Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ngũ Phụng Triều Long

Chương 1: Càn Khôn động phủ

Tác giả: Liễu Tàn Dương

Năm Vũ Tông thứ tư thời Ðại Ðường.

Quan trường biến loạn, gian thần cậy thế hoành hành, trung thần số bị hãm hại, số cáo lão về quê hoặc tìm chốn hoang sơn ẩn tích để khỏi chứng kiến cảnh dân tình bị ức hiếp, trăm họ lầm than.

Từ dãy núi Kỳ Liên sơn ở biên thùy phía Tây bắc, có một dòng suối nhỏ chảy ngoằn ngoèo xuống một tiểu trấn cách chân núi khoảng năm mươi dặm rồi nhập với dòng sông lớn đổ nước về xuôi.

Dòng suối này bắt nguồn từ một sơn cốc trong dãy Kỳ Liên sơn.

Cốc khẩu rất hẹp và hiểm trở, giống như bị sét đánh làm quả núi nứt ra thành một khe sâu, nhưng càng vào sâu càng nở rộng ra dần như cái hồ lô, cuối cùng phình ra tới năm dặm.

Ngoài cốc khẩu là lối ra vào duy nhất, còn những nơi khác đều là vách đá dựng đứng nhẵn bóng như gương, ngay cả khỉ vượn cũng không trèo nổi.

Bên ngoài nhìn vào thì giống như một tử cốc, nhưng thực tế trong cốc lại là nơi dân cư trù phú.

Cốc khẩu có một con đường rải đá thẳng tắp, hai bên đường là những cánh đồng lúa mạch rập rờn trong gió.

Ðây đó là những người nông phu lom khom trên đồng ruộng. Hiện giờ lúa còn chưa chín, có lẽ họ đang bón phân làm cỏ.

Trong sơn cốc nơi hoang vu mà có cuộc sống thanh bình như thế, quả thật là thần tiên trong thời buổi loạn lạc này.

Con đường rải đá dẫn vào một trang viện không có tường bao quanh, trông giống như một thôn nhỏ, trước trang viện là một rừng mai, tiếp đến là hoa viên đầy kỳ hoa dị thảo. Bên tả là dãy chuồng trại nuôi gia súc, bên hữu có một hồ nước khá rộng, sâu hun hút không nhìn thấy đáy, sau trang viện là một rừng cây ăn quả.

Cảnh vật trong cốc thật là ngoạn mục, chẳng kém gì nơi thế ngoại đào viên! Hẳn người tạo dựng nó phải là nhân vật thanh nhã thoát tục mới bài trí phong cảnh được như thế.

Mặt trời gần gác núi, trong trang viện bay lên những làn khói lam chiều càng làm tăng thêm vẻ thanh bình.

Bên hồ có một đám trẻ nhỏ nô đùa, cách xa mấy trượng có một đứa bé trai dựa lưng vào gốc mai cầm trong tay một cuốn Thiên Tự Văn chăm chú đọc, không để ý gì đến đám bạn chơi.

Nam hài tử này tuổi chừng mười một tuổi, khuôn mặt trắng trẻo bụ bẫm, mắt sáng long lanh trông rất đáng yêu.

Chỉ cần nhìn dáng đọc sách miệt mài của nó cũng có thể nghĩ rằng tương lai của hài tử sẽ rất triển vọng.

Chợt từ đám trẻ nô đùa có tiếng gọi thất thanh :

– Thiên Long ca! Mau lại đây!

Ðứa trẻ đọc sách nghe gọi tên mình liền ngẩng lên thấy một nữ hài tử chừng bảy tám tuổi lao về phía mình, vừa chạy vừa vấp ngã, dáng vô cùng khiếp sợ.

Thiên Long bình tĩnh hỏi :

– Chuyện gì thế?

Nữ hài tử đứng lên chỉ tay về phía hồ hổn hển nói :

– Thiên Long ca! Mau tới xem… Trong hồ có quái vật…

Bấy giờ hai ba đứa trẻ khác cũng chạy nháo nhào từ bờ hồ về phía rừng mai.

Thiên Long đứng lên nói :

– Tú Tú! Ðừng sợ! Quái vật gì nói xem?

Nữ hài tử đáp :

– Tiểu muội không biết! Tiểu Hổ nói rằng đến hỏi đại ca xem, nói rằng đại ca đọc nhiều sách chắc biết…

Thiên Long lo lắng hỏi :

– Tiểu Hổ đâu?

– Huynh ấy đang ngồi xem quái vật đó. Ðại ca mau tới đó đi.

Thiên Long vội nói :

– Ðược! Ta sẽ tới xem!

Nói xong chạy tới bờ hồ.

Mới được mấy bước, chợt trông thấy Tiểu Hổ hốt hoảng chạy ngược lên bờ dốc mặt tái nhợt không còn một chút huyết sắc, sau lưng có một vật gì, dường như là con rắn đang đuổi theo.

Thiên Long lao nhanh tới, quả thấy một con trăn to bằng bắp chân người lớn đang đuổi theo Tiểu Hổ.

Thấy bào đệ đang gặp nguy hiểm, Thiên Long không còn biết sợ là gì, vớ lấy một cành cây lao tới chặn ngang con quái mãng.

Con trăn liền đổi mục tiêu lao tới nhằm Thiên Long tấn công.

Một đứa trẻ mới mười một tuổi làm sao chống cự nổi một con trăn lớn như thế?

Chỉ sau một lúc, Thiên Long bị con trăn quấn lấy, nhưng vẫn cố sức dùng hai tay chộp lấy cổ nó đẩy ra xa không để con trăn cắn mình.

Thân trăn đã quấn mấy vòng quanh người Thiên Long, chỉ còn đoạn cổ thòi ra hơn một thước nên không còn nhiều lực, bị Thiên Long giữ chặt lấy cổ nên không làm gì được. Nhưng với sức mạnh của nó thì chẳng bao lâu đứa trẻ cũng bị nhừ xương!

Tiểu Hổ nói :

– Thiên Long ca! Ðừng buông cổ nó ra! Tiểu đệ sẽ giúp đại ca một tay!

Nhưng Thiên Long bị quấn mạnh không sao đứng được nữa ngã xuống, tay vẫn liều mạng bóp cổ con trăn không chịu buông.

Người và trăn vật lộn nhau một lúc thì lăn tới bờ vực rơi thẳng xuống!

Nơi đây bờ rất dốc, từ mép vực xuống tới bờ nước cao tới bảy tám trượng, bên dưới là đá lởm chởm, một đứa trẻ rơi xuống thì đâu còn mạng?

Khi Tiểu Hổ tìm được khúc gậy chạy tới thì thấy đại ca mình cùng con trăn đã rơi xuống hồ rồi!

Nó hốt hoảng kêu lên :

– Thiên Long ca! Huynh có sao không?

Nhưng không nghe tiếng trả lời. Nhìn xuống cũng không thấy gì bên dưới nữa.

Bấy giờ trời đã chập choạng tối, Tiểu Hổ hốt hoảng chạy bổ về nhà, mới được mấy chục trượng thì thấy một toán người xách đèn đuốc chạy ra. Dẫn đầu là một trung niên nhân chừng bốn mươi tuổi.

Tiểu Hổ liền chạy bổ tới vừa khóc vừa nói :

– Cha! Long ca…

Trung niên nhân vội hỏi :

– Long ca thế nào?

Tiểu Hổ chỉ tay tới bờ dốc nói :

– Long ca… bị quái mãng quấn rơi xuống hồ rồi!

Trung niên nhân biến sắc vội chạy nhanh tới, định nhảy xuống nhưng bị một người giữ lấy nói :

– Ðừng nhảy xuống, nát thây bây giờ! Mau vòng tới cuối dốc mà xuống!

Dưới bờ hồ đá lởm chởm rất khó đi, khi đoàn người vòng tới được chỗ Thiên Long rơi xuống thì trời đã tối đen, soi đèn đuốc tìm quanh một khoảng rộng không thấy gì, trên mặt hồ cũng vắng lặng.

Ba bốn người nhảy xuống hồ lặn mò, nhưng suốt nửa canh giờ mà vẫn không tìm thấy đành phải lên bờ.

Một thiếu phụ chừng ngoài ba mươi tuổi, người ướt đẫm, đầu tóc phờ phạc ngồi gục xuống bờ đá kêu lên nức nở :

– Long nhi của mẹ… con chết thật thảm!

Trung niên nhân tới đỡ bà ta đứng lên, buông lời an ủi :

– Nương tử! Ðừng khóc nữa! Ðó là số phận!

Thiếu phụ gào lên :

– Không! Thiếp không tin Long nhi đã chết! Thiếp nhất định phải tìm được nó!

Nói xong giằng ra lao xuống hồ.

Trung niên nhân giữ lại nói :

– Nương tử! Ðã qua một canh giờ rồi, không hy vọng gì đâu!

– Nếu vậy thì để cho thiếp xuống ở luôn với nó!

Tú Tú vừa níu áo bà ta vừa khóc :

– Mẹ đừng bỏ con! Hãy cho con đi với Thiên Long ca!

Tiểu Hổ cũng gào lên thảm thiết :

– Long ca! Vì huynh cứu đệ mà chết thảm! Ðệ còn sống làm gì?

Hai người giữ lấy Tiểu Hổ và Tú Tú, trung niên nhân dìu thiếu phụ rời khỏi hiện trường, bước nặng nề quay về trang viện. Không biết con trăn còn sống hay đã chết nhưng từ nay trẻ con không được bén mảng đến khu vực này nữa.

Những ngày sau đó, dân trang ra sức tìm kiếm nhưng không thấy thi thể Thiên Long đâu cả, chờ ba ngày sau cũng không thấy nổi lên mặt hồ.

Phụ mẫu nó đành lập linh vị, coi là một vong hồn không tìm được xác.

* * * * *

Nhưng Thiên Long không chết.

Nhờ con trăn quấn quanh người khi rơi xuống tạo thành một tấm nệm, con trăn bị gãy sống lưng, còn nó thì bình yên.

Tuy đã mất đi sức mạnh nhưng nó vẫn quấn chặt lấy người Thiên Long, cả người lẫn trăn rơi xuống hồ.

Thiên Long bơi lặn rất giỏi, bị trăn quấn như dây trói nhưng không còn chặt như trước, hai tay nó vẫn nắm chặt cổ con trăn, chân cố đạp xuống đáy hồ ngoi lên, hớp được một hơi chân khí rồi tiếp tục lặn xuống, cứ như thế mà không bị chết đuối, nhưng bị dòng nước cuốn đi xa dần.

Ðược một lúc thì dòng nước chợt chảy rất xiết cuốn nó vào một dòng xoáy ngầm.

Thiên Long cố vùng vẫy trong dòng nước để dành lấy sự sống, nhưng dòng nước càng lúc càng mạnh cuốn nó đi băng băng như thác, giá như không có con trăn cuốn quanh người thì đã bị quật vào đá chết từ lâu.

Cuối cùng nó bị quật mạnh vào một tảng đá, đầu óc tối sầm, bất tỉnh nhân sự.

Khi tỉnh dậy, Thiên Long thấy mình nằm dưới chân một ngọn thác cao tới sáu bảy trượng, nước chảy ầm ầm điếc tai.

Con trăn vẫn quấn lấy người nó, nhưng đã chết.

Hồi tưởng lại sự việc vừa xảy ra, nó nhận thức được rằng mình không chết quả là một kỳ tích, chính con trăn là kẻ gây tai họa cho nó nhưng cũng chính nhờ con quái mãng nó mới sống được, vì nếu không được quấn quanh mình thì bị thác ném xuống tảng đá này thì nhất định phải tan xương nát thịt.

Nó thoát khỏi con trăn bước ra ngoài.

Xung quanh mờ tối, Thiên Long nhận thấy mình đang ở trong một thạch động, dòng nước từ hồ đổ xuống nay còn lại một dòng nhỏ chảy len lỏi giữa những tảng quái thạch lớn, có lẽ nó đã thấm đi phần lớn trong bãi đá ngầm.

Nhìn ngược lên dòng thác, thấy giống như đổ xuống từ một mái vòm, không có đường lên, chỉ có loài chim mới bay thoát ra được.

Như vậy là đường về đã bị cắt đứt, chỉ hy vọng tìm được một lối ra khác thoát khỏi thạch động mà thôi.

Thiên Long đứng tần ngần một lúc rồi theo dòng nước, nhưng chỉ được ba bốn trượng thì thạch động đã tận cùng, dòng nước cũng khô cạn, không biết nó chảy đi đâu?

Thiên Long tuyệt vọng đứng ngây ra.

Nó đã lọt vào một tử động, không có lối thoát ra ngoài.

Ngoài tiếng nước chảy róc rách, không còn âm thanh nào khác, ngay cả tiếng côn trùng cũng không.

Nước mắt trào ta, Thiên Long kêu lên thảng thốt :

– Cha… mẹ!

Chợt nghe thạch động nổi lên tiếng ầm ầm. Thiên Long kinh hãi nhìn quanh nhưng không thấy ai cả, thạch động vẫn vắng lặng.

Nó lẩm bẩm :

– Chuyện gì vậy chứ? Chẳng lẽ có quái vật?

Tiếng động lại vang lên nhưng lần này nhỏ hơn và kéo dài hơn.

Thiên Long lắng nghe kỹ, chợt hiểu ra, nghĩ thầm :

– “Nguyên đó chỉ là giọng nói của mình đập vào vách đá tạo thành hồi âm… xem ra mình bị nhốt trong động kín rồi!”

Mặc dù vậy nó cũng thấy rất sợ hãi.

Một đứa bé mới mười một tuổi, vừa thoát khỏi đại nạn, rơi vào thạch động hoang vắng tối om không người, bị chặn mất đường về, làm sao mà không sợ? Trong những ngày tới sẽ sống bằng gì?

Thiên Long ngồi xuống ôm mặt khóc òa lên, hồi âm vang rền càng làm tăng thêm sự rùng rợn.

Không biết qua bao lâu, nó chợt thôi khóc vì hình như hiểu ra rằng có khóc bao nhiêu cũng không giúp gì được trong hoàn cảnh của mình liền trở nên can đảm đứng lên, lần trong những hẻm đá tối mờ bắt đầu khám phá thạch động.

Lúc này nó thấy mình can đảm hơn rất nhiều, len lỏi khắp các ngóc ngách, cuối cùng tìm được một ngách động hẹp ở bên tả dốc ngược lên.

Vì còn bé, lại không biết võ công nên đi theo ngách động quanh co hiểm trở và rất dốc là việc khó khăn, nhưng lòng can đảm đã cho nó thêm sức lực.

Ði chừng nửa dặm, trước mặt chợt sáng ra, ngách động cũng rộng rãi bằng phẳng hơn nhiều.

Cuối cùng nó ra tới động khẩu, ra tới một sơn cốc.

Thiên Long vô cùng mừng rỡ, giống như về được tới nhà, vì được sống trong rừng cây, thở hít khí trời, có hoa có quả, hy vọng tìm được đường ra.

Sơn cốc không được bằng phẳng, có cây có suối, rộng chừng ba mẫu, cổ thụ ngút ngàn, nhưng xung quanh toàn là vách đá cao vút dựng đứng, không có đường ra, thấp nhất cũng tới ba bốn chục trượng, chỉ e khỉ vượn cũng không leo được.

Dù sao thì nơi đây chan hòa ánh sáng, có cây trái, trong đó Thiên Long thấy nhiều thứ cây có thể ăn được, như vậy cũng tốt hơn trong thạch động nhiều.

Mặt khác nơi này có thể thông ra thế giới bên ngoài, nhất định có lúc người ta đi qua đây có thể kêu cứu.

Thiên Long nghĩ thầm :

– “Ít nhất mình sẽ không chết đói, cùng lắm là năm bảy tháng, một vài năm thế nào cũng gặp được người”.

Nghĩ vậy nó thấy yên tâm, tìm trái cây ăn đỡ, xuống suối tắm rửa rồi ngủ một giấc.

Ngủ dậy, nó đi thơ thẩn trong cốc, chợt phát hiện thấy trên một vách đá rêu phong có khắc mấy chữ đã mờ.

Có chữ tất có vết tích người, điều đó làm cho nó chú ý ngay.

Thiên Long lau sạch rêu phong, đọc được dòng chữ :

“Càn Khôn Động Phủ”.

Bốn chữ đó được khắc lõm vào, riêng dấu chấm lại là một nốt tròn lồi hẳn ra.

Tính hiếu kỳ nổi lên, Thiên Long ấn vào nút đó.

Ðột nhiên vang lên một loạt tiếng ì ầm làm cho Thiên Long hốt hoảng nhảy lùi lại.

Khi nhìn lại, nó chợt trông thấy trước mặt hiện ra một gian thạch thất.

Thì ra nó vừa ấn vào cơ quan tự động mở cửa.

Không cần biết trong có gì nguy hiểm hay không, Thiên Long lập tức bước vào.

Cánh cửa lập tức đóng lại ngay.

Tuy vậy trong thạch động lại rất sáng, nhìn kỹ lại thì thấy chiếu mấy hạt minh châu lớn đính trên tường.

Thiên Long nghĩ thầm :

– “Ðây tất là động phủ của nhân vật giàu có nào đó hoặc của người trong võ lâm, vì nghe người ta nói loại minh châu này có giá trị rất lớn. Cửa tự động mở ra thì nhất định bên trong có cơ quan mở tự động, cứ khám phá xem có ai ở đây không đã!”

Thạch thất rất rộng, do thiên nhiên tạo ra nhưng được bàn tay người sửa sang lại giống như một sảnh đường, có bàn ghế đá, một tấm phản đá, ngoài ra còn một chiếc tủ bằng gỗ loại tốt, có bếp và các dụng cụ để nấu ăn, vật đánh lửa và một số thực phẩm nhưng đã quá lâu đời nên mốc hỏng cả.

Thiên Long nghĩ thầm :

– “Chỉ cần có lửa là tốt rồi, còn thức ăn thì ngoài động không thiếu, có rất nhiều loại quả, chim làm tổ cũng không ít, việc ăn uống thế là được giải quyết!”

Nó liền mở tủ ra xem, thấy có tất nhiều sách chia làm hai ngăn.

Giữa hai chồng sách là một tấm da dê đã úa vàng, trên viết hàng chữ :

“Ðã vào đây tất là người hữu duyên, hãy luyện thành võ công của ta, trở thành đệ tử của Càn Khôn động chủ!”

Thiên Long tự nhủ :

– “Như thế là từ nay mình trở thành người trong giang hồ rồi sao? Trước nay mình chỉ học văn mà không học võ, nhưng học võ cũng tốt, người ta nói rằng nhiều người muốn cầu sư học đạo mà không được, nay tự dưng mình có duyên sao lại không tận dụng? Chỉ có điều là vị sư phụ này có lẽ đã chết từ lâu, có lẽ ông ta lưu sách lại để mình tự học”.

Thiên Long đoán không sai, bên thành tủ treo một thanh bảo kiếm, trong ngăn nhỏ chỉ có năm pho sách để luyện võ công, gồm tâm pháp, chưởng pháp, kiếm pháp và một số loại võ công mà mới nhìn qua nó còn chưa hiểu.

Kiếm pháp và chưởng pháp thì có rất nhiều hình vẽ minh họa, còn tâm pháp thì chỉ ra rất nhiều huyệt đạo trên người.

Ngăn sách kia có tới hàng trăm cuốn đủ các loại thư mục như văn tập, thi tập, nho học, triết học, lịch sử, vạn vật học.

Thiên Long nghĩ thầm :

– “Vị Càn Khôn động chủ này tất là một học giả uyên thâm, chứng tỏ cũng là một võ sư kiệt xuất. Trở thành đệ tử của một người như thế thì không có gì phải ân hận!”

Trong tủ còn có một ngăn đựng mười mấy bình dược cuốn trong da dê có ghi chú cách phục dụng, trong đó có một bình ngọc viết rằng :

“Ðệ tử của ta! Trước tiên uống ba viên thuốc Trợ Công hoàn này để tăng công lực, sau đó cứ mỗi tháng uống một viên. Thuốc đủ dùng trong năm năm, kết hợp với việc luyện võ sẽ có võ công thượng đẳng!”

Trong số thuốc có một bình lớn viết là Chỉ Cơ hoàn, có thể uống thay cơm, mỗi ngày chỉ cần uống một viên mà không đói, mấy bình thuốc giải độc và mấy bình thuốc trị thương có tên là Thượng Thanh hoàn.

Ngoài ra ở một góc thạch thất có một chum lớn, từ sâu trong vách có một cái vòi nhỏ bằng quản bút, đầu vòi treo một cái chén nhỏ chỉ bằng đầu ngón tay cái, chừng nửa canh giờ mới nhỏ từ trong vòi ra một giọt nước trong vắt, chảy đầy chén tràn vào miệng chum.

Trên chum có khắc chữ: “Thạch nhũ, mỗi ngày uống một chén nhỏ”.

Thiên Long uống vào ba viên thuốc tăng công lực, sau đó uống vào một chén nhỏ Thạch nhũ, lập tức cảm thấy trong người hết sức sảng khoái.

Trong thạch thất có một cánh cửa không biết thông đến đâu, Thiên Long vừa mở ra đã thấy hơi nóng táp vào mặt như một lò lửa, hốt hoảng đóng ngay cửa lại.

Từ hôm đó, Thiên Long bắt đầu luyện công.

Thời gian thấm thoát trôi qua, kể từ khi Thiên Long đến thạch động đã được ba năm.

Bây giờ nó đã mười ba mười bốn tuổi nhưng nhờ uống Thạch nhủ, linh dược và chăm chú luyện võ công mà trở nên cường tráng như đã mười sáu mười bảy tuổi, y phục đã rách nát và quá chật không còn mặc được nữa, hơn nữa trong thạch động cũng không có ai nên nó bỏ đi, tóc tai phủ dài đến vai, hoàn toàn trở thành người hoang dã, nhưng khuôn mặt lại càng tuấn tú, nhất là đôi mắt lại càng sáng long lanh.

Nhờ trí thông minh và sự cần cù khổ luyện và có thiên tư võ học, cùng với sự trợ giúp hết sức đắc lực của thần dược và Thạch nhủ, sau ba năm, Thiên Long đã học được không ít, biết cách vận hành khí huyết, chu chuyển tam dương, tam âm, công lực tăng tiến rất nhiều.

Ngoài ra, Thiên Long còn học được rất nhiều từ mấy trăm cuốn sách của Càn Khôn động chủ để lại, từ y lý, dược tài, thi phú, văn chương, sử địa cho đến bói toán, chẳng môn nào không biết.

Lại thêm hai năm nữa trôi qua, Thiên Long tuy mới mười lăm mười sáu tuổi nhưng đã vạm vỡ cao lớn như thiếu niên mười chín hai mươi, càng ngày càng thêm tuấn tú, chỉ là tóc tai rối bù và không có y phục mà thôi.

Vì sống cách biệt thế nhân nên tính cách vẫn giống như một đứa bé mười tuổi, hoàn toàn không có quan niệm gì về giới tính.

Lúc đó đã luyện được tới sáu bảy thành hỏa hầu của võ học thượng thặng Càn Khôn thần công.

Một hôm Thiên Long ra khỏi Càn Khôn động phủ tìm trái cây, chợt trông thấy một con khỉ lông vàng như lửa nằm bên một con rắn bị xé đứt đầu.

Chàng liền tới xem, thấy con khỉ còn sống liền tự nhủ :

– “Rõ ràng nó đã bị rắn độc cắn, hãy cứu cho sống lại, nếu nó đồng ý thì ở lại đây với mình sẽ bớt hiu quạnh hơn”.

Lúc này chàng không còn ý niệm quay về nữa mà quyết tâm luyện thành võ công trong toàn bộ những pho sách chép trong năm cuốn võ học ghi trong động phủ.

Thiên Long quay vào động lấy ra hai bình dược giải độc và trị thương cứu chữa cho con khỉ, đưa đến bên bờ suối dùng dao rạch chỗ vết thương nặn hết máu, đem rửa sạch rồi bắt đầu tra thuốc vào băng bó lại.

Sau đó chàng còn bóp hàm cho con khỉ há miệng ra cho nó uống một viên thuốc giải độc.

Lát sau con vật tỉnh lại.

Nhìn thấy người nó vội nhảy lùi lại, nhe nanh kêu khèng khẹc, dáng rất hung dữ.

Ðây là loại Kim Mao Hầu rất khỏe và hung dữ, ngay cả người có võ công cũng khó mà thắng được nó.

Thiên Long cười nói :

– Làm sao lại đối xử với ân nhân như vậy chứ?

Chàng lấy ra mấy trái cây chín đỏ nói :

– Ðói rồi chứ gì? Có muốn ăn không?

Thái độ thân thiện của chàng làm con khỉ dịu lại ngay. Nó nhìn xuống cánh tay thấy bị băng bó, liền nhớ lại cuộc đấu với con rắn, đoán rằng chính người này đã cứu sống mình, liền kêu lên mấy tiếng ra ý cám ơn.

Thiên Long nói :

– À! Xem ra ngươi cũng thông minh đấy! Thế là tốt! Nào ăn đi!

Nói xong chìa mấy trái cây ra.

Con khỉ do dự một lát rồi bước sang cầm lấy, không khách khí gì bỏ vào miệng ăn ngay.

Thiên Long đã sống cô độc suốt năm năm, nay có con khỉ làm bầu bạn, mặc dù chỉ là con vật nhưng cũng tỏ ra rất cao hứng.

Con khỉ mến người rất nhanh, ăn xong mấy trái cây chín, nó chìa tay ra ý muốn ăn nữa.

Thiên Long lại đưa thêm cho nó.

Chờ con khỉ ăn xong, chàng cười hỏi :

– Ngươi có muốn ở lại đây với ta không?

Nói xong chỉ vào thạch động.

Con khỉ chừng hiểu ý lon ton chạy vào. Thiên Long bước vào theo nó.

Từ đó con khỉ ở lại với Thiên Long, chàng đặt tên cho nó là Kim Linh.

Bây giờ ngoài việc luyện võ công, Thiên Long còn dạy cho con khỉ học một số chiêu thức võ học.

Lại thêm mấy tháng nữa, Kim Linh dắt về một con khỉ khác.

Thiên Long cười hỏi :

– Thế nào? Ðây là tình lữ của ngươi phải không? Ðược lắm, ta đồng ý cho các ngươi cùng sống ở đây!

Con khỉ mới kêu lên mấy tiếng ra vẻ biết ơn.

Thiên Long đặt tên cho nó là Kim Lợi.

Từ đó cuộc sống của Thiên Long phong phú hơn, bữa ăn cũng được cải thiện, thỉnh thoảng hai con khỉ bắt được chồn, sóc mang về làm thịt.

Một hôm, Thiên Long đang luyện công thì Kim Linh và Kim Lợi từ ngoài cốc chạy vào dáng hốt hoảng, kéo áo chàng lôi ra ngoài.

Thiên Long ngạc nhiên hòi :

– Có chuyện gì thế?

Kim Linh vừa kéo chàng vừa ra dấu, nhưng Thiên Long chẳng hiểu gì, cứ để mặc nó kéo đi.

Hai con khỉ đưa Thiên Long tới sát vách đá bên kia, chỉ thấy có một người nằm bất động trên một đám lá mây rậm.

Vách đá nơi này cao chừng bảy tám chục trượng, ắt người kia từ trên núi lỡ chân rơi xuống, chỉ e đã chết.

Thiên Long ra hiệu cho hai con khỉ mang người kia xuống kiểm tra xem.

Ðó là một thiếu nữ chừng mười tám mười chín tuổi, rất xinh đẹp, bị một mũi lăng cắm vào ngực phải, tuy vẫn còn sống nhưng hơi thở rất yếu.

Chỉ cần thấy người là Thiên Long đã mừng rơn, liền bế lấy cô ta đưa vào thạch động bắt đầu chữa trị.

Thiên Long chẳng có khái niệm gì về giới tính, xem nữ cũng như nam nên nhổ mũi lăng ra, thản nhiên cởi áo thiếu nữ để trị thương.

Trông thấy bộ ngực trần của thiếu nữ, Thiên Long vừa ngạc nhiên vừa thích thú, nhưng không hề cảm thấy có dục vọng.

Chỉ lát sau, chàng nhớ tới nhiệm vụ của mình, chăm chú kiểm tra thấy máu từ vết thương chảy ra màu tím đen.

Biết rằng mũi lăng có độc, Thiên Long liền ghé miệng vào vết thương hút máu độc ra, rửa sạch rồi tra Thượng Thanh hoàn vào.

Chờ hồi lâu mà thiếu nữ vẫn không tỉnh lại, Thiên Long lo lắng nghĩ thầm :

– “Không biết vì sao người này lâu tỉnh vậy chứ?”

Phải qua một canh giờ sau, thiếu nữ mới tỉnh.

Vừa mở mắt, cô ta nhận ra ngay mình đang ở trần, nhìn lại thấy còn có một thiếu niên trần truồng đứng đối diện thì chẳng còn hồn vía nào nữa, lùi vào trong góc phản co rúm người lại đưa hai tay che ngực, khóc òa lên :

– Sao ngươi dám…

Thiên Long ngạc nhiên nói :

– Cô nương sao thế? Tôi chỉ chữa thương cho cô nương chứ có làm gì đâu?

Thiếu nữ nhìn xuống mới thấy ngực mình được băng bó, bấy giờ mới nhớ ra tình cảnh, nghĩ thầm :

– “Chắc hắn vừa cứu mình, nhưng cũng lợi dụng hiếp mình rồi! Nếu không sao lại ở trần truồng như thế?”

Nghĩ đoạn càng khóc to hơn nói :

– Ngươi giết ta đi!

Thiên Long ngơ ngác hỏi :

– Tôi vừa cứu cô nương, sao lại bảo giết?

Thiếu nữ chộp lấy chiếc áo của mình đã bị xé một mảnh làm băng che lấy người, nghiến răng hỏi :

– Sao ngươi dám làm nhục ta?

Thiên Long hỏi :

– Làm nhục là làm gì? Tôi chỉ rửa vết thương, hút máu độc, tra thuốc và băng lại thôi!

Rồi dốc ra một viên thuốc nói :

– Tôi còn chưa cho cô nương uống thuốc giải độc…

Thiếu nữ không để ý đến viên thuốc, ngớ người hỏi :

– Ngươi dám hút máu… trên ngực ta sao?

Thiên Long cười đáp :

– Ðương nhiên! Trong mũi lăng có độc, nếu không hút máu ra thì làm sao chữa được?

– Vậy ngươi… Ngươi không làm nhục ta chứ?

– Làm nhục là làm gì? Tôi không biết!

Thiếu nữ đỏ bừng mặt :

-Là… là…

Chợt hỏi :

– Vì sao ngươi lại cởi áo quần ra?

Thiên Long thở dài nói :

– Vì tôi không có áo quần!

Thiếu nữ vô cùng kinh ngạc. Làm sao một thiếu niên anh tuấn như thế lại không có y phục chứ?

Nhưng thấy tóc tai chàng rối bù, hơn nữa vẻ mặt lại không có gì chứng tỏ là đang nói dối nên có phần tin.

Thiên Long nói :

– Cô nương uống thuốc giải độc vào đi, nếu không sẽ nguy hiểm đấy!

Thiếu nữ nhíu mày hỏi :

– Ðó là thuốc gì vậy?

Thiên Long đáp :

– Thấy ghi là thuốc giải được bách độc, hôm trước tôi đã chữa cho con khỉ Kim Linh bị rắn độc cắn, lành rất nhanh.

Thiếu nữ nhận viên thuốc uống vào rồi nhìn hai con khỉ tỏ vẻ ngạc nhiên.

Thiên Long nói :

– Ở đây không có người, vì thế tôi phải làm bạn với chúng.

Thiếu nữ ngạc nhiên hỏi :

– Ở đây không có người ư? Làm sao ngươi lại lạc vào đây chứ?

Thiên Long kể lại tai họa của mình.

Thiếu nữ trầm ngâm nói :

– Nguyên là như thế… Ở đây tới gần sáu năm, chẳng lẽ ngươi không cố tìm cách thoát ra khỏi đây để trở về hay sao?

Thiên Long thở dài đáp :

– Xung quanh là vách đá dựng đứng, khỉ vượn còn khó leo, huống chi là người? Hơn nữa, tôi còn muốn luyện xong võ công đã.

– Ngươi ở đây luyện võ tất phải có sư phụ, sao lại bảo không có người?

Thiên Long lắc đầu :

– Tôi tình cờ lạc vào động này, chỉ thấy các loại sách viết về võ công và các loại dược hoàn, cứ theo hướng dẫn trong sách mà luyện chứ không có sư phụ nào cả.

– Ngươi học võ công gì vậy?

– Thấy ghi là Càn Khôn thần công.

Thiếu nữ nhíu mày nói :

– Càn Khôn thần công… Nghe gia sư nói đó là thứ võ công thượng thặng nhưng đã thất truyền từ lâu, hóa ra vị đó lưu giữ ở đây…

Thiên Long chợt hỏi :

– Cô nương có muốn luyện võ công này không?

Thiếu nữ nghĩ thầm :

– “Bây giờ thân thể mình đã bị y nhìn thấy cả, còn sờ vào ngực nữa. Thiếu niên này tuấn tú và coi bộ chính khí, hơn nữa mình cũng đã thấy hết các bộ phận của y… chỉ e là duyên trời định mất rồi!”

Liền dịu dàng nói :

– Có thể chúng ta chưa thể ra khỏi đây được, thời gian sắp tới ra sẽ nhờ ngươi dạy thần công đó cũng nên. Ðệ mới mười sáu tuổi, còn ta mười tám tuổi, vậy đệ hãy gọi ta là thư thư!

Thiên Long cười nói :

– Thì đã đành như vậy rồi! Nhưng thư thư cũng nên nói mình tên gì chứ?

– Thư thư tên là Trần Vân Phụng, hiệu xưng Thiên Sơn Tử Phụng, môn hạ của Thiên Sơn Thánh Mẫu.

– Còn đệ là Âu Dương Thiên Long. Chẳng có hiệu xưng gì cả.

– Sau này đệ cũng sẽ tự đặt cho mình một ngoại hiệu.

Thiên Long chợt hỏi :

– À! Vì sao Phụng thư rơi xuống đây thế? Ai dùng mũi độc lăng đả thương thư thư vậy?

Trần Vân Phụng đáp :

– Hôm trước người trong võ lâm đồn rằng ở Tích Thạch sơn xuất hiện một loại thánh dược là Chi Mã, vì thế rất nhiều cao thủ tập trung tới tranh cướp. Thư thư cũng nghe tin tìm đến, không ngờ đến đây thì gặp một tên đại ma đầu là Ðộc Thủ Thiên Tôn. Nghe nói ta là đệ tử của Thiên Sơn Thánh Mẫu, hắn không nói năng gì liền xuất thủ đánh ngay. Vì không đánh lại hắn nên thư thư bị trúng một mũi độc lăng rơi xuống vực, may được đệ cứu sống, nếu không…

Thiên Long cười nói :

– Bây giờ thì ổn rồi! Chúng ta sẽ cùng nhau luyện võ công, sau khi luyện thành sẽ tìm cách ra khỏi đây.

Trần Vân Phụng đỏ mặt nói :

– Trước hết phải làm một cái khố cho đệ đã, nếu không thì kỳ lắm!

Nói đoạn xé một đoạn ống quần mình kết tạm một cái khố cho Thiên Long mặc vào.

Từ hôm đó hai người ở lại trong thạch động cùng luyện công. Tình cảm của hai người càng ngày càng thêm thắm thiết.

Trần Vân Phụng vốn đã có ý trao thân gửi phận cho Thiên Long nên đặc biệt ân cần chăm sóc chàng.

Từ khi có thêm Trần Vân Phụng, Thiên Long trưởng thành rất nhanh, dần dần phát triển nam tính.

Nhớ lại trước đây trần như nhộng xuất hiện trước mặt nàng, chàng thấy rất hổ thẹn.

Lại hai năm nữa trôi qua.

Một hôm Thiên Long đưa cho Trần Vân Phụng xem một cuốn sách võ học nói :

– Những loại khác đệ luyện hết rồi, chỉ còn pho sách này đệ đọc chưa hiểu.

Trần Vân Phụng đọc thấy bìa sách viết là Âm Dương Hòa Hợp thần công, đọc lướt mấy trang thấy đó là một loại võ học thặng thừa, nhưng chỉ có thể luyện thành khi âm dương đã kết hợp.

Nàng đỏ mặt nói :

– Võ công này… không luyện được đâu!

Thiên Long ngạc nhiên hỏi :

– Vì sao chứ?

Trần Vân Phụng lúng túng nói :

– Vì vì cái này chỉ có người thành gia thất mới luyện được.

Thiên Long ngẩn nhìn mặt nàng chằm chằm một hồi lâu nhưng không nói gì.

Từ đó chàng vừa luyện thêm Càn Khôn thần công, vừa truyền thụ cho Trần Vân Phụng nhưng không đả động đến Âm Dương Hòa Hợp thần công nữa.

Vài tháng sau, khi hai người đã kiểm tra hết các nơi trong cốc, lùi cả tới thủy động, nơi trước đây Thiên Long bị trôi dạt đến, thấy không có hy vọng gì thoát được ra ngoài, Trần Vân Phụng đã chủ động gợi ý hôn phối để luyện Âm Dương Hòa Hợp thần công.

Từ đó hai người đã có danh nghĩa phu thê, cùng nhau luyện võ công thặng thừa.

Lại thêm một năm nữa qua đi.

Trời xanh quả không phụ lòng người.

Sau khi luyện thành Âm Dương Hòa Hợp thần công, võ công của hai người đều tăng tiến vượt bậc, kỳ kinh bát mạch chu chuyển dễ dàng.

Bấy giờ Thiên Long mới sực nhớ lại cánh cửa trong thạch thất, liền bàn với Trần Vân Phụng :

– Vân Phụng! Có thể trong cánh cửa kia có thể thoát ra ngoài. Có lẽ võ công luyện tới trình độ này chúng ta có thể chịu đựng được, cứ vào đó xem!

Trần Vân Phụng nghĩ ngợi một lúc rồi cũng đồng ý.

Nhờ uống nhiều nhũ đá, công lực lại hơn trước gấp trăm lần nên Thiên Long cảm thấy sức nóng giảm đi rất nhiều.

Chàng dặn Trần Vân Phụng ở bên ngoài còn mình vào dò thám trước.

Càng đi vào bên trong càng nóng, Thiên Long phải vận Càn Khôn thần công để kháng cự lại.

Ði vào chừng ba trượng thì sức nóng không sao chịu được nữa, thấy phía trước vách động đỏ rực lên.

Thiên Long định quay ra thì chợt thấy trên chiếc thạch đôn cách mấy bước có khắc chữ.

Chàng liền vận hết công lực kháng cự với cơn nóng, tiến lại gần đôn thấy trên đó đặt một chiếc hộp sắt nhỏ, trên mặt viết :

“Uống viên Hỏa Long nội đan vào rồi ngồi lên đôn này chu chuyển kỳ kinh bát mạch sẽ kháng cự được sức nóng, nam uống viên màu trắng luyện Can Dương công, nữ uống viên màu vàng luyện Âm khí công, tất sẽ đại thành”.

Thiên Long mở ra xem thấy trong hộp có hai viên dược hoàn rất lớn, không chút do dự uống vào một viên màu trắng rồi ngồi lên thạch đôn vận công.

Sau khi uống viên thuốc vào được một lúc, chàng bổng cảm thấy trong người nóng như lửa đốt, vừa cố chịu đựng vừa ra sức vận công.

Chu chuyển kinh mạch được mười vòng, Thiên Long chợt cảm thấy sức nóng giảm dần, sau đó hầu như chàng không cần để tâm vận công nữa mà kinh mạch cũng tự động luân chuyển.

Chàng hiểu rằng công lực của mình đã đạt tới một trình độ mới, trong bụng mừng rơn.

Ðó chính là hiện tượng hai mạch Nhâm, Ðốc đã được chuyển hóa.

Tiếng Trần Vân Phụng ngoài cửa động gọi vọng vào :

– Tướng công! Làm gì mà lâu vậy!

Thiên Long đã hoàn thành việc luyện công đáp :

– Nàng cũng vào đây đi!

Trần Vân Phụng nghe lời vận công bước vào, nhưng đi được mấy bước đã kêu lên :

– Nóng quá! Thiếp không chịu nổi!

Thiên Long khuyến khích :

– Ðừng nói gì cả! Cứ vận Càn Khôn thần công đến cực hạn, chỉ cố một lúc nữa thôi!

Tuy đã cố hết sức nhưng nàng vẫn không chịu nổi, đành phải quay ra.

Ba tháng sau, Thiên Long bảo Trần Vân Phụng :

– Sư phụ để lại hai viên Hỏa Long nội đan, như vậy chúng ta là thiên duyên trời định. Nàng hãy cố thử một lần nữa xem!

Trần Vân Phụng nghe lời vận công bước vào Hỏa Long động, quả nhiên lần này đạt được mục đích.

Tuy so với Thiên Long trước đây thì nàng luyện Âm khí công vất vả hơn nhưng cuối cùng cũng đã phá được hai mạch Nhâm, Ðốc.

Trần Vân Phụng mừng rơn nói :

– Thành công rồi! Cảm ơn chàng!

Rồi đứng lên ôm ghì lấy chàng ôm hôn thắm thiết.

Họ kiểm tra xem trong thạch đôn đựng gì, thấy trong chứ rất nhiều rương hộp lớn nhỏ dài ngắn khác nhau, liền tuần tự mở ra xem.

Cả hai đều sửng sốt đứng ngây ra.

Trong hộp có rất nhiều vập phẩm quý báu như vàng ngọc, trân châu, một bộ trường bào nam, năm bộ nữ phục, một thanh trường kiếm dài ba thước rưởi chuôi nạm ngọc và chạm hình rồng rất đẹp, năm thanh kiếm dài chừng hai thước rưởi với ngũ sắc tím, hồng, vàng, đen và xanh chuôi cũng nạm ngọc khảm hình phượng hoàng sinh động như thật.

Ngoài ra còn một hộp nhỏ bằng vàng nạm ngọc, bên trong đựng một tấm thẻ bài bằng bạch ngọc lớn bằng bàn tay khắc ba chữ Thần Long lệnh và một thanh tiểu kiếm chỉ dài ba tấc giống như vật trang sức nhìn rất đáng yêu.

Cuối cùng là một tấm da dê viết :

“Trường kiếm gọi là Thần Long, đoản kiếm gồm Tử Phụng, Hắc Phụng, Thanh Phụng, Hồng Phụng, Hoàng Phụng, bằng kim cương tinh luyện, có thể công phá bất cứ vật gì.

Y phục là Thiên Tầm Y, thủy hỏa bất xâm, đao kiếm khó xuyên.

Nhất long ngũ phụng do thiên định, ngũ phụng triều dương thần tiên du”.

(Thiếu mấy dòng)

Thiên Long vội nói :

– Sao lại nhiều như thế được? Ðệ không cần đâu!

Trần Vân Phụng trầm ngâm nói :

– Cũng có thể là như thế, nhưng thiên duyên là do trời định, chàng có muốn cũng không được đâu!

Thiên Long xua tay nói :

– Thôi không bàn chuyện này nữa, bây giờ đã có y phục và sáu thanh bảo kiếm, chúng ta có thể dùng nó mà leo lên vách đá được! Hãy ra suối tắm rửa rồi thay y phục vào!

Hai người mang mấy chiếc hộp ra khỏi động.

Một lúc sau tắm rửa xong, cả hai mặc Thiên Tầm Y vào.

Thiên Long trông oai phong lẫm liệt như một vị thiên tướng, còn Trần Vân Phụng chẳng khác gì tiên nữ giáng trần!

Họ để chiếc rương đựng y phục lại cho khỏi vướng, trừ bốn thanh Phụng Kiếm, còn tất cả dùng Thiên Tầm Y gói lại do Thiên Long đeo vào người.

Sửa soạn xong, Thiên Long bùi ngùi nhìn lại nơi mà mình đã sống chín năm ròng, buông tiếng thở dài rồi đến quỳ xuống trước chiếc tủ nói :

– Sư phụ! Xin bái tạ lão nhân gia đã ban cho đệ tử ngày hôm nay!

Nói xong giập đầu ba cái rồi đứng lên, dắt hai con khỉ ra khỏi thạch động, tìm chỗ vách đá thấp nhất chỉ lên cao bảo chúng :

– Bây giờ chúng ta leo lên trước, các ngươi hãy leo theo, hiểu rồi chứ?

Hai con khỉ gật đầu ra ý hiểu.

Mỗi người cầm trong tay hai thanh kiếm, bắt đầu cắm vào vách đá leo lên.

Quả là Phụng kiếm cực kỳ sắc bén, lại được hai người thân hoài thần công sử dụng, chỉ cần cắm nhẹ là ngập sâu vào đá hơn năm tấc.

Chừng nửa giờ canh giờ sau, hai người hai khỉ đã lên được khỏi vách đá.

Bình luận
720
× sticky