Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Lịch Sử Việt Nam – Từ Nguồn Gốc Đến Năm 1884

Bước đầu nền độc lập Tự chủ – Khúc –  Ngô – Đinh – Lê (906-1009)

Tác giả: Nguyễn Phan Quang, Võ Xuân Đàn

I. Họ Khúc đặt nền móng tự trị (906-923)

  • Khúc Thừa Dụ 906-907
  • Khúc Hạo 907-917
  • Khúc Thừa Mỹ 917-930
  • Dương Đình Nghệ 931-937

Vào đầu thế kỷ thứ 10, nhà Đường trở nên suy yếu. Lợi dụng thời cơ này, Khúc Thừa Dụ (?-907), một hào trưởng cư trú lâu đời ở Hồng Châu (Hải Hưng) nổi lên, tự xưng là Tiết độ sứ (906). Nhà Đường bắt buộc phải công nhận sự việc ấy và còn phong thêm tước “Đồng binh Chương sự” cho ông nữa. Sử cũ chép rằng Khúc Thừa Dụ tính tình khoa hòa, nhân ái nên được nhiều người theo về.

Nhà Đường, dù trên danh nghĩa, phong tước và công nhận Khúc Thừa Dụ, nhưng thực chất là không thể kiểm soát được đất Giao Châu nữa. Khúc Thừa Dụ làm chủ đất nước, xây dựng chính quyền tự chủ, khởi đầu cho nền độc lập của nước nhà.

Khúc Thừa Dụ làm Tiết độ sứ một năm thì mất, con là Khúc Hạo lên nối nghiệp cha được mười năm (907-917). Trong mười năm này, Khúc Thừa Hạo cho sửa đổi các khu vực hành chính, cắt đặt người trông coi mọi việc cho đến tận đơn vị xã, định lại mức thuế ruộng đất và miễn bỏ các lao dịch nặng nề.

Trong khi ấy, tại Trung Hoa, một Tiết độ sứ họ Lưu chiếm lấy vùng Quảng Châu, lập nên nước Nam Hán.

Năm 917, Khúc Hạo mất, con là Khúc Thừa Mỹ lên nối chức Tiết độ sứ. Khúc Thừa Mỹ giao hảo cùng nhà Lương (đã thay nhà Đường làm chủ Trung Hoa). Vua Nam Hán lấy cớ ấy cho quân sang đánh họ Khúc. Khúc Thừa Mỹ không chống cự được, bị bắt đưa về Quảng Châu (930). Quân Nam Hán chiếm đóng thành Đại La.

Kế tục sự nghiệp của họ Khúc là Dương Đình Nghệ (?-937), một người làm quan dưới đời Khúc Thừa Mỹ.

Sau khi Khúc Thừa Mỹ bị bắt, Dương Đình Nghệ dấy binh ở làng Ràng (Dương xá, Thanh Hóa), vốn là quê của ông. Các hào trưởng như Ngô Quyền, Đinh Công Trứ đem lực lượng của mình gia nhập hàng ngũ của Dương Đình Nghệ.

Năm 931, Dương Đình Nghệ tiến quân đánh thành Đại La, Thứ sử Giao Châu là Lý Tiến chống không lại, chạy về Quảng Châu (Trung Hoa) thì bị vua Nam Hán giết chết. Một toán quân Nam Hán được cử sang để đàn áp quân của Dương Đình Nghệ, nhưng bị đánh tan, phải bỏ chạy về Trung Hoa. Thắng lợi, Dương Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ.

Cai quản đất nước được sáu năm thì Dương Đình Nghệ bị một thuộc tướng là Kiều Công Tiễn sát hại. Ngô Quyền (897-944), tướng tài và đồng thời là rể của Dương Đình Nghệ, đang cai quản Châu ái, đem quân đi trừng phạt Kiều Công Tiễn.

Ngô Quyền là người cùng quê với Phùng Hưng, xã Đường Lâm (nay thuộc thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây), đã từng theo Dương Đình Nghệ từ buổi ban đầu và có uy tín lớn với dân chúng.

Trước sự tiến công của Ngô Quyền, Kiều Công Tiễn lo sợ, vội vàng đi cầu cứu nhà Nam Hán. Vua Nam Hán nắm cơ hội thực hiện mộng xâm lăng, bèn phong cho con là Hoằng Tháo làm Tĩnh Hải Quân Tiết độ sứ, sai đem thủy quân đi trước còn bản thân mình sẽ theo đường bộ tiếp ứng.

Năm 938. Ngô Quyền chiếm được thành Đại La, bắt được Kiều Công Tiễn và đem bêu đầu trên thành. Dù biết tin Kiều Công Tiễn đã bị giết chết, và Ngô Quyền đã làm chủ thành Đại La, quân Nam Hán vẫn tiến công. Ngô Quyền bèn bày thế trận thủy chiến, cho cắm cọc trên sông Bạch Đằng, chở địch. Tháng 12 năm ấy, Hoằng Tháo đem thủy binh tiến ồ ạt vào sông Bạch Đằng. Nhân lúc triều cường, Ngô Quyền cho thuyền nhẹ ra đánh, nhử quân Hoằng Tháo lọt qua trận địa cọc ngầm. Khi thủy triều xuống mạnh, trận địa cọc ngầm nổi lên, Ngô Quyền thúc đại quân ra đánh. Chiến thuyền của Nam Hán nặng nề, không thoát được, bị cọc đâm vỡ rất nhiều. Hoằng Tháo bị giết tại trận, toàn bộ đội thủy quân bị tiêu diệt. Vua Nam Hán nghe tin bại trận và tin Hoằng Tháo bị giết chết, thương khóc thảm thiết rồi rút về nước.

1. Nhà Ngô (939-965)

Đánh đuổi quân Nam Hán, Ngô Quyền xưng vương (939), đóng đô ở Cổ Loa. Ngô Vương đặt ra các chức quan văn võ, qui định triều nghi, lập bộ máy chính quyền mang tính chất tập quyền.

Ngô Quyền chỉ ở ngôi được sáu năm. Lúc sắp mất, Ngô Quyền đem con là Ngô Xương Ngập ủy thác cho người em vợ là Dương Tam Kha. Dương Tam Kha là con của Dương Đình Nghệ, em của bà Dương Hậu. Nhưng khi Ngô Quyền mất rồi. Dương Tam Kha phản bội lòng tin của Ngô Quyền, cướp lấy ngôi, tự xưng là Bình Vương (945-950). Ngô Xương Ngập phải chạy trốn vào núi. Dương Tam Kha bèn bắt người con thứ của Ngô Quyền là Ngô Xương Văn làm con nuôi. Ngô Xương Văn, trong một dịp đi hành quân dẹp loạn, đem quân trở ngược lại bắt được Dương Tam Kha, giáng Kha xuống bậc công.

Ngô Xương Văn xưng vương và cho người đi rước anh về cùng làm vua. Không bao lâu Ngô Xương Ngập bệnh chết (954). Thế lực nhà Ngô ngày một yếu kém, khắp nơi loạn lạc. Trong một chuyến đi dẹp loạn (965), Xương Văn bị trúng tên chết. Kể từ đấy, nhà Ngô không còn là một thế lực trung tâm của đất nước nữa. Con của Xương Văn là Ngô Xương Xí trở thành một trong 12 sứ quân.

Từ đó đất nước trải qua một thời kỳ nội chiến tranh quyền khốc liệt mà sử sách gọi là loạn 12 sứ quân. Sau nhờ Đinh Bộ Lĩnh (924-979) đánh thắng tất cả các sứ quân, đất nước mới thoát cảnh nội chiến.

2. Nhà Đinh (968-980) – Đại Cồ Việt

Sau khi dẹp tan loạn sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế tức là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình)

Đồng thời với gian đoạn này, ở Trung Hoa, nhà Tống làm chủ đất nước và tiêu diệt nước Nam Hán (970). Đinh Tiên Hoàng sai sứ sang thông hiếu. Đến năm 972 nhà vua sai Đinh Liễn đem quà sang cống. Vua Tống bèn phong cho Đinh Tiên Hoàng làm An Nam Quận vương và Đinh Liễn làm Tĩnh Hải Quân Tiết độ sứ.

Đinh Tiên Hoàng đặt ra những luật lệ hình phạt nặng nề như bỏ phạm nhân vào dầu hay cho hổ báo xé xác.

Quân đội dưới thời Đinh Tiên Hoàng đã được tổ chức chặt chẽ, phân ra làm các đơn vị như sau:

Năm 979, nhân lúc Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn say rượu, nằm ở sân điện, một tên quan hầu là Đỗ Thích giết chết cả hai.

Đinh Tiên Hoàng làm vua được 12 năm, thọ 56 tuổi

Sau khi Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích giết chết, đình thần tìm bắt được Đỗ Thích và đem giết chết đi rồi tôn người con nhỏ là Đinh Tuệ, mới sáu tuổi lên làm vua. Quyền bính ở cả trong tay Thập Đạo Tướng quân Lê Hoàn. Lê Hoàn lại có quan hệ chặt chẽ với người vợ góa của Đinh Tiên Hoàng là Dương Thái Hậu nên uy thế rất lừng lẫy. Các công thần cũ của Đinh Bộ Lĩnh như Nguyễn Bặc, Đinh Điền đem quân vây đánh Lê Hoàn nhưng bị Lê Hoàn tiêu diệt và giết cả.

Nhà Tiền Lê (980-1009)

Nhà Tống lợi dụng sự rối ren trong triều nhà Đinh, chuẩn bị cho quân sang xâm lược Đại Cồ Việt. Thái hậu Dương Vân Nga trao long cổn (áo bào của vua Đinh Tiên Hoàng – tượng trưng cho uy quyền của nhà vua) cho Lê Hoàn và cùng quan lại, quân lính tôn Lê Hoàn lên làm vua.

Lê Hoàn lên ngôi, lấy hiệu là Lê Đại Hành, lập nên nhà Tiền Lê. Để có thời gian chuẩn bị, nhà vua phái sứ giả qua xin hòa hoãn cùng nhà Tống. Đồng thời nhà vua gấp rút bày binh bố trận. Đầu năm 981, quân Tống theo hai đường thủy bộ, vào đánh Đại Cồ Việt. Lê Đại Hành một mặt cho quân chận toán quân bộ ở Chi Lăng (Lạng Sơn). Tướng Hầu Nhân Bảo, cầm đầu toán quân bộ, mắc mưu trá hàng của Lê Hoàn, bị chém chết. Toán quân bộ bị diệt quá nửa, tan rã. Toán quân thủy bị chặn ở Bạch Đằng, nghe tin thất bại, bèn tháo chạy về nước.

Dù chiến thắng, Lê Đại Hành vẫn giữ đường lối hòa hoãn, cho thả các tù binh về nước, đồng thời cho người sang nhà Tống xin triều cống. Thấy thế không thắng được Lê Đại Hành, vua Tống đành chấp thuận, phong cho Lê Đại Hành làm Tiết độ sứ.

Không còn lo lắng việc chống Tống nữa, Lê Đại Hành sửa sang mọi việc trong nước. Ông mở mang kinh đô Hoa Lư, củng cố bộ máy chính quyền trung ương, sắp xếp các đơn vị hành chính. Để khuyến khích hoạt động nông nghiệp, Lê Đại Hành làm lễ cày ruộng Tịch điền, mở đầu cho tục lệ này ở đất nước. Về đối ngoại, nhà vua tuy thần phục nhà Tống và chịu lệ cống, nhưng hoàn toàn không lệ thuộc gì cả.

Lê Hoàn làm vua được 24 năm, mất năm 1005, thọ 65 tuổi.

Sau khi Lê Đại Hành mất, Thái Tử Long Việt lên ngôi được ba ngày thì bị Long Đĩnh sai người giết chết. Các hoàng tử đánh nhau trong 8 tháng để tranh ngôi. Cuối cùng Lê Long Đĩnh diệt được các hoàng tử khác và lên ngôi vua cai trị đất nước.

Lê Long Đĩnh là người hoang dâm, không thiết gì việc xây dựng đất nước, chỉ chú trong đến việc ăn chơi. Do bị bệnh hoạn, mỗi khi thiết triều, Lê Long Đĩnh không thể ngồi được mà phải nằm, nên sử sách gọi ông tà là Lê Ngọa Triều. Lê Long Đĩnh lại rất tàn ác, đặt ra nhiều hình phạt dã man để mua vui. Lê Long Đĩnh ở ngôi 4 năm (1005-1009) thì chết. Triều đình đưa người dòng họ khác là Lý Công Uẩn lên ngôi vua.

Kinh tế: Nông nghiệp đóng vai trò chủ yếu trong sinh hoạt kinh tế. Phần lớn ruộng đất công của làng xã. Nông dân được làng xã chia ruộng để cày cấy, nộp thuế và đi lính cho nhà vua. Khi có những công trình xây dựng lớn như xây cung điện, xây thành, làm đường thì họ phải tham gia. Các vua rất chú ý khuyến khích nông nghiệp. Lê Hoàn là vua Việt Nam đầu tiên cử hành lễ cày tịch điền vào mùa xuân hàng năm. Từ đó, các vua thời sau đều giữ lệ ấy.

Song song với nông nghiệp, vấn đề thủy lợi cũng được các vua chú ý kênh ngòi được đào vét nhiều nơi vừa để tưới ruộng vừa để tiện lợi giao thông bằng thuyền bè. Trên những bến đò quan trọng, nhà nước cho thuyền chở người qua lại. Hệ thống giao thông đường bộ được mở mang. Những đường giao thông chính đều có đặt các trạm xá.

Các nghề thủ công như nghề gốm, nghề dệt, khai mỏ, luyện sắt, đúc đồng… đều được phát triển. Nhờ ngành thủ công nghệ phát triển cao nên Lê Đại Hành xây được một cung điện làm nơi coi chầu, cột nhà được thếp vàng, ngói bằng bạc.

Cuộc sống vật chất của dân chúng đã được trở lại thanh nhàn hơn trước. Sách sử ghi lại rằng vào năm 987 cả nước được mùa to. Những sinh hoạt lễ hội, nghệ thuật đã trở về lại với người dân Việt. Ca hát nhảy múa được triều đình khuyến khích. Đinh Tiên Hoàng đặt ra chức Ưu bà để dạy múa hát cho quân đội. Lê Đại Hành kiến tạo lại trò chơi đua thuyền, cứ vào tháng bảy là tháng sinh nhật của vua, vua cho thả thuyền ở giữa sông, lấy tre kết làm núi giả trên thuyền, gọi là Nam sơn rồi cho đua thuyền. Lễ hội này cũng được triều nhà Lý kế tục. Lê Đại Hành còn tổ chức hội hoa đăng, hội đánh cá.

Phật giáo: Một điểm đặc biệt của thời Ngô – Đinh – Lê là sự hưng thịnh của phật giáo. Các nhà vua đã lấy lý thuyết Phật giáo làm tư tưởng chủ đạo cho việc trị dân và việc giải hóa ảnh hưởng của nhà Hán sau ngàn năm Bắc thuộc.

Phật giáo đã được thâm nhập vào đất nước từ thế kỷ thứ nhất, trước Nho giáo. Những người đầu tiên mang tôn giáo này đến không phải là những nhà truyền giáo hay là những bậc chân tu mà là những nhà buôn bán người ấn Độ theo đạo phật, họ đến buôn bán và trong thời gian lưu trú, họ ăn chay niệm Phật cúng bái theo nghi lễ Phật giáo, có người lại lấy vợ Việt và dần dà những sinh hoạt tôn giáo của họ lan đến người Việt. Lý thuyết đạo phật cho rằng đời là bể khổ, con người bị rằng buộc trong kiếp luân hồi, muốn thoát khỏi cảnh ấy, con người phải diệt dục, phải diệt lòng ham muốn để tiến tới niết bàn. Lý thuyết ấy phù hợp với tâm trạng của người Việt đang ở trong cảnh đô hộ.

Vào thế kỷ thứ hai thì các tăng sĩ theo phái Đại thừa đến truyền giảng đạo phật. Đến năm 580, phái thiền đầu tiên của Việt Nam được Vinitaruci (Tỳ Ni Đa Lưu Chi) thành lập (Thiền học là do Bodhidharma, người ấn, sáng tạo. Theo ông, nguồn gốc bản chất của con người là thiện và con người có khả năng giao tiếp trực tiếp với Phật bằng trái tim chân thành, “không biết gì là biết hết tất cả”).

Vinitaruci là người dòng dõi Bà La Môn, gốc ở phía Nam Thiên Trúc. Sau khi thấm nhuần giáo lý của Phật, ông đến Trung Hoa và sau đó xuôi đến Giao Châu và trụ trì tại chùa Pháp Vân ở làng Cổ Châu (Long Biên-580). Ông bắt đầu dịch kinh Phật, tác phẩm đầu tiên là kinh “Tượng đầu tinh xá” mang tính chất thiền học, nói về sự giác ngộ như một cái gì không thể dùng lời nói và chữ viết để diễn tả được, tuệ giác được truyền thẳng vào tâm người, thấy được nhân tâm và thành chính quả. Thiền phái này truyền được 19 đời đến năm 1213 mới dứt. Những người nổi tiếng nhất trong phái thiền này là Từ Đạo Hạnh, Vạn Hạnh.

Phái thiền thứ hai của Việt Nam do nhà sư Vô Ngôn Thông thành lập vào thế kỷ thứ chín. Vô Ngôn Thông gốc người Quảng Đông đến Giao Châu vào năm 820 vào trụ trì tại ngôi chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng (Bắc Ninh). Vô Ngôn Thông tính tình trầm lặng ít nói, nhưng lại hiểu biết mau chóng cho nên được người đời tặng cho danh hiệu là Vô Ngôn Thông. Ông là người phát triển phương pháp bích quan (thiền tọa bằng cách xây mặt vào vách). Ông phủ nhận việc đi tìm chân lý, niết bàn qua các kinh điển mà chỉ bằng thiền tại tâm, ông chủ trương con người có thể trong giấy lát đạt đến giác ngộ tức khắc, khỏi cần qua nhiều giai đoạn tiệm tiến bởi vì “Phật tại tâm”

Vào thời Ngô – Đinh – Lê, sau khi đất nước giành lại được độc lập, những nhà nho được đào tạo theo kiểu Trung Hoa bị gạt ra ngoài cuộc sống chính trị, nhà nước trọng dụng các nhà sư và chính họ đã có một vai trò quan trọng trong việc cai trị đất nước.

Đinh Tiên Hoàng là người rất sùng đạo Phật. Năm 973 nhà vua phân định giai cấp cho giới tăng sĩ, lập ra một hế thống tăng lữ, đứng đầu là nhà sư Ngô Chân Lưu, một vị Tổ thuộc thế hệ thứ năm của phái thiền Vô Ngôn Thông. Hệ thống tăng lữ này đứng bên cạnh vua, giúp vua trong việc cai trị. Đinh Tiên Hoàng phong cho Ngô Chân Lưu danh hiệu Khuông Việt đại sư (nghĩa là giúp nước Việt) cai quản toàn bộ hệ thống tăng giá trong nước.

Trong nước, chùa tháp được xây dựng. Nă 973 Đinh Liễn cho dựng tại Hoa Lư 100 cột đá khắc kinh Phật, gọi là kinh tràng. Các nhà sư tạo thành một tầng lớp có học thức và có uy tín trong xã hội. Các tác phẩm văn hóa của thời ấy phần nhiều là của các nhà sư như Đỗ Thuận, Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh.

Vào thời Tiền Lê, các nhà sư tiếp tục được trọng dụng Khuông Việt vẫn được Lê Đại Hành ưu đãi. Sách Thiền uyển tập anh chép rằng vua Lê Đại Hành rất kính trọng Khuông Việt đại sư, “phàm những việc quân quốc trong triều đình đều đưa cho ngài cả”. Nhà vua lại còn mời các thiền sư Pháp Thuận (tức là Đỗ Thuận) và Vạn Hạnh của phái thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi làm cố vấn chính trị.

Buổi đầu của thời kỳ xây dựng nền tự chủ không có nhiều công trình kiến trúc đồ sộ, nhưng để lại cho chúng ta một số di sản vô cùng có ý nghĩa. Đó là vùng đất “Hai vua một hậu” Đường Lâm, tuy ở đây không có kiến trúc của đất nước vào thời kỳ đầu xây dựng nền độc lập tự chủ, nhưng lại là quê hương của Ngô Quyền, Phùng Hưng. Đây cũng là địa điểm qui tụ nhiều đền thờ, miếu mạo tưởng nhớ đến các người xưa, trong đó có lăng Ngô Quyền và đền thờ Phùng Hưng. Ngoài ra, về kiến trúc, có di tích Hoa Lư, kinh thành đầu tiên của thời kỳ độc lập, một tên gọi gắn bó với các chuyện kể về cậu bé chăn trâu Đinh Bộ Lĩnh lấy hoa lau làm cờ.

Vùng cổ tích Đường Lâm

Đường Lâm là vùng đất cổ, mang giá trị lịch sử, văn hóa cao. Vùng cổ tích này thuộc thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây, với diện tích chỉ chừng 4km2, gồm 7 thôn là Cam Lâm, Đoài Giáp, Đông Sàng, Hà Tân, Hưng Thịnh, Mông Phụ và Phụ Khang. Đường Lâm vốn nổi tiếng là một vùng đất đá ong. Đâu đâu cũng thấy đá ong, từ cái giếng cho đến cổng nhà, cột đình, ngôi mộ, nhà thờ họ. Không gian tràn ngập màu sắc đá ong đem đến cho Đường Lâm một vẻ cổ kính không nơi nào có được. Đường Lâm còn được biết đến là một vùng trồng mía, làm đường nổi tiếng. Vì thế có những địa danh liên quan đến các hoạt động này như Đường Lâm, chùa Mía, phố Mía, tổng Mía. Đó cũng là hình ảnh mía, mật, đường qua câu ca ví von như sau:

“Lên phố Mía,
Gặp cô hàng mật,
Nắm lấy tay hỏi đường”

Theo các tư liệu khảo cổ học thì cách đây 3.500 năm, Đường Lâm là nơi tụ cư của người Việt Cổ. Và đây là quê hương của hai vị nữ tướng của hai bà Trưng là Chiêu Trưng và Đỗ Lý, là căn cứ của bà Man Thiện, mẹ của Trưng Trắc và Trưng Nhị. Đường Lâm được gọi là đất “Hai vua một hậu” vì đây là quê hương của hai vị anh hùng dân tộc Phùng Hưng, Ngô Quyền và của bà Nguyễn Thị Rong, quý phi chúa Trịnh Tráng (có tài liệu cho là Ngô Thị Ngọc Diệu). Vùng địa linh nhân kiệt này, vì thế, chứa chất nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Có nhiều đình, chùa, miếu được xây dựng từ nhiều thế kỷ. Trong đó, có đền Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền, miếu thờ bà Lê Thị Lan (nữ tướng của hai Bà Trưng), chùa Mía, chùa Mèn (thờ bà Man Thiện), đình Mông Phụ… và các địa danh liên quan đến các vị anh hùng như đồi Hồ Gấm, nơi Phùng Hưng ngày xưa tập luyện, hoặc rặng dứa cổ thụ, nơi buộc voi của Ngô Quyền. Đặc biệt, Đường Lâm còn có giếng Xin Sữa, tuy nhỏ nhưng khi nào cũng đầy nước trong ngọt ngào, là nơi các bà mẹ đến uống nước để cầu mong có nhiều sữa cho con bú.

Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương) là người thôn Cam Lâm (một trong bảy thôn của xã Đường Lâm), đã cùng hai em tập hợp dân làng Đường Lâm cùng dân chúng ở mọi miền đứng lên khởi nghĩa, lấy Đường Lâm làm căn cứ chống quân nhà Đường, từ đấy tỏa ra khắp nước, giành được độc lập (767) Phùng Hưng lên làm vua được bảy năm thì mất. Nhân dân Đường Lâm lập đền thờ tưởng nhớ ông. Đền thờ Phùng Hưng tọa lạc ngay tại xã Cam Lâm, đền nhỏ nhưng đẹp, còn giữ được nét dáng cổ xưa.

Ngô Quyền, người chiến thắng trận Bạch Đằng oanh liệt, cũng là người thôn Cam Lâm. Lăng Ngô Quyền cách đền Phùng Hưng 300m. Lăng hiện nay là kiến trúc của lần trùng tu năm 1821 có bia ghi bốn chữ “Tiền Ngô Vương lăng”. Sau lưng ngôi mộ, nơi an nghỉ của thân xác người anh hùng là ngôi đền thờ ngài. Hằng năm vào ngày lễ Ngô Quyền (từ 16 đến 18 tháng Giêng Âm lịch), một đoàn hành hương chừng 150 người, ăn mặc theo kiểu lễ hội với đủ đồ tế lễ và ban nhạc dân tộc, từ hội đền xã Đằng Hải, Hải Phòng, nơi xảy ra chiến thắng Bạch Đằng lịch sử, kéo đến Đường Lâm cùng dự lễ hội.

Quán Sứ, một ngôi nhà cổ nằm ven đường đất đỏ là nơi quàn thi hài của những anh hùng, liệt sĩ. Quán Sứ với mái ngói dày nặng có các cột vuông bằng đá ong chống đỡ. Vòm mái uốn cong như hình trăng khuyết. Địa điểm này liên quan đến một nhân vật mà nhân dân Đường Lâm hằng tưởng nhớ. Đó là Thám Hoa Giang Văn Minh. Nhà Lê sau khi trung hưng, sai Thám Hoa Giang Văn Minh đi sứ sang nhà Minh xin cầu phong (1673). Ông Minh vốn là người tiết tháo, luôn luôn giữ gìn quốc thể. Một hôm vua Minh ra cho ông một câu đối có ý khinh rẻ người Việt bằng cách nhắc lại chuyện Mã Viện dựng cột đồng có sáu chữ “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”:

“Đồng Cổ chí kim đài dĩ lục”
Nghĩa là “Cột đồng đến nay rêu đã xanh”

Tức thì ông Thám Hoa ngạo nghễ đối lại:

“Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”
Nghĩa là: “Sông Bạch Đằng từ xưa máu vẫn còn đỏ”

Vua Minh tức giận sai mổ bụng sứ thần rồi cho ướp xác đưa về nước. Thi hài được rước đi qua làng Đường Lâm. Dân làng ra đón xác và xin vua cho được chôn sứ thần tại quê làng Đường Lâm. Vua phong cho ông tước “Công bộ thị lang minh Quận công” và khen rằng: “Đi sứ không làm nhục mệnh nước, thực là anh hùng thiên cổ” và chuẩn y cho ý nguyện của dân làng. Thi hài của Thám Hoa được quàn tại ngôi nhà quán sứ này trước khi chôn cất. Ngày 2 tháng 6 âm lịch là ngày lễ Giang Văn Minh. Về sau, nhà Quán Sứ còn được dùng làm nơi quàn các chiến sĩ trận vong.

Chùa Mía ở Đông Sàng, có tên chữ là Sùng Nghiêm tự (có nghĩa là tôn kính sự nghiêm trang). Chùa Mía là một công trình có giá trị nghệ thuật tạo hình cao. Chùa được xây dựng vào nă 1632 do bà Nguyễn Thị Rong, vợ chúa Trịnh Tráng và là con gái làng Mía (danh xưng khác của Đường Lâm) hưng công. Chùa có ba khu, cách nhau bằng hai khoảng sân. Trước chùa có một cây cổ thụ rùm ròa thuộc vào loại lâu đời. Gác chuông hai tầng, tám mái có hàng lan can con tiện. Khu thứ hai là nhà Tổ và nhà tăng. Sau cũng là nhà bái đường, chùa hạ, chùa trong và thượng điện. Tại nhà bái đường có tấm bia khắc kể công ơn làm chùa của bà Rong. Cột kèo của chùa bằng gỗ đều được chạm trổ công phu. Trong chùa có 287 pho tượng bằng gỗ hay bằng đất luyện với rễ cây si, giấy bản và mật. Các pho Bát bộ Kim Cương, Tuyết Sơn, Quan Âm tống tử là những tuyệt tác nghệ thuật tạo hình. Bát bộ Kim Cương là 8 pho tượng cao khoảng 2m, đứng hai bên tả hữu của chùa trong. Pho tượng Tuyết Sơn nổi tiếng với những nét chạm khắc sống động, đầy chất “thần” của con người. Pho Quan Âm tống tử là tượng Thị Kinh ẵm con, nét mặt hiền từ, phúc hậu. Ngoài ra, gần đây, dân Đường Lâm đã cùng nhau đóng góp, xây một chiếc tháp 9 tầng, cao 13,5m. ở tầng 7 của tháp có chiếc khánh niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786), ở tầng 8 treo một chiếc chuông nặng 400 kg, niên hiệu Cảnh Thịnh (1792-1802). Chùa Mía đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử và văn hóa.

Xã Đường Lâm, với bề dày lịch sử của mình suốt từ 2.000 năm là một vùng cổ tích, một vùng văn hóa đáng được tham quan và tôn tạo.

Thành Hoa Lư

Thành Hoa Lư được xây từ đời Đinh Tiên Hoàng và đến đời Lê Đại Hành thì được tu bổ lại. Thành Hoa Lư ở xã Trường Yên, Huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội khoảng 100km về phía Nam, cách thị xã khoảng 10km về phía Tây Bắc.

Thành nằm trên một khu đất được núi đá vôi bao quanh ba mặt Tây, Nam, Đông. Phía Bắc và Đông Bắc có con sông Hoàng Long chảy ngang. Sông Hoàng Long bắt nguồn từ vùng rừng núi Hòa Bình Nho Quan và chảy vào sông Đáy tạo nên con đường thủy Bắc – Nam tiện lợi.

Cũng giống như khi xây thành Cổ Loa, dân Việt đã tận dụng địa hình thiên nhiên, dùng chiều cao của dãy núi đá vôi để làm nên những bức tường thành kiên cố. Có tất cả mười đoạn tường thành được đắp thêm, nối những ngọn núi lại. Đoạn dài nhất 500m. Đoạn ngắn nhất 65m, cao khoảng 10m, rộng chừng 15m.

Thành Hoa Lư gồm hai vòng thành riêng biệt, nằm cạnh nhau. Vòng thành ở phía Đông được gọi là thành Ngoài, vòng thành ở phía Tây được gọi là thành Trong.

Thành Ngoài bao quanh một khu đất có diện tích chừng 140ha, gồm hai thôn Yên Thượng và Yên Thành của xã Trường Yên, là nơi có cung điện, lầu gác của vua. Thành Trong có diện tích tương đương với thành Ngoài, bao gồm khu đất nay là thôn Chi Phong, xã Trường Yên.

Hai tòa thành chạy gần nhau ở ngách núi Quền Vòng (phía Tây của thành Ngoài và phía Đông của thành Trong). Ngách núi Quền Vòng cũng là nơi thông thương của hai vòng thành.

Vì dựa theo thế núi để xây nên, cho nên cả hai tòa nhà thành đều không có hình dáng rõ rệt, giống nhau ở điểm là hình dài và eo lại ở chính giữa. Và chính ở chỗ eo này là bức tường vầu, ngăn mỗi thành ra hai phần, làm tăng thêm mức độ quanh co hiểm hóc cho tòa thành.

Cả hai thành đều có nhánh của Sông Hoàng Long chảy vào, nhờ vậy việc chuyển ra vào thành đều dễ dàng.

ở những chỗ đất dễ lún, móng tường được chôn sâu đến 2 mét, chất liệu là từng lớp cành cây lẫn cùng đất. Các lớp đất này có cọc đóng sâu xuống để giữ cho móng khỏi trôi. Cọc thì có cọc kép và cọc chiếc. Cọc kép gồm hai thanh gỗ nối với nhau bằng đà ngang qua lỗ mộng, trên đà lại còn có nhiều thanh gỗ dài. Nhờ cách xây móng cẩn thận thế nên các đoạn thành xây bên trên tồn tại cho đến ngày nay.

Thân tường bên trong được xây bằng gạch chắc chắn dày khoảng 0,45m. Chân tường có kè đá tảng và cọc gỗ chòng chéo.

Kinh đô Hoa Lư, một Kinh đô được xây dựng sau một ngàn năm Bắc thuộc đã phản ánh phần nào tính dân tộc của người Việt. Trong khi tại Trung Quốc, những thành lũy thời Hán đều có hình dáng đều đặn hình học, đường ngang lối dọc ngay hành thẳng lối thì Hoa Lư lại ngoằn ngoèo không theo khuôn mẫu của nhà Hán mà theo địa thế thiên nhiên. Qua đó ta thấy được tính độc lập ngay cả trong kiến trúc của dân tộc.

Bình luận