Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Ngược Chiều Vun Vút

Chương 16

Tác giả: Joe Ruelle

3. HƠI HƠI TIẾC

Cái kiêu gượng của tiếng Anh mẹ đẻ

Các bạn khó hiểu cảm giác của người nói tiếng Anh mẹ đẻ trong thời buổi hội nhập này. Còn tôi khó giải thích.

Có lẽ điều đầu tiên nên nói (nếu cứ cố giải thích) là chúng tôi, những người may mắn được nói tiếng Anh mẹ đẻ đi đâu cũng nghe người xung quanh sử dụng ngôn ngữ của mình. Quán cà phê tại Việt Nam, sân bay tại Nigeria, thư viện tại Ấn Độ tiếng Anh phổ biến thật. Các bạn sẽ không biết cảm giác khi cả thế giới chọn ngôn ngữ của mình làm ngôn ngữ chung. Điều đó sẽ không xảy ra với ngôn ngữ đang thể hiện trong bài viết này; người Afghanistan muốn làm việc cho khách sạn năm sao tại thủ đô Kabul sẽ không bị yêu cầu phải biết tiếng Việt.

Khi nghe người xung quanh nói tiếng Anh “đẻ thuê” ở khắp mọi nơi, tôi có cảm giác như họ đang mượn ngôn ngữ của tôi. Của chúng tôi. Tiếng Anh là sản phẩm do chúng tôi nghĩ ra và phát triển – người ta thấy thích, người ta xin mượn, chúng tôi cho phép.

Trong quan hệ giữa bên mượn và bên cho mượn bên mượn luôn phải tỏ ra ngại hơn. Bên mượn có thể làm mất thứ đã mượn, làm bẩn, làm hỏng, làm vỡ. Bên mượn phải cẩn thận. Kể cả bên mượn trở thành bên cướp, cố tình lấy mất tài sản – chúng vẫn phải cẩn thận tránh các chú công an do bên cho mượn huy động truy đuổi.

Trong quá trình toàn cầu hóa tiếng Anh, nếu có sự hiểu nhầm xảy ra do việc “nói không chuẩn” hoặc “nghe chưa rõ” thì trách nhiệm sẽ thuộc bên mượn. Trong các cuộc gặp gỡ giữa người nói tiếng Anh mẹ đẻ và người nói tiếng Anh “đẻ thuê”, người nói tiếng Anh mẹ đẻ hầu như được quyền miễn trừ ngoại giao. Chúng tôi có thể nói không rõ ý, lẩm ba lẩm bẩm, ngữ pháp không giống ai. Tuy nhiên các câu lẩm bẩm ấy vẫn giữ một cái chuẩn nhất định – vì là tiếng mẹ đẻ.

Chúng tôi có chức.

Nếu tôi không hiểu một ông Scotland đang nói gì, điều đó chưa đủ khiến ông ấy cảm thấy ngại. Ông ấy tự tin về cái chuẩn của Glasgow còn tôi tự tin về cái chuẩn của Vancouver. Đơn giản hai cái chuẩn khác nhau, không người nào đúng, không người nào sai. Nhưng khi tôi nói chuyện bằng tiếng Anh cùng một ông Việt Nam và không hiểu ông ấy đang nói gì thì rất có thể điều đó đủ khiến ông ấy cảm thấy ngại. Bỏ yếu tố “mẹ đẻ” ra khỏi phương trình thì bắt đầu có cái sai. Ông ấy nói sai. Ông ấy sai.

Chính vì thế nên chúng tôi, là những người may mắn được nói tiếng Anh mẹ đẻ, hơi kiêu. Không kiêu làm sao được khi cả thế giới đang thi nhau học ngôn ngữ mình? Khi thành phố nào cũng có mấy trung tâm dạy các em nói theo cách của mình.

Mà chúng tôi càng đi nhiều nước càng kiêu lên.

Nhất là đi Việt Nam. Ở đây là thiên đường dành cho người kiêu căng. Hãy hình dung tôi là khách du lịch đang gọi món tại nhà hàng bình thường. Tôi gọi “Ham Sandwich” bằng tiếng Anh nhưng cậu nhân viên nghe nhầm, mang ra “Beef Sandwich”. Tôi bực mình. Sandwich này là sandwich gì vậy? Tôi nói rõ rồi, Ham Sandwich. H-A-M, không phải B’E’E’F. Thế là cậu nhân viên ấy xin lỗi, cười ngại ngùng và qua hành động đó khẳng định thêm quyền được bực mình của tôi.

Nhìn lại trường hợp trên. Cậu nhân viên ấy đã cố gắng học ngôn ngữ của tôi để phục vụ tôi tốt nhất có thể. Không biết cậu ấy đã mất bao nhiêu đêm đọc quyển sách photo copy, nói đi nói lại cho chiếc gương nghe. Cậu ấy đã vất vả. Còn tôi (mặc dù đang ở đất nước của cậu ấy) chỉ dùng tiếng mẹ đẻ. Tôi không phải nỗ lực gì. Tôi lười. Nhưng cậu ấy là người đỏ mặt vì ngại, còn tôi là người đỏ mặt vì bực.

Tỷ lệ người nước ngoài ở Việt Nam lâu mà chưa biết tiếng Việt vẫn đang rất cao. Một người Tây khó có thể sống ở Tokyo 10 năm nếu chỉ biết từ “Arigato”. Trái lại, một người Tây rất dễ có thể sống ở Hà Nội 20 năm mà chỉ biết từ “Cảm ơn”.

Không phải chỉ thế mà người muốn học tiếng Việt hay bị người Việt vô tình khuyên ngăn. Tôi nhiều lần chứng kiến khách Tây cố gắng gọi món bằng tiếng Việt, nhân viên phục vụ cố gắng trả lời bằng tiếng Anh (“Tôi cơm rang!” “You is want fry rice?”). Không bên nào chịu bên nào, một chiến tranh lạnh dưới mặt trời nóng.

Tiếng Anh là number one.

Thế mới kiêu.

Nhưng cảm giác kiêu căng đó có hai mặt. Tất nhiên có phần tự hào, phần hài lòng, phần biết ơn. Nhưng bên cạnh đó có phần nhàm chán, Hiện giờ có quá nhiều người mượn ngôn ngữ của chúng tôi. Tiếng Anh là của chung. Suy ra, tiếng Anh không còn là của mình.

Ngược lại, tiếng Việt là nét đặc trưng; ngôn ngữ và văn hóa ôm nhau rất chặt. Với các bạn, tiếng mẹ đẻ gắn bó với nơi mẹ đẻ. Các bạn nói tiếng mẹ đẻ ở nước ngoài không sợ người xung quanh nghe trộm, nói tiếng mẹ đẻ ở nước nhà biết chắc chắn mình đang ở nước nhà. Các bạn sẽ không bao giờ biết cảm giác khi tiếng mẹ đẻ là tiếng chung.

Nhưng tôi sẽ không bao giờ biết cảm giác khi tiếng mẹ đẻ là tiếng riêng.

Một phút huy hoàng

Tôi đang chờ chết. Bạn đang chờ chết. Xã hội đang chờ chết, Trái Đất đang chờ chết, thiên hà đang chờ chết.

Trong hoàn cảnh này tìm ý nghĩa cuộc sống ở đâu? Sống để làm gì nếu một ngày nào đó – có khi một ngày rất xa, có khi một ngày không xa lắm – mọi nỗ lực của mình sẽ bị xóa mất? Người ta sẽ không còn nhớ mình là ai? Sẽ không còn người để nhớ, Mặt Trời đã mở rộng và nuốt mất Trái Đất.

Nhiều người tìm ý nghĩa ở việc sinh con. Nói cách khác, họ tìm ý nghĩa ở việc tiếp tục. Phải tiếp tục, phải tiếp tục, bằng mọi cách là chúng ta phải tiếp tục! Điều nghịch lý là càng nhiều người sinh con thì cái chết của Trái Đất càng đến gần hơn. Thế giới đang có bảy tỷ người. Năm 2050, con số đó sẽ lên đến chín tỷ. Đó là chín tỷ trái tim, chín tỷ người biết khóc biết cười.

Theo một cách nhìn khác, đó là chín tỷ vi khuẩn I nếu có thuốc kháng sinh nào giết được nửa chúng ta, chắc Trái văn hóa dân tộc để làm gì nếu sau này sẽ không còn ai để biết ơn?

Trong những lúc bơ vơ nhất tôi hay nghĩ đến câu của nhà thơ Xuân Diệu: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.” Có khi chúng ta nên tập trung nhiều hơn vào phút huy hoàng đó. Ngày mai có khi sẽ không đến. Nhưng ít nhất – ít nhất – chúng ta có hôm nay.

Tôi cũng nghĩ đến đoạn thơ của Ben Johnson, viết cách đây hơn 400 năm.

A lily of a day,

Is fairer far, in May,

Although it fall, and die that night;

It was the plant and flower of light.

Bông hoa ly của một ngày,

Đẹp vô cùng, trong tháng Năm,

Cho dù hoa sẽ tàn trong đêm đó;

Nó cũng đã là cây, là bông của ánh sáng.

Cuộc sống có phần chuẩn bị, có phần thưởng thức. Nhưng với tốc độ phát triển hiện nay, tôi thấy phần chuẩn bị đang lấn át phần thưởng thức. Đời mất cân đối. Chuẩn bị suốt trăm năm để làm gì nếu cuối cùng mọi thứ rồi cũng sẽ chợt tắt mà chợt tắt trước khi phút huy hoàng đó đến.

Một phút huy hoàng. Tất cả vì một phút huy hoàng. Có nhiều khái niệm khoa học có thể phủ nhận, nhưng tôi không nghĩ ra cách nào mà khoa học có thể phủ nhận được khái niệm đó.

Trời mưa

Dạo này chúng ta nghe nhiều về hậu quả do mưa gây ra. Lũ lụt. Nạn nhân của lũ lụt (lũ trẻ). Ngập đường, lở đất, dịch bệnh.

Mưa có thể là kẻ thù, làm chúng ta khóc. Nhưng mưa cũng có thể là bạn hiền, làm chúng ta khóc – vì vui. Có âm thanh nào dễ chịu hơn tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà sau một tuần làm việc vất vả? Các thợ đang xây phải xếp máy khoan, máy búa, và máy cưa dưới tầng một, ngồi trên tầng hai chơi tiến lên, chơi tá lả, chơi xập xám – lộp độp, lộp độp, các quân bài rơi trên sàn xi măng.

Mưa là ngừng lại. Mưa là suy ngẫm. Việt Nam đang rất cần hai điều đó.

Một trong những bài hát Việt Nam tôi thích nhất bắt đầu với chữ mưa. “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ.” Mỗi lần nghe, tôi nhìn thấy tháp cổ đó, mặc dù nó xây ở nơi tôi chưa từng đi và sẽ không bao giờ đi.

Bài Để em mơ (cũng của một nhạc sĩ đeo kính) có câu “Em thích mưa phùn bay bay bay bay Hồ Tây”, một nơi tôi đã từng đi và sẽ thường xuyên quay lại. Nghe Ngọc Khuê bay cùng lời hát đó, tôi muốn bay theo. Tắm buổi sáng tôi hay hát mỗi đoạn “Bay bay bay bay… Hồ Tây”, hát đi hát lại cho đến hết nước nóng.

Mưa rơi rơi trên đường phố đêm khuya… Mưa như xóa cho em tháng ngày u tối… Mưa rơi cho anh nhớ em nhiều… Mưa đầy trên mái lá, mưa đầy trong nỗi nhớ… Giọt mưa thảng thốt rơi trên rêu phong…

Việt Nam nhiều bài hát “mưa” lắm.

Có lẽ bài hát “mưa” có ý nghĩa đặc biệt nhất với tôi là Mưa trên phố Huế. Lúc mới sang Việt Nam, tôi học thuộc bài đó đế những lúc đi karaoke cùng các bác lớn tuổi, tôi sẽ có “quân” để chơi. Nhưng sau này tôi cảm thấy thích thật. Tôi thích các tác phẩm nghệ thuật có nét buồn sâu sắc. Mưa là thời tiết buồn. Huế là thành phố sâu sắc. Và ngược lại.

Chiều nay mưa trên phố Huế

Kiếp giang hồ không bến đợi

Tôi luôn nhớ hai câu đó. Bây giờ tôi thấy “kiếp giang hồ” xuất hiện khắp nơi.

Những người dùng máy khoan, máy búa và máy cưa mà phá hủy một buổi trưa cuối tuần yên tĩnh. Những người lái xe ô tô không dừng lại khi thấy người già đang qua đường. Những người nói bậy ở quán cà phê. Tôi đang viết bài này ở một quán cà phê dễ thương. “Mẹ mẹ mẹ mẹ!” Các anh doanh nhân ngồi đối diện đang thốt lên, tựa như một sự xuyên tạc của đoạn “Bay bay bay bay” trên.

Tôi mệt. Tôi nóng. Tôi muốn trời mưa lâu, rất lâu, để kiếp giang hồ bị lũ cuốn trôi hết, không bao giờ quay lại bến đợi.

Em làm bên finance

Tiếng Việt. Tiếng Việt. Tiếng Anh. Tiếng Việt. Đôi khi nghe người Việt ở tuổi phát triển sự nghiệp nói chuyện với nhau, tôi có cảm giác như tôi vẫn đang ăn trưa ở khu người Việt tại Vancouver.

“Em làm bên finance.” “Chị sẵn sàng settle down.” “Cái đó rất là fix.” “Cậu ấy rất passive.” “Cái background của em ấy là gì?” “Chị ấy hơi pessimistic.” “Tao có advice cho mày.” “Như thế là không tum around được.” “Phải có skill, chứ!” “Có lẽ em sẽ làm finance” “Lương của em sẽ performance based.” “Cô đã nhận passport chưa?” “Như vậy scale sẽ rất cao.” “Lớp em boring lắm!” “Trường đó teaching method tốt chứ!” “Em chưa give up đâu!”

Trước hết phải chia các từ tiếng Anh “ghép vào” thành hai loại – loại có từ tiếng Việt thay thế và loại không. Bắt đầu với loại có. Passive là bị động. Fix là cố định. Advice là lời khuyên. Boring là chán. Teaching method là phương pháp giảng dạy, etc. (là v.v…). ít ai có thể bảo vệ quan điểm “skill” rõ nghĩa hơn “kỹ năng”, “advice” rõ nghĩa hơn “lời khuyên” (còn tôi rất tò mò muốn biết Bacardi “mix” với Coca khác Bacardi “pha” với Coca như thế nào).

Rồi đến với loại “Netbook” – loại không có lựa chọn địa phương thay thế, hoặc có nhưng đó là cụm từ vừa dài vừa mất phần ý nghĩa quan trọng. Mặc dù “Netbook” và “Notebook” khác nhau về mặt công nghệ nhưng tiếng Việt chỉ có từ “máy tính xách tay” dùng cho cả hai. Muốn nhấn mạnh chất “Net” bằng tiếng Việt thì phải hít sâu vào và nói dài: “Máy tính xách tay vừa nhỏ vừa rẻ cấu hình thấp nhưng pin chạy được lâu, dùng chủ yếu để vào mạng và làm những việc không quá tốn kém về mặt…”

Tuy nhiên “Netbook” là trường hợp ngoại lệ. Đa số lần xuất hiện từ tiếng Anh trong câu nói người Việt trẻ thì có từ tiếng Việt thay thế, giống loại, giống chức năng, giống ý nghĩa. Vậy câu hỏi tiếp theo là “Why?”. Nếu không phải đế làm rõ nghĩa thì dùng những từ tiếng Anh đó để làm gì?

Để làm to. Để làm oách. Để chứng tỏ rằng mình là người có hiểu biết về thế giới (khác bọn nhà quê). Sự mong muốn ấy người Việt hay đặt tên là “tính sính ngoại”.

Điều thú vị với tôi là tính sính “ngoại” của người Việt có chất rất “nội”. Tôi thấy nhiều người chọn dùng “đồ Tây” chủ yếu để được sự ngưỡng mộ của ta. Bản chất các sản phẩm nhập khẩu đó có nhiều lợi thế. Nhưng nếu không ai biết mình đang dùng thì chưa chắc mình đã mua đâu. Mua chiếc bút của Thụy Sĩ không phải để ghi chữ mà để ghi điểm. Đến với Tây để khoe với Ta.

Nếu đo “nhu cầu được ngưỡng mộ” của một xã hội bằng “mức độ sính ngoại” của xã hội đó thì “nhu cầu được ngưỡng mộ” của xã hội Việt Nam cao lắm. Khỏi phải nói, đó là sự ngưỡng mộ của nhau. Người Việt (đặc biệt là người Hà Nội) có vẻ rất cần tình cảm từ phía xã hội. Làm người tốt bụng hoặc thành đạt thì chưa đủ – phải được mọi người công nhận là người tốt bụng, nhất trí là người thành đạt. Nhu cầu đó hay được thể hiện bằng cách… thể hiện.

Một lý do nữa có thể để trốn áp lực văn hóa. Từ “love” đang rất phổ biến ở Việt Nam. Rất nhiều em đang “love” rất nhiều anh. Mặc dù “I love you” và “Em yêu anh” cùng một giá trị cơ bản nhưng với nhiều người Việt trẻ, “Em yêu anh” bị tính tiền thuế, còn “I love you” được mua “duty free”. Tiền thuế ấy (chỉ áp dụng với giao dịch trong nước) là các cảm giác ngại ngùng, gượng gạo và “củ chuối” mà người trẻ đành phải chịu khi dùng tiếng Việt để mô tả các feeling “khó nói”.

“Ổn định” đồng nghĩa với “Settle down” nhưng bị tính tiền thuế là mẹ chồng. “Tài chính” đồng nghĩa với “Fianance” nhưng bị tính tiền thuế là chất mơ hồ trong các hệ thống quản lý tiền tại Việt Nam. (Những ẩn số vàng.) Trong nhiều trường hợp, việc dùng từ tiếng Anh không phải để làm rõ nghĩa mà để làm nhẹ người.

Cũng có trường hợp các em du học sinh “làm quen” với một khái niệm bằng tiếng Anh (lần đầu tiên họ biến khái niệm đó thành lời). Khi về Việt Nam họ không muốn “làm quen lại”, Ví dụ từ “abstract”. Đó là từ các em dưới 18 tuổi ít gặp ngoài phố. Rất có thể một em du học sinh phải ở nước ngoài mấy năm mới bắt đầu dùng nó, bắt đầu cảm nhận khái niệm sâu sắc từng ý nghĩa của nó. Khi về Việt Nam em ấy sẽ không quay lại dùng từ “trừu tượng” dùng đâu mà quay lại.

“Tôi chẳng sính ngoại, chẳng trốn áp lực gì, cũng chưa đi du học ở đâu. Tôi chỉ dùng mấy từ tiếng Anh đó vì chúng nó… nghe hay.” Tôi đoán đó cũng là quan điểm phố biến. “Mix” tiếng Anh không vì lý do nào ngoài một cảm giác “hay hay”. Just for fun. Tuy nhiên, nhìn kỹ vào cảm giác “hay hay” đó, chắc sẽ thấy nhiều cảm giác “sâu sâu” và “sắc sắc” thuộc loại vừa miêu tả trên.

Thêm một lý do nữa là “chơi tiếng Anh” không phải vì muốn nổi bật mà vì không muốn nổi bật. “Mấy anh chị trong nghề toàn nói như thế, còn tôi muốn professional giống họ.”

Rồi đến với lý do đơn giản nhất: ham hiểu biết. Mix tiếng Anh đơn giản vì thích học hỏi và áp dụng kiến thức mới.

Có những đất nước ở Châu Á như Singapore và Philippines nói tiếng Anh song song với tiếng mẹ đẻ. Cho dù có sự pha lẫn nhất định nhưng chủ yếu đó là hai ngôn ngữ riêng biệt. Ở Việt Nam đang có nguy cơ thành hai trong một. Tiếng Vietnamese. Không hẳn Tây, cũng không hẳn Ta.,

Tôi không muốn tỏ ra quá bức xúc vì chuyện này. Là người nói tiếng Anh mẹ đẻ nên tôi dễ bị so sánh với nhân vật chính trong phim Avatar – người da trắng che chở dân da xanh khỏi bị nguy hiểm trước sự đe dọa xuất phát từ chính dân tộc da trắng mình. Tôi không muốn đóng vai đó (mặc dù đọc kịch bản thấy cũng “hay hay”).

Hơn nữa, tôi quá hiểu về sức hấp dẫn của ngôn ngữ xa lạ. Khi ngồi buôn chuyện cùng nhau, người Tây sống lâu tại Việt Nam mình hay phát ra những câu như: “She’s a little bit béo”, “Let’s go for some chân gà”, “Call me back later nhé”. Thậm chí lúc về Vancouver tôi cũng thinh thoảng “vô tình” ghép vài từ tiếng Việt vào các câu tiếng Anh.

“I don’t know, I think she’s a bit điệu.”

“Cái gì?” bạn tôi hỏi bằng tiếng Anh.

“Xin lỗi,” tôi trả lời. “Thỉnh thoảng tao vẫn nghĩ bằng tiếng Việt nên các từ đó cứ rỉ xuống câu làm sao ấy.”

“Ôi mày biết tiếng Việt à?”

“Một chút thôi.”

“Trời ơi, giỏi quá!”

Ân hận

“Giờ phút này tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì đang được sống nhiều cuộc sống, trọn vẹn với công việc, tình yêu và gia đình. Nói gở, dù mai tôi có chết cũng không ân hận gì vì tôi đã sống hết mình.”

(Người mẫu Vũ Thu Phương)

“Tôi luôn sống theo cảm xúc và tôn trọng cảm xúc của mình. Dù tôi hay có suy nghĩ về những được mất hơn thua nhưng tôi không ân hận gì cả.”

(Ca sĩ Quang Dũng)

“Quan trọng là bạn cảm thấy xấu hổ với bản thân của bạn, chứ không xấu hổ vì tác động bởi những lời nói của người xung quanh. Có một điều tôi biết nữa là tôi không bao giờ thấy ân hận vì những việc đã xảy ra.”

(Đạo diễn Ngô Quang Hải)

Cộng với ba người nổi tiếng trên, hàng nghìn người nổi tiếng ở khắp năm châu, từ nhà văn người Nhật Haruki Murakami (“Tôi không có chút ân hận nào dù nhỏ nhất. Nếu tôi có thể lần nữa sống lại cuộc đời mình, có lẽ tôi sẽ là đúng những điều đã làm.”) đến ca sĩ người Canada Avril Lavigne (“Tôi không có ân hận nào bởi vì tôi không cảm thấy mình đã làm gì sai”) đã nhấn mạnh với công chúng rằng họ “nói không” với ân hận. Khắp sáu châu nếu gồm thuyền trưởng người Anh Robert Falcon Scott, người thứ hai đặt chân tới Nam Cực. “Chúng tôi đang rất yếu, việc viết lách cũng trở nên khó khăn, nhưng… tôi không ân hận về chuyến đi này”, Scott ghi vào nhật ký mấy ngày trước khi chết vì cóng và kiệt sức.

Người nổi tiếng cũng chỉ là người bình thường được nhiều người biết đến, cho nên trong số người bình thường chưa được nhiều người biết đến cũng phải có nhiêu người “nói không” với ân hận. Bỏ qua trường hợp nói dối (mặc dù không ít), những người vô ân hận đó phải có cơ sở.

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, “n hận” có nghĩa là “Băn khoăn, day dứt và tự trách mình trước việc không hay đã để xảy ra”. Hẳn những người sẵn sàng thông báo “không ân hận điều gì” cũng sẽ sẵn sàng thừa nhận có nhiều việc không hay từng xảy ra với mình: việc chủ yếu do hành động của mình, hành động chủ yếu do quyết định của mình. Nhưng họ không tự trách mình.

Có khi việc “không hay” đó một phần dẫn đến việc “quá hay” – dù tài năng đến mấy nhưng một ca sĩ chưa biết nỗi đau lớn sẽ luôn là ca sĩ bình thường – và họ cảm thấy hài lòng với kết quả chung. Có khi họ còn tự hào về những việc không hay đó, thay vì tự trách mình, họ tự bắt tay mình. Có khi họ không có thời gian tự trách mình, đang tập trung hết mình vào phía trước. Có khi nhiều thứ lắm, thế nhưng điều muốn nói ở đây là họ rất khác tôi.

Tôi ân hận nhiều thứ. Tôi băn khoăn lắm, day dứt quá, nếu được sống lại sẽ làm nhiều thứ rất khác! Từ lúc có ý thức về bản thân, tôi đã làm quá nhiều người thất vọng, làm hỏng quá nhiều việc lẽ ra có kết thúc tốt đẹp. Thành công tôi cũng có. Nhưng nếu thất bại đúng là mẹ thành công thì tôi sẵn sàng đá vài đứa khỏi nhà để không còn phải sống cùng với bà mẹ chúng nó.

Có lẽ vì thế nên tôi sợ người “không ân hận gì”. Bởi tôi không hiểu họ. Cảm giác ân hận là một phần của tôi; tôi chấp nhận sống cùng với nó cho đến khi không còn tôi và không còn nó. Tôi chán nó. Tôi biết nó đang ảnh hưởng không tốt tới cuộc sống hiện tại. Tôi cười mỉm khi bạn bè đặt câu hỏi về quan hệ giữa tôi và nó. Nhưng tôi vẫn về ngủ với nó. Vì thế, vì tôi không thể tỉnh táo mà bỏ, nên tôi nhìn những người đã bỏ rồi như là con nghiện đang phê ma túy. Và tôi sợ.

Nhìn thẳng vào mắt một nữ sinh đang khóc vì thi trượt đại học khi chỉ thiếu có nửa điểm dễ hơn nhìn thẳng vào mắt một thằng đang phê hêrôin.

“Trọn đời tôi, tôi chỉ lo chết đói. Như thế bảo còn nghĩ đến cái to tát làm sao được? Nguyện vọng của tôi? Ấy là làm thế nào cho vợ có tiền đong gạo, mua được mắm và mua ba xu thuốc chốc đầu của bà lang lùn về cho con. Không có mộng. Nói vậy sợ hơi quá quắt. Thật ra tôi cũng có chút mộng văn chương. Nhưng cái mộng ấy cũng hơi… khỉ khỉ. Tôi cũng muốn vừa có thể phụng sự nghệ thuật lại vừa có thể kiếm tiền nuôi cả nhà. Nghĩa là tôi ham viết lắm. Nhưng giá thử viết mà không được một đồng xu nhỏ thì có lẽ tôi cũng ham vừa vừa thôi.”

Giọng Nam Cao không khó nhận ra. Trong đoạn tâm sự này (“Những truyện không muốn nói”), tôi thích nhất câu “Nhưng cái mộng ấy cũng hơi… khỉ khỉ”. Đọc xong, tôi có cảm giác Nam Cao nghĩ mình hy sinh quá nhiều vì cái mộng “khỉ khỉ” đó – nếu được sống lại trong thời buổi phát triển này, ông sẽ rút kinh nghiệm và nằm võng nhiều hơn. Có chút xi rô ân hận nhỏ giọt từ giữa các dòng chữ ấy. Chút mồ hôi. Của một con người.

Như tôi.

Đọc bài này chắc sẽ có người nghĩ tôi hơi tự hào quá về khả năng ân hận của mình. Có lẽ họ sẽ tung những suy nghĩ đó lên các diễn đàn Online khiến tôi sẽ đập đầu vào tường vì cho phép xuất bản một bài viết vị kỷ như thế này (rồi soi gương và cười tự hào khi thấy máu chảy đầy mũi). Nhưng tôi chọn trích đoạn “khỉ khỉ” trên vì trong đó nhắc đến một điều lớn hơn Nam Cao, lớn hơn tôi, và lớn hơn người mẫu Vũ Thu Phương

Nếu đặt sự thành công trên hết thì không có giá nào quá cao phải trả cho việc “phụng sự nghệ thuật”. Nhưng nếu đặt “sự thoải mái” lên trên hết thì có giá quá cao. Nói theo kiểu Việt Nam (xin xuyên tạc một chút), nếu đặt “trắng tựa bông” lên trên hết thì không nên tiếc việc giã gạo thậm chí nên tự hào. Nhưng nếu đặt sức khỏe của người giã gạo lên trên hết thì có lúc nên tiếc.

Bởi vì rất khó biết mình sẽ mang cái nào tới kiếp sau, một bát gạo trắng như bông hay một cơ thể kiệt sức.

Sóng thần

Hôm trước trốn rét ở Vũng Tàu, tôi thấy một tấm biển lạ: “Khi có cảnh báo sóng thần, chạy theo đường La Văn Cầu, cách bờ 1000m”.

Vũng Tàu là địa điểm du lịch, tuy nhiên (và tất nhiên), ít du khách biết đường La Văn Cầu nằm ở đâu. Đường khó tìm một chút, còn lúc sóng thần ập đến cũng không phải thời điểm thuận lợi để hỏi xe ôm. Nếu có sóng thần ập đến thật, có cảnh báo khẩn cấp thật, thì du khách có thể chạy theo đường nào cũng được. Miễn là chạy nhanh. Và chạy xa. Và đừng chạy về phía sóng thần.

Nhiều khi xã hội thích phức tạp hóa vấn đề, bỏ qua các phương án tự nhiên để đến với các phương án luẩn quẩn, ngoằn ngoèo, nhân tạo. Giả vờ không có áp lực về khả năng. Giả vờ không có áp lực về thời gian.

Thêm vào đó có một thực tế ít người sẵn sàng chấp nhận, vì triết lý quá, vì dạy đời quá: không chọn con đường nào cũng là một lựa chọn. Nhiều người “đến tuổi rồi”, khi sóng thần “ế” ập vào thì cố tìm đường La Văn cầu – là đường chuẩn, là đường xã hội bảo mình nên chạy theo. (“Anh cầu ơi, anh đang ở đâu thế?”) Rồi họ chết. Tiếc quá. Nếu lúc nghe tiếng cảnh báo, họ chọn bất cứ con đường nào đi vào nội địa và chạy – thì giờ họ vẫn còn sống.

Bệnh Kichi Kichi

Nếu bạn ra trường mấy năm, có cuộc sống ổn định, có thu nhập tương đối và lúc nào cũng cảm thấy buồn vu vơ thì rất có thể bạn đang bị bệnh Kichi Kichi. Bệnh Kichi Kichi nguy hiểm hơn cả viêm não Nhật Bản, cũng như tất cả các căn bệnh khác lây từ xứ sở mặt trời mọc, xứ sở mặt trời lặn, và các xứ sở khác mặt trời tạm ngưng ở giữa.

Dạo này báo chí hay nhắc đến các loại bệnh của người giàu: đái đường, béo phì, chứng loãng xương. Không còn chết vì đói thì chết vì no, không còn chết bởi bệnh chữa được bằng tiền thì chết bởi bệnh mắc phải vì tiền.

Kichi Kichi là tên một chuỗi nhà hàng lẩu băng chuyền. Khách ngồi ở bàn xếp ngang như quán bar, chọn nước lẩu (mỗi người một nồi nhỏ) rồi dải băng chuyền chuyển động mang theo hàng trăm món thức ăn đa dạng: thịt, cá, tôm, rau, nấm…

Nhiều sự lựa chọn nên khách hay rơi vào tình trạng chờ mãi món tiếp theo. Đĩa rau kia nhìn ngon nhưng biết đâu sắp có loại rau ngon hơn? (Không gian trong bụng có hạn. Xúc xích kia có vẻ thơm, nhưng biết đâu sắp có món còn thơm hơn? Ôi thịt cá kia! Có phải cá hồi không- chưa kịp nhìn thì đã bơi qua.

Tiếp theo và tiếp theo. Cuối cùng, khi các món đã chạy một vòng dài, khách quyết định món xúc xích ấy là món ăn hấp dẫn nhất. Vậy khách chờ băng chuyền chạy thêm một vòng dài, nhưng tiếc quá – đĩa xúc xích không còn, bị thằng khác lấy mất.

Người Việt Nam có câu “Lắm mối tối nằm không”. Tiếng Anh có câu “Tê liệt bởi lựa chọn” (Paralysed by choice). Tôi thấy cuộc sống hiện đại đang bị Kichi Kichi hóa, càng nhiều sự lựa chọn, càng nhiều người nằm không. Nằm tê liệt.

Bệnh Kichi Kichi là bệnh tâm lý của người giàu – giàu tiền, giàu lựa chọn, giàu cả hai. Và giàu thời gian. Nguyên nhân thì rõ ràng. Triệu chứng và dấu hiệu cũng rõ ràng: bị ế, bị ly dị, bị trầm cảm. Nhưng phương pháp điều trị chưa rõ ràng lắm. Vậy tôi sẽ nói.

Muốn khỏi bệnh Kichi Kichi phải uống thuốc Tadiphothin.

Phở Thìn Bờ Hồ là một trong những quán phở nổi tiếng nhất Hà Nội. Quán hoạt động lâu năm ngay cạnh Bờ Hồ và chỉ có một lựa chọn chính: phở. (Tất nhiên có vài lựa chọn phụ nhưng chưa đủ làm ai tê liệt.) Sau vài tuần uống thuốc Tadiphothin, sức khỏe của mình sẽ quay trở lại bình thường. Khi không cồn lo về việc “chọn món” thì mình sẽ bắt đầu lo về những việc tiếp theo (ăn xong đi đâu làm gì).

Khi không còn lo về bụng mình thì mình sẽ bắt đầu lo về bụng người khác. Mình sẽ khỏe. Mình sẽ không còn bị thôi miên bởi băng chuyền kỳ diệu đó.

Tuy nhiên, thuốc Tadiphothin không có tác dụng khi điều trị Bệnh Kichi Kichi mãn tính. Các trường hợp bình thường thì điều trị tốt, cũng như một số trường hợp cấp tính trong lứa bệnh nhân 20 – 25 tuổi Nhưng khi bệnh trở nên mãn tính thì thuốc Tadiphothin sẽ mất hết tác dụng, không khác gì uống phấn với đường.

Nếu bị Kichi Kichi mãn tính, có nghĩa là bệnh nhân đã bị băng chuyền kỳ diệu đó thôi miên trong thời gian dài, giờ không còn trẻ, không còn đẹp, không còn ổn định về mặt tâm lý. Băng chuyền của thời gian sẽ không quay trở lại – khi thực sự cảm nhận được điều đó, cơ thể bệnh nhân sẽ bị rối loạn, sản xuất một loại hoóc-môn làm vô tác dụng các thành phần thuốc Tadiphothin. Thậm chí bệnh nhân có thể bị dị ứng luôn – hệ thống miễn dịch tưởng nhầm đó là chất xâm phạm.

Bệnh Kichi Kichi mãn tính không chữa được. Thường các bệnh nhân chỉ còn cách là phải mở nhà hàng lẩu băng chuyền của riêng mình, giống trường hợp các em buôn hương bán phấn khi lên 40 tuổi và hết đường làm ăn cũ thì phải mở nhà nghỉ, thành má mì. Những “má mì băng chuyền” này sẽ khó tìm được hạnh phúc Nhưng vì được điều khiển chính hệ thống đã làn hỏng mình thời xưa (mà không còn bị hệ thống đó thôi miên nữa), có lẽ họ sẽ tìm được một kiểu hạnh phúc nào đó.

Sao bằng sao băng

Ngồi ngắm mưa sao băng, cảm giác mình thật nhỏ bé. Những quyết định lớn nhất trong đời của một người đàn ông chẳng phải là cái gì so với màn biểu diễn đang được thực hiện trên trời xa. Tôi lấy vợ hay không, ngôi sao vẫn lấp lánh, băng vẫn rơi thành mưa, mưa vẫn rơi thành sông. Tuy nhiên đầu óc của người đàn ông không thiết kế để cảm nhận (hoặc chấp nhận) những điều lớn lao nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, và sáng hôm sau tôi lại nghĩ việc quan trọng nhất trong cả vũ trụ là tôi phải lấy vợ.

Cảm giác mình thật to lớn.

Ít ra các trận mưa sao băng trước đây kết thúc như vậy. Buổi tối đặt câu hỏi về xã hội, buổi sáng đặt niềm tin. Buổi tối mở rộng, buổi sáng co lại – quay lại với cuộc sống, với công việc, với những điều mình có thể kiểm soát. Với mình. Nhưng dạo này đầu óc đang hoạt động khác với bản thiết kế, cảm giác “mình thật nhỏ bé” kéo dài đến tận sáng hôm sau. Lấy vợ làm gì, tôi tự hỏi trước khi đi ngủ.

Lấy vợ làm gì, tôi tự hỏi sau khi ngủ dậy. Ngôi sao vẫn lấp lánh…

Tôi hay bị các anh taxi bắt chuyện. Thường đó sẽ là lần đầu tiên họ gặp một người Tây nói tiếng Việt tốt. Nhưng đó sẽ lần thứ n tôi gặp một anh taxi đang gặp một người Tây nói tiếng Việt tốt. Kết quả là nhiều câu hỏi nhiệt tình và nhiều câu trả lời mệt mỏi. Anh là người nước nào? Anh ở Việt Nam bao nhiêu năm? Anh một năm về nước mấy lần? Anh thấy con gái Việt Nam có xinh không?

Dù biết là sự quan tâm nhưng tôi vẫn thấy chán. Thế là tôi nghịch. Thế là tôi cãi.

“Canada.”

“Người Canada hả? Thế năm nay anh bao nhiêu tuổi?”

“Mình sinh năm 78.”

“Thế anh đã có gia đình chưa?”

“Chưa.”

“Chưa có à? Thế bao giờ anh định lấy vợ?”

“Tại sao tôi lại phải lấy vợ? Tôi chẳng thấy có lý do gì mà đàn ông phải lấy vợ. Toàn là áp lực vớ vẩn không đâu vào đâu!”

Anh taxi im lặng một lát.

“Phải lấy vợ chứ!”

Phải – lấy – vợ – chứ. Tất cả những điều anh ấy muốn nói nằm ở chữ “chứ” đó. Tôi thấy có một số chữ, đặt ở một số vị trí bao gồm hết nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Nếu thực sự hiểu chữ “chứ” đó, đặt ở vị trí đó, (nói với giọng đó), thì mình cũng sẽ hiểu văn hóa Việt Nam.

Có khi do tôi tiếp cận với văn hóa Việt Nam lúc 25 tuổi và với văn hóa mẹ đẻ ổn định trong lòng nên tôi hay để ý đến các chữ “chứ” đó. Khi lớn lên trong một văn hóa thì xung quanh mình là các thân cây của văn hóa đó. Nhưng khi tiếp cận với một văn hóa khi đã lớn rồi thì mình có thể đứng trên núi xa là văn hóa mẹ đẻ, nhìn toàn bộ cả rừng. Các cây cao nhất mình nhận ra ngay.

Hãy nhìn chữ “chứ” đó. Hãy phát âm nó với giọng một anh taxi vui tính. Hãy cảm nhận hương vị cúa nó, chấm nước mắm và ăn từ từ.

Phải lấy vợ “chứ”. Chứ, nếu không sẽ không hạnh phúc. Đó là điểm xuất phát của một con đường phân tích đi mãi quanh bờ ao nhà mình. Hạnh phúc là có vợ. Có vợ là có con. Có con là có người thắp hương.

“Vì sao thế?” Tôi hỏi anh taxi. “Liệu ý nghĩa trong cuộc sống xuất phát từ cảm giác mình đang thực hiện tốt công việc xã hội giao cho? Hạnh phúc không phải mình yêu vợ mà xã hội yêu mình?”

“Ổ, mà phải lấy vợ chứ!” Anh taxi nói.

“Vì sao thế?” Tôi hỏi lại. “Vì sao tôi phải sống cả đời cùng một người phụ nữ duy nhất? Anh biết không, có một dân tộc ở Trung Quốc, trong ngôn ngữ của họ không có từ ‘vợ’. Cũng không có từ ‘bố’ luôn. Mỗi gia đình gồm một người mẹ với các con. Các con trai yêu ai cũng được, miễn là buổi tối về nhà với mẹ – đến tận già vẫn phải về nhà mẹ! Còn các con gái khi tự dưng có thai phải ra ở riêng, lập gia đình mới. Dân tộc đó sống như thế cả mấy nghìn năm trời. Họ có thiệt thòi không?”

“Không sao!” Anh taxi vui lên. “Ở Việt Nam yêu đương thoải mái! Phải giấu vợ thôi!”

Anh ấy hiểu ý tôi là muốn kéo dài giai đoạn gái gú lâu nhất có thể, không phải đặt câu hỏi về giá trị cuộc sống vợ chồng mà đặt phòng ở nhà nghỉ. Vậy tôi dừng lại. Chữ “chứ” đó sẽ luôn kéo anh ấy về cuộc sống quen thuộc.

Mà biết đâu đó là điều tốt.

Nhưng văn hóa nào cũng có một số ít người càng lớn lên càng đặt câu hỏi về các chữ “chứ” đó. Không phải các chữ “chứ” của riêng văn hóa mẹ đẻ mà của các văn hóa nói chung. Của đời.

Một số ít người càng già càng hay nhìn lên bầu trời đêm.

Thi vị

Một đêm chat chit buồn ngủ, tôi vô tình ngáp được ruồi.

Co X: Nhưng kiểu gì em cũng phải gặp anh, xem anh Joe đẹp trai thế nào

Joe: The thi em nho di dep re tien de luc chay mat em khong thay tiec!

X: haha

Joe: Vay chieu mai em nhe.

Co X: Vâng, chắc anh bùn ngủ rồi, em không làm phiền nữa.

Joe: Okie. Du sao noi chuyen truc tiep bao gio cung thi vi hon.

Co X: Ôi, anh biết cả từ thi vị sao? Khâm phục anh quá!

Khâm phục nhầm. Tôi định gõ “thú vị” nhưng vì buồn ngủ quá nên ấn nhầm phím T nằm bên cạnh phím U. (Do viết không dấu nên tôi không bị phát hiện.)

Tôi tra từ điển Online ngay.

Joe: Anh biet chu!

Co X: Là gì hả anh :p

Joe: Đại khái kiểu cái có tính chất gợi cảm và gây hứng thú trong thơ ấy

Tôi đã copy paste định nghĩa đó, thêm “Đại khái kiểu” vào đầu, chữ “ấy” vào cuối cho nó đỡ từ điển hơn.

Co X: Anh nói hay thật

Joe: Mai anh sẽ gặp em, nite nite!

Co X: Mai em sẽ gặp anh! Chúc anh ngủ ngon!

Bibi! Tôi đóng laptop và thở dài. Sao những lúc tôi nói hay nhất toàn là lúc nói nhầm?

Trang trại Heisenberg

Con bò bên này kêu “bò”

Con bò bên kia kêu “moo”

Con lợn bên này kêu “éc”

Con lợn bên kia kêu “oink”

Meo meo, gâu gâu, ò ó o

Meow meow, woof woof, cock-a-doodle-doo

Mà thôi

Tất cả những gì

Chúng ta nghe kêu

Trên trời dưới biển

Và trong bầu trời đêm

Cũng chỉ là

Chúng ta

Kêu giúp

Bình luận