Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Quân Vương – Thuật trị nước

Chương 14: Quân Vương Đối Với Chiến Tranh

Tác giả: Niccolo Machiavelli
Thể loại: Kinh Tế - Quản Lý
Chọn tập

Vị Quân vương lúc nào cũng phải suy tư, nghiền ngẫm về chiến tranh, về cách tổ chức quân đội, cùng cách giữ gìn kỷ luật quân đội. Đó là kỹ thuật phải có kẻ của chỉ huy. Biết điều quân khiển tướng, không những chỉ giúp cho các Vương hầu tại vị tự bảo vệ địa vị, mà còn có thể giúp cho kẻ thường dân bước lên địa vị chúa tể nữa. Ngược lại khi đấng Quân vương đắm say tửu sắc không lo rèn binh luyện tướng thì chắc chắn ông sẽ mất nước vì không lưu tâm đến kỹ thuật chiến tranh, và lý do khiến người ta chiếm thêm được đất đai nhờ thường xuyên chăm lo công việc quân sự.

Francois Sforza vì biết học hỏi kỹ thuật binh nghiệp nên từ địa vị một thường dân đã trở thành Công tước, chúa tể xứ Milan. Đến đời các con cháu sau này đều không chịu lao tâm, lao lực học hỏi võ nghiệp, nên đã từ địa vị Công Hầu rơi xuống bậc thường dân. Vị Chúa nào không thông hiểu binh thuật, sẽ luôn gặp tai họa, lại còn bị khinh rẻ nữa là khác. Điều đó, đã ở địa vị Chúa, ta phải tránh. So sánh kẻ có binh lực trong tay với kẻ không có gì, ta thấy rõ sự khác biệt nhau. Tất nhiên, kẻ có binh lực không bao giờ chịu cúi đầu tuân lệnh kẻ không có tên lính nào dưới tay. Ngược lại kẻ không có tên lính dưới tay cũng không thể được yên thân giữa một bọn quyền thần, tôi tớ đầy đủ kiếm tên. Đàng này khinh rẻ đàng kia, đàng kia lúc nào cũng e sợ đàng này. Như vậy làm sao hai đàng hòa hợp với nhau được lâu dài. Do đó, ta thấy nếu một vị Chúa công không thông hiểu binh thuật sẽ gặp nhiều sự phiền toái cho mình, không bao giờ được binh sĩ khâm phục và chính mình cũng không bao giờ dám tin tưởng vào ai.

Vậy vị Chúa công luôn phải tự đào luyện binh thuật bằng hai cách, một là hành động, hai là học hỏi suy tư. Để tự đào luyện bằng hành động, trước tiên phải giữ kỷ luật tuyệt đối trong quân đội. Ngoài ra, cũng nên tổ chức những cuộc săn bắn để làm phương tiện luyện tập thân thể cường tráng, ngõ hầu chịu đựng được những sự gian lao, và là một dịp để tìm hiểu địa hình địa thế, đo lường núi cao vực thẳm đồng ruộng, để biết rõ thể chất sông ngòi đầm lầy. Đó là những điểm thiết yếu cần phải chuyên cần nghiên cứu. Những hoạt động ấy mang lại hai điều lợi: trước là hiểu biết được địa lý lãnh thổ của mình, đến khi cần sẽ bảo vệ non sông dễ dàng. Sau là có thể liên tưởng được địa thế phía địch, bởi vì núi sông, đồng ruộng ở Tỉnh này cũng tương tự như ở Tỉnh kia. Một vị Chúa công không hiểu biết cặn kẽ những điều này, tức là không có đủ tài năng cần thiết để trở nên một vị Tướng lãnh giỏi. Bởi vì sự tao luyện này dạy ta biết được thế địch, biết tìm nơi cắm trại, di chuyển quân lính, dàn bày trận đồ, nắm được ưu thế khi muốn bao vây một địa điểm. Nhiều sách sử có chép những lời khen ngợi Philopoemen, chúa tể dân Achéens. Một trong những điều đáng khen ông là trong lúc thanh bình, ông luôn luôn học hỏi binh pháp. Khi ngao du cùng bạn hữu ở ngoài đồng ruộng, ông thường dừng lại để cùng nhau thảo luận. Ví dụ, nếu quân địch xuất hiện trên ngọn đồi kia, quân ta tiến tới đây, thì nên thế nào, xem ưu thế thuộc về bên nào, ta có thể tiến quân lên tấn công được không? Nếu ta muốn rút lui thì phải theo ngã nào? Nếu địch rời bỏ vị trí rút đi, ta truy kích bằng chiến thuật nào? Cả đoàn cùng đi, cùng thảo luận, đề cập tới tất cả những trường hợp có thể xảy ra. Ông chăm chú nghe ý kiến các bạn, rồi bày tỏ ý kiến riêng của ông, để cùng tìm lấy một kết luận hay nhất. Nhờ thế, mỗi khi có cuộc chiến tranh, ông đến kéo binh thanh toán địch quân một cách dễ dàng.

Trên phương diện trau dồi học vấn, rồi suy tư, các vị Chúa công cần phải đọc nhiều sách sử, tìm hiểu những hành động của các danh nhân, ngẫm xét cách thức trị quốc trong thời chiến tranh, tìm kiếm nguyên nhân sự thành công hay thất bại, để thấy điều hay thì theo, thay điều dở để tránh. Nên chọn lấy một vĩ nhân lịch sử mình ưa thích, làm thần tượng cho tất cả công nghiệp của mình. Thế cho nên người ta thường nói Alexandre le Grand bắt chước Achille, César bắt chước Alexandre, và Scipion là hiện thân của Cyrus.

Một Chúa công có trí óc khôn ngoan, phải biết tuân theo cách thức học hỏi trên đây. Phải biết lợi dụng thời giờ nhàn rỗi lúc thanh bình, đọc nhiều lịch sử để xây đắp cho mình một vốn học thức. Điều đó sẽ giúp ích khi gặp rối ren, tăng thêm sức chống đỡ những cơn phong ba bão táp mà vận rủi sẽ đưa đến cho mình.

Chọn tập
Bình luận