Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Lịch Sử Việt Nam – Từ Nguồn Gốc Đến Năm 1884

Nhà Nguyễn (1802 – 1858)

Tác giả: Nguyễn Phan Quang, Võ Xuân Đàn

  • Gia Long: 1802 – 1820
  • Minh Mạng: 1820 – 1840
  • Thiệu Trị: 1841 – 1847
  • Tự Đức: 1847 – 1883

I. Chính quyền nhà Nguyễn

1. Chính quyền trung ương

Năm 1802 Nguyễn ánh lên làm vua, đóng đô tại Phú Xuân (Huế), lấy ni#432n hiệu là Gia Long, đặt quốc hiệu là Việt Nam. Sau này vua Minh Mạng đổi quốc hiệu thành Đại Nam.

Về việc triều chính, vua Gia long định cứ ngày rằm và ngày mồng một thì thiết đại triều, các ngày mồng 5, 10, 20, 25 thiết triểu triều.

Giúp việc cho vua có 6 bộ là:

Bộ Lại: Phụ trách hệ thống quan lại và chiếu chỉ, Bộ Hộ: phụ trách tài chính, thuế, Bộ Lễ: thi cử, tế lễ…, Bộ Binh: việc quân đội, Bộ Hình: Phụ trách việc tư pháp, Bộ Công: việc xây dựng, cầu đường, đóng tàu.

Bên cạnh lục bộ Đô Sát viện có nhiệm vụ khuyên vua, kiểm tra, thẩm sát, kê hạch các quan để đừng sa vào những hành đông sai phép nước.

Sau này vua Minh Mạng đặt thêm hai cơ quan quan trọng là Nội các và Cơ mật viện để giúp vua trong các việc trọng yếu như bổ nhiệm quan lại, phân chức, chu toàn bảo ấn, văn bảo. Vua còn đặt ra Tôn nhân phủ trông coi mọi việc trong giới tôn thất và định lại quan chế.

Ngoài ra còn có Bưu chính ty lo săn sóc hệ thống trạm dịch, Tào chính ty lo việc giao thông đường sông, Hỏa pháo ty chuyên sản xuất vũ khí có chất nổ, Thái y viện lo việc y tế cho vua là hoàng gia, Khâm thiên giám xem thiên văn, làm lịch, Quốc tử giám lo việc học hành và các khoa thi.

2. Chính quyền địa phương

Vua Gia Long chia nước ra làm 23 trấn, 4 dinh, dưới trấn là phủ, huyện, châu, tổng, xã. Bắc thành có 11 trấn, Gia Định thành có 5 trấn, miền Trung có 7 trấn còn Kinh kỳ thì thống quản 4 dinh. Bắc Thành và Gia Định thành có Tổng trấn và Hiệp, Phó Tổng trấn đứng đầu. Tổng trấn có toàn quyền giải quyết mọi việc thay vua.

Nhưng khi vua Minh Mạng lên thay, có chủ trương tập quyền bên bãi bỏ chức tổng trấn,đổi trấn thành tỉnh và đặt ra các chức vụ để điều hành các tỉnh ấy. Tổng đốc phụ trách việc quân sự và dân sự trong hạt, Tuần phủ phụ trách việc chính trị, giáo dục và phong tục, Bố chính sứ phụ trách việc thuế, án sát sứ coi việc hình và trạm dịch, Lãnh binh coi việc binh lính.

Nhìn chung, hệ thống chính quyền nhà Nguyễn là một hệ thống quân chủ tập trung, nhất là dưới thời vua Minh Mạng. Nhà vua trực tiếp giải quyết mọi việc, mọi tờ sớ đưa lên đều được vay duyệt và phê vào quyết định của mình.

3. Pháp luật

Vua Gia Long sai các quan dựa vào bộ luật Hồng Đức cùng bộ luật của nhà Thanh để soạn lại một bộ luật mới cho Việt Nam. Quan đại thần Nguyễn Văn Thành được giao nhiệm vụ làm tổng tài việc biên soạn. Công việc được bắt đầu vào năm 1811 và đến năm 1815 là hoàn thành, cả thảy 22 quyển gồm 398 điều. Bộ luật này có tên là “Hoàng triều luật lệ” và vẫn thường được gọi là bộ luật Gia Long.

So với luật Hồng Đức thì luật Gia Long khắt khe hơn, quyền lợi của phụ nữ không được coi trọng, phạm vi trừng trị bị mở rộng cho đến với cả bà con thân thuật của phạm nhân. Các hình phạt dã man như lăng trì (xẻo thịt cho chết dần), trảm khiêu (chém bêu đầu), phanh thây… được duy trì.

4. Việc bang giao

* Với Trung Quốc

Sau khi lên ngôi, theo đường lối ngoại giao của các triều trước đối với Trung Quốc, Gia Long phái sứ bộ sang nhà Thanh. Có hai sứ bộ được phái đi. Một do Trịnh Hoài Đức làm chánh sứ đem nộp sắc ấn của nhà Thanh đã ban cho nhà Tây Sơn trước đây cùng áp tải một số giặc biển người Trung Quốc sang trao cho Tổng đốc Quảng Đông để Thanh triều giải quyết. Sứ bộ kia do Lê Quang Định làm chánh sứ có nhiệm vụ sang cầu phong cho vua Gia Long cùng việc đổi quốc hiệu lại là Nam Việt.

Cả hai đoàn sứ bộ đều được vời đến Kinh Đô yết kiến Hoàng đế Thanh triều và được tiếp đãi niềm nở. Đến đầu năm 1804 nhà Thanh sai sứ sang phong vua làm An Nam Quốc vương và nhận đổi quốc hiệu là Việt Nam chứ không phải Nam Việt. Từ đấy cứ bốn năm một lần, Việt Nam cử phái bộ mang phẩm vật sang biếu tặng nhà Thanh. Đồng thời nhà Thanh cũng gởi tặng phẩm lại cho vua Nguyễn. Lề lối ngoại giao này được duy trì cho đến thời kỳ thuộc địa.

* Với Xiêm

Có lẽ trong lịch sử bang giao Việt – Xiêm không có lúc nào thắm thiết bằng thời gian đầu đời vua Nguyễn. Do đã từng được Xiêm giúp đỡ trong khi còn bôn ba, vua Gia Long có chính sách hết sức thuận thảo với Xiêm. Ngay cả trong thời gian còn đối đầu với nhà Tây Sơn, dù rời đất Xiêm không có sự thỏa thuận của vua Xiêm, Nguyễn ánh vẫn xem Xiêm là một đồng minh hữu ích. Nguyễn ánh vẫn nhờ vậy Xiêm khi cần và sẵn sàng giúp đỡ Xiêm chống lại Miến Điện hoặc cung cấp gạo thóc khi Xiêm gặp nạn đói. Những lần thắng các trận theo chốt như trận đánh lấy Qui nhơn năm 1799, trận phá được thủy binh Tây Sơn tại Thị Nại năm 1801 Nguyễn ánh đều thông báo cho vua Xiêm biết. Đáp lại vua Xiêm tặng Nguyễn ánh những thứ cần thiết cho chiến tranh như voi đực, thóc.

Sau khi lên ngôi, vua Gia Long vẫn giữ chính sách hòa hiếu ấy với Xiêm dù cả hai bên đều nuôi tham vọng tạo ảnh hưởng trên đất Chân Lạp. Mâu thuẫn chỉ xuất hiện vào năm 1811 khi quân Xiêm chiếm đóng Battambang và vua Chân Lạp phải chạy sang cầu cứu nhà Nguyễn. Nhiều trận đụng độ giữa quân Nguyễn và quân Xiêm xảy ra trên đất Chân Lạp. Cuối cùng quân Nguyễn xây thành Nam Vang và Thoại Ngọc Hỗu đem quân đóng giữ, bảo hộ đất Chân Lạp. Năm 1835, nhà Nguyễn đổi tên nước Chân Lạp thành Trấn Tây Thành, chia là 32 phủ và 2 huyện. Nhưng không bao lâu, gặp sự chống cự của dân chúng Chân Lạp, vua Thiệu Trị phải cho quân rút về (1841). Nhưng đến năm 1845, Chân Lạp xung đột cùng Xiêm, lại nhờ nhà Nguyễn can thiệp. Vừ đó Chân Lạp lại thần phục nhà Nguyễn.

* Với các nước châu Âu.

Nước Anh và Pháp đều có cử phái bộ đến đặt quan hệ, xin mở cảng buôn bán. Tất cả đều được nhà Nguyễn tiếp đón niềm nở nhưng không đưa ra những cam kết nào. Riêng đối với Pháp thì việc quan hệ có phần đặc biệt. Vua Gia Long vẫn ưu đải các người Pháp đã từng theo giúp nhà vua trong cuộc chiến chống Tây Sơn. Đến thời vua Minh mạng, sau khi hai người Pháp cuối cùng trong triều Việt nam trở về nước thì quan hệ giữa nhà Nguyễn và chính phủ Pháp chấm dứt. Nước Pháp gởi đặ sứ đến chính thức đặt quan hệ ngoại giao với vua Minh mạng nhưng bị khước từ. Chỉ đến khi thấy các cường quốc xâu xé Trung Hoa, nhà vua mới gởi phái bộ đi đặt quan hệ, nhưng việc chưa thành thì nhà vua từ trần.

Dưới thời vua Thiệu Trị và vua Tự Đức, các cường quốc châu Âu bành trướng thuộc địa đến vùng châu á. Năm 1847 Chính phủ Pháo gửi tối hậu thư đến vua Thiệu Trị đòi huỷ bỏ các chỉ dụ cấm đạo. Từ đó quan hệ Việt – Pháp căng thẳng cho đến khi Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam vào năm 1858.

Cũng như các vương triều phong kiến khác của Việt Nam, nhà Nguyễn chú trọng đến nông nghiệp. Đặc điểm nông nghiệp nổi bật của nhà Nguyễn là công cuộc khai hoang. Nguyễn ánh đã tiến hành công cuộc này tại đồng bằng sông Cửu Long ngay cả trong thời kỳ chống Tây Sơn. Sau khi lên ngôi, ông triển khai việc khai hoang trên quy mô cả nước. Công việc này được tiếp tục tích cực dưới triều các vua Minh Mạng, Thiệu Trị.

Có hai hình thức chính trong việc khai hoang. Đó là doanh điền và đồn điền.

* Doanh điền là một hình thức khai hoang lập ấp. Nhà nước cho người có tiền của đứng ra mộ người đi khai hoang. Đất khai hoang được miễn thuế cho đến ba hoặc năm năm, có khi đến 10 năm. Dân đi khai hoang được Nhà nước cấp tiền làm nhà, trâu cày và điền khí. Người tiên phong thực hiện hình thức khai hoang này là Nguyễn Công Trứ và sau đó là Trương Minh Giảng.

* Đồn điền: Hình thức này đã được Nguyễn ánh áp dụng từ sau khi lấy lại Gia Định. Trong hình thức này, người trực tiếp khai hoang không phải là nông dân mà là binh lính hay tù phạm. Binh lính được chia ra phiên, phiên này tập luyện thì phiên kia làm ruộng. Hoa lợi có được thì lính được hưởng. Sau khi đất biến thành ruộng thì mới phải đóng thuế. Tù nhân cũng được đi khai hoang và có thể trở thành lính đồn điền, khi mãn hạn được chia đất để sinh sống.

Công cuộc khai hoang dưới triều Nguyễn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích canh tác tăng lên đáng kể, cảnh quan hoang vắng của đồng bằng đã chuyển thành một vùng cư dân sầm uất.

Bên cạnh việc khai hoang lập ấp, một công cuộc khác cũng không kém quan trọng là việc đào kênh, vạch hệ thống dẫn nước vào các đồng ruộng đồng thời tạo những con đường thủy thuận tiện cho việc di chuyển, buôn bán tại đồng bằng sông Cửu long. Trong hệ thống chằng chịt các kênh rạch đào bằng tay ấy, ta có thể kể các con kênh có tầm vóc như sau:

* Kênh Đông Xuyên – Kiên Giang đào năm 1818, đây là con kênh dài đầu tiên được thực hiện dười triều Nguyễn, do Thoại Ngọc Hỗu phụ trách. Nguyên đây là một con lạch cạn, quanh năm bùn cỏ đọng lấp. Kênh được đào theo lạch nước cũ trong vòng một tháng thì hoàng thành. Để nêu công Thoại Ngọc Hỗu, vua Gia Long lấy tên của ông đặt cho con kênh mới mà sách sử vẫn gọi là ông Thụy Hà

* Kênh Vĩnh Tế được khởi công vào năm 1819, dài 100km nối Châu Đốc và Hà Tiên

* Kênh Phụng Hiệp dài 150km chảy qua Cần Thơ, Rạch Giá và Bạc Liêu, kênh An Thông ở Gia Định đào năm 1820.

* Đào vét và nới rộng ra một số con kênh đã hình thành từ thế kỷ trước như kênh Bảo Định ở Mỹ Tho (1819), kênh Ruột Ngựa ở Chợ lớn.

Qua sự cải tạo mạnh mẽ của nhà Nguyễn, đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành vựa lúa của Việt Nam. Ta có thể nói, lịch sử triều Nguyễn gắn liền với công cuộc khai hoang, cải tạo đất.

2. Các hoạt động khác

Tiếp tục bước đường của thời trước, thủ công nghiệp dưới thời nhà Nguyễn sản xuất mạnh các mặt hàng dệt, làm đường ăn, đóng tàu. Đặc biệt ngành đóng tàu đã được phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỷ XVII, nay vẫn được các vua Nguyễn lưu ý duy trì, Một số thuyền được đóng theo kiểu Tây Phương mà Nguyễn ánh đã thâu lượm được phương cách trong thời chống Tây Sơn. Ông mua một chiếc thuyền châu Âu rổi cho tháo rời từng mảnh. Thợ thuyền sẽ chế tạo theo từng mảnh ấy rồi đóng lại. Sau này, dưới thời Gia Long, có rất nhiều xưởng đóng tàu, đặc biệt xưởng Chu Sư nằm dọc bờ sông Tân Bình (Gia Định), dài đến ba dặm.

Việc khai mỏ cũng được nhà Nguyễn quan tâm. Đó là các loại mỏ vàng, mỏ sắt, mỏ bạc, đồng, diêm tiêu, kẽm… Nhà nước quản lý khai thác một số, ngoài ra cho tư nhân lĩnh trưng miễn là có vốn và đóng thuế đầy đủ.

Tiếp theo truyền thống của các thế kỷ trước, các cảng biển Việt Nam vẫn được các thuyền buôn nước ngoài đến buôn bán, trao đổi nhưng lưu lượng hàng hóa không còn phong phú như trước. Thuyền buôn phương Tây cũng thế, thỉnh thoảng đến mua các thổ sản nhưng không thể lập thương điếm như những thế kỷ trước nữa. Nhà Nguyễn cũng có phái một số thuyền đi mua hàng nước ngoài, tuy nhiên, đó chỉ là những chuyến đi lẻ tẻ, không đóng góp gì đáng kể cho nền kinh tế của đất nước.

Nho giáo

Cũng giống như triều Lê, các vua Nguyễn lấy Nho giáo làm khuôn vàng thước ngọc cho việc cai trị và giáo dục. Tư tưởng chính thống được hàm chứa trong Ngũ kinh: Dịch, Lễ, Thi, Thư, Xuân Thu và sau đó là Tứ thư: Luận ngữ, Mạnh Tử, Đại học và Trung dung

Tư tưởng Khổng giám còn được vua Minh Mạng đem áp dụng cho dân gian qua “mười điều huấn dụ”. Trong đó đề cao những nguyên tắc của Nho giáo như tam cương ngũ thường cùng khuyên dân chúng sống tiết kiệm, giữ gìn phong tục, làm điều lành… Huấn dụ này được chuyển đến các làng xã địa phương để từ đấy truyền bá trong dân chúng.

Vua Gia Long cho lập văn miếu tại các trấn để thờ Khổng Tử, lập Quốc Tử giám ở Kinh đô để dạy cho các con quan và sĩ tử. Nhà vua cho mở các khoa thi để chọn người tài ra làm quan. Tất cả mọi thần dân đều được tham dự các cuộc thi. Khoa thi hương đầu tiên được tổ chức ở Bắc Thành vào năm 1807. Đến đời Minh Mạnh thì khoa thi hội được tổ chức, cứ ba năm một lần. Chương trình học nặng nề tư tưởng Nho giáo, văn chương thơ phú được đề cao mà những vấn đề thực tế ích quốc lợi dân thì không được đề cập.

Phật giáo

Các vua của triều Nguyễn tôn trọng đạo Phật. Năm 1815, vua Gia Long cho tu bổ lại chùa Thiên Mụ. Năm 1826 vua Minh Mạng cho dựng lại chùa Thành Duyên. Chùa này ở cửa biển Tư Hiền (Thừa Thiên), được lập nên dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu và bị phá hủy trong thời kỳ chiến tranh. Năm 1830, vua Minh Mạng triệu tập các cao tăng về kinh đô để kiểm tra đạo học. Nhà vua cùng bộ Lễ chọn được 53 vị chân tu rồi cấp cho họ giới đao và độ điệp. Năm 1844, vua Thiệu Trị, theo di chúc của vua Minh Mạng cho dựng một ngôi tháp cao bảy tầng ở chùa Thiên Mụ, đặt tên là Từ Nhân Tháp (sau này đổi thành Phước Duyên Bảo Tháp). Cũng trong năm ấy ngôi chùa Diệu Đế nổi tiếng ở Huế được dựng lên. Vua Tự Đức cũng quan tâm đến đạo Phật. Các chùa công như chùa Thiên Mụ, Giác Hoàng đều có cao tăng trụ trì, được gọi là tăng cương. Vị này có lương bổng của triều đình và có nhiệm vụ dạy cho tăng chúng việc tu học. Nhà vua còn ban ruộng đất cho các chùa lớn để cày cấy tăng gia.

Ngoài ra, các vua triều Nguyễn cũng chú ý tu bổ lại các lăng tẩm đền đài xưa như đền Hùng Vương ở Vĩnh Phú, đền thờ An Dương Vương ở Cổ Loa, Lăng và miếu thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở Ninh Bình…

Đạo Thiên Chúa

Đạo Thiên Chúa dưới thời Nguyễn bị hạn chế nặng nề. Vua Gia Long không đàn áp tôn giáo này, nhưng các vua sau thì cấm đạp cương quyết. Thừa sai và tín độ bị giết không ít. Hải quân Pháp lấy cớ ấy, thị uy ở cửa biển Đà Nẵng ba lần dưới thời vua Thiệu Trị, nhưng không làm thay đổi được chính sách cấm đạo của các vua Nguyễn.

Văn học

Thời Nguyễn đã để lại một khối lượng khổng lồ về văn học cả của Triều đình lẫn của dân gian nhất là dưới thời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức sau khi đã thành lập Quốc sử quán.

Những tác phẩm quan trọng có thể kể như sau:

Nhất thống địa dư chí hoàn tất vào năm 1806, có tất cả 10 quyển viết về địa lý tự nhiên, tổ sản, đường sá, phong tục, chợ búa của tất cả các trấn từ Lạng Sơn đến Hà Tiên. Tác phẩm đồ sộ như Đạt Nam Thưc lục tiền biên và chính viên do Quốc sử quán biên soạn, kê khai theo kiểu biên niên các sự kiện từ thời các chúa Nguyễn cho đến các vua Nguyễn. Đại Nam liệt truyện viết về các nhân vật nổi tiếng của thời Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí viết về phong tục, sản vật, địa lý của tất cả các tỉnh (1865), Đại Nam hội điển sử lệ gồm 262 quyển ghi lại tất cả công việc của sáu bộ (1851), bộ Minh Mạng chính yếu hoàn thành năm 1884, bộ Việt sử thông giảm cương mục (lịch sử Việt Nam) cũng viết xong năm 1884…

Số lượng sáng tác trong dân chúng cũng rất đáng kể. ở đất Thăng Long nghìn năm văn vật có Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát… Ta từng biết tác phẩm bất hủ Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du:

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…”

Hoặc Hồ Xuân Hương, một nhà thơ nữ với các bài thơ châm biếm:

Anh đồ tỉnh, anh đồ say?
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay.

Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát được người đời ca tụng như sau:

Văn như Siêu, Quát vô tìn Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường.

(Văn tài của Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát hơn thời tiền Hán, thơ của Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương lấn át cả thơ thời thịnh Đường).

ở miền Trung có nhóm “Mạc Thi vân xã” của nho sĩ quý tộc như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, tập hợp văn tài của đất Thần kinh có đến 50 người tham gia.

ở miền cực nam của đất nước có “Chiêu Anh các” tại Hà Tiên. ở Gia Định có nhóm “Gia Định Tam gia”: Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tỉnh. Ba nhân vật này, ngoài tài thơ văn còn viết những tác phẩm chuyên khảo có giá trị sử liệu vô cùng quý giá như Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức viết về sản vật, phong tục, nhân vật, di tích của sáu tỉnh Nam Bộ thời ấy, Hoàng Việt nhất thống địa dư chí của Lê Quang Định mô tả phong tục, cảnh trí, địa dư, thổ sản của toàn nước Việt Nam.

Ngoài ra trong dân gian còn có các tác phẩm vô danh nhưng vô cùng giá trị, lưu lại cho đến ngày nay như “Lý Công, Phạm Tải – Ngọc Hoa”, “Tống Trân-Ngọc Hoa”…

Triều đại nhà Nguyễn tồn tại cách ta không lâu, chỉ mới thực sự mất hẳn vào giữa thế kỷ XX, cho nên những di tích, những danh thắng do con người đương thời làm ra còn tồn tại đến nay khá nhiều và rải rác trên đất cả các miền Bắc Trung Nam. Trong gia tài to lớn về kiến trúc, xây dựng ấy, Kinh thành Huế có thể tiêu biểu cho kiến trúc cung đình và kênh Vĩnh Tế tiêu biểu cho hệ thống kênh đào tại Nam bộ.

* Kinh thành Huế

Nhà Nguyễn đã dựa vào thế núi Ngự Bình và dòng Hương Giang để xây dựng Huế và vùng ven thành một hệ thống hoàn chỉnh gồm thành trì, lăng tẩm, cung điện, đình chùa, phố phường… có giá trị nghệ thuật và nhân văn cao.

Tổng thể kiến trúc Huế được khởi công xây từ thời vua Gia Long (1802-1819) và được tiếp tục dưới các triều vua sau, ngay cả dưới thời Pháp thuộc. Ta có thể chia tổng thể kiến trúc Huế ra các phần là kinh thành, lăng tẩm, đình chùa. Đáng chú ý nhất là Kinh Thành, nơi gom tụ nhiều sức lực, tâm huyết và tài hoa của các vua Nguyễn cũng như của các nghệ nhân đương thời.

Kinh Thành là tòa thành đồ sộ nằm trên khu đất bằng phẳng ở bờ Bắc sông Hương, phía trước có núi Ngự Bình án ngữ. Kinh Thành gồm ba vòng thành khép kín lồng vào nhau, không đồng tâm nhưng nằm trên trục chính Tây-Bắc và Đông-Nam.

Vòng thành to lớn ở ngoài gọi là Phòng Thành, hình vuông, mặt xoay về hướng Nam chu vi 9.950m, cao 6,5m, dày 21m, có hào bao quanh thông với nước sông Hương. Thành có mặt ngoài xây bằng gạch vồ rất cứng, phía trong xây bằng đất, được cấu tạo dưới ảnh hưởng của kiểu Vauban của Pháp mang nặng tính chất phòng ngự với 24 pháo đài án ngữ ở bốn góc và bốn cạnh trên mặt thành. Góc thành phía Bắc hướng ra biển có một bức thành phụ xây vào năm 1836 có hình dáng giống như chiếc mang cá, được gọi là Trấn Bình đài hoặc đồn Mang Cá. Ngay trên cạnh thành phía Nam có Kỳ Đài ba tầng, cao 17,5m ở trên có cột cờ cao 37m. Kỳ Đài được xây dựng vào năm 1807 với chiếc cột cờ bằng gỗ. Đến năm 1924 chiếc cột gỗ bị gãy, được thay bằng một chiếc khác bằng gang nhưng lại bị quân Pháp bắn gãy vào năm 1947. Qua năm sau, cột cờ được xây lại bằng xi măng cốt thép và tồn tại cho đến ngày nay. Từ trên cột cờ này có thể quan sát ra tận cửa Thuận An cách huế 13km. Phòng Thành có 10 cửa ra vào, trổ ra 10 chiếc cầu bắc qua hào nước. Trên cửa thành đều có vọng lâu hình vuông, có treo chuông. Mỗi ngày hai phát súng hiệu lệnh mở và đóng cửa thành được bắn ra từ vọng lâu (5 giờ sáng và 9 giờ tối).

Phía trong Phòng Thành xưa là trụ sở của các cơ quan triều đình như Tam Tòa, Lục Bộ, Tôn nhân phủ, Quốc Tử Giám, lầu Nàng Thơ… và các nơi thưởng ngoạn của nhà vua như hồ Tĩnh Tâm, vườn Thượng Uyển, sông Ngự Hà…

Tiếp theo là Hoàng Thành còn gọi là Hoàng Cung hay là Đại Nội, khởi công xây vào năm 1804. Thành có hình gần vuông, hai cạnh Bắc Nam dài 622m, hai cạnh Đông Tây dài 606m, cao 4m, tường bằng gạch dày 1m, chung quanh có hào nước bảo vệ. Mỗi cạnh thành đều có một cửa ở ngay chính giữa. Cửa chính là Ngọ Môn, quay về hướng Nam, cửa Hòa Bình ở hướng Bắc, cửa Hiển Nhơn dành cho Nam và cửa Chương Đức dành cho nữ.

Mỗi cửa là một công trình nghệ thuật đặc sắc, màu sắc hài hòa, điêu khắc hoàn mỹ, đường nét mang đậm màu sắc dân tộc. Riêng cửa Ngọ Môn (xây năm 1833) có một cấu trúc gồm đài và lầu rất độc đáo. Đài là nền đế của lầu, có hình chữ U, cao hơn 5m. Mặt chính xây bằng đá, có ba cửa hình chữ nhật cao 4,08m. Cửa giữa rộng 3,63m chỉ dành riêng cho vua, cửa hai bên rộng 2,55m dành cho đoàn ngự đạo. Hai cánh của chữ U xây bằng gạch già có cửa vòm cuốn dành cho lính gác. Trên nền đàilà lầu Ngũ Phụng có hai tầng, năm dãy tương ứng với năm hình tượng chim phụng đang xòe cánh. Tầng dưới không có tường che, để lộ 100 cây cột cao mảnh như chân phượng hoàng. Tầng trên rộng thoáng mát. Lầu Ngũ Phụng lợp ngói men vàng ở giữa, ngói men xanh ở hai bên. Trên các góc mái, bờ móc đều được trang trí các hình rồng, mây, hươu… và các loại cây, hoa. Với kiểu dáng đặc biệt ấy, cửa Ngọ Môn luôn luôn là biểu trưng cho kiến trúc Huế.

Trong Hoàng Thành có đến trên 100 công trình kiến trúc khác nhau. Các công trình này được sắp xếp cân đối và liên tục, đối xứng với nhau qua trục Nam Bắc.Tính từ Ngọ Môn về phía Bắc có sân Đại Triều, hồ Thái Dịch, điện Thái Hòa. Hai bên là khu dành cho việc thờ cúng, bênt rái thờ các chúa Nguyễn (Thái miếu) và Nguyễn Kim (Triệu miếu), bên trái thờ các vua Nguyễn và cha của vua Gia Long là Thế miếu và Hưng miếu. Ngoài ra cón có cung Diên Thọ là chỗ ở của mẹ vua, cung Trường Sanh dành cho bà nội của vua.

Đặc biệt trong Thế Miếu có Hiển Lâm Các, một kiến trúc cao 17m, cao nhất trong tổng thể kiến trúc của Hoàng Thành. Hiển Lâm Các được xây dựng vào năm 1821, có ba tầng, hình dánh như bông hoa xoè 12 cánh (tương ứng với 12 mái). Tầng một ba gian hai chái có cổng xuyên ngang từ trước ra sau. Tầng hai còn lại hai gian có lan can con tiện chạy quanh. Lên đến tầng ba chỉ còn một gian giản dị với cửa ở hai mặt trước sau. Hiển Lâm Các, nơi dùng để tưởng nhớ tiền nhân, toát ra một vẻ thanh thoát nhẹ nhàng.

Dàn ngang trước Hiển Lâm Các là dãy Cửu Đỉnh, tác phẩm của các nghệ nhân đúc đồng. Chín cái đỉnh đồng đồ sộ, đường bệ, được chạm nổi một cách công phu và điêu luyện những hình ảnh của thiên nhiên Việt Nam. Mỗi chiếc đỉnh mang tên tương ứng với miếu hiệu của các vua Nguyễn: Cao, Nhân, Chương, Anh, Nghị, Thuần, Tuyên, Dụ, Huyền.

Trung tâm của Hoàng Thành là Tử Cấm Thành, hình dáng gần vuông, chu vi 1228m. Trong Tử Cấm Thành là nơi vua ở cùng làm việc, không ai có thể vào được trừ các vợ vua và các hoạn quan. Đây là thế giới của lầu son gác tía, là tam cung lục viện, một thế giới cách biệt với đời sống thường.

Kinh Thành Huế hiện nay vẫn tồn tại với những nét cổ kính đặc trưng cho văn hóa Việt Nam và đang được các nhà sử học nghiên cứu kết hợp cùng các nghệ nhân trong việc bảo tồn và tôn tạo di tích.

* Kênh Vĩnh Tế

Một trong những nét đặc trưng của miền Tây Nam bộ là hệ thống kênh đào chằng chịt, cắt xẻ bề mặt châu thổ thành những ô vuông, tạo thuận tiện cho giao thông đường thủy, đồng thời tưới tiêu cho các cánh đồng, vườn cây. Hiện nay tổng cộng chiều dài các kênh đào lên đến 4900km, trong đó có 1575km là các con kênh có lòng rộng 18-60m, 480km có lòng rộng 8-16m, phần còn lại là những con kênh dưới 8m.

Người Việt đã bắt tay đào kinh tại châu thổ sông Cửu long ngay từ thế kỷ XVII dưới thời các chúa Nguyễn và công việc này trở thành qui mô nhà nớc vào thời các vua Nguyễn. Chính hệ thống kênh của nhà Nguyễn là nền tảng lớn nhất và cơ bản nhất của hệ thống kênh đào miền Tây Nam bộ ngày nay.

Trong số các con kênh đào ấy, đặc biệt có con kênh mang tên một phụ nữ sống vào đầu thế kỷ XIX. Đó là kênh Vĩnh Tế, lấy tên của bà Châu Vĩnh Tế, vợ của Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại) vì bà đã có công giúp chồng đốc sức dân binh đào vét.

Kênh Vĩnh Tế dài chừng 100km, chạy men theo biên giới Việt – Campuchia, nối liền Châu Đốc và Hà Tiên.

Để tiến hành việc đào con kênh này, nhà Nguyễn đã để ra hơn hai năm cho việc chuẩn bị, Nguyên vào năm 1817, sau khi đặt bền bảo hộ trên đất Chân Lạp, vua Gia Long muốn củng cố mặt sau của Nam Vang, cho tăng cường, sửa san đồn Châu Đốc. Nhưng đường từ Châu Đốc đến Hà Tiên lại không thông, nhà vua xuống chiếu điều động người Việt cùng người Khmer đẵn chặt gai góc cây cối để khai thông dòng sông. Mọi việc chi phí do Gia Định chu cấp. Công việc tiến hành chưa bao lâu thì qua năm sau nhà vua chỉnh lý lại kế hoạch đào kênh. Nhà vua cho đo đạc lại cẩn hận các đoạn cần phải đào, lên danh sách rạch ròi chiều dài của mỗi đoạn, vạch con đường kênh tiếp giáp với sông Giang Thành thông ra vịnh Thái Lan.

Vua giao cho Nguyễn Văn Thoại (1762-1829) chỉ huy công trình này. Bấy giờ Nguyễn Văn Thoại đang giữ chức Trấn thủ Định Tường, đồng thời làm Bảo hộ Chân Lạp.Ông cũng vừa hoàn thành công trình đào sông Tam Khê (1818) nối cảng Đông Xuyên đến sông Kiên Giang. Công trình này được hoàn thành chỉ trong vòng một tháng với hơn 1500 dân Việt và Khmer thi công. Ghi công cho ông, vua Gia Long đã đặt tên cho con sông đào này là Thoại Hà.

Cùng thi công trên công trình đào kênh Châu Đốc – Hà Tiên, còn có hai phụ tá của Nguyễn Văn Thoại là Chưởng cơ Nguyễn Văn Tuyên và Điều bát Nguyễn Văn Tồn. Công trình được chia làm nhiều đợt, bắt đầu bằng việc phát cỏ vào năm 1818 chiếu theo đồ bản đã được vạch từ trước. Mười chiếc thuyền được phái đi khảo sát thực tế các lòng sông, xem đoạn nào cạn hẹp, đoạn nào cây cỏ đã được cắt phát cùng biên chép các chế độ thủy triều, định vị các nơi giáp nước (là nơi hai dòng thủy triều giáp nhau, nước đứng không chảy, phải đợi khi nước ròng mới di chuyển được).

Công việc đào vét được khởi công vào cháng Chạp năm Kỹ Mão (1819) bắt đầu từ sau đồn Châu Đốc kéo dài về phía Nam 3265 trượng (3265 x 3.2 = 10.448m). Dân ở tỉnh Vĩnh Long được chia thành phiên, mỗi phiên 5.000 người, binh lính đang đồn trú ở đồn Uy Viễn cùng đồn Châu Đốc có 500 người được trưng dụng cho việc đào kênh. Ngoài ra vua Chân Lạp cũng phải cho dân mình tham gia vào việc đào vét, cử mỗi phiên là 5.000 người, có 100 quan Chân Lạp phụ trách số người này. Mỗi phiên làm việc trong một tháng và hạn định là ba tháng thì hoàn tất đoạn công trình này. Đoạn công trình được chia làm hai phần. Phần ngắn khoảng hơn 3000m nhưng đất cứng do người Việt đào phần còn lại dài hơn gắp hai nhưng đất mềm, dể đào hơn thì giao cho người Khmer. Dân làm xâu hàng tháng được lãnh sáu quan tiền và một vuông gạo

Sử liệu ghi lại rằng để cho đường kênh được thẳng Nguyễn Văn Thoại cho đốt đuốc trên những cây sào dài, về ban đêm những cây sào lửa ấy là những cọc tiêu để nhắm đường kênh cho ngay thẳng.

Đoạn công trình này được hoàn thành sau đó ba tháng. Nhà vua xuống chỉ đặt tên cho dòng sông mới khai này là Vĩnh Tế.

Đến đời Minh Mạng, công trình đào kênh Vĩnh Tế được nhà vua đặc biệt chú ý ngay từ năm đầu mới lên ngôi (1820). Nhà vua “không ngại phí tốn nhiều, mong cho chóng xong việc sông, cho yên công trước”, cho tiếp tục công việc. Tuy nhiên, trước nỗi cực nhọc của dân chúng, sau 3 tháng 15 ngày điều động, vua Minh Mạng cho dân phu được nghỉ việc.

Công việc được tiếp tục vào các năm sau đó. Đặc biệt năm 1822 số dân phu người Việt trưng dụng lên đến 39.000 người còn dân phu người Khmer hơn 16.000. Tất cả chia làm ba phiên. Đợt này đang được thi công nửa chừng lại ngưng vì nạn hạn hán.

Qua đến năm 1825, còn lại đoạn kênh chưa đào là 1070 trượng (3424). Vào tháng hai âm lịch, công việc lại được tiếp tục với các dân phu của năm trấn Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, Hà Tiên cùng binh lính các đồn. Có tất cả ba phiên, một tháng lần lượt thay đổi.

Đào thông kênh xong lại trở qua việc nới rộng lòng kênh từ 6 trượng lên đến 12,5 trượng (40m)

Thế là ròng rã trong hơn năm năm , con kênh Vĩnh Tế nối Châu Đốc với Hà Tiên đã được thông. Con kênh này không chỉ là phương tiện giao thông, là hệ thống tưới tiêu mà còn là một đường biên cương bằng nước đã được đóng cọc nhiều lần trong các cuộc giao tranh. Chỉ bằng sức người, con kênh Vĩnh Tế rộng thênh thang và dài 100km đã hoàn thành. Có biết bao con người đã hy sinh, đã chết cho con kênh xanh chiến lược này? Sau khi hoàn tất con kênh, Nguyễn Văn Thoại lấy cốt các dân binh đã chết, chôn rải rác dọc con kênh, đưa về cải tán tại miền núi Sam (Châu Đốc) và đây cũng là nơi an nghỉ của Nguyễn Văn Thoại và Phu nhân Châu Vĩnh Tế (1826).

Kênh Vĩnh Tế, thành quả lao động to lớn của người Việt cũng như người Khmer đã được nhà Nguyễn ghi lại hình ảnh trên Cao đỉnh, một trong bộ cửu đỉnh danh tiếng của triều Nguyễn.

Bình luận
× sticky