Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Rèn Nghị Lực Để Lập Thân

Phần II – Chương 1: Ảnh hưởng của trí tuệ và cảm xúc tới nghị lực

Tác giả: Nguyễn Hiến Lê

Chính những tình cảm dẫn đạo thế giới.

SPENCER

 

1. Chức vụ của trí tuệ

Trí tuệ ảnh hưởng lớn tới nghị lực vì suy nghĩ có sáng suốt thì quyết định mới đúng và hoạt động mới bền.

Ở đầu chương III phần 1 tôi đã kể một thí dụ là lựa nghề để bạn thấy ba giai đoạn của nghị lực. Nếu ta không dùng lý trí để xét kỹ xem thiên tư và gia cảnh của ta có hợp với nghề ta muốn lựa không, mà cứ theo thị hiếu của người chung quanh, thấy nhiều người thích làm dược sư vì nhàn và kiếm được nhiều tiền, ta cũng xin học môn bào chế, một môn không hợp với tính tình ta, thì khi học ta dễ chán nản, có thể bỏ dở được mà có cố theo đuổi tới nơi thì ra làm việc, cũng không thấy thích thú hăng hái, đời ta sẽ kém vui đi nhiều.

Biết bao người ở trong tình cảnh đó, làm một nghề miễn cưỡng không thành công – không yêu nghề thì làm sao thành công được? – Rồi tự cho là đời mình bỏ đi, không còn tương lai gì nữa: nguyên do thường tại không suy xét kỹ lưỡng trong khi quyết định, chứ không phải tại thiếu sức hoạt động.

Nhờ lý trí, ta dự tính dùng được những nỗi khó khăn, không phóng đại nó mà cũng không khinh thường nó, và ta sẽ tìm được cách giải quyết.

Phải là người sáng suốt mới có óc thực tế, nhận chân được tình thế, không quá lạc quan, cũng không quá bi quan; lạc quan quá, thì dễ thất vọng mà bi quan quá thì nhút nhát. Mười người thất bại có tới sáu, bảy người thiếu óc sáng suốt ấy. Họ tưởng công việc dễ làm, vào việc rồi mới thấy khó, rồi đâm chán nản. Hoặc nghe lời bạn bè hứa giúp, họ tin thật, trông cậy vào những người ấy mà không hay rằng mình đương cất nhà trên một bãi lầy. Cũng có khi công việc mới có mòi thành công, họ đã tin chắc rằng mỗi ngày sẽ phát đạt thêm mà vội khuếch trương lớn để rồi phải ân hận rằng nền móng chưa chắc mà đã xây tường.

Chỉ thất bại vài ba lần như vậy là chí khí, nghị lực nhụt đi, vì vậy muốn rèn nghị lực thì phải luyện trí để hiểu hoàn cảnh, hiểu người, hiểu mình và tìm được giải pháp thích đáng cho mỗi vấn đề.

2. Lợi dụng những tình cảm có ích cho nghị lực

Tuy nhiên, suy nghĩ quá vị tất đã có lợi mà có khi chỉ làm ta phân vân, rụt rè: và lý trí tự nó chưa đủ đưa ta tới hoạt động. Tình cảm có năng lực mạnh hơn trí tuệ; như Spencer đã nói, chính nó dẫn đạo thế giới. Ta thường thấy người nào cảm được mạnh là làm được những việc lớn. P. F. Thomas đã ví ý tưởng với những ánh sáng lóng lánh mà không đốt nóng được gì cả; và J. Payot cũng nói: “Mỗi ý tưởng, muốn ảnh hưởng tới nghị lực của ta thì phải có màu sắc dục vọng”, nghĩa là hiểu biết chưa đủ, còn phải muốn, muốn mãnh liệt nữa. Vì tình cảm mạnh hơn lý trí, nên mỗi khi có cuộc chiến đấu giữa lý trí và dục vọng thì lý trí tỏ ra yếu ớt, rụt rè mà rút cục luôn luôn dục vọng thắng.

Vậy bạn muốn rèn nghị lực, phải biết dùng năng lực của tình cảm, nhất là của lòng ham lợi, lòng ham danh và tình yêu, để hoạt động được hăng hái và bền bỉ.

Lòng ham lợi không cao thượng nhưng có mãnh lực lớn. Vì ham tiền mà biết bao người cặm cụi làm lụng từ sáng sớm tới khuya, không lúc nào hở tay, quên cả con cái, đau ốm cũng không nghỉ, nguy hiểm cũng không từ, bán rẻ cả lương tâm cùng danh dự.

Bạn nào đã đọc cuốn Le grand mirage của Robert Gaillard chắc còn nhớ những cực khổ, gian truân của những đoàn người tứ xứ mạo hiểm qua những bãi sa mạc mênh mông, những khu rừng đầy thú dữ để tìm vàng ở miền Tây nước Mỹ, bên bờ Thái Bình Dương. Mười người đi thì chỉ hai ba người tới chỗ, còn thì chết đói, chết khát, chết bệnh hoặc bị người da đỏ giết, bị cọp, gấu xé thây mà người ta cũng cứ đi, hết đoàn này đến đoàn khác.

Georges Arnand, tác giả cuốn Le Salaire de la peur tả nỗi sợ ghê gớm, sợ tới bí đường tiểu của những người chở bằng xe cam nhông một chất chỉ va chạm mạnh là nổ, chất Nitroglycérine. Đường rất khó đi, phải lên đèo xuống dốc, nếu xe nổ bánh, hoặc chỉ lạc tay lái một chút thôi, đâm vào mô đá, dội lại mạnh là cả xe lẫn người văng lên mây xanh. Tóm lại, mười phần thì có tám, chín phần chết. Vậy mà vẫn có những người xin được lái những xe đó để lãnh hai ngàn Mỹ kim, số “tiền công sợ” trong năm ngày, như tác giả đã nói.

– Lòng ham danh cao thượng hơn một chút. Nhờ nó mà nhiều nhà văn chịu cảnh nghèo khổ hàng chục năm, cặm cụi trên sách vở suốt ngày đêm để sáng tác.

Cả đến cái danh hão huyền cũng làm nhiều người mê. Người ta kể chuyện một đại tướng Pháp ở thế kỷ trước tuyên bố rằng ông sẵn sàng cưỡi ngựa rồi phóng từ nóc gác chuông nhà thờ Notre Dame ở Ba lê xuống dưới đường để công chúng nhắc nhở tới ông.

Đô đốc Byrd muốn thám hiểm Bắc cực, chính phủ Mỹ không giúp tiền, ông phải đi quyên mà không được bao nhiêu; sau ông đập vào lòng ham danh của con người, hứa sẽ lấy tên những người quyên nhiều nhất mà đặt cho những ngọn núi ông sẽ tìm ra ở Bắc cực; tức thì hàng chục nhà triệu phú hân hoan ký cho ông những ngân phiếu kếch xù.

Một tiệm sách ở Mỹ xuất bản một cuốn có giá trị mà bán không chạy. Nhân viên một hãng quảng cáo nọ lại khuyên ông chủ tiệm đó rao lên rằng người nào mua sách sẽ được in tên trên bìa sách. Ông ta làm theo, chỉ trong một tuần lễ, không còn một cuốn.

– Cao thượng nhất là tình yêu, yêu người thân, yêu đồng bào, yêu nhân loại, yêu cái MỸ, cái CHÂN, cái THIỆN. Thứ tình đó “mạnh hơn cả sự chết”. Không có một hành vi nào vĩ đại của nhân loại mà không được nó thúc đẩy.

Từ các vị hiền triết như Thích Ca, Khổng Tử, Giê su; các vị bác học như Pasteur, Berthelot, Curie, Einstein; các nghệ sĩ như Milton, V. Hugo, Lý Bạch; đến các vị anh hùng cứu nước mà không xứ nào, không thời nào không có, các người mẹ hiền vô danh hy sinh tánh mạng để cứu con, các người con chịu mọi nỗi gian truân, cố chống với mọi cám dỗ để giữ trọn thanh danh cho nhà; hết thảy các người đó, chí khí tuy cao thấp khác nhau nhưng tình yêu thì một màu trong sáng, một độ nồng nàn như nhau cả.

Bạn nên lợi dụng những tình cảm đó. Không cần là bậc vĩ nhân mới biết yêu cái Mỹ, cái Chân, cái Thiện; mà nếu ta chẳng yêu được ba cái ấy thì cứ nghĩ tới lợi, tới danh, miễn là hành động không có gì đáng chê, phương tiện không có gì đê mạt.

Chẳng hạn bạn muốn học thêm Anh ngữ. Ai cấm bạn nghĩ tới cái lợi về tiền của và tinh thần? Bạn sẽ tự nhủ, biết được sinh ngữ đó, sau dễ kiếm thêm tiền, lại được cái vui đọc hiểu sách Anh, hiểu nổi văn chương Anh. Bạn lại có thể nổi danh nữa chứ. Trong sở hoặc hãng, bạn bè sẽ phục bạn là học rộng; biết đâu chừng, bạn chẳng viết được một vài cuốn sách về văn học, sử ký nước Anh làm cho độc giả ngưỡng mộ. Sau cùng, biết tiếng Anh, bạn sẽ dạy lại con cháu, chúng sẽ giỏi về môn đó, còn gì thích và hãnh diện bằng?

Nghĩ như vậy, tôi chắc bạn sẽ không ngại học nữa.

3. Đàn áp những tình cảm có hại cho nghị lực

Phải muốn những tình cảm có lợi cho nghị lực nhưng đồng thời cũng phải diệt những tình cảm có hại, như lòng ham vui, tính làm biếng, sợ gắng sức, sợ kỷ luật.

Trong cuốn La Volonté, ông Raymond de Saint Laurent chỉ cho ta những cách sau này để tấn công chúng.

– Cách thứ nhất là phân tích chúng để thấy sự xấu xa, cái hại của chúng rồi sinh ghét chúng.

Bạn mở sách ra định học chữ Hán, thấy bài khó quá, chán nản, muốn nghỉ một tối để đi coi hát bóng. Bạn nghĩ nếu để thị dục thắng mình một lần thì nó sẽ thắng hoài và bạn sẽ hoá ra nhu nhược kém nghị lực, có hại cho tương lai ra sao. Bạn hình dung những người ham chơi, biếng nhác mà bạn quen biết, nhớ lại tư cách, đời sống của họ, bạn sẽ khinh họ và không muốn bị người khác khinh mình, sắp mình vào một hạng với họ.

– Cách thứ hai là dùng tự kỷ ám thị. Mỗi ngày, trong lúc vắng, lặp lại câu này nhiều lần:

“Tôi có nghị lực, không sợ khó nhọc, tôi theo đuổi mục đích tới cùng và sẽ thành công”.

Trong khi nói, bạn phải chú hết tâm thần và tin tưởng vào mỗi lời. Nhiều tác giả bảo phương pháp đó có hiệu quả chắc chắn, bạn thí nghiệm xem sao, không tốn công gì cả.

– Cách thứ ba là lợi dụng ngay những tình cảm có hại cho nghị lực. Gió thổi ngược, nhưng một thuỷ thủ lành nghề khéo điều khiển những cánh buồm thì gió ngược thành gió xuôi. Tánh làm biếng, ngại khó nhọc là tật chung của loài người, nhưng chính nhờ tật đó mà tổ tiên ta mới nghĩ được cách dùng ngựa, bò để chuyên chở, rồi chế tạo ra bánh xe, cánh buồm, phát minh những xe đạp, xe lửa, tàu thuỷ, xe hơi, máy bay.

Bạn làm biếng mỗi khi phải dọn dẹp đồ đạc trong nhà ư? Bạn giống tôi lắm. Muốn đỡ mất công, sao ta không nghĩ cách bày biện, xếp đặt lại cho thứ tự? Học dụng ngữ là một việc rất ngán, tôi biết vậy, nên đã dùng những thuật ký ức chỉ trong các sách về luyện ký tính để áp dụng mà học cho mau nhớ. Bạn có thói vừa chơi vừa học? Thì cứ tìm cách vừa học vừa chơi, chẳng hạn làm một tấm thẻ cho mỗi dụng ngữ mới như tôi đã chỉ trong cuốn “Tự học để thành công”. Cách ấy cũng tiêu khiển được đấy.

4. Đức tự chủ

Tình cảm mà mạnh quá thì thành thị dục. Thị dục có năng lực phi thường, làm tay sai rất đắc lực của ta. Tuy nhiên, khi lòng ta say mê thì có khó sáng suốt, ta có thể lầm lẫn trong hành động mà hại lớn, nên người tự chủ được vẫn là người dễ thành công hơn cả.

Khổng Tử hiểu lẽ đó khi ông khuyên môn đồ giữ cho thất tình được trung hoà, đừng thiên lệch khi nó phát ra. Đạo Trung dung đó hiện nay ít người theo, có kẻ chê là nhu nhược, hoặc nước đôi, không giúp ta làm được việc lớn, cũng chẳng giải quyết được vấn đề nào cả. Vả chăng xã hội có những cảnh bất công mà ai cũng biết nghiến răng oán hận chứ không thể ghét một cảnh trung dung được. Lời chê đó cũng có lý về một phương diện nào đó; nhưng riêng về sự rèn nghị lực thì ít nhất trong bước đầu, ta cũng phải tập làm chủ được cảm xúc của ta, nghĩa là tập tự chủ.

Muốn vậy, ta nên ráng bình tĩnh mỗi khi có một cảm xúc mạnh, đừng đưa chân múa tay, đập phá, hò hét. Có kẻ chỉ trích bạn ư? Lòng tự ái của bạn bị thương tổn, bạn nóng nảy, muốn phản ứng tức thì, nhưng không nên, cố nén lòng giận lại, thở mạnh ra mấy cái hoặc uống một ly nước lạnh, hoặc bước đều trong phòng và nhất định đừng thốt ra lời nào tục tằn. Có vậy, bạn mới giữ đủ sáng suốt để suy nghĩ, rồi thấy cần phải trả lời mới trả lời, có trả lời thì tìm những lý lẽ xác đáng, vững chắc chứ không không nói bậy.

Một anh bạn tôi bảo viết văn là đưa lưng cho người ta đấm. Nhà văn dễ bị người ta chỉ trích lắm, về phương diện đó có lẽ chỉ thua các ông nghị. Chính anh bạn đó mỗi lần gặp bài báo nào mạt sát mình thì coi xong, anh cất đi, ba bốn ngày sau mới đọc lại, rồi thấy cần đáp mới viết, mà viết xong cũng chưa gởi ngay, lại cất đi, đợi ít ngày sau sửa lại kỹ lưỡng hoặc hỏi ý một người thân xem lời lẽ có khiếm nhã không, lý luận có thiên lệch không. Chỉ một thái độ ấy cũng đủ chứng tỏ anh là một nhà văn đứng đắn rồi. Đọc những bài Trần Trọng Kim đáp những lời chỉ trích của Phan Khôi về bộ Nho giáo, ta cũng thấy ngay cụ là một học giả chân chính vượt hẳn những kẻ cầm bút tầm thường.

Đức bình tĩnh là dấu hiệu của một sức mạnh tinh thần rất lớn. Ta nên luyện nó để thắng những cảm xúc bồng bột của ta, song cũng đừng nên thái quá mà hoá ra lạnh lùng, thản nhiên đến trơ trơ như sắt đá. Một người mà vui buồn, giận ghét không bao giờ hiện ra nét mặt, thường là một người nham hiểm, không được ai mến. Họ như bãi cát ướt ở bờ biển, coi thì phẳng phiu, mà ta không dám tới gần, sợ sa lầy.

Nhiều khi khó nén dồn được cảm xúc vào đáy lòng, mà nếu dồn được e cũng có hại cho cơ thể, cho thần kinh: trong những trường hợp ấy ta chỉ cần giữ óc được sáng suốt, để cảm xúc phát ra một cách điều hoà và nếu nó đã lỡ phát ra quá mạnh thì kịp nhận ngay được sự bất thường ấy mà điều khiển nó cho hợp lẽ phải.

Tập được đức ấy, bạn sẽ làm chủ được mọi tình thế, có thể đổi hoạ thành phúc, đỡ được kẻ thù mà thêm bạn quý giúp bạn thành công.

TÓM TẮT

1. Trí tuệ và tình cảm đều có chức năng quan trọng trong sự rèn nghị lực. Tình cảm đẩy ta tới hành động song phải được trí tuệ hướng dẫn thì hành động mới sáng suốt. Nhiều người vì thiếu sáng suốt mà thất bại, sinh ra chán nản, chí khí và nghị lực nhụt đi.

2. Ta nên lợi dụng những tình cảm có ích cho nghị lực như lòng ham lợi, ham danh, tình yêu người thân, yêu đồng bào, yêu nhân loại, yêu cái THIỆN, cái CHÂN, cái MỸ.

3. Đồng thời ta phải diệt những tình cảm có hại cho nghị lực như lòng ham vui, tính làm biếng, sợ gắng sức, sợ kỷ luật.

4. Sau cùng phải luyện đức tự chủ để điều khiển cảm xúc, cho nó phát ra một cách ôn hoà, hợp lẽ phải: song cũng không được nén mọi cảm xúc mà thành người nham hiểm.

Bình luận