Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Mặc Kệ Nó Làm Tới Đi

Chương 2: Hãy Vui Vẻ!

Tác giả: Richard Branson

• Vui vẻ, làm việc chăm chỉ rồi sẽ kiếm được tiền

• Đừng lãng phí thời gian – hãy nắm lấy cơ hội

• Có cái nhìn tích cực về cuộc sống

• Khi không còn vui vẻ, hãy tiến bước!

Tôi đọc được rất nhiều bài báo viết rằng tôi biến tất cả mọi thứ mình chạm tới thành vàng. Dù điều đó không đúng nhưng tôi không phủ nhận rằng mình đã làm tốt và đã có rất nhiều thành công trong kinh doanh. Những người lái taxi, nhà báo và người phỏng vấn trên đài phát thanh thường xuyên hỏi bí quyết của tôi là gì, tôi kiếm tiền bằng cách nào? Điều họ thực sự muốn biết là – làm thế nào để họ kiếm được tiền? Ai cũng muốn trở thành triệu phú.

Tôi luôn nói với họ một điều. Rằng tôi chẳng có bí quyết nào cả. Không có quy tắc trong kinh doanh. Tôi làm việc chăm chỉ và luôn tin rằng mình sẽ làm được. Tuy nhiên, trên hết là, tôi cố gắng vui chơi. Tôi tin rằng nên cân bằng công việc và vui chơi giải trí. Theo tôi, vui chơi nghĩa là vui vẻ tận hưởng, không làm việc và lo lắng căng thẳng. Tôi không hiểu mục đích của việc dành tất cả thời gian trong ngày để làm việc, đôi khi đến độ kiệt sức. Vui chơi giúp chúng ta tỉnh táo lại; nó có tác dụng kích thích và rất quan trọng đối với cả thể chất lẫn tinh thần. Ý nghĩa của cuộc sống chính là biết cười, biết yêu thương và trân trọng lẫn nhau.

Câu thành ngữ “Làm việc có giờ, vui chơi có lúc” thể hiện chân lý được một nhà hiền triết Ai Cập đúc kết từ 4.500 năm trước:

Kẻ làm việc cả ngày thì thật khốn khổ. Kẻ chơi cả ngày thì không kiếm được tiền. Người bắn cung bắn trúng đích, cũng như người thủy thủ cập bến, nhờ có nhiều kỹ năng khác nhau và biết khi nào nên làm việc, khi nào nên nghỉ ngơi.

Khi chuẩn bị bay vòng quanh thế giới trên khinh khí cầu, một chuyến đi mạo hiểm mà tôi biết là sẽ đầy rủi ro và có thể tôi sẽ không bao giờ trở về nữa, tôi muốn để lại cho các con mình một lời khuyên nho nhỏ từ tận đáy lòng, một lời khuyên mà tôi cho rằng sẽ dẫn đường chỉ lối cho chúng trong những năm sau này. Trước khi đi, tôi để lại một lá thư cho Sam và Holly, viết rằng: “Các con hãy sống hết mình. Tận hưởng từng giây phút. Hãy yêu thương và chăm sóc mẹ nhé.”

Những lời đó đúc kết lại những gì tôi tin tưởng. Đừng lãng phí thời gian. Hãy vui chơi. Và yêu thương gia đình của bạn.

Hãy để ý rằng kiếm tiền không có trong danh sách đó.

Tôi không dấn thân vào kinh doanh để giàu có. Sự vui vẻ và thử thách trong cuộc sống là những gì tôi muốn khi đó – và bây giờ vẫn vậy. Tôi không phủ nhận tiền bạc là quan trọng. Chúng ta không phải là những người sống trong hang động, ăn rễ cây và hoa quả. Dù một người duy tâm có thể phản đối điều này, nhưng chúng ta đang sống trong thời đại mà ai cũng cần tiền để tồn tại. Tôi từng nói rằng mỗi ngày tôi chỉ cần một bữa sáng, trưa, tối, và tôi vẫn sống theo đúng tuyên bố đó. Tôi làm kinh doanh không chỉ vì tiền – nhưng tôi nhận ra rằng nếu tôi cảm thấy vui vẻ thì sẽ có tiền. Tôi thường tự hỏi, công việc có vui vẻ và khiến tôi hạnh phúc không? Tôi tin rằng câu trả lời cho câu hỏi đó quan trọng hơn danh tiếng hay của cải. Nếu một công việc không còn vui vẻ nữa, tôi sẽ hỏi tại sao? Nếu không thay đổi được thì tôi sẽ không làm nữa.

Bạn sẽ hỏi, làm thế nào tôi biết rằng niềm vui sẽ mang tới tiền bạc? Câu trả lời là tôi không biết – tôi chỉ có thể đưa bản thân và cách sống của mình ra làm ví dụ. Không phải lúc nào cũng thành công, tôi cũng từng thất bại và tôi không phung phí thời gian chơi bời hết ngày này qua ngày khác – tôi sẽ thấy chán ngay. Thư giãn là rất tốt, các kỳ nghỉ cũng rất quan trọng, nhưng tôi nghĩ điều tôi thực sự muốn nói là chúng ta nên yêu thích bất kỳ công việc gì mình làm. Công việc phải truyền cảm hứng và khiến chúng ta thỏa mãn. Chúng ta dành rất nhiều thời gian trong đời để làm việc kiếm sống, vì vậy, làm một công việc mà bản thân không thích thì thật vô nghĩa. Tôi tin vào sự cân bằng, hay theo cách gọi của đạo Phật là sự hài hòa. Nhìn chung, tôi đã rất may mắn vì có thể duy trì được sự cân bằng này. Bao lâu nay, tôi vẫn luôn vui vẻ và tôi vẫn kiếm ra tiền.

Những công việc kinh doanh, hay kế hoạch kiếm tiền đầu tiên của tôi đều không thành công, nhưng tôi đã học được rất nhiều từ chúng. Vào một kỳ nghỉ lễ Phục Sinh, khi tôi khoảng chín tuổi và được nghỉ học về nhà, tôi nảy ra một kế hoạch tuyệt vời. Tôi sẽ trồng cây thông Noel. Tất cả mọi người đều muốn mua cây thông Noel, vì vậy có thể kết luận rất logic rằng trồng cây thông Noel sẽ giúp ta hái ra tiền. Hình ảnh đồng bảng nhảy múa trước mắt tôi. Tôi tìm và đặt mua cây giống. Ngay khi chúng được đưa đến nơi, tôi nhờ cậu bạn thân Nik Powell giúp trông khoảng 400 cây trong vườn nhà. Chúng tôi làm việc rất vất vả, đào hố bằng dụng cụ đào lỗ tra hạt rồi đặt các cây giống vào đó. Nhưng giống như tất cả những cậu bé thích nghịch ngợm trong trang trại, chúng tôi cảm thấy rất hào hứng. Tất cả những gì cần làm là chờ 18 tháng để các cây giống biến thành cây thông Noel, bán chúng đi và đếm tiền. Ngay từ bé, tôi đã biết tính kế lâu dài.

Bài học đầu tiên tôi học được là cách thức vận dụng toán học. Ở trường, tôi không giỏi môn toán. Trên giấy, chúng chẳng có ý nghĩa gì vì đầu óc tôi cần phải hình dung ra những con số có mục đích gì đó. Khi lên kế hoạch kinh doanh cây thông Noel, tôi nhận thấy ngay lập tức rằng nếu một bao 400 cây giống có giá 5 bảng và mỗi cây được bán với giá 2 bảng thì chúng tôi sẽ lãi 795 bảng. Đó là tiền thật và rất đáng chờ đợi.

Bài học thứ hai tôi học được là tiền không mọc ra trên cây! Rất tiếc là thỏ đã ăn hết các cây giống. Chúng tôi tìm cách trả thù. Tôi lấy làm tiếc phải nói rằng chúng tôi rất thích bắn lũ thỏ, rồi đem bán cho hàng thịt với giá 1 silinh mỗi con. Nói chung, chúng tôi thực sự đã kiếm được chút lãi từ 5 bảng tiền đầu tư ban đầu, còn tất cả bạn bè của chúng tôi thì được ăn bánh nhân thịt thỏ. Tất cả chúng tôi – trừ lũ thỏ – đều có lãi.

Chúng ta sẽ không bao giờ biết được mình sẽ tìm thấy gì trên một bãi biển đầy nắng. Trong kỳ nghỉ, tôi đã tìm được một hòn đảo hoang và hãng hàng không của riêng mình. Điều này đến một cách tình cờ khi tôi đang chăm chỉ làm việc để gây dựng nên Hãng đĩa Virgin vào năm 1976. Mike Oldfield là thành công lớn đầu tiên của chúng tôi với album Tubular Bells được phát hành năm 1973, và chúng tôi tiếp tục ký hợp đồng với Sex Pistols, The Human League và Sting , vì vậy công việc làm ăn đang tiến triển thuận lợi. Chúng tôi rất bận rộn nhưng cũng rất thích thú. Mọi người thường nói “Branson là một kẻ xảo quyệt may mắn khi đã vớ được một album thành công vang dội như Tubular Bells”, như thể bằng cách nào đó tôi đã vấp phải nó trên đường vậy.

Đúng vậy, đó là một cơ may, nhưng chính chúng tôi là những người đã nhận ra nó và quyết mạo hiểm. Mike Oldfield trước đó không lâu đã đóng vở nhạc kịch Hair ở sân khấu khu Tây London và đang là một ca sĩ chơi nhạc theo hợp đồng thu âm khi anh cho tôi nghe vài bài hát trong album Tubular Bells. Tôi nghĩ rằng đó là thứ âm thanh kỳ diệu hiếm thấy, và bạn cũng sẽ thấy rằng nó thật đặc biệt khi nghe. Chúng tôi không có một hãng đĩa, vì vậy tôi đã để anh mang các băng thu âm tới sáu hãng phát hành khác. Tất cả đều từ chối. Chúng tôi thích các bài hát đó đến nỗi tin rằng chúng sẽ thành công. Vì vậy, chúng tôi thành lập nên Hãng đĩa Virgin, ban đầu là để ra mắt Tubular Bells. Chúng tôi biết mình có thể làm được, nhưng để thành công là rất khó khăn cho một đám thanh niên như chúng tôi. Chúng tôi phải kiếm tiền để đăng ký, sau đó phải vất vả quảng bá nó trong một ngành công nghiệp chỉ có một thể loại nhạc theo yêu cầu. Chúng tôi phải suy nghĩ khác biệt, và đề nghị John Peel chơi toàn bộ album trong show diễn của mình. Đó là một việc chưa từng xảy ra, và như chúng tôi biết thì chưa có DJ nào từng làm. Peel đồng ý. Vụ đó thành công, doanh thu bắt đầu tăng.

Rào cản tiếp theo là việc Mike Oldfield quá nhút nhát đến nỗi không dám quảng bá cho album, nhưng chúng tôi không từ bỏ. Thay vào đó, chúng tôi đã tìm ra câu trả lời. Suy nghĩ sáng tạo, và có phần đi trước thời đại, chúng tôi làm một video và phát trên tivi. Những ban nhạc như The Beatles đã từng làm các video nhạc, nhưng những video với tư cách là công cụ quảng bá tách biệt khỏi các chương trình truyền hình nổi tiếng về nhạc pop như Top of the Pops thì vẫn rất hiếm. Video của chúng tôi được phát sóng rất nhiều, nhưng bước đột phá lớn nhất chính là khi nó được sử dụng làm nhạc phim của The Exorcist. Doanh thu tăng nhanh chóng trên toàn thế giới. Nó đã giúp Hãng đĩa Virgin trở nên nổi tiếng chỉ sau một đêm. Mặc dù đã rất thành công, chúng tôi vẫn không bao giờ ngừng tìm kiếm những giọng ca và tài năng mới.

Tôi luôn cố gắng rời khỏi nước Anh vào mùa đông. Âm nhạc, mặt trời và biển giúp tôi cảm thấy dễ chịu và sự xa cách London cho tôi không gian tự do để suy nghĩ và vạch ra những ý tưởng mới mẻ. Mùa đông năm 1977, bạn gái tôi là Joan và tôi chia tay. Tôi rất buồn và càng cần đến một kỳ nghỉ hơn.

Tôi đến Jamaica, phần là đi nghỉ, phần là vì dự định tìm kiếm các ban nhạc và ký hợp đồng với họ, vì vậy tôi mang theo một vali đầy tiền, vì các ca sĩ ở Jamaica không nhận séc. Ban ngày, tôi bơi trong nước biển ấm áp, còn ban đêm, tôi ngồi trên bãi biển hoặc ghé vào các quán bar nghe một số ban nhạc reggae  tuyệt vời chơi nhạc. Mỗi khi nghe được một loại nhạc mới, tôi đều chú ý ngay lập tức. Đó là một loại nhạc rap giai đoạn đầu được tạo ra bởi các DJ và người chơi nhạc trên radio địa phương, còn được gọi là “toasters”, vì vậy tôi đã tham gia vào bước khởi đầu của một công việc lớn lao. Thật may là vì có tiền trong vali, nên tôi có thể ký hợp đồng với gần 20 ban nhạc reggae và một vài người chơi nhạc trên radio. Chúng tôi bán được rất nhiều đĩa của họ; đây là một ví dụ hoàn hảo cho phương châm của tôi – cứ vui chơi rồi sẽ có tiền.

Tôi vẫn đang ở Jamaica khi Joan đột nhiên gọi điện thoại cho tôi: “Chúng ta có thể gặp nhau ở New York không?”, cô nói. Chúng tôi đã có một khoảng thời gian hạnh phúc ở New York, nhưng chuông điện thoại không ngừng reo khiến chúng tôi khát khao được giải thoát để có chút thời gian cho riêng mình. Tại một bữa tiệc, một người hỏi có phải tôi đã đặt tên công ty là Virgin theo quần đảo Virgin không. Chúng tôi đã đặt tên công ty là Virgin, vì khi đó chúng tôi chỉ là những kẻ chân ướt chân ráo trong kinh doanh, và tôi cũng chưa bao giờ đến quần đảo Virgin. Đột nhiên tôi nhận thấy nó có thể là một điểm đến lãng mạn hoàn hảo cho Joan và tôi.

Tôi đã dùng hết toàn bộ tiền để ký hợp đồng với các ban nhạc ở Jamaica, nhưng tôi nghe nói rằng nếu ai đang tìm mua bất động sản ở Caribe thì sẽ được đi một tour khám phá hoàn toàn miễn phí. Tôi gọi điện cho một người môi giới bất động sản ở quần đảo Virgin, nói với anh ta rằng tôi sở hữu một hãng đĩa và muốn mua một hòn đảo để xây dựng studio trên đó.

Thật may mắn cho cuộc chạy trốn lãng mạn của chúng tôi, khi người môi giới trả lời đúng như tôi mong đợi: “Hãy là những vị khách của chúng tôi. Chúng tôi có rất nhiều hòn đảo đẹp và sẽ dẫn anh đi xem.”

Joan và tôi bay tới quần đảo Virgin, ở đây chúng tôi được đối đãi như người trong hoàng tộc. Một chiếc ô tô lớn đón chúng tôi ở sân bay và đưa chúng tôi đến một biệt thự xa hoa với bể bơi và tầm nhìn tuyệt vời ra biển. Nó có tất cả những gì chúng tôi muốn, và đêm đó, trong khi bơi và ngắm bầu trời đầy sao, chúng tôi cảm thấy như đang ở Thiên đường. Tôi thực sự đã nghĩ rằng mình có thể sống như vậy và mơ đến chuyện mua một hòn đảo riêng. Ngày hôm sau, một chiếc máy bay trực thăng đưa chúng tôi đi một vòng. Chúng tôi lướt trên những cây cọ xanh rờn và nước biển xanh thẳm rồi hạ cánh trên những hòn đảo xinh đẹp, thăm thú những khu đất riêng và tận hưởng một khoảng thời gian tuyệt vời. Chúng tôi kéo dài kỳ nghỉ miễn phí lâu nhất có thể, nhưng cũng đến lúc không còn hòn đảo nào để đi nữa.

Để kéo dài khoảng thời gian tận hưởng hơn là ý định thực sự mua một hòn đảo mà tôi biết mình sẽ không đủ tiền trả, chúng tôi hỏi người môi giới rằng liệu còn hòn đảo nào chúng tôi chưa đến thăm không.

Anh ta nói: “Còn một hòn đảo nữa, một viên ngọc nhỏ bé. Nó ở cách xa hàng dặm so với tất cả mọi nơi và vẫn còn hoang sơ. Tên nó là Necker.” Anh ta nói rằng nó thuộc sở hữu của một quan chức người Anh, người chưa từng đặt chân đến hòn đảo đó.

Một hòn đảo biệt lập cách xa hàng dặm có vẻ là một lựa chọn tốt trên hai phương diện. Thứ nhất, chúng tôi sẽ được thưởng ngoạn một chuyến bay dài và tuyệt vời bằng trực thăng cùng rất nhiều cảnh đẹp. Thứ hai, chúng tôi thực sự thích nó. Vẫn còn hoang sơ nghĩa là chưa có ai xây dựng gì trên đó. Có lẽ nó sẽ khá rẻ.

Ban đầu, đi thăm đảo giống như một trò chơi. Chúng tôi không định mua một hòn đảo và tôi thì chưa đủ khả năng chi trả. Hãng đĩa Virgin đang làm ăn phát đạt, và tất cả các ban nhạc ký hợp đồng với tôi đều làm tốt, vì vậy, tôi không bỏ qua ý tưởng mua một hòn đảo vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Nhưng giờ đây tôi rất hào hứng. Tôi muốn sở hữu một nơi cho riêng chúng tôi ở Thiên đường. Tôi đã có một mục tiêu mới.

Chúng tôi bay trên mặt biển trong xanh rồi đến một dải san hô ngầm bao trọn một đầm phá và một hòn đảo tí hon, trước khi hạ cánh trên một bãi biển đầy cát trắng được bao bọc bởi những hàng cọ – trông giống như một cảnh kinh điển trong Robinson Crusoe vậy. Giữa đảo là một ngọn đồi xanh rì, và chúng tôi leo lên đó. Tầm nhìn từ đỉnh đồi thật bõ công trèo lên. Chúng tôi có thể nhìn ra mọi hướng và chẳng có gì ngoài chúng tôi và biển xanh. Đầm phá nông giữa dải san hô trong xanh và sạch sẽ đến nỗi chúng tôi có thể nhìn thấy một chú cá đuối khổng lồ đang lười biếng bơi quanh. Người môi giới nói rằng rùa đẻ trứng trên rìa bờ biển, còn giữa đảo có hai hồ nước mặn nhỏ và hàng hecta rừng nhiệt đới xum xuê. Khi chúng tôi đang ngắm nhìn, một đàn vẹt đen bay qua. Không một biệt thự lớn, hay dấu hiệu cư trú nào. Đó thật sự là một hòn đảo hoang. Đứng từ đó, phóng tầm mắt ra biển, tôi chính là vua của tất cả những gì trải ra trước mắt. Tôi yêu Necker ngay lập tức.

Người môi giới cảnh báo chúng tôi rằng trên đảo không có nước ngọt. Nếu mua hòn đảo này, chúng tôi sẽ phải chế nước ngọt từ nước biển.

“Tốt,” tôi nghĩ. “Họ sẽ không đòi giá cao cho một hòn đảo hoang không có nước ngọt và nhà cửa.” Tôi hỏi giá hòn đảo.

“Ba triệu bảng,” anh ta nói.

Cái giá đó vượt quá xa khả năng của tôi. “Tôi có thể trả 150 nghìn bảng,” tôi nói.

Tôi đang trả chưa đến 5% cái giá mà anh ta đưa ra! Tôi rất nghiêm túc nhưng người môi giới không hề cười. “Giá ba triệu bảng,” anh ta nhắc lại, nụ cười trên môi biến mất.

“Giá cuối cùng. Tôi có thể trả 200 nghìn bảng,” tôi nói.

Chúng tôi đi xuống đồi và leo lên trực thăng. Chúng tôi bay trở lại biệt thự. Hành lý của chúng tôi để ở ngoài. Chúng tôi bị đuổi đi. Đêm đó chúng tôi ngủ trên giường, ăn sáng trong làng rồi rời đi ngày hôm sau. Cảm giác như thể bị tống cổ ra khỏi Thiên đường vậy.

Chúng tôi dành phần còn lại của kỳ nghỉ trên một hòn đảo khác, nơi không có những thứ xa hoa dành cho chúng tôi như khi người môi giới nghĩ chúng tôi rất giàu có. Kế hoạch của chúng tôi là đến Puerto Rico – nhưng khi chúng tôi đến sân bay, chuyến bay bị hủy và mọi người đều đang lang thang không biết đi về đâu. Chẳng có ai làm gì cả. Nhưng phải có một người làm điều gì đó. Dù chẳng biết mình sẽ làm gì nhưng đầy tự tin, tôi thuê một chiếc máy bay 2.000 bảng rồi lấy giá đó chia cho số hành khách. Mỗi người sẽ phải trả 39 đô-la. Tôi mượn một chiếc bảng đen và viết lên đó: HÃNG HÀNG KHÔNG VIRGIN. BAY TỚI PUERTO RICO VỚI GIÁ 39 ĐÔ-LA. Toàn bộ số vé được hành khách chộp lấy đầy biết ơn. Tôi tìm cách lấy được hai vé miễn phí và thậm chí còn kiếm được chút lãi!

Ý tưởng cho Hãng hàng không Virgin ra đời ngay giữa kỳ nghỉ, dù hãng hàng không thật sự chính thức ra đời sau khi tôi nhận được một ý tưởng kinh doanh vài năm sau đó. Tôi chưa bao giờ thuê một chiếc máy bay, nhưng cũng giống như với Tubular Bells và những người Jamaica chơi nhạc trên radio, tôi đã nhìn thấy và nắm lấy cơ hội này. Ngày nay, Hãng hàng không Virgin bay tới 300 điểm đến trên khắp thế giới. Chúng tôi có Virgin Atlantic ở Australia, Virgin Express ở châu Âu, Virgin Nigeria và Virgin America. Và chúng tôi đã tiến xa hơn những gì tôi có thể mơ – Virgin Galactic với các chuyến bay vào vũ trụ. Chưa có ai làm điều này. Chúng tôi đi trước tất cả mọi người. Trong 24 năm, từ chỗ thuê máy bay, chúng tôi đã tiến tới du hành vũ trụ.

Trở về London cùng Joan sau kỳ nghỉ, tôi vẫn đặt mục tiêu mua đảo Necker. Tôi tìm hiểu và biết rằng người chủ của hòn đảo nhỏ này rất giàu có nhưng chưa từng tận mắt nhìn thấy nó, vì vậy cũng chưa bao giờ có ý định phát triển hòn đảo. Tôi còn biết rằng ông ta muốn bán nó thật nhanh để có 200 nghìn bảng xây nhà ở London – chính là mức giá tôi đã đưa ra với người môi giới. Có vẻ đó là một mức giá hợp lý.

Vấn đề duy nhất là tôi không có 200 nghìn bảng, vì vậy tôi sẽ phải đi vay. Tôi trả giá 175 nghìn bảng, mà thực ra tôi cũng không có đủ từng đó. Khi bị từ chối, tôi để vấn đề này lại và tiếp tục làm việc. Ba tháng sau, tôi nhận được một cuộc điện thoại nói rằng hòn đảo sẽ là của tôi nếu tôi trả 180 nghìn bảng. Một phần của thỏa thuận là chúng tôi phải biến hòn đảo thành nơi có thể ở được trong vòng 5 năm bằng cách xây dựng một ngôi nhà và một nhà máy khử muối tạo nước ngọt. Việc này sẽ rất tốn kém, nhưng tôi lạc quan rằng mình có thể kiếm ra tiền và đồng ý với các điều khoản.

Tôi vay ngân hàng, bạn bè và gia đình. Nợ nần quá nhiều thật khiến người ta nản chí, nhưng nó lại khích lệ tôi. Tôi tự hứa rằng sẽ kiếm đủ tiền trả nợ và hoàn thành nhiệm vụ nặng nề là xây một ngôi nhà và tạo ra nước ngọt – và tôi đã làm được. Những doanh nghiệp mà tôi gây dựng nên, một phần để trả nợ cho Necker vẫn tiếp tục hái ra tiền. Vì vậy, dù không nhất thiết phải mua một hòn đảo, nhưng tôi có thể nói rằng, bạn hãy cứ vui chơi đi rồi sẽ kiếm được tiền và có thêm những mục tiêu mới.

Giờ đây, Necker là một chốn tuyệt đẹp, nơi bạn bè và gia đình tôi thường tụ tập nghỉ ngơi và vui chơi. Tập cuối cùng trong serie truyền hình thực tế của tôi, The Rebel Billionaire, đã được quay ở đó. Máy quay ghi hình từ hiên nhà cho thấy quang cảnh tuyệt vời của biển, bờ cát trắng và rừng cọ xanh. Đó cũng là quang cảnh mà Joan và tôi đã nhìn thấy từ đỉnh đồi nhiều năm trước. Tôi đã ký hợp đồng với các ban nhạc ở Jamaica và cuối cùng có một hãng hàng không và một hòn đảo. Mọi chuyện không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng khi có mục tiêu và cái nhìn lạc quan về cuộc sống, bạn sẽ có  đích để vươn tới. Làm việc chăm chỉ và vui chơi là tất cả ý nghĩa của cuộc sống.

Ngay khi cảm thấy một việc nào đó không còn thú vị nữa, tôi sẽ nghĩ đã đến lúc chuyển sang việc khác. Cuộc đời quá ngắn ngủi cho những khoảng thời gian không hạnh phúc. Thức dậy với tâm trạng khổ sở và nặng nề không phải là một cách sống tốt đẹp. Tôi hiểu ra điều này từ nhiều năm về trước thông qua mối quan hệ đồng nghiệp với người bạn lâu năm nhất của mình, 

Nik Powell. 

Nik luôn sát cánh bên tôi ngay từ những ngày khởi đầu của Virgin. Tôi là người đưa ra các ý tưởng, còn Nik sắp xếp sổ sách và kiểm soát tiền nong. Công việc chính của anh là điều hành các cửa hàng đĩa Virgin và nhờ có anh, chúng đều hoạt động tốt. Khi bắt đầu kinh doanh hàng không, chúng tôi muốn nó là hãng hàng không tốt nhất. Chúng tôi đã đổ hàng triệu bảng vào nó, nhưng đối thủ chính là British Airways luôn tìm cách cản trở chúng tôi. Khi cuộc cạnh tranh trở nên quyết liệt, chúng tôi cần thêm rất nhiều tiền. Nó như một cái hố không đáy vậy. Hãng đĩa Virgin thu được bộn tiền, nhưng hãng hàng không cứ ngốn hết tiền, và Nik thì không thích những rủi ro quá lớn như vậy. Khi đó, tôi luôn nhớ đến những điều mẹ dặn dò khi cho tôi bốn bảng đầu tiên để gây dựng tờ Student: “Con phải đầu tư rồi mới kiếm ra tiền được.”

Sự miễn cưỡng của Nik trước rủi ro mất Hãng đĩa Virgin chính là khi chúng tôi cùng hiểu rằng đã đến lúc anh nên ra đi. Tôi mua cổ phần của anh trong Virgin và chỉ còn một mình – dù thành công hay thất bại thì tôi cũng sẽ chấp nhận tất cả. Trên thực tế, tôi tính toán như đã từng làm với những cây thông Noel. Không dễ như công việc làm ăn hồi còn trẻ dại của tôi thất bại vì một đám thỏ tham lam, với hãng hàng không, tôi đã tính toán chính xác rủi ro – chưa bằng một phần ba lợi nhuận trong một năm của Hãng đĩa Virgin. Đó không hẳn là may rủi, nhưng tôi nghĩ điều hành một hãng hàng không sẽ rất hay ho, mà đúng là như vậy, và kết quả thu được rất xứng đáng.

Niềm đam mê lớn nhất của Nik luôn là phim ảnh. Anh sử dụng số tiền kiếm được từ Virgin để gây dựng Hãng phim Palace và đã tạo ra những bộ phim tuyệt vời như The Company of Wolves, Mona LisaThe Crying Game, bộ phim đã giành được một giải Oscar. Giờ đây anh vẫn đang kinh doanh điện ảnh, vẫn rất vui vẻ và chúng tôi vẫn là bạn bè. Sau một nỗ lực lớn, cuối cùng hãng hàng không cũng có lợi nhuận. Nếu ở lại Virgin, Nik có thể kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng anh sẽ không hạnh phúc. Nếu tiếp tục làm việc với nhau ngay cả khi không còn vui vẻ nữa, hẳn chúng tôi đã không còn là bạn. Anh ấy đã lựa chọn đúng. Đó là lý do khiến tôi nói, đừng chỉ mải kiếm tiền. Thành công, hạnh phúc và sự hài lòng lâu dài sẽ không bao giờ đến nếu lợi nhuận là mục đích duy nhất của bạn trong kinh doanh.

Tôi đã rất may mắn. Virgin giờ đây có một gia tài kếch xù. Mọi người nói rằng tôi nên nghỉ ngơi. Tôi có thể nghỉ hưu, nhưng tôi hỏi, “Tôi sẽ làm gì?”

Họ nói, “Vẽ tranh màu nước. Chơi golf. Làm bất kỳ điều gì vui vẻ.”

Nhưng tôi đang cảm thấy vui vẻ. Niềm vui luôn là cốt lõi trong cách tôi kinh doanh. Nó luôn là điều then chốt của tất cả mọi thứ từ lúc bắt đầu và tôi không thấy có lý do gì để thay đổi.

Không phải tất cả chúng ta đều có tiền, gặp may hoặc có cơ hội để gây dựng một doanh nghiệp. Nhiều khi, bạn vui mừng vì có một công việc – bất kể đó là công việc gì. Vậy là bạn giành ngay lấy công việc trong nhà máy hoặc cửa hàng hoặc tổng đài. Dù ghét nó, bạn vẫn cố gắng vui vẻ. Nhưng bạn có đang vui vẻ không? Bạn có thực sự phải chịu bế tắc trong lối mòn đó không? Công việc mà bạn ghét này có thực sự là lựa chọn duy nhất của bạn không? Bạn vẫn còn những lựa chọn khác bất kể bạn là ai. Hãy nhìn quanh xem mình còn có thể làm gì khác.

Công ty phản ánh nét đặc biệt đó của tôi là Ben and Jerry’s, hãng sản xuất kem ở Vermont. Ben Cohen và Jerry Greenfield là hai người bạn thời trung học, gây dựng công ty với khoản vay 4.000 đô-la dùng để mở cửa hàng kem đầu tiên tại một trạm xăng bỏ không. Công việc kinh doanh phát triển rất nhanh – giờ đây doanh thu của họ là 150 triệu đô-la – đến nỗi hai anh chàng hippy này lo rằng họ đang trở thành một bánh răng trong bộ máy tư bản. Jerry chạy trốn tới Arizona, nhưng Ben ở lại và sáng lập nên cái mà anh gọi là “Tư bản Chu đáo” (Caring Capitalism).

Ben nói, “Khi xa rời các giá trị, tiền thực sự có thể là nguồn gốc của mọi điều xấu xa, nhưng nếu được liên kết hiệu quả với mục tiêu xã hội thì nó có thể là nguồn gốc của cơ hội.” Cũng như Virgin, anh tuyên bố sứ mệnh của mình là làm việc tốt và không phá hoại môi trường. Quỹ Ben and Jerry dành 7,5% lợi nhuận trước thuế của mình cho từ thiện (con số trung bình ở Mỹ là 1%). Ben nói, “Một số người cho rằng công ty Ben and Jerry đã thành công vì có lập trường vững vàng về các vấn đề xã hội và môi trường. Sự thật là chúng tôi nổi bật vì đã ủng hộ một điều khác biệt trên thế giới.” Điều khác biệt đó chính là trung thành với nguồn gốc của mình và sử dụng sức mạnh thương hiệu để thu hút sự chú ý tới những hoạt động như duy trì Khu Bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia tại Bắc Cực, ủng hộ các nông trại gia đình và ngăn chặn hiện tượng ấm lên toàn cầu bằng cách giảm lượng rác thải và đền bù cho 100% lượng khí thải nhà kính của họ. Nhưng họ vẫn rất vui vẻ. CEO của công ty là Walt Fresse tự xưng là “Giám đốc Điều hành Phởn phơ” (Chief Euphoria Officer).

Như đã biết, tôi ít khi sử dụng máy vi tính, nhưng tôi luôn ủng hộ các tiến bộ. Virgin sử dụng Internet để quảng cáo sản phẩm, từ vé máy bay cho tới rượu, sách, đĩa nhạc và đồ điện tử. Bạn có thể mua bất cứ hàng hóa nào của Virgin chỉ với một cú click chuột. Thế giới Dot.com đã mở ra rất nhiều cách cửa. Có rất nhiều cơ hội làm ăn buôn bán trên mạng. Nó đã thay đổi cuộc sống của những người có ý tưởng và nhiệt huyết. Câu chuyện về những cơ đồ lớn được gây dựng – từ Google tới YouTube – là những dẫn chứng rõ ràng. Tất cả đều được tạo nên bởi những chuyên gia máy tính với ít hoặc không một chút tiền vốn nào, chỉ cần một ý tưởng và một ga-ra hoặc nhà kho để làm việc. Nhưng ngay cả những người ít kinh nghiệm cũng có thể tạo nên một hãng cung cấp dịch vụ đặt hàng qua mạng thành công. Cố gắng trở nên khác biệt sẽ làm nên cơ đồ, hơn là cạnh tranh trong một thị trường đông đúc.

Bất kỳ ai cũng có thể khởi đầu công việc kinh doanh ở nhà. Bạn có thể lau cửa kính, nhận giặt là hay dắt chó đi dạo. Bạn có thể làm họa sĩ hoặc nhà văn. Bạn có thể là người làm vườn. Bạn có thể làm và bán nhà búp bê. Ngay cả Nữ hoàng cũng bán sản phẩm trong trang trại của mình ở Windsor và Sandringham trên mạng, cũng như Hoàng tử Charles với sản phẩm Duchy Originals của ông – xét cho cùng, đó cũng chỉ là những thứ như mứt và bánh bơ giòn mà ai cũng có thể bắt chước và bán trên mạng. Anita Roddick đã làm kem dưỡng da trong căn bếp của mình ở Brighton, và giờ đây Body Shop là một đế chế toàn cầu. Bạn cũng có thể làm dầu giấm trong ga-ra như Paul Newman . Với ông, nó bắt đầu chỉ như một thú vui, và giờ đây đã trở thành một công ty lớn. (Ông dành toàn bộ lợi nhuận cho các hoạt động từ thiện. Tới nay, ông đã quyên góp hơn 150 triệu đô-la – không tồi chút nào cho một thú vui.) Trong khi Paul Newman không phải lo lắng gì về tiền vốn, thì Anita Roddick hầu như không có chút tiền nào khi khởi nghiệp, vì vậy không có các quy tắc hay điều tuyệt đối nào. Có hàng tá những việc bạn có thể làm ở nhà để kiếm tiền. Chúng có thể đem đến cho bạn niềm vui và dẫn tới một công việc mới mà bạn sẽ thực sự đam mê.

Nếu bạn vẫn phải làm việc cho một ông chủ mà bạn không thích, giống như hầu hết mọi người vào một thời điểm nào đó, thì đừng than vãn. Hãy lạc quan và tiếp tục cố gắng. Làm việc chăm chỉ, kiếm tiền và kết bạn. Hãy sống vui vẻ với những người bạn quen biết qua công việc – và nếu bạn vẫn chưa hạnh phúc thì hãy tách biệt cuộc sống riêng khỏi cuộc sống ở nơi làm việc của bạn. Hãy vui vẻ trong thời gian của riêng mình, coi như ông chủ hay công ty đang trả tiền để bạn được vui vẻ, rồi bạn sẽ thấy hạnh phúc hơn, yêu cuộc sống và công việc của mình hơn.

 

Bình luận
× sticky