Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Lắng Nghe Trong Gió

Quyển 4 – Chương 3

Tác giả: Mạch Gia
Chọn tập

Vâng, tôi phải hạn chế cái thói quen kề cà của người già, để nói về mẹ cô. Nói thật, tôi không nhớ lần đầu tiên nghe thấy người ta nói về mẹ cô thế nào, hình như là trong tiệm cắt tóc, một liên lạc viên của tôi, một ông già thọt chân, người Tô Châu, không gia đình vợ con, chỉ có một người học việc bị câm, ông ta mở tiệm cắt tóc để làm địa điểm liên lạc. Một hôm, tôi đến đấy, vẫn như thường lệ, tôi như một khách quen nói chuyện với ông, trong lúc hàn huyên đã kín đáo hỏi ông gần đây làm ăn thế nào, ông trả lời bằng giọng điệu vui vẻ mà tôi mong đợi:

“Thưa quan lớn, con thật có phúc, gần đây có một ông khách giống như quan lớn, vị khách ấy nhận ra tay nghề của con, nên vẫn thường đến cắt tóc ở đây”.

Tôi hiểu ngay: Chúng tôi có thêm một đồng chí nữa.

Tôi nói: “Chúc mừng, chúc mừng bác!”.

Ông nói: “Không dám, không dám! Xin chúc mừng quan lớn, nghe nói quan lớn vừa được tăng lương, quan lớn được tăng nhiều không ạ?”.

Ý ông nói: Đồng chí mới đến có thể sẽ liên hệ với tôi. Lập tức một ngọn lửa bùng cháy trong tôi. Từ tiệm cắt tóc về, tôi vội lấy mảnh giấy ông già nhét vào túi trong lúc gội đầu cho tôi, đấy là nửa trang giấy viết thư, trên đấy viết thế này:

Bồ Câu (nữ) đã bay vào chái nhà, có thể gặp trong một ngày gần đây, mật hiệu liên lạc: Bồ Câu hỏi quê một vị tham mưu họ Tần, anh trả lời thật là được. Bắt tay. A, ngày 7 tháng 5, 1947.

Chái nhà có nghĩa là Cục Bảo mật Quốc Dân Đảng. Nói thật, tôi nằm mơ cũng không dám nghĩ đến, hôm ấy không có dự báo nào, cũng không có mật hiệu, tất cả đều lặng lẽ, bình thường, nhưng là một ngày mà bao năm nay tôi mong đợi. Ngày đó thật kì diệu, kì diệu như thần linh giáng trần, tôi vừa cảm thấy khó tin, lại cảm thấy vui vì không thể không tin. Tôi hiểu thế nào là hạnh phúc, đấy là điều anh mơ tưởng xuất hiện vào lúc không thể ngờ tới, đấy là hạnh phúc. Cảm giác ấy rất chân thật, rất ấn tượng, giống như dùng mũi dao khắc lên xương một con chữ tượng hình khiến toàn thân cuồng dại, cảm giác ngay lúc ấy trở thành điểm sáng trong dòng sông kí ức, vĩnh viễn toả sáng xung quanh, tươi mới như thuở ban đầu. Có thể tôi để cô hiểu hoàn cảnh lúc bấy giờ, như vậy cô sẽ hiểu tâm trạng tôi hơn. Tôi không rõ cô hiểu bao nhiêu về Cục Bảo mật của Quốc Dân Đảng, kể cả những hoạt động của nó, liệu có cần tôi nói sơ qua không? Đấy là tổ chức đặc vụ bí mật của Quốc Dân Đảng, phụ trách ám sát, thu thập tin tức tình báo, nó ra đời vào mùa xuân năm 1932 tại Nam Kinh, lúc đầu có tên “Phòng Đặc vụ phục hưng dân tộc Trung Hoa”, về sau phát triển lớn dần và đổi tên thành “Cục Điều tra Thống kê Ủy ban quân sự Quốc Dân Đảng”, gọi tắt là Cục Điều tra, tổng hành dinh đặt tại Trùng Khánh, dưới có các chi nhánh tỉnh và thành phố. Tổ chức rất lớn, thanh thế rất mạnh, quyền lực rộng khắp, đầu sỏ là đặc vụ Đới Lạp, một tên đặc vụ độc ác thâm hiểm khét tiếng, rất được Tưởng Giới Thạch trọng dụng, dưới quyền hắn Cục này một thời leo lên đến đỉnh cao quyền lực. Tháng Mười năm 1946, Đới Lạp chết ít lâu, Cục Điều tra trở thành Cục Bảo mật của Bộ Quốc phòng, cơ quan đầu não từ Trùng Khánh dời về Nam Kinh, Trưởng phòng Hai của Bộ Quốc phòng là Trịnh Giới Dân được bổ nhiệm làm Cục trưởng, Mao Nhân Phượng đành chấp nhận chức phó. Sau một năm, Trịnh bị Mao hất cẳng, Mao được thăng chức Cục trưởng.

Tổ chức này là bàn tay đen mà Tưởng Giới Thạch rất thích thú, cũng là kẻ thù của những người hoạt động bí mật chúng tôi, rất nhiều tổ chức của chúng ta bị chúng phá vỡ, rất nhiều đồng chí bị sát hại, trong đó có tướng Cát Hồng Xương, Đặng Diễn Đạt, Trương Lộ Bình… Mùa xuân năm nọ, có một người từ miền nam Trúc Lâm cưỡi ngựa đến, người này râu ria tua tủa, mặt đầy nếp nhăn, mặc áo thân đối bóng loáng, súng gài thắt lưng. Người ấy tên là Trương Úy Lâm, đã từng làm hộ vệ cho một quan chức địa phương, chính người này là người đầu tiên kết thúc cục diện bí mật của Cục Điều tra, trở thành người của Đảng ta thâm nhập sâu vào nội bộ của chúng. Tôi không còn nhớ ông đã quen và dẫn dắt tôi thành đồng chí của ông như thế nào, chỉ cảm thấy trên người ông phảng phất một giấc mơ, lúc này nhớ lại vẫn có cảm giác ấy. Trong kí ức của tôi, ông có bộ mặt u tối, với vẻ thâm hiểm, nhưng rất thân thiết. Có thể đấy là hiệu ứng của giấc mơ. Tôi biết cô đã từng công tác ở khu Đỏ tỉnh Giang Tây nhiều năm, ở đấy ông cởi bỏ cái áo đối thân bóng loáng để vào Đảng Cộng sản, rồi chuyển vào chiến tuyến bí mật, đầu tiên là học viên khóa tám huấn luyện điện báo của Trường Cảnh sát Quốc Dân Đảng tại Hàng Châu, sau khi tốt nghiệp vào Cục Điều tra làm việc ở tổng đài điện báo. Ông làm Đới Lạp phải xấu hổ, chỉ mấy năm phát triển tôi, Dương Quang, Phùng Vĩ Khánh, An Vận, Triệu Lực trở thành đồng chí của ông và họ đến chết cũng không đầu hàng. Mấy năm ấy, hoạt động ngầm của Đảng ta trong Cục Điều tra rất có hiệu quả, rất nhiều âm thanh của Cục Điều tra dội về Diên An, trở thành vũ khí bí mật để bộ đội ta khắc chế quân địch. Nhớ lại thời ấy, tôi cảm thấy vô cùng xúc động và hạnh phúc. Trong câu chuyện rất cảm động của mẹ cô xen vào câu chuyện của Trương Úy Lâm, mong cô đừng buồn, vì ông ấy là người đầu tiên tạo nên lịch sử hoạt động ngầm trong Cục Điều tra, không đề cập đến ông là không công bằng. Nửa thế kỉ đã qua, tôi vẫn cảm thấy ý nghĩa của ông ấy rất lớn.

Nhưng không ai ngờ, mùa xuân năm 1941, vì sơ suất trong công tác, Trương Úy Lâm bị lộ, lần theo dấu vết Đới Lạp truy xét đến cùng, hắn thẩm tra từng người, kết quả năm người Trương Úy Lâm phát triển đều bị bắt và tử hình bốn năm sau đấy. Lúc ấy tôi đã rời Cục Điều tra về dạy ở trường Cảnh sát Hàng Châu, Thượng đế cho tôi thoát khỏi cuộc điều tra, trở thành người may mắn lọt lưới. Về sau, ở trường cảnh sát tôi chiêu mộ Đảng viên Cộng sản vào học, mong họ sau khi tốt nghiệp có thể thâm nhập sâu, cắm mũi dao vào tim kẻ địch. Nhưng sau sự kiện Trương Úy Lâm, con cáo già Đới Lạp ra sức đề phòng nên cũng khó thâm nhập, hắn dùng người rất cẩn thận, không phải là người thân không dùng, đồng chí của chúng ta không cách nào lọt vào nổi, trong một thời gian dài nội bộ Cục Điều tra không có người của ta, chúng ta không có nội tuyến.

Mùa thu năm 1945, tổ chức lệnh cho tôi trở về Cục Điều tra. Đấy là biện pháp bất đắc dĩ, bởi lúc ấy ở trường cảnh sát tôi đã leo lên đến chức trưởng phòng huấn luyện, thậm chí có thể còn leo cao nữa, rời bỏ nơi này không phải là thượng sách. Ai cũng biết, ý nghĩa của trường cảnh sát rất sâu xa, chỉ cần tôi ở đấy, hàng năm nhà trường đều có Đảng viên vào học, tốt nghiệp sẽ làm tăng thêm đội ngũ. Nhưng Cục Điều tra không thể không có cơ sở của ta, lúc ấy chỉ có tôi mới có hi vọng lọt vào đấy, nhưng lúc bấy giờ cũng phải sử dụng biện pháp không lấy gì làm tốt lắm. Ít lâu sau, tôi tạo ra nhiều kẻ địch ở trường cảnh sát – tôi cố tình tạo căng thẳng, được Đới Lạp điều về Cục Điều tra, thăng hàm Thượng tá, giữ chức Phó trưởng phòng Phòng Hai. Đới Lạp không nghi ngờ gì vì tôi là người hương của y, cũng có thể coi là một sự tính toán nhầm của y.

Mùa thu năm 1946, Đới Lạp chết được ít lâu, Cục Điều tra chuyển về Nam Kinh, không hiểu tại sao hồi ấy tổ chức lại không kịp thời liên hệ với tôi, thêm vào đấy là địa bàn mới, còn lạ nước lạ cái, trong một thời gian, công tác của tôi trở nên bế tắc, điều duy nhất tôi cảm thấy ấm áp là người liên lạc ông là tia sáng còn lại của tổ chức đối với tôi, đấy là ông già cắt tóc. Một mình đơn độc, ngột ngạt, yếu sức. Tôi cần đồng chí, tôi cần tổ chức, tôi trông chờ, mong ngóng. Cái tôi trông chờ ở rất xa, trong bóng tối. Có thể cô biết đấy, tôi nên tự phát triển đồng chí, tự mình mở địa bàn, giống như Trương Úy Lâm. Nói đến chuyện này tôi cảm thấy xấu hổ, bởi tôi không có cái dũng cảm phi thường của Trương Úy Lâm và tài năng như giấc mơ của tổ chức, tôi chỉ là một bàn tay cần phải gắn trên một cơ thể mới có tác dụng. Tôi lớn lên trong một toà nhà hình bát giác nặng nề, 10 tuổi chưa dám đi phố một mình, sợ đêm tối, nghe tiếng gió rít tưởng tiếng gào của sói. Tôi trung thành, thật thà, tỉ mỉ, có tính kiên nhẫn hơn người bình thường. Có thể trở thành một người lính gác, thư kí, một trợ thủ giỏi, nhưng để tôi chỉ huy, thậm chí tổ chức một chi đội là chuyện khó khăn, vì tay tôi khi giơ cao rất thiếu sức mạnh. Chính trong thời gian đó, tôi cảm thấy rất rõ thiếu sót trong tính cách, tôi tỉnh táo mổ xẻ bản thân chính vì những gì trải qua khiến tôi đau khổ nhận ra bản thân. Cuộc sống luôn luôn làm cho mình tự nhận ra mình. Mỗi lần tôi nhớ đến những năm tháng ấy, tôi đều thấy xấu hổ, đấy là những gì đen tối nhất trong đời, là thời gian khó có thể chịu đựng nổi. Có thể tôi phải dùng hoàn cảnh khắc nghiệt lúc ấy để giải thoát bản thân, tha thứ cho mình, nhưng tôi không cần sự tha thứ, tôi cần được phê bình bởi tôi làm cho Diên An phải thất vọng, lòng trung thành, niềm tin và lí tưởng của tôi đối với Diên An khiến tôi không còn lí do để đòi tha thứ.

Tôi căm thù bản thân, ít nhất là căm thù những năm tháng đen tối ấy.

Cô có thể tưởng tượng, lúc ấy tôi rất cần có sự phối hợp của đồng chí hoặc để tôi phối hợp với người ấy. Tôi biết cánh tay tôi chỉ cần có sự giúp sức thì sẽ nhanh nhẹn và có sức mạnh hơn nhiều, tôi là một phó Trưởng phòng mang hàm Thượng tá, bàn tay tôi có thể nuôi sống hàng ngàn, hàng vạn đồng bào cách mạng. Nhưng nay thì bốc mùi hôi hám, thối rữa, khí độc không tiêu tan đã nuốt chửng đồng chí chúng ta mà cũng nuốt chửng cả tôi. Lòng tôi nóng như lửa đốt, trông mỏi mắt, tôi trở thành con thú bị giam cầm, qua ngày đoạn tháng trong khát khao đáng sợ, ban ngày tôi ngồi trong văn phòng đầy tử khí, lật giở những trang báo, bỗng tìm thấy một mật hiệu, từng đêm từng đêm mòn mỏi trông chờ người thân ở phương xa. Tiệm cắt tóc là mối liên hệ duy nhất của tôi lúc ấy, tôi ra đấy, tóc cắt lại cắt, cắt tóc cũng để cắt luôn cả ngày tháng u ám. Cứ như vậy, tôi phải sống qua biết bao nhiều đêm ngày đằng đẵng, cuối cùng người tôi mong chờ lại là mẹ cô – Bồ Câu.

Chọn tập
Bình luận
× sticky