Sách ebook được sưu tầm từ Internet, Bản quyền sách thuộc về Tác giả & Nhà xuất bản. Trang Web hiện đặt quảng cáo để có kinh phí duy trì hoạt động, mong Quý Bạn đọc thông cảm ạ.

Rừng Na Uy

Chương 6

Tác giả: Haruki Murakami

Thức dậy lúc bảy giờ sáng thứ Hai, tôi lập tức rửa mặt, cạo râu, không ăn sáng mà đi thẳng đến văn phòng chủ nhiệm học xá và nói tôi sẽ đi chơi núi hai ngày. Ông ta đã quen với các chuyến đi ngắn như thế của tôi nên không ngạc nhiên gì cả. Tôi lên một chuyến tàu điện đông nghẹt đến ga Tokyo, mua vé tốc hành trên tàu siêu tốc đi Kyoto, và nhảy ngay lên chuyến đầu tiên trong ngày. Tôi chỉ điểm tâm bằng bánh kẹp với cà-phê, rồi ngủ thiếp đi khoảng một tiếng đồng hồ.

Tôi đến Kyoto vài phút trước mười một giờ. Theo chỉ dẫn của Naoko, tôi lấy xe buýt thành phố đến một trạm xe nhỏ phục vụ những khu ngoại ô phía bắc. Chuyến xe buýt tiếp theo đến điểm đích của tôi mãi đến mười một giờ ba mươi lăm mới chạy, và đi đến đó sẽ mất khoảng một tiếng. Tôi mua vé và sang một hiệu sách bên kia đường mua một tấm bản đồ. Trở lại nơi đợi xe, tôi nghiên cứu bản đồ xem có thấy Nhà nghỉ Ami nằm chính xác chỗ nào không. Hoá ra nó ở sâu trong núi hơn tôi tưởng. Xe buýt sẽ phải chạy qua nhiều đồi núi về phía bắc, rồi khi hết đường sẽ vòng lại để trở về thành phố. Trạm xuống của tôi sẽ là trạm áp chót của tuyến này. Theo lời Naoko, ở gần trạm ấy có một lối đi bộ, và nếu theo lối đó đi chừng hai mươi phút tôi sẽ đến Nhà nghỉ Ami. Sâu mãi trong núi như vậy nên chỗ ấy yên tĩnh đến thế là phải.

Chuyến xe khởi hành chỉ có chừng hai mươi khách, chạy men theo con sông Kamo qua mạn bắc Kyoto. Những con phố đông đúc dần nhường chỗ cho cảnh nhà cửa thưa thớt hơn, rồi đến đồng ruộng và đất trống. Những mái nhà đá đen và sườn vách nilông của những nhà ươm cây lấp loá trong nắng đầu thu. Khi xe tiến vào khe núi, tài xế bắt đầu vặn lái bên này bên kia để bám theo những đoạn lượn và khúc quanh của con đường và tôi bắt đầu thấy chóng mặt, vị cà-phê từ sáng lại ứ lên tận cổ. Đến khi đường đã đỡ quanh co và tôi bắt đầu thấy dễ chịu trở lại thì bất chợt chúng tôi lao vào một rừng tuyết tùng lạnh giá. Khu rừng chắc đã lâu đời lắm vì cây nào cũng cao vút rậm rạp, che hết cả nắng và bao phủ mọi vật trong những mảng bóng râm âm u. Gió lọt qua cửa sổ xe để mở lạnh toát và mang theo khí ẩm khiến da thịt nổi đanh đột ngột. Con đường núi bám theo bờ sông, hun hút mãi trong rừng và dài đến nỗi ta bắt đầu tưởng như cả thế giới này đã mãi mãi bị chôn vùi dưới tán tuyết tùng; nhưng đúng lúc ấy thì hết rừng, và chúng tôi chạy ra một lung sông rộng lớn có những ngọn núi bao quanh. Nông trại xanh tươi rộng rãi trải ra khắp bốn phía, và con sông ven đường chói chang và trong trẻo. Một sợi khói trắng bốc lên từ đàng xa. Nhiều nhà phơi quần áo ngoài nắng, và tiếng chó tru tréo ầm ĩ. Nhà trại nào cũng có củi chất đống lên đến tận hồi nhà ở phía trước, và thường có một con mèo nằm cuộn tròn ở đâu đó trên đống củi. Hai bên đường toàn những nhà như thế một đoạn dài, nhưng tôi không nhìn thấy một người nào hết.

Cảnh vật cứ nhắc đi nhắc lại như thế. Vào rừng tùng, ra đến làng, rồi lại vào rừng. Xe dừng lại ở một vài làng cho người xuống, nhưng không có khách nào lên xe. Bốn mươi phút sau khi rời thành phố thì đến một con đèo cao tầm nhìn rất rộng rãi. Tài xế dừng xe và tuyên bố chúng tôi sẽ phải đợi ở đó chừng năm sáu phút, mọi người có thể xuống xe nếu muốn. Chỉ còn có bốn khách trên xe, kể cả tôi. Tất cả đều xuống xe duỗi chân duỗi tay hoặc hút thuốc và ngắm nhìn toàn cảnh Kyoto ở mãi dưới xa. Bác tài lẩn sang một bên đi giải. Một ông rám nắng chừng non ngũ tuần mang theo một hộp bìa lớn buộc dây cẩn thận hỏi có phải tôi lên đây để đi bộ trên núi không. Tôi bảo phải, cho đỡ chuyện.

Cuối cùng thì một chiếc xe buýt khác từ bên kia đèo leo lên đến chỗ chúng tôi và đỗ lại bên cạnh. Ông tài nhảy ra khỏi xe, trao đổi ngắn gọn với bác tài của chúng tôi, rồi hai người ai về xe người nấy. Bốn chúng tôi về chỗ của mình, và hai chiếc xe ai đi đường nấy, ngược hướng nhau.

Tôi vẫn chưa hiểu tại sao xe chúng tôi phải đợi như vậy, nhưng chỉ đi một đoạn ngắn xuống bên này đèo thì con đường bỗng hẹp hẳn lại. Hai xe buýt lớn sẽ không thể tránh nhau trên đoạn đường ấy, và thực tế là ngay cả xe con thường đi ngược chiều cũng phải khéo lắm mới lọt được, thường là một xe phải lùi lại và nép hẳn vào một quãng trồi của một khúc quanh.

Những ngôi làng ven đường lúc này nhỏ hơn nhiều, và những khoảnh đất bằng để canh tác còn hẹp hơn nữa. Núi dốc hơn, vách núi như ép gần vào cửa sổ xe hơn. Nhưng hình như người ta vẫn nuôi nhiều chó như những làng khác, và khi xe chạy qua làng, chúng tha hồ thi nhau tru tréo.

Nơi tôi xuống xe không có gì hết – không nhà, không ruộng, chỉ có một cái biển đánh dấu trạm đỗ xe – một con suối nhỏ, và bắt đầu của lối mòn. Tôi đeo ba lô lên vai và bắt đầu đi theo lối mòn ấy. Con suối chảy dọc theo mép trái của lối mòn, và một khu rừng trơ trụi chạy bên mép phải. Đi theo lối mòn thoai thoải dốc ấy được độ mười lăm phút thì tới một con đường rẽ vào rừng ở phía bên phải, chỉ đủ rộng cho một chiếc xe nhó. Bên đường có một tấm biển đề: NHÀ NGHỈ AMI. KHU VỰC RIÊNG. CẤM VI PHẠM.

Vết bánh xe hằn sắc nét chạy trên mặt đường xuyên qua rừng. Thi thoảng lại có tiếng chim vỗ cánh âm vang trong vòm cây. Âm thanh rõ rệt lạ thường, như được khuyếch đại để át những giọng nói khác của rừng. Một lần, từ rất xa, tôi nghe tiếng gì đó có vẻ là một phát súng, nhưng rất nhỏ và nghẹt, như thể lọt qua nhiều lần màng lọc.

Qua quãng rừng ấy tôi tới một bức tường đá. Nó không cao hơn tôi, trốc tường không có rào giậu gì, nếu muốn tôi có thể trèo qua dễ dàng. Cánh cửa sắt đen sì trông cũng chắc chắn, nhưng lại mở toang, và không có ai trong nhà thường trực. Một tấm biển nữa giống cái trước dựng ngay cạnh cổng: NHÀ NGHỈ AMI. KHU VỰC RIÊNG. CẤM VI PHẠM. Có thể thấy người gác cổng đã vừa mới đi đâu đó: một chiếc gạt tàn đựng ba đầu mẩu thuốc, một cốc trà mới uống phân nữa, một cái đài bán dẫn trên giá, và chiếc đồng hồ treo tường gõ nhịp thời gian với một âm thanh khô khốc. Tôi chờ một lát cho người đó quay lại, nhưng khi thấy có vẻ không được, tôi bấm mấy nhát vào một thứ trông giống cái nút chuông. Khu vực ngay sau cổng vào là sân đậu xe. Trong đó có một chiếc xe buýt nhỏ, một cái Land Cruiser hai cầu, và một chiếc Volvo xanh nước biển sẫm. Sân có thể đậu được đến ba mươi xe, nhưng lúc ấy chỉ thấy có ba chiếc đó.

Hai ba phút trôi qua, rồi một người gác cổng mặc đồng phục xanh thuỷ quân xuất hiện

ở con đường rừng trên một chiếc xe đạp sơn màu vàng. Một người cao lớn trạc ngoại lục tuần có mái tóc chải hất ngược ra sau. Ông ta dựa chiếc xe đạp vàng vào tường trạm gác và nói, “Rất xin lỗi đã để anh phải chờ,” mặc dù giọng ông chẳng như vậy chút nào. Trên vành chắn bùn của chiếc xe có sơn con số 32. Khi tôi xưng tên, ông ta nhấc điện thoại và nhắc lại tên tôi hai lần với ai đó ở đầu dây bên kia, nói “Vâng, dạ, tôi biết rồi ạ” với người đó, rồi gác máy.

“Anh làm ơn vào khu nhà chính và hỏi gặp Bác sĩ Ishida nhé,” ông bảo tôi. “Cứ theo đường này qua đám cây kia đến chỗ bùng binh. Sau đó đến chỗ rẽ thứ hai thì rẽ trái. Chỗ rẽ thứ hai kể từ bùng binh, anh nhớ nhé. Anh sẽ thấy một ngôi nhà cổ. Rẽ phải ở đó và đi qua một rặng cây nữa thì đến một toà nhà bê-tông. Đó là khu nhà chính. Dễ đi lắm, anh cứ nhìn biển hướng dẫn là được.”

Tôi rẽ trái ở chỗ rẽ thứ hai từ bùng binh như đã dặn, và khi con đường ấy kết thúc thì đến một toà nhà cổ rất thú vị, rõ ràng đã tửng là nhà vườn của ai đó ngày xưa. Nó có một khu vườn xén tỉa rất chu đáo với nhưng tảng đá hình thù đẹp đẽ và một cây đèn lồng cũng bằng đá. Chắc phải là một nhà địa chủ giầu có lắm ngày trước. Rẽ phải qua rặng cây, tôi thấy một toà nhà bê-tông ba tầng. Nó được dựng trên một khu đất khoét vào vách núi, nên ba tầng lầu chẳng có vẻ gì là cao to oai vệ cả. Đó là một kiến trúc giản dị và gây ấn tượng mạnh về sự sạch sẽ.

Lối vào ở trên tầng hai. Tôi lên cầu thang, vào qua một cửa kính lớn và thấy một người đàn bà còn trẻ mặc bộ áo váy đỏ ngồi ở bàn tiếp tân. Tôi xưng tên và nói tôi được hướng dẫn vào đây để gặp bác sĩ Ishida. Bà ta mỉm cười và chỉ cho tôi một chiếc ghế sô-pha màu nâu, miệng nói rất nhỏ nhẹ mời tôi ngồi đợi bác sĩ. Rồi bà quay điện thoại. Tôi bỏ ba-lô xuống, ngồi thụt vào tấm nệm rất dày của chiếc ghế, và quan sát xung quanh. Đó là một sảnh đợi dễ chịu và sạch sẽ, có nhưng chậu cây trang trí, những bức tranh trừu tượng có gu, và sàn nhà bóng loáng. Khi đợi, tôi cứ nhìn mãi bóng phản chiếu của chính đôi giày mình ở dưới sàn.

Một lúc sau, bà tiếp tân nói với tôi, “Bác sĩ sắp đến rồi đấy ạ”. Tôi gật đầu. Yên tĩnh kinh khủng. Không có bất kì loại tiếng động nào. Như thể tất cả đều đang ngủ trưa.

Người, súc vật, côn trùng, cây cỏ đều đang ngủ say, tôi nghĩ bụng, một buổi chiều yên tĩnh đến thế là cùng.

Nhưng một lúc sau, tôi nghe tiếng đế giày cao-su bước nhẹ nhàng, và một chị đã đứng tuổi có mái tóc lởm chởm như gai xuất hiện. Chị đi như lướt qua khu sảnh rộng, ngồi xuống cạnh tôi, bắt chéo chân và cầm lấy tay tôi Đáng nhẽ bắt tay thì chị lại lật đi lật lại xem xét bàn tay tôi.

Câu đầu tiên chị nói với tôi là: “Cậu chưa chơi một nhạc cụ nào ít nhất mấy năm nay rồi, đúng không nào?”

“Đúng vậy,” tôi đáp, rất ngạc nhiên. “Chị nói đúng.”

“Nhìn tay cậu thì biết,” chị mỉm cười.

Có cái gì đó gần như bí hiểm về người đàn bà này. Mặt chị rất nhiều nếp nhăn. Đó là điều nổi bật đầu tiên, nhưng chúng lại không làm cho chị trông già đi tí nào. Không những thế, chúng lại còn làm nổi lên một vẻ trẻ trung ở chị mà tuổi tác không có tác dụng gì hết. Những nếp nhăn ấy ở rất đúng chỗ của chúng, như thể chúng đã có đó từ khi chị mới đẻ. Khi chị cười, chúng cũng cười theo; và khi chị nhăn nhó, chúng cũng nhăn nhó theo. Còn khi chịu không cười mà cũng chẳng nhăn thì chúng nằm rải rác khắp gương mặt chị với một vẻ ấm áp nghịch ngợm rất lạ lùng. Đây là một người đàn bà đã gần bốn mươi tuổi có cái vẻ không những là một người tốt mà cái tốt ấy của chị còn thu hút được cả tôi. Vừa gặp là tôi thích chị liền.

Cắt xén một cách hoang dại, tóc chị dựng đứng thành từng mảng và vành ngoài thì gẫy gập rủ xuống trán, nhưng kiểu tóc đó lại hoàn toàn hợp với chị. Chị mặc sơ-mi lao động xanh da trời bên ngoài áo phông trắng, quần vải bông màu kem, và giày tennis. Cao và mảnh khảnh, chị hầu như không có ngực. Cặp môi thường xuyên nhếch sang một bên như hơi cong lên giễu cợt, và những nếp nhăn ở khóe mắt động đậy như hơi rung rinh. Chị giống một nữ thợ mộc lành nghề, tốt bụng nhưng có vẻ hơi chán đời.

Rụt cằm lại và cong môi lên, chị để ra hẳn một lúc để ngó tôi từ đầu đến chân. Tôi tưởng như chị sắp rút thước dây ra và đo đắn tôi khắp nơi ngay bấy giờ.

“Cậu có chơi nhạc cụ nào không?” chị hỏi.

“Rất tiếc là không,” tôi đáp.

“Chán nhỉ,” chị nói. “Có thì vui quá.”

“Chắc thế,” tôi nói. Nhưng sao lại toàn chuyện đàn địch như vậy nhỉ?

Chị lấy một bao Seven Stars từ túi áo ngực ra, đặt một điếu lên miệng, châm bằng bật lửa, rồi bắt đầu rít với vẻ khoái trá rõ rệt.

“Tôi có nhớ là phải nói qua về chỗ này cho cậu… Watanabe, có phải không ạ? – trước khi cậu gặp Naoko. Cho nên tôi đã thu xếp để hai chúng ta chuyện trò với nhau một tí như thế này. Nhà nghỉ Ami cũng hơi bất thường một chút, và cậu có thể thấy lúng túng nếu không biết đôi chút về hoàn cảnh của nó. Tôi nói thế có phải không ạ? Có phải cậu chưa biết gì về cơ sở này, phải không ạ”

“Hầu như không biết gì.”

“Vậy thì, đầu tiên là…” chị bắt đầu, nhưng rồi lại búng tay một cái. “Xem đã nào, cậu đã ăn trưa chưa nào? Chắc cậu đói bụng rồi.”

“Quả có thế, chị nói đúng.”

“Vậy hay đi với tôi. Ta có thể vừa ăn vừa nói chuyện trong nhà ăn. Giờ ăn qua rồi, nhưng nếu đi ngay may ra họ vẫn có thể làm cái gì đó cho mình.”

Chị dẫn đường, rảo bước theo một hành lang và một đợt cầu thang xuống nhà ăn ở tầng một. Một gian phòng rộng, có lẽ đủ chỗ cho hai trăm người, nhưng chỉ có nửa phòng được sử dụng, nửa kia ngăn ra, như một khách sạn nghỉ mát chưa vào mùa. Thực đơn hôm đó có món khoai tây hầm với mì sợi, rau trộn, nước cam và bánh mì.

Rau cỏ quả có tươi ngon như Naoko đã nói trong thư, và tôi chén sạch trơn đĩa của mình.

“Rõ là cậu ăn thật ngon miệng!” người bạn nữ của tôi nói.

“Ngon tuyệt,” tôi nói. “Với lại, từ sáng đến giờ tôi hầu như chưa có gì vào bụng.”

“Nếu vậy thì mời cậu ăn hộ phần tôi luôn đi. Tôi no rồi. Đây này, cậu ăn đi.”

“Vâng, nếu chị thực sự không muốn ăn nữa.”

“Bụng tôi bé. Chẳng chứa được là mấy. Tôi phải bù bằng thuốc lá.” Chị đốt một điếu Seven Stars nữa. “À mà cậu có thể gọi tôi là Reiko. Ai cũng gọi tôi như vậy cả.”

Reiko có vẻ rất khoái nhìn tôi ăn món khoai tây hầm mà chị hầu như chưa đụng tới, và nhồm nhoàm cả phần bánh mì của chị nữa.~

“Chị là bác sĩ của Naoko à?” tôi hỏi.

“Tôi á? Bác sĩ của Naoko ư? Chị nhăn hết cả mặt lại. “Sao cậu lại nghĩ tôi là bác sĩ?”

“Họ dặn tôi tìm gặp bác sĩ Ishida mà.”

“À tôi hiểu rồi. Không phải đâu, tôi dạy nhạc ở đây. Cũng là một cách điều trị đối với một số bệnh nhân, nên để đùa họ cứ gọi tôi là “Bác sĩ âm nhạc” và đôi khi là “Bác sĩ Ishida”. Nhưng tôi chỉ là một bệnh nhân thôi. Tôi ở đây được bảy năm rồi. Tôi làm giáo viên dạy nhạc và giúp việc văn phòng, nên bây giờ cũng chẳng biết mình là bệnh nhân hay là cán bộ nữa. Naoko không kể gì về tôi cho cậu nghe à?”

Tôi lắc đầu.

“Lạ nhỉ,” Reiko nói. “Tôi ở cùng phòng với Naoko. Tôi thích sống với cô ấy. Chúng tôi nói với nhau đủ chuyện. Kể cả về cậu.”

“Về tôi thế nào ạ?”

“Thế nào ư? Nhưng trước hết tôi phải giới thiệu chỗ này với cậu đã,” Reiko nói, tảng lờ câu hỏi của tôi. “Điều đầu tiên cậu cần biết là đây không phải là một bệnh viện thông thường. Nó chữa trị thì ít mà giúp hồi phục là chính. Chúng tôi cũng có mấy bác sĩ tất nhiên rồi, và họ có những giờ làm việc với bệnh nhân, nhưng chỉ là để kiểm tra tình trạng của bệnh nhân, đo nhiệt độ và những thứ đại loại thế, chứ không điều trị như trong một bệnh viện thông thường. Ở đây cửa sổ không có chấn song, và cửa luôn để ngỏ. Mọi người ra vào tự nguyện. Trước hết là cậu phải thích hợp với kiểu hồi phục ấy thì mới được nhận vào đây. Nếu có người cần phải được điều trị đặc biệt thì sẽ được gửi đến bệnh viện chuyên khoa về lĩnh vực ấy. Đến đây vẫn ôkê chứ.”

“Tôi nghĩ vậy,” tôi nói. “Nhưng “hồi phục” ở đây bao gồm những gì? Chị có thể ví dụ cụ thể được không?”

Reiko thở ra một đám khói rồi uống nốt chỗ nước cam còn lại của chị. “Cứ sống ở đây là hồi phục rồi,” chị nói. “Một lịch sinh hoạt đều đặn, tập tành, cách biệt với thế giới bên ngoài, không khí trong lành, yên tĩnh. Nông trại của chúng tôi giúp chúng tôi gần như tự cũng tự cấp được; không có TV và radio. Chúng tôi giống như một trong những công xã mà chắc cậu đã nghe đến nhiều rồi. Tất nhiên, một cái khác với công xã là phải tốn một mớ tiền tướng mới vào được đây.”

“Một mớ tướng ư?”

“Thật ra cũng không đắt đến mức vô lối, nhưng không rẻ chút nào. Cứ nhìn cơ sở thiết bị ở đây mà xem. Chúng tôi có rất nhiều đất, một số ít bệnh nhân, một đội ngũ cán bộ lớn, và như trường hợp của tôi thì tôi đã ở đây rất lâu rồi. Đúng là tôi có được nhiều ưu đãi vì bản thân cũng đã gần như là cán bộ, nhưng ngay cả thế thì cũng vẫn cứ là… Thôi nào, cậu làm một tách cà-phê chứ.”

Tôi nói được thế thì tốt. Chị dụi thuốc rồi ra quầy rót hai cốc cà-phê từ một cái ấm và mang cả lại chỗ chúng tôi đang ngồi. Chị cho đường vào cốc của mình, khuấy lên, nhăn mặt, rồi nhấp một ngụm.

“Cậu biết không,” chị nói, “viện điều dưỡng này không phải là cơ sở doanh nghiệp kiếm lãi, cho nên nó có thể tiếp tục tính tiền không đến nỗi đắt lắm so với thông thường. Đất là được hiến. Họ lập công ty vì mục đích ấy. Toàn bộ chỗ này là nhà nghỉ hè của ông chủ đất cũ hai mươi năm trước đây. Tôi chắc là cậu thấy ngôi nhà cổ rồi phải không?”

Tôi bảo đã.

“Trước đây chỉ có mỗi ngôi nhà ấy. Họ tổ chức điều trị nhóm ở đó. Mọi chuyện đã bắt đầu như vậy. Con trai ông chủ hiến đất có khuynh hướng tâm thần và một Chuyên gia đề nghị điều trị nhóm cho anh ta. Lý thuyết của vị bác sĩ ấy là nếu ta có thể đưa một nhóm bệnh nhân về sống ở đồng quê, giúp nhau lao động và có một bác sĩ để theo dõi và kiểm tra, ta có thể chữa được một số bệnh. Họ đã thử, và hoạt động ấy phát triển, được tổ chức thành doanh nghiệp, và họ mở rộng đất canh tác, và năm năm trước đây mới xây thêm khu nhà chính.”

“Có nghĩa là cách điều trị ấy có kết quả tốt.”

“Cũng không phải tốt cho tất cả mọi trường hợp. Nhiều người không đỡ được chút nào. Nhưng cũng có nhiều người không thể có kết quả ở các nơi khác lại hoàn toàn bình phục ở đây. Cái hay nhất ở đây là cách mọi người giúp đỡ lẫn nhau. Ai cũng biết mình có khiếm khuyết ở mặt nào đó, nên đều có ý thức giúp đỡ nhau. Những nơi khác không theo phương pháp này, thật đáng tiếc. Bác sĩ là bác sĩ và bệnh nhân là bệnh nhân: bệnh nhân tìm đến bác sĩ để được giúp đỡ và bác sĩ ban phát sự giúp đỡ ấy cho bệnh nhân. Nhưng ở đây, chúng tôi ai cũng giúp nhau hết. Người nào cũng là gương soi của người khác, và các bác sĩ là một phần của chúng tôi. Họ quan sát chúng tôi ở bên cạnh và lẳng lặng bước vào giúp chúng tôi nếu thấy chúng tôi cần cái gì đó, nhưng có nhiều khi chúng tôi lại là người giúp đỡ họ. Nhiều khi chúng tôi giỏi hơn họ cái gì đó. Ví dụ, tôi đang dạy một bác sĩ chơi đàn dương cầm, và một bệnh nhân khác đang dạy một hộ lý tiếng Pháp. Kiểu thế. Bệnh nhân như chúng tôi thường được trời phú cho những khả năng đặc biệt. Nên mọi người ở đây đều bình đẳng – bệnh nhân, cán bộ, và cậu nữa. Còn ở đây thì cậu còn là một thành viên như chúng tôi, nên tôi

giúp cậu và cậu giúp tôi.”

Reiko mỉm cười, nhẹ nhàng động đậy tất cả các nếp nhăn trên mặt.

“Cậu giúp Naoko và Naoko giúp cậu.”

“Vậy tôi sẽ phải làm gì? Cho một ví dụ đi.”

“Đầu tiên cậu phải quyết định là cậu muốn giúp, và cậu cần được người khác giúp. Sau đó cậu phải hoàn toàn chân thực. Cậu sẽ không nói dối, không lấp liếm, không che giấu bất kì điều gì có thể làm cậu lúng túng. Chỉ có vậy thôi”

“Tôi sẽ cố,” tôi nói. “Nhưng cho tôi biết được không, Reiko, tại sao chị lại ở đây những bay năm trời? Nói chuyện với chị như thế này, tôi không thể tin là chị có trục trặc gì.”

“Khi trời sáng thì không,” chị nói với một vẻ mặt u ám. “Nhưng hễ đêm đến là tôi bắt đầu dãi rớt và lăn lộn dưới sàn nhà.”

“Thật vậy ư?”

“Đừng có ngốc thế, tôi chỉ nói đùa thôi,” chị nói, lắc đầu với một vẻ kinh tởm. “Tôi hoàn toàn lành mạnh ít nhất là hiện nay. Tôi ở lại đây vì tôi thích giúp người khác lành mạnh, dạy nhạc, trồng rau. Tôi thích chỗ này lắm. Tất cả đều là bạn bè không ít thì nhiều. So ra, thì tôi có gì ở thế giới bên ngoài nào? Tôi đã ba tám, sắp bốn mươi. Tôi không như Naoko. Chẳng có ai đợi tôi ra ở ngoài đó, chẳng có gia đình nào đón tôi trở lại. Tôi không có công trình gì để nói đến, và hầu như không có bạn. Đã sáu bảy năm, tôi không còn biết chuyện gì đang ở ngoài kia nữa. A, thi thoảng tôi cũng đọc một tờ báo trong thư viện, nhưng tôi chưa bao giờ đặt chân ra ngoài khu vực này trong suốt thời gian ấy. Tôi sẽ không biết mình sẽ làm gì nếu tôi đi khỏi đây.”

“Nhưng có khi một thế giới mới sẽ lại mở ra với chị thì sao?” tôi nói. “Cũng đáng thử chứ, phải không ạ”

“Hừmm, cũng có thể cậu nói đúng,” chị nói, không ngừng xoay cái bật lửa trong tay. “Nhưng tôi cũng có một loạt các vấn đề của riêng mình. Rồi sẽ có lúc tôi nói hết cho cậu nghe, nếu cậu thích.”

Tôi gật đầu đáp lại. “Còn Naoko,” tôi nói, “cô ấy có khá hơn chút nào không?”

“À chúng tôi nghĩ là có. Lúc đầu cô ấy có hơi hoang mang và đã có lúc chúng tôi thấy ngại, nhưng bây giờ thì cô ấy đã bình tĩnh hơn nhiều, đến độ đã có thể tự biểu cảm bằng lời nói. Chắc chắn là cô ấy đang đi đúng hướng. Nhưng nhẽ ra cô ấy phải được điều trị sớm hơn nhiều. Những triệu chứng của cô ấy đã rõ rệt ngay từ lúc bạn trai Kizuki của cô ấy tự vẫn. Nhẽ ra gia đình cô ấy phải thấy mới phải, và bản thân cô ấy nhẽ ra cũng phải thấy là có chuyện không ổn rồi. Tất nhiên, chuyện gia đình cô ấy cũng chẳng ổn, hoặc là…”

“Gia đình không ổn ư?” tôi vội hỏi.

“Cậu không biết à?” Reiko có vẻ còn ngạc nhiên hơn tôi.

Tôi lắc đầu.

“Tôi nên để Naoko tự kể cho cậu thì hơn. Cô ấy đã sẵn sàng cởi mở đôi điều với cậu đấy.” Reiko khuấy cà-phê một lần nữa rồi lại nhấp một ngụm. “Có một cái nữa cậu cần biết,” chị nói. “Theo nội quy ở đây, cậu và Naoko sẽ không được phép ở một mình với nhau. Khách đến thăm không được ở một mình với bệnh nhân. Lúc nào cũng phải có một quan sát viên, mà trong trường hợp của các cậu thì là tôi đấy. Xin lỗi nhé, nhưng cậu sẽ phải chịu đựng tôi thôi, ôkê?”

“Ôkê,” tôi mỉm cười.

“Tuy nhiên,” chị nói, “hai đứa các cậu có thể nói với nhau bất cứ chuyện gì. Cứ quên hẳn tôi đi. Mà tôi cũng đã biết hầu hết mọi chuyện về cậu và Naoko rồi.”

“Hết mọi chuyện ư?”

“Gần như thế. Cậu biết là chúng tôi có những buổi điều trị nhóm mà. Nên chúng tôi biết rất nhiều về nhau. Thêm nữa là Naoko với tôi nói với nhau tất cả mọi chuyện. Chúng tôi không có nhiều bí mật ở đây đâu.”

Tôi nhìn Reiko và uống cà-phê của mình.

“Nói thật với chị,” tôi nói, “Tôi vẫn hoang mang lắm. Tôi vẫn không biết việc tôi làm với Naoko ở Tokyo là đúng hay là sai. Tôi vẫn suy nghĩ về nó suốt thời gian qua, nhưng vẫn không biết ra sao.”

“Tôi cũng không biết,” Reiko nói. “Và cả Naoko nữa. Đó là cái mà hai đứa các cậu phải tự quyết định. Cậu hiểu ý tôi nói không? Có chuyện gì đi nữa thì hai đứa các cậu cũng vẫn có thể quay nó về hướng đúng đắn – nếu các cậu có thể có được một thông cảm nào đó. Có lẽ, một khi các cậu đã giải quyết được chuyện đó, các cậu mới có thể quay lại và nghĩ xem chuyện xảy ra là đúng hay là sai. Cậu nghĩ sao?”

Tôi gật đầu.

“Tôi nghĩ ba đứa chúng ta có thể giúp nhau được – cậu và Naoko và tôi – nếu chúng ta thực tình muốn thế, và nếu chúng ta thực sự trung thực. Có ba người như thế có lẽ sẽ cực kỳ hiệu quả đấy. Cậu có thể ở lại đây bao lâu?”

“Tôi muốn trở lại Tokyo vào chiều tối ngày kia. Tôi phải đi làm, và phải dự kiểm tra tiếng Đức vào thứ Năm.”

“Tốt,” chị nói. “Vậy cậu có thể ở với chúng tôi.Như vậy cậu không phải trả tiền gì cả và có thể chuyện trò tha hồ không phải lo đến thời gian.”

“Với chúng tôi?” tôi hỏi lại.

“Naoko với tôi, tất nhiên rồi,” Reiko nói. “Chúng tôi có một phòng ngủ riêng, còn phòng khách thì có một cái sô pha kéo ra thành giường. Cậu sẽ ngủ ngon được. Đừng lo.”

“Họ có cho phép thế không? tôi hỏi. “Khách đàn ông có được ngủ lại trong phòng phụ nữ không?”

“Tôi không nghĩ cậu sẽ vào hiếp chúng tôi lúc nữa đêm chứ.”

“Chị đừng ngốc thế.”

“Vậy là chẳng có vấn đề gì rồi. Ở với chúng tôi và chúng ta có thể chuyện trò thoả đáng. Đó là cái hay nhất. Rồi chúng ta mới có thể thực sự hiểu nhau. Còn tôi thì có thể chơi ghi-ta cho cậu nghe. Tôi chơi khá hay đấy cậu ạ, “Chị chắc là tôi sẽ không làm phiền gì chứ.”

Reiko đặt điếu Seven Stars thứ ba lên môi và châm lửa sau khi đã nhếch mép mấy lần.

“Naoko với tôi đã bàn chuyện này rồi. Hai chúng tôi đều cùng nhau có lời mời cậu ở với chúng tôi. Chẳng nhẽ cậu không thể lịch sự chấp nhận hay sao?”

“Có chứ ạ, và rất hân hạnh.”

Reiko nhăn sâu các nếp nhăn bên khóe mắt và nhìn tôi một lúc. “Cậu có lối nói chuyện kì nhỉ,” chị nói. “Chẳng nhẽ cậu định bắt chước anh chàng trong Bọn trẻ đồng xanh?”

“Đâu có!” tôi mỉm cười nói.

Reiko cũng mỉm cười theo, miệng vẫn ngậm điếu thuốc.

“Nhưng cậu là một người tốt lành đấy. Nhìn cậu, tôi có thể nói vậy. Tôi có thể phân biệt những chuyện này sau bảy năm quan sát những người ra vào nơi đây: có những người có thể cởi mở cõi lòng mình và có những người không thể làm được việc đó. Cậu thuộc loại đầu. Hoặc nói cho chính xác thì cậu có thể làm vậy nếu cậu muốn.

“Chuyện gì sẽ xảy ra khi người ta cởi mở cõi lòng mình?”

Reiko khoá hai bàn tay và đặt chúng lên bàn, điếu thuốc trễ trên môi. Chị đang thích thú lắm thì phải.

“Người ta sẽ tốt lành hơn,” chị nói. Tàn thuốc rơi xuống bàn, nhưng chị có vẻ không để ý.

Reiko và tôi rời khu nhà chính, vượt qua một trái đồi, rồi đi qua một bể bơi, mấy sân bóng quần, và một sân bóng rổ. Hai người đàn ông – một người trung niên gày gò và một thanh niên béo phục phịch – đang chơi bóng quần. Cả hai đều sử dụng vợt thành thạo, nhưng tôi có cảm tưởng như họ đang chơi cái gì đó không phải bóng quần. Có vẻ như cả hai đều có chung một mối quan tâm đặc biệt đến cách nảy qua nảy lại của trái bóng và đang cùng nghiên cứu lĩnh vực đó. Họ đánh trái bóng qua lại với một thái độ tập trung rất lạ. Cả hai đều đẫm mồ hôi. Anh thanh niên ở bên phía sân gần chúng tôi bỗng để ý thấy Reiko và chạy ra. Hai người trao đổi vài lời, miệng mỉm cười. Gần sân bóng, một người đàn ông có gương mặt không biểu lộ tí gì đang điều khiển một cái máy cắt cỏ lớn.

Đi tiếp chúng tôi đến một đám rừng trong đó có khoảng mười lăm hoặc hai mươi ngôi nhà nhỏ ngay ngắn đứng cách quang nhau khá xa. Ở trước cửa hầu hết các ngôi nhà ấy đều thấy có một chiếc xe đạp sơn vàng như của ông thường trực. “Đây là khu nhà của gia đình cán bộ,” Reiko nói.

“Chúng tôi có đủ thứ, hầu như không phải vào thành phố,” chị nói khi chúng tôi sánh bước. “Về thực phẩm thì như tôi đã nói, chúng tôi hầu như tự cấp được hết. Trứng thì chúng tôi nuôi gà đẻ. Chúng tôi có sách, đĩa hát, trang thiết bị thể dục, có cửa hàng bách hoá nhỏ riêng của chúng tôi, và tuần nào cũng có thợ cắt tóc và trang điểm đến phục vụ. Thậm chí cuối tuần nào cũng có chiếu phim. Cần thứ gì đặc biệt thì đề nghị cán bộ mua hộ trong thành phố. Quần áo thì đặt mua qua catalogue. Sống ở đây không có vấn đề gì hết.”

“Nhưng không ai được phép vào thành phố phải không?”

“Đúng thế, cái đó thì chúng tôi không được phép. Tất nhiên nếu có chuyện gì đặc biệt, như phải đến nha sĩ chẳng hạn, thì lại là chuyện khác, nhưng quy định chung là chúng tôi không được vào phố. Ai cũng hoàn toàn được tự do ra khỏi nơi này, nhưng đã ra là không được trở lại nữa. Coi như cắt cầu. Không thể vào phố mấy ngày rồi lại mong quay lại đâu. Cũng là hợp lý thôi. Nếu cứ vậy. thì rồi ai cũng đi đi về về suốt.”

Qua khỏi đám rừng chúng tôi đến một sườn đôi thoai thoải. Ở những quang cách không đều nhau dọc sườn đồi ấy là một dãy những ngôi nhà gỗ hai tầng có cái gì đó là lạ. Rất khó nói cái gì làm cho chúng có vẻ là lạ như thế, nhưng đó là cảm giác đầu tiên của tôi khi mới nhìn thấy chúng. Phản ứng ấy của tôi rất giống với cảm giác khi ta thấy cái gì đó không có thực mà lại được vẽ ra một cách rất thú vị. Tôi bỗng nghĩ ra rằng có thể đó là cái cảm giác khi ta thấy một bộ phim hoạt hoạ của Wall Disney vẽ dựa trên một bức tranh của Munch. Tất cả những ngôi nhà ấy đều có hình dáng và màu sắc hệt như nhau, gần như một khối vuông, trái phải hoàn toàn đối xứng nhau, với cửa ra vào lớn và rất nhiều cửa sổ. Con đường chạy vòng vèo qua khu nhà ấy như một lộ trình giả tạo để luyện tập trong một trường dạy lái xe. Trước cửa nhà nào cũng có một dãy bụi hoa xén tỉa cẩn thận. Không đâu có bóng người, và các cửa sổ đều buông rèm kín mít.

“Đây gọi là Khu C. Phụ nữ sống ở đây. Chúng tôi đấy! có mười nhà, mỗi nhà có bốn đơn nguyên, mỗi đơn nguyên hai người. Vị chi là tám mươi người tất cả, nhưng hiện thời chúng tôi chỉ có ba mươi hai người.”

“Yên tĩnh quá, phải không ạ”

“Ấy là vì lúc này không có ai ở nhà,” Reiko nói. “Tôi thì được phép tự do đi lung tung thế này, nhưng mọi người khác đều đang bận làm các việc theo lịch riêng của họ. Có người lúc này đang tập thể dục, có người đang làm vườn, có người đang dự nhóm điều trị, có người đang đi hái thuốc. Mỗi người tự lên lịch cho chính mình. Đề xem bây giờ Naoko đang làm gì nào? Có lẽ cô ấy đang sơn hoặc lăn giấy dán tường ở đâu đó. Tôi không nhớ. Một số việc như vậy chỉ kết thúc vào lúc năm giờ.”

Reiko vào ngôi nhà có đánh dấu “C-7”, lên cầu thang ở cuối hành lang, rồi mở cánh cửa bên phải vẫn để không khoá. Chị dẫn tôi vào căn hộ đó, một đơn nguyên bốn phòng thú vị mặc dù hơi đơn điệu: phòng khách, phòng ngủ, bếp và nhà tắm. Không có đồ đạc gì thừa hoặc trang trí gì không cần thiết, mà vẫn không có vẻ khắc khổ. Chẳng có gì đặc biệt, nhưng ở trong căn hộ ấy cũng kiểu như ở bên cạnh Reiko: ta có thể thư giãn và để mọi căng thẳng rời bỏ thân xác mình. Phòng khách có một cái sô-pha, một cái bàn, và một cái ghế xích đu. Trong bếp có một cái bàn nữa. Bàn nào cũng có một cái gạt tàn to tướng. Phòng ngủ có hai giường, hai bàn viết và một khoang tủ quần áo. Giữa hai đầu giường là một cái bàn đêm có cây đèn và một cuốn sách bìa mềm đọc dở úp trên đó. Bếp có một cái nồi điện nhỏ cân xứng với một cái tủ lạnh nhỏ, và được bố trí thiết bị để có thể nấu nướng đơn giản.

“Không có bồn tắm, chỉ có hương sen, nhưng cũng được đấy chứ, cậu thấy thế nào? Tắm bồn và giặt giũ thì vào nhà tắm chung.”

“Quá tốt rồi. Phòng học xá của tôi chỉ có một cái trần và một cửa sổ”

“A, nhưng cậu chưa thấy mùa đông ở đây,” Reiko nói, chạm tay vào lưng tôi để hướng tôi vào cái sô-pha rồi ngồi xuống cạnh tôi. “Dài và khắc nghiệt. Chẳng có gì ngoài tuyết và tuyết và tuyết, nhìn đâu cũng chỉ có thế. Ẩm thấp và lạnh thấu xương. Suốt mùa đông chúng tôi chỉ xúc tuyết. Hầu hết là chỉ ở trong nhà cho ấm, nghe nhạc, tán chuyện hoặc đan lát. Nếu không rộng rãi thế này thì chết ngạt. Cậu sẽ hiểu nếu cậu đến đây vào mùa đông.”

Reiko thở dài thườn thượt như đang mường tượng cảnh mùa đông, rồi úp cả hai bàn tay lên hai đầu gối.

“Đây sẽ là giường của cậu,” chị nói, vô vỗ cái sô-pha. “Chúng tôi ngủ trong phòng kia, còn cậu sẽ ngủ ở đây Thế được chứ, cậu nghĩ sao?”

“Nhất định là được rồi.”

“Vậy là xong nhé,” Reiko nói. “Chúng tôi sẽ về khoảng năm giờ. Naoko và tôi đều có

việc phải làm cho đến lúc đó. Cậu chịu khó ở đây một mình được không?”

“Được chứ ạ. Tôi sẽ làm bài tiếng Đức của mình.”

Khi Reiko đã đi rồi, tôi nằm dài trên sô-pha và nhắm mắt lại. Tôi nằm đó, đắm mình vào cái im lặng, rồi bỗng nhớ lại thời Kizuki và tôi đi chơi bằng môtô với nhau. Thì ra đó cũng là vào mùa thu. Mùa thu, mấy năm rồi nhỉ. Phải rồi, bốn năm. Tôi nhớ lại mùi chiếc áo da của Kizuki và tiếng động cơ đinh tai của chiếc Yamaha 125 phân khối màu đỏ. Chúng tôi phóng đến một nơi mãi tít dưới bở biển rồi trở lại ngay tối hôm đó, mệt nhoài. Chẳng có gì đặc biệt trong chuyến đi ấy, nhưng tôi nhớ nó rất rõ. Gió thu quật rát hai bên tai, và vừa ngẩng nhìn trời vừa bám chặt lấy cái áo da của Kizuki, tôi ngớ như mình có thể bị gió thổi bay lên vũ trụ.

Tôi nằm đó rất lâu, mặc cho tâm trí lang thang từ kí ức này sang kí ức khác. Không hiểu sao, khi nằm trong gian phòng ấy tôi bỗng nhớ lại những kỉ niệm xa xôi mà trước đấy tôi rất ít khi hoặc chưa bao giờ nhớ đến. Nhiều kỉ niệm thật vui, nhưng nhiều cái buồn man mác.

Như thế này bao lâu rồi nhỉ? Tôi đắm đuối trong dòng thác hồi tưởng (quả thực là một dòng thác, như một ngọn suối vọt ra từ khe đá) đến nỗi không biết là Naoko đã lẳng lặng mở cửa và bước vào nhà. Tôi mở mắt, và nàng đã ở đó rồi. Tôi ngẩng đầu và nhìn vào đôi mắt nàng một lúc lâu. Nàng đang ngồi lên tay ghế sô-pha nhìn tôi. Lúc đầu tôi nghĩ nàng chỉ là một hình ảnh hiện ra từ những kí ức của tôi. Nhưng đó là Naoko bằng xương bằng thịt.

“Đang ngủ à?” nàng thì thầm.

“Không,” tôi nói, “chỉ đang nghĩ”. Tôi ngồi dậy và hỏi, “Cậu khoẻ không?”

“Mình khoẻ,” nụ cười nho nhỏ của nàng giống như một cảnh trí nhợt nhạt xa vời. “Mình không có nhiều thời gian đâu. Đáng ra mình không được ở nhà bây giờ. Chỉ chạy đi được một phút thôi, mình phải trở lại ngay. Cậu có ghét tóc mình không?”

“Hoàn toàn không,” tôi nói. “Xinh đấy chứ.” Tóc nàng để giản dị như kiểu nữ sinh, một bên có dải buộc như nàng vẫn buộc ngày trước. Nó rất hợp với nàng, như thể lúc nào nàng cũng buộc tóc như thế. Nàng giống như một trong những bé gái xinh đẹp vẫn thường thấy trong các bức tranh khắc gỗ thời Trung cổ.

“Thật khổ vì đầu với tóc, mình nhờ Reiko cắt đấy. Cậu nghĩ thế này đẹp thật à?”

“Thật mà.”

“Mẹ mình ghét lắm.” Nàng cởi dải buộc, buông tóc xuống, vuốt thẳng, rồi buộc trở lại.

Cái dải có hình giống một con bướm.

“Mình muốn gặp cậu một mình trước khi cả ba tụi mình ở với nhau. Không phải là mình có gì đặc biệt muốn nói. Mình chỉ muốn nhìn mặt cậu và quen với việc có cậu ở đây. Nếu không, mình sẽ khó lòng làm quen lại với cậu. Mình kém giao tiếp quá.”

“Thật vậy sao? tôi hỏi. “Thế này đã được chưa?”

“Hơi hơi rồi,” nàng nói, lại đưa tay lên dải buộc đầu. “Nhưng hết giờ rồi. Mình phải đi đã.”

Tôi gật đầu.

“Toru này,” nàng bắt đầu, “Mình thực lòng cảm ơn cậu đã đến thăm. Mình hạnh phúc lắm. Nhưng nếu ở đây mà cậu thấy nặng nề, cậu cứ việc bảo mình ngay nhé. Đây là một nơi đặc biệt, và nó có một chế độ đặc biệt, và có những người không thể hoà nhập được. Vậy nếu cậu thấy thế thì hãy làm ơn cho mình biết thực lòng nhé. Mình sẽ không sao đâu. Ở đây chúng mình chân thực với nhau. Chúng mình nói với nhau mọi thứ với tháị độ hoàn toàn chân thực.”

“Mình sẽ cho cậu biết,” tôi nói. “Mình sẽ chân thực.”

Naoko ngồi xuống và dựa vào tôi trên sô-pha. Khi tôi quàng tay quanh người nàng, nàng dựa đầu lên vai tôi và dụi mặt vào cổ tôi. Nàng giữ tư thế ấy một lúc, như thể

đang đo nhiệt độ cho tôi. Ôm nàng trong tay, tôi thấy ngực mình ấm áp. Một lúc sau, nàng lẳng lặng đứng dậy rồi đi ra cửa, cũng im lìm như lúc nàng vào nhà.

Naoko đi rồi, tôi ngủ thiếp đi trên sô-pha. Tôi không định thế, nhưng cứ thiếp đi vào một giấc ngủ sâu chưa từng có đã rất lâu rồi, và tràn đầy một cảm thửc về sự có mặt của Naoko. Trong bếp là những bát đĩa Naoko vẫn dùng, trong nhà tắm là chiếc bàn chải đánh răng Naoko vẫn dùng, và trong phòng ngủ là chiếc giường Naoko vẫn ngủ. Ngủ say trong căn hộ của nàng, tôi vắt kiệt cảm giác mệt nhọc ra khỏi từng tế bào của thân xác mình, từng giọt một. Tôi mơ thấy một con bướm đang bay lượn như múa trong ánh sáng mờ ảo.

Khi tỉnh lại, kim đồng hồ trên tay tôi chỉ bốn giờ ba mười lăm phút. Ánh sáng đã khác, gió đã ngừng thổi, hình dạng nhưng đám mây cũng đã đổi khác. Tôi ra mồ hôi trong khi ngủ, nên lấy một chiếc khăn nhỏ trong ba-lô ra lau mặt và thay một chiếc áo chẽn mới. Vào trong bếp, tôi uống nước rồi đứng đó nhìn qua cửa sổ phía trên bồn rửa. Tôi đang nhìn thẳng sang một cửa sổ của toà nhà đối diện, bên trong thấy treo nhiều hình cắt giấy: một con chim, một đám mây, một con bò, một con mèo, tất cả được cắt rất khéo và được nối với nhau. Cũng như trước, không có bóng dáng một người nào ở quanh đó, và không có bất cứ một thứ tiếng động gì. Tôi cảm thấy như đang đứng một mình giữa một nơi hoang phế được chăm sóc rất cẩn thận.

Sau năm giờ thì mọi người bắt đầu lục tục quay về Khu C. Nhìn qua cửa sổ bếp, tôi thấy ba người đàn bà đi ngang qua ở bên dưới. Tất cả đều đội mũ nên tôi không thể đoán tuổi họ, nhưng nghe giọng nói thì họ có vẻ không còn trẻ nữa. Ngay sau khi họ khuất dạng sau góc nhà, lại thấy bốn người nữa xuất hiện ở cùng hướng đó và cũng biến mất sau góc nhà đó. Mọi vật đắm chìm trong một tâm trạng chiều tà. Qua cửa sổ phòng khách tôi có thể thấy rừng và một rặng đồi. Một dải nắng nhạt lửng lơ trên rặng đồi ấy. Naoko và Reiko về nhà cùng với nhau lúc năm rưỡi.

Naoko và tôi chào nhau đúng mực như thể mới gặp nhau lần đầu. Nàng có vẻ lúng túng thật sự. Reiko để ý thấy cuốn sách tôi đang đọc và hỏi đó là cuốn gì. Núi Thiêng của Thomas Mann, tôi bảo chị.

“Sao cậu có thể đem theo một cuốn sách như thế đến nơi này được nhỉ?” chị hỏi. Chị có lý, rõ quá rồi.

Sau đó Reiko làm cà-phê cho cả ba chúng tôi. Tôi kể cho Naoko về sự biến mất đột ngột của Quốc-xã và về lần cuối cùng chúng tôi còn thấy nhau, khi hắn cho tôi con đom đóm.

“Cậu ta biến mất như vậy thật đáng tiếc,” nàng nói. “Mình vẫn muốn nghe thêm chuyện về cậu ta.” Reiko hỏi Quốc-xã là ai, tôi bèn kể cho chị nghe những câu chuyện đã thành cổ tích về hắn và chị được một mẻ cười vỡ bụng. Thế giới thanh bình và tràn ngập tiếng cười mỗi khi được nghe chuyện về Quốc-xã.

Sáu giờ thì chúng tôi đến nhà ăn ở khu nhà chính ăn tối. Naoko với tôi ăn cá rán với rau trộn, rau luộc, cơm trắng và súp đậu tương. Reiko chỉ ăn rau trộn mì với cà-phê, rồi đến một điếu thuốc lá.

“Già rồi đâu có cần ăn nhiều,” chị nói như để giải thích.

Khoảng hai mươi người khác đã đang ở trong nhà ăn. Trong khi chúng tôi ăn, có vài người nữa đến, và cũng vài người đi. Ngoài chuyện tuổi tác khác nhau của những người ở đây, quang canh nhà ăn cũng không khác là mấy so với ở khu học xá của tôi. Có cái khác là ở đây mọi người trò chuyện bằng một giọng đều đều. Không có hò hét mà cũng không có thì thầm, không ai cười, không ai khóc, không ai làm bộ tịch và kêu gào, chỉ có những đối thoại yên ắng, và tất cả đều bằng một giọng đều đều. Người ta ăn thành từng mâm từ ba đến năm người, mỗi mâm có một diễn giả duy nhất mà cả mâm đều gật gù lắng nghe và tán thưởng, và khi người đó đã nói xong thì người khác lại bắt đầu lên tiếng. Tôi không thể biết mọi người đang nói những chuyện gì, nhưng cung cách của họ làm tôi nhớ đến trận bóng quần lạ lùng đã thấy hồi trưa. Tôi tự hỏi liệu Naoko có nói năng như thế không khi ăn cùng với họ, và lạ lùng thay, tôi bỗng thấy một thoáng cô đơn nhuốm màu ghen tị.

Ở bàn sau, một ông hói đầu mặc áo choàng trắng có điệu bộ oai vệ của một bác sĩ

đang phải cầm cự với một thanh niên đeo kính trông rất lo lắng và một bà mặt chuột đứng tuổi về tác dụng của tình trạng mất trọng lượng đối với quá trình bài tiết các chất lỏng tiêu hoá. Hai người kia lắng nghe với những “Trời đất ơi” hoặc “Thật ư” chêm vào lúc này lúc khác, nhưng càng nghe ông hỏi nói năng tôi càng cảm thấy không biết ông ta có phải là bác sĩ thật không, mặc dù mặc áo choàng trắng.

Không ai trong nhà ăn để ý đặc biệt gì đến tôi. Không ai nhìn tôi, hoặc thậm chí có vẻ như biết có tôi ở đó. Sự có mặt của tôi chắc phải là một sự kiện hoàn toàn tự nhiên.

Tuy vậy, có một lần, ông mặc áo trắng quay lại hỏi tôi “Anh sẽ ở lại đây bao lâu?”

“Hai đêm,” tôi nói. “Thứ Tư thì tôi đi.”

“Bây giờ thì ở đây đang đẹp, phải không nào? Nhưng anh phải trở lại vào mùa đông kia. Lúc ấy mới thực là đẹp. Cái gì cũng trắng muốt hết.”

“Có thể lúc tuyết xuống thì Naoko cũng không ở đây nữa rồi,” Reiko bảo ông ta.

“Đúng thế, nhưng mà, mùa đông mới thực là đẹp,” ông ta nhắc lại với vẻ ảm đạm. Tôi lại càng không chắc ông có phải là bác sĩ hay không.

“Mọi người thường chuyện trò những gì vậy?” tôi hỏi Reiko. Chị có vẻ như chưa hiểu tôi hỏi gì.

“Bọn tôi nói chuyện gì với nhau ư? Thì những chuyện thường thường vậy thôi. Trong ngày có chuyện gì xảy ra, ai mới đọc được những sách gì, ngày mai thời tiết sẽ ra sao, cậu còn lạ gì. Chẳng nhẽ cậu tưởng sẽ có người nhảy lên và hò hét những chuyện như “Mai trời sẽ mưa nếu đêm nay gấu trắng ăn hết sao trên trời!” hay sao?”

“Không, không, tất nhiên là không rồi,” tôi nói. “Tôi chỉ đang tự hỏi những đối thoại rì rầm kia là những chuyện gì mà thôi.”

“Đây là một nơi yên ắng, nên mọi người nói năng yên ắng vậy thôi,” Naoko nói. Nàng xếp xương cá thành một đống gọn ghẽ ở mép đĩa và chấm chấm miệng bằng một

chiếc khăn tay. Ở đây không ai phải lên giọng làm gì Không cần phải thuyết phục ai về chuyện gì, cũng không cần phải làm cho ai phải chú ý.”

“Có lẽ thế,” tôi nói, nhưng khi đang ăn trong môi trường yên ắng ấy, tôi ngạc nhiên thấy mình nhớ tiếc âm thanh của một đám đông người. Tôi muốn nghe thấy tiếng cười và tiếng người hò hét vô cớ và nói những thứ linh tinh quá đáng. Đó cũng chính là thứ âm thanh đã làm tôi mệt mỏi trong nhiều tháng qua, nhưng ngồi ăn món cá trong gian phòng yên ắng bất thường ấy, tôi không thể nào thư giãn nổi. Cái nhà ăn ấy có không khí của một hội chợ máy công cụ chuyên dụng. Những người cùng quan tâm về một lĩnh vực chuyên biệt tụ họp với nhau ở một nơì và trao đổi thông tin mà chỉ có họ mới hiểu được.

Trở lại phòng sau bữa ăn, Naoko và Reiko tuyên bố họ sẽ đến nhà tắm chung của Khu C và nếu tôi không ngại phải tắm hương sen thì tôi có thể tắm ở buồng tắm trong nhà. Tôi bảo sẽ tắm ở nhà, và sau khi họ đã đi, tôi cởi quần áo, xối nước tắm và gội đầu. Tôi tìm thấy một đĩa nhạc Bill Evans trên giá sách và vừa nghe nó vừa lau đầu thì bỗng nhớ ra đó chính là cái đĩa tôi đã nghe ở phòng Naoko đêm hôm sinh nhật nàng, cái đêm mà nàng đã khóc và tôi đã ôm nàng vào lòng. Chuyện đó mới chỉ có sáu tháng trước đây, nhưng có vẻ như đã thành một quá khứ rất xa vời. Có lẽ vì tôi đã nghĩ đến nó quá nhiều, đến mức làm méo mó cả cám thức của mình về thời gian.

Trăng thật sáng. Tôi tắt hết đèn rồi nằm dài trên sô-pha nghe tiếng dương cầm của Bill Evans. Tràn vào qua cửa sổ, ánh trăng hắt nhiều bóng tối đổ dài và làm tường nhà loang lổ những mảng như mực tàu vẽ bút nhòe. Tôi lấy trong ba-lô ra bình rượu kim loại, để cho rượu chảy vào đầy miệng, thả cho cảm giác ấm áp chậm chạp lan từ cổ họng xuống bụng rồi từ đó toả đi khắp tứ chi. Sau ngụm cuối cùng, tôi đóng nắp bình và cất nó lại vào ba-lô Giờ thì ánh trăng có vẻ như đang nghiêng ngả cùng âm nhạc.

Hai mươi phút sau, Naoko và Reiko từ nhà tắm trở về.

“Ôi chao! Sao tối thế này, bọn tôi cứ tưởng cậu đã khăn gói về Tokyo mất rồi!” Reiko kêu lên.

“Sao lại thế được,” tôi nói. “Bao nhiêu năm rồi tôi mới thấy trăng sáng như thế này. Tôi muốn nhìn trăng mà không có đèn đấy thôi.”

“Thế này mới thích đấy,” Naoko nói. “Chị Reiko, mình còn cây nến nào từ lần mất điện trước không nhỉ?”

“Có lẽ còn, trong ngăn kéo bàn bếp ấy.”

Naoko mang ra một cây nến trắng lớn. Tôi thắp nến, nhỏ một ít sáp vào lòng một cái đĩa rồi dựng cây nến lên đó. Reiko dùng lửa nến châm thuốc. Khi ba chúng tôi ngồi đối diện cây nến giữa khung cảnh yên ắng ấy, có vẻ như chúng tôi bắt đầu cảm thấy như mình là những kẻ duy nhất còn lại của loài người ở một góc xa thẳm của thế giới. Bóng trăng im lìm gặp gỡ và trộn lẫn với bóng nến lung linh trên những mảng tường trắng của căn hộ. Naoko với tôi ngồi cạnh nhau trên sô-pha, còn Reiko ngồi ghế xích đu đối diện chúng tôi.

“Mình uống tí vang chứ?” Reiko hỏi tôi.

“Mọi người được phép uống rượu à?” tôi hỏi, hơi ngạc nhiên.

“Thật ra thì không,” Reiko nói, gãi gãi tai ra bộ lúng túng. “Nhưng họ cũng sẵn lòng bỏ quá cho chuyện ấy nếu chỉ là vang hoặc bia và đừng có quá chén. Có một bạn cán bộ thỉnh thoảng vẫn mua một ít cho tôi.”

“Bọn mình vẫn uống với nhau,” Naoko nói với một giọng láu lỉnh. “Chỉ hai bọn mình thôi.”

“Thế mới hay,” tôi nói.

Reiko lấy từ tủ lạnh ra một chai vang trắng, dùng cái mở nút chai khui nó ra, và đem ra ba cái cốc pha lê. Thứ vang ấy có một hương vị thơm ngon và thanh khiết như rượu nhà làm. Khi hết đĩa hát, Reiko lôi từ dưới gầm giường ra một cây ghi-ta, và sau khi lên dây đàn với vẻ âu yếm, chị bắt đầu chơi một bài phức điệu chậm của Bach. Ngón

đàn của chị thỉnh thoảng có trượt nốt này nốt kia, nhưng đó thực sự là nhạc Bach, với một tình cảm chân thực, ấm áp, thân mật, và tràn ngập niềm vui biểu diễn.

“Tôi bắt đầu chơi ghi-ta ở đây,” Reiko nói. “Không phòng nào có dương cầm, tất nhiên rồi. Tôi tự học, và không có tay ghi-ta lắm nên chẳng bao giờ chơi thật hay được nhưng tôi thật sự yêu cây đàn này. Nó nhỏ, giản dị và dễ dàng, như một căn phòng nhỏ ấm áp vậy.”

Chị chơi thêm một bản Bach ngắn nữa, có vẻ như trích từ một tổ khúc. Mắt nhìn lửa nến, miệng nhấp rượu vang, tai nghe nhạc Bach, tôi cảm thấy những căng thẳng của mình đang cạn dần, trôi đi nơi khác. Khi Reiko kết thúc bài Bach, Naoko đề nghị chị chơi một cả khúc Beatles.

“Đến giờ âm nhạc theo yêu cầu đây,” Reiko nói, nháy mắt về phía tôi. “Ngày nào cô cũng bắt tôi chơi Beatles, như thể tôi là ca nô của cô ta vậy.”

Nói thế, nhưng Reiko vẫn chơi bài “Michelle” thật tuyệt “Bài này hay thật,” chị nói.

“Tôi rất thích bài hát ấy” Chị nhấp một ngụm rượu và rít một hơi thuốc lá.

“Nó khiến tôi tưởng như mình đang ở trên một đồng cỏ lớn dưới làn mưa nhè nhẹ.”

Rồi chị chơi bài “Người đàn ông vô định” và bài “Julia”, Trong khi chơi, thỉnh thoảng chị nhắm mắt và lắc đầu bên này bên kia. Chơi xong chị lại uống và rít thuốc.

“Chơi bài Rừng Na-uy đi,” Naoko nói.

Reiko đem từ trong bếp ra một con mèo bằng sứ có điệu bộ đang ngoắc tay ra hiệu. Đó là một cái bình đựng tiền đề dành, và Naoko lấy từ trong ví mình ra một đồng 100 Yen rồi thả vào đó.

“Chuyện gì vậy?” tôi hỏi.

“Luật đấy,” Naoko nói. “Khi mình yêu cầu bài Rừng Na-uy, mình phải bỏ 100 Yên vào bình. Đó là bài mình thích nhất, nên mình phải trả tiền. Mình chỉ yêu cầu bài này khi

thực sự muốn nghe nó.”

“Còn tôi thì có tiền mua thuốc lá!” Reiko nói.

Reiko co duỗi các ngón tay một lúc rồi chơi bài Rừng Na-uy. Chị vẫn chơi với tình cảm rất thật, nhưng không bao giờ để bản nhạc thành bi luỵ. Tôi lấy trong túi quần ra một đồng 100 Yên và thả vào bình.

“Cám ơn,” Reiko nói với một nụ cười ngọt lịm.

“Bài hát đó có thể làm cho mình thật buồn,” Naoko nói. “Củng không biết nữa, nhưng có lẽ mình tưởng tượng như đang lang thang trong một khu rừng sâu.

Mình chỉ có một mình và trời thì lạnh và tối, và chẳng có ai đến cứu mình. Chính vì vậy mà Reiko chỉ chơi nó khi nào mình yêu cầu thôi.”

[3]
“Nghe như Cazablanca ấy nhỉ!” Reiko cười.

Sau bài Rừng Na-uy, chị chơi tiếp vài điệu nhảy bossa novas trong khi tôi không rời mắt khỏi Naoko. Đúng như nàng đã viết trong thư, trông nàng khoẻ mạnh hơn trước, rám nắng, thân hình rắn rồi nhờ tập thể dục và lao động ngoài trời. Mắt nàng vẫn là hai vùng nước trong sâu thẳm, môi nàng vẫn e ấp run rẩy như xưa, nhưng nhìn chung vẻ đẹp của nàng đã bắt đầu chuyển biến sang cũng cách của một người đàn bà trưởng thành. Hầu như không còn thấy vẻ sắc lạnh – cái sắc lạnh của một lưỡi dao mỏng – vẫn lẩn quất bên dưới vẻ đẹp của nàng ngày trước, và thay vào đó giờ đây là một vẻ bình thản im ắng đặc biệt dịu dàng. Tôi cảm thấy xúc động bởi vẻ đẹp dịu dàng mới mẻ này của nàng, và kinh ngạc thấy rằng một người đàn bà có thể đổi thay nhiều đến thế chỉ trong vòng nửa năm trời. Tôi thấy mình bị nàng cuốn hút hơn bao giờ hết, có lẽ hơn cả trước đây, nhưng ý nghĩ về những gì nàng đã mất trong thời gian qua cũng khiến tôi hoài tiếc. Sẽ không bao giờ nàng có lại được vẻ đẹp vị kỉ thường chỉ biết nghe theo tiếng gọi độc lập của chính mình vốn chỉ thấy ở nhưng cô gái vị thành niên chứ không thể ở ai khác.

Naoko nói nàng muốn nghe chuyện tôi sống hàng ngày ra sao. Tôi kể cho nàng về vụ sinh viên bãi khoá và về Nagasawa. Đó là lần đầu tiên tôi kể cho nàng nghe về anh chàng đó. Tôi thấy như mình bị thách thức khi cố nói cho thật chính xác về nhân cách lạ lùng của con người ấy, thứ triết lý độc đáo của hắn, và hệ giá trị đạo đức không có trọng tâm của hắn; nhưng Naoko có vẻ cuối cùng cũng nắm được những cái tôi đang cố kể cho nàng. Tôi giấu chuyện đi săn gái với hắn, chỉ tiết lộ rằng người duy nhất trong học xá mà tôi thực sự thấy đáng chơi lại chính là anh chàng bất thường này. Trong khi đó, Reiko mải mê tập lại bài phức điệu của Bach mà chị đã chơi lúc trước, thỉnh thoảng lại nghỉ uống rượu và hút thuốc.

“Nghe như anh ta là một người kì lạ,” Naoko nói.

“Hắn là người kì lạ,” tôi nói.

“Nhưng cậu thích anh ta?”

“Mình cũng không biết nữa,” tôi nói. “Có lẽ mình không thể nói là mình thích hắn. Nagasawa đã vượt quá ngưỡng của thích và không thích. Hắn không cố để được thích. Về mặt đó, hắn là một anh chàng rất chân thành, thậm chí khắc kỉ. Hắn không định lỡm ai bao giờ.”

“Một tên khắc kỉ ngủ với tất cả lũ con gái kia ư? Đấy mới là chuyện lạ,” Naoko cười. “Hắn đã ngủ với bao nhiêu cô rồi?”

“Có thể đến tám mươi rồi,” tôi nói. “Nhưng trong trường hợp của hắn, con số ấy càng lớn thì những hành động đơn lẻ kia càng ít có ý nghĩa. Mà đấy có lẽ là cái mà hắn muốn đạt tới.”

“Và cậu gọi đó là “khắc kỉ?”

“Với hắn thì là đúng như vậy.”

Naoko nghĩ về những lời tôi nói trong một phút, rồi nói: “Mình nghĩ hắn bệnh trong

đầu hơn mình nhiều.”

“Mình cũng nghĩ thế,” tôi nói. “Nhưng hắn có khả năng tập hợp tất cả nhưng phẩm chất bệnh hoạn của hắn thành một hệ thống có logic. Hắn xuất sắc lắm. Nếu ta đưa hắn đến đây, hắn sẽ được xuất viện sau hai ngày. “Ồ, nhất định rồi, tôi biết hết những cái đó rồi mà,” hắn sẽ nói. “Tôi hiểu mọi thứ quí vị đang làm ở đây.” Hắn là loại người như vậy đấy Loại được mọi người kính trọng.”

“Có lẽ mình xuất sắc ngược lại,” Naoko nói. “Mình chẳng hiểu tí gì những cái họ đang làm ở đây – chẳng hơn gì việc hiểu chính mình.”

“Không phải chuyện cậu thiếu thông minh,” tôi nói. “Cậu là bình thường. Bản thân mình cũng có hàng tấn việc về bản thân mà mình chẳng hiểu tí gì. Cả hai chúng mình đều bình thường, tầm tầm như nhau cả.”

Naoko co chân lên sô-pha và tựa cằm vào đầu gối.

“Mình muốn biết thêm nữa về cậu,” nàng nói.

“Mình chỉ là một thằng bình thường – gia đình bình thường, học hành bình thường, mặt mũi bình thường, kết quả thi bình thường, với những ý nghĩ bình thường trong đầu.”

“Cậu là người rất mê Scott Fitzgerald… có phải ông ta là người đã nói chớ nên tin người nào tự gọi mình là một người bình thường không nhỉ? Chính cậu cho mình mượn cuốn sách đó mà!” Naoko nói với một nụ cười ranh mãnh.

“Đúng thế,” tôi nói. “Nhưng đây không phải là làm bộ. Từ tận đáy lòng, mình thực sự tin rằng mình là một người bình thường. Cậu có thể tìm thấy cái gì ở mình mà lại không bình thường không nào?”

“Tất nhiên là có!” Naoko nói, hơi có vẻ sốt ruột. “Chẳng nhẽ cậu không biết? Cậu nghĩ mình ngủ với cậu là vì sao hả? Là vì mình đã say và sẽ ngủ với bất kì ai hay

sao?”

“Không, tất nhiên mình không nghĩ thế,” tôi nói.

Naoko im lặng một lúc lâu, mắt chăm chú nhìn xuống ngón chân. Không biết nói gì, tôi nhấp một ngụm vang nữa.

“Cậu đã ngủ với bao nhiêu cô rồi hả Toru? Naoko hỏi với một giọng khẽ khàng như thể ý nghĩ ấy vừa mới thoáng hiện lên trong tâm trí nàng.

“Tám hoặc chín,” tôi thành thật đáp.

Reiko dựng cây ghi-ta lên lòng. “Cậu còn chưa đến hai mươi!” chị nói. “Cậu sống kiểu gì vậy hả.”

Naoko giữ im lặng và nhìn tôi với đôi mắt trong veo của nàng. Tôi kể cho Reiko về cô gái đầu tiên đã ngủ với tôi và hai đứa đã chia tay ra sao. Tôi đã thấy không thể yêu được cô ấy tôi giải thích. Tôi kể tiếp cho chị về chuyện tôi ngủ với hết cô này đến cô khác dưới sự dạy dỗ của Nagasawa.

“Mình không định chống chế đâu, nhưng mình thấy đau khổ,” tôi nói với Naoko. “Đấy, hầu như tuần nào mình cũng gặp cậu, chuyện trò với cậu, và biết rằng con người duy nhất trong trái tim cậu là Kizuki. Chuyện đó đau. Thực đau. Và có lẽ vì thế mà mình ngủ với nhưng cô gái không quen biết.”

Naoko lắc đầu một vài lần, rồi nàng ngẩng lên về phía tôi. “Lần ấy cậu đã hỏi tại sao mình chưa bao giờ ngủ với Kizuki, đúng không? Cậu có còn muốn biết nữa không?”

“Có lẽ đó là điều mà mình bắt buộc phải biết,” tôi nói.

“Mình cũng nghĩ vậy,” Naoko nói. “Người chết sẽ luôn là người chết, còn chúng ta phải tiếp tục sống.”

Tôi gật đầu. Reiko chơi đi chơi lại mãi một đoạn nhạc, cố cho thật đúng.

“Mình đã sẵn sàng để ngủ với cậu ấy,” Naoko nói, tháo dải buộc đầu ra và buông tóc xuống. Nàng nghịch cái hình con bươm bướm trong tay. “Và lẽ tất nhiên là cậu ấy muốn ngủ với mình. Và bọn mình thử. Bọn mình thử nhiều lần lắm. Nhưng chẳng lần nào được cả. Hai đứa mình không thể làm được chuyện đó. Lúc ấy mình không hiểu tại sao, và bây giờ vẫn vậy. Mình yêu cậu ấy và cũng chẳng sợ mất trinh. Mình sẽ rất vui được làm bất kì những gì cậu ấy muốn. Nhưng chẳng bao giờ ra sao cả.”

Naoko nhấc món tóc vừa buông lúc nãy lên và buộc lại.

“Mình không thể nào ướt được,” nàng nói, chỉ hơi nghe thấy giọng. “Mình không bao giờ mở được mình cho cậu ấy. Nên lần nào cũng đau. Chỉ vì quá khô, nên rất đau đớn. Bọn mình thử đủ mọi thứ có thể nghĩ ra được các loại kem bôi trơn với đủ thứ khác – nhưng mình vẫn đau đớn. Nên mình đành dùng tay, hoặc môi. Mình phải làm thế cho cậu ấy. Cậu hiểu mình nói gì mà.”

Tôi im lặng gật đầu.

Naoko ném cái nhìn trân trối của nàng lên vầng trăng ngoài cửa sổ đang mỗi lúc mỗi lớn lên và sáng hơn trước.

“Mình đã không bao giờ muốn nói đến chuyện này,” nàng lên tiếng. “Mình muốn giữ kín chúng ở trong lòng. Mình vẫn mong làm được vậy. Nhưng mình vẫn phải nói ra. Mình vẫn chưa có câu trả lời. Nghĩa là, lần mình ngủ với cậu mình đã ra nước rất nhiều phải không nào?”

“Ờ” tôi đáp.

“Mình đã ướt ngay khi cậu bước vào căn hộ của mình đêm hôm sinh nhật ấy. Mình đã muốn cậu ôm mình. Mình đã muốn cậu cởi quần áo mình, sờ đến khắp chỗ trên người mình, và vào trong mình. Trước đó chưa bao giờ mình như vậy. Tại sao thế? Sao mọi việc lại xảy ra như thế? Mình đã thực sự yêu cậu ấy cơ mà?”

“Chứ không phải yêu mình,” tôi nói. “Cậu muốn biết tại sao cậu lại cảm thấy như vậy

đối với mình, mặc dù cậu không yêu mình, có đúng không?”

“Mình xin lỗi,” Naoko nói. “Mình không định làm tổn thương cậu, nhưng ít nhất cậu phải hiểu là Kizuki với mình có một quan hệ thực sự đặc biệt. Hai đứa đã chơi với nhau từ thuở mới lên ba. Bọn mình đã lớn lên như thế đấy: luôn luôn bên nhau, lúc nào cũng chuyện trò, và hoàn toàn hiểu nhau. Lần đầu bọn mình hôn nhau – ấy là năm đầu tiên ở trung học – thì thật là tuyệt vời. Lần đầu thấy kinh, mình đã chạy ù đến cậu ấy và khóc như một đứa bé con. Bọn mình gần gụi nhau như thế đấy. Nên sau khi cậu ấy chết, mình không biết quan hệ với người khác như thế nào nữa. Mình không biết cả nghĩa lí của chuyện yêu một người khác nữa.”

Nàng với lấy cốc rượu vang trên bàn, nhưng chỉ làm nó đổ lênh láng xuống thảm. Tôi cúi xuống lượm cái cốc, đặt nó lên bàn. Tôi hỏi nàng có muốn uống nữa không?

Naoko im lặng một lúc, rồi bỗng oà lên khóc, cả người run bần bật. Chúi về phía trước, nàng vùi mặt vào hai bàn tay và thổn thức cũng dữ dội đến nghẹt thở như đêm nào. Reiko bỏ cây ghi-ta xuống và ngồi cạnh Naoko, vuốt vẻ lưng nàng. Khi chị ôm lấy vai Naoko, nàng nép mặt vào ngực chị như một đứa bé.

“Này cậu,” Reiko nói với tôi, “Có lẽ cậu nên ra ngoài đi dạo một lát. Chừng hai mươi phút gì đó. Xin lỗi nhé, nhưng tôi nghĩ như thế sẽ tốt hơn.”

Tôi gật đầu và đứng dậy, mặc thêm cái áo len chui đầu.

“Cảm ơn chị đã can thiệp,” tôi nói với Reiko.

“Không dám,” chị đáp với một cái nháy mắt.

“Không phải lỗi của cậu. Đừng lo, lúc cậu trở lại cô ấy sẽ ổn thôi.”

Tôi cứ thế theo chân mình xuống mặt đường đang sáng lên lạ lẫm như không có thật dưới ánh trăng, rồi đi vào rừng. Dưới vầng trăng ấy, mọi âm thanh đều có một hồi âm vang dội lạ thường. Tiếng chân tôi có vẻ như từ một hướng nào đó vang dội đến, như

thể tôi đang nghe thấy ai đang đi dưới đáy biển. Sau lưng tôi thỉnh thoảng lại có tiếng cành cây gẫy hoặc lá cây sột soạt. Một cảm giác nặng nề bao trùm khu rừng, như thể tất cả các loài thú ăn đêm đều đang nín thở đợi cho tôi đi qua.

Ở nơi con đường bắt đầu leo lên dốc ngoài bìa rừng, tôi ngồi nhìn về phía toà nhà có căn hộ của Naoko. Có thể nhận ra phòng nàng dễ dàng. Chỉ việc tìm khuôn cửa sổ nào ở phía sau có ánh sáng nến khi tỏ khi mờ. Tôi nhìn mãi vào điểm sáng đó thật lâu. Nó khiến tôi nghĩ đến cái gì đó giống như những mạch đập le lói cuối cùng của một đạo linh hồn đang hấp hối. Tôi muốn chụm tay che chắn những gì còn lại của đạo linh hồn ấy và giữ cho nó sống.

Tôi nhìn nó khôn nguôi, cũng như tay Gatsby đã từng nhìn cái chấm sáng nhỏ xíu ở bờ nước bên kia hết đêm này qua đêm khác.

Nưa tiếng sau tôi về đến lối vào cửa trước toà nhà và nghe thấy tiếng Reiko tập ghi-ta. Tôi lên cầu thang và gõ cửa. Trong nhà không thấy có Naoko. Reiko ngồi một mình trên thảm chơi ghi-ta. Chị chỉ về phía cửa buồng ngủ cho tôi biết Naoko đang trong đó. Rồi chị đặt cây đàn xuống sàn, ngồi lên sô-pha, mời tôi ngồi cạnh, và chia đôi chỗ rượu vang còn lại vào hai cốc.

“Naoko không sao đâu,” chị nói, tay chạm vào đầu gối tôi. “Đừng lo, cô ấy chỉ cần nghĩ một lúc. Sẽ bình tĩnh lại thôi. Hơi xúc động quá. Này, trong khi ấy mình đi dạo với nhau một chút được không?”

“Được,” tôi nói.

Reiko và tôi lững thững đi xuống con đường có đèn. Khi tới khu vực cạnh sân bóng quần và bóng rổ, chúng tôi ngồi xuống một ghế băng. Chị nhặt một trái bóng rổ dưới gầm ghế lên và xoay nó trong tay. Rồi chị hỏi tôi có chơi bóng quần không. Tôi nói có biết chơi nhưng kém lắm.

“Bóng rổ thì sao?”

“Cũng không phải môn sở trường của tôi,” tôi nói.

“Thế sở trường thể thao của cậu là gì?” Reiko hỏi, đuôi mắt nhăn nheo lại trong một nụ cười. “Ngoài chuyện ngủ với các cô gái?”

“Cả chuyện ấy tôi cũng chẳng giỏi nốt,” tôi nói, chạm tự ái.

“Chỉ đùa thôi mà,” chị bảo. “Đừng giận nhé. Nhưng hỏi thật đấy, cậu giỏi những gì nào?”

“Chẳng có gì đặc biệt. Tôi chỉ có những cái thích. Đi chơi bộ trên núi. Bơi. Đọc sách.”

“Vậy là cậu thích làm mọi việc một mình, phải không?”

“Có lẽ thế. Tôi không bao giờ có thể thấy phấn khích về nhưng trò người khác đang chơi. Tôi không thể nhập cuộc được. Tôi mất hết hứng thú.”

“Vậy thì cậu phải đến đây vào mùa đông. Chúng tôi có trượt tuyết đường dài. Tôi chắc cậu sẽ thích, ở ngoài tuyết suốt ngày, toát mồ hôi thì thôi.”

Dưới ánh đèn đường, Reiko nhìn chăm chú bàn tay phải của mình như thể đang kiểm tra một nhạc cụ cổ xưa.

“Naoko có thường bị thế này không?” tôi hỏi.

“Cũng lúc này lúc khác đấy,” Reiko nói và bắt đầu nhìn sang bàn tay trái. “Lâu lâu cô ấy lại xúc động và khóc như vậy. Nhưng không sao đâu. Cũng là cách cho cô ấy giải toả. Không thế được mới là đáng sợ. Khi cảm xúc chứa chất, xơ cứng và chết ở trong lòng, lúc ấy mới thật là rắc rối to.”

“Tôi có nói cái gì không nên lúc ấy không?”

“Không có gì cả. Cậu đừng lo. Hay cứ nói ra ý nghĩ của mình cho chân thực. Tốt nhất là như vậy. Đôi khi điều đó làm ta đau đớn, và người khác có thể khó chịu như

Naoko, nhưng lâu dài thì làm thế là tốt nhất. Đó là cái cậu nên làm nếu cậu thực sự muốn cho Naoko lành bệnh. Như tôi đã nói với cậu từ đầu, cậu không nên nghĩ nhiều quá đến việc giúp cô ấy theo lối một chiều, mà phải nghĩ cả đến việc làm cho chính mình được bình phục bằng cách giúp cô ấy bình phục. Đó là đường lối ở đây. Cho nên cậu phải chân thực và nói ra tất cả những gì có trong tâm trí mình, ít nhất thì cũng là trong thời gian cậu ở đây. Thế giới bên ngoài thì chẳng ai làm thế bao giờ, đúng không?”

“Có lẽ thế,” tôi nói.

“Trong thời gian ở đây tôi đã thấy đủ loại người ra vào chốn này,” chị nói, “có thể là quá nhiều. Vì thế thường chỉ cần nhìn một người là tôi có thể biết người ấy có thể khá hơn được hay không, gần như bản năng vậy. Nhưng trường hợp Naoko thì tôi lại không chắc. Tôi hoàn toàn không thể đoán chuyện gì sẽ có thể xảy ra với cô ấy Theo tôi, cô ấy có thể khỏi hoàn toàn ngay trong tháng sau, mà cũng có thể như thế này mãi nhiều năm trời. Nên thực sự là tôi không thể bảo cậu nên làm gì, ngoài một lời khuyên chung chung nhất là hãy chân thực và giúp đỡ lẫn nhau.”

“Cái gì khiến Naoko thành một ca khó như thế đối với chị?”

“Cũng có thể là vì tôi rất thích cô ấy. Tôi nghĩ tôi bị tình cảm chi phối và không thể nhìn nhận cô ấy cho rõ ràng. Nghĩa là, tôi thực sự thích cô ấy. Nhưng ngoài chuyện đó ra, cô ấy có cả một mớ bòng bong những vấn đề khác nhau và rất khó tháo gỡ từng cái một. Có thể rất lâu mới có thể lần lượt gỡ hết được chúng, hoặc giả phải có một cái gì đó có thể khiến cho chúng tự bung hết ra cùng một lúc. Kiểu như vậy. Mà chính vì thế mà tôi không thể chắc được rồi cô ấy sẽ ra sao.”

Chị lại nhặt trái bóng lên, xoay nó trong tay và đập nó nảy xuống đất.

“Quan trọng nhất là không được mất kiên nhẫn với cô ấy,” Reiko nói. “Đó là một lời khuyên nữa của tôi cho cậu: đừng mất kiên nhẫn. Ngay cả khi mọi chuyện đã rối mù và không thể làm được gì nữa, cũng không được tuyệt vọng hoặc làm nổ cầu chì và

cuống quýt kéo một đâu dây nào đó khi nó chưa sẵn sàng. Cậu phải biết rằng đây là một quá trình lâu dài và phải giải quyết mọi chuyện rất từ từ, từng cái một. Liệu cậu có làm vậy được không?”

“Tôi có thể thử,” tôi nói.

“Có thể sẽ rất lâu dài đấy, cậu biết không, và cô ấy cũng chưa chắc sẽ bình phục hoàn toàn. Cậu đã nghĩ đến chuyện ấy chưa?”

Tôi gật đầu.

“Chờ đợi là khổ,” chị nói, tay đập bóng. “Nhất là với người trạc tuổi cậu. Chỉ có thể ngồi và đợi xem cô ấy có khá lên hay không. Vô thời hạn. Không có đảm bảo gì. Liệu cậu có làm được không? Cậu có yêu Naoko đến thế không?”

“Tôi cũng không biết nữa,” tôi thành thực nói.

“Cũng như Naoko, tôi không biết rõ ý nghĩa của việc đem lòng yêu một ai đó, tuy cô ấy hiểu việc này có hơi khác một chút. Nhưng tôi thực lòng muốn làm hết sức mình. Tôi phải cố yêu, vì nếu không cũng chẳng biết đi về đâu nữa. Như chị đã nói, Naoko và tôi phải cứu lẫn nhau. Đó là cách duy nhất để cả hai cùng được giải cứu.”

“Và cậu vẫn sẽ tiếp tục ngủ với các cô gái tình cờ bắt gặp chứ?”

“Chuyện đó tôi cũng chưa biết phải làm sao đây?” tôi nói. “Chị nghĩ sao? Tôi chỉ nên chờ đợi và thủ dâm chăng? Mà tôi cũng không hoàn toàn chủ động được trong cả việc ấy nữa.”

Reiko đặt trái bóng xuống đất rồi vỗ vỗ đầu gối tôi. “Này cậu,” chị nói, “Tôi không bảo cậu phải thôi ngủ với các cô gái. Nếu cậu thấy chuyện đó là ôkê thì nó là ôkê. Dù sao thì đó cũng là chuyện cuộc đời của cậu, cậu phải tự quyết định thôi. Tôi chỉ muốn nói là cậu không nên đánh mất bản thân vào những chuyện trái tự nhiên. Cậu có hiểu ý tôi không? Như vậy phí lắm. Tuổi mười chín đôi mươi là giai đoạn trọng yếu của

quá trình ổn định nhân cách, và nếu cậu để mình bị méo mó ở tuổi ấy thì sau này cậu sẽ rất đau khổ. Thật đấy. Nên cậu phải suy nghĩ cẩn thận. Nếu cậu muốn chăm sóc Naoko, hãy chăm sóc bản thân mình cái đã.”

Tôi nói mình sẽ suy nghĩ về chuyện ấy.

“Tôi cũng đã từng hai mươi tuổi. Từ xửa từ xưa. Cậu có tin được không?”

“Tất nhiên rồi.”

“Tận đáy lòng chứ.”

“Tận đáy lòng,” tôi mỉm cười.

“Da tôi cũng xinh xắn nữa. Không được như Naoko, nhưng cũng xinh ra phết. Da còn chưa có tất cả nhưng nếp nhăn này”

Tôi bảo tôi rất thích những nếp nhăn của chị. Chị cảm ơn tôi.

“Nhưng chớ bao giờ bảo một người đàn bà nào khác là cậu thấy nhưng nếp nhăn của họ là hấp dẫn nhé,” Chị nói thêm. “Tôi thì thích nghe thế, nhưng tôi là trường hợp ngoại lệ.”

“Tôi sẽ cẩn thận chuyện này,” tôi đáp.

Chị lấy một cái ví trong túi quần ra và đưa cho tôi xem một bức ảnh rút từ ngăn để danh thiếp. Đó là một bức ảnh màu chụp một bé gái khoảng mười tuổi xinh xắn trong bộ đồ trượt tuyết màu sắc tươi sáng đang đứng trên tuyết và tươi cười trước ống kính.

“Có xinh không nào? Con gái tôi đấy,” Reiko nói. “Nó gửi cho tôi hồi tháng Giêng. Nó bao nhiêu nhỉ? Lên chín rồi đây.

“Nó cười giống chị,” tôi nói, trả lại bức ảnh. Reiko đút cái ví vào túi, hít mạnh một cái, đặt một điếu thuốc lên môi rồi châm lửa.

“Tôi muốn trở thành một nghệ sĩ biểu diễn dương cầm,” chị nói. “Tôi có tài, mọi người đều nhận thấy điều đó và làm rùm beng lên về tôi khi tôi còn nhỏ. Tôi thắng nhiều cuộc thi và luôn đứng đầu nhạc viện, và họ đã thu xếp để tôi tốt nghiệp xong là sẽ sang Đức học tiếp. Chân trời không một gợn mây. Mọi việc đều hoàn hảo, và hễ có chuyện gì là thể nào cũng có ai đó ra tay giải quyết ngay. Nhưng rồi đến một ngày, tất cả bỗng tan thành mây khói. Tôi đang học năm cuối ở nhạc viện và sắp có một cuộc thi khá quan trọng. Tôi tập ngày tập đêm cho cuộc thi đó nhưng đột nhiên ngón út bên tay trái tôi bỗng không cử động được nữa. Không biết tại sao, nhưng nó cứ ì ra như vậy. Tôi thử xoa sát nó, ngâm nó vào nước nóng, nghỉ tập vài ngày chẳng ăn thua gì cả. Phát hoảng, tôi tìm đến bác sĩ. Họ xét nghiệm đủ thứ nhưng không đi đến đâu hết. Bản thân cái ngón út ấy chẳng có vấn đề gì, và các thứ dây thần kinh cũng vậy, họ nói thế, không có lí do gì để nó bất động như vậy. Chỉ có thể là vấn đề tâm lí. Thế là tôi đến một bác sĩ phân tâm, nhưng ông ta cũng chẳng hiểu chuyện gì đang diễn ra cả. Có thể là căng thẳng trước cuộc thi, ông ta nói, và khuyên tôi nên tránh xa cây dương cầm một thời gian.”

Reiko rít một hơi thật sâu rồi nhả khói ra. Sau đó chị ngoẹo cổ sang một bên mấy lần.

“Thế là tôi về tĩnh dưỡng ở chỗ của bà tôi bên bờ biển Izu. Tôi tưởng mình sẽ quên cái cuộc thi đó, thư giãn độ vài tuần, không sờ đến đàn và muốn làm gì thì làm. Nhưng không thể được. Tôi chỉ có thể nghĩ đến cây dương cầm. Có thể cái ngón ấy sẽ không bao giờ cử động được nữa. Nếu quả như vậy thì tôi sẽ sống ra sao? Những ý nghĩ ấy cứ lẩn quẩn không ngừng trong đầu tôi. Mà cũng phải thôi: cây dương cầm đã là toàn bộ cuộc sống của tôi cho đến lúc ấy. Tôi đã bắt đầu chơi đàn từ lúc bốn tuổi, đã chỉ nghĩ đến nó chứ không đến cái gì khác. Tôi không bao giờ làm việc nhà để tránh làm tổn thương các ngón tay. Mọi người để ý đến tôi cũng chỉ vì một thứ thôi: tài chơi dương cầm của tôi. Tước cây dương cầm của một đứa con gái như vậy thì nó còn lại gì? Và thế là, phựt một cái, tâm trí tôi rơi vào một cõi hỗn mang hoàn toàn. Tối đen như mực.”

Chị thả điếu thuốc xuống đất, đi xuống dưới chân, rồi lại ngoẹo cổ mấy lần.

“Đó là kết cục giấc mơ trở thành nghệ sĩ dương cầm của tôi. Tôi nằm bệnh viện hai tháng. Ngay sau khi nhập viện, ngón tay tôi đã cử động lại được, nghĩa là tôi vẫn có khả năng quay lại nhạc viện và tốt nghiệp, nhưng một cái gì đó bên trong tôi đã biến mất. Một nguồn năng lượng quý báu hoặc cái gì đó ở trong tôi đã biến mất, bốc hơi mất. Bác sĩ nói tôi không đủ sức mạnh tinh thần đề trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp và khuyên tôi nên từ bỏ ý định ấy. Thế là sau khi tốt nghiệp tôi chỉ nhận dạy học trò ở nhà. Nhưng tôi cảm thấy đau đớn vô cùng tận. Như thể cuộc đời mình đã chấm dứt. Tôi mới qua tuổi hai mươi mà cái phần tốt đẹp nhất của cuộc đời đã chấm dứt rồi. Cậu có thấy điều đó khủng khiếp đến mức nào không? Tôi đã có biết bao nhiêu hứa hẹn, để rồi thức dậy một ngày và thấy tất cả đã mất hết rồi. Không còn những tràng vỗ tay, không còn ai bàn tán xôn xao về tôi, không còn ai ngỏ lời khâm phục tôi nữa. Ngày lại ngày tôi ở tịt trong nhà và dạy bọn trẻ hàng xóm những bài tập Beyer và các ban xô-nát nhỏ. Tôi thấy khổ sở vô chừng, và động một tí là khóc. Cứ thở nghĩ về những mất mát của tôi mà xem! Mỗi lần nghe tin nhưng người kém tài hơn tôi nhiều vừa được giải nhì một cuộc thi nào đó hoặc vừa biểu diễn ở phòng hoà nhạc nào đó là nước mắt tôi lại trào ra.

“Bố mẹ tôi rón rén quanh tôi, sợ làm tôi bị tổn thương. Nhưng tôi biết họ đang thất vọng về tôi biết chừng nào. Đùng một cái đứa con gái mà họ từng tự hào đến thế bỗng trở thành một bệnh nhân tâm thần vừa xuất viện. Thậm chí họ còn không thể cưới chồng cho tôi. Sống bên cạnh mọi người, ta sẽ cảm thấy tình cảm thật của họ, và tôi căm ghét chuyện đó. Tôi sợ phải ra ngoài, sợ hàng xóm bàn tán về mình. Và thế là, phựt một cái! Chuyện đó lại tái diễn – cõi hỗn mang, bóng tối bao trùm. Lúc ấy tôi hai bốn, và lần này tôi phải ở bảy tháng liền trong một trại điều dưỡng. Không phải như ở đây đâu, mà là một nhà thương điên bình thường có tường cao và cửa khoá kín. Một nơi bẩn thỉu không có đàn dương cầm. Tôi không biết phải làm gì nữa. Chỉ biết là tôi muốn thoát khỏi chỗ đó càng sớm càng tốt và tuyệt vọng gắng sức để hồi phục. Bảy tháng. Bảy tháng trời dằng dặc. Đó là lúc những nếp nhăn của tôi bắt đầu xuất hiện.”

Reiko mỉm cười, nhệch mồm bên này bên kia.

“Ra viện chưa được bao lâu thì tôi gặp một người và cưới anh ta. Ít hơn tôi một tuổi, anh ta là kỹ sư làm việc ở một công ty chế tạo máy bay, và là một học sinh của tôi. Một người tốt. Anh ấy ít nói, nhưng tình cảm và chân thật. Anh ấy học tôi được sáu tháng thì tự nhiên hỏi tôi có lấy anh ấy không. Cứ thế thôi, hôm chúng tôi đang uống trà sau giờ học. Cậu có tin được không? Chúng tôi chưa hề đi chơi hoặc cầm tay nhau. Anh ấy khiến tôi hoàn toàn bất ngờ. Tôi bảo mình không thể lấy chồng. Tôi bảo tôi thích anh và biết anh là người tốt nhưng chính vì thế mà tôi không thể lấy anh ấy. Anh ấy muốn biết lí do, và tôi giải thích tất cả cho anh ấy, hoàn toàn thành thực – rằng tôi đã phải hai lần vào bệnh viện tâm thần. Tôi nói với anh ấy tất cả mọi chuyện – nguyên nhân, tình trạng, và khả năng tái diễn của tôi. Anh ấy nói cần thời gian suy nghĩ, và tôi khuyên anh ấy hay thật bình tĩnh và thư thả trong chuyện này. Nhưng ngay tuần lễ sau đó, khi đến học, anh ấy nói vẫn muốn lấy tôi. Tôi đề nghị anh chờ ba tháng. Tôi bảo chúng ta sẽ còn thấy nhau trong ba tháng nữa, và nếu sau đó anh vẫn còn muốn lấy tôi, chúng ta sẽ lại nói chuyện.

Trong ba tháng đó, mỗi tuần chúng tôi đi chơi với nhau một lần. Chúng tôi đi khắp nơi và nói đủ mọi chuyện, và tôi ngày càng thấy thích anh ấy. Khi ở bên anh, tôi cảm thấy như cuộc sống cuối cùng lại về với mình. Được một mình với anh ấy tôi có một cảm giác nhẹ nhõm kì diệu: tôi có thể quên hết nhưng chuyện khủng khiếp đã từng xảy ra. Không thành nghệ sĩ biểu diễn thì đã sao nào? Vào bệnh viện tâm thần thì đã sao nào? Đời tôi chưa chấm dứt. Cuộc sống vẫn còn đầy những điều kì diệu mà tôi chưa được nếm trải. Chỉ cần cảm thấy được như vậy là tôi đã thấy biết ơn anh ấy vô cùng. Sau ba tháng, anh ấy lại đề nghị cưới. Và tôi đã nói thế này: “Nếu anh muốn ngủ với em, em cũng chẳng ngại đâu. Em chưa ngủ với ai bao giờ, và em rất mến anh, nên nếu anh muốn làm tình với em, em hoàn toàn không ngại đâu. Nhưng cưới em lại là chuyện khác hẳn. Nếu anh lấy em, anh sẽ phải lấy toàn bộ những rắc rối của em, và chúng tệ hơn anh tưởng nhiều lắm đấy.”

“Anh ấy bảo anh ấy không cần, rằng không phải anh ấy chỉ muốn ngủ với tôi, mà là muốn cưới tôi làm vợ và san sẻ mọi thứ của tôi với anh ấy. Mà anh ấy nói thật. Anh ấy là loại người chỉ nói đúng điều mình nghĩ, và đã nói là làm. Thế là tôi đồng ý cưới anh

ấy. Tôi chỉ có thể làm thế. Chúng tôi cưới, để xem nào, hình như là bốn tháng sau đó thì phải. Anh ấy cãi nhau với bố mẹ về chuyện lấy tôi, và họ từ anh ấy. Gia đình anh ấy là một dòng họ lâu đời ở vùng nông thôn thuộc Shikoku. Họ cho điều tra về tôi và phát hiện tôi đã phải vào viện hai lần. Làm gì mà họ chẳng phản đối. Cuối cùng, chúng tôi không tổ chức lễ cưới, mà chỉ ra đăng kí kết hôn rồi cùng nhau đi Hakone hai ngày. Thế là nhiều rồi, chúng tôi thấy hạnh phúc lắm. Và cuối cùng thì tôi vẫn là gái tân cho đến tận ngày lấy chồng. Lúc ấy tôi hai lăm tuổi! Cậu có tin được không?”

Reiko thở dài và lại nhặt trái bóng lên.

“Tôi tưởng chừng nào còn ở bên cạnh anh ấy là tôi còn yên ổn,” chị tiếp tục. “Còn ở với anh ấy thì tôi còn tránh được những rắc rối của mình. Đó là điều quan trọng nhất đối với một chứng bệnh như của chúng tôi ở đây: một cảm giác tin tưởng. Nếu tôi trao gửi mình vào tay người này, tôi sẽ ôkê. Nếu tình trạng tôi chậm tồi tệ dù chỉ là một chút xíu – nếu chỉ một cái ốc bị lỏng ra một tí anh ấy sẽ biết ngay và sẽ siết nó lại với lòng kiên nhẫn và âu yếm vô bờ, sẽ xếp tất cả nhưng sợi dây bị rối về lại chỗ của chúng. Nếu có được cảm giác tin tưởng ấy, chứng bệnh của chúng tôi sẽ không trở lại nữa. Không còn phựt một cái nữa! Tôi thật sự hạnh phúc! Cuộc đời thật đáng sống! Tôi thấy như có ai đó vừa vớt tôi từ dưới biển giông bão lạnh lẽo rồi quấn chăn cho tôi và đặt tôi vào một chiếc giường ấm áp. Hai năm sau khi cưới, tôi sinh cháu và bận luôn chân luôn tay, không còn nhớ gì đến bệnh não của mình nữa. Tôi dậy sớm, làm việc nhà, chăm con, và cơm nước cho chồng đi làm. Ngày nào cũng như ngày nào, nhưng tôi hạnh phúc lắm. Có lẽ đó là những ngày tháng hạnh phúc nhất trong đời tôi. Không biết nó kéo dài được bao nhiêu năm, ít nhất cũng được đến năm tôi ba mốt tuổi. Và rồi, đùng một cái, nó lại đứt phựt! Tôi lại vỡ vụn.”

Reiko châm thuốc. Gió đã ngưng. Khói thuốc bay thẳng lên và biến mất vào bóng đêm. Lúc ấy tôi mới để ý thấy trời đầy sao.

“Có chuyện gì chăng?” tôi hỏi.

“Phải,” chị nói, “một chuyện rất lạ lùng, như có ai đặt bẫy tôi vậy. Đến bây giờ tôi vẫn

lạnh cả người mỗi khi nghĩ đến nó.” Reiko xoa một bên thái dương bằng bàn tay không cầm thuốc. “Tôi xin lỗi đã bắt cậu phải nghe tất cả những chuyện này của tôi. Cậu đến đây thăm Naoko chứ không phải để nghe chuyện tôi mà.”

“Nhưng tôi thực sự muốn nghe chuyện chị,” tôi nói. “Nếu chị không phiền, tôi xin được nghe nốt.”

“Thế là,” Reiko bắt đầu, “Khi con gái vào mẫu giáo, tôi lại bắt đầu chơi đàn, dần dần, tí một. Không đánh cho ai nghe, mà chỉ cho mình thôi. Tôi bắt đầu với những bài ngăn ngắn của Bach, Mozart, Scarlatti. Tất nhiên, sau một thời gian dài như thế, nhạc cảm của tôi chưa thể hồi lại ngay được. Và ngón tay cũng chưa thể linh hoạt như ý muốn. Nhưng được quay lại với cây dương cầm như vậy khiến tôi phấn khích vô cùng. Đặt tay lên phím đàn, tôi nhận ra rằng tôi đã yêu âm nhạc biết bao nhiêu – và đã thèm khát nó biết bao nhiêu. Có khả năng chơi đàn cho chính mình thật cũng là một điều kì diệu.”

“Như tôi đã nói, tôi bắt đầu chơi đàn từ hồi lên bốn, nhưng lúc ấy mới chợt nhận ra là chưa từng bao giờ chơi cho chính mình. Lúc nào tôi cũng chỉ cỏ thi cho đỗ hoặc chỉ để gây ấn tượng với người khác. Những cái đó cũng quan trọng, tất nhiên rồi, nếu ta muốn làm chủ một nhạc cụ. Nhưng đến một tuổi nào đó thì phải bắt đầu có ý thức biểu diễn cho chính mình. Cái đó mới là âm nhạc. Phải rời bỏ con đường thượng lưu âm nhạc và qua tuổi ba mốt tôi mới có khả năng nhận ra điều đó. Tôi nhanh nhanh chóng chóng cho con đến mẫu giáo và vội vã làm các việc trong nhà để có được một hai tiếng đồng hồ chơi những bài đàn mình yêu thích. Đến đó mọi chuyện đều tốt đẹp cả, phải không nào?”

Tôi gật đầu.

“Thế rồi một hôm có bà hàng xóm sang tìm tôi, một người mà tôi cũng biết đủ để chào nhau ngoài phố, và xin tôi dạy đàn cho con gái nhỏ; Chưa biết đứa con gái bà ấy
– mặc dù sống cùng một khu phố nhưng nhà chúng tôi cũng cách xa nhau – nhưng theo lời bà thì nó vẫn thường đi ngang nhà tôi và rất thích nghe tôi đàn. Nó cũng đã có

lúc nhìn thấy tôi ở đâu đó và giờ thì nhất định đòi mẹ phải đến xin tôi dạy đàn cho nó. Con bé đang học năm thứ tư trung học, đã từng học đàn nhiều người nhưng chẳng biết vì sao mà không có mấy tiến bộ và lúc bấy giờ thì đang chưa học ai hết.

“Tôi từ chối. Tôi đã nghỉ đàn ngần ấy năm, và nếu có dạy ai mới bắt đầu học đàn thì nghe còn có lí, chứ không thể nhận dạy một người đã học được mấy năm rồi. Ngoài ra, tôi còn đang bận chăm con, và dù không nói ra nhưng tôi biết là chẳng ai có thể dạy loại học trò cứ hay đổi thầy xoành xoạch. Thế đấy, nhưng rồi bà ta xin tôi chiếu cố cho con gái bà được gặp tôi một lần thôi. Một người dai như đỉa và không dễ gì thoái thác, và tôi đành đồng ý gặp con bé – chỉ gặp thôi. Ba ngày sau, con bé tự tìm đến nhà tôi. Nó thực là một tiểu thiên thần, với một vẻ đẹp trong veo, dịu dàng và tinh khiết. Tôi đã chưa từng, đến giờ cũng vậy, thấy một con bé nào đẹp như thế. Tóc nó dài và đen bóng như mực tầu mới mài, chân tay mảnh dẻ duyên dáng, mắt sáng, và một cái miệng nho mềm mại như thể có ai đó vừa mới nặn nên. Mới nhìn thấy nó tôi không nói được lời nào, nó quá đẹp. Ngồi trên cái sô-pha, nó biến cái phòng khách nhà tôi thành một lễ đường lộng lẫy. Nhìn thẳng vào nó mà thấy đau cả người, tôi phải nheo mắt lại. Vậy là, con bé trông như thế đấy Tôi vẫn còn có thể thấy nó rõ ràng.”

Reiko nheo nheo mắt như thể đang thực sự nhìn thấy cô bé.

“Chúng tôi uống cà-phê và nói chuyện cả tiếng đồng hồ. Đủ thứ chuyện: âm nhạc, trường học của nó, nghĩa là đủ thứ. Tôi thấy ngay là con bé thông minh lắm. Nó biết cách nói chuyện. Nó có những ý kiến sắc sảo rõ ràng và có tài thu hút người khác vào câu chuyện. Tôi gần như phát hoảng. Chính xác cái gì làm cho con bé đáng sợ đến thế thì lúc ấy tôi chưa biết. Chỉ biết là con bé thông minh đến phát sợ. Trước mặt nó tôi mất hết khả năng suy xét bình thường của mình. Con bé trẻ và đẹp đến thế, và tôi bị choáng ngợp đến độ thấy mình chỉ còn là một tiêu bản thấp kém, một chống chế vụng về của nhân loại đã nghĩ xấu về nó chỉ vì chính đầu óc mình đã bị méo mó bẩn thỉu mà thôi.”

Reiko lắc lắc đầu nhiều lần.

“Nếu tôi xinh đẹp và thông minh như nó, chắc tôi đã là một con người bình thường. Còn mong gì hơn nữa nếu ta thông minh như thế và đẹp đẽ như thế? Ta còn cần gì phải dằn vặt và vượt lên những yếu kém của mình nếu mọi người đều yêu quí ta đến thế? Lí do gì mới được chứ?”

“Con bé làm chuyện gì khủng khiếp với chị ư?”

“Là thế này, có thể nói rằng nó là một đứa dối trá bệnh hoạn. Nó bệnh hoạn, đơn giản và chính xác là như vậy. Nó bịa tạc đủ thứ. Và khi bịa những chuyện ấy, nó lại tin luôn là chúng có thật. Rồi bắt đầu thay đổi mọi thứ xung quanh cho phù hợp với câu chuyện ấy của nó. Và nó nhanh trí khủng khiếp, luôn luôn đi trước mình một bước để thu xếp những chi tiết sẽ có thể cảnh báo mình, và thế là mình không bao gỉờ nghĩ là nó đang nói dối. Trước hết, không ai có thể ngờ rằng một con bé xinh đẹp đến thế lại có thể dối trá về những chuyện tầm thường nhất. Tôi là một. Nó kể cho tôi hàng tấn chuyện dối trá trong suốt sáu tháng trời rồi tôi mới bắt đầu có linh cảm là có cái gì không ổn đây. Nó nói dối đủ mọi chuyện, mà tôi thì không ngờ vực gì cả. Tôi biết điều này nghe rất điên.”

“Nó dối trá chuyện gì?”

“Khi tôi nói đủ mọi chuyện, thì nghĩa là đủ mọi chuyện.” Reiko cười mai mỉa. “Khi nói dối chuyện gì đó, người ta phải bịa ra một mớ những dối trá khác đi cùng. Đó là một chứng bệnh hẳn hoi, gọi là mythomania. Người mắc chứng mythomania thông thường chỉ hay bịa ra những chuyện ngây ngô vô hại, và phần lớn ai nghe cũng biết ngay. Nhưng con bé này thì không. Để che đậy nó sẽ dám bịa những chuyện kinh khủng mà mặt vẫn tỉnh khô như không. Nó không từ một cái gì hết. Và nó sẽ bịa nhiều bịa ít tuỳ theo người nghe. Với mẹ nó hoặc đám bạn thân thì nó hầu như không nói dối, hoặc có thì nó sẽ rất thận trọng, cẩn thận chọn chuyện gì sẽ không bao giờ bị lộ mà thôi. Hoặc nếu có lộ rồi thì nó sẽ tìm cách chống chế hoặc xin lỗi với cái giọng thỏ the ấy của nó và với dôi mắt đẹp ròng ròng nước mắt. Lúc ấy thì không ai có thể giận nó được.”

“Tôi vẫn không hiểu tại sao nó chọn tôi. Tôi là một nạn nhân nữa, hay là một nguồn cứu rỗi của nó? Tôi không biết. Tất nhiên, giờ thì chẳng sao nữa rồi. Mọi thứ đã kết thúc. Bây giờ tôi ra nông nỗi này đây.”

Sau một lúc lâu im lặng, chị nói tiếp:

“Con bé nhắc lại những gì mẹ nó đã nói, rằng nó đã xúc động khi nghe tiếng đàn lúc đi ngang nhà tôi. Nó đã thấy tôi ngoài phố vài lần, và đã bắt đầu “tôn thờ” tôi. Nó dùng đúng từ ấy: “Tôn thờ”. Tôi đỏ bừng hết cả mặt. Cậu biết đấy, được một thiên thần nhỏ bé xinh đẹp đến thế tôn thờ mình! Mà tôi vẫn nghĩ đó không hẳn là một lời dối trá hoàn toàn. Lúc ấy tôi đã qua tuổi ba mươi, tất nhiên, và tôi cũng chẳng bao giờ có thể thành đẹp đẽ và thông minh như nó, mà tôi cũng chẳng có tài gì đặc biệt, nhưng chắc là tôi phải có cái gì đó thu hút được nó, một cái gì đó mà nó không có, có lẽ thế. Chính cái đó đã khiến nó phải chú ý đến tôi lúc ban đầu. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn tin là thế. Chẳng phải là tự phụ đâu.”

“Vàng, tôi nghĩ là tôi hiểu được điều chị nói.”

“Con bé mang theo mấy bản nhạc và xin phép được đánh thử cho tôi nghe. Thế là tôi thuận theo. Nó chơi một bản Invention của Bach. Lối chơi của nó… cũng thú vị Hoặc có thể gọi là hơi là lạ. Nhưng không tầm thường. Tất nhiên là chưa được chau chuốt. Nó chưa từng học ở một trường chuyên nghiệp nào, và những bài học của nó là kiểu lúc có lúc không, nó có vẻ tự học là chính. Tiếng đàn của nó không có luyện tập. Thi vào trường nhạc mà chơi như vậy thì nó trượt ngay. Nhưng nó vẫn đánh ra bài. Mặc dù chín mươi phần trăm chẳng ra sao, nhưng vẫn có mười phần trăm được ở đó. Nó khiến cây đàn hát được. Đó là âm nhạc. Mà lại là một biến tấu phức điệu ngắn của Bach! Thế nên tôi mới thấy nó thú vị, và muốn biết tất cả về con bé ấy.”

“Chẳng cần phải nói, thế giới này có dầy những đứa trẻ có thể đánh Bach hay hơn nó nhiều. Gấp hai mươi lần. Nhưng hầu hết lối chơi của bọn kia chẳng có gì trong đó cả. Trống rỗng hết. Con bé này thì kỹ thuật kém, nhưng nó lại có một ít cái gì đó thu hút được người nghe – ít nhất là tôi. Và tôi quyết định là dạy nó cũng đáng. Tất nhiên,

không thể đặt vấn đề luyện lại cho nó thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Nhưng tôi cảm thấy có thể có khả năng làm cho nó thành một dương cầm thu hạnh phúc như tôi lúc ấy, và cả bây giờ nữa, một người có thể chơi đàn cho chính mình. Nhưng hy vọng ấy hoá ra hoàn toàn hão huyền. Con bé không phải loại người thích tặng lẽ làm việc của mình. Nó là một đứa trẻ luôn tính toán chi li để tận dụng mọi thứ chỉ cốt gây ấn tượng với mọi người. Nó biết chính xác là nó phải làm gì đề khiến mọi người khâm phục và khen ngợi nó. Và nó biết chính xác lối chơi nào sẽ hấp dẫn được tôi. Tôi chắc là nó đã tính toán mọi thứ, và đã vận dụng hết những thứ đó vào việc tập đi tập lại những đoạn nhạc chỉ cốt để làm vừa lòng tôi. Tôi vẫn có thể như thấy nó đang làm những chuyện ấy trước mắt.”

“Vậy mà, đến tận bây giờ, sau khi đã hiểu rõ tất cả những cái đó, tôi vẫn nghĩ đó là một lối chơi tuyệt vời và nếu được nghe lại tôi sẽ vẫn thấy ớn lạnh sống lưng. Mặc dù đã biết mọi khuyết tật của nó, mọi dối trá và xảo quyệt của nó, tôi vẫn thấy xúc động. Tôi nói cậu nghe, trên đời này có những chuyện như vậy đấy.”

Reiko hắng giọng khan một cái rồi ngưng bặt.

“Vậy chị nhận con bé làm học trò chứ?” tôi hỏi.

“Ờ. Mỗi tuần một buổi. Vào sáng thứ Bảy. Nó nghỉ học văn hoá vào thứ Bảy. Nó không nghỉ buổi đàn nào, không đến muộn bao giờ, và là một học trò lí tưởng. Nó luôn tập bài đầy đủ. Buổi nào học xong chúng tôi cũng ăn bánh và chuyện trò.”

Đến đó, Reiko bỗng liếc nhìn đồng hồ như chợt nhớ ra chuyện gì.

“Mình nên về thôi chứ? Tôi thấy hơi sốt ruột về Naoko. Tôi chắc cậu vẫn không hề quên cô ấy, đúng không?”

“Tất nhiên rồi,” tôi cười. “Nhưng chuyện chị cũng hấp dẫn quá.”

“Nếu cậu muốn nghe nốt thì ngày mai tôi sẽ kể. Chuyện dài lắm, một lần không thể kể hết được.”

“Chị thành nàng Scheherazade trong Nghìn lẻ một đêm rồi.”

“Tôi biết chứ,” chị cùng cười với tôi. “Còn cậu sẽ không bao giờ về Tokyo được nữa đâu.”

Chúng tôi quay lại lối qua rừng và trở về căn hộ.

Mấy cây nến đã cháy hết và đèn phòng khách không bật. Cửa phòng ngủ để ngỏ và cây đèn trên bàn đêm vẫn bạt, ánh sáng nhợt nhạt của nó hắt ra cả phòng khách. Naoko ngồi trên sô-pha trong bóng tối lờ mờ. Nàng đã thay sang một bộ áo ngủ thùng thình xanh nước biển, cổ áo buộc chặt lên sát cổ, hai chân thu lại cả trên ghế. Reiko bước tới và đặt một tay lên đầu nàng.

“Em ổn rồi chứ.”

“Em ổn rồi. Xin lỗi,” Naoko đáp rất khẽ. Rồi nàng quay sang tôi và nhắc lại lời xin lỗi. “Chắc mình đã làm cậu sợ”

“Một tí thôi,” tôi mỉm cười.

“Đến đây nào,” nàng bảo. Khi tôi đã ngồi xuống cạnh nàng, Naoko, vẫn ngồi thu chân như cũ, liền nghiêng người sang tôi cho đến lúc mặt nàng gần chạm vào tai tôi, như thể nàng sắp san sẻ với tôi một bí mật.

Rồi nàng đặt một cái hôn nhẹ nhàng vào cạnh tai tôi.

“Xin lỗi nhé,” nàng lại nói, lần này thì ngay bên tai tôi, rất hạ giọng. Sau đó nàng lại dịch ra xa.

“Đôi khi,” nàng nói, “Mình bị lẫn lộn hết cả, chẳng biết có chuyện gì nữa.”

“Mình thì lúc nào cũng thế,” tôi nói.

Naoko mỉm cười nhìn tôi.

“Nếu không phiền,” tôi nói, “mình muốn nghe nữa về cậu về cuộc sống của cậu ở đây. Những việc cậu làm hàng ngày. Những người cậu gặp.”

Naoko kể về những việc thường nhật của nàng bằng những câu ngắn nhưng rất rõ ràng. Buổi sáng thức dậy lúc sáu giờ. Ăn điểm tâm ở nhà mình. Dọn nhà nuôi chim. Rồi đi làm những việc đồng áng thường lệ. Nàng trông coi những ruộng rau. Trước hoặc sau bữa trưa, nàng thường có độ một giờ gặp bác sĩ hoặc tham dự điều trị nhóm. Buổi chiều thì nàng có thể chọn một lớp học nào nàng thích, nếu không chơi thể thao hoặc có việc gì khác. Nàng đã theo nhiều lớp: tiếng Pháp, đan len, dương cầm, lịch sử cổ đại.

“Reiko đang dạy mình đàn dương cầm,” nàng nói. “Cả ghi-ta nữa. Ai cũng lần lượt làm thầy và làm học sinh. Người giỏi tiếng Pháp thì dạy tiếng Pháp, người từng nghiên cứu xã hội học thì dạy sử, người khác thạo đan len thì dạy đan len: trường học ở đây thế mà hoá hay. Chỉ có mình là chẳng dạy được ai cái gì.”

“Mình cũng thế,” tôi nói.

“Ở đây mình chịu khó học nhiều hơn hồi ở đại học. Mình rất chăm, và rất thích.”

“Sau bữa tối thì cậu thường làm gì?”

“Chuyện trò với Reiko, đọc sách, nghe nhạc, đến nhà người khác chơi, đại loại thế.”

“Tôi thì tập ghi-ta và viết tự truyện,” Reiko nói.

“Tự truyện ư?”

“Đùa đấy thôi,” Reiko cười. “Bọn tôi lên giường vào quãng mười giờ. Một nếp sống khá lành mạnh, phải không nào? Bọn tôi ngủ như trẻ nhỏ.”

Tôi liếc nhìn đồng hồ. Còn vài phút nữa thì đến chín giờ. “Chắc mọi người sắp buồn ngủ rồi.”

“Không sao. Hôm nay mình có thể thức khuya,” Naoko nói. “Mình đã không gặp cậu lâu lắm rồi, mình muốn nói chuyện nữa. Cậu nói đi.”

“Lúc còn một mình ban nãy, tự nhiên mình nhớ lại ngày xưa,” tôi nói. “Cậu còn nhớ lần Kizuki và mình đến thăm cậu ở bệnh viện không? Ở bờ biển ấy. Mình nghĩ đó là học kỳ đầu của năm trung học cuối cùng.”

“Lần mình phải mổ ngực,” Naoko mỉm cười nói. “Có, mình nhớ. Cậu với Kizuki đến bằng môtô. Các cậu mua cho mình một hộp sô-cô-la và chúng chảy nhoét vào với nhau. Mà lại cứng rất khó ăn. Có vẻ đã lâu lắm rồi, mình không biết nữa.”

“Ờ, đúng thế. Mình nghĩ lúc ấy cậu đang làm một bài thơ, một bài thơ dài.”

“Tuổi ấy đứa con gái nào chẳng làm thơ,” Naoko khúc khích. “Sao tự nhiên cậu lại chợt nhớ lại những chuyện ấy thế?”

“Mình cũng đang tự hỏi đây. Mùi gió biển, mùi hoa trúc đào, rồi tự nhiên những cái đó cứ thế hiện ra trong đầu Kizuki có đến bệnh viện ấy thăm cậu nhiều lần không?”

“Làm gì có chuyện đó! Và vì thế mà bọn mình đã cãi nhau to. Anh ấy đến một lần, sau đó thì đến cùng với cậu, và chỉ có thế thôi. Anh ấy thật khủng khiếp. Và cái lần đầu anh ấy còn không thể ngồi cho ấm chỗ nữa, chỉ ở khoảng mười phút. Anh ấy mua cho mình mấy quả cam và lầu bầu những chuyện gì mình nghe không hiểu, rồi anh ấy bóc một quả và tiếp tục lầu bầu, rồi thì về luôn. Anh ấy bảo rất kị bệnh viện.” Naoko cười. “Anh ấy rất trẻ con trong những chuyện như vậy. Mình muốn nói là, ai mà chẳng ngán bệnh viện, đúng không nào? Và vì thế mà người ta đến bệnh viện thăm nhau để làm cho nhau thấy dễ chịu hơn, phấn khởi hơn, đại khái thế. Nhưng Kizuki lại không nghĩ như vậy.”

“Cậu ấy không đến nỗi thế lúc cùng đi với mình đến bệnh viện. Cậu ấy vẫn như thường.”

“Vì có cậu ở đấy mà,” Naoko nói. “Có mặt cậu thì anh ấy luôn như thế, cố gắng giấu

những điểm yếu của mình. Chắc anh ấy phải mến cậu lắm. Nhất định chỉ cho cậu thấy những mặt tốt của anh ấy thôi. Với mình thì lại không thế. Không cần giữ ý gì cả. Và có thể rất thất thường. Vừa mới vui vẻ tán chuyện đấy mà cũng có thể cáu bẳn được ngay. Lúc nào cũng vậy. Anh ấy đã như vậy từ hồi còn bé. Nhưng anh ấy cũng đã cố gắng thay đổi bản thân, cố gắng để tốt hơn.”

Naoko đổi tư thế thu chân trên ghế.

“Anh ấy rất cố gắng, nhưng chẳng ăn thua gì, và anh ấy lại càng buồn và cáu bẳn hơn. Có biết bao nhiêu cái hay cái tốt ở anh ấy, nhưng anh ấy chưa bao giờ có được tâm lý tự tin cần thiết. “Mình phải làm cái này, mình phải thay đổi cái kia,” lúc nào anh ấy cũng nghĩ như vậy, cho đến tận lúc lâm chung. Kizuki tội nghiệp!”

“Nhưng mà,” tôi nói, “nếu quả là cậu ấy luôn cố gắng cho mình thấy mặt tốt nhất của cậu ấy, thì cậu ấy đã thành công rồi. Lúc nào mình cũng chỉ thấy mặt tốt nhất ấy của Kizuki.”

Naoko mỉm cười:

“Nếu nghe cậu nói thế chắc anh ấy thích lắm đấy. Cậu là bạn duy nhất của anh ấy.”

“Và Kizuki là bạn duy nhất của mình,” tôi nói. “Không bao giờ có ai mình có thể gọi là bạn nữa, trước sau cũng vậy.

“Đó chính là nguyên nhân tại sao mình thích được ở bên cạnh hai người đến vậy. Lúc ấy mình cũng chỉ thấy những cái tốt nhất của anh ấy. Mình có thể thư giãn mà không lo lắng gì cả khi có ba chúng ta với nhau. Đó là nhưng lúc ưa thích nhất của mình. Mình không biết cậu nghĩ thế nào?”

“Còn mình thì vẫn thường lo không biết bản thân cậu nghĩ gì,” tôi nói, lắc đầu một cái.

“Vấn đề là ở chỗ một thứ như vậy sẽ không thể tiếp tục mãi,” Naoko nói. “Nhưng

nhóm nhỏ hoàn hảo như thế không thể duy trì. Kizuki biết thế, mình cũng biết thế, và cả cậu nữa. Đúng không nào?”

Tôi gật đầu.

“Nhưng nói thật với cậu,” Naoko tiếp tục, “Mình cũng yêu cả điểm yếu của anh ấy, chẳng khác gì mặt tốt. Anh ấy không có cái gì có thể gọi là xấu xa hoặc mờ ám. Anh ấy chỉ yếu đuối, vậy thôi. Mình đã cố nói với anh ấy điều đó, nhưng anh ấy không tin mình. Anh ấy bảo đó là vì bọn mình đã gần gũi nhau từ hồi còn lên ba. Mình biết quá rõ anh ấy mà, anh ấy sẽ bảo là mình đâu có phân biệt được điểm mạnh và điểm yếu của anh ấy, rằng với mình thì chúng như nhau cả thôi. Nhưng anh ấy không thay đổi được ý nghĩ của mình. Mình vẫn yêu anh ấy như thường, và sẽ không bao giờ thích ai khác được nữa.”

Naoko nhìn tôi với một nụ cười buồn bã.

“Quan hệ trai-gái của bọn mình cũng thực sự khác thường. Dường như cơ thể hai đứa được gắn liền với nhau ở đâu đó. Nếu tình cờ phải xa nhau, một lực hút đặc biệt nào đó sẽ kéo hai đứa lại với nhau. Trở thành người yêu của nhau là việc tự nhiên nhất trên đời của bọn mình. Không phải suy nghĩ hay quyết định gì cả. Bọn mình bắt đầu hôn nhau lúc mười hai tuổi và biết vuốt ve nhau lúc mười ba tuổi. Mình đến phòng anh ấy hoặc anh ấy đến phòng mình và mình sẽ cho anh ấy ra bằng tay. Mình chưa bao giờ nghĩ rằng thế là quá sớm. Nó cứ xảy ra một cách tự nhiên thế thôi. Nếu anh ấy thích nghịch vú hoặc chỗ kín của mình, mình chẳng hề ngại chút nào, hoặc nếu anh ấy muốn phóng tinh, mình cũng chẳng ngại gì giúp anh ấy ngay. Mình chắc là cả hai đứa sẽ choáng nếu có ai lên án những hành động ấy của bọn mình là sai trái. Bởi vì bọn mình không làm gì sai. Bọn mình chỉ làm nhưng gì phải làm. Bọn mình vẫn luôn cho nhau xem mọi chỗ trên người. Gần như là bọn mình cùng sở hữu cơ thể của nhau. Nhưng ít nhất thì trong một thời gian dài bọn mình bảo nhau không đi quá trớn. Cả hai đứa đều ngại mình có thai, và lúc đó còn chưa biết tí gì về chuyện ngừa thai… Tóm lại, Kizuki và mình đã lớn lên với nhau như thế đấy, tay trong tay, thành một cặp đôi khăng khít. Bọn mình hầu như không biết tí gì về những nỗi khắc khoải của tình

dục hoặc tâm trạng đau khổ đi kèm với sự trưởng thành của bản ngã mà bọn trẻ bình thường đều phải trải qua trong tuổi dậy thì. Bọn mình hoàn toàn cởi mở trong tình dục, còn về bản ngã thì vì bọn mình đã thu hút nhau và chia sẽ với nhau đến mức đó rồi nên cũng chẳng có ý thức gì về nó nữa. Cậu có hiểu mình nói gì không?”

“Chắc là hiểu,” tôi nói.

“Bọn mình không thể chịu nổi phải xa nhau. Cho nên nếu Kizuki còn sống, nhất định là bọn mình sẽ vẫn ở bên nhau, yêu nhau, và dần dần trở thành bất hạnh.”

“Bất hạnh ư? Tại sao lại thế?”

Naoko dùng ngón tay chải tóc lật ra sau nhiều lần. Nàng đã tháo dai buộc đầu, khiến tóc rũ hết xuống mặt môi lúc nàng cúi về phía trước.

“Bởi vì bọn mình sẽ phải trả lại cho thế giới này nhưng gì vẫn mắc nợ nó,” nàng nói, ngước mắt về phía tôi “Nỗi đau của sự trưởng thành. Bọn mình đã không trả cái giá đó đúng lúc, và bây giờ thì giấy đòi nợ đã đến rồi. Đó là lí do Kizuki làm điều anh ấy đã làm, và tại sao mình lại ở đây. Bọn mình giống như hai đứa trẻ trần truồng lớn lên trên một hòn đảo hoang. Nếu đói, bọn mình chỉ việc nhặt chuối ăn; nếu thấy cô đơn, bọn mình chỉ việc tìm đến vòng tay nhau. Nhưng những cái như thế không kéo dài mãi mãi. Bọn mình lớn nhanh và phải gia nhập xã hội. Chính vì vậy mà cậu rất quan trọng đối với hai đứa chúng mình. Cậu là móc xích nối bọn mình với bên ngoài. Bọn mình gắng gỏi thông qua cậu để hoà nhập với thế giới bên ngoài càng nhiều càng tốt. Nhưng cuối cùng, việc đó không thành, tất nhiên rồi.”

Tôi gật đầu.

“Mình không muốn cậu nghĩ là bọn mình đã lợi dụng cậu. Kizuki thực sự yêu mến cậu, chỉ tình cờ là quan hệ với cậu là quan hệ đầu tiên của bọn mình với một người khác. Bây giờ cũng vẫn vậy. Kizuki có thể chết rồi, nhưng cậu vẫn là móc xích duy nhất của mình với thế giới bên ngoài. Và Kizuki đã yêu mến cậu thế nào thì mình cũng vẫn yêu mến cậu như thế. Bọn mình không bao giờ muốn làm cậu bị tổn thương,

nhưng có thể đã như vậy rồi, bọn mình có thể đã gây nên một vết thương sâu hoắm trong lòng cậu mất rồi. Không bao giờ bọn mình nghĩ là có thể xảy ra chuyện ấy.”

Naoko lại cúi đầu và trở nên im lặng.

“Này các cậu, làm một cốc cacao nhé?” Reiko lên tiếng.

“Hay đấy. Em thích uống một chút cacao,” Naoko nói.

“Tôi thích uống một chút rượu mùi mang theo, nếu mọi người không phản đối,” tôi nói.

“Ô làm gì có ai phản đối,” Reiko nói. “Cho tôi một ngụm với nhé!”

“Nhất định rồi,” tôi cười.

Reiko mang ra hai cái cốc và chúng tôi cụng với nhau. Rồi chị vào bếp pha cacao.

“Mình có thể nói chuyện gì vui hơn một chút không?” Naoko hỏi.

Tôi chẳng có gì vui để nói. Tôi nghĩ giá mà còn Quốc-xã! Anh chàng đó có thể gợi hứng cho cả một xâu chuyện dài. Chỉ cần vài chuyện ấy thôi cũng đủ làm mọi người vui vẻ. Tôi đành phải kể dông dài về nhưng thói quen bẩn thỉu của bọn con trai trong học xá. Tôi thấy tởm khi phải kể những chuyện thô lỗ như thế, nhưng Naoko và Reiko thì cười lăn cười lộn. Họ lấy làm lạ lắm.

Rồi đến lượt Reiko bắt chước những bệnh nhân tâm thần. Cũng rất buồn cười. Hơn mười một giờ thì trông Naoko có vẻ buồn ngủ, Reiko liền kéo cái sô-pha ra thành giường và đưa cho tôi chăn ga gối nệm.

“Nếu cậu thấy muốn hiếp ai lúc nửa đêm thì chớ có nhầm người nhé,” chị nói. “Cái thân thể không có nếp nhăn ở giường bên trái là của Naoko.”

“Nói dối! Giường của em bên phải,” Naoko nói.

Reiko nói thêm, “Mà này, tôi đã thu xếp để cả hai chúng tôi nghỉ mấy việc chiều mai. Sao ba chúng mình không làm một cuộc picnic với nhau nhỉ? Tôi biết có một chỗ rất hay ở gần đây.”

Thức dậy lúc bảy giờ sáng thứ Hai, tôi lập tức rửa mặt, cạo râu, không ăn sáng mà đi thẳng đến văn phòng chủ nhiệm học xá và nói tôi sẽ đi chơi núi hai ngày. Ông ta đã quen với các chuyến đi ngắn như thế của tôi nên không ngạc nhiên gì cả. Tôi lên một chuyến tàu điện đông nghẹt đến ga Tokyo, mua vé tốc hành trên tàu siêu tốc đi Kyoto, và nhảy ngay lên chuyến đầu tiên trong ngày. Tôi chỉ điểm tâm bằng bánh kẹp với cà-phê, rồi ngủ thiếp đi khoảng một tiếng đồng hồ.

Tôi đến Kyoto vài phút trước mười một giờ. Theo chỉ dẫn của Naoko, tôi lấy xe buýt thành phố đến một trạm xe nhỏ phục vụ những khu ngoại ô phía bắc. Chuyến xe buýt tiếp theo đến điểm đích của tôi mãi đến mười một giờ ba mươi lăm mới chạy, và đi đến đó sẽ mất khoảng một tiếng. Tôi mua vé và sang một hiệu sách bên kia đường mua một tấm bản đồ. Trở lại nơi đợi xe, tôi nghiên cứu bản đồ xem có thấy Nhà nghỉ Ami nằm chính xác chỗ nào không. Hoá ra nó ở sâu trong núi hơn tôi tưởng. Xe buýt sẽ phải chạy qua nhiều đồi núi về phía bắc, rồi khi hết đường sẽ vòng lại để trở về thành phố. Trạm xuống của tôi sẽ là trạm áp chót của tuyến này. Theo lời Naoko, ở gần trạm ấy có một lối đi bộ, và nếu theo lối đó đi chừng hai mươi phút tôi sẽ đến Nhà nghỉ Ami. Sâu mãi trong núi như vậy nên chỗ ấy yên tĩnh đến thế là phải.

Chuyến xe khởi hành chỉ có chừng hai mươi khách, chạy men theo con sông Kamo qua mạn bắc Kyoto. Những con phố đông đúc dần nhường chỗ cho cảnh nhà cửa thưa thớt hơn, rồi đến đồng ruộng và đất trống. Những mái nhà đá đen và sườn vách nilông của những nhà ươm cây lấp loá trong nắng đầu thu. Khi xe tiến vào khe núi, tài xế bắt đầu vặn lái bên này bên kia để bám theo những đoạn lượn và khúc quanh của con đường và tôi bắt đầu thấy chóng mặt, vị cà-phê từ sáng lại ứ lên tận cổ. Đến khi đường đã đỡ quanh co và tôi bắt đầu thấy dễ chịu trở lại thì bất chợt chúng tôi lao vào một rừng tuyết tùng lạnh giá. Khu rừng chắc đã lâu đời lắm vì cây nào cũng cao vút rậm rạp, che hết cả nắng và bao phủ mọi vật trong những mảng bóng râm âm u. Gió lọt qua cửa sổ xe để mở lạnh toát và mang theo khí ẩm khiến da thịt nổi đanh đột ngột. Con đường núi bám theo bờ sông, hun hút mãi trong rừng và dài đến nỗi ta bắt đầu tưởng như cả thế giới này đã mãi mãi bị chôn vùi dưới tán tuyết tùng; nhưng đúng lúc ấy thì hết rừng, và chúng tôi chạy ra một lung sông rộng lớn có những ngọn núi bao quanh. Nông trại xanh tươi rộng rãi trải ra khắp bốn phía, và con sông ven đường chói chang và trong trẻo. Một sợi khói trắng bốc lên từ đàng xa. Nhiều nhà phơi quần áo ngoài nắng, và tiếng chó tru tréo ầm ĩ. Nhà trại nào cũng có củi chất đống lên đến tận hồi nhà ở phía trước, và thường có một con mèo nằm cuộn tròn ở đâu đó trên đống củi. Hai bên đường toàn những nhà như thế một đoạn dài, nhưng tôi không nhìn thấy một người nào hết.

Cảnh vật cứ nhắc đi nhắc lại như thế. Vào rừng tùng, ra đến làng, rồi lại vào rừng. Xe dừng lại ở một vài làng cho người xuống, nhưng không có khách nào lên xe. Bốn mươi phút sau khi rời thành phố thì đến một con đèo cao tầm nhìn rất rộng rãi. Tài xế dừng xe và tuyên bố chúng tôi sẽ phải đợi ở đó chừng năm sáu phút, mọi người có thể xuống xe nếu muốn. Chỉ còn có bốn khách trên xe, kể cả tôi. Tất cả đều xuống xe duỗi chân duỗi tay hoặc hút thuốc và ngắm nhìn toàn cảnh Kyoto ở mãi dưới xa. Bác tài lẩn sang một bên đi giải. Một ông rám nắng chừng non ngũ tuần mang theo một hộp bìa lớn buộc dây cẩn thận hỏi có phải tôi lên đây để đi bộ trên núi không. Tôi bảo phải, cho đỡ chuyện.

Cuối cùng thì một chiếc xe buýt khác từ bên kia đèo leo lên đến chỗ chúng tôi và đỗ lại bên cạnh. Ông tài nhảy ra khỏi xe, trao đổi ngắn gọn với bác tài của chúng tôi, rồi hai người ai về xe người nấy. Bốn chúng tôi về chỗ của mình, và hai chiếc xe ai đi đường nấy, ngược hướng nhau.

Tôi vẫn chưa hiểu tại sao xe chúng tôi phải đợi như vậy, nhưng chỉ đi một đoạn ngắn xuống bên này đèo thì con đường bỗng hẹp hẳn lại. Hai xe buýt lớn sẽ không thể tránh nhau trên đoạn đường ấy, và thực tế là ngay cả xe con thường đi ngược chiều cũng phải khéo lắm mới lọt được, thường là một xe phải lùi lại và nép hẳn vào một quãng trồi của một khúc quanh.

Những ngôi làng ven đường lúc này nhỏ hơn nhiều, và những khoảnh đất bằng để canh tác còn hẹp hơn nữa. Núi dốc hơn, vách núi như ép gần vào cửa sổ xe hơn. Nhưng hình như người ta vẫn nuôi nhiều chó như những làng khác, và khi xe chạy qua làng, chúng tha hồ thi nhau tru tréo.

Nơi tôi xuống xe không có gì hết – không nhà, không ruộng, chỉ có một cái biển đánh dấu trạm đỗ xe – một con suối nhỏ, và bắt đầu của lối mòn. Tôi đeo ba lô lên vai và bắt đầu đi theo lối mòn ấy. Con suối chảy dọc theo mép trái của lối mòn, và một khu rừng trơ trụi chạy bên mép phải. Đi theo lối mòn thoai thoải dốc ấy được độ mười lăm phút thì tới một con đường rẽ vào rừng ở phía bên phải, chỉ đủ rộng cho một chiếc xe nhó. Bên đường có một tấm biển đề: NHÀ NGHỈ AMI. KHU VỰC RIÊNG. CẤM VI PHẠM.

Vết bánh xe hằn sắc nét chạy trên mặt đường xuyên qua rừng. Thi thoảng lại có tiếng chim vỗ cánh âm vang trong vòm cây. Âm thanh rõ rệt lạ thường, như được khuyếch đại để át những giọng nói khác của rừng. Một lần, từ rất xa, tôi nghe tiếng gì đó có vẻ là một phát súng, nhưng rất nhỏ và nghẹt, như thể lọt qua nhiều lần màng lọc.

Qua quãng rừng ấy tôi tới một bức tường đá. Nó không cao hơn tôi, trốc tường không có rào giậu gì, nếu muốn tôi có thể trèo qua dễ dàng. Cánh cửa sắt đen sì trông cũng chắc chắn, nhưng lại mở toang, và không có ai trong nhà thường trực. Một tấm biển nữa giống cái trước dựng ngay cạnh cổng: NHÀ NGHỈ AMI. KHU VỰC RIÊNG. CẤM VI PHẠM. Có thể thấy người gác cổng đã vừa mới đi đâu đó: một chiếc gạt tàn đựng ba đầu mẩu thuốc, một cốc trà mới uống phân nữa, một cái đài bán dẫn trên giá, và chiếc đồng hồ treo tường gõ nhịp thời gian với một âm thanh khô khốc. Tôi chờ một lát cho người đó quay lại, nhưng khi thấy có vẻ không được, tôi bấm mấy nhát vào một thứ trông giống cái nút chuông. Khu vực ngay sau cổng vào là sân đậu xe. Trong đó có một chiếc xe buýt nhỏ, một cái Land Cruiser hai cầu, và một chiếc Volvo xanh nước biển sẫm. Sân có thể đậu được đến ba mươi xe, nhưng lúc ấy chỉ thấy có ba chiếc đó.

Hai ba phút trôi qua, rồi một người gác cổng mặc đồng phục xanh thuỷ quân xuất hiện

ở con đường rừng trên một chiếc xe đạp sơn màu vàng. Một người cao lớn trạc ngoại lục tuần có mái tóc chải hất ngược ra sau. Ông ta dựa chiếc xe đạp vàng vào tường trạm gác và nói, “Rất xin lỗi đã để anh phải chờ,” mặc dù giọng ông chẳng như vậy chút nào. Trên vành chắn bùn của chiếc xe có sơn con số 32. Khi tôi xưng tên, ông ta nhấc điện thoại và nhắc lại tên tôi hai lần với ai đó ở đầu dây bên kia, nói “Vâng, dạ, tôi biết rồi ạ” với người đó, rồi gác máy.

“Anh làm ơn vào khu nhà chính và hỏi gặp Bác sĩ Ishida nhé,” ông bảo tôi. “Cứ theo đường này qua đám cây kia đến chỗ bùng binh. Sau đó đến chỗ rẽ thứ hai thì rẽ trái. Chỗ rẽ thứ hai kể từ bùng binh, anh nhớ nhé. Anh sẽ thấy một ngôi nhà cổ. Rẽ phải ở đó và đi qua một rặng cây nữa thì đến một toà nhà bê-tông. Đó là khu nhà chính. Dễ đi lắm, anh cứ nhìn biển hướng dẫn là được.”

Tôi rẽ trái ở chỗ rẽ thứ hai từ bùng binh như đã dặn, và khi con đường ấy kết thúc thì đến một toà nhà cổ rất thú vị, rõ ràng đã tửng là nhà vườn của ai đó ngày xưa. Nó có một khu vườn xén tỉa rất chu đáo với nhưng tảng đá hình thù đẹp đẽ và một cây đèn lồng cũng bằng đá. Chắc phải là một nhà địa chủ giầu có lắm ngày trước. Rẽ phải qua rặng cây, tôi thấy một toà nhà bê-tông ba tầng. Nó được dựng trên một khu đất khoét vào vách núi, nên ba tầng lầu chẳng có vẻ gì là cao to oai vệ cả. Đó là một kiến trúc giản dị và gây ấn tượng mạnh về sự sạch sẽ.

Lối vào ở trên tầng hai. Tôi lên cầu thang, vào qua một cửa kính lớn và thấy một người đàn bà còn trẻ mặc bộ áo váy đỏ ngồi ở bàn tiếp tân. Tôi xưng tên và nói tôi được hướng dẫn vào đây để gặp bác sĩ Ishida. Bà ta mỉm cười và chỉ cho tôi một chiếc ghế sô-pha màu nâu, miệng nói rất nhỏ nhẹ mời tôi ngồi đợi bác sĩ. Rồi bà quay điện thoại. Tôi bỏ ba-lô xuống, ngồi thụt vào tấm nệm rất dày của chiếc ghế, và quan sát xung quanh. Đó là một sảnh đợi dễ chịu và sạch sẽ, có nhưng chậu cây trang trí, những bức tranh trừu tượng có gu, và sàn nhà bóng loáng. Khi đợi, tôi cứ nhìn mãi bóng phản chiếu của chính đôi giày mình ở dưới sàn.

Một lúc sau, bà tiếp tân nói với tôi, “Bác sĩ sắp đến rồi đấy ạ”. Tôi gật đầu. Yên tĩnh kinh khủng. Không có bất kì loại tiếng động nào. Như thể tất cả đều đang ngủ trưa.

Người, súc vật, côn trùng, cây cỏ đều đang ngủ say, tôi nghĩ bụng, một buổi chiều yên tĩnh đến thế là cùng.

Nhưng một lúc sau, tôi nghe tiếng đế giày cao-su bước nhẹ nhàng, và một chị đã đứng tuổi có mái tóc lởm chởm như gai xuất hiện. Chị đi như lướt qua khu sảnh rộng, ngồi xuống cạnh tôi, bắt chéo chân và cầm lấy tay tôi Đáng nhẽ bắt tay thì chị lại lật đi lật lại xem xét bàn tay tôi.

Câu đầu tiên chị nói với tôi là: “Cậu chưa chơi một nhạc cụ nào ít nhất mấy năm nay rồi, đúng không nào?”

“Đúng vậy,” tôi đáp, rất ngạc nhiên. “Chị nói đúng.”

“Nhìn tay cậu thì biết,” chị mỉm cười.

Có cái gì đó gần như bí hiểm về người đàn bà này. Mặt chị rất nhiều nếp nhăn. Đó là điều nổi bật đầu tiên, nhưng chúng lại không làm cho chị trông già đi tí nào. Không những thế, chúng lại còn làm nổi lên một vẻ trẻ trung ở chị mà tuổi tác không có tác dụng gì hết. Những nếp nhăn ấy ở rất đúng chỗ của chúng, như thể chúng đã có đó từ khi chị mới đẻ. Khi chị cười, chúng cũng cười theo; và khi chị nhăn nhó, chúng cũng nhăn nhó theo. Còn khi chịu không cười mà cũng chẳng nhăn thì chúng nằm rải rác khắp gương mặt chị với một vẻ ấm áp nghịch ngợm rất lạ lùng. Đây là một người đàn bà đã gần bốn mươi tuổi có cái vẻ không những là một người tốt mà cái tốt ấy của chị còn thu hút được cả tôi. Vừa gặp là tôi thích chị liền.

Cắt xén một cách hoang dại, tóc chị dựng đứng thành từng mảng và vành ngoài thì gẫy gập rủ xuống trán, nhưng kiểu tóc đó lại hoàn toàn hợp với chị. Chị mặc sơ-mi lao động xanh da trời bên ngoài áo phông trắng, quần vải bông màu kem, và giày tennis. Cao và mảnh khảnh, chị hầu như không có ngực. Cặp môi thường xuyên nhếch sang một bên như hơi cong lên giễu cợt, và những nếp nhăn ở khóe mắt động đậy như hơi rung rinh. Chị giống một nữ thợ mộc lành nghề, tốt bụng nhưng có vẻ hơi chán đời.

Rụt cằm lại và cong môi lên, chị để ra hẳn một lúc để ngó tôi từ đầu đến chân. Tôi tưởng như chị sắp rút thước dây ra và đo đắn tôi khắp nơi ngay bấy giờ.

“Cậu có chơi nhạc cụ nào không?” chị hỏi.

“Rất tiếc là không,” tôi đáp.

“Chán nhỉ,” chị nói. “Có thì vui quá.”

“Chắc thế,” tôi nói. Nhưng sao lại toàn chuyện đàn địch như vậy nhỉ?

Chị lấy một bao Seven Stars từ túi áo ngực ra, đặt một điếu lên miệng, châm bằng bật lửa, rồi bắt đầu rít với vẻ khoái trá rõ rệt.

“Tôi có nhớ là phải nói qua về chỗ này cho cậu… Watanabe, có phải không ạ? – trước khi cậu gặp Naoko. Cho nên tôi đã thu xếp để hai chúng ta chuyện trò với nhau một tí như thế này. Nhà nghỉ Ami cũng hơi bất thường một chút, và cậu có thể thấy lúng túng nếu không biết đôi chút về hoàn cảnh của nó. Tôi nói thế có phải không ạ? Có phải cậu chưa biết gì về cơ sở này, phải không ạ”

“Hầu như không biết gì.”

“Vậy thì, đầu tiên là…” chị bắt đầu, nhưng rồi lại búng tay một cái. “Xem đã nào, cậu đã ăn trưa chưa nào? Chắc cậu đói bụng rồi.”

“Quả có thế, chị nói đúng.”

“Vậy hay đi với tôi. Ta có thể vừa ăn vừa nói chuyện trong nhà ăn. Giờ ăn qua rồi, nhưng nếu đi ngay may ra họ vẫn có thể làm cái gì đó cho mình.”

Chị dẫn đường, rảo bước theo một hành lang và một đợt cầu thang xuống nhà ăn ở tầng một. Một gian phòng rộng, có lẽ đủ chỗ cho hai trăm người, nhưng chỉ có nửa phòng được sử dụng, nửa kia ngăn ra, như một khách sạn nghỉ mát chưa vào mùa. Thực đơn hôm đó có món khoai tây hầm với mì sợi, rau trộn, nước cam và bánh mì.

Rau cỏ quả có tươi ngon như Naoko đã nói trong thư, và tôi chén sạch trơn đĩa của mình.

“Rõ là cậu ăn thật ngon miệng!” người bạn nữ của tôi nói.

“Ngon tuyệt,” tôi nói. “Với lại, từ sáng đến giờ tôi hầu như chưa có gì vào bụng.”

“Nếu vậy thì mời cậu ăn hộ phần tôi luôn đi. Tôi no rồi. Đây này, cậu ăn đi.”

“Vâng, nếu chị thực sự không muốn ăn nữa.”

“Bụng tôi bé. Chẳng chứa được là mấy. Tôi phải bù bằng thuốc lá.” Chị đốt một điếu Seven Stars nữa. “À mà cậu có thể gọi tôi là Reiko. Ai cũng gọi tôi như vậy cả.”

Reiko có vẻ rất khoái nhìn tôi ăn món khoai tây hầm mà chị hầu như chưa đụng tới, và nhồm nhoàm cả phần bánh mì của chị nữa.~

“Chị là bác sĩ của Naoko à?” tôi hỏi.

“Tôi á? Bác sĩ của Naoko ư? Chị nhăn hết cả mặt lại. “Sao cậu lại nghĩ tôi là bác sĩ?”

“Họ dặn tôi tìm gặp bác sĩ Ishida mà.”

“À tôi hiểu rồi. Không phải đâu, tôi dạy nhạc ở đây. Cũng là một cách điều trị đối với một số bệnh nhân, nên để đùa họ cứ gọi tôi là “Bác sĩ âm nhạc” và đôi khi là “Bác sĩ Ishida”. Nhưng tôi chỉ là một bệnh nhân thôi. Tôi ở đây được bảy năm rồi. Tôi làm giáo viên dạy nhạc và giúp việc văn phòng, nên bây giờ cũng chẳng biết mình là bệnh nhân hay là cán bộ nữa. Naoko không kể gì về tôi cho cậu nghe à?”

Tôi lắc đầu.

“Lạ nhỉ,” Reiko nói. “Tôi ở cùng phòng với Naoko. Tôi thích sống với cô ấy. Chúng tôi nói với nhau đủ chuyện. Kể cả về cậu.”

“Về tôi thế nào ạ?”

“Thế nào ư? Nhưng trước hết tôi phải giới thiệu chỗ này với cậu đã,” Reiko nói, tảng lờ câu hỏi của tôi. “Điều đầu tiên cậu cần biết là đây không phải là một bệnh viện thông thường. Nó chữa trị thì ít mà giúp hồi phục là chính. Chúng tôi cũng có mấy bác sĩ tất nhiên rồi, và họ có những giờ làm việc với bệnh nhân, nhưng chỉ là để kiểm tra tình trạng của bệnh nhân, đo nhiệt độ và những thứ đại loại thế, chứ không điều trị như trong một bệnh viện thông thường. Ở đây cửa sổ không có chấn song, và cửa luôn để ngỏ. Mọi người ra vào tự nguyện. Trước hết là cậu phải thích hợp với kiểu hồi phục ấy thì mới được nhận vào đây. Nếu có người cần phải được điều trị đặc biệt thì sẽ được gửi đến bệnh viện chuyên khoa về lĩnh vực ấy. Đến đây vẫn ôkê chứ.”

“Tôi nghĩ vậy,” tôi nói. “Nhưng “hồi phục” ở đây bao gồm những gì? Chị có thể ví dụ cụ thể được không?”

Reiko thở ra một đám khói rồi uống nốt chỗ nước cam còn lại của chị. “Cứ sống ở đây là hồi phục rồi,” chị nói. “Một lịch sinh hoạt đều đặn, tập tành, cách biệt với thế giới bên ngoài, không khí trong lành, yên tĩnh. Nông trại của chúng tôi giúp chúng tôi gần như tự cũng tự cấp được; không có TV và radio. Chúng tôi giống như một trong những công xã mà chắc cậu đã nghe đến nhiều rồi. Tất nhiên, một cái khác với công xã là phải tốn một mớ tiền tướng mới vào được đây.”

“Một mớ tướng ư?”

“Thật ra cũng không đắt đến mức vô lối, nhưng không rẻ chút nào. Cứ nhìn cơ sở thiết bị ở đây mà xem. Chúng tôi có rất nhiều đất, một số ít bệnh nhân, một đội ngũ cán bộ lớn, và như trường hợp của tôi thì tôi đã ở đây rất lâu rồi. Đúng là tôi có được nhiều ưu đãi vì bản thân cũng đã gần như là cán bộ, nhưng ngay cả thế thì cũng vẫn cứ là… Thôi nào, cậu làm một tách cà-phê chứ.”

Tôi nói được thế thì tốt. Chị dụi thuốc rồi ra quầy rót hai cốc cà-phê từ một cái ấm và mang cả lại chỗ chúng tôi đang ngồi. Chị cho đường vào cốc của mình, khuấy lên, nhăn mặt, rồi nhấp một ngụm.

“Cậu biết không,” chị nói, “viện điều dưỡng này không phải là cơ sở doanh nghiệp kiếm lãi, cho nên nó có thể tiếp tục tính tiền không đến nỗi đắt lắm so với thông thường. Đất là được hiến. Họ lập công ty vì mục đích ấy. Toàn bộ chỗ này là nhà nghỉ hè của ông chủ đất cũ hai mươi năm trước đây. Tôi chắc là cậu thấy ngôi nhà cổ rồi phải không?”

Tôi bảo đã.

“Trước đây chỉ có mỗi ngôi nhà ấy. Họ tổ chức điều trị nhóm ở đó. Mọi chuyện đã bắt đầu như vậy. Con trai ông chủ hiến đất có khuynh hướng tâm thần và một Chuyên gia đề nghị điều trị nhóm cho anh ta. Lý thuyết của vị bác sĩ ấy là nếu ta có thể đưa một nhóm bệnh nhân về sống ở đồng quê, giúp nhau lao động và có một bác sĩ để theo dõi và kiểm tra, ta có thể chữa được một số bệnh. Họ đã thử, và hoạt động ấy phát triển, được tổ chức thành doanh nghiệp, và họ mở rộng đất canh tác, và năm năm trước đây mới xây thêm khu nhà chính.”

“Có nghĩa là cách điều trị ấy có kết quả tốt.”

“Cũng không phải tốt cho tất cả mọi trường hợp. Nhiều người không đỡ được chút nào. Nhưng cũng có nhiều người không thể có kết quả ở các nơi khác lại hoàn toàn bình phục ở đây. Cái hay nhất ở đây là cách mọi người giúp đỡ lẫn nhau. Ai cũng biết mình có khiếm khuyết ở mặt nào đó, nên đều có ý thức giúp đỡ nhau. Những nơi khác không theo phương pháp này, thật đáng tiếc. Bác sĩ là bác sĩ và bệnh nhân là bệnh nhân: bệnh nhân tìm đến bác sĩ để được giúp đỡ và bác sĩ ban phát sự giúp đỡ ấy cho bệnh nhân. Nhưng ở đây, chúng tôi ai cũng giúp nhau hết. Người nào cũng là gương soi của người khác, và các bác sĩ là một phần của chúng tôi. Họ quan sát chúng tôi ở bên cạnh và lẳng lặng bước vào giúp chúng tôi nếu thấy chúng tôi cần cái gì đó, nhưng có nhiều khi chúng tôi lại là người giúp đỡ họ. Nhiều khi chúng tôi giỏi hơn họ cái gì đó. Ví dụ, tôi đang dạy một bác sĩ chơi đàn dương cầm, và một bệnh nhân khác đang dạy một hộ lý tiếng Pháp. Kiểu thế. Bệnh nhân như chúng tôi thường được trời phú cho những khả năng đặc biệt. Nên mọi người ở đây đều bình đẳng – bệnh nhân, cán bộ, và cậu nữa. Còn ở đây thì cậu còn là một thành viên như chúng tôi, nên tôi

giúp cậu và cậu giúp tôi.”

Reiko mỉm cười, nhẹ nhàng động đậy tất cả các nếp nhăn trên mặt.

“Cậu giúp Naoko và Naoko giúp cậu.”

“Vậy tôi sẽ phải làm gì? Cho một ví dụ đi.”

“Đầu tiên cậu phải quyết định là cậu muốn giúp, và cậu cần được người khác giúp. Sau đó cậu phải hoàn toàn chân thực. Cậu sẽ không nói dối, không lấp liếm, không che giấu bất kì điều gì có thể làm cậu lúng túng. Chỉ có vậy thôi”

“Tôi sẽ cố,” tôi nói. “Nhưng cho tôi biết được không, Reiko, tại sao chị lại ở đây những bay năm trời? Nói chuyện với chị như thế này, tôi không thể tin là chị có trục trặc gì.”

“Khi trời sáng thì không,” chị nói với một vẻ mặt u ám. “Nhưng hễ đêm đến là tôi bắt đầu dãi rớt và lăn lộn dưới sàn nhà.”

“Thật vậy ư?”

“Đừng có ngốc thế, tôi chỉ nói đùa thôi,” chị nói, lắc đầu với một vẻ kinh tởm. “Tôi hoàn toàn lành mạnh ít nhất là hiện nay. Tôi ở lại đây vì tôi thích giúp người khác lành mạnh, dạy nhạc, trồng rau. Tôi thích chỗ này lắm. Tất cả đều là bạn bè không ít thì nhiều. So ra, thì tôi có gì ở thế giới bên ngoài nào? Tôi đã ba tám, sắp bốn mươi. Tôi không như Naoko. Chẳng có ai đợi tôi ra ở ngoài đó, chẳng có gia đình nào đón tôi trở lại. Tôi không có công trình gì để nói đến, và hầu như không có bạn. Đã sáu bảy năm, tôi không còn biết chuyện gì đang ở ngoài kia nữa. A, thi thoảng tôi cũng đọc một tờ báo trong thư viện, nhưng tôi chưa bao giờ đặt chân ra ngoài khu vực này trong suốt thời gian ấy. Tôi sẽ không biết mình sẽ làm gì nếu tôi đi khỏi đây.”

“Nhưng có khi một thế giới mới sẽ lại mở ra với chị thì sao?” tôi nói. “Cũng đáng thử chứ, phải không ạ”

“Hừmm, cũng có thể cậu nói đúng,” chị nói, không ngừng xoay cái bật lửa trong tay. “Nhưng tôi cũng có một loạt các vấn đề của riêng mình. Rồi sẽ có lúc tôi nói hết cho cậu nghe, nếu cậu thích.”

Tôi gật đầu đáp lại. “Còn Naoko,” tôi nói, “cô ấy có khá hơn chút nào không?”

“À chúng tôi nghĩ là có. Lúc đầu cô ấy có hơi hoang mang và đã có lúc chúng tôi thấy ngại, nhưng bây giờ thì cô ấy đã bình tĩnh hơn nhiều, đến độ đã có thể tự biểu cảm bằng lời nói. Chắc chắn là cô ấy đang đi đúng hướng. Nhưng nhẽ ra cô ấy phải được điều trị sớm hơn nhiều. Những triệu chứng của cô ấy đã rõ rệt ngay từ lúc bạn trai Kizuki của cô ấy tự vẫn. Nhẽ ra gia đình cô ấy phải thấy mới phải, và bản thân cô ấy nhẽ ra cũng phải thấy là có chuyện không ổn rồi. Tất nhiên, chuyện gia đình cô ấy cũng chẳng ổn, hoặc là…”

“Gia đình không ổn ư?” tôi vội hỏi.

“Cậu không biết à?” Reiko có vẻ còn ngạc nhiên hơn tôi.

Tôi lắc đầu.

“Tôi nên để Naoko tự kể cho cậu thì hơn. Cô ấy đã sẵn sàng cởi mở đôi điều với cậu đấy.” Reiko khuấy cà-phê một lần nữa rồi lại nhấp một ngụm. “Có một cái nữa cậu cần biết,” chị nói. “Theo nội quy ở đây, cậu và Naoko sẽ không được phép ở một mình với nhau. Khách đến thăm không được ở một mình với bệnh nhân. Lúc nào cũng phải có một quan sát viên, mà trong trường hợp của các cậu thì là tôi đấy. Xin lỗi nhé, nhưng cậu sẽ phải chịu đựng tôi thôi, ôkê?”

“Ôkê,” tôi mỉm cười.

“Tuy nhiên,” chị nói, “hai đứa các cậu có thể nói với nhau bất cứ chuyện gì. Cứ quên hẳn tôi đi. Mà tôi cũng đã biết hầu hết mọi chuyện về cậu và Naoko rồi.”

“Hết mọi chuyện ư?”

“Gần như thế. Cậu biết là chúng tôi có những buổi điều trị nhóm mà. Nên chúng tôi biết rất nhiều về nhau. Thêm nữa là Naoko với tôi nói với nhau tất cả mọi chuyện. Chúng tôi không có nhiều bí mật ở đây đâu.”

Tôi nhìn Reiko và uống cà-phê của mình.

“Nói thật với chị,” tôi nói, “Tôi vẫn hoang mang lắm. Tôi vẫn không biết việc tôi làm với Naoko ở Tokyo là đúng hay là sai. Tôi vẫn suy nghĩ về nó suốt thời gian qua, nhưng vẫn không biết ra sao.”

“Tôi cũng không biết,” Reiko nói. “Và cả Naoko nữa. Đó là cái mà hai đứa các cậu phải tự quyết định. Cậu hiểu ý tôi nói không? Có chuyện gì đi nữa thì hai đứa các cậu cũng vẫn có thể quay nó về hướng đúng đắn – nếu các cậu có thể có được một thông cảm nào đó. Có lẽ, một khi các cậu đã giải quyết được chuyện đó, các cậu mới có thể quay lại và nghĩ xem chuyện xảy ra là đúng hay là sai. Cậu nghĩ sao?”

Tôi gật đầu.

“Tôi nghĩ ba đứa chúng ta có thể giúp nhau được – cậu và Naoko và tôi – nếu chúng ta thực tình muốn thế, và nếu chúng ta thực sự trung thực. Có ba người như thế có lẽ sẽ cực kỳ hiệu quả đấy. Cậu có thể ở lại đây bao lâu?”

“Tôi muốn trở lại Tokyo vào chiều tối ngày kia. Tôi phải đi làm, và phải dự kiểm tra tiếng Đức vào thứ Năm.”

“Tốt,” chị nói. “Vậy cậu có thể ở với chúng tôi.Như vậy cậu không phải trả tiền gì cả và có thể chuyện trò tha hồ không phải lo đến thời gian.”

“Với chúng tôi?” tôi hỏi lại.

“Naoko với tôi, tất nhiên rồi,” Reiko nói. “Chúng tôi có một phòng ngủ riêng, còn phòng khách thì có một cái sô pha kéo ra thành giường. Cậu sẽ ngủ ngon được. Đừng lo.”

“Họ có cho phép thế không? tôi hỏi. “Khách đàn ông có được ngủ lại trong phòng phụ nữ không?”

“Tôi không nghĩ cậu sẽ vào hiếp chúng tôi lúc nữa đêm chứ.”

“Chị đừng ngốc thế.”

“Vậy là chẳng có vấn đề gì rồi. Ở với chúng tôi và chúng ta có thể chuyện trò thoả đáng. Đó là cái hay nhất. Rồi chúng ta mới có thể thực sự hiểu nhau. Còn tôi thì có thể chơi ghi-ta cho cậu nghe. Tôi chơi khá hay đấy cậu ạ, “Chị chắc là tôi sẽ không làm phiền gì chứ.”

Reiko đặt điếu Seven Stars thứ ba lên môi và châm lửa sau khi đã nhếch mép mấy lần.

“Naoko với tôi đã bàn chuyện này rồi. Hai chúng tôi đều cùng nhau có lời mời cậu ở với chúng tôi. Chẳng nhẽ cậu không thể lịch sự chấp nhận hay sao?”

“Có chứ ạ, và rất hân hạnh.”

Reiko nhăn sâu các nếp nhăn bên khóe mắt và nhìn tôi một lúc. “Cậu có lối nói chuyện kì nhỉ,” chị nói. “Chẳng nhẽ cậu định bắt chước anh chàng trong Bọn trẻ đồng xanh?”

“Đâu có!” tôi mỉm cười nói.

Reiko cũng mỉm cười theo, miệng vẫn ngậm điếu thuốc.

“Nhưng cậu là một người tốt lành đấy. Nhìn cậu, tôi có thể nói vậy. Tôi có thể phân biệt những chuyện này sau bảy năm quan sát những người ra vào nơi đây: có những người có thể cởi mở cõi lòng mình và có những người không thể làm được việc đó. Cậu thuộc loại đầu. Hoặc nói cho chính xác thì cậu có thể làm vậy nếu cậu muốn.

“Chuyện gì sẽ xảy ra khi người ta cởi mở cõi lòng mình?”

Reiko khoá hai bàn tay và đặt chúng lên bàn, điếu thuốc trễ trên môi. Chị đang thích thú lắm thì phải.

“Người ta sẽ tốt lành hơn,” chị nói. Tàn thuốc rơi xuống bàn, nhưng chị có vẻ không để ý.

Reiko và tôi rời khu nhà chính, vượt qua một trái đồi, rồi đi qua một bể bơi, mấy sân bóng quần, và một sân bóng rổ. Hai người đàn ông – một người trung niên gày gò và một thanh niên béo phục phịch – đang chơi bóng quần. Cả hai đều sử dụng vợt thành thạo, nhưng tôi có cảm tưởng như họ đang chơi cái gì đó không phải bóng quần. Có vẻ như cả hai đều có chung một mối quan tâm đặc biệt đến cách nảy qua nảy lại của trái bóng và đang cùng nghiên cứu lĩnh vực đó. Họ đánh trái bóng qua lại với một thái độ tập trung rất lạ. Cả hai đều đẫm mồ hôi. Anh thanh niên ở bên phía sân gần chúng tôi bỗng để ý thấy Reiko và chạy ra. Hai người trao đổi vài lời, miệng mỉm cười. Gần sân bóng, một người đàn ông có gương mặt không biểu lộ tí gì đang điều khiển một cái máy cắt cỏ lớn.

Đi tiếp chúng tôi đến một đám rừng trong đó có khoảng mười lăm hoặc hai mươi ngôi nhà nhỏ ngay ngắn đứng cách quang nhau khá xa. Ở trước cửa hầu hết các ngôi nhà ấy đều thấy có một chiếc xe đạp sơn vàng như của ông thường trực. “Đây là khu nhà của gia đình cán bộ,” Reiko nói.

“Chúng tôi có đủ thứ, hầu như không phải vào thành phố,” chị nói khi chúng tôi sánh bước. “Về thực phẩm thì như tôi đã nói, chúng tôi hầu như tự cấp được hết. Trứng thì chúng tôi nuôi gà đẻ. Chúng tôi có sách, đĩa hát, trang thiết bị thể dục, có cửa hàng bách hoá nhỏ riêng của chúng tôi, và tuần nào cũng có thợ cắt tóc và trang điểm đến phục vụ. Thậm chí cuối tuần nào cũng có chiếu phim. Cần thứ gì đặc biệt thì đề nghị cán bộ mua hộ trong thành phố. Quần áo thì đặt mua qua catalogue. Sống ở đây không có vấn đề gì hết.”

“Nhưng không ai được phép vào thành phố phải không?”

“Đúng thế, cái đó thì chúng tôi không được phép. Tất nhiên nếu có chuyện gì đặc biệt, như phải đến nha sĩ chẳng hạn, thì lại là chuyện khác, nhưng quy định chung là chúng tôi không được vào phố. Ai cũng hoàn toàn được tự do ra khỏi nơi này, nhưng đã ra là không được trở lại nữa. Coi như cắt cầu. Không thể vào phố mấy ngày rồi lại mong quay lại đâu. Cũng là hợp lý thôi. Nếu cứ vậy. thì rồi ai cũng đi đi về về suốt.”

Qua khỏi đám rừng chúng tôi đến một sườn đôi thoai thoải. Ở những quang cách không đều nhau dọc sườn đồi ấy là một dãy những ngôi nhà gỗ hai tầng có cái gì đó là lạ. Rất khó nói cái gì làm cho chúng có vẻ là lạ như thế, nhưng đó là cảm giác đầu tiên của tôi khi mới nhìn thấy chúng. Phản ứng ấy của tôi rất giống với cảm giác khi ta thấy cái gì đó không có thực mà lại được vẽ ra một cách rất thú vị. Tôi bỗng nghĩ ra rằng có thể đó là cái cảm giác khi ta thấy một bộ phim hoạt hoạ của Wall Disney vẽ dựa trên một bức tranh của Munch. Tất cả những ngôi nhà ấy đều có hình dáng và màu sắc hệt như nhau, gần như một khối vuông, trái phải hoàn toàn đối xứng nhau, với cửa ra vào lớn và rất nhiều cửa sổ. Con đường chạy vòng vèo qua khu nhà ấy như một lộ trình giả tạo để luyện tập trong một trường dạy lái xe. Trước cửa nhà nào cũng có một dãy bụi hoa xén tỉa cẩn thận. Không đâu có bóng người, và các cửa sổ đều buông rèm kín mít.

“Đây gọi là Khu C. Phụ nữ sống ở đây. Chúng tôi đấy! có mười nhà, mỗi nhà có bốn đơn nguyên, mỗi đơn nguyên hai người. Vị chi là tám mươi người tất cả, nhưng hiện thời chúng tôi chỉ có ba mươi hai người.”

“Yên tĩnh quá, phải không ạ”

“Ấy là vì lúc này không có ai ở nhà,” Reiko nói. “Tôi thì được phép tự do đi lung tung thế này, nhưng mọi người khác đều đang bận làm các việc theo lịch riêng của họ. Có người lúc này đang tập thể dục, có người đang làm vườn, có người đang dự nhóm điều trị, có người đang đi hái thuốc. Mỗi người tự lên lịch cho chính mình. Đề xem bây giờ Naoko đang làm gì nào? Có lẽ cô ấy đang sơn hoặc lăn giấy dán tường ở đâu đó. Tôi không nhớ. Một số việc như vậy chỉ kết thúc vào lúc năm giờ.”

Reiko vào ngôi nhà có đánh dấu “C-7”, lên cầu thang ở cuối hành lang, rồi mở cánh cửa bên phải vẫn để không khoá. Chị dẫn tôi vào căn hộ đó, một đơn nguyên bốn phòng thú vị mặc dù hơi đơn điệu: phòng khách, phòng ngủ, bếp và nhà tắm. Không có đồ đạc gì thừa hoặc trang trí gì không cần thiết, mà vẫn không có vẻ khắc khổ. Chẳng có gì đặc biệt, nhưng ở trong căn hộ ấy cũng kiểu như ở bên cạnh Reiko: ta có thể thư giãn và để mọi căng thẳng rời bỏ thân xác mình. Phòng khách có một cái sô-pha, một cái bàn, và một cái ghế xích đu. Trong bếp có một cái bàn nữa. Bàn nào cũng có một cái gạt tàn to tướng. Phòng ngủ có hai giường, hai bàn viết và một khoang tủ quần áo. Giữa hai đầu giường là một cái bàn đêm có cây đèn và một cuốn sách bìa mềm đọc dở úp trên đó. Bếp có một cái nồi điện nhỏ cân xứng với một cái tủ lạnh nhỏ, và được bố trí thiết bị để có thể nấu nướng đơn giản.

“Không có bồn tắm, chỉ có hương sen, nhưng cũng được đấy chứ, cậu thấy thế nào? Tắm bồn và giặt giũ thì vào nhà tắm chung.”

“Quá tốt rồi. Phòng học xá của tôi chỉ có một cái trần và một cửa sổ”

“A, nhưng cậu chưa thấy mùa đông ở đây,” Reiko nói, chạm tay vào lưng tôi để hướng tôi vào cái sô-pha rồi ngồi xuống cạnh tôi. “Dài và khắc nghiệt. Chẳng có gì ngoài tuyết và tuyết và tuyết, nhìn đâu cũng chỉ có thế. Ẩm thấp và lạnh thấu xương. Suốt mùa đông chúng tôi chỉ xúc tuyết. Hầu hết là chỉ ở trong nhà cho ấm, nghe nhạc, tán chuyện hoặc đan lát. Nếu không rộng rãi thế này thì chết ngạt. Cậu sẽ hiểu nếu cậu đến đây vào mùa đông.”

Reiko thở dài thườn thượt như đang mường tượng cảnh mùa đông, rồi úp cả hai bàn tay lên hai đầu gối.

“Đây sẽ là giường của cậu,” chị nói, vô vỗ cái sô-pha. “Chúng tôi ngủ trong phòng kia, còn cậu sẽ ngủ ở đây Thế được chứ, cậu nghĩ sao?”

“Nhất định là được rồi.”

“Vậy là xong nhé,” Reiko nói. “Chúng tôi sẽ về khoảng năm giờ. Naoko và tôi đều có

việc phải làm cho đến lúc đó. Cậu chịu khó ở đây một mình được không?”

“Được chứ ạ. Tôi sẽ làm bài tiếng Đức của mình.”

Khi Reiko đã đi rồi, tôi nằm dài trên sô-pha và nhắm mắt lại. Tôi nằm đó, đắm mình vào cái im lặng, rồi bỗng nhớ lại thời Kizuki và tôi đi chơi bằng môtô với nhau. Thì ra đó cũng là vào mùa thu. Mùa thu, mấy năm rồi nhỉ. Phải rồi, bốn năm. Tôi nhớ lại mùi chiếc áo da của Kizuki và tiếng động cơ đinh tai của chiếc Yamaha 125 phân khối màu đỏ. Chúng tôi phóng đến một nơi mãi tít dưới bở biển rồi trở lại ngay tối hôm đó, mệt nhoài. Chẳng có gì đặc biệt trong chuyến đi ấy, nhưng tôi nhớ nó rất rõ. Gió thu quật rát hai bên tai, và vừa ngẩng nhìn trời vừa bám chặt lấy cái áo da của Kizuki, tôi ngớ như mình có thể bị gió thổi bay lên vũ trụ.

Tôi nằm đó rất lâu, mặc cho tâm trí lang thang từ kí ức này sang kí ức khác. Không hiểu sao, khi nằm trong gian phòng ấy tôi bỗng nhớ lại những kỉ niệm xa xôi mà trước đấy tôi rất ít khi hoặc chưa bao giờ nhớ đến. Nhiều kỉ niệm thật vui, nhưng nhiều cái buồn man mác.

Như thế này bao lâu rồi nhỉ? Tôi đắm đuối trong dòng thác hồi tưởng (quả thực là một dòng thác, như một ngọn suối vọt ra từ khe đá) đến nỗi không biết là Naoko đã lẳng lặng mở cửa và bước vào nhà. Tôi mở mắt, và nàng đã ở đó rồi. Tôi ngẩng đầu và nhìn vào đôi mắt nàng một lúc lâu. Nàng đang ngồi lên tay ghế sô-pha nhìn tôi. Lúc đầu tôi nghĩ nàng chỉ là một hình ảnh hiện ra từ những kí ức của tôi. Nhưng đó là Naoko bằng xương bằng thịt.

“Đang ngủ à?” nàng thì thầm.

“Không,” tôi nói, “chỉ đang nghĩ”. Tôi ngồi dậy và hỏi, “Cậu khoẻ không?”

“Mình khoẻ,” nụ cười nho nhỏ của nàng giống như một cảnh trí nhợt nhạt xa vời. “Mình không có nhiều thời gian đâu. Đáng ra mình không được ở nhà bây giờ. Chỉ chạy đi được một phút thôi, mình phải trở lại ngay. Cậu có ghét tóc mình không?”

“Hoàn toàn không,” tôi nói. “Xinh đấy chứ.” Tóc nàng để giản dị như kiểu nữ sinh, một bên có dải buộc như nàng vẫn buộc ngày trước. Nó rất hợp với nàng, như thể lúc nào nàng cũng buộc tóc như thế. Nàng giống như một trong những bé gái xinh đẹp vẫn thường thấy trong các bức tranh khắc gỗ thời Trung cổ.

“Thật khổ vì đầu với tóc, mình nhờ Reiko cắt đấy. Cậu nghĩ thế này đẹp thật à?”

“Thật mà.”

“Mẹ mình ghét lắm.” Nàng cởi dải buộc, buông tóc xuống, vuốt thẳng, rồi buộc trở lại.

Cái dải có hình giống một con bướm.

“Mình muốn gặp cậu một mình trước khi cả ba tụi mình ở với nhau. Không phải là mình có gì đặc biệt muốn nói. Mình chỉ muốn nhìn mặt cậu và quen với việc có cậu ở đây. Nếu không, mình sẽ khó lòng làm quen lại với cậu. Mình kém giao tiếp quá.”

“Thật vậy sao? tôi hỏi. “Thế này đã được chưa?”

“Hơi hơi rồi,” nàng nói, lại đưa tay lên dải buộc đầu. “Nhưng hết giờ rồi. Mình phải đi đã.”

Tôi gật đầu.

“Toru này,” nàng bắt đầu, “Mình thực lòng cảm ơn cậu đã đến thăm. Mình hạnh phúc lắm. Nhưng nếu ở đây mà cậu thấy nặng nề, cậu cứ việc bảo mình ngay nhé. Đây là một nơi đặc biệt, và nó có một chế độ đặc biệt, và có những người không thể hoà nhập được. Vậy nếu cậu thấy thế thì hãy làm ơn cho mình biết thực lòng nhé. Mình sẽ không sao đâu. Ở đây chúng mình chân thực với nhau. Chúng mình nói với nhau mọi thứ với tháị độ hoàn toàn chân thực.”

“Mình sẽ cho cậu biết,” tôi nói. “Mình sẽ chân thực.”

Naoko ngồi xuống và dựa vào tôi trên sô-pha. Khi tôi quàng tay quanh người nàng, nàng dựa đầu lên vai tôi và dụi mặt vào cổ tôi. Nàng giữ tư thế ấy một lúc, như thể

đang đo nhiệt độ cho tôi. Ôm nàng trong tay, tôi thấy ngực mình ấm áp. Một lúc sau, nàng lẳng lặng đứng dậy rồi đi ra cửa, cũng im lìm như lúc nàng vào nhà.

Naoko đi rồi, tôi ngủ thiếp đi trên sô-pha. Tôi không định thế, nhưng cứ thiếp đi vào một giấc ngủ sâu chưa từng có đã rất lâu rồi, và tràn đầy một cảm thửc về sự có mặt của Naoko. Trong bếp là những bát đĩa Naoko vẫn dùng, trong nhà tắm là chiếc bàn chải đánh răng Naoko vẫn dùng, và trong phòng ngủ là chiếc giường Naoko vẫn ngủ. Ngủ say trong căn hộ của nàng, tôi vắt kiệt cảm giác mệt nhọc ra khỏi từng tế bào của thân xác mình, từng giọt một. Tôi mơ thấy một con bướm đang bay lượn như múa trong ánh sáng mờ ảo.

Khi tỉnh lại, kim đồng hồ trên tay tôi chỉ bốn giờ ba mười lăm phút. Ánh sáng đã khác, gió đã ngừng thổi, hình dạng nhưng đám mây cũng đã đổi khác. Tôi ra mồ hôi trong khi ngủ, nên lấy một chiếc khăn nhỏ trong ba-lô ra lau mặt và thay một chiếc áo chẽn mới. Vào trong bếp, tôi uống nước rồi đứng đó nhìn qua cửa sổ phía trên bồn rửa. Tôi đang nhìn thẳng sang một cửa sổ của toà nhà đối diện, bên trong thấy treo nhiều hình cắt giấy: một con chim, một đám mây, một con bò, một con mèo, tất cả được cắt rất khéo và được nối với nhau. Cũng như trước, không có bóng dáng một người nào ở quanh đó, và không có bất cứ một thứ tiếng động gì. Tôi cảm thấy như đang đứng một mình giữa một nơi hoang phế được chăm sóc rất cẩn thận.

Sau năm giờ thì mọi người bắt đầu lục tục quay về Khu C. Nhìn qua cửa sổ bếp, tôi thấy ba người đàn bà đi ngang qua ở bên dưới. Tất cả đều đội mũ nên tôi không thể đoán tuổi họ, nhưng nghe giọng nói thì họ có vẻ không còn trẻ nữa. Ngay sau khi họ khuất dạng sau góc nhà, lại thấy bốn người nữa xuất hiện ở cùng hướng đó và cũng biến mất sau góc nhà đó. Mọi vật đắm chìm trong một tâm trạng chiều tà. Qua cửa sổ phòng khách tôi có thể thấy rừng và một rặng đồi. Một dải nắng nhạt lửng lơ trên rặng đồi ấy. Naoko và Reiko về nhà cùng với nhau lúc năm rưỡi.

Naoko và tôi chào nhau đúng mực như thể mới gặp nhau lần đầu. Nàng có vẻ lúng túng thật sự. Reiko để ý thấy cuốn sách tôi đang đọc và hỏi đó là cuốn gì. Núi Thiêng của Thomas Mann, tôi bảo chị.

“Sao cậu có thể đem theo một cuốn sách như thế đến nơi này được nhỉ?” chị hỏi. Chị có lý, rõ quá rồi.

Sau đó Reiko làm cà-phê cho cả ba chúng tôi. Tôi kể cho Naoko về sự biến mất đột ngột của Quốc-xã và về lần cuối cùng chúng tôi còn thấy nhau, khi hắn cho tôi con đom đóm.

“Cậu ta biến mất như vậy thật đáng tiếc,” nàng nói. “Mình vẫn muốn nghe thêm chuyện về cậu ta.” Reiko hỏi Quốc-xã là ai, tôi bèn kể cho chị nghe những câu chuyện đã thành cổ tích về hắn và chị được một mẻ cười vỡ bụng. Thế giới thanh bình và tràn ngập tiếng cười mỗi khi được nghe chuyện về Quốc-xã.

Sáu giờ thì chúng tôi đến nhà ăn ở khu nhà chính ăn tối. Naoko với tôi ăn cá rán với rau trộn, rau luộc, cơm trắng và súp đậu tương. Reiko chỉ ăn rau trộn mì với cà-phê, rồi đến một điếu thuốc lá.

“Già rồi đâu có cần ăn nhiều,” chị nói như để giải thích.

Khoảng hai mươi người khác đã đang ở trong nhà ăn. Trong khi chúng tôi ăn, có vài người nữa đến, và cũng vài người đi. Ngoài chuyện tuổi tác khác nhau của những người ở đây, quang canh nhà ăn cũng không khác là mấy so với ở khu học xá của tôi. Có cái khác là ở đây mọi người trò chuyện bằng một giọng đều đều. Không có hò hét mà cũng không có thì thầm, không ai cười, không ai khóc, không ai làm bộ tịch và kêu gào, chỉ có những đối thoại yên ắng, và tất cả đều bằng một giọng đều đều. Người ta ăn thành từng mâm từ ba đến năm người, mỗi mâm có một diễn giả duy nhất mà cả mâm đều gật gù lắng nghe và tán thưởng, và khi người đó đã nói xong thì người khác lại bắt đầu lên tiếng. Tôi không thể biết mọi người đang nói những chuyện gì, nhưng cung cách của họ làm tôi nhớ đến trận bóng quần lạ lùng đã thấy hồi trưa. Tôi tự hỏi liệu Naoko có nói năng như thế không khi ăn cùng với họ, và lạ lùng thay, tôi bỗng thấy một thoáng cô đơn nhuốm màu ghen tị.

Ở bàn sau, một ông hói đầu mặc áo choàng trắng có điệu bộ oai vệ của một bác sĩ

đang phải cầm cự với một thanh niên đeo kính trông rất lo lắng và một bà mặt chuột đứng tuổi về tác dụng của tình trạng mất trọng lượng đối với quá trình bài tiết các chất lỏng tiêu hoá. Hai người kia lắng nghe với những “Trời đất ơi” hoặc “Thật ư” chêm vào lúc này lúc khác, nhưng càng nghe ông hỏi nói năng tôi càng cảm thấy không biết ông ta có phải là bác sĩ thật không, mặc dù mặc áo choàng trắng.

Không ai trong nhà ăn để ý đặc biệt gì đến tôi. Không ai nhìn tôi, hoặc thậm chí có vẻ như biết có tôi ở đó. Sự có mặt của tôi chắc phải là một sự kiện hoàn toàn tự nhiên.

Tuy vậy, có một lần, ông mặc áo trắng quay lại hỏi tôi “Anh sẽ ở lại đây bao lâu?”

“Hai đêm,” tôi nói. “Thứ Tư thì tôi đi.”

“Bây giờ thì ở đây đang đẹp, phải không nào? Nhưng anh phải trở lại vào mùa đông kia. Lúc ấy mới thực là đẹp. Cái gì cũng trắng muốt hết.”

“Có thể lúc tuyết xuống thì Naoko cũng không ở đây nữa rồi,” Reiko bảo ông ta.

“Đúng thế, nhưng mà, mùa đông mới thực là đẹp,” ông ta nhắc lại với vẻ ảm đạm. Tôi lại càng không chắc ông có phải là bác sĩ hay không.

“Mọi người thường chuyện trò những gì vậy?” tôi hỏi Reiko. Chị có vẻ như chưa hiểu tôi hỏi gì.

“Bọn tôi nói chuyện gì với nhau ư? Thì những chuyện thường thường vậy thôi. Trong ngày có chuyện gì xảy ra, ai mới đọc được những sách gì, ngày mai thời tiết sẽ ra sao, cậu còn lạ gì. Chẳng nhẽ cậu tưởng sẽ có người nhảy lên và hò hét những chuyện như “Mai trời sẽ mưa nếu đêm nay gấu trắng ăn hết sao trên trời!” hay sao?”

“Không, không, tất nhiên là không rồi,” tôi nói. “Tôi chỉ đang tự hỏi những đối thoại rì rầm kia là những chuyện gì mà thôi.”

“Đây là một nơi yên ắng, nên mọi người nói năng yên ắng vậy thôi,” Naoko nói. Nàng xếp xương cá thành một đống gọn ghẽ ở mép đĩa và chấm chấm miệng bằng một

chiếc khăn tay. Ở đây không ai phải lên giọng làm gì Không cần phải thuyết phục ai về chuyện gì, cũng không cần phải làm cho ai phải chú ý.”

“Có lẽ thế,” tôi nói, nhưng khi đang ăn trong môi trường yên ắng ấy, tôi ngạc nhiên thấy mình nhớ tiếc âm thanh của một đám đông người. Tôi muốn nghe thấy tiếng cười và tiếng người hò hét vô cớ và nói những thứ linh tinh quá đáng. Đó cũng chính là thứ âm thanh đã làm tôi mệt mỏi trong nhiều tháng qua, nhưng ngồi ăn món cá trong gian phòng yên ắng bất thường ấy, tôi không thể nào thư giãn nổi. Cái nhà ăn ấy có không khí của một hội chợ máy công cụ chuyên dụng. Những người cùng quan tâm về một lĩnh vực chuyên biệt tụ họp với nhau ở một nơì và trao đổi thông tin mà chỉ có họ mới hiểu được.

Trở lại phòng sau bữa ăn, Naoko và Reiko tuyên bố họ sẽ đến nhà tắm chung của Khu C và nếu tôi không ngại phải tắm hương sen thì tôi có thể tắm ở buồng tắm trong nhà. Tôi bảo sẽ tắm ở nhà, và sau khi họ đã đi, tôi cởi quần áo, xối nước tắm và gội đầu. Tôi tìm thấy một đĩa nhạc Bill Evans trên giá sách và vừa nghe nó vừa lau đầu thì bỗng nhớ ra đó chính là cái đĩa tôi đã nghe ở phòng Naoko đêm hôm sinh nhật nàng, cái đêm mà nàng đã khóc và tôi đã ôm nàng vào lòng. Chuyện đó mới chỉ có sáu tháng trước đây, nhưng có vẻ như đã thành một quá khứ rất xa vời. Có lẽ vì tôi đã nghĩ đến nó quá nhiều, đến mức làm méo mó cả cám thức của mình về thời gian.

Trăng thật sáng. Tôi tắt hết đèn rồi nằm dài trên sô-pha nghe tiếng dương cầm của Bill Evans. Tràn vào qua cửa sổ, ánh trăng hắt nhiều bóng tối đổ dài và làm tường nhà loang lổ những mảng như mực tàu vẽ bút nhòe. Tôi lấy trong ba-lô ra bình rượu kim loại, để cho rượu chảy vào đầy miệng, thả cho cảm giác ấm áp chậm chạp lan từ cổ họng xuống bụng rồi từ đó toả đi khắp tứ chi. Sau ngụm cuối cùng, tôi đóng nắp bình và cất nó lại vào ba-lô Giờ thì ánh trăng có vẻ như đang nghiêng ngả cùng âm nhạc.

Hai mươi phút sau, Naoko và Reiko từ nhà tắm trở về.

“Ôi chao! Sao tối thế này, bọn tôi cứ tưởng cậu đã khăn gói về Tokyo mất rồi!” Reiko kêu lên.

“Sao lại thế được,” tôi nói. “Bao nhiêu năm rồi tôi mới thấy trăng sáng như thế này. Tôi muốn nhìn trăng mà không có đèn đấy thôi.”

“Thế này mới thích đấy,” Naoko nói. “Chị Reiko, mình còn cây nến nào từ lần mất điện trước không nhỉ?”

“Có lẽ còn, trong ngăn kéo bàn bếp ấy.”

Naoko mang ra một cây nến trắng lớn. Tôi thắp nến, nhỏ một ít sáp vào lòng một cái đĩa rồi dựng cây nến lên đó. Reiko dùng lửa nến châm thuốc. Khi ba chúng tôi ngồi đối diện cây nến giữa khung cảnh yên ắng ấy, có vẻ như chúng tôi bắt đầu cảm thấy như mình là những kẻ duy nhất còn lại của loài người ở một góc xa thẳm của thế giới. Bóng trăng im lìm gặp gỡ và trộn lẫn với bóng nến lung linh trên những mảng tường trắng của căn hộ. Naoko với tôi ngồi cạnh nhau trên sô-pha, còn Reiko ngồi ghế xích đu đối diện chúng tôi.

“Mình uống tí vang chứ?” Reiko hỏi tôi.

“Mọi người được phép uống rượu à?” tôi hỏi, hơi ngạc nhiên.

“Thật ra thì không,” Reiko nói, gãi gãi tai ra bộ lúng túng. “Nhưng họ cũng sẵn lòng bỏ quá cho chuyện ấy nếu chỉ là vang hoặc bia và đừng có quá chén. Có một bạn cán bộ thỉnh thoảng vẫn mua một ít cho tôi.”

“Bọn mình vẫn uống với nhau,” Naoko nói với một giọng láu lỉnh. “Chỉ hai bọn mình thôi.”

“Thế mới hay,” tôi nói.

Reiko lấy từ tủ lạnh ra một chai vang trắng, dùng cái mở nút chai khui nó ra, và đem ra ba cái cốc pha lê. Thứ vang ấy có một hương vị thơm ngon và thanh khiết như rượu nhà làm. Khi hết đĩa hát, Reiko lôi từ dưới gầm giường ra một cây ghi-ta, và sau khi lên dây đàn với vẻ âu yếm, chị bắt đầu chơi một bài phức điệu chậm của Bach. Ngón

đàn của chị thỉnh thoảng có trượt nốt này nốt kia, nhưng đó thực sự là nhạc Bach, với một tình cảm chân thực, ấm áp, thân mật, và tràn ngập niềm vui biểu diễn.

“Tôi bắt đầu chơi ghi-ta ở đây,” Reiko nói. “Không phòng nào có dương cầm, tất nhiên rồi. Tôi tự học, và không có tay ghi-ta lắm nên chẳng bao giờ chơi thật hay được nhưng tôi thật sự yêu cây đàn này. Nó nhỏ, giản dị và dễ dàng, như một căn phòng nhỏ ấm áp vậy.”

Chị chơi thêm một bản Bach ngắn nữa, có vẻ như trích từ một tổ khúc. Mắt nhìn lửa nến, miệng nhấp rượu vang, tai nghe nhạc Bach, tôi cảm thấy những căng thẳng của mình đang cạn dần, trôi đi nơi khác. Khi Reiko kết thúc bài Bach, Naoko đề nghị chị chơi một cả khúc Beatles.

“Đến giờ âm nhạc theo yêu cầu đây,” Reiko nói, nháy mắt về phía tôi. “Ngày nào cô cũng bắt tôi chơi Beatles, như thể tôi là ca nô của cô ta vậy.”

Nói thế, nhưng Reiko vẫn chơi bài “Michelle” thật tuyệt “Bài này hay thật,” chị nói.

“Tôi rất thích bài hát ấy” Chị nhấp một ngụm rượu và rít một hơi thuốc lá.

“Nó khiến tôi tưởng như mình đang ở trên một đồng cỏ lớn dưới làn mưa nhè nhẹ.”

Rồi chị chơi bài “Người đàn ông vô định” và bài “Julia”, Trong khi chơi, thỉnh thoảng chị nhắm mắt và lắc đầu bên này bên kia. Chơi xong chị lại uống và rít thuốc.

“Chơi bài Rừng Na-uy đi,” Naoko nói.

Reiko đem từ trong bếp ra một con mèo bằng sứ có điệu bộ đang ngoắc tay ra hiệu. Đó là một cái bình đựng tiền đề dành, và Naoko lấy từ trong ví mình ra một đồng 100 Yen rồi thả vào đó.

“Chuyện gì vậy?” tôi hỏi.

“Luật đấy,” Naoko nói. “Khi mình yêu cầu bài Rừng Na-uy, mình phải bỏ 100 Yên vào bình. Đó là bài mình thích nhất, nên mình phải trả tiền. Mình chỉ yêu cầu bài này khi

thực sự muốn nghe nó.”

“Còn tôi thì có tiền mua thuốc lá!” Reiko nói.

Reiko co duỗi các ngón tay một lúc rồi chơi bài Rừng Na-uy. Chị vẫn chơi với tình cảm rất thật, nhưng không bao giờ để bản nhạc thành bi luỵ. Tôi lấy trong túi quần ra một đồng 100 Yên và thả vào bình.

“Cám ơn,” Reiko nói với một nụ cười ngọt lịm.

“Bài hát đó có thể làm cho mình thật buồn,” Naoko nói. “Củng không biết nữa, nhưng có lẽ mình tưởng tượng như đang lang thang trong một khu rừng sâu.

Mình chỉ có một mình và trời thì lạnh và tối, và chẳng có ai đến cứu mình. Chính vì vậy mà Reiko chỉ chơi nó khi nào mình yêu cầu thôi.”

[3]
“Nghe như Cazablanca ấy nhỉ!” Reiko cười.

Sau bài Rừng Na-uy, chị chơi tiếp vài điệu nhảy bossa novas trong khi tôi không rời mắt khỏi Naoko. Đúng như nàng đã viết trong thư, trông nàng khoẻ mạnh hơn trước, rám nắng, thân hình rắn rồi nhờ tập thể dục và lao động ngoài trời. Mắt nàng vẫn là hai vùng nước trong sâu thẳm, môi nàng vẫn e ấp run rẩy như xưa, nhưng nhìn chung vẻ đẹp của nàng đã bắt đầu chuyển biến sang cũng cách của một người đàn bà trưởng thành. Hầu như không còn thấy vẻ sắc lạnh – cái sắc lạnh của một lưỡi dao mỏng – vẫn lẩn quất bên dưới vẻ đẹp của nàng ngày trước, và thay vào đó giờ đây là một vẻ bình thản im ắng đặc biệt dịu dàng. Tôi cảm thấy xúc động bởi vẻ đẹp dịu dàng mới mẻ này của nàng, và kinh ngạc thấy rằng một người đàn bà có thể đổi thay nhiều đến thế chỉ trong vòng nửa năm trời. Tôi thấy mình bị nàng cuốn hút hơn bao giờ hết, có lẽ hơn cả trước đây, nhưng ý nghĩ về những gì nàng đã mất trong thời gian qua cũng khiến tôi hoài tiếc. Sẽ không bao giờ nàng có lại được vẻ đẹp vị kỉ thường chỉ biết nghe theo tiếng gọi độc lập của chính mình vốn chỉ thấy ở nhưng cô gái vị thành niên chứ không thể ở ai khác.

Naoko nói nàng muốn nghe chuyện tôi sống hàng ngày ra sao. Tôi kể cho nàng về vụ sinh viên bãi khoá và về Nagasawa. Đó là lần đầu tiên tôi kể cho nàng nghe về anh chàng đó. Tôi thấy như mình bị thách thức khi cố nói cho thật chính xác về nhân cách lạ lùng của con người ấy, thứ triết lý độc đáo của hắn, và hệ giá trị đạo đức không có trọng tâm của hắn; nhưng Naoko có vẻ cuối cùng cũng nắm được những cái tôi đang cố kể cho nàng. Tôi giấu chuyện đi săn gái với hắn, chỉ tiết lộ rằng người duy nhất trong học xá mà tôi thực sự thấy đáng chơi lại chính là anh chàng bất thường này. Trong khi đó, Reiko mải mê tập lại bài phức điệu của Bach mà chị đã chơi lúc trước, thỉnh thoảng lại nghỉ uống rượu và hút thuốc.

“Nghe như anh ta là một người kì lạ,” Naoko nói.

“Hắn là người kì lạ,” tôi nói.

“Nhưng cậu thích anh ta?”

“Mình cũng không biết nữa,” tôi nói. “Có lẽ mình không thể nói là mình thích hắn. Nagasawa đã vượt quá ngưỡng của thích và không thích. Hắn không cố để được thích. Về mặt đó, hắn là một anh chàng rất chân thành, thậm chí khắc kỉ. Hắn không định lỡm ai bao giờ.”

“Một tên khắc kỉ ngủ với tất cả lũ con gái kia ư? Đấy mới là chuyện lạ,” Naoko cười. “Hắn đã ngủ với bao nhiêu cô rồi?”

“Có thể đến tám mươi rồi,” tôi nói. “Nhưng trong trường hợp của hắn, con số ấy càng lớn thì những hành động đơn lẻ kia càng ít có ý nghĩa. Mà đấy có lẽ là cái mà hắn muốn đạt tới.”

“Và cậu gọi đó là “khắc kỉ?”

“Với hắn thì là đúng như vậy.”

Naoko nghĩ về những lời tôi nói trong một phút, rồi nói: “Mình nghĩ hắn bệnh trong

đầu hơn mình nhiều.”

“Mình cũng nghĩ thế,” tôi nói. “Nhưng hắn có khả năng tập hợp tất cả nhưng phẩm chất bệnh hoạn của hắn thành một hệ thống có logic. Hắn xuất sắc lắm. Nếu ta đưa hắn đến đây, hắn sẽ được xuất viện sau hai ngày. “Ồ, nhất định rồi, tôi biết hết những cái đó rồi mà,” hắn sẽ nói. “Tôi hiểu mọi thứ quí vị đang làm ở đây.” Hắn là loại người như vậy đấy Loại được mọi người kính trọng.”

“Có lẽ mình xuất sắc ngược lại,” Naoko nói. “Mình chẳng hiểu tí gì những cái họ đang làm ở đây – chẳng hơn gì việc hiểu chính mình.”

“Không phải chuyện cậu thiếu thông minh,” tôi nói. “Cậu là bình thường. Bản thân mình cũng có hàng tấn việc về bản thân mà mình chẳng hiểu tí gì. Cả hai chúng mình đều bình thường, tầm tầm như nhau cả.”

Naoko co chân lên sô-pha và tựa cằm vào đầu gối.

“Mình muốn biết thêm nữa về cậu,” nàng nói.

“Mình chỉ là một thằng bình thường – gia đình bình thường, học hành bình thường, mặt mũi bình thường, kết quả thi bình thường, với những ý nghĩ bình thường trong đầu.”

“Cậu là người rất mê Scott Fitzgerald… có phải ông ta là người đã nói chớ nên tin người nào tự gọi mình là một người bình thường không nhỉ? Chính cậu cho mình mượn cuốn sách đó mà!” Naoko nói với một nụ cười ranh mãnh.

“Đúng thế,” tôi nói. “Nhưng đây không phải là làm bộ. Từ tận đáy lòng, mình thực sự tin rằng mình là một người bình thường. Cậu có thể tìm thấy cái gì ở mình mà lại không bình thường không nào?”

“Tất nhiên là có!” Naoko nói, hơi có vẻ sốt ruột. “Chẳng nhẽ cậu không biết? Cậu nghĩ mình ngủ với cậu là vì sao hả? Là vì mình đã say và sẽ ngủ với bất kì ai hay

sao?”

“Không, tất nhiên mình không nghĩ thế,” tôi nói.

Naoko im lặng một lúc lâu, mắt chăm chú nhìn xuống ngón chân. Không biết nói gì, tôi nhấp một ngụm vang nữa.

“Cậu đã ngủ với bao nhiêu cô rồi hả Toru? Naoko hỏi với một giọng khẽ khàng như thể ý nghĩ ấy vừa mới thoáng hiện lên trong tâm trí nàng.

“Tám hoặc chín,” tôi thành thật đáp.

Reiko dựng cây ghi-ta lên lòng. “Cậu còn chưa đến hai mươi!” chị nói. “Cậu sống kiểu gì vậy hả.”

Naoko giữ im lặng và nhìn tôi với đôi mắt trong veo của nàng. Tôi kể cho Reiko về cô gái đầu tiên đã ngủ với tôi và hai đứa đã chia tay ra sao. Tôi đã thấy không thể yêu được cô ấy tôi giải thích. Tôi kể tiếp cho chị về chuyện tôi ngủ với hết cô này đến cô khác dưới sự dạy dỗ của Nagasawa.

“Mình không định chống chế đâu, nhưng mình thấy đau khổ,” tôi nói với Naoko. “Đấy, hầu như tuần nào mình cũng gặp cậu, chuyện trò với cậu, và biết rằng con người duy nhất trong trái tim cậu là Kizuki. Chuyện đó đau. Thực đau. Và có lẽ vì thế mà mình ngủ với nhưng cô gái không quen biết.”

Naoko lắc đầu một vài lần, rồi nàng ngẩng lên về phía tôi. “Lần ấy cậu đã hỏi tại sao mình chưa bao giờ ngủ với Kizuki, đúng không? Cậu có còn muốn biết nữa không?”

“Có lẽ đó là điều mà mình bắt buộc phải biết,” tôi nói.

“Mình cũng nghĩ vậy,” Naoko nói. “Người chết sẽ luôn là người chết, còn chúng ta phải tiếp tục sống.”

Tôi gật đầu. Reiko chơi đi chơi lại mãi một đoạn nhạc, cố cho thật đúng.

“Mình đã sẵn sàng để ngủ với cậu ấy,” Naoko nói, tháo dải buộc đầu ra và buông tóc xuống. Nàng nghịch cái hình con bươm bướm trong tay. “Và lẽ tất nhiên là cậu ấy muốn ngủ với mình. Và bọn mình thử. Bọn mình thử nhiều lần lắm. Nhưng chẳng lần nào được cả. Hai đứa mình không thể làm được chuyện đó. Lúc ấy mình không hiểu tại sao, và bây giờ vẫn vậy. Mình yêu cậu ấy và cũng chẳng sợ mất trinh. Mình sẽ rất vui được làm bất kì những gì cậu ấy muốn. Nhưng chẳng bao giờ ra sao cả.”

Naoko nhấc món tóc vừa buông lúc nãy lên và buộc lại.

“Mình không thể nào ướt được,” nàng nói, chỉ hơi nghe thấy giọng. “Mình không bao giờ mở được mình cho cậu ấy. Nên lần nào cũng đau. Chỉ vì quá khô, nên rất đau đớn. Bọn mình thử đủ mọi thứ có thể nghĩ ra được các loại kem bôi trơn với đủ thứ khác – nhưng mình vẫn đau đớn. Nên mình đành dùng tay, hoặc môi. Mình phải làm thế cho cậu ấy. Cậu hiểu mình nói gì mà.”

Tôi im lặng gật đầu.

Naoko ném cái nhìn trân trối của nàng lên vầng trăng ngoài cửa sổ đang mỗi lúc mỗi lớn lên và sáng hơn trước.

“Mình đã không bao giờ muốn nói đến chuyện này,” nàng lên tiếng. “Mình muốn giữ kín chúng ở trong lòng. Mình vẫn mong làm được vậy. Nhưng mình vẫn phải nói ra. Mình vẫn chưa có câu trả lời. Nghĩa là, lần mình ngủ với cậu mình đã ra nước rất nhiều phải không nào?”

“Ờ” tôi đáp.

“Mình đã ướt ngay khi cậu bước vào căn hộ của mình đêm hôm sinh nhật ấy. Mình đã muốn cậu ôm mình. Mình đã muốn cậu cởi quần áo mình, sờ đến khắp chỗ trên người mình, và vào trong mình. Trước đó chưa bao giờ mình như vậy. Tại sao thế? Sao mọi việc lại xảy ra như thế? Mình đã thực sự yêu cậu ấy cơ mà?”

“Chứ không phải yêu mình,” tôi nói. “Cậu muốn biết tại sao cậu lại cảm thấy như vậy

đối với mình, mặc dù cậu không yêu mình, có đúng không?”

“Mình xin lỗi,” Naoko nói. “Mình không định làm tổn thương cậu, nhưng ít nhất cậu phải hiểu là Kizuki với mình có một quan hệ thực sự đặc biệt. Hai đứa đã chơi với nhau từ thuở mới lên ba. Bọn mình đã lớn lên như thế đấy: luôn luôn bên nhau, lúc nào cũng chuyện trò, và hoàn toàn hiểu nhau. Lần đầu bọn mình hôn nhau – ấy là năm đầu tiên ở trung học – thì thật là tuyệt vời. Lần đầu thấy kinh, mình đã chạy ù đến cậu ấy và khóc như một đứa bé con. Bọn mình gần gụi nhau như thế đấy. Nên sau khi cậu ấy chết, mình không biết quan hệ với người khác như thế nào nữa. Mình không biết cả nghĩa lí của chuyện yêu một người khác nữa.”

Nàng với lấy cốc rượu vang trên bàn, nhưng chỉ làm nó đổ lênh láng xuống thảm. Tôi cúi xuống lượm cái cốc, đặt nó lên bàn. Tôi hỏi nàng có muốn uống nữa không?

Naoko im lặng một lúc, rồi bỗng oà lên khóc, cả người run bần bật. Chúi về phía trước, nàng vùi mặt vào hai bàn tay và thổn thức cũng dữ dội đến nghẹt thở như đêm nào. Reiko bỏ cây ghi-ta xuống và ngồi cạnh Naoko, vuốt vẻ lưng nàng. Khi chị ôm lấy vai Naoko, nàng nép mặt vào ngực chị như một đứa bé.

“Này cậu,” Reiko nói với tôi, “Có lẽ cậu nên ra ngoài đi dạo một lát. Chừng hai mươi phút gì đó. Xin lỗi nhé, nhưng tôi nghĩ như thế sẽ tốt hơn.”

Tôi gật đầu và đứng dậy, mặc thêm cái áo len chui đầu.

“Cảm ơn chị đã can thiệp,” tôi nói với Reiko.

“Không dám,” chị đáp với một cái nháy mắt.

“Không phải lỗi của cậu. Đừng lo, lúc cậu trở lại cô ấy sẽ ổn thôi.”

Tôi cứ thế theo chân mình xuống mặt đường đang sáng lên lạ lẫm như không có thật dưới ánh trăng, rồi đi vào rừng. Dưới vầng trăng ấy, mọi âm thanh đều có một hồi âm vang dội lạ thường. Tiếng chân tôi có vẻ như từ một hướng nào đó vang dội đến, như

thể tôi đang nghe thấy ai đang đi dưới đáy biển. Sau lưng tôi thỉnh thoảng lại có tiếng cành cây gẫy hoặc lá cây sột soạt. Một cảm giác nặng nề bao trùm khu rừng, như thể tất cả các loài thú ăn đêm đều đang nín thở đợi cho tôi đi qua.

Ở nơi con đường bắt đầu leo lên dốc ngoài bìa rừng, tôi ngồi nhìn về phía toà nhà có căn hộ của Naoko. Có thể nhận ra phòng nàng dễ dàng. Chỉ việc tìm khuôn cửa sổ nào ở phía sau có ánh sáng nến khi tỏ khi mờ. Tôi nhìn mãi vào điểm sáng đó thật lâu. Nó khiến tôi nghĩ đến cái gì đó giống như những mạch đập le lói cuối cùng của một đạo linh hồn đang hấp hối. Tôi muốn chụm tay che chắn những gì còn lại của đạo linh hồn ấy và giữ cho nó sống.

Tôi nhìn nó khôn nguôi, cũng như tay Gatsby đã từng nhìn cái chấm sáng nhỏ xíu ở bờ nước bên kia hết đêm này qua đêm khác.

Nưa tiếng sau tôi về đến lối vào cửa trước toà nhà và nghe thấy tiếng Reiko tập ghi-ta. Tôi lên cầu thang và gõ cửa. Trong nhà không thấy có Naoko. Reiko ngồi một mình trên thảm chơi ghi-ta. Chị chỉ về phía cửa buồng ngủ cho tôi biết Naoko đang trong đó. Rồi chị đặt cây đàn xuống sàn, ngồi lên sô-pha, mời tôi ngồi cạnh, và chia đôi chỗ rượu vang còn lại vào hai cốc.

“Naoko không sao đâu,” chị nói, tay chạm vào đầu gối tôi. “Đừng lo, cô ấy chỉ cần nghĩ một lúc. Sẽ bình tĩnh lại thôi. Hơi xúc động quá. Này, trong khi ấy mình đi dạo với nhau một chút được không?”

“Được,” tôi nói.

Reiko và tôi lững thững đi xuống con đường có đèn. Khi tới khu vực cạnh sân bóng quần và bóng rổ, chúng tôi ngồi xuống một ghế băng. Chị nhặt một trái bóng rổ dưới gầm ghế lên và xoay nó trong tay. Rồi chị hỏi tôi có chơi bóng quần không. Tôi nói có biết chơi nhưng kém lắm.

“Bóng rổ thì sao?”

“Cũng không phải môn sở trường của tôi,” tôi nói.

“Thế sở trường thể thao của cậu là gì?” Reiko hỏi, đuôi mắt nhăn nheo lại trong một nụ cười. “Ngoài chuyện ngủ với các cô gái?”

“Cả chuyện ấy tôi cũng chẳng giỏi nốt,” tôi nói, chạm tự ái.

“Chỉ đùa thôi mà,” chị bảo. “Đừng giận nhé. Nhưng hỏi thật đấy, cậu giỏi những gì nào?”

“Chẳng có gì đặc biệt. Tôi chỉ có những cái thích. Đi chơi bộ trên núi. Bơi. Đọc sách.”

“Vậy là cậu thích làm mọi việc một mình, phải không?”

“Có lẽ thế. Tôi không bao giờ có thể thấy phấn khích về nhưng trò người khác đang chơi. Tôi không thể nhập cuộc được. Tôi mất hết hứng thú.”

“Vậy thì cậu phải đến đây vào mùa đông. Chúng tôi có trượt tuyết đường dài. Tôi chắc cậu sẽ thích, ở ngoài tuyết suốt ngày, toát mồ hôi thì thôi.”

Dưới ánh đèn đường, Reiko nhìn chăm chú bàn tay phải của mình như thể đang kiểm tra một nhạc cụ cổ xưa.

“Naoko có thường bị thế này không?” tôi hỏi.

“Cũng lúc này lúc khác đấy,” Reiko nói và bắt đầu nhìn sang bàn tay trái. “Lâu lâu cô ấy lại xúc động và khóc như vậy. Nhưng không sao đâu. Cũng là cách cho cô ấy giải toả. Không thế được mới là đáng sợ. Khi cảm xúc chứa chất, xơ cứng và chết ở trong lòng, lúc ấy mới thật là rắc rối to.”

“Tôi có nói cái gì không nên lúc ấy không?”

“Không có gì cả. Cậu đừng lo. Hay cứ nói ra ý nghĩ của mình cho chân thực. Tốt nhất là như vậy. Đôi khi điều đó làm ta đau đớn, và người khác có thể khó chịu như

Naoko, nhưng lâu dài thì làm thế là tốt nhất. Đó là cái cậu nên làm nếu cậu thực sự muốn cho Naoko lành bệnh. Như tôi đã nói với cậu từ đầu, cậu không nên nghĩ nhiều quá đến việc giúp cô ấy theo lối một chiều, mà phải nghĩ cả đến việc làm cho chính mình được bình phục bằng cách giúp cô ấy bình phục. Đó là đường lối ở đây. Cho nên cậu phải chân thực và nói ra tất cả những gì có trong tâm trí mình, ít nhất thì cũng là trong thời gian cậu ở đây. Thế giới bên ngoài thì chẳng ai làm thế bao giờ, đúng không?”

“Có lẽ thế,” tôi nói.

“Trong thời gian ở đây tôi đã thấy đủ loại người ra vào chốn này,” chị nói, “có thể là quá nhiều. Vì thế thường chỉ cần nhìn một người là tôi có thể biết người ấy có thể khá hơn được hay không, gần như bản năng vậy. Nhưng trường hợp Naoko thì tôi lại không chắc. Tôi hoàn toàn không thể đoán chuyện gì sẽ có thể xảy ra với cô ấy Theo tôi, cô ấy có thể khỏi hoàn toàn ngay trong tháng sau, mà cũng có thể như thế này mãi nhiều năm trời. Nên thực sự là tôi không thể bảo cậu nên làm gì, ngoài một lời khuyên chung chung nhất là hãy chân thực và giúp đỡ lẫn nhau.”

“Cái gì khiến Naoko thành một ca khó như thế đối với chị?”

“Cũng có thể là vì tôi rất thích cô ấy. Tôi nghĩ tôi bị tình cảm chi phối và không thể nhìn nhận cô ấy cho rõ ràng. Nghĩa là, tôi thực sự thích cô ấy. Nhưng ngoài chuyện đó ra, cô ấy có cả một mớ bòng bong những vấn đề khác nhau và rất khó tháo gỡ từng cái một. Có thể rất lâu mới có thể lần lượt gỡ hết được chúng, hoặc giả phải có một cái gì đó có thể khiến cho chúng tự bung hết ra cùng một lúc. Kiểu như vậy. Mà chính vì thế mà tôi không thể chắc được rồi cô ấy sẽ ra sao.”

Chị lại nhặt trái bóng lên, xoay nó trong tay và đập nó nảy xuống đất.

“Quan trọng nhất là không được mất kiên nhẫn với cô ấy,” Reiko nói. “Đó là một lời khuyên nữa của tôi cho cậu: đừng mất kiên nhẫn. Ngay cả khi mọi chuyện đã rối mù và không thể làm được gì nữa, cũng không được tuyệt vọng hoặc làm nổ cầu chì và

cuống quýt kéo một đâu dây nào đó khi nó chưa sẵn sàng. Cậu phải biết rằng đây là một quá trình lâu dài và phải giải quyết mọi chuyện rất từ từ, từng cái một. Liệu cậu có làm vậy được không?”

“Tôi có thể thử,” tôi nói.

“Có thể sẽ rất lâu dài đấy, cậu biết không, và cô ấy cũng chưa chắc sẽ bình phục hoàn toàn. Cậu đã nghĩ đến chuyện ấy chưa?”

Tôi gật đầu.

“Chờ đợi là khổ,” chị nói, tay đập bóng. “Nhất là với người trạc tuổi cậu. Chỉ có thể ngồi và đợi xem cô ấy có khá lên hay không. Vô thời hạn. Không có đảm bảo gì. Liệu cậu có làm được không? Cậu có yêu Naoko đến thế không?”

“Tôi cũng không biết nữa,” tôi thành thực nói.

“Cũng như Naoko, tôi không biết rõ ý nghĩa của việc đem lòng yêu một ai đó, tuy cô ấy hiểu việc này có hơi khác một chút. Nhưng tôi thực lòng muốn làm hết sức mình. Tôi phải cố yêu, vì nếu không cũng chẳng biết đi về đâu nữa. Như chị đã nói, Naoko và tôi phải cứu lẫn nhau. Đó là cách duy nhất để cả hai cùng được giải cứu.”

“Và cậu vẫn sẽ tiếp tục ngủ với các cô gái tình cờ bắt gặp chứ?”

“Chuyện đó tôi cũng chưa biết phải làm sao đây?” tôi nói. “Chị nghĩ sao? Tôi chỉ nên chờ đợi và thủ dâm chăng? Mà tôi cũng không hoàn toàn chủ động được trong cả việc ấy nữa.”

Reiko đặt trái bóng xuống đất rồi vỗ vỗ đầu gối tôi. “Này cậu,” chị nói, “Tôi không bảo cậu phải thôi ngủ với các cô gái. Nếu cậu thấy chuyện đó là ôkê thì nó là ôkê. Dù sao thì đó cũng là chuyện cuộc đời của cậu, cậu phải tự quyết định thôi. Tôi chỉ muốn nói là cậu không nên đánh mất bản thân vào những chuyện trái tự nhiên. Cậu có hiểu ý tôi không? Như vậy phí lắm. Tuổi mười chín đôi mươi là giai đoạn trọng yếu của

quá trình ổn định nhân cách, và nếu cậu để mình bị méo mó ở tuổi ấy thì sau này cậu sẽ rất đau khổ. Thật đấy. Nên cậu phải suy nghĩ cẩn thận. Nếu cậu muốn chăm sóc Naoko, hãy chăm sóc bản thân mình cái đã.”

Tôi nói mình sẽ suy nghĩ về chuyện ấy.

“Tôi cũng đã từng hai mươi tuổi. Từ xửa từ xưa. Cậu có tin được không?”

“Tất nhiên rồi.”

“Tận đáy lòng chứ.”

“Tận đáy lòng,” tôi mỉm cười.

“Da tôi cũng xinh xắn nữa. Không được như Naoko, nhưng cũng xinh ra phết. Da còn chưa có tất cả nhưng nếp nhăn này”

Tôi bảo tôi rất thích những nếp nhăn của chị. Chị cảm ơn tôi.

“Nhưng chớ bao giờ bảo một người đàn bà nào khác là cậu thấy nhưng nếp nhăn của họ là hấp dẫn nhé,” Chị nói thêm. “Tôi thì thích nghe thế, nhưng tôi là trường hợp ngoại lệ.”

“Tôi sẽ cẩn thận chuyện này,” tôi đáp.

Chị lấy một cái ví trong túi quần ra và đưa cho tôi xem một bức ảnh rút từ ngăn để danh thiếp. Đó là một bức ảnh màu chụp một bé gái khoảng mười tuổi xinh xắn trong bộ đồ trượt tuyết màu sắc tươi sáng đang đứng trên tuyết và tươi cười trước ống kính.

“Có xinh không nào? Con gái tôi đấy,” Reiko nói. “Nó gửi cho tôi hồi tháng Giêng. Nó bao nhiêu nhỉ? Lên chín rồi đây.

“Nó cười giống chị,” tôi nói, trả lại bức ảnh. Reiko đút cái ví vào túi, hít mạnh một cái, đặt một điếu thuốc lên môi rồi châm lửa.

“Tôi muốn trở thành một nghệ sĩ biểu diễn dương cầm,” chị nói. “Tôi có tài, mọi người đều nhận thấy điều đó và làm rùm beng lên về tôi khi tôi còn nhỏ. Tôi thắng nhiều cuộc thi và luôn đứng đầu nhạc viện, và họ đã thu xếp để tôi tốt nghiệp xong là sẽ sang Đức học tiếp. Chân trời không một gợn mây. Mọi việc đều hoàn hảo, và hễ có chuyện gì là thể nào cũng có ai đó ra tay giải quyết ngay. Nhưng rồi đến một ngày, tất cả bỗng tan thành mây khói. Tôi đang học năm cuối ở nhạc viện và sắp có một cuộc thi khá quan trọng. Tôi tập ngày tập đêm cho cuộc thi đó nhưng đột nhiên ngón út bên tay trái tôi bỗng không cử động được nữa. Không biết tại sao, nhưng nó cứ ì ra như vậy. Tôi thử xoa sát nó, ngâm nó vào nước nóng, nghỉ tập vài ngày chẳng ăn thua gì cả. Phát hoảng, tôi tìm đến bác sĩ. Họ xét nghiệm đủ thứ nhưng không đi đến đâu hết. Bản thân cái ngón út ấy chẳng có vấn đề gì, và các thứ dây thần kinh cũng vậy, họ nói thế, không có lí do gì để nó bất động như vậy. Chỉ có thể là vấn đề tâm lí. Thế là tôi đến một bác sĩ phân tâm, nhưng ông ta cũng chẳng hiểu chuyện gì đang diễn ra cả. Có thể là căng thẳng trước cuộc thi, ông ta nói, và khuyên tôi nên tránh xa cây dương cầm một thời gian.”

Reiko rít một hơi thật sâu rồi nhả khói ra. Sau đó chị ngoẹo cổ sang một bên mấy lần.

“Thế là tôi về tĩnh dưỡng ở chỗ của bà tôi bên bờ biển Izu. Tôi tưởng mình sẽ quên cái cuộc thi đó, thư giãn độ vài tuần, không sờ đến đàn và muốn làm gì thì làm. Nhưng không thể được. Tôi chỉ có thể nghĩ đến cây dương cầm. Có thể cái ngón ấy sẽ không bao giờ cử động được nữa. Nếu quả như vậy thì tôi sẽ sống ra sao? Những ý nghĩ ấy cứ lẩn quẩn không ngừng trong đầu tôi. Mà cũng phải thôi: cây dương cầm đã là toàn bộ cuộc sống của tôi cho đến lúc ấy. Tôi đã bắt đầu chơi đàn từ lúc bốn tuổi, đã chỉ nghĩ đến nó chứ không đến cái gì khác. Tôi không bao giờ làm việc nhà để tránh làm tổn thương các ngón tay. Mọi người để ý đến tôi cũng chỉ vì một thứ thôi: tài chơi dương cầm của tôi. Tước cây dương cầm của một đứa con gái như vậy thì nó còn lại gì? Và thế là, phựt một cái, tâm trí tôi rơi vào một cõi hỗn mang hoàn toàn. Tối đen như mực.”

Chị thả điếu thuốc xuống đất, đi xuống dưới chân, rồi lại ngoẹo cổ mấy lần.

“Đó là kết cục giấc mơ trở thành nghệ sĩ dương cầm của tôi. Tôi nằm bệnh viện hai tháng. Ngay sau khi nhập viện, ngón tay tôi đã cử động lại được, nghĩa là tôi vẫn có khả năng quay lại nhạc viện và tốt nghiệp, nhưng một cái gì đó bên trong tôi đã biến mất. Một nguồn năng lượng quý báu hoặc cái gì đó ở trong tôi đã biến mất, bốc hơi mất. Bác sĩ nói tôi không đủ sức mạnh tinh thần đề trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp và khuyên tôi nên từ bỏ ý định ấy. Thế là sau khi tốt nghiệp tôi chỉ nhận dạy học trò ở nhà. Nhưng tôi cảm thấy đau đớn vô cùng tận. Như thể cuộc đời mình đã chấm dứt. Tôi mới qua tuổi hai mươi mà cái phần tốt đẹp nhất của cuộc đời đã chấm dứt rồi. Cậu có thấy điều đó khủng khiếp đến mức nào không? Tôi đã có biết bao nhiêu hứa hẹn, để rồi thức dậy một ngày và thấy tất cả đã mất hết rồi. Không còn những tràng vỗ tay, không còn ai bàn tán xôn xao về tôi, không còn ai ngỏ lời khâm phục tôi nữa. Ngày lại ngày tôi ở tịt trong nhà và dạy bọn trẻ hàng xóm những bài tập Beyer và các ban xô-nát nhỏ. Tôi thấy khổ sở vô chừng, và động một tí là khóc. Cứ thở nghĩ về những mất mát của tôi mà xem! Mỗi lần nghe tin nhưng người kém tài hơn tôi nhiều vừa được giải nhì một cuộc thi nào đó hoặc vừa biểu diễn ở phòng hoà nhạc nào đó là nước mắt tôi lại trào ra.

“Bố mẹ tôi rón rén quanh tôi, sợ làm tôi bị tổn thương. Nhưng tôi biết họ đang thất vọng về tôi biết chừng nào. Đùng một cái đứa con gái mà họ từng tự hào đến thế bỗng trở thành một bệnh nhân tâm thần vừa xuất viện. Thậm chí họ còn không thể cưới chồng cho tôi. Sống bên cạnh mọi người, ta sẽ cảm thấy tình cảm thật của họ, và tôi căm ghét chuyện đó. Tôi sợ phải ra ngoài, sợ hàng xóm bàn tán về mình. Và thế là, phựt một cái! Chuyện đó lại tái diễn – cõi hỗn mang, bóng tối bao trùm. Lúc ấy tôi hai bốn, và lần này tôi phải ở bảy tháng liền trong một trại điều dưỡng. Không phải như ở đây đâu, mà là một nhà thương điên bình thường có tường cao và cửa khoá kín. Một nơi bẩn thỉu không có đàn dương cầm. Tôi không biết phải làm gì nữa. Chỉ biết là tôi muốn thoát khỏi chỗ đó càng sớm càng tốt và tuyệt vọng gắng sức để hồi phục. Bảy tháng. Bảy tháng trời dằng dặc. Đó là lúc những nếp nhăn của tôi bắt đầu xuất hiện.”

Reiko mỉm cười, nhệch mồm bên này bên kia.

“Ra viện chưa được bao lâu thì tôi gặp một người và cưới anh ta. Ít hơn tôi một tuổi, anh ta là kỹ sư làm việc ở một công ty chế tạo máy bay, và là một học sinh của tôi. Một người tốt. Anh ấy ít nói, nhưng tình cảm và chân thật. Anh ấy học tôi được sáu tháng thì tự nhiên hỏi tôi có lấy anh ấy không. Cứ thế thôi, hôm chúng tôi đang uống trà sau giờ học. Cậu có tin được không? Chúng tôi chưa hề đi chơi hoặc cầm tay nhau. Anh ấy khiến tôi hoàn toàn bất ngờ. Tôi bảo mình không thể lấy chồng. Tôi bảo tôi thích anh và biết anh là người tốt nhưng chính vì thế mà tôi không thể lấy anh ấy. Anh ấy muốn biết lí do, và tôi giải thích tất cả cho anh ấy, hoàn toàn thành thực – rằng tôi đã phải hai lần vào bệnh viện tâm thần. Tôi nói với anh ấy tất cả mọi chuyện – nguyên nhân, tình trạng, và khả năng tái diễn của tôi. Anh ấy nói cần thời gian suy nghĩ, và tôi khuyên anh ấy hay thật bình tĩnh và thư thả trong chuyện này. Nhưng ngay tuần lễ sau đó, khi đến học, anh ấy nói vẫn muốn lấy tôi. Tôi đề nghị anh chờ ba tháng. Tôi bảo chúng ta sẽ còn thấy nhau trong ba tháng nữa, và nếu sau đó anh vẫn còn muốn lấy tôi, chúng ta sẽ lại nói chuyện.

Trong ba tháng đó, mỗi tuần chúng tôi đi chơi với nhau một lần. Chúng tôi đi khắp nơi và nói đủ mọi chuyện, và tôi ngày càng thấy thích anh ấy. Khi ở bên anh, tôi cảm thấy như cuộc sống cuối cùng lại về với mình. Được một mình với anh ấy tôi có một cảm giác nhẹ nhõm kì diệu: tôi có thể quên hết nhưng chuyện khủng khiếp đã từng xảy ra. Không thành nghệ sĩ biểu diễn thì đã sao nào? Vào bệnh viện tâm thần thì đã sao nào? Đời tôi chưa chấm dứt. Cuộc sống vẫn còn đầy những điều kì diệu mà tôi chưa được nếm trải. Chỉ cần cảm thấy được như vậy là tôi đã thấy biết ơn anh ấy vô cùng. Sau ba tháng, anh ấy lại đề nghị cưới. Và tôi đã nói thế này: “Nếu anh muốn ngủ với em, em cũng chẳng ngại đâu. Em chưa ngủ với ai bao giờ, và em rất mến anh, nên nếu anh muốn làm tình với em, em hoàn toàn không ngại đâu. Nhưng cưới em lại là chuyện khác hẳn. Nếu anh lấy em, anh sẽ phải lấy toàn bộ những rắc rối của em, và chúng tệ hơn anh tưởng nhiều lắm đấy.”

“Anh ấy bảo anh ấy không cần, rằng không phải anh ấy chỉ muốn ngủ với tôi, mà là muốn cưới tôi làm vợ và san sẻ mọi thứ của tôi với anh ấy. Mà anh ấy nói thật. Anh ấy là loại người chỉ nói đúng điều mình nghĩ, và đã nói là làm. Thế là tôi đồng ý cưới anh

ấy. Tôi chỉ có thể làm thế. Chúng tôi cưới, để xem nào, hình như là bốn tháng sau đó thì phải. Anh ấy cãi nhau với bố mẹ về chuyện lấy tôi, và họ từ anh ấy. Gia đình anh ấy là một dòng họ lâu đời ở vùng nông thôn thuộc Shikoku. Họ cho điều tra về tôi và phát hiện tôi đã phải vào viện hai lần. Làm gì mà họ chẳng phản đối. Cuối cùng, chúng tôi không tổ chức lễ cưới, mà chỉ ra đăng kí kết hôn rồi cùng nhau đi Hakone hai ngày. Thế là nhiều rồi, chúng tôi thấy hạnh phúc lắm. Và cuối cùng thì tôi vẫn là gái tân cho đến tận ngày lấy chồng. Lúc ấy tôi hai lăm tuổi! Cậu có tin được không?”

Reiko thở dài và lại nhặt trái bóng lên.

“Tôi tưởng chừng nào còn ở bên cạnh anh ấy là tôi còn yên ổn,” chị tiếp tục. “Còn ở với anh ấy thì tôi còn tránh được những rắc rối của mình. Đó là điều quan trọng nhất đối với một chứng bệnh như của chúng tôi ở đây: một cảm giác tin tưởng. Nếu tôi trao gửi mình vào tay người này, tôi sẽ ôkê. Nếu tình trạng tôi chậm tồi tệ dù chỉ là một chút xíu – nếu chỉ một cái ốc bị lỏng ra một tí anh ấy sẽ biết ngay và sẽ siết nó lại với lòng kiên nhẫn và âu yếm vô bờ, sẽ xếp tất cả nhưng sợi dây bị rối về lại chỗ của chúng. Nếu có được cảm giác tin tưởng ấy, chứng bệnh của chúng tôi sẽ không trở lại nữa. Không còn phựt một cái nữa! Tôi thật sự hạnh phúc! Cuộc đời thật đáng sống! Tôi thấy như có ai đó vừa vớt tôi từ dưới biển giông bão lạnh lẽo rồi quấn chăn cho tôi và đặt tôi vào một chiếc giường ấm áp. Hai năm sau khi cưới, tôi sinh cháu và bận luôn chân luôn tay, không còn nhớ gì đến bệnh não của mình nữa. Tôi dậy sớm, làm việc nhà, chăm con, và cơm nước cho chồng đi làm. Ngày nào cũng như ngày nào, nhưng tôi hạnh phúc lắm. Có lẽ đó là những ngày tháng hạnh phúc nhất trong đời tôi. Không biết nó kéo dài được bao nhiêu năm, ít nhất cũng được đến năm tôi ba mốt tuổi. Và rồi, đùng một cái, nó lại đứt phựt! Tôi lại vỡ vụn.”

Reiko châm thuốc. Gió đã ngưng. Khói thuốc bay thẳng lên và biến mất vào bóng đêm. Lúc ấy tôi mới để ý thấy trời đầy sao.

“Có chuyện gì chăng?” tôi hỏi.

“Phải,” chị nói, “một chuyện rất lạ lùng, như có ai đặt bẫy tôi vậy. Đến bây giờ tôi vẫn

lạnh cả người mỗi khi nghĩ đến nó.” Reiko xoa một bên thái dương bằng bàn tay không cầm thuốc. “Tôi xin lỗi đã bắt cậu phải nghe tất cả những chuyện này của tôi. Cậu đến đây thăm Naoko chứ không phải để nghe chuyện tôi mà.”

“Nhưng tôi thực sự muốn nghe chuyện chị,” tôi nói. “Nếu chị không phiền, tôi xin được nghe nốt.”

“Thế là,” Reiko bắt đầu, “Khi con gái vào mẫu giáo, tôi lại bắt đầu chơi đàn, dần dần, tí một. Không đánh cho ai nghe, mà chỉ cho mình thôi. Tôi bắt đầu với những bài ngăn ngắn của Bach, Mozart, Scarlatti. Tất nhiên, sau một thời gian dài như thế, nhạc cảm của tôi chưa thể hồi lại ngay được. Và ngón tay cũng chưa thể linh hoạt như ý muốn. Nhưng được quay lại với cây dương cầm như vậy khiến tôi phấn khích vô cùng. Đặt tay lên phím đàn, tôi nhận ra rằng tôi đã yêu âm nhạc biết bao nhiêu – và đã thèm khát nó biết bao nhiêu. Có khả năng chơi đàn cho chính mình thật cũng là một điều kì diệu.”

“Như tôi đã nói, tôi bắt đầu chơi đàn từ hồi lên bốn, nhưng lúc ấy mới chợt nhận ra là chưa từng bao giờ chơi cho chính mình. Lúc nào tôi cũng chỉ cỏ thi cho đỗ hoặc chỉ để gây ấn tượng với người khác. Những cái đó cũng quan trọng, tất nhiên rồi, nếu ta muốn làm chủ một nhạc cụ. Nhưng đến một tuổi nào đó thì phải bắt đầu có ý thức biểu diễn cho chính mình. Cái đó mới là âm nhạc. Phải rời bỏ con đường thượng lưu âm nhạc và qua tuổi ba mốt tôi mới có khả năng nhận ra điều đó. Tôi nhanh nhanh chóng chóng cho con đến mẫu giáo và vội vã làm các việc trong nhà để có được một hai tiếng đồng hồ chơi những bài đàn mình yêu thích. Đến đó mọi chuyện đều tốt đẹp cả, phải không nào?”

Tôi gật đầu.

“Thế rồi một hôm có bà hàng xóm sang tìm tôi, một người mà tôi cũng biết đủ để chào nhau ngoài phố, và xin tôi dạy đàn cho con gái nhỏ; Chưa biết đứa con gái bà ấy
– mặc dù sống cùng một khu phố nhưng nhà chúng tôi cũng cách xa nhau – nhưng theo lời bà thì nó vẫn thường đi ngang nhà tôi và rất thích nghe tôi đàn. Nó cũng đã có

lúc nhìn thấy tôi ở đâu đó và giờ thì nhất định đòi mẹ phải đến xin tôi dạy đàn cho nó. Con bé đang học năm thứ tư trung học, đã từng học đàn nhiều người nhưng chẳng biết vì sao mà không có mấy tiến bộ và lúc bấy giờ thì đang chưa học ai hết.

“Tôi từ chối. Tôi đã nghỉ đàn ngần ấy năm, và nếu có dạy ai mới bắt đầu học đàn thì nghe còn có lí, chứ không thể nhận dạy một người đã học được mấy năm rồi. Ngoài ra, tôi còn đang bận chăm con, và dù không nói ra nhưng tôi biết là chẳng ai có thể dạy loại học trò cứ hay đổi thầy xoành xoạch. Thế đấy, nhưng rồi bà ta xin tôi chiếu cố cho con gái bà được gặp tôi một lần thôi. Một người dai như đỉa và không dễ gì thoái thác, và tôi đành đồng ý gặp con bé – chỉ gặp thôi. Ba ngày sau, con bé tự tìm đến nhà tôi. Nó thực là một tiểu thiên thần, với một vẻ đẹp trong veo, dịu dàng và tinh khiết. Tôi đã chưa từng, đến giờ cũng vậy, thấy một con bé nào đẹp như thế. Tóc nó dài và đen bóng như mực tầu mới mài, chân tay mảnh dẻ duyên dáng, mắt sáng, và một cái miệng nho mềm mại như thể có ai đó vừa mới nặn nên. Mới nhìn thấy nó tôi không nói được lời nào, nó quá đẹp. Ngồi trên cái sô-pha, nó biến cái phòng khách nhà tôi thành một lễ đường lộng lẫy. Nhìn thẳng vào nó mà thấy đau cả người, tôi phải nheo mắt lại. Vậy là, con bé trông như thế đấy Tôi vẫn còn có thể thấy nó rõ ràng.”

Reiko nheo nheo mắt như thể đang thực sự nhìn thấy cô bé.

“Chúng tôi uống cà-phê và nói chuyện cả tiếng đồng hồ. Đủ thứ chuyện: âm nhạc, trường học của nó, nghĩa là đủ thứ. Tôi thấy ngay là con bé thông minh lắm. Nó biết cách nói chuyện. Nó có những ý kiến sắc sảo rõ ràng và có tài thu hút người khác vào câu chuyện. Tôi gần như phát hoảng. Chính xác cái gì làm cho con bé đáng sợ đến thế thì lúc ấy tôi chưa biết. Chỉ biết là con bé thông minh đến phát sợ. Trước mặt nó tôi mất hết khả năng suy xét bình thường của mình. Con bé trẻ và đẹp đến thế, và tôi bị choáng ngợp đến độ thấy mình chỉ còn là một tiêu bản thấp kém, một chống chế vụng về của nhân loại đã nghĩ xấu về nó chỉ vì chính đầu óc mình đã bị méo mó bẩn thỉu mà thôi.”

Reiko lắc lắc đầu nhiều lần.

“Nếu tôi xinh đẹp và thông minh như nó, chắc tôi đã là một con người bình thường. Còn mong gì hơn nữa nếu ta thông minh như thế và đẹp đẽ như thế? Ta còn cần gì phải dằn vặt và vượt lên những yếu kém của mình nếu mọi người đều yêu quí ta đến thế? Lí do gì mới được chứ?”

“Con bé làm chuyện gì khủng khiếp với chị ư?”

“Là thế này, có thể nói rằng nó là một đứa dối trá bệnh hoạn. Nó bệnh hoạn, đơn giản và chính xác là như vậy. Nó bịa tạc đủ thứ. Và khi bịa những chuyện ấy, nó lại tin luôn là chúng có thật. Rồi bắt đầu thay đổi mọi thứ xung quanh cho phù hợp với câu chuyện ấy của nó. Và nó nhanh trí khủng khiếp, luôn luôn đi trước mình một bước để thu xếp những chi tiết sẽ có thể cảnh báo mình, và thế là mình không bao gỉờ nghĩ là nó đang nói dối. Trước hết, không ai có thể ngờ rằng một con bé xinh đẹp đến thế lại có thể dối trá về những chuyện tầm thường nhất. Tôi là một. Nó kể cho tôi hàng tấn chuyện dối trá trong suốt sáu tháng trời rồi tôi mới bắt đầu có linh cảm là có cái gì không ổn đây. Nó nói dối đủ mọi chuyện, mà tôi thì không ngờ vực gì cả. Tôi biết điều này nghe rất điên.”

“Nó dối trá chuyện gì?”

“Khi tôi nói đủ mọi chuyện, thì nghĩa là đủ mọi chuyện.” Reiko cười mai mỉa. “Khi nói dối chuyện gì đó, người ta phải bịa ra một mớ những dối trá khác đi cùng. Đó là một chứng bệnh hẳn hoi, gọi là mythomania. Người mắc chứng mythomania thông thường chỉ hay bịa ra những chuyện ngây ngô vô hại, và phần lớn ai nghe cũng biết ngay. Nhưng con bé này thì không. Để che đậy nó sẽ dám bịa những chuyện kinh khủng mà mặt vẫn tỉnh khô như không. Nó không từ một cái gì hết. Và nó sẽ bịa nhiều bịa ít tuỳ theo người nghe. Với mẹ nó hoặc đám bạn thân thì nó hầu như không nói dối, hoặc có thì nó sẽ rất thận trọng, cẩn thận chọn chuyện gì sẽ không bao giờ bị lộ mà thôi. Hoặc nếu có lộ rồi thì nó sẽ tìm cách chống chế hoặc xin lỗi với cái giọng thỏ the ấy của nó và với dôi mắt đẹp ròng ròng nước mắt. Lúc ấy thì không ai có thể giận nó được.”

“Tôi vẫn không hiểu tại sao nó chọn tôi. Tôi là một nạn nhân nữa, hay là một nguồn cứu rỗi của nó? Tôi không biết. Tất nhiên, giờ thì chẳng sao nữa rồi. Mọi thứ đã kết thúc. Bây giờ tôi ra nông nỗi này đây.”

Sau một lúc lâu im lặng, chị nói tiếp:

“Con bé nhắc lại những gì mẹ nó đã nói, rằng nó đã xúc động khi nghe tiếng đàn lúc đi ngang nhà tôi. Nó đã thấy tôi ngoài phố vài lần, và đã bắt đầu “tôn thờ” tôi. Nó dùng đúng từ ấy: “Tôn thờ”. Tôi đỏ bừng hết cả mặt. Cậu biết đấy, được một thiên thần nhỏ bé xinh đẹp đến thế tôn thờ mình! Mà tôi vẫn nghĩ đó không hẳn là một lời dối trá hoàn toàn. Lúc ấy tôi đã qua tuổi ba mươi, tất nhiên, và tôi cũng chẳng bao giờ có thể thành đẹp đẽ và thông minh như nó, mà tôi cũng chẳng có tài gì đặc biệt, nhưng chắc là tôi phải có cái gì đó thu hút được nó, một cái gì đó mà nó không có, có lẽ thế. Chính cái đó đã khiến nó phải chú ý đến tôi lúc ban đầu. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn tin là thế. Chẳng phải là tự phụ đâu.”

“Vàng, tôi nghĩ là tôi hiểu được điều chị nói.”

“Con bé mang theo mấy bản nhạc và xin phép được đánh thử cho tôi nghe. Thế là tôi thuận theo. Nó chơi một bản Invention của Bach. Lối chơi của nó… cũng thú vị Hoặc có thể gọi là hơi là lạ. Nhưng không tầm thường. Tất nhiên là chưa được chau chuốt. Nó chưa từng học ở một trường chuyên nghiệp nào, và những bài học của nó là kiểu lúc có lúc không, nó có vẻ tự học là chính. Tiếng đàn của nó không có luyện tập. Thi vào trường nhạc mà chơi như vậy thì nó trượt ngay. Nhưng nó vẫn đánh ra bài. Mặc dù chín mươi phần trăm chẳng ra sao, nhưng vẫn có mười phần trăm được ở đó. Nó khiến cây đàn hát được. Đó là âm nhạc. Mà lại là một biến tấu phức điệu ngắn của Bach! Thế nên tôi mới thấy nó thú vị, và muốn biết tất cả về con bé ấy.”

“Chẳng cần phải nói, thế giới này có dầy những đứa trẻ có thể đánh Bach hay hơn nó nhiều. Gấp hai mươi lần. Nhưng hầu hết lối chơi của bọn kia chẳng có gì trong đó cả. Trống rỗng hết. Con bé này thì kỹ thuật kém, nhưng nó lại có một ít cái gì đó thu hút được người nghe – ít nhất là tôi. Và tôi quyết định là dạy nó cũng đáng. Tất nhiên,

không thể đặt vấn đề luyện lại cho nó thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Nhưng tôi cảm thấy có thể có khả năng làm cho nó thành một dương cầm thu hạnh phúc như tôi lúc ấy, và cả bây giờ nữa, một người có thể chơi đàn cho chính mình. Nhưng hy vọng ấy hoá ra hoàn toàn hão huyền. Con bé không phải loại người thích tặng lẽ làm việc của mình. Nó là một đứa trẻ luôn tính toán chi li để tận dụng mọi thứ chỉ cốt gây ấn tượng với mọi người. Nó biết chính xác là nó phải làm gì đề khiến mọi người khâm phục và khen ngợi nó. Và nó biết chính xác lối chơi nào sẽ hấp dẫn được tôi. Tôi chắc là nó đã tính toán mọi thứ, và đã vận dụng hết những thứ đó vào việc tập đi tập lại những đoạn nhạc chỉ cốt để làm vừa lòng tôi. Tôi vẫn có thể như thấy nó đang làm những chuyện ấy trước mắt.”

“Vậy mà, đến tận bây giờ, sau khi đã hiểu rõ tất cả những cái đó, tôi vẫn nghĩ đó là một lối chơi tuyệt vời và nếu được nghe lại tôi sẽ vẫn thấy ớn lạnh sống lưng. Mặc dù đã biết mọi khuyết tật của nó, mọi dối trá và xảo quyệt của nó, tôi vẫn thấy xúc động. Tôi nói cậu nghe, trên đời này có những chuyện như vậy đấy.”

Reiko hắng giọng khan một cái rồi ngưng bặt.

“Vậy chị nhận con bé làm học trò chứ?” tôi hỏi.

“Ờ. Mỗi tuần một buổi. Vào sáng thứ Bảy. Nó nghỉ học văn hoá vào thứ Bảy. Nó không nghỉ buổi đàn nào, không đến muộn bao giờ, và là một học trò lí tưởng. Nó luôn tập bài đầy đủ. Buổi nào học xong chúng tôi cũng ăn bánh và chuyện trò.”

Đến đó, Reiko bỗng liếc nhìn đồng hồ như chợt nhớ ra chuyện gì.

“Mình nên về thôi chứ? Tôi thấy hơi sốt ruột về Naoko. Tôi chắc cậu vẫn không hề quên cô ấy, đúng không?”

“Tất nhiên rồi,” tôi cười. “Nhưng chuyện chị cũng hấp dẫn quá.”

“Nếu cậu muốn nghe nốt thì ngày mai tôi sẽ kể. Chuyện dài lắm, một lần không thể kể hết được.”

“Chị thành nàng Scheherazade trong Nghìn lẻ một đêm rồi.”

“Tôi biết chứ,” chị cùng cười với tôi. “Còn cậu sẽ không bao giờ về Tokyo được nữa đâu.”

Chúng tôi quay lại lối qua rừng và trở về căn hộ.

Mấy cây nến đã cháy hết và đèn phòng khách không bật. Cửa phòng ngủ để ngỏ và cây đèn trên bàn đêm vẫn bạt, ánh sáng nhợt nhạt của nó hắt ra cả phòng khách. Naoko ngồi trên sô-pha trong bóng tối lờ mờ. Nàng đã thay sang một bộ áo ngủ thùng thình xanh nước biển, cổ áo buộc chặt lên sát cổ, hai chân thu lại cả trên ghế. Reiko bước tới và đặt một tay lên đầu nàng.

“Em ổn rồi chứ.”

“Em ổn rồi. Xin lỗi,” Naoko đáp rất khẽ. Rồi nàng quay sang tôi và nhắc lại lời xin lỗi. “Chắc mình đã làm cậu sợ”

“Một tí thôi,” tôi mỉm cười.

“Đến đây nào,” nàng bảo. Khi tôi đã ngồi xuống cạnh nàng, Naoko, vẫn ngồi thu chân như cũ, liền nghiêng người sang tôi cho đến lúc mặt nàng gần chạm vào tai tôi, như thể nàng sắp san sẻ với tôi một bí mật.

Rồi nàng đặt một cái hôn nhẹ nhàng vào cạnh tai tôi.

“Xin lỗi nhé,” nàng lại nói, lần này thì ngay bên tai tôi, rất hạ giọng. Sau đó nàng lại dịch ra xa.

“Đôi khi,” nàng nói, “Mình bị lẫn lộn hết cả, chẳng biết có chuyện gì nữa.”

“Mình thì lúc nào cũng thế,” tôi nói.

Naoko mỉm cười nhìn tôi.

“Nếu không phiền,” tôi nói, “mình muốn nghe nữa về cậu về cuộc sống của cậu ở đây. Những việc cậu làm hàng ngày. Những người cậu gặp.”

Naoko kể về những việc thường nhật của nàng bằng những câu ngắn nhưng rất rõ ràng. Buổi sáng thức dậy lúc sáu giờ. Ăn điểm tâm ở nhà mình. Dọn nhà nuôi chim. Rồi đi làm những việc đồng áng thường lệ. Nàng trông coi những ruộng rau. Trước hoặc sau bữa trưa, nàng thường có độ một giờ gặp bác sĩ hoặc tham dự điều trị nhóm. Buổi chiều thì nàng có thể chọn một lớp học nào nàng thích, nếu không chơi thể thao hoặc có việc gì khác. Nàng đã theo nhiều lớp: tiếng Pháp, đan len, dương cầm, lịch sử cổ đại.

“Reiko đang dạy mình đàn dương cầm,” nàng nói. “Cả ghi-ta nữa. Ai cũng lần lượt làm thầy và làm học sinh. Người giỏi tiếng Pháp thì dạy tiếng Pháp, người từng nghiên cứu xã hội học thì dạy sử, người khác thạo đan len thì dạy đan len: trường học ở đây thế mà hoá hay. Chỉ có mình là chẳng dạy được ai cái gì.”

“Mình cũng thế,” tôi nói.

“Ở đây mình chịu khó học nhiều hơn hồi ở đại học. Mình rất chăm, và rất thích.”

“Sau bữa tối thì cậu thường làm gì?”

“Chuyện trò với Reiko, đọc sách, nghe nhạc, đến nhà người khác chơi, đại loại thế.”

“Tôi thì tập ghi-ta và viết tự truyện,” Reiko nói.

“Tự truyện ư?”

“Đùa đấy thôi,” Reiko cười. “Bọn tôi lên giường vào quãng mười giờ. Một nếp sống khá lành mạnh, phải không nào? Bọn tôi ngủ như trẻ nhỏ.”

Tôi liếc nhìn đồng hồ. Còn vài phút nữa thì đến chín giờ. “Chắc mọi người sắp buồn ngủ rồi.”

“Không sao. Hôm nay mình có thể thức khuya,” Naoko nói. “Mình đã không gặp cậu lâu lắm rồi, mình muốn nói chuyện nữa. Cậu nói đi.”

“Lúc còn một mình ban nãy, tự nhiên mình nhớ lại ngày xưa,” tôi nói. “Cậu còn nhớ lần Kizuki và mình đến thăm cậu ở bệnh viện không? Ở bờ biển ấy. Mình nghĩ đó là học kỳ đầu của năm trung học cuối cùng.”

“Lần mình phải mổ ngực,” Naoko mỉm cười nói. “Có, mình nhớ. Cậu với Kizuki đến bằng môtô. Các cậu mua cho mình một hộp sô-cô-la và chúng chảy nhoét vào với nhau. Mà lại cứng rất khó ăn. Có vẻ đã lâu lắm rồi, mình không biết nữa.”

“Ờ, đúng thế. Mình nghĩ lúc ấy cậu đang làm một bài thơ, một bài thơ dài.”

“Tuổi ấy đứa con gái nào chẳng làm thơ,” Naoko khúc khích. “Sao tự nhiên cậu lại chợt nhớ lại những chuyện ấy thế?”

“Mình cũng đang tự hỏi đây. Mùi gió biển, mùi hoa trúc đào, rồi tự nhiên những cái đó cứ thế hiện ra trong đầu Kizuki có đến bệnh viện ấy thăm cậu nhiều lần không?”

“Làm gì có chuyện đó! Và vì thế mà bọn mình đã cãi nhau to. Anh ấy đến một lần, sau đó thì đến cùng với cậu, và chỉ có thế thôi. Anh ấy thật khủng khiếp. Và cái lần đầu anh ấy còn không thể ngồi cho ấm chỗ nữa, chỉ ở khoảng mười phút. Anh ấy mua cho mình mấy quả cam và lầu bầu những chuyện gì mình nghe không hiểu, rồi anh ấy bóc một quả và tiếp tục lầu bầu, rồi thì về luôn. Anh ấy bảo rất kị bệnh viện.” Naoko cười. “Anh ấy rất trẻ con trong những chuyện như vậy. Mình muốn nói là, ai mà chẳng ngán bệnh viện, đúng không nào? Và vì thế mà người ta đến bệnh viện thăm nhau để làm cho nhau thấy dễ chịu hơn, phấn khởi hơn, đại khái thế. Nhưng Kizuki lại không nghĩ như vậy.”

“Cậu ấy không đến nỗi thế lúc cùng đi với mình đến bệnh viện. Cậu ấy vẫn như thường.”

“Vì có cậu ở đấy mà,” Naoko nói. “Có mặt cậu thì anh ấy luôn như thế, cố gắng giấu

những điểm yếu của mình. Chắc anh ấy phải mến cậu lắm. Nhất định chỉ cho cậu thấy những mặt tốt của anh ấy thôi. Với mình thì lại không thế. Không cần giữ ý gì cả. Và có thể rất thất thường. Vừa mới vui vẻ tán chuyện đấy mà cũng có thể cáu bẳn được ngay. Lúc nào cũng vậy. Anh ấy đã như vậy từ hồi còn bé. Nhưng anh ấy cũng đã cố gắng thay đổi bản thân, cố gắng để tốt hơn.”

Naoko đổi tư thế thu chân trên ghế.

“Anh ấy rất cố gắng, nhưng chẳng ăn thua gì, và anh ấy lại càng buồn và cáu bẳn hơn. Có biết bao nhiêu cái hay cái tốt ở anh ấy, nhưng anh ấy chưa bao giờ có được tâm lý tự tin cần thiết. “Mình phải làm cái này, mình phải thay đổi cái kia,” lúc nào anh ấy cũng nghĩ như vậy, cho đến tận lúc lâm chung. Kizuki tội nghiệp!”

“Nhưng mà,” tôi nói, “nếu quả là cậu ấy luôn cố gắng cho mình thấy mặt tốt nhất của cậu ấy, thì cậu ấy đã thành công rồi. Lúc nào mình cũng chỉ thấy mặt tốt nhất ấy của Kizuki.”

Naoko mỉm cười:

“Nếu nghe cậu nói thế chắc anh ấy thích lắm đấy. Cậu là bạn duy nhất của anh ấy.”

“Và Kizuki là bạn duy nhất của mình,” tôi nói. “Không bao giờ có ai mình có thể gọi là bạn nữa, trước sau cũng vậy.

“Đó chính là nguyên nhân tại sao mình thích được ở bên cạnh hai người đến vậy. Lúc ấy mình cũng chỉ thấy những cái tốt nhất của anh ấy. Mình có thể thư giãn mà không lo lắng gì cả khi có ba chúng ta với nhau. Đó là nhưng lúc ưa thích nhất của mình. Mình không biết cậu nghĩ thế nào?”

“Còn mình thì vẫn thường lo không biết bản thân cậu nghĩ gì,” tôi nói, lắc đầu một cái.

“Vấn đề là ở chỗ một thứ như vậy sẽ không thể tiếp tục mãi,” Naoko nói. “Nhưng

nhóm nhỏ hoàn hảo như thế không thể duy trì. Kizuki biết thế, mình cũng biết thế, và cả cậu nữa. Đúng không nào?”

Tôi gật đầu.

“Nhưng nói thật với cậu,” Naoko tiếp tục, “Mình cũng yêu cả điểm yếu của anh ấy, chẳng khác gì mặt tốt. Anh ấy không có cái gì có thể gọi là xấu xa hoặc mờ ám. Anh ấy chỉ yếu đuối, vậy thôi. Mình đã cố nói với anh ấy điều đó, nhưng anh ấy không tin mình. Anh ấy bảo đó là vì bọn mình đã gần gũi nhau từ hồi còn lên ba. Mình biết quá rõ anh ấy mà, anh ấy sẽ bảo là mình đâu có phân biệt được điểm mạnh và điểm yếu của anh ấy, rằng với mình thì chúng như nhau cả thôi. Nhưng anh ấy không thay đổi được ý nghĩ của mình. Mình vẫn yêu anh ấy như thường, và sẽ không bao giờ thích ai khác được nữa.”

Naoko nhìn tôi với một nụ cười buồn bã.

“Quan hệ trai-gái của bọn mình cũng thực sự khác thường. Dường như cơ thể hai đứa được gắn liền với nhau ở đâu đó. Nếu tình cờ phải xa nhau, một lực hút đặc biệt nào đó sẽ kéo hai đứa lại với nhau. Trở thành người yêu của nhau là việc tự nhiên nhất trên đời của bọn mình. Không phải suy nghĩ hay quyết định gì cả. Bọn mình bắt đầu hôn nhau lúc mười hai tuổi và biết vuốt ve nhau lúc mười ba tuổi. Mình đến phòng anh ấy hoặc anh ấy đến phòng mình và mình sẽ cho anh ấy ra bằng tay. Mình chưa bao giờ nghĩ rằng thế là quá sớm. Nó cứ xảy ra một cách tự nhiên thế thôi. Nếu anh ấy thích nghịch vú hoặc chỗ kín của mình, mình chẳng hề ngại chút nào, hoặc nếu anh ấy muốn phóng tinh, mình cũng chẳng ngại gì giúp anh ấy ngay. Mình chắc là cả hai đứa sẽ choáng nếu có ai lên án những hành động ấy của bọn mình là sai trái. Bởi vì bọn mình không làm gì sai. Bọn mình chỉ làm nhưng gì phải làm. Bọn mình vẫn luôn cho nhau xem mọi chỗ trên người. Gần như là bọn mình cùng sở hữu cơ thể của nhau. Nhưng ít nhất thì trong một thời gian dài bọn mình bảo nhau không đi quá trớn. Cả hai đứa đều ngại mình có thai, và lúc đó còn chưa biết tí gì về chuyện ngừa thai… Tóm lại, Kizuki và mình đã lớn lên với nhau như thế đấy, tay trong tay, thành một cặp đôi khăng khít. Bọn mình hầu như không biết tí gì về những nỗi khắc khoải của tình

dục hoặc tâm trạng đau khổ đi kèm với sự trưởng thành của bản ngã mà bọn trẻ bình thường đều phải trải qua trong tuổi dậy thì. Bọn mình hoàn toàn cởi mở trong tình dục, còn về bản ngã thì vì bọn mình đã thu hút nhau và chia sẽ với nhau đến mức đó rồi nên cũng chẳng có ý thức gì về nó nữa. Cậu có hiểu mình nói gì không?”

“Chắc là hiểu,” tôi nói.

“Bọn mình không thể chịu nổi phải xa nhau. Cho nên nếu Kizuki còn sống, nhất định là bọn mình sẽ vẫn ở bên nhau, yêu nhau, và dần dần trở thành bất hạnh.”

“Bất hạnh ư? Tại sao lại thế?”

Naoko dùng ngón tay chải tóc lật ra sau nhiều lần. Nàng đã tháo dai buộc đầu, khiến tóc rũ hết xuống mặt môi lúc nàng cúi về phía trước.

“Bởi vì bọn mình sẽ phải trả lại cho thế giới này nhưng gì vẫn mắc nợ nó,” nàng nói, ngước mắt về phía tôi “Nỗi đau của sự trưởng thành. Bọn mình đã không trả cái giá đó đúng lúc, và bây giờ thì giấy đòi nợ đã đến rồi. Đó là lí do Kizuki làm điều anh ấy đã làm, và tại sao mình lại ở đây. Bọn mình giống như hai đứa trẻ trần truồng lớn lên trên một hòn đảo hoang. Nếu đói, bọn mình chỉ việc nhặt chuối ăn; nếu thấy cô đơn, bọn mình chỉ việc tìm đến vòng tay nhau. Nhưng những cái như thế không kéo dài mãi mãi. Bọn mình lớn nhanh và phải gia nhập xã hội. Chính vì vậy mà cậu rất quan trọng đối với hai đứa chúng mình. Cậu là móc xích nối bọn mình với bên ngoài. Bọn mình gắng gỏi thông qua cậu để hoà nhập với thế giới bên ngoài càng nhiều càng tốt. Nhưng cuối cùng, việc đó không thành, tất nhiên rồi.”

Tôi gật đầu.

“Mình không muốn cậu nghĩ là bọn mình đã lợi dụng cậu. Kizuki thực sự yêu mến cậu, chỉ tình cờ là quan hệ với cậu là quan hệ đầu tiên của bọn mình với một người khác. Bây giờ cũng vẫn vậy. Kizuki có thể chết rồi, nhưng cậu vẫn là móc xích duy nhất của mình với thế giới bên ngoài. Và Kizuki đã yêu mến cậu thế nào thì mình cũng vẫn yêu mến cậu như thế. Bọn mình không bao giờ muốn làm cậu bị tổn thương,

nhưng có thể đã như vậy rồi, bọn mình có thể đã gây nên một vết thương sâu hoắm trong lòng cậu mất rồi. Không bao giờ bọn mình nghĩ là có thể xảy ra chuyện ấy.”

Naoko lại cúi đầu và trở nên im lặng.

“Này các cậu, làm một cốc cacao nhé?” Reiko lên tiếng.

“Hay đấy. Em thích uống một chút cacao,” Naoko nói.

“Tôi thích uống một chút rượu mùi mang theo, nếu mọi người không phản đối,” tôi nói.

“Ô làm gì có ai phản đối,” Reiko nói. “Cho tôi một ngụm với nhé!”

“Nhất định rồi,” tôi cười.

Reiko mang ra hai cái cốc và chúng tôi cụng với nhau. Rồi chị vào bếp pha cacao.

“Mình có thể nói chuyện gì vui hơn một chút không?” Naoko hỏi.

Tôi chẳng có gì vui để nói. Tôi nghĩ giá mà còn Quốc-xã! Anh chàng đó có thể gợi hứng cho cả một xâu chuyện dài. Chỉ cần vài chuyện ấy thôi cũng đủ làm mọi người vui vẻ. Tôi đành phải kể dông dài về nhưng thói quen bẩn thỉu của bọn con trai trong học xá. Tôi thấy tởm khi phải kể những chuyện thô lỗ như thế, nhưng Naoko và Reiko thì cười lăn cười lộn. Họ lấy làm lạ lắm.

Rồi đến lượt Reiko bắt chước những bệnh nhân tâm thần. Cũng rất buồn cười. Hơn mười một giờ thì trông Naoko có vẻ buồn ngủ, Reiko liền kéo cái sô-pha ra thành giường và đưa cho tôi chăn ga gối nệm.

“Nếu cậu thấy muốn hiếp ai lúc nửa đêm thì chớ có nhầm người nhé,” chị nói. “Cái thân thể không có nếp nhăn ở giường bên trái là của Naoko.”

“Nói dối! Giường của em bên phải,” Naoko nói.

Reiko nói thêm, “Mà này, tôi đã thu xếp để cả hai chúng tôi nghỉ mấy việc chiều mai. Sao ba chúng mình không làm một cuộc picnic với nhau nhỉ? Tôi biết có một chỗ rất hay ở gần đây.”

Bình luận