Tháng chín ở Manhattan thật rực rỡ, và năm nay cũng không phải là ngoại lệ. Nhiệt độ đúng ở mức hai tư độ C, độ ẩm thấp, và trời xanh ngắt không một gợn mây. Quay lại thành phố sau một mùa hè náo nhiệt, thời tiết thế này lúc nào cũng gợi nhắc rằng những điều ngoạn mục có thể xảy ra và rằng sự hoành tráng ở ngay ngoài kia thôi. Không khí rộn ràng phấn khích, rồi một ngày, cả thành phố chuyển từ mơ ngủ sang cuồng loạn. Cảnh tượng những dòng xe cộ bò chậm chạp quen thuộc trên Đại lộ 6 và Park Avenues xuất hiện, không khí vo vo tiếng người nói chuyện trên điện thoại di động, và các nhà hàng đông nghẹt khách. Với cả nước, Ngày Lao động đánh dấu sự kết thúc của mùa hè và bắt đầu năm học mới. Nhưng ở New York, năm đích thực bắt đầu sau đó vài ngày, với truyền thống thiêng liêng nổi tiếng là Tuần lễ Thời trang.
Trên Đại lộ 6 sau Thư viện Công cộng, Công viên Bryant biến thành xứ sở thần tiên với những rạp trắng nơi diễn ra hàng chục show diễn thời trang. Bậc thềm được trải thảm đen lên tận cửa kiểu Pháp, và suốt cả tuần, những bậc thềm này chật kín sinh viên và các fan hâm mộ mong được thoáng nhìn thấy nhà thiết kế hay sao yêu thích của mình, những nhiếp ảnh gia người Nhật (mà ai cũng đồng tình là lịch sự hơn), đám paparazzi, nhân viên bảo vệ đeo míc và cầm điện đài xách tay, những cô P.R trẻ (lúc nào cũng vận đồ đen, mặt lo mày lắng), và đủ loại người lắm tiền đến tham dự hét vào điện thoại di động gọi lấy xe. Những chiếc town car đen đậu ba chiếc một hàng khắp lề đường, như thể một quốc tang đặc biệt quan trọng sắp sửa diễn ra. Nhưng phải ở trong những căn rạp thì cuộc sống mới gọi là huy hoàng và phấn khích bậc nhất.
Luôn có chừng năm sáu chương trình lớn mà người tham dự buộc phải giành chỗ nhờ vào tôn ty xã hội (hay đơn giản chỉ để nhắc mọi người rằng mình vẫn tồn tại). Và chương trình đầu tiên trong loạt sự kiện này là show của Victory Ford, diễn ra vào lúc bảy giờ tối thứ Năm đầu tiên trong Tuần lễ Thời trang. Sáu giờ bốn lăm, trong rạp là một nơi hỗn loạn được kiểm soát – có sáu đội quay camera, chừng một trăm nhiếp ảnh gia, và một đám fan hâm mộ thời trang, nhà báo thời trang, khách hàng, các sao ít nổi, đang háo hức đợi show diễn với sự mong đợi của đám đông trong đêm khai mạc. Một nhà báo thời trang trẻ ôm chú chó chồn nhỏ bị một cái máy quay đập vào gáy. Đôi xăng đan hiệu Jimmy Choo của ai đó bị một cô P.R đạp phải. Cô P.R này gần như chạy đè cả lên người cô kia để kịp tóm một vị khách quan trọng hơn. Tuy vậy, những người hy vọng thoáng được thấy một diễn viên điện ảnh nổi tiếng bị thất vọng, vì sao điện ảnh (và những nhân vật chính trị quan trọng, như thị trưởng) không bao giờ vào bằng cổng trước. Họ được đội an ninh hộ tống theo một lối đi bên hông bí mật dẫn ra khu vực hậu trường. Và trong thế giới này, nơi cuộc đời là một sê ri những vòng tròn đặc quyền nhỏ dần (hay những bàn tròn địa ngục của Dante, tùy thuộc vào cách nhìn của bạn), khu hậu trường trước khi show diễn bắt đầu là nơi duy nhất đáng để có mặt.
Ở góc sau của khu vực này, khuất đằng sau một giá quần áo, Victory Ford đứng một mình, lén lút hút một điếu thuốc. Victory đã bỏ thuốc từ rất lâu rồi. Nhưng thuốc lá là cái cớ duy nhất để có được một lúc riêng tư, cho cô vài giây để tập trung và chuẩn bị cho sáu mươi phút tiếp theo, mà cô phải tham dự vào từng chi tiết cho đến giây phút cuối cùng của show diễn. Nào là đon đả buôn chuyện với những khách hàng nổi tiếng, nào là trả lời vài cuộc phỏng vấn cho báo chí cũng như truyền hình. Cô cau mày, rít một hơi thuốc, muốn tận hưởng giây phút yên bình này. Trước show diễn cô làm việc mười tám tiếng một ngày trong bốn tuần liền. Ấy vậy mà, một tiếng quan trọng tiếp theo đây sẽ trôi qua tựa như một giây. Cô thả đầu lọc thuốc vào ly champagne còn một nửa.
Cô nhìn đồng hồ – một chiếc Baume & Mercier thanh nhã bằng inox trên mặt có hàng kim cương nhỏ xíu – và hít một hơi thật sâu. Sáu giờ năm lăm. Đến tám giờ tối, khi người mẫu cuối cùng đi xong lượt của mình trên sàn diễn và Victory bước ra cúi chào, cô sẽ biết số mệnh của mình trong năm tiếp theo. Hoặc là cô ở trên đỉnh trò chơi; hoặc ở giữa và chấp chới cố sống sót; hoặc dưới đáy, cố gắng giành lại vị thế. Cô biết mình đã mạo hiểm khi làm chương trình này, và cô cũng biết mình không việc gì phải thế. Bất cứ nhà thiết kế nào cũng sẽ tiếp tục bước theo con đường y hệt đã khiến họ thành công vang dội trong ba năm qua, nhưng Victory không làm thế được. Thế dễ dàng quá. Tối nay cô hy vọng cho ngành thời trang thấy một mặt mới ở tài năng của cô, một cách mới cho thấy phụ nữ có thể ăn mặc như thế nào. Cô là, cô chua chát nghĩ, anh hùng, hoặc là một kẻ ngốc.
Cô bước ra từ sau giá quần áo, và ngay lập tức bị ba cô trợ lý xáp lại. Ba cô gái trẻ trung mới ngoài hai mươi, làm việc không biết mệt mỏi như cô. Họ đang mặc quần áo từ bộ sưu tập mới, cầm kẹp hồ sơ và điện đài, mặt mày căng thẳng lo lắng.
Victory bình thản mỉm cười. “Lila,” cô nói với một cô gái, “người đánh trống vào vị trí chưa?”
“Rồi, và Bonnie Beecheck, người chuyên viết mục lượm lặt, đang phát điên lên – cô ta bảo tai cô ta có vấn đề và chúng tôi buộc phải chuyển chỗ cho cô ta.”
Victory gật đầu. Bonnie Beecheck cứ như bà già một triệu tuổi và giống một mụ phù thủy ác độc trong truyện cổ tích Grim – chẳng ai thích cô ta, nhưng không mời cô ta thì đảm bảo cả năm báo toàn đưa tin xấu. “Đổi chỗ cô ta với Mauve Binchely. Mauve muốn được mọi người nhìn thấy chết đi được nên cô ta sẽ không bận tâm chuyện ngồi chỗ nào đâu. Nhưng làm nhanh tay nhé, trước khi có ai đó để ý.”
Lila gật đầu chạy đi, trong khi hai cô còn lại tranh nhau giành sự chú ý của cô. “‘Extra’ muốn được phỏng vấn…”
“Keith Richards đang đến mà mình lại không có chỗ…”
“Và bị thiếu mất bốn đôi giày…”
Victory nhanh chóng giải quyết những vấn đề này. “‘Extra’ có hai phút, hộ tống Keith ra sau hậu trường và giữ chân anh ta ở đó cho đến phút cuối cùng. Giày ở trong hộp dưới bàn trang điểm.” Trấn tĩnh lại, cô tiến lại chỗ đội camera “Extra”, họ đang đứng ngay giữa nhóm người đầy thiện chí, tất cả chỉ muốn chào hỏi. Cô duyên dáng một cách chuyên nghiệp len qua đám đông, cảm thấy như thể mình đang trôi bồng bềnh phía trên cơ thể mình, dừng lại để hôn má chỗ này, đối đáp vài giây chỗ kia, và bắt tay cô con gái mười tuổi vừa khiếp sợ vừa nghiêm nghị của ai đó, mà mẹ con bé quả quyết nó là một fan cực lớn.
Mình hy vọng sau show diễn, nó vẫn là fan, Victory nhạo báng nghĩ, cho phép bản thân một giây thiếu tự tin ngắn ngủi.
Và chỉ giây tiếp theo, đội “Extra” nằm trong sự kiểm soát của cô, và một phụ nữ trẻ tóc đỏ uốn búp đang chĩa một cái micro vào mặt cô. Victory nhìn nét mặt cô kia và gắng hết sức. Sáu năm trả lời phỏng vấn đã dạy cô nhận ra ngay lập tức người phỏng vấn là bạn hay kẻ thù. Và trong khi hầu hết những báo làm chương trình giải trí đều duyên dáng và lịch thiệp như hầu hết các nhân vật nổi tiếng dày dạn, thảng hoặc ta cũng gặp phải một quả táo dở. Victory có thể thấy qua nụ cười khinh khỉnh và gượng ép kia, cô ta cần được xả một nỗi uất ức nào đó. Đôi lúc lý do chỉ đơn giản như là vừa bị bạn trai đá, nhưng thường thì sâu sắc hơn: cảm giác giận dữ cả thế giới xung quanh vì leo lên vị trí hàng đầu ở New York không dễ dàng như mình tưởng.
“Victory,” cô kia quả quyết nói thêm, “chị không phiền nếu tôi gọi chị là Victory chứ?” Một giọng tỏ ra có học thức đầy chủ ý khiến Victory hiểu chắc hẳn cô gái này coi mình cao hơn thời trang. “Chị bốn mươi hai tuổi…”
“Bốn mươi ba,” Victory nói, chỉnh lại cho cô kia. “Tôi vẫn còn có sinh nhật.” Cô đã đúng – bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng câu hỏi tuổi tác là một hành động thể hiện công khai thù địch.
“Vậy mà chị chưa lập gia đình cũng chưa có con. Sự nghiệp thật sự có đáng để chị từ bỏ hôn nhân và con cái không?”
Victory bật cười. Tại sao dù một phụ nữ có đạt được gì trên thế giới này, nếu cô ta chưa kết hôn và chưa có con, thì vẫn bị coi là thất bại nhỉ? Câu hỏi của cô kia không thích hợp một chút nào, căn cứ vào hoàn cảnh này, và cực kỳ bất kính. Vì cô gái này thì biết gì về những thói đỏng đảnh của cuộc đời và những gì mà cô đã phải vật lộn và hy sinh để được như bây giờ – một nhà thiết kế thời trang được công nhận trên toàn thế giới, có công ty riêng – một thành công chắc hẳn lớn hơn rất nhiều những thứ mà cái ả khó ưa này có thể từng đạt được. Nhưng Victory khôn ngoan hiểu rằng mình không nên cáu. Nếu cô nổi đóa lên, chuyện này sẽ xuất hiện trên tivi, rồi chắc lên cả vài chuyên mục lượm lặt trên báo nữa.
“Mỗi sáng khi thức giấc,” Victory cất lời, kể câu chuyện mà trước đây cô đã kể cho các phóng viên không biết bao nhiêu lần (nhưng dù vậy, có vẻ không ai hiểu được cả), “tôi nhìn quanh và dỏng tai lắng nghe. Tôi chỉ có một mình, và tôi nghe… sự im lặng.” Cô kia ném cho cô một cái nhìn thông cảm. “Nhưng gượm đã,” Victory nói, giơ một ngón tay lên. “Tôi nghe… sự im lặng. Rồi chầm chậm nhưng rõ ràng, một niềm hạnh phúc lan tỏa khắp cơ thể tôi. Niềm vui. Và tôi cám ơn Chúa vì bằng cách nào đó, tôi vẫn còn được tự do. Tự do tận hưởng cuộc đời tôi và sự nghiệp của tôi.”
Cô kia cười căng thẳng. Cô ta giật giật tóc.
“Là một phụ nữ mà nói dối thì quá đáng quá, chả phải ư?” Victory hỏi. “Tự nhủ rằng mình muốn những thứ mà xã hội bảo mình nên muốn. Phụ nữ nghĩ rằng sống sót phụ thuộc vào việc tuân theo. Nhưng đối với một số phụ nữ, tuân theo đồng nghĩa với cái chết. Nó là cái chết đối với tâm hồn. Tâm hồn,” cô nói, “là thứ quý giá. Khi sống một cuộc đời dối trá, ta hủy hoại tâm hồn mình.”
Cô gái ngạc nhiên nhìn Victory, và rồi, cau mày đồng tình, bắt đầu gật đầu thật lực khi đột nhiên họ bị một trợ lý của Victory làm gián đoạn. Cô này phấn khích nói vào điện đàm. “Jenny Cadine đến rồi. ETA của cô ấy ba phút…”
***
Wendy Healy đẩy kính lên sống mũi và bước xuống chiếc Cadillac Escalade, nhìn đám paparazzi lúc này đang vây quanh chiếc SUV. Dù ở trong tình huống này bao nhiêu lần chăng nữa, cô chưa bao giờ thôi ngạc nhiên làm cách nào họ luôn có thể tìm được ngôi sao điện ảnh. Họ có thể ngửi được sao như chó săn vậy. Dù đã làm trong ngành điện ảnh này rất nhiều năm, cô vẫn không thể hiểu nổi bằng cách nào các sao có thể xử lý được sự chú ý, và biết mình sẽ không bao giờ làm được (hay quan trọng hơn, muốn làm). Dĩ nhiên, ở vị trí của cô, cô không phải làm vậy. Cô là chủ tịch Parador Pictures, một trong những phụ nữ quyền lực bậc nhất trong ngành điện ảnh, nhưng với đám nhiếp ảnh thì cô có thể chỉ là trợ lý của ai đó.
Wendy quay lưng lại với chiếc SUV, vô tình kéo mạnh chiếc jacket Armani của mình. Cô luôn mặc quần áo Armani đen, và đột nhiên cô nhận ra mình thực sự đã không đi mua sắm hai năm rồi. Đây chắc chắn là chuyện không thể tha thứ được. Nhất là khi một trong những bạn thân nhất của cô là nhà thiết kế thời trang Victory Ford. Lẽ ra cô nên ăn diện cho sự kiện này. Nhưng cô vừa từ văn phòng tới, và với công việc cùng ba đứa con và một người chồng thỉnh thoảng cũng như trẻ con, cô phải từ bỏ gì đó, và đó là thời trang. Và thể thao. Và ăn uống có lợi cho sức khỏe. Nhưng thế thì đã sao. Phụ nữ đâu thể làm tất cả mọi việc. Điều quan trọng nhất là cô có mặt ở đây, và như cô đã hứa với Victory vài tháng trước, mang theo Jenny Cadine.
Đám thợ chụp ảnh chen lấn nhau lại gần chiếc SUV, khi vài nhân viên an ninh bước trước, cố đẩy đám đông phấn khích lại, mà dường như chỉ sau một giây là phình to thêm. Đại diện báo chí riêng của Jenny, một phụ nữ trẻ vẻ mặt khó chịu tên chỉ có một từ duy nhất – Domino – từ chiếc SUV chui ra. Domino mới hai mươi sáu, nhưng đã có được phong cách đừng-có-đùa-với-tôi mà bọn đàn ông tứ chi phát triển thường có, kèm với chất giọng khàn khàn cho thấy cô ta đã ăn đinh vào bữa sáng. “Họ bảo, ‘Lùi lại!’” cô quát, nhìn xuống đám đông.
Và rồi Jenny Cadine xuất hiện. Cô ta, Wendy nghĩ, thậm chí khi gặp trực tiếp còn đẹp đến ngỡ ngàng hơn cả trong ảnh, nếu một việc như vậy có thể xảy ra. Ảnh luôn nhấn vào những nét hơi mất cân đối của cô, vào cả cái chóp mũi hơi phình ra của cô. Nhưng khi gặp trực tiếp, những khuyết điểm này bị xóa đi bằng một phẩm chất mơ hồ khiến ta không thể không nhìn cô. Cứ như thể cô sở hữu một nguồn năng lượng riêng nâng cô lên từ bên trong. Và việc cô cao 1m75, tóc nhạt màu, có màu đỏ hơi vàng của trái dâu tây chưa-chín-hẳn thì chẳng có gì là quan trọng cả.
Cô mỉm cười với đám chụp ảnh, trong khi Wendy đứng tránh sang bên mà ngắm cô. Người ngoài ngành lúc nào cũng băn khoăn quen biết một tạo vật như thế thì sẽ thế nào, và cho rằng lòng ghen tị sẽ khiến tình bạn không thể nảy nở. Nhưng Wendy đã quen Jenny gần mười lăm năm, khi cả hai mới bắt đầu sự nghiệp. Và mặc dù cô kia rất giàu có và nổi tiếng, cô chưa bao giờ nghĩ đến chuyện hoán đổi vị trí với cô ấy. Ở Jenny có gì đó bất thường – cô không bao giờ quá đáng hay kiêu căng, cũng không thô lỗ hay ích kỷ. Nhưng ở cô có gì đó tách biệt, như thể cô không có linh hồn. Jenny là một trong những ngôi sao của cô, và Wendy biết họ có thể thân thiết với nhau như Jenny thân với bất kỳ ai. Nhưng họ không phải bạn bè thực sự, như kiểu cô với Victory hay Nico O’Neilly.
Đội an ninh cố tạo được một khoảng trống nhỏ phía trước để họ có thể đi một đoạn ngắn về phía cửa bên của rạp. Jenny mặc bộ áo vest với quần dài màu nâu, ống quần hơi loe ra và khoác thêm một chiếc áo gió bên ngoài và Wendy quyết định đây là bộ quần áo đẹp nhất cô từng thấy. Nó nằm trong bộ sưu tập mới của Victory. Và Wendy biết Victory đã đặc biệt thiết kế bộ này cho Jenny, và rằng Jenny đã đến xưởng của Victory vài lần để thử. Nhưng ba tuần vừa rồi Victory bận đến nỗi Wendy không thể nói chuyện được với cô về bộ quần áo, hay cô ấy nghĩ gì về Jenny. Tuy vậy, cô có thể hình dung Vic sẽ nói gì. Mặt nhăn nhó như một đứa trẻ, cô ấy sẽ nói, “Cậu biết gì không, Wen, Jenny là một cô gái rất tuyệt. Nhưng mình không thực sự coi cô ta là ‘tốt’ được. Cô ta chắc chắn tính toán hơn bọn mình – có khi còn tính toán hơn cả Nico ấy.” Và rồi họ cười phá lên. Vì họ luôn đồng tình rằng Nico là người phụ nữ tính toán nhất ở thành phố này. Cô ấy là một bậc thầy. Và điều tuyệt vời về Nico là ta không bao giờ hiểu cô có mưu đồ gì. Tất cả những gì ta biết là bất thình lình ta chết chắc.
Chính Nico là người nghĩ ra ý tưởng mời Jenny Cadine đến dự show thời trang của Victory. Việc này khiến Wendy hơi xấu hổ vì không tự nghĩ ra được. “Thật hoàn hảo,” Nico nói, theo cái kiểu trơn tru, dịu dàng của cô khiến mọi thứ phát ra từ miệng cô đều có vẻ đúng tuyệt đối. “Jenny Cadine là ngôi sao điện ảnh quan trọng nhất, và Victory là nhà thiết kế quan trọng nhất. Hơn nữa,” cô nói, “Jenny thường hay mặc đồ của nhà thiết kế nam. Tớ có cảm giác dưới cái vẻ hào nhoáng bề ngoài, cô ta là người theo chủ nghĩa nữ quyền, nhất là khi cô ta chia tay với Kyle Unger,” cô nói thêm, nêu tên ngôi sao đóng phim hành động-phiêu lưu đã công khai đá Jenny trên một talk show đêm muộn. “Nếu là tớ thì tớ sẽ kích động cái mặt nữ quyền này của cô này. Mặc dù chắc cậu không nhất thiết phải làm như vậy. Gu đàn ông của cô này không ổn lắm, nhưng gu quần áo thì tuyệt vời.”
Tất nhiên, Nico đã nói đúng. Còn Jenny đã nhảy tớn lên khi có cơ hội được mặc quần áo do Victory thiết kế và tham dự show thời trang, nơi sự hiện diện của cô ta sẽ đảm bảo khiến công chúng để ý đến Victory hơn. Và giờ đây, ngắm nhìn Jenny nhẹ nhàng lướt qua đám nhiếp ảnh (cô ta có kiểu chấp nhận sự hiện diện của họ trong khi vẫn tỏ ra tự nhiên hoàn toàn, như thể cô ta chẳng phải đang bị chụp ảnh gì hết), Wendy hy vọng rằng sự xuất hiện của Jenny là dấu hiệu cho thấy buổi diễn của Victory sẽ thành công. Mặc dù chưa bao giờ công nhận với bất kỳ ai, Wendy khá mê tín, và vì Victory, cô thậm chí đã mặc bộ đồ lót may mắn của mình – một bộ Fruit-of-the-Looms to đùng màu trắng rách tả tơi đáng xấu hổ, mà tình cờ cô đã mặc khi một trong những bộ phim của cô được đề cử giải Oscar lần đầu tiên năm năm trước.
Jenny bước vào rạp với Wendy theo sát sau. Thả một tay sang bên, Wendy nhanh chóng bắt chéo ngón tay. Cô hy vọng show diễn của Victory sẽ hoành tráng. Không ai xứng đáng điều đó hơn.
***
Vài phút sau, đúng bảy giờ mười lăm phút, một chiếc Town Car đen mới toanh cửa kính màu đỗ xịch trước cổng vào rạp trên Đại lộ 6. Tay tài xế mặc đồ vest kẻ sọc, tóc đen vuốt ngược ra sau đi vòng ra sau mở cửa xe.
Nico O’Neilly bước ra. Mặc quần màu bạc cùng áo nhún bèo, khoác áo jacket lông chồn màu đỏ có ánh vàng gần giống với màu tóc, không thể nghi ngờ gì nữa Nico O’Neilly là một nhân vật nổi tiếng. Từ khi còn nhỏ, Nico đã là người toát ra vẻ quan trọng khiến người khác tự hỏi cô là ai. Và khi nhìn lần đầu tiên, với mái tóc đẹp đến sững sờ và trang phục lộng lẫy, ta rất dễ nghĩ cô là diễn viên điện ảnh. Quan sát gần hơn, ta nhận ra Nico không hẳn là đẹp. Nhưng cô đã biết tận dụng tối đa những gì tự nhiên ban cho mình. Và khi sự tự tin và thành công tạo ra vẻ đẹp kiểu của riêng nó ở một phụ nữ, mọi người đều thống nhất rằng Nico O’Neilly đẹp kinh người.
Cô cũng cực kỳ đúng giờ. Biết rằng show thời trang của Victory đến bảy rưỡi mới bắt đầu, cô đã tính toán chắc chắn sao cho mình không bị trễ, nhưng cũng không thừa một phút nào để phải chờ đợi show diễn bắt đầu. Là tổng biên tập tạp chí Bonfire (và là một trong những phụ nữ quan trọng nhất của ngành xuất bản, theo tờ Time), Nico O’Neilly được đảm bảo ngồi ghế hàng đầu trong bất kỳ show thời trang nào cô chọn tham dự. Nhưng việc ngồi ở những ghế đó, cách sàn diễn chừng vài phân, sẽ biến ta thành đối tượng dễ bị nhòm ngó. Đám nhiếp ảnh và quay phim lùng sục trên sàn như lợn săn tìm nấm cục. Và bất cứ ai cũng có thể tiến tới bắt chuyện với ta, từ chuyện mời dự tiệc hay đề nghị gặp mặt làm ăn, hoặc đơn giản chỉ là muốn buôn chuyện. Lúc nào Nico cũng ghét những tình huống như thế vì cô không giỏi màn chuyện trò lắm, không hề giống như Victory. Cô này trong vòng hai phút có thể nói chuyện với thợ sửa ôtô về con cái của ông. Vì thế mọi người thường nghĩ cô là kẻ hợm hĩnh hay xấu tính, và không có khả năng ăn nói. Nico thì không thể giải thích được rằng thực ra không phải thế. Khi đối diện với khuôn mặt hăm hở, thiết tha của một người lạ, Nico đờ hết cả ra, không biết họ thực sự muốn gì, tin rằng mình không có khả năng làm được gì cho họ. Ấy vậy mà, khi đụng tới công việc và công chúng nói chung, cô thật siêu phàm. Cô biết công chúng chung thích gì – chỉ có công chúng riêng mới làm cô lúng túng.
Đây rõ ràng là khiếm khuyết của cô. Nhưng ở tuổi bốn mươi hai, cô đã hiểu cứ mãi vật lộn với bản thân thì chẳng ích gì và chấp nhận rằng mình không hoàn hảo thì dễ dàng hơn nhiều. Tốt nhất là nên hạn chế tối thiểu những tình huống khó chịu và tiến lên. Và vậy là, nhìn đồng hồ và biết rằng giờ đã bảy giờ hai mươi, nghĩa là cô chỉ phải ngồi ở cái chỗ dễ bị săm soi kia trong mười phút. Sau đó mọi con mắt sẽ đổ dồn lên sàn diễn, cô bắt đầu bước lên bậc thềm.
Ngay lập tức cô bị hai tay chụp ảnh tiếp cận. Họ có vẻ ló ra từ sau một cái bình lớn để chụp ảnh cô. Kể từ lúc trở thành tổng biên tập của tờ Bonfire danh tiếng (và vô vị) sáu năm trước, và biến nó thành một cuốn kinh thánh hào nhoáng của văn hóa pop cho giới giải trí, truyền thông, và chính trị, sự kiện nào cô tham dự, cô cũng được người ta chụp ảnh. Lúc đầu, không biết phải làm gì, cô đứng mẫu cho mấy tay chụp ảnh. Nhưng rồi cô nhanh chóng nhận ra rằng việc đứng trước một hàng đèn flash mà cố gắng tỏ ra tự nhiên (hay như thể là đang thích thú) sẽ không bao giờ là sở trường của cô. Trên hết, Nico không bao giờ muốn bị kẹt trong sự hiểu nhầm nguy hiểm đã lan khắp cái thành phố này – rằng nếu ta được chụp ảnh thì hẳn ta phải là một ai đó. Cô đã thấy chuyện này xảy ra với quá nhiều người làm cùng nghề với cô. Họ bắt đầu nghĩ mình là người nổi tiếng, và cơ hồ ngay lập tức, họ lo làm ngôi sao còn hơn lo làm việc. Rồi họ chẳng còn tập trung được nữa, bị sa thải và, như chuyện vừa mới xảy đến với một người cô quen, phải chuyển tới Montana.
Nơi không một ai nghe đến anh ta lần nào nữa.
Và vì vậy, Nico đã quyết định rằng nếu mình không thể tránh cánh nhiếp ảnh, cô cũng không việc gì phải tạo dáng cho họ. Thay vào đó, cô chỉ cứ thế lo chuyện của mình, cư xử như thể đám chụp ảnh không hề tồn tại. Hậu quả là trong mọi bức ảnh chụp Nico O’Neilly, cô lúc nào cũng trong trạng thái di chuyển. Đi từ Town Car đến rạp hát, vội vàng sải bước trên thảm đỏ, thường chỉ chụp nghiêng được mặt cô khi cô vụt bước qua. Đương nhiên, việc này khiến quan hệ với báo chí không suôn sẻ lắm. Và trong một thời gian, họ đã gọi cô là đồ xấu tính. Nhưng nhiều năm cư xử nhất quán (“Nhất quán,” Nico luôn nói, “là người hầu gái của thành công”) đã khiến cô được tưởng thưởng. Và giờ việc Nico từ chối không đứng chụp lại được xem là kiểu khác người quyến rũ, một nét đặc biệt trong cá tính của cô.
Cô vội băng qua hai tay thợ chụp ảnh và cánh cửa Pháp, nơi cả đống paparazzi đang đứng sau một sợi dây nhung. “Nico đến kìa!” ai đó kích động hét lên. “Nico! Nico O’Neilly!”
Thật là ngớ ngẩn hết biết, Nico nghĩ, nhưng cũng không khó chịu lắm. Thực ra, việc thấy họ lại sung sướng đến vậy khi nhìn thấy cô khiến cô ấm lòng. Dĩ nhiên là cô đã gặp họ bao năm nay rồi, vàBonfire đã mua ảnh của hầu hết bọn họ. Cô mỉm cười vui vẻ với họ khi đi qua, vừa vẫy tay vừa gọi, “Chào mọi người.”
“Này Nico, cô đang mặc đồ của ai thiết kế thế?” một phụ nữ vui vẻ với mái tóc ngắn màu vàng gọi to. Cô này chắc hẳn chụp ảnh đã hơn hai chục năm,
“Victory Ford,” Nico nói.
“Tôi biết mà!” người phụ nữ kia thỏa mãn nói. “Cô ấy luôn mặc đồ của Ford.”
Hầu hết đám đông đã ở trong Đình tạ, cái rạp lớn nơi show thời trang của Victory sẽ diễn ra. Vì vậy Nico có thể thoải mái đi qua sợi dây nhung. Tuy nhiên, bên trong Đình tạ là một chuyện khác. Chỗ ngồi tám hàng cao đến gần đỉnh rạp, và ngay phía trước sàn diễn còn có thêm nhiều chỗ ngồi tách riêng ra bởi một hàng lan can bằng kim loại thấp ở phía sau nơi hàng trăm thợ chụp ảnh đứng, nhắm tìm vị trí chụp. Còn trên sàn diễn, phủ nilông, cảnh tượng hệt như một bữa tiệc cocktail khổng lồ. Trong không khí có một sự phấn khích như lễ hội, khi những người không gặp nhau kể từ bữa tiệc lớn gần đây nhất ở Hamptons chào hỏi nhau như thể họ ly biệt hàng bao năm trời rồi. Tâm trạng đó rất dễ lan truyền, nhưng Nico hãi hùng nhìn đám đông. Làm thế nào cô len qua nổi đây?
Trong một giây, cô đã nghĩ đến chuyện ra về, nhưng nhanh chóng từ bỏ ý định đó. Victory Ford là bạn thân nhất của cô. Cô sẽ phải đánh nhau mà len qua đám đông kia và hy vọng vào điều tốt lành nhất thôi.
Như thể cảm nhận được nỗi khổ sở của cô, một phụ nữ trẻ đột nhiên xuất hiện cạnh cô. “Chào chị Nico,” cô ta vui vẻ nói, như thể họ là bạn cũ. “Tôi chỉ cho chị chỗ của chị nhé?” Nico khoác lên bộ mặt tiệc tùng đẹp đẽ nhất – một nụ cười gượng gạo, cứng đơ – và đưa cho cô kia thiệp mời của mình. Cô kia bắt đầu len qua đám đông. Một tay chụp ảnh giơ máy lên chụp cô, vài người cô quen vẫy tay nhiệt tình và chìa tay ra để bắt tay cô hoặc hôn gió. Nhân viên an ninh đang quát tháo một cách vô vọng với đám đông, cố bắt mọi người ngồi xuống chỗ của mình. Sau vài phút, Nico và người hộ tống cô đến được giữa sàn diễn, nơi cuối cùng Nico nhìn thấy chỗ của mình. Tên cô, Nico O’Neilly, được in trên tấm card trắng có khung rất quái dị vẽ nhãn hiệu của Victory Ford.
Nico duyên dáng ngồi xuống.
Ngay lập tức, có một đám thợ ảnh phía trước cô, tanh tách chụp. Cô nhìn về phía trước sang một bên sàn diễn, có vẻ gọn gàng hơn bên cô rất nhiều – ít nhất mọi người cũng đã ngồi xuống chỗ của họ. Cả hai chiếc ghế ở hai bên cô đều còn trống. Khi quay đầu, cô nhìn thấy Lyne Bennet, ông trùm mỹ phẩm. Nhìn thấy ông ta khiến Nico thầm mỉm cười. Không phải là Lyne không có lý do chính đáng để có mặt ở một show diễn thời trang, nhất là khi mỹ phẩm, nước hoa và thời trang quá liên đới tới nhau. Chỉ có điều, Lyne là một doanh nhân hách dịch khét tiếng. Cô không thể tưởng tượng nổi ông ta lại quan tâm tới quần áo phụ nữ. Chắc hẳn ông ta có mặt ở đây để ngắm nghía người mẫu, một thú vui mà rất ít doanh nhân lớn nào ở New York có khả năng cưỡng lại nổi. Ông ta vẫy tay, và cô giơ tờ chương trình của mình lên gật đầu chào lại.
Cô thở dài và sốt ruột nhìn đồng hồ. Đã gần bảy rưỡi, và đám nhân viên vẫn chưa dỡ lớp lớp nilông trên sàn diễn – tín hiệu cho thấy show diễn sắp sửa bắt đầu. Cô liếc sang phía phải xem ai ngồi cạnh mình, và sung sướng khi thấy tấm card đề “Wendy Healy,” bạn thân của cô. Thế này hay quá – cô đã không gặp Wendy ít nhất cả tháng rồi, từ hồi giữa hè, trước khi cả hai gia đình đi nghỉ. Wendy đã đi Maine, địa điểm nghỉ hè mới hấp dẫn của dân làm phim, nơi được coi là chẳng có gì để làm và chỉ có thiên nhiên mà thôi. Dẫu vậy Nico đoán rằng không dân Hollywood tự trọng nào lại chịu ở trong một ngôi nhà có ít hơn sáu phòng ngủ và ít nhất một đến hai người phục vụ dù là ở miền Đông Bắc hoang dã. Nico đã đưa gia đình mình đi trượt tuyết ở Queenstown, New Zealand. Seymour, chồng cô, đã chỉ ra rằng nơi này tách xa khỏi văn minh nhất mà lại không hoàn toàn từ bỏ sự văn minh. Tuy vậy, họ vẫn gặp phải vài người quen, như là một thứ nhắc nhở rằng, dù ta có đi du lịch xa đến đâu chăng nữa, ta cũng không bao giờ thực sự thoát khỏi New York…
Cô sốt ruột nghịch tờ chương trình, đoán xem sự chậm trễ này có phải do Jenny Candine gây ra không. Cô này ngồi phía bên kia của Wendy. Dường như ngôi sao điện ảnh là một ác quỷ cần thiết của cuộc sống hiện đại, cô nghĩ, và lơ đãng nhìn cái card ghi tên bên trái mình, đột nhiên cô đờ cả người.
“Kirby Atwood,” nó viết.
Cô vội quay đầu đi, đồng thời thấy choáng váng, tội lỗi, kích động, và bối rối. Đây là tình cờ ư? Hay cố ý? Ai đó biết chuyện cô và Kirby Atwood? Nhưng không thể thế được. Chắc chắn cô không kể với một ai, và cô không thể tưởng tượng nổi Kirby có thể làm thế. Thậm chí cô đã không nghĩ đến anh ta ít nhất cả tháng rồi. Nhưng giờ nhìn thấy tên anh ta thì những giây phút trong phòng vệ sinh câu lạc bộ đêm Bungalow 8 đột nhiên quay về.
Chuyện đó xảy ra cách đây ít nhất là ba tháng, và cô không hề nói chuyện hay nhìn thấy anh ta kể từ lúc đó. Kirby Atwood là một người mẫu nổi tiếng, cô đã gặp tại một buổi tiệc do Bonfire tài trợ. Cô đang đứng một mình ở quầy bar thì Kirby tiến lại chỗ cô và mỉm cười. Anh ta đẹp trai kinh hoàng. Ngay lập tức cô lờ anh ta đi, nghĩ anh ta nhầm mình với ai đó – ai đó có thể giúp đỡ sự nghiệp của anh ta. Và rồi, khi cô ngồi ở bàn VIP, nhìn đồng hồ và tự hỏi bao lâu nữa thì về được mà không có vẻ bất lịch sự, Kirby ngồi xuống cạnh cô. Anh ta dễ thương vô cùng, và đã gọi cho cô một ly. Rồi sau khi nói chuyện với anh năm phút, cô bắt đầu nghĩ không biết làm tình với anh ta thì thế nào. Cô cho rằng Kirby sẽ không bao giờ quan tâm. Nhưng một phụ nữ không thể nói chuyện với một người đàn ông như Kirby mà lại không ham muốn anh. Cô biết mình đang ở trên địa hạt nguy hiểm, và không muốn mạo hiểm biến mình thành con ngốc, vì thế cô đứng dậy đi vào phòng vệ sinh. Và Kirby theo sau cô. Đi thẳng vào phòng vệ sinh và vào buồng của cô!
Nghe thật đáng khinh, nhưng lúc ở trong buồng vệ sinh là một trong những giây phút tuyệt vời nhất đời cô. Hàng bao tuần sau cô vẫn nghĩ đến nó. Mái tóc đen của anh trông thế nào trên vầng trán, màu đôi môi đầy đặn của anh (đỏ tươi, chỗ môi giao với da thì sậm màu hơn, như thể anh kẻ đường môi), và cảm giác đôi môi đó trên miệng mình thế nào. Mềm mại, trơn, và ướt. (Chồng cô, Seymour, luôn chu miệng lại và hôn những nụ hôn nhỏ khô khan.) Cô có cảm giác như thể cả khuôn mặt mình được đôi môi ấy phủ lên – chân cô bải hoải khuỵu ra. Và cô không thể tin nổi mình vẫn cảm thấy như thế. Đã bốn mươi hai tuổi đầu rồi! Như một đứa nhóc tuổi teen…
May mắn là không có gì xảy ra sau đó. Kirby đã cho cô số điện thoại của anh ta, nhưng cô không bao giờ gọi. Ngoại tình với một người mẫu đồ lót thì thật là lố bịch. Đương nhiên, ít nhất một nửa giám đốc nam có gia đình ở Splatch-Verner ngoại tình, và hầu hết đều không buồn che đậy. Và cô công khai tỏ rõ cô thấy hành vi của họ là đáng tởm…
Nhưng lúc này cô phải làm gì đây, giữa chốn đông người, nơi mọi con mắt nhìn vào, trước nửa thành phố New York? Cô có nên cư xử như thể không biết anh ta? Nhưng nhỡ anh ta lôi chuyện đó ra thì sao? Hay tệ hơn, nếu anh ta không nhớ thì sao? Victory, vẫn còn độc thân, sẽ biết ngay phải xử lý thế nào – chắc chắn cô ấy đã rơi vào những tình huống như thế này suốt rồi. Nhưng Nico đã ở bên cùng một người đàn ông hơn mười bốn năm trời. Và khi ta ở với ai đó lâu như thế, ta mất khả năng xử lý những tình huống lãng mạn với những người đàn ông khác.
Đây không phải là một tình huống lãng mạn, cô nghiêm khắc nhắc nhở mình. Cô sẽ chào Kirby như thể có quen biết anh ta sơ sơ (mà thực sự là thế), và cô sẽ xem show thời trang rồi về nhà. Sẽ tuyệt đối tự nhiên và trong sạch.
Nhưng rồi Kirby xuất hiện trước mặt cô.
“Chào!” anh kêu lên, to và nhiệt tình, như thể anh ta còn hơn cả bất ngờ thú vị được gặp cô. Cô ngước lên, định giữ một nét mặt thờ ơ, lạnh nhạt. Nhưng ngay khi nhìn thấy anh, tim cô bắt đầu đập thình thịch và cô chắc chắn mình cười giống hệt một đứa nữ sinh ngớ ngẩn.
“Em làm gì ở đây thế?” anh vừa hỏi vừa ngồi xuống cạnh cô. Các ghế kê chật sát vào nhau, vì vậy gần như không có cách nào ngồi cạnh anh mà tay họ không chạm nhau. Cô cảm thấy choáng váng vì kích thích.
“Victory Ford là bạn thân của tôi.”
Kirby gật đầu. “Tôi ước gì mình biết điều đó. Không thể tin nổi là tôi đang được ngồi cạnh em. Tôi đã tìm em khắp nơi.”
Nico kinh ngạc đến nỗi không biết phải nói gì. Và khi nhìn quanh để xem có ai đang quan sát họ không, cô quyết định có lẽ tốt nhất là không nên nói gì cả.
Cô gật đầu, và khi lén nhìn mặt anh ngay lập tức cô nhớ đến nụ hôn của họ. Cô bắt chéo chân, bắt đầu cảm thấy kích động.
“Em không gọi cho tôi,” anh tự nhiên nói. Giọng anh khiến cô nghĩ anh bị tổn thương thực sự. “Còn tôi thì không thể gọi cho em được.”
Cô quay đầu đi, hy vọng làm như vẻ họ chỉ đang trò chuyện bình thường. “Sao lại không?” cô nói.
Anh nghiêng người lại gần hơn và chạm vào đùi cô. “Nghe này,” anh nói. “Thật là ngu xuẩn. Tôi biết em là ai – ý tôi là, tôi biết em nổi tiếng và các thứ – nhưng tôi không nhớ nổi em làm việc ở đâu.”
Nét mặt anh vừa có vẻ xấu hổ vừa khoái trá. Như thể anh không có lựa chọn nào khác ngoài việc vui vẻ với sự ngu xuẩn của chính mình, và hy vọng cô cũng thế. Nico mỉm cười, đột nhiên cảm thấy một niềm hy vọng dâng trào. Nếu Kirby thực sự không biết cô là ai, có thể anh ta thực lòng quan tâm đến cô.
“Tạp chí Bonfire,” cô thì thầm từ một bên khóe miệng.
“Đúng rồi. Tôi biết tờ đó,” Kirby nói. “Nhưng tôi không nhớ nổi. Mà tôi không muốn hỏi ai cả vì họ sẽ nghĩ tôi thực sự ngớ ngẩn.”
Nico thấy mình đang gật đầu tỏ vẻ thông cảm. Như thể cô vẫn thường ở trong tình huống tương tự và hoàn toàn hiểu cảm giác của anh.
Một tay chụp ảnh nhảy ra phía trước họ và chụp ảnh. Nico vội quay đầu đi. Cô không hề muốn chuyện này xảy ra – một tấm ảnh chụp cô với Kirby Atwood. Cô phải thôi đong đưa với anh ngay, cô kiên quyết nhắc nhở mình. Nhưng Kirby không phải là loại thanh niên giỏi che giấu cảm xúc. Anh tự nhiên chạm vào chân cô lần nữa để cô chú ý tới anh. “Tôi cứ nghĩ mãi đến chuyện sẽ gặp lại em,” anh nói, tiếp tục câu chuyện. “Và rồi chúng ta có thể… Ừm, em biết đấy,” anh nói, bằng một cái nhún vai quyến rũ. “Ý tôi là, tôi chỉ mới gặp em và tôi thích em, em biết đấy? Và tôi chưa bao giờ thích nhiều người cả. Ý tôi là, tôi biết rất nhiều người, nhưng tôi không thực sự thích họ…”
Cô liếc qua Lyne Bennet. Ông này đang tò mò nhìn chòng chọc vào cô và Kirby, chắc hẳn đang băn khoăn cô nói chuyện gì với một người mẫu nam. Cô phải dừng ngay chuyện này lại.
“Tôi biết chính xác ý anh là gì,” cô thì thầm, mắt nhìn thẳng.
“Và bây giờ, tôi ngồi đây, cạnh em trong một show thời trang,” Kirby kêu lên. “Từ đó… từ gì nhỉ? Định…?”
“Định mệnh,” Nico nói. Cô cựa quậy trên ghế. Từ này đột nhiên khiến cô nhìn thấy việc không thể tránh khỏi. Mình sẽ ngủ với Kirby Atwood, cô cuồng dại nghĩ. Cô không biết khi nào chuyện đó sẽ xảy ra, hay ở đâu. Cô chỉ biết nó sẽ xảy ra. Cô sẽ chỉ làm một lần và không kể với ai, sẽ không bao giờ làm lại lần nữa.
“Đúng rồi. Định mệnh,” Kirby lặp lại. Anh mỉm cười với cô. “Tôi thích điểm đó ở em,” anh nói. “Em thông minh. Em biết các từ. Hầu hết mọi người chả biết từ ngữ gì nữa. Em có nhận thấy điều đó không?”
Cô gật đầu, cảm thấy mặt mình đỏ lên. Cô hy vọng không ai để ý. Thật may mắn là trong rạp khá nóng, vì vậy nỗi khổ sở của cô sẽ không có vẻ bất thường. Cô muốn dùng tờ chương trình quạt cho mát giống như vài người đang làm – một cách chủ ý, tỏ vẻ khó chịu vì show diễn muộn – nhưng cô quyết định thế sẽ không đàng hoàng lắm.
Như thể cảm nhận được sự bồn chồn, một tay trống gõ một nhịp, và những tay trống khác ngồi ở hàng đầu hai bên sàn diễn cũng gõ theo. Có một chuyển động nhỏ, và Jenny Cadine, bao quanh bởi bốn nhân viên an ninh, đi ra từ sau lớp màn ngăn giữa sàn diễn và phần hậu trường, ngồi xuống chỗ của mình, với Wendy theo sau.
Tiếng trống lớn hơn khi Wendy ngồi xuống và bắt đầu kể với Nico chuyện mấy con muỗi ở Maine. Hai nhân viên nhanh chóng cuộn lớp trải nilông lên. Đèn trên sàn diễn được bật lên sáng lóa cả mắt, và bất thình lình, người mẫu đầu tiên xuất hiện.
Cô ta mặc một chiếc jacket ngắn màu đỏ tía có cổ sắc nhọn kèm với chiếc váy xanh lá cây dài đến tận mắt cá chân và ý nghĩ đầu tiên của Nico là hai màu này khi đi cùng với nhau khá chóe. Nhưng trông nó thật hợp lý – mạo hiểm, nhưng nhã nhặn – như thể hai màu này được đặt cạnh nhau là chuyện hoàn toàn tự nhiên. Nhưng sau đó, cô bị lơ đãng. Nico luôn tự hào mình có khả năng phân biệt, kiểm soát tâm trí và tập trung vào những vấn đề – hay con người – sắp xảy ra. Nhưng lần này, sự tập trung nổi tiếng của cô có vẻ bị thất bại. Cô đăm đăm nhìn người mẫu vừa đi qua, cố nhớ những chi tiết trên bộ quần áo để sau đó có thể nói chuyện với Victory, nhưng não cô từ chối hợp tác. Tiếng trống đang nện tan đi sự chống cự trong cô. Và tất cả những gì cô có thể nghĩ đến là Kirby và cảm giác thú vị khi bị đánh bại.