Khi nghĩ lại năm 1969 tâm trí tôi chỉ thấy một vùng đầm lầy – một vùng bùn sâu dẻo quánh có vẻ muốn mút chặt và kéo tuột giày tôi ra mỗi lần tôi cất bước. Tôi đi trong vùng bùn ấy, sức lực kiệt dần. Đằng trước, đằng sau, tôi không nhìn thấy gì khác ngoài bóng tối vô tận của đầm lầy.
Ngay đến thời gian cũng gập ghềnh trôi theo những bước đi loạng choạng của tôi. Mọi người xung quanh đã đi trước tôi từ lâu rồi, chỉ có thời gian của tôi và tôi rớt lại sau và đang phải vật lộn với bùn lầy. Thế giới xung quanh tôi đang mấp mé những cuộc đổi thay vĩ đại. Cái chết đã lấy sinh mạng của John Coltrane và biết bao nhiêu người khác nữa. Người ta hò hét rằng những biến cải cách mạng lúc nào cũng có vẻ như sắp diễn ra đến nơi, đã ở ngay khúc đường quanh trước mặt. Nhưng những “biến cải” diễn ra được thì chỉ như trò thay đổi phông màn sân khấu, mà chỉ là những cái phông bẹt gí chẳng có thực chất và ý nghĩa gì. Ngày lại ngày, tôi bì bõm bước tới, chẳng mấy khi ngẩng mặt lên, mắt dính chặt xuống mặt đầm lầy trải dài vô tận, đặt chân phải xuống, nhấc chân trái lên, đặt chân trái xuống, nhấc chân phải lên, không bao giờ biết chắc mình đang ở đâu, không bao giờ chắc mình có đi đúng hướng không, chỉ biết mỗi một điều là mình cứ phải đi tiếp, từng bước, từng bước một.
Tôi đã hai mươi tuổi, thu tàn thì đông tới, nhưng chẳng có thay đổi nào có ý nghĩa trong cuộc sống của tôi. Không có chút hào hứng nào, nhưng tôi vẫn đến lớp nghe giảng, đi làm mỗi tuần ba tối ở tiệm đĩa hát, thỉnh thoảng đọc lại Gatsby vĩ đại, và đến Chủ nhật thì giặt giũ và viết một thư dài cho Naoko. Đôi khi tôi đi ra ngoài chơi với Midori, ăn với nhau một bữa, đến vườn bách thú, hoặc đi xem phim. Việc bán hiệu sách Kobayashi diễn ra như dự kiến. Chị em Midori dọn đến một căn hộ hai phòng ngủ gần Myogadani, một khu phố cao cấp hơn một tí. Midori nói khi nào người chị lấy chồng thì cô sẽ tìm thuê một căn hộ khác cho riêng mình. Cô đã mời tôi đến ăn trưa ở căn hộ mới của hai chị em một lần. Một căn hộ đẹp sáng sủa. Midori có vẻ thích chỗ đó hơn hẳn tầng gác cũ của cô ở hiệu sách Kobaybashi ngày trước.
Lâu lâu một lần, Nagasawa lại rủ tôi đi chinh chiến một chầu như ngày xưa chúng tôi vẫn làm, nhưng lần nào tôi cũng tìm ra lí do để từ chối. Tôi thấy ngại quá rồi. Không phải là ngại ngủ với gái, mà là chỉ nghĩ đến đường trường phải xuống phố uống rượu, rồi tìm cho đúng đối tượng gái, tán chuyện với họ, rồi đưa họ đến khách sạn, là tôi đã thấy mệt hết cả người. Tôi lại càng khâm phục Nagasawa hơn khi thấy hắn vẫn có thể tiếp tục những nghi thức ấy mà không thấy kinh tởm hoặc mệt mỏi. Có lẽ những điều Hatsumi từng khuyên tôi nay đã có tác dụng: tôi có thể làm cho mình thấy hạnh phúc hơn nhiều chỉ bằng cách nghĩ đến Naoko chứ không phải đi ngủ với mấy cô gái vô danh ngu xuẩn nào đó. Cảm xúc trên da thịt khi tôi nghĩ đến những ngón tay của Naoko có thể đem tôi lên cực lạc với hình ảnh cánh đồng cỏ vẫn sinh động mồn một ở trong tôi.
Đầu tháng Mười hai, tôi viết cho nàng để hỏi xem tôi đến thăm vào dịp nghĩ đông ấy có tiện cho nàng không. Tôi nhận được thư trả lời của Reiko nói họ sẽ rất mong được đón tôi. Chị giải thích rằng Naoko đang không thể viết thư được và rằng chị viết trả lời thế này là thay mặt cho cả nàng. Tôi không muốn hiểu theo hướng Naoko có thể đang trong tình trạng trầm trọng. Không cần phải lo lắng như thế. Nàng vẫn thường lúc này lúc kia, như từng đợt sóng một.
Đến kì nghỉ đông, tôi nhét mọi thứ vào ba-lô, vận ủng đi tuyết, và lên đường đi Kyoto. Ông bác sĩ già đã nói đúng: núi non mùa đông phủ đầy tuyết trắng đẹp không thể tưởng tượng được. Cũng như lần trước, tôi ngủ hai đêm trong cùng căn hộ của Naoko và Reiko, và có ba ngày cùng với họ làm những việc hệt như thế. Khi mặt trời đã lặn, Reiko lại chơi ghi-ta và cả ba chúng tôi quây quần ngồi nói chuyện. Đáng nhẽ đi pích-níc thì chúng tôi đi trượt tuyết đường dài với nhau. Một tiếng liền trượt tuyết xuyên rừng cũng đủ cho chúng tôi hết hơi và đẫm mồ hôi. Có lúc chúng tôi cũng tham gia xúc tuyết với bệnh nhân và cán bộ trong khu điều dưỡng. Bác sĩ Miyata chạy sang bàn chúng tôi trong bữa tối để giải thích tại sao ngón tay giữa của người ta dài hơn ngón trỏ trong khi tình hình lại trái ngược ở các ngón chân. Ông thường trực Omura lại nói với tôi về món thịt lợn ở Tokyo. Reiko rất thích những đĩa hát làm quà mà tôi mang theo từ thành phố. Chị ghi nốt nhạc của mấy giai điệu ưa thích và chuyển thể chúng cho đàn ghi-ta.
Naoko ít nói hơn hẳn so với dạo mùa thu. Khi ba chúng tôi quây quần, nàng thường ngồi trên sô-pha, miệng mỉm cười, và hầu như không nói câu nào. Reiko có vẻ cố tình liến láu chuyện trò để bù vào khoảng trống của nàng. “Nhưng cậu đừng lo,” Naoko bảo tôi. “Đây chỉ là một đợt thế thôi. Mà mình thấy nghe hai người nói chuyện thế là vui lắm rồi, mình nói làm gì nữa.”
Reiko viện cớ việc này việc nọ để ra khỏi nhà, cốt cho Naoko và tôi có thể lên giường với nhau. Tôi hôn cổ, hôn vai và hôn lên đôi vú nàng, và nàng dùng tay cho tôi đạt tới cực cảm như lần trước. Sau đó, khi ôm chặt nàng trong tay, tôi kể cho nàng nghe những động chạm của nàng đã sống trên da thịt tôi ra sao trong suốt hai tháng qua, và tôi đã nghĩ đến nàng khi thủ dâm như thế nào.
“Cậu chưa ngủ với ai khác ư?” Naoko hỏi.
“Chưa hề,” tôi nói.
“Được rồi, vậy thì thêm cho cậu để nhớ nữa này.”
Nàng trườn xuống và hôn tôi ở đó, rồi ôm ấp hết nó trong vòm miệng ấm nóng của nàng, vuốt ve nó bằng lưới đến khắp chốn, mái tóc dài và thẳng của nàng đung đưa lên xuống trên bụng dưới tôi theo với từng chuyển động của môi nàng cho đến lúc tôi bùng nổ lần thứ hai.
“Cậu có nhớ được không nào? Nàng hỏi.
“Có chứ,” tôi hổn hển. “Nhớ suốt mất thôi.”
Tôi ôm ghì nàng trong lòng và luồn tay vào trong quần lót của nàng, chạm đến cửa mình vẫn còn khô của nàng. Naoko lắc đầu và kéo tay tôi ra. Chúng tôi ôm nhau một lúc lâu, không ai nói gì.
“Mình đang tính ra khỏi khu học xá cuối học kì này và tìm một căn hộ để ở,” tôi nói. “Đời học xá thế là đủ rồi. Nếu cứ đi làm thêm, mình có thể sống khá đầy đủ. Cậu về Tokyo sống với mình đi, như mình vẫn nói ấy.”
“Ôi, cám ơn Toru. Mình thật hạnh phúc được cậu đề nghị một chuyện như vậy!”
“Không phải mình nghĩ là ở đây có vấn đề gì đâu,” tôi nói. “Chỗ này thật yên tĩnh, cảnh vật xung quanh thật hoàn hảo, và Reiko là một người tuyệt vời. Nhưng đây không phải là chỗ có thể ở lâu dài. Nó quá chuyên biệt. Càng ở đây lâu, tớ chắc thế, sẽ càng khó lòng mà đi đâu được nữa.”
Đáng nhẽ trả lời thì Naoko lại quay mặt nhìn ra cửa sổ. Bên ngoài chẳng thấy có gì ngoài tuyết trắng. Những đám mây tuyết nặng nề chìm xuống thấp và chen vai thích cánh nhau là là trên mặt đất tuyết phủ đầy.
“Cậu đừng phải vội, cứ nghĩ kĩ đi,” tôi nói. “Có chuyện gì đi nữa thì mình cũng vẫn sẽ dọn nhà vào cuối tháng Ba. Cậu đến với mình bất kì lúc nào cũng được.”
Naoko gật đầu. Tôi quàng tay ôm nàng cẩn thận như đang ôm một tác phẩm nghệ thuật rất tinh tế bằng thuỷ tinh. Nàng quàng hai tay lên cổ tôi. Tôi trần trụi, còn nàng chỉ mặc chiếc quần lót trắng bé tí tẹo. Tấm thân nàng thật đẹp. Tôi có thể ngắm nhìn nàng suốt ngày không chán.
“Sao mình không ướt thế nhỉ?” Naoko thì thầm. “Cái lần ấy là lần duy nhất từ xưa tới giờ. Hôm sinh nhật mình hai mươi tuổi ấy, trong tháng Tư ấy. Cái đêm mà cậu ôm mình trong lòng ấy. Mình có chuyện gì vậy?”
“Hoàn toàn là tâm lí thôi, mình chắc vậy,” tôi nói. “Cứ từ từ! Đừng nóng vội.”
“Tất cả những trục trặc của mình chỉ là tâm lí đơn thuần,” Naoko nói. “Nhỡ mình không bao giờ khỏi thì sao? Nhỡ mình không bao giờ có thể làm tình nữa thì sao? Cậu có yêu mình như thế này mãi được không? Liệu tay với môi có đủ cho cậu mãi được không? Hay cậu sẽ phải giải quyết dục tình bằng cách ngủ với các cô gái khác?”
“Mình là một người lạc quan cố hữu,” tôi nói.
Naoko ngồi dậy trên giường và mặc một cái áo phông lên người. Nàng khoác thêm một cái sơ-mi, rồi xỏ chân vào quần bò. Tôi cũng mặc lại quần áo.
“Để mình suy nghĩ nhé,” Naoko nói. “Và cậu cũng suy nghĩ nữa đấy.”
Nàng hơi đỏ mặt và mỉm cười bẽn lẽn. “Kizuki cũng chường hay nói thế?”
“Cậu ấy với mình có khá nhiều thị hiểu và ý kiến giống nhau,” tôi mỉm cười.
Chúng tôi ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn trong bếp, vừa uống cà-phê vừa nói chuyện ngày xưa. Nàng đang bắt đầu nói nhiều hơn về Kizuki, nhưng vẫn hay lưỡng lự, và lựa lời cẩn thận. Cứ lâu lâu tuyết lại xuống một trận rồi ngừng. Trong suốt ba ngày tôi ở đó, trời không quang quẻ ra được tí nào. “Có lẽ tớ có thể trở lại vào tháng Ba,” tôi nói lúc chia tay. Tôi ôm lấy nàng một lần cuối, cách ngỡ dày cộp với chiếc áo khoác mùa đông mặc trên người, và hôn lên miệng nàng.
“Tạm biệt,” nàng nói.
***
Rồi sang năm 1970 – một năm có âm thanh mới mẻ hẳn khi ta nói to nó lên – chấm dứt quãng đầu xanh niên thiếu của tôi. Bây giờ thì tôi có thể bước sang một đầm lầy hoàn toàn mới. Rồi đến những kì thi, và tôi đều qua được khá dễ dàng. Nếu ta chẳng có gì khác để làm và chỉ biết đến lớp đều đặn thì chẳng cần phải có kĩ năng gì đặc biệt cũng có thế qua được những bài thi cuối năm ấy.
Nhưng trong khu học xá thì nảy sinh một số vấn đề. Một vài gã vẫn hoạt động trong một phe phái chính trị đã giấu mũ sắt và ống nước trong phòng ở của chúng. Chúng đã xô xát với bọn cầu thủ bóng chày con cưng của ông trưởng khu học xá, và kết quả là có hai đứa bị thương và sáu đứa bị đuổi. Dư chấn của sự kiện này kéo dài rất lâu, gây nên những trận ẩu đã nho nhỏ xảy ra hầu như hàng ngày. Một bầu không khí nặng nề bao trùm khắp khu học xá, và ai cũng bồn chồn căng thẳng. Chính tôi cũng suýt nữa bị một gã phe bóng chày đánh nhừ tử nếu không có Nagasawa can thiệp kịp thời và thu xếp ổn thoả sau đó. Gì thì gì, đã đến lúc tôi phải chuồn khỏi nơi này.
Khi đã xong gần hết các môn thi, tôi bắt đầu tích cực tìm kiếm một căn hộ. Sau một tuần mò mẫm, tôi tìm được một chỗ vừa ý ở mãi khu ngoại ô Kichijoji. Địa điểm thì không được tiện lợi lắm, nhưng đó là một cái nhà: một ngôi nhà độc lập hẳn hoi – một phát hiện đáng giá. Vốn là một chái nhà của người làm vườn hoặc một kiểu nhà gỗ gì đó dùng để nghỉ ngơi ngoài vườn, nó đứng một mình trong góc một khu đất rộng rãi, cách khu nhà chính cả một dãy vườn bỏ hoang. Chủ nhà sẽ ra vào bằng cổng trước, còn tôi dùng cổng sau, vậy là tôi được hoàn toàn riêng biệt. Nó có một phòng rộng, một gian bếp nhỏ và nhà tắm, với một khoảng chứa đồ rộng không thể tưởng tượng được. Thậm chí còn có cả một hàng hiên quay ra phía vườn. Chủ nhà là một cặp vợ chồng rất tốt, cho thuê cái nhà với giá thấp hơn giá thị trường rất nhiều, nhưng với một điều kiện là người thuê phải sẵn sàng dọn đi nếu người cháu trai của họ quyết định lên ở Tokyo trong năm tới. Họ cam đoan sẽ không có đòi hỏi gì và tôi có thể sống theo ý mình ở ngôi nhà đó.
Nagasawa giúp tôi dọn nhà. Hắn mượn được cả một cái xe thùng để chở đồ cho tôi, và như đã hứa, hắn cho tôi cái tủ lạnh, chiếc TV, và cái phích ngoại khổ. Hắn có thể chẳng cần đến những thứ đó nữa, nhưng chúng lại rất ích dụng cho tôi. Bản thân hắn cũng đã có kế hoạch dọn đi hai ngày sau đó, đến một căn hộ ở khu Mita.
“Có thể rất lâu nữa chúng ta mới gặp lại nhau,” hắn nói lúc chia tay, “hãy bảo trọng. Tớ vẫn tin hai thằng mình sẽ còn đụng nhau ở một nơi xa lạ nào đó nhiều năm sau này.”
“Tớ đã mong đến ngày đó đây,” tôi nói.
“Còn cái lần bọn mình đổi gái ấy, hoá ra cái cô trông buồn cười kia lại hay hơn nhiều.”
“Đúng như thế,” tôi cười. “Nhưng mà, Nagasawa này, cậu hãy chăm sóc Hatsumi nhé. Người tốt như thế không dễ gì tìm được đâu. Mà trông thế thôi chứ cô ấy yếu đuối hơn nhiều.”
“Ờ, tớ biết,” hắn gật đầu. “Chính thế nên tớ mới hy vọng là cậu sẽ hứng cô ấy khi tớ đã xong chuyện. Hai đứa các cậu sẽ là một cặp lí tưởng đấy.”
“Nghiêm chỉnh đi nào?” Tôi nói.
“Tớ chỉ đùa thôi mà,” Nagasawa nói. “Thôi nào, hãy hạnh phúc nhé. Tớ có cảm giác cậu sẽ gặp khối chuyện cứt đái ở đời, nhưng cậu là một thằng đểu cứng đầu, tớ tin chắc cậu sẽ xử lí được hết. Có cho phép tớ khuyên cậu một điều không?”
“Nói đi.”
“Đừng tự trách móc mình,” hắn nói. “Chỉ những thằng vứt đi mới làm thế!”
“Tớ sẽ nhớ,” tôi nói. Chúng tôi bắt tay nhau và đi mỗi người một ngả, hắn đến cái thế giới mới của hắn, tôi về vùng đầm lầy của mình.
***
Ba ngày sau khi dọn nhà, tôi viết cho Naoko. Tôi mô tả ngôi nhà mới và nói tôi thấy nhẹ nhõm biết bao khi thoát khỏi được bọn ngốc trong khu học xá với tất cả những trận nhồi sọ của chúng. Giờ đây tôi có thể bắt đầu cuộc sống mới của mình với một tâm trạng mới.
Cửa sổ của mình nhìn ra một khu vườn rộng vẫn là nơi gặp mặt của tất cả lũ mèo quanh khu phố này. Mình thích nằm dài ngoài hiên và ngắm nhìn chúng. Mình không biết chúng có bao nhiêu con ở đó, nhưng là một lũ đông lắm. Chúng sưởi nắng thành từng nhóm. Có lẽ chúng chẳng hài lòng gì khi thấy mình ở đây, nhưng một lần khi mình để ra đó một miếng pho-mát cũ thì đã có mấy con bò đến nhấm nháp nó. Chẳng chóng thì chầy rồi chúng cũng thành bạn với mình thôi. Trong bọn có một con mèo đực lông vằn tai rách đến một nửa. Thật kì lạ vì trông nó rất giống lão trưởng khu học xá của mình ngày trước. Mình cứ nghĩ thể nào cũng có hôm con mèo này bắt đầu làm lễ kéo cờ cho mà xem.
Mình ở đây có hơi xa trường một chút, nhưng vào năm thứ ba thì sẽ không có nhiều giờ học buổi sáng nên cũng không đến nỗi tệ lắm. Có khi còn hay hơn vì mình sẽ có nhiều thì giờ đọc sách trên tàu điện hơn.
Bây giờ chỉ còn phải tìm xem có việc gì dễ dễ ở quanh đây để mình có thể làm ba hoặc bốn ngày một tuần. sau đó là mình có thể trở lại với cuộc sống lên dây cót của mình.
Mình không muốn vội, nhưng tháng Tư là thời điểm tốt trong năm để bắt đầu những việc mới mẻ, và mình không thể không cảm thấy rằng tốt nhất là bọn mình nên bắt đầu chung sống với nhau vào lúc đó.
Cậu cũng có thể trở lại đại học, nếu mọi việc suôn sẻ. Nếu thực tế sống chung của bọn mình có vấn đề gì, mình có thể tìm cho cậu một căn hộ ở gần đây. Quan trọng nhất là chúng mình phải luôn ở gần nhau. Cũng không nhất thiết phải bắt đầu vào mùa xuân, tất nhiên rồi. Nếu cậu nghĩ mùa hè tốt hơn thì mình cũng sẽ thấy thế. Chỉ cần cậu cho mình biết cậu nghĩ thế nào được không?
Mình đang định sẽ đi làm thêm nhiều hơn trong một thời gian. Để trang trải các chi phí cho việc chuyển chỗ ở này. Mình sẽ cần tiền sắm sửa cái này cái nọ khi sống một mình – nồi niêu xoong chảo bát đĩa và những cái linh tinh khác. Nhưng đến tháng Ba là mình sẽ rỗi, và nhất định sẽ đến thăm cậu. Cứ ngày nào tốt nhất với cậu là mình sẽ đi Kyoto ngày ấy.
Mong gặp cậu và mong cậu trả lời mình.
***
Tôi bỏ ra mấy ngày đi mua những thứ cần thiết trong khu mua bán Kichijoji ở gần nhà và bắt đầu tự nấu các bữa ăn đơn giản. Tôi mua vài tấm ván ở một xưởng cửa địa phương và cho cắt theo kích cỡ để có thể mang về nhà tự đóng một cái bàn. Tôi nghĩ mình sẽ có thể ngồi học ở cái bàn ấy, còn bây giờ thì hãy cứ ăn luôn ở đó. Tôi làm mấy cái giá đỡ và mua về đủ loại gia vị. Một con mèo trắng có lẽ sáu tháng tuổi đã quyết định có cảm tình với tôi và bắt đầu ăn ở chỗ tôi. Tôi đặt tên cho nó là Hải âu.
Khi đã thu xếp tương đối ổn, tôi vào nội thành và kiếm được một chân phụ thợ sơn để làm tạm thời. Tôi đi làm luôn trong hai tuần lễ liền. Tiền thì tốt, nhưng việc thì mệt chết người, và mùi dầu sơn quay cuồng cả đầu óc. Ngày nào xong việc tôi cũng ăn tại một quán rẻ tiền, uống bia lùa cơm cho xong bữa, về nhà chơi với con mèo, rồi lăn ra ngủ như chết. Trong thời gian đó tôi cũng chẳng nhận được thư từ gì của Naoko.
Đang mải phụ thợ sơn thì tôi chợt nhớ đến Midori, giật mình vì đã không liên lạc gì với cô gần ba tuần rồi và cũng chưa báo cho cô biết việc dọn nhà. Tôi đã nói đang tính chuyện dọn nhà với cô, và cô bảo “Ô thế à?”, nhưng chỉ có vậy thôi.
Tôi ra một trạm điện thoại và quay số của Midori. Người đàn bà nhấc máy có thể là chị cô. Khi tôi xưng tên, chị ta bảo “Chờ tí nhé”, nhưng mãi cũng chẳng thấy Midori đâu.
Sau đó cô chị hoặc ai đó trở lại. “Midori nói nó tức lắm không thể nói chuyện với cậu được. Cậu vừa dọn nhà mà chẳng nói gì với nó, đúng không? Cứ thế biến mất mà không bảo nó là cậu đi đâu, đúng không? Thôi, bây giờ thì cậu làm nó điên sùng sục lên rồi. Mà khi nó đã điên thì không thể làm gì được đâu. Như là chó dại vậy.”
“Chị có thể làm ơn đưa máy cho cô ấy được không? Tôi sẽ giải thích.”
“Nó bảo không muốn nghe giải thích giải thiếc gì hết.”
“Vậy tôi giải thích với chị có được không? Tôi chẳng muốn thế này chút nào, nhưng chị có thể cứ nghe tôi một chút rồi nói lại với cô ấy được không?”
“Đừng nói với tôi! Nói với chính cậu ấy! Cậu là loại người gì vậy? Trách nhiệm là ở cậu, thì cậu phải lo, mà phải lo cho đúng.”
Hết cách rồi. Tôi cám ơn cô ta và gác máy. Thực tình tôi không thể trách Midori. Mải dọn nhà với trăm thứ việc rồi lại mải đi kiếm tiền thêm, tôi đã không nhớ gì đến Midori. Cả đến Naoko cũng vậy, trong suốt thời gian ấy. Tính tôi là thế. Một khi đã dính vào việc gì là tôi quên khuấy mọi chuyện khác.
Nhưng rồi tôi bắt đầu nghĩ đến việc bản thân mình sẽ ra sao nếu Midori đã dọn đi đâu đó chẳng nói năng gì với tôi và cũng chẳng liên lạc gì suốt ba tuần lễ. Tôi sẽ bị tổn thương, tổn thương nặng nề, không nghi ngờ gì nữa.
Không, hai đứa không phải là nhân tình nhân ngãi gì, nhưng về mặt nào đó chúng tôi đã cởi mở cõi lòng với nhau còn sâu sắc hơn cả nhân tình nhân ngải nữa. Ý nghĩ ấy làm cho tôi buồn vô cùng. Thật khủng khiếp khi ta làm tổn thương một người ta hằng quí mển mà lại không biết là như vậy.
Ngay khi vừa đi làm về, tôi ngồi vào chiếc bàn mới của mình và viết cho Midori. Tôi cố kể hết với cô những cảm xúc chân thật của mình. Tôi xin lỗi, không giải thích mà cũng không phân bua, vì đã vô tâm vô tính như vậy. Tớ nhớ cậu, tôi viết. Tớ muốn gặp cậu càng sớm càng sớm càng tốt. Tớ muốn cậu thấy nhà mới của tớ. Làm ơn viết cho tớ nhé, tôi viết thế, và gửi lá thư qua đường phát chuyển đặc biệt.
Nhưng không hề có hồi âm.
Một mùa xuân lạ lùng đã bắt đầu như vậy đấy. Cả vụ nghỉ đó tôi chỉ ngong ngóng đợi thư. Tôi không dám đi đâu chơi, không dám về nhà thăm bố mẹ, không dám nhận cả một công việc ngoài giờ vì chưa biết lúc nào Naoko sẽ viết thư hẹn tôi đến thăm nàng vào một ngày nào đấy. Đến chiều tôi chỉ lang thang trong khu mua bán ở Kichijoji, xem phim suất đúp hoặc đọc sách trong một quán cà-phê. Tôi không gặp ai và hầu như không nói chuyện với ai. Và cứ mỗi tuần một lần tôi viết cho Naoko. Không bao giờ tôi bóng gió gì đến chuyện mong nàng trả lời. Tôi không muốn nàng cảm thấy bị áp lực trong bất kì chuyện gì. Tôi chỉ kể cho nàng nghe về công việc phụ thợ sơn của mình, về con mèo Hải âu, về hoa đào đang nở trong vườn, về bà lão bán đậu phụ tốt bụng, về mụ già bẩn tính ở một quán ăn trong khu phố, về những bữa ăn tôi tự nấu cho mình. Nhưng nàng không viết lại một lần nào.
Hễ đã chán đọc sách hoặc nghe nhạc, tôi sẽ loay hoay làm vườn chút đỉnh. Tôi mượn chủ nhà một cái cào, chổi, kéo xén cây, và tiêu thời gian vào việc nhỏ cỏ dại và xén tỉa bụi rậm. Không phải mất công lắm cũng đã khiến cho cái vườn đẹp mắt hẳn lên. Một lần, ông chủ nhà mời tôi uống trà với ông ta, và chúng tôi cùng ngồi dưới hiên ngôi nhà chính, uống trà xanh, ăn bích-qui gạo tẻ, và chuyện trò đôi chút. Sau khi về hưu, ông lại có việc làm với một công ty bảo hiểm, ông nói, nhưng ỏng cũng đã thôi việc đó rồi, sau một hai năm, và bây giờ thì chỉ nghỉ ngơi vậy thôi. Nhà đất là của gia đình từ lâu đời rồi, con cái ông cũng đã trưởng thành và độc lập cả, và ông có thể hưởng tuổi già thoải mái không cần phải làm gì. Chính thế mà hai vợ chồng ông lúc nào cũng đi du lịch cùng nhau.
“Hay quá,” tôi nói.
“Chẳng hay đâu,” ông đáp. “Du lịch chẳng thích thú gì. Tôi thà làm việc còn hơn.”
Ông bảo ông đã để khu vườn hoang dại như thế là vì quanh đây chẳng có thợ làm vườn nào tử tế, và cũng vì ông bị dị ứng không thể tự làm vườn được. Cứ cắt cỏ là ông bị hắt hơi sổ mũi.
Uống xong bữa trà, ông chỉ cho tôi một cái chái chứa đồ và bảo tôi muốn dùng thứ gì ở trong đó cũng được cũng là một cách cảm ơn tôi đã chăm nom đến khu vườn. “Chúng tôi chẳng dùng gì đến những thứ này nữa,” ông nói, “cậu cứ tự nhiên cho.”
Thực ra ở đó chất đầy đủ thứ đồ – một thùng tắm bằng gỗ đã cũ, một cái bể bơi cho trẻ con, gậy bóng chày.
Tôi tìm thấy cả một cái xe đạp cũ, một cái bàn ăn cỡ nhỏ với hai cái ghế, một tấm gương, và một cây ghi-ta. “Cháu muốn mượn những thứ đó có được không ạ?” Tôi nói.
“Cậu cứ tự nhiên cho,” ông nhắc lại.
Tôi để ra một ngày loay hoay với cái xe đạp: đánh sạch gỉ, tra dầu các ổ bi, bơm lốp xe, chỉnh bộ số, và đem nó ra một hiệu chữa xe đạp để lắp một bộ dây sang số mới. Xong xuôi trông nó như một cái xe khác hẳn. Tôi cạo sạch lớp bụi dày cộp trên cái bàn và quét cho nó một lớp véc ni mới. Tôi thay dây cho cái ghi-ta và dán lại chỗ bong tróc trên thân đàn. Tôi dùng búi thép đánh sạch gỉ ở các khoá lên dây và điều chỉnh chúng cẩn thận. Không ra một cây đàn oách, nhưng ít nhất cũng không lạc nốt sai dây nữa. Tôi chợt nhớ từ hồi hết trung học đến giờ mình chưa hề sờ đến một cây ghi-ta nào. Tôi ngồi ngoài hiên và mày mò đánh bài “Trên mái nhà” của nhóm The Drifters, và rất ngạc nhiên thấy mình vẫn còn nhớ hầu hết các hợp âm của bài đó.
Tiếp theo đó, tôi lấy mấy mẩu ván và đóng thành một hộp thư vuông vắn. Tôi sơn nó màu đỏ, viết tên mình vào, rồi dựng nó cạnh cổng. Mai đến mồng ba tháng Tư mới thấy bưu điện bồ vào thùng thư của tôi một cái gì đó từ khu học xá chuyển tới. Hoá ra là một thông báo họp lớp của trường trung học cũ. Tôi không muốn lôi thôi đến món họp lớp bao giờ. Mà đó lại là lớp tôi cùng học với Kizuki. Tôi liền quẳng cái thông báo ấy vào sọt rác.
Chiều ngày mồng bốn tháng Tư thì tôi thấy có một bức thư trong thùng. Mặt sau có đề tên Reiko Ishida. Tôi dùng kéo cắt một nhát ngọt qua mép dán rồi ra thềm để đọc nó. Tôi đã linh cảm sẽ không có tin lành, và quả là như vậy.
Đầu tiên Reiko xin lỗi đã để tôi phải chờ lâu đến thế. Chị nói Naoko đã vật vã cố viết cho tôi, nhưng lần nào nàng cũng không thể viết xong được.
“Tôi đã bảo để tôi viết trả lời thay cho cô ấy, nhưng hễ tôi nhắc đến chuyện phải trả lời cậu là cô ấy lại khăng khăng rằng đây là chuyện quá riêng tư và cô ấy phải tự viết mới được. Vì vậy mà tôi không viết cho cậu sớm hơn được. Tôi thật tình xin lỗi cậu. Hy vọng cậu sẽ bỏ lỗi cho tôi.
Tôi biết chắc cậu đã khổ sở cả tháng ròng chờ thư hồi âm, nhưng hãy tin tôi, tháng vừa rồi Naoko cũng khổ sở không kém. Cậu phải cố hiểu những gì cô ấy đang trải qua. Tình trạng cô ấy không tốt đâu, tôi phải nói thật như vậy. Cô ấy đang cố hết sức để trụ vững, nhưng cho đến giờ kết quả chẳng khả quan chút nào.
Nghĩ lại, bây giờ tôi mới thấy rằng triệu chứng xấu đầu tiên của cô ấy là mất khả năng viết thư. Nó bắt đầu khoảng cuối tháng Mười một đầu tháng Mười hai. Sau đó cô ấy bắt đầu cứ nghe thấy cái gì đó trong đầu. Hễ định viết thư là cô ấy lại nghe thấy có tiếng người nói chuyện với mình và không thể viết được nữa. Những giọng nói ấy chen vào nỗ lực chọn từ ngữ của cô ấy. Nhưng tình trạng ấy cũng chưa đến nỗi nào cho đến lần cậu đến thăm thứ hai, nên tôi đã không để ý cẩn thận. Với tất cả chúng tôi ở đây, những loại triệu chứng này xảy ra theo chu kì, hơn kém nhau chút đỉnh thôi. Nhưng trong trường hợp của cô ấy thì chúng cứ nặng mãi lên sau khi cậu ra về. Bây giờ thì đối thoại bình thường thôi cũng là rất khó khăn với cô ấy. Cô ấy không thể tìm được đúng từ để nói, và điều đó đẩy cô ấy vào một tình trạng hoang mang khủng khiếp. Hoang mang và sợ hãi. Trong khi đó thì những “thứ” cô ấy nghe thấy trong đầu cứ ngày một tệ hơn.
Chúng tôi có một buổi điều trị hàng ngày với một nhà chuyên môn. Naoko với tôi và ông bác sĩ này ngồi chuyện trò với nhau để cố tìm xem khu vực nào của cô ấy đã bị đổ bể. Tôi đưa ra ý kiến là có lẽ sẽ tốt nếu có thêm cậu cùng dự những buổi này, và ông bác sĩ ủng hộ tôi, nhưng Naoko không chịu. Tôi có thể nhắc lại đúng lời cô ấy như sau: “Tôi muốn thân xác tôi phải sạch hết mọi thứ này khi tôi gặp cậu ấy.” Tôi bảo cô ấy rằng đó không phải là vấn đề; vấn đề là cô ấy phải khỏe lại càng nhanh càng tốt, và tôi cố thuyết phục cô ấy, nhưng cô ấy nhất định không chịu đổi ý.
Hình như đã có lần tôi bảo cậu rằng đây không phải là một bệnh viện chuyên khoa. Tất nhiên là chúng tôi có các chuyên gia y khoa ở đây, và họ điều trị cũng rất có hiệu quả, nhưng điều trị tập trung lại là chuyện khác hẳn. Ý đồ của cơ sở này là tạo ra một môi trường hữu hiệu để bệnh nhân có thể tự điều trị, và như vậy, nói cho đúng ra, nó không bao gồm việc điều trị y khoa. Có nghĩa là nếu tình trạng của Naoko vẫn tiếp tục xấu đi, họ sẽ có thể phải chuyển cô ấy tới một bệnh viện khác hoặc một cơ sở y tế khác hoặc gì đó không biết. Nói thật, tôi thấy chuyện ấy rất đau lòng, nhưng chúng tôi sẽ bắt buộc phải làm vậy. Nói thế không có nghĩa là cô ấy không thể quay lại đây để điều trị theo kiểu “nghĩ vắng mặt” ở bên kia một thời gian. Hoặc biết đâu cô ấy lại có thể khỏi hẳn và không cần gì đến bệnh viện nữa. Gì thì gì, chúng tôi đang làm tất cả mọi thứ có thể được, và Naoko cũng vậy, còn bây giờ thì tốt nhất là cậu hãy hy vọng cho cô ấy bình phục được và tiếp tục gửi thư cho cô ấy.”
Lá thư đề ngày ba mươi mốt tháng Ba. Đọc xong, tôi vẫn ngồi ngoài hiên và nhìn quanh quẩn ra khu vườn lúc bấy giờ đã đầy vẻ tươi tốt của mùa xuân. Một cây anh đào cổ thụ đang đứng đó, hoa sắp đến kì nớ rộ. Một làn gió nhẹ đang thổi tới, và ánh sáng ngày bao trùm mọi vật trong những màu sắc mờ ảo kì lạ. Hải âu từ đâu đó mới đảo về nhà, và sau khi cào cào những tấm ván thềm một lát, nó nằm dài xuống cạnh tôi và lăn ra ngủ.
Tôi biết mình nên để tâm suy nghĩ thật nghiêm chỉnh một vài chuyện, nhưng không biết bắt đầu thế nào.
Và nói thật là lúc ấy tôi không muốn phải suy nghĩ chút nào. Chẳng mấy chốc sẽ đến lúc tôi không thể tránh được việc ấy, và bấy giờ tôi sẽ để ra hẳn một thời gian dài tập trung suy nghĩ hết mọi việc. Còn bây giờ thì không. Bây giờ thì không.
Cả ngày hôm đó tôi dán mắt vào khu vườn, nằm dựa gối và vuốt ve Hải âu. Tôi thấy hoàn toàn kiệt sức. Chiều tàn dần, hoàng hôn đã tới, và những bóng tối màu xanh lơ bao bọc cả khu vườn. Hải âu đã biến đi đâu rồi, nhưng tôi vẫn tiếp tục nhìn hoa anh đào đang nở. Trong bóng tối mùa xuân, trông chúng giống như thịt vừa bục ra khỏi da trên những vết thương đang mưng mủ. Khu vườn tràn ngập mùi thịt thối ngòn ngọt rất nặng. Và chính lúc đó tôi nhớ đến da thịt Naoko. Da thịt đẹp đẽ của Naoko nằm trước mặt tôi trong bóng tối, vô vàn mầm nụ đang bung ra trên da nàng, xanh mét và run rẩy trong làn gió nhẹ hầu như không cảm thấy được. Tại sao một tấm thân đẹp đẽ như thế lại phải mang bệnh đến vậy? Tôi tự hỏi. Sao chúng không buông tha cho nàng?
Tôi vào nhà và kéo màn cửa lại, nhưng ngay cả ở trong nhà cũng vẫn không thoát được mùi vị mùa xuân. Nó tràn ngập mọi thứ từ dưới đất lên cao. Nhưng hương vị duy nhất của mùa xuân mà tôi đang cảm thấy lúc ấy lại là cái mùi thịt thối khăn ghê rợn kia. Giam mình sau màn cửa, tôi cảm thấy một nỗi kinh tởm dữ dội đối với mùa xuân. Tôi căm ghét những gì mùa xuân đang dành đợi tôi; tôi căm ghét cái nỗi đau rần rật đến tê dại mà nó gợi lên trong tôi. Tôi đã chưa khi nào căm ghét cái gì trên đời dữ dội đến thế.
Ba ngày liền sau đó tôi như đi dưới đáy biển. Tôi không thể nghe người ta nói gì với mình, và mọi người nghe tôi cũng khó khăn như vậy. Toàn thân tôi như bị bao bọc trong một thứ màng khiến cho tôi mất hẳn mọi tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài. Tôi không thể chạm vào “họ”, và “họ” cũng không thể chạm vào tôi. Tôi hoàn toàn bất lực, và chừng nào còn như vậy thì “họ” còn chưa thể với đến tôi.
Tôi ngồi dựa lưng vào tường, dán mắt lên trần nhà. Khi thấy đói, tôi sẽ gặm bất kì thứ gì vớ được ở xung quanh, uống tí nước, và khi nỗi cám cảnh đau buồn ập đến, tôi lấy rượu whisky để hạ gục chính mình. Tôi không tắm. Không cạo mặt. Ba ngày liền trong tình trạng như thế.
Mồng sáu tháng Tư thì có thư Midori. Cô hẹn gặp tôi ở trường và cùng ăn trưa vào ngày mồng mười khi chúng tôi phải đến đăng kí các lớp học. Tớ trì hoãn viết cho cậu thật lâu cho đến lúc hai đứa mình hoà nhau, nên hãy giảng hoà nhé. Tớ phải thú nhận, tớ nhớ cậu. Tôi đọc đi đọc lại lá thư tất cả là bốn lần, mà vẫn không thể hiểu cô đang định nói gì với tôi. Nó có thể có nghĩa gì mới được chứ? Đầu óc tôi mù mịt hết cả, tôi không thể tìm ra mối liên hệ từ câu này đến câu kia. Tại sao gặp cô ta ngày đăng kí môn học lại làm cho chúng tôi “hoà nhau” Tại sao cô ta lại muốn “ăn trưa” với tôi? Tôi thực sự lạc đường. Trí não tôi nhão ra rồi, như bộ rễ sũng nước của một loài cây mọc dưới biển. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn biết là mình phải vùng ra khỏi tình trạng đó. Và rồi đột nhiên những lời của Nagasawa trở lại với tôi: “Đừng bao giờ tự trách mình. Chỉ có bọn vứt đi mới làm vậy.”
“Ôkê, Nagasawa. Đúng thế,” tôi nghe thấy mình nói trong đầu, thở dài đánh thượt rồi gượng dậy.
Tôi giặt quần áo lần đầu tiên sau nhiều tuần lễ, đến nhà tắm công cộng và cạo mặt, dọn dẹp nhà cửa, mua thức ăn và nấu một bữa tử tế để thay đổi cho con Hải âu gần chết đói ăn, chỉ uống bia, và tập thể dục ba mươi phút. Trong khi cạo mặt, tôi phát hiện trong gương là mình đã xọp hẳn đi. Hai mắt tôi lồi ra. Mãi tôi mới nhận ra mình.
Sáng hôm sau tôi đạp xe một chuyến dài dài, và sau khi ăn trưa ở nhà, tôi đọc lại lá thư của Reiko một lần nữa; rồi suy nghĩ nghiêm chỉnh xem tôi cần phải làm gì sau đó. Lý do chính khiến lá thư của Reiko làm tôi khổ sở đến vậy là vì nó đã phá vỡ niềm tin lạc quan của tôi rằng Naoko đang khá dần lên. Chính Naoko đã bảo tôi, “Bệnh tớ tệ hơn cậu tưởng nhiều: nó sâu rễ bền gốc lắm.” Và Reiko cũng đã cảnh báo rằng không thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng tôi đã gặp Naoko hai lần, và đã có ấn tượng là nàng đang trên đường lành bệnh. Tôi đã cho rằng chỉ còn có vấn đề là nàng có đủ can đảm quay lại thế giới thực tại hay không, và rằng nếu nàng làm được thế, cả hai chúng tôi sẽ chung lưng đấu cật trong chuyện đó.
Lá thư của Reiko đã đạp đổ toà lâu đài ảo mộng tôi đã xây trên cái giả định mong manh ấy, chỉ để lại một bề mặt bẹp gí không chút cảm giác nào. Tôi sẽ phải làm gì đổ để lấy lại chỗ đứng của mình. Có thể sẽ rất lâu Naoko mới có thể bình phục. Nhưng thậm chí sau đó có thể nàng sẽ còn thất thường và thiếu tự tin hơn. Tôi sẽ phải thích ứng với tình huống mới ấy. Và dù tôi có mạnh mẽ đến mấy thì chắc cũng không thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề. Điều ấy thì tôi biết. Nhưng tôi lại chẳng làm gì khác được: chỉ biết giữ vững tinh thần và chờ cho nàng khỏi bệnh.
Này Kizuki ơi, tôi nghĩ bụng, khác với cậu, tớ đã chọn sự sống, và sẽ sống đẹp hết sức mình. Cậu thấy khó là đúng rồi. Nhưng nói thật nhé, tớ thì cũng thế thôi. Thật là khó. Mà tất cả chỉ là tại cậu đã tự vẫn và để Naoko ở lại. Còn tớ thì sẽ không bao giờ làm thế. Tớ sẽ không bao giờ, không bao giờ quay lưng lại với cô ấy. Trước hết là vì tớ yêu cô ấy, và là vì tớ mạnh mẽ hơn cô ấy. Tớ sẽ trưởng thành. Tớ sẽ thành người lớn. Vì tớ phải vậy. Tớ vẫn thường muốn cứ được là mười bảy hay mười tám tuổi mãi nếu có thể. Nhưng bây giờ thì thôi rồi. Tớ không còn là một thiếu niên. Bây giờ tớ đã biết thế nào là trách nhiệm. Tớ không còn là cái đứa như thời chúng mình còn chơi với nhau nữa. Tớ đã hai mươi rồi. Và tớ phải trả giá để tiếp tục sống.
“Cứt thật, Watanabe, cậu làm sao vậy?” Midori hỏi. “Da bọc xương hết rồi!”
“Tệ đến thế kia à?”
“Quá nhiều chuyện với bà bồ có chồng của cậu phải không, tớ đánh cuộc nào.”
Tôi mỉm cười và lắc đầu. “Tớ chưa ngủ với cô nào từ đầu tháng Mười đến giờ.”
“Úi! Không thể thế được. Những sáu tháng đấy ông ạ!”
“Cậu nghe tớ nói rồi mà.”
“Thế làm sao mà cậu sụt cân gớm thế?”
“Tại lớn lên đấy,” tôi nói.
Midori đặt tay lên cả hai vai tôi và nhìn vào mắt tôi với một vẻ mắng nhiếc chẳng mấy chốc đã biến thành một nụ cười ngọt lịm.
“Đúng thế thật,” cô nói. “Có cái gì đó khác. Cậu đã thay đổi.”
“Tớ bảo rồi, tớ đã lớn lên. Giờ tớ đã là người lớn.”
“Cậu tuyệt vời thật, kiểu suy nghĩ của cậu ấy,” cô nói như thể bị ấn tượng thực sự. “Mình đi ăn thôi. Tớ đói ngấu rồi.”
Chúng tôi vào một tiện ăn nhỏ đằng sau khoa văn. Tôi lấy một suất ăn trưa đặc biệt và cô cũng vậy.
“Này, Watanabe, cậu giận tớ lắm phải không?”
“Vì chuyện gì chứ?”
“Vì không trả lời cậu, cốt để gỡ hoà mà. Cậu nghĩ tớ không nên thế à?” Sau khi cậu đã xin lỗi và mọi thứ khác”
“Ừ, nhưng đầu tiên là lỗi tại tớ. Nó như vậy mà.”
“Chị tớ bảo nhẽ ra tớ không nên thế. Quá ác, quá trẻ con.”
“Ờ, nhưng nó làm cậu thấy dễ chịu hơn, đúng không nào, gỡ hoà kiểu ấy?”
“Thôi được rồi, cho qua chuyện đó đi.”
“Cậu đang tha thứ cho tớ phải không?” Midori nói.
“Nhưng nói thật đi Watanabe, cậu chưa làm tình trong sáu tháng liền cơ à?”
“Không một lần nào.”
“Vậy cái lần cậu cho tớ đi ngủ, chắc cậu phải thèm lắm.”
“Ờ, chắc thế!”
“Nhưng cậu không làm gì, đúng không?”
“Nghe này, cậu là bạn tốt nhất của tớ bây giờ,” tôi nói. “Tớ không muốn mất cậu đâu.”
“Cậu biết không, nếu cậu cưỡng tớ hôm đó, chắc tớ không chống lại được đâu, tớ kiệt lực đến thế cơ mà.”
“Nhưng tớ quá to và quá cứng,” tôi nói.
Midori mỉm cười rồi chạm vào cổ tay tôi. “Một lúc trước đó, tớ đã quyết định sẽ tin cậu. Một trăm phần trăm. Cho nên tớ mới yên trí ngủ ngon như vậy. Tớ biết tớ sẽ không sao, tớ sẽ an toàn với cậu ở đó. Và tớ đã ngủ say như chết, đúng không?”
“Đúng quá.”
“Nhưng mặt khảc, nếu cậu nói với tớ, “Ê, Midori, mình ấy nhau đi, rồi mọi thứ sẽ tốt đẹp mà” thì có lẽ tớ đã ấy với cậu rồi. Này, đừng có tưởng tớ đang định cám dỗ hay trêu ngươi gì cậu nhé. Tớ chỉ đang nghĩ sao nói vậy thôi, hoàn toàn chân thực.”
“Biết rồi, biết rồi.”
Trong lúc ăn trưa, chúng tôi cho nhau xem giấy đăng kí lớp học của mình và thấy sẽ có chung nhau hai lớp. Vậy là ít nhất tôi cũng sẽ gặp cô hai lần một tuần. Xong chuyện đó rồi, Midori kể cho tôi nghe về cách thu xếp cuộc sống của cô. Lúc đầu hai chị em cô không thể quen được với cuộc sống ở căn hộ. Bởi vì nó quá an nhàn, cô nói. Họ đã quá quen với việc hàng ngày phải chạy quanh như điên, hết chăm người ốm lại đến trông cửa hàng, hết việc này đến việc nọ.
“Nhưng cuối cùng thì bọn mình cũng thấy quen,” cô nói. “Nhẽ ra chúng mình phải được sống thế này từ lâu rồi – không phải lo lắng đến nhu cầu của bất kì ai, chỉ việc nằm dài kiểu gì cũng được. Lúc đầu cả hai chị em mình đều thấy bồn chồn, như thể người mình nó cứ lơ lửng trên mặt sàn đến năm sáu phân. Nó không có vẻ thực tí nào, giống như cuộc sống thật không thể là như vậy. Cả hai chị em đều căng thẳng, chỉ sợ mọi thứ lại sắp lộn nhào hết cả.”
“Một cặp cả lo,” tôi mỉm cười nói.
“Chẳng qua là vì cuộc sống đã ác với chúng mình cho đến tận bây giờ,” Midori nói. “Nhưng không sao. Bọn mình sẽ lấy lại những thứ nó còn nợ.”
“Tớ cuộc là cậu sẽ được,” tôi nói, “vì tớ biết cậu rồi. Nhưng cậu nói xem, hiện giờ chị cậu làm gì?”
“Một người bạn chị ấy vừa mở một tiệm bán các loại phụ tùng phù phiếm cách đây ít lâu. Chị tớ làm ở đó ba lần một tuần. Ngoài ra thì chị ấy học nấu ăn, đi chơi với chồng chưa cưới, đi xem xinê, oằn oài ra đó, và hưởng cuộc đời,” Rồi Midori hỏi thăm tôi về cuộc sống mới. Tôi tả cho cô nghe cách bố trí của ngôi nhà, khu vườn rộng với con mèo Hải âu, và ông chủ nhà.
“Cậu thấy trong lòng vui vẻ chứ?” cô hỏi.
“Ừ, vui chứ,” tôi nói.
“Cậu chẳng lỡm được tớ đâu” Midori nói.
“Tớ biết thế, nhưng cũng tại mùa xuân nữa,” tôi nói.
“Và lại còn đang mặc cái áo chui đầu bồ đan cho đẹp thế kia nữa.”
Tôi giật nay mình và liếc vội xuống cái áo màu rượu vang. “Sao cậu biết”
“Cậu thật thà quá,” Midori nói. “Tất nhiên là tớ chỉ đoán thế thôi! Nhưng mà này cậu có chuyên gì vậy?”
“Không biết nữa. Tớ đang cố khuấy lên ít nhiệt tình.”
“Chỉ cần nhớ rằng cuộc đời là một hộp sô-cô-la.”
Tôi lắc đầu mấy cái rồi nhìn cô.
“Có thể tớ không thông minh thế, nhưng nhiều khi tớ không biết cậu đang nói chuyện quái gì nữa.”
“Cậu biết đấy, họ có nhiều loại sô-cô-la như thế này này, và cậu chỉ thích mấy loại này và không thích mấy loại kia chứ gì? Và cậu chén hết những loại cậu thích, những miếng còn lại toàn những loại cậu không thích bằng chứ gì? Tớ luôn nghĩ đến chuyện đó mỗi khi có chuyện đau buồn. “Bây giờ thì chỉ có việc chén nốt chỗ kia thôi chứ làm sao đây, và mọi chuyện sẽ ôkê cả.” Đời là một hộp sô-cô la như vậy đấy.”
“Có lẽ cậu có thể gọi đó là triết học.”
“Đúng thế còn gì. Tớ đã học được nó bằng kinh nghiệm.”
***
Đang uống cà-phê với nhau thì có hai cô gái bước vào. Midori có vẻ biết họ ở đại học. Ba người so các môn sắp học của nhau và nói hàng triệu thứ chuyện khác nhau: “Điểm tiếng Đức của cậu thế nào?” “Thằng ấy thằng nọ bị ăn đòn trong cuộc nổi loạn ở trường.” “Đôi giày đẹp nhỉ, cậu mua ở đâu thế?”… Tôi chỉ nghe nửa tai, nhưng cảm thấy như những câu nói của họ đang vọng về từ phía bên kia của thế giới. Tôi nhấm nháp cà-phê và nhìn những cảnh tượng đang kéo qua bên ngoài cửa sổ. Đó là một quang cảnh điển hình ở đại học vào mùa xuân khi sắp vào năm học mới: một màn mù nhè nhẹ lơ lửng trên trời, anh đào đang nở hoa, đám sinh viên mới (nhìn là biết ngay) ôm theo người hàng đống sách. Tôi thấy mình bập bềnh đôi chút và nghĩ đến Naoko đang không thể quay về học năm nay. Trên bậu cửa sổ có một cái cốc thuỷ tinh nhỏ cắm đầy hoa gió.
Khi hai cô kia đã về bàn của họ, Midori và tôi ra ngoài đi dạo quanh đó. Chúng tôi vào một vài hiệu sách cũ, mua mấy cuốn, uống một cốc cà-phê nữa ở một quán khác chơi bắn bi trong một động game, rồi ngồi ở ghế công viên tán chuyện, hay nói đúng hơn là Midori nói còn tôi chỉ ậm ừ giữ nhịp. Khi cô nói khát nước, tôi chạy ra một quầy báo mua hai lon Coke. Lúc về thì thấy cô đang nghí ngoáy viết cái gì đó lên mấy trang giấy kẻ bằng bút bi.
“Cái gì thế?” tôi hỏi.
“Có gì đâu,” cô nói.
“Tớ phải đi,” cô tuyên bố lúc ba giờ rưỡi. “Tớ đã hẹn gặp chị tớ ở Ginza.”
Chúng tôi đến ga tàu rồi mỗi người đi một ngả. Lúc chia tay, Midori nhét mẩu giấy đã gập làm tư vào túi quần tôi “Về nhà cậu hay đọc nhé,” cô nói. Tôi đọc nó luôn lúc trên tàu.
“Tớ viết thư này trong lúc cậu đi mua nước uống. Đây là lần đầu tiên trong đời tớ viết thư cho một người ngồi ngay cạnh mình trên ghế công viên, nhưng có lẽ đó là cách duy nhất tớ có thể đến được với cậu. Tớ muốn nói là cậu đang chẳng để ý gì đến những những lời tớ nói, đúng không nào?
Cậu có biết hôm nay cậu đã làm điều gì khung khiếp lắm với tớ không? Cậu không hề thấy tớ đã đổi kiểu tóc khác, đúng không? Tớ đã loay hoay với nó mãi rồi, cố để cho nó dài ra, và cuối cùng thì cuối tuần trước tớ đã làm được một kiểu mà cậu có thể gọi là tóc con gái, nhưng thậm chí cậu cũng chẳng để ý nữa. Trông nó cũng hay, nên tớ đã tưởng sẽ làm cho cậu choáng một tí sau khi bao nhiêu lâu cậu mới gặp lại tớ, nhưng cậu nào có thấy gì. Cậu bảo thế có chán không? Tớ cuộc là cậu còn chẳng biết tớ mặc gì hôm nay nữa kia. Ê, tớ vẫn là con gái mà! Ừ thì cậu đang bận chuyện gì đó trong đầu! Nhưng cứ nhìn người ta một cái tử tế thì đã làm sao! Cậu chỉ cần bảo “Tóc xinh đấy”, thế là tớ sẽ có thể tha thứ cho cậu vì đã mải chìm đắm trong một triệu thứ ý nghĩ kia, nhưng mà không!
Chính thế mà tớ sắp tặng cậu một lời nói dối đây. Không phải tớ đi gặp chị tớ ở Ginza đâu. Tớ đã định đến ngủ lại ở chỗ cậu. Thậm chí đã mang cả quần áo ngủ đi theo. Thật thế. Tớ đã có áo ngủ và bàn chải đánh răng ở trong túi rồi. Thế có ngủ không! Đấy, cậu có hề mở mồm mời tớ đến thăm nhà mới của cậu đâu. Nhưng thôi, cần quái gì, rõ ràng là cậu muốn được một mình, nên tớ sẽ để cho cậu được một mình. Cứ việc nghĩ ngợi cho thoả đi!
Nhưng đừng có hiểu sai tớ. Tớ không hoàn toàn phát điên vì cậu đâu. Tớ chỉ buồn thôi. Cậu đã tốt như thế với tớ khi tớ gặp rắc rối, còn bây giờ thì cậu đang gặp rắc rối và có vẻ là tớ chẳng làm được gì cho cậu cả. Cậu đang bị nhốt chặt trong cái thế giới nhỏ bé ấy của cậu, và khi tớ gõ cửa thì cậu chỉ ngẩng lên độ một giây rồi lại bổ vào trong đó ngay.
Bây giờ thì tớ thấy cậu đang mang đồ uống về kia kìa – vừa đi vừa nghĩ. Tớ đang mong cậu vấp ngã đây, nhưng cậu không vấp. Bây giờ thì cậu ngồi ngay cạnh và đang uống lon Coke của cậu. Tớ đang bám lấy tia hy vọng cuối cùng là cậu sẽ nhận thấy và nói “Ê, cậu đổi kiểu tóc rồi à!” nhưng mà không. Nếu cậu nói thế thì tớ đã xé bức thư này đi và bảo “Về nhà cậu chơi đi. Tớ sẽ nấu một bữa tối ngon lành. Và sau đó bọn mình có thể lên giường ôm ấp nhau.” Nhưng cậu vẫn nhạy cảm như gỗ đá vậy. Tạm biệt.
Tái bút: Lần sau gặp thì đừng có nói gì với tớ đấy.
Tôi gọi điện thoại đến căn hộ của Midori từ nhà ga lúc vừa xuống tàu ở Kichijoji nhưng không có ai nhấc máy.
Chẳng có việc gì hơn, tôi lững thững quanh khu phố mình ở, tìm xem có việc gì làm thêm khi đã vào năm học. Tôi sẽ rỗi cả thứ Bảy và Chủ nhật, và có thể đi làm thêm từ sau năm giờ chiều các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Năm; nhưng chẳng dễ gì mà tìm được những việc vào đúng những ngày giờ đó. Tôi đầu hàng và trở về nhà. Lúc ra ngoài mua rau cỏ cho bữa tối, tôi lại thử gọi đến chỗ Midori lần nữa. Chị gái cô nói Midori vẫn chưa về và không biết lúc nào thì cô về nhà. Tôi cảm ơn và gác máy.
Ăn tối xong, tôi định viết cho Midori, nhưng phải bỏ cuộc sau nhiều lần mào đầu chẳng ra sao. Tôi bèn viết cho Naoko.
Xuân đã về rồi, tôi viết, và đại học cũng đã vào năm học mới. Tôi viết rằng tôi nhớ nàng, rằng tôi vẫn mong có thể gặp và chuyện trò với nàng bằng cách nào đó. Dù sao, tôi viết, mình đã quyết định phải mạnh mẽ lên. Theo chỗ mình biết thì mình chỉ có thể làm được vậy.
Còn một chuyện nữa. Có thể nó chỉ liên quan đến mình và cậu có thể chẳng quan tâm gì cách này cách khác, nhưng mình sẽ không còn ngủ với bất kì ai nữa. Là vì mình không muốn quên những động chạm của cậu lần vừa rồi. Nó có ý nghĩa với mình hơn cậu tưởng nhiều. Lúc nào mình cũng nghĩ đến nó.
Tôi cho lá thư vào phong bì, dán tem, rồi ngồi đó nhìn nó một lúc lâu. Một lá thư ngắn hơn lệ thường rất nhiều, nhưng tôi có cảm giác như thế Naoko mới hiểu được tôi hơn. Tôi rót cho mình nửa cốc whisky, tợp hai hớp là hết, và đi ngủ.
Ngày hôm sau tôi tìm được một việc gần ga Kichijoji mà tôi có thể làm vào các thứ Bảy và Chủ nhật: chạy bàn cho một tiệm ăn Ý nho nhỏ. Các điều kiện thì khá tồi, nhưng tôi được bao đi lại và ăn trưa. Và hễ có ai nghỉ cả tối trong những ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Năm (mà thường là có) thì tôi có thể thế chân họ. Thật hoàn hảo đối với tôi. Người quản lí nói họ sẽ tăng tiền cho tôi sau ba tháng, và muốn tôi bắt đầu ngay thứ Bảy đó. Ông ta đàng hoàng hơn nhiều so với tay chủ tiệm đĩa hát ở Shinjuku.
Tôi thấy Midori trong giờ học hôm thứ Tư. Cô mặc áo len chui đầu xanh lá cây sẫm và đeo kính râm đen mà cô vẫn đeo từ vụ hè. Cô ngồi hàng ghế dưới cùng, đang nói chuyện với cô gái gày đeo kính cận mà rồi đã gặp một lần trước đây. Tôi đến gần và nói tôi muốn sau giờ học được nói chuyện với cô. Cô kính cận nhìn tôi trước, rồi mới đến Midori. Kiểu tóc của cô quả thực nữ tính hơn nhiều so với trước, đứng đắn hơn.
“Tôi mắc đi gặp người khác rồi,” cô nói, hơi vênh mặt lên.
“Tôi không dám làm cô mất thời giờ đâu,” tôi nói.
“Năm phút thôi.”
Midori bỏ kính ra và nheo nheo mắt, có vẻ như đang nhìn một căn nhà tiều tuỵ hoang phế ở cách đó hàng trăm thước.
“Tôi không muốn nói chuyện với anh. Xin lỗi nhé,” cô nói.
Cô kính cận nhìn tôi với đôi mắt như đang nói: Cô ấy bảo cô ấy không muốn nói chuyện với anh. Xin lỗi nhé.
Tôi ngồi ở đầu bên phải hàng ghế trên cùng để nghe giảng (một bài tổng quan các tác phẩm của Tennessee Williams và địa vị của chúng trong văn học Mỹ), và khi hết giờ, tôi đếm thật chậm cho đến ba rồi quay lại. Midori đã đi rồi.
Tháng Tư là một tháng quá cô liêu cho những kẻ chỉ có một mình. Tháng Tư, mọi người xung quanh tôi trông đều có vẻ hạnh phúc. Người ta quẳng áo khoác ngoài đi và sung sướng đi với nhau dưới nắng trời – chuyện trò, đuổi bắt, cầm tay nhau. Nhưng lúc nào tôi cũng chỉ có một mình. Naoko, Midori, Nagasawa: tất cả họ đều không còn ở chỗ tôi nữa rồi. Tôi không có ai để chào buổi sáng hoặc chúc một ngày tốt lành. Tôi nhớ đến cả Quốc-xã. Tôi sống qua tháng ấy với cảm giác cách biệt tuyệt vọng. Tôi cố nói với Midori mấy lần, nhưng lần nào cũng chỉ có câu trả lời ấy: “Bây giờ tớ chưa muốn nói chuyện với cậu” – và nghe giọng cô tôi biết là cô nói thật. Lúc nào Midori cũng cặp kè với cô kính cận, hoặc không thì với một anh chàng cao to tóc ngắn. Hắn có đôi chân đặc biệt dài và luôn đi giày bóng rổ trắng.
Tháng Tư qua đi và tháng Năm lại tới, nhưng còn tệ hơn nữa. Khi mùa xuân phai dần trong tháng Năm, tôi không thể lẩn tránh con tim run rẩy của mình được nữa. Nó thường xảy đến khi mặt trời đang xuống. Trong bóng chiều tà nhợt nhạt, khi không gian tràn ngập hương thầm của hoa mộc lan, trái tim tôi bỗng nở to ra, run rẩy, và lẩn quất nhói đau như có những nhát dao đâm. Tôi sẽ cố nhắm nghiền mắt lại và nghiến răng đợi cho cơn đau ấy qua đi. Và nó sẽ qua – nhưng chậm chạp như không vội vã gì, rồi để lại sau một vệt đớn đau tê dại.
Những lần như thế tôi lại viết cho Naoko. Tôi chỉ mô tả những chuyện cảm động, thú vị hoặc đẹp đẽ: hương thơm của cỏ, làn gió xuân vẻ vuốt trên da, ánh trăng sáng, một bộ phim tôi vừa xem, một bài hát tôi thích, một cuốn sách đã khiến tôi xúc động. Bản thân tôi cũng thấy được an ủi khi đọc lại những gì mình đã viết. Và tôi cảm thấy như thế giới tôi đang sống đây là một cõi diệu kì. Tôi viết không biết bao nhiêu bức thư như thế, nhưng chẳng nhận được gì từ Naoko hoặc Reiko.
Ở tiệm ăn nơi tôi làm thêm, tôi làm quen với một sinh viên cùng lứa tên là Itoh. Phải mất một thời gian dài, cậu sinh viên dịu dàng ít nói đang học vẽ sơn dầu ở một đại học mỹ thuật ấy mới bắt chuyện với tôi, nhưng cuối cùng thì chúng tôi bắt đầu rủ nhau cùng đi uống rượu và nói với nhau đủ thứ chuyện sau giờ làm việc. Hắn cũng thích đọc sách và nghe nhạc, nên chúng tôi thường nói về những cuốn sách và đã hát mình ưa thích. Hắn thon thả và ưa nhìn, với một bộ tóc ngắn hơn nhiều và quần áo sạch sẽ hơn nhiều so với một sinh viên mỹ thuật điển hình. Hắn không bao giờ nói nhiều, nhưng có những thị hiểu và ý kiến rõ rệt của mình. Hắn thích tiểu thuyết Pháp, đặc biệt là của Georges Bataille và Boris Vian. Về âm nhạc thì hắn thích Mozart và
Rayel. Và cũng như tôi, hắn đang tìm một người bạn để có thể chuyện trò về những thứ như thế.
Một lần Itoh mời tôi về căn hộ của hắn trong một toà nhà một tầng lạ kiểu đằng sau công viên Inokashira, đường đi không đến nỗi khó như đường đến chỗ tôi. Phòng hắn chất đầy đồ vẽ và các khung vải. Tôi hỏi xem tranh hắn vẽ, nhưng hắn nói còn ngượng chưa muốn cho tôi xem cái nào hết. Chúng tôi uống một ít Chivas Regal mà hắn đã lẳng lặng lấy xuống từ chỗ của bố hắn, nướng ít cá khô trên cái lò than hoa, và nghe Robert Casadesus chơi bản công-xéc-tô cho đàn dương cầm của Mozart.
Itoh là người Nagasaki. Hắn nói hắn có một bồ gái mà lần nào về nhà hắn cũng ngủ với cô, nhưng gần đây mọi chuyện giữa hai người cũng không được ổn lắm.
“Cậu biết bọn con gái thế nào rồi,” hắn nói. “Đến tuổi hai mươi hoặc hai mốt là đùng một cái chúng bắt đầu nẩy sinh những ý tưởng rất cụ thể. Chúng trở thành siêu thực tế. Và khi chuyện ấy diễn ra thì bao nhiêu những thứ đáng yêu và thật mê li của chúng trước đây bỗng thành ra tầm thường và buồn nản. Bây giờ mỗi lần tớ gặp cô ta, mà nhất là sau khi vừa mới ngủ với nhau xong, cô ta lại hỏi “Thế anh tính sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp”
“Ừ, thế cậu tính sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp” Tôi hỏi hắn.
Mồm nhai cá khô nướng, hắn lắc đầu. “Tớ làm gì được? Tớ học vẽ sơn dầu! Cứ nghĩ những chuyện như vậy thì không ai còn muốn học vẽ sơn dầu nữa! Làm cái đó không nuôi được miệng mình. Thế là cô ấy sẽ bảo “Sao anh không về Nagasaki làm thày giáo dạy vẽ” Cô ấy tính sẽ làm cô giáo dạy tiếng Anh.”
“Cậu không còn mê cô ấy như trước nữa, đúng không?”
“Có thế nói gọn là như thế,” Itoh thú nhận. “Có ai dưới gầm trời này muốn làm thầy dạy vẽ cơ chứ? Tớ sẽ không phí cả cuộc đời khốn nạn này của tớ vào việc dạy lũ khỉ đột nhóc con học vẽ đâu!”
“Chuyện ấy là một nhẽ,” tôi nói. “Nhưng cậu nghĩ bắt buộc phải cắt đứt với cô ta à? Vì cả cậu lẫn cô ấy mà cậu phải làm thế à?”
“Đúng thế. Nhưng tớ không biết phải nói với cô ta ra sao. Cô ấy tính ăn đời ở kiếp với tớ rồi. Nói cái mẹ gì được đây” Chẳng nhẽ bảo “Này, mình phải chia tay thôi, anh không còn thích em nữa rồi.”
Chúng tôi uống Chivas chay, không pha nước đá, và khi ăn hết cá nướng thì chúng tôi thái ít dưa chuột với cần tây và ăn chấm tương xì-dầu. Khi rau ráu nhai dưa, tôi nghĩ đến ông bố Midori và chợt thấy đời thật buồn tẻ vô vị khi không có cô, và ý nghĩ ấy khiến tôi buồn khủng khiếp Midori đã thành một hiện diện khổng lồ trong lòng tôi mà tôi không biết.
“Có bồ gái chưa?” Itoh hỏi.
“Rồi,” tôi nói, và một lúc sau lại thêm “nhưng tớ không thể ở bên cô ấy lúc này.”
“Nhưng các cậu hiểu tình cảm của nhau chứ hả?”
“Tớ cũng muốn nghĩ thế. Nếu không thì còn nghĩa lí quái gì nữa” Tôi nói và chặc lưỡi.
Itoh thấp giọng nói về sự vĩ đại của Mozart. Hắn biết về Mozart từng li từng tí, như một cậu bé miền núi thuộc các lối mòn vậy. Ông bố hắn yêu âm nhạc và đã cho hắn tiếp xúc với âm nhạc từ hồi còn bé xíu. Tôi không biết nhiều về nhạc cổ điển, nhưng khi nghe bản công-xéc-tô này của Mozart và những lời bình phẩm say sưa và sắc sảo của Itoh: “Đấy – đoạn ấy”, “Chỗ đấy mới gọi là khiếp chứ!”, tôi cảm thấy như lần đầu tiên trong cả quãng tháng ngày triền miên tôi đã thấy mình được yên bình trở lại. Chúng tôi ngắm vành trăng khuyết lửng lơ trên công viên Inokashira và uống chai Chivas Regal cho đến giọt cuối cùng. Món whisky ấy mới gọi là tuyệt tác.
Itoh nói tôi có thể ngủ lại, nhưng tôi nói mắc mấy việc phải làm, cám ơn hắn đã cho uống whisky và ra về lúc sắp chín giờ. Trên đường về tôi vào một trạm điện thoại gọi cho Midori, và thật ngạc nhiên khi chính cô nhấc máy.
“Xin lỗi,” cô nói, “nhưng bây giờ tớ không muốn nói chuyện với cậu.”
“Tớ biết, tớ biết. Nhưng tớ không muốn chúng mình phải chấm dứt như thế này. Cậu là một trong số rất ít bạn mà tớ có, và không được gặp cậu tớ thực sự khổ sở. Lúc nào thì tớ mới có thể nói chuyện với cậu? Ít nhất thì cậu cũng cho tớ biết thế đã chứ?”
“Lúc mà tớ thấy thích,” cô nói.
“Cậu khỏe không?” tôi hỏi.
“Khỏe,” cô nói, rồi gác máy.
***
Giữa tháng Năm thì có thư của Reiko.
Cám ơn cậu đã viết thường xuyên như vậy. Naoko thích đọc thư cậu lắm. Cả tôi nữa. Cậu không phiền là tôi cũng đọc chứ, phải không nào?
Tôi xin lỗi đã rất lâu rồi mới trả lời cậu được. Nói thật với cậu, thời gian qua tôi cũng mệt mỏi Iắm, và cũng chẳng có tin gì vui để báo cho cậu. Tình hình Naoko không được tốt. Hôm trước mẹ cô ấy có từ Kobe đến đây.
Bốn chúng tôi – bà ấy, Naoko, ông bác sĩ và tôi đã có một cuộc nói chuyện rất dài và chúng tôi đi đến kết luận là Naoko nên được chuyển đến một bệnh viện chuyên khoa điều trị cấp tập một thời gian rồi sau đó lại có thể trở lại đây tuỳ theo kết quả điều trị. Naoko nói muốn ở lại đây và sẽ cố khỏe lại, mà tôi cũng sẽ rất nhớ và lo cho cô ấy, nhưng thực tế là càng ngày càng khó kiểm soát được cô ấy ở đây. Phần lớn thời gian cô ấy vẫn không sao, nhưng có những lúc cô ấy xúc động cực kì thất thường, và chúng tôi không thể rời mắt khỏi cô ấy một phút nào. Không thể biết được cô ấy sẽ làm gì. Khi cô ấy rơi vào tình trạng căng thẳng với những giọng nói vang lên trong đầu kia, cô ấy hoàn toàn khép mình lại và lún sâu trong đó.
Chính vì thế mà cả tôi nữa cũng phải đồng rằng tốt nhất là Naoko nên được điều trị một thời gian ở một cơ sở thích hợp. Tôi ghét phải nói thế, nhưng quá tình chúng tôi chỉ có thể làm vậy. Như tôi đã nói với cậu một lần trước đây, bệnh nhân là quan trọng nhất.
Chúng tôi phải tiếp tục lần mò những sợi chỉ rối, lần lượt từng sợi một, và không được mất hy vọng. Cho dù tình trạng của cô ấy có vẻ vô vọng đến mấy, chúng tôi vẫn nhất định, không sớm thì muộn, phải tìm thấy cái sợi chỉ tuột kia. Nếu cậu ở trong một nơi tối mịt, cậu chỉ có thể ngồi im cho đến lúc mắt cậu quen dần với bóng tối.
Khi cậu nhận thư này thì chắc Naoko đã được chuyển đến cái bệnh viện kia rồi. Tôi xin lỗi đã đợi đến lúc có quyết định chính thức rồi mới viết cho cậu, nhưng mọi việc diễn ra nhanh quá. Bệnh viện mới rất tốt, có bác sĩ giỏi. Tôi sẽ cho cậu địa chỉ ở dưới thư, cậu hãy viết cho Naoko về địa chỉ đó. Họ cũng sẽ thông báo cho tôi về tình hình của cô ấy, có gì tôi cũng sẽ cho cậu biết. Hy vọng ta sẽ có tin vui. Tôi biết chuyện này làm cậu khổ sở lắm, nhưng xin cậu đừng mất hy vọng. Và dù Naoko có không ở đây nữa, làm ơn thỉnh thoảng viết cho tôi vài dòng nhé.
Tạm biệt.
Mùa xuân ấy tôi viết không biết bao nhiêu là thư: mỗi tuần một lần cho Naoko, nhiều lần cho Reiko, và nhiều nữa cho Midori. Tôi viết thư trong giảng đường, tôi viết thư ở bàn học ở nhà với con Hải âu cuộn tròn trong lòng, tôi viết thư ở những bàn chưa có khách trong tiệm ăn Ý khi nghỉ giải lao. Dường như tôi viết thư để cố giữ lại nhưng mảnh vụn của cuộc đời đã tan vớ của mình.
Tôi viết cho Midori: Tháng Tư, tháng Năm là hai tháng cô đơn đâu khổ vì tớ không thể nói chuyện được với cậu. Tớ chưa bao giờ biết rằng mùa xuân lại có thể cô đơn và đau khổ đến thế. Thà có ba tháng Hai còn hơn một mùa xuân như thế này. Tớ biết nói bây giờ là quá muộn rồi, nhưng kiểu tóc mới của cậu hợp với cậu lắm. Thật là xinh. Hiện tớ đang làm ở một quán ăn Ý, và ông bếp dạy tớ tớ một cách làm món mì ống rất ngon. Tớ thích được làm món ấy cho cậu ăn.
Tôi đến trường hàng ngày, đi làm ở quán ăn ba lần một tuần, chuyện trò với Itoh về sách vở và âm nhạc, đọc vài cuốn tiểu thuyết của Boris Vian mà hắn cho tôi mượn, viết thư, chơi với Hải âu, làm món mì ống, chăm nom khu vườn, thủ dâm trong lúc nghĩ đến Naoko, và xem rất nhiều phim.
Gần giữa tháng Sáu, Midori mới bắt đầu nói chuyện với tôi. Hai đứa đã không nói gì với nhau trong hai tháng liền. Sau một buổi học, cô đến ngồi cạnh tôi, chống tay tựa cằm, và cứ ngồi không nói gì cả. Bên ngoài trời đang mưa – một trận mưa vào mùa như trút nước thẳng từ trời xuống và không có tí gió nào, làm ướt đẫm mọi thứ ở dưới đất. Rất lâu sau khi mọi người đã lục tục ra hết khỏi lớp Midori vẫn ngồi cạnh tôi không nói năng gì. Rồi cô lấy một bao Marlboro trong túi quần bò ra, đặt một điếu lên môi, và đưa cho tôi bao diêm. Tôi đánh một que châm điếu thuốc cho cô. Midori dẩu mỏ thổi một đám khói thuốc lá vào mặt tôi.
“Thích kiểu tóc tớ không?” Cô hỏi.
“Rất hay.”
“Hay đến mức nào?”
“Đến mức làm đổ sạch cây cối của tất cả rừng rú trên gian này.”
“Cậu nghĩ thế thật chứ?”
Cô nhìn tôi một hồi lâu, rồi đưa bàn tay phải ra cho tôi. Tôi nắm lấy nó. Tôi nghĩ cô đã làm lành với tôi thật rồi, nhưng trông cô còn nhẹ nhõm vui vẻ hơn thế. Cô búng tàn thuốc xuống sàn nhà rồi đứng lên.
“Mình đi ăn đi. Tớ đói ngấu rồi,” cô nói.
“Cậu muốn đi đâu?” tôi hỏi.
“Đến tiệm ăn của nhà hàng bách hoá Takashimaya ở Nihonbashi.”
“Sao lại chọn chỗ ấy?”
“Thỉnh thoảng tớ thích đến đó, vậy thôi.”
Thế là chúng tôi lấy tàu điện ngầm đi đến Nihonbashi. Cửa hàng gần như không có khách, có thể vì trời đã mưa suốt sáng hôm đó. Toàn bộ không gian rộng như một hang động lớn của cửa hàng bách hoá thấm đẫm mùi mưa, và người làm thì ai cũng mang cái vẻ mặt kiểu ta-làm-gì-bây-giờ-đây. Midori với tôi xuống tiệm ăn dưới tầng hầm. Sau khi đã xem kĩ những món ăn mẫu làm bằng nhựa bày ở cửa sổ, cả hai chúng tôi đều quyết định sẽ nhặt mấy món ăn trưa nguội cổ truyền có cơm, dưa muối, cá nướng, tôm rán bột và gà nướng xì-dầu. Tiệm ăn vắng về mặc dù đang giờ ăn trưa.
“Trời đất, lâu lắm mới lại ăn trưa trong cửa hàng bách hoá như thế này,” tôi nói to ý nghĩ trong đầu, nhấp trà xanh trong một cái cốc sứ trắng điệu đà chỉ có thể thấy ở một tiệm ăn trong cửa hàng bách hoá.
“Tớ thích làm những chuyện như thế này,” Midori nói. “Tớ không biết, nhưng nó cho tớ một cảm giác là tớ đang làm cái gì đó đặc biệt. Có thể nó làm tớ nhớ lại hồi còn bé. Bố mẹ tớ hầu như không bao giờ cho tớ đến bách hoá cả.”
“Còn tớ thì lại ngờ là bố mẹ tớ chỉ biết mỗi việc ấy. Mẹ tớ mê bách hoá lắm.”
“May mắn thế còn gì!”
“Cậu nói gì vậy? Tớ chẳng thích đi bách hoá tí nào.”
“Không, tớ muốn nói là họ đã chăm chút cậu, cho cậu đi chỗ này chỗ nọ.”
“À, thì tớ là con độc mà,” tôi nói.
“Hồi còn bé tớ thường mơ lúc lớn lên sẽ đi một mình vào một tiệm ăn bách hoá và thích gì ăn nấy. Mơ thế có chán không! Có gì vui trong việc tọng cơm đầy mồm một mình ở một chỗ như thế này cơ chứ! Đồ ăn thì có ngon gì lắm, chỉ được cái to tát đông đúc ngột ngạt ầm ĩ. Ấy thế mà lâu lâu tớ lại nghĩ đến chuyện đến đây đấy”
“Hai tháng vừa rồi tớ cô đơn quá,” tôi nói.
“Ừ, tớ biết. Cậu kể trong thư rồi,” Midori nói, giọng bàng quan. “Thôi, ăn đi. Bây giờ tớ chỉ nghĩ chuyện ăn thôi.”
Chúng tôi chén sạch mọi món rán, nướng, và muối trong các ngăn nho nhỏ của hộp cơm hình bán nguyệt bằng sơn mài, húp hết súp trong bát cũng bằng sơn mài kiểu cách, và uống trà xanh trong cốc sứ trắng. Midori tiếp tục với món thuốc lá. Khi đã hút xong điếu thuốc, cô lẳng lặng đứng lên và cầm lấy cái ô. Tôi cũng đứng lên và cầm lấy cái ô của mình.
“Bây giờ thì cậu muốn đi đâu?” tôi hỏi.
“Tất nhiên là lên tầng thượng. Đã ăn ở bách hoá là phải thế?”
Không có ai trên tầng thượng dưới trời mưa, gian hàng chó mèo chim cá không có cả người phục vụ, và các kiốt cũng như quầy vé đủ quay trẻ em thì đều đóng kín cửa. Chúng tôi giương ô và lang thang giữa những ngựa gỗ, ghế ngồi và quầy hàng ngoài trời ướt sũng. Không thể tưởng tượng là ngay giữa Tokyo lại có một chỗ vắng ngắt đến như vậy. Midori nói muốn nhìn ống nhòm, nên tôi bỏ một đồng xu vào đó và giữ cái ô cho cô trong lúc cô nheo mắt nhìn vào ống kính.
Ở một góc sân thượng có khu vui chơi có mái che với một dãy con thú cho trẻ em cưới. Midori với tôi ngồi cạnh nhau trên một cái bục và nhìn trời mưa.
“Nào nói đi,” Midori nói. “Tớ biết là cậu có điều gì muốn nói với tớ.”
“Tớ không định phân bua đâu,” tôi nói, “nhưng lúc đó tớ thật sự trầm cảm. Óc tớ mù mịt hết cả. Tớ chẳng nhận ra được chuyện gì. Nhưng khi đã không thể gặp cậu nữa thì tớ nhận ra được một điều thật rõ ràng rành mạch. Tớ nhận ra rằng tớ đã sống được đến lúc ấy là vì tớ có cậu trên đời. Khi mất cậu, tớ mới thực sự thấy cô đơn và khổ sở.”
“Thế cậu có biết rằng không có cậu trong hai tháng qua tớ cũng đã cô đơn và khổ sở thế nào không?”
Câu nói ấy làm tôi hoàn toàn bất ngờ.
“Không,” tôi nói. “Tớ không bao giờ nghĩ đến chuyện ấy. Tớ tưởng cậu chỉ giận tớ và không muốn thấy tớ nữa.”
“Sao cậu lại có thể ngốc thế được? Tất nhiên là tớ muốn gặp cậu? Tớ đã bảo cậu là tớ thích cậu đến thế kia mà! Khi tớ đã thích ai thì tức là tớ thực sự thích người ấy. Với tớ, chuyện ấy không phải là chuyện lúc có lúc không. ít nhất thì cậu cũng phải hiểu được ngần ấy về tớ chứ?”
“Ờ chắc chắn rồi, nhưng.”
“Chính thế mà tớ mới phát điên lên với cậu! Tớ chỉ muốn đá cho cậu một cú nên thân vào đít! Thế này nhé, chúng mình đã bao lâu không gặp nhau, thế mà lúc gặp thì cậu cứ mơ mơ màng màng đến cô gái kia đến mức chẳng thèm nhìn tớ lấy một cái! Làm sao mà không tức cho được! Nhưng ngoài chuyện ấy ra, tớ cũng đã cảm thấy từ lâu lâu rằng có lẽ tớ phải xa cậu một thời gian. Để mọi chuyện rõ ràng ra trong đầu tớ đã.”
“Những chuyện gì thế?”
“Thì quan hệ của chúng mình chứ còn chuyện gì nữa! Tớ đã đến mức thích ở bên cậu hơn là bên anh ấy. Cậu không thấy có cái gì lạ lẫm trong chuyện ấy sao? Không khó hay sao? Tất nhiên là tớ vẫn thích anh ấy. Anh ấy hơi vị kỉ và hẹp hòi và hơi phát xít, nhưng anh ấy có rất nhiều ý kiến hay, và anh ấy là người đàn ông đầu tiên mà tớ có tình cảm nghiêm chỉnh. Còn cậu, trời ạ, cậu rất đặc biệt đối với tớ. Khi ở bên cậu tớ thấy có cái gì đó thật vừa vặn. Tớ tin tưởng cậu. Tớ thích cậu. Tớ không muốn mất cậu. Càng ngày tớ càng hoang mang, và tớ tìm anh ấy để hỏi xem tớ phải làm gì. Anh ấy bảo tớ không được gặp cậu nữa. Anh ấy nói nếu tớ cứ tiếp tục gặp cậu thì tớ phải cắt đứt với anh ấy.”
“Thế cậu đã làm gì?”
“Tớ đã cắt đứt với anh ấy. Đơn giản vậy đấy.”
Midori đặt một điếu Marlboro lên môi, lấy tay che khi châm lửa, và rít một hơi dài.
“Tại sao?”
“Tại sao?” Cô gào lên. “Cậu điên rồi phải không? Cậu biết giả định thức tiếng Anh, cậu hiểu môn lượng giác, cậu đọc được Các Mác, mà cậu không biết câu trả lời cho một việc đơn giản đến thế ư? Sao cậu lại còn phải hỏi nữa chứ? Sao cậu có thể bắt một cô gái phải nói ra như thế này? Tớ thích cậu hơn thích anh ấy, chỉ có thế thôi. Tớ ước mình yêu được ai đó đẹp trai hơn một tí, tất nhiên rồi. Nhưng mà không được. Tớ đã phải lòng và yêu cậu mất rồi!”
Tôi định nói, nhưng thấy ngôn từ nghẹn hết lại trong cổ.
Midori ném điếu thuốc xuống một vũng nước.
“Cậu làm ơn bỏ bộ mặt ấy đi được không? Cậu sẽ làm tớ khóc mất. Đừng lo, tớ biết cậu đang yêu ai đó. Tớ không mong đợi ở cậu điều gì. Nhưng ít nhất thì cậu cũng có thể ôm tớ một cái. Đã hai thảng ròng tớ khổ sở rồi đây.”
Tôi giương ô lên, và hai đứa vào đằng sau khu trò chơi ôm riết lấy nhau. Thân thể chúng tôi quấn chặt lấy nhau, và mỗi chúng tôi tìm đến nhau. Mùi mưa bám trên tóc và chiếc áo ngoài bằng vai bò của cô. Thân thể con gái thật mềm mại và ấm áp! Tôi có thể cảm thấy cặp vú cô ép đầy vào ngực tôi qua cả hai lần quần áo. Đã bao nhiêu lâu rồi kể từ lần cuối cùng rồi được tiếp xúc bằng thân xác với một con người”
“Hôm tớ gặp cậu lần cuối, đêm ấy tớ đã nói chuyện với anh ấy, và chúng tớ đã cắt đứt với nhau,” Midori nói.
“Tớ yêu cậu,” tôi nói với cô. “Từ tận đáy lòng. Tớ sẽ không bao giờ để cậu đi mất nữa. Nhưng tớ không thể làm được gì. Tớ không thể động cựa gì được.”
“Vì cô ấy ư?”
Tôi gật đầu.
“Nói đi, cậu đã ngủ với cô ấy chưa?
“Một lần. Một năm trước đây.”
“Và từ đó cậu chưa gặp lại cô ấy ư?”
“Tớ đã gặp, hai lần. Nhưng chúng tớ không làm gì.”
“Tại sao không? Cô ấy không yêu cậu ư?”
“Rất khó nói. Sự việc rất phức tạp. Và lẫn lộn. Và đã thế rất lâu rồi, tớ không còn biết gì vào với gì nữa. Và cô ấy cũng thế. Nhưng tớ chỉ biết rằng tớ có một thứ trách nhiệm trong tất cả những chuyện này với tư cách một con người, và tớ không thể cứ thế rũ bỏ nó được. Ít nhất thì đó là tình cảm của tớ hiện nay. Ngay cả nếu cô ấy không yêu tớ.”
“Để tớ nói cậu nghe nhé, Watanabe,” Midori nói, nép má vào cổ tôi. “Tớ là một đứa con gái có thực và đang sống, với dòng máu sinh động có thực đang chảy ào ạt trong người. Cậu đang ôm tớ trong tay và tớ đang nói với cậu rằng tớ yêu cậu. Tớ sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì cậu bảo tớ làm. Có thể tớ hơi điên, nhưng tớ là một cô gái ngoan, trung thực, và tớ chăm chỉ, tớ cũng xinh xắn, tớ có vú đẹp, tớ nấu bếp giỏi, và bố tớ để lại cho tớ cả một quỹ tiền tiết kiệm. Tớ muốn nói rằng tớ là cả một món hời đấy, cậu không thấy sao? Nếu cậu vẫn không chấp nhận thì tớ sẽ đi tìm chỗ khác.”
“Tớ cần thêm thời gian,” tôi nói. “Tớ cần thời gian suy nghĩ và thu xếp mọi chuyện, và quyết định mấy việc nữa. Tớ xin lỗi, nhưng hiện nay tớ chỉ có thể nói vậy được thôi.”
“Thôi được rồi, nhưng cậu thực sự yêu tớ từ đáy lòng, đúng không? Và cậu không bao giờ muốn để tớ đi mất nữa, đúng không?”
“Tớ đã nói thế, và tớ nói thật lòng.”
Midori rời tôi ra với một nụ cười trên mặt. “Ôkê, tớ sẽ đợi! Tớ tin cậu,” cô nói. “Nhưng khi cậu chấp nhận tớ, thì là chỉ có tớ thôi đấy. Và khi cậu ôm tớ trong tay, cậu sẽ chỉ nghĩ đến tớ thôi đấy. Rõ chưa nào?”
“Tớ hiểu chính xác như vậy.”
“Tớ không cần biết cậu sẽ làm gì tớ, nhưng tớ không muốn cậu làm tớ phải đau khổ. Tớ đã đủ đau khổ ở đời này rồi. Quá đủ rồi. Bây giờ tớ muốn hạnh phúc.”
Tôi kéo cô lại và hôn lên miệng cô.
“Vứt cái ô khốn kiếp ấy đi và ôm tớ cả hai tay – chặt vào!” cô nói.
“Nhưng chúng mình sẽ ướt sũng mất!”
“Thì đã sao? Tớ muốn cậu đừng nghĩ ngợi gì nữa và ôm lấy tớ thật chặt! Tớ đã mong mỏi có thế thôi trong suốt hai tháng rồi!”
Tôi bỏ cái ô xuống và ôm riết lấy cô dưới mưa.
Tiếng xe chạy ầm ì ngoài xa lộ bao bọc lấy chúng tôi như một biển sương mù. Mưa rơi không ngớt, không một tiếng động, ướt sũng hết tóc cô và tóc tôi, chảy như nước mắt xuống má hai đứa, xuống cái áo bò của cô và cái áo vét nilông vàng của tôi, loang lổ sẫm xịt.
“Bây giờ thì chúng mình lại xuống dưới kia nhé?” tôi nói.
“Về nhà tớ đi. Ở nhà không có ai. Như thế này thì cả hai đứa cảm lạnh mất.”
“Đúng thế?”
“Cứ như vừa bơi qua cả một con sông,” Midori nói, miệng mỉm cười. “Sướng ơi là sướng”
Chúng tôi mua một cái khăn bông rõ to ở gian bán vải rồi thay nhau vào nhà tắm lau khô đầu tóc. Rồi chúng tôi lấy tàu điện ngầm, mua vé chạy suốt, đến nhà cô ở Myogadani. Midori để tôi tắm hương sen trước, cô tắm sau. Lúc đưa cho tôi mượn bộ áo ngủ để mặc chờ quần áo khô cô đã thay sang một cái sơ-mi polo và mặc váy rồi.
Chúng tôi ngồi ở bàn trong bếp uống cà-phê.
“Kể cho tớ nghe về cậu đi nào,” Midori nói.
“Cái gì về tớ bây giờ”
“Hừmmm, tớ không biết, cậu ghét những gì?”
“Thịt gà, bệnh phong tình, và mấy ông cắt tóc nói nhiều.”
“Còn gì nữa?
“Những đêm tháng Tư cô đơn và những miếng đăng ten phủ điện thoại.”
“Gì nữa.”
Tôi lắc đầu. “Tớ không thể nghĩ thêm được cái gì nữa.”
“Bồ tớ, nghĩa là cựu-bồ tớ, thì có đủ thứ để ghét. Như lúc tớ mặc váy quá ngắn này, hay lúc tớ hút thuốc này, hoặc mới uống một tí đã say này, nói cái gì kinh tởm này, hay là dám chỉ trích bạn bè của anh ấy. Nên nếu tớ có cái gì cậu không thích thì cậu cứ việc bảo tớ, tớ sẽ sửa nếu có thể được.”
“Tớ không thể tìm được gì,” tôi nói sau khi đã nghĩ một lúc. “Chẳng có gì cả”
“Thật chứ?”
“Tớ thích tất cả những thứ cậu mặc, và tớ thích những cái cậu làm cậu nói và lối cậu đi và cả lối say rượu của cậu nữa. Mọi thứ.”
“Cậu muốn nói là tớ cứ như thế này là thực sự ôkê phải không?”
“Tớ không biết cậu có thể thay đổi thế nào, còn thì tốt nhất là cậu thế nào thì cứ như vậy thôi.”
“Cậu yêu tớ đến mức nào?” Midori hỏi.
“Đủ để toàn bộ hổ báo trên thế giới phải chảy ra thành bơ hết,” tôi nói.
“Phét đến thế là cùng,” cô nói, hơi có chút mãn nguyện. “Cậu lại ôm tớ nhé!”
Chúng tôi lên giường cô và ôm nhau, hôn nhau trong tiếng mưa rơi. Rồi chúng tôi nói đủ mọi thứ chuyện, từ hình thức tổ chức đại học cho đến y thích của chúng tôi trong chuyện trứng luộc rắn mềm thế nào.
“Không biết bọn kiến làm gì trong những ngày mưa nhỉ?” Midori nói.
“Tớ chịu chết,” tôi nói. “Chúng chăm chỉ lắm, nên có thể cả ngày mưa sẽ dọn dẹp nhà cửa hoặc thu vén kho tàng gì đấy.”
“Nếu chúng chăm chỉ làm việc như vậy, sao chúng không tiến hoá nhỉ? Chúng cứ như thế mãi mãi à?”
“Tớ không biết,” tôi nói. “Có thể cấu trúc cơ thể của chúng không thích hợp để tiến hoá, như so với bọn khỉ chẳng hạn.”
“Ê, Watanabe, có khối thứ cậu không biết đấy nhé. Tớ cứ tưởng cái gì cậu cũng biết.”
“Thế giới ngoài kia mênh mông lắm mà,” tôi nói.
“Núi cao, biển sâu,” Midori nói. Cô thò tay vào trong lần áo ngủ trên người tôi và nắm lấy cái cương cứng của tôi. Rồi, với một tiếng nấc nghẹn ngào, cô nói “Watanabe, không đùa đâu nhé, thế này thì không được đâu. Tớ sẽ không thể cho cái củ to và cứng đến thế này vào trong người tớ được. Không thể được.”
“Cậu chỉ nói đùa,” tôi nói và thở dài.
“Ô, cô nói, cười khúc khích. “Đừng lo. Sẽ ổn thôi. Tớ chắc nó sẽ vừa khít đấy. Ê, cho tớ nhìn tí được không?”
“Cứ tự nhiên.”
Midori rúc xuống dưới chăn và mò mẫm tôi khắp cả ở dưới ấy, kéo căng da, nâng nhấc trong lòng bàn tay như muốn xem cái bị nặng bao nhiêu. Rồi cô thò đầu ra và thở dài. “Tớ mê nó quá!” cô nói. “Không nịnh đâu! Tớ thực sự mê nó!”
“Cám ơn cậu,” tôi nói với một lòng biết ơn giản dị.
“Nhưng Watanabe này, thực là cậu không muốn làm chuyện ấy với tớ phải không – cho đến khi nào chuyện kia ngã ngũ xong xuôi đã phải không?”
“Làm gì có chuyện tớ không muốn,” tôi nói. “Tớ đang muốn đến phát điên lên đây. Chỉ tội là làm thế chẳng nên chẳng phải chút nào.”
“Cậu ương bướng đến thế kia à! Nếu là cậu, tớ hãy cứ làm cái đã – rồi thì nghĩ sau.”
“Cậu sẽ thế ư?”
“Chỉ đùa thôi,” Midori nói bằng một giọng rất nhỏ. “Có thể tớ cũng sẽ không làm thế đâu, nếu tớ là cậu. Và đó là cái mà tớ mê ở cậu. Tớ yêu cậu, yêu cậu thực sự, cũng là vì cái đó.”
“Cậu yêu tớ đến mức nào?” tôi hỏi, nhưng cô không đáp. Cô chỉ nép sát vào tôi, đặt môi lên ngực tôi và bắt đầu chuyền dịch bàn tay đang ôm chặt lấy tôi ở dưới kia.
Ý nghĩ đầu tiên đến với tôi là cách đưa tay của Naoko thật khác biết bao nhiêu. Cả hai đều nhẹ nhàng và tuyệt diệu, nhưng có cái gì đó thật khác giữa cách làm của hai người, nên tôi có cảm giác thật sự như đây là một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ.
“Ê Watanabe, tớ cuộc là cậu lại đang nghĩ đến cô kia phải không?”
“Không phải,” tôi nói dối.
“Thật chứ?”
“Bởi vì tớ sẽ rất ghét chuyện đó đấy.”
“Tớ không thể nghĩ đến một ai khác nữa,” tôi nói.
“Có muốn sờ vú tớ, hay dưới này không?” Midori hỏi.
“Ôi chao ơi, tớ muốn lắm chứ, nhưng có lẽ không nên. Nếu mình làm đủ thứ như thế một lúc thì tớ sẽ không chịu nổi đâu.”
Midori gật đầu và lùng tùng dưới chăn, tụt quần lót ra và giữ nó ngay sát đầu dương vật tôi.
“Cậu có thể cho ra đây vậy,” cô nói.
“Nhưng mà bẩn hết mất.”
“Thôi ngay đi có được không? Cậu lại làm tớ khóc mất,” Midori nói như chực oà lên thật. “Tớ chỉ việc giặt nó chứ có sao đâu. Đừng nhịn nữa, cứ cho ra hết đi. Nếu cậu ấy náy về cái quần lót này thì đi mua cho tớ cái mới. Hay là cậu không ra được chỉ vì nó là quần của tớ”
“Làm gì có chuyện ấy,” tôi nói.
“Vậy thì alê, ra đi nào.”
Khi tôi đã xong, Midori nhìn kĩ đám tinh dịch của tôi “Uao! Nhiều thật đấy!”
“Quá nhiều ư?”
“Không, ôkê mà, đồ ngốc. Ra cho hết đi nào,” cô nói với một nụ cười. Rồi hôn tôi.
Chiều tối, Midori ra mua vài thứ ở quanh đấy và làm bữa tối. Chúng tôi ăn tôm rán bột với cơm trắng và đậu ván tươi ở bàn trong bếp, và lùa hết chúng xuống bằng bia.
“Ăn thật nhiều và có thật nhiều tinh dịch vào,” Midori nói. “Rồi tớ sẽ ngoan và giúp cậu dọn sạch nó cho.”
“Rất cảm ơn,” tôi nói.
“Tớ biết đủ kiểu để làm việc ấy. Tớ học được từ các tạp chí phụ nữ hồi còn hiệu sách ở nhà. Một lần họ ra số đặc biệt chỉ nói về vấn đề phải chăm sóc chồng ra sao để ông ta không lừa dối mình khi mình có mang và không thể làm tình được. Có hàng tấn phương pháp. Có muốn thử không nào?”
“Sốt ruột lắm rồi đây,” tôi nói.
Sau khi tạm biệt Midori, tôi mua một tờ báo ở ga tàu điện, nhưng khi mở nó ra trên tàu tôi mới thấy là mình không muốn đọc báo tí nào và thực sự là không thể hiểu được tờ báo ấy đang nói gì. Tôi vẫn dán mắt vào trang báo nhưng đầu óc chỉ quanh quẩn với câu hỏi từ nay đời tôi còn có chuyện gì nữa đây và mọi thứ xung quanh tôi sẽ còn thay đổi như thế nào. Hình như thỉnh thoảng tôi lại cảm thấy được mạch đập rộn ràng của thế giới xung quanh. Tôi thở dài thật sâu và nhắm mắt lại. Đối với những việc tôi đã làm ngày hôm đó, tôi không thấy một chút ân hận nào; tôi biết chắc rằng nếu tôi phải làm lại từ đầu, tôi vẫn sẽ sống lại ngày hôm đó hệt như thế. Tôi sẽ ôm chặt Midori trên tầng thượng dưới trời mưa; tôi sẽ để mình bị ướt sũng cùng với cô, và tôi sẽ để những ngón tay cô đem tôi lên cực cảm trên chiếc giường ấy. Tôi không nghi ngờ gì những chuyện đó. Tôi yêu Midori, và tôi thật hạnh phúc là cô đã trở lại. Như chính Midori đã nói, cô là một cô gái sống động có thực và tràn đầy máu nóng trong người, và cô đang đặt cả tấm thân ấm áp của cô vào tay tôi. Đã phải cố hết sức tôi mới kiềm chế được cơn thèm muốn bạo liệt được lột cô trần trụi, được mở toang tấm thân ấy và đắm chìm mình vào cõi miền ấm áp ấy. Tôi không có cách gì giữ cô lại được một khi cô đã cầm lấy tôi và đưa tay lên xuống như thế. Tôi đã muốn cô làm thế, cô cũng đã muốn làm thế, và chúng tôi đang yêu nhau. Ai có thể ngăn chặn một việc như vậy? Đúng rồi, tôi đã yêu Midori. Và có thể tôi đã biết thế từ lâu rồi. Tôi chỉ né tránh không dám kết luận như vậy bấy lâu nay mà thôi.
Vấn đề là tôi không thể giải thích những chuyển biến mới này cho Naoko. Việc này lúc nào cũng khó, nhưng đặc biệt hiện nay, khi Naoko còn đang trong tình trạng như vậy, thì không cách gì để tôi có thể nói với nàng rằng tôi đã phải lòng một cô gái khác. Và ngoài ra, tôi vẫn yêu Naoko. Tình yêu ấy có thể méo mó thật, nhưng tôi vẫn yêu nàng. Ở một nơi nào đó trong tôi vẫn còn có một khoảng không gian rộng lớn và khoáng đạt, chưa ai động đến, chỉ để dành riêng cho Naoko.
Một việc tôi có thể làm là viết cho Reiko và trung thực nói hết mọi chuyện. Về đến nhà, tôi ngồi ngoài hiên ngắm mưa rơi như trút xuống vườn ban đêm và chắp nối câu chứ trong đầu. Rồi tôi vào bàn viết lá thư ấy. Tôi tưởng như mình không thể chịu đựng nổi khi phải viết một bức thư như thế này cho chị, tôi mở đầu. Tôi tóm tắt quan hệ của mình với Midori và giải thích chuyện đã xảy ra ngày hôm đó.
Tôi đã luôn yêu Naoko, và tôi vẫn yêu cô ấy. Nhưng giữa Midori và tôi lại tồn tại một cái gì đó như định mệnh. Nó có sức mạnh không thể cưỡng lại được và nhất định sẽ cuốn tôi đến tương lai. Cái mà tôi cảm thấy với Naoko là một tình yêu trong vắt, dịu dàng, và yên tĩnh vô cùng. Nhưng cái mà tôi có với Midori lại là một tình cảm khác hẳn. Nó đi theo ý riêng của nó, sống động và hít thở và phập phồng và lay động tôi cho đến tận cội rễ của bản thể. Tôi không biết phải làm gì. Tôi hoang mang rồi. Tôi sẽ không phân bua gì cho mình đâu, nhưng tôi tin chắc là mình đã sống chân thực như mình vẫn biết. Tôi chưa bao giờ nói dối ai, và bao năm nay vẫn luôn cẩn trọng không làm cho ai phải đau khổ. Vậy mà tôi thấy mình bị ném vào cái mê cung này đây. Sao lại cỏ thể thế được? Tôi không lí giải nổi. Tôi không biết mình phải làm gì. Reiko, chị có thể nói cho tôi biết được không? Chị là người duy nhất tôi có thể trông cậy để được khuyên bảo.
Ngay đêm đó tôi gửi bức thư đi theo đường phát chuyển đặc biệt.
Năm ngày sau đó tôi nhận được thư trả lời của Reiko, đề ngày mười bay tháng Sáu.
Cho tôi được bắt đầu bằng tin vui nhé. Naoko đã tiến bộ nhanh hơn mọi người tưởng rất nhiều. Tôi đã nói chuyện với cô ấy một lần qua điện thoại, và cô ấy nói năng rất rõ ràng rành mạch. Có thể chẳng mấy chốc mà cô ấy sẽ lại trở về đây.
Còn bây giờ đến chuyện cậu.
Tôi nghĩ cậu quá nghiêm trọng với mọi chuyện đấy. Yêu một người khác là một chuyện tuyệt vời, và nếu tình yêu ấy là chân thành, không ai cuối cùng lại bị ném vào mê cung cả. Cậu phải có thêm lòng tin vào bản thân mới được.
Lời khuyên của tôi với cậu rất đơn giản. Trước hết, nếu cậu bị con người Midori thu hút mạnh đến thế, chì chuyện cậu yêu cô ấy chỉ là điều rất tự nhiên. Nó có thể tiến triển tốt, cũng có thể không. Nhưng tình yêu là thế. Khi ta yêu, tự nhiên nhất là hãy thả hết mình cho nó. Tôi nghĩ thế đấy. Cũng là một dạng chân thực thôi mà.
Thứ hai, về chuyện cậu có nên làm tình với Midori hay không, thì cậu phải tự quyết định thôi. Tôi không thể nói gì được. Hãy bàn với Midori và tự tìm lấy kết luận, cái nào có lí nhất đối với cậu.
Thứ ba, đừng cho Naoko biết một tí gì về những chuyện này. Nếu mọi thứ tiến triển đến mức cậu bắt buộc phải nói với cô ấy, thì cậu và tôi sẽ cùng bàn cách làm sao cho tốt. Còn bây giờ thì đừng nói gì cả. Cứ để tôi lo.
Điều thứ tư tôi phải nói là cậu đã là một nguồn sức mạnh lớn lao cho Naoko, lớn đến mức ngay cả nếu cậu không còn những cảm xúc của một bạn tình đối với cô ấy nữa, cậu vẫn có thể làm được rất nhiều điều cho cô ấy. Cho nên đừng có ấp ủ mọi chuyện theo kiểu siêu-nghiêm-trọng như thế nữa. Tất cả chúng ta (tôi muốn nói là tất cả chúng ta ấy, cả bình thường lẫn không bình thường) đều là những con người bất toàn sống trong một thế giới bất toàn. Chúng ta không sống với sự chính xác cơ khí của một chương mục ngân hàng hoặc bằng cách đo đắn mọi đường nét và góc cạnh của chúng ta với thước dây và máy ngắm. Tôi nói thế có đúng không nào?”
Cảm giác riêng của tôi là Midori nghe chừng là một cô gái tuyệt vời đấy. Chỉ đọc thư cậu thôi tôi cũng có thể hiểu tại sao cậu bị cô ấy hấp dẫn đến thế. Và tôi cũng hiểu cả chuyện tại sao Naoko cũng hấp dẫn cậu nữa. Chẳng có tí gì là tội lỗi trong chuyện đó cả. Những chuyện như thế lúc nào chả diễn ra trong cái thế giới mênh mông này của chúng ta. Cũng giống như ta lấy thuyền chèo ra một cái hồ đẹp trong một ngày đẹp trời và cả trời cả nước đều đẹp tuyệt vời vậy. Cho nên cậu đừng có tự ăn thịt mình như thế nữa đi. Mọi chuyện sẽ đến nơi chúng phải đến nếu ta để cho chúng tự đi theo đường của mình. Dù cậu có cố mấy thì người ta vẫn cứ bị đau khổ khi đã đến lúc họ phải đau khổ. Đời là vậy. Tôi biết có vẻ như mình đang lên giọng giảng đạo trên nhà thờ, nhưng cũng đã đến lúc cậu phải học sống như vậy rồi. Cậu đã cố quá sức để bắt cuộc đời phải vừa khít theo cách sống của cậu.
Nếu không muốn phải vào nhà thương điên, cậu hãy cởi mở rộng rãi hơn một tí đi và hãy để cho mình trôi theo dòng chảy tự nhiên của cuộc đời. Tôi chỉ là một người đàn bà bất toàn bất lực, thế mà nhiều lúc tôi vẫn có thể tự nhủ rằng cuộc đời thật tuyệt diệu biết bao! Tin tôi đi, điều đó là thực đấy! Cho nên ngay giây phút này, cậu hay dừng hết những việc đang làm và hãy hạnh phúc ngay đi. Có làm thì làm cho mình được hạnh phúc ấy!
Không cần nói cậu cũng biết là tôi buồn thế nào khi thấy cậu và Naoko không thể cùng nhau đến được một bến bờ hạnh phúc. Nhưng có ai dám bảo chỉ thế mới là tốt đẹp nhất đâu! Cho nên cậu cần phải chộp lấy bất kì cơ hội hạnh phúc nào mà cậu có, và đừng áy náy vì người khác nhiều quá. Kinh nghiệm của tôi là chúng ta chỉ có độ hai hoặc ba cơ hội như thế trong đời, và nếu để lỡ thì sẽ phải ân hận cho đến chết vậy.
Ngày nào tôi cũng chơi ghi-ta mà chẳng có ai nghe. Có vẻ vô bổ quá. Tôi cũng chẳng thích những đêm mưa tối trời đâu. Hy vọng sẽ lại có cơ hội chơi ghi-ta và ăn nho với cậu và Naoko trong gian phòng này nữa.
A… thế đấy, hẹn thư sau.
Reiko Ishida.
Khi nghĩ lại năm 1969 tâm trí tôi chỉ thấy một vùng đầm lầy – một vùng bùn sâu dẻo quánh có vẻ muốn mút chặt và kéo tuột giày tôi ra mỗi lần tôi cất bước. Tôi đi trong vùng bùn ấy, sức lực kiệt dần. Đằng trước, đằng sau, tôi không nhìn thấy gì khác ngoài bóng tối vô tận của đầm lầy.
Ngay đến thời gian cũng gập ghềnh trôi theo những bước đi loạng choạng của tôi. Mọi người xung quanh đã đi trước tôi từ lâu rồi, chỉ có thời gian của tôi và tôi rớt lại sau và đang phải vật lộn với bùn lầy. Thế giới xung quanh tôi đang mấp mé những cuộc đổi thay vĩ đại. Cái chết đã lấy sinh mạng của John Coltrane và biết bao nhiêu người khác nữa. Người ta hò hét rằng những biến cải cách mạng lúc nào cũng có vẻ như sắp diễn ra đến nơi, đã ở ngay khúc đường quanh trước mặt. Nhưng những “biến cải” diễn ra được thì chỉ như trò thay đổi phông màn sân khấu, mà chỉ là những cái phông bẹt gí chẳng có thực chất và ý nghĩa gì. Ngày lại ngày, tôi bì bõm bước tới, chẳng mấy khi ngẩng mặt lên, mắt dính chặt xuống mặt đầm lầy trải dài vô tận, đặt chân phải xuống, nhấc chân trái lên, đặt chân trái xuống, nhấc chân phải lên, không bao giờ biết chắc mình đang ở đâu, không bao giờ chắc mình có đi đúng hướng không, chỉ biết mỗi một điều là mình cứ phải đi tiếp, từng bước, từng bước một.
Tôi đã hai mươi tuổi, thu tàn thì đông tới, nhưng chẳng có thay đổi nào có ý nghĩa trong cuộc sống của tôi. Không có chút hào hứng nào, nhưng tôi vẫn đến lớp nghe giảng, đi làm mỗi tuần ba tối ở tiệm đĩa hát, thỉnh thoảng đọc lại Gatsby vĩ đại, và đến Chủ nhật thì giặt giũ và viết một thư dài cho Naoko. Đôi khi tôi đi ra ngoài chơi với Midori, ăn với nhau một bữa, đến vườn bách thú, hoặc đi xem phim. Việc bán hiệu sách Kobayashi diễn ra như dự kiến. Chị em Midori dọn đến một căn hộ hai phòng ngủ gần Myogadani, một khu phố cao cấp hơn một tí. Midori nói khi nào người chị lấy chồng thì cô sẽ tìm thuê một căn hộ khác cho riêng mình. Cô đã mời tôi đến ăn trưa ở căn hộ mới của hai chị em một lần. Một căn hộ đẹp sáng sủa. Midori có vẻ thích chỗ đó hơn hẳn tầng gác cũ của cô ở hiệu sách Kobaybashi ngày trước.
Lâu lâu một lần, Nagasawa lại rủ tôi đi chinh chiến một chầu như ngày xưa chúng tôi vẫn làm, nhưng lần nào tôi cũng tìm ra lí do để từ chối. Tôi thấy ngại quá rồi. Không phải là ngại ngủ với gái, mà là chỉ nghĩ đến đường trường phải xuống phố uống rượu, rồi tìm cho đúng đối tượng gái, tán chuyện với họ, rồi đưa họ đến khách sạn, là tôi đã thấy mệt hết cả người. Tôi lại càng khâm phục Nagasawa hơn khi thấy hắn vẫn có thể tiếp tục những nghi thức ấy mà không thấy kinh tởm hoặc mệt mỏi. Có lẽ những điều Hatsumi từng khuyên tôi nay đã có tác dụng: tôi có thể làm cho mình thấy hạnh phúc hơn nhiều chỉ bằng cách nghĩ đến Naoko chứ không phải đi ngủ với mấy cô gái vô danh ngu xuẩn nào đó. Cảm xúc trên da thịt khi tôi nghĩ đến những ngón tay của Naoko có thể đem tôi lên cực lạc với hình ảnh cánh đồng cỏ vẫn sinh động mồn một ở trong tôi.
Đầu tháng Mười hai, tôi viết cho nàng để hỏi xem tôi đến thăm vào dịp nghĩ đông ấy có tiện cho nàng không. Tôi nhận được thư trả lời của Reiko nói họ sẽ rất mong được đón tôi. Chị giải thích rằng Naoko đang không thể viết thư được và rằng chị viết trả lời thế này là thay mặt cho cả nàng. Tôi không muốn hiểu theo hướng Naoko có thể đang trong tình trạng trầm trọng. Không cần phải lo lắng như thế. Nàng vẫn thường lúc này lúc kia, như từng đợt sóng một.
Đến kì nghỉ đông, tôi nhét mọi thứ vào ba-lô, vận ủng đi tuyết, và lên đường đi Kyoto. Ông bác sĩ già đã nói đúng: núi non mùa đông phủ đầy tuyết trắng đẹp không thể tưởng tượng được. Cũng như lần trước, tôi ngủ hai đêm trong cùng căn hộ của Naoko và Reiko, và có ba ngày cùng với họ làm những việc hệt như thế. Khi mặt trời đã lặn, Reiko lại chơi ghi-ta và cả ba chúng tôi quây quần ngồi nói chuyện. Đáng nhẽ đi pích-níc thì chúng tôi đi trượt tuyết đường dài với nhau. Một tiếng liền trượt tuyết xuyên rừng cũng đủ cho chúng tôi hết hơi và đẫm mồ hôi. Có lúc chúng tôi cũng tham gia xúc tuyết với bệnh nhân và cán bộ trong khu điều dưỡng. Bác sĩ Miyata chạy sang bàn chúng tôi trong bữa tối để giải thích tại sao ngón tay giữa của người ta dài hơn ngón trỏ trong khi tình hình lại trái ngược ở các ngón chân. Ông thường trực Omura lại nói với tôi về món thịt lợn ở Tokyo. Reiko rất thích những đĩa hát làm quà mà tôi mang theo từ thành phố. Chị ghi nốt nhạc của mấy giai điệu ưa thích và chuyển thể chúng cho đàn ghi-ta.
Naoko ít nói hơn hẳn so với dạo mùa thu. Khi ba chúng tôi quây quần, nàng thường ngồi trên sô-pha, miệng mỉm cười, và hầu như không nói câu nào. Reiko có vẻ cố tình liến láu chuyện trò để bù vào khoảng trống của nàng. “Nhưng cậu đừng lo,” Naoko bảo tôi. “Đây chỉ là một đợt thế thôi. Mà mình thấy nghe hai người nói chuyện thế là vui lắm rồi, mình nói làm gì nữa.”
Reiko viện cớ việc này việc nọ để ra khỏi nhà, cốt cho Naoko và tôi có thể lên giường với nhau. Tôi hôn cổ, hôn vai và hôn lên đôi vú nàng, và nàng dùng tay cho tôi đạt tới cực cảm như lần trước. Sau đó, khi ôm chặt nàng trong tay, tôi kể cho nàng nghe những động chạm của nàng đã sống trên da thịt tôi ra sao trong suốt hai tháng qua, và tôi đã nghĩ đến nàng khi thủ dâm như thế nào.
“Cậu chưa ngủ với ai khác ư?” Naoko hỏi.
“Chưa hề,” tôi nói.
“Được rồi, vậy thì thêm cho cậu để nhớ nữa này.”
Nàng trườn xuống và hôn tôi ở đó, rồi ôm ấp hết nó trong vòm miệng ấm nóng của nàng, vuốt ve nó bằng lưới đến khắp chốn, mái tóc dài và thẳng của nàng đung đưa lên xuống trên bụng dưới tôi theo với từng chuyển động của môi nàng cho đến lúc tôi bùng nổ lần thứ hai.
“Cậu có nhớ được không nào? Nàng hỏi.
“Có chứ,” tôi hổn hển. “Nhớ suốt mất thôi.”
Tôi ôm ghì nàng trong lòng và luồn tay vào trong quần lót của nàng, chạm đến cửa mình vẫn còn khô của nàng. Naoko lắc đầu và kéo tay tôi ra. Chúng tôi ôm nhau một lúc lâu, không ai nói gì.
“Mình đang tính ra khỏi khu học xá cuối học kì này và tìm một căn hộ để ở,” tôi nói. “Đời học xá thế là đủ rồi. Nếu cứ đi làm thêm, mình có thể sống khá đầy đủ. Cậu về Tokyo sống với mình đi, như mình vẫn nói ấy.”
“Ôi, cám ơn Toru. Mình thật hạnh phúc được cậu đề nghị một chuyện như vậy!”
“Không phải mình nghĩ là ở đây có vấn đề gì đâu,” tôi nói. “Chỗ này thật yên tĩnh, cảnh vật xung quanh thật hoàn hảo, và Reiko là một người tuyệt vời. Nhưng đây không phải là chỗ có thể ở lâu dài. Nó quá chuyên biệt. Càng ở đây lâu, tớ chắc thế, sẽ càng khó lòng mà đi đâu được nữa.”
Đáng nhẽ trả lời thì Naoko lại quay mặt nhìn ra cửa sổ. Bên ngoài chẳng thấy có gì ngoài tuyết trắng. Những đám mây tuyết nặng nề chìm xuống thấp và chen vai thích cánh nhau là là trên mặt đất tuyết phủ đầy.
“Cậu đừng phải vội, cứ nghĩ kĩ đi,” tôi nói. “Có chuyện gì đi nữa thì mình cũng vẫn sẽ dọn nhà vào cuối tháng Ba. Cậu đến với mình bất kì lúc nào cũng được.”
Naoko gật đầu. Tôi quàng tay ôm nàng cẩn thận như đang ôm một tác phẩm nghệ thuật rất tinh tế bằng thuỷ tinh. Nàng quàng hai tay lên cổ tôi. Tôi trần trụi, còn nàng chỉ mặc chiếc quần lót trắng bé tí tẹo. Tấm thân nàng thật đẹp. Tôi có thể ngắm nhìn nàng suốt ngày không chán.
“Sao mình không ướt thế nhỉ?” Naoko thì thầm. “Cái lần ấy là lần duy nhất từ xưa tới giờ. Hôm sinh nhật mình hai mươi tuổi ấy, trong tháng Tư ấy. Cái đêm mà cậu ôm mình trong lòng ấy. Mình có chuyện gì vậy?”
“Hoàn toàn là tâm lí thôi, mình chắc vậy,” tôi nói. “Cứ từ từ! Đừng nóng vội.”
“Tất cả những trục trặc của mình chỉ là tâm lí đơn thuần,” Naoko nói. “Nhỡ mình không bao giờ khỏi thì sao? Nhỡ mình không bao giờ có thể làm tình nữa thì sao? Cậu có yêu mình như thế này mãi được không? Liệu tay với môi có đủ cho cậu mãi được không? Hay cậu sẽ phải giải quyết dục tình bằng cách ngủ với các cô gái khác?”
“Mình là một người lạc quan cố hữu,” tôi nói.
Naoko ngồi dậy trên giường và mặc một cái áo phông lên người. Nàng khoác thêm một cái sơ-mi, rồi xỏ chân vào quần bò. Tôi cũng mặc lại quần áo.
“Để mình suy nghĩ nhé,” Naoko nói. “Và cậu cũng suy nghĩ nữa đấy.”
Nàng hơi đỏ mặt và mỉm cười bẽn lẽn. “Kizuki cũng chường hay nói thế?”
“Cậu ấy với mình có khá nhiều thị hiểu và ý kiến giống nhau,” tôi mỉm cười.
Chúng tôi ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn trong bếp, vừa uống cà-phê vừa nói chuyện ngày xưa. Nàng đang bắt đầu nói nhiều hơn về Kizuki, nhưng vẫn hay lưỡng lự, và lựa lời cẩn thận. Cứ lâu lâu tuyết lại xuống một trận rồi ngừng. Trong suốt ba ngày tôi ở đó, trời không quang quẻ ra được tí nào. “Có lẽ tớ có thể trở lại vào tháng Ba,” tôi nói lúc chia tay. Tôi ôm lấy nàng một lần cuối, cách ngỡ dày cộp với chiếc áo khoác mùa đông mặc trên người, và hôn lên miệng nàng.
“Tạm biệt,” nàng nói.
***
Rồi sang năm 1970 – một năm có âm thanh mới mẻ hẳn khi ta nói to nó lên – chấm dứt quãng đầu xanh niên thiếu của tôi. Bây giờ thì tôi có thể bước sang một đầm lầy hoàn toàn mới. Rồi đến những kì thi, và tôi đều qua được khá dễ dàng. Nếu ta chẳng có gì khác để làm và chỉ biết đến lớp đều đặn thì chẳng cần phải có kĩ năng gì đặc biệt cũng có thế qua được những bài thi cuối năm ấy.
Nhưng trong khu học xá thì nảy sinh một số vấn đề. Một vài gã vẫn hoạt động trong một phe phái chính trị đã giấu mũ sắt và ống nước trong phòng ở của chúng. Chúng đã xô xát với bọn cầu thủ bóng chày con cưng của ông trưởng khu học xá, và kết quả là có hai đứa bị thương và sáu đứa bị đuổi. Dư chấn của sự kiện này kéo dài rất lâu, gây nên những trận ẩu đã nho nhỏ xảy ra hầu như hàng ngày. Một bầu không khí nặng nề bao trùm khắp khu học xá, và ai cũng bồn chồn căng thẳng. Chính tôi cũng suýt nữa bị một gã phe bóng chày đánh nhừ tử nếu không có Nagasawa can thiệp kịp thời và thu xếp ổn thoả sau đó. Gì thì gì, đã đến lúc tôi phải chuồn khỏi nơi này.
Khi đã xong gần hết các môn thi, tôi bắt đầu tích cực tìm kiếm một căn hộ. Sau một tuần mò mẫm, tôi tìm được một chỗ vừa ý ở mãi khu ngoại ô Kichijoji. Địa điểm thì không được tiện lợi lắm, nhưng đó là một cái nhà: một ngôi nhà độc lập hẳn hoi – một phát hiện đáng giá. Vốn là một chái nhà của người làm vườn hoặc một kiểu nhà gỗ gì đó dùng để nghỉ ngơi ngoài vườn, nó đứng một mình trong góc một khu đất rộng rãi, cách khu nhà chính cả một dãy vườn bỏ hoang. Chủ nhà sẽ ra vào bằng cổng trước, còn tôi dùng cổng sau, vậy là tôi được hoàn toàn riêng biệt. Nó có một phòng rộng, một gian bếp nhỏ và nhà tắm, với một khoảng chứa đồ rộng không thể tưởng tượng được. Thậm chí còn có cả một hàng hiên quay ra phía vườn. Chủ nhà là một cặp vợ chồng rất tốt, cho thuê cái nhà với giá thấp hơn giá thị trường rất nhiều, nhưng với một điều kiện là người thuê phải sẵn sàng dọn đi nếu người cháu trai của họ quyết định lên ở Tokyo trong năm tới. Họ cam đoan sẽ không có đòi hỏi gì và tôi có thể sống theo ý mình ở ngôi nhà đó.
Nagasawa giúp tôi dọn nhà. Hắn mượn được cả một cái xe thùng để chở đồ cho tôi, và như đã hứa, hắn cho tôi cái tủ lạnh, chiếc TV, và cái phích ngoại khổ. Hắn có thể chẳng cần đến những thứ đó nữa, nhưng chúng lại rất ích dụng cho tôi. Bản thân hắn cũng đã có kế hoạch dọn đi hai ngày sau đó, đến một căn hộ ở khu Mita.
“Có thể rất lâu nữa chúng ta mới gặp lại nhau,” hắn nói lúc chia tay, “hãy bảo trọng. Tớ vẫn tin hai thằng mình sẽ còn đụng nhau ở một nơi xa lạ nào đó nhiều năm sau này.”
“Tớ đã mong đến ngày đó đây,” tôi nói.
“Còn cái lần bọn mình đổi gái ấy, hoá ra cái cô trông buồn cười kia lại hay hơn nhiều.”
“Đúng như thế,” tôi cười. “Nhưng mà, Nagasawa này, cậu hãy chăm sóc Hatsumi nhé. Người tốt như thế không dễ gì tìm được đâu. Mà trông thế thôi chứ cô ấy yếu đuối hơn nhiều.”
“Ờ, tớ biết,” hắn gật đầu. “Chính thế nên tớ mới hy vọng là cậu sẽ hứng cô ấy khi tớ đã xong chuyện. Hai đứa các cậu sẽ là một cặp lí tưởng đấy.”
“Nghiêm chỉnh đi nào?” Tôi nói.
“Tớ chỉ đùa thôi mà,” Nagasawa nói. “Thôi nào, hãy hạnh phúc nhé. Tớ có cảm giác cậu sẽ gặp khối chuyện cứt đái ở đời, nhưng cậu là một thằng đểu cứng đầu, tớ tin chắc cậu sẽ xử lí được hết. Có cho phép tớ khuyên cậu một điều không?”
“Nói đi.”
“Đừng tự trách móc mình,” hắn nói. “Chỉ những thằng vứt đi mới làm thế!”
“Tớ sẽ nhớ,” tôi nói. Chúng tôi bắt tay nhau và đi mỗi người một ngả, hắn đến cái thế giới mới của hắn, tôi về vùng đầm lầy của mình.
***
Ba ngày sau khi dọn nhà, tôi viết cho Naoko. Tôi mô tả ngôi nhà mới và nói tôi thấy nhẹ nhõm biết bao khi thoát khỏi được bọn ngốc trong khu học xá với tất cả những trận nhồi sọ của chúng. Giờ đây tôi có thể bắt đầu cuộc sống mới của mình với một tâm trạng mới.
Cửa sổ của mình nhìn ra một khu vườn rộng vẫn là nơi gặp mặt của tất cả lũ mèo quanh khu phố này. Mình thích nằm dài ngoài hiên và ngắm nhìn chúng. Mình không biết chúng có bao nhiêu con ở đó, nhưng là một lũ đông lắm. Chúng sưởi nắng thành từng nhóm. Có lẽ chúng chẳng hài lòng gì khi thấy mình ở đây, nhưng một lần khi mình để ra đó một miếng pho-mát cũ thì đã có mấy con bò đến nhấm nháp nó. Chẳng chóng thì chầy rồi chúng cũng thành bạn với mình thôi. Trong bọn có một con mèo đực lông vằn tai rách đến một nửa. Thật kì lạ vì trông nó rất giống lão trưởng khu học xá của mình ngày trước. Mình cứ nghĩ thể nào cũng có hôm con mèo này bắt đầu làm lễ kéo cờ cho mà xem.
Mình ở đây có hơi xa trường một chút, nhưng vào năm thứ ba thì sẽ không có nhiều giờ học buổi sáng nên cũng không đến nỗi tệ lắm. Có khi còn hay hơn vì mình sẽ có nhiều thì giờ đọc sách trên tàu điện hơn.
Bây giờ chỉ còn phải tìm xem có việc gì dễ dễ ở quanh đây để mình có thể làm ba hoặc bốn ngày một tuần. sau đó là mình có thể trở lại với cuộc sống lên dây cót của mình.
Mình không muốn vội, nhưng tháng Tư là thời điểm tốt trong năm để bắt đầu những việc mới mẻ, và mình không thể không cảm thấy rằng tốt nhất là bọn mình nên bắt đầu chung sống với nhau vào lúc đó.
Cậu cũng có thể trở lại đại học, nếu mọi việc suôn sẻ. Nếu thực tế sống chung của bọn mình có vấn đề gì, mình có thể tìm cho cậu một căn hộ ở gần đây. Quan trọng nhất là chúng mình phải luôn ở gần nhau. Cũng không nhất thiết phải bắt đầu vào mùa xuân, tất nhiên rồi. Nếu cậu nghĩ mùa hè tốt hơn thì mình cũng sẽ thấy thế. Chỉ cần cậu cho mình biết cậu nghĩ thế nào được không?
Mình đang định sẽ đi làm thêm nhiều hơn trong một thời gian. Để trang trải các chi phí cho việc chuyển chỗ ở này. Mình sẽ cần tiền sắm sửa cái này cái nọ khi sống một mình – nồi niêu xoong chảo bát đĩa và những cái linh tinh khác. Nhưng đến tháng Ba là mình sẽ rỗi, và nhất định sẽ đến thăm cậu. Cứ ngày nào tốt nhất với cậu là mình sẽ đi Kyoto ngày ấy.
Mong gặp cậu và mong cậu trả lời mình.
***
Tôi bỏ ra mấy ngày đi mua những thứ cần thiết trong khu mua bán Kichijoji ở gần nhà và bắt đầu tự nấu các bữa ăn đơn giản. Tôi mua vài tấm ván ở một xưởng cửa địa phương và cho cắt theo kích cỡ để có thể mang về nhà tự đóng một cái bàn. Tôi nghĩ mình sẽ có thể ngồi học ở cái bàn ấy, còn bây giờ thì hãy cứ ăn luôn ở đó. Tôi làm mấy cái giá đỡ và mua về đủ loại gia vị. Một con mèo trắng có lẽ sáu tháng tuổi đã quyết định có cảm tình với tôi và bắt đầu ăn ở chỗ tôi. Tôi đặt tên cho nó là Hải âu.
Khi đã thu xếp tương đối ổn, tôi vào nội thành và kiếm được một chân phụ thợ sơn để làm tạm thời. Tôi đi làm luôn trong hai tuần lễ liền. Tiền thì tốt, nhưng việc thì mệt chết người, và mùi dầu sơn quay cuồng cả đầu óc. Ngày nào xong việc tôi cũng ăn tại một quán rẻ tiền, uống bia lùa cơm cho xong bữa, về nhà chơi với con mèo, rồi lăn ra ngủ như chết. Trong thời gian đó tôi cũng chẳng nhận được thư từ gì của Naoko.
Đang mải phụ thợ sơn thì tôi chợt nhớ đến Midori, giật mình vì đã không liên lạc gì với cô gần ba tuần rồi và cũng chưa báo cho cô biết việc dọn nhà. Tôi đã nói đang tính chuyện dọn nhà với cô, và cô bảo “Ô thế à?”, nhưng chỉ có vậy thôi.
Tôi ra một trạm điện thoại và quay số của Midori. Người đàn bà nhấc máy có thể là chị cô. Khi tôi xưng tên, chị ta bảo “Chờ tí nhé”, nhưng mãi cũng chẳng thấy Midori đâu.
Sau đó cô chị hoặc ai đó trở lại. “Midori nói nó tức lắm không thể nói chuyện với cậu được. Cậu vừa dọn nhà mà chẳng nói gì với nó, đúng không? Cứ thế biến mất mà không bảo nó là cậu đi đâu, đúng không? Thôi, bây giờ thì cậu làm nó điên sùng sục lên rồi. Mà khi nó đã điên thì không thể làm gì được đâu. Như là chó dại vậy.”
“Chị có thể làm ơn đưa máy cho cô ấy được không? Tôi sẽ giải thích.”
“Nó bảo không muốn nghe giải thích giải thiếc gì hết.”
“Vậy tôi giải thích với chị có được không? Tôi chẳng muốn thế này chút nào, nhưng chị có thể cứ nghe tôi một chút rồi nói lại với cô ấy được không?”
“Đừng nói với tôi! Nói với chính cậu ấy! Cậu là loại người gì vậy? Trách nhiệm là ở cậu, thì cậu phải lo, mà phải lo cho đúng.”
Hết cách rồi. Tôi cám ơn cô ta và gác máy. Thực tình tôi không thể trách Midori. Mải dọn nhà với trăm thứ việc rồi lại mải đi kiếm tiền thêm, tôi đã không nhớ gì đến Midori. Cả đến Naoko cũng vậy, trong suốt thời gian ấy. Tính tôi là thế. Một khi đã dính vào việc gì là tôi quên khuấy mọi chuyện khác.
Nhưng rồi tôi bắt đầu nghĩ đến việc bản thân mình sẽ ra sao nếu Midori đã dọn đi đâu đó chẳng nói năng gì với tôi và cũng chẳng liên lạc gì suốt ba tuần lễ. Tôi sẽ bị tổn thương, tổn thương nặng nề, không nghi ngờ gì nữa.
Không, hai đứa không phải là nhân tình nhân ngãi gì, nhưng về mặt nào đó chúng tôi đã cởi mở cõi lòng với nhau còn sâu sắc hơn cả nhân tình nhân ngải nữa. Ý nghĩ ấy làm cho tôi buồn vô cùng. Thật khủng khiếp khi ta làm tổn thương một người ta hằng quí mển mà lại không biết là như vậy.
Ngay khi vừa đi làm về, tôi ngồi vào chiếc bàn mới của mình và viết cho Midori. Tôi cố kể hết với cô những cảm xúc chân thật của mình. Tôi xin lỗi, không giải thích mà cũng không phân bua, vì đã vô tâm vô tính như vậy. Tớ nhớ cậu, tôi viết. Tớ muốn gặp cậu càng sớm càng sớm càng tốt. Tớ muốn cậu thấy nhà mới của tớ. Làm ơn viết cho tớ nhé, tôi viết thế, và gửi lá thư qua đường phát chuyển đặc biệt.
Nhưng không hề có hồi âm.
Một mùa xuân lạ lùng đã bắt đầu như vậy đấy. Cả vụ nghỉ đó tôi chỉ ngong ngóng đợi thư. Tôi không dám đi đâu chơi, không dám về nhà thăm bố mẹ, không dám nhận cả một công việc ngoài giờ vì chưa biết lúc nào Naoko sẽ viết thư hẹn tôi đến thăm nàng vào một ngày nào đấy. Đến chiều tôi chỉ lang thang trong khu mua bán ở Kichijoji, xem phim suất đúp hoặc đọc sách trong một quán cà-phê. Tôi không gặp ai và hầu như không nói chuyện với ai. Và cứ mỗi tuần một lần tôi viết cho Naoko. Không bao giờ tôi bóng gió gì đến chuyện mong nàng trả lời. Tôi không muốn nàng cảm thấy bị áp lực trong bất kì chuyện gì. Tôi chỉ kể cho nàng nghe về công việc phụ thợ sơn của mình, về con mèo Hải âu, về hoa đào đang nở trong vườn, về bà lão bán đậu phụ tốt bụng, về mụ già bẩn tính ở một quán ăn trong khu phố, về những bữa ăn tôi tự nấu cho mình. Nhưng nàng không viết lại một lần nào.
Hễ đã chán đọc sách hoặc nghe nhạc, tôi sẽ loay hoay làm vườn chút đỉnh. Tôi mượn chủ nhà một cái cào, chổi, kéo xén cây, và tiêu thời gian vào việc nhỏ cỏ dại và xén tỉa bụi rậm. Không phải mất công lắm cũng đã khiến cho cái vườn đẹp mắt hẳn lên. Một lần, ông chủ nhà mời tôi uống trà với ông ta, và chúng tôi cùng ngồi dưới hiên ngôi nhà chính, uống trà xanh, ăn bích-qui gạo tẻ, và chuyện trò đôi chút. Sau khi về hưu, ông lại có việc làm với một công ty bảo hiểm, ông nói, nhưng ỏng cũng đã thôi việc đó rồi, sau một hai năm, và bây giờ thì chỉ nghỉ ngơi vậy thôi. Nhà đất là của gia đình từ lâu đời rồi, con cái ông cũng đã trưởng thành và độc lập cả, và ông có thể hưởng tuổi già thoải mái không cần phải làm gì. Chính thế mà hai vợ chồng ông lúc nào cũng đi du lịch cùng nhau.
“Hay quá,” tôi nói.
“Chẳng hay đâu,” ông đáp. “Du lịch chẳng thích thú gì. Tôi thà làm việc còn hơn.”
Ông bảo ông đã để khu vườn hoang dại như thế là vì quanh đây chẳng có thợ làm vườn nào tử tế, và cũng vì ông bị dị ứng không thể tự làm vườn được. Cứ cắt cỏ là ông bị hắt hơi sổ mũi.
Uống xong bữa trà, ông chỉ cho tôi một cái chái chứa đồ và bảo tôi muốn dùng thứ gì ở trong đó cũng được cũng là một cách cảm ơn tôi đã chăm nom đến khu vườn. “Chúng tôi chẳng dùng gì đến những thứ này nữa,” ông nói, “cậu cứ tự nhiên cho.”
Thực ra ở đó chất đầy đủ thứ đồ – một thùng tắm bằng gỗ đã cũ, một cái bể bơi cho trẻ con, gậy bóng chày.
Tôi tìm thấy cả một cái xe đạp cũ, một cái bàn ăn cỡ nhỏ với hai cái ghế, một tấm gương, và một cây ghi-ta. “Cháu muốn mượn những thứ đó có được không ạ?” Tôi nói.
“Cậu cứ tự nhiên cho,” ông nhắc lại.
Tôi để ra một ngày loay hoay với cái xe đạp: đánh sạch gỉ, tra dầu các ổ bi, bơm lốp xe, chỉnh bộ số, và đem nó ra một hiệu chữa xe đạp để lắp một bộ dây sang số mới. Xong xuôi trông nó như một cái xe khác hẳn. Tôi cạo sạch lớp bụi dày cộp trên cái bàn và quét cho nó một lớp véc ni mới. Tôi thay dây cho cái ghi-ta và dán lại chỗ bong tróc trên thân đàn. Tôi dùng búi thép đánh sạch gỉ ở các khoá lên dây và điều chỉnh chúng cẩn thận. Không ra một cây đàn oách, nhưng ít nhất cũng không lạc nốt sai dây nữa. Tôi chợt nhớ từ hồi hết trung học đến giờ mình chưa hề sờ đến một cây ghi-ta nào. Tôi ngồi ngoài hiên và mày mò đánh bài “Trên mái nhà” của nhóm The Drifters, và rất ngạc nhiên thấy mình vẫn còn nhớ hầu hết các hợp âm của bài đó.
Tiếp theo đó, tôi lấy mấy mẩu ván và đóng thành một hộp thư vuông vắn. Tôi sơn nó màu đỏ, viết tên mình vào, rồi dựng nó cạnh cổng. Mai đến mồng ba tháng Tư mới thấy bưu điện bồ vào thùng thư của tôi một cái gì đó từ khu học xá chuyển tới. Hoá ra là một thông báo họp lớp của trường trung học cũ. Tôi không muốn lôi thôi đến món họp lớp bao giờ. Mà đó lại là lớp tôi cùng học với Kizuki. Tôi liền quẳng cái thông báo ấy vào sọt rác.
Chiều ngày mồng bốn tháng Tư thì tôi thấy có một bức thư trong thùng. Mặt sau có đề tên Reiko Ishida. Tôi dùng kéo cắt một nhát ngọt qua mép dán rồi ra thềm để đọc nó. Tôi đã linh cảm sẽ không có tin lành, và quả là như vậy.
Đầu tiên Reiko xin lỗi đã để tôi phải chờ lâu đến thế. Chị nói Naoko đã vật vã cố viết cho tôi, nhưng lần nào nàng cũng không thể viết xong được.
“Tôi đã bảo để tôi viết trả lời thay cho cô ấy, nhưng hễ tôi nhắc đến chuyện phải trả lời cậu là cô ấy lại khăng khăng rằng đây là chuyện quá riêng tư và cô ấy phải tự viết mới được. Vì vậy mà tôi không viết cho cậu sớm hơn được. Tôi thật tình xin lỗi cậu. Hy vọng cậu sẽ bỏ lỗi cho tôi.
Tôi biết chắc cậu đã khổ sở cả tháng ròng chờ thư hồi âm, nhưng hãy tin tôi, tháng vừa rồi Naoko cũng khổ sở không kém. Cậu phải cố hiểu những gì cô ấy đang trải qua. Tình trạng cô ấy không tốt đâu, tôi phải nói thật như vậy. Cô ấy đang cố hết sức để trụ vững, nhưng cho đến giờ kết quả chẳng khả quan chút nào.
Nghĩ lại, bây giờ tôi mới thấy rằng triệu chứng xấu đầu tiên của cô ấy là mất khả năng viết thư. Nó bắt đầu khoảng cuối tháng Mười một đầu tháng Mười hai. Sau đó cô ấy bắt đầu cứ nghe thấy cái gì đó trong đầu. Hễ định viết thư là cô ấy lại nghe thấy có tiếng người nói chuyện với mình và không thể viết được nữa. Những giọng nói ấy chen vào nỗ lực chọn từ ngữ của cô ấy. Nhưng tình trạng ấy cũng chưa đến nỗi nào cho đến lần cậu đến thăm thứ hai, nên tôi đã không để ý cẩn thận. Với tất cả chúng tôi ở đây, những loại triệu chứng này xảy ra theo chu kì, hơn kém nhau chút đỉnh thôi. Nhưng trong trường hợp của cô ấy thì chúng cứ nặng mãi lên sau khi cậu ra về. Bây giờ thì đối thoại bình thường thôi cũng là rất khó khăn với cô ấy. Cô ấy không thể tìm được đúng từ để nói, và điều đó đẩy cô ấy vào một tình trạng hoang mang khủng khiếp. Hoang mang và sợ hãi. Trong khi đó thì những “thứ” cô ấy nghe thấy trong đầu cứ ngày một tệ hơn.
Chúng tôi có một buổi điều trị hàng ngày với một nhà chuyên môn. Naoko với tôi và ông bác sĩ này ngồi chuyện trò với nhau để cố tìm xem khu vực nào của cô ấy đã bị đổ bể. Tôi đưa ra ý kiến là có lẽ sẽ tốt nếu có thêm cậu cùng dự những buổi này, và ông bác sĩ ủng hộ tôi, nhưng Naoko không chịu. Tôi có thể nhắc lại đúng lời cô ấy như sau: “Tôi muốn thân xác tôi phải sạch hết mọi thứ này khi tôi gặp cậu ấy.” Tôi bảo cô ấy rằng đó không phải là vấn đề; vấn đề là cô ấy phải khỏe lại càng nhanh càng tốt, và tôi cố thuyết phục cô ấy, nhưng cô ấy nhất định không chịu đổi ý.
Hình như đã có lần tôi bảo cậu rằng đây không phải là một bệnh viện chuyên khoa. Tất nhiên là chúng tôi có các chuyên gia y khoa ở đây, và họ điều trị cũng rất có hiệu quả, nhưng điều trị tập trung lại là chuyện khác hẳn. Ý đồ của cơ sở này là tạo ra một môi trường hữu hiệu để bệnh nhân có thể tự điều trị, và như vậy, nói cho đúng ra, nó không bao gồm việc điều trị y khoa. Có nghĩa là nếu tình trạng của Naoko vẫn tiếp tục xấu đi, họ sẽ có thể phải chuyển cô ấy tới một bệnh viện khác hoặc một cơ sở y tế khác hoặc gì đó không biết. Nói thật, tôi thấy chuyện ấy rất đau lòng, nhưng chúng tôi sẽ bắt buộc phải làm vậy. Nói thế không có nghĩa là cô ấy không thể quay lại đây để điều trị theo kiểu “nghĩ vắng mặt” ở bên kia một thời gian. Hoặc biết đâu cô ấy lại có thể khỏi hẳn và không cần gì đến bệnh viện nữa. Gì thì gì, chúng tôi đang làm tất cả mọi thứ có thể được, và Naoko cũng vậy, còn bây giờ thì tốt nhất là cậu hãy hy vọng cho cô ấy bình phục được và tiếp tục gửi thư cho cô ấy.”
Lá thư đề ngày ba mươi mốt tháng Ba. Đọc xong, tôi vẫn ngồi ngoài hiên và nhìn quanh quẩn ra khu vườn lúc bấy giờ đã đầy vẻ tươi tốt của mùa xuân. Một cây anh đào cổ thụ đang đứng đó, hoa sắp đến kì nớ rộ. Một làn gió nhẹ đang thổi tới, và ánh sáng ngày bao trùm mọi vật trong những màu sắc mờ ảo kì lạ. Hải âu từ đâu đó mới đảo về nhà, và sau khi cào cào những tấm ván thềm một lát, nó nằm dài xuống cạnh tôi và lăn ra ngủ.
Tôi biết mình nên để tâm suy nghĩ thật nghiêm chỉnh một vài chuyện, nhưng không biết bắt đầu thế nào.
Và nói thật là lúc ấy tôi không muốn phải suy nghĩ chút nào. Chẳng mấy chốc sẽ đến lúc tôi không thể tránh được việc ấy, và bấy giờ tôi sẽ để ra hẳn một thời gian dài tập trung suy nghĩ hết mọi việc. Còn bây giờ thì không. Bây giờ thì không.
Cả ngày hôm đó tôi dán mắt vào khu vườn, nằm dựa gối và vuốt ve Hải âu. Tôi thấy hoàn toàn kiệt sức. Chiều tàn dần, hoàng hôn đã tới, và những bóng tối màu xanh lơ bao bọc cả khu vườn. Hải âu đã biến đi đâu rồi, nhưng tôi vẫn tiếp tục nhìn hoa anh đào đang nở. Trong bóng tối mùa xuân, trông chúng giống như thịt vừa bục ra khỏi da trên những vết thương đang mưng mủ. Khu vườn tràn ngập mùi thịt thối ngòn ngọt rất nặng. Và chính lúc đó tôi nhớ đến da thịt Naoko. Da thịt đẹp đẽ của Naoko nằm trước mặt tôi trong bóng tối, vô vàn mầm nụ đang bung ra trên da nàng, xanh mét và run rẩy trong làn gió nhẹ hầu như không cảm thấy được. Tại sao một tấm thân đẹp đẽ như thế lại phải mang bệnh đến vậy? Tôi tự hỏi. Sao chúng không buông tha cho nàng?
Tôi vào nhà và kéo màn cửa lại, nhưng ngay cả ở trong nhà cũng vẫn không thoát được mùi vị mùa xuân. Nó tràn ngập mọi thứ từ dưới đất lên cao. Nhưng hương vị duy nhất của mùa xuân mà tôi đang cảm thấy lúc ấy lại là cái mùi thịt thối khăn ghê rợn kia. Giam mình sau màn cửa, tôi cảm thấy một nỗi kinh tởm dữ dội đối với mùa xuân. Tôi căm ghét những gì mùa xuân đang dành đợi tôi; tôi căm ghét cái nỗi đau rần rật đến tê dại mà nó gợi lên trong tôi. Tôi đã chưa khi nào căm ghét cái gì trên đời dữ dội đến thế.
Ba ngày liền sau đó tôi như đi dưới đáy biển. Tôi không thể nghe người ta nói gì với mình, và mọi người nghe tôi cũng khó khăn như vậy. Toàn thân tôi như bị bao bọc trong một thứ màng khiến cho tôi mất hẳn mọi tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài. Tôi không thể chạm vào “họ”, và “họ” cũng không thể chạm vào tôi. Tôi hoàn toàn bất lực, và chừng nào còn như vậy thì “họ” còn chưa thể với đến tôi.
Tôi ngồi dựa lưng vào tường, dán mắt lên trần nhà. Khi thấy đói, tôi sẽ gặm bất kì thứ gì vớ được ở xung quanh, uống tí nước, và khi nỗi cám cảnh đau buồn ập đến, tôi lấy rượu whisky để hạ gục chính mình. Tôi không tắm. Không cạo mặt. Ba ngày liền trong tình trạng như thế.
Mồng sáu tháng Tư thì có thư Midori. Cô hẹn gặp tôi ở trường và cùng ăn trưa vào ngày mồng mười khi chúng tôi phải đến đăng kí các lớp học. Tớ trì hoãn viết cho cậu thật lâu cho đến lúc hai đứa mình hoà nhau, nên hãy giảng hoà nhé. Tớ phải thú nhận, tớ nhớ cậu. Tôi đọc đi đọc lại lá thư tất cả là bốn lần, mà vẫn không thể hiểu cô đang định nói gì với tôi. Nó có thể có nghĩa gì mới được chứ? Đầu óc tôi mù mịt hết cả, tôi không thể tìm ra mối liên hệ từ câu này đến câu kia. Tại sao gặp cô ta ngày đăng kí môn học lại làm cho chúng tôi “hoà nhau” Tại sao cô ta lại muốn “ăn trưa” với tôi? Tôi thực sự lạc đường. Trí não tôi nhão ra rồi, như bộ rễ sũng nước của một loài cây mọc dưới biển. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn biết là mình phải vùng ra khỏi tình trạng đó. Và rồi đột nhiên những lời của Nagasawa trở lại với tôi: “Đừng bao giờ tự trách mình. Chỉ có bọn vứt đi mới làm vậy.”
“Ôkê, Nagasawa. Đúng thế,” tôi nghe thấy mình nói trong đầu, thở dài đánh thượt rồi gượng dậy.
Tôi giặt quần áo lần đầu tiên sau nhiều tuần lễ, đến nhà tắm công cộng và cạo mặt, dọn dẹp nhà cửa, mua thức ăn và nấu một bữa tử tế để thay đổi cho con Hải âu gần chết đói ăn, chỉ uống bia, và tập thể dục ba mươi phút. Trong khi cạo mặt, tôi phát hiện trong gương là mình đã xọp hẳn đi. Hai mắt tôi lồi ra. Mãi tôi mới nhận ra mình.
Sáng hôm sau tôi đạp xe một chuyến dài dài, và sau khi ăn trưa ở nhà, tôi đọc lại lá thư của Reiko một lần nữa; rồi suy nghĩ nghiêm chỉnh xem tôi cần phải làm gì sau đó. Lý do chính khiến lá thư của Reiko làm tôi khổ sở đến vậy là vì nó đã phá vỡ niềm tin lạc quan của tôi rằng Naoko đang khá dần lên. Chính Naoko đã bảo tôi, “Bệnh tớ tệ hơn cậu tưởng nhiều: nó sâu rễ bền gốc lắm.” Và Reiko cũng đã cảnh báo rằng không thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng tôi đã gặp Naoko hai lần, và đã có ấn tượng là nàng đang trên đường lành bệnh. Tôi đã cho rằng chỉ còn có vấn đề là nàng có đủ can đảm quay lại thế giới thực tại hay không, và rằng nếu nàng làm được thế, cả hai chúng tôi sẽ chung lưng đấu cật trong chuyện đó.
Lá thư của Reiko đã đạp đổ toà lâu đài ảo mộng tôi đã xây trên cái giả định mong manh ấy, chỉ để lại một bề mặt bẹp gí không chút cảm giác nào. Tôi sẽ phải làm gì đổ để lấy lại chỗ đứng của mình. Có thể sẽ rất lâu Naoko mới có thể bình phục. Nhưng thậm chí sau đó có thể nàng sẽ còn thất thường và thiếu tự tin hơn. Tôi sẽ phải thích ứng với tình huống mới ấy. Và dù tôi có mạnh mẽ đến mấy thì chắc cũng không thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề. Điều ấy thì tôi biết. Nhưng tôi lại chẳng làm gì khác được: chỉ biết giữ vững tinh thần và chờ cho nàng khỏi bệnh.
Này Kizuki ơi, tôi nghĩ bụng, khác với cậu, tớ đã chọn sự sống, và sẽ sống đẹp hết sức mình. Cậu thấy khó là đúng rồi. Nhưng nói thật nhé, tớ thì cũng thế thôi. Thật là khó. Mà tất cả chỉ là tại cậu đã tự vẫn và để Naoko ở lại. Còn tớ thì sẽ không bao giờ làm thế. Tớ sẽ không bao giờ, không bao giờ quay lưng lại với cô ấy. Trước hết là vì tớ yêu cô ấy, và là vì tớ mạnh mẽ hơn cô ấy. Tớ sẽ trưởng thành. Tớ sẽ thành người lớn. Vì tớ phải vậy. Tớ vẫn thường muốn cứ được là mười bảy hay mười tám tuổi mãi nếu có thể. Nhưng bây giờ thì thôi rồi. Tớ không còn là một thiếu niên. Bây giờ tớ đã biết thế nào là trách nhiệm. Tớ không còn là cái đứa như thời chúng mình còn chơi với nhau nữa. Tớ đã hai mươi rồi. Và tớ phải trả giá để tiếp tục sống.
“Cứt thật, Watanabe, cậu làm sao vậy?” Midori hỏi. “Da bọc xương hết rồi!”
“Tệ đến thế kia à?”
“Quá nhiều chuyện với bà bồ có chồng của cậu phải không, tớ đánh cuộc nào.”
Tôi mỉm cười và lắc đầu. “Tớ chưa ngủ với cô nào từ đầu tháng Mười đến giờ.”
“Úi! Không thể thế được. Những sáu tháng đấy ông ạ!”
“Cậu nghe tớ nói rồi mà.”
“Thế làm sao mà cậu sụt cân gớm thế?”
“Tại lớn lên đấy,” tôi nói.
Midori đặt tay lên cả hai vai tôi và nhìn vào mắt tôi với một vẻ mắng nhiếc chẳng mấy chốc đã biến thành một nụ cười ngọt lịm.
“Đúng thế thật,” cô nói. “Có cái gì đó khác. Cậu đã thay đổi.”
“Tớ bảo rồi, tớ đã lớn lên. Giờ tớ đã là người lớn.”
“Cậu tuyệt vời thật, kiểu suy nghĩ của cậu ấy,” cô nói như thể bị ấn tượng thực sự. “Mình đi ăn thôi. Tớ đói ngấu rồi.”
Chúng tôi vào một tiện ăn nhỏ đằng sau khoa văn. Tôi lấy một suất ăn trưa đặc biệt và cô cũng vậy.
“Này, Watanabe, cậu giận tớ lắm phải không?”
“Vì chuyện gì chứ?”
“Vì không trả lời cậu, cốt để gỡ hoà mà. Cậu nghĩ tớ không nên thế à?” Sau khi cậu đã xin lỗi và mọi thứ khác”
“Ừ, nhưng đầu tiên là lỗi tại tớ. Nó như vậy mà.”
“Chị tớ bảo nhẽ ra tớ không nên thế. Quá ác, quá trẻ con.”
“Ờ, nhưng nó làm cậu thấy dễ chịu hơn, đúng không nào, gỡ hoà kiểu ấy?”
“Thôi được rồi, cho qua chuyện đó đi.”
“Cậu đang tha thứ cho tớ phải không?” Midori nói.
“Nhưng nói thật đi Watanabe, cậu chưa làm tình trong sáu tháng liền cơ à?”
“Không một lần nào.”
“Vậy cái lần cậu cho tớ đi ngủ, chắc cậu phải thèm lắm.”
“Ờ, chắc thế!”
“Nhưng cậu không làm gì, đúng không?”
“Nghe này, cậu là bạn tốt nhất của tớ bây giờ,” tôi nói. “Tớ không muốn mất cậu đâu.”
“Cậu biết không, nếu cậu cưỡng tớ hôm đó, chắc tớ không chống lại được đâu, tớ kiệt lực đến thế cơ mà.”
“Nhưng tớ quá to và quá cứng,” tôi nói.
Midori mỉm cười rồi chạm vào cổ tay tôi. “Một lúc trước đó, tớ đã quyết định sẽ tin cậu. Một trăm phần trăm. Cho nên tớ mới yên trí ngủ ngon như vậy. Tớ biết tớ sẽ không sao, tớ sẽ an toàn với cậu ở đó. Và tớ đã ngủ say như chết, đúng không?”
“Đúng quá.”
“Nhưng mặt khảc, nếu cậu nói với tớ, “Ê, Midori, mình ấy nhau đi, rồi mọi thứ sẽ tốt đẹp mà” thì có lẽ tớ đã ấy với cậu rồi. Này, đừng có tưởng tớ đang định cám dỗ hay trêu ngươi gì cậu nhé. Tớ chỉ đang nghĩ sao nói vậy thôi, hoàn toàn chân thực.”
“Biết rồi, biết rồi.”
Trong lúc ăn trưa, chúng tôi cho nhau xem giấy đăng kí lớp học của mình và thấy sẽ có chung nhau hai lớp. Vậy là ít nhất tôi cũng sẽ gặp cô hai lần một tuần. Xong chuyện đó rồi, Midori kể cho tôi nghe về cách thu xếp cuộc sống của cô. Lúc đầu hai chị em cô không thể quen được với cuộc sống ở căn hộ. Bởi vì nó quá an nhàn, cô nói. Họ đã quá quen với việc hàng ngày phải chạy quanh như điên, hết chăm người ốm lại đến trông cửa hàng, hết việc này đến việc nọ.
“Nhưng cuối cùng thì bọn mình cũng thấy quen,” cô nói. “Nhẽ ra chúng mình phải được sống thế này từ lâu rồi – không phải lo lắng đến nhu cầu của bất kì ai, chỉ việc nằm dài kiểu gì cũng được. Lúc đầu cả hai chị em mình đều thấy bồn chồn, như thể người mình nó cứ lơ lửng trên mặt sàn đến năm sáu phân. Nó không có vẻ thực tí nào, giống như cuộc sống thật không thể là như vậy. Cả hai chị em đều căng thẳng, chỉ sợ mọi thứ lại sắp lộn nhào hết cả.”
“Một cặp cả lo,” tôi mỉm cười nói.
“Chẳng qua là vì cuộc sống đã ác với chúng mình cho đến tận bây giờ,” Midori nói. “Nhưng không sao. Bọn mình sẽ lấy lại những thứ nó còn nợ.”
“Tớ cuộc là cậu sẽ được,” tôi nói, “vì tớ biết cậu rồi. Nhưng cậu nói xem, hiện giờ chị cậu làm gì?”
“Một người bạn chị ấy vừa mở một tiệm bán các loại phụ tùng phù phiếm cách đây ít lâu. Chị tớ làm ở đó ba lần một tuần. Ngoài ra thì chị ấy học nấu ăn, đi chơi với chồng chưa cưới, đi xem xinê, oằn oài ra đó, và hưởng cuộc đời,” Rồi Midori hỏi thăm tôi về cuộc sống mới. Tôi tả cho cô nghe cách bố trí của ngôi nhà, khu vườn rộng với con mèo Hải âu, và ông chủ nhà.
“Cậu thấy trong lòng vui vẻ chứ?” cô hỏi.
“Ừ, vui chứ,” tôi nói.
“Cậu chẳng lỡm được tớ đâu” Midori nói.
“Tớ biết thế, nhưng cũng tại mùa xuân nữa,” tôi nói.
“Và lại còn đang mặc cái áo chui đầu bồ đan cho đẹp thế kia nữa.”
Tôi giật nay mình và liếc vội xuống cái áo màu rượu vang. “Sao cậu biết”
“Cậu thật thà quá,” Midori nói. “Tất nhiên là tớ chỉ đoán thế thôi! Nhưng mà này cậu có chuyên gì vậy?”
“Không biết nữa. Tớ đang cố khuấy lên ít nhiệt tình.”
“Chỉ cần nhớ rằng cuộc đời là một hộp sô-cô-la.”
Tôi lắc đầu mấy cái rồi nhìn cô.
“Có thể tớ không thông minh thế, nhưng nhiều khi tớ không biết cậu đang nói chuyện quái gì nữa.”
“Cậu biết đấy, họ có nhiều loại sô-cô-la như thế này này, và cậu chỉ thích mấy loại này và không thích mấy loại kia chứ gì? Và cậu chén hết những loại cậu thích, những miếng còn lại toàn những loại cậu không thích bằng chứ gì? Tớ luôn nghĩ đến chuyện đó mỗi khi có chuyện đau buồn. “Bây giờ thì chỉ có việc chén nốt chỗ kia thôi chứ làm sao đây, và mọi chuyện sẽ ôkê cả.” Đời là một hộp sô-cô la như vậy đấy.”
“Có lẽ cậu có thể gọi đó là triết học.”
“Đúng thế còn gì. Tớ đã học được nó bằng kinh nghiệm.”
***
Đang uống cà-phê với nhau thì có hai cô gái bước vào. Midori có vẻ biết họ ở đại học. Ba người so các môn sắp học của nhau và nói hàng triệu thứ chuyện khác nhau: “Điểm tiếng Đức của cậu thế nào?” “Thằng ấy thằng nọ bị ăn đòn trong cuộc nổi loạn ở trường.” “Đôi giày đẹp nhỉ, cậu mua ở đâu thế?”… Tôi chỉ nghe nửa tai, nhưng cảm thấy như những câu nói của họ đang vọng về từ phía bên kia của thế giới. Tôi nhấm nháp cà-phê và nhìn những cảnh tượng đang kéo qua bên ngoài cửa sổ. Đó là một quang cảnh điển hình ở đại học vào mùa xuân khi sắp vào năm học mới: một màn mù nhè nhẹ lơ lửng trên trời, anh đào đang nở hoa, đám sinh viên mới (nhìn là biết ngay) ôm theo người hàng đống sách. Tôi thấy mình bập bềnh đôi chút và nghĩ đến Naoko đang không thể quay về học năm nay. Trên bậu cửa sổ có một cái cốc thuỷ tinh nhỏ cắm đầy hoa gió.
Khi hai cô kia đã về bàn của họ, Midori và tôi ra ngoài đi dạo quanh đó. Chúng tôi vào một vài hiệu sách cũ, mua mấy cuốn, uống một cốc cà-phê nữa ở một quán khác chơi bắn bi trong một động game, rồi ngồi ở ghế công viên tán chuyện, hay nói đúng hơn là Midori nói còn tôi chỉ ậm ừ giữ nhịp. Khi cô nói khát nước, tôi chạy ra một quầy báo mua hai lon Coke. Lúc về thì thấy cô đang nghí ngoáy viết cái gì đó lên mấy trang giấy kẻ bằng bút bi.
“Cái gì thế?” tôi hỏi.
“Có gì đâu,” cô nói.
“Tớ phải đi,” cô tuyên bố lúc ba giờ rưỡi. “Tớ đã hẹn gặp chị tớ ở Ginza.”
Chúng tôi đến ga tàu rồi mỗi người đi một ngả. Lúc chia tay, Midori nhét mẩu giấy đã gập làm tư vào túi quần tôi “Về nhà cậu hay đọc nhé,” cô nói. Tôi đọc nó luôn lúc trên tàu.
“Tớ viết thư này trong lúc cậu đi mua nước uống. Đây là lần đầu tiên trong đời tớ viết thư cho một người ngồi ngay cạnh mình trên ghế công viên, nhưng có lẽ đó là cách duy nhất tớ có thể đến được với cậu. Tớ muốn nói là cậu đang chẳng để ý gì đến những những lời tớ nói, đúng không nào?
Cậu có biết hôm nay cậu đã làm điều gì khung khiếp lắm với tớ không? Cậu không hề thấy tớ đã đổi kiểu tóc khác, đúng không? Tớ đã loay hoay với nó mãi rồi, cố để cho nó dài ra, và cuối cùng thì cuối tuần trước tớ đã làm được một kiểu mà cậu có thể gọi là tóc con gái, nhưng thậm chí cậu cũng chẳng để ý nữa. Trông nó cũng hay, nên tớ đã tưởng sẽ làm cho cậu choáng một tí sau khi bao nhiêu lâu cậu mới gặp lại tớ, nhưng cậu nào có thấy gì. Cậu bảo thế có chán không? Tớ cuộc là cậu còn chẳng biết tớ mặc gì hôm nay nữa kia. Ê, tớ vẫn là con gái mà! Ừ thì cậu đang bận chuyện gì đó trong đầu! Nhưng cứ nhìn người ta một cái tử tế thì đã làm sao! Cậu chỉ cần bảo “Tóc xinh đấy”, thế là tớ sẽ có thể tha thứ cho cậu vì đã mải chìm đắm trong một triệu thứ ý nghĩ kia, nhưng mà không!
Chính thế mà tớ sắp tặng cậu một lời nói dối đây. Không phải tớ đi gặp chị tớ ở Ginza đâu. Tớ đã định đến ngủ lại ở chỗ cậu. Thậm chí đã mang cả quần áo ngủ đi theo. Thật thế. Tớ đã có áo ngủ và bàn chải đánh răng ở trong túi rồi. Thế có ngủ không! Đấy, cậu có hề mở mồm mời tớ đến thăm nhà mới của cậu đâu. Nhưng thôi, cần quái gì, rõ ràng là cậu muốn được một mình, nên tớ sẽ để cho cậu được một mình. Cứ việc nghĩ ngợi cho thoả đi!
Nhưng đừng có hiểu sai tớ. Tớ không hoàn toàn phát điên vì cậu đâu. Tớ chỉ buồn thôi. Cậu đã tốt như thế với tớ khi tớ gặp rắc rối, còn bây giờ thì cậu đang gặp rắc rối và có vẻ là tớ chẳng làm được gì cho cậu cả. Cậu đang bị nhốt chặt trong cái thế giới nhỏ bé ấy của cậu, và khi tớ gõ cửa thì cậu chỉ ngẩng lên độ một giây rồi lại bổ vào trong đó ngay.
Bây giờ thì tớ thấy cậu đang mang đồ uống về kia kìa – vừa đi vừa nghĩ. Tớ đang mong cậu vấp ngã đây, nhưng cậu không vấp. Bây giờ thì cậu ngồi ngay cạnh và đang uống lon Coke của cậu. Tớ đang bám lấy tia hy vọng cuối cùng là cậu sẽ nhận thấy và nói “Ê, cậu đổi kiểu tóc rồi à!” nhưng mà không. Nếu cậu nói thế thì tớ đã xé bức thư này đi và bảo “Về nhà cậu chơi đi. Tớ sẽ nấu một bữa tối ngon lành. Và sau đó bọn mình có thể lên giường ôm ấp nhau.” Nhưng cậu vẫn nhạy cảm như gỗ đá vậy. Tạm biệt.
Tái bút: Lần sau gặp thì đừng có nói gì với tớ đấy.
Tôi gọi điện thoại đến căn hộ của Midori từ nhà ga lúc vừa xuống tàu ở Kichijoji nhưng không có ai nhấc máy.
Chẳng có việc gì hơn, tôi lững thững quanh khu phố mình ở, tìm xem có việc gì làm thêm khi đã vào năm học. Tôi sẽ rỗi cả thứ Bảy và Chủ nhật, và có thể đi làm thêm từ sau năm giờ chiều các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Năm; nhưng chẳng dễ gì mà tìm được những việc vào đúng những ngày giờ đó. Tôi đầu hàng và trở về nhà. Lúc ra ngoài mua rau cỏ cho bữa tối, tôi lại thử gọi đến chỗ Midori lần nữa. Chị gái cô nói Midori vẫn chưa về và không biết lúc nào thì cô về nhà. Tôi cảm ơn và gác máy.
Ăn tối xong, tôi định viết cho Midori, nhưng phải bỏ cuộc sau nhiều lần mào đầu chẳng ra sao. Tôi bèn viết cho Naoko.
Xuân đã về rồi, tôi viết, và đại học cũng đã vào năm học mới. Tôi viết rằng tôi nhớ nàng, rằng tôi vẫn mong có thể gặp và chuyện trò với nàng bằng cách nào đó. Dù sao, tôi viết, mình đã quyết định phải mạnh mẽ lên. Theo chỗ mình biết thì mình chỉ có thể làm được vậy.
Còn một chuyện nữa. Có thể nó chỉ liên quan đến mình và cậu có thể chẳng quan tâm gì cách này cách khác, nhưng mình sẽ không còn ngủ với bất kì ai nữa. Là vì mình không muốn quên những động chạm của cậu lần vừa rồi. Nó có ý nghĩa với mình hơn cậu tưởng nhiều. Lúc nào mình cũng nghĩ đến nó.
Tôi cho lá thư vào phong bì, dán tem, rồi ngồi đó nhìn nó một lúc lâu. Một lá thư ngắn hơn lệ thường rất nhiều, nhưng tôi có cảm giác như thế Naoko mới hiểu được tôi hơn. Tôi rót cho mình nửa cốc whisky, tợp hai hớp là hết, và đi ngủ.
Ngày hôm sau tôi tìm được một việc gần ga Kichijoji mà tôi có thể làm vào các thứ Bảy và Chủ nhật: chạy bàn cho một tiệm ăn Ý nho nhỏ. Các điều kiện thì khá tồi, nhưng tôi được bao đi lại và ăn trưa. Và hễ có ai nghỉ cả tối trong những ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Năm (mà thường là có) thì tôi có thể thế chân họ. Thật hoàn hảo đối với tôi. Người quản lí nói họ sẽ tăng tiền cho tôi sau ba tháng, và muốn tôi bắt đầu ngay thứ Bảy đó. Ông ta đàng hoàng hơn nhiều so với tay chủ tiệm đĩa hát ở Shinjuku.
Tôi thấy Midori trong giờ học hôm thứ Tư. Cô mặc áo len chui đầu xanh lá cây sẫm và đeo kính râm đen mà cô vẫn đeo từ vụ hè. Cô ngồi hàng ghế dưới cùng, đang nói chuyện với cô gái gày đeo kính cận mà rồi đã gặp một lần trước đây. Tôi đến gần và nói tôi muốn sau giờ học được nói chuyện với cô. Cô kính cận nhìn tôi trước, rồi mới đến Midori. Kiểu tóc của cô quả thực nữ tính hơn nhiều so với trước, đứng đắn hơn.
“Tôi mắc đi gặp người khác rồi,” cô nói, hơi vênh mặt lên.
“Tôi không dám làm cô mất thời giờ đâu,” tôi nói.
“Năm phút thôi.”
Midori bỏ kính ra và nheo nheo mắt, có vẻ như đang nhìn một căn nhà tiều tuỵ hoang phế ở cách đó hàng trăm thước.
“Tôi không muốn nói chuyện với anh. Xin lỗi nhé,” cô nói.
Cô kính cận nhìn tôi với đôi mắt như đang nói: Cô ấy bảo cô ấy không muốn nói chuyện với anh. Xin lỗi nhé.
Tôi ngồi ở đầu bên phải hàng ghế trên cùng để nghe giảng (một bài tổng quan các tác phẩm của Tennessee Williams và địa vị của chúng trong văn học Mỹ), và khi hết giờ, tôi đếm thật chậm cho đến ba rồi quay lại. Midori đã đi rồi.
Tháng Tư là một tháng quá cô liêu cho những kẻ chỉ có một mình. Tháng Tư, mọi người xung quanh tôi trông đều có vẻ hạnh phúc. Người ta quẳng áo khoác ngoài đi và sung sướng đi với nhau dưới nắng trời – chuyện trò, đuổi bắt, cầm tay nhau. Nhưng lúc nào tôi cũng chỉ có một mình. Naoko, Midori, Nagasawa: tất cả họ đều không còn ở chỗ tôi nữa rồi. Tôi không có ai để chào buổi sáng hoặc chúc một ngày tốt lành. Tôi nhớ đến cả Quốc-xã. Tôi sống qua tháng ấy với cảm giác cách biệt tuyệt vọng. Tôi cố nói với Midori mấy lần, nhưng lần nào cũng chỉ có câu trả lời ấy: “Bây giờ tớ chưa muốn nói chuyện với cậu” – và nghe giọng cô tôi biết là cô nói thật. Lúc nào Midori cũng cặp kè với cô kính cận, hoặc không thì với một anh chàng cao to tóc ngắn. Hắn có đôi chân đặc biệt dài và luôn đi giày bóng rổ trắng.
Tháng Tư qua đi và tháng Năm lại tới, nhưng còn tệ hơn nữa. Khi mùa xuân phai dần trong tháng Năm, tôi không thể lẩn tránh con tim run rẩy của mình được nữa. Nó thường xảy đến khi mặt trời đang xuống. Trong bóng chiều tà nhợt nhạt, khi không gian tràn ngập hương thầm của hoa mộc lan, trái tim tôi bỗng nở to ra, run rẩy, và lẩn quất nhói đau như có những nhát dao đâm. Tôi sẽ cố nhắm nghiền mắt lại và nghiến răng đợi cho cơn đau ấy qua đi. Và nó sẽ qua – nhưng chậm chạp như không vội vã gì, rồi để lại sau một vệt đớn đau tê dại.
Những lần như thế tôi lại viết cho Naoko. Tôi chỉ mô tả những chuyện cảm động, thú vị hoặc đẹp đẽ: hương thơm của cỏ, làn gió xuân vẻ vuốt trên da, ánh trăng sáng, một bộ phim tôi vừa xem, một bài hát tôi thích, một cuốn sách đã khiến tôi xúc động. Bản thân tôi cũng thấy được an ủi khi đọc lại những gì mình đã viết. Và tôi cảm thấy như thế giới tôi đang sống đây là một cõi diệu kì. Tôi viết không biết bao nhiêu bức thư như thế, nhưng chẳng nhận được gì từ Naoko hoặc Reiko.
Ở tiệm ăn nơi tôi làm thêm, tôi làm quen với một sinh viên cùng lứa tên là Itoh. Phải mất một thời gian dài, cậu sinh viên dịu dàng ít nói đang học vẽ sơn dầu ở một đại học mỹ thuật ấy mới bắt chuyện với tôi, nhưng cuối cùng thì chúng tôi bắt đầu rủ nhau cùng đi uống rượu và nói với nhau đủ thứ chuyện sau giờ làm việc. Hắn cũng thích đọc sách và nghe nhạc, nên chúng tôi thường nói về những cuốn sách và đã hát mình ưa thích. Hắn thon thả và ưa nhìn, với một bộ tóc ngắn hơn nhiều và quần áo sạch sẽ hơn nhiều so với một sinh viên mỹ thuật điển hình. Hắn không bao giờ nói nhiều, nhưng có những thị hiểu và ý kiến rõ rệt của mình. Hắn thích tiểu thuyết Pháp, đặc biệt là của Georges Bataille và Boris Vian. Về âm nhạc thì hắn thích Mozart và
Rayel. Và cũng như tôi, hắn đang tìm một người bạn để có thể chuyện trò về những thứ như thế.
Một lần Itoh mời tôi về căn hộ của hắn trong một toà nhà một tầng lạ kiểu đằng sau công viên Inokashira, đường đi không đến nỗi khó như đường đến chỗ tôi. Phòng hắn chất đầy đồ vẽ và các khung vải. Tôi hỏi xem tranh hắn vẽ, nhưng hắn nói còn ngượng chưa muốn cho tôi xem cái nào hết. Chúng tôi uống một ít Chivas Regal mà hắn đã lẳng lặng lấy xuống từ chỗ của bố hắn, nướng ít cá khô trên cái lò than hoa, và nghe Robert Casadesus chơi bản công-xéc-tô cho đàn dương cầm của Mozart.
Itoh là người Nagasaki. Hắn nói hắn có một bồ gái mà lần nào về nhà hắn cũng ngủ với cô, nhưng gần đây mọi chuyện giữa hai người cũng không được ổn lắm.
“Cậu biết bọn con gái thế nào rồi,” hắn nói. “Đến tuổi hai mươi hoặc hai mốt là đùng một cái chúng bắt đầu nẩy sinh những ý tưởng rất cụ thể. Chúng trở thành siêu thực tế. Và khi chuyện ấy diễn ra thì bao nhiêu những thứ đáng yêu và thật mê li của chúng trước đây bỗng thành ra tầm thường và buồn nản. Bây giờ mỗi lần tớ gặp cô ta, mà nhất là sau khi vừa mới ngủ với nhau xong, cô ta lại hỏi “Thế anh tính sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp”
“Ừ, thế cậu tính sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp” Tôi hỏi hắn.
Mồm nhai cá khô nướng, hắn lắc đầu. “Tớ làm gì được? Tớ học vẽ sơn dầu! Cứ nghĩ những chuyện như vậy thì không ai còn muốn học vẽ sơn dầu nữa! Làm cái đó không nuôi được miệng mình. Thế là cô ấy sẽ bảo “Sao anh không về Nagasaki làm thày giáo dạy vẽ” Cô ấy tính sẽ làm cô giáo dạy tiếng Anh.”
“Cậu không còn mê cô ấy như trước nữa, đúng không?”
“Có thế nói gọn là như thế,” Itoh thú nhận. “Có ai dưới gầm trời này muốn làm thầy dạy vẽ cơ chứ? Tớ sẽ không phí cả cuộc đời khốn nạn này của tớ vào việc dạy lũ khỉ đột nhóc con học vẽ đâu!”
“Chuyện ấy là một nhẽ,” tôi nói. “Nhưng cậu nghĩ bắt buộc phải cắt đứt với cô ta à? Vì cả cậu lẫn cô ấy mà cậu phải làm thế à?”
“Đúng thế. Nhưng tớ không biết phải nói với cô ta ra sao. Cô ấy tính ăn đời ở kiếp với tớ rồi. Nói cái mẹ gì được đây” Chẳng nhẽ bảo “Này, mình phải chia tay thôi, anh không còn thích em nữa rồi.”
Chúng tôi uống Chivas chay, không pha nước đá, và khi ăn hết cá nướng thì chúng tôi thái ít dưa chuột với cần tây và ăn chấm tương xì-dầu. Khi rau ráu nhai dưa, tôi nghĩ đến ông bố Midori và chợt thấy đời thật buồn tẻ vô vị khi không có cô, và ý nghĩ ấy khiến tôi buồn khủng khiếp Midori đã thành một hiện diện khổng lồ trong lòng tôi mà tôi không biết.
“Có bồ gái chưa?” Itoh hỏi.
“Rồi,” tôi nói, và một lúc sau lại thêm “nhưng tớ không thể ở bên cô ấy lúc này.”
“Nhưng các cậu hiểu tình cảm của nhau chứ hả?”
“Tớ cũng muốn nghĩ thế. Nếu không thì còn nghĩa lí quái gì nữa” Tôi nói và chặc lưỡi.
Itoh thấp giọng nói về sự vĩ đại của Mozart. Hắn biết về Mozart từng li từng tí, như một cậu bé miền núi thuộc các lối mòn vậy. Ông bố hắn yêu âm nhạc và đã cho hắn tiếp xúc với âm nhạc từ hồi còn bé xíu. Tôi không biết nhiều về nhạc cổ điển, nhưng khi nghe bản công-xéc-tô này của Mozart và những lời bình phẩm say sưa và sắc sảo của Itoh: “Đấy – đoạn ấy”, “Chỗ đấy mới gọi là khiếp chứ!”, tôi cảm thấy như lần đầu tiên trong cả quãng tháng ngày triền miên tôi đã thấy mình được yên bình trở lại. Chúng tôi ngắm vành trăng khuyết lửng lơ trên công viên Inokashira và uống chai Chivas Regal cho đến giọt cuối cùng. Món whisky ấy mới gọi là tuyệt tác.
Itoh nói tôi có thể ngủ lại, nhưng tôi nói mắc mấy việc phải làm, cám ơn hắn đã cho uống whisky và ra về lúc sắp chín giờ. Trên đường về tôi vào một trạm điện thoại gọi cho Midori, và thật ngạc nhiên khi chính cô nhấc máy.
“Xin lỗi,” cô nói, “nhưng bây giờ tớ không muốn nói chuyện với cậu.”
“Tớ biết, tớ biết. Nhưng tớ không muốn chúng mình phải chấm dứt như thế này. Cậu là một trong số rất ít bạn mà tớ có, và không được gặp cậu tớ thực sự khổ sở. Lúc nào thì tớ mới có thể nói chuyện với cậu? Ít nhất thì cậu cũng cho tớ biết thế đã chứ?”
“Lúc mà tớ thấy thích,” cô nói.
“Cậu khỏe không?” tôi hỏi.
“Khỏe,” cô nói, rồi gác máy.
***
Giữa tháng Năm thì có thư của Reiko.
Cám ơn cậu đã viết thường xuyên như vậy. Naoko thích đọc thư cậu lắm. Cả tôi nữa. Cậu không phiền là tôi cũng đọc chứ, phải không nào?
Tôi xin lỗi đã rất lâu rồi mới trả lời cậu được. Nói thật với cậu, thời gian qua tôi cũng mệt mỏi Iắm, và cũng chẳng có tin gì vui để báo cho cậu. Tình hình Naoko không được tốt. Hôm trước mẹ cô ấy có từ Kobe đến đây.
Bốn chúng tôi – bà ấy, Naoko, ông bác sĩ và tôi đã có một cuộc nói chuyện rất dài và chúng tôi đi đến kết luận là Naoko nên được chuyển đến một bệnh viện chuyên khoa điều trị cấp tập một thời gian rồi sau đó lại có thể trở lại đây tuỳ theo kết quả điều trị. Naoko nói muốn ở lại đây và sẽ cố khỏe lại, mà tôi cũng sẽ rất nhớ và lo cho cô ấy, nhưng thực tế là càng ngày càng khó kiểm soát được cô ấy ở đây. Phần lớn thời gian cô ấy vẫn không sao, nhưng có những lúc cô ấy xúc động cực kì thất thường, và chúng tôi không thể rời mắt khỏi cô ấy một phút nào. Không thể biết được cô ấy sẽ làm gì. Khi cô ấy rơi vào tình trạng căng thẳng với những giọng nói vang lên trong đầu kia, cô ấy hoàn toàn khép mình lại và lún sâu trong đó.
Chính vì thế mà cả tôi nữa cũng phải đồng rằng tốt nhất là Naoko nên được điều trị một thời gian ở một cơ sở thích hợp. Tôi ghét phải nói thế, nhưng quá tình chúng tôi chỉ có thể làm vậy. Như tôi đã nói với cậu một lần trước đây, bệnh nhân là quan trọng nhất.
Chúng tôi phải tiếp tục lần mò những sợi chỉ rối, lần lượt từng sợi một, và không được mất hy vọng. Cho dù tình trạng của cô ấy có vẻ vô vọng đến mấy, chúng tôi vẫn nhất định, không sớm thì muộn, phải tìm thấy cái sợi chỉ tuột kia. Nếu cậu ở trong một nơi tối mịt, cậu chỉ có thể ngồi im cho đến lúc mắt cậu quen dần với bóng tối.
Khi cậu nhận thư này thì chắc Naoko đã được chuyển đến cái bệnh viện kia rồi. Tôi xin lỗi đã đợi đến lúc có quyết định chính thức rồi mới viết cho cậu, nhưng mọi việc diễn ra nhanh quá. Bệnh viện mới rất tốt, có bác sĩ giỏi. Tôi sẽ cho cậu địa chỉ ở dưới thư, cậu hãy viết cho Naoko về địa chỉ đó. Họ cũng sẽ thông báo cho tôi về tình hình của cô ấy, có gì tôi cũng sẽ cho cậu biết. Hy vọng ta sẽ có tin vui. Tôi biết chuyện này làm cậu khổ sở lắm, nhưng xin cậu đừng mất hy vọng. Và dù Naoko có không ở đây nữa, làm ơn thỉnh thoảng viết cho tôi vài dòng nhé.
Tạm biệt.
Mùa xuân ấy tôi viết không biết bao nhiêu là thư: mỗi tuần một lần cho Naoko, nhiều lần cho Reiko, và nhiều nữa cho Midori. Tôi viết thư trong giảng đường, tôi viết thư ở bàn học ở nhà với con Hải âu cuộn tròn trong lòng, tôi viết thư ở những bàn chưa có khách trong tiệm ăn Ý khi nghỉ giải lao. Dường như tôi viết thư để cố giữ lại nhưng mảnh vụn của cuộc đời đã tan vớ của mình.
Tôi viết cho Midori: Tháng Tư, tháng Năm là hai tháng cô đơn đâu khổ vì tớ không thể nói chuyện được với cậu. Tớ chưa bao giờ biết rằng mùa xuân lại có thể cô đơn và đau khổ đến thế. Thà có ba tháng Hai còn hơn một mùa xuân như thế này. Tớ biết nói bây giờ là quá muộn rồi, nhưng kiểu tóc mới của cậu hợp với cậu lắm. Thật là xinh. Hiện tớ đang làm ở một quán ăn Ý, và ông bếp dạy tớ tớ một cách làm món mì ống rất ngon. Tớ thích được làm món ấy cho cậu ăn.
Tôi đến trường hàng ngày, đi làm ở quán ăn ba lần một tuần, chuyện trò với Itoh về sách vở và âm nhạc, đọc vài cuốn tiểu thuyết của Boris Vian mà hắn cho tôi mượn, viết thư, chơi với Hải âu, làm món mì ống, chăm nom khu vườn, thủ dâm trong lúc nghĩ đến Naoko, và xem rất nhiều phim.
Gần giữa tháng Sáu, Midori mới bắt đầu nói chuyện với tôi. Hai đứa đã không nói gì với nhau trong hai tháng liền. Sau một buổi học, cô đến ngồi cạnh tôi, chống tay tựa cằm, và cứ ngồi không nói gì cả. Bên ngoài trời đang mưa – một trận mưa vào mùa như trút nước thẳng từ trời xuống và không có tí gió nào, làm ướt đẫm mọi thứ ở dưới đất. Rất lâu sau khi mọi người đã lục tục ra hết khỏi lớp Midori vẫn ngồi cạnh tôi không nói năng gì. Rồi cô lấy một bao Marlboro trong túi quần bò ra, đặt một điếu lên môi, và đưa cho tôi bao diêm. Tôi đánh một que châm điếu thuốc cho cô. Midori dẩu mỏ thổi một đám khói thuốc lá vào mặt tôi.
“Thích kiểu tóc tớ không?” Cô hỏi.
“Rất hay.”
“Hay đến mức nào?”
“Đến mức làm đổ sạch cây cối của tất cả rừng rú trên gian này.”
“Cậu nghĩ thế thật chứ?”
Cô nhìn tôi một hồi lâu, rồi đưa bàn tay phải ra cho tôi. Tôi nắm lấy nó. Tôi nghĩ cô đã làm lành với tôi thật rồi, nhưng trông cô còn nhẹ nhõm vui vẻ hơn thế. Cô búng tàn thuốc xuống sàn nhà rồi đứng lên.
“Mình đi ăn đi. Tớ đói ngấu rồi,” cô nói.
“Cậu muốn đi đâu?” tôi hỏi.
“Đến tiệm ăn của nhà hàng bách hoá Takashimaya ở Nihonbashi.”
“Sao lại chọn chỗ ấy?”
“Thỉnh thoảng tớ thích đến đó, vậy thôi.”
Thế là chúng tôi lấy tàu điện ngầm đi đến Nihonbashi. Cửa hàng gần như không có khách, có thể vì trời đã mưa suốt sáng hôm đó. Toàn bộ không gian rộng như một hang động lớn của cửa hàng bách hoá thấm đẫm mùi mưa, và người làm thì ai cũng mang cái vẻ mặt kiểu ta-làm-gì-bây-giờ-đây. Midori với tôi xuống tiệm ăn dưới tầng hầm. Sau khi đã xem kĩ những món ăn mẫu làm bằng nhựa bày ở cửa sổ, cả hai chúng tôi đều quyết định sẽ nhặt mấy món ăn trưa nguội cổ truyền có cơm, dưa muối, cá nướng, tôm rán bột và gà nướng xì-dầu. Tiệm ăn vắng về mặc dù đang giờ ăn trưa.
“Trời đất, lâu lắm mới lại ăn trưa trong cửa hàng bách hoá như thế này,” tôi nói to ý nghĩ trong đầu, nhấp trà xanh trong một cái cốc sứ trắng điệu đà chỉ có thể thấy ở một tiệm ăn trong cửa hàng bách hoá.
“Tớ thích làm những chuyện như thế này,” Midori nói. “Tớ không biết, nhưng nó cho tớ một cảm giác là tớ đang làm cái gì đó đặc biệt. Có thể nó làm tớ nhớ lại hồi còn bé. Bố mẹ tớ hầu như không bao giờ cho tớ đến bách hoá cả.”
“Còn tớ thì lại ngờ là bố mẹ tớ chỉ biết mỗi việc ấy. Mẹ tớ mê bách hoá lắm.”
“May mắn thế còn gì!”
“Cậu nói gì vậy? Tớ chẳng thích đi bách hoá tí nào.”
“Không, tớ muốn nói là họ đã chăm chút cậu, cho cậu đi chỗ này chỗ nọ.”
“À, thì tớ là con độc mà,” tôi nói.
“Hồi còn bé tớ thường mơ lúc lớn lên sẽ đi một mình vào một tiệm ăn bách hoá và thích gì ăn nấy. Mơ thế có chán không! Có gì vui trong việc tọng cơm đầy mồm một mình ở một chỗ như thế này cơ chứ! Đồ ăn thì có ngon gì lắm, chỉ được cái to tát đông đúc ngột ngạt ầm ĩ. Ấy thế mà lâu lâu tớ lại nghĩ đến chuyện đến đây đấy”
“Hai tháng vừa rồi tớ cô đơn quá,” tôi nói.
“Ừ, tớ biết. Cậu kể trong thư rồi,” Midori nói, giọng bàng quan. “Thôi, ăn đi. Bây giờ tớ chỉ nghĩ chuyện ăn thôi.”
Chúng tôi chén sạch mọi món rán, nướng, và muối trong các ngăn nho nhỏ của hộp cơm hình bán nguyệt bằng sơn mài, húp hết súp trong bát cũng bằng sơn mài kiểu cách, và uống trà xanh trong cốc sứ trắng. Midori tiếp tục với món thuốc lá. Khi đã hút xong điếu thuốc, cô lẳng lặng đứng lên và cầm lấy cái ô. Tôi cũng đứng lên và cầm lấy cái ô của mình.
“Bây giờ thì cậu muốn đi đâu?” tôi hỏi.
“Tất nhiên là lên tầng thượng. Đã ăn ở bách hoá là phải thế?”
Không có ai trên tầng thượng dưới trời mưa, gian hàng chó mèo chim cá không có cả người phục vụ, và các kiốt cũng như quầy vé đủ quay trẻ em thì đều đóng kín cửa. Chúng tôi giương ô và lang thang giữa những ngựa gỗ, ghế ngồi và quầy hàng ngoài trời ướt sũng. Không thể tưởng tượng là ngay giữa Tokyo lại có một chỗ vắng ngắt đến như vậy. Midori nói muốn nhìn ống nhòm, nên tôi bỏ một đồng xu vào đó và giữ cái ô cho cô trong lúc cô nheo mắt nhìn vào ống kính.
Ở một góc sân thượng có khu vui chơi có mái che với một dãy con thú cho trẻ em cưới. Midori với tôi ngồi cạnh nhau trên một cái bục và nhìn trời mưa.
“Nào nói đi,” Midori nói. “Tớ biết là cậu có điều gì muốn nói với tớ.”
“Tớ không định phân bua đâu,” tôi nói, “nhưng lúc đó tớ thật sự trầm cảm. Óc tớ mù mịt hết cả. Tớ chẳng nhận ra được chuyện gì. Nhưng khi đã không thể gặp cậu nữa thì tớ nhận ra được một điều thật rõ ràng rành mạch. Tớ nhận ra rằng tớ đã sống được đến lúc ấy là vì tớ có cậu trên đời. Khi mất cậu, tớ mới thực sự thấy cô đơn và khổ sở.”
“Thế cậu có biết rằng không có cậu trong hai tháng qua tớ cũng đã cô đơn và khổ sở thế nào không?”
Câu nói ấy làm tôi hoàn toàn bất ngờ.
“Không,” tôi nói. “Tớ không bao giờ nghĩ đến chuyện ấy. Tớ tưởng cậu chỉ giận tớ và không muốn thấy tớ nữa.”
“Sao cậu lại có thể ngốc thế được? Tất nhiên là tớ muốn gặp cậu? Tớ đã bảo cậu là tớ thích cậu đến thế kia mà! Khi tớ đã thích ai thì tức là tớ thực sự thích người ấy. Với tớ, chuyện ấy không phải là chuyện lúc có lúc không. ít nhất thì cậu cũng phải hiểu được ngần ấy về tớ chứ?”
“Ờ chắc chắn rồi, nhưng.”
“Chính thế mà tớ mới phát điên lên với cậu! Tớ chỉ muốn đá cho cậu một cú nên thân vào đít! Thế này nhé, chúng mình đã bao lâu không gặp nhau, thế mà lúc gặp thì cậu cứ mơ mơ màng màng đến cô gái kia đến mức chẳng thèm nhìn tớ lấy một cái! Làm sao mà không tức cho được! Nhưng ngoài chuyện ấy ra, tớ cũng đã cảm thấy từ lâu lâu rằng có lẽ tớ phải xa cậu một thời gian. Để mọi chuyện rõ ràng ra trong đầu tớ đã.”
“Những chuyện gì thế?”
“Thì quan hệ của chúng mình chứ còn chuyện gì nữa! Tớ đã đến mức thích ở bên cậu hơn là bên anh ấy. Cậu không thấy có cái gì lạ lẫm trong chuyện ấy sao? Không khó hay sao? Tất nhiên là tớ vẫn thích anh ấy. Anh ấy hơi vị kỉ và hẹp hòi và hơi phát xít, nhưng anh ấy có rất nhiều ý kiến hay, và anh ấy là người đàn ông đầu tiên mà tớ có tình cảm nghiêm chỉnh. Còn cậu, trời ạ, cậu rất đặc biệt đối với tớ. Khi ở bên cậu tớ thấy có cái gì đó thật vừa vặn. Tớ tin tưởng cậu. Tớ thích cậu. Tớ không muốn mất cậu. Càng ngày tớ càng hoang mang, và tớ tìm anh ấy để hỏi xem tớ phải làm gì. Anh ấy bảo tớ không được gặp cậu nữa. Anh ấy nói nếu tớ cứ tiếp tục gặp cậu thì tớ phải cắt đứt với anh ấy.”
“Thế cậu đã làm gì?”
“Tớ đã cắt đứt với anh ấy. Đơn giản vậy đấy.”
Midori đặt một điếu Marlboro lên môi, lấy tay che khi châm lửa, và rít một hơi dài.
“Tại sao?”
“Tại sao?” Cô gào lên. “Cậu điên rồi phải không? Cậu biết giả định thức tiếng Anh, cậu hiểu môn lượng giác, cậu đọc được Các Mác, mà cậu không biết câu trả lời cho một việc đơn giản đến thế ư? Sao cậu lại còn phải hỏi nữa chứ? Sao cậu có thể bắt một cô gái phải nói ra như thế này? Tớ thích cậu hơn thích anh ấy, chỉ có thế thôi. Tớ ước mình yêu được ai đó đẹp trai hơn một tí, tất nhiên rồi. Nhưng mà không được. Tớ đã phải lòng và yêu cậu mất rồi!”
Tôi định nói, nhưng thấy ngôn từ nghẹn hết lại trong cổ.
Midori ném điếu thuốc xuống một vũng nước.
“Cậu làm ơn bỏ bộ mặt ấy đi được không? Cậu sẽ làm tớ khóc mất. Đừng lo, tớ biết cậu đang yêu ai đó. Tớ không mong đợi ở cậu điều gì. Nhưng ít nhất thì cậu cũng có thể ôm tớ một cái. Đã hai thảng ròng tớ khổ sở rồi đây.”
Tôi giương ô lên, và hai đứa vào đằng sau khu trò chơi ôm riết lấy nhau. Thân thể chúng tôi quấn chặt lấy nhau, và mỗi chúng tôi tìm đến nhau. Mùi mưa bám trên tóc và chiếc áo ngoài bằng vai bò của cô. Thân thể con gái thật mềm mại và ấm áp! Tôi có thể cảm thấy cặp vú cô ép đầy vào ngực tôi qua cả hai lần quần áo. Đã bao nhiêu lâu rồi kể từ lần cuối cùng rồi được tiếp xúc bằng thân xác với một con người”
“Hôm tớ gặp cậu lần cuối, đêm ấy tớ đã nói chuyện với anh ấy, và chúng tớ đã cắt đứt với nhau,” Midori nói.
“Tớ yêu cậu,” tôi nói với cô. “Từ tận đáy lòng. Tớ sẽ không bao giờ để cậu đi mất nữa. Nhưng tớ không thể làm được gì. Tớ không thể động cựa gì được.”
“Vì cô ấy ư?”
Tôi gật đầu.
“Nói đi, cậu đã ngủ với cô ấy chưa?
“Một lần. Một năm trước đây.”
“Và từ đó cậu chưa gặp lại cô ấy ư?”
“Tớ đã gặp, hai lần. Nhưng chúng tớ không làm gì.”
“Tại sao không? Cô ấy không yêu cậu ư?”
“Rất khó nói. Sự việc rất phức tạp. Và lẫn lộn. Và đã thế rất lâu rồi, tớ không còn biết gì vào với gì nữa. Và cô ấy cũng thế. Nhưng tớ chỉ biết rằng tớ có một thứ trách nhiệm trong tất cả những chuyện này với tư cách một con người, và tớ không thể cứ thế rũ bỏ nó được. Ít nhất thì đó là tình cảm của tớ hiện nay. Ngay cả nếu cô ấy không yêu tớ.”
“Để tớ nói cậu nghe nhé, Watanabe,” Midori nói, nép má vào cổ tôi. “Tớ là một đứa con gái có thực và đang sống, với dòng máu sinh động có thực đang chảy ào ạt trong người. Cậu đang ôm tớ trong tay và tớ đang nói với cậu rằng tớ yêu cậu. Tớ sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì cậu bảo tớ làm. Có thể tớ hơi điên, nhưng tớ là một cô gái ngoan, trung thực, và tớ chăm chỉ, tớ cũng xinh xắn, tớ có vú đẹp, tớ nấu bếp giỏi, và bố tớ để lại cho tớ cả một quỹ tiền tiết kiệm. Tớ muốn nói rằng tớ là cả một món hời đấy, cậu không thấy sao? Nếu cậu vẫn không chấp nhận thì tớ sẽ đi tìm chỗ khác.”
“Tớ cần thêm thời gian,” tôi nói. “Tớ cần thời gian suy nghĩ và thu xếp mọi chuyện, và quyết định mấy việc nữa. Tớ xin lỗi, nhưng hiện nay tớ chỉ có thể nói vậy được thôi.”
“Thôi được rồi, nhưng cậu thực sự yêu tớ từ đáy lòng, đúng không? Và cậu không bao giờ muốn để tớ đi mất nữa, đúng không?”
“Tớ đã nói thế, và tớ nói thật lòng.”
Midori rời tôi ra với một nụ cười trên mặt. “Ôkê, tớ sẽ đợi! Tớ tin cậu,” cô nói. “Nhưng khi cậu chấp nhận tớ, thì là chỉ có tớ thôi đấy. Và khi cậu ôm tớ trong tay, cậu sẽ chỉ nghĩ đến tớ thôi đấy. Rõ chưa nào?”
“Tớ hiểu chính xác như vậy.”
“Tớ không cần biết cậu sẽ làm gì tớ, nhưng tớ không muốn cậu làm tớ phải đau khổ. Tớ đã đủ đau khổ ở đời này rồi. Quá đủ rồi. Bây giờ tớ muốn hạnh phúc.”
Tôi kéo cô lại và hôn lên miệng cô.
“Vứt cái ô khốn kiếp ấy đi và ôm tớ cả hai tay – chặt vào!” cô nói.
“Nhưng chúng mình sẽ ướt sũng mất!”
“Thì đã sao? Tớ muốn cậu đừng nghĩ ngợi gì nữa và ôm lấy tớ thật chặt! Tớ đã mong mỏi có thế thôi trong suốt hai tháng rồi!”
Tôi bỏ cái ô xuống và ôm riết lấy cô dưới mưa.
Tiếng xe chạy ầm ì ngoài xa lộ bao bọc lấy chúng tôi như một biển sương mù. Mưa rơi không ngớt, không một tiếng động, ướt sũng hết tóc cô và tóc tôi, chảy như nước mắt xuống má hai đứa, xuống cái áo bò của cô và cái áo vét nilông vàng của tôi, loang lổ sẫm xịt.
“Bây giờ thì chúng mình lại xuống dưới kia nhé?” tôi nói.
“Về nhà tớ đi. Ở nhà không có ai. Như thế này thì cả hai đứa cảm lạnh mất.”
“Đúng thế?”
“Cứ như vừa bơi qua cả một con sông,” Midori nói, miệng mỉm cười. “Sướng ơi là sướng”
Chúng tôi mua một cái khăn bông rõ to ở gian bán vải rồi thay nhau vào nhà tắm lau khô đầu tóc. Rồi chúng tôi lấy tàu điện ngầm, mua vé chạy suốt, đến nhà cô ở Myogadani. Midori để tôi tắm hương sen trước, cô tắm sau. Lúc đưa cho tôi mượn bộ áo ngủ để mặc chờ quần áo khô cô đã thay sang một cái sơ-mi polo và mặc váy rồi.
Chúng tôi ngồi ở bàn trong bếp uống cà-phê.
“Kể cho tớ nghe về cậu đi nào,” Midori nói.
“Cái gì về tớ bây giờ”
“Hừmmm, tớ không biết, cậu ghét những gì?”
“Thịt gà, bệnh phong tình, và mấy ông cắt tóc nói nhiều.”
“Còn gì nữa?
“Những đêm tháng Tư cô đơn và những miếng đăng ten phủ điện thoại.”
“Gì nữa.”
Tôi lắc đầu. “Tớ không thể nghĩ thêm được cái gì nữa.”
“Bồ tớ, nghĩa là cựu-bồ tớ, thì có đủ thứ để ghét. Như lúc tớ mặc váy quá ngắn này, hay lúc tớ hút thuốc này, hoặc mới uống một tí đã say này, nói cái gì kinh tởm này, hay là dám chỉ trích bạn bè của anh ấy. Nên nếu tớ có cái gì cậu không thích thì cậu cứ việc bảo tớ, tớ sẽ sửa nếu có thể được.”
“Tớ không thể tìm được gì,” tôi nói sau khi đã nghĩ một lúc. “Chẳng có gì cả”
“Thật chứ?”
“Tớ thích tất cả những thứ cậu mặc, và tớ thích những cái cậu làm cậu nói và lối cậu đi và cả lối say rượu của cậu nữa. Mọi thứ.”
“Cậu muốn nói là tớ cứ như thế này là thực sự ôkê phải không?”
“Tớ không biết cậu có thể thay đổi thế nào, còn thì tốt nhất là cậu thế nào thì cứ như vậy thôi.”
“Cậu yêu tớ đến mức nào?” Midori hỏi.
“Đủ để toàn bộ hổ báo trên thế giới phải chảy ra thành bơ hết,” tôi nói.
“Phét đến thế là cùng,” cô nói, hơi có chút mãn nguyện. “Cậu lại ôm tớ nhé!”
Chúng tôi lên giường cô và ôm nhau, hôn nhau trong tiếng mưa rơi. Rồi chúng tôi nói đủ mọi thứ chuyện, từ hình thức tổ chức đại học cho đến y thích của chúng tôi trong chuyện trứng luộc rắn mềm thế nào.
“Không biết bọn kiến làm gì trong những ngày mưa nhỉ?” Midori nói.
“Tớ chịu chết,” tôi nói. “Chúng chăm chỉ lắm, nên có thể cả ngày mưa sẽ dọn dẹp nhà cửa hoặc thu vén kho tàng gì đấy.”
“Nếu chúng chăm chỉ làm việc như vậy, sao chúng không tiến hoá nhỉ? Chúng cứ như thế mãi mãi à?”
“Tớ không biết,” tôi nói. “Có thể cấu trúc cơ thể của chúng không thích hợp để tiến hoá, như so với bọn khỉ chẳng hạn.”
“Ê, Watanabe, có khối thứ cậu không biết đấy nhé. Tớ cứ tưởng cái gì cậu cũng biết.”
“Thế giới ngoài kia mênh mông lắm mà,” tôi nói.
“Núi cao, biển sâu,” Midori nói. Cô thò tay vào trong lần áo ngủ trên người tôi và nắm lấy cái cương cứng của tôi. Rồi, với một tiếng nấc nghẹn ngào, cô nói “Watanabe, không đùa đâu nhé, thế này thì không được đâu. Tớ sẽ không thể cho cái củ to và cứng đến thế này vào trong người tớ được. Không thể được.”
“Cậu chỉ nói đùa,” tôi nói và thở dài.
“Ô, cô nói, cười khúc khích. “Đừng lo. Sẽ ổn thôi. Tớ chắc nó sẽ vừa khít đấy. Ê, cho tớ nhìn tí được không?”
“Cứ tự nhiên.”
Midori rúc xuống dưới chăn và mò mẫm tôi khắp cả ở dưới ấy, kéo căng da, nâng nhấc trong lòng bàn tay như muốn xem cái bị nặng bao nhiêu. Rồi cô thò đầu ra và thở dài. “Tớ mê nó quá!” cô nói. “Không nịnh đâu! Tớ thực sự mê nó!”
“Cám ơn cậu,” tôi nói với một lòng biết ơn giản dị.
“Nhưng Watanabe này, thực là cậu không muốn làm chuyện ấy với tớ phải không – cho đến khi nào chuyện kia ngã ngũ xong xuôi đã phải không?”
“Làm gì có chuyện tớ không muốn,” tôi nói. “Tớ đang muốn đến phát điên lên đây. Chỉ tội là làm thế chẳng nên chẳng phải chút nào.”
“Cậu ương bướng đến thế kia à! Nếu là cậu, tớ hãy cứ làm cái đã – rồi thì nghĩ sau.”
“Cậu sẽ thế ư?”
“Chỉ đùa thôi,” Midori nói bằng một giọng rất nhỏ. “Có thể tớ cũng sẽ không làm thế đâu, nếu tớ là cậu. Và đó là cái mà tớ mê ở cậu. Tớ yêu cậu, yêu cậu thực sự, cũng là vì cái đó.”
“Cậu yêu tớ đến mức nào?” tôi hỏi, nhưng cô không đáp. Cô chỉ nép sát vào tôi, đặt môi lên ngực tôi và bắt đầu chuyền dịch bàn tay đang ôm chặt lấy tôi ở dưới kia.
Ý nghĩ đầu tiên đến với tôi là cách đưa tay của Naoko thật khác biết bao nhiêu. Cả hai đều nhẹ nhàng và tuyệt diệu, nhưng có cái gì đó thật khác giữa cách làm của hai người, nên tôi có cảm giác thật sự như đây là một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ.
“Ê Watanabe, tớ cuộc là cậu lại đang nghĩ đến cô kia phải không?”
“Không phải,” tôi nói dối.
“Thật chứ?”
“Bởi vì tớ sẽ rất ghét chuyện đó đấy.”
“Tớ không thể nghĩ đến một ai khác nữa,” tôi nói.
“Có muốn sờ vú tớ, hay dưới này không?” Midori hỏi.
“Ôi chao ơi, tớ muốn lắm chứ, nhưng có lẽ không nên. Nếu mình làm đủ thứ như thế một lúc thì tớ sẽ không chịu nổi đâu.”
Midori gật đầu và lùng tùng dưới chăn, tụt quần lót ra và giữ nó ngay sát đầu dương vật tôi.
“Cậu có thể cho ra đây vậy,” cô nói.
“Nhưng mà bẩn hết mất.”
“Thôi ngay đi có được không? Cậu lại làm tớ khóc mất,” Midori nói như chực oà lên thật. “Tớ chỉ việc giặt nó chứ có sao đâu. Đừng nhịn nữa, cứ cho ra hết đi. Nếu cậu ấy náy về cái quần lót này thì đi mua cho tớ cái mới. Hay là cậu không ra được chỉ vì nó là quần của tớ”
“Làm gì có chuyện ấy,” tôi nói.
“Vậy thì alê, ra đi nào.”
Khi tôi đã xong, Midori nhìn kĩ đám tinh dịch của tôi “Uao! Nhiều thật đấy!”
“Quá nhiều ư?”
“Không, ôkê mà, đồ ngốc. Ra cho hết đi nào,” cô nói với một nụ cười. Rồi hôn tôi.
Chiều tối, Midori ra mua vài thứ ở quanh đấy và làm bữa tối. Chúng tôi ăn tôm rán bột với cơm trắng và đậu ván tươi ở bàn trong bếp, và lùa hết chúng xuống bằng bia.
“Ăn thật nhiều và có thật nhiều tinh dịch vào,” Midori nói. “Rồi tớ sẽ ngoan và giúp cậu dọn sạch nó cho.”
“Rất cảm ơn,” tôi nói.
“Tớ biết đủ kiểu để làm việc ấy. Tớ học được từ các tạp chí phụ nữ hồi còn hiệu sách ở nhà. Một lần họ ra số đặc biệt chỉ nói về vấn đề phải chăm sóc chồng ra sao để ông ta không lừa dối mình khi mình có mang và không thể làm tình được. Có hàng tấn phương pháp. Có muốn thử không nào?”
“Sốt ruột lắm rồi đây,” tôi nói.
Sau khi tạm biệt Midori, tôi mua một tờ báo ở ga tàu điện, nhưng khi mở nó ra trên tàu tôi mới thấy là mình không muốn đọc báo tí nào và thực sự là không thể hiểu được tờ báo ấy đang nói gì. Tôi vẫn dán mắt vào trang báo nhưng đầu óc chỉ quanh quẩn với câu hỏi từ nay đời tôi còn có chuyện gì nữa đây và mọi thứ xung quanh tôi sẽ còn thay đổi như thế nào. Hình như thỉnh thoảng tôi lại cảm thấy được mạch đập rộn ràng của thế giới xung quanh. Tôi thở dài thật sâu và nhắm mắt lại. Đối với những việc tôi đã làm ngày hôm đó, tôi không thấy một chút ân hận nào; tôi biết chắc rằng nếu tôi phải làm lại từ đầu, tôi vẫn sẽ sống lại ngày hôm đó hệt như thế. Tôi sẽ ôm chặt Midori trên tầng thượng dưới trời mưa; tôi sẽ để mình bị ướt sũng cùng với cô, và tôi sẽ để những ngón tay cô đem tôi lên cực cảm trên chiếc giường ấy. Tôi không nghi ngờ gì những chuyện đó. Tôi yêu Midori, và tôi thật hạnh phúc là cô đã trở lại. Như chính Midori đã nói, cô là một cô gái sống động có thực và tràn đầy máu nóng trong người, và cô đang đặt cả tấm thân ấm áp của cô vào tay tôi. Đã phải cố hết sức tôi mới kiềm chế được cơn thèm muốn bạo liệt được lột cô trần trụi, được mở toang tấm thân ấy và đắm chìm mình vào cõi miền ấm áp ấy. Tôi không có cách gì giữ cô lại được một khi cô đã cầm lấy tôi và đưa tay lên xuống như thế. Tôi đã muốn cô làm thế, cô cũng đã muốn làm thế, và chúng tôi đang yêu nhau. Ai có thể ngăn chặn một việc như vậy? Đúng rồi, tôi đã yêu Midori. Và có thể tôi đã biết thế từ lâu rồi. Tôi chỉ né tránh không dám kết luận như vậy bấy lâu nay mà thôi.
Vấn đề là tôi không thể giải thích những chuyển biến mới này cho Naoko. Việc này lúc nào cũng khó, nhưng đặc biệt hiện nay, khi Naoko còn đang trong tình trạng như vậy, thì không cách gì để tôi có thể nói với nàng rằng tôi đã phải lòng một cô gái khác. Và ngoài ra, tôi vẫn yêu Naoko. Tình yêu ấy có thể méo mó thật, nhưng tôi vẫn yêu nàng. Ở một nơi nào đó trong tôi vẫn còn có một khoảng không gian rộng lớn và khoáng đạt, chưa ai động đến, chỉ để dành riêng cho Naoko.
Một việc tôi có thể làm là viết cho Reiko và trung thực nói hết mọi chuyện. Về đến nhà, tôi ngồi ngoài hiên ngắm mưa rơi như trút xuống vườn ban đêm và chắp nối câu chứ trong đầu. Rồi tôi vào bàn viết lá thư ấy. Tôi tưởng như mình không thể chịu đựng nổi khi phải viết một bức thư như thế này cho chị, tôi mở đầu. Tôi tóm tắt quan hệ của mình với Midori và giải thích chuyện đã xảy ra ngày hôm đó.
Tôi đã luôn yêu Naoko, và tôi vẫn yêu cô ấy. Nhưng giữa Midori và tôi lại tồn tại một cái gì đó như định mệnh. Nó có sức mạnh không thể cưỡng lại được và nhất định sẽ cuốn tôi đến tương lai. Cái mà tôi cảm thấy với Naoko là một tình yêu trong vắt, dịu dàng, và yên tĩnh vô cùng. Nhưng cái mà tôi có với Midori lại là một tình cảm khác hẳn. Nó đi theo ý riêng của nó, sống động và hít thở và phập phồng và lay động tôi cho đến tận cội rễ của bản thể. Tôi không biết phải làm gì. Tôi hoang mang rồi. Tôi sẽ không phân bua gì cho mình đâu, nhưng tôi tin chắc là mình đã sống chân thực như mình vẫn biết. Tôi chưa bao giờ nói dối ai, và bao năm nay vẫn luôn cẩn trọng không làm cho ai phải đau khổ. Vậy mà tôi thấy mình bị ném vào cái mê cung này đây. Sao lại cỏ thể thế được? Tôi không lí giải nổi. Tôi không biết mình phải làm gì. Reiko, chị có thể nói cho tôi biết được không? Chị là người duy nhất tôi có thể trông cậy để được khuyên bảo.
Ngay đêm đó tôi gửi bức thư đi theo đường phát chuyển đặc biệt.
Năm ngày sau đó tôi nhận được thư trả lời của Reiko, đề ngày mười bay tháng Sáu.
Cho tôi được bắt đầu bằng tin vui nhé. Naoko đã tiến bộ nhanh hơn mọi người tưởng rất nhiều. Tôi đã nói chuyện với cô ấy một lần qua điện thoại, và cô ấy nói năng rất rõ ràng rành mạch. Có thể chẳng mấy chốc mà cô ấy sẽ lại trở về đây.
Còn bây giờ đến chuyện cậu.
Tôi nghĩ cậu quá nghiêm trọng với mọi chuyện đấy. Yêu một người khác là một chuyện tuyệt vời, và nếu tình yêu ấy là chân thành, không ai cuối cùng lại bị ném vào mê cung cả. Cậu phải có thêm lòng tin vào bản thân mới được.
Lời khuyên của tôi với cậu rất đơn giản. Trước hết, nếu cậu bị con người Midori thu hút mạnh đến thế, chì chuyện cậu yêu cô ấy chỉ là điều rất tự nhiên. Nó có thể tiến triển tốt, cũng có thể không. Nhưng tình yêu là thế. Khi ta yêu, tự nhiên nhất là hãy thả hết mình cho nó. Tôi nghĩ thế đấy. Cũng là một dạng chân thực thôi mà.
Thứ hai, về chuyện cậu có nên làm tình với Midori hay không, thì cậu phải tự quyết định thôi. Tôi không thể nói gì được. Hãy bàn với Midori và tự tìm lấy kết luận, cái nào có lí nhất đối với cậu.
Thứ ba, đừng cho Naoko biết một tí gì về những chuyện này. Nếu mọi thứ tiến triển đến mức cậu bắt buộc phải nói với cô ấy, thì cậu và tôi sẽ cùng bàn cách làm sao cho tốt. Còn bây giờ thì đừng nói gì cả. Cứ để tôi lo.
Điều thứ tư tôi phải nói là cậu đã là một nguồn sức mạnh lớn lao cho Naoko, lớn đến mức ngay cả nếu cậu không còn những cảm xúc của một bạn tình đối với cô ấy nữa, cậu vẫn có thể làm được rất nhiều điều cho cô ấy. Cho nên đừng có ấp ủ mọi chuyện theo kiểu siêu-nghiêm-trọng như thế nữa. Tất cả chúng ta (tôi muốn nói là tất cả chúng ta ấy, cả bình thường lẫn không bình thường) đều là những con người bất toàn sống trong một thế giới bất toàn. Chúng ta không sống với sự chính xác cơ khí của một chương mục ngân hàng hoặc bằng cách đo đắn mọi đường nét và góc cạnh của chúng ta với thước dây và máy ngắm. Tôi nói thế có đúng không nào?”
Cảm giác riêng của tôi là Midori nghe chừng là một cô gái tuyệt vời đấy. Chỉ đọc thư cậu thôi tôi cũng có thể hiểu tại sao cậu bị cô ấy hấp dẫn đến thế. Và tôi cũng hiểu cả chuyện tại sao Naoko cũng hấp dẫn cậu nữa. Chẳng có tí gì là tội lỗi trong chuyện đó cả. Những chuyện như thế lúc nào chả diễn ra trong cái thế giới mênh mông này của chúng ta. Cũng giống như ta lấy thuyền chèo ra một cái hồ đẹp trong một ngày đẹp trời và cả trời cả nước đều đẹp tuyệt vời vậy. Cho nên cậu đừng có tự ăn thịt mình như thế nữa đi. Mọi chuyện sẽ đến nơi chúng phải đến nếu ta để cho chúng tự đi theo đường của mình. Dù cậu có cố mấy thì người ta vẫn cứ bị đau khổ khi đã đến lúc họ phải đau khổ. Đời là vậy. Tôi biết có vẻ như mình đang lên giọng giảng đạo trên nhà thờ, nhưng cũng đã đến lúc cậu phải học sống như vậy rồi. Cậu đã cố quá sức để bắt cuộc đời phải vừa khít theo cách sống của cậu.
Nếu không muốn phải vào nhà thương điên, cậu hãy cởi mở rộng rãi hơn một tí đi và hãy để cho mình trôi theo dòng chảy tự nhiên của cuộc đời. Tôi chỉ là một người đàn bà bất toàn bất lực, thế mà nhiều lúc tôi vẫn có thể tự nhủ rằng cuộc đời thật tuyệt diệu biết bao! Tin tôi đi, điều đó là thực đấy! Cho nên ngay giây phút này, cậu hay dừng hết những việc đang làm và hãy hạnh phúc ngay đi. Có làm thì làm cho mình được hạnh phúc ấy!
Không cần nói cậu cũng biết là tôi buồn thế nào khi thấy cậu và Naoko không thể cùng nhau đến được một bến bờ hạnh phúc. Nhưng có ai dám bảo chỉ thế mới là tốt đẹp nhất đâu! Cho nên cậu cần phải chộp lấy bất kì cơ hội hạnh phúc nào mà cậu có, và đừng áy náy vì người khác nhiều quá. Kinh nghiệm của tôi là chúng ta chỉ có độ hai hoặc ba cơ hội như thế trong đời, và nếu để lỡ thì sẽ phải ân hận cho đến chết vậy.
Ngày nào tôi cũng chơi ghi-ta mà chẳng có ai nghe. Có vẻ vô bổ quá. Tôi cũng chẳng thích những đêm mưa tối trời đâu. Hy vọng sẽ lại có cơ hội chơi ghi-ta và ăn nho với cậu và Naoko trong gian phòng này nữa.
A… thế đấy, hẹn thư sau.
Reiko Ishida.