Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ngồi Khóc Trên Cây

Chương 42

Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh

Sáng hôm sau vừa ngủ dậy, tôi đã nôn nóng chạy lên nhà cô Út Huệ.

Con Rùa đã chở bé Loan đi học, tôi lên xóm trên để làm một chuyện tôi không bao giờ nghĩ tôi sẽ làm là hỏi chuyện bà nội con Rùa.

Đêm hôm qua tôi thao thức rất lâu. Câu chuyện con Rùa cương quyết chờ đợi tôi khiến tôi cảm động đến không tài nào chợp mắt được. Những gì nó thổ lộ với tôi năm mười bốn tuổi thực ra chỉ là những tình cảm ngây thơ của một đứa bé, nhưng chính vì vậy đối với con Rùa tình cảm đó tự nhiên như gió trời, tinh khôi như nắng ban mai. Con Rùa lớn lên, tình cảm đó cũng lớn lên cùng với nó hồn nhiên như cây cỏ lớn lên dưới ánh mặt trời.

Cách con Rùa nói với bà nó rằng nó thích tôi có lẽ cũng giản dị như nó bảo nó thích một thứ trái cây ngon. Nhưng do vậy mà sự yêu thích đó còn lớn hơn một sự giao ước, đáng tin hơn một lời hứa hẹn. Con Rùa tin tôi, tin vào sự chờ đợi, chẳng qua vì nó tin vào chính nó. Dần dần tôi nghiệm ra: tôi nói gì nó cũng tin, không phải vì nó không có khả năng nghi ngờ, nhưng tâm hồn trong sáng của nó không có chỗ dung chứa sự nghi ngời đối với người nó yêu thương.

Bà của nó cũng vậy. Bà của nó tin vào cháu gái của mình.

Lúc nghĩ đến đây, suýt chút nữa tôi đã bật dậy khỏi chỗ nằm. Tại sao bà con Rùa không ngăn cản tình cảm con Rùa dành cho tôi? Lẽ ra chính bà chứ không phải cô Út Huệ mới là người phải cấm đoán quyết liệt nhất mối giao tình giữa tôi và cháu bà. Nhưng bà đã không làm thế. Bà không hề tỏ thái độ gì khi tôi thường xuyên cặp kè với con Rùa hồi ba năm về trước. Bà cũng không phản đối khi con Rùa bảo rằng nó chỉ thích tôi và cứ khăng khăng từ chối những mối mai khác trong làng. Hay vì bà tin rằng đó chỉ là mối tình trẻ con, rằng thời gian sẽ gỡ bỏ hình ảnh tôi khỏi tâm trí con Rùa và đến lúc đó bà vẫn có thể hướng con Rùa đi theo con đường đúng đắn mà không cần phải làm tổn thương cô cháu gái?

Như thể mùa chong chóng đang về trong óc tôi: đầu tôi xoay tít trong đêm tối, vô số dấu hỏi bay như bươm bướm và dĩ nhiên tôi không thể tìm thấy câu trả lời bằng cách đặt ra hết câu hỏi này đến câu hỏi khác.

Lên tới xóm trên, tôi không vào nhà cô Út Huệ theo thói quen mà đi thẳng qua nhà con Rùa.

Bà nội con Rùa đang ngồi lặt rau chỗ giếng đá khi tôi vẹt hàng rào giậu.

Tôi rón rén lại gần, đứng nhìn cành huỳnh anh xum xuê nghịch ngợm quẹt những bông hoa vàng lên lưng bà, chưa biết phải bắt đầu câu chuyện như thế nào.

Bà con Rùa chỉ ngẩng lên khi tôi, tim đập binh binh trong ngực, trong lúc ngọ nguậy hai bàn chân để kiềm nén sự hồi hộp đã giẫm lên miếng gạch vỡ bên thềm giếng.

– Đi chơi hả con? – Bà hỏi, không hề ngạc nhiên vì sự xuất hiện của tôi, tay vẫn đảo mớ rau xanh trong rổ.

Tôi nhìn rổ rau muống, rau dền và rau lang dập dềnh trong thau nước, lí nhí:

– Dạ.

Bà nội con Rùa chép miệng:

– Sáng nay con Rùa đi học rồi con à. Ngày mai chủ nhật nó mới ở nhà.

Tôi lại “dạ”, miệng đột nhiên khô khốc.

– Bà ơi! – Tôi nói, cố vét đến gam can đảm cuối cùng.

– Gì hả con?

Tôi mím chặt môi để trấn tĩnh, nhưng đến phút chót lại luống cuống nói tránh đi:

– Bà có cần con phụ giúp gì không?

Con Cổ Dài đang kiếm ăn bên ao rau muống tự nhiên quay đầu về phía tôi, như thể nó vô cùng ngạc nhiên trước sự tử tế bất thường này của tôi.

– Cảm ơn con. Chuyện này bà tự làm được rồi.

Bà nội con Rùa nói, rồi thấy tôi cứ đứng loay hoay bên thềm giếng, bà hất đầu về phía hiên nhà:

– Con vô nhà ngồi chơi đi con. Sáng nay con rảnh à?

Tôi “dạ” và vẫn đứng chôn trân trên sàn giếng đầy rêu. Tôi biết nếu tôi vào nhà ngồi đối diện với bà trong không khí nghiêm trang, tôi không thể nào mở miệng. Đây là một bí mật chắc chắn bà muốn chôn sâu tận đáy lòng. Nó chẳng đẹp đẽ gì, và thực sự thì nó cũng đã bị bụi thời gian phủ kín từ lâu.

– Bà ơi! – Tôi đành vọt miệng, như van lơn.

Lần này bà nội con Rùa ngừng tay, ngước mắt nhìn tôi:

– Con định nói gì với bà hả con?

– Con và em Rùa thương nhau bà ạ. – Mặt ửng lên như tráng men, tôi ngập ngừng nói, một câu nói nếu không rơi vào tình thế này chắc tôi sẽ không bao giờ dám nói. Nó không hợp tình hợp cảnh, cũng không hợp lễ nghĩa. Nếu mẹ tôi, hoặc cô Út Huệ sang nhà nói với bà con Rùa “Cháu Đông và cháu Rùa thương nhau” nghe còn chấp nhận được. Nhưng dù sao tôi cũng không có lựa chọn nào khác: đối với tôi đó vẫn là câu mở đầu ít tồi tệ nhất.

Nhưng điều tôi lo lắng đã không xảy ra. Bà con Rùa chẳng trách cứ gì tôi. Bà mỉm cười, giọng bình thản:

– Chuyện đó thì bà biết rồi.

Tôi nhè nhẹ thở ra. Nhưng tảng đá vẫn chưa lăn khỏi ngực tôi. Mặc dù bà nội con Rùa trong mắt tôi lúc này rất giống với một bà tiên hiền từ, tôi vẫn thấy khổ tâm khi tiếp tục câu chuyện. Tôi nắm chặt tay, những ngón chân bấu xuống sàn giếng, cả răng cũng nghiến chặt – trong tư thế cả người căng ra như dây đàn sắp đứt đó, tôi run run hỏi:

– Bà ơi, thế hai đứa con không phải là anh em chú bác hả bà?

Trái với e ngại của tôi, bà nội con Rùa không tỏ ra bất ngờ trước câu hỏi của tôi. Có vẻ như bà biết trước sớm muộn gì tôi cũng sẽ hỏi bà câu đó và trong buổi sáng tháng năm đầy ắp tiếng ong bay đó, bà tiên trong hình dáng bà nội con Rùa đã tạo ra phép màu khi từ tốn giải đáp thắc mắc quan trọng nhất trong cuộc đời tôi:

– Con và con Rùa không có bà con gì hết con à.

Bình luận
× sticky