mũi xe, mở tới số 100 mà về Hà Thành, bảo với Kim rằng hai người đi mua một thứ hàng gì trong thành phố mà thôi. Người chồng nhìn lên đồng hồ thấy vợ chưa quá nửa giờ, lại còn khen!

– Ngần ấy việc sao mà đi chóng nhỉ. Nói chứ có xe cũng tiện thật.

Tân và em nhìn trộm nhau, mỉm cười.

Em đã sống những ngày vui vẻ, không bao giờ quên được. Em thấy sự lừa chồng là không có tội gì cả, chỉ lãng mạn và có vẻ tiểu thuyết, vẻ màn ảnh một chút mà thôi. Mà càng lừa dối bạn bao nhiêu Tân lại càng làm tăng sự thân thiện bằng những cách quý hóa tốn tiền, làm cho Kim bỗng dưng trở nên như kẻ dong vợ để cầu lợi mà chẳng biết.

Nhưng mà, một ngày kia…

Cuộc tình duyên vụng trộm đã hết thời hạn. Ngọn lưỡi thiên hạ đến lúc hết hiền lành. Người chồng mọc sừng ngẫu nhiên được linh giác dẫn cho chút ít ánh sáng đến cái óc tối tăm của nó. Gian phu dâm phụ đã đến thời kỳ chẳng hết sức giữ gìn, quá mù ra mưa, tưởng rằng xã hội chỉ có rặt những kẻ điếc, hoặc thong manh…

Ấy thế là con Huyền bắt đầu đi đến cái chặng đường khốn nạn nhất đời của nó.

Bình luận
720
× sticky