Bây giờ xét đến cách cư xử và cử chỉ của một vị Chúa đối với thần dân và thân hữu, thế nào cho phải. Tôi biết đã có nhiều nhà trí thức viết về vấn đề này. Nay nếu tôi bày tỏ tư tưởng của mình khác xa tư tưởng của họ, không khỏi mang tiếng là người lập dị. Nhưng vì muốn viết ra những gì mình tự xét có thể giúp ích cho người đọc, nên tôi diễn tả đúng sự thực chứ không thêu vẽ theo trí tưởng tượng. Có nhiều người đã vẽ ra những lãnh thổ Vương quốc hoặc Cộng hòa mà chưa ai từng trông thấy tận mắt hoặc biết chắc có thực. Ở đời, kiểu mình hiện đang sống khác xa kiểu mình đáng lẽ là phải sống; cũng như việc mình đang làm khác xa các việc mà mình đáng lẽ phải làm. Nếu ta bỏ thực tế hiển hiện để theo đuổi cái “đáng lẽ phải thế này thế kia” mãi chắc chắn ta tự tiêu tự hủy. Nếu ta cứ nhất định luôn luôn giữ mức đạo đức tuyệt đối, chắc chắn ta sẽ bị tiêu diệt giữa đám đông mà đa số là hạng người bất hảo quanh ta. Thế cho nên vị Chúa nào muốn giữ vững địa vị khi cần phải biết cách gác đạo đức một bên; lúc áp dụng đức độ, lúc không, tùy theo nhu cầu của thời thế.
Nay ta hãy tạm gác những cung cách toàn hảo toàn mỹ mà người ta tưởng tượng, bắt một vị Chúa phải có đủ, để bàn tới thực trạng. Tôi có thể nói ngay, khi người ta phê bình tư cách của con người, nhất là con người ấy lại là một vị Chúa, người ta phải cố gán cho một phẩm tính đặc biệt để khen hay chê. Nghĩa là con người ấy rộng rãi hay biển lận, từ thiện hay tham lam, độc ác hay hiền từ, gian trá hay tín nghĩa, ươn hèn nhút nhát hay hung tợn can đảm, từ tốn hay kiêu căng, dâm ô hay trong trắng, chân thành hay láu cá, ngang bướng hay ôn hòa, nghiêm nghị hay dễ dãi, ngoan đạo hay vô tín ngưỡng, và còn nhiều phẩm tính đối chọi với nhau nữa… Tôi thừa biết ai ai cũng tôn sùng vị Chúa nào gom đủ trong người tất cả các phẩm tính ở phần hay. Nhưng khốn nỗi thân phận con người đâu cho phép ta có đủ được tất cả các phẩm tính hoàn hảo và làm được tất cả mọi việc hay. Vậy một vị Chúa chỉ cần có đủ trí khôn ngoan sáng suốt, tránh làm những điều xấu xa tội lỗi khiến ông ta có thể bị mất nước. Những tật xấu lặt vặt không nguy hại trực tiếp đến sự tồn vong nên cố hết sức tránh khỏi, nếu không được thì đành chịu vậy, chẳng hại gì may. Ta phải xét điều này nữa, một vị Chúa mà lúc nào và làm việc gì cũng sợ bị thiên hạ chỉ trích tật xấu vặt của mình, cũng khó lòng giữ vững được uy quyền. Tóm lại, có khi vị Chúa làm một việc mà tin là đúng đạo lý lại bị thảm bại, cũng có khi làm một việc trong lòng lo sợ là xấu lại thu được kết quả tốt và bền vững.