Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ngược Chiều Vun Vút

Chương 7

Tác giả: Joe Ruelle

Me, Nguyễn

Hồi năm 2003, cuộc sống đã thật đơn giản. Làm quen với người tên Thủy, tôi lưu số điện thoại vào cục gạch Nokia, ghi tên “Thuy”.

Sau một thời gian (và mấy cục gạch mới), tôi phát hiện cách lưu tên đó không còn hiệu quả. Nhiều lần tôi thấy “Thuy” đang gọi nhưng không biết đó là “Thuy” nào. Vậy nên tôi bắt đầu thêm đại từ chỉ định: co Thuy, chi Thuy, em Thuy.

Tuy nhiên, sau một thời gian nữa số “em Thuy” phát triển quá mức, khiến tôi phải viết cụ thể hơn nữa: em Minh Thuy, em Mai Thuy, em Pham Thi My Thuy.

Thế rồi là em Thuy cao, em Thuy nhuom toc.

Giờ tôi đang có 2.214 tên lưu trong một chiếc máy điện thoại không còn so sánh với vật liệu xây dựng nữa – bạn bè, bạn của bạn bè, người không biết từ hành tinh nào xuống. Vì thế, mỗi lần lưu “contact” mới tôi viết cụ thể lắm: “Chi Minh Thuy ban cua anh Hai gap o Starbowl hom sinh nhat”, do phần mềm linh hoạt nên tôi có thể viết dài dòng, thêm đạ từ chỉ định, kể cả tiếng Việt có dấu, phân biệt giữa các em Thúy, Thủy, Thùy, và Thụy.

Tuy nhiên giờ còn nhiều hệ thống công nghệ chưa Việt hóa được một cách trọn vẹn như vậy. Đây là hình ảnh quen thuộc với người Việt dùng gmail:

me, Nguyen (2)

me, Nguyen (8)

me, Nguyen (3)

“Me” và “Nguyễn” có vẻ rất thân nhau, suốt ngày viết email cho nhau. Người nước ngoài nhìn vào inbox của tôi sẽ nghĩ tôi có bốn bạn thân nhất là bạn Nguyễn, bạn Đỗ, bạn Trần, và bạn Phạm.

Vấn đề là Gmail hiện họ tên theo cách của Tây: tên hiện trước, họ hiện sau. Gmail tưởng “Nguyễn Thị Hương” là “Hương Thị Nguyễn”, còn lừa hệ thống bằng cách đảo họ và tên khi đăng ký sử dụng dịch vụ cũng không được vì trong mỗi email tên mình cũng sẽ hiện cách đảo ngược như vậy.

Hệ thống đặt vé máy bay cũng cứng đầu không kém, Là hệ thống nhập từ nước ngoài vào nên nó không hỗ trợ tiếng Việt có dấu. Nhiều lần tôi ngồi ở sân bay nghe nhân viên dùng loa nói những câu như:

“Hãng hàng không quốc gia Việt Nam xin mời hành khách có tên Nguyễn Lê Cương hoặc Nguyễn Lê Cường nhanh chóng đến quầy số ba.”

Tên LE CUONG (theo cách hiển thị trên màn hình nhân viên) tương đối dễ xử lý. Tôi rất thắc mắc muốn biết các nhân viên sân bay sẽ xử lý những tên phức tạp hơn như thế nào. Những PHI PHUONG THUY chẳng hạn:

“Hãng hàng không quốc gia Việt Nam xin mời hành khách trên chuyến bay VN123 có tên Phi Phương Thủy, hay Phi Phương Thúy, hay Phi Phương Thùy, hay Phi Phượng Thủy, hay Phi Phượng Thùy, hay Phí Phương Thủy…”

Nói xong, máy bay đã cất cánh mất.

Thằng nào?

“Thằng nào?” em phục vụ hỏi.

“Áo xanh kia kìa!” Chị phục vụ đứng bên cạnh bàn tôi trả lời, dùng đầu để chỉ đạo.

Em phục vụ để đĩa cơm rang trên bàn một du khách người Tây mặc áo màu xanh, cười tươi, quay về chỗ bếp.

Cảnh này diễn ra ở một quán ăn nhộn nhịp nằm trên đường Phạm Ngũ Lão, Quận Nhất, Sài Gòn. Khu Tây-ba-lô. Chắc cả quán chỉ có mỗi tôi là ba-lô biết tiếng Việt, đặt câu hỏi về cách dùng từ “thằng” của em phục vụ đó.

Tôi công nhận Phạm Ngũ Lão không phải con đường văn minh nhất Việt Nam, cả về người ở lẫn người đến. Tôi cũng công nhận từ “thằng” không phải từ mạnh quá, đặc biệt trong trường hợp tôi vừa kể. Em phục vụ không có ý gì. Nhưng tôi vẫn cầm bút viết bài này như một cách âm thầm trả thù “nó”.

Việc đầu tiên là phải xác định vì sao tôi cảm thấy bực bội. Tôi khá chắc chắn nếu làm ở một quán chỉ có khách người Việt thì em ấy đã không dám hỏi “Thằng nào?” bằng giọng to và tự nhiên như thế. “Anh nào?”, “Bàn nào?”, “Ở đâu hả chị?” – có nhiều cách xác định suất cơm rang sẽ vào miệng ai mà không dùng đến ngôn ngữ chợ.

Nhưng riêng điều đó chưa đủ khiến tôi bực bội như bây giờ. Người thiếu ý thức ở đâu cũng có. Chính tôi hay “tạm thời” thiếu ý thức, sáng phàn nàn về người khác, chiều làm giống y họ. Vấn đề phải lớn hơn em ấy.

Mà nghĩ một lát, tôi thấy vấn đề lớn hơn thật. Từ lúc mới học tiếng Việt, tôi chứng kiến nhiều người Việt dùng từ “thằng” với đàn ông Tây trong trường hợp họ sẽ không dùng với đàn ông Việt.

“Thằng ấy sẽ xuất hiện từ một cánh gà bên phải,” chị tổ chức sự kiện chốt lại vị trí của một khách mời người Tây (trong lúc tôi im lặng dịch bài phát biểu ở bàn bên cạnh). Những người đàn ông Việt cùng tham gia sự kiện đó đều được chị ấy nhắc bằng “ông”.

“Thế thằng đó em gặp ở đâu?” Anh sinh viên hỏi cô bạn của mình trên đường về sau khi cả hai vừa đi uống cà phê cùng một anh tóc vàng và hai anh người Việt.

“Ở triển lãm du học hôm kia anh ạ.”

“Thế à. Còn hai anh kia?”

Vân vân và thằng thằng. Số lượng và chất lượng các ví dụ không quan trọng. Cuối cùng bài này là cảm nghĩ của cá nhân tôi – còn đúng hay không, cá nhân tôi nghĩ có quá nhiều trường hợp trong đó người Việt dùng “thằng” với Tây, mà dùng “anh, chú, bác, ông” với ta.

Thằng ấy. Thằng kia. Nó. Đó là sự phân biệt chủng tộc. Tất nhiên nó không bằng sự phân biệt ác nghiệt mà nhiều người Việt vẫn phải chịu khi lập nghiệp ở nước ngoài. Nó cũng dễ bỏ qua; có nhiều trường hợp trong đó đàn ông Tây ở Việt Nam được đối xử tốt hơn đàn ông Việt ở Việt Nam – nếu giá phải trả là một số chữ “thằng” ngẫu hứng (mà có hiểu được đâu) thì đó là sự quý mến rất rẻ.

Có lẽ đó chính là lý do vì sao tôi bực bội. Thứ nhất, đó là hành động phân biệt mà tôi chứng kiến quá nhiều lần qua quá nhiều năm – em phục vụ đó là giọt nước làm tràn ly. Thứ hai, đàn ông Tây ở Việt Nam xét cho cùng thì khá sung sướng nên nếu tôi lên tiếng mạnh mẽ sẽ bị gọi là thằng Tây vô ơn.

Bình luận