Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Mặc Kệ Nó Làm Tới Đi

Chương 4: Thách Thức Bản Thân

Tác giả: Richard Branson

• Nhắm cái đích thật cao

• Thử sức với những điều mới mẻ

• Luôn luôn cố gắng

• Thách thức bản thân

Ai cũng cần một điều gì đó để hướng tới. Bạn có thể gọi nó là thách thức hoặc mục tiêu. Nó chính là thứ làm nên con người chúng ta. Chính các thách thức đã đưa chúng ta từ những kẻ ăn lông ở lỗ đến chỗ chạm tới các vì sao.

Nếu thách thức chính mình, bạn sẽ trưởng thành, cuộc đời bạn sẽ thay đổi, cái nhìn của bạn sẽ trở nên lạc quan. Đạt được mục tiêu không phải là việc dễ dàng, nhưng đó không phải là lý do để dừng lại. Thay vào đó, hãy tự nhủ, “Mình làm được. Mình sẽ tiếp tục cố gắng cho tới khi thành công.”

Với tôi, có hai loại thử thách. Một là làm tốt nhất khi ở nơi làm việc và ở nhà. Hai là tìm kiếm những chuyến phiêu lưu. Tôi cố gắng hoàn thành cả hai. Tôi cố gắng đòi hỏi bản thân vươn tới giới hạn. Tôi luôn có động lực và rất thích thách thức của việc tìm kiếm những ý tưởng mới. 

Thử thách lớn đầu tiên của tôi là vào hồi bốn hay năm tuổi. Mùa hè năm đó, gia đình tôi đến Devon trong hai tuần, cùng hai cô và một bác của tôi. Khi tới nơi, tôi chạy trên bãi cát và nhìn ra biển. Tôi muốn bơi, nhưng lại chưa biết bơi. Cô Joyce, em gái của bố tôi, đến bên cạnh khi tôi ngắm những con sóng với đầy vẻ thèm muốn, và cô hứa cho tôi 10 silinh nếu đến hết kỳ nghỉ tôi biết bơi. Cô rất thông minh khi biết tôi sẽ ngay lập tức đáp lại các thách thức như thế nào. Tôi nhận lời, tin chắc rằng mình sẽ thành công. Hầu như ngày nào biển cũng động, các con sóng vươn rất cao, nhưng tôi vẫn cố tập bơi hàng giờ liền. Ngày qua ngày, tôi bì bõm trên biển, một chân chạm đáy, tái xanh đi vì lạnh nhưng vẫn quyết tâm và mặc kệ việc phải uống hàng lít nước biển. Nhưng tôi vẫn chưa biết bơi.

“Đừng buồn, Ricky,” cô Joyce ân cần. “Còn năm sau nữa mà.”

Tôi rất chán nản vì đã không vượt qua được thách thức này, và tôi biết chắc rằng năm sau cô sẽ quên. Khi chúng tôi khởi hành về nhà, tôi nhìn ra cửa sổ. Tôi ước rằng mình đã biết bơi. Tôi ghét bị thua cuộc. Hôm đó là một ngày nóng nực. Vào những năm 1950, đường sá rất chật hẹp, vì vậy chúng tôi đi khá chậm và rồi tôi nhìn thấy một dòng sông. Chúng tôi chưa về đến nhà, vẫn đang là kỳ nghỉ và tôi hiểu rằng đó là cơ hội cuối cùng để chiến thắng.

“Dừng xe lại!” tôi hét lên. Bố mẹ tôi biết về vụ cá cược, và dù rõ ràng là họ chẳng việc gì phải nghe lời tôi, nhưng vì bố hiểu tôi muốn gì và điều đó có ý nghĩa với tôi như thế nào. Ông tấp xe vào lề đường và đỗ lại. “Có chuyện gì vậy?” ông quay xuống chỗ tôi và hỏi.

“Ricky muốn thử giành 10 silinh đó một lần nữa,” mẹ tôi nói.

Tôi nhảy xuống xe và cởi quần áo thật nhanh, băng qua một cánh đồng để tới dòng sông. Khi chạy tới bờ sông, tôi cảm thấy sợ hãi. Sông có vẻ sâu và chảy xiết, đầy những hòn đá lổn nhổn. Có một đoạn dốc và đầy bùn là nơi đàn bò uống nước, và tôi quyết định rằng nhảy xuống từ đó sẽ dễ dàng hơn. Tôi quay lại và thấy mọi người đang đứng nhìn mình.

Mẹ cười và vẫy tôi đi. “Con làm được mà, Ricky!” bà khích lệ.

Với bao lời động viên khích lệ phía sau, cùng với thử thách của cô Joyce thúc đẩy, tôi biết rằng mình phải làm được ngay bây giờ hoặc không bao giờ nữa. Tôi đi qua đám bùn và lao xuống nước. Ngay khi tôi ra giữa sông, dòng nước chộp lấy tôi, khiến tôi chìm xuống và sặc nước. Tôi ngoi lên và bị cuốn theo dòng. Bằng cách nào đó, tôi đã hít được một hơi thật sâu và thả lỏng, gần như đã nổi được. Tôi đột nhiên có niềm tin rằng mình sẽ thành công. Tôi đặt một chân lên đá và lấy đà lao đi. Chẳng mấy chốc tôi đã bơi được, bơi bì bõm thành một vòng tròn – nhưng tôi đã thắng cuộc. Giữa tiếng nước chảy và tiếng đạp nước của mình, tôi nghe thấy giọng hò reo của cả nhà trên bờ. Khi đi lên, dù mệt lử nhưng tôi đã rất tự hào. Tôi bò lê qua vũng bùn và đám bụi cây đầy gai nhọn để đến chỗ cô Joyce. Cô cười rạng rỡ và đưa ra 10 silinh.

“Làm tốt lắm, Ricky!” cô nói.

“Mẹ biết con sẽ làm được mà,” mẹ nói, đưa cho tôi một chiếc khăn khô. Tôi biết rằng mình sẽ làm được, và tôi không bao giờ từ bỏ cho tới khi chứng minh được điều đó.

Nhưng có một việc tôi không thể làm tốt, đó là đọc. Tôi luôn cảm thấy việc học ở trường rất khó khăn vì tôi mắc chứng khó đọc. Tôi ghét phải thừa nhận thất bại, nhưng dù cố gắng thế nào thì đọc và viết vẫn là những việc rất khó khăn đối với tôi. Một cách ngoan cố, điều đó khiến tôi muốn trở thành nhà báo, công việc luôn cần đến đọc và viết. Khi biết trường đang tổ chức một cuộc thi viết luận, tôi bèn tham gia. Tôi không biết ai sẽ ngạc nhiên nhất khi tôi thắng cuộc. Tôi là thằng bé suốt ngày bị phạt vì thi trượt. Nhưng tôi đã chiến thắng cuộc thi viết luận một cách công bằng trước những học sinh thông minh nhất trường. Tôi rất hứng khởi và khoe ngay với mẹ. Thay vì tỏ ra sửng sốt, bà nói đơn giản, “Mẹ biết con có thể thắng mà, Ricky.” Mẹ tôi là người không bao giờ nói “không thể”. Bà tin rằng nếu bạn cố gắng thì mọi việc đều có thể xảy ra.

Thành công đó đã khích lệ tôi rất nhiều, và dù chưa bao giờ đạt thành tích cao trong học tập nhưng từ đó trở đi, việc học tập của tôi đã có tiến bộ. Tôi học cách tập trung vào những từ khó và đã phát âm tốt hơn. Điều này cho thấy rằng bạn có thể đạt được gần như mọi thứ – nhưng bạn phải cố gắng. Tôi không ngừng thách thức bản thân. Sau khi đoạt giải trong cuộc thi viết luận đó, tôi gây dựng tạp chí Student. Có lẽ khi đó tôi muốn chứng minh rằng một kẻ luôn bị chế nhạo vì không thể đọc và viết giỏi vẫn có thể làm được việc.

Khi lớn lên và bước ra thế giới rộng lớn hơn, tôi phải đối mặt với những thách thức to lớn hơn. Dường như tôi không bao giờ kiệt sức và luôn khát khao được phiêu lưu. Sự nguy hiểm lôi cuốn tôi. Tôi vốn đã cùng Per lập kỷ lục là những người đầu tiên vượt Đại Tây Dương trên khinh khí cầu. Đầu năm 1990, Per và tôi quyết định vượt Thái Bình Dương, từ Nhật Bản tới Mỹ. Đó là một chuyến phiêu lưu còn nguy hiểm hơn, vượt qua 8.000 dặm biển khơi. Chưa từng có ai làm được việc đó.

Tôi đã cùng gia đình và bạn bè tận hưởng lễ Giáng sinh trên một hòn đảo nhỏ ở Nhật. Nơi đó thật dễ chịu và yên bình, với màn sương mù êm đềm và vô tận thường thấy trong những bức tranh Nhật Bản. Ở đó có một dòng sông chảy trên đá, qua những rặng liễu và tre, nơi tôi thấy những người đánh cá dùng những con chim cốc thuần hóa để bắt cá. Cuộc sống của họ có vẻ yên ả và thanh bình, và tôi tự hỏi rằng họ có hạnh phúc không, hay cũng có những ước mơ và lo sợ như tất cả chúng ta? Với truyền thống và lối sống cổ xưa của mình, có lẽ họ nhìn nhận thời gian theo một cách khác hẳn tôi. Họ nghĩ gì về cách sống vội vàng gấp gáp của tôi? Tôi chỉ biết rằng thách thức chính là động lực thúc đẩy tôi tiến lên phía trước.

Vì Joan không thích thấy tôi lên đường với những thách thức nguy hiểm, và lũ trẻ còn phải đi học nên tôi tạm biệt họ ở Tokyo để quay trở lại London. Khi đang đi bộ qua ngã tư đường cùng bố mẹ tôi để bắt chuyến bay nội địa tới nơi đặt chiếc khinh khí cầu, tôi thấy trên những màn hình lớn là hình ảnh các trực thăng cứu hộ đang kéo lên từ biển một thi thể. Tôi có linh cảm rằng đó là đối thủ người Nhật của chúng tôi, Fumio Niwa. Ông đã cất cánh từ sáng sớm hôm đó hòng đánh bại chúng tôi, nhưng khí cầu của ông bị rách và ông rơi xuống lòng biển lạnh giá. Vì bão rất mạnh nên ông không được cứu kịp thời và đã chết cóng. Xem trên tivi cảnh ông được kéo lên khiến tôi càng sốc hơn vì trước đó không lâu, tôi còn cười đùa với ông.

Sau bi kịch đó, thật dễ hiểu khi ý chí tôi bị lung lay. Nhưng tôi đã hứa sẽ đi và mọi thứ đều đã sẵn sàng. Tôi không thể rút lui, vì vậy đành phó mặc cho số phận. Dù nguy hiểm thế nào tôi cũng sẽ không từ bỏ, và tôi nghĩ Joan hiểu điều đó.

Kế hoạch của chúng tôi là vượt đại dương bằng khinh khí cầu trên một trong những cơn gió xoáy bao quanh Trái đất ở độ cao 9.000 đến 10.500 mét. Chúng di chuyển nhanh như một dòng sông khi ở đỉnh lũ. Nếu ở dưới, gió sẽ thổi chậm hơn. Vấn đề của chúng tôi là chiều cao của chiếc khinh khí cầu khổng lồ. Từ đỉnh đến đáy của nó là hơn 90 mét. Khi chúng tôi tiến vào chỗ gió xoáy, nửa trên và dưới của khí cầu sẽ bay với vận tốc khác nhau. Mọi chuyện đều có thể xảy ra.

Chúng tôi đeo sẵn dù và áo phao để lỡ gặp chuyện gì thì chúng tôi cũng không lãng phí thời gian quý giá của mình. Sau đó, chúng tôi châm bộ đốt. Khi lên cao, đỉnh khí cầu chạm tới đáy của luồng gió xoáy. Giống như va vào trần nhà bằng kính vậy. Chúng tôi đốt thêm nhiên liệu, nhưng gió mạnh đến nỗi cứ liên tục đẩy chúng tôi xuống. Chúng tôi tiếp tục đốt thêm nhiều nhiên liệu. Đỉnh khí cầu bị cuốn vào luồng gió thổi rất nhanh và lao lên như tên lửa. Luồng gió cuốn nghiêng ở một góc điên rồ với tốc độ 185 km/h. Chiếc khí cầu vẫn bay với vận tốc 40 km/h. Cảm giác lúc đó như thể một nghìn con ngựa đang kéo rời chúng tôi ra. Chúng tôi đã ở quá cao để nhảy ra, và cũng sợ rằng chiếc khí cầu sẽ toạc ra làm đôi rồi lao hàng trăm mét xuống biển.

Nhưng cuối cùng thì chiếc khí cầu cũng xuyên được qua trần nhà bằng kính và lấy lại thăng bằng.

Sức mạnh và sự hung tợn của luồng gió xoáy cùng với việc chúng tôi đã thành công và sống sót thật khiến tôi không nói nên lời. Trải nghiệm một mình ở giữa khoảng không bao la ấy mang đến một niềm vui điên cuồng và đáng sợ. Sự thật mong manh là tất cả những gì giữ cho chúng tôi ở trên đó là khí nóng – theo nghĩa đen.

Chúng tôi bay đi với vận tốc rất lớn, nhanh hơn nhiều so với những gì chúng tôi nghĩ. (Trên không, cũng như trên mặt nước, vận tốc thường được đo bằng hải lý. Tôi dùng đơn vị km/h cho rõ ràng.) Bảy tiếng sau, đã đến lúc tháo thùng nhiên liệu đầu tiên. Vì một vài lý do, chúng tôi cho rằng đi xuống dưới luồng gió xoáy để làm thì sẽ an toàn hơn, dù mọi thứ chúng tôi làm đều mới và dựa trên kinh nghiệm. Chúng tôi tắt bộ đốt và bay xuống vùng gió yếu hơn. Ngay lập tức, thân khí cầu trở thành cái phanh, nhưng phần trên vẫn lao đi. Qua chiếc máy quay dưới đáy khí cầu, chúng tôi có thể thấy rõ biển khơi xám xịt dữ tợn ở độ sâu 7.000 mét dưới chân mình, với ngọn sóng trắng xóa và những vùng nước tối tăm. Tôi tự hỏi liệu chúng tôi có phải kết thúc tất cả ở dưới lòng biển không.

Per ấn nút thả thùng nhiên liệu rỗng, và chúng tôi bị lắc lư kinh khủng. Tôi ngã dúi dụi vào Per khi mọi thứ đều trượt về phía mình. Chúng tôi kinh hoàng nhận ra rằng hai thùng đầy nhiên liệu – mỗi thùng nặng một tấn – cùng một thùng rỗng đã cùng rơi xuống. Không chỉ bị nghiêng và mất thăng bằng, chúng tôi còn không có đủ nhiên liệu để kiểm soát độ cao và tìm ra hướng gió, và rất có thể chúng tôi sẽ không đến được Mỹ. Nhẹ đi được ba tấn, chiếc khí cầu lao lên. Chúng tôi va vào luồng gió xoáy mạnh đến nỗi xuyên thẳng qua trần nhà bằng kính như tên lửa và tiếp tục lao lên. Per cho một ít không khí thoát ra khỏi khí cầu nhưng chúng tôi vẫn cứ lao lên mãi.

Chúng tôi đã được cảnh báo rằng ở độ cao 13.000 mét, vòm bằng kính của khí cầu sẽ nổ tung, rồi phổi và nhãn cầu sẽ bị hút ra khỏi cơ thể chúng tôi. Như bị thôi miên, chúng tôi nhìn vào dụng cụ đo độ cao như đám chim non gặp ác, khi nó tiến dần tới con số đáng sợ là 12.900 ki-lô-mét. Chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chúng tôi không chỉ bay cao hơn tất cả những khinh khí cầu khác, mà còn cao hơn tất cả các loại máy bay. Cuối cùng, chiếc khí cầu nguội đi và chúng tôi bắt đầu rơi xuống rất nhanh. Một lần nữa, chúng tôi lại nhìn dụng cụ đo độ cao, lần này nó quay ngược lại khi chúng tôi lao xuống. Chúng tôi không muốn đốt thêm nhiên liệu, nhưng đành phải làm vậy để ngừng rơi. Chúng tôi không thể đáp xuống biển vì sẽ chẳng có ai ở vùng Thái Bình Dương bao la đến cứu cả.

Chúng tôi sẽ phải bay tiếp 30 giờ nữa chỉ với một ít nhiên liệu; và để tới được đất liền, chúng tôi phải bay nhanh hơn mọi chiếc khí cầu từ trước đến nay. Điều đó có nghĩa là phải duy trì ngay giữa luồng gió xoáy, một khoảng không chỉ rộng khoảng 90 mét – chính là chiều cao của chiếc khí cầu. Đó là điều không tưởng.

Giọt nước cuối cùng làm tràn ly là khi chúng tôi mất tín hiệu radio. Chúng tôi đã bay hàng giờ đồng hồ, Per đã kiệt sức. Anh nằm xuống và ngay lập tức rơi vào giấc ngủ sâu. Tôi chỉ còn một mình. Tôi không tin vào Chúa, nhưng ngày hôm đó cứ như đã có một thần hộ mệnh bước vào khinh khí cầu và giúp đỡ chúng tôi. Qua đồng hồ, có thể thấy rằng chúng tôi đã bắt đầu tăng tốc, càng lúc càng nhanh hơn. Tôi ngỡ mình đang mơ và tự tát vào mặt để chắc chắn rằng mình vẫn đang tỉnh. Chúng tôi bay với tốc độ từ 130 km/h tiến lên 290, 320 rồi 390 km/h. Đây là điều chưa từng có, giống như một phép màu.

Tôi kiệt sức đến nỗi gần như mê sảng, nhưng Per đang ngủ nên tôi phải canh chừng. Khi nhìn thấy những đốm sáng lạ nhấp nháy trong vòm kính, tôi cho rằng đó là những linh hồn. Tôi ngắm nhìn chúng như trong một giấc mơ, cho tới khi nhận ra rằng đó là những đám khí ga cháy đang rơi xuống. Nhiệt độ bên ngoài đang là âm 70 độ C. Nếu một quả cầu lửa va vào vòm kính đóng băng, nó sẽ nổ tung.

“Per!” tôi hét lên. “Dậy đi! Cháy rồi!”

Per choàng tỉnh dậy. Ngay lập tức anh biết phải làm gì. “Đưa nó lên độ cao 12.000 mét, ở đó không có ôxy,” anh nói. “Khi đó lửa sẽ tắt.”

Chúng tôi bay lên, với những đám khí ga cháy vẫn đang tỏa ra xung quanh, vượt qua độ cao tối đa lần trước là 12.900 mét và vẫn tiếp tục bay lên. Ở khoảng 13.000 mét, tôi đoán trước rằng chiếc khí cầu sẽ nổ tung và tưởng tượng cảnh nhãn cầu và phổi của mình bung ra như những viên mứt, giống như trong một bộ phim kinh dị. May sao, những đốm lửa tắt hết và chúng tôi lại bắt đầu hạ xuống. Nhưng chúng tôi đã để phí mất lượng nhiên liệu quý giá. Bỗng nhiên chiếc radio hoạt động trở lại. Một giọng nói cất lên, “Chiến tranh đã nổ ra trên Vịnh. Mỹ đang đánh bom Baghdad.” Thật lạ lùng và gần như chẳng liên quan khi chúng tôi đang ở một mình trên rìa vũ trụ, còn một cuộc chiến vừa nổ ra trên Trái đất.

Trên radio, phi đội dưới đất nói rằng luồng gió xoáy chúng tôi đang bay theo chuyển hướng và chúng tôi đã vòng lại Nhật Bản. Chúng tôi phải ngay lập tức tiến vào một luồng gió xoáy thấp hơn đưa tới Bắc Cực, nhưng nó chậm hơn rất nhiều. Để tới đất liền, vận tốc trung bình của chúng tôi không được giảm xuống dưới 270 km/h – gấp đôi vận tốc của bất kỳ khinh khí cầu nào. Chúng tôi hạ xuống độ cao 5.500 mét và va vào luồng gió bắc thổi chậm. Khi có vẻ như chúng tôi sẽ phải hạ cánh xuống biển thì đội công tác dưới đất nói rằng chúng tôi đã đi vào một luồng gió khác thổi đúng hướng. Ở độ cao 9.000 mét, chúng tôi bay hàng giờ liền trên chiếc khí cầu nghiêng ngả với vận tốc kỳ diệu, hơn 300 km/h. Cuối cùng, chúng tôi cũng hạ cánh trong một trận bão tuyết trên một hồ đóng băng ở phía bắc Canada, tại một vùng hoang vu rộng gấp 200 lần nước Anh.

Chúng tôi giật mạnh cửa và trèo ra ngoài. Chúng tôi ôm lấy nhau và nhảy múa dưới trời tuyết rơi. Vỏ bọc bằng bạc của khí cầu bị mắc vào các cây thông và bị gió xé vụn. Sau đó, chúng tôi nhận ra hai điều: chiếc khí cầu sẽ không nổ, và nhiệt độ ngoài trời đang là âm 60 độ C. Nếu không vào bên trong, chúng tôi sẽ chết cóng. Chúng tôi bò vào trong khí cầu, tôi kết nối radio với Dịch vụ Bay Watson Lake.

“Chúng tôi làm được rồi. Chúng tôi đã đến nơi. Hai chúng tôi đều ở đây.”

“Các anh đang ở đâu?”

“Chúng tôi đã hạ cánh xuống một hồ nước, bao quanh là cây cối.”

“Đó là một hồ nước đã đóng băng,” một giọng Canada trả lời ngắn gọn. “Ở đó khá an toàn. Vấn đề duy nhất là có khoảng 800.000 hồ ở vùng các anh hạ cánh, và xung quanh đều có rất nhiều cây.”

Chúng tôi phải chờ đợi trong khí cầu thêm tám giờ nữa. Per bị cước chân, còn tôi thì bị ở một ngón tay. Chúng tôi túm tụm vào với nhau, nửa tỉnh nửa mê, ăn đồ dự trữ và mong mỏi có được chút hơi ấm khi gió tuyết gào rú xung quanh chiếc khí cầu kim loại. Nơi chúng tôi hạ cánh cách vùng có người ở gần nhất là 500 cây số, và cách con đường gần nhất 250 cây số.

Cuối cùng, chúng tôi cũng nghe thấy tiếng vù vù của cánh máy bay trực thăng. Càng lúc âm thanh càng to hơn, rồi chiếc trực thăng bay vòng tròn trên đầu và hạ cánh xuống cạnh chúng tôi.

Chuyến bay đến Yellowknife mất thêm bốn giờ nữa. Khi chúng tôi hạ cánh xuống một sân bay bé xíu, những ánh sáng vàng huỳnh quang tạo thành những vòng tròn mờ ảo trên tuyết. Chúng tôi bước đi lạo xạo trên tuyết tới nhà chứa máy bay. Những bông tuyết bay sượt qua khi chúng tôi mở cửa bước vào.

Bên trong căn nhà có Will Whitehorn, Giám đốc Phát triển Thương hiệu của Tập đoàn Virgin, bố mẹ tôi, vợ của Per là Helen và một số người ở Yellowknife. Tôi gần như không nhận ra bất kỳ ai vì tất cả đều mặc quần áo lùng bùng rất lạ: áo khoác bông màu đỏ tươi và quần giữ nhiệt. Họ reo lên mừng rỡ khi chúng tôi bước vào.

“Uống bia lạnh nào!” Will hô lớn. “Ở đây chỉ có vậy thôi!”

Per và tôi bật nắp lon rồi hắt bia vào tất cả mọi người ở đó.

“Con thành công rồi!” mẹ tôi nói.

“Đừng bao giờ làm như vậy nữa!” bố tôi nói.

“Ý bác là sao?” Per nói đùa. “Lần sau chúng cháu sẽ đi vòng quanh thế giới. Nếu vẫn còn những thùng nhiên liệu đó thì bây giờ chúng cháu đã ở Anh rồi!”

Tôi cười, nhưng biết rằng mình sẽ không thể từ chối thách thức. Chúng tôi đã thử sức vào hai năm sau đó.

Ngay trước khi chúng tôi lên đường vượt Thái Bình Dương, con gái Holly của tôi đã gửi fax cho tôi từ London. Nó viết, “Con mong rằng bố sẽ không hạ cánh xuống nước. Con hy vọng bố sẽ hạ cánh an toàn và hạ cánh trên đất liền.”

Đó có vẻ là một phép ẩn dụ hoàn hảo cho cuộc đời tôi. Tôi đã rất may mắn. Cho tới nay, tôi gần như luôn hạ cánh trên đất liền. James Ullman, nhà văn và nhà leo núi nổi tiếng người Mỹ, từng nói: “Thử thách là cốt lõi và động lực chính trong mọi hành động của con người. Nếu có đại dương, chúng ta sẽ vượt qua nó. Nếu có bệnh tật, chúng ta sẽ chữa được nó. Nếu có điều gì không ổn, chúng ta sẽ sửa chữa nó. Nếu có kỷ lục, chúng ta sẽ phá vỡ nó. Và nếu có núi cao, chúng ta sẽ chinh phục nó.”

Tôi hoàn toàn đồng ý và tin rằng tất cả chúng ta đều nên tiếp tục thách thức bản thân.

Bình luận
× sticky