Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Quân Vương – Thuật trị nước

Chương 3: Những Vương Quốc Hỗn Tập

Tác giả: Niccolo Machiavelli
Chọn tập

Đối với một lãnh thổ mới thu phục thật là nhiều sự khó khăn. Trước hết là vì vùng đất này không phải hoàn toàn mới thành lập, mà chỉ là bộ phận, một phần đất phụ thuộc vào lãnh thổ khác. Toàn thể khu đất đai này có thể gọi là một “Vương quốc Hỗn tập”. Những sự thay đổi, xáo trộn trước đây là do ở những mối khó khăn phát sinh ở ngay nội bộ của các Vương quốc mới thành lập. Con người lúc nào cũng sẵn sàng muốn thay đổi chủ nhân, tưởng rằng sẽ gặp những điều hay hơn. Ý niệm ấy là duyên cớ thúc đẩy họ quay khí giới chống lại Chúa của họ. Họ đã nhầm, sau này kinh nghiệm sẽ cho họ biết tình trạng của họ sẽ kém sút hơn trước.

Các sự xáo trộn rối ren còn bắt nguồn ở một căn nguyên tự nhiên và thường tình nữa, khi Chúa mới nắm quyền cai trị một xứ, tránh sao khỏi gây mối hờn oán của dân xứ ấy trước những hành vi bắt buộc như việc lập các đồn binh ở khắp nơi. Thêm nữa trong giai đoạn chiếm đóng đất đai tất nhiên đã xảy ra nhiều sự hà hiếp dân chúng. Dĩ nhiên những điều đó sẽ trở nên kẻ thù đối với những người mà Chúa đã phá rối đời sống của họ. Đằng khác, đối với những kẻ đã đồng tình giúp Chúa thâm nhập vào xứ họ, Chúa không thể trìu mến và làm vui lòng họ mãi được, vì ta không sao đền đáp, tưởng thưởng hết dục vọng của họ được. Đối với họ Chúa cũng không sao dùng kế quyết liệt được vì họ vẫn là ân nhân của Chúa. Vậy khi ta muốn chiếm cứ một xứ nào, dù ta có một đạo hùng binh chăng nữa cũng vẫn cần nhất là sự hưởng ứng của toàn thể nhân dân xứ đó.

Muốn chứng mình những điều này, tôi xin kể chuyện vua Louis XII. Ngài đùng đùng kéo quân chiếm cứ xứ Milan, rồi đột nhiên bị thất thủ ngay xứ ấy. Lần đầu này chỉ có đạo quân của tướng Ludovic Sfarza cũng đủ đánh bật Ngài ra khỏi xứ. Thất bại là vì nhân dân trong xứ, sau khi mở cửa thành đón rước quân nhà Vua không thấy được thỏa mãn những ước vọng chồng chất trong trí óc họ từ bao lâu nay. Thêm nữa, họ lại không chịu nổi những sự tan rã chia rẽ do tân Chúa gây nên trong xứ họ.

Một thực trạng nữa ta cần nhận rõ là một khi đã chiếm lại được những xứ dấy loạn cướp chính quyền của ta, thì sau này khó mà có kẻ lật đổ nổi ta, vì trong dịp dẹp loạn, ta đã trừng trị hết kẻ có tội; ta đã lôi ra những kẻ khả nghi, các nơi suy yếu đã được xây thành đắp lũy.

Thế cho nên ở thời kỳ xứ Milan bị Pháp đô hộ lần thứ nhất, Công tước Ludovic chỉ mới rầm rộ kéo quân hăm dọa ngoài biên giới, tức khắc là chính quyền Pháp bị sụp đổ. Đến thời kỳ đô hộ thứ hai, toàn thế giới phải liên minh lại, đoàn kết chặt chẽ mới thắng nổi, đẩy lui ra ngoài lãnh thổ Ý Đại Lợi những đạo quân chiếm đóng của Pháp vương. Đó là hậu quả của những nguyên nhân mà tôi đã trình bày ở trên.

Thế là cả hai lần nước Pháp đều bị tước mất quyền đô hộ trên xứ Milan.

Duyên cớ sự thất bại lần thứ nhất đã được trình bày rõ rệt ở trên. Bây giờ nếu muốn tìm lý do của sự thất bại lần thứ hai, trước hết ta phải trình bày ra đây những phương kế mà bất cứ vị Quân vương nào ở trường hợp tương tự, như Pháp vương, phải mang áp dụng ngõ hầu củng cố lại địa vị của mình. Thế mà Pháp vương đã bỏ qua không thi hành.

Vậy tôi nói ngay tới những xứ, những tỉnh bị chinh phục và sát nhập vào một Vương quốc cổ hơn. Ta có thể xếp làm hai loại: những xứ, tỉnh hoặc cùng một nòi giống, cùng một ngôn ngữ với Vương quốc, hoặc là khác hẳn. Nếu là trường hợp trên thì công cuộc bảo thủ là việc dễ, nhất là dân xứ, tỉnh này chưa từng được sống tự do. Muốn thôn tính chắc chắn những tỉnh, xứ này ta chỉ cần tiêu diệt hết dòng dõi cựu Chúa trị vì thời trước. Còn đối với nhân dân, nếu ta cứ để nguyên những đặc quyền cũ của họ, cho họ sinh sống với phong tục giống ta, trong cảnh thanh bình. Ví dụ như trong những xứ Bourgogne, Bretagne, Gascogne và Normandie, dân gian đã lâu dài phục tùng triều đình Pháp quốc dù là ngôn ngữ có đôi phần khác biệt, nhưng phong tục tập quán giống nhau rất dễ hòa hợp.

Kẻ đi chinh phục những xứ, tỉnh loại này, nên muốn thôn tính lâu dài cần phải lưu tâm đến hai điểm: Một là tiêu diệt dòng dối của cựu Chúa. Hai là đừng thay đổi luật pháp và thuế khóa của họ, thế rồi những lãnh thổ mới này sẽ tự khắc, trong một thời gian ngắn, hòa hợp với những phần đất cũ để trở thành một Quốc gia duy nhất và thống nhất.

Nhưng khi ta chiếm cứ những xứ của các dân tộc có ngôn ngữ, phong tục và chính thể dị đồng thì lại là chuyện khác. Đây mới thật phải trông vào sự may rủi và tài khôn khéo của ta. Một phương chước quan trọng khẩn cấp nhất là kẻ chinh phục phải đích thân di chuyển đến đóng ở ngay tại chỗ. Thế rồi công cuộc chiếm đóng sẽ trở nên lâu dài và bền vững. Xưa Hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ đã có biệt tài trị vì được lâu năm trên nước Hy Lạp nhưng cũng phải áp dụng phương sách cư trú thường xuyên tại chỗ nên mới bảo vệ được đất này.

Có ở ngay tại chỗ thì mới trong thấy được những biến cố xáo trộn để sớm tìm phương giải quyết, nếu ở xa cách bức, ta chỉ được biết tới những biến cố xáo trộn khi nó đã trở nên quá trầm trọng, lúc đó đã chậm mất rồi, vô kế khả thi. Vả chăng Chúa có mặt tại chỗ, thì các Tổng bộ trưởng không dám tham nhũng quá mức, vì dân chúng có thể kêu mách với Chúa một cách dễ dàng và những ý nguyện sẽ được minh xét ngay, và cũng vì có ở gần thì dân mới biết kính sợ Chúa hoặc mến yêu Chúa nếu Chúa là người hay người tốt. Được như vậy những kẻ thù ngoại bang có muốn xâm lăng cũng phải e ngại. Kết quả chắc chắn là xứ sở khó mà bị mất, khi Chúa nhất định đích thân đóng tại nơi đây.

Một phương pháp tốt nữa là chuyển những đoàn di dân vào một vài địa điểm trong xứ để lập thành những biệt khu. Bởi dù sao ta cũng cần những lực lượng quân sự hùng mạnh và một đoàn cán bộ thân tín. Việc lập những đoàn di dân không tốn kém bao nhiều tiền của Chúa, kinh phí của việc di chuyển và định cư những di dân không đáng kể. Việc này chỉ làm thiệt hại một ít quyền lợi của một thiểu số dân không đáng kể bị bắt buộc phải nhường một phần ruộng nhà cho bọn dân mới tới. Đám dân địa phương bị thiệt hại là bọn nghèo túng, gia cư rải rác khắp nơi, nên không thể chống đối làm nguy hại gì cho Chúa được. Còn lại đa số khối dân địa phương, phần thì thấy quyền lợi mình không bị xúc phạm nên nín thinh, giữ thái độ thản nhiên, phần thì có óc cầu an tránh phạm lỗi để khỏi bị đàn áp như kẻ khác.

Tôi có thể đoán chắc là những đoàn di dân này không gây tốn kém gì, họ lại có lòng trung thanh hơn hết và họ cũng chẳng làm hại gì cho lắm đến nhân dân bản xứ.

Đến đây ta nên nhớ kỹ rằng dân chúng thường chỉ xử trí theo hai đường: hoặc là mơn trớn hoặc là chém giết bởi vì họ chỉ biết rửa những hận nhỏ mà không thể báo những thù lớn, nên khi ta muốn trị họ thì phải trị cách nào để khỏi sợ họ báo thù lại được.

Nhưng đáng lẽ lập những đoàn di dân, nếu Chúa chỉ duy trì trong xứ mới những đạo quân sĩ, Chúa sẽ phải chi phí tốn kém nhiều hơn. Bao nhiêu tài sản trong xứ phung phí hết cho các công tác xây dựng doanh trại, đến nỗi phải kết cục lợi bất cập hại. Lòng dân sẽ oán ghét vì quân sĩ di chuyển luân hồi, đồn ải xây lên đắp lại làm thiệt hại cho dân gian. Với những xáo trộn ấy, người dân nào cũng đau khổ rồi mỗi người dân trở nên một kẻ thù và tất cả tập đoàn kẻ thù có thể làm nguy hại cho Chúa. Có được tập đoàn, là vì dân bản xứ dù là kẻ bại trận nhưng họ vẫn được tự do ở lại quê nhà gần gũi sát cạnh nhau.

Vậy sau khi so sánh các kế hoạch, ta thấy cuộc xâm chiếm một đất đai bằng quân sự là vô ích. Nhưng trái lại biết áp dụng phương sách cho du nhập vào đất địch những đoàn di dân thì lại ích lợi lớn cho cuộc xâm lăng.

Như người ta thường nói, khi Chúa công chiếm cứ một tỉnh nào của một Quốc gia có tính chất dị đồng với những tỉnh cũ trong nước, Chúa công phải tìm cách nắm lấy quyền lãnh đạo và bảo trợ những lân bang hèn yếu hơn, còn đối những lân bang mạnh hơn thì phải tìm cách làm suy giảm lực lượng của họ. Thêm nữa là để ngăn cản không cho ngoại nhân hùng cường hơn mình có thể xâm nhập vào trong xứ. Sự dẫn nhập ngoại nhân vào nước xảy ra là vì có sự xích mích nội bộ, những tham vọng cá nhân quá trớn hoặc lòng sợ sệt nghi kỵ lẫn nhau. Như xưa kia người Etolien đưa người La Mã vào xâm nhập các xứ khác là đều do một bọn người bản xứ rước họ vào. Thế cho nên khi có ngoại nhân của một nước hùng cường nào vào được trong xứ, tức khắc bọn người bản xứ hèn yếu đều đổ xô theo sau. Họ bị thúc đẩy do ý chí muốn chống đối lại người lãnh đạo hiện hữu đang đè trên đầu họ đến mức là ngoại nhân thu phục bọn người ty tiện này dễ như trở bàn tay để làm hậu thuẫn cho họ lập nên một chính quyền. Ngoại nhân chỉ còn phải nghĩ tới việc kiềm chế không cho bọn tiện nhân này quá lộng quyền hoặc gây nên sức mạnh riêng. Với quyền lực trong tay, với quyền bố thí ân huệ, ngoại nhân trở nên vị trọng tài độc nhất trong nước.

Người lãnh đạo Quốc gia nếu không theo dõi điểm này, dù có địa vị rồi cũng mất ngay, hoặc được ở lại địa vị ngày nào, thì luôn luôn gặp trăm nghìn khó khăn và phiền phức.

Chỉ những người La Mã là chứng tỏ nổi rằng họ đã hiểu thấu những vấn đề trên đây. Một khi chiếm xứ nào là họ di chuyển ngay những đoàn di dân tới, dung dưỡng nâng những tốp dân hèn yếu lên mức vừa phải; không để cho quá mạnh, bọn nào quá mạnh thì phải dìm xuống bớt, và nhất thiết không cho bọn ngoại nhân hùng cường nào đặt chân xâm nhập vào xứ. Tôi muốn lấy làm tỷ dụ nước Hy Lạp khi bị người La Mã cai trị, chính quyền La Mã dung dưỡng cho người Etoliens và Achéens, làm suy nhược Đế quốc người Macédoniens, đánh đuổi Tướng Antiochus. Dù dân tộc Achéens tưởng thưởng, nhưng người La Mã cũng vẫn nhất định không để cho xứ họ mạnh hơn lên. Vua Philippe hết sức thuyết phục, kết tình thân hữu mà người La Mã vẫn dìm xuống, dù Tướng Antiochus mạnh mấy, người La Mã cũng không để cho giữ một khoảnh đất riêng nào trong xứ.

Chính quyền La Mã thật đã xử trí theo đúng đường lối của các vị Chúa đủ tài đức, không những biết nhìn rõ những biến cố xáo trộn hiện hữu mà còn tiên đoán được đi các biến cố có thể xảy ra ở tương lai để liệu bề tránh được một cách rất khôn khéo. Thật thế, nếu ta tiên đoán được những biến cố xáo trộn sẽ xảy ra, ta có thể giải quyết trước một cách dễ dàng. Nếu ta chờ cho nó tiến tới gần kề, thì phương chước nào cũng là quá chậm rồi, vì lúc đó coi như một trọng bệnh không thuốc nào chữa khỏi. Nhưng trường hợp ấy, giống như bệnh trạng của người bị chứng sốt tiêu mòn thân thể. Theo ý kiến các bác sĩ, chứng bệnh lúc khai phát rất dễ chữa khỏi nhưng lại là một bệnh rất khó tìm ra căn nguyên. Căn bệnh chưa tìm ra thì làm sao thầy thuốc chữa cho khỏi bệnh được? Sau bệnh biến chuyển đến lúc đã trở nên nặng khó mà chữa khỏi.

Việc nước cũng như vậy thôi. Người lãnh đạo có tài đức biết tiên đoán được những việc dở, khi nó xảy ra là có phương cách đối phó ngay. Nếu lại không biết nhìn trước đoán sau, để cho cơ sự nảy mọc đến mức ai ai cũng trong rõ thì lúc đó không còn phương thuốc nào cứu chữa nổi. Người La Mã thường tiên đoán được những hậu quả của các sự việc, nên luôn luôn đối phó, sửa chữa được kịp thời. Khi họ biết một tình trạng căng thẳng kéo dài thêm chỉ có lợi cho địch, thì họ không ngần ngại mở cuộc chiến tranh. Thế cho nên họ đã đột nhiên khai chiến với Philippe và Antiochus ở trên đất Hy Lạp để tránh khói lửa chiến tranh trên đất nước Ý của họ. Tuy rằng lúc ấy hai cuộc chiến tranh có thể tránh được, nhưng họ vẫn cố tình gây nên. Và họ không ưa nghe câu châm ngôn sau này mà các nhà hiền triết đương thời luôn mồm tối ngày nhắc tới: “Phải hưởng thụ những lợi điểm của thời gian”. Họ chỉ hưởng thụ những lợi điểm của giá trị và trí khôn ngoan của họ thôi, bởi vì thời gian chạy qua trước mắt có thể mang lại những điều xấu cũng như điều tốt, điều dở cũng như điều hay.

Bây giờ ta trở lại chuyện nước Pháp, xem có sự việc nào giống như trên đã xảy ra chưa. Tôi không nói tới Vua Charles VIII, chỉ đề cập tới Vua Louis XII mà người ta biết rõ kế hoạch lãnh đạo của nhà Vua đã áp dụng để bảo thủ được lâu dài những đất đai đã chiếm cứ được ở trong lãnh thổ Ý Đại Lợi. Ta sẽ thấy trên những đất đai này, nhà Vua đã làm những việc trái hẳn lại với những điều mà một Chúa công đáng lẽ phải làm trên những xứ, tỉnh mới chiếm được của một dân tộc khác.

Vua Louis XII đặt chân xâm nhập được vào đất Ý là do lòng tham vọng của dân Vénitiens muốn dựa vào sự hiện diện của nhà Vua để mong chiếm cứ lấy một nửa phần đất xứ Lombardie.

Tôi không muốn trách nhà Vua đã lợi dụng điểm này bởi vì thâm tâm nhà Vua vẫn muốn xâm nhập vào nước Ý. Nhưng khốn nỗi Tiên Hoàng Charles đã vụng xử trí nên các cỗng ngõ đều đóng chặt chặn đường vào và cũng chẳng còn có bạn hữu nào đồng minh với mình nữa. Vì vậy nên nhà Vua bắt buộc tìm cho được những mối thân hữu mới. Kế hoạch này chắc chắn mang lại thành công cho Ngài nếu Ngài không phạm một lỗi lầm nào khác.

Vậy, sau khi chiếm cứ được xứ Lombardie, Vua Louis lấy lại được uy danh mà cựu Hoàng Charles đã làm mất đi. Đô thị Gênes đầu hàng, dân Florentiens trở nên bạn đồng minh, Hầu tước Mantoue, Công tước Ferrare, Bentivogle, Bà Ford, các Vương tước Faenza, Pimini, Camerins, Piombino, Lucquois, Pisans, Grennois người người tấp nập lần lượt tới cầu xin tùng phục. Đến lúc này dân Ventiens mới tỉnh ngộ thấy cái mưu mô điên rồ của mình muốn có hai tỉnh trong xứ Lombardie, đã vô tình giúp cho Vua Louis trở nên chúa tể một phần ba đất Ý.

Kể đến đây ai cũng thấy rõ nếu Vua Louis muốn củng cố thế lực ở Ý, thì chỉ vìệc làm theo kế hoạch đã nói ở trên: chỉ cần bảo vệ che chở cho bọn chính quyền thân hữu ở các xứ, các tỉnh. Họ có số đông nhưng đều yếu hèn, kẻ thì sợ sệt Đức Giáo hoàng, kẻ thì sợ hãi dân Vénitiens, nên tất cả bọn họ phải bám chặt lấy Đức Vua. Nếu biết lợi dụng toàn bọn họ thì Vua Louis còn sợ gì ai có thể mạnh hơn được. Nhưng trái lại, khi mới đặt chân tới thành Milan, nhà Vua tức khắc giúp sức Đức Giáo hoàng Alexandre tới thu phục xứ Romagne. Vua Louis không biết rằng như vậy là tự mình làm yếu mình đi. Nhà Vua đã làm mất đi những người bạn yếu kém sẵn sàng đặt mình dưới sự che chở của nhà Vua để chống đỡ lại thế lực của Giáo hoàng. Nhờ vậy uy thế của Tòa Thánh Thiên Chúa trở nên mạnh thêm nhiều, vì thêm vào thế lực tinh thần, giờ đây Tòa Thánh còn có một thế lực đất đai lớn lao nữa.

Đã trót phạm điều lầm lỗi đầu tiên nhà Vua bắt buộc cứ phải để các biến chuyển đi theo đường lối đó. Đến nỗi về sau muốn ngăn cản bớt tham vọng của Giáo hoàng Alexandre, và sợ Giáo hoàng trở nên chúa tể xứ Toscane, nhà Vua lại phải đích thân trở lại đóng trên đất Ý. Không những đã làm cho Tòa Thánh Thiên Chúa trở nên hùng mạnh, đã vô tình trục xuất các thân hữu của mình, nhà Vua còn nhầm đến mức khi chiếm cứ xứ Naples lại cùng chia xẻ đất đai xứ này với Vua Y Pha Nho. Trước đó nhà Vua nắm trọn quyền kiểm soát Ý Đại Lợi giờ đây ông lại đưa một người khác vào cùng ngự trị. Như vậy là những kẻ có tham vọng và những kẻ bất mãn trong xứ đã có một nơi quy tụ.

Vẫn giữ được toàn cõi nước Ý dưới quyền thống trị của mình với một vị Chúa địa phương bù nhìn thì loại ngay ông này đi để đặt vào ngôi một vị Chúa khác ­ về sau chính kẻ này đã đuổi nhà Vua ra khỏi xứ!

Một điều rất thường tình và hợp với thiên nhiên là con người ai cũng có lòng ham muốn chinh phục, sẵn sàng chinh phục bất cứ lúc nào nếu họ có thể làm được. Kẻ chinh phục sẽ được tán thưởng hay ít nhất cũng sẽ không bị chê trách. Nhưng nếu không làm nổi việc này mà lại cứ cố làm, thì đó là một lỗi lầm và là một điều đáng chê trách. Ví dụ, nếu người Pháp có đủ sức xâm chiếm xứ Naples thì họ phải tự làm một mình. Nếu không thì thôi, chứ không nên chia đôi xứ ấy với một nước khác. Khi Pháp Vương chia đất xứ Lombardie với người Vénitiens, ta có thể tha thứ được là vì có thế thì người Pháp mới đặt chân vào đất nước Ý được. Nhưng đến khi chia đất xứ Naples với Tây Ban Nha thì thật đáng tội, vì lúc đó xét ra sự chia xẻ không phải là điều cần thiết.

Tóm lại Pháp vương Louis thời đó đã phạm năm điều lỗi lầm:

– Làm suy nhược thêm những bạn đồng minh yếu kém hơn mình.

– Trên đất Ý, đã làm tăng cường thêm sức mạnh của kẻ đã mạnh.

– Để cho một ngoại bang rất mạnh xâm nhập vào các xứ mới chiếm.

– Không đích thân đến trú đóng thường xuyên trên đất nước mới chiếm.

– Không cho tổ chức định cư những đoàn di dân vào các xứ mới chiếm.

Năm điều lầm lỗi đó kể ra không nguy hại lắm, ít nhất là trong thời gian Ngài còn sống, nếu Ngài không phạm một lầm lỗi thứ sáu: tước đoạt hết đất đai của người Vénitiens. Lầm lỗi là vì nếu nhà Vua đã không lỡ nâng uy quyền của Giáo hoàng lên quá cao, đã không lỡ dẫn dắt người Tây Ban Nha xâm nhập vào đất Ý, thì việc Ngài phải suy giảm bớt uy thế của dân Vénitiens là việc hợp lý và cần thiết. Nhưng nếu nhà Vua đã trót hành động như thế, không bao giờ nên làm cho dân Vénitiens quá suy nhược đi nữa. Vì nếu họ còn đủ sức mạnh như xưa, tất nhiên họ sẽ không để cho ai có thể lại xâm đoạt được xứ Lombardie bởi vì ý họ nghĩ nếu không làm chủ được xứ này thì họ không để cho người khác đặt chân tới, ngoài Pháp vương. Còn các địch thủ khác thì họ không muốn đẩy người Pháp ra để cho xứ Lombardie bị rơi vào quyền thống trị của người Vénitienes.

Tình trạng như thế ai còn dám tấn công gây hấn cùng một lúc với cả hai phía (Pháp và Vénitiens).

Nhưng nếu ai bảo rằng Pháp vương Louis đã nhượng xứ Romagne cho Giáo hoàng, xứ Naples cho Tây Ban Nha là để tránh khỏi một cuộc đại chiến, tôi trả lời tức khắc, dựa theo những lý lẽ kể trên, rằng ta không bao giờ nên tự gây ra những sự lủng củng xáo trộn để mong tránh khỏi một cuộc chiến tranh. Vì như vậy ta không thể tránh khỏi chiến tranh mà chỉ trì hoãn nó lại để rồi phải chịu nhiều thiệt hại hơn.

Nếu ai ngờ rằng Vua Pháp sở dĩ nhượng đất Romagne cho Đức Giáo hoàng là do lời hứa đổi đất lấy giấy phép của Giáo hoàng cho Ngài hủy bỏ cuộc hôn nhân cũ và xin một chức Hồng Y cho Đức Tổng giám mục xứ Rouen, thì tôi sẽ trả lời sau, khi nào tôi đề cập đến vấn đề chữ tín của các Vua Chúa.

Pháp vương Louis để mất xứ Lombardie chỉ vì không thi hành phương kế mà những kẻ khác đã áp dụng để chiếm đóng, giữ vững những đất đai được lâu đời, có được như vậy cũng chỉ là công việc hợp lý bình thường chứ chẳng phải là một sự kỳ diệu gì.

Trong lúc tôi đàm đạo ở Naples với Tổng giám mục thành Rouen, về tin Quận công xứ Valentinois – lúc đó còn được gọi là Tướng César Borgia tức là con trai của Đức Giáo hoàng Alexandre – đang kéo quân chiếm đóng xứ Romagne, Đức Tổng giám mục Rouen nói bởi tôi là dân Ý thật nên không biết chiến tranh là gì. Tôi liền trả lời: chỉ vì người Pháp ngu ngốc về chính trị quá, nếu khá thì không bao giờ họ để cho chính quyền Thiên Chúa giáo trở nên quá mạnh thế này. Ta thấy rõ ngay trước mắt là người Pháp giúp cho Giáo hoàng và Tây Ban Nha trở nên mạnh trên đất Ý tức tự họ đã gây suy sụp cho họ. Do những sự việc trên đây ta có thể lập ngay một quy thức rất đúng, không bao giờ sai hoặc rất ít khi sai: “Người nào giúp cho kẻ khác trở nên hùng cường tức là mình tự tiêu hủy mình”. Bởi vì kẻ ấy được hùng cường là nhờ ta đã mang một tài khôn khéo và sức mạnh của ta để giúp họ. Nếu cứ để yên thì kẻ ấy lúc nào cũng nơm nớp sợ tài khôn khéo và sức mạnh của ta.

Chọn tập
Bình luận
× sticky