Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Rèn Nghị Lực Để Lập Thân

Phần I – Chương 2: Mà phải có tư cách

Tác giả: Nguyễn Hiến Lê

Tư cách là kim cương, nó cắt được tất cả các thứ ngọc khác.

BARTOL

Thiện dưỡng hạo nhiên chí khí

(Khéo nuôi cái khí hạo nhiên)

MẠNH TỬ

1. Tính trời có thể đổi được

Tục ngữ có câu: “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính” nghĩa là mỗi người, bẩm sinh ra đã có tính tình riêng. Tính tình khác nhau do cơ thể khác nhau. Các nhà bác học hiện nay cho rằng những hạch như hạch ở trong não (hypophyse), hạch ở cổ (thyroide), hạch trên thận (surrhénale)… gần như quyết định cá tính mỗi người vì chúng ảnh hưởng đến bộ thần kinh, đến sinh lực, đến sự thông minh… của ta.

Mà cơ thể ta do di truyền của tổ tiên. Người ta đương nghiên cứu khoa di truyền học, tuy chưa tìm ra được những luật đủ để đoán tổ tiên ra sao thì con cháu ra sao; song đã tìm được ra rằng phần di truyền do bốn mươi tám nhiễm thể, hai mươi bốn của cha, hai mươi bốn của mẹ, cấu tạo nên. Mỗi nhiễm thể ấy chứa từ vài chục đến vài trăm nhân, mỗi nhân đều ảnh hưởng đến tính tình, đời sống con người. Vì vậy trên địa cầu không người nào hoàn toàn giống người nào.

Nhưng tính bẩm sinh không phải là một cái gì bất di bất dịch. Nhiều yếu tố có thể thay đổi nó.

Trước hết là hoàn cảnh thiên nhiên. Hai đứa trẻ mới sinh ra cùng nhu nhược, mà một em sinh trưởng ở miền Việt Bắc hùng vĩ, luôn luôn mắt trông những núi cao trùng trùng điệp điệp, tai nghe những tiếng thác đổ ào ào bất tuyệt, thì dù còn nhu nhược, tính tình cũng rất khác với một em sinh trưởng ở đất Huế mơ mộng, nơi mà dòng sông Hương lờ đờ chảy dưới những rặng thông vi vu, bên những bụi liễu tha thướt.

Rồi tới hoàn cảnh xã hội. Cùng là đa cảm, nhưng một thanh niên sống giữa phong trào vui vẻ trẻ trung thời tiền chiến, miệng ca những bài Tứ đại oán hoặc Vọng cổ hoài lang, với một thanh niên sống trong thời cách mạng 1945 đi đâu cũng nghe vang lên những điệu Thanh niên hành khúc, Tiến quân ca, thì hành vi, tư tưởng, tình cảm tất phải khác nhau.

Cách bồi dưỡng cơ thể ảnh hưởng cũng rất lớn. Những thuốc bổ các hạch có thể làm cho một người bạc nhược, lười biếng hoá cương cường, siêng năng. Một người thần kinh quá mẫn tiệp hay gắt gỏng, nếu biết sống một đời điều độ, ăn những thức lành, dùng những thuốc an thần, lâu có thể hoá ra ôn hoà.

Sau cùng, ta phải kể công lớn của giáo dục. Đọc tiểu sử các danh nhân ta thấy mười vị thì chín vị được nhờ ơn cha mẹ đào luyện mà nên người. Chúng ta ai không nhớ gương Mạnh mẫu cắt tấm lụa đương dệt để dạy con? Pasteur, Lincoln về già đều ca tụng công huấn dỗ của song thân. Được sinh trưởng trong một gia đình mà cha nghiêm, mẹ từ, là hưởng một di sản mà những kho vàng ngọc châu báu của các quốc vương Ba Tư, Ấn Độ cũng không quý bằng.

2. Giáo dục thời xưa và thời nay

Giáo dục ảnh hưởng lớn nhất đến tư cách con người mà tiếc thay, giáo dục thời nay lại không chú trọng đến đức dục.

Hồi xưa, trẻ em mới vỡ lòng đã ê a những châm ngôn của thánh hiền, lớn lên lại trường cụ cử, cụ nghè, thì bất kỳ môn học nào cũng trực tiếp hoặc gián tiếp dạy luân lý; khoa học thiếu hẳn trong chương trình.

Mà về luân lý thì Khổng Tử cũng như Ignace de Loyola ở Âu, chủ trương rằng tác động và cử chỉ gây được tình cảm hợp với nó: Chẳng hạn một người ráng đi đứng cho ngay ngắn, giữ vẻ mặt cho nghiêm trang thì trong lòng tự nhiên cũng sẽ phát những tình cảm trung thực, đoan chính, hoặc đương buồn mà ráng cười thì cái buồn cũng sẽ lần lần tiêu tan; trái lại, đương vui mà làm bộ rầu rĩ thì chỉ một lúc, nỗi vui sẽ biến mất.

Vì hiểu tâm lý đó, đạo Nho quy định nhất cử nhất động của cá nhân trong gia đình và xã hội để giữ tình cảm được trung hoà. Trẻ em năm, sáu tuổi đã phải vào khuôn phép nghiêm ngặt, phải nén bản tính ham chạy nhảy, la hét, mà đứng ngay ngắn nghe chuyện đạo lý của người lớn. Hồi nhỏ, đã bao lần tôi phải dựa cột hàng giờ để hầu điếu đóm mỗi khi ba tôi tiếp một ông khách quý. Chân muốn tê, mắt muốn díp lại mà vẫn ráng ngoan ngoãn nghe các cụ bàn bạc về kinh sử, không dám lộ một vẻ gì là khó chịu. Mỗi lần nghe ba tôi hạ lệnh: “Thôi, cho ra sân chơi” tôi thấy như có cờ bay trong bụng.

Tám tuổi, đã phải khăn áo chỉnh tề đứng chắp tay bên bàn thờ những ngày giỗ tết và đợi ba tôi đưa mắt là từ từ bưng khay trà lại, bưng sao cho trà không sóng sánh rồi đặt sao cho không nghe thấy tiếng động.

Mỗi lần ba tôi dắt tôi đi thăm bà con, bạn bè thì thực là một cực hình kéo dài có khi suốt buổi. Đi phải khoan thai, chững chạc; ngồi phải trông trước trông sau; nếu vô ý mà quay lưng lại một bực vào hàng cha chú thì nơm nớp về nhà sẽ bị đòn; có ai hỏi mới được nói, mà nói thì phải lễ độ, rành mạch; ngồi ăn thì phải đợi người lớn gắp đủ lượt rồi mới được cất đũa, gắp thì không được vói xa, không được lựa miếng ngon, miếng lớn; và cơm không được và quá ba cái một lúc, có khi ăn xong bữa mà bụng vẫn đói vì cứ phải cắn miếng giá làm hai rồi nhấm nhấm từng chút một.

Một nền giáo dục khắc kỷ quá nghiêm như vậy trái với tính tình trẻ, làm cho nhiều người thành những bộ máy, mất cả sáng kiến, có khi hoá gàn; nhưng quả là luyện cho ta được đức tự chủ, thắng được cảm xúc để theo một con đường mà cổ nhân tin là chính đạo. Nhiều nhà nho có được một tư cách cao, một nhân phẩm quý phần lớn là nhờ được đào luyện trong khuôn khổ lễ nghi ấy.

Thời nay chúng ta hiểu tâm lý trẻ em một cách khác, không uốn nắn tre non mà để cho nó tự nhiên phát triển; trẻ được tự do, có khi phóng túng, tha hồ đùa giỡn, hét la. Nhiều khi những cử chỉ hỗn xược, những lời vô lễ của chúng lại được khen là tinh ranh, là ngây thơ. Một em nhỏ mới bập bẹ, đập tay dẫy chân đành đạch, chửi người vú là “mắc dịch”. Người mẹ nghe thấy, nhìn chồng, cười: “Nó lanh quá, có ai dạy nó đâu mà nó cũng biết”. Một em khác đánh rớt một viên đạn, một đứa bạn nó vô tình lượm được, nó đã chẳng hỏi xin, còn giựt lấy rồi chửi là: “Đồ ăn cắp, tao kêu lính bắt mày bỏ tù”. Người cha đứng gần đó tấm tắc khen: “Thằng này lớn lên, không ai ăn hiếp được”.

Trẻ muốn gì được nấy, thành những bạo chúa tí hon trong nhà. Cậu mà khóc thì cả nhà chạy lại, đút bánh đút kẹo, dỗ như dỗ vong; người lớn đương nói chuyện với nhau thì kéo áo cha mẹ đòi về, cha mẹ chưa kịp đứng dậy thì khóc lóc nói hỗn.

Ở trường, người ta chỉ chú trọng đến trí dục, cốt dạy thanh niên biết nhiều khoa học. Luân lý thành một môn phụ thuộc và giáo sư luân lý bị học sinh chê là cổ hủ. Sự lựa chọn giáo sư chỉ theo bằng cấp chứ không cần đức hạnh nên nhiều ông tư cách rất kém, như vậy làm sao học sinh có gương mẫu tốt mà theo?

Vậy nhà và trường đều không đào luyện tư cách thanh niên, nên phần đông nhà trí thức bây giờ xét về nhân phẩm kém xa các nhà Nho. Họ họp thành một bọn trưởng giả hãnh tiến, không phải là hạng thượng lưu được quốc dân trọng vọng như các cụ cử, cụ nghè thời trước. Ai cũng nhận thấy nhiều ông tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư tư cách không bằng một chú thợ, một anh bếp.

Trong hoàn cảnh như thế, luyện tư cách là một việc ta phải làm lấy, không thể trông ở nền giáo dục hiện thời được; mà càng làm sớm càng tốt, ngay sau khi ở trường ra cũng đã là hơi trễ rồi đấy.

3. Ta phải luyện tư cách và muốn vậy, phải rèn luyện nghị lực

Một tư cách cao là một quyền lực mạnh. Một em nhỏ có tư cách cũng làm cho người lớn kiêng nể.

Dã sử Hi Lạp ghi truyện Aristagoras đem vàng bạc lại dâng vua xứ Sparte là Cléomène để xin giúp y quân đội chiếm một xứ láng giềng. Lúc đó, một đứa con gái của nhà vua, mới sáu tuổi, ngồi chơi trong phòng, Aristagoras muốn đuổi em đó ra sân chơi để dễ nói chuyện. Nhà vua không ưng. Em bé nghe được hết, không hiểu gì cả, nhưng thấy cha có vẻ bối rối, bèn nắm tay cha kéo ra ngoài, bảo: “Thôi, đi ra, ba; người này muốn ép cha làm một việc xấu đấy”. Nhà vua nghe lời con mà tránh được một hành vi làm tổn thương danh dự của quốc gia và của mình. Em nhỏ đó đã thắng được một người lớn là Aristagoras và làm cho cả xứ Sparte kính phục.

Một em nhỏ khác, đói rét, rách rưới, run lập cập, da thịt tái ngắt, đi bán hộp quẹt ở Edimbourg. Em năn nỉ mãi, một ông quý phái nọ mới mua giúp em một ống, đưa cho em một đồng bạc. Em không có tiền thối, lại năn nỉ ông cho em đem đi đổi, vì em đói quá, cố bán cho được để có tiền ăn lót lòng. Ông quý phái đợi một hồi lâu, không thấy em trở lại, nghi em đã giựt tiền của mình rồi.

Nhưng tối hôm đó, một em gõ cửa xin vào thăm ông; em này nhỏ hơn em bán quẹt hồi sáng, cũng ốm yếu, lam lũ như vậy, móc túi lấy tiền đưa cho ông và thưa: “Anh tôi sáng ngày đổi tiền xong, trở lại trả ông thì bị xe cán, gẫy hai chân, bảo tôi mang tiền lại hoàn ông. Thầy thuốc bảo anh tôi khó qua được”. Nói xong, em oà lên khóc.

Ông quý phái cảm động, cho em ấy ăn rồi đi theo tới nhà em ở, thấy một tình cảnh rất thương tâm. Hai em mồ côi cha mẹ, sống với một dì ghẻ suốt ngày say sưa trong một cái hầm hôi hám tối tăm. Đứa lớn nằm trên đống rơm, mở mắt ngó ông, than thở:

– Thưa ông, cháu chết mất. Ai săn sóc cho em cháu bây giờ? Tội nghiệp nó.

Ông ta rơm rớm nước mắt, vuốt ve nó, bảo:

– Con cứ yên tâm, để ta săn sóc cho.

Nó nhìn ông, như muốn cảm ơn, rồi tắt thở.

Có tư cách như vậy thì ai mà không trọng, ở trong nghịch cảnh nào mà không có người quý? Không có vốn sẽ có người bỏ vốn cho làm ăn, không biết việc, sẽ có người chỉ bảo cho học tập; và lo gì không thành công, không có của cải và danh vọng?

Xã hội thời nào cũng tìm kiếm những người chính trực, trong sạch, không đem bán đấu giá lương tâm của mình, những người biết trọng sự thực và danh dự, đáng được tin cậy, không ngại khó nhọc mà chịu kiên nhẫn, không trông ở sự may mà biết tự tạo lấy sự may. Muốn có một tư cách như vậy, phải có nghị lực, nên việc đầu tiên trong sự tu thân là rèn nghị lực.

Bạn bảo:

– Tôi cũng biết vậy. Nhưng muốn rèn nghị lực, phải có một chút nghị lực đã, mà tôi thiếu hẳn nghị lực.

– Vâng. Trong chương sau, chúng ta cùng tìm hiểu nghị lực là gì rồi xem bạn có quả thực là thiếu nghị lực không.

TÓM TẮT

1. Tính tình ta do cơ thể ta mà cơ thể ta chịu ảnh hưởng của di truyền. Tuy nhiên, hoàn cảnh thiên nhiên, hoàn cảnh xã hội, thức ăn thức uống, nhất là giáo dục có thể thay đổi được bẩm tính của ta.

2. Nền giáo dục hiện thời không luyện tư cách, nên ta phải tự luyện lấy, càng sớm càng hay.

3. Một tư cách cao là một quyền lực mạnh, nó ảnh hưởng lớn đến đời ta; đi đâu ta cũng được người trọng, trong nghịch cảnh nào ta cũng được người giúp và chắc chắn ta sẽ thành công.

4. Muốn luyện tư cách, phải rèn nghị lực trước hết.

Bình luận