Tôi hy vọng ngày mai trời sẽ khô ráo như chiều nay. Sau đợt lũ quét đầu mùa, mưa rơi cầm chừng để chờ trút nước vào những ngày đông chí.
Cuối buổi chiều, khi những người thợ săn ra về, tôi và thằng Thục đưa bé Loan quay lại xóm trên.
Sau vài mẩu chuyện vu vơ, rời rạc và gượng gạo, ba anh em lặng thinh rảo bước bên nhau.
Khi tôi đi ngang qua vùng dạ lý hương, mùi hương quen thuộc mách tôi rằng trái đêm sắp chín. Bất giác tôi nghe cay cay nơi sống mũi khi nhớ lại đêm nào tôi đưa con Rùa từ nhà thím Lê trở về sau khi nó trèo xuống khỏi cây me trước ngõ.
Tối đó, tôi không ngủ lại nhà cô Út Huệ, cũng không bước chân qua nhà con Rùa.
Nhưng sáng hôm sau, trước khi dẫn thằng Thục và bé Loan vào rừng, tôi nôn nao băng hàng rào giậu, xin phép bà nội con Rùa đặt cuốn Tâm hồn cao thượng và dăm cuốn truyện tranh lên đầu tủ, ngay trước bức ảnh thờ của nó.
Đây là những cuốn sách tôi đem về cốt để tặng con Rùa nhưng nó đã không kịp đọc.
Tôi đốt một nén nhang, cố đừng khóc trước mặt thằng Thục và bé Loan. Nhưng khi tôi bước ra cửa, đã thấy nước mắt nhòe trên mặt hai đứa em tôi.
Trời hửng nắng lúc ba đứa tôi đặt chân lên con đường mòn dẫn vào rừng. Hôm qua trời chỉ mưa nhẹ lúc đầu ngày nên sáng nay cảnh vật khô ráo, cỏ hai bên đường tốt tươi và trong không khí phảng phất gió lạnh tràn về từ phương Bắc.
Thằng Thục đeo trên vai một cái túi bằng vải gai bó theo ba nắm xôi đậu phộng và một hũ muối mè. Nó cũng nhét theo mấy nhánh tỏi, nhúm vôi bột và vài quả chanh để phòng vắt bám.
Không biết nghe ai bày, trước khi ra khỏi nhà, nó và bé Loan đều quàng khăn kín cổ, nón kéo sụp xuống trán, ống tay áo và ống quần cột túm lại bằng dây thun.
Tôi nhìn bộ dạng hai đứa em, không khỏi phì cười:
– Đã gần một ngày nay trời không mưa, vắt không bò ra đâu!
Bé Loan lỏn lẻn:
– Mẹ em dặn thế mà.
Tôi kéo cái nón vải của nó cao lên khỏi trán:
– Nếu mẹ em có dặn thế thì cũng phải để cho con mắt thấy đường chứ! Hơn nữa, đã tới cửa rừng đâu.
Ba anh em men theo con đường đất đi mãi về phía tây, nơi những đỉnh núi xanh mờ quấn mây ngang đầu một cách điệu đàng như các cô gái chít khăn voan trắng.
Lúc đi ngang bụi duối dại lấm tấm hoa vàng, tôi đã định chỉ cho thằng Thục và bé Loan xem “căn nhà” của con Rùa và khoe với tụi nó tôi và con Rùa từng chui vào nấp mưa trong đó nhưng sau một thoáng ngần ngừ tôi quyết định đi luôn. Nếu con Rùa còn sống, có thể tôi sẽ hào hứng khoe điều đó với hai đứa em tôi nhưng vì bây giờ con Rùa không còn nữa, tôi muốn cất giữ những kỷ niệm kia trong ngăn kéo riêng tư của ký ức. Tôi sẽ không mở ngăn kéo đó cho bất cứ ai nhìn thấy để những gì tôi có được với con Rùa sẽ mãi mãi thuộc về riêng tôi.
Ngay cả chuyến đi rừng này, thoạt đầu tôi cũng không định rủ thằng Thục và bé Loan. Tôi muốn một mình lần về kỷ niệm. Nhưng tôi lại không thể để thung lũng bên kia đồi trở thành một thế giới bị bỏ quên. Tôi nghĩ con Rùa có lẽ không bao giờ muốn thế.
Rừng hiện ra trong tầm mắt tôi khi mồ hôi bắt đầu lấp lánh trên ngấn cổ của bé Loan, lúc này đã bỏ khăn quàng ra vì trời đã bắt đầu nóng bức.
– Em chưa vô rừng bao giờ! – Bé Loan hồi hộp nói khi đặt chân qua cửa rừng.
– Em cũng thế. – Thằng Thục nhanh nhẩu tiếp lời, trông nó có vẻ hứng thú khi không ngừng trông ngang liếc ngửa.
– Rừng đẹp lắm đó.
Tôi nói và thận trọng dò theo con đường mòn trên cỏ. Phường săn đã bỏ nghề nhưng những người đi lấy củi vẫn giúp cho đường đi trong rừng không bị cỏ che kín.
So với dạo mùa hè, cỏ dưới chân tôi um tùm hơn và các dây tầm gửi bắt đầu trổ đầy quả trắng trên những thân cây du sam già.
Tôi vừa đi vừa đảo mắt tìm bụi chuối hoang nơi tôi từng hôn con Rùa khi cả hai té chồng lên nhau nhưng khung cảnh trong rừng thay đổi khá nhiều so với cách đây ba năm nên tôi không thể xác định được nó nằm ở đâu, thậm chí không biết có ai đã đốn bụi chuối đó chưa.
Mặt trời lên cao khi chúng tôi đi tới giữa rừng nhưng càng vào sâu không khí càng mát lạnh. Đó là lý do dù không thấy con vật nào, thằng Thục và bé Loan lại vội vã quấn khăn vào cổ.
Tiếng lá reo vi vu, tiếng chim hót với nhiều giọng khác nhau tạo cảm giác thiên nhiên đang tấu lên khúc nhạc chào mừng nhưng tôi không có tâm trạng nào để thưởng thức. Trong khi thằng Thục và bé Loan trầm trồ không ngớt trước âm thanh kỳ diệu của rừng, trước các thân cây uốn éo kỳ dị hoặc trước một chú gà lôi đội mũ đỏ bất thần hiện ra ở một khúc quanh thì tôi cắm mắt xuống đất, lo lắng thấy con đường mòn đã mất hút trong cỏ.
Lần trước khi đi tới chỗ này, con Rùa vẫn thản nhiên bước tiếp. Tôi không có được thái độ ung dung như nó, vì tôi không có con đường mòn nào trong đầu.
Cũng chẳng có con thú nhỏ nào tình nguyện làm kẻ dẫn đường cho tôi. Tôi không phải là bạn của tụi nó. Những con thú nhỏ trong rừng chỉ xem con Rùa là bạn. Tôi nhớ khi con Rùa đặt chân đến đây, bọn khỉ, sóc, nhím, chồn từ các chỗ nấp bí mật nhanh chóng rủ nhau chạy ra, hớn hở bám theo nó. Hôm nay trừ con gà lôi đậu lẻ loi trên cành du sam, ba đứa tôi không nhìn thấy con vật nào khác.
Từ khi phường săn bỏ nghề, các con vật sống trong khu rừng này chỉ có thể nhiều lên chứ không ít đi. Nhưng lúc này có lẽ tụi nó đang giấu mình trong các bụi rậm và thận trọng quan sát ba đứa tôi qua kẽ lá. Tôi đoán thế.
Thấy tôi loay hoay mãi một chỗ, bé Loan hỏi:
– Tới nơi rồi hả anh?
– Mình nghỉ chân một lát đi em.
Tôi đáp và ngồi lên gốc cây trắc bá xù xì.
Để hai đứa em không đọc thấy sự bối rối trên mặt tôi, tôi khoa tay một vòng, giọng cố tỏ ta hào hứng:
– Hồi trước những người thợ săn đặt bẫy quanh đây.
– Họ bảo chị Rùa thường xuyên phá hỏng bẫy của họ, đúng không anh?
– Ờ. Chị Rùa muốn bảo vệ các con vật trong rừng.
Vẻ mặt đằng đằng sát khí của ông Bảy Thành hôm ông xách súng đi tìm con Rùa chợt hiện về trong đầu tôi. Nhớ lại lúc ông nổi điên vung báng súng đánh văng con gà bằng đất nung trên hòn non bộ, tim tôi vẫn còn nảy tưng tưng. Tôi cũng nhớ buổi trưa nắng nóng con Rùa bị những người thợ săn bao vây cạnh bụi cúc tần. Một thời gian dài trước đó, có lẽ nó cũng từng bị phường săn truy bức nhiều lần. Nhưng con Rùa trước sau vẫn không bị khuất phục. Nó sẵn sàng cãi nhau với súng, sẵn sàng đương đầu với những thách thức để âm thầm bảo vệ những con thú nhỏ tội nghiệp. Một cô bé có tấm lòng nhân hậu như thế, can trường như thế mà rốt cuộc bỏ mình trong sóng nước chỉ vì xả thân cứu người quả là một bất công. Chẳng lẽ người tốt ở đời luôn gặp phải kết cục nghiệt ngã, như con Rùa bây giờ và ba nó trước đây? Đôi lúc tôi bần thần nghĩ, có cảm tưởng số phận luôn dành cho con Rùa những chiếc bánh khét, dù được đúc ra từ chiếc khuôn nào và làm bằng thứ nguyên liệu gì.
Ý nghĩ đó gieo vào lòng tôi cảm giác cay đắng và chán chường, làm mắt tôi rưng rưng, đến mức khi bé Loan hỏi “Giờ mình đi đâu nữa hở anh?”, tôi phải quay mặt đi chỗ khác để trả lời nó:
– Anh sẽ đưa tụi em tới chỗ chị Rùa hay tới. Một chỗ không ai biết.
– Chỗ đó ở đâu hở anh?
– Nó ở đằng sau một thác nước.
Tôi ngập ngừng đáp, cố đoán xem thác nước ở về phía nào nhưng tôi không tài nào nhớ ra. May làm sao, thằng Thục đã vô tình giải đáp dùm tôi. Ngón tay nó lướt một vòng quanh đám cây xà cừ, giọng như reo:
– A, hèn gì em nghe có tiếng nước chảy đâu đây.
Tai tôi không thính như tai thằng Thục. Tôi nghiêng nửa đầu về phía sau nín thở nghe ngóng, mất một lúc lâu vành tai tôi mới lọc ra được tiếng róc rách mơ hồ đang trộn lẫn trong vô vàn âm thanh ríu rít của dàn nhạc rừng và phải mất thêm một quãng thời gian như thế nữa tôi mới xác định được tiếng nước kia vọng tới từ phía nào.