Người bỏ đi thứ hai là ông Hai Sắn. Trước khi đi, ông tiến lại chỗ con Rùa đứng, đặt tay lên đầu nó, chép miệng:
– Con đừng tin lời chú Ngãi. Thằng đó nó khùng rồi!
Ông Bảy Thành nối bước ông Hai Sắn. Ông giậm gót giày lên cỏ vừa lúc lắc cây súng kíp, không nói gì với con Rùa, chỉ hừ mũi:
– Đồ điên!
Ông nói trống không nhưng ai cũng hiểu ông đang nói chú Ngãi.
Người thợ săn nấn ná sau cùng là ông Bốn Lai. Ông đến bên con Rùa (lăn đến bên nó thì đúng hơn) và nhìn nó bằng ánh mắt ái ngại. Ông nhìn nó như vậy một hồi lâu, rồi khẽ buông một tiếng thở dài:
– Chú Ngãi giận quá nói lung tung.
Con Rùa vẫn đứng trơ như người mất hồn, nước mắt lăn dài trên má. Có cảm giác nó không nghe thấy người thợ săn. Tôi thấy ông Bốn Lai định đưa tay vuốt tóc nó, nghĩ sao lại thôi. Ông vác súng lên vai, tậc lưỡi trước khi nặng nề quay gót:
– Con hãy tin lời bác. Ba con là người ngay thẳng, đàng hoàng, không hề làm chuyện gì sai trái.
Cho đến khi người thợ săn cuối cùng mất hút cuối đường làng, con Rùa vẫn không nói tiếng nào, đôi mắt óng ánh nước của nó đang nhìn vào một điểm vô hình nào đó trước mặt và căn cứ vào vẻ thẫn thờ của nó, tôi đoán tâm trí nó chắc đang ở rất xa nơi nó đang đứng.
Tôi nhìn nó, lòng dậy lên nhiều cảm xúc khác nhau, định bước tới gần nó nhưng kẹt nỗi có thằng Thục đang đứng đó. Tôi không rõ con Rùa đang nghĩ gì, cũng không chắc nó có đang nghĩ ngợi hay không, có thể tâm hồn nó lúc này chỉ là một nỗi hoang vắng.
Từ khi chú Ngãi tố cáo nguyên nhân cái chết của ba con Rùa, thái độ của ba người thợ săn còn lại với con Rùa lập tức đổi khác. Họ không nhắc gì đến những hành động phá phách của con Rùa, chỉ xúm vào bênh vực ba nó và phản đối chú Ngãi. Cách xưng hô cũng thay đổi: họ gọi nó bằng tiếng “con” ngọt ngào trìu mến.
Con Rùa không biết có nghe thấy tất cả hay không. Tôi nghĩ là nó nghe thấy nhưng chẳng hiểu tại sao nó chẳng hề nhúc nhích. Nếu có thứ gì đó trên người con Rùa vẫn còn động đậy thì đó là những giọt nước mắt vẫn lặng lẽ lăn tròn trên cánh mũi nó như những hạt pha lê ngời lên trong nắng.
Thằng Thục dường như hiểu ra tâm sự của tôi. Nó quay lại chỗ chiếc xe đạp dựng chênh vênh bên vệ đường, nói:
– Em về nhà cô Út Huệ trước đây. Anh với con Rùa về sau nhé.
Chim vẫn hót bên tai tôi khi thằng Thục đạp xe đi. Tiếng chèo bẻo đánh chẽo chẹt từng hồi nghe buồn nẫu ruột. Tiếng chim cu gù đâu đó từ những gò xa vẳng lại chỉ làm tăng thêm sự tĩnh mịch của buổi trưa hè, của cả cõi lòng tôi.
Tôi đến sau lưng con Rùa, nhẹ nhàng đặt tay lên vai nó:
– Về thôi, em.
Đôi vai con Rùa khẽ cựa quậy, và nó quay lại nhìn tôi. Nó không nói gì, nhưng ánh mắt thăm thẳm của nó khiến tôi nhói lòng.
Rồi cứ lặng thinh như thế, con Rùa bước đi.
Tôi đi bên cạnh nó, buồn rầu và bất lực. Hoa dong riềng đỏ chói chang trong nắng trưa như đang đốt cháy trái tim tôi.
Ngày mai tôi đã rời làng. Tôi lên đây để chia tay con Rùa, để lặp lại với nó rằng tôi thích nó nhiều lắm. Tôi muốn bảo nó đừng buồn, rằng thế nào tôi cũng sớm về thăm nó. Định bụng như vậy, bất ngờ gặp cảnh này những ý nghĩ trong đầu tôi đột ngột rối tung. Tôi không biết nên hướng cảm xúc của mình vào đâu, nên nói điều gì trước điều gì sau và nói như thế nào để không làm con Rùa bị tổn thương nữa.
Cân nhắc một hồi, tôi liếc con Rùa, phân vân nói:
– Em đừng buồn nữa. Chú Ngãi bị em phá hỏng đến ba cái bẫy nên bịa chuyện nói xấu ba em cho hả tức đó thôi.
Nước mắt lúc này đã ngừng lăn trên má con Rùa nhưng nó vẫn lặng im trước lời an ủi của tôi. Tôi thấp thỏm nhìn nó, dè dặt nói tiếp:
– Ông Bảy Thành, ông Bốn Lai và ông Hai Sắn đều bảo chú Ngãi nói bậy…
– Em biết mấy ông đó tốt với em. Nhưng em nghĩ chú Ngãi không hoàn toàn bịa chuyện. Bây giờ thì em hiểu tại sao sau cái chết của ba em, mẹ em lập tức bỏ nhà ra đi… – Con Rùa bỗng lên tiếng và câu đáp trả của nó làm tôi thộn mặt ra. Giọng con Rùa ráo hoảnh, không giống giọng của một người vừa mới khóc và sự tỉnh táo của nó bất giác làm tôi lo lắng. Có vẻ nó đã đi đến tận cùng nỗi đau nên đã lì ra.
– Em…em…
Tôi ấp úng, một phần vì bất ngờ trước phản ứng của con Rùa, phần khác do tôi không nghĩ được câu gì có thể xoay chuyển được tâm trạng của nó. Lúc ba con Rùa mất, tôi đã dời nhà vào Sài Gòn, chuyện về ông sau này tôi chỉ được nghe qua thằng Thục và nhiều người khác.
Cho đến khi cả hai về tới nhà, tôi vẫn không nói được tiếng nào với con Rùa, ngoài câu nói lúc nó băng qua vườn cải nhà cô Út Huệ để vào nhà: “Lát tối anh qua chơi với em nhé!”