Cả ngày hôm đó, tôi hảnh diện và phấn khởi, cảm giác của những nụ hôn của Zinaida hãy còn sống động trên mặt. Run lên vì vui sướng, tôi ôn lại từng lời nói của nàng. Quá yêu dấu niềm hạnh phúc bất ngờ ấy, trở nên lo lắng, tôi không muốn gặp lại nàng, người đã khơi lên dòng xúc cảm mới mẻ. Dường như, giờ đây khi không còn có thể xin thêm điều gì từ số phận, đã đến lúc tôi phải “ra đi, trút hơi thở cuối cùng, từ giã cuộc đời.” Nhưng qua hôm sau, khi ghé sang nàng, để che dấu sự thẹn thùng, tôi cố tạo ra một vẽ tự tin khiêm tốn, như một chàng trai muốn chứng tỏ với mọi người rằng mình đang nắm giữ một bí mật. Zinaida tiếp đãi tôi đơn sơ, không một niềm xúc động. Lúc lắc ngón tay, nàng hỏi, phải chăng tôi không bị sưng bầm. Lúc ấy, tất cả lòng tư tin ít ỏi và bộ điệu bí ẩn của tôi tan biến đi, cùng với sự ngượng ngùng. Dĩ nhiên tôi đã không hy vọng một điều gì đặc biệt, nhưng sự bình thản của Zinaida như một xô nước lạnh tạt vào mặt tôi. Tôi ý thức rằng dưới mắt nàng, tôi chỉ là một đứa bé, một đứa bé khốn khổ! Zinaida bước tới, bước lui trong phòng, mỗi khi bắt gập ánh mắt của tôi nàng lại mĩm cười, nhưng tôi biết rõ tâm trí của nàng đang ở một nơi nào đó. “Ta có nên bắt đầu nói về ngày hôm qua,” tôi ngẫm nghĩ, “hỏi nàng đã đi đâu vội vàng, để tìm ra lẽ, một lần rồi thôi”… nhưng rồi tôi khoát tay tuyệt vọng, đến góc phòng, ngồi xuống.
Tôi thấy nhẹ nhỏm khi Byelovzorov bước vào.
“Tôi không kiếm được một con ngựa thuần thục cho công nương,” Byelovzorov cáu kỉnh nói. “Có một con, được ông Freitag bảo đảm, nhưng tôi không mấy tin tưởng, tôi sợ.”
“Ông sợ gì cơ?” Xinaida nói, “xin vui lòng cho biết.”
“Tôi sợ gì cơ? Công nương đâu đã biết cởi ngựa. Xin Chúa ban phước lành để chuyện bất trắc đừng xảy ra! Tại sao công nương đột nhiên có nhã hứng cởi ngựa?”
“Thưa Ngài Hoang-Thú, đó là chuyện riêng của tôi. Nếu thế, tôi sẽ nhờ Piotr Vassilievitch.” (Piotr Vassilievitch là tên của cha tôi. Tôi ngạc nhiên khi nàng nhắc đến tên ông, bình thản như thể nàng chắc chắn sẽ được giúp đở.)
“Ô, hóa ra,” Byelovzorov trả lời, “công nương dự định cỡi ngựa với ông ấy ư?”
“Với ông ấy hay với ai cũng thế, chẳng ăn nhập gì tới ông. Chỉ biết đó không phải là ông.”
“Không phải là tôi,” Byelovzorov lập lại. ” Tùy ý công nương. Tôi sẽ tìm được ngựa cho công nương.”
“Vâng, nhưng xin nhớ, đừng đem tới mấy con bò già khù. Tôi đã nói tôi muốn phi nước đại.”
“Công nương muốn phi nước đại cũng chả sao… nhưng với ai, Malevsky, phải không?”
“Tại sao không, hở Ông Kiếm-Chuyện? Đừng nói nữa,” nàng thêm, “và đừng thò lõ mắt như thế. Tôi sẽ mang ông theo. Ông phải hiểu rằng, đối với tôi, Malevsky … úi chao!” Nàng lắc đầu.
“Công nương nói thế chỉ để an ủi tôi,” Byelovzorov gầm gừ.
Zinaida khép mi mắt hững hờ. “Như vậy an ủi được ông sao? Ôi…ôi…ôi…Ông Kiếm-Chuyện!” cuối cùng nàng nói, như không tìm ra lời nào khác. “Còn em, công tử Voldemar, có đi theo chúng tôi không?”
“Em không thích…. đông người,” tôi lấp bấp, không dám nhìn lên.
“Em thích đi tête-à-tête?… Này, tự do dành cho người không ràng buộc, và thiên đàng cho thánh nhân,” nàng thở dài bình phẩm. “Ông Byelovzorov, cố lên. Ngày mai phải có ngựa cho tôi nhé.”
“Ô, mà lấy đâu ra tiền mua ngựa?” bà công chúa góp ý.
Zinaida bực bội.
“Con có xin tiền mẹ đâu; Byelovzorov tin con mà.”
“Cậu ấy tin con?”… Bà công chúa càu nhàu, và thình lình réo lên the thé, “Duniashka!”
“Mẹ, con đã cho mẹ cái chuông để lắc,” Zinaida nói.
“Duniashka!” bà công chúa réo lên lần nữa.
Byelovzorov ra về; tôi đi theo anh. Zinaida không tìm cách giữ tôi lại.