Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Mặc Kệ Nó Làm Tới Đi

Chương 12: Làm Việc Tốt

Tác giả: Richard Branson

• Thay đổi thế giới, dù là bằng cách nhỏ nhất

• Tạo nên sự khác biệt và giúp đỡ mọi người

• Đừng làm điều xấu

• Luôn nghĩ xem bạn có thể trợ giúp điều gì

Tôi được nuôi dạy với tư tưởng rằng tất cả chúng ta đều có thể thay đổi thế giới. Tôi tin rằng nghĩa vụ của chúng ta là giúp đỡ mọi người và làm việc tốt khi có thể; đó không phải là một nhiệm vụ quá nặng nề. Nó có thể chỉ đơn giản là giúp đỡ gia đình, bạn bè, hàng xóm và cảm thấy vui khi làm tốt một việc. Khi theo học trường nội trú, tôi vẫn có thể nảy ra những ý tưởng sáng tạo và (tôi nghĩ là) có ích. Tôi tin chắc rằng thầy hiệu trưởng đã rất sửng sốt khi đọc bài luận dài tôi viết về cách ông có thể điều hành trường học tốt hơn. Tôi kết luận rất hoành tráng với câu, “Em rất mong muốn được biết quan điểm của thầy về bài viết này, và tất cả số tiền để dành sẽ được sử dụng vào kế hoạch tiếp theo của em.”

Thầy hiệu trưởng không cười nhạo, hay thậm chí là cho tôi ăn đòn vì tội hỗn xược. Thầy đưa lại bài luận cho tôi và lạnh nhạt nói, “Rất tốt, Branson. Hãy cho nó vào tờ tạp chí của trường.”

Nhưng tôi không làm thế. Tôi đã bỏ học và làm tờ tạp chí của riêng mình, coi đó là nền tảng để thay đổi mọi thứ.

Khi em gái Lindi và tôi đang bán tạp chí Student trên đường phố thì một người sống lang thang hỏi xin tiền. Tôi không một xu dính túi, nhưng tôi muốn làm việc tốt đến nỗi đã đưa quần áo của mình cho ông ta. Tôi phải mượn một tấm chăn để cuốn tạm trước khi bị bắt. Gandhi từng đi bộ khắp Ấn Độ mà trên người chỉ có một tấm vải để truyền bá tư tưởng, nhưng lê la trên đường trong một tấm chăn cũ có vẻ như không tạo được dấu ấn như vậy.

Một trong những cách chúng tôi đã làm để giúp đỡ những người cùng tuổi là thành lập Trung tâm Tư vấn Học sinh sinh viên, một nơi ẩn danh và thân thiện, với đội ngũ nhân viên là các tình nguyện viên học sinh đồng cảm và hiểu vấn đề. Mọi người đến đây có thể hỏi về mọi thứ, từ thuê căn hộ đến xin trợ cấp, nhưng hầu hết bọn họ đều hỏi xin lời khuyên về giới tính. Kỳ cục là tôi lại có quan hệ họ hàng xa với Marie Stopes, người tiên phong trong ngành giáo dục sức khỏe sinh sản cho phụ nữ. Tuy nhiên, nguồn cảm hứng của tôi bắt nguồn từ nhu cầu, khi một trong những bạn gái của tôi cần phá thai. Khi đó, không có nơi nào như trung tâm của chúng tôi có thể đưa ra lời khuyên hoàn toàn miễn phí vào bất cứ thời điểm nào trong ngày về vấn đề đó. Dần dần, trung tâm chiếm ngày càng nhiều thời gian của tôi. Tôi phải nói chuyện với một người có ý định tự tử vào 3 giờ sáng, chỉ dẫn cho các cô gái đang mang thai về vị bác sĩ tốt nhất mà họ nên tìm đến, và cung cấp thông tin cho một người khác về thời gian phòng khám bệnh lây truyền qua đường tình dục mở cửa tại Bệnh viện Charing Cross. Trong khoảng thời gian ít ỏi còn lại, tôi cố gắng lo cho tờ tạp chí. Khi chúng tôi mới mở trung tâm này dưới hầm mộ của nhà thờ lịch sử giữa lòng London, đội ngũ nhân viên gồm những tình nguyện viên cung cấp các số điện thoại, thông tin và địa chỉ liên lạc để chỉ dẫn mọi người cách tìm kiếm sự giúp đỡ cho một loạt những vấn đề cấp bách. Trung tâm này thành công đến nỗi 35 năm sau, nó vẫn tiếp tục lớn mạnh, dù với một cái tên mới.

Cuối cùng tờ tạp chí cũng ngừng hoạt động, được thế chỗ bởi hãng đĩa, rồi hãng hàng không, và sau đó là những công ty khác. Tôi dành vài năm sau gây dựng Virgin. Kiếm tiền là để tồn tại và trả hóa đơn, nhưng mục tiêu của tôi là luôn sáng tạo và vui vẻ. Óc sáng tạo của tôi được truyền vào công việc kinh doanh. Vì dù ban đầu tôi vốn chỉ muốn viết và biên tập một tờ tạp chí, nhưng lại phải nhanh chóng học cách trở thành một nhà xuất bản để kiếm tiền. Tôi cũng tình cờ tìm kiếm những công việc khó khăn thử thách. Ingvar Kamprad, người sáng lập tập đoàn IKEA  chia mỗi ngày thành những khoảng 10 phút. Ông nói, “10 phút, một khi đã qua thì sẽ không bao giờ trở lại nữa. Hãy chia cuộc đời mình thành những khoảng 10 phút, và đừng để phí dù chỉ một phút.”

Tuy nhiên, không cần phải lấp đầy thời gian, vắt chân lên cổ để sử dụng thời gian một cách thông minh. Bill Gates – nhà từ thiện lớn nhất thế giới – nói rằng nhân viên của ông ở Microsoft có thể dành hai tiếng đồng hồ nhìn đăm đăm vào khoảng không vô định, miễn là đầu óc họ vẫn làm việc, còn Albert Einstein đã nghĩ ra Thuyết tương đối trong đầu mà không cần đến giấy bút. Sau đó, ông mới viết nó ra. Thú thật là tôi cũng phát triển những ý tưởng tuyệt vời nhất trong đầu – và sau đó sẽ ghi lại! Có lẽ do không dùng đến tay để làm việc nên tôi thích dành thời gian rảnh rỗi vào những hoạt động nặng nhọc, như vượt Đại Tây Dương bằng một chiếc thuyền, cắm trại với bố tôi trong rừng, bay trên khinh khí cầu, hoặc gây dựng một số doanh nghiệp cho thanh niên ở châu Phi.

Người ta vẫn nói rằng tiền là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Nhưng không hẳn vậy. Tiền có thể được sử dụng vào việc tốt. Những tổ chức từ thiện lớn nhất thế giới là do những người giàu có thành lập nên, một số họ lại khởi đầu với hai bàn tay trắng. Harvard – trường đại học giàu nhất nước Mỹ – là một tổ chức từ thiện. Ban đầu nó chỉ có một ít sách vở và 350 đô-la. IKEA khởi đầu từ một nhà kho nhỏ trong vườn. Công ty mẹ của nó là một tổ chức từ thiện. Người đàn ông đã làm nên chiếc bánh Big Mac  khởi nghiệp bằng việc bán cốc giấy. Ông cũng là người không chấp nhận lãng phí thời gian. “Nếu anh có thời gian để làm đẹp thì cũng có thời gian để dọn dẹp,” ông luôn nói với nhân viên như vậy. Có lẽ ông không vội vã vì phải đến năm 52 tuổi ông mới nảy ra ý tưởng cho McDonald’s. Giờ đây, công ty của ông quyên góp từ thiện 50 triệu đô-la hàng năm.

Vì vậy, tiền có thể là động lực để làm việc tốt. Nhưng không cần phải giàu có mới làm được việc tốt. Trước đây, trẻ em thường thu thập giấy và lon cola rỗng đem bán lấy tiền ủng hộ. Ngày nay, chúng tham gia vào các cuộc chạy gây quỹ từ thiện hoặc quyên góp cho Live Aid . Con trai tôi là Sam và tôi chuẩn bị đi Bắc Cực để thu hút sự quan tâm của mọi người về hiện tượng Trái đất nóng lên. Có nhiều cách để giúp đỡ người khác. Một cách rất đơn giản là không làm việc xấu, mà điều này thì hoàn toàn chẳng tốn kém chút nào.

Năm 40 tuổi, tôi ở tận cùng khó khăn. Chúng tôi đã cạnh tranh với British Airways để giành chỗ trên bầu trời. Chúng tôi đã được bình chọn là Hãng Hàng không Hạng Thương gia Xuất sắc nhất trong năm, nhưng vẫn phải liên tục đấu tranh để kiếm đủ tiền duy trì hoạt động. Chính một loạt đĩa nhạc thành công của Hãng đĩa Virgin đã giúp chúng tôi trụ vững. Simon, người điều hành Hãng đĩa Virgin, dường như không còn hứng thú với nó nữa – phần nhiều là vì anh cho rằng hãng hàng không sẽ khiến chúng tôi phá sản. Tôi nhìn lại cuộc đời mình, tự hỏi liệu có nên làm một điều gì mới mẻ, một sự thay đổi hoàn toàn. Mặc dù không phải là người đọc nhiều, nhưng tôi đã bắt đầu đọc một số cuốn tiểu sử và rất ngạc nhiên khi thấy chúng khá thú vị. Cuộc đời tôi đã quá quay cuồng, nên việc dành thời gian đọc thật hấp dẫn.

Một ngày nọ, tôi nói với Joan: “Có lẽ anh sẽ học đại học và kiếm một tấm bằng ngành lịch sử.”

“Thực ra anh chỉ muốn theo đuổi mấy cô gái xinh đẹp,” cô ấy trả lời thẳng toẹt.

Cô ấy nói đúng không? Có phải tôi đang đối mặt với khủng hoảng tuổi trung niên? Có lẽ vậy. Vì thế, thay vì nghĩ xem có thể làm gì cho bản thân, tôi tự hỏi liệu mình có thể làm gì cho mọi người. Tôi nghĩ có lẽ mình nên đi theo con đường chính trị. Tôi có thể áp dụng các kỹ năng kinh doanh vào những vấn đề to lớn, như chống lại các công ty sản xuất thuốc lá. Tôi có thể chu cấp tiền cho một ca chữa ung thư, nghiên cứu về vấn đề chăm sóc sức khỏe hoặc giúp đỡ những người vô gia cư. Có rất nhiều việc tôi có thể làm và chúng khiến tôi cảm thấy mình có ích. Tôi sẽ theo đuổi con đường này trong suốt phần đời còn lại.

Tôi nghĩ rằng đôi khi chúng ta nên đánh giá lại cuộc đời mình. Chúng ta đã đạt được các mục tiêu mình đặt ra chưa? Những gì không cần thiết và có thể gạt bỏ khỏi cuộc đời? Ý tôi không phải là đem vứt bỏ giày dép cũ hay bàn ghế gãy. Điều tôi muốn nói là, chúng ta cần phải gạt bỏ những thói quen xấu hay lối sống lười biếng khiến chúng ta do dự và làm đầu óc trở nên rối bời.

Anh họ tôi, ngài Peter Scott, điều hành một khu bảo tồn đầm lầy nổi tiếng ở Slimbridge, Gloucestershire. Khi tôi nói muốn xây một hồ nước tại nhà mình ở Oxford để thu hút các loài chim hoang dã, ông đã cho tôi lời khuyên. Tôi đào một hồ nước và xây dựng một vài hòn đảo cho chim làm tổ. Vịt, ngỗng, diệc và thiên nga từ mọi nơi bay tới đây. Đó là một nơi rất thanh bình, nơi tôi có thể ngồi suy ngẫm về mọi thứ. Thường thì tôi thích được ở giữa nơi đông người hoặc cùng gia đình, nhưng đôi khi tôi cũng muốn có khoảng không của riêng mình. Tôi thích đi một mình quanh hồ và nghĩ ngợi.

Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều cần có một nơi để ẩn dật, một nơi của riêng mình. Trong văn học, tiểu thuyết gia Virginia Woolf định nghĩa nó là “một căn phòng riêng” (a room of one’s own ) nhưng nó không nhất thiết phải là một căn phòng. Nó là một khoảng không để suy nghĩ mà không bị quấy rầy.

Thời điểm đấu tranh để tồn tại cùng hãng hàng không là một trong số ít lần tôi cảm thấy hoàn toàn lạc lối. Tôi phải đưa ra một vài quyết định quan trọng trong khi đi quanh hồ. Khi tôi nói với ngân hàng rằng Hãng đĩa Virgin đáng giá ít nhất một tỷ đô-la, họ muốn tôi bán hãng đĩa lấy tiền trả nợ cho hãng hàng không. Tôi có hai lựa chọn: đóng cửa hãng hàng không hoặc bán hãng đĩa. Vấn đề là ở chỗ tôi cho rằng mình có thể giữ được cả hai. Tôi chỉ cần ngân hàng thật bình tĩnh. Theo tôi, miễn là họ hiểu được hãng đĩa có giá trị thế nào thì khoản cho vay của họ vẫn an toàn. Nhưng các ngân hàng không thích rủi ro, và họ nói rằng nếu tôi không bán nó thì họ sẽ thu hồi khoản cho vay. Tôi không biết phải làm gì. Tôi rất yêu Hãng đĩa Virgin, và tôi biết rằng nó sẽ còn tiếp tục lớn mạnh. Chúng tôi vừa ký hợp đồng với The Rolling Stones và Janet Jackson, tôi cảm thấy như thể mình sẽ làm họ cùng tất cả những ca sĩ khác của công ty thất vọng. Ngày mưa ấy, tôi không biết mình nên làm gì khi vừa đi quanh hồ vừa suy ngẫm về các lựa chọn.

Giữa khoảng thời gian đầy khó khăn ấy, vào tháng 8 năm 1990, I-rắc xâm lược Kuwait. Tin tức trên tivi thông báo là 150.000 người tị nạn đã vượt sang Jordan. Tôi là bạn của Vua Hussein và Nữ hoàng Noor của Jordan. Nữ hoàng là một phụ nữ xinh đẹp, một kiến trúc sư người Ả Rập gốc Mỹ được đào tạo bài bản. Bà gặp chồng mình khi đang làm việc cho Hãng hàng không Hoàng gia Jordan. Chúng tôi có rất nhiều điểm chung. Tình bạn của chúng tôi bắt đầu từ hai năm trước đó, vào năm 1988, khi bà thấy tôi trên tivi trong chuyến bay vòng quanh thế giới bằng khinh khí cầu và gọi điện thoại đề nghị tôi hướng dẫn hoàng gia sử dụng khinh khí cầu. 

Tôi cho chuyển một chiếc khí cầu sang Jordan và gặp hoàng gia. Họ đều đáng yêu như nữ hoàng, mấy đứa trẻ thì rất lịch sự và thân thiện. Tôi đã có một khoảng thời gian tuyệt vời, bay trên bầu trời thủ đô, nhìn xuống những mái nhà lát gạch đỏ cổ kính. Khi người dân bên dưới nhìn thấy vua và nữ hoàng của họ đang lơ lửng trên một chiếc giỏ liễu gai trên không, họ chạy theo, háo hức và hò reo. Khi đó vùng Trung Đông đang rối loạn. Đó là một thời kỳ khó khăn cho nhà vua, người từng được giáo dục tại Anh và là một người bạn của đất nước này. Vì từng có rất nhiều vụ mưu sát nhà vua, nên xung quanh ông lúc nào cũng có vệ sĩ – nhưng ngày hôm đó, khi chúng tôi lơ lửng trên không, lực lượng vệ sĩ không thể kè kè bên đức vua của mình. Đối với Vua Hussein, đó là khoảng thời gian ngắn ngủi được hoàn toàn tự do.

Khi Saddam Hussein xâm chiếm Kuwait năm 1990, tôi nhìn trên tivi cảnh hàng nghìn người tị nạn tràn qua biên giới, rồi gọi điện thoại để hỏi Vua Hussein và Nữ hoàng Noor rằng mình có thể giúp gì không. Tôi muốn làm một việc tích cực và tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của những người tị nạn bằng cách nào đó. Nữ hoàng nói rằng sẽ xem xét việc gì cần làm rồi gọi lại cho tôi sau. Cuối ngày hôm ấy, bà gọi điện thoại và nhờ tôi gửi sang một ít chăn. Bà nói rằng sa mạc rất nóng vào ban ngày và rất lạnh vào ban đêm, vì vậy, mọi người có thể giăng chăn lên làm bóng mát vào ban ngày, còn ban đêm thì cuộn mình trong chăn để giữ ấm.

“Một số trẻ nhỏ đã chết,” Nữ hoàng Noor nói.

“Mọi người cần bao nhiêu chăn?” tôi hỏi.

Bà nói rằng họ cần 100.000 chiếc chăn. “Nhưng chỉ hai đến ba ngày nữa là hàng trăm người sẽ chết nếu không có. Việc rất khẩn cấp, Richard ạ.”

Nhân viên hãng hàng không Virgin bắt tay vào làm việc, gọi điện thoại đi khắp nơi. Hai ngày sau, một trong số những chiếc máy bay phản lực của chúng tôi lên đường đến Jordan, mang theo 40.000 tấm chăn, hàng tấn gạo và thuốc men tiếp tế. Chúng tôi quay trở lại với những người Anh bị mắc kẹt ở Jordan. Ngay khi trở lại Anh, tôi được biết rằng chủ tịch hãng British Airways đang tức giận điên cuồng. Ông ta nói rằng, với tư cách là hãng hàng không chủ đạo ở Anh, đáng lẽ họ phải là người đầu tiên được đề nghị giúp đỡ. Người ta chỉ cho ông thấy rằng tôi đã đề nghị giúp đỡ họ, còn ông ta thì không. Trên thực tế, ông ta đã không cho BA trợ giúp trong các cuộc khủng hoảng quốc tế, ngay cả khi Tổ chức Cứu trợ Công giáo đặt vấn đề. Vì vậy, ông ta ngay lập tức kiếm hàng đống chăn và chuyển gấp sang Jordan. Tôi rất vui khi việc làm của chúng tôi đã phần nào thúc đẩy ông ta phải cứu trợ.

Khi được biết rằng đồ tiếp tế của chúng tôi chưa đến tay tất cả những người tị nạn, tôi bay sang Jordan và một lần nữa ở trong cung điện hoàng gia với Đức vua và Nữ hoàng. Tôi tranh cãi với một vị bộ trưởng, người mà tôi biết là đã gây cản trở, và bắt ông ta gửi hàng cứu trợ đến các trại tị nạn. Tôi cũng có những cuộc nói chuyện dài với Vua Hussein về Saddam. Đức vua muốn Jordan giữ thái độ trung lập trong cuộc xung đột mà khi đó rất có khả năng sẽ xảy ra. Đất nước của ông đang ở vào thế yếu, và ông cũng thấy được hai mặt của vấn đề. Ông hy vọng rằng mọi chuyện có thể được giải quyết bằng thương thuyết – nhưng ông lo lắng là phương Tây có thể sẽ tham chiến để bảo vệ các mỏ dầu ở Kuwait. Ông biết rằng còn rất ít thời gian.

Vài ngày sau, tôi đang xem tin tức ở London thì thấy Saddam xuất hiện trên tivi. Ông ta đã bắt một số người Anh làm con tin và sử dụng họ làm lá chắn sống. Tôi nghĩ xem mình có thể giúp được gì. Tôi là một trong số rất ít người phương Tây có mối liên hệ trực tiếp với Vua Hussein. Ông lại là một trong số rất ít những người được Saddam tin tưởng. Chúng tôi có thể hất cẳng tất cả những kẻ ở giữa đang tức giận và có lẽ sẽ làm được điều gì đó trước khi chiến tranh nổ ra. Tôi nghĩ rằng Saddam có thể đổi con tin lấy thuốc men tiếp tế, còn Vua Hussein có thể bàn bạc với Saddam và chuyển đề nghị của tôi tới ông ta. Tôi gọi cho Nữ hoàng Noor và hỏi rằng liệu bà có thể giúp đỡ kế hoạch của tôi được không.

“Hãy đến đây với chúng tôi, Richard. Anh có thể tự thảo luận với nhà vua về chuyện này,” bà nói.

Lại một lần nữa ở Jordan, tôi dành ba ngày nói chuyện với Vua Hussein. Ông đồng ý rằng phải nhanh chóng làm điều gì đó trước khi mọi chuyện trở nên tồi tệ. Tôi ngồi xuống, và cẩn thận viết một lá thư rất lịch sự gửi Saddam. Tôi đề nghị ông ta phóng thích tất cả những người nước ngoài đang bị kẹt ở I-rắc. Để bày tỏ thiện chí, tôi sẽ gửi sang I-rắc số lượng thuốc men tiếp tế cần thiết. Tôi ký, “Với lòng kính trọng, Richard Branson.”

Sau bữa tối hôm đó, nhà vua mang lá thư của tôi đến thư phòng và dịch nó sang tiếng Ả Rập. Ông cũng viết một lá thư giải thích kèm theo cho Saddam và phái một người đưa thư đặc biệt mang nó sang I-rắc. Tôi không thể làm gì hơn nên đáp máy bay về nước.

Hai ngày sau, tôi nhận được tin từ Vua Hussein. Đó là một tin rất tốt. Saddam nói rằng ông ta sẽ thả những con tin ốm yếu cùng phụ nữ và trẻ em, nhưng ông ta muốn một người có vai vế bay sang I-rắc gặp mặt ông ta qua tivi. Tôi gọi cho ngài Edward Heath, nguyên Thủ tướng Anh. Chúng tôi có mối quan hệ rất tốt nhờ sở thích chung về tàu thuyền. Ông rất dũng cảm khi đồng ý đi ngay lập tức. Kế hoạch là đầu tiên Edward Heath sẽ bay sang Jordan ở cùng hoàng gia. Từ đó, ông sẽ được đưa đến I-rắc an toàn.

Một ngày sau, Vua Hussein gọi cho tôi và với vẻ lịch sự, hòa nhã như thường lệ, ông nói: “Tôi có tin tốt cho anh. Anh có thể bay sang I-rắc. Saddam đảm bảo anh sẽ được an toàn.”

Tôi nghĩ mình nên đến gặp trực tiếp, vì tôi đã cử phi hành đoàn đi trên chuyến bay này, và tất cả bọn họ đều tự nguyện. Tôi cảm thấy rất lo lắng trước chuyến bay. Dù Vua Hussein đã hứa như vậy nhưng nhiều người cho rằng Saddam sẽ giữ tôi và Edward Heath làm con tin và cướp máy bay. Trước rủi ro này, chúng tôi không có gì đảm bảo. Nếu Saddam cướp máy bay thật thì chúng tôi cũng phải chịu chết. Tôi đang đánh liều tất cả mọi thứ vào việc mạo hiểm này – nhưng có quá nhiều người đang trông chờ vào tôi. Không còn đường lui nữa rồi.

Khi rời I-rắc cùng các con tin, phi hành đoàn và Edward Heath đều an toàn trên máy bay, chúng tôi cảm thấy nhẹ người đến nỗi đã ăn mừng trên suốt quãng đường trở về. Nhưng có một người không vui. Ông chủ hãng BA nói, “Richard Branson nghĩ mình là cái quái gì chứ – nhân viên Bộ Ngoại giao chắc?”

Sau đó, tôi viết trong nhật ký của mình, “Động cơ thúc đẩy tôi làm những việc đó là gì? Một tháng trước, tôi đang ở tận cùng khó khăn. Dường như tôi sống mà không có mục đích. Tôi đã khẳng định bản thân trong nhiều lĩnh vực. Tôi vừa bước sang tuổi 40 và đang tìm kiếm một thách thức mới…”

Khi đọc lại những gì mình viết, tôi nhận ra rằng với tư cách là một doanh nhân, tôi có thể làm được rất nhiều việc có ích. Sứ mệnh giải cứu ở I-rắc đã chứng minh được điều đó. Là một doanh nhân, tôi được gặp những con người phi thường như Nelson Mandela, những nhà lãnh đạo thế giới như Thủ tướng Nga Vladimir Putin, những người có tài sản kếch xù như Bill Gates và người đồng sáng lập ít được biết đến hơn là Paul Allen. Trên thực tế, những người làm kinh doanh và những người cực kỳ giàu có đều ở vào một vị thế đặc biệt. Họ có thể liên kết với tất cả mọi người, dù sang hay hèn, ở bất kỳ quốc gia nào, qua một mạng lưới thiện chí. Một lợi thế nữa của doanh nhân là sự ổn định. Từ khi tôi bước chân vào con đường kinh doanh năm 15 tuổi, rất nhiều thủ tướng đã nhậm chức. Vì vậy, doanh nhân có tính liên tục mà các chính trị gia không có.

Tôi tin rằng họ có thể sử dụng quyền lực một cách thông minh vì lợi ích của cả thế giới – đây cũng là những gì tôi đã viết trong bài báo đầu tiên của mình trên tờ Student. 

Tôi còn muốn tiếp tục vượt qua những thủ tục quan liêu, như những gì tôi đã làm trong những ngày ngay trước Chiến tranh Vùng vịnh, khi chúng tôi mặc kệ tất cả mà tham gia cứu trợ. Hay như trong thảm họa sóng thần gần đây ở Sri Lanka, chúng tôi nhanh chóng sắp xếp những chuyến bay cứu trợ, cộng tác với Oxfam . Chúng tôi may mắn có ba hãng hàng không trên toàn thế giới, và đã lập riêng một đội ngũ nhân viên di chuyển nhanh chóng để khi có chiến tranh hay thiên tai xảy ra thì chúng tôi có thể phản ứng kịp thời. Chúng tôi đã sắp xếp được chuyến bay đầu tiên đến Sri Lanka ngay sau trận sóng thần, cùng với các chuyến bay đến Maldives và Ấn Độ. Mặc dù gửi nước qua đường hàng không rất tốn kém, nhưng khi có những con người tuyệt vọng đang trông chờ vào chúng ta thì chi phí không còn là vấn đề. Ví dụ như ở Sri Lanka, họ rất cần nước sạch, vì vậy chúng tôi xếp đầy nước đóng chai lên một chiếc Boeing 747 và gửi sang đó. Oxfam và các cơ quan cứu trợ khác hiểu rằng, dù có phải tốn kém đến đâu thì máy bay của chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng khi họ cần. Chúng tôi cũng khá táo bạo với các hành khách thường xuyên. Nhân viên đề nghị quyên góp ủng hộ nạn nhân sóng thần – và hành khách thì rất hào phóng.

Âm nhạc, tình yêu ban đầu của tôi, cũng là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy tôi làm việc tốt. Cứ nhìn vào Live Aid, Live 8 và những hoạt động tích cực khác mà những người như Peter Gabriel , Bono  và Bob Geldof  đã làm để quyên góp tiền viện trợ cứu đói và ủng hộ nạn nhân của các thảm họa tại Thế giới thứ ba. Công nương Diana rất tích cực làm từ thiện khi bà còn sống, và tôi rất vui vì đã có thể giúp đỡ bà phần nào. Tôi rất tự hào khi thuyết phục được Elton John hát bài “Candle in the Wind” tại lễ tang của bà. Thuyết phục hoàng gia cho phép ông làm điều đó còn khó khăn hơn. Tôi cũng đã đề nghị được người sáng tác lời cho ca khúc của Elton là Bernie Taupin sửa lại lời thành “Candle in the Wind”. Bản nguyên gốc được viết cho Marilyn Monroe có đoạn, “the press still hounded you” (báo chí vẫn săn lùng cô), rõ ràng là không hợp lý trong trường hợp này.

Năm 2004, tôi tiến gần đến viễn cảnh giúp đỡ mọi người hơn bằng cách thành lập Virgin Unite. Mục đích của tổ chức là nhân viên Virgin trên toàn thế giới chung tay góp sức giải quyết các vấn đề xã hội khó khăn, và tôi đã giao cho Jean Oelwang, một người phụ nữ tuyệt vời, điều hành nó. Phần lớn thời gian của tôi dành cho môi trường và thúc đẩy các thay đổi, và nếu còn thời gian, tôi sẽ trực tiếp tham gia làm từ thiện để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Rõ ràng là một số nơi trên thế giới đang gặp khó khăn hơn những nơi khác, vì vậy, ngoài một số dự án ở Anh và những nơi khác trên thế giới thì phần lớn các hoạt động của chúng tôi được thực hiện ở Nam Phi, nơi tôi hy vọng mình có thể tiếp tục tạo nên sự khác biệt.

Chúng tôi đã quay trở lại đúng xuất phát điểm khi tôi mở ra Dịch vụ Tư vấn Học sinh Sinh viên. Nó đã được đổi tên thành Trung tâm Tư vấn Hỗ trợ, vì những dịch vụ nó cung cấp trở nên đa dạng hơn; nhưng vẫn miễn phí. Con gái tôi, Holly, theo học ngành y, đã nhìn nhận được những vấn đề giới tính mà giới trẻ Anh hiện đang phải đối mặt và tình nguyện hỗ trợ cho Virgin Unite.

Một trong những bài học lớn nhất mà tôi học được là nếu chúng ta làm gương cho con cái thì chúng sẽ tiếp tục làm theo. Đó là cách duy nhất hiệu quả nếu mọi người trên thế giới muốn giúp đỡ lẫn nhau.

Đọc nhiều sách hay, có ích, tất nhiên là miễn phí tại  https://sachvui.com

Bình luận
× sticky